Chương 36 - Không phải nghề tôi
Yakanov đi sau Foma Oskolupov lên cầu thang, nhưng khi tới
hành lang, y tiến lên đi cạnh Oskolupov. Oskolupov không ưa phải đi cạnh
Yakanov vì hắn vừa mập vừa lùn, thân thể hắn chỉ có bề ngang. Dù đội mũ, hắn
cũng chỉ cao tới vai Yakanov.
Yakanov có thể chọn lúc này để báo cho Oskolupov biết về
chuyện kỹ sư tù nhân Sologdin đã chế ra được mẫu hình giàn máy điện thoại bí
mật. Y biết nếu ý nói ra, thái độ bất nhã và hung hăng của Oskolupov sẽ biến đi
ngay. Kể từ đêm oan nghiệt cả hai cùng bị Tổng trưởng Abakumov đe dọa,
Oskolupov gần như không còn nể nang gì y nữa.
Nhưng Yakanov vẫn chưa nắm được mẫu đồ hình nhưng sự can đảm
cùng vẻ mặt, lời nói của Sologdin có một cái gì làm cho y tin chắc rằng
Sologdin sẽ chịu chết chứ không chịu cho không sáng chế của mình. Sự tin chắc
làm cho Yakanov thấy rằng y phải giữ lời hứa với Sologdin, phải làm theo những
điều kiện của Sologdin. Đêm nay, y sẽ báo cáo vụ này với Sevastyanov, làm như
vậy là y qua mặt Oskolupov. Oskolupov sẽ giận điên lên, chắc chắn như thế,
nhưng rồi hắn cũng sẽ phải dịu ngay. Hắn sẽ xun xoe tìm cách chia phần, không
ai dám gây sự với những người thành công. Chỉ cần thành công là xong hết.
Hai nữa, Yakanov đã có dịp thấy rõ Oskolupov lo âu, sợ hãi,
cuống quít là chừng nào khi bị Tổng trưởng Abakumov đe dọa. Vì y quyết định để
mặc cho Oskolupov sợ hãi thêm ít ngày nữa. Y thấy Sologdin đã nhận xét đúng khi
nói rằng Oskolupov là hạng người thể nào cũng đòi ký tên chung với người sáng
chế. Chỉ cần Oskolupov biết được rằng Sologdin đã sáng chế ra được mẫu hình
giàn máy điện thoại, hắn sẽ lập tức nhốt riêng Sologdin vào một phòng, ngăn trở
những người ra vô, sẽ đe dọa Sologdin, sẽ gọi điện thoại đến giục Sologdin cả
ngày lẫn đêm để rồi sau cùng, hắn sẽ huênh hoang khoe rằng chính là nhờ sự đốc
thúc của hắn mà công tác này thành công.
Tất cả những chuyện đó đều không phải là chuyện lạ với
Yakanov – Y buồn nôn mỗi khi nghĩ đến những người thô bỉ như Oskolupov và những
nghi kỵ, tranh giành, chèn ép ở trong ngành – nên y lặng yên không tiết lộ gì
hết với Oskolupov. Tuy vậy, như để đền bù cho Oskolupov, khi vào văn phòng Viện
trưởng, Yakanov làm một việc y chưa bao giờ làm trước mặt thuộc cấp là đứng ra
đỡ cho Oskolupov cởi áo khoác ngoài.
Vẫn đội mũ, Oskolupov ngồi vào chỗ của Viện trưởng:
- Tên Gerasimovich làm gì ở đây?
Yakanov ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh:
- Gerasimovich? Thưa để tôi coi… Hắn tới đây từ Stesnhevka từ
tháng Mười. Từ ngày đó, hắn đã làm cái máy Tivi để biếu Đồng chí Stalin làm quà
mừng sinh nhật.
- Gọi hắn đến đây.
Yakanov ra lệnh bằng điện thoại.
Stresnhevka cũng là một nhà tù đặc biệt giống như Viện
Mavrino nằm trong vùng Mạc Tư Khoa. Mới đây, kỹ sư Bobyer, một tù nhân ở đó, đã
thành công trong việc sáng chế một bộ phận điện tử gắn vào máy điện thoại tư
nhân để nhân viên mật vụ nghe kiểm soát. Nhờ sáng chế này, kỹ sư Bobyer đã được
giảm án và trả tự do ngay.
Viên sĩ quan trực mở cửa thò đầu vào:
- Thưa… tù nhân Gerasimovich xin vào.
Yakanov gật đầu:
- Cho vào.
Gerasimovich bước vào phòng. Anh vừa đi vừa sửa lại cặp
kiếng trắng trên sống mũi, chân anh vướng vào mép thảm trải trên sàn phòng.
Đứng trước hai viên chức cao cấp mập bự, hồng hào, Gerasimovich càng có vẻ gầy
ốm, xanh xao.
- Các ông cho gọi tôi?
Gerasimovich vừa đi tới gần vừa hỏi, mắt anh nhìn vào khoảng
tường ở giữa Oskolupov và Yakanov.
- Ờ… ờ… - Oskolupov đáp - Ngồi xuống đây.
Gerasimovich ngồi xuống. Tấm thân xương xẩu lép kẹp của anh
chưa đầy một nửa lòng chiếc ghế.
- Anh… Gerasimovich… Anh là một chuyên viên nhãn quang học?
Địa hạt chuyên môn của anh không phải là tai mà là mắt, phải không?
- Thưa phải.
Oskolupov tiếp tục hỏi. Hắn lướt đầu lưỡi trên hàm răng y
như muốn chùi răng bằng lưỡi:
- Và anh là một người khá, hạnh kiểm tốt. Không ai than
phiền gì anh, hả?
Gerasimovich giữ yên lặng.
Oskolupov nheo một mắt lại để nhìn Gerasimovich:
- Anh có được biết gì về tình trạng của kỹ sư Bobyer, người
cùng ở tù với anh trước đây ở Stresnhevka không?
- Tôi có được nghe nói.
- Nhờ sự đề bạt và bảo đảm của chúng tôi. Bobyer đã được
giảm án và trả tự do ngay. Anh biết chuyện ấy chưa? Anh còn phải ở bao nhiêu
năm nữa?
- Ba năm.
- Ba năm? Lâu dữ vậy sao?
Oskolupov làm ra vẻ ngạc nhiên, như chuyện tù nhân còn phải
ở vài ba năm nữa là chuyện hiếm có, như hắn chỉ gặp toàn những tù nhân ở tù vài
ba tháng. Cách đây không lâu, hắn cũng hỏi thăm một tù nhân về hạn tù, và với
mục đích làm tù nhân này đỡ buồn, Oskolupov đã nói: “Ở tù có mười năm? Ăn thua
gì, người ta ở tù hai mươi nhăm năm kia…”
Và hắn hỏi tiếp:
- Bây giờ nếu có dịp có thể được ra trước hạn ấy, anh có
thích không?
Trái tim mà Gerasimovich tưởng đã chai cứng trong lồng ngực
anh bỗng nhiên rung động. Câu hỏi này của Oskolupov trùng hợp một cách lạ kỳ
với lời năn nỉ của Natasha, vợ anh, trong cuộc gặp ngày hôm qua.
Gerasimovich thực hiện sự tự chủ của anh, từ lâu rồi anh đã
quyết định sẽ không hòa nhã, không vui vẻ với những kẻ có quyền, vành môi anh
chỉ hơi nhếch trong một nụ cười ngạo mạn:
- Làm sao tôi thích cho được? Tôi không thấy có dịp nào để
tôi có thể ra khỏi đây trước hạn…
Oskolupov gật gù cái đầu vuông:
- Ha… Anh sẽ không thể ra sớm được nếu anh chỉ ngồi chế máy
Tivi. Tôi dự định đưa anh trở về Stresnhevka trong ít ngày nữa và đặt anh cầm
đầu một công tác. Nếu anh hoàn thành được dự án công tác ấy trong sáu tháng,
anh có thể về nhà với vợ anh vào cuối mùa thu này.
- Tôi có thể được biết việc đó là việc gì không?
- Nhiều việc lắm. Tôi có thể cho anh biết là tất cả những dự
án đó đều đích thân do đồng chí Beria đặt ra. Chẳng hạn như có việc chế tạo và
đặt những máy nghe ở những hàng ghế công viên. Người ta thường quen nói chuyện
tự do, bừa bãi ở ngoài công viên. Nhờ những máy nghe ấy, ta có thể nghe được
tất cả mọi chuyện. Nhưng việc chế tạo máy nghe không phải là nghề của anh phải
không?
- Dạ phải. Không phải nghề tôi…
- Hiện có hai dự án công tác này hợp với khả năng của anh.
Cả hai dự án đều quan trọng và cấp thiết. Một là việc chế tạo những máy chụp
hình có thể chụp được ban đêm mà không cần ánh sáng. Người ta gọi là… cái gì
nhỉ? Hồng ngoại tuyến gì đó. Nhờ máy đó, mình có thể chụp hình một người ban
đêm, ở trong nhà hoặc ngoài phố, tìm ra kẻ mà người đó liên lạc, gặp gỡ và bắt
luôn cả hai. Tên bị chụp hình sẽ không bao giờ có thể biết vì sao những cuộc
gặp gỡ ban đêm của hắn lại bị bại lộ. Ở ngoại quốc, người ta đã bắt đầu sáng
chế những máy chụp hình hồng ngoại tuyến này nhưng chưa được hoàn hảo. Mình có
thể tiến nhanh hơn họ. Điều cần nhớ là những máy chụp hình kiểu này phải đơn
giản, dễ sử dụng, những nhân viên điều tra không phải ai cũng là khoa học gia.
Đây là việc thứ hai. Tôi tin chắc anh có thể thực hiện nó dễ dàng. Ngành an
ninh của ta đang rất cần có những chiếc máy này. Đó là máy chụp hình, cũng là máy
chụp hình, nhỏ thôi để có thể gắn ở những cánh cửa mà không ai biết. Mỗi lần
cửa mở là một lần máy tự động chụp hình. Như vậy là khỏi cần canh gác phiền
phức, chỉ cần gắn cái máy nhỏ đó, ta có thể kiểm soát được hữu hiệu những nhà
khả nghi. Bao nhiêu kẻ ra vào nhà đó sẽ bị chụp hình hết. Ta nắm được luôn bằng
chứng. Máy này chỉ cần chụp ban ngày. Anh khỏi lo việc chụp hình ban đêm. Chúng
tôi đang cần sản xuất thật nhiều loại máy này.
Gerasimovich đã hướng khuôn mặt gầy, khô héo của anh về phía
cửa sổ, anh không còn nhìn vào bộ mặt vuông của Oskolupov.
Người tù thấy hiện ra trước mắt bộ mặt nhăn nheo của vợ anh,
anh nhìn thấy những giọt nước mắt khô hoen trên gò má tái nhợt. Đây là lần đầu
tiên trong nhiều năm dài ý nghĩ sớm được trở về với cuộc sống tự do cuồn cuộn
nổi lên trong tim anh.
Việc mà anh cần làm để có thể được trở về là nhận lời đề
nghị đến rất đúng lúc này, anh chỉ cần làm như kỹ sư Bobyer đã làm: chế tạo một
số máy làm cho một số dân ngu đần, không đề phòng bị bắt vào tù.
Làm thế, anh sẽ được ra khỏi tù nội trong năm nay, vợ anh sẽ
còn sống…
Do dự, bối rối, Gerasimovich hỏi:
- Tôi có thể… ở lại đây với việc chế tạo máy Tivi?
- Anh từ chối ư?
Oskolupov bất mãn hỏi lại. Mặt hắn cau có. Với bộ mặt hung
hãn ấy, hắn dễ biến thành giận dữ hơn là hòa nhã:
- Tại sao?- Oskolupov gằn giọng hỏi.
Luật tù đày cho Gerasimovich biết rằng anh sẽ bị coi là lố
bịch nếu anh tỏ ra thương hại những người dân ngu ngốc, khinh bạc sống lúc nhúc
ở bên ngoài, cũng như khi anh từ chối giết một con heo thịt. Bọn dân ngu bên
ngoài không biết hưởng tình trạng tự do của họ. Họ tự làm họ mất phẩm giá bằng
những trò ganh tị, tranh giành bần tiện.
Natasha là người bạn đời của anh, nàng đã hy sinh cho anh cả
tuổi xuân của nàng, nàng đang chờ đợi anh, đang mong đợi anh về với nàng. Nàng
sắp chết, nàng đã sắp hết sức sống và khi nàng chết, anh cũng chết theo nàng.
- Lý do của tôi ư? Sao ông lại còn phải hỏi? Tôi không thể
làm được việc đó!
Gerasimovich trả lời thản nhiên, minh bạch.
Yakanov ngạc nhiên, nhìn ngay vào mặt người tù.
Oskolupov cố gắng dịu giọng để thuyết phục:
- Từ lâu rồi anh không được làm những việc quan trọng, nên
anh sợ? Phải không? Anh nhút nhát quá đấy. Tôi biết anh thừa sức làm được việc
này. Không cần anh nhận lời ngay, về suy nghĩ đi…
Gerasimovich ngồi yên lặng, hai bàn tay gầy guộc như ôm chặt
lấy hai thái dương.
Yakanov xen vào:
- Có gì mà cần anh suy nghĩ? Đó là nghề của anh mà?
Gerasimovich có thể cứ nhận lời để rồi không làm, theo như
lối phản đối tiêu cực của những tù nhân, nhưng anh đứng dậy, anh chiếu cặp mắt
sáng rực nhìn khinh bỉ xuống bộ mặt vuông, phì nộn, đỏ au, ngu độn của tên đàn
ông ngồi phì phị sau bàn:
- Không. Đó không phải là nghề của tôi…
Giọng anh vút cao:
- Cho người ta vào tù không phải là nghề của tôi. Tôi không
thể giăng bẫy bắt người. Họ bắt chúng tôi vào tù, vào tù đã là một điều bậy
rồi…
Chương 37 - Không, không phải em…
Tất cả những người dự cuộc học tập chính trị buổi tối này
đều nóng ruột muốn được ra sớm để về nhà. Họ đều đi ra khỏi nhà họ vào lúc bảy
giờ hoặc tám giờ sáng nay để hấp tấp đến những trạm xe lửa, trạm xe buýt đón xe
đi đến đây, và bây giờ họ biết chắc họ không thể nào về được đến nhà họ trước 9
giờ 30 tối.
Simochka còn nóng ruột mong cho cuộc học tập này sớm chấm
dứt mặc dù đêm nay nàng ở lại viện làm nhân viên trực nhật và nàng không phải
bận tâm với việc đón xe về nhà. Những làn sóng sợ hãi và sung sướng theo nhau
dồn dập đến trong nàng và hai chân nàng run run, hai đầu gối nàng yếu như khi
nàng say champagne. Cuộc hẹn ái ân giữa nàng với Nerzhin sẽ đến trong vài giờ
đồng hồ nữa. Nàng không thể để cho giây phút quan trọng nhất đời nàng trôi qua
một cách cẩu thả, không chuẩn bị, chính vì vậy nên cách đây hai ngày nàng mới
không gặp Nerzhin và hẹn chàng đến hôm nay. Suốt ngày hôm qua và cả nửa ngày
hôm nay nàng chuẩn bị như người sắp đi dự một đại lễ. Nàng ngồi ngay bên cạnh
bà thợ may để thúc giục bà này hoàn thành cho nàng chiếc áo mới - chiếc áo thật
đẹp. Nàng đã tắm thật lâu, tắm toàn bộ, trong cái bồn thiếc để gần chật cả căn
phòng nhỏ xíu của nàng ở Mạc Tư Khoa.
Đêm qua, nàng đã để ra nhiều giờ để uốn tóc trong những
chiếc kẹp và sáng nay, nàng mất nhiều giờ nữa để mở kẹp, chải tóc trước gương,
nàng nghiêng mặt nhìn nàng trong gương, cố gắng tìm những góc cạnh để có thể
nghĩ rằng nàng cũng có những nét đẹp, quyến rũ.
Nàng nghĩ nàng sẽ gặp Nerzhin vào lúc ba giờ trưa, ngay sau
đó nghỉ trưa, nhưng vào giờ đó nàng không thấy chàng đến. Rồi nàng bị gọi gia
nhập vào một toán kiểm soát những bộ phận rời trong các phòng thí nghiệm. Sáu
giờ tối nàng trở lại Phòng Âm thính nhưng vẫn không thấy Gleb. Rồi nàng phải dự
cuộc học tập chính trị này. Suốt một ngày dài, nàng hay biết rằng trong ngày
Chủ nhật hôm qua, Gleb Nerzhin đã được đưa đi gặp vợ, người vợ mà suốt một năm
dài vừa qua chàng không được gặp.
Nhờ thân hình nhỏ bé, Simochka dễ dàng tìm được một chỗ ngồi
chìm khuất trong hàng ghế đông người nhất. Nàng cảm thấy hai má nàng mỗi lúc
một nóng hơn mỗi lần nàng nhìn lên đôi kim của chiếc đồng hồ điện treo trên
tường. Sau 8 giờ, nàng sẽ được gần Gleb.
Cuộc học tập nặng nề rồi cũng tan, mọi người vội vã ra về.
Đến phút cuối cùng, Simochka cảm thấy hết can đảm, nàng chần chừ mãi với việc
đi tới chỗ hẹn gặp người yêu.
Mãi tới 8 giờ kém 2 phút, trái tim đập liên hồi – mặc dù
những lời khen chiếc áo đẹp do những bạn đồng nghiệp thốt ra đã đem lại cho
nàng thêm nhiều can đảm – Simochka mới bước vào Phòng Âm thính. Những tù nhân
làm việc buổi tối ở đây đã đệ nạp những hồ sơ, tài liệu để cất vào tủ sắt. Bàn
làm việc của Gleb nổi bật lên: chàng không có ở đó. Tại sao chàng không nhớ?
Chàng đi đâu? Ngọn đèn bàn vẫn bật sáng, chàng đã nộp những tài liệu để cất đi
nhưng nàng thấy có một điểm khác thường: những giấy tờ trên bàn chàng chưa được
xếp dọn gọn ghẽ như mọi tối, một tập san khoa học của Hoa kỳ còn mở rộng trên
bàn. Phải chăng đây là ám hiệu của chàng để riêng cho nàng: “Anh sẽ trở lại
ngay”.
Trung tá Roitman đưa cho nàng chìa khóa phòng và cục si dùng
để gắn cửa, đêm nào các cửa phòng thí nghiệm cũng phải niêm phong. Nàng thấy
tối nay Trung tá Roitman có vẻ âu sầu:
- Serafima Vitalyevna… đêm nay cô trực ư?
Ông ta hỏi nàng câu đó trong lúc ông mặc áo ngoài và đội mũ.
Một hồi chuông điện dài vang dội trong những hành lang và
tất cả những căn phòng trong Viện. Những người tù cuối cùng ra khỏi phòng. Simochka,
với nét mặt nghiêm trọng, đi đi lại lại trong phòng. Những khi nàng không mỉm
cười như thế, nàng để lộ vẻ nghiêm khắc và không chút hấp dẫn - nét xấu chính
trên mặt nàng là sống mũi quá dài, quá nhọn của nàng.
Bây giờ chỉ còn có một mình nàng ở đây.
Bây giờ là lúc chàng phải đến.
Simochka đi khắp phòng, hai bàn tay khổ sở nắm chặt lại với
sự bất lực. Nàng vừa phát giác ra một sự ngẫu nhiên tai hại: những tấm màn vẫn
che những khung cửa sổ phòng này hôm nay được tháo xuống đem đi giặt, cả ba
khung cửa sổ đều trần trụi. Bất cứ ai đứng ngoài bóng tối ngoài sân cũng có thể
nhìn rõ khắp cả phòng này, trừ một khoảng nhỏ cuối cùng. Đó là chưa kể tháp
canh ở đầu bức tường kia, người lính canh trên đó nhìn rõ mọi vật, mọi người
trong phòng này.
Nàng có nên tắt hết đèn trong phòng không? Tắt thì được
nhưng lỡ có người đi qua, tò mò vì chuyện có nhân viên trực trong phòng mà
phòng lại tối om thì sao?
Không sao, không cần tắt đèn, mặc cho thiên hạ nhòm ngó.
Nàng và Gleb vẫn có một chỗ kín đáo không ai thấy được. Đó là phòng ghi âm.
Simochka đi tới đứng dựa vào khung cửa căn phòng nhỏ xíu này, nàng nhắm mắt
lại. Lát nữa, nàng sẽ không tự ý bước vào đây.
Chàng sẽ ôm nàng, kéo nàng, bồng nàng vào.
Do những cô bạn gái đã có kinh nghiệm của nàng kể lại,
Simochka đã biết sẽ có những gì xảy ra. Nhưng đó chỉ là hình ảnh mơ hồ. Cơn xúc
động trong nàng mỗi lúc một tăng, hai gò má nàng nóng rát như bị hơ lửa.
Cái mà nàng giữ gìn quá lâu nay trở thành một gánh nặng mà
nàng cần bỏ đi. Nàng ao ước nàng sẽ có một đứa con với Gleb. Nàng sẽ đi làm
nuôi con chờ đợi ngày chàng ra khỏi tù.
Chỉ có năm năm nữa thôi, năm năm ngắn ngủi.
Những bước chân đi vững chắc, nhanh nhẹn của Gleb vang lên
ngoài hành lang, Simochka vội đi về bàn nàng, ngồi xuống ghế, tay cầm cây vặn
đinh vít, nàng nhìn xuống giàn máy radio đặt sẵn trên bàn như nàng đang bận rộn
làm việc.
Nerzhin đóng nhẹ cánh cửa để tiếng cửa đóng khỏi vang trên
hành lang. Chàng nhìn ngay thấy Simochka cúi mặt trên bàn như một con chim nhỏ.
“Chim cút…”, đó là danh từ âu yếm chàng vẫn gọi nàng.
Nerzhin đi thẳng tới chỗ nàng, chàng tới để nói với nàng
những lời chàng phải nói, chàng tới để lạnh lùng và tàn nhẫn giết nàng.
Simochka ngẩng lên nhìn Gleb với đôi mắt rực sáng yêu đương,
toàn thân nàng lạnh giá ngay lập tức. Nét mặt Gleb lúc đó không phải là nét mặt
của người đàn ông đến để yêu đương.
Cho đến lúc này Simochka vẫn tin chắc khi vào đến phòng,
Gleb sẽ hôn nàng và nàng sẽ chống cự, không phải nàng không chịu mà vì sợ người
lính gác trên tháp canh nhìn thấy.
Nhưng chàng không nhào đến ôm nàng như nàng tưởng, chàng là
người đầu tiên lên tiếng nói, giọng càng nghiêm trọng và buồn rầu:
- Cửa sổ không có màn che. Anh sẽ không đến gần em quá…
Chàng đứng ở bàn làm việc chàng, hai tay chống lên mặt bàn,
nhìn về phía nàng như ông quan tòa:
- Nếu không có ai đến làm phiền chúng ta, anh với em có đủ
thì giờ thảo luận một chuyện quan trọng…
- Thảo luận?
Simochka ngơ ngác hỏi. Nàng quay mặt nhìn Gleb trong lúc
chàng ngồi xuống bàn. Có sự việc vừa xảy đến với chàng mà nàng không hay biết?
Sự việc này chắc là liên hệ với vụ Viện trưởng Yakanov gọi chàng lên văn phòng
tối hôm thứ Bảy? Chàng sắp đi khỏi đây? Nhưng tại sao chàng lại không tới hôn
nàng?
Cổ họng Simochka nghẹn lại khi nàng hỏi:
- Có chuyện gì?... Chuyện gì…?
Yên lặng như chết bao vây họ. Không một tiếng động nào từ
ngoài vang tới họ.
- Simochka… Anh không thể giấu không nói cho em biết…
Nàng chờ đợi.
- Anh có lỗi với em, anh đã hành động thiếu suy nghĩ…
Nàng vẫn không nói.
- Hôm qua… anh gặp vợ anh. Hôm qua anh được đi thăm.
Simochka rúm người lại trong lòng ghế. Thân hình đã nhỏ bé
của nàng càng thêm nhỏ xíu.
- Sao anh không cho em biết trong ngày thứ Bảy?
Giọng nàng lạo xạo như tiếng thủy tinh vỡ vụn.
- Simochka… Em nghĩ rằng anh có thể giấu em một chuyện như
thế sao?
“Tại sao không?”, nàng nghĩ nhưng không nói.
- Mãi tới sáng qua anh mới biết. Thật bất ngờ. Anh được họ
cho biết một tiếng đồng hồ trước khi đi. Suốt một năm nay anh không được gặp vợ
anh nhưng sau lần gặp nhau hôm qua, anh… anh… thấy rằng…
Chàng nói khổ sở, khó khăn, và chàng biết rằng người đàn bà
kia còn khổ sở, đau đớn hơn chàng vì những lời này:
- …anh chỉ yêu có một mình nàng. Em không biết có những gì
đã xảy ra giữa vợ chồng anh. Khi anh ở trại tập trung, nàng cứu sống anh. Không
có nàng, anh đã chết. Nàng đã chết. Nàng đã hy sinh tuổi xuân cho anh, nàng cho
anh cả đời nàng. Em nói em chờ anh nhưng… không thể được. Anh phải trở lại với
nàng. Anh không thể… không thể…
Gleb không còn có thể ngừng nói. Chàng đã nói rồi, chàng
phải nói hết, như người bắn ra phát súng không thể hối hận chạy theo níu viên
đạn lại. Phát súng giết người đã trúng đích, nạn nhân đã chết. Nói nữa hay
ngừng cũng vậy thôi. Simochka gục xuống trên bàn, nàng gục xuống theo nghĩa
đen, mặt nàng úp trên bàn và tóc nàng xõa vào giàn máy vô tuyến vẫn còn đỏ đèn.
Gleb nghe thấy những tiếng nức nở vang lên.
- Simochka… con chim cút của anh… Đừng khóc. Xin em đừng
khóc.
Chàng âu yếm nói, nhưng chàng vẫn ngồi xa nàng hai mặt bàn,
chàng vẫn không thèm xê dịch.
Nếu nàng phản ứng bằng cách dữ dội, sỉ nhục chàng, chàng đã
thản nhiên bỏ đi, thoải mái, nhẹ người. Nhưng sự yếu đuối không chút tự vệ của
nàng làm cho tim chàng thắt lại vì hối hận.
- Đừng khóc. Em đừng khóc. Lỗi tại anh. Hoàn toàn do lỗi ở
anh. Anh đã làm em khổ nhưng anh không còn cách nào khác. Em bảo anh phải làm
sao bây giờ?
Chàng đau khổ khi thấy người đàn bà này khóc nhưng chàng
cũng không sao có thể làm cho Nadya, vợ chàng, phải khóc. Sau cuộc gặp mặt
Nadya hôm qua, chàng không còn có thể nghĩ đến chuyện ôm, hôn một người đàn bà
nào khác, dù người đó có là người đàn bà chàng đã hẹn hò như Simochka.
Nàng khóc mãi và sau cùng, Gleb cũng ngừng việc yêu cầu nàng
thôi khóc, chàng đốt điếu thuốc lá và đi ra đứng bên cửa sổ nhìn trời đêm.
Khi chàng quay lại, Simochka mở lớn đôi mắt nhìn chàng. Mặt
nàng ràn rụa nước mắt và nàng không lau đi, nhưng ánh mắt nàng rực sáng. Lúc
ấy, đôi mắt nàng thật đẹp:
- Anh và vợ anh chưa ly dị ư?
Nàng hỏi, rõ ràng, và nàng đã hỏi đúng vào câu nàng cần hỏi.
Gleb sẽ không còn có trách nhiệm gì nữa nếu vợ chàng đòi ly dị - trường hợp ấy
thường xảy ra với các tù nhân - Hôm qua, Nadya cũng có nói đến chuyện ly dị
nhưng chàng không nên nói lại với Simochka.
- Không…
Chàng đáp nhưng cố không để cho Simochka cảm thấy là chàng
tránh nói đến tiếng “ly dị”.
- Vợ anh chắc là đẹp lắm?
- Với anh thì nàng đẹp…
Simochka thở dài:
- Nếu nàng đẹp, nàng sẽ không chờ đợi anh…
Simochka không thể nào chấp nhận được quyền làm vợ của người
đàn bà xa lạ nào đó mà nàng chưa hề gặp. Người đàn bà đó chỉ sống với Gleb một
thời gian nào đó thôi, nhưng đã lâu lắm rồi, đã tám năm người đàn bà đó không ở
gần Gleb, không chia sẻ buồn vui với Gleb, chắc chắn thị phải đi lại với nhiều
người đàn ông khác. Không một người đàn bà trẻ đẹp nào lại có thể chịu đựng nổi
tám năm. Gleb phải thuộc về nàng, về Simochka. Đêm nay, nàng có quyền làm vợ
Gleb.
- Nàng sẽ không chờ anh đâu…
Simochka nhắc lại. Lời nàng nói như mũi kim nhọn đâm vào tim
Gleb.
- Nàng đã chờ trong tám năm…
Gleb phản đối, nhưng bản tính lý luận của người khoa học
trong chàng bắt buộc chàng phải nói thêm:
- Tất nhiên những năm cuối cùng là những năm khó khăn nhất…
Simochka đưa mu bàn tay lên chùi nước mắt, nàng nhắc lại,
thì thầm như nói một mình:
- Nàng sẽ không chờ…
Nerzhin nhún vai. Quay lại nhìn ra những điểm sáng rải rác
trong vùng trời đêm bên ngoài, chàng cũng nói như người nói một mình:
- Nếu nàng không chờ cũng không sao. Điều quan trọng là mình
không có lỗi…
Đột nhiên, luồng tư tưởng lôi cuốn chàng, Gleb nói đều đều:
- Simochka… tôi không tự cho tôi là người tốt. Khi nhớ lại
những gì tôi đã làm - như nhiều người khác đã làm - ở trên đất Đức, tôi thấy rõ
tôi không phải là người tốt. Lúc ấy, tôi không biết thế nào là tốt, xấu, tôi
chưa hề nghĩ đến chuyện con người có thể làm những việc gì và không nên làm
những việc gì. Nhưng từ ngày ở tù, tôi thấy, tôi biết. Càng sống mất phẩm giá
chừng nào, tôi càng thấy giá trị của con người… Nếu vợ tôi không chờ tôi? Nếu
vợ tôi không chung thủy với tôi? Cũng không sao. Không có gì thay đổi. Tôi sẽ
chết vô ích ở Bắc cực. Nhưng khi nào ta chết, ta được biết chắc rằng ta không
phải là một thằng đểu, ta còn là một người, đó là một điều làm ta hài lòng. Ta
chỉ cần có thế mà thôi…
Chàng có thể nói dài, nói lâu về đề tài trừu tượng này, nhất
là khi chàng chẳng còn chuyện gì để nói. Nhưng Simochka không còn nghe bài
giảng của chàng. Nàng đang kinh hoàng tưởng tượng đến cảnh thê thảm của đời
nàng, nàng sẽ về nhà tả tơi như cái mền rách, nằm vật xuống giường - chiếc
giường trong nhiều đêm nàng ngủ với cảm giác có chàng nằm bên. Nàng đã chuẩn bị
long trọng đến chừng nào cho đêm nay. Nàng đã tắm kỹ, đã thoa nước hoa… Thật
nhục nhã và cay đắng.
Nhưng nếu một cuộc gặp gỡ chớp nhoáng diễn ra trong nửa giờ,
với sự có mặt của nhân viên an ninh, có sức mạnh hơn cả một năm dài nàng ngồi
cạnh chàng, hơn cả sự hy sinh của nàng, nàng đành chịu thua, đành bất lực.
Nerzhin ngừng nói khi thấy rằng Simochka không nghe, và nàng
không cần chàng giải thích, an ủi. Chàng lén nhìn lên đồng hồ: còn những hai
mươi nhăm phút nữa mới đến 9 giờ.
Simochka không thể bảo chàng đi đi, và Nerzhin cũng không
thể bỏ ngay đi được, mặc dù cả hai người cũng biết rõ là họ chẳng còn có gì để
nói với nhau, họ ngồi bên nhau vô ích và chỉ làm cho nhau thêm khó chịu.
Những ngón tay vô hồn của Simochka vặn một nút điện trên
giàn máy radio và tiếng nhạc bỗng tràn đầy gian phòng. Giữa tiếng đàn dây rền
rĩ họ nghe tiếng hát ấm và nồng nàn của danh ca Obukhova:
Không…! Không phải em
là người tôi yêu…
Nhan sắc em không làm
tôi xúc động…
Thật là lạ lùng. Như người ta cố ý hát lên bài này để làm
tăng thêm nỗi đau khổ của Simochka. Nàng run rẩy lắng nghe…
Tuổi trẻ…
Tuổi trẻ qua đi…
Chúng ta mất hết…
Không còn gì…
Không…! Không phải em
là người tôi yêu…
Nerzhin đến gần đưa tay ra định tắt máy, nhưng với vẻ cương
quyết hiếm có, Simochka nói lớn:
- Đừng. Mở lớn hơn đi!
Và nàng lại khóc.
Gleb rung động, khẽ nói:
- Em tha lỗi cho tôi.
- Không sao…
Simochka can đảm gượng cười nhưng những giọt nước mắt vẫn
rơi trên má nàng.
Và lạ lùng thay, Obukhova càng hát, cả hai người càng cảm
thấy dễ chịu. Mười phút trước, họ xa cách nhau đến nỗi họ không còn đủ ý chí để
chào từ biệt nhau. Giờ đây một cái gì dịu dàng tươi mát đã đến với họ.
Khi nào chúng ta xa
nhau…
Hãy hôn nhau…
Dù chỉ là chiếc hôn…
Rất nhỏ…
Không nghĩ đến việc người lính canh bên ngoài có thể nhìn
thấy, Nerzhin cúi xuống, nâng mặt Simochka bằng hai bàn tay, hôn lên trán nàng.
- Simochka… Em đi rửa mặt đi. Họ sắp tới xét tù đấy…
Nàng giật mình, nhìn lên đồng hồ và hiểu. Đôi lông mày mỏng
của nàng nhếch lên, như đến giây phút này nàng mới thật hiểu có những gì đã xảy
đến với nàng tối nay. Ngoan ngoãn và buồn rầu, nàng đi tới bồn sứ có vòi nước ở
cuối phòng.
Chương 38 - Hãy bỏ lại hy vọng, hỡi những ai vào đây
Một ngày nữa lại trôi qua, mặc dù sự lo âu của Innokenty
không giảm, vẫn không có gì khả nghi là việc làm của chàng bị bại lộ xảy ra
hết. Tuy vậy, Innokenty biết rằng đêm xuống, chàng sẽ lo sợ nhiều hơn, bởi vậy
chàng quyết định sẽ đi coi hát cùng với Dotty, vợ chàng. Chàng sẽ trốn trong
rạp hát để khỏi phải giật mình mỗi khi có tiếng chuông cửa.
Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang. Đây là lúc vợ chồng
Innokenty sửa soạn đi coi hát. Dotty, tươi trẻ và quyến rũ trong bộ áo tắm mặc
sơ trên người, vừa đi ra khỏi phòng tắm.
Innokenty đứng đó, chàng mệt mỏi nhìn xuống máy điện thoại:
- Dotty.- chàng bảo vợ - em trả lời cho anh. Có ai hỏi anh
em trả lời anh không có nhà, không biết đến bao giờ anh về. Họ có thể làm hỏng
đêm nay của vợ chồng mình.
Một tay nắm ngực áo. Dotty nhấc ống nói:
- Alô? Nhà tôi không có nhà… Ai? Ai đó?
Bỗng dưng giọng nói và vẻ mặt của nàng đổi thành thân thiện:
- Alô… Kính chào Đồng chí Đại tướng… Dạ… dạ… để tôi hỏi lại
xem… Xin chờ…
Nàng che ống nói và đôi mắt sáng lên, nhìn chồng:
- Đại tướng muốn nói chuyện với anh. Ông ấy có vẻ vui lắm…
Nghi ngờ nổi lên trong Innokenty. Việc ông Đại tướng đích
thân gọi tới nhà một nhân viên dưới quyền ban đêm, và ông lại tỏ ra vui vẻ nữa,
là một việc ít có.
Dotty ghi nhận sự do dự của chồng, nàng linh động nói vào
máy:
- Có người mở cửa. Chắc là nhà tôi về… Dạ, đúng là nhà tôi.
May quá…. Ini… lại đây mau… Đại tướng gọi anh…
Mặc dù Dotnara chưa từng bao giờ học về diễn xuất, nàng cũng
chưa bao giờ lên sân khấu đóng kịch nhưng giọng nói của nàng làm cho kẻ đa nghi
nhất ở đầu dây nói bên kia cũng phải nhìn thấy cảnh Innokenty vừa mở cửa vào
nhà, giơ tay định cởi áo ngoài và trước tiếng gọi của vợ, đi tới chỗ đặt máy
điện thoại.
Giọng nói của ông Tướng đúng là giọng nói vui vẻ như Dotty
đã nhận thấy. Ông hiền hòa báo cho Innokenty biết rằng sự ủy nhiệm của chàng đã
được cấp tối cao chấp thuận: sáng thứ Tư, chàng sẽ ngồi phi cơ bay đi Paris,
ngày mai chàng sẽ bàn giao chức vụ ở Bộ và ngay bây giờ, chàng phải tới sở để
nhận những chỉ thị mật cuối cùng. Chàng sẽ mất chừng nửa tiếng đồng hồ. Một
chiếc công xa đã được Bộ Ngoại giao cho tới nhà chàng để đón chàng.
Innokenty đặt máy xuống. Chàng thở ra một hơi dài, hài lòng,
nhẹ người. Cùng với hơi thở này, chàng trút hết cơn sợ hãi và nghi ngờ dồn ép ở
trong ngực chàng kể từ phút chàng gọi điện thoại đến nhà Giáo sư Dobroumov.
- Dotty… anh sẽ bay đi Paris vào sáng thứ Tư. Ngay bây giờ
anh phải tới sở…
Vợ chàng đã ghé tai vào ống nghe và nàng cũng đã nghe rõ tất
cả, nàng nghiêng đầu, duyên dáng hỏi chồng:
- Chỉ thị mật là những chỉ thị gì? Có chỉ thị nào liên can
đến em không?
- Có thể.
- Anh sẽ nói gì với họ về em? Không có em, làm sao anh đến
Paris được? Anh cứ nói là không có em, anh không thể làm việc được. Em muốn đi
Paris với anh.
- Tất nhiên là em cũng đi chứ, nhưng không đi ngay thôi. Anh
phải đến Paris trước, làm quen với mọi việc, mọi người…
- Nhưng em muốn đi Paris ngay kia.
Innokenty mỉm cười, chàng hôn nhẹ lên má vợ:
- Để anh gắng xem, cũng có thể là em cùng đi ngay với anh,
có thể là em phải đi sau. Chưa thấy họ quyết định gì cả. Bây giờ anh tới Bộ. Họ
cho xe đón anh, em cứ sửa soạn, nhưng từ từ thôi. Đừng vội. Chúng mình sẽ bỏ
màn đầu. Đêm còn dài. Trước khi về, anh sẽ gọi điện thoại từ Bộ cho em biết.
Chàng vừa bận xong bộ sắc phục ngoại giao thì có tiếng
chuông cửa, người tài xế của Bộ đem xe đến đón. Người tài xế này không phải là
Victor, người vẫn thường đến đón chàng mọi ngày. Hắn hơi gầy, cử chỉ nhanh
nhẹn, nét mặt vui và có vẻ có học. Hắn đi sát sau Innokenty trên đường xuống
thang lầu, tay hắn quay quay dây chìa khóa xe.
- Tôi không nhớ mặt anh…- Innokenty vừa gài nút áo ngoài vừa
nói.
- Tôi có được đến đón ông hai lần…
Gã tài xế nhanh nhẩu đáp. Nụ cười của hắn vừa ngây thơ vừa
tinh quái. Innokenty nghĩ rằng hắn thuộc loại tài xế khôn lanh rất được việc và
làm được nhiều việc khác ngoài việc lái xe.
Họ vào chiếc xe đen đậu trước cửa và xe mở máy chạy đi.
Innokenty ngồi ở băng sau. Hai lần, gã tài xế gợi chuyện nói với chàng nhưng
chàng không nghe. Bỗng chiếc xe quẹo gấp vào vỉa hè và dừng lại. Innokenty nhìn
thấy một người đàn ông hãy còn trẻ đứng ở bên hè với ngón tay giơ lên:
- Ông này là Ủy viên Kiểm soát Công xa… - gã tài xế giải
thích - chúng tôi bắt buộc phải cho ổng đi nhờ…
- Được. Được. Không sao…
Gã tài xế nhoài người ra mở cánh cửa băng trên, nhưng khóa
cửa bị kẹt, hắn tắc lưỡi rồi ngoảnh lại nói:
- Đồng chí Cố vấn… xin phép đồng chí cho ông ấy được ngồi
băng sau… Tôi bị bắt buộc…
- Được. Được. Không sao.
Innokenty nhắc lại. Chàng đang ở trong trạng thái tâm hồn
phơi phới, chàng như đang nhìn thấy chàng nhận sổ thông hành, chiếu khán, đi
theo đoàn hành khách vô tư lên phi cơ, bay vút lên trời, bỏ hết mọi nguy hiểm,
âu lo lại sau lưng.
Gã Ủy viên Kiểm soát Công xa, một điếu thuốc dài gắn trên
vành môi, cúi mình vào xe. Gã nói: “Xin lỗi” và buông mình ngồi phịch xuống.
Chiếc xe chồm trên mặt đường.
Trong khoảnh khắc, Innokenty cảm thấy cái cảm giác ghê tởm
phải ngồi ăn với một gã đàn ông lạ mà chàng nghi là không được sạch sẽ lắm. Chỉ
trong nửa phút xe chạy, gã đàn ông lạ đó đã làm không khí trong xe tràn đầy
khói thuốc lá.
Innokenty nói, giọng hơi gay gắt:
- Hạ cửa xe cho khói ra chứ.
Nhưng gã đàn ông lạ như không nghe rõ chàng nói gì. Gã không
hạ cửa kiếng xe, thay vì làm thế, gã nghiêng người móc trong túi ra một tờ
giấy, mở rộng, đưa cho Innokenty:
- Này, đồng chí, đọc giùm tôi cái này, để tôi chiếu đèn cho
sáng.
Xe chạy vào một con đường tối, có thể là đường Pushecnhaya.
Gã đàn ông lạ móc túi lấy ra cây đèn bấm làm theo kiểu cây viết. Gã chiếu vòng
ánh sáng vàng lên mặt giấy xanh. Innokenty nhún vai, chàng đỡ lấy tờ giấy với
cảm giác ghê tởm và bắt đầu lơ đãng đọc:
“Tôi, Chưởng lý Công tố viện Liên bang Xô Viết ra lệnh…”.
Vừa đọc chàng vừa nghĩ đến chuyện tại sao gã lạ mặt này lại đưa cho chàng đọc
tờ giấy này, bộ gã không biết chữ hay sao, hay là gã say rượu? - “bắt giam” -
chàng đọc nhưng vẫn chưa hiểu là chàng đang đọc gì – “tên Volodin, Innokenty
Aratemyevich, sinh năm 1919…”
Chỉ đến lúc đó, khi thấy tên mình hiện lên trên tờ trát tống
giam, Innokenty mới thấy chàng bị đâm suốt từ đầu đến chân, bằng một mũi kim
dài và nhọn hoắt. Chàng mở lớn miệng, nhưng không một âm thanh nào thoát ra
được. Bàn tay, vẫn cầm tờ giấy, rơi xuống đùi chàng và gã đàn ông lạ mặt, đưa
tay trái lên nắm cổ áo chàng, chiếu đèn bấm vào mặt chàng, gằn giọng:
- Ngồi im. Ngồi im. Đừng làm bậy. Chết ngay lập tức…
Gã làm Innokenty hoa mắt vì ánh đèn và thở khói thuốc mù mịt
mặt chàng.
Mặc dù Innokenty vừa đọc lệnh bắt giam chàng, và mặc dù
chàng hiểu rằng đời chàng đến đây là hết, ngay lúc đó, điều làm chàng không sao
chịu nổi là những ngón tay cứng như sắt của kẻ lạ túm lấy cổ áo chàng, và ánh
đèn, khói thuốc phà vào mặt chàng:
- Buông ra…
Chàng đưa những ngón tay run rẩy lên gỡ bàn tay nắm cổ
chàng, tuy chàng biết hơn ai hết rằng trát bắt giam không phải là trát giả mạo,
chàng bị bắt thực sự nhưng chàng vẫn còn tin rằng nếu chàng tới được Bộ Ngoại
giao, gặp được những thượng cấp quen biết của chàng, lệnh này sẽ được hủy bỏ.
Chàng run rẩy mở cửa xe, nhưng khóa cửa không mở.
- Tài xế… - chàng giận dữ kêu lên - thế này là nghĩa lý gì?
Các người định làm gì tôi?
Gã tài xế thay đổi hẳn thái độ, vừa gia tăng tốc lực cho xe
chạy mau hơn, gã vừa hung hãn trả lời:
- Tôi phục vụ Liên bang Xô Viết…
Xe chạy qua công trường Lubyanka sáng trưng ánh đèn như cố ý
để cho Innokenty nhìn thấy lần cuối cùng không những là thế giới mà chàng sắp
rời bỏ mà còn cho chàng thấy cả hai tòa nhà Lubyanka Cũ và Mới, một trong hai
tòa nhà đó, năm tầng cao, là nơi kết liễu cuộc sống của chàng.
Nhiều dãy xe hơi dừng lại khi đèn đỏ và từ từ chuyển bánh
khi đèn đổi màu xanh. Những chiếc xe buýt chở đầy người. Hai bên vỉa hè, người
ta chen vai nhau đi. Không ai biết gì đến nạn nhân đang bị bắt đi đến chỗ chết
thê thảm ngay ở trước mắt họ.
Chiếc xe chạy tới ngang mặt tòa nhà nổi tiếng khắp thế giới và
quẹo vào đường Lubyanka Bolshaya. Những cánh cổng sắt đen mở ra khi xe vừa tới
và đóng ngay lại khi xe vừa đi qua.
Khi xe chạy qua cổng sắt, nắm tay trên cổ áo Innokenty mới
nới lỏng, khi xe vào đến sân, gã lạ mặt mới hoàn toàn buông chàng. Gã nhanh nhẹn
mở cửa xe bên phía gã và bước ra:
- Đi ra…
Gã tài xế cũng xuống xe. Gã mở cánh cửa xe phía Innokenty.
Rõ ràng là ở trong xe mở không được cửa nhưng ở ngoài thì mở được.
- Đi ra. Tay để ra đằng sau.
Gã cũng nói bằng giọng ra lệnh. Lúc này, gã không còn giống
chút nào với gã tài xế tươi tỉnh, vui vẻ khi Innokenty mới nhìn thấy gã.
Innokenty ra khỏi xe. Chàng đứng thẳng người lên và làm theo
lời ra lệnh, mặc dù chàng không biết tại sao chàng lại làm theo, chàng đặt hai
tay ra đằng sau.
Bọn đi bắt chàng đã đối xử với chàng một cách thô bạo nhưng
dù sao, việc bị bắt, đối với chàng, cũng không đến nỗi ghê khiếp quá như chàng
tưởng tượng trong thời gian chờ đợi bị bắt. Chàng có cái cảm giác gần như là dễ
chịu. Như vậy là chàng không có cái gì phải sợ nữa, không còn gì để phải chiến
đấu, phải giả vờ. Chàng có cảm giác tê dại như người lính khi bị thương.
Chàng nhìn quanh mặt sân nhỏ, tăm tối. Mặt sân này là đáy
một cái giếng sâu, thành giếng là những tòa nhà cao bao quanh.
- Không được nhìn.- gã tài xế đẩy chàng - Đi.
Họ đi thành hàng một, Innokenty đi giữa, qua những nhân viên
mật vụ bận đồng phục MGB thản nhiên, qua một cổng đá thấp, xuống vài bậc đá,
vào một mặt sân nhỏ khác - sân này có mái che nên u tối hơn - rồi rẽ trái. Gã
tài xế mở một cánh cửa, cánh cửa này trông sang và đẹp như cửa phòng mạch bác
sĩ nhà giàu.
Cửa mở vào một hành lang nhỏ, sạch, sáng đèn. Gã tài xế đi
đầu bắt đầu tắc lưỡi như để gọi chó mặc dù không thấy bóng một con chó nào hết.
Hành lang ngừng trước một cánh cửa khác. Nửa trên của cánh
cửa này là kiếng nhưng có màn nhung che bên trong. Trên tường có tấm bảng đồng
khắc hàng chữ: PHÒNG TIẾP NHẬN NGƯỜI BỊ BẮT.
Gã tài xế nhấn chuông cửa. Tấm màn bên trong được vạch ra và
bộ mặt dài như mặt ngựa của người gác, bận đồng phục mang cấp bậc Trung sĩ,
thản nhiên nhìn ra. Rồi y mở cửa và gã tài xế một mình bước vào phòng. Cánh cửa
đóng lại sau lưng chúng.
Innokenty và gã mặt lạ đứng im lặng trước khung cửa.
Tấm bảng PHÒNG TIẾP NHẬN NGƯỜI BỊ BẮT là thứ bảng giống như
bảng NHÀ XÁC hoặc PHÒNG TIẾP NHẬN XÁC CHẾT - và nghĩa của nó cũng như thế.
Innokenty không còn có cả ý lực để tỏ thái độ bất bình với gã đàn ông lạ mặt đã
đóng kịch để bắt chàng, gã đàn ông đầy hỗn xược. Chàng nên phản đối, la hét,
đòi hỏi pháp luật và công lý, nhưng lúc này, chàng quên mất cả việc chàng vẫn
giữ hai tay sau lưng. Tâm trí chàng đã ngừng hoạt động và chàng nhìn ngây, như
bị thôi miên, lên tấm bảng PHÒNG TIẾP NHẬN NGƯỜI BỊ BẮT.
Cánh cửa lại mở và gã nhân viên mặt dài ra hiệu cho họ bước
vào. Gã đi trước họ, lưỡi tặc tặc như gọi chó.
Trong phòng này cũng không có chó.
Phòng có đèn sáng và sạch như phòng bệnh viện.
Trong phòng có hai cửa sơn xanh, gã nhân viên mở một cánh
cửa và nói:
- Vào đây.
Innokenty bước vào. Chàng vừa vặn kịp nhìn quanh để biết
rằng phòng này không có cửa sổ và đồ đạc trong phòng chỉ là một cái bàn gỗ dài
và hai cái ghế đẩu, hai tên mật vụ đi bắt chàng đã tới sau lưng chàng. Một tên
khóa hai tay chàng ra sau lưng, tên kia lục soát các túi chàng.
- Các người ăn cướp à?- Innokenty kêu lên, nhưng tiếng kêu
của chàng đã yếu- …Ai cho các anh có quyền khám tôi…?
Chàng yếu đuối chống cự, nhưng tự biết rõ rằng đây không
phải là bọn cướp bóc và hai gã mật vụ này chỉ làm công việc được giao phó cho
chúng làm, sức lực của chàng tiêu tan và giọng nói của chàng thiếu những thanh
âm quyết liệt.
Họ lấy chiếc đồng hồ vàng ra khỏi túi chàng cùng hai cuốn sổ
tay, một cây bút bằng vàng, và một chiếc khăn tay. Chàng nhìn thấy trong tay
chúng cái phù hiệu đeo ở vai áo của nhân viên ngành ngoại giao nhưng ngay lúc
đó chàng không biết đó chính là phù hiệu của chúng lột ra ở vai áo của chính
chàng. Cuộc giằng co tiếp tục. Gã mật vụ đóng vai Ủy viên Kiểm soát đưa trả
chàng cái mùi-soa.
- Cầm lấy.
- Bàn tay bẩn thỉu của các anh đã cầm nó…
Innokenty rít lên và lùi lại, như chàng bị bắt cầm một vật
gì ghê tởm.
Chiếc khăn rơi xuống sàn.
- Người ta sẽ cho anh một tờ biên nhận những vật này…
Gã mật vụ lái xe nói, sau đó cả hai đi vội ra khỏi phòng.
Gã Trung sĩ mặt dài, trái lại, đủng đỉnh không chút vội
vàng. Nhìn chiếc khăn tay nằm dưới sàn, gã khuyên:
- Nên nhặt lên là hơn.
Nhưng Innokenty vẫn không chịu cúi xuống.
- Chúng nó lột phù hiệu của tôi…
Chàng điên lên vì giận. Đến lúc này chàng mới biết là cặp
phù hiệu trên vai áo của chàng đã bị hai tên mật vụ lột mất.
- Hai tay sau lưng.- gã Trung sĩ nói bằng một giọng máy móc -
Đi.
Và gã tắc lưỡi.
Hành lang đi vòng và mở vào một hành lang khác, hai bên có
những ô cửa nhỏ sơn màu xanh ô-liu. Mỗi ô cửa có một bảng số ghi hình bầu dục.
Trong lúc Innokenty và gã Trung sĩ đi qua hành lang, một cô nữ nhân viên mật vụ
đã có tuổi, cũng bận đồng phục MGB, cũng mang cấp bậc Trung sĩ, đang đứng nhìn
qua lỗ nhòm đục trên cánh cửa vào một văn phòng. Mụ thản nhiên buông miếng gỗ
che lỗ nhòm xuống và quay lại nhìn Innokenty như chàng từng đi qua đi lại trước
mặt mụ cả trăm lần trong ngày và không hề có gì lạ đáng để ý trong việc chàng
đi trước mặt mụ một lần nữa. Mụ tra một chìa khóa dài vào ổ khóa thép của ô cửa
ghi số 8, đẩy cánh cửa và ra hiệu cho chàng:
- Vào đi.
Innokenty bước qua cánh cửa vào phòng. Trước khi chàng kịp
quay lại để hỏi, cánh cửa đã đóng lại.
Như vậy đây là nơi chàng phải sống? Một ngày? Một tháng? Một
năm? Nhiều năm? Không thể gọi đây là một căn phòng, cũng không thể gọi đây là
một xà lim, bởi vì, qua những gì ta biết nhờ sách vở, một căn phòng ít nhất
cũng phải có một cửa sổ, và có chỗ để có thể đi đi lại lại, dù rất nhỏ, rất
hẹp. Ở đây Innokenty không thể bước đi, cũng không thể nằm xuống được, chàng
chỉ có thể ngồi. Một cái bàn gỗ và một cái ghế đẩu chiếm hết chỗ. Ngồi lên ghế,
chàng không duỗi thẳng chân ra được.
Không còn gì nữa trong cái ô nhỏ này. Tường và trần sơn
trắng được chiếu sáng rực bởi một bóng điện 200 nến nằm trong cái giỏ dây thép
trên trần.
Innokenty ngồi xuống. Hai mươi phút trước chàng còn đang
tưởng tượng ra cảnh chàng đến Paris nhận chức vụ mới. Hai mươi phút trước cuộc
đời chàng là một dòng sự kiện êm đẹp, trôi chảy nhịp nhàng, những sự kiện ăn
khớp với nhau, soi sáng cho nhau và mỗi sự kiện đánh dấu một thành công. Nhưng
hai mươi phút đã qua, giờ đây trong cái bẫy nhỏ hẹp này, cuộc đời cũ đối với
chàng chỉ là một xâu những lỗi lầm, những thất bại.
Không có tiếng động nào vang từ ngoài hành lang vào, trừ đôi
khi có tiếng mở cửa đâu đó. Chừng hai phút một lần, một số gỗ che lỗ nhìn được
nhấc lên và một con mắt nhìn qua làn kiếng vào chỗ chàng. Ở trong nơi nhỏ hẹp
này, người tù không thể có chỗ tránh được mắt nhìn soi mói của người canh.
Innokenty bắt đầu cảm thấy nghẹt thở và nóng bức. Chàng cởi
chiếc áo ngoài và buồn rầu nhìn vai áo bị lột mất cầu vai. Không có đinh treo
áo trên tường, chàng phải để áo và mũ lên bàn.
Một chuyện kỳ lạ nữa xảy ra, giờ đây cuộc đời chàng đã bị
sét đánh trúng, Innokenty vẫn không thấy trí óc mình tê liệt vì sợ hãi. Thực
ra, trí óc chàng lại bắt đầu làm việc, nó tập trung vào những lầm lỗi chàng đã
phạm. Tại sao chàng không đọc kỹ, đọc hết trát bắt giam? Tờ trát ấy có hoàn
toàn hợp pháp không? Có con dấu của nhà nước trên đó không? Có chữ ký của ông
Biện lý không? Có. Chàng nhớ rằng chữ ký ở ngay trên đầu tờ giấy. Nhưng chàng
không nhớ trát được ký vào ngày nào. Và chàng bị kết tội gì? Không biết ông Đại
tướng có biết vụ này hay không khi ông gọi điện thoại cho chàng? Chắc chắn là
ông phải biết. Như vậy nghĩa là cuộc điện đàm đó cũng chỉ là một phần trong màn
kịch bắt chàng. Tại sao họ phải bày ra hai tên tài xế và Ủy viên Kiểm soát?
Chàng cảm thấy có vật gì nhỏ và cứng nằm trong một túi áo.
Móc ra xem, chàng thấy đó là cây viết chì nhỏ rơi ra từ một quyển sổ tay của
chàng. Innokenty mừng rỡ khi tìm thấy cây bút. Nó có thể hữu dụng với chàng.
Bọn này thật tồi. Ngay cả trong khám đường Lubyanka bọn mật vụ cũng không thực
hiện được một cuộc khám xét chu đáo. Sau khi lựa chỗ tốt nhất để giấu cây bút,
Innokenty bẻ bút làm hai, đặt mảnh bút vào trong giày, chỗ giữa lòng bàn chân.
Ồ, chàng đã quá vội vã. Lẽ ra, chàng phải đọc hết trát lệnh
bắt giam để xem họ bắt chàng vì tội gì. Rất có thể chàng bị bắt không phải vì
tội chàng gọi điện thoại đến báo tin cho Giáo sư Dobroumov. Rất có thể là họ
bắt lầm, cũng có thể là sự tình cờ. Chàng phải có thái độ gì bây giờ?
Chỉ có một thời gian ngắn trôi qua, nhưng chàng đã nhiều lần
nghe thấy có tiếng kêu của một thứ động cơ nào đó sau bức vách đối diện với
cánh cửa. Giàn máy nào đó nổi lên, chạy đều chừng hai phút, rồi ngừng bặt.
Innokenty bị ám ảnh với việc tìm hiểu cái máy đó là máy gì? Đây là một khám
đường, đây không phải là một xưởng máy. Với một người đàn ông bắt đầu lớn lên
trong những năm 40, từng nghe nhiều chuyện đồn đại về những giàn máy giết
người, ý nghĩ về cơ khí lập tức gợi cho người nghĩ một cái gì ghê gớm. Ý nghĩ
đến trong óc Innokenty - chàng biết nghĩ vậy là vô lý nhưng cùng một lúc, chàng
vẫn nhận là rất có thể như thế - rằng giàn máy mà chàng nghe tiếng đó là giàn
máy nghiền nát bộ xương của những người tù bị giết chết. Chàng bắt đầu kinh sợ.
Cùng một lúc, một ý nghĩ khác đến như mũi kim nhọn đâm sâu
vào trái tim Innokenty: chàng đã phạm một lỗi lầm sơ hở quá nặng, một lỗi lầm
ghê rợn, không những là chàng chỉ không đọc trát bắt giam từ đầu đến cuối mà thôi,
tệ hơn nữa là chàng đã quên không phản đối mà là trình bày, là kêu la - rằng
chàng vô tội. Chàng chịu đựng cuộc bắt bớ này với thái độ quá mềm yếu làm cho
họ có lý để tin rằng chàng có tội. Tại sao chàng lại có thể quá mềm yếu như thế
được? Sao chàng lại có thể để cho họ bắt chàng mà không kêu lớn là chàng oan?
Thái độ của chàng cho họ có lý khi nghĩ rằng chàng đã chờ đợi để bị bắt, chàng
đã chuẩn bị để bị bắt!
Chàng điếng người vì sự sơ hở oan nghiệt này. Ý nghĩ đầu
tiên của chàng là phải chồm ngay lên, đập cửa, đá mạnh vào cánh cửa, hả họng la
lớn là chàng vô tội, đòi hỏi phải mở cửa… Nhưng ngay sau đó một ý nghĩ khác tới
trong óc chàng, ý nghĩ thứ hai này sáng suốt hơn: dù chàng có làm như vậy ở đây
cũng sẽ chẳng có ai ngạc nhiên, chắc chắn là đã có nhiều người trước chàng từng
đập cửa, từng kêu oan, và sự im lặng của chàng từ nãy đến giờ đã làm hư hỏng
tất cả.
Ồ… Tại sao chàng có thể tự để cho chàng rơi vào tay họ một
cách quá dễ dàng như thế? Không một cử chỉ chống cự, không cả một lời phản đối,
một nhân viên ngoại giao cao cấp đã để cho mình bị thiên hạ đến tận nhà riêng
bắt đi, bị tóm cổ trên đường phố Mạc Tư Khoa đưa tới nhốt trong phòng giam nhỏ
xíu này.
Tới đây chàng không còn lối thoát. Từ đây chàng hết lối
thoát.
Rất có thể, những vị thượng cấp của chàng vẫn chờ chàng đến
ở Bộ Ngoại giao? Bằng cách nào chàng có thể tới được đó bây giờ? Dù là tới đó
với sự áp giải của nhân viên mật vụ?
Giàn máy bí mật ở bên kia bức tường lại chuyển động, gừ lên
rồi lại ngừng.
Hai mắt Innokenty mỏi và đau nhức vì ánh đèn điện quá sáng
trong phòng giam quá hẹp, dừng lại ở một khung đen trên trần - đây là khung đen
Chúa nhật trong phòng giam này - đó là một ô vuông nhỏ có lưới sắt, có vẻ là
ống thông hơi.
Đột nhiên, chàng nghĩ rằng đó không phải là ống thông hơi, ô
vuông đó là lỗ người ta xì hơi độc vào phòng này, và giàn máy chàng nghe thấy
chuyển động đó là máy thổi hơi độc, và hơi độc đã được xì vào phòng này ngay từ
lúc cánh cửa đóng lại sau lưng chàng, gian phòng nhỏ xíu, kín mít, với cánh cửa
đóng khít chặt này chỉ có thể là một phòng dùng để giết người bằng hơi độc.
Chính vì vậy mà họ luôn luôn nhìn vào phòng này qua ô kiếng
trên cánh cửa: họ nhìn để xem chàng còn tỉnh hay đã chết.
Vì hơi độc mà trí óc chàng không còn được minh mẫn. Chàng
sắp bị mê man. Vì hơi độc mà chàng khó thở. Vì hơi độc mà đầu chàng nhức như
búa bổ.
Hơi độc đang tràn vào - không màu, không mùi.
Kinh sợ, niềm kinh sợ hoàn toàn thú vật, niềm kinh sợ từng
làm cho những con thú dữ săn mồi và những con mồi cùng cuống cuồng chạy trốn
lửa rừng, ào đến chụp lấy Innokenty.
Không còn suy nghĩ, tính toán gì nữa, chàng đấm loạn lên
cánh cửa, đá rầm rầm lên cửa và miệng chàng kêu lớn:
- Mở cửa… Mở cửa… Tôi ngạt…
Đề phòng tù nhân đập cửa, người ta đã đặt mặt kiếng của lỗ
nhìn nằm sâu trong lòng gỗ, nắm tay của tù nhân không thể chạm được vào mặt
kiếng để có thể làm vỡ kiếng.
Một con mắt man rợ, quái đản, một con mắt mở không chớp,
hiện ra ở mặt kiếng bên ngoài, con mắt đó nhìn cơn hoảng loạn của Innokenty với
vẻ thú vị tinh quái.
Đó là một sự xuất hiện đáng sợ: một con mắt rời khỏi mặt
người, một con mắt đứng riêng rẽ, một con mắt có tinh thần riêng nhìn ngắm cảnh
người sắp chết.
Không còn lối thoát.
Innokenty gục xuống ghế.
Hơi độc làm cho chàng ngạt thở.
Chương 39 - Tống giam vĩnh viễn
Đột ngột, cánh cửa mở, mặc dù khi đóng lại, cửa phát ra một
tiếng rầm, khi mở ra, nó hoàn toàn im lặng.
Gã nhân viên mặt dài như mặt ngựa bước qua khung cửa hẹp, gã
hỏi bằng một giọng nói trầm trầm nhưng đe dọa:
- Sao lại đập cửa?
Innokenty cảm thấy đỡ sợ hãi. Nếu gã này dám bước vào phòng
tức là nơi này chưa có hơi độc.
- Tôi khó chịu, tôi đau.- chàng ấp úng nói, sự tự tin của
chàng tan biến đi đâu mất rất nhanh.- Cho tôi chút nước.
Gã nhân viên nghiêm khắc cảnh cáo:
- Nghe đây… Anh không được đập cửa vì bất cứ lý do gì. Nếu
không, anh sẽ bị trừng phạt.
- Nhưng… nếu tôi đau thì sao? Tôi phải gọi người chứ?
- Đừng có la. Nếu anh cần người, chờ lúc nào có người nhìn
vào, giơ một ngón tay lên. Hiểu chưa?
Gã nhân viên thản nhiên và lơ đãng nói, như gã từng nói câu
đó cả ngàn lần với cả ngàn người.
Gã lùi qua khung cửa và đóng ngay cửa lại.
Giàn máy sau bức tường chuyển động một lúc rồi lại ngừng.
Cánh cửa lại mở, lần này cửa mở với những tiếng động lớn,
Innokenty bắt đầu hiểu rằng bọn gác tù ở đây đã được huấn luyện để có thể mở
cửa êm nhẹ hoặc là gây tiếng động tùy theo từng trường hợp.
Gã nhân viên đưa cho Innokenty một ly nước.
- Tôi đau.- Innokenty nói trong khi tay chàng đưa ra đỡ ly
nước - Tôi cần nằm…
- Trong “thùng” không được nằm.
Innokenty sửng sốt, chàng hỏi vội:
- Cái gì? Anh nói trong cái gì?
Chàng đang cần được nói chuyện, dù là nói với gã mật vụ mặt
khô như gỗ đá này.
Nhưng gã đã lùi ra và đóng cánh cửa lại.
Đến lúc đó Innokenty mới nhớ chàng cần nói những gì:
- Này… Kêu giùm tôi ông Quản đốc… Vì sao tôi bị bắt?
Nhưng khóa cửa đã vang lên một tiếng “cách”.
Gã nhân viên vừa dùng danh từ “thùng” để gọi gian phòng này.
Đúng đây là một cái thùng. Không còn tiếng nào đúng hơn là tiếng thùng để gọi
nơi này.
Innokenty đưa ly nước lên miệng. Nước trong ly ít quá. Chàng
cần uống nhiều hơn. Cái ly bằng sứ màu xanh có một hình vẽ khá ly kỳ: một chú
mèo mang mắt kiếng đang ngồi đọc sách nhưng thực sự là đang rình một con chim
dại dột đứng gần bên.
Tất nhiên là người ta không hề có dụng ý khi chọn những cái
ly có hình vẽ này để dùng trong khám đường Lubyanka, nhưng sự ngẫu nhiên này
thật là thích hợp. Quyển sách mà chú mèo đang đọc là sách Luật, và con chim nhỏ
khờ dại kia chính là Innokenty - một Innokenty ngày hôm qua.
Ý nghĩ ấy làm cho Innokenty mỉm cười, rồi bỗng dưng, chàng
biết là chàng đang cười, và nụ cười ấy cho chàng thấy rõ cả bề sâu ghê gớm của
vực thẳm tai họa mà chàng vừa rơi xuống. Nhưng cùng một lúc, nụ cười ấy cũng
làm cho chàng vui vui. Vì khi con người còn cười được là con người còn sống.
Trong chàng vẫn còn sức sống.
Chưa bao giờ chàng tin rằng có thể cười được trong khoảng
thời gian nửa giờ đầu tiên bị bắt vào khám đường Lubyanka.
Innokenty đặt cái ly bên cạnh chiếc áo ngoài của chàng trên
mặt bàn.
Khóa cửa động. Cánh cửa mở. Một Trung úy bước vào, tay cầm
tờ giấy. Bộ mặt dài trơ như gỗ của gã Trung sĩ trực nhật hiện ra sau viên sĩ
quan.
Trong bộ đồng phục của nhân viên ngành ngoại giao màu xám
thêu nhánh lá vàng trước ngực, Innokenty đứng lên trước mặt viên sĩ quan.
- Trung úy.- chàng nói bằng một giọng thân mật - Sao lại có
chuyện này xảy ra? Chắc là lầm lộn sao đó chứ. Cho tôi đọc trát tống giam. Tôi
chưa được đọc cả trát…
Đôi mắt người sĩ quan nhìn chàng vô hồn như mắt bằng thủy
tinh. Y hỏi chàng bằng một giọng hoàn toàn vô tình:
- Họ?
- Volodin.
Người tù sốt sắng trả lời.
- Tên riêng và tên thánh?
- Innokenty Artemich.
- Năm sinh?
Người sĩ quan kiểm soát lại những câu trả lời của chàng với
những gì được ghi trên tờ giấy y cầm nơi tay.
- Một ngàn chín trăm mười chín.
- Nơi sinh?
- Leningrad.
Đúng lúc vị Phụ tá Cố vấn Ngoại giao của chính phủ sửa soạn
nói đến chức vụ của mình và yêu cầu được can thiệp, viên Trung úy lùi ra và
cánh cửa được đóng vào mũi vị Phụ tá Cố vấn.
Innokenty ngồi xuống ghế và nhắm mắt lại. Chàng bắt đầu cảm
thấy sức mạnh của bộ máy hệ thống đưa hàm răng vĩ đại ra cắn lấy đời chàng.
Tiếng động cơ bên kia tường nổi lên, rồi lại im lặng.
Nhiều việc mà chàng cần phải làm, những việc quan trọng cũng
như nhỏ nhặt, ào ào đến trong óc chàng cuồng lên với ý muốn chạy vội đi để làm
những việc đó.
Nhưng trong cái “thùng” này không có đủ chỗ để chàng bước
được một bước dài, nói gì đến chuyện có thể chạy.
Nắp che lỗ nhìn chuyển động, Innokenty đưa một ngón tay lên.
Mụ đàn bà nạ dòng bận đồng phục nhân viên MGB với hai cầu vai nền xanh da trời,
với bộ mặt có những nét nặng nề, buồn nản, mở cánh cửa:
- Tôi phải…
Mụ ra lệnh:
- Chắp hai tay sau lưng. Đi…
Làm theo lời, Innokenty bước ra hành lang. Sau bầu không khí
ngột ngạt trong cái thùng hẹp ấy, chàng cảm thấy không khí trong hành lang này
mát rượi.
Mụ nạ dòng dẫn Innokenty đi một quãng ngắn trên hành lang.
Mụ chỉ tay vào một cánh cửa:
- Đó…
Innokenty vào đó. Cánh cửa được đóng lại sau lưng chàng.
Nơi chàng bước vào cũng hẹp như nơi chàng vừa bước ra. Trên
sàn chỉ là một cái lỗ nhỏ và hai bực sắt để đặt chân hai bên lỗ. Sàn và tường
đều được lát bằng gạch đỏ. Có nước chảy trong lỗ.
Dễ chịu với ý nghĩ là ở đây, chàng có thể tránh bị nhòm ngó,
dù chỉ là trong chốc lát, Innokenty ngồi xuống bực sắt.
Nhưng có tiếng động trên cánh cửa. Innokenty nhìn lên và
thấy cánh cửa này cũng có lỗ nhìn. Sau làn kiếng, con mắt quái đản nhìn chàng
không lúc nào ngừng.
Không thể làm được việc này khi có người nhìn, Innokenty
đành đứng lên. Chàng giơ ngón tay trỏ tỏ dấu chàng sẵn sàng đi ra. Cánh cửa mở.
- Chắp hai tay sau lưng. Đi…
Mụ đàn bà ra lệnh như một cái máy.
Trở vào “thùng”, Innokenty muốn biết bây giờ là mấy giờ,
theo thói quen chàng vạch cổ tay áo nhìn đồng hồ. Nhưng “thời giờ” không còn ở
cổ tay chàng nữa. Hai gã mật vụ hồi nãy đã lột mất đồng hồ của chàng.
Chàng thở dài và ngồi nhìn ngắm hình vẽ con mèo đọc sách
trên cái ly, nhưng chàng không có thì giờ để suy tưởng. Cửa mở. Lần này, người
vào là một gã đàn ông vạm vỡ, vai to, bận chiếc áo choàng ngoài màu xám. Y hỏi:
- Họ gì?
Innokenty bất mãn đáp:
- Tôi đã nói rồi.
Gã đàn ông nhắc lại, vô hồn như một chuyên viên vô tuyến gọi
một trạm vô tuyến khác:
- Họ gì?
- Được rồi. Volodin.
- Lấy đồ. Đi…
Gã áo xám ra lệnh.
Innokenty cầm mũ, áo trên bàn và bước ra. Chàng được đưa trở
lại gian phòng tiếp nhận, nơi chàng bị lục soát các túi và lột mất hai cầu vai
áo, hai quyển sổ tay và chiếc đồng hồ.
Cái khăn mùi-soa chàng để rơi không còn trên sàn.
Innokenty nói bằng một giọng khiếu nại:
- Họ lấy đồ của tôi…
Gã áo xám nói như chó sủa:
- Cởi quần áo.
Innokenty ngạc nhiên.
Gã áo xám nhìn vào mắt chàng. Gã nghiêm khắc hỏi:
- Anh có phải là người Nga không?
- Phải.
Innokenty vẫn hoạt bát, nhưng lúc này chàng không còn nói gì
được ngoài tiếng “phải” ngơ ngẩn ấy.
- Tôi nói anh phải hiểu chứ? Cởi quần áo.
Innokenty gượng khôi hài:
- Người Nga thì cởi quần áo, không phải là người Nga thì
khỏi cởi sao?
Gã áo xám yên lặng như đá, gã đứng chờ đợi chàng.
Với nụ cười mỉa mai và sau cái nhún vai, Innokenty ngồi
xuống chiếc ghế đẩu. Chàng cởi giày, rồi cởi bộ đồng phục. Chàng đưa cái áo cho
gã áo xám. Tuy chàng không coi trọng gì lắm bộ đồng phục này nhưng chàng cũng
không thể coi thường được nó.
Áo xám hất hàm:
- Bỏ xuống sàn.
Innokenty do dự. Áo xám giằng chiếc áo ra khỏi tay chàng,
quăng xuống sàn và đột ngột nói:
- Cởi nữa.
- Cởi nữa?
- Cởi hết.
- Sao được? Đồng chí không thấy trời lạnh ư?
Gã áo xám cảnh cáo:
- Không chịu, anh sẽ bị lột.
Innokenty suy nghĩ: Chàng đã bị chúng dùng sức mạnh lột đồ
một lần, nhất định là chúng sẽ làm việc đó lần nữa. Rùng mình vì lạnh và ghê
tởm, chàng cởi bộ đồ lót ra khỏi người và ngoan ngoãn vất lên đống quần áo.
- Cởi bí tất.
Sau khi cởi đôi vớ, Innokenty đứng trần truồng trên sàn, cặp
giò trắng, không có lông của chàng cũng trần như nửa người trên.
- Há miệng ra. Lớn hơn. Nói… Aaaa… Nữa… Aaaa… Thè lưỡi ra…
Sau khi dùng những ngón tay bẩn nắm hai má Innokenty vành ra
để nhìn vào miệng chàng như khi gã xem răng một con ngựa trước khi mua, gã áo
xám vành hai mắt chàng lên xem, sau khi tin chắc rằng chàng không giấu vật gì
hết ở trong mồm, trong răng, trong mắt, gã nắm tóc chàng kéo ra đằng sau cho
mặt chàng ngửa lên để nhìn vào hai lỗ mũi chàng. Rồi gã vành hai tai chàng ra
để nhìn vào hai lỗ tai. Gã bắt chàng xòe những ngón tay ra để kiểm soát chàng
có giấu vật gì giữa những ngón tay không, gã bắt chàng vung hai tay để xem
chàng có giấu vật gì trong nách không.
Sau cùng, bằng giọng nói máy móc không cần trả lời, gã ra
lệnh:
- Cầm dương vật bằng hai ngón tay, kéo lại. Nữa. Rồi. Đưa
sang bên trái, sang bên phải. Thôi. Buông ra. Đứng quay lưng lại tôi. Dạng hai
chân ra. Nữa. Cúi xuống. Thấp nữa. Vành hai mông ra. Thôi, ngồi xổm xuống. Lẹ
lên.
Trong mấy ngày vừa qua, khi Innokenty tưởng tượng đến việc
chàng có thể bị bắt, chàng vẫn nghĩ rằng tinh thần chàng sẽ chống cự lại quyết
liệt và dữ dội lắm. Chàng đã chuẩn bị tinh thần để bảo vệ những thói quen và
những tin tưởng, những giá trị nhân phẩm của chàng. Chưa bao giờ chàng ngờ rằng
những gì xảy ra sẽ đơn giản, vô nghĩa và tàn nhẫn đến như thế này. Những kẻ có
quyền với chàng ở đây đều là bọn nhân viên hạ cấp, bọn vô học, bọn óc thông
minh và hiểu biết bị giới hạn, chúng lạnh lùng và thản nhiên không cần biết
chàng là ai, vì sao chàng bị đưa đến đây. Cùng một lúc, chúng coi trọng và chú
ý đến những sự kiện nhỏ nhặt mà Innokenty không hề ngờ trước, những sự kiện mà
chàng không thể nào chống cự được. Dù chàng có chống cự cũng chẳng ích lợi gì
cho chàng. Vì những lý do khác nhau, chúng bắt chàng làm những việc nhỏ nhen
không có ý nghĩa gì so với việc quan trọng ghê gớm là việc chàng bị bắt – những
việc nhỏ mà chàng thấy là không cần phải phản đối. Xong thủ tục này có cái tác
dụng lớn không ngờ là bẻ gãy hoàn toàn tinh thần của người tù.
Rã rời và tuyệt vọng, Innokenty chịu đựng những nhục nhã ấy
trong im lặng.
Gã áo xám ra lệnh cho chàng ngồi lên chiếc ghế đẩu thấp ở
bên cửa. Ý nghĩ đầu tiên của chàng là chàng không thể để cho da thịt trần
truồng của chàng chạm vào vật lạnh ấy, nhưng chàng vẫn ngồi xuống, và chàng cảm
thấy sung sướng khi thấy mặt gỗ như làm ấm da thịt chàng.
Chàng từng cảm thấy nhiều cảm giác dễ chịu trong đời, nhưng
cảm giác này là một cái gì mới tinh, đặc biệt. Chàng ngồi thu hai chân lại, hai
tay ôm lấy đầu gối, ngồi co ro như thế chàng thấy ấm hơn.
Chàng ngồi bó gối như thế trong lúc gã áo xám đứng trên đống
quần áo của chàng, cầm từng cái lên xem thật kỹ. Gã cẩn thận giơ từng thứ lên
để nhìn làn vải qua ánh đèn. Gã nắn kỹ từng ly những đường viền áo, gấu quần,
xem kỹ từng cái nút. Xét kỹ xong mỗi cái, gã liệng về phía Innokenty. Chàng run
rẩy đứng dậy mặc dần từng thứ vào người và cảm thấy ấm lại.
Gã áo xám lộn đôi vớ cùa chàng từ trong ra ngoài và vứt trả
chàng. Rồi gã móc trong túi ra một con dao nhíp khá lớn và bắt đầu kiểm soát
đôi giày của chàng. Gã đổ hai mẩu viết chì giấu trong giày ra nhưng không để lộ
vẻ gì coi đó là chuyện quan trọng, gã tiếp tục khám. Gã bẻ cong đế giày xem
trong đó có giấu vật gì cứng hay không. Gã dùng mũi dao cạy hai vòng dây thép
cong trong giày ra, đặt lên bàn rồi cầm cái dùi xiên vào đế giày.
Innokenty đứng nhìn gã làm việc và chàng nghĩ đến chuyện đời
gã cũng chẳng sung sướng gì: quanh năm và hết năm này đến năm khác, gã phải lục
tìm trong quần áo lót của thiên hạ, đục đế giày, nhìn vào lỗ hậu môn. Phải làm
những việc đó, mặt mũi gã rầu rĩ cũng không có gì lạ.
Nhưng ý nghĩ mỉa mai thoáng đến trong đầu óc Innokenty biến
đi ngay, thay vào đó là những cảm nghĩ buồn rầu lo âu. Gã áo xám cắt và dứt hết
những đường thêu trên áo chàng, rồi cắt hết nút áo. Gã cắt hết những đường viền
và vải lót bên trong áo chàng. Quần chàng cũng bị cắt hết nút và vải lót. Tới
chiếc áo lạnh bận ngoài của chàng, gã có vẻ chú ý hơn, vì gã thấy có cái gì
cứng ở trong miếng độn vai áo. Một bản danh sách? Hay một ve thuốc độc? Tháo
được hai miếng độn vai ra khỏi áo, gã xem xét rất lâu, nét mặt gã lúc nào cũng
chú ý và nghiêm trọng như gã là một bác sĩ giải phẫu đang thực hiện cuộc mổ tim
người.
Cuộc kiểm soát này kéo dài tới nửa tiếng đồng hồ. Sau cùng,
khi đã tin chắc rằng không còn có vật gì gã muốn tìm còn sót trong quần áo,
giày vớ của Innokenty, gã vứt nốt cái áo cuối cùng cho chàng và bắt đầu nhặt
nhạnh những chiến lợi phẩm cất đi. Dây lưng và dây nịt vớ của chàng đều bị
tước. Cùng với hai thứ đó là cà-vạt, nút cài cà-vạt, nút cài cổ tay áo, hai
vòng dây thép cong trong giày, hai mẩu viết chì, những sợi dây vàng thêu trên
áo chàng và những nút quần, nút áo. Đến lúc đó Innokenty mới bắt đầu hiểu và sợ
phục công cuộc tàn phá mà gã áo xám đã làm. Không hiểu vì sao việc phải mặc
quần không có dây thắt lưng, không có nút, làm cho Innokenty xúc động và khổ sở
hơn tất cả những hành hạ chàng đã phải chịu từ lúc bị bắt tới giờ.
- Sao lại cắt nút quần tôi?- Chàng hỏi.
- Cấm.
Gã áo xám đáp gọn.
- Không có dây lưng làm sao tôi giữ quần khỏi tụt?
Đã đi ra tới cửa, gã nói không ngoảnh lại:
- Lấy dây buộc.
- Lấy dây? Làm gì có dây? Lấy ở đâu?
Nhưng cánh cửa đã đóng lại và khóa ở bên ngoài.
Innokenty không đấm cửa, không kêu la, không năn nỉ. Chàng
nhận thấy vẫn còn vài cái nút được để lại trên áo chàng và việc này là một điều
đáng mừng.
Chàng học hỏi được rất nhanh.
Hai tay xốc quần cho khỏi tụt, chàng đi vài bước trong
phòng. Nhưng chàng thưởng thức khoảng không gian tương đối rộng rãi này chưa
được lâu - chàng mới đi được có một vòng phòng - khóa cửa đã lách cách vang
lên. Một gã đàn ông khác bước vào, bận cái áo choàng bẩn. Gã nhìn Innokenty như
nhìn một vật quen thuộc vẫn có từ lâu lắm trong phòng này và đột ngột ra lệnh:
- Cởi quần áo!
Innokenty muốn tỏ ra giận dữ, hung hãn, nhưng những gì thốt
ra được từ cổ họng tắc nghẹn vì xúc động của chàng chỉ là một câu than thở yếu
ớt:
- Tôi vừa mới mặc quần áo vào xong. Sao họ không bảo tôi
đừng mặc vội?
Nhưng chàng than thở vô ích. Gã đàn ông thản nhiên đứng đó
nhìn chàng với nét mặt vô hồn, chờ đợi chàng làm theo lệnh gã, Innokenty cởi
quần áo, cởi giày.
- Ngồi xuống.
Gã đàn ông chỉ tay xuống cái ghế đẩu Innokenty vừa co ro
ngồi hồi nãy.
Người tù trần truồng ngồi xuống, chàng không còn nghĩ tại
sao phải ngồi, ngồi để làm gì. Thói của những người tự do nghĩ đến việc mình
làm trước khi làm đã biến mất trong chàng. Gã đàn ông nắm lấy gáy chàng và
những lưỡi kéo nghiến mạnh vào tóc chàng.
- Anh làm gì?- Innokenty rùng mình nói, chàng cố nghiêng đầu
- Ai cho anh quyền cắt tóc tôi? Tôi vẫn chưa bị bắt mà.
Trong cơn xúc động, chàng không biết là chàng phải nói: “Tôi
vẫn chưa bị tòa kết án”.
Nhưng gã thợ hớt tóc nắm tay vẫn ghì chặt ót chàng và những
nhát kéo đẩy mạnh. Đốm lửa phản kháng vừa lóe lên trong Innokenty tắt đi ngay.
Nhà ngoại giao trẻ tuổi, kiêu hãnh, lịch sự, hào hoa, tự tin, quen thuộc với
việc lên xuống những chiếc phi cơ chở khách liên lục địa, thường thản nhiên
trước cảnh hào nhoáng và đông đảo của đô thị Âu châu phồn hoa, nay chỉ còn là
một sinh vật giống đực, gầy gò, trần truồng, yếu đuối với cái đầu có mái tóc bị
cắt sát vào đến sọ.
Những lọn tóc nâu của Innokenty rơi xuống từng nắm như
tuyết. Chàng cầm lấy ít sợi và trìu mến xoe xoe chúng giữa hai ngón tay. Chàng
cảm thấy tự yêu chàng và yêu cuộc sống đang rời bỏ thân thể chàng.
Chàng nhớ lại ý nghĩ hồi nãy của chàng là thái độ đầu hàng,
sự cam chịu có thể bị coi là có tội. Chàng nhớ lại quyết định hồi nãy của chàng
là phải phản kháng, phải tranh luận, phải cãi cọ, phải đòi gặp cho bằng được kẻ
đã ký giấy bắt giam chàng, nhưng trái ngược với những quyết định ấy, tinh thần
chàng đã bị tiêu diệt. Chàng đang ở trong trạng thái thản nhiên êm đềm của
người từ từ chết vì lạnh trong băng tuyết.
Sau khi gã thợ hớt tóc đã cắt xong tóc Innokenty, gã bắt
chàng đứng lên và giơ cao hai tay để gã cắt lông nách chàng. Rồi gã ngồi xổm
xuống và cũng với cây kéo ấy, cắt lông ở bụng chàng. Việc này làm cho Innokenty
ngạc nhiên, bất giác chàng rùng mình và gã thợ gừ lên một tiếng cảnh cáo chàng.
- Bây giờ tôi mặc áo vào được chưa?
Innokenty hỏi khi gã nọ đã làm xong.
Nhưng gã không đáp, gã chỉ lẳng lặng đi ra và khóa cửa lại.
Lần này, kinh nghiệm cho Innokenty biết rằng chàng không nên
vội bận quần áo. Chàng cảm thấy da thịt ngứa ngáy khó chịu và đưa tay lên sờ
đầu, lần đầu tiên chàng cảm thấy những sợi tóc dựng đứng tua tủa trên đó. Ngay
từ thời còn là trẻ thơ, chưa lần nào Innokenty cắt tóc ngắn hết.
Chàng bắt đầu bận quần áo. Nhưng khi chàng vừa kéo được cái
quần không dây lưng lên, khóa cửa lách cách vang lên, một gã nhân viên bước
vào, tay cầm một tấm giấy dày khá lớn. Gã này có cái mũi bự.
- Họ gì?
- Volodin.
Người tù trả lời ngay mặc dù chàng cảm thấy buồn nôn vì
những câu hỏi lý lịch liên tiếp và dài lê thê này.
- Tên họ và tên thánh?
- Innokenty Artemich.
- Năm sinh?
- Một ngàn chín trăm mười chín.
- Nơi sinh?
- Leningrad.
- Cởi ra.
Chỉ lờ mờ hiểu có những việc gì đang xảy ra quanh mình,
Innokenty lại cởi quần áo. Chiếc áo lót của chàng rơi từ mặt bàn xuống sàn nhà
dơ dáy nhưng chàng chỉ nhìn nó rơi xuống không chút kinh tởm, và chàng cũng
không vội vã cúi xuống lượm nó lên.
Gã mũi bự đi quanh người chàng, nhìn kỹ mặt mũi, thân thể và
ghi những nhận xét của gã xuống tờ giấy. Khi thấy gã chú ý tìm những dấu vết
đặc biệt của chàng, Innokenty hiểu rằng gã đang thiết lập bản lý lịch thân xác
chàng để cho vào hồ sơ.
Rồi gã Mũi Bự cũng xong việc và đi ra.
Không bận quần áo, Innokenty ngồi xuống ghế.
Cánh cửa lại động. Một thiếu phụ to lớn, tóc đen, bận áo
choàng trắng tinh bước vào. Ả có nét mặt kiêu căng, thô bạo và những cử chỉ giả
tạo của một người trí thức.
Innokenty giựt mình khi thấy người vào phòng là đàn bà,
chàng vớ lấy cái quần lót che thân, nhưng ả đàn bà trừng mắt nhìn chàng với vẻ
khinh thị không cần che giấu, hơi trề môi dưới ra, ả hỏi:
- Có chấy, rận không?
- Tôi là một nhà ngoại giao.
Innokenty bị chạm tự ái nặng, chàng nhìn thẳng vào đôi mắt
đen đặc biệt của dân Armenia trên mặt ả đàn bà trong khi chàng nói câu đó, hai
tay chàng vẫn khư khư giữ cái quần lót trước bụng.
- Thì sao? Anh có gì cần khai không?
Innokenty vội vã:
- Có chứ. Nhiều lắm. Tại sao tôi lại bị bắt? Tôi muốn đọc kỹ
trát bắt tôi. Tôi muốn gặp ông Chưởng lý, ông Quản đốc…
Ả đàn bà nhíu lông mày:
- Không ai hỏi anh những chuyện ấy. Có bệnh hoa liễu không?
- Cái gì?
- Anh có bị giang mai, lậu, hột xoài? Phong cùi? Ho lao? Có
bệnh gì khác không?
Và ả đi ra không cần chàng trả lời.
Gã nhân viên đầu tiên chàng gặp ở đây, gã có bộ mặt như mặt
ngựa, bước vào phòng. Innokenty cảm thấy ấm lòng khi chàng nhìn thấy mặt gã, vì
gã này là người duy nhất ở đây không nạt nộ chàng, không làm chàng phải đau
đớn.
- Sao không bận quần áo vào?- Gã mặt dài hỏi như gắt - Mặc
vào. Lẹ lên!
Nhưng bây giờ, việc mặc quần áo với Innokenty không còn là
việc dễ làm nữa. Gã mặt dài để chàng ở đó một mình và Innokenty giải quyết tình
trạng thiếu dây lưng của chàng bằng cách mà cả triệu tù nhân trước của chàng đã
dùng: lấy dây giày buộc lưng quần. Chỉ đến lúc này chàng mới biết rằng những
miếng sắt nhỏ xíu gắn ở những đầu dây giày đã bị cắt mất. Chàng chưa được biết
rằng trong khám đường Lubyanka, những người cầm quyền tin rằng tù nhân có thể
dùng những mẩu sắt nhỏ ấy làm cưa và cưa được song sắt.
Chàng buộc được lưng quần nhưng chưa biết làm cách nào giữ
cho hai vạt áo mất nút khép lại được.
Gã mặt dài, nhìn qua lỗ nhòm trên cánh cửa thấy tù nhân đã
mặc xong quần áo, mở cửa vào, ra lệnh cho tù nhân chắp hai tay sau lưng, đi
sang một gian phòng khác. Ở đây có gã mũi bự mà Innokenty đã biết, đang ngồi.
Gã mũi bự nói ngay khi Innokenty vừa bước vào:
- Cởi giày.
Việc này không có gì khó, vì đôi giày của Innokenty không
còn dây buộc, cả hai chiếc vớ của chàng, bị mất dây thun chằng, tụt xuống cổ
chân chàng.
Sát tường có một cái cân bàn và một cây đo để lấy chiều cao
của chàng, ghi xuống giấy.
- Đi giày.
Ra đến cửa, gã mặt dài ra lệnh:
- Tay chắp sau lưng.
Từ đó về đến thùng số 8 chỉ có mấy bước nhưng gã vẫn ra lệnh
cho chàng phải chắp hai tay sau lưng.
Innokenty bị nhốt trở lại trong “thùng”.
Bên kia bức tường, giàn máy nào đó vẫn chạy, vẫn ngừng.
Hai tay nắm hai vạt áo, kéo sát vào người, Innokenty mệt mỏi
ngồi xuống ghế. Kể từ giây phút vào khám đường Lubyanka, chàng chỉ được thấy
ánh đèn sáng rực, những bức tường như muốn ép chàng, nghiến chàng và những bộ
mặt vô hồn của bọn cai ngục lầm lì. Những thủ tục mà bọn cai ngục bắt chàng
phải qua, đối với chàng, đều khôi hài như trò trẻ con. Chàng không nhận thấy là
những trò đó là một chuỗi dài sự kiện hợp lý và có nghĩa: trước hết là cuộc
khám xét tù nhân do những kẻ đi bắt về thực hiện, rồi đến việc lập hồ sơ lý
lịch tù nhân, việc vào sổ tên tuổi tù nhân do ban quản đốc khám đường thực hiện
sau khi tiếp nhận tù nhân, cuộc khám xét căn bản khi tù nhân tiếp nhận, cuộc
khám xét về y tế, việc ghi nhận những dấu vết đặc biệt trên thân thể tù nhân.
Việc kiểm soát vệ sinh. Những thủ tục này làm cho kẻ bị bắt mất thăng bằng về
tinh thần, mất khả năng lý luận và sức đối kháng. Giờ đây, nỗi khổ sở duy nhất
đang hành hạ, dày vò Innokenty chỉ là nỗi khổ thèm ngủ. Sau khi nghĩ rằng như
vậy là họ sẽ không còn hỏi đến chàng nữa trong đêm nay và đây là lúc chàng có
thể ngủ, Innokenty đặt cái ghế đẩu lên mặt bàn để lấy chỗ nằm dưới sàn. Chàng
trải cái áo ngoài lên sàn và nằm co quắp trên đó. Chỉ trong ba tiếng đồng hồ
đầu tiên phải sống trong khám đường Lubyanka, chàng đã có được những quan niệm
về vấn đề ăn ngủ. Với hai đầu gối co sát lên tới cằm, đầu ngoẹo trong góc
tường, trước khi toàn thân chàng tê cứng, chàng cảm thấy dễ chịu.
Nhưng chàng chưa ngủ được say, cánh cửa “thùng” đã mở với
những tiếng động cố ý.
- Đứng lên…
Mụ đàn bà ra lệnh.
Innokenty chỉ còn đủ sức để mở mắt nhìn hai bàn chân thô
trong đôi giày nhà binh đặt gần mặt chàng.
- Đứng lên… Đứng lên…
Chàng nghe tiếng giục đã cấp bách vang trên đầu chàng.
- Tôi buồn ngủ. Tôi mệt quá, cho tôi ngủ.
- Đứng lên… Đứng lên…
Chàng nghe tiếng giục dã cấp bách vang trên đầu chàng.
- Tôi buồn ngủ. Tôi mệt quá, cho tôi ngủ.
- Đứng lên…
Mụ đàn bà quát lớn, mụ cúi xuống chỗ chàng nằm như một mụ
phù thủy hiện ra trong ác mộng.
Innokenty khó khăn ngồi dậy rồi đứng lên. Chàng thều thào:
- Làm ơn cho tôi đến đâu đó, chỗ nào tôi có thể nằm ngủ…
- Cấm không được ngủ.
Mụ phù thủy mặc đồng phục nhân viên Mật vụ màu xanh chặn lời
chàng, mụ lùi ra, đóng cửa lại.
Innokenty đứng dựa lưng vào tường trong lúc mụ đàn bà nhìn
chàng qua lỗ nhòm. Mụ nhìn chàng như thế một lúc lâu, bỏ đi, rồi trở lại nhìn
nữa, rồi bỏ đi.
Một lần nữa, Innokenty lại nằm gục trên sàn. Chàng lợi dụng
khoảng thời gian ngắn mụ đàn bà không nhìn để ngủ.
Và một lần nữa, khi chàng vừa chợp ngủ, cánh cửa lại mở với
một tiếng động lớn.
Lần này, người tới là một gã đàn ông, gã cao lớn, vạm vỡ như
một anh thợ rèn hoặc một công nhân chuyên đập đá tảng. Gã đứng giữa khung cửa
trong chiếc áo choàng trắng.
- Họ gì?- Gã nói.
- Volodin.
- Mang đồ đi.
Innokenty nhặt áo và mũ, với đôi mắt lờ đờ, chàng loạng
choạng đi theo gã đàn ông. Lúc này, chàng ở trong tình trạng kiệt lực, hai chân
chàng bước đi với những bước cao thấp không đều, chàng chỉ còn vừa đủ sức để đi
nhưng không ghi nhận được gì chung quanh. Nếu có thể được, chàng nằm vật xuống
lối đi và ngủ say ngay tức thì.
Chàng bị dẫn đi qua một lối đi nhỏ, hẹp, đục sâu trong những
bức tường dày, rồi vào một hành lang khác, hành lang này bẩn thỉu, dơ dáy hơn
hành lang chàng vừa rời bỏ, sau cùng, chàng được dẫn tới một cửa phòng tắm. Ở
đây, sau khi dúi vào tay chàng một miếng xà-bông nhỏ hơn bao quẹt, gã đàn ông
bảo chàng cởi quần áo vào đó tắm.
Innokenty phản ứng chậm chạp. Chàng quen tắm trong phòng tắm
sáng choang, sạch bóng như gương. Phòng tắm bằng gỗ này, có thể là sạch với một
người thường, đối với chàng thật bẩn. Chàng tìm một chỗ tương đối sạch trên mặt
ghế dài và cởi quần áo để lên đấy. Rồi chàng co ro bước đi trên bậc gỗ còn ướt
những vết chân, vết giày. Chàng không muốn cởi quần áo, không tắm, chỉ vào đấy
rồi đi ra nhưng gã thợ rèn theo vào tận nơi, giục chàng vào đứng dưới vòi nước.
Có bốn vòi nước trên cao chảy vào chỗ đứng tắm, có đủ nước
nóng, nước lạnh – nước nóng là thứ hiếm có trong nhà tù – nhưng Innokenty chưa
biết nước nóng là quý. Và chàng cũng chưa biết thưởng thức điều kiện hy hữu là
bốn vòi nước cho một người tắm. Nếu chàng biết rằng bốn người tù phải đứng tắm
chung dưới một vòi nước, có thể chàng đã khoan khoái khi thấy một mình chàng
được hưởng thụ bằng mười sáu người. Chàng đã vứt miếng xà bông ghê tởm đi.
Trong suốt ba mươi năm trời chàng sống, chưa bao giờ chàng phải cầm đến một
miếng xà-bông bẩn thỉu đến như vậy, hơn thế nữa, chàng còn không biết rằng ở
đời này có những miếng xà-bông bẩn như thế. Trong vài phút đứng dưới vòi nước,
chàng chỉ chú ý đến việc làm cho bụng dưới chàng sạch những sợi lông, tóc bị
cắt làm cho chàng ngứa ngáy. Rồi, với cảm giác chàng chưa hề tắm gì cả, chàng
chỉ vừa làm cho da thịt chàng dơ bẩn hơn, chàng trở lại chỗ để quần áo.
Nhưng quần áo của chàng không còn để trên mặt ghế nữa. Họ đã
lấy mang đi hết quần áo của chàng, kể cả đồ lót, chỉ còn đôi giày của chàng là
còn nằm dưới gầm ghế. Cửa phòng đóng, khóa bên ngoài. Innokenty không còn có
thể làm được việc gì khác ngoài việc ngồi lom khom trên ghế, trần truồng, như
pho tượng “người suy tưởng” của nhà điêu khắc Rodin.
Rồi gã đàn ông đem vào cho chàng một bộ đồ lót nhà tù bằng
vải dày, thô cứng, từng được giặt nhiều lần. Mặt trước, mặt sau cái áo lót, cái
quần lót này đều có in hai chữ “Khám đường”. Ngoài hai thứ đó là một mảnh vải
vuông gấp tư mà Innokenty không nhận được ngay đó là cái khăn tắm. Nút quần lót
bằng giấy bồi và đã bị mất một, hai nút. Lưng quần thắt bằng dây, nhưng sợi dây
này cũng đã đứt. Cái quần cụt quá chật, quá ngắn, bó sát hai mông chàng, cái áo
lót lại quá rộng, quá dài. Gã thợ rèn không nghe nói đến chuyện đổi cho chàng
bộ khác bởi vì chàng đã bận bộ này vào người rồi.
Khó chịu, ngượng nghịu trong bộ đồ lót mới nay, Innokenty
ngồi chờ rất lâu trong gian phòng bên ngoài. Họ cho chàng biết rằng quần áo của
chàng đang nằm trong “lò hấp”. Danh từ này mới lạ với Innokenty, chàng không
tưởng tượng được “lò hấp” là cái gì.
Cuộc tắm đêm bất đắc dĩ đã xua đuổi cơn buồn ngủ ra khỏi
Innokenty, bây giờ chàng chỉ còn thấy mệt. Cơn mệt mỏi ghê gớm đến đè nặng lên
chàng. Chàng khao khát được ngả lưng trên một cái gì khô và ấm, nằm bất động và
phục hồi sức lực. Nhưng chàng cũng không muốn nằm trên mặt sàn ướt nhớp nháp
này.
Cửa mở, nhưng người vào không phải là gã thợ rèn, quần áo
của chàng cũng chưa được mang vào. Người vào phòng là một thiếu nữ có bộ mặt
vuông hồng hào, bận thường phục, Innokenty lúng túng vì cái quần cụt mất nút,
lom khom đứng lên. Người thiếu nữ đưa cho chàng tờ biên nhận bằng giấy hồng,
bảo chàng ký lên đó - tờ biên nhận ghi rằng: Hôm nay ngày 26 tháng 12, Khám
đường của Cơ quan MGB, Liên bang Xô Viết, có nhận tạm giữ của tên Volodin: 1
đồng hồ tay bằng kim khí màu vàng, 1 bút máy cũng bằng kim khí màu vàng, một
cây cài cà-vạt có viên đá nhỏ, một cặp nút cài tay áo có hai viên đá xanh.
Innokenty lại ngồi chờ, đầu gục xuống. Sau cùng, họ đem áo
quần tới trả chàng. Chiếc áo choàng ngoài còn nguyên không hề hấn gì trong khi
cái áo veste và quần của chàng nhàu nát, co rúm và hãy còn nóng ran.
- Sao các anh không cẩn thận bộ đồng phục cũng như cái áo
ngoài này giùm tôi có được không?- Innokenty giận dữ hỏi.
Gã thợ rèn nghiêm giọng trả lời:
- Cái áo ngoài này bằng lông thú. Anh phải hiểu chứ.
Giờ đây, sau khi bị hấp trong “lò hấp”, cả bộ quần áo của
Innokenty cũng trở thành xa lạ với chàng. Với cảm giác khó chịu do áo quần lạ
gây ra, Innokenty được đưa trở về “thùng” số 8.
Chàng hỏi xin hai ly nước và uống ngon lành. Ly đựng nước
cũng có vẽ hình con mèo đọc sách.
Rồi một thiếu nữ khác lại đến, đưa cho chàng một tờ biên
nhận màu xanh để chàng ký. Biên nhận này ghi: Hôm nay, ngày 27 tháng 12, Khám
đường của Cơ quan MGB, Liên bang Xô Viết, có nhận để tạm giữ của tên Volodin
những món sau đây: một sơ-mi lụa, một bộ đồ lót lụa, một dây lưng da, một dây
cà-vạt. Bây giờ đã là 27 rồi ư?
Giàn máy bí mật sau bức tường vẫn tiếp tục phát ra tiếng
động.
Sau khi bị nhốt trở lại, Innokenty ngồi khoanh hai tay trên
mặt bàn và gục đầu xuống đó, chàng định ngủ ngồi.
- Cấm.
Một viên canh tù mới mở cửa sủa vào.
- Cái gì cấm?
- Cấm gục đầu xuống bàn.
Innokenty đành ngồi chờ, tâm trí chàng hoảng loạn.
Một hồi nữa, họ lại mang đến một tờ biên nhận để chàng ký.
Biên nhận này bằng giấy màu trắng, trên ghi: Khám đường của Cơ quan MGB, Liên
bang Xô Viết có nhận để tạm giữ của tên Volodin số tiền là 123 đồng ruble.
Thêm một nhân viên nữa tới, người này bận cái áo choàng màu
xám. Mỗi lần mang biên nhận đến cho Innokenty ký, người ta đều hỏi tên họ
chàng. Lần này, nhân viên mới đến lại hỏi lý lịch chàng từ đầu đến cuối. Họ gì?
Tên riêng và tên thánh? Năm sinh? Nơi sinh?
Rồi gã nhân viên bảo chàng:
- Xong rồi. Đi…
- Xong gì? Đi đâu?- Innokenty ngơ ngác hỏi lại.
- Bỏ đồ của anh lại đó. Đi theo tôi. Hai tay chắp đằng sau…
Trong hành lang, bọn cai tù nói nhỏ hơn, đề phòng tù nhân bị
nhốt trong những “thùng” bên cạnh nghe thấy.
Tắc lưỡi theo kiểu gọi chó, gã nhân viên áo xám mới đến đưa
Innokenty tới một gian phòng lớn. Phòng này không có vẻ là một gian phòng trong
nhà tù, các cửa sổ phòng đều có màn che kín, trong phòng có bàn ghế, tủ.
Innokenty được chỉ cho ngồi xuống một cái ghế đặt ở giữa phòng. Chàng yên trí
là họ sắp thẩm vấn chàng.
Nhưng họ chỉ đẩy ra trước mặt chàng một giàn máy chụp hình
đặt trên giá gỗ. Họ bật đèn sáng trưng chung quanh chàng và họ chụp hình chàng.
Gã áo xám đưa Innokenty đến đây nắm lấy từng ngón bàn tay
mặt của chàng, lăn trên mặt kiếng dính mực in nhơm nhớp rồi ấn xuống mặt giấy.
Dấu chỉ tay của năm ngón tay chàng hiện trên mặt giấy.
Sau tay mặt, đến lượt những ngón tay của bàn tay trái.
Trên những dấu ấy là hàng chữ “Volodin, Innokenty Artemich, 1919,
Leningrad” và trên tất cả là hàng chữ in đen đậm:
TỐNG GIAM VĨNH VIỄN
Đọc bốn chữ này, Innokenty rùng mình. Những chữ này có một
cái gì huyền bí, siêu nhân, siêu nhiên.
Họ đưa chàng đến rửa tay ở bồn nước trong góc phòng. Ở đây
có xà bông, bàn chải, nước lạnh. Dấu mực in không chịu đi và không ăn nước.
Innokenty dùng bàn chải có xà-bông đánh ngón tay, chàng không nghĩ đến sự hợp
lý của việc cho đi tắm trước rồi lấy dấu tay sau.
Tâm trí nhàu nát và cam chịu của chàng đang bị thôi miên ám
ảnh bởi những chữ ghê gớm, những chữ địa chấn:
TỐNG GIAM VĨNH VIỄN
Chương 40 - Trận gió thứ nhì
Trong đời Innokenty, chưa bao giờ chàng phải sống một đêm
dài vô tận đến như thế. Chàng không ngủ qua một phút nào và chỉ nội trong một
đêm, những tưởng tượng quay cuồng trong óc chàng nhiều hơn số tư tưởng của một
người thường có trong cả một tháng. Chàng đã nghĩ nhiều kể từ lúc đồng phục
nhân viên ngành ngoại giao của chàng bị họ lột mất những dây vàng, khi chàng
trần truồng ngồi chờ sau khi tắm và trong lúc chàng bị nhốt trong “thùng”.
Giờ đây tâm trí chàng lại bận suy nghĩ vì những chữ “Tống
giam vĩnh viễn”.
Như vậy có nghĩa là dù họ có chứng minh được rằng chàng có
đúng là người gọi điện thoại hay không - ít nhất bây giờ chàng cũng đã biết
chắc rằng cuộc điện đàm ấy bị nhân viên mật vụ nghe lén - một khi họ đã bắt
chàng, họ sẽ không để chàng trở ra nữa. Chàng đã biết rằng Stalin sẽ không bao
giờ để cho ai trở lại với cuộc sống. Chàng sẽ may mắn nhiều nếu mai đây, họ cho
chàng đến một trại tập trung, với tội trạng của chàng, họ sẽ nhốt chàng vào một
nhà tù kín được cải biến thành nhà giam, ở đó họ sẽ cấm chàng không được ngồi
suốt ban ngày hoặc không được nói nửa tiếng trong nhiều năm. Sẽ không một ai
biết gì về chàng, và chàng sẽ không được biết qua sự kiện gì xảy ra trên thế
giới, ngay cả khi nguyên một lục địa thay đổi màu cờ, hay loài người đặt chân
lên mặt trăng, chàng cũng không hề hay biết. Và những tù nhân không có tiếng
nói có thể bị bắn chết trong những phòng giam cô đơn. Việc ấy từng xảy ra…
Nhưng chàng có thực sự sẵn sàng chờ đón cái chết hay không?
Thoạt đầu, Innokenty sốt sắng chờ đợi bất cứ một việc nhỏ
nhặt nào xảy đến với chàng, như cửa mở, người vào, bất kỳ việc gì làm ngừng sự
cô đơn của chàng trong cuộc sống xa lạ mới trong tù. Nhưng giờ đây, chàng lại
muốn được ngồi yên để suy nghĩ, để nắm bắt cái tư tưởng tuy rất quan trọng
nhưng hãy còn mơ hồ trong óc chàng. Vì vậy, chàng hài lòng khi họ đưa chàng trở
lại nhốt vào “thùng” và để chàng ngồi yên đấy trong một thời gian khá lâu mặc
dù họ vẫn đều đều nhóm ngó chàng qua lỗ nhìn.
Bỗng dưng, làn sương mờ bao phủ tâm trí chàng tan đi. Tất cả
những gì Innokenty đã đọc, đã suy nghĩ trước đây về cuộc sống, cái chết của con
người hiện ra, rõ ràng, minh bạch.
Bây giờ, khi chàng không thể có giấy bút để ghi lại chúng,
những tư tưởng hiện trong óc chàng trở thành quý báu hơn. Chàng nhớ lại rõ rệt
một câu từng làm chàng suy nghĩ và nghi ngờ trước kia:
“Không nên sợ những đau khổ vật chất. Đau khổ vật chất không
đáng kể, những đau đớn do vật chất gây ra bao giờ cũng chóng qua”.
Phải ngồi không được ngủ trong một cái “thùng” hẹp, không có
khí trời, không duỗi thẳng được chân ra, trong nhiều ngày… là một đau đớn đáng
kể hay không đáng kể? Sự đau đớn ấy dài lâu hay ngắn ngủi? Nếu phải sống mười
năm không được nghe tiếng người, con người có đau đớn hay không?
Trong phòng chụp hình và lăn tay, Innokenty để ý thấy thời
gian lúc đó là một giờ đêm. Bây giờ chắc đã quá hai giờ đêm. Một ý nghĩ vô lý
kéo theo một ý nghĩ nghiêm trọng khác đến trong óc chàng: chiếc đồng hồ đeo tay
của chàng đã bị người ta bỏ vào một ngăn tủ kín, nằm trong đó sẽ chạy mãi cho
đến lúc dây thiều của nó giãn hết, đến lúc đó nó sẽ ngừng chạy. Sẽ không ai lên
dây nó và cho đến lúc chủ nhân nó chết hoặc những vật sở hữu của y bị sung
công, cái đồng hồ ấy chỉ còn chỉ giờ - giờ lúc nó ngừng chạy. Cái đồng hồ của
chàng sẽ chỉ mấy giờ, mấy phút?
Và Dotty, vợ chàng, có chờ đợi chàng về đón nàng đi coi hát
không? Nàng có gọi điện thoại đến Bộ Ngoại giao hỏi về chàng không? Chắc là
không, nhân viên mật vụ sẽ đến khám xét nhà chàng. Với một tầng lầu rộng như
thế, năm người sẽ phải lục soát suốt đêm mới xong. Bọn đó sẽ tìm thấy những gì?
Chắc là Dotty sẽ xin ly dị và sẽ sớm lấy chồng khác.
Và ông già vợ của chàng, ông Biện lý Pyotr Makarygin, chắc
sẽ hận chàng lắm - chàng làm cho sự nghiệp của ông ta đổ vỡ, việc có một anh
con rể bị tù chung thân sẽ như là một án tích trên lý lịch của ông ta. Ông ta
sẽ công khai tố cáo chàng tội phản quốc trước hơn hết mọi người.
Tất cả mọi người từng quen biết Cố vấn Volodin sẽ, vì lòng yêu
nước – quên chàng, xóa chàng trong ký ức của họ.
Con thủy quái khổng lồ câm nín sẽ bóp nghẹt chàng và sẽ
không còn ai trên mặt đất này được biết gì về chàng.
Và chàng còn náo nức muốn sống để xem thế giới này sẽ ra
sao. Rồi đây mọi khác biệt trên trái đất sẽ dung hòa, chiến tranh sẽ không còn
xảy ra nữa. Những biên giới phân chia giữa những quốc gia sẽ được xóa bỏ, cả
những quân đội sẽ không còn. Sẽ có một quốc hội chung cho cả thế giới. Sẽ có
một ngày ông Tổng Thống Thế giới được bầu lên. Ông này sẽ ngả mũ trước nhân
loại và nói…
- Mang đồ đi.
- Cái gì?
- Mang đồ đi.
- Đồ gì?
- Mấy cái quần áo rách của anh đó.
Innokenty đứng dậy, hai tay ôm cái áo ngoài và cái mũ của
chàng. Trong hành lang, bên cạnh người gác hành lang, xuất hiện một gã Trung sĩ
vạm vỡ, hỗn hào bận đồng phục MGB. Innokenty nghĩ đến chuyện họ tuyển lựa những
tên này ở đâu ra và họ trao cho chúng những chức vụ gì.
Nhìn vào tờ giấy trên tay, gã Trung sĩ hỏi:
- Họ gì?
- Volodin.
- Tên riêng, tên thánh?
- Innokenty Artemich.
- Năm sinh?
- Các anh còn hỏi tôi bao nhiêu lần nữa?
- Năm sinh?
- 1919.
- Nơi sinh?
- Leningrad.
- Lấy đồ đi. Mau.
Gã đi trước, miệng tắc lưỡi.
Lần này Innokenty được đưa đi qua hành lang xuống một cái
sân tối. Ý nghĩ chợt đến trong óc Innokenty: họ đưa chàng đi bắn. Người ta nói
rằng những cuộc xử bắn bao giờ cũng được thực hiện trong đêm khuya.
Rồi chàng tự hỏi: Nếu họ định bắn mình, họ còn đưa cho mình
ký giấy nhận đồ làm gì? Không, chắc là không phải đâu.
Cho đến lúc này Innokenty vẫn còn tự tin ở sự hợp lý của
những con quái vật trăm tay này.
Vừa đi vừa tắc lưỡi theo kiểu gọi chó, gã Trung sĩ hỗn xược
đưa chàng qua sân, vào một tòa nhà khác và tới một thang máy. Một người đàn bà
trẻ, đứng cạnh một bao quần áo vừa giặt xong, tránh sang một bên trong lúc chị
nhìn Innokenty theo gã Trung sĩ bước vào thang máy. Mặc dù chị thợ giặt này
không đẹp, lại ở một giai cấp thấp kém, và cũng nhìn Innokenty với cái vẻ thản
nhiên, lạnh lùng như tất cả mọi người chàng gặp ở đây, Innokenty vẫn cảm thấy
bị xúc động vì những người thiếu nữ đem biên nhận đến cho chàng ký. Có thể chị
thợ giặt này còn thương hại chàng vì chàng tơi tả, khổ sở quá.
Nhưng thương hại hay không thì có quan trọng gì đâu, khi
chàng bị “tống giam vĩnh viễn”.
Gã Trung sĩ đóng cửa thang máy và nhấn một nút điện không đánh
số tầng lầu.
Giàn máy kéo thang vừa chuyển động, Innokenty nhận ra ngay
đây là một tiếng máy bí mật đã làm chàng nghĩ rằng đó là máy nghiền nát xương
người trong những phút đầu chàng bị nhốt vào “thùng” số 8.
Chàng mỉm cười buồn rầu, sự lầm lẫn vô hại này làm cho tinh
thần chàng lên được đôi chút.
Thang máy ngừng. Gã Trung sĩ đưa Innokenty đi thẳng tới một
gian phòng rộng có viên giám thị bận đồng phục. Chàng bị nhốt ngay vào một “thùng”
không có số. “Thùng” này rộng hơn nhưng có vẻ dơ dáy hơn. Sát tường có một cái
bục gỗ dính liền vào tường đủ chỗ cho ba người cùng ngồi. Không khí trong “thùng”
này lạnh giá. Cửa cũng có lỗ nhìn nhưng chàng không bị nhòm ngó nhiều bằng bên
kia.
Từ bên ngoài vang vào tiếng chân đi, tiếng giày lên trên
sàn. Những viên giám thị tấp nập đi ngang. Khám đường này có cuộc sống ban đêm
thật nhộn nhịp.
Lúc mới bị đưa vào đây, Innokenty tưởng rằng chàng sẽ bị
nhốt mãi trong cái “thùng” số 8 quá hẹp, quá nóng, quá sáng đèn ấy, và chàng đã
lo sợ, khổ sở vì ở đó không có chỗ cho chàng duỗi chân, ở đó không đủ không khí
cho chàng thở và ánh đèn sáng rực làm chàng chói mắt. Giờ đây chàng thấy chàng
đã lầm, và chàng hiểu rằng chàng sẽ phải sống trong cái “thùng” khá rộng nhưng
lạnh giá, trơ trọi và không có đèn này. Chàng lại khổ sở vì ở đây, nền xi-măng
lạnh sẽ làm hai chân chàng tê cóng, tiếng chân đi liên tiếp ngoài kia làm chàng
khó ngủ và sự thiếu ánh sáng làm chàng khó chịu. Chàng thèm muốn, ước ao có
được một cái cửa sổ đến là chừng nào! Một khung cửa sổ nhỏ thôi, nhỏ xíu, như
những khung cửa sổ trên sân khấu những vở tuồng cổ. Nhưng ngay cả khung cửa sổ
nhỏ xíu đó chàng cũng không sao có thể có.
Người ta có thể nghe thật nhiều chuyện kể về khám đường, đọc
thật nhiều hồi ký về khám đường nhưng người ta vẫn không sao có thể tưởng tượng
nổi cảnh khám đường: hành lang, cầu thang, những dãy cửa vô số, giám thị đề lao
đi lại, sĩ quan, trung sĩ, lao công. Khám đường Lubyanka vĩ đại nhộn nhịp với
những hoạt động ban đêm, vậy mà người tù cô đơn không nhìn thấy qua một người
tù nào khác. Y không sao nhìn thấy được một người khác ở trong cảnh ngộ của y,
y không nghe được một lời nói nào khác ngoài những lời nói vì trách vụ, cả
những lời nói vì trách vụ này cũng hiếm hoi. Y có cảm giác như cả cái tổ chức
lớn này đêm nay chỉ thức vì một mình y, chỉ bận rộn vì tội trạng của riêng y.
Không phải vì ngẫu nhiên mà người tù không được nhìn thấy
người tù nào khác. Người ta cố tình đặt y vào tình trạng đó trong thời gian đầu
y bị bắt, để người tù mới bị bắt không nhận được qua một khuyến khích, một an
ủi nào, để cho sức nặng của cả guồng máy tù đày giáng xuống một mình y mà thôi.
Tư tưởng của Innokenty xoay chuyển theo một chiều hướng mà
không mấy thuận lợi cho tâm trạng của chàng. Cuộc gọi điện thoại đến cho Giáo
sư Dobroumov, mới hôm qua đây còn được chàng coi là một hành động cao quý, nay
chỉ còn là một việc làm vô ích, thừa thãi và vô giá trị không khác việc tự tử.
Bây giờ, chàng có đủ chỗ để có thể đi đi, lại lại, nhưng
chàng đã mệt nhoài, đã rã rời vì những thủ tục mà chàng vừa phải qua, đến nỗi
chàng không còn cả sức để mà đi lại nữa. Sau vài vòng đi quanh quẩn, chàng ngồi
xuống bục gỗ và để hai tay xuôi bên mình.
Biết bao dự định vĩ đại đã bị chôn giữa những bức tường này,
bị niêm phong trong những cái “thùng” giam ác ôn này, bị tiêu diệt, thui chột,
chết ngúm mà đời sau không được biết?
Hôm nay hoặc là ngày mai, Innokenty sẽ đáp phi cơ bay đến
Paris, ở đó chàng sẽ hoàn toàn quên người mà chàng định cứu, người mà… chàng đã
cố gắng hết sức mà vẫn không sao cứu được.
Khi chàng tưởng tượng ra cảnh chàng đến Paris ,
nhất là những giờ đầu tiên chàng sống ở Paris ,
Innokenty rùng mình choàng dậy vì cuộc sống tự do thần tiên mà chàng vừa mất.
Chàng muốn cào cấu lên tường cho hả cơn tiếc hận.
Nhưng cánh cửa mở đúng lúc giúp chàng khỏi làm cái việc vi
phạm đến luật cấm của khám đường là việc cào cấu hay đấm lên tường. Một lần nữa
họ chất vấn lý lịch chàng. Innokenty trả lời như người đang ngủ say. Rồi chàng
được lệnh ra khỏi đó đem theo đồ. Vì trong “thùng” lạnh giá, chàng đội mũ và
khoác áo ngoài lên vai. Chàng để áo như vậy để đi ra cửa, không biết rằng với
cách khoác áo như thế chàng có thể cầm hai lưỡi dao nhọn hoặc hai khẩu súng lục
đã nạp đạn giấu dưới vạt áo. Chàng bị ngăn lại để xỏ hai tay vào áo đàng hoàng,
sau đó chắp hai tay sau lưng trước khi bước ra khỏi đó.
Chàng được dẫn đi – người dẫn chàng cũng tắc lưỡi như những
người trước – tới cầu thang nằm cạnh thang máy và đi xuống thang. Nếu chàng nhớ
được đường đi, bao nhiêu lần quẹo, lên xuống bao nhiêu bậc thang, để rồi sau đó
khi không có chuyện gì để nghĩ, hồi tưởng lại và tưởng tượng ra vị trí của khám
đường, việc đó sẽ là một việc hay ho, nhưng lúc này năng khiếu ghi nhận của
chàng đã mòn đến nỗi chàng đi như người hoàn toàn không còn cảm giác. Chàng
không biết rằng chàng đã xuống sâu đến bao nhiêu trong lòng khám đường khi bất
chợt ở trước mặt chàng đi tới một người gác, người này cũng tắc lưỡi y hệt
người gác dẫn chàng, và người gác dẫn chàng mở ngay một cánh cửa bên lối đi,
đẩy mạnh chàng vào đó và đứng lấy lưng đè chặn bên ngoài.
Nơi Innokenty bị đẩy vào giống như một cái tủ, bên trên
không có trần, vừa vặn đủ chỗ để chàng đứng. Phản ứng tự nhiên của con người
trong trường hợp này là phản đối nhưng Innokenty đã quen với những thứ khác khó
hiểu và sự im lặng của khám đường Lubyanka, đứng yên chịu đựng. Chàng vô hồn
làm tất cả những gì khám đường đòi hỏi chàng làm.
Nhưng sự kiện này, sau cùng, đã cho Innokenty hiểu tại sao
bọn giám thị trong khám đường Lubyanka lại tắc lưỡi khi đưa tù nhân đi. Đó là
tiếng báo cho bọn giám thị khác biết rằng y dắt tù nhân đi. Chúng bị cấm không
được để cho tù nhân trông thấy nhau, để cho tù nhân không thể dùng mắt nhìn an
ủi nhau, khuyến khích nhau thêm can đảm.
Một tù nhân được dắt qua hành lang, rồi một người nữa. Sau
đó Innokenty được ra khỏi ngăn tủ nấp và đưa xuống sâu nữa.
Ở những bậc thang đá cuối cùng, Innokenty nhận thấy mặt đá
mòn lõm xuống. Chưa bao giờ chàng nhìn thấy những bậc đá mòn đến thế.
Vết mòn sâu đến nửa gang tay, lõm tròn trong mặt đá.
Chàng rùng mình. Trong ba mươi năm, có biết bao nhiêu bàn
chân đã giẫm lên đây để cho mặt đá lõm đến như thế? Cứ mỗi hai người đi qua là
có một người tù, một người gác tù.
Chàng được đưa tới một khung cửa khóa có một ô nhìn gắn song
sắt ở trên. Tới đây, Innokenty được biết một thủ tục mới của khám đường: chàng
bị người gác bắt đứng áp mặt vào tường, tuy không nhìn lại, chàng biết là người
gác nhấn chuông vì có tiếng chuông reo, ô nhìn trên khung cửa được mở ra rồi
đóng lại ngay. Tiếp đó là tiếng cửa mở. Có một người mà Innokenty không nhìn
thấy, cất tiếng hỏi:
- Họ gì?
Theo phản ứng tự nhiên, Innokenty quay đầu lại để nhìn kẻ
hỏi mình, chàng nhìn thoáng thấy một bộ mặt không rõ đàn ông hay đàn bà, sưng
sỉa, chảy xệ, bộ mặt có một vết sẹo đỏ hỏn thật lớn, và chàng nhìn thấy bên
dưới bộ mặt ấy cặp cầu vai gắn cấp hiệu Trung úy.
Viên Trung úy quát:
- Không được nhìn lại.
Innokenty quay mặt vào tường và cuộc hỏi lý lịch đều đều bắt
đầu. Innokenty trả lời, chàng nói với mảnh tường vôi trắng trước mặt chàng.
Sau khi kiểm soát và thấy rằng tù nhân trả lời đúng tên tuổi
được ghi trên phiếu lý lịch được đưa đến, và tù nhân vẫn còn nhớ được năm sinh,
nơi sinh của y, viên Trung úy mặt sẹo nhấn chuông trên cánh cửa gã vừa bước ra
nhưng đã khóa lại sau lưng gã. Một lần nữa ô nhìn được mở, có một kẻ nào đó bên
trong cửa nhìn ra, ô nhìn đóng lại và cánh cửa được mở.
- Đi vô.- Gã Trung úy mặt sẹo ra lệnh.
Họ bước vào và cánh cửa đóng lại, tiếng khóa rổn rảng nổi
lên.
Innokenty chỉ mới kịp trông thấy một hành lang tối có nhiều
khung cửa hai bên, một cái bàn, một cái tủ có nhiều ngăn như chuồng chim bồ
câu, nhiều tên giám thị đứng trong hành lang, gã Trung úy mặt sẹo đã ra lệnh
cho chàng:
- Nhìn vào tường. Đừng động đậy.
Gã bắt chàng đứng như thế trong lúc gã xem kỹ hơn hồ sơ của
chàng, rồi gã lại ra lệnh, gã nói nhỏ thôi nhưng tiếng nói của gã vẫn vang lớn
trong bầu không khí im lặng lạnh giá:
- Số 3.
Người giám thị đưa Innokenty tới đây đi vào hành lang:
- Hai tay sau lưng. Đi…
Innokenty đi theo gã vào hành lang. Chàng nhìn thấy những
chữ số ghi trên cánh cửa chàng đi ngang:
47, 48, 49
Dưới những hàng số ấy là những lỗ nhìn. Cảm thấy toàn thân
ấm lại vì sự gần cận những người bạn tù, Innokenty muốn nhấc một nắp che lỗ
nhìn kia lên để dán mắt vào đó, nhìn cuộc sống bị nhốt trong đó. Gã gác kéo
chàng đi mau và Innokenty rảo bước đi theo, chàng đã bị lây cái bệnh thụ động
của những tù nhân, mặc dù một người đã mất tất cả, lẽ ra không còn gì để phải
lo sợ nữa.
Nhưng không may cho loài người, và đây là điều may mắn cho
những kẻ thống trị, con người được tạo thành với nhược điểm là còn sống thì vẫn
còn sợ khổ, đã khổ hết sức, khổ đến cùng nhưng vẫn luôn luôn sợ mình sẽ khổ
hơn. Ngay với một kẻ đã bị tù suốt đời, bị tước quyền hành động, không còn được
nhìn thấy trời xanh, mất gia đình, mất hết của riêng, vẫn còn có thể bị trừng
phạt cho khổ hơn bằng cách nhét xuống những hầm tối ẩm ướt, không cho ăn, đánh
bằng gậy, và người tù này vẫn cảm thấy những trừng phạt nhỏ mọn này làm cho y
khổ sở y hệt ngày nào y vừa mới mất tự do, tức là như ngày y mới bị bắt. Để
tránh những khổ sở tối hậu này, người tù ngoan ngoãn tuân theo những luật lệ
làm mất nhân cách của chế độ lao tù, và thói quen tuân lệnh, khuất phục dần dần
giết chết con người ở trong y.
Những khung cửa ở đầu hành lang nằm sát gần nhau hơn, mỗi
cửa chỉ còn ghi một số:
3, 2, 1.
Người gác mở cửa số 3 và làm một cử chỉ mời chào bằng tay,
trong khung cảnh này, cử chỉ ấy trở thành khôi hài. Innokenty nhận thấy sự khôi
hài ấy và chàng nhìn người gác kỹ hơn. Gã là một thanh niên hãy còn trẻ, hơi
thấp, vai to, tóc đen, hai mắt nhỏ như hai vết dao chém. Vẻ mặt gã cũng khá ác
ôn, gã không cười, nhưng sau khi gặp chừng một tá viên chức khám đường Lubyanka
đêm nay, Innokenty thấy rằng bộ mặt của gã này đáng kể là một bộ mặt dễ chịu.
Bị nhốt trong “thùng” số 3, Innokenty nhìn quanh. Sau đêm
nay, chàng đã có thể tự hào là người biết khá nhiều về “thùng giam người” trong
khám đường Lubyanka, chàng đã bị nhốt vào nhiều “thùng” và có dịp so sánh. “Thùng”
số 3 này rộng, đẹp, sạch sẽ hơn tất cả. Chiều ngang của nó khoảng thước rưỡi,
chiều dài chừng hai thước rưỡi, sàn gỗ, một cái ghế gỗ dài gắn liền vào tường,
bên cửa có một cái bàn gỗ nhỏ. “Thùng” này, tất nhiên cũng kín mít và không có
cửa sổ, chỉ có một lỗ thông hơi nhỏ có lưới sắt che nằm cao trên trần, trần cao
tới 4 thước. Tường quét vôi trắng, rực sáng vì bóng đèn điện 200 nến nằm trong
cái giỏ sắt treo trên cửa. Ánh đèn mạnh làm ấm không khí nhưng cũng làm cho
chàng chói mắt.
Rất nhanh, Innokenty đã nắm vững được nghệ thuật sống của tù
nhân. Lần này, Innokenty không còn mơ mộng hão huyền rằng chàng sẽ có thể ở lâu
trong phòng giam thoải mái này. Khi nhìn thấy cái ghế dài, người tù tập sự
trước chàng - người tù tập sự mỗi phút qua là thêm một phút trở thành lão luyện
- biết rằng vấn đề cần làm ngay bây giờ của mình là ngủ. Như một con thú mới
được sinh ra đời trong rừng thẳm đã mất mẹ vội vã tìm cách sống một mình,
Innokenty cuộn chiếc áo ngoài của chàng lại thành cái gối, chàng nằm ngay xuống
ghế và cảm thấy dễ chịu. Chàng nhắm mắt và sửa soạn ngủ.
Nhưng giấc ngủ trốn chàng. Trước đây, chàng đã hai lần ngủ
gục khi chàng không được quyền ngủ, chàng đã qua tất cả những hình thức mệt
mỏi, nhưng tới đây, khi chàng có thể ngủ được, chàng lại tỉnh thức. Những khích
động liên tục làm cho thần kinh chàng căng thẳng không chịu rời bỏ chàng. Cố
gắng không suy nghĩ để khỏi tiếc hận hoặc mơ màng, Innokenty nằm im, thở đều và
đếm nhẩm trong miệng… Thật là một điều tai hại khi được nằm ấm, hai chân duỗi
dài mà không ngủ được, nhất là khi không biết vì nguyên do nào, người gác bên
ngoài lại không mở nắp lỗ nhìn nhòm vào luôn luôn như ở trong phòng giam khác.
Chàng nằm im như thế trong khoảng nửa tiếng, cuối cùng,
chàng cảm thấy trí óc bắt đầu không suy nghĩ nữa, rồi một cảm giác nặng nề nhầy
nhụa đè nặng lên toàn thân chàng.
Nhưng đến lúc này, Innokenty lại thấy rằng chàng không sao
có thể ngủ nổi với ánh đèn rực sáng này. Chàng nhắm mắt lại nhưng vẫn thấy một
màu đỏ ối, ánh đèn như một vật hữu hình ép xuống mi mắt chàng. Đây là lần đầu
tiên Innokenty cảm thấy sức ép của ánh sáng, sự nhận thức này làm cho chàng như
điên lên. Sau khi thử nằm đủ mọi kiểu để tránh sức ép của ánh đèn, Innokenty
tuyệt vọng ngồi dậy, buông hai chân xuống sàn.
Thỉnh thoảng, người gác bên ngoài mở nắp lỗ nhìn ngó vào
phòng. Giờ đây, nghe tiếng nắp gỗ di động trên cánh cửa, Innokenty nhìn lên và
giơ ngón tay trỏ.
Cửa mở êm. Gã nhân viên gác mắt ti hí yên lặng đứng nhìn.
- Làm ơn… Tắt đèn.- Innokenty nói.
Gã dửng dưng:
- Cấm không được tắt đèn.
- Nếu cấm… cho tôi cái bóng nhỏ hơn. Cái phòng nhỏ như vậy,
cần gì phải dùng bóng đèn lớn quá?
- Đừng có nói lớn… - Gã mắt hí thản nhiên nói, và quả thật,
sau lưng gã, hành lang vắng và toàn thể khám đường im lặng như một tòa cổ mộ -
Không có chuyện thay bóng đèn.
Tuy vậy, bộ mặt lạnh lùng của gã vẫn có một nét gì sống
động, một nét gì đó giống như với mặt người thường. Thấy rằng mình đã hết
chuyện để nói và cánh cửa sắp đóng lại, Innokenty vội vã:
- Cho tôi xin ly nước.
Gã mắt hí gật đầu và lùi ra, đóng cửa lại. Gã đi rất êm trên
hành lang. Ngồi trong “thùng” Innokenty biết là gã đi và chàng lắng nghe nhưng
cũng không nghe thấy tiếng chân gã. Khi gã trở lại, tiếng khóa cửa mở rồi gã
hiện ra giữa khung cửa, tay cầm ly nước. Cái ly này cũng cùng một kiểu với
chiếc ly Innokenty đã được uống ở phòng tiếp nhận người bị bắt, ly cũng vẽ hình
con mèo, chỉ khác là con mèo trên ly nước này không đeo kiếng, không đọc sách,
và không còn có con chim nhỏ đứng gần.
Innokenty uống và thưởng thức chất nước. Vừa uống, chàng vửa
nhìn gã gác. Gã này không bước hẳn ra ngoài, gã chỉ khép cửa và đứng dựa vai
vào thành cửa nhìn chàng. Đột nhiên, trong lúc Innokenty không ngờ nhất, trái
hẳn với những luật lệ trong khám đường, gã nheo mắt hỏi chàng:
- Trước kia, anh là ai?
Việc được một người hỏi thăm lần thứ nhất trong suốt một đêm
dài đầy những người lạ, làm cho Innokenty sửng sốt. Chàng xúc động đến nghẹn
ngào vì lời hỏi thăm hiền hòa mặc dù được thốt ra một cách vụng trộm, và nhất
là vì hai tiếng “trước kia”, hai tiếng thật tàn nhẫn, nhưng cũng thật đúng,
chàng cũng thì thào trả lời:
- Trước kia, tôi là một nhà ngoại giao. Nhân viên ngoại giao
của chính phủ.
Gã mắt hí gật đầu, nét mặt gã để lộ cảm tình:
- Còn tôi, trước kia tôi là thủy thủ của Hạm đội Baltic.
Chậm hơn và nhỏ hơn, gã tiếp:
- Tại sao anh lại bị bắt vào đây?
- Tôi cũng không biết tại sao nữa.- Đột nhiên, Innokenty trở
lại đề phòng - Tôi chẳng biết tôi có tội
gì cả.
Gã gác lại gật đầu:
- Ai mới bị bắt vào đây cũng nói như anh hết.
Rồi với nét mặt hơi đểu, gã hỏi:
- Anh có muốn đi đái không?
- Không. Chưa…
Innokenty để lộ tình trạng tù mới của chàng qua sự từ chối
ấy, chàng chưa biết rằng cho phép tù nhân đi tiểu là quyền hạn lớn nhất của bọn
gác tù, và đó cũng là một đặc ân lớn lao đối với tù nhân, bởi vì tù nhân chỉ
được đi giải đúng giờ chứ không phải bất cứ lúc nào mót là cũng được đi.
Sau cuộc đối thoại ngắn này, cánh cửa đóng lại và Innokenty
lại nằm dài trên mặt ván, cố gắng chống cự ánh đèn sáng chiếu qua mi mắt. Chàng
đưa tay lên che mắt nhưng che như thế, cánh tay chàng bị tê dại. Chàng nghĩ đến
việc gấp cái khăn tay lại che lên mắt nhưng khăn tay của chàng đâu rồi? Thật
bậy, tại sao chàng không chịu lượm cái khăn tay lên? Lúc mới bị bắt tới đây,
chàng hành động như một thằng ngu.
Những vật nhỏ mọn – một cái khăn mùi-soa, một hộp quẹt rỗng,
một sợi dây, một cái nút áo – là những vật chí bảo của tù nhân. Thế nào cũng có
lúc người tù cần đến những thứ ấy, đôi khi, chúng có thể cứu vãn người tù khỏi
quá khổ sở.
Đột ngột, cánh cửa mở. Gã gác mắt hí vứt lên người Innokenty
một cái chiếu có những vạch sơn đỏ. Thật là tuyệt diệu. Ban quản đốc khám đường
Lubyanka không những là chỉ lo giữ tù nhân không ngủ được mà thôi, họ còn lo
cho tù nhân nằm thức êm ái hơn nữa. Cuộn trong cái chiếu là một cái gối nhồi
lông nhỏ, một cái mền nỉ hẹp. Tất cả những thứ này đều in hàng chữ “Khám đường”.
Hay quá. Giờ đây, với những thứ này, chàng đã có thể ngủ
được. Innokenty thấy rằng những ý nghĩ đầu tiên của chàng về khám đường quá đen
tối, quá bi quan. Chàng trải chiếu, đặt gối, nằm xuống, đắp mền lên mặt. Hai
chân chàng từ đầu gối trở xuống không có mền nhưng hai mắt chàng không còn bị
ánh đèn chói nữa. Chàng trôi vào giấc ngủ say lịm.
Nhưng cánh cửa mở với một tiếng động lớn và gã gác nói vào:
- Ê… Lấy hai tay ra…
Innokenty nói như gần khóc:
- Cái gì? Sao lại đánh thức tôi? Để cho tôi ngủ chứ, tôi ngủ
không được…
- Lấy hai tay ra khỏi mền.- gã gác lạnh lùng nói - Cấm không
được giấu hai tay trong mền. Bỏ tay ở ngoài.
Innokenty làm theo lời gã. Nhưng đã quen ngủ hai tay ở trong
mền, chàng khó có thể ngủ với hai tay đặt ngoài mền. Luật này thật là luật quái
đản, ác độc. Con người ở bất cứ thời nào, bất cứ đâu, vẫn quen ngủ hai tay giấu
trong mền, để sát vào mình.
Innokenty lăn lộn trên mặt ván, nhưng rồi sau cùng, cơn mệt
mỏi cũng thắng, chàng ngủ lịm đi.
Bỗng một tiếng động liên tục ngoài hành lang vang đến tai
chàng, tiếng động rầm rầm mỗi lúc một đến gần. Có người đang đấm mạnh lên những
cánh cửa. Họ đấm lên cánh cửa bên cạnh rồi cánh cửa phòng giam Innokenty bật
mở:
- Dậy…!- Gã cựu thủy thủ biển Baltic la lớn.
- Cái gì? Sao lại dậy?- Innokenty cũng la lên - Suốt đêm tôi
không ngủ được.
- Sáu giờ sáng là dậy.
Gã cựu thủy thủ đi sang phòng bên.
Đúng lúc ấy, Innokenty cảm thấy buồn ngủ hơn bao giờ hết.
Suốt đời, chưa bao giờ chàng thấy cần ngủ đến như thế. Chàng nằm vật xuống và
ngủ lịm đi ngay lập tức.
Nhưng cũng ngay lúc đó, gã cai tù trở lại, gã đập cửa rầm
rầm và giục chàng:
- Dậy… Dậy đi. Cuốn chiếu.
Innokenty nhỏm người trên cùi chỏ nhìn ra kẻ hành hạ chàng,
kẻ mà trước đó một tiếng đồng hồ từng tỏ cảm tình với chàng và được chàng coi
là một người còn là con người.
- Suốt đêm tôi không được ngủ, anh biết không?
- Không biết gì cả. Sáu giờ sáng là phải dậy. Cuộn mền chiếu
lại.
- Cuộn mền chiếu lại rồi tôi làm gì?
- Chẳng làm gì cả. Ngồi đó.
- Tại sao lại không cho tôi ngủ?
- Tại vì bây giờ đã 6 giờ sáng rồi.
- Tôi sẽ ngủ ngồi.
- Ban ngày không được ngủ. Anh ngủ, tôi sẽ đánh thức anh.
Innokenty đưa hai tay ôm lấy đầu. Đầu chàng lắc lư như người
say rượu. Một chút gì giống như là thương hại thoáng hiện trên mặt gã gác tù
mắt ti hí:
- Anh muốn rửa mặt không?
Innokenty đổi ý, chàng vội vã đáp:
- Muốn, muốn. Cho tôi rửa mặt…
- Tay chắp sau lưng. Đi…
Phòng rửa mặt ở trong góc. Sau khi đã tuyệt hy vọng có thể
ngủ được trong những giờ sắp tới, Innokenty cởi áo sơ-mi và vã nước lạnh lên
người tự do trên mặt nền xi-măng lạnh của phòng rửa mặt rộng, vắng. Cửa phòng
đóng, gã gác tù mất ti hí không để ý gì đến chàng.
Có thể gã gác cũng còn chút nhân đạo, nhưng tại sao gã lại
không chịu nói trước cho Innokenty biết rằng ở đây, tù nhân phải dậy vào lúc 6
giờ?
Nước lạnh làm tiêu tan cơn mệt mỏi của Innokenty. Ra tới
hành lang, chàng hỏi gã gác tù về chuyện ăn sáng. Gã ra hiệu cấm nói, nhưng vào
tới trong “thùng” gã cũng cho chàng biết là ở đây không có ăn sáng.
- Tới 8 giờ, anh được phát nước trà đường và món khô.
- Món khô là cái gì?
- Là bánh khô.
- Bánh khô thì gọi là bánh khô có được không? Còn được ăn
những gì nữa?
- Hết. Muốn ăn, chờ đến trưa.
- Bộ tôi phải ngồi suốt ngày sao?
- Hỏi ít chứ.
Gã gác tù đã đóng cửa, nhưng Innokenty giơ ngón tay trỏ lên.
Cánh cửa lại mở, gã cựu thủy thủ hỏi vào:
- Anh còn muốn gì nữa?
- Họ cắt hết nút quần, nút áo của tôi. Ai khâu lại cho tôi
bây giờ?
- Mất bao nhiêu nút?
Hai người cùng đếm số nút thiếu trong bộ quần áo Innokenty
bận trên người. Cửa đóng lại nhưng chỉ lát sau, lại mở, gã gác tù đem vào cho
chàng một cây kim khâu, một tép chỉ nhỏ, chừng một chục cái nút đủ thứ, nút
bằng xương, gỗ, plastic, đủ cỡ lớn nhỏ khác nhau.
- Nút này xài không được. Không cùng cỡ với những nút họ cắt
đi của tôi.
- Xài đi. Hết rồi. Chỉ còn mấy cái nút này thôi.
Đây là lần đầu tiên trong đời Innokenty cầm kim khâu. Chàng
không biết cách nhấm nước miếng cho ướt đầu chỉ trước khi xỏ chỉ vào lỗ kim,
chàng cũng không biết cách thắt chỉ khi khâu xong. Vì không biết những bí quyết
về khâu vá mà loài người đã truyền thụ cho nhau sau cả ngàn năm kinh nghiệm,
chàng tự sáng chế ra một lối khâu nút riêng. Chàng bị kim đâm vào ngón tay
nhiều lần, hai ngón tay trỏ của chàng đau nhoi nhói. Chàng phải mất một thời
gian để khâu liền lại những viền áo, viền quần bị xé và những nút áo, nút quần.
Chàng khâu lệch chỗ những nút áo nên khi mặc vào và gài nút, cái áo của chàng
xộc xệch, méo mó một cách thảm hại.
Nhưng việc làm tẩn mẩn, mất mát thì giờ và cần chú ý này,
không những chỉ làm cho Innokenty quên thì giờ mà thôi, nó còn sợ hãi hay bối
rối nữa. Chàng đã có thể nhận biết và biết đúng, biết chắc rằng ngay ở trong
đáy cái vực thẳm rùng rợn là khám đường Lubyanka này, vẫn còn có những người
bằng xương, bằng thịt, rằng khám đường Lubyanka thực ra, không phải là nơi
khủng khiếp ghê gớm như người ta vẫn tưởng. Bây giờ, chàng chỉ còn khao khát
được gặp mặt những người bằng xương, bằng thịt đó ở đây.
Chàng là một người không được ngủ suốt đêm qua, một người
không được ăn, một người có cuộc đời bị tan vỡ nội trong mười hai tiếng đồng
hồ, nhưng chàng vừa nhận được một trận gió sức mạnh thứ hai, nhờ hơi thở thứ
hai này, những tấm thân được luyện của những lực sĩ cảm thấy khoẻ lại và không
mệt.
Một người gác tù mới tới lấy cây kim khâu đi.
Rồi họ mang tới cho chàng một miếng bánh khô vừa đen, vừa
ẩm, hai cục đường rắn. Họ rót nước trà vào cái ly có vẽ hình con mèo. Họ hứa sẽ
cho chàng thêm nước trà.
Tất cả những việc này cho Innokenty biết rằng thời gian bây
giờ là 8 giờ sáng.
Innokenty bỏ cả số lượng đường để dùng cả một ngày dài của
chàng vào ly nước và khuấy cho đường tan bằng ngón tay trỏ. Nhưng nước nóng
quá, chàng đành lắc lắc ly cho tan đường. Uống hết ly trà nóng, chàng giơ ngón
tay xin nữa. Chàng không cần ăn.
Với một cái rùng mình sung sướng, Innokenty uống ly nước trà
thứ hai. Ly trà này không có đường nhưng nhờ vậy, chàng cảm thấy mùi trà đậm
hơn.
Tâm trí chàng bừng sáng, minh mẫn như chưa bao giờ chàng
minh mẫn đến như thế.
Chàng bắt đầu đi đi, lại lại trong khoảng hẹp giữa mép ván
và bức tường trong khi chờ đợi cuộc chiến đấu mới.
Một tư tưởng của Epicurus [Epicurus, triết gia Hy Lạp, sống khoảng từ 200 đến 300 năm trước Công
nguyên], một tư tưởng mà chàng vẫn không hiểu rõ trong thời gian chàng còn
tự do bên ngoài, đột ngột trở về trí óc chàng:
“Cảm nghĩ nội tâm hài lòng hay mến thích, bất mãn hay chán
ghét, là tiêu chuẩn cao nhất để định giá trị của Thiện và Ác”.
Như vậy nghĩa là, theo Epicurus, những gì mình mến thích là
tốt, những gì mình không mến thích là xấu?
Đó là những triết lý của những kẻ man rợ.
Stalin thích giết người – như vậy phải chăng với Stalin,
giết người là một tính tốt? Và bị tù vì định cứu một người, việc bị tù không
làm cho người bị tù hài lòng, cũng không ai thích bị tù cả, phải chăng việc ở
tù là một điều xấu, một tội lỗi?
Không! Thiện và Ác, tốt và xấu, giờ đây đã được phân chia rõ
rệt mà Innokenty! Đã được chàng nhận thấy rành rẽ, nhờ cánh cửa có ánh đèn sáng
rực này, nhờ những bức tường này, nhờ đêm ở tù đầu tiên trong đời chàng.
Trên những đỉnh cao chiến đấu và đau đớn mà chàng vừa được
nhấc lên, sự hiểu biết của triết gia cổ xưa ấy là chỉ sự hiểu biết nông cạn của
một đứa trẻ.
Cánh cửa chuyển động.
- Họ gì?
Một gã giám thị mới đột ngột hỏi vào. Gã này có một cái bộ
mặt người Á châu.
- Volodin.
- Đi chấp cung. Hai tay chắp sau lưng.
Innokenty chắp hai tay sau lưng, đầu ngẩng cao như con chim
uống nước, chàng đi ra khỏi “thùng”.
Chương 41 - Buổi sáng hành quyết
Trong Viện Mavrino, giờ này cũng là giờ ăn sáng và uống trà.
Không có sự kiện gì báo trước ngày hôm nay sẽ là một ngày có
những chuyện đặc biệt xảy ra. Buổi sáng, Trung úy Shusterman tỏ ra nghiệt ngã
với việc bắt mọi tù nhân phải dậy hết sau 6 giờ, nhưng đó là chuyện thường xảy
ra. Bên ngoài trời lạnh, mặt sân và lối đi nằm dưới một lớp đá trơn trợt. Không
ai muốn ra khỏi phòng. Vài tù nhân đi ra sân nhưng họ trượt ngã, đi không được,
nên lại kéo nhau vào nhà tù. Trong phòng ngủ, nhiều người còn ngồi trên giường,
bỏ thòng chân xuống sân, không ai sốt sắng ra khỏi giường. Họ ngồi đó gãi,
ngáp, buồn rầu trêu chọc nhau hoặc nhạo báng chính số phận khốn nạn của họ. Họ
kể cho nhau nghe những giấc mộng của họ trong đêm vừa qua, việc kể lại cho nhau
nghe những giấc mộng là một trò giết thì giờ thú vị của tù nhân.
Hoàn toàn không có sự kiện gì báo cho những tù nhân trong
Viện Mavrino biết rằng trong buổi sáng hôm nay sẽ có cuộc thuyên chuyển tù nhân
ra khỏi Viện.
Sáng nay, Sologdin vẫn đi ra sân bổ củi như mọi sáng. Suốt
đêm qua, anh đã mở hé cánh cửa sổ mặc dù trời lạnh, và sáng nay, trước khi ra
khỏi phòng anh đã mở lớn cánh cửa sổ.
Rubin, nằm trên chiếc giường sát ngay khung cửa sổ này,
không nói một tiếng với Sologdin. Đêm qua, anh vào giường muộn và suốt đêm, anh
trằn trọc vì mất ngủ. Anh khổ sở vì gió lạnh từ cửa sổ lùa vào nhưng anh nhất
định không thốt ra nửa tiếng phản đối. Anh bận cả áo dạ để nằm ngủ, anh đội mũ
nỉ có vành che kín hai tai, trùm mền kín từ đầu đến chân. Nằm co quắp trong
giường, không dậy ăn sáng, bất kể những lời thúc giục của Shusterman và những
tiếng động trong phòng, Rubin cố gắng một cách tuyệt vọng kéo dài giờ ngủ.
Potapov, người xung phong đi ra sân, là người đến bàn ăn
sáng trước nhất. Anh đã uống trà, làm giường và ngồi trên giường đọc báo. Trong
thâm tâm, anh nóng ruột mong đến giờ lên phòng làm việc. Hôm nay, anh sẽ thử
dùng một bộ phận cơ khí anh vừa làm xong hôm qua.
Món ăn sáng hôm nay là món cháo kê. Nhiều tù nhân chê cháo kê
nên không đến bàn ăn sáng.
Gerasimovich ngồi lại rất lâu trong phòng điểm tâm, anh cẩn
thận xúc từng muỗng kê nóng đưa lên miệng.
Nerzhin bước vào gian phòng ăn tương đối vắng hơn mọi sáng,
số người ngồi ăn sáng nay không đầy nửa số ghế, chàng gật đầu chào Gerasimovich
và ngồi xuống một bàn riêng, ăn ngon lành.
Ăn sáng xong, Nerzhin trở về giường chàng, và trong khoảng
thời gian mười lăm phút còn được tự do buổi sáng, chàng nằm dài trên giường,
nhìn lên trần nhà.
Quanh chàng, các bạn tù bàn tán rì rào về số phận của Ruska
– Ruska là một tù nhân trẻ bị tố cáo vì tội âm mưu trốn khỏi Viện, người tố cáo
Ruska là một tù nhân làm gián điệp cho ban quản đốc, rõ hơn là làm chỉ điểm cho
hai sĩ quan an ninh Shikin và Myshin. Đêm qua, Ruska không về ngủ và những tù
nhân biết rằng người tù trẻ tuổi này đã bị nhốt trong một phòng giam ở gần văn
phòng của Thiếu tá Shikin.
Họ bàn tán đến chuyện có thể nào “hai mươi lăm năm cải huấn”
của Ruska có thể bị chuyển thành “hai mươi lăm năm cấm cố” hay không? Những nhà
tù đặc biệt gồm toàn những xà lim nhỏ để giam cấm cố tù nhân được xây dựng
nhiều trong năm qua và án tù cấm cố mỗi ngày một nhiều.
Giữa tiếng cười ồ của mọi người, Rubin tung mền ngồi dậy.
Các bạn tù cười Rubin vì anh bận cả áo nỉ và đội mũ che kín tai để ngủ. Rubin
không bao giờ giận dữ khi thấy người khác cười mình. Anh lột cái mũ nỉ ra khỏi
đầu nhưng vẫn bận áo nỉ, anh yêu cầu người bạn tù đứng gần bình trà rót cho anh
một ly. Ngồi trên giường, với bộ râu tóc rối, anh ăn bánh, uống nước trà. Và
trước vẻ ngái ngủ biến hẳn trên mặt anh, Rubin đã chăm chú vào những trang tiểu
thuyết của Upton Sinclair. Sáng nay, Rubin ở trong trạng thái tinh thần u sầu
hết sức.
Trong Viện, những hoạt động của buổi sáng đang diễn ra liên
tục. Trung úy Shusterman bước vào phòng, lớn tiếng nói chung cho tất cả mọi
người:
- Chú ý… Tù nhân được thông báo để biết rằng từ hôm nay trở
đi, sau bữa tối, sẽ không một ai còn được vào nhà bếp để xin nước nóng. Cũng
không ai được làm rộn sĩ quan trực về chuyện nước nóng.
Pryanchikov nhảy từ trên giường xuống, anh hỏi như gào lên:
- Lệnh của ai vậy?
- Lệnh của Viện trưởng!- Shusterman đáp.
- Lệnh này ra từ bao giờ?
- Hôm qua.
Pryanchikov nắm chặt bàn tay và giơ nắm tay lên đấm đấm về
phía trần phòng như anh kêu gọi trời, đất làm chứng cho anh:
- Không thể được, chuyện này không thể xảy ra được.- anh tức
giận nói - Tối thứ Bảy, chính Tổng
trưởng Abakumov hứa với tôi là sẽ có nước nóng để pha trà ban đêm cho chúng ta.
Chuyện này không hợp lý chút nào. Chúng ta phải làm việc đến nửa đêm mà.
Một tràng cười của các tù nhân nổi lên đáp lời Pryanchikov.
- Vậy thì đừng làm việc đến nửa đêm nữa, có gì phải thắc
mắc.
Người nói câu trên là tù nhân Dvoyeysov.
Shusterman giải thích:
- Không có tiền trả lương cho người nấu bếp ban đêm.
Rồi Shusterman mở một bản danh sách ra đọc. Y chỉ mới nói
hai tiếng “Chú ý…”, tất cả mọi tù nhân trong phòng đã im lặng để nghe. Họ linh
cảm được rằng họ sắp được nghe một chuyện quan trọng.
Shusterman lớn tiếng:
- Chú ý… Những người có tên dưới đây sẽ không phải đi làm
việc ở Viện sáng nay… Những người có tên dưới đây chuẩn bị ngay để di chuyển.
Trong phòng này: Khorobrov, Mikhailov, Nerzhin, Syemushin. Bốn người hãy mang
trả tất cả những đồ được Viện phát ngay bây giờ…
Shusterman bước ra khỏi phòng.
Như trong một cơn lốc, bốn người vừa được đọc tên được tất
cả mọi anh em trong phòng xúm xít bao quanh.
Những người tù bỏ những ly nước trà, bỏ những mẩu bánh ăn dở
để xúm lại quanh những người sắp phải ra đi. Với tổng số hai mươi lăm người
trong phòng ngủ này, số bốn người phải ra đi là một tỷ lệ quá cao. Tất cả mọi
người cùng nói một lúc, những giọng nói nghẹn ngào, những giọng nói buồn rầu,
những giọng nói giận dữ chen lẫn nhau. Có những người lắc đầu, có những người
đấm ngực, có những người run rẩy vì giận. Cảnh phòng ngủ lúc đó là một cảnh lẫn
lộn những buồn rầu, lo âu, giận hờn, khuất phục, chịu đựng và muốn nổi loạn.
Bỗng Rubin đứng cao lên mặt giường, anh giơ hai tay lên, la lớn:
- Sáng nay là một sáng đáng ghi nhớ của Viện Mavrino… Buổi
sáng hành quyết…!
* * *
Cuộc di chuyển là một khúc quanh trong dòng đời của tù nhân,
nó cũng quan trọng và quyết định như vết thương đối với một người lính. Vết
thương có thể nhẹ hoặc nặng, có thể sẽ lành hoặc làm cho người lính chết, người
tù có thể bị di chuyển đi xa hoặc gần, đi đến chỗ không mấy khổ hơn hoặc đi đến
chỗ chết.
Khi người ta đọc những hồi ký về những nhà giam khổ sai ghê
gớm nhất được Dostoyevski viết lại, người ta phải ngạc nhiên khi thấy ở đấy
những tù nhân được sống êm đềm biết là chừng nào. Trong những nhà giam được tả
trong hồi ký tù đày của Dostoyevsky, cả mười năm không có quá một lần di chuyển
tù nhân.
Người tù sống ở một chỗ, quen thuộc với những bạn tù, quen
thuộc với việc làm mỗi ngày của mình, quen thuộc cả với những kẻ có quyền giam
giữ, kiểm soát mình. Dù không muốn thu thập tư sản, người tù đó cũng dần dần có
những vật sở hữu của riêng y: y có thể có một cái va-li bằng vải từ bên ngoài
gửi vào, hoặc một va-li bằng plastic do một bạn tù nào đó chế tạo, hoặc do
chính y làm lấy, y có một khung hình trưng hình vợ y hoặc hình con gái y. Y có
một đôi giày vải mềm để đi ban đêm và cất giấu ban ngày để tránh bị tịch thu, y
có thể có thêm một cặp quần lót, hoặc một đôi giày cũ phải trả lại ban quản đốc
nhưng y lén giữ lại được. Y có thể có một bộ kim chỉ riêng, một lố nút áo
riêng. Lúc nào y cũng có thuốc lá để hút.
Nếu y chịu khó, y có thể có được một gói bột đánh răng và
thỉnh thoảng y chà răng cho trắng. Y sưu tập được một tập thư do người thân của
y gửi vào tù cho y, có được một hai quyển sách riêng, nhờ khéo léo và đổi chác,
y có thể đọc được hết những quyển sách riêng của những tù nhân khác.
Nhưng cuộc di chuyển là một tai họa đánh vỡ tan cuộc sống
yên ổn tạm bợ đó của người tù – tai họa đến như tiếng sét, luôn luôn bất ngờ,
không bao giờ đến trước để nạn nhân kịp chuẩn bị, tai họa đến vào những lúc nạn
nhân không ngờ nhất – chỉ tới phút cuối cùng, người ta mới chịu báo cho nạn
nhân biết y bị di chuyển. Người ta vội vã xé nhỏ những bức thư của thân nhân.
Nếu y được đưa đi bằng xe vận tải, loại xe dùng để chở bò tới lò thịt, nhân
viên áp giải tù sẽ cắt hết nút quần, nút áo của y và vứt gói bột chà răng, gói
thuốc lá của y đi vì những thứ đó có thể dùng để ném vào mắt họ trong trường
hợp tù nhân vượt ngục. Nếu người tù được đưa đi bằng loại xe Stolopyn nhỏ, bọn
giải tù sẽ làm gãy góc va-li của y vì thùng chứa đồ trong xe quá nhỏ, khung
hình trong va-li sẽ bị gãy. Dù đi bằng xe vận tải hay xe Stolopyn, họ sẽ tịch
thu những cuốn sách của tù nhân, vì luật cấm tù nhân không được quyền mang sách
báo theo khi di chuyển, tịch thu cây kim khâu vì cây kim này có thể dùng đâm
người giải tù, những món đồ dư thừa không được khai báo của người tù sẽ bị vứt
lại.
Và như vậy là người tù bị di chuyển mất hết những vật sở hữu
hiếm hoi, nghèo nàn của y, mất hết bạn hữu, y chắp hai bàn tay không sau lưng
và đi thẳng – chỉ cần y bước trệch sang bên cạnh một bước là nhân viên giải tù
nổ súng ngay – giữa những con chó dữ và những người gác, y leo lên xe.
Đôi khi, người tù được đưa ra nhà ga xe hỏa để lên toa xe
bít bùng, loại toa tàu chở súc vật, để đi đến một nơi nào đó mà y không được
báo trước. Đôi khi, bạn có dịp nhìn thấy những người tù này ở sân ga, họ bó gối
ngồi xổm ở một góc sân ga chờ lên tàu, và bạn quay mặt nhìn đi chỗ khác. Bạn sợ
viên sĩ quan an ninh chỉ huy cuộc chuyển tù này nhìn thấy, nghi là bạn có liên
hệ gì đó đến bọn tù và kéo bạn vào phòng thẩm vấn.
Bọn tù được đưa lên toa xe, và toa xe này sẽ được nối liền
với toa chở thư, hai bên toa kín mít, họ mang những kỷ niệm, những ký ức, những
hy vọng và sợ hãi đi theo họ trên con đường sắt dài thăm thẳm.
Họ đi đâu? Họ không được biết. Cái gì chờ đợi người tù ở
cuối cuộc du hành này? Một mỏ đồng? Một xưởng chặt cây trong rừng thẳm hoặc một
nông trại ở một miền hoang vu, nơi họ thỉnh thoảng có dịp được ăn lén vài trái
su, trái bắp. Người tù sẽ bị phù thũng hay tê liệt sau những tháng đầu lao động
vất vả hay y sẽ may mắn được gặp người quen, được trao cho làm những việc đỡ
vất vả như gác kho, quét xưởng, lao công bệnh viện, hoặc may mắn hơn nữa, thư
ký bàn giấy lo việc giấy tờ, sổ sách? Y có được ban quản đốc cho phép gửi thư
báo cho thân nhân biết địa chỉ mới của y hay không? Hay gia đình y sau khi bặt
tin y, sẽ nghĩ rằng y đã chết?
Cũng có thể, người tù sẽ không đi hết cuộc đi này. Trong một
toa xe chở súc vật kín mít, đi trong nhiều ngày, nhiều đêm, y có thể chết vì
bệnh kiết lỵ hoặc vì đói, vì kiệt sức: y không được ăn trong sáu ngày. Hoặc bọn
giải tù có thể đánh y bằng búa vì trong bọn y có kẻ âm mưu trốn đi. Khi xe
ngừng và cửa xe mở, bọn giải tù đạp những xác tù cứng đơ lăn ra khỏi toa xe như
những khúc gỗ.
Những chuyến xe hỏa chở tù sơn màu đỏ phải mất một tháng
rưỡi mới tới Sovetskaya Gavan.
Xin Chúa cho những kẻ không tới nơi được yên nghỉ ngàn đời!
Mặc dù những nhân viên ở Viện Mavrino đã tỏ ra dễ dãi với
những kẻ ra đi - họ cho phép tù nhân phải di chuyển được mang theo dao cạo mặt
tới nhà tù mới - những câu hỏi trên đây vẫn đè nặng trên trái tim hai mươi
người tù được lệnh chuẩn bị di chuyển trong buổi sáng thứ Ba ấy.
Với những người này, cuộc sống tự do một nửa, cuộc sống
không bị đày đọa, hành hạ quá đỗi của những tù nhân được làm việc trong những
Viện khoa học đã chấm dứt.
Chương 42 - Vĩnh biệt, vĩnh biệt…!
Tuy rằng Nerzhin đang bối rối vì cuộc di chuyển, chàng vẫn
thấy cần, và chàng tin chắc rằng, để vĩnh biệt Viện Mavrino, chàng phải cho
Thiếu tá Shikin một bài học, hoặc làm cho y phải khó chịu. Vì vậy, khi chuông
báo giờ làm việc reo vang, Nerzhin không chịu ngồi chờ trong phòng ngủ như
những người sắp phải di chuyển, chàng đi thẳng lên tầng lầu thứ ba, gõ mạnh lên
cánh cửa văn phòng của Thiếu tá Shikin.
Thiếu tá Shikin không sao có thể chịu đựng nỗi gã tù nhân
gầy guộc, khó chịu có thái độ cứng ngắc và có sự hiểu biết tỉ mỉ về pháp luật
tên là Gleb Nerzhin. Đã nhiều lần Shikin đề nghị với Viện trưởng Yakanov tống
khứ tên tù Gleb Nerzhin ra khỏi Viện nhưng đề nghị ấy đến hôm nay mới thực hiện
được. Khi Nerzhin lừ lừ bước vào phòng. Shikin nhận thấy nét mặt lầm lì của
Nerzhin và y cảm thấy sung sướng, thỏa thuê trong lòng. Y tin chắc Nerzhin tới để
hỏi y về lý do và nguyên nhân mình bị di chuyển đi khỏi Viện Mavrino.
Nerzhin là người tù có khả năng thiên phú có thể thu gọn cả
một bản văn khiếu nại trong vài câu nói vắn tắt nhưng rõ rệt, đanh thép, hoặc
viết lại những lời phản đối ấy thành chữ trên những tờ giấy vệ sinh mà ban quản
đốc nhà tù cấp cho các tù nhân. Sau năm năm ở tù, chàng cũng đã luyện thành
được một lối đối thoại đặc biệt với bọn nhân viên cao cấp trong ban quản đốc –
lối nói này, theo ngôn ngữ của tù nhân, là lối nói “khiêu khích hợp pháp”. Lời
lẽ của Nerzhin tuy vẫn lễ độ nhưng ẩn chứa sự mỉa mai, châm biếm mà người nghe
dù có ngu si hay vô ý đến đâu cũng phải nhận thấy, lối nói ấy gần giống như lối
nói của những bậc lão thành thường dùng để nói với bọn trẻ. Nói được như thế là
cả một nghệ thuật. Người bị nghe chỉ khó chịu nhưng không làm gì được, càng để
lộ sự khó chịu của mình là càng thú nhận sự thua kém.
- Công dân Thiếu tá.- Nerzhin nói ngay khi chàng vừa bước
vào phòng - tôi tới để lấy lại quyển sách ông đã tịch thu trái luật của tôi.
Tôi có đủ dữ kiện để nghĩ rằng khoảng thời gian sáu tuần lễ đã đủ, căn cứ trên
những phương tiện thông tin ở Mạc Tư Khoa, để ông tìm biết rằng quyển sách đó
không bị cấm đọc.
- Sách?- Shikin hỏi lại. Trong lúc ấy y không nghĩ ra được
điều gì thông minh hơn để nói. Y tưởng chàng tới than thở, y không ngờ chàng
tới để đòi sách.- Sách nào?
- Tôi biết chắc rằng ông dư biết tôi đang nói đến quyển sách
gì.- Nerzhin nói tiếp.- Đó là quyển thơ Yesenin của Thi sĩ Sergei Yesenin, do
Nhà xuất bản “Thơ dân tộc” ấn hành.
- Yesenin? Quyển thơ Yesenin?
Thiếu tá Shikin thảng thốt kêu lên, như Yesenin là một cái
tên người làm cho y ghê tởm:
- Sao anh lại có thể nghĩ đến chuyện đòi lại quyển thơ đó
trong lúc này?
Y muốn nói là “trong lúc anh sắp đi đến chỗ chết…”.
- Tại sao lại không? Quyển thơ đó được ấn hành ở ngay trên
Liên bang Xô Viết, được phát hành vào năm 1940 chứ không phải là trong khoảng
thời gian bị cấm từ 1917 đến 1938.
Shikin nhíu đôi lông mày rậm:
- Sao anh biết rõ như thế?
Nerzhin trả lời ngay, trôi chảy, như chàng đã biết trước sẽ
có câu hỏi đó và chàng đã thuộc lòng câu trả lời:
- Một nhân viên kiểm duyệt ấn phẩm đã cho tôi biết như thế.
Có lần ông ta định tịch thu quyển Tự điển Dahl của tôi, với lý do là quyển tự
điển này được ấn hành năm 1935, năm đang có lệnh cấm, nhưng khi tôi cho ông ta
thấy rằng quyển tự điển của tôi chỉ là ấn bản in lại đúng như ấn bản được ấn
hành năm 1881, ông ta chấp thuận để tôi giữ nó, vì tiêu chuẩn kiểm duyệt không
đụng tới những ấn phẩm ấn hành trước cuộc cách mạng. Ông ta nói rõ là “thời đó
kẻ thù của nhân dân chưa hoạt động mạnh”. Điều phiền cho Thiếu tá là quyển Thơ
Yesenin của tôi được ấn hành năm 1940.
- Được lắm. Nhưng anh đã đọc kỹ quyển thơ đó chưa? Anh có
thể viết lại những lời anh vừa nói xuống giấy được không?
- Theo điều 95 Luật Đại hình của Liên bang Xô Viết, ông
không có quyền đòi hỏi tôi phải khai trên giấy về một sự kiện như thế. Tôi chỉ
cần khai bằng miệng: quyển thơ đó thuộc quyền sở hữu của tôi, và, vì vậy, tôi
đòi hỏi được giữ nó.
Shikin giơ hai bàn tay ra trong một cử chỉ muốn nói: “Anh
chỉ khổ thêm thôi, chẳng có lợi gì cho anh hết”.
Nerzhin làm cho Shikin cụt hứng vì câu nói tiếp:
- Để kết luận, tôi nhắc lại lời yêu cầu của tôi. Theo tinh
thần Khoản 7, Điều B trong nội quy khám đường, ông làm ơn trả lại tôi quyển
sách ông đã lấy của tôi một cách bất hợp pháp.
Như ngồi không yên vì sự ngược đời ấy: một sĩ quan an ninh
bị một tù nhân đem luật pháp ra bắt bẻ, Shikin đứng lên. Khi y ngồi, cái đầu to
tướng của y cho người nhìn cái cảm giác là y rất to lớn, nhưng khi y đứng lên,
thân hình co rúm lại, vì hai chân y quá ngắn. Y hầm hầm đi tới mở tủ, lấy ra
quyển thơ xinh xắn, bìa vàng nhạt. Y đã đánh dấu nhiều đoạn trong quyển thơ
này. Đem quyển thơ trở về bàn. Y ngồi xuống ghế và không mời Nerzhin ngồi, y
chậm chạp lật từng tờ, tìm những đoạn y đánh dấu. Nerzhin thản nhiên ngồi xuống
ghế. Chàng nhìn thẳng vào mặt Shikin, chờ đợi y dở những trò gì.
- Rồi, anh nghe đây…- Viên Thiếu tá an ninh nói sau tiếng
thở dài và y bắt đầu đọc những lời thơ Yesenin, giọng y vô cảm giác, y nhấn
mạnh vần điệu của những câu thơ theo nhịp chày máy giã gạo:
- Trong kìm kẹp xa lạ
vô hồn
Những bài thơ của tôi
rồi cũng chết,
Những hàng cây cổ thụ
cúi đầu
Để tang chủ nhân của
chúng.
Chủ nhân được nói đến trong đoạn thơ này là ai? Kìm kẹp nào?
Người tù nhìn những ngón tay mập trắng của viên sĩ quan an
ninh:
- Nói theo tinh thần giai cấp, Yesenin là một thi sĩ ít học.-
Nerzhin nói như ông thầy giảng bài.- Có nhiều điều mà thi sĩ không hiểu. Cũng
như Pushkin, như Gogol…
Trong giọng nói của Nerzhin có những âm thanh lạ lùng làm
cho Shikin ngại ngùng. Trước mặt những tù nhân không ngán sợ y, Shikin cảm thấy
sợ hãi, nỗi sợ hãi thầm kín của những kẻ ăn no, mặc ấm, có tiền, có quyền khi
phải đối phó với những người ăn bận rách rưới, thiếu thốn đủ thứ. Quyền lực của
y lúc này là một cái gì không còn bảo vệ được y hữu hiệu nữa. Để được yên tâm,
Shikin đứng dậy đi ra, mở hé cánh cửa phòng.
Trở lại ghế ngồi, y mở quyển thơ đọc tiếp:
- Còn câu này nữa…
Một bông hồng trắng và
một con cóc đen
Tôi muốn cho chúng kết
hôn….
Như vậy là nghĩa lý gì? Hắn định ám chỉ ai đây?
Cổ họng người tù se lại:
- Không có gì khó hiểu.- Nerzhin nói.- Bông hồng trắng là
hình ảnh tượng trưng cho sự thật, con cóc đen tượng trưng cho sự giả dối, xấu
xa, ác độc…
Đúng như một con cóc đen, viên sĩ quan an ninh đầu to, tay
ngắn, ngây mặt nhìn người tù.
- Công dân Thiếu tá.- Nerzhin nói nhanh - Tôi tiếc không có
thì giờ để thảo luận văn nghệ với Thiếu tá. Tôi sắp đi khỏi đây. Người ta đang
chờ tôi. Sáu tuần lễ trước đây, khi tạm giữ quyển thơ này của tôi, ông nói rằng
ông sẽ hỏi Sở Kiểm duyệt. Ông đã hỏi rồi chứ?
Shikin gập mạnh quyển thơ:
- Tôi không bắt buộc phải cho anh biết về việc làm của tôi.
Tôi nhất định không trả anh quyển thơ này. Dù tôi có trả, anh cũng không mang
đi được.
Nerzhin giận dữ đứng dậy, hai mắt chàng vẫn nhìn vào quyển
thơ Yesenin. Chàng nhớ lại những nét chữ yêu đương, trìu mến của vợ chàng đã
viết trên trang đầu quyển thơ nhỏ ấy:
“Cũng như tập thơ này, những gì anh mất sẽ trở lại với anh”.
Tiếng nói vượt ra khỏi vành môi chàng một cách dễ dàng:
- Công dân Thiếu tá… tôi hy vọng ông không quên rằng tôi là
kẻ, trong suốt hai năm trời, đã liên tiếp đòi Bộ An ninh phải trả lại tôi số
tiền Ba Lan mà những sĩ quan an ninh như ông đã tịch thu của tôi lúc tôi bị
bắt. Hội đồng Xô Viết Tối cao sau cùng, đã ra lệnh hoàn trả tôi số tiền đó, mặc
dù khi họ trả lại tôi, những đồng tiền đó đã hết lưu hành. Họ cười tôi, nhưng
sau cùng, họ vẫn phải trả lại tôi nguyên số. Còn nhiều vụ nữa. Tôi nói trước
cho ông biết: Tôi sẽ không cho ông quyển thơ này. Tôi sẽ chết ở băng tuyết Tây
Bá Lợi Á nhưng từ cuộc sống bên kia tôi sẽ trở về giằng ra khỏi tay ông quyển
thơ của tôi. Tôi sẽ gửi đơn đi khắp nơi kiện ông. Ông nên đưa trả tôi để khỏi
phải bực bội.
Và ông Thiếu tá An ninh đành phải chịu thua gã tù nhân khốn
khổ sắp lên đường đi đến chỗ chết dần mòn. Thực ra Shikin đã hỏi Sở Kiểm duyệt
và ngạc nhiên khi được trả lời là quyển thơ Yenesin không bị chính thức cấm
đọc. “Chính thức” có nghĩa là y có thể cấm nếu y thấy có hại hoặc y có thể cấm
được. Hôm nay, y chịu trả lại vì tự vệ, y không muốn rắc rối vì tên tù chuyên
môn gây sự này.
- Được rồi. Tôi trả anh, nhưng tôi sẽ không cho anh mang nó
đi theo.
Như vậy có nghĩa là lát nữa đây, trong cuộc kiểm soát trước
khi ra khỏi Viện, quyển thơ này của Nerzhin sẽ bị vứt lại, vì luật cấm tù nhân
khi di chuyển không được mang theo sách báo, nhưng lúc này, đó là một chiến
thắng của Nerzhin. Chàng ôm quyển thơ trước ngực, rảo bước đi trên cầu thang.
Trên hành lang, chàng gặp một nhóm tù nhân đang đứng bàn tán
về tin di chuyển. Siromakha cũng có mặt trong đám người này. Họ nói nhỏ với
nhau để bọn có quyền không nghe thấy:
- Họ làm chi vậy? Cho những người tài năng như thế đi khỏi
Viện sao? Tại sao? Còn Ruska Doromin? Thằng chó nào đã tố cáo Ruska?
Ôm chặt quyển thơ Yesenin trước ngực, Nerzhin rảo bước đi
tới Phòng Âm thính. Chàng đang mãi nghĩ đến chuyện chàng sẽ làm cách nào để thủ
tiêu cho xong những tờ giấy chàng ghi chép những cảm nghĩ của chàng về lịch sử
trước khi bọn giám thị tới kéo chàng đi, ngồi yên một chỗ đợi giờ di chuyển.
Theo luật, những tù nhân di chuyển kể từ phút được nhân viên quản đốc cho biết
sự di chuyển này không được đi lại bừa bãi trong Viện nữa.
Chàng đẩy cánh cửa Phòng Âm thính và bước vào. Simochka hiện
ra trước mắt chàng, nàng đang đứng giữa hai cánh cửa tủ sắt đựng hồ sơ, tài
liệu; nàng đang lấy hồ sơ, tài liệu trao cho mọi người làm việc trong phòng
này. Sáng nay, nàng lại bận bộ áo kẻ sọc dài không hợp với nàng chút nào với
cái khăn choàng xám phủ trên đôi vai gầy.
Kể từ cuộc đối thoại tàn nhẫn hôm qua, đây là lần đầu họ gặp
lại nhau.
Nàng không nhìn thấy nhưng nàng cảm thấy Nerzhin vào phòng,
và nàng xúc động, nàng đứng ngây, như nàng đang suy nghĩ nên lấy những gì và
không nên lấy những gì ra khỏi tủ sắt.
Trong khi đó, không suy nghĩ, không đắn đo, Nerzhin đi thẳng
tới đứng sau lưng nàng, chàng khẽ nói:
- Serafima Vitolyevna… sau ngày hôm qua, tôi không còn có
thể nhờ vả gì em được nữa, nhưng tôi sắp ra đi, những gì tôi viết lại trong
nhiều năm trường sắp bị tiêu hủy. Tôi nên đốt chúng đi, hay là em có thể giữ
giùm tôi?
Nàng đã biết tin chàng đi, nàng không xúc động nữa khi nghe
nói chuyện chàng sắp đi, nàng chỉ ngước đôi mắt buồn lên nhìn chàng và đáp:
- Đưa cho em.
Có người tới, Nerzhin đi về bàn làm việc của chàng. Chàng mở
ngăn kéo, lấy hết giấy tờ, sổ sách ra để lên mặt bàn. Tất cả những thứ này đều
phải trao lại cho Simochka. Chàng đã đặt ba quyển sổ ghi của chàng lên mặt bàn
nhưng trong thâm tâm chàng, như có một viên cố vấn nội tâm khuyên chàng không
nên đưa những quyển sổ tay này cho người đàn bà kia, không nên tin ở nàng.
Nerzhin nhìn sang khuôn mặt bí mật, khó hiểu của Simochka.
Bỗng dưng chàng nghĩ: Phải chăng đây là một cạm bẫy? Một thủ đoạn trả thù của
đàn bà? Dù sao nàng cũng vẫn là một Trung úy MGB.
Dù nàng có không lừa dối mình hôm nay, liệu nàng có giữ được
lời hứa mãi hay không? Có một ngày nàng sẽ có chồng và sẽ đưa những quyển sổ
ghi này cho chồng nàng coi.
Chàng bỏ ba quyển sổ tay vào túi và cầm lấy bao quẹt, chàng
đi vào cầu tiêu. Mười phút sau, chàng đi trở ra, da mặt chàng xanh xao nhưng
thản nhiên.
Rubin từ trên Phòng Tối mật đi xuống. Đôi mắt anh buồn và có
quầng thâm.
Tay cầm quyển thơ, Nerzhin nói với Rubin:
- Nếu anh thích đọc Yenesin, tôi biếu anh ngay…
- Thật ư?- Rubin ngạc nhiên hỏi. Rồi không chờ Nerzhin trả
lời, anh rút trong túi áo ra một cái bàn chải để quét xà-bông cạo râu, cán bàn
chải làm bằng xương, đối với tù nhân, một cái bàn chải thế này được kể là rất
lịch sự.- Anh không có bàn chải, còn tôi thì đã thề bao giờ được miễn tố tôi
mới cạo râu, anh cầm lấy…
Không bao giờ Rubin nói rằng “đến ngày tôi ra khỏi tù”, vì
nói như thế tức là công nhận án tù của mình. Rubin vẫn cho là mình vô tội, mình
bị tù oan.
- Cám ơn bạn…- Nerzhin cười nhẹ.- Anh đã quen thuộc với cuộc
sống trong Viện rồi, anh đã quên những luật lệ ở trại tập trung. Ở nơi tôi sắp
tới, người ta đâu có cho phép tôi cạo râu?
Hai người bạn đứng nhìn nhau. Rồi Nerzhin nói:
- Này bạn… trong ba năm qua chưa bao giờ chúng ta đồng ý với
nhau lấy một lần, chúng ta tranh luận, đả kích nhau, chế nhạo nhau, nhưng giờ
đây khi tôi sắp mất bạn, có thể là mất mãi mãi, tôi thấy là đối với tôi bạn là…
là…
Giọng nói của chàng vỡ ra.
Đôi mắt đen của Rubin sáng lên niềm trìu mến và ngượng ngùng.
- Đây là chuyện đã qua.- Rubin gật đầu - Chúng ta là bạn…
Anh ghé bộ râu quai nón vào mặt Nerzhin, hôn lên má Nerzhin.
Chương 43 - Thịt
Khi những tù nhân được lệnh di chuyển vào tới Phòng An ninh,
họ bị khám xét. Khi khám xét xong, họ được đưa vào một gian phòng chỉ có hai
cái bàn và một cái ghế dài. Thiếu tá Myshin có mặt trong suốt cuộc khám xét. Y
không thèm cúi xuống những túi hành lý của bọn tù nhân - việc làm này không
xứng đáng với cấp bậc của y - nhưng y tin rằng sự có mặt của y thúc đẩy bọn
Giám thị làm tròn bổn phận. Bọn giám thị dở xem từng cái quần áo rách của tù
nhân, chúng đặc biệt để ý đến giấy tờ. Luật ghi rằng những tù nhân ra khỏi
những Viện Khoa học tuyệt đối không được đem theo bất cứ một mảnh giấy có chữ
viết, hay chữ in nào. Vì vậy, đa số tù nhân đã đốt những bức thư gia đình của
họ trước khi chịu cuộc khám xét.
Hai mươi người tù được đưa vào phòng chờ với những món đồ
được phép mang theo. Cửa phòng này khóa lại, một người gác đứng gác ở cửa này
chờ xe Maria Đen tới đưa tù nhân đi. Sự liên lạc như vậy là đứt đoạn giữa 20 ra
đi và 261 người còn ở lại.
Những người tù ra đi vẫn còn ở trong Viện, nhưng cũng như họ
không còn ở đó nữa. Họ tìm chỗ ngồi nghỉ chân trong phòng. Thoạt đầu, tất cả
đều im lặng.
Mọi người kiểm soát lại xem họ còn mang theo được những gì,
họ bị lấy mất những gì. Họ nghĩ đến cuộc sống vừa qua trong Viện, họ mất những
gì khi phải đi khỏi Viện, họ đã sống được bao nhiêu năm tháng trong Viện và họ
còn phải sống bao nhiêu năm tháng nữa mới hết hạn tù. Như tất cả những người tù
trên cõi đời này, họ đếm đi đếm lại những năm tháng: những năm tháng họ đã mất
và những năm tháng họ còn phải mất.
Rồi họ nghĩ đến gia đình họ, đến những người thân họ phải xa
cách, đến chuyện họ sẽ phải xin người thân viện trợ, giúp đỡ, vì ở nơi họ sắp
tới, người đàn ông khoẻ mạnh làm việc mười hai tiếng một ngày vẫn không được ăn
no đủ để sống.
Họ nghĩ lại những việc làm vô ý thức hoặc cố tình mà họ đã
làm, những việc đưa họ đến chuyến đi này.
Họ nghĩ đến nơi họ có thể bị đưa tới, đến những gì chờ đợi
họ ở đó, họ nghĩ trước đến những việc họ phải làm để có thể sống ở đó.
Không ai thổ lộ tâm trạng của mình với ai, nhưng tất cả đều
u buồn, lo âu.
Mọi người đều muốn được trấn an và hy vọng.
Vì vậy, khi họ bắt đầu nói chuyện với nhau, một người trong
bọn nói rằng rất có thể họ sẽ không bị đưa đến trại tập trung, họ chỉ phải qua
một Viện Khoa học khác, cả những người không tin cũng lắng nghe.
Ngay cả Đấng Christ khi ở trong vườn Gethsemani, biết rõ số
mệnh cay đắng của mình, vẫn còn cầu nguyện và hy vọng…
. . . Bên ngoài bức tường, họ nghe thấy tiếng động cơ xe
hơi. Rồi tiếng nói gắt gỏng của Trung tá Klimentiev.
Họ được gọi ra khỏi phòng từng người một.
Những người tù tay xách hành lý, cúi thấp đầu xuống khi bước
lên xe để khỏi đụng đầu vào vách cửa xe. Mười tám người tù cúi đầu lên xe như
thế, không một ai nhìn từ biệt hàng cây cổ thụ ủ rũ trong sương.
Có hai người tù không cúi đầu khi đi lên xe. Hai người đó là
Khorobrov và Nerzhin, nhưng hai người này cũng không nhìn về phía hàng cây. Họ
tò mò nhìn chiếc xe chở họ đi.
Lâu rồi người ta không còn dùng chiếc xe bít bùng sơn đen
chở tù đi trong các đường phố nữa - loại xe này làm cho dân chúng sợ hãi - bây
giờ họ chở tù trong những chiếc xe giống hệt xe chở hàng tạp hóa, chở thực
phẩm. Thùng xe cũng sơn màu cam và màu trắng xanh vui mắt. Thành xe cũng kẻ
những hàng chữ bằng bốn thứ tiếng:
Khleb
Pain
Brot
Bread
Myaso
Viande
Fleish
Meat
Trước khi bước lên cửa xe Maria Đen, Nerzhin bước sang cạnh
xe và chàng nhìn được một chữ kẻ trên thùng xe. Đó là chữ “Meat”.
Trong lòng xe tối om, người ngồi và hành lý chật cứng. Sau
khi đẩy người tù cuối cùng lên xe, người gác đóng cửa và khóa lại.
Ở phía đầu xe, sát với thùng tài xế ngồi, có một ngăn nhỏ để
nhốt tù nhân chống đối, làm dữ. Tiếng nói của Ruska trong ngăn đó vang ra:
- Anh em… Tôi bị đưa đi Butyrskaya để thẩm vấn. Anh em nào
đó? Những ai bị đưa đi?
Cả hai mươi người tù cùng trả lời một lúc.
- Ruska… Ai tố cáo chú?- Nerzhin la lên.
- Thẳng Siromakha.
Một người chửi trong bóng tối:
- Thằng khốn nạn.
- Có bao nhiêu anh em phải đi?- Ruska hỏi lớn:
- Hai mươi người.
- Đừng sợ, Ruska.- một người la lớn.- Mình sẽ gặp nhau ở
Trại Tập trung.
Xe chạy, Nerzhin và Gerasimovich va mạnh vào nhau. Cả hai
cùng giương mắt nhìn để nhận ra nhau trong bóng tối. Có một cái gì đó ngoài sự
chật chội của thùng xe này làm cho họ gần nhau hơn.
Ilya Khorobrov, tinh thần đã lên cao hơn được một chút, đột
nhiên nói lớn và rõ:
- Đừng sợ, anh em. Đừng sợ khi chúng mình phải đi. Anh em
đừng thèm coi cuộc sống trong Viện này là cuộc sống đáng để cho ta luyến tiếc.
Ở đó chúng ta phải sống chung với những thằng khốn nạn như thằng Siromakha. Ở
đó cứ trong năm mươi tên lại có một thằng chỉ điểm. Mình đánh rắm trong cầu
tiêu bọn quản đốc chúng nó cũng biết. Chúng nó không cho mình nghỉ ngày Chủ
nhật trong suốt hai năm nay. Ở đó mình phải làm việc mười hai tiếng một ngày.
Chúng nó còn cấm mình không được viết thư về cho gia đình. Còn công việc mình
phải làm cho chúng ở đó nữa. Đó là địa ngục.
Khorobrov yên lặng. Anh như người nói không nổi vì hờn giận.
Trong tiếng máy xe nổ êm và tiếng bánh xe lăn trên mặt nhựa
xa lộ, giọng nói từ tốn của Nerzhin cất lên:
- Không, Ilya Terentich… Đó không phải là địa ngục. Bây giờ
chúng ta mới đi vào địa ngục. Chúng ta trở về địa ngục. Nơi chúng ta vừa rời bỏ
là tầng cao nhất, tầng tốt nhất, tầng đầu tiên của địa ngục. So với những tầng
địa ngục chúng ta sắp xuống, tầng đầu tiên ấy có thể coi là thiên đường.
Chàng không nói thêm nữa, vì thấy không cần phải nói. Mọi
người đều biết rằng nơi họ đến cuộc sống sẽ khổ sở, ghê rợn hơn cuộc sống ở
Viện Khoa học nhiều, ở những trại tập trung lạnh giá, họ nhớ lại Viện trong
giấc mơ, như những giấc mơ vàng. Nhưng ngay lúc này, để khỏi mất can đảm, để có
thể nghĩ là mình làm đúng, họ phải chê bỏ cuộc sống trong Viện, để đừng ai hối
hận, đừng ai tự trách mình dại dột…
Khorobrov nói bằng một giọng quả quyết:
- Anh em nên nghe tôi… Thà mình ăn bánh hẩm với nước lã mà
lương tâm vẫn yên ổn hơn là ăn thịt mà hèn hạ.
Những người trong xe yên lặng.
Đúng thế, những cánh rừng hoang ở Tây Bá Lợi Á chờ đón họ,
miền Oymyakon lạnh nhất trái đất và những mỏ đồng ở Dzhezkazan chờ đón họ, ở đó
họ sẽ đói, sẽ chết. Nhưng trái tim họ được yên ổn.
Trái tim họ tràn đầy cảm giác vô úy của những kẻ đã mất tất
cả, sự vô úy này không tự nhiên mà có, người ta chỉ vô úy khi người ta chịu
đựng.
Chở đầy nhóc những người, chiếc xe sơn màu cam vui mắt chạy
qua những đường phố đông trong thành phố. Xe chạy qua cửa một trạm xe hỏa và
dừng lại ở ngã tư chờ đèn xanh. Một chiếc xe du lịch nhỏ cũng đậu chờ đèn xanh
ở đây. Người lái chiếc xe du lịch nhỏ này là đặc phái viên của tờ nhật báo tiến
bộ Libération của Pháp quốc. Chàng đặc phái viên này đang trên đường tiến tới
Vận động trường Dynamo để coi trận đấu hockey. Chàng nhìn sang chiếc vận tải
sơn màu cam đậu bên cạnh và những chữ viết trên thành xe cho chàng biết đó là
xe chở thịt.
Chàng nhớ rằng trong buổi sáng hôm nay, chàng đã nhìn thấy
nhiều chiếc xe chở thịt như xe này chạy trong những đường phố của Mạc Tư Khoa,
chàng lấy quyển sổ tay ra ghi vội vài dòng:
“Trong đường phố Mạc Tư Khoa người ta thường thấy những
chiếc xe chở thực phẩm rất sạch sẽ, vệ sinh được bảo đảm đến mức tối đa. Ta có
thể kết luận rằng việc tiếp tế thực phẩm cho thủ đô này thật là hoàn hảo”.
- Hết -
1955 – 1964.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét