Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Chiếc xe của Thần Chết - Selma Lagerlöf (chương 5)

Selma Lagerlöf

Chiếc xe của Thần Chết

Ngọc Thọ dịch

5

Cô xơ bé nhỏ tội nghiệp đang hấp hối, cảm thấy mỗi lúc một yếu đi. Nàng không đau đớn, nhưng nàng cố chống lại sự mệt mỏi và cái chết, như trước kia khi đang chăm sóc người ốm, nàng thường chống lại cơn buồn ngủ. “Ôi! Giá được nằm nghỉ thì thích biết mấy, nhưng chưa thể nghỉ được”, lúc ấy nàng đã nói với cơn buồn ngủ như vậy, và nếu nàng vẫn phải chợp mắt đi một lát, nàng cũng nhanh chóng thức dậy để trở lại với nhiệm vụ của mình.
Bây giờ nàng thấy như là đang ở một nơi nào đó, trong một căn phòng rộng mát mẻ mà không khí vô cùng tinh khiết và êm nhẹ sẽ thật ngọt ngào cho buồng phổi ốm đau tội nghiệp của nàng. Trong căn phòng ấy, người ta đang sửa soạn cho nàng một cái giường rộng và sâu với những chiếc gối mềm mại êm ái. Nàng biết là người ta sửa soạn cái giường này cho nàng, và nàng sốt ruột muốn được khỏi mệt mỏi vô hạn đang làm tình làm tội nàng. Nhưng nàng có cảm tưởng nếu nằm xuống, nàng sẽ ngủ say đến nỗi sẽ không còn thức dậy nữa. Vậy là nàng tiếp tục đẩy lùi sự cám dỗ của sự nghỉ ngơi. Nàng chưa có quyền được nghỉ.
Khi cô Xơ bé nhỏ nhìn quanh mình, trong đôi mắt nàng có một vẻ trách móc. Nàng có dáng nghiêm khắc hơn mà từ trước đến nay nàng chưa bao giờ như vậy. “Sao mà các người nhẫn tâm đến thế? Các người chẳng chịu giúp tôi cái việc duy nhất mà tôi hằng tha thiết ấp ủ trong tim! Cái nhìn của nàng như muốn nói, - khi tôi còn khỏe mạnh, tôi chẳng đã đi đây đi đó để phục vụ tất cả các người hay sao, thế mà bây giờ các người lại không giúp tôi đi gọi được đến đây con người mà tôi muốn gặp ư?”
Phần lớn thời gian nàng nhắm mắt nghe ngóng từng tiếng động nhỏ nhất. Bỗng nàng có cảm giác là một người lạ đi vào phòng ngoài và đang chờ để được đưa đến gần bên nàng.
Nàng mở mắt ra và nhìn bà mẹ với một vẻ cầu khẩn:
- Anh ấy đang ở cạnh cửa nhà bếp. Mẹ, mẹ hãy để cho anh ấy vào đây.
Bà mẹ nàng đứng lên và đi sang phòng bên cạnh. Bà trở vào và lắc đầu:
- Chẳng có ai ngoài này đâu, con gái bé bỏng của mẹ ạ! - Bà nói, - chẳng có ai ngoài Xơ Maria và Guttapxơn.
Người bệnh thở dài và lại nhắm mắt. Nhưng một lần nữa nàng lại có cảm giác rõ rệt là anh ta đang ngồi cạnh cửa và đang chờ. Nàng tự bảo rằng chỉ cần có quần áo của nàng để trên bàn cạnh giường là nàng sẽ dậy và và tự mình đi ra xem. Nhưng bây giờ nàng không biết làm thế nào để đi ra gian phòng ấy, nơi mà nàng tin chắc rằng anh ta đang chờ đợi nàng. “Mẹ ta không muốn cho anh ta vào đây, - nàng tự nhủ, - chắc mẹ thấy bộ dạng anh ta thiểu não lắm nên không muốn đưa anh ta vào. Hẳn là mẹ nghĩ rằng để cho ta gặp và nói chuyện với anh ta cũng chẳng ích gì”.
Cuối cùng nàng nảy ra một ý nghĩ mà nàng cho là rất tài tình. “Mình sẽ xin mẹ cho chuyển mình ra ngoài gian kia. Mình sẽ nói với mẹ rằng mình rất muốn được trở lại gian phòng ấy một lần nữa. Chắc mẹ sẽ không từ chối mình điều ấy đâu”.
Nàng trình bày ý muốn của mình, nhưng mẹ nàng nêu lên bao nhiêu lý lẽ để phản đối làm nàng phải tự hỏi không biết mưu mẹo của nàng có bị phát giác hay không? “Con ở đây không thấy dễ chịu sao? - Bà mẹ nói, - mấy hôm trước con ở đây vẫn thấy dễ chịu cơ mà?”
Và ngồi ở chân giường, bà già chẳng chịu nhúc nhích.
Xơ Êđi làm như là lúc còn bé khi nàng vòi mẹ nàng một điều gì mà mẹ nàng không muốn cho. Và lần này cũng vậy, nàng cứ đòi đi đòi lại nhiều lần khiến cho mẹ nàng phát nản không cưỡng lại ý muốn của nàng nữa.
- Con muốn sang bên phòng lớn lắm! Guttapxơn và Xơ Maria se khiêng ngay giường của con ra ngoài ấy nếu mẹ nhờ họ. Giường của con sẽ không ở đấy lâu đâu mẹ ơi.
- Con ạ, rồi con xem, - bà mẹ bác lại, - con mà ra ngoài ấy một lát là lại muốn vào lại ngay trong này thôi.
Tuy vậy rồi bà cũng đứng dậy và đi ra ngoài gặp hai người bạn của con mình.
May làm sao người bệnh lại nằm ngay trên chiếc giường xếp mà nàng vẫn ngủ lúc còn bé, cho nên Xơ Maria, Guttapxơn, và bà mẹ có thể dễ dàng khiên ra. Vừa mới ra khỏi ngưỡng cửa buồng, nàng vội nhìn về phía cửa ra vào: chẳng có một ai. Nàng cảm thấy sững sờ cả người: nàng cầm chắc sẽ thấy anh ta ở đấy.
Thất vọng, nàng nhắm mắt lại. Nhưng một lần nữa nàng lại có cảm giác là một người lạ đang đứng cạnh cửa. “Mình không thể nhầm được,- nàng nghĩ,- nhất định phải có một người nào đấy, hoặc là anh ta, hoặc là một người nào khác”.
Nàng lại mở mắt ra và chăm chú nhìn khắp gian phòng. Cuối cùng nàng mường tượng thấy, không rõ rệt... có một người nào đó ở cạnh cửa, hầu như chỉ là một cái bóng, hay nói đúng hơn, là cái bóng của một cái bóng.
Bà mẹ cúi xuống hỏi nàng:
- Bây giờ con có thấy dễ chịu hơn không?
Xơ Êđi ra hiệu và thì thầm rằng nàng thấy dễ chịu ở đây. Nhưng mắt nàng vẫn nhìn dán vào cửa. “Cái gì ở đấy thế nhỉ?” - nàng tự hỏi. Nàng muốn nhìn cho thật rõ: nàng tưởng chừng như cái đó quyết định cả cuộc đời nàng, và còn hơn thế nữa. Và vì xơ Maria đứng che mất cửa, người bệnh đã khiến được cho cô tránh ra.
Cái giường của nàng được đặt vào phần của gian phòng mà nàng và mẹ nàng thường gọi đùa là phòng khách. Sau một khoảnh khắc ngắn, người con gái hấp hối nói bằng một giọng nói nhẹ yếu ớt như hơi thở:
- Mẹ ơi, bây giờ con đã thấy lại được phòng khách rồi, con rất muốn được chuyển đến phòng ăn.
Nàng nhận thấy mẹ nàng trao đổi một cái nhìn lo lắng với hai người kia, và hai người này gật đầu. Nàng cho rằng họ không muốn chuyển chỗ là vì họ muốn giữ nàng cách xa con người giống như cái bóng ở cạnh cửa. Nàng đưa mắt cầu khẩn, và mẹ nàng và hai người bạn im lặng làm theo ý của nàng.
Khi nàng đã ở trong “phòng ăn”, nàng thấy rõ hơn ở phía ngoài cùng một hình thù đen đen cầm trong tay một dụng cụ. Đó không phải là người mà nàng muốn gặp, nhưng nàng cần nói chuyện với người đó. Nàng cần phải đến gần hai người đó. Đôi môi nàng phác ra một cái mỉm cười đáng thương để xin lỗi và nàng ra hiệu rằng bây giờ nàng muốn được chuyển đên “nhà bếp”. Thế là bà mẹ bật lên tiếng khóc. Nàng hiểu rằng hẳn là mẹ nàng đang nhớ lại cái thời mà đứa con gái nhỏ của bà thường ngồi xổm trước bếp lò, người đỏ hồng trong ánh sáng của ngọn lửa, bi bô kể lại những chuyện ở trường, trong khi bà nấu bữa tối. Nàng hiểu rằng mẹ nàng lại thấy nàng ở tất cả những chỗ quen thuộc, và cảm thấy rã rời cả người khi nghĩ đến lúc bà phải chịu cảnh cô đơn. Nhưng xơ Êđi không được quyền nghĩ đến mẹ nàng trong lúc này: trách nhiệm của nàng là phải tập trung tất cả sức chú ý của nàng vào cái việc quan trọng nhất còn lại mà nàng phải làm trong khảnh khắc ít ỏi khi nàng còn được sống.
Bây giờ nàng đã được chuyển đến tận phía ngoài gian phòng, cuối cùng nàng đã nhìn thấy rõ con người vô hình đứng ở cạnh cửa. Đó là một người đàn ông đầu đội một cái mũ trùm đen kéo sụp xuống và tay cầm một cái hái. Lập tức nàng nhận ra ngay. “Đó là Thần Chết”, nàng tự nhủ. Nàng chỉ một điều lo lắng là sẽ bị bắt đi quá sớm không còn kịp làm cho xong nghĩa vụ của nàng ở cõi đời này.
Người bệnh càng được đưa lại gần thì người tù nằm dưới đất càng co rúm người lại: hắn cố thu nhỏ người thêm như là để cố thoát khỏi nàng. Hắn nhận thấy nàng vẫn cứ nhìn vào cửa, và hắn không muốn bị nàng nhìn thấy. Hắn không muốn chịu đựng sự nhục nhã này. Vả chăng cái nhìn của xơ Êđi không bao giờ bắt gặp cái nhìn của hắn: cái nhìn ấy dán chặt vào người đánh xe bò, và Đavit Hôm tự nhủ rằng, nếu nàng nhìn thấy một người nào thì đó là Giorgiơ.
Cái giường của nàng vừa được đặt vào khoảng giữa gian phòng dùng làm nhà bếp, thì Đavit Hôm liền nhìn thấy nàng gật đầu ra hiệu gọi Giorgiơ đến bên cạnh. Giorgiơ vẫn trùm cái mũ lên đầu như là bị rét run, bước lại bên nàng. Nàng chào hắn bằng một cái mỉm cười:
- Ngươi thấy rằng ta không sợ ngươi, - nàng thều thào nói. - Ta chẳng muốn gì hơn là đi theo ngươi, nhưng ngươi phải thư lại cho ta đến ngày mai để cho ta làm xong cái nhiệm vụ ta được Chúa trao cho khi Người phái ta xuống cõi đời này.
Trong khi nàng nói với Giorgiơ, Đavit Hôm ngẩng đầu lên và nhìn nàng. Y thấy nàng mang một vẻ đẹp mà trước kia nàng không có: một vẻ cao quý, tuyệt vời, bất khả xâm phạm và quyến rũ lạ lùng đến nỗi y không thể rời mắt khỏi nàng được.
- Có lẽ ngươi không nghe rõ lời ta nói chăng? - Nàng nói với Giorgiơ, - hãy cúi xuống gần ta một chút. Không nên để cho người khác nghe được lời ta nói.
Giorgiơ cúi đầu xuống thấp đến nỗi cái mũ trùm đầu của hắn gần chạm vào trán cô gái:
- Cô muốn nói nhỏ thế nào cũng được, ta vẫn nghe thấy, - hắn nói.
Nàng bèn bắt đầu nói, giọng khẽ đến nỗi cả ba người ngồi chung quanh không một ai ngờ rằng nàng đang nói thì thầm một điều gì đó. Riêng chỉ có Giorgiơ và bóng ma ở cạnh cửa nghe được mà thôi.
- Không biết ngươi có hiểu rằng để thư lại cho ta đến ngày mai là cần thiết cho ta biết bao nhiêu không? - Nàng nói, - ta cần phải nói chuyện với một người. Ngươi không biết được rằng ta đã vô tình gây ra một tai họa như thế nào đâu. Ta đã quá tự tin và hành động quá độc lập. Làm sao ta dám đến trình diện trước mặt Chúa, ta, kẻ đã gây nên một tai họa lớn lao đến thế kia?
Đôi mắt nàng mở trừng trừng vì khủng khiếp, và nàng thở một cách khó nhọc; nhưng nàng lại nói tiếp:
- Ta cần phải nói cho ngươi biết rằng người ta muốn gặp là người mà ta yêu quý, ngươi có hiểu không? Người mà ta yêu quý...
- Nhưng Xơ ơi, - người đánh xe bò nói, - người này...
Nàng không để cho hắn nói tiếp, vì nàng vội vã muốn giải thích cho hắn nghe tất cả những lý lẽ để cho hắn xiêu lòng.
- Ngươi phải biết rằng ta đang ở trong một nỗi tuyệt vọng lớn lao nên ta mới thú nhận với ngươi là ta yêu người ấy. Ta cảm thấy một nỗi xấu hổ vô cùng khi yêu một người đã có vợ con. Ta đã đấu tranh và cầu nguyện. Đáng lẽ phải là một người dẫn lối và là chỗ dựa tinh thần cho những kẻ khốn khổ, thì ta lại tồi tệ hơn tất cả những kẻ tồi tệ nhất trong bọn họ.
Giorgiơ vuốt bàn tay lên trán nàng để cho nàng dịu đi, nhưng y không nói gì.
- Điều nhục nhã dù sao cũng không phải là yêu một người đã có vợ. Yêu một kẻ độc ác mới là điều nhục nhã hơn. Ta không hiểu tại sao ta đã phải đem tình yêu của mình cho một kẻ khốn nạn. Ta đã hy vọng và tưởng rằng trong con người anh ta có một cái gì tốt đẹp; ta đã chờ đợi và đã luôn bị nhầm. Con người ta hẳn phải là xấu xa lắm nên trái tim ta mới lầm lạc như vậy. Ngươi hiểu chứ? Ta không muốn chết trước khi cố gắng một lần cuối cùng để làm thức tỉnh cái có thể là phần tốt đẹp trong con người anh ta.
- Cô đã cố gắng bao nhiêu rồi đấy chứ, - Giorgiơ nói.
Nàng nhắm mắt lại và ngẫm nghĩ, nhưng rồi nàng lại vội mở mắt ra và một niềm tin tưởng mới làm rạng rỡ khuôn mặt nàng.
- Chắc ngươi phải tưởng rằng ta muốn thư lại vì lợi ích riêng của bản thân ta, còn thật ra ta không hề lo lắng gì cho những người còn ở lại trên cõi đời này, bởi vì ta sắp rời bỏ nó. Vậy ta sẽ kể cho ngươi nghe một chuyện trong ngày, và ngươi sẽ thấy rằng chính là để cứu những người khác mà ta cần phải sống thêm vài giờ nữa.
Nàng nhắm mắt lại và nói tiép:
- Lúc ấy là buổi sáng. Tôi thấy mình như đang ở ngoài đường, tay cắp cái rổ, chắc là đang mang bữa ăn cho một người nghèo nào đó. Tôi đi đến một cái sân mà không nhận ra được là ở đâu . Xung quanh đều là những ngôi nhà to cao, sạch sẽ và tươm tất có vẻ giàu có. Tôi không hiểu mình đến đây làm gì cho tới khi tôi thấy một căn nhà nhỏ dựng sát một bức tường giống như một cái lán để hàng mà người ta chuyển thành chỗ ở. Trên mái một làn khói nhỏ bay lên chứng tỏ căn nhà tồi tàn này có người ở. Tôi tự nhủ: “Tất nhiên là mình sẽ vào nhà này”. Tôi leo lên một cầu thang bằng gỗ dốc thẳng đứng rồi đặt tay lên núm khóa cửa. Tôi xoay nắm khóa thì cửa mở ra. Như vậy là cửa không khóa, tôi gõ cửa và cứ thế đi vào. Không ai để ý đến tôi, và tôi đứng ở góc nhà chờ cho người ta cần đến tôi bởi vì tôi biết rằng tôi được đưa đường dẫn lối đến đây là để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Tôi nhìn xung quanh mình: đồ đạc chẳng có bao nhiêu; đến một cái giường cũng không có, dưới đất là những tấm nệm rách toác và mấy ổ rơm; không một cái ghế nào là không gãy chân; một cái bàn bằng gỗ trắng kê trước một cửa sổ nhỏ. Và tôi bỗng hiểu ra rằng tôi đang ở nhà của Đavit Hôm. Vợ anh ta ngồi ở giữa nhà. Như vậy là chị ấy đã chuyển nhà trong thời gian tôi ở viện điều dưỡng. Nhưng sao lại nghèo khổ thế này? Đồ đạc của họ đâu cả? Cái máy khâu, cái bàn giấy xinh xắn ở đâu? Chẳng còn một tí gì, hết sạch. Tôi tự nhủ: “Chị ấy có vẻ tuyệt vọng biết mấy, và ăn mặc mới khổ sở làm sao. Chị ấy chẳng giống tí nào như dạo mùa xuân vừa rồi”. Tôi những muốn chạy lại với chị ấy và hỏi xem sự thể ra sao, nhưng lúc ấy trong nhà không phải chỉ có hai chúng tôi : hai bà phước đang sôi nổi nói chuyện với chị ấy. Vẻ mặt họ rất nghiêm trang, và tôi nhanh chóng hiểu ra sự việc. Người ta đề nghị người mẹ tội nghiệp đưa hai đứa con vào nhà cứu tế để khỏi bị lây bệnh lao của cha chúng. Mới đầu tôi tưởng mình nghe nhầm. “Đavit Hôm mà bị lao?” - Tôi nghĩ vậy, - không thể như thế được. Rõ ràng là tôi có nghe nói như vậy một lần, nhưng tôi không muốn tin. Tôi không hiểu vì sao họ chỉ nói đến hai đứa con mà thôi. Tôi nhớ rằng họ có ba đứa. Nhưng chẳng mấy chốc tôi đã hiểu ra. Một bà phước thấy người mẹ tội nghiệp khóc lóc, bèn dịu dàng nói rằng bọn trẻ sẽ không bị khổ sở trong nhà cứu tế: ở đấy chúng sẽ được chăm sóc chu đáo như ở bất cứ gia đình nào. Lúc ấy, tôi nghe thấy chị vợ của Đavit Hôm trả lời rằng: “Xin bà tha lỗi cho tôi vì tôi khóc. Tôi còn khóc nhiều hơn nữa nếu tôi không có hy vọng đưa được các cháu vào nhà cứu tế. Cháu thứ ba, cháu bé nhất ấy đang nằm nhà thương, và khi nhìn thấy những cơn đau của cháu, tôi tự nhủ rằng tôi sẽ biết ơn và sung sướng nếu có ai vui lòng giúp tôi đưa hai cháu kia đi khỏi nơi này”. Nghe chị ấy nói như vậy, tôi thấy tim mình thắt lại vì lo lắng. Đavit Hôm đã làm gì với vợ, với con, với cái tổ ấm của anh ta? Hay nói cho đúng hơn tôi đã làm gì? Chính tôi đã đưa anh ta trở về với họ. Thế là đến lượt tôi, tôi cũng khóc. Và tôi cũng không hiểu được cái điều là ba người kia không hề để ý đến sự có mặt của tôi. Tôi thấy người vợ đi đến gần cửa. “Tôi đi gọi các cháu về, - chị ấy nói, - chúng đang chơi ngoài đường”.
Chị ấy đi qua gần sát tôi đến nỗi cái váy vá víu tội nghiệp của chị chạm vào tôi. Tôi liền quỳ sụp xuống và vừa khóc vừa hôn gấu váy của chị. Tôi không thể nói được một tiếng nào. Điều thiệt hại tôi đã gây ra người đàn bà này lớn quá. Tôi ngạc nhiên thấy chị ấy không hề để ý đến tôi, nhưng tôi lại nghĩ rằng chắc chị ấy chẳng muốn nói gì nữa với người đã đẩy chị vào tai họa. Song chị chưa kịp mở cửa vì một bà phước đã gọi chị lại: có một thủ tục phải làm trước khi đi tìm mấy đứa trẻ. Bà phước rút trong túi xách ra một tờ giấy và đọc cho bà mẹ nghe. Đó là một cái giấy cha mẹ phải ký vào để chứng nhận rằng họ gửi con cái của họ cho nhà Cứu tế trong suốt thời gian nhà của họ còn bị ô nhiễm vì bệnh lao.
Ở đầu kia gian nhà có một cái cửa khác, cửa ấy bỗng mở ra, và Đavit Hôm xuất hiện. Tôi có cảm tưởng rằng anh ta đã đứng sau cánh cửa này đợi đến đúng lúc thì đi vào. Anh ta bận những quần áo cũ, bẩn thỉu rách rưới và mắt anh ta ánh lên vẻ dữ tợn. Anh ta có vẻ hài lòng nhìn vẻ nghèo túng ở quanh mình. Anh ta bắt đầu phản đối, lấy cớ là vì tình thương con: một đứa đã đi nằm bệnh viện, còn hai đứa, anh không đành lòng xa chúng. Hai bà phước hầu như không thèm nghe anh ta nói. Tuy nhiên họ cũng lưu ý anh ta rằng nếu anh ta giữ những đứa trẻ ở với mình thì có lẽ anh sẽ gây tai họa cho chúng một cách chắc chắn hơn. Trong khi họ tranh luận, tôi quay lại nhìn chị vơ của Đavit Hôm. Chị ấy đã lùi lại và đứng dựa lưng vào tường. Và chị ấy nhìn chồng chẳng khác nào kẻ bị nhục hình nhìn tên đao phủ. Tôi bắt đầu hiểu rằng tôi đã hành động dại dột và sai lầm hơn tôi tưởng. Tôi thấy hình như Đavit Hôm phải có một mối hằn học đối với vợ; và anh ta tìm cách gặp lại vợ không phải vì muốn có lại một tổ ấm mà là để hành hạ chị ta. Tôi nghe anh ta nói với hai bà phước về tình thương con của anh ta. Hai bà đáp lại rằng tốt hơn cả là anh ta hãy chứng tỏ tình thương con bằng cách theo đúng lời chỉ dẫn của thày thuốc và tránh làm lây bệnh; và nếu được như thế thì hai bà chẳng yêu cầu gì hơn và để cho anh ta giữ lại những đứa trẻ. Nhưng hai bà vẫn chưa ngờ được là anh ta đang suy tính điều gì. Tôi là người đầu tiên đoán ra điều ấy. “Anh ta muốn giữ những đứa trẻ lại, - tôi tự nhủ, - chúng có bị lây bệnh thì anh ta cũng chẳng cần gì”. Người mẹ tội nghiệp chắc cũng đi đến một kết luận như tôi, bởi vì đột nhiên chị ấy kêu thét lên một cách tuyệt vọng: “Đồ giết người! Nó không muốn cho tôi đưa mấy đứa trẻ đến nhà cứu tế! Nó muốn nhìn thấy chúng chết vì lây bệnh của nó hơn kia. Nó tính như vậy là vì nó sẽ trả thù được tôi một cách độc ác”. Đavit Hôm chỉ nhún vai: “Quả thật là tôi không muốn ký vào tờ giấy này”. Anh ta lạnh lùng nói với hai bà phước như vậy. Thế là những lời ầm ĩ tuôn ra: người vợ thì trút lên anh ta những lời oán trách, hai bà phước má đỏ bừng vì giận dữ, nói với anh ta những lời nặng nề. Tôi kinh hoàng đứng nghe họ nói. Không ai đau khổ bằng tôi, bởi vì ngoài tôi ra chẳng có ai yêu người đàn ông có hành vi độc ác này. Tôi cầu xin Chúa gợi cho họ những lời cần thiết, những lời có thể làm cho anh ta xiêu lòng. Nhưng lạ lùng thay, tôi cứ cứng cả người lại như bị bại liệt. Cả người vợ, cả hai bà phước không ai nói đến Chúa. Không ai dọa cho anh ta sợ cơn thịnh nộ của Chúa. Tôi có cảm giác như mình đang nắm sấm sét của Chúa trong tay mà không thể nào tung ra được.
Một sự im lặng tiếp theo trận huyên náo. Hai bà phước đứng dậy để ra về. Họ chẳng đạt được kết quả gì cả. Người vợ cũng vậy, chị ấy vật mình xuống một chiếc ghế và tuyệt vọng. Một lần nữa tôi lại cố gắng một cách phi thường để cử động và để nói. Những lời lẽ cháy bỏng trong miệng tôi. “Ôi! Đồ đạo đức giả, - tôi những muốn kêu lên, - anh tưởng rằng tôi không thấy ý đồ của anh sao? Tôi là người sắp phải chết đây, tôi sẽ đưa anh ra trước tòa án của Chúa, trước vị thẩm phán tối cao, tôi buộc tội anh muốn giết chết những đứa con của chính anh. Tôi sẽ làm chứng để kết án anh”. Nhưng cuối cùng khi đã đứng được lên để nói những lời nói này thì tôi không còn ở trong nhà Đavit Hôm nữa: tôi lại ở đây, bất lực trên giường mình. Và từ bấy đến nay, tôi đã gọi anh ta, tôi đã gọi anh ta, mà không làm sao cho anh ta đến đây được.
Cô xơ bé nhỏ vẫn nắm mắt trong suốt thời gian kể truyện, và bây giờ, nàng mở to mắt nhìn Giorgiơ với vẻ lo âu:
- Ông đừng bắt tôi đi trước khi tôi nói chuyện với anh ấy! - Nàng khẩn cầu. - Hãy nghĩ đến vợ con anh ấy.
Kẻ nằm dưới đát ngạc nhiên, tại sao Giorgiơ không nói với cô ấy một câu cho cô ấy yên lòng, rằng Đavit Hôm đã chết, và do đó không thể làm hại vợ con nữa? Tại sao hắn không nói thế? Ngược lại hắn còn làm cho cô nản lòng:
- Cô có quyền lực gì đối với Đavit Hôm? - Hắn nói, - Hắn không phải là người chịu để cho mình chịu khuất phục. Điều cô nhìn thấy chỉ là một phần của ý định báo thù mà hắn nung nấu trong lòng từ bao nhiêu năm nay.
- Ông đừng nói vậy. - Nàng van xin.
- Tôi biết rõ hắn hơn cô, - người đánh xe bò nói, - tôi sẽ kể cho cô nghe cái chuyện mà đã làm cho Đavit Hôm trở nên như bây giờ.
- Rất sẵn lòng, - nàng nói, - tôi muốn được hiểu anh ấy.
- Vậy cô hãy cùng tôi đi vào một thành phố lớn, - người đánh xe bò bắt đầu kể, chúng ta sẽ dừng lại trước một nhà tù. Lúc ấy là buổi tối. Một người đàn ông bị giam mười lăm ngày vì say rượu vừa được thả ra. Chẳng có ai chờ anh ta ở cổng, nhưng anh ta vẫn đứng lại và nhìn mãi quanh mình: anh ta hết sức mong mỏi được gặp một người nào vào lúc ấy, bởi vì anh ta ra khỏi nhà tù với một niềm xúc động mạnh mẽ làm đảo lộn cả người. Trong thời gian anh ta bị giam, người em trai anh ta do say rượu đã phạm tội giết người và bị bắt. Người anh được cha tuyên úy cho biết điều ấyvà dẫn anh ta đến xà lim của kẻ giết người chỉ cho anh ta thấy chàng trai trẻ tay còn bị còng vì đã chống cự khi bị bắt. “Con có biết ai đấy không?”- Ông mục sư hỏi và Đavit Hôm bị một cú choáng váng mạnh, vì anh ta rất thương đứa em trẻ tuổi này. “Nó sẽ bị nhiều năm tù, - ông mục sư nói tiếp, - nhưng tất cả chúng ta đều nghĩ rằng, Đavit Hôm, chính con phải chịu cái khổ hình của nó, bởi vì nó bị bắt đến đây là do tội của con: con đã lôi kéo nó vào con đường xấu xa và đã làm cho nó trở thành tên nghiện rượu thảm hại”. Khi trở về phòng giam của mình, Đavit Hôm vật vã khóc lóc và vô cùng hối hận. Và trong giây phút khủng khiếp ấy, anh ta trịnh trọng tự hứa với mình sẽ từ bỏ con đường trụy lạc. Anh ta miên man nghĩ đến đứa em rồi đến người vợ tội nghiệp và những đứa con của mình. Và anh ta thề với mình là sẽ không để cho vợ con phải than phiền về mình nữa. Bởi vậy buổi tối hôm ấy khi ra khỏi nhà tù, anh rất muốn gặp vợ và cam đoan với vợ rằng anh ta sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng vợ anh ta không đến đón, nên anh ta đã tự về. Về đến nhà, vợ anh cũng không mở to cửa khi nghe tiếng gõ đầu tiên của anh như những lần trước anh ta đi vắng trở về. Một linh cảm khủng khiếp làm trái tim anh ta lạnh buốt: anh ta không chịu tin vào điều ấy. Không thể nào vợ anh lại bỏ đi khi anh đã trở thành một con người khác trở về nhà. Vợ anh ta khi đi đâu thường có thói quen giấu chìa khóa dươí tấm thảm đệm chùi chân; anh ta cúi xuống và quả nhiên tìm được chiếc chìa khóa. Anh ta mở cửa nhưng liền lùi lại. Trong một thoáng anh ta tự hỏi có phải mình nhầm hay không bởi vì căn nhà trống huếch; phần lớn đồ đạc thì vẫn còn đấy, nhưng không có một người nào. Chẳng có màn che cửa sổ, chẳng có củi để nhóm bếp, không một tí thức ăn nào. Căn nhà trống trơn lạnh lẽo chẳng có một chút niềm nở ân cần như một cái nhà lâu ngày không có người ở. Anh ta sang gõ cửa nhà người hàng xóm để hỏi xem có phải vợ anh ta bị ốm trong khi anh vắng nhà hay không; có lẽ người ta đã đưa cô ấy đi nhà thương rồi? - Không, hôm chị ấy đi thì vẫn mạnh khỏe như thường. - Nhưng cô ấy đi đâu? - Chẳng ai biết cả.
Anh ta nhận thấy người ta vừa tò mò vừa thích thú, và một lần nữa anh ta lại linh cảm cái điều đã xảy ra. Vợ anh ta đã lợi dụng lúc anh ta không có nhà để bỏ anh. Chị đã mang con theo, đã lấy đi những đồ dùng cần thiết nhất, và đã không chuẩn bị tinh thần cho anh ta về sự bỏ đi này. Chị ta đã để cho anh ta về và nhìn thấy nhà cửa trống trơn như vậy. Thế mà anh ta đã định đem về cho vợ anh ta một niềm vui lớn. Suốt trên dọc đường về nhà, và ngay cả trước đó trong xà lim, anh ta lặp đi lặp lại điều sẽ nói với vợ. Trước hết là anh sẽ xin lỗi, rồi anh sẽ hứa là không đàn đúm nữa với một con người trước đây là bạn trác táng của anh. Anh đã bị lôi kéo bởi người này không phải chỉ vì những chuyện tội lỗi, mà còn vì đó là một người có giáo dục và có học vấn. Anh sẽ không đi lại chơi bời với người ấy nữa. Ngày mai anh sẽ tìm đến ông chủ cũ của anh và xin ông ấy cho anh trở lại xưởng... Anh sẽ làm việc và chịu vất vả vì vợ và các con. Anh sẽ mua quần áo đẹp cho họ và sẽ bảo đảm cho họ một cuộc sống đầy đủ tiện nghi thoải mái. Thế mà chị đã bỏ anh ta mà đi!
Anh thấy ớn lạnh, anh run lên trước sự nhẫn tâm này. Nếu vợ anh bỏ anh một cách công khai, thẳng thắn thì anh còn hiểu được, anh sẽ không có quyền giận dữ và căm tức chị: vì chị hẳn đã không có hạnh phúc khi sống với anh. Nhưng bỏ đi như vậy, không một lời nào thì thật là tàn ác. Anh se không bao giờ tha thứ cho chị ta. Chị ta đã đưa anh ra làm trò cười cho thiên hạ tối hôm ấy, cả khu phố đã cười diễu sự bất hạnh của anh. Anh sẽ tìm gặp được chị ta, và sẽ bắt chị ta phải trả giá cho nỗi nhục nhã và đau khổ này. Đến lượt mình, chị ta sẽ biết được thế nào là lạnh thấu tâm can.
Anh chỉ còn có ý nghĩ này làm niềm an ủi. Và anh bắt đầu đi lùng tìm vợ. Anh tìm vợ trong ba năm, và suốt trong ba năm này anh nuôi dưỡng lòng căm thù của mình bằng cái kỷ niệm về những giờ phút đau khổ ấy. Trước mắt anh, hành động của người vợ là một tội ác không gì sánh nổi. Anh đi theo những chặng đường cô đơn, và trong nỗi cô đơn, ý muốn bào thù của anh càng mạnh mẽ.
Cô Xơ bé nhỏ hấp hối đến lúc này vẫn im lặng nghe; bây giờ nàng kêu lên, ngắt lời kể chuyện của con người ủ ê đang cúi xuóng người nàng:
- Thôi! - Ông đừng nói nữa, khủng khiếp quá! Làm sao tôi có thể gánh lấy trách nhiệm về việc làm của mình? Nếu tôi không đưa họ trở về với nhau, thì tội lỗi của anh ta sẽ không lớn đến như thế.
- Tôi sẽ không nói gì nữa, - người đánh xe bò nói, - tôi chỉ muốn nói cho cô biết rằng để thư lại cũng vô ích mà thôi.
- Ồ, không, không, tôi cần được thư lại! - Nàng kêu lên. - Tôi không thể chết mà chưa nhìn lại anh ấy.
Cái bóng ma ở cạnh cửa rùng mình. Từ khi xơ Êđi và người đánh xe bò nói chuyện với nhau, y đã nhìn họ. Mỗi một lời hắn nói và mỗi một vẻ mặt của nàng đã khắc sâu vào tâm trí y. Y sẽ mãi mãi nhớ lại những điều đó. Tất cả những lời nàng nói, cả những lời nặng nề nhất y lại thấy êm ái lạ lùng; nỗi lo sợ và lòng thương cảm của nàng khi nghe Giorgiơ kể chuyện y đã làm cho vết thương của y được băng bó lại. Y không biết gọi tên điều y cảm thấy đối với nàng như thế nào. Y chỉ biết y sẽ chịu đựng tất cả về phần y. Y chỉ biết cái việc nàng yêu y mà đáp lại tình yêu ấy thì y chỉ đem cái chết đến cho nàng, điều ấy thật tuyệt vời, khó mà tả được. Mỗi lần nghe nàng nói nàng yêu y, tâm hồn lại xúc động một cách sâu sắc. Y cố làm cho người đánh xe bò chú ý đến mình, những hắn không một lần nào nhìn lại phía y. Y bèn thử đứng dậy, những lại ngã vật xuống vì những cơn đau ghê gớm.
Y nhìn thấy cô xơ bé nhỏ vật vã bồn chồn, day dứt. Hai bàn tay nàng chắp lại giơ ra trước mặt Giorgiơ; những vẻ mặt người đánh xe bò vẫn nghiêm khắc, trơ trơ không chuyển.
- Tôi sẽ có thể thư lại cho cô, nếu như mà có thể giúp ích được điều gì. - Hắn nói. - Những tôi biết cô chẳng có chút quyền lực nào đối với con người ấy cả.
Nói xong, người đánh xe bò lại cúi xuống người con gái hấp hối để đọc lên lời giải thoát cho linh hồn khỏi cái vỏ bọc trần thế.
Nhưng vừa lúc ấy, một khuôn mặt ảm đạm bò đến gần giường. Bằng những cố gắng phi thường và phải chịu một nỗi đau đớn từ trước đến nay chưa từng cảm thấy, Đavit Hôm đã dứt đứt những dây trói. Y tưởng rằng vì hành động này, y sẽ bị sự trừng phạt bằng sự kéo dài đến vô tận những nỗi đau đớn của y, nhưng xơ Êđi sẽ không phải đợi chờ và hy vọng một cách vô ích khi mà y đã ở gần nàng đến thế. Y trường sang phía bên kia giường để cho Giorgiơ, kẻ thù của y không thể nhìn thấy y được. Và y đã nắm lấy được một bàn tay của người con gái đang hấp hối.
Mặc dù y không thể có một chút sức lực nào để bóp vào bàn tay ấy, nhưng nàng vẫn nhận ra được sự có mặt của y, và nàng đột ngột quay lại. Nàng nhìn thấy y quỳ gối bên cạnh, mặt chạm đát, không dám ngước mắt nhìn nàng; qua bàn tay của nàng mà y muốn xiết chặt, y truyền đến cho nàng lòng biết ơn, trái tim mà cuối cùng đã mềm lại của y. Thế là trên khuôn mặt nàng thoáng lóe lên một niềm hạnh phúc vô biên. Nàng nhìn mẹ, nhìn hai người bạn của nàng, những người mà nàng không kịp nói những lời cuối cùng để vĩnh biệt; nàng muốn họ chứng kiến hạnh phúc của nàng. Nàng đưa bàn tay không bị Đavit nắm, trỏ cho họ con người ngồi xổm dưới đất để cho họ chia sẻ với nàng niềm vui mừng khôn xiết khi thấy Đavit Hôm ăn năn hối hận ở cạnh chân nàng. Nhưng đúng vào lúc ấy, người đánh xe bò cúi xuống nàng và nói:
- Hỡi nữ tù nhân, một linh hồn hiền dịu yêu thương, hãy ra khỏi nhà tù của ngươi.
Xơ Êđi ngả xuống gối và thở hắt ra từ giã cuộc đời.
Đavit Hôm bị kéo mạnh về phía sau. Những sợi dây mà y chỉ có thể cảm thấy lại trói lấy tay y. Nhưng lần này chân y không bị trói, và Giorgiơ nghiêm khắc ra lệnh cho y đi theo hắn.
- Đi! - Hắn nói, - Hai chúng ta chẳng còn việc gì ở đây nữa. Những kẻ có nhiệm vụ đón cô ấy đã đến rồi.
Hắn lôi Đavit đi không chút gượng nhẹ. Y bỗng thấy gian phòng bỗng đầy những hình người rực rỡ ánh sáng. Ở cầu thang, ở tận ngoài đường, y cũng tưởng như thấy những hình người như vậy, nhưng y bị kéo đi nhanh đến nỗi y không thể phân biệt rõ ràng một thứ gì.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét