Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Tàn Ngày Để Lại - Ch 8

Tàn Ngày Để Lại

Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021

Ngày thứ sáu - Tối
Weymouth

Thị trấn ven biển này là nơi tôi đã định viếng thăm nhiều năm rồi. Tôi đã nghe rất nhiều người kể đã từng dành một kỳ nghỉ rất dễ chịu nơi đây, và cả bà Symons, trong bộ Kỳ quan Anh quốc, cũng gọi đó là một “thị trấn hứa hẹn với khách phương xa những thú vui tràn trề suốt nhiều ngày không dứt”. Thực tế là bà còn nhắc cụ thể đến cầu tàu này, nơi tôi đã đi bách bộ trong nửa tiếng vừa qua, và đặc biệt khuyên nên ghé đến đây lúc chiều hôm khi cầu tàu sáng bừng rất nhiều bóng đèn đủ các màu sắc. Vừa một lát trước, tôi được một vị quan chức cho biết đèn sắp bật lên “ngay thôi”, vì thế tôi đã quyết định ngồi xuống đây trên băng ghế này chờ sự kiện ấy. Từ đây tôi ngắm nhìn được toàn cảnh mặt trời lặn xuống trên mặt biển, và dù ánh ngày vẫn còn lại khá nhiều - hôm nay là một ngày rạng rỡ - tôi cũng thấy đó đây nhà cửa lên đèn dọc theo bờ biển. Trong lúc đó thì cầu tàu vẫn đầy chật những người; đằng sau lưng tôi, tiếng vô số bàn chân gõ nhịp lên mặt ván vẫn liên hồi không nghỉ.
Tôi đến thị trấn này chiều hôm qua, và đã quyết định ở lại thêm một đêm để có trọn ngày hôm nay mà nhẩn nha thăm thú. Và tôi phải nói rằng, không phải chạy xe nữa quả cũng có chút nhẹ nhõm; vì dù hoạt động ấy có lý thú đến mấy, thì sau ít lâu, người ta cũng có phần chán ngán. Dù sao đi nữa, tôi có thể lưu lại thêm ở đây một ngày ấy mà không sợ quá thời gian; chỉ cần ngày mai khởi hành sớm là đảm bảo tôi sẽ trở lại Dinh Darlington vào giờ trà.
Đến giờ đã là trọn hai ngày kể từ khi tôi gặp cô Kenton trong phòng trà khách sạn Vườn Hồng ở Compton Nhỏ. Bởi thực vậy, chúng tôi đã gặp nhau ở đó, cô Kenton đã khiến tôi bất ngờ khi đến khách sạn gặp tôi. Tôi đang tiêu khiển cho qua thời giờ sau khi dùng xong bữa trưa - tôi tin mình chỉ đang nhìn màn mưa qua cửa sổ bên bàn - thì một người nhân viên khách sạn tiến lại thông báo rằng có một bà đang chờ ở lễ tân mong được gặp tôi. Tôi đứng dậy đi ra sảnh đón, ở đó tôi không nhận ra ai quen. Nhưng rồi cô lễ tân đứng sau quầy nói vọng ra, “Bà khách đã vào phòng trà rồi, thưa ngài”.
Đi vào phòng qua cánh cửa được chỉ, tôi thấy một căn phòng đặt đầy những ghế bành không cùng bộ, cùng vài chiếc bàn. Trong phòng không có ai khác ngoài cô Kenton, cô nhỏm dậy khi tôi vào, mỉm cười chìa tay cho tôi.
“A, ông Stevens. Được gặp lại ông thật vui quá”.
“Bà Benn, tôi thực mừng”.
Ánh sáng trong phòng rất đỗi u ám vì cơn mưa vừa đổ xuống, nên chúng tôi dịch hai chiếc ghế bành lại gần cửa sổ lồi. Và cứ như thế cô Kenton và tôi đã nói chuyện với nhau trong chừng hai tiếng đồng hồ tiếp đó, trong vũng ánh sáng xám trong khi mưa vẫn đều đều rơi lên quảng trường ngoài kia.
Cô dĩ nhiên đã ít nhiều già đi, nhưng ít nhất theo con mắt tôi nhìn, có vẻ cô đã già đi một cách thanh tao hết mực. Vóc người cô vẫn thanh mảnh, tư thế vẫn thẳng tắp như ngày nào. Cô cũng vẫn giữ dáng đầu khi xưa, thêm một li nữa là thành thách thức. Đương nhiên, trong luồng ánh sáng ảm đạm đổ lên mặt cô, tôi không thể không nhận thấy những nếp hằn đã hiện lên đây đó. Nhưng về cơ bản, cô Kenton trước mặt tôi đây trông giống đến lạ lùng con người đã sống trong trí tưởng tôi qua bao năm. Nói thế có nghĩa là, về đại thể, được gặp lại cô khiến tôi thực hết sức vui lòng.
Trong chừng hai mươi phút đầu, tôi cho rằng chúng tôi đã trao đổi những lời lẽ như người lạ gặp nhau vẫn nói; cô lễ độ hỏi về đầu đuôi chuyến đi của tôi, tôi thấy kỳ nghỉ của mình ra sao, đã ghé thăm những thị trấn và thắng cảnh nào, đại loại vậy. Trong lúc chúng tôi tiếp tục nói chuyện, phải nói tôi tưởng đã bắt đầu nhận ra thêm những thay đổi nữa tinh vi hơn mà năm tháng đã để lại trên cô. Tỷ dụ như, cô Kenton dường như có vẻ chậm hơn trước thế nào đó. Rất có thể đây chỉ là sự điềm tĩnh mà tuổi tác đem lại, và trong một lúc tôi có gắng sức nhìn vấn đề như vậy. Nhưng tôi không thể gột đi cảm giác rằng điều tôi đang thực tình chứng kiến đây là một sự mệt mỏi trước cuộc đời; tia lửa ngày xưa từng khiến cô là một người hoạt bát, đôi khi còn bồng bột đến như vậy dường như giờ đã tắt. Thực tế là, đôi lúc, khi cô dừng nói, khi mặt cô tĩnh tại, tôi còn nghĩ mình thấy vẻ mặt cô thấp thoáng nét buồn. Nhưng mặt khác, rất có thể tôi đã lầm về việc đó.
Sau một hồi, chút lấn cấn trong vài phút đầu gặp mặt đã hoàn toàn tan biến, và câu chuyện giữa đôi bên chuyển sang chiều hướng thân tình hơn. Chúng tôi dành thời gian hồi nhớ lại nhiều người quen biết trong quá khứ, hoặc trao đổi tin tức nào mình có về những người này, và việc ấy tôi phải nói đem lại niềm vui vô kể. Nhưng không phải vui vì nội dung cuộc nói chuyện của chúng tôi mà là vì những nụ cười nho nhỏ điểm kết mỗi câu cô nói, những nốt chế nhạo khó thấy len lỏi đây đó, một vài cử chỉ nơi bàn tay hay vai, đã bắt đầu gợi lại không lầm lẫn nhịp điệu và thói quen trong những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bao năm về trước.
Cũng vào khoảng này mà tôi bắt đầu xác định được một vài thông tin xoay quanh hoàn cảnh hiện tại của cô. Tỷ dụ như, tôi được biết cuộc hôn nhân của cô không hẳn lâm vào tình trạng hiểm nghèo như có thể đoán thấy từ thư cô; và rằng dù quả thực cô đã rời nhà trong một quãng thời gian chừng bốn năm ngày - chính đó là thời gian cô soạn lá thư đến tay tôi - cô đã về nhà và ông Benn đã vui mừng được đón cô trở lại. “Cũng may vì giữa hai chúng tôi còn có một người đầu óc bình thường”, cô nói và mỉm cười.
Tôi ý thức được, đương nhiên, rằng những vấn đề loại này hoàn toàn chẳng phải việc của tôi, và tôi cần nói rõ rằng mình sẽ không đời nào dám dò hỏi vào những lĩnh vực đó nếu không phải vì quả thực, như quý vị có lẽ còn nhớ, tôi có những lý do nghề nghiệp quan trọng; có nghĩa là, các lý do liên quan đến khó khăn nhân sự hiện tại ở Dinh Darlington. Dù sao thì, cô Kenton có vẻ cũng không ngại tâm tình với tôi về những vấn đề đó, và tôi coi đây là một bằng chứng đáng mừng về mối quan hệ nghề nghiệp thân cận khăng khít giữa chúng tôi ngày xưa.
Trong một lúc ngắn sau đó, như tôi nhớ, cô Kenton tiếp tục nói chung chung về người chồng của cô, nay sắp nghỉ hưu, hơi sớm do vấn đề sức khỏe, cùng con gái cô, giờ đã kết hôn và chuẩn bị làm mẹ vào mùa thu này. Thực tế là, cô Kenton đã cho tôi địa chỉ nhà con gái cô ở Dorset, và tôi phải nói mình khá hãnh diện khi thấy cô tha thiết muốn tôi hãy ghé qua đó trên đường trở về. Dù tôi có giải thích rằng rất ít khả năng tôi sẽ đi qua vùng đó ở Dorset, cô Kenton vẫn một mực yêu cầu tôi, rằng, “Catherine đã nghe kể về ông rất nhiều, ông Stevens ạ. Gặp ông nó sẽ mừng rỡ lắm cho mà xem”.
Về phần mình, tôi cố hết sức mô tả cho cô Dinh Darlington ngày hôm nay. Tôi cố diễn tả cho cô hiểu ông Farraday là một người chủ thân thiện đến thế nào; và tôi miêu tả những thay đổi của bản thân căn nhà, những sửa sang và những tấm bạt, cũng như cách sắp xếp nhân sự hiện tại. Cô Kenton, tôi nghĩ, đã vui lên thấy rõ khi tôi nói về ngôi nhà, và chẳng mấy sau chúng tôi đã cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, thường xuyên phải bật cười.
Chỉ có một lần theo tôi nhớ là chúng tôi nhắc về Huân tước Darlington. Chúng tôi đang thích thú hồi tưởng lại hồi ức nào đó về anh Cardinal, vì thế tôi không tránh khỏi phải thông báo với cô về việc chàng trai trẻ đã vong mạng ở Bỉ trong cuộc chiến. Rồi sau đó tôi nói tiếp: “Đương nhiên, đức ngài rất yêu quý anh Cardinal, nên đã rất buồn về việc ấy”.
Tôi không muốn làm hỏng bầu không khí dễ chịu bằng những chuyện u buồn, nên gần như lập tức tìm cách lái ra khỏi đề tài đó. Nhưng đúng như tôi đã sợ, cô Kenton có đọc thấy vụ kiện tội phỉ báng bất thành, và đương nhiên không bỏ qua cơ hội gạn hỏi tôi đôi chút. Như tôi nhớ, tôi đã cố không bị kéo vào câu chuyện, dù rốt cuộc tôi cũng nói với cô, “Thực tế là, bà Benn ạ, suốt cuộc chiến họ đã nói nhiều điều thực sự kinh khủng về đức ngài - và đặc biệt trên cái tờ báo đó. Ngài đã chịu đựng tất cả trong lúc đất nước còn nguy khốn, nhưng một khi chiến tranh đã qua, và những ám chỉ nọ kia vẫn cứ tiếp diễn, thì đức ngài không thấy cớ gì phải tiếp tục nhịn nhục trong im lặng nữa. Rất có thể giờ đây thì dễ thấy hết những nguy cơ khi ra tòa vào đúng thời điểm ấy, trong bầu không khí chính trị lúc ấy. Nhưng sự đã vậy rồi. Đức ngài thành thực tin rằng công lý sẽ đứng về phía mình. Ngược lại, đương nhiên, tờ báo đó chỉ càng phát hành rộng rãi. Còn thanh danh của đức ngài đã bị hủy hoại vĩnh viễn. Thực tình, bà Benn ạ, sau đó thì, nói thế nào nhỉ, đức ngài gần như là một người tàn phế rồi. Và căn nhà trở nên lặng lẽ biết bao. Tôi thường đưa trà đến cho đức ngài trong phòng tiếp tân và, biết nói thế nào... Đấy thực sự là một cảnh tượng bi thảm”.
“Tôi vô cùng xin lỗi, ông Stevens ạ. Tôi không hề biết sự tình lại xấu đến vậy”.
“Thế đấy, bà Benn ạ. Nhưng nói vậy đủ rồi. Tôi biết bà nhớ Dinh Darlington từ cái thời còn những buổi tụ họp long trọng, khi trong nhà rộn rịp những vị khách danh giá. Thì đức ngài xứng đáng được ghi nhớ theo cách ấy”.
Như tôi đã nói, đấy là lần duy nhất chúng tôi nhắc đến Huân tước Darlington. Chủ yếu, chúng tôi chỉ ôn lại với nhau những hồi ức vô cùng hạnh phúc, và hai giờ đồng hồ ở bên nhau trong phòng trà ấy, tôi có thể nói là khoảng thời gian hết sức dễ chịu. Hình như tôi cũng nhớ có nhiều khách khác đi vào trong lúc chúng tôi nói chuyện, ngồi xuống chốc lát rồi lại bỏ đi, nhưng họ hoàn toàn không hề làm chúng tôi sao nhãng. Thực vậy, khó mà tin nổi trọn hai giờ đồng hồ đã trôi qua khi cô Kenton nhìn lên đồng hồ trên bệ lò sưởi và nói đã đến lúc phải về. Khi biết được cô sẽ phải đi bộ trong mưa ra một bến xe buýt ở cách làng hơi xa một chút, tôi nhất định muốn được đưa cô đến đó bằng cỗ Ford, và thế là sau khi mượn được cây ô từ bàn lễ tân, chúng tôi cùng nhau bước ra ngoài.
Đã có nhiều vũng nước lớn hình thành trên mặt đất quanh cỗ Ford, khiến tôi buộc phải hỗ trợ cô Kenton chút ít tới cửa bên ghế phụ. Tuy nhiên, chẳng mấy sau chúng tôi đã chạy xe trên phố chính của làng, và rồi những cửa hàng biến mất, chúng tôi đã thấy mình ở giữa đồng quê mênh mông. Cô Kenton, nãy giờ vẫn lặng lẽ ngắm cảnh vật trôi qua bên cửa, đến lúc này quay lại phía tôi nói, “Ông cứ mỉm cười một mình như vậy là sao thế, ông Stevens?”.
“Ồ... Bà phải thứ lỗi cho tôi, bà Benn ạ, nhưng tôi chỉ đang nhớ lại một vài điều bà viết trong thư. Lúc đọc thư tôi đã hơi lo âu, nhưng giờ tôi thấy không có mấy lý do phải lo lắng”.
“Vậy à? Cụ thể thì ông đang nói đến những chuyện nào thế, ông Stevens?”.
“Ồ, không có gì cụ thể đâu, bà Benn ạ”.
“Nào, ông Stevens, ông phải nói với tôi mới được”.
“À, chẳng hạn, bà Benn ạ”, tôi nói và bật cười, “có một đoạn trong thư bà viết - như thế nào nhỉ - phần đời kể từ đây về sau trải ra trước mắt tôi như một khoảng không hiu quạnh. Cái gì đó đại ý như thế”.
“Thật tình, ông Stevens ạ”, cô nói và cũng bật cười khẽ, “tôi mà lại đi viết như vậy à”.
“Ồ, xin cam đoan là bà đã viết vậy đấy, bà Benn ạ. Tôi nhớ rất rõ mà”.
“Chao ơi. Chà, có thể có những ngày tôi cảm thấy như vậy thật. Nhưng cũng trôi qua nhanh thôi. Xin cam đoan với ông, ông Stevens ạ, phần đời trải ra trước mắt tôi không hiu quạnh đâu. Thứ nhất là, chúng tôi đang chờ cháu ngoại ra đời. Có khi sẽ còn thêm vài đứa nữa”.
“Thực vậy, phải. Như thế thì bà sẽ thực hạnh phúc”.
Chúng tôi im lặng đi thêm một lúc nữa. Rồi cô Kenton nói, “Thế còn ông thì sao, ông Stevens? Trở về Dinh Darlington, điều gì đang chờ đợi ông trong tương lai?”.
“Chà, dù chờ đợi tôi là cái gì, bà Benn ạ, thì tôi cũng biết đấy không phải là khoảng không trống rỗng. Giá mà được như vậy. Nhưng mà không, chỉ có công việc, công việc và rồi vẫn là công việc”.
Đến đây chúng tôi cùng cười. Rồi cô Kenton chỉ một nhà chờ xe buýt hiện ra đằng trước. Khi chúng tôi đến gần, cô nói, “Ông chờ với tôi được không, ông Stevens? Xe chỉ mấy phút nữa là đến thôi”.
Mưa vẫn rơi đều khi chúng tôi ra khỏi xe và vội vàng chạy vào nhà. Ngôi nhà chờ - một công trình bằng đá có lợp mái ngói hẳn hoi - trông rất vững chãi, mà quả là nó cần như vậy, khi đứng ở một vị trí phơi ra giữa đồng không mông quạnh thế này. Bên trong, sơn đã tróc lở khắp nơi, nhưng cũng tương đối sạch sẽ. Cô Kenton ngồi xuống ghế băng để sẵn, còn tôi vẫn đứng để nhìn bao quát được khi xe buýt đến. Bên kia đường, tôi chỉ thấy trải ra đồng rồi lại đồng; một dãy cột điện tín cuốn tầm mắt tôi theo xa đến chân trời.
Sau khi im lặng ngồi đợi bên nhau vài phút, tôi cuối cùng cũng gắng nói ra được, “Xin bà thứ lỗi, bà Benn ạ. Nhưng sự thực là có thể chúng ta sẽ không gặp nhau một thời gian dài nữa. Tôi không biết liệu bà có thể nào cho phép tôi hỏi một chuyện có đôi chút cá nhân. Đấy là một điều đã bận lòng tôi ít lâu rồi”.
“Hẳn rồi, ông Stevens ạ. Suy cho cùng, chúng ta là bạn cũ mà”.
“Thực vậy, đúng như bà nói, chúng ta là bạn cũ. Tôi chỉ muốn hỏi một điều, bà Benn ạ. Xin bà đừng trả lời nếu cảm thấy không nên. Nhưng sự thực là, những lá thư tôi được nhận của bà qua nhiều năm, đặc biệt là lá thư mới đây, thường ám chỉ là bà - người ta nói thế nào nhỉ? - có phần bất hạnh. Tôi chỉ băn khoăn là liệu bà có bị xử tệ cách nào đó hay không. Xin lỗi bà, nhưng tôi đã nói đấy, đây là một điều đã khiến tôi lo lắng ít lâu rồi. Tôi sẽ thấy mình ngốc nghếch lắm nếu đi cả quãng đường đến đây gặp được bà mà lại không ít nhất hỏi bà điều đó”.
“Ông Stevens ạ, không việc gì phải xấu hổ đâu. Suy cho cùng, chúng ta là bạn cũ mà, không phải sao? Thực tế là, tôi rất cảm động thấy ông lo lắng vì tôi như vậy. Và tôi có thể trấn an ông về việc này một cách dứt khoát. Chồng tôi không hề bạc đãi tôi dù theo bất cứ cách nào. Anh ấy không hề tàn nhẫn hay cục cằn đâu”.
“Tôi phải nói, bà Benn ạ, quả là nghe vậy tôi bớt lo âu rất nhiều”.
Tôi rướn người vào màn mưa, tìm xem có dấu hiệu nào của chiếc xe sắp tới.
“Tôi nhận thấy rằng ông vẫn chưa hài lòng lắm, ông Stevens ạ”, cô Kenton nói. “Ông không tin tôi ư?”.
“À, không phải như vậy, bà Benn ạ, hoàn toàn không phải. Chỉ có điều sự thực vẫn là, bà không có vẻ đã được hạnh phúc những năm vừa qua. Nói vậy có nghĩa là - xin bỏ quá tôi nói điều này - bà đã quyết ý rời khỏi chồng trong một vài dịp. Nếu ông ấy không bạc đãi bà thì, nói thế nào nhỉ... người ta có hơi khó hiểu về nguyên do bà cảm thấy không hạnh phúc”.
Tôi lại nhìn ra màn mưa. Cuối cùng, tôi nghe cô Kenton nói sau lưng mình, “Ông Stevens ạ, tôi biết giải thích thế nào bây giờ? Chính tôi cũng khó mà hiểu được vì sao mình làm những điều như thế. Nhưng đúng là như vậy, cho tới giờ tôi đã rời nhà ba lần”. Cô ngưng một lúc, trong lúc ấy tôi vẫn nhìn ra những cánh đồng bên kia đường. Rồi cô nói, “Tôi nghĩ, ông Stevens ạ, điều ông đang hỏi là tôi có yêu chồng hay không”.
“Thực tình, bà Benn, tôi không dám thất lễ....
“Tôi cảm thấy mình nên trả lời ông, ông Stevens ạ. Như ông có nói đó, chúng ta có lẽ sẽ không gặp lại nhau trong nhiều năm tới. Có, tôi có yêu chồng. Ban đầu thì không. Ban đầu thì không, suốt nhiều năm. Khi tôi rời Dinh Darlington bằng ấy năm về trước, tôi không hề nhận ra mình đã rời khỏi đó thực sự và vĩnh viễn. Tôi tin rằng lúc ấy tôi chỉ coi đó là một kế khác, ông Stevens ạ, để chọc tức ông mà thôi. Tôi đã rất sốc khi ra tới đây và nhận ra mình đã có chồng. Trong một thời gian dài, tôi đã rất không hạnh phúc, quả là rất không hạnh phúc. Nhưng rồi năm lại năm qua, chiến tranh xảy ra, Catherine khôn lớn, và một ngày kia tôi nhận ra mình có yêu chồng. Khi ở rất lâu với một ai đó rồi, ta sẽ thấy mình quen với người đó. Anh ấy là một người rất tốt, rất đáng tin cậy, và có, ông Stevens ạ, tôi đã học được cách yêu anh ấy”.
Cô Kenton lại lặng thinh thêm lát nữa. Rồi cô tiếp, “Nhưng đương nhiên không có nghĩa là không có những dịp này dịp khác - trong những dịp buồn nản tột cùng - khi ta tự nhủ: Mình đã làm gì đời mình?”. Những lúc ấy ta sẽ đâm ra nghĩ về một cuộc đời khác, một cuộc đời tốt đẹp hơn mà có thể mình đã có. Chẳng hạn, tôi sẽ đâm ra nghĩ về một cuộc đời có thể tôi đã có bên ông, ông Stevens ạ. Và tôi đoán đấy là những lúc tôi nhân một chuyện vặt vãnh nào đó mà nổi cáu bỏ đi. Nhưng mỗi lần như vậy, thì chẳng mấy sau tôi đã nhận ra - chỗ dành cho mình thực sự là ở bên chồng. Suy cho cùng, đâu có thể quay ngược thời gian được nữa. Người ta không thể ngâm ngợi mãi những gì có thể đã xảy ra. Người ta cần phải nhận ra mình đang có một thứ cũng tốt gần bằng thế, thậm chí còn hơn thế, và biết cảm kích vì điều đó”.
Tôi không nghĩ mình đã đáp lại ngay lập tức, vì phải mất giây lát tôi mới lĩnh hội được hết những lời này của cô Kenton. Hơn nữa, chắc quý vị cũng hiểu được, ẩn ý trong những câu nói đó đủ gợi nên một nỗi buồn lên tới mức nào trong tôi. Thực vậy - có gì mà không thừa nhận điều này chứ? - vào giây phút ấy, tim tôi như tan vỡ. Tuy nhiên, chỉ lát sau, tôi đã quay lại nhìn cô mỉm cười nói, “Bà nói rất đúng, bà Benn ạ. Như bà đã nói đấy, không thể quay ngược thời gian được nữa rồi. Thực vậy, tôi sẽ không thể ăn ngon ngủ yên được nếu biết những ý tưởng như vậy là nguồn cơn mối bất hòa giữa vợ chồng bà. Chúng ta, mỗi người trong chúng ta, như bà đã nói, cần phải biết cảm kích vì những gì mình đang có. Và cứ theo những gì bà nói với tôi, bà Benn ạ, bà hoàn toàn có lý do để bằng lòng. Thực tế là tôi còn dám đoán rằng, xét thấy ông Benn sắp về hưu, còn các cháu cũng sắp ra đời, hẳn là những năm tháng cực kỳ hạnh phúc đang chờ đón ông bà. Bà thực sự không được để ý nghĩ ngốc nghếch nào ngáng trở đến với hạnh phúc xứng đáng của bà đấy”.
“Đương nhiên rồi, ông nói đúng, ông Stevens ạ. Ông thật tử tế quá”.
“A, bà Benn kìa, có vẻ là xe buýt đã đến rồi”.
Tôi bước ra ngoài vẫy tay, còn cô Kenton đứng dậy ra tới sát cửa nhà chờ. Mãi tới khi xe dừng lại tôi mới liếc nhìn sang cô Kenton và nhận ra đôi mắt cô đã dâng đầy nước mắt. Tôi mỉm cười nói, “Bà Benn này, bà phải chăm lo đến mình đấy. Rất nhiều người nói rằng nghỉ hưu là quãng thời gian đẹp nhất trong đời với các đôi vợ chồng. Bà phải làm hết sức để mang lại hạnh phúc trong những năm tháng đó cho mình và cho chồng mình đấy. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ gặp nhau lần nữa, bà Benn ạ, nên tôi phải yêu cầu bà hãy ghi nhớ kĩ điều tôi đang nói đây”.
“Tôi sẽ nhớ, ông Stevens ạ, cảm ơn ông. Và cảm ơn ông cho đi nhờ xe đến đây. Ông làm thế thật là tử tế quá. Được gặp lại ông lần nữa thật vui”.
“Tôi cũng thực mừng được gặp lại bà lần nữa, bà Benn ạ”.
* * *
Đèn trên cầu tàu đã bật, sau lưng tôi một đám đông vừa cất tiếng reo rất lớn đón mừng sự kiện này. Ánh ngày vẫn còn lại khá nhiều - bầu trời trên mặt biển đã chuyển màu đỏ nhạt - nhưng dường như chừng ấy người dần dà tụ tập trên cầu tàu nửa tiếng đồng hồ vừa qua giờ đây đang mong cho đêm đổ xuống. Điều này, tôi nghĩ, đã xác nhận rất đúng đắn luận điểm của người đàn ông mà mới đây thôi còn ngồi cạnh tôi trên băng ghế này, và đã trao đổi cùng tôi cuộc chuyện trò kỳ lạ đó. Quan điểm của ông ta là đối với rất nhiều người, buổi tối là phần đẹp nhất của ngày, phần họ trông đợi nhất. Và như tôi nói đó, dường như có vẻ có một phần sự thực trong nhận định này, vì nếu không vì sao bằng ấy người ở đây lại tự phát cất tiếng reo chỉ vì đèn trên cầu tàu đã bật?
Đương nhiên, người ấy chỉ nói theo nghĩa bóng, nhưng cũng khá thú vị thấy lời ông ta lập tức được chứng nhận theo nghĩa đen. Tôi đoán rằng ông ta đã ngồi đây cạnh tôi vài phút rồi mà tôi không nhận thấy, bởi đang mải mê vào hồi ức về cuộc gặp với cô Kenton hai ngày trước. Thực tế là, tôi nghĩ mình còn hoàn toàn không ghi nhận sự có mặt của ông ta trên băng ghế cho tới khi ông ta lớn tiếng tuyên bố, “Khí biển tốt cho cơ thể lắm nhá”.
Tôi nhìn lên, thấy một người lực lưỡng, hẳn là đã sắp hết lục tuần, mặc áo khoác vải tuýt sờn sùa, áo sơ mi mở cúc cổ. Ông ta đương nhìn ra biển, có lẽ nhìn mấy con mòng biển ở xa xa, vì thế hoàn toàn không thể nhận ngay ra là ông ta đương nói với tôi. Nhưng bởi không ai khác đáp lời, và bởi tôi không nhìn thấy ngay có ai ở quanh đây có thể đáp lời, cuối cùng tôi cũng nói, “Vâng, chắc là vậy”.
“Ông bác sĩ bảo là tốt cho cơ thể. Nên cứ thời tiết cho phép là tôi lại đi lên đây”.
Rồi ông ta kể ra với tôi về đủ loại bệnh tật khác nhau trong người, chỉ rất thi thoảng mới rời mắt khỏi cảnh mặt trời lặn để quay sang tôi gật đầu hay cười toét. Tôi chỉ thực sự bắt đầu có chút chú ý vào câu chuyện khi ông ta chợt nhắc rằng mình nghỉ hưu ba năm trước khi đương làm quản gia cho một nhà gần đó. Hỏi han sâu hơn, tôi được biết rằng nhà ấy rất nhỏ, chỉ có duy nhất ông ta là gia nhân toàn thời gian. Khi tôi hỏi ông đã bao giờ có cả một đội ngũ nhân viên đầy đủ dưới quyền mình làm việc hay chưa, trước chiến tranh chẳng hạn, thì ông nói, “À, vào thời ấy tôi mới chỉ là người hầu thôi. Tôi thì chẳng có được cái thuật để làm được quản gia vào cái thời ấy đâu. Ông mà biết khối lượng công việc phải làm ở những cái nhà bự hồi ấy thì sẽ phải ngạc nhiên cho mà xem”.
Tới đây, tôi nghĩ đã tới lúc thích hợp để tiết lộ nhân thân mình, và dù tôi không biết cái tên “Dinh Darlington” có gợi lên gì trong người đối thoại của mình không, nhưng ông ta vẫn tỏ ra khâm phục thích đáng.
“Thế mà tôi thì cứ ba hoa này nọ với ông”, ông ta cười lớn nói. “May mà ông đã nói cho tôi biết trước khi tôi tự biến mình thành trò hề. Đấy, cứ bắt chuyện với người lạ thì không thể biết mình đang có lời với ai nữa. Vậy tôi hiểu là ông từng có một đội ngũ nhân viên lớn hả. Ý tôi là trước chiến tranh”.
Ông ta tính tình vui vẻ và có vẻ quan tâm thực tình, thế nên phải thú nhận là tôi đã kể với ông ít chuyện về Dinh Darlington những ngày xưa cũ. Chủ yếu là tôi cố diễn đạt cho ông hiểu một phần cái “thuật”, như ông gọi, để giám sát những sự kiện lớn loại như chúng tôi vẫn thường tổ chức. Thực vậy, tôi nghĩ mình còn tiết lộ cho ông một vài “bí quyết” nghề nghiệp riêng ngõ hầu thúc đẩy đội ngũ nhân viên cố vượt hơn sức mình, cũng như nhiều trò “ảo thuật” - giống như những nhà phù thủy - có thể giúp người quản gia hóa phép ra thứ cần thiết vào đúng lúc đúng nơi mà không để các vị khách dù chỉ thấy qua những dàn dựng thường rất công phu phức tạp ở hậu trường. Như tôi nói đó, người đối thoại với tôi có vẻ thực lòng quan tâm, nhưng sau một lúc tôi cảm thấy mình tiết lộ thế là đủ rồi, nên nói để kết chuyện, “Đương nhiên, ngày nay tình hình đã khác nhiều với ông chủ hiện thời của tôi. Một vị người Mỹ”.
“Mỹ hả? Ờ, giờ thì mỗi họ là có hầu bao đủ rộng cho mấy thứ đó thôi. Vậy là ông ở lại cùng với căn nhà. Trọn gói”. Ông ta quay lại và nhệch miệng cười với tôi.
“Vâng”, tôi nói và cười khẽ. “Đúng là trọn gói, như ông nói đấy”.
Người kia lại quay nhìn ra biển, hít một hơi thực sâu và thở dài mãn nguyện. Thế rồi chúng tôi ngồi bên nhau một chốc, lặng thinh.
“Sự thực, đương nhiên là”, một lát sau tôi nói, “tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất cho Huân tước Darlington. Tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất mình có thể trao đi, và giờ thì - nói sao nhỉ - tôi thấy mình không còn lại bao nhiêu để mà cho đi nữa”.
Người kia không đáp lại, nhưng cũng gật đầu, nên tôi nói tiếp, “Từ khi ông chủ mới của tôi, ông Farraday đến, tôi đã cố gắng rất nhiều, quả thực là rất nhiều, để phục vụ ông chu đáo được như ý nguyện của tôi. Tôi đã thử hết cách này đến cách khác, nhưng có làm gì tôi cũng thấy mình cách rất xa tiêu chuẩn mà xưa kia tôi đề ra cho mình. Các lỗi lầm xuất hiện trong công việc càng lúc càng nhiều hơn. Lặt vặt thôi - ít nhất cho đến lúc này. Nhưng những lỗi lầm loại đó xưa kia tôi không bao giờ phạm phải, và tôi biết chúng nói lên điều gì. Có trời chứng giám, tôi đã thử hết cách này đến cách khác, nhưng chẳng được gì cả. Tôi đã trao đi tất cả những gì mình có. Tôi đã trao hết cho Huân tước Darlington rồi”.
“Ôi trời, ông bạn. Này, ông cần khăn không? Tôi có một cái không biết để đâu rồi. Đây rồi. Khá sạch đấy. Mới chỉ hỉ mũi một cái sáng nay thôi, cầm đi, ông bạn”.
“Ôi chao, không đâu, cảm ơn ông, tôi không có vấn đề gì cả. Xin lỗi ông rất nhiều, tôi sợ rằng đi lại nhiều đã làm tôi mệt rồi. Tôi thực sự xin lỗi”.
“Chắc là ông bạn phải rất gắn bó với cái ông huân tước Đa Đa gì đấy. Mà ông bảo ông ấy đã qua đời ba năm rồi hả? Tôi thấy rõ là ông rất gắn bó với ông này, ông bạn ạ”.
“Huân tước Darlington không phải là người xấu. Không hề xấu chút nào. Và ít nhất ngài cũng có quyền được nói vào cuối đời mình rằng chính mình đã phạm những sai lầm của mình. Đức ngài là một con người can đảm. Ngài đã chọn một con đường trong đời, con đường ấy hóa ra là lầm lạc, nhưng mà thế đấy, ngài đã chọn lấy nó, ít ra ngài cũng có quyền nói như thế. Còn tôi đây, thậm chí tôi còn không có được điều đó. Ông hiểu không, tôi đã tin. Tôi đã tin vào trí thông tuệ của đức ngài. Bao nhiêu năm tôi phục vụ đức ngài, tôi đã tin mình đang làm một việc có ý nghĩa. Tôi còn không thể nói rằng tự mình đã phạm những sai lầm của mình nữa. Thực thế - người ta buộc phải tự hỏi mình như vậy - như thế thì còn gọi gì là phẩm cách?”.
“Thế này, ông bạn ạ, tôi không chắc là tôi nghe thủng mọi điều ông nói đâu. Nhưng nếu ông hỏi tôi thì, thái độ của ông thế là sai rồi, nhá! Đừng có suốt ngày rầu rĩ chuyện cũ nữa, ông thế nào cũng suy sụp đấy. Với lại, thì đúng là ông không thể làm việc tốt như ngày xưa ông làm nữa. Nhưng chúng ta ai mà chả vậy, hử? Ai cũng đến lúc nào đó phải rửa tay gác kiếm thôi. Nhìn tôi này. Từ hồi nghỉ hưu tôi tươi như bông hoa. Ừ thì cả hai chúng ta đều chả phải thanh xuân trai tráng gì nữa, nhưng phải tiếp tục nhìn tới tương lai chứ.” Và tôi tin chính lúc ấy ông đã nói, “Ông phải biết cách sống vui. Buổi tối mới là phần hay nhất trong ngày. Ông đã làm xong công việc trong ngày rồi. Giờ ông có thể rửa tay gác kiếm mà tận hưởng đi. Tôi là tôi nhìn thế đấy. Cứ hỏi ai cũng sẽ bảo ông như thế thôi. Buổi tối là phần hay nhất trong ngày”.
“Tôi tin là ông nói rất đúng”, tôi đáp. “Tôi xin lỗi quá, thế này thực là khó coi. Tôi nghĩ là tôi mệt quá rồi. Tôi đã đi đường rất nhiều mấy ngày qua, ông hiểu không?”.
Tới giờ người kia đã đi chừng hai mươi phút, nhưng tôi ngồi lại đây trên băng ghế để chờ sự kiện diễn ra vừa mới đây - tức là đèn sáng trên cầu tàu. Như tôi vừa nói, niềm hân hoan của những người tiêu khiển tập hợp lại trên cầu tàu này khi đón chào sự kiện nhỏ ấy thiên về xác nhận tính đúng đắn trong lời của người đối thoại với tôi; đối với phần đa mọi người, buổi tối là phần thích thú nhất trong ngày. Như vậy, có lẽ lời khuyên của ông ta cũng có chút nào hợp lý, rằng tôi nên thôi nhìn lại quá nhiều, rằng tôi nên chọn lấy một cái nhìn tích cực hơn và cố gắng tận hưởng càng nhiều càng tốt quãng tàn ngày để lại cho tôi. Suy cho cùng, chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn? Hiển nhiên, thực tế khắc nghiệt là những người như quý vị và tôi chẳng có mấy lựa chọn ngoại trừ đặt số phận mình, xét đến cùng, trong tay những nhân vật vĩ đại đứng ở trục thế giới mà ta phục vụ. Có ích gì khi người ta trăn trở quá nhiều rằng mình đã có thể hay chẳng thể làm gì để nắm giữ tiến trình của cuộc đời mình? Hẳn nhiên nếu những người như quý vị và tôi ít nhất cũng gắng khiến phần công sức nhỏ bé của mình góp vào những gì thực sự chân chính và đáng giá, thì cũng đủ rồi. Và nếu có ai trong chúng ta sẵn sàng hy sinh nhiều điều trong đời để theo đòi những tâm nguyện ấy, thì hẳn nhiên chính bản thân việc ấy, bất chấp kết quả có ra sao, cũng đáng tự hào mãn nguyện rồi.
Tiện nói thêm, vài phút trước, ngay sau khi đèn bật, tôi có ngoái lại trên ghế một lát để nhìn kĩ hơn những đám người chen chúc đang cười cười nói nói sau lưng tôi. Người đi dạo trên cầu tàu này thuộc đủ lứa tuổi: các gia đình mang theo con nhỏ, các cặp vợ chồng trai gái, cả trẻ lẫn già, tay khoác tay. Có một nhóm chừng sáu bảy người tụ tập đằng sau tôi vài bước khiến tôi khá tò mò. Cũng tự nhiên, ban đầu tôi đã mặc định họ là một nhóm bạn bè rủ nhau đi chơi tối. Nhưng lắng nghe câu chuyện giữa họ, tôi nhận ra họ là những người lạ chỉ vừa gặp phải nhau ở chính nơi đằng sau lưng tôi đây. Xem ra là, tất cả bọn họ đều dừng chân chốc lát chờ đèn bật, và rồi sau đó cứ vậy bắt vào trò chuyện với nhau. Hiện thời trước mắt tôi, họ đang cùng cười hớn hở. Thực lạ lùng là con người có thể rất nhanh chóng nồng ấm với nhau như thế. Cũng có thể đơn giản là những con người này cảm thấy đồng điệu với nhau vì niềm trông đợi buổi tối đang tới. Nhưng mặt khác, tôi khá tin rằng chuyện đó có liên quan tới cái kỹ năng bông lơn này thì đúng hơn. Giờ đây nghe họ nói chuyện, tôi thấy được họ trao đổi với nhau hết câu bông lơn này đến câu bông lơn khác. Tôi đoán đây mới chính là cách người ta ưa bông lơn với nhau. Thực tế, rất có thể người đối thoại với tôi trên băng ghế lúc trước đã có ý muốn tôi đối đáp bông lơn với ông ta - như vậy thì hẳn là tôi đã phụ lòng ông ta một cách kém cỏi. Rất có thể quả là đã đến lúc tôi nghiên cứu nhiệt tình hơn cái vấn đề bông lơn này. Suy cho cùng, người ta cũng đâu có gì là xuẩn ngốc nếu buông mình vào việc đó - đặc biệt nếu như bông lơn đúng là chìa khóa mở ra tình nồng ấm giữa người với người.
Thêm nữa, tôi nhận ra rằng bổn phận bông lơn cũng hoàn toàn không phải một yêu cầu vô lý mà người chủ có thể trông đợi ở một quản gia. Đương nhiên, tới nay tôi đã dành khá nhiều thời gian lo rèn giũa trình độ bông lơn của mình, nhưng cũng có thể tôi vẫn chưa giải quyết nhiệm vụ này với độ tận tâm cần thiết. Như vậy, có lẽ khi trở về Dinh Darlington ngày mai - bản thân ông Farraday sẽ còn vắng nhà thêm một tuần nữa - tôi sẽ bắt đầu luyện tập với một nỗ lực mới. Như thế, tôi có thể hy vọng tới thời điểm ông chủ trở về, tôi đã ở vào vị thế có thể khiến ông bất ngờ một cách vui lòng.

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét