Thứ Năm, 21 tháng 12, 2023

Tàn Ngày Để Lại - Ch 3

Tàn Ngày Để Lại

Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021

Ngày thứ hai - Sáng
Salisbury

Giường lạ hiếm khi làm tôi thoải mái, và sau khi thiếp đi ít lâu trong một giấc ngủ ít nhiều trằn trọc, tôi đã tỉnh cách đây chừng một giờ. Trời khi ấy hẵng còn tối, và biết cả một ngày dài chạy xe đương chờ trước mặt, tôi đã gắng tìm cách ngủ lại. Nhưng cũng chẳng ích gì, và khi rốt cuộc tôi quyết định trở dậy, trời vẫn còn tối đến mức tôi buộc phải bật ngọn đèn điện mới có thể cạo râu ở bồn rửa nơi góc phòng. Nhưng xong việc tắt đèn đi, tôi đã thấy ánh ngày buổi sớm lờ mờ nơi rìa rèm cửa sổ.
Khi tôi vén rèm vừa một khắc trước, ánh sáng bên ngoài còn rất nhạt, lại có một lớp sương mù mỏng ngăn tầm nhìn sang lò bánh và hiệu thuốc đối diện. Thực vậy, đưa mắt nhìn theo phố đến nơi có con cầu nhỏ lưng vồng, tôi thấy mù dưới sông đang dâng lên, gần như lấp hẳn một trụ cầu. Không có lấy một bóng người, và ngoại trừ một thứ tiếng động inh tai vọng về từ nơi xa xa đâu đó, cùng tiếng ho thi thoảng cất lên từ phòng nào đó sau nhà, thì không còn một âm thanh nào khác. Dễ thấy bà chủ chưa trở dậy lo việc, nghĩa là rất ít có khả năng bữa sáng được dọn lên trước bảy giờ ba mươi như bà đã thông báo. Vào giờ khắc tĩnh lặng này khi tôi chờ thế giới chung quanh tỉnh giấc, tôi nhận thấy mình đương nhẩm lại trong đầu nhiều đoạn từ lá thư của cô Kenton. Tiện đây xin nói, lẽ ra tôi cần phải sớm giải thích cớ làm sao tôi vẫn dùng danh xưng “cô Kenton”. “Cô Kenton” theo đúng phép tắc cần gọi là “bà Benn”, và đã là bà Benn từ hai mươi năm nay. Tuy nhiên, bởi tôi chỉ biết cô gần cận thời chưa thành hôn và chưa một lần gặp lại từ ngày cô đi xuống miền Tây để trở thành “bà Benn”, hẳn quý vị sẽ thể tất cho sự thất lễ của tôi vì vẫn gọi cô theo mối quen biết xưa, như đã tiếp tục gọi cô trong trí qua bằng ấy năm tháng. Đương nhiên, lá thư ấy còn đưa lại thêm một cớ khác để tiếp tục nghĩ về cô dưới tên “cô Kenton”, vì chuyện đáng buồn là dường như cuộc hôn nhân của cô rốt cuộc cũng sắp đến hồi kết. Lá thư không nói cụ thể chi tiết về sự việc ấy, mà người ta cũng không thể mong đợi điều đó, nhưng cô Kenton có nói không hề mập mờ rằng sự thực là giờ cô đã đi đến bước dọn ra khỏi nhà ông Benn ở Helston và hiện đương ngụ tại nhà người quen ở làng Compton Nhỏ gần đó.
Dĩ nhiên, cuộc hôn nhân của cô giờ sắp chấm dứt trong thất bại là một điều thực bi đát. Hẳn nhiên vào chính giây phút này, cô đương ân hận mà ngẫm lại những quyết định hình thành trong quá khứ xa xôi đã dẫn đến tình cảnh cô bây giờ, giữa tuổi trung niên, đơn độc và vô vọng. Và có thể dễ dàng hiểu được trong tâm thế ấy, ý nghĩ được quay về Dinh Darlington sẽ là một niềm an ủi lớn đối với cô. Đúng là trong suốt lá thư, cô không một lần trực tiếp bày tỏ nguyện vọng quay lại; nhưng đấy là thông điệp hiển nhiên có thể đọc thấy qua tình điệu chung trong rất nhiều đoạn viết, đẫm nỗi hoài nhớ những ngày còn ở Dinh Darlington. Dĩ nhiên cô Kenton không thể nào hy vọng trở lại ở thời điểm này là có thể lấy lại những tháng năm đã mất, phận sự đầu tiên của tôi khi gặp là phải làm rõ với cô điều này. Tôi sẽ phải nói rành rẽ rằng tình hình hiện thời đã rất khác xưa - rằng những ngày làm việc có cả một đội ngũ đông đảo sẵn sàng cho người ta điều động hẳn từ nay đến hết cuộc đời chúng tôi cũng không còn quay lại. Nhưng mặt khác, cô Kenton là một người phụ nữ thông minh, hẳn tự cô cũng đã nhận ra tất cả những điều ấy. Thực vậy, nhìn mọi mặt, tôi không thấy có lý do gì mà triển vọng trở về Dinh Darlington, dành nốt những năm lao động cuối cùng ở đó, lại không phải là một niềm an ủi thực sự cho một cuộc đời đã đi tới bước thấm đẫm cảm giác phí hoài.
Và dĩ nhiên, xét từ góc độ nghề nghiệp của mình, tôi có thể thấy rõ dầu sau một khoảng gián cách ngần ấy năm, cô Kenton vẫn sẽ là giải pháp tuyệt vời cho vấn đề hiện tại đương làm phiền chúng tôi ở Dinh Darlington. Thực tế là, khi dùng chữ “vấn đề”, có lẽ tôi đã phóng đại tình hình lên một chút. Suy cho cùng, tôi chỉ đang nói đến một chuỗi những lầm lỗi hết sức lặt vặt về phần tôi, và đường hướng tôi đang theo đuổi chỉ thuần túy là biện pháp đi trước đón đầu mọi “vấn đề” còn chưa kịp nảy sinh. Đúng thực là những lầm lỗi lặt vặt ấy ban đầu khiến tôi lo âu chút đỉnh, nhưng khi đã đủ thời gian chẩn đoán ra rằng đấy chẳng qua là triệu chứng của một căn bệnh đơn giản - thiếu hụt nhân sự - tôi đã ngưng không suy nghĩ quá nhiều về chúng. Có cô Kenton trở lại, như tôi nói, chúng sẽ chấm dứt vĩnh viễn.
Nhưng hãy quay lại với lá thư của cô. Có những đoạn trong lá thư thực sự bộc lộ nỗi tuyệt vọng về tình thế hiện tại của cô - một việc phải nói là đáng lo lắng. Có một câu bắt đầu bằng: “Dù tôi không biết sẽ sử dụng làm sao cho có ích quãng đời còn lại của mình...”. Một chỗ khác, cô lại viết: “Phần đời kể từ đây về sau trải ra trước mắt tôi như một khoảng không hiu quạnh”. Tuy thế, như tôi đã nói, âm điệu chủ yếu là hoài nhớ. Tỷ dụ, ở một chỗ, cô viết:
“Chuyện này khiến tôi nhớ lại Alice White. Ông còn nhớ cô bé ấy không? Mà nói thực là tôi không nghĩ ông lại quên nổi cô bé. Về phần tôi, tôi vẫn còn ám ảnh những nguyên âm đó và những câu độc đáo bất chấp ngữ pháp mà chỉ mình cô bé nghĩ ra nổi! Ông có mảy may biết chút gì cô ấy sau này thế nào không?”.
Tôi không biết, thực sự là vậy, mặc dầu phải nói rằng tôi có phần vui vui khi nhớ lại cô tớ gái thường khiến người ta đến sốt ruột ấy, mà rốt cuộc lại hóa ra là một trong những gia nhân tận tụy nhất. Một chỗ khác trong thư, cô Kenton lại viết:
“Tôi đã yêu biết mấy cái khung cảnh từ các buồng ngủ lầu hai trông xuống thảm cỏ, xa xa là những nếp đồi. Nay có còn như vậy không? Mùa hè, các buổi chiều, khung cảnh ấy có cảm giác hầu như huyền diệu, và giờ tôi thú thực với ông rằng tôi thường bỏ phí nhiều phút quý báu đứng ngây ở cửa sổ trước cảnh tượng mê hồn này”.
Rồi cô viết tiếp rằng:
“Nếu ký ức này gợi lại đau buồn, xin ông tha lỗi. Nhưng tôi chẳng bao giờ quên được cái lần hai ta cùng đứng nhìn cha ông đi tới đi lui trước chòi nghỉ mùa hè, nhìn xuống mặt đất như mong tìm lại viên ngọc quý đã đánh rơi ở đó”.
Thực là một khám phá trọng đại, rằng ký ức này từ hơn ba mươi năm trước vẫn còn lại trong cô Kenton như đã còn lại trong tôi. Thực vậy, việc ấy xảy ra hẳn chính vào một buổi chiều hè như cô đương mô tả, bởi tôi còn nhớ như in đã lên đến chiếu nghỉ lầu hai thì hiện ra trước mắt một dãy những cột sáng màu cam lúc hoàng hôn đổ qua từng cánh cửa buồng để ngỏ, làm hành lang âm u như bị ngắt ra từng đoạn. Và trong lúc đi ngang các cửa buồng ngủ ấy, tôi đã thấy qua một khung cửa dáng người cô Kenton, một bóng đen trên nền cửa sổ, quay lại khẽ gọi, “Ông Stevens, phiền ông một chút”. Khi tôi đi vào, cô Kenton đã lại hướng mắt ra cửa sổ. Bên dưới, bóng những cây dương trên thảm cỏ ngả dài. Mé bên phải quang cảnh trước mắt, thảm cỏ dốc lên thành bờ cỏ thoải dẫn về chân chòi nghỉ mùa hè, và cha tôi hiện ra ở đó, một bóng người nhỏ bước từng bước chậm chạp, dồn hết tâm trí vào việc này - thực vậy, như cô Kenton đã tả rất đích đáng, “như mong tìm lại viên ngọc quý đã đánh rơi ở đó”.
Có một vài nguyên do rất xác đáng khiến ký ức này ở lại với tôi, như tôi mong được giảng rõ dưới đây. Thêm nữa, nghĩ cho kĩ thì có lẽ không có gì lạ rằng cô Kenton cũng lưu lại ấn tượng sâu xa đến thế, xét theo vài khía cạnh trong mối giao thiệp giữa cô với cha tôi trong những ngày đầu cô đến Dinh Darlington.
* * *
Cô Kenton và cha tôi đã tới nhà này gần như cùng một thời điểm - ấy là mùa xuân năm 1922 - do sự tôi cùng một lúc đánh mất cả người nội quản lẫn phó quản gia trước đó. Nguyên do của việc này là hai đương sự quyết định kết hôn với nhau và rời khỏi nghề phục vụ. Tôi vẫn luôn thấy những chuyện kết ngãi kiểu vậy là mối đe dọa lớn đối với trật tự trong nhà. Kể từ hồi ấy, tôi đã mất thêm không biết bao nhiêu nhân viên trong những hoàn cảnh tương tự. Đương nhiên, người ta phải chấp nhận rằng những chuyện kiểu đó luôn có khả năng xảy ra giữa các cô tớ gái và anh hầu trai, và một quản gia tốt khi lên cơ cấu nhân sự luôn phải tính trước điều đó; nhưng hôn sự kiểu đó giữa những người quản lý có thể khiến công việc bị đảo lộn hoàn toàn. Đương nhiên, nếu hai người nhân viên trong nhà tình cờ bén duyên nhau và quyết định kết hôn mà ta lại đi trách cứ thì thực hồ đồ; nhưng điều làm tôi thấy chướng là những kẻ - nhất là mấy cô nội quản thường xuyên mắc phải tật này - chẳng có chút tâm huyết với nghề mà, về cơ bản, chỉ chuyển từ nhà này qua nhà khác để theo đòi giăng gió gió giăng. Loại người này thực là một vết nhơ cho tính chuyên nghiệp.
Nhưng xin khẳng định ngay rằng tôi không hề có ý kể cô Kenton vào khi phát biểu như trên. Đương nhiên, sau rốt, cô cũng rời khỏi đội ngũ nhân viên của tôi để kết hôn, nhưng tôi cam đoan rằng trong thời kỳ làm nội quản dưới sự giám sát của tôi, cô làm việc tận tụy hết mực và không bao giờ để bất cứ điều gì làm sao nhãng bổn phận nghề nghiệp.
Nhưng tôi sa đà sang chuyện khác rồi. Tôi đang thuật lại rằng chúng tôi lâm vào hoàn cảnh cần một lúc tìm cả nội quản lẫn phó quản gia, và cô Kenton đã tới - mang theo những thư giới thiệu nồng nhiệt khác thường, như tôi nhớ - để lãnh chân nội quản. Sự thể là cũng vào khoảng thời gian này, cha tôi đã kết thúc quãng sự nghiệp xuất sắc ở Nhà Loughborough khi ông John Silvers, ông chủ ông tạ thế, và có gặp đôi chút trở ngại khi tìm việc làm cũng như nơi ăn ở. Mặc dầu, đương nhiên, ông vẫn có trình độ chuyên môn hiếm thấy, nhưng giờ ông đã ở tuổi cổ lai hy và đương bị bệnh thấp khớp và nhiều chứng bệnh khác hành hạ. Vì thế, thực khó hình dung ông sẽ xoay trở thế nào khi cạnh tranh tìm việc cùng lứa quản gia trẻ hơn, được đào luyện kĩ càng hơn. Xét theo hoàn cảnh đó, có vẻ giải pháp hợp lý là mời cha tôi đem kinh nghiệm và tài năng dày dặn của ông về Dinh Darlington.
Theo tôi nhớ thì một sáng, không mấy lâu sau khi cha tôi và cô Kenton cùng tới nhận chân phục vụ ở đây, tôi đang ngồi trong phòng quản gia xem xét giấy tờ tại bàn thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi nhớ đã hơi giật mình khi cô Kenton mở cửa, đi vào mà chưa chờ tôi lên tiếng mời. Cô mang trong tay một bình hoa lớn và mỉm cười nói, “Ông Stevens ạ, tôi cho là mấy bông hoa này sẽ làm phòng ông tươi sáng hơn chút đỉnh”.
“Xin vô phép, nhưng ý cô là sao, cô Kenton?”
“Phòng ông tối tăm lạnh lẽo thế này thì buồn quá, ông Stevens ạ, trong khi ngoài trời thì nắng tưng bừng thế kia. Tôi nghĩ có hoa sẽ mang lại chút sức sống”.
“Cô thực là chu đáo quá, cô Kenton”.
“Thật buồn là trong này không nhận được nhiều nắng hơn. Tường phòng còn hơi ẩm nữa chứ, phải không ông Stevens?”.
Tôi quay lại với sổ sách kế toán, miệng nói, “Tôi cho đấy chỉ là hơi nước đọng mà thôi, cô Kenton”.
Cô đặt bình hoa xuống bàn trước mặt tôi, rồi lại đưa mắt nhìn quanh phòng, nhận xét, “Nếu ông muốn, ông Stevens ạ, tôi có thể mang thêm hoa trong vườn vào cho ông”.
“Cô Kenton, tôi rất cám ơn cô đã chu đáo. Nhưng phòng này không dành để tiêu khiển. Tôi hài lòng giữ cho những thứ gây sao nhãng ở mức tối thiểu”.
“Nhưng ông Stevens ạ, hẳn không việc gì phải ở trong cái phòng trơ trụi không màu sắc đến như thế này chứ”.
“Căn phòng này như hiện tại đã phục vụ tôi rất tốt từ trước đến giờ, cô Kenton, dù tôi cũng cảm ơn cô đã có lòng lo cho. Thực tế là, bởi cô đã ở đây rồi, có một việc tôi cần nêu ra với cô”.
“Vậy à, ông Stevens”.
“Vâng, cô Kenton, một việc nhỏ thôi. Tình cờ ngày hôm qua tôi đi qua bếp thì nghe cô gọi người nào đó tên William”.
“Vậy ư, ông Stevens?”.
“Thực vậy, cô Kenton. Tôi có nghe cô gọi William vài lần. Xin được phép hỏi cô gọi ai bằng cái tên ấy?”.
“Ồ, ông Stevens ạ, hẳn là tôi đang gọi cụ nhà rồi. Trong nhà này không có ai khác tên William cả, theo tôi hiểu”.
“Đây là một lỗi rất dễ mắc phải”, tôi nói và hơi mỉm cười. “Cho phép tôi đề nghị, cô Kenton, từ nay về sau hãy gọi cha tôi là ông Stevens. Nếu đang nói về ông với một bên thứ ba, để tránh lầm với tôi, cô có thể gọi là ông Stevens cha. Hết sức cám ơn cô, cô Kenton”.
Nói đến đó, tôi trở lại xem giấy tờ. Nhưng tôi rất ngạc nhiên thấy cô Kenton vẫn chưa lui đi. “Xin thứ lỗi, ông Stevens”, một lát sau cô nói.
“Vâng, cô Kenton”.
“E rằng tôi chưa thật hiểu ý ông muốn nói. Từ trước đến nay tôi đã quen gọi người làm cấp dưới bằng tên riêng, và thấy không việc gì phải làm khác trong nhà này”.
“Một sai lầm rất dễ thông cảm, cô Kenton. Tuy nhiên, nếu cô bỏ công suy nghĩ về tình huống này, có thể cô sẽ nhận ra một người như cô mà lên giọng bề trên với một người như cha tôi là không phải phép”.
“Tôi vẫn chưa hiểu ý ông là gì, ông Stevens. Ông nói một người như cô, nhưng cứ theo tôi thấy tôi là nội quản trong nhà này, còn cha ông chỉ là phó quản gia”.
“Đương nhiên, về chức vụ thì ông chỉ là phó quản gia, như cô nói. Nhưng tôi ngạc nhiên là khiếu quan sát của cô lại chưa tỏ cho cô thấy rằng trên thực tế ông còn hơn thế. Hơn thế rất nhiều”.
“Hẳn nhiên khiếu quan sát của tôi còn thiếu sót vô kể, ông Stevens. Tôi mới chỉ quan sát thấy rằng cha ông là một phó quản gia có năng lực, và xưng hô với ông ấy theo cách đó. Quả thật hẳn ông ấy phải thấy phiền muộn lắm khi nghe gọi như thế từ một người như tôi”.
“Cô Kenton, từ ngữ khí của cô có thể thấy rằng đơn giản là cô chưa hề quan sát cha tôi. Nếu có thì hẳn cô đã nhận thấy rành rành rằng một người ở tuổi tác và địa vị như cô gọi ông là William thì quả là không phải phép”.
“Ông Stevens, có lẽ tôi làm nội quản chưa được lâu, nhưng tôi dám nói rằng suốt trong thời gian tôi đã làm, thì năng lực của tôi đã nhận được vài lời đánh giá khá ưu ái”.
“Tôi không một khắc nào ngờ vực năng lực của cô, cô Kenton. Nhưng có tới cả trăm điều đáng ra đã phải cho cô thấy rằng cha tôi là một nhân vật tài năng khác thường và cô có thể học được vô số điều từ ông, giả như cô chịu khó quan sát tích cực hơn”.
“Tôi xin cảm tạ lời khuyên chí lý của ông, ông Stevens. Vậy xin ông hãy làm ơn chỉ vẽ cho tôi biết, tôi sẽ học được những điều tuyệt diệu nào nhờ quan sát cha ông?”.
“Tôi ngờ rằng điều đó đã quá hiển nhiên trước mắt ai biết nhìn, cô Kenton”.
“Nhưng chúng ta đã xác nhận rằng tôi mắc khiếm khuyết đặc biệt về phương diện ấy, chẳng phải vậy sao?”.
“Cô Kenton, nếu cô mang ấn tượng rằng ở tuổi mình cô đã hoàn thiện được mình, thì cô sẽ không bao giờ vươn được tới tầm cao mà hiển nhiên cô có khả năng đạt tới. Tỷ dụ như, tôi có thể nhận thấy cô thường vẫn còn không chắc vật gì nằm ở chỗ nào và món nào dùng ra sao”.
Điều này khiến cô Kenton tuồng như hơi chưng hửng. Thực vậy, trong một giây, trông cô còn hơi ưu phiền. Rồi cô đáp, “Lúc mới đến tôi có gặp chút khó khăn, nhưng hẳn đó là chuyện thường”.
“À, cô thấy đó, cô Kenton. Nếu cô có quan sát cha tôi, đến nhà này sau cô một tuần, cô sẽ nhận ra rằng ông am hiểu ngôi nhà tuyệt đối hầu như ngay từ thời điểm bước chân vào Dinh Darlington”.
Cô Kenton tỏ vẻ nghĩ ngợi trước khi đáp lời vẻ hơi ấm ức:
“Tôi tin rằng ông Stevens cha rất thành thạo công việc của ông, nhưng tôi cũng đoan chắc với ông, ông Stevens, rằng tôi rất thành thạo công việc của mình. Tôi sẽ nhớ gọi đầy đủ danh xưng của cha ông từ đây về sau. Còn giờ tôi xin cáo lỗi”.
Sau lần gặp gỡ này, cô Kenton không tìm cách đưa hoa vào phòng quản gia của tôi nữa, và nói chung, tôi rất mừng nhận thấy cô đã nhập vào công việc hết sức ấn tượng. Thêm nữa, có thể thấy rõ cô rất nghiêm túc với vai trò nội quản, và dẫu tuổi còn trẻ, có vẻ cô không hề khó khăn giành được sự kính trọng của người dưới quyền.
Tôi cũng nhận thấy quả thực cô bắt đầu gọi cha tôi là “ông Stevens”. Tuy nhiên một chiều, có lẽ chừng hai tuần sau cuộc đối thoại trong phòng tôi, tôi đang dở tay trong thư viện thì cô Kenton đi vào nói, “Xin thứ lỗi, ông Stevens. Nhưng nếu ông cần tìm xẻng thì nó ở ngoài sảnh đấy”.
“Xin phép cô, cô Kenton?”.
“Xẻng của ông, ông Stevens. Ông để nó ở ngoài đó. Ông có cần tôi mang vào cho ông không?”.
“Cô Kenton, tôi đâu có dùng đến xẻng”.
“À, vậy thì xin thứ lỗi, ông Stevens. Tôi đương nhiên đã đoán rằng ông dùng xẻng rồi để quên nó ngoài sảnh. Tôi xin lỗi đã quấy quả ông”.
Cô dợm bước ra ngoài, nhưng đến cửa thì quay lại nói: “À, ông Stevens. Tôi định tự mình đem cất nhưng hiện giờ tôi có việc phải lên tầng trên. Không biết có thể phiền ông nhớ giúp được không?”.
“Đương nhiên rồi, cô Kenton. Cám ơn cô đã nhắc nhở”.
“Việc nhỏ thôi mà, ông Stevens”.
Tôi lắng nghe tiếng chân cô đi qua sảnh rồi lên cầu thang lớn, rồi tự mình cũng đi ra cửa. Đứng từ cửa thư viện người ta có thể nhìn trọn sảnh vào, đến tận cửa chính bên kia sảnh. Lồ lộ trước mắt, gần như chính giữa sàn nhà đánh bóng lộn không có một món đồ nào trừ nó, là cây xẻng mà cô Kenton nhắc tới.
Tôi thấy đây là một lỗi vặt nhưng thực đáng bực mình: cây xẻng sẽ đập vào mắt bất cứ ai đứng nhìn không chỉ từ một trong năm cửa mở vào sảnh ở tầng trệt, mà cả từ cầu thang và cả trên ban công lầu một nữa. Tôi đi qua sảnh, đã nhặt hẳn món đồ chướng mắt lên thì mới hiểu hết hàm ý của việc này: như tôi nhớ, cha tôi vừa quét dọn sảnh vào, quãng nửa tiếng trước. Ban đầu tôi thấy khó mà kết luận một lỗi lầm như thế lại là của cha tôi được. Nhưng ngay sau đó tôi tự nhủ rằng những lỡ làng vặt vãnh như vậy có thể rơi xuống đầu bất cứ ai lúc này hay lúc khác, và rồi mau chóng chuyển sang bực bội cô Kenton vì đã toan làm rộn lên về một chuyện không đáng như vậy.
Rồi chưa đầy một tuần sau, tôi vừa rời bếp đi trên hành lang hậu thì cô Kenton từ buồng nội quản đi ra, thốt ra một nhận xét hẳn là đã nhẩm lại nhiều lần: đại ý là mặc dầu cô hết sức áy náy phải đề cập với tôi những sai lỗi của người dưới quyền tôi, thì hai chúng tôi cũng phải phối hợp với nhau, và cô mong rằng tôi sẽ không ngần ngại làm điều tương tự nếu có phát hiện thấy thiếu sót nào trong công việc của giới phụ nữ trong nhà. Tiếp đó cô nhận xét rằng trong số đồ bạc đã bày lên phòng ăn, có vài món còn vương rõ vết xi đánh bóng. Có một cây nĩa đuôi hầu như đen kịt. Tôi cảm ơn cô, và cô lại lui về buồng mình. Hiển nhiên, cô không cần phải nói thêm rằng bộ đồ ăn bạc là một trong những nhiệm vụ chính của cha tôi và ông hết sức hãnh diện về việc đó.
Rất có thể vẫn còn vài sự việc đại loại mà giờ tôi đã quên. Dẫu sao thì, theo tôi nhớ, tình hình lên tới đỉnh điểm vào một buổi chiều mưa phùn xám xịt, tôi đang trong phòng bi-a chăm sóc cho dãy cúp thể thao của Huân tước Darlington. Cô Kenton vừa bước vào, đứng bên cửa nói, “Ông Stevens, tôi vừa nhận thấy ngoài này có một điều làm tôi băn khoăn quá”.
“Là gì vậy, cô Kenton?”.
“Có phải đức ngài có ý rằng bức tượng sứ kiểu Trung Quốc trên chiếu nghỉ tầng trên cần đổi chỗ với bức ở ngoài cửa này không?”.
“Tượng sứ ư, cô Kenton?”.
“Vâng, ông Stevens. Ông sẽ thấy bức tượng sứ mọi khi ở trên chiếu nghỉ giờ lại đang đứng ngoài cửa này”.
“Cô Kenton, tôi e rằng cô đang có chút lầm lẫn”.
“Tôi không cho rằng tôi có chút lầm lẫn nào, ông Stevens. Tôi đã dụng công để ý xem vật nào ở đâu là đúng chỗ trong nhà. Tôi đoán rằng đã có ai đó đem mấy bức tượng sứ ra đánh bóng rồi trả về nhầm chỗ. Nếu ông còn nghi ngờ, ông Stevens, có lẽ ông sẽ dành chút thời gian bước ra ngoài này tự mình quan sát xem”.
“Cô Kenton, hiện thời tôi đang bận”.
“Nhưng ông Stevens, ông có vẻ không tin điều tôi đang nói với ông. Vì thế tôi phải yêu cầu ông bước ra ngoài cửa này và tận mắt nhìn xem”.
“Cô Kenton, hiện thời tôi đang bận và sẽ xem đến ngay sau đây. Việc đó hoàn toàn không có gì khẩn cấp”.
“Ông Stevens, vậy ông đồng ý rằng tôi không nhầm lẫn về điểm này”.
“Tôi không đồng ý điều gì như vậy cả, cô Kenton, cho tới khi tôi đã có dịp xem đến. Tuy nhiên hiện thời thì tôi đang bận”.
Tôi quay lại lo việc của mình, nhưng cô Kenton vẫn đứng ở khung cửa nhìn tôi. Cuối cùng cô nói:
“Tôi thấy rằng ông sắp xong việc ngay thôi, ông Stevens. Tôi đợi ông bên ngoài, để vấn đề có thể có kết luận khi ông ra khỏi phòng”.
“Cô Kenton, tôi thấy rằng cô đang khiến việc này có một vẻ cấp thiết hoàn toàn không xứng đáng với nó”.
Nhưng cô Kenton đã ra ngoài, và quả vậy, trong lúc tôi tiếp tục công việc, thi thoảng lại có một tiếng chân đưa hay âm thanh nào khác nhắc tôi rằng cô vẫn còn đó ngoài cửa kia. Vì thế tôi quyết định sẽ bắt tay làm thêm một vài công việc khác trong phòng bi a, đồ rằng sau ít lâu cô sẽ nhận ra việc làm của mình nực cười đến mức nào và đi khỏi đó. Nhưng kha khá thời gian đã trôi qua, những công việc có thể hoàn thành bằng những đồ lau rửa hiện có trong tay tôi đã cạn, mà rành rành là cô Kenton vẫn ngoài kia. Quyết không phí hoài thêm thời gian vì sự tình ngớ ngẩn này, tôi xem xét khả năng rời khỏi phòng qua lối cửa sổ lớn. Điểm trừ của kế hoạch này là tình hình thời tiết hiện tại - nói cách khác là sự hiện hữu của vài vũng nước và mảng bùn lớn ngoài cửa sổ - và người ta sẽ cần quay lại phòng bi a lúc nào đó để cài chốt cửa sổ từ bên trong. Sau rốt tôi cũng kết luận phương án tốt nhất là chỉ đơn giản đi ra khỏi phòng thực đột ngột, bằng một nhịp độ thực quả quyết. Thế là tôi rất khẽ khàng vào một vị trí thích hợp làm xuất phát điểm cho cuộc hành quân ấy, và ôm chặt các đồ lau rửa vào người, đã đưa được mình ra khỏi cửa và vượt ra hành lang vài bước trước khi cô Kenton, có phần sửng sốt, kịp lấy lại bình tĩnh. Tuy thế cô cũng lấy lại bình tĩnh khá nhanh, và một khắc sau tôi thấy cô đã vượt lên đứng trước mặt tôi, mà thực tế là chắn đường tôi.
“Ông Stevens, bức tượng kia ở đây là không đúng, ông có đồng ý không?”.
“Cô Kenton, tôi rất bận. Tôi ngạc nhiên là cô không còn việc gì khác cần làm mà chỉ đứng ngoài hành lang cả ngày”.
“Ông Stevens, bức tượng ở đây đúng hay không đúng?”.
“Cô Kenton, tôi cần phải yêu cầu cô hạ giọng xuống”.
“Còn tôi cần phải yêu cầu ông, ông Stevens, quay lại nhìn bức tượng kia”.
“Cô Kenton, xin hãy hạ giọng xuống. Nhân viên dưới kia sẽ nghĩ gì khi nghe chúng ta gào thét vỡ cả họng về việc bức tượng nào là đúng hay không đúng?”.
“Thực tế là, ông Stevens, mọi bức tượng sứ trong nhà này đã bẩn từ khá lâu rồi! Và giờ chúng lại còn không ở đúng vị trí nữa!”.
“Cô Kenton, cô đang hành xử rất nực cười đấy. Giờ thì xin cô vui lòng tránh ra cho tôi đi giúp”.
“Ông Stevens, ông làm phước nhìn bức tượng đằng sau ông có được không?”.
“Nếu cô thấy chuyện này quan trọng đến như vậy, cô Kenton, tôi sẽ chấp nhận rằng bức tượng sứ sau lưng tôi rất có thể đã được đặt vào vị trí không dành cho nó. Nhưng tôi phải nói rằng tôi có phần không hiểu vì sao cô phải lo lắng đến vậy về những lỗi lầm thuộc loại rất nhỏ nhặt này”.
“Bản thân những lỗi lầm ấy có thể nhỏ nhặt, ông Stevens, nhưng chính ông cũng phải nhận thấy ý nghĩa lớn hơn của chúng chứ”.
“Cô Kenton, tôi không hiểu ý cô. Giờ thì xin phép cô làm ơn cho tôi đi qua”.
“Thực tế là, ông Stevens, cha ông được giao cho những nhiệm vụ vượt quá sức một người ở độ tuổi ông ấy có thể gánh vác được”.
“Cô Kenton, thực tình cô không hiểu mình đang nói gì”.
“Cho dù xưa kia cha ông có là người thế nào, ông Stevens, thì sức lực của ông ấy giờ cũng đã hao mòn rất nhiều rồi. Ý nghĩa thực sự của những lỗi lầm nhỏ nhặt như ông nói là thế đấy, và nếu ông không thèm để tâm, thì chẳng mấy nỗi sẽ đến lúc cha ông phạm phải một lỗi lầm ở mức độ nghiêm trọng mà xem”.
“Cô Kenton, cô đang biến mình thành trò đùa đấy”.
“Tôi xin lỗi, ông Stevens, nhưng tôi không thể không nói tiếp. Tôi tin rằng có rất nhiều nhiệm vụ giờ cần được cất bớt cho cha ông. Chẳng hạn, không nên bắt ông tiếp tục bưng các khay đồ chất nặng nữa. Nhìn tay ông run run mỗi bữa ăn tối khi bưng khay vào thật không thể không lấy làm e ngại. Không sớm thì muộn sẽ tới lúc khay đồ trên tay ông đổ vào lòng vị khách nào đó. Và hơn nữa, ông Stevens, thực tình tôi vô cùng áy náy phải nói điều này, nhưng tôi đã để ý thấy mũi của cha ông”.
“Thực vậy ư, cô Kenton?”.
“Tôi rất tiếc phải nói đúng là vậy, ông Stevens. Tối hôm trước nữa tôi nhìn cha ông bưng khay bước rất chậm về phía phòng ăn, và tôi e rằng đã quan sát thấy rất rõ một giọt nước lớn ở chót mũi ông lủng lẳng trên mấy bát xúp. Tôi cho rằng phong cách phục vụ bàn như vậy khó có thể coi là giúp ngon miệng được”.
Nhưng giờ nghĩ lại cho kĩ, tôi không dám chắc rằng cô Kenton đã nói năng bạo dạn đến như vậy ngày hôm đó. Đương nhiên, trải qua nhiều năm làm việc bên nhau, chúng tôi dần dà đã có những cuộc trao đổi rất thẳng thắn, nhưng buổi chiều tôi đang nhớ lại đây vẫn còn là hồi kỳ đầu mối quen biết và tôi nghĩ đến cả cô Kenton cũng khó có thể bạo đến như vậy. Tôi không rõ liệu cô có thể thực sự đi tới chỗ nói một điều như “bản thân những lỗi lầm ấy có thể nhỏ nhặt, nhưng chính ông cũng phải nhận thấy ý nghĩa lớn hơn của chúng”. Thực tế là, giờ nghĩ lại, tôi có cảm giác rằng có thể chính Huân tước Darlington đã nói câu ấy với tôi cái lần ngài cho gọi tôi vào thư phòng, khoảng hai tháng sau cuộc đối đáp với cô Kenton ngoài phòng bi a. Tới lúc đó thì tình hình cha tôi đã thay đổi rõ rệt sau ngày ông bị ngã.
* * *
Cửa thư phòng ở vị trí xuất hiện ngay trước mắt khi người ta đi xuống cầu thang lớn. Ngày nay, ngoài cửa phòng đặt một tủ kính bày đủ thứ đồ trang trí của ông Farraday, nhưng thời Huân tước Darlington, từ đầu chí cuối, tại vị trí đó là một tủ sách chứa rất nhiều những bộ bách khoa thư, có cả trọn bộ Britannica. Huân tước ưa đứng trước tủ sách này ngắm nghía các gáy sách đúng vào thời điểm tôi đi xuống cầu thang, và đôi khi để tô đậm thêm ấn tượng đây là cuộc gặp tình cờ, ngài còn rút hẳn một tập ra, giả như đương mải mê với nó chờ tôi đi xuống hẳn. Rồi tới lúc tôi đi ngang, ngài sẽ bảo, “À, Stevens này, có một điều tôi vẫn định bụng nói với anh”. Đến đó, ngài sẽ tiện chân trở lại vào thư phòng, vẫn tỏ vẻ đắm đuối vào cuốn sách đương mở trong tay. Chọn cách tiếp cận này, Huân tước trăm lần như một đều vì ngượng ngùng trước điều cần truyền đạt, và ngay cả khi cánh cửa thư phòng đã khép chặt sau lưng, ngài vẫn thường ra đứng bên cửa sổ, làm bộ giở xem cuốn từ điển suốt trong khi trao đổi với tôi.
Tiện đây xin nói thêm, việc mà giờ đây tôi thuật lại cũng là một trong rất nhiều sự kiện tôi có thể kể hầu quý vị nhằm chứng nhận cho bản chất rút rát khiêm cung của Huân tước Darlington. Những năm gần đây đã có vô khối điều tầm bậy nói ra hay viết ra về huân tước cùng vai trò quan trọng dần dà ngài đã mang lấy trong những việc quốc gia đại sự, và có vài kẻ, ếch ngồi đáy giếng, còn khẳng định rằng động cơ của huân tước là lòng vị kỷ hay ngạo mạn. Tôi xin nói rõ ở đây rằng chẳng điều gì sai lầm hơn thế. Việc sau này ngài ra mặt công khai đến như vậy là hoàn toàn trái ngược với bản tính thông thường của Huân tước Darlington, và tôi có thể đoan chắc rằng huân tước chịu lời thuyết phục mà vượt ra ngoài thói quen ẩn dật của ngài chỉ là vì ý thức sâu sắc về bổn phận đạo đức. Ngày nay người khác có nói gì về huân tước đi nữa - mà tôi đã nói, phần đa là hoàn toàn tầm bậy - thì tôi cũng cam đoan rằng ngài từ sâu thẳm là một con người đầy tính thiện, một người cao quý theo đúng nghĩa của từ này, và ngày nay tôi vẫn tự hào đã dành những năm tháng đẹp nhất trong đời phục vụ cho một con người như thế.
Trong cái buổi chiều cụ thể tôi đang kể đến đây, huân tước hẳn vẫn còn ở độ ngũ tuần, nhưng theo tôi nhớ mái đầu ngài đã bạc cả, vóc người cao mảnh khảnh đã thấp thoáng nét khòng mà những năm cuối đời sẽ thực rõ nét ở ngài. Hầu như không rời mắt khỏi cuốn sách trên tay, ngài hỏi, “Cha anh đã khá hơn chưa, Stevens?”.
“Tôi lấy làm mừng được nói rằng ông đã bình phục hoàn toàn, thưa ngài”.
“Thực là tin rất tốt, Stevens ạ. Tin rất tốt”.
“Đa tạ ngài”.
“Stevens này, liệu đã từng có... ... có bất kể dấu hiệu gì không? Tôi muốn nói là, dấu hiệu cho thấy cụ nhà biết đâu có thể đã mong gánh nặng của mình được giảm bớt đi chút ít? Ý tôi là ngoài việc cụ bị ngã kia”.
“Thưa ngài, như tôi đã nói, có vẻ cha tôi đã bình phục hoàn toàn và tôi tin rằng ông vẫn là người tương đối đáng tin cậy. Đúng thực là gần đây có một hai lỗi nhỏ xuất hiện trong sự thi hành bổn phận của ông, nhưng lần nào cũng chỉ là những sự việc có tính chất rất vặt vãnh”.
“Nhưng chúng ta không ai muốn thấy một việc thuộc loại ấy xảy ra lần nữa, phải không? Ý tôi là việc cha anh bị quỵ hay những chuyện tương tự”.
“Thực vậy, thưa ngài”.
“Và đương nhiên, nếu việc đó có thể xảy ra ngoài thảm cỏ, thì cũng có thể xảy ra bất cứ đâu. Bất cứ khi nào”.
“Đúng vậy, thưa ngài”.
“Có thể xảy ra trong bữa tối, khi cha anh đang đứng phục vụ bàn, chẳng hạn”.
“Điều đó là có thể, thưa ngài”.
“Stevens này, đoàn đại biểu đầu tiên sẽ đến đây sau chưa đầy hai tuần nữa”.
“Chúng ta đã sẵn sàng mọi mặt, thưa ngài”.
“Những điều xảy ra trong ngôi nhà này từ thời điểm đó trở đi có thể sẽ để lại những hệ quả đáng kể”.
“Đúng vậy, thưa ngài”.
“Những hệ quả rất đáng kể, tôi phải nói vậy. Đối với toàn bộ tiến trình Âu châu đang đi theo. Xét theo thân phận những người sẽ hiện diện ở đây, tôi không nghĩ nói thế là cường điệu”.
“Không hề, thưa ngài”.
“Đây hoàn toàn không phải lúc chấp nhận những nguy cơ có thể phòng tránh được”.
“Thực vậy, thưa ngài”.
“Stevens này, vấn đề cha anh rời khỏi đây hoàn toàn không được đặt ra. Chỉ đơn giản là anh được yêu cầu tính toán lại những nhiệm vụ của ông mà thôi”. Và đó là lúc, tôi nghĩ vậy, huân tước nói khi lại hạ mắt xuống tập sách và lúng túng di tay trên một mục từ, “Bản thân những lỗi lầm ấy có thể nhỏ nhặt, Stevens ạ, nhưng chính anh cũng phải nhận thấy ý nghĩa lớn hơn của chúng. Thời kỳ đáng tin cậy của cha anh đã qua rồi. Không được giao cho ông nhiệm vụ trong bất kỳ phạm vi nào mà một sai lỗi có thể đe dọa tới thành công của cả cuộc hội đàm sắp tới”.
“Thực vậy, thưa ngài. Tôi rất hiểu điều đó”.
“Vậy thì tốt. Vậy tôi sẽ để anh suy nghĩ về việc đó, Stevens”.
Phải nói thêm rằng Huân tước Darlington đã tận mắt chứng kiến cú ngã của cha tôi, khoảng một tuần trước đó. Huân tước đương thù tiếp hai vị khách, một thiếu phụ và một khách nam, trong chòi nghỉ mùa hè, và đã chứng kiến cha tôi tiến lại qua thảm cỏ, bưng theo một khay đồ giải khát rất được trông đợi. Thảm cỏ dốc thoải lên vài thước dẫn đến chòi nghỉ, và thời đó, cũng như bây giờ, có bốn phiến đá lớn chôn vào nền cỏ làm bậc thang để qua đoạn dốc này. Chính khu vực những bậc thang đó là nơi cha tôi đã ngã, khiến vật dụng trên khay rơi vãi khắp nơi - ấm chén, đĩa lót, bánh kẹp, bánh ngọt - quanh mặt cỏ nơi bậc thang trên cùng. Tới lúc tôi nhận được tin cấp báo và tới nơi, huân tước cùng hai vị khách đã đặt cha tôi nằm nghiêng, dùng gối ngồi và thảm trải trong chòi nghỉ mùa hè làm gối đầu và chăn đắp cho ông. Cha tôi đã bất tỉnh, mặt ông mang sắc xám bất thường. Đã có người đi gọi bác sĩ Meredith, nhưng huân tước nhận định rằng cần đưa cha tôi ra khỏi nơi nắng chiếu trước khi bác sĩ đến nơi; do đó một chiếc ghế có bánh xe đã được đưa đến, và sau rất nhiều khó nhọc, cha tôi được chuyển vào trong nhà. Tới khi bác sĩ đến nơi, ông đã hồi lại đáng kể, và vị bác sĩ chẳng mấy đã lại ra về, chỉ phát biểu mơ hồ rằng cha tôi có vẻ đã hơi “lao lực”.
Sự vụ đó hẳn nhiên là một nỗi hổ thẹn lớn đối với cha tôi, và tới khoảng thời gian có cuộc đối thoại trong thư phòng huân tước, thì ông đã từ lâu quay lại bận rộn làm việc như từ trước đến giờ. Do vậy, làm thế nào đề cập đến chủ đề cắt giảm công việc cho ông không phải là một câu hỏi người ta dễ giải quyết. Khó khăn của tôi còn phức tạp thêm bởi vài năm nay cha con tôi - vì nguyên do nào đó tôi chưa bao giờ thực sự dò ra được - càng lúc càng bớt trò chuyện với nhau. Tới nỗi sau khi ông tới ở Dinh Darlington, cả những trao đổi ngắn ngủi cần có khi truyền đạt thông tin công việc cũng đều diễn ra trong cảm giác ngại ngùng của đôi bên.
Sau cùng, tôi quyết định phương án khả thi nhất là trao đổi riêng tư trong phòng ông, như vậy ông sẽ có cơ hội được một mình suy ngẫm tình hình mới khi tôi đã lui về. Muốn gặp cha tôi trong phòng riêng thì chỉ có hai thời điểm, hoặc sáng sớm trước mọi việc khác, hoặc đêm muộn khi mọi việc đã xong. Tôi chọn cách đầu, và một buổi sáng sớm, tôi trèo lên căn phòng gác mái nhỏ trên cùng khu nhà ở của gia nhân và gõ nhẹ.
* * *
Trước dịp này tôi hiếm khi có lý do vào phòng cha, và tôi lại một lần nữa sửng sốt nhận ra nó nhỏ hẹp trơ trọi nhường nào. Thực tế, tôi còn nhớ đã có cảm tưởng mình vừa bước vào một căn xà lim, nhưng hẳn cảm giác này đem lại là do ánh sáng nhợt nhạt đầu ngày không kém gì do không gian chật chội hay bốn bức tường trơ trọi. Bởi cha tôi đã mở rèm và đương ngồi nơi mép giường, râu ria đã cạo, đồng phục đầy đủ, thấy rõ ông đã ngồi đó hồi lâu nhìn bầu trời sáng dần. Ít nhất người ta cũng phải giả định rằng ông nhìn bầu trời, bởi qua ô cửa sổ nhỏ chẳng thấy gì mấy ngoại trừ ngói và máng xối mái nhà. Đèn dầu bên bàn đã tắt lửa, và khi thấy ông đưa cặp mắt chê trách nhìn cây đèn tôi cầm theo để dẫn đường lên cầu thang khấp khểnh, tôi vội vặn thấp bấc. Khi làm thế, tôi càng nhận rõ hiệu ứng của ánh sáng yếu ớt lọt vào phòng, tô viền các đường nét khắc khổ, hằn vết và hẵng còn đáng kính sợ trên mặt cha tôi.
“À”, tôi nói và cười khục một tiếng, “lẽ ra tôi phải biết cha đã trở dậy sẵn sàng cho công việc trong ngày”.
“Ta đã dậy cách đây ba tiếng đồng hồ rồi”, ông nói, nhìn tôi từ đầu đến chân khá lạnh lùng.
“Tôi hy vọng chứng viêm khớp không làm cha mất giấc”.
“Ta đã ngủ đủ”.
Cha tôi vươn tay tới chiếc ghế duy nhất trong phòng, một chiếc ghế gỗ nhỏ, vịn cả hai tay vào lưng ghế bẩy người đứng lên. Nhìn ông đứng thẳng trước mặt mình, tôi không còn biết chắc dáng người còng gập xuống mọi khi có bao nhiêu phần là do yếu nhược, còn bao nhiêu phần là thói quen nương theo cái trần phòng dốc gắt.
“Thưa cha, tôi tới đây để truyền đạt lại một điều với cha”.
“Vậy truyền đạt lại ngắn gọn, súc tích thôi. Ta không bỏ cả sáng nghe cậu nói chuyện phiếm được đâu”.
“Nếu vậy, thưa cha, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề”.
“Vậy đi thẳng vào vấn đề cho xong đi. Có người còn phải bắt tay vào việc ở đây”.
“Được thôi. Bởi cha muốn tôi ngắn gọn, tôi sẽ cố hết sức làm theo ý cha. Thực tế là, cha đã ngày càng trở nên suy yếu. Đến mức ngay cả các bổn phận phó quản gia giờ cũng đã quá sức cha. Huân tước có nhận định, và thực sự là bản thân tôi cũng vậy, rằng chừng nào cha còn được phép tiếp tục thực hiện những bổn phận hiện giờ, chừng đó cha còn là một mối đe dọa thường trực đối với việc điều hành trơn tru căn nhà này, và đặc biệt là với cuộc gặp mặt quốc tế quan trọng vào tuần tới”.
Gương mặt cha tôi trong ánh sáng lờ mờ không thể hiện bất cứ cảm xúc nào.
“Cảm nghĩ chung chủ yếu là”, tôi nói tiếp, “cha không nên đảm trách việc phục vụ bên bàn nữa, dù trong trường hợp có mặt tân khách hay không”.
“Ta đã phục vụ bên bàn từng ngày một trong suốt năm mươi tư năm vừa qua”, cha tôi nhận xét, giọng ông vẫn tuyệt đối thong thả.
“Thêm nữa, quyết định đưa ra là cha sẽ không bưng khay chất nặng dù là loại đồ gì, dù chỉ đi một quãng ngắn. Xét theo những hạn chế đó, và biết rằng cha rất trân trọng sự súc tích, tôi đã liệt kê ở đây danh sách đã điều chỉnh các bổn phận giao cho cha từ nay trở đi”.
Tôi thực không có ý muốn đưa vào tay ông tờ giấy đang cầm, nên đặt xuống cuối giường ông. Cha tôi chỉ liếc nhìn, rồi đưa mắt trở lại nhìn tôi. Mặt ông vẫn không gợn chút cảm xúc nào, đôi bàn tay đặt trên lưng ghế trông vẫn hoàn toàn ung dung. Dù ông đứng thẳng hay còng xuống, vẫn không thể không cảm thấy sức áp đảo từ vóc người đồ sộ của ông - sức áp đảo đã từng khiến hai vị khách say mềm phải tỉnh hẳn sau băng ghế. Cuối cùng, ông nói:
“Lần đó ta chỉ ngã vì mấy bậc thang. Bậc thang bị vênh. Phải nói Seamus sửa lại trước khi có người khác ngã”.
“Thực vậy. Dẫu thế nào, tôi có thể có lời đảm bảo rằng cha sẽ nghiên cứu danh sách kia được không?”.
“Phải nói Seamus sửa lại mấy bậc thang. Chắc chắn phải làm xong trước khi khách mời từ châu Âu đến”.
“Thực vậy. Giờ thì chúc buổi sáng tốt lành, thưa cha”.
Buổi chiều hè mà cô Kenton nhắc đến trong thư diễn ra chỉ ít lâu sau cuộc gặp gỡ ấy - thực vậy, có thể còn chính là chiều tối ngày hôm ấy. Tôi không nhớ nổi mục đích gì đã đưa tôi lên tầng cao nhất trong nhà, nơi có các buồng ngủ dành cho khách sắp hàng bên hành lang. Nhưng có lẽ tôi đã nói, hãy còn sống động trong trí tôi luồng nắng cuối ngày đổ vào qua từng khung cửa mở, vắt ngang hành lang thành những cột sáng màu cam. Và giữa lúc tôi tiếp tục đi qua những buồng ngủ không người ấy, dáng người cô Kenton, chỉ là một bóng đen trên nền ô cửa sổ một buồng trong số đó, đã lên tiếng gọi tôi.
Khi người ta nghĩ về việc này, về thái độ thường trực của cô Kenton mỗi khi nói với tôi về cha tôi trong thời kỳ đầu cô ở Dinh Darlington, thì chẳng có gì lạ là ký ức về chiều hôm đó lại còn trong cô suốt bao nhiêu năm như vậy. Hẳn nhiên cô đã cảm thấy chút ăn năn khi đứng bên tôi qua cửa sổ theo dõi dáng hình cha tôi bên dưới. Bóng những cây dương đã đổ qua phần lớn thảm cỏ, nhưng mặt trời còn soi sáng đầu bên kia nơi thảm cỏ dốc lên về phía chòi nghỉ mùa hè. Có thể thấy rõ cha tôi đương đứng bên bốn bậc thang đá ấy, chìm trong nghĩ ngợi. Cơn gió nhẹ khẽ lùa mái tóc ông. Rồi trước mắt chúng tôi, ông bước thực chậm lên từng bậc. Tới bậc trên cùng, ông quay người đi trở xuống, nhanh chân hơn một chút. Lại quay người, ông đứng yên thêm vài giây, suy tính những bậc thang trước mặt. Cuối cùng, ông lại đi lên lần hai, thận trọng dò từng bước. Lần này ông đi tiếp qua thảm cỏ cho tới khi đến gần sát chòi nghỉ, rồi quay lưng chậm chạp bước vòng lại, mắt không rời mặt đất. Thực tế là, tôi cũng không có cách nào diễn tả dáng bộ ông vào thời điểm đó hay hơn câu cô Kenton viết; quá đúng là “như muốn tìm một viên ngọc quý đã đánh rơi ở đó”.
* * *
Nhưng tôi thấy là mình đương bị cuốn vào những kỷ niệm này, như thế có lẽ hơi dớ dẩn. Suy cho cùng, chuyến đi hiện tại là một dịp hiếm hoi giúp tôi thưởng thức cho đầy đặn phong cảnh huy hoàng của vùng thôn quê nước Anh, và tôi biết về sau sẽ hối tiếc không tả xiết nếu lúc này để cho mình sao nhãng không phải lối. Thực tế là tôi nhận ra mình còn chưa hề chép lại chút gì về chặng du hành tới thành phố này - ngoại trừ nhắc qua lúc nghỉ trên khúc đường ven đồi ngay khi vừa khởi hành. Đây quả là một thiếu sót, xét theo cuốc xe ngày hôm qua đã để lại niềm thích thú đến mức nào trong tôi.
Tôi đã lên lịch trình rất kĩ càng cho chặng đi đến Salisbury, hầu như tránh hết những đường cái; có lẽ sẽ có người thấy tuyến đường này vòng vèo không đáng, nhưng đấy lại là tuyến đường cho phép tôi nếm trải khá nhiều những cảnh đẹp theo lời khuyên của bà J. Symons trong bộ sách tuyệt diệu của bà, và phải nói rằng chuyến đi làm tôi rất vui lòng. Tuyến đường đưa tôi qua chủ yếu là những vùng nông trại, giữa mùi hương đồng cỏ dễ chịu, và thường thường tôi thấy mình đang hãm cho cỗ Ford chạy chậm rì rì để được ngắm trọn vẹn hơn một dòng suối hay thung lũng đang chạy ngang. Nhưng theo tôi nhớ, tôi không xuống xe lần nữa mãi cho đến khi đã đến rất gần Salisbury.
Lúc đó, tôi đang chạy xe trên một khúc đường thẳng rất dài, hai bên là những đồng cỏ rộng. Thực tế, đến khúc đó mặt đất đã trải ra bằng phẳng rộng rãi, cho phép người ta nhìn khá xa theo mọi hướng, và đỉnh tháp Nhà thờ chính tòa Salisbury đã hiện ra trên đường chân trời trước mặt. Cảm giác thanh bình đã đến choán lấy tôi, và vì thế tôi tin rằng mình đã lại ghìm xe chạy rất chậm - hẳn là không quá mười lăm dặm một giờ. Như vậy cũng hay, vì đến phút cuối tôi mới nhận ra trước mặt có con gà mái đương qua đường thực đủng đỉnh. Tôi hãm xe lại chỉ cách con vật chừng một hai bước, đến lượt mình nó cũng nghỉ chân, đứng lại ngay giữa đường trước mặt tôi. Sau chừng một khắc nó vẫn không di dịch, tôi đành viện đến còi xe, nhưng cũng chẳng có tác dụng gì hơn ngoài khiến con vật khởi sự mổ mổ vật gì trên mặt đất. Hết chịu nổi, tôi ra khỏi xe nhưng còn chưa nhấc chân khỏi thềm cửa xe thì đã nghe giọng nữ gọi với, “Ôi, xin ngài bỏ lỗi cho”.
Liếc nhìn quanh, tôi nhận ra mình vừa chạy qua một ngôi nhà dân nhỏ bên đường, từ trong nhà đó một phụ nữ trẻ mặc tạp dề vừa hối hả chạy ra, hẳn nhiên vì bị tiếng còi xe đánh động. Chạy qua tôi, chị ta bế bổng con gà lên ẵm trên tay trong lúc lại xin lỗi tôi lần nữa. Sau khi nghe tôi cam đoan rằng chẳng có gì phương hại, chị nói, “Thật ơn ngài quá vì đã dừng xe không cán vào Nellie bé bỏng. Cô ả ngoan lắm, toàn cho nhà cháu những quả trứng to thật là to. Ngài dừng xe thật là tốt quá. Mà chắc ngài cũng đang vội vàng đi đâu”.
“Ồ không, có vội vàng gì đâu”, tôi mỉm cười đáp. “Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi được phép cho mình thong thả, và tôi phải nói rằng đây đúng là một điều thích thú. Tôi chỉ đang hưởng thú chạy xe thôi, cô thấy đấy”.
“Ồ thật là hay quá, thưa ngài. Và cháu đoán là ngài đang trên đường đi Salisbury, phải không?”.
“Thực vậy, tôi đang đến đó. Thực tế là đằng kia là nhà thờ chính tòa phải không? Tôi nghe nói đấy là một tòa kiến trúc rất lộng lẫy”.
“Vâng, đẹp lắm, thưa ngài, đẹp lắm. À, nói thật với ngài nhá, cháu cũng chả có mấy dịp đi Salisbury cả, nên cháu cũng chả biết rõ nhìn gần thì nó thế nào đâu. Nhưng nói ngài nghe, chúng cháu ở đây hôm nào cũng thấy tháp cả. Nhiều hôm thì mù đến nỗi cứ như là nó biến mất tăm rồi í. Nhưng ngài cũng thấy đấy, ngày đẹp trời như hôm nay thì thực là đẹp”.
“Dễ thương thực”.
“Cháu thật biết ơn ngài đã không cán vào Nellie nhà cháu, thưa ngài. Ba năm trước con rùa nhà cháu bị cán chết, đúng là quanh chỗ này luôn. Cả nhà cháu ai cũng buồn rũ cả ra”.
“Thực bi thảm”, tôi nghiêm giọng đáp.
“Bi thảm thật đấy, thưa ngài. Nhiều người cứ nghĩ dân làm nông chúng cháu thấy thú vật bị thương, bị chết quen đi rồi, nhưng nào phải thế đâu. Thằng bé nhà cháu khóc mấy ngày trời. Ngài dừng xe vì Nellie thật là tốt quá, thưa ngài. Nếu ngài có lòng ghé nhà xơi hớp trà, bởi đằng nào ngài cũng đã ra khỏi xe, thì nhà cháu sẽ rất mừng. Có chút trà giúp ấm bụng khi đi đường”.
“Cô mời tôi thực là tử tế, nhưng thực tình là tôi phải đi tiếp thôi. Tôi muốn tới Salisbury sớm để nhìn ngắm những cảnh đẹp của thành phố”.
“Quả là thế, thưa ngài. Vậy thôi, lần nữa cảm ơn ngài”.
Tôi lại lên đường, và vì cớ nào đó - có lẽ vì trông chờ sẽ có thêm nhiều gia súc gia cầm đi ngang - vẫn giữ nguyên tốc độ chậm rì khi nãy. Phải nói rằng cuộc gặp nho nhỏ này đã có gì đó khiến tôi rất phấn khởi; lòng tốt giản đơn mà vì nó tôi được cám ơn, cũng như lòng tốt giản đơn đáp lại tôi, cách nào đó đã khiến tôi vô cùng hân hoan khi nghĩ tới công trình đang chờ đợi tôi trong mấy ngày sắp tới. Vậy là chính trong tâm trạng đó mà tôi đến đây, Salisbury.
Nhưng có lẽ tôi nên quay lại dẫu chỉ một chốc câu chuyện về cha tôi; bởi tôi nhận ra có thể khi nãy đã tạo ấn tượng mình cư xử có phần thô vụng khi nói đến năng lực giảm sút của ông. Thực tế là, tôi không có mấy lựa chọn khác ngoài tiếp cận vấn đề theo cách đó - mà hẳn quý vị cũng cho là vậy một khi đã nghe tôi giãi bày rõ hoàn cảnh mấy ngày hôm đó. Nói vậy có nghĩa là, cuộc hội đàm quốc tế quan trọng sắp diễn ra ở Dinh Darlington tới khi ấy đã sừng sững trước mặt, chẳng còn mấy thời giờ để mà vỗ về hay “nói gần nói xa” nữa. Thêm vào đó, cần lưu ý một điều là tuy Dinh Darlington rồi sẽ chứng kiến nhiều sự kiện khác không kém phần quan trọng trong khoảng mười lăm năm tiếp sau đó, thì cuộc hội đàm tháng Ba năm 1923 ấy là lần đầu tiên, khi người ta còn tương đối thiếu kinh nghiệm, hẳn là vậy, và không muốn đùa với may rủi. Thực tế là tôi vẫn thường ngẫm lại cuộc hội thảo ấy, và cho rằng đấy là bước ngoặt trong đời tôi, không chỉ vì một nhẽ. Thứ nhất, chắc là tôi cũng thực sự coi đó là thời điểm mình thực sự thành nhân trong sự nghiệp quản gia. Nói vậy không có nghĩa là tôi coi mình đã trở thành một quản gia “vĩ đại”; dẫu sao đi nữa, tôi cũng không ở vị thế có thể đưa ra những phán xét kiểu này. Nhưng nếu giả thử có bao giờ ai đó muốn đặt giả thiết rằng tôi đã đạt tới dù chỉ một phần nhỏ bé cái điều kiện “phẩm cách” tối quan trọng đó trong quá trình hành nghề, thì người đó có lẽ sẽ muốn được biết về cuộc hội thảo tháng Ba năm 1923 ấy như mốc đánh dấu thời điểm tôi lần đầu thể hiện mình có lẽ mang trong mình năng lực đạt tới một phẩm chất như vậy. Đấy thuộc hàng những sự kiện xuất hiện đúng vào một giai đoạn cốt tử trong quá trình trưởng thành của một người, nhằm thách thức và buộc người ta cố sức đến tận cùng giới hạn năng lực bản thân và hơn nữa, khiến cho từ đó về sau, người ta có những tiêu chuẩn mới để xét đoán chính mình. Kỳ hội thảo ấy, đương nhiên, còn đáng nhớ vì vài nhẽ khác không liên quan, như giờ tôi muốn giảng rõ.
* * *
Hội thảo năm 1923 là đỉnh điểm của một kế hoạch mà Huân tước Darlington đã xây đắp lâu dài; thực tế là giờ nhìn lại, có thể thấy rõ huân tước đã bắt đầu tiến tới điểm này từ quãng ba năm trước đó. Theo tôi nhớ, ban đầu ngài chưa bận trí với hòa ước như vậy khi nó mới được thảo ra hồi kết thúc Đại Chiến, và tôi nghĩ sẽ hoàn toàn xác đáng khi nói rằng mối quan tâm của ngài được khơi gợi không phải do nghiên cứu kĩ các điều khoản hiệp ước, mà là do tình bằng hữu với Herr* Karl-Heinz Bremann.
*[Ông, ngài (tiếng Đức)]
Herr Bremann tới thăm Dinh Darlington lần đầu tiên là ngay sau khi kết thúc chiến tranh, vẫn còn mặc nguyên quân phục sĩ quan, và bất cứ ai nhìn vào cũng thấy rõ giữa ông và Huân tước Darlington đã hình thành mối giao tình khăng khít. Điều này không làm tôi ngạc nhiên, bởi chỉ nhìn qua cũng nhận thấy Herr Bremann là một vị rất mực đàng hoàng, về sau, khi đã xuất ngũ, ông lại lui tới khá đều đặn trong khoảng hai năm tiếp theo, và khó mà không nhận thấy và quan ngại trước sự suy sụp trông thấy của ông giữa mỗi lần xuất hiện. Trang phục ông ngày càng lộ vẻ túng thiếu, vóc người ông rạc đi, mắt ông xuất hiện vẻ đau đáu, và những lần gặp cuối, ông thường đờ đẫn hồi lâu, không nhận ra có huân tước bên cạnh, và đôi lúc, không cả nhận ra người khác đang nói với mình. Tôi hẳn đã đoán rằng Herr Bremann đương chịu thứ bệnh tình gì nghiêm trọng, nếu không phải vì vài câu huân tước buông ra vào quãng đó.
Hẳn chính vào quãng cuối năm 1920, Huân tước Darlington đã tự mình tới Berlin, lần đầu trong nhiều chuyến đi sau này, và tôi vẫn nhớ ngài đã bị chấn động ra sao. Một vẻ trầm mặc nặng nề bao trùm lấy ngài suốt nhiều ngày sau khi trở lại, và một lần, tôi nhớ, đáp lại lời tôi thăm hỏi chuyến đi có được vui vẻ hay chăng, ngài đáp lời, “Rất đáng phiền muộn, Stevens ạ. Thực sự rất đáng phiền muộn. Chúng ta thực mất mặt khi đối xử với đối thủ bại trận theo cách ấy. Thực là hoàn toàn trái ngược với truyền thống của đất nước này”.
Nhưng vẫn còn một ký ức khác ở lại sống động trong tôi liên quan đến vấn đề này. Ngày nay, sảnh tiệc lớn khi xưa không còn đặt bàn nữa, và căn phòng rộng rãi có trần cao hoành tráng ấy trở thành một phòng trưng bày đắc dụng cho ông Farraday. Nhưng vào thời huân tước, phòng ấy cùng cái bàn dài giữa phòng thường xuyên được đòi tới để xếp chỗ dùng bữa tối cho ba chục thực khách hoặc hơn; thực tế là sảnh tiệc rộng tới mức, khi có yêu cầu, ngoài bàn chính còn có thể bổ sung nhiều bàn nữa để tiếp nhận đến gần năm chục khách. Đương nhiên, cũng như ông Farraday hiện thời, vào những ngày thường Huân tước Darlington chỉ dùng bữa trong phòng ăn, một không gian thân mật hơn, lý tưởng cho số người từ một tá trở xuống. Nhưng vào cái đêm mùa đông tôi đương nhớ lại đây, vì nguyên do nào đó mà phòng ăn không được dùng đến, và Huân tước Darlington dùng bữa tối với một vị khách duy nhất - tôi nghĩ hẳn là Sir Richard Fox, một đồng sự cũ thời huân tước làm ở Bộ Ngoại giao - giữa không gian mênh mông của sảnh tiệc. Hẳn quý vị sẽ đồng tình rằng về phục vụ tiệc mà nói, tình huống khó khăn nhất là khi chỉ có hai thực khách. Bản thân tôi cũng thấy dễ xử hơn nếu chỉ có một người, dẫu là người lạ mặt. Có hai thực khách, dù một trong hai là chính chủ nhân mình, là thử thách khó nhất khi cần đạt đến điểm cân bằng giữa chu đáo tận tình và duy trì cảm tưởng người hầu bàn không có mặt, điều cốt yếu của nghệ thuật phục vụ bàn; chính trong tình huống này mà người ta ít khi rũ bỏ được nỗi ngờ rằng sự hiện diện của mình đang ngáng trở chuyện trò của thực khách.
Lần đó, phần lớn căn phòng chìm trong bóng tối, hai nhà quý tộc đương ngồi bên nhau ở lưng chừng bàn ăn - bàn quá rộng, họ không ngồi đối diện nhau được - trong vùng ánh sáng từ chúc đài trên bàn và lò sưởi nổ lách tách đối diện. Tôi quyết định giảm thiểu sự có mặt của mình bằng cách đứng trong vùng chập choạng, cách xa bàn hơn nhiều so với lệ thường. Cố nhiên, phương án này có mặt không hay thấy rõ, đấy là mỗi lần tôi tiến về phía sáng để phục vụ hai vị quý nhân, tiếng bước chân tôi sẽ vang tới tai họ rất to và rất lâu trước khi tôi tới nơi, lôi kéo sự chú ý của họ một cách khoa trương nhất có thể; nhưng lại có điểm rất quý là giúp cho thân người tôi chỉ hiện ra lờ mờ những lúc đứng bất động. Và chính trong lúc đương đứng như vậy, trong vùng chập choạng, cách một quãng hai vị quý nhân ngồi giữa hai hàng ghế trống, tôi nghe Huân tước Darlington nói về Herr Bremann, giọng điềm đạm và nhỏ nhẹ như thường, nhưng không hiểu sao vẫn âm vang mãnh liệt khắp những bức tường lớn ấy.
“Ông ấy là kẻ thù của tôi”, ngài nói vậy, “nhưng lúc nào cũng cư xử đúng điệu người quý tộc. Chúng tôi đã hành xử đứng đắn với nhau trong suốt sáu tháng nã pháo vào đầu nhau. Ông ấy là một nhà quý tộc, đang thực hiện nhiệm vụ của mình, và tôi không ôm bụng thù hằn gì với riêng ông ấy cả. Tôi nói với ông ấy: Nghe này, giờ chúng ta là kẻ thù và tôi sẽ quyết tử với anh. Nhưng chừng nào cái công việc chết giẫm này qua đi, chúng ta sẽ không phải đóng vai kẻ thù nữa, và chúng ta sẽ chạm cốc cùng nhau”. Chết giẫm một điều là, cái hòa ước này khiến tôi thành ra nói dối. Ý tôi là, tôi đã bảo ông ấy, chúng ta sẽ không còn là kẻ thù nữa một khi tất cả qua đi. Nhưng làm sao tôi có thể nhìn vào mắt ông ấy mà nói rằng hóa ra lại đúng là như vậy?”.
Và cùng đêm ấy, một hồi sau đó, huân tước đã lắc đầu, nói vẻ nghiêm nghị, “Tôi đã ra trận để gìn giữ công lý trên thế giới. Cứ theo tôi hiểu, tôi không tham gia cuộc trả hận nhằm vào nòi giống Đức”.
Và khi ngày nay người ta nghe phải những gì thiên hạ nói về huân tước, nghe những đồn đoán dớ dẩn về động cơ của ngài một cách quá thường xuyên, tôi ấm lòng nhớ lại ký ức về khoảnh khắc ấy, khi ngài nói những lời tâm can ấy trong sảnh tiệc gần như trống không. Dù những năm sau đó con đường của huân tước có nảy sinh những rắc rối gì, thì riêng tôi đây sẽ không bao giờ ngờ vực rằng chính khao khát được thấy “công lý trên thế giới” là nguồn cơn cho mọi hành động của ngài.
Không lâu sau buổi tối đó, tin buồn đưa đến rằng Herr Bremann đã tự tử bằng súng trên chuyến tàu đi từ Hamburg đến Berlin. Hiển nhiên, huân tước vô cùng phiền muộn, ngài lập tức lên kế hoạch gửi ngân khoản và lời phân ưu đến bà Bremann. Tuy nhiên, sau vài ngày gắng gỏi, mà bản thân tôi cũng cố hết sức trợ giúp ngài, huân tước vẫn chưa phát hiện ra tung tích bất kỳ ai trong số thân nhân của Herr Bremann. Xem chừng là ông đã sống vô gia cư một thời gian, người thân đã tản mát cả.
Tôi hằng tin rằng dù không có sự kiện đau buồn ấy, Huân tước Darlington vẫn sẽ đi con đường của ngài sau này, bởi khát khao đã hằn sâu vào bản chất ngài mong chấm dứt bất công và khổ nạn trên thế giới không cho phép ngài làm khác. Sự tình là, suốt mấy tuần sau cái chết của Herr Bremann, huân tước ngày một chuyên tâm vào cuộc khủng hoảng ở Đức. Đã có những bậc quyền lực và danh tiếng thường xuyên lui tới viếng thăm, theo tôi còn nhớ, có cả Huân tước Daniels, Giáo sư Maynard Keynes, cả tác giả lừng danh H. G. Wells nữa, cũng như những người tới thăm trên nguyên tắc “kín” nên tôi không tiện nêu tên - và huân tước cùng với họ thường đắm đuối tranh luận hàng tiếng đồng hồ không nghỉ.
Thực tế là trong số họ, có những vị khách “kín” tới mức tôi được dặn không để cho đội ngũ nhân viên biết được danh tính họ, thậm chí trong vài trường hợp không cả được bắt gặp họ. Tuy nhiên, và nói ra điều này tôi có chút vừa hãnh diện, vừa biết ơn - Huân tước Darlington không bao giờ tìm cách giấu điều gì cho tôi khỏi thấy hoặc nghe; ký ức tôi còn lưu lại vô số dịp một nhân vật nào đó bỗng bỏ lửng câu nói, dè chừng nhìn về phía tôi, nhưng rồi huân tước cất lời, “Không có vấn đề gì hết. Ngài có thể nói bất cứ điều gì trước mặt Stevens, tôi cam đoan với ngài”.
Thế là, đều đặn, trong khoảng hai năm tiếp sau cái chết của Herr Bremann, huân tước cùng Sir David Cardinal - người đã trở thành đồng minh thân cận nhất của ngài giai đoạn đó - đã tập hợp được một liên minh đa dạng những nhân vật cùng chung niềm tin rằng tình cảnh ở Đức không được phép kéo dài thêm. Trong số họ không chỉ có người Anh và Đức, mà còn người Bỉ, Pháp, Ý, Thụy Sĩ; có các nhà ngoại giao hay chính khách quyền thế, có những giáo chức đức cao vọng trọng, có những bậc tai mắt quân đội đã về hưu, có nhà văn và nhà tư tưởng. Có nhiều vị chỉ đơn thuần chia sẻ niềm tin mạnh mẽ của huân tước, rằng lẽ công bằng đã không được thực thi ở Versailles, và duy trì trừng phạt cả một dân tộc vì một cuộc chiến tranh đã kết thúc là hành động phi luân. Hiển nhiên một số người khác thì ít ưu tư cho Đức quốc cùng chúng dân ở đó hơn, nhưng họ cho rằng nếu không được cầm chân, cảnh điên đảo kinh tế ở Đức có thể lây lan chóng mặt ra toàn thế giới.
Tới đầu năm 1922, huân tước đã hoạt động vì một mục tiêu cụ thể. Đấy là tập hợp lại ở chính Dinh Darlington đây những tên tuổi có sức ảnh hưởng nhất trong số những người đã được thuyết phục mà ủng hộ ý định mở ra một hội đàm quốc tế “phi chính thức”, một cuộc hội đàm ngõ hầu tìm ra các giải pháp để lật lại những điều khoản hà khắc nhất trong hòa ước Versailles. Một cuộc hội đàm như vậy sẽ chỉ có giá trị nếu mang sức nặng đủ để có tác động quyết định đối với những hội nghị quốc tế “chính thức”, mà tới giờ đã được tổ chức vài lần, tiếng là để xét lại hòa ước, nhưng kết quả đến giờ chỉ là nảy ra thêm rối loạn và thù hằn. Ông Lloyd George, thủ tướng đương thời nước ta khi ấy vừa đề xuất triệu tập một hội thảo lớn nữa, định diễn ra ở Ý mùa xuân 1922, và ban đầu huân tước nhắm tới việc tổ chức ở Dinh Darlington một cuộc họp bàn nhằm đảm bảo hội thảo ấy sẽ đem lại kết quả mong muốn. Tuy nhiên, dẫu ngài cùng Sir David đã hết sức nỗ lực, thì thời hạn ấy vẫn quá gần không thể thực hiện được; nhưng khi cả hội thảo Ý cũng kết thúc mà không đưa lại quyết định nào, thì huân tước chuyển sang nhằm vào một hội thảo đình đám khác, được dự định tổ chức ở Thụy Sĩ vào năm sau.
Tôi vẫn nhớ một buổi sáng vào khoảng thời gian này đã đưa cà phê tới cho Huân tước Darlington trong phòng ăn sáng, và nhớ ngài đã nói với tôi, vẻ chán ghét, gấp lại tờ Thời báo trên tay, “Mấy người Pháp ấy. Thực tình, cứ nghĩ mà xem, Stevens. Mấy người Pháp ấy”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Trong khi chúng ta thì cần để thế giới thấy mình kề vai sát cánh với mấy người đấy. Nghĩ đến thôi là đã thấy cần đi tắm rửa cho kĩ rồi”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Lần rồi tôi ở Berlin, Stevens ạ, Nam tước Overath, bạn già của ông cụ nhà tôi, đã tới gặp tôi hỏi: Sao các anh lại đối xử với chúng tôi như thế? Các anh không thấy chúng tôi không thể tiếp tục mãi như vậy sao?”. Tôi đã ngấp nghé muốn nói luôn với ông rằng đấy là mấy người Pháp chết giẫm kia. Người Anh không có lối hành xử như vậy, tôi chỉ muốn nói thế. Nhưng tôi đồ là người ta không nên làm vậy. Không được chê bôi những đồng minh thân mến của chúng ta”.
Nhưng chính vì người Pháp là phe cứng rắn nhất trước nguyện vọng giải phóng nước Đức khỏi những điều khoản nhẫn tâm trong hiệp ước Versailles, mà yêu cầu phải có trong cuộc họp mặt ở Dinh Darlington ít nhất một vị khách Pháp mang ảnh hưởng không thể chối cãi đối với chính sách ngoại giao nước họ lại càng trở nên tối cần thiết. Thực sự là đã vài lần, tôi nghe huân tước nhận định rằng thiếu đi một nhân vật như thế tham dự vào thì có bàn thảo gì về tình hình nước Đức cũng chỉ là trò tiêu khiển. Vì thế, huân tước và Sir David đã dồn tâm sức vào chặng cuối cùng, cốt tử nhất này của quá trình chuẩn bị, và sự bền chí không mảy may dao động của họ trước những chướng ngại cứ theo nhau dồn đến quả khiến người ta phải kính phục; thư từ, điện tín bay đi không ngừng nghỉ, và huân tước đích thân thực hiện ba chuyến đi đến Paris chỉ trong thời gian hai tháng. Cuối cùng, sau khi giành được lời hứa của một vị người Pháp đặc biệt nổi danh, mà tôi sẽ chỉ gọi ở đây bằng cái tên “ông Dupont”, chấp thuận đến tham dự trên nguyên tắc “kín” rất ngặt, ngày hội thảo đã được ấn định. Nghĩa là vào cái tháng Ba đáng nhớ ấy, năm 1923.
* * *
Ngày hội thảo đến gần, những áp lực đặt lên tôi dù thuộc loại hèn mọn hơn nhiều những công việc chất chồng lên huân tước, nhưng cũng không phải là không nặng nề. Tôi ý thức quá rõ rằng nếu có vị khách nào thấy có chút gì chưa thoải mái trong thời gian lưu lại Dinh Darlington, thì điều ấy có thể gây ra những hậu họa mang tầm vóc khôn lường. Hơn nữa, khâu sửa soạn cho sự kiện của tôi còn phức tạp thêm bởi vẫn chưa chắc chắn về lượng khách mời. Với cuộc hội thảo cấp cao đến như vậy, số người tham dự đã được giới hạn xuống còn mười tám vị khách hết sức danh giá, cùng hai khách nữ - một nữ bá tước người Đức, và bà Eleanor Austin đáng kính sợ, thời điểm đó vẫn còn cư trú ở Berlin; nhưng mỗi người trong số họ hẳn sẽ đưa theo cả thư ký, tùy tùng và thông dịch viên, và không thể tìm ra cách nào đoán định chuẩn xác số người đi kèm như vậy. Hơn nữa, chúng tôi dần dà nhận ra một số đoàn sẽ đến vào một thời điểm nào đó trước khi diễn ra ba ngày hội đàm, để có thời gian trù bị cũng như cân đong tâm trạng của những vị khách khác, dù họ tới đích xác ngày nào cũng lại chưa được biết. Có thể thấy rõ đội ngũ nhân viên sẽ không chỉ cần nỗ lực hết sức có thể cũng như phản xạ cực kỳ nhanh nhạy, mà còn phải linh hoạt hơn xa lệ thường. Thực tế, trong một thời gian, tôi đã có ý nghĩ rằng thử thách lớn lao chờ đợi chúng tôi đây sẽ không thể vượt qua nếu không đưa thêm về người làm mới. Tuy nhiên lựa chọn này, chưa kể đến những mối lo hẳn sẽ quấy rầy huân tước về chuyện tai vách mạch dừng, sẽ đòi hỏi tôi phải dựa vào những yếu tố bất định chính vào lúc mỗi sai lầm đều có thể phải trả giá đắt. Vì thế, tôi bắt tay vào chuẩn bị cho những ngày sắp đến với tâm thế mà tôi mường tượng giống như vị tướng chuẩn bị cho trận đánh: tôi thiết lập một cơ cấu nhân sự đặc biệt một cách vô cùng tỉ mỉ, dự trù cho tất thảy mọi tình huống có thể xảy ra; tôi phân tích để tìm ra những yếu huyệt của chúng tôi, và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để huy động nếu có huyệt nào trong số đó bị điểm trúng; tôi thậm chí còn làm một bài “hịch” động viên, để găm sâu vào đầu các nhân viên cái suy nghĩ rằng, bất kể phải dốc cạn sức mình ra mà làm, họ cũng có quyền tự hào hết mực khi thực hiện bổn phận của mình trong những ngày tới. “Rất có thể lịch sử sẽ được viết ra dưới mái nhà này”, tôi đã bảo họ như vậy. Và vì biết tôi không phải kẻ thường huênh hoang phách lối, nên họ hiểu rõ rằng một điều gì đó hết sức phi thường đương đến gần.
Vậy quý vị sẽ hiểu phần nào bầu không khí choán lấy toàn Dinh Darlington vào cái thời điểm cha tôi ngã trước cửa chòi nghỉ mùa hè - và sự kiện ấy lại xảy ra chỉ hai tuần trước khi đồ chừng những vị khách đầu tiên sẽ tới - và hiểu vì sao tôi lại nói rằng chẳng có mấy thời giờ mà “nói gần nói xa”. Dẫu sao đi nữa, cha tôi cũng nhanh chóng tìm ra đường lách cái quy định ông không được bưng khay nặng hòng hạn chế sự hữu dụng của ông. Và bóng dáng ông đẩy xe mắc đầy những dụng cụ vệ sinh, chổi và cây lau sắp xếp rất vô nguyên tắc dù lúc nào cũng gọn gàng chung quanh ấm chén tách trà khiến đôi lúc cỗ xe trông như xe bán hàng rong, đã trở thành thường trực trong nhà. Hẳn nhiên, ông không tránh khỏi phải từ bỏ bổn phận phục vụ bàn trong phòng ăn, nhưng ngoài chuyện đó, chiếc xe đẩy giúp ông hoàn thành một khối lượng công việc đáng kinh ngạc. Thực tế là, khi buổi hội đàm chứa đầy thách thức ngày một tới gần, cha tôi dường như trải qua một sự lột xác đáng kinh ngạc. Cứ như thể một thế lực siêu nhiên nào đó đã chiếm hữu ông, giúp ông trút bỏ hai chục tuổi; khuôn mặt ông vơi hẳn bộ dạng hốc hác gần đây, và ông làm việc một cách sung sức trẻ trung đến nỗi người lạ đến nhà hẳn phải tin rằng có không chỉ một, mà là vài nhân vật đương đẩy xe khắp các hành lang Dinh Darlington.
Còn về cô Kenton, tôi mang máng nhớ rằng sức ép ngày một tăng của những ngày đó đã để lại dấu ấn rõ rệt nơi cô. Tỷ dụ như, tôi nhớ cái lần vào đợt đó, tôi tình cờ giáp mặt cô ở hành lang hậu sau nhà. Hành lang hậu, một thứ huyết mạch của khu người làm tại Dinh Darlington, vốn lúc nào trông cũng khá ảm đạm bởi chẳng có mấy ánh nắng rọi vào trên dãy hành lang hun hút. Cả trong những ngày đẹp trời, hành lang có lúc vẫn tối đến mức tưởng chừng đương đi qua một đường hầm. Vào dịp tôi đương nhắc tới ở đây, giả như không nhận ra tiếng chân bước trên sàn ván tiến lại phía tôi, hẳn tôi chỉ có thể biết cô là ai qua dáng người. Tôi dừng chân khi đến một trong mấy khúc ít ỏi có dải nắng sáng vắt qua sàn gỗ, và khi cô đến gần, tôi nói, “À, cô Kenton này”.
“Vâng, ông Stevens?”.
“Cô Kenton, không rõ tôi có thể lưu ý cô rằng chăn đệm tầng trên cần phải sẵn sàng đầy đủ vào ngày kia hay chăng?”.
“Việc này hoàn toàn nằm trong kiểm soát, ông Stevens”.
“Thế ư, nghe vậy tôi rất mừng. Chẳng là tôi tình cờ nghĩ tới chuyện đó thôi.”
Tôi toan đi tiếp việc mình, nhưng cô Kenton không nhúc nhích. Rồi cô tiến thêm một bước về phía tôi, làm một vạch nắng rơi lên mặt, và tôi nhìn thấy vẻ mặt cô đang giận dữ.
“Tiếc thay, ông Stevens ạ, hiện giờ tôi đang bận bù đầu và hầu như không có lấy một giây rảnh rỗi. Giá mà tôi có được nhiều thời gian rỗi như ông hiển nhiên đang có đây, thì chắc chắn tôi sẽ vui lòng báo đáp ông bằng cách đi rong khắp ngôi nhà này mà nhắc nhở ông về những nhiệm vụ hoàn toàn trong tầm kiểm soát của ông”.
“Cô Kenton này, cô không cần phải nóng nảy như vậy. Tôi chỉ đơn thuần cảm thấy cần thiết phải xác nhận rằng việc đó không lọt khỏi mắt cô....
“Ông Stevens, đây là lần thứ bốn hoặc năm trong hai ngày vừa rồi ông đã cảm thấy cần thiết phải xác nhận như vậy. Thật lạ lùng là ông lại có nhiều thời gian trống đến mức có thể đi rong quanh nhà mà quấy quả người khác bằng những nhận xét không mời”.
“Cô Kenton, nếu dù trong một khắc cô tin rằng tôi có thời gian trống, thì điều đó càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết sự non nớt đáng kể của cô. Tôi tin rằng trong những năm tới đây, cô sẽ nhận thức tốt hơn về những điều diễn ra trong một ngôi nhà như thế này”.
“Ông không bao giờ ngưng nói về sự non nớt đáng kể của tôi, ông Stevens ạ, thế nhưng dường như ông hoàn toàn không thể nêu ra dù chỉ một khuyết điểm trong công việc tôi làm. Nếu có, tôi tin chắc rằng ông đã nêu ra từ lâu, và nêu rất tận tình là khác. Giờ thì tôi có rất nhiều việc phải lo liệu, nên tôi rất mong ông sẽ không theo tôi khắp nhà mà cản trở tôi như thế này. Nếu ông có lắm thời gian rỗi như vậy, tôi xin gợi ý cho ông rằng đi hít thở không khí trong lành có lợi cho ông hơn nhiều đấy”.
Cô đùng đùng bước qua tôi và đi tiếp trên hành lang. Kết luận rằng tốt nhất không nên để tình hình đi xa hơn, tôi cũng tiếp tục đường mình. Tôi đã gần đến cửa vào bếp thì nghe tiếng bước chân đầy nộ khí quay ngược lại chỗ mình lần nữa.
“Thực tế là, ông Stevens”, cô lớn giọng, “tôi cần yêu cầu ông từ rày trở đi đừng trực tiếp nói chuyện với tôi nữa”.
“Cô Kenton, cô đang nói cái gì vậy?”.
“Nếu cần thiết phải đưa tin, tôi cần yêu cầu ông hãy dùng một người trung gian. Hoặc cũng có thể ông thích viết vào giấy và đưa người chuyển đến tôi. Tôi chắc chắn làm thế sẽ khiến mối quan hệ công việc của chúng ta dễ chịu hơn rất nhiều”.
“Cô Kenton....
“Tôi bận bù đầu lên, ông Stevens ạ. Hãy viết vào giấy nếu có thông tin phức tạp. Nếu không ông có thể nói với Martha hay Dorothy, hay bất kỳ ai trong số nhân viên nam mà ông coi là xứng đáng có được lòng tin của ông. Giờ tôi xin kiếu về với công việc của tôi, để ông tiếp tục cuộc đi rong của ông”.
Bất chấp lối hành xử hết sức đáng bực của cô Kenton, tôi không thể dành quá nhiều suy nghĩ cho chuyện đó, bởi đến lúc này những vị khách đầu tiên đã tới. Các đại biểu nước ngoài còn phải chờ hai hay ba ngày nữa, nhưng ba vị khách mà huân tước gọi bằng chữ “đội nhà” - hai vị quan chức Bộ Ngoại giao đến dự trên nguyên tắc tuyệt đối “kín” cùng Sir David Cardinal - đã đến sớm để trù bị kĩ lưỡng hết mức có thể. Cũng như mọi lần, chẳng ai tìm cách giấu giếm gì với tôi trong lúc tôi ra ra vào vào các phòng nơi các vị đương mê mải tranh luận, và vì thế tôi không khỏi có một ấn tượng nhất định về bầu không khí chung giai đoạn tiền hội đàm này. Đương nhiên, huân tước cùng đồng sự nỗ lực thông tin cho nhau càng chính xác càng hay về từng người trong số khách mời dự kiến, nhưng trên hết, những lo âu của họ tập trung vào một nhân vật duy nhất, đoán chừng thiện cảm và ác cảm của ông ta: chính là ông Dupont, vị khách người Pháp. Thực vậy, vào một lúc, tôi tin mình đã bước vào phòng hút thuốc và nghe một vị phát biểu, “Số phận của châu Âu có thể thực sự được quyết định nhờ chúng ta có thuyết phục được Dupont về điểm này hay không”.
Chính vào giữa những bàn thảo tiền kỳ ấy mà huân tước trao cho tôi một sứ mạng khá bất thường đến đỗi nó còn lưu lại trong ký ức tôi đến ngày nay, bên cạnh nhiều sự kiện khác hiển nhiên là khó quên hơn sắp diễn ra trong cái tuần đáng nhớ ấy. Huân tước Darlington gọi tôi vào thư phòng, và lập tức tôi đã nhận ra huân tước đang ở tình trạng có phần kích động. Ngài ngồi vào bàn, và như mọi khi, lại kiếm cách cầm một cuốn sách mở - lần này là cuốn Niên giám nhân vật - và lật đi lật lại một trang sách.
“À, Stevens”, ngài bắt đầu vờ ung dung, nhưng rồi có vẻ không biết phải nói tiếp thế nào. Tôi vẫn đứng nguyên đó, sẵn sàng xoa dịu nỗi lúng túng của ngài ngay khi có dịp. Huân tước tiếp tục mân mê trang giấy thêm một lúc, cúi người tới săm soi một mục tên, rồi nói, “Stevens, tôi nhận ra yêu cầu anh việc này có phần hơi lạ thường”.
“Thưa ngài?”.
“Chỉ có điều hiện nay người ta thực phải suy tính quá nhiều việc quan trọng”.
“Tôi rất vui mừng nếu như có thể giúp gì được, thưa ngài”.
“Tôi rất tiếc phải nêu ra một việc như vậy, Stevens ạ. Tôi biết hẳn anh hiện thời cũng đang bận kinh khủng khiếp. Nhưng tôi chịu không nhìn ra được cách nào để gạt việc đó đi”.
Tôi đợi một phút trong lúc Huân tước Darlington lại chú mục vào cuốn Niên giám nhân vật. Rồi ngài nói, mà không ngẩng lên, “Tôi đoán là anh có hiểu biết các sự thực ở đời”.
“Thưa ngài?”.
“Sự thực ở đời, Stevens ạ. Chuyện bướm ong các thứ. Anh có biết những việc đó, phải không?”.
“Tôi e rằng mình chưa lĩnh hội được ý ngài, thưa ngài”.
“Để tôi ngửa bài luôn nhé, Stevens. Sir David là bạn rất lâu năm của tôi. Và ngài đã đóng vai trò vô giá trong việc tổ chức hội đàm này. Tôi dám nói nếu không có ngài, chúng ta đã không thể có được sự chấp thuận tham dự của ông Dupont”.
“Thực vậy, thưa ngài”.
“Có điều, Stevens ạ, Sir David cũng có mặt kỳ khôi. Có thể chính anh cũng đã để ý thấy rồi. Ngài có đưa theo cậu con trai Reginald cùng đến đây. Làm thư ký cho ngài. Đã đính hôn, sắp cưới, vấn đề là ở đó. Ý tôi là cậu Reginald ấy”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Sir David đã tìm cách dạy cho con trai hiểu sự đời suốt năm năm vừa qua. Bây giờ cậu thanh niên đã hai mươi ba tuổi”.
“Thực vậy, thưa ngài”.
“Tôi sẽ đi vào vấn đề luôn nhé, Stevens. Sự thể là, tôi là cha đỡ đầu của cậu ấy. Vì thế, Sir David đã có lời yêu cầu tôi truyền đạt cho cậu các sự thực ở đời”.
“Thực vậy, thưa ngài”.
“Bản thân Sir David thấy đó là một nhiệm vụ đáng ngại, và ngờ rằng ngài sẽ không thể hoàn thành trước hôn lễ của cậu Reginald”.
“Thực vậy, thưa ngài”.
“Vấn đề là, Stevens ạ, tôi bận kinh khủng. Sir David hẳn phải biết vậy, nhưng ngài vẫn yêu cầu tôi”. Huân tước dừng lời, tiếp tục ngắm kĩ trang sách.
“Có phải, thưa ngài, như tôi hiểu”, tôi tiếp lời, “đức ngài muốn tôi truyền đạt thông tin cần thiết cho ngài Cardinal trẻ?”.
“Nếu anh không ngại, Stevens ạ. Sẽ cất cho tôi một gánh nặng kinh khủng. Sir David cứ hai giờ một lần lại hỏi tôi đã xong việc chưa”.
“Tôi hiểu, thưa ngài. Hẳn là rất gian nan trong tình cảnh áp lực hiện thời”.
“Dĩ nhiên, việc này hoàn toàn nằm ngoài bổn phận của anh, Stevens ạ”.
“Tôi sẽ cố hết sức, thưa ngài. Tuy nhiên, có thể tôi sẽ gặp khó khăn trong việc tìm một thời điểm thích hợp để truyền đạt thông tin loại này.”
“Chỉ cần anh tìm cách là tôi đã biết ơn lắm rồi, Stevens ạ. Anh thực là một con người đàng hoàng rất mực. Nghe này, không cần phải trống giong cờ mở gì đâu. Chỉ cần truyền đạt những dữ kiện cơ bản rồi chấm dứt ở đó thôi. Cách tiếp cận đơn giản là tốt nhất, tôi khuyên anh vậy đó, Stevens ạ”.
“Vâng, thưa ngài. Tôi sẽ cố gắng hết sức”.
“Thực biết ơn anh quá, Stevens ạ. Được thế nào hãy thông báo cho tôi biết”.
* * *
Quý vị chắc cũng hình dung được yêu cầu này khiến tôi hơi bất ngờ - và ở tình cảnh thông thường, có thể đây đã là một vấn đề khiến tôi dành chút thời gian suy xét. Nhưng khi rơi vào đầu tôi đột ngột như vậy, giữa một giai đoạn bận bịu như thế, tôi không thể dành cho nó sự chú ý quá mức cần thiết được, và vì thế tôi quyết định sẽ giải quyết việc này ngay khi tìm được cơ hội. Thế là, theo tôi nhớ, chỉ đâu chừng một tiếng đồng hồ sau khi được giao phó sứ mệnh ấy, tôi đã nhận thấy anh Cardinal trẻ tuổi ngồi một mình trong thư viện, bên một chiếc bàn viết, vùi đầu vào tài liệu nào đó. Quan sát kĩ chàng thanh niên, thực thế, người ta có thể hiểu được khó khăn đặt ra cho huân tước - và thực vậy, cả cho cha chàng ta nữa. Người con đỡ đầu của ông chủ tôi có dáng vẻ một chàng trai nghiêm túc, yêu chuộng học hành, và những đường nét của anh nói lên rất nhiều phẩm chất tài hoa; nhưng xét theo đề tài đương cần đề cập đến đây, một mẫu người vui vẻ trẻ trung hơn, thậm chí là nông nổi, sẽ thuận tiện cho người ta hơn rất nhiều. Dẫu sao đi nữa, đã quyết tâm đưa vấn đề này đến một kết cuộc thỏa đáng càng sớm càng tốt, tôi tiến sâu hơn vào thư viện, và dừng lại một quãng trước bàn anh Cardinal, tôi hắng giọng.
“Xin thứ lỗi, thưa ngài, nhưng tôi có một thông điệp cần truyền đạt tới ngài”.
“Ồ thật ư?”, anh Cardinal sôi nổi đáp, rời mắt khỏi chồng giấy tờ. “Của cha tôi ư?”.
“Vâng thưa ngài, về cơ bản thì là vậy”.
“Đợi một phút”.
Chàng trai trẻ với tay vào trong cặp táp dưới chân, lấy ra cuốn sổ và cây bút. “Mời chú, Stevens”.
Tôi lại hắng giọng, rồi điều chỉnh cho giọng mình trở nên trung tính hết mức có thể.
“Sir David muốn thông báo với ngài, thưa ngài, rằng nữ giới và nam giới có những sai biệt về một vài khía cạnh căn bản”.
Chắc là tôi có ngưng lại một giây để hình dung câu nói tiếp theo, bởi anh Cardinal đã thở dài một tiếng và đáp lại, “Tôi biết quá rõ điều đó, Stevens ạ. Chú có thể đi luôn vào việc được không?”.
“Ngài biết ư, thưa ngài?”.
“Cha mãn đời chỉ đánh giá thấp tôi. Tôi đã đào sâu trong tài liệu và nghiên cứu rộng xung quanh toàn bộ lĩnh vực này”.
“Vậy ư, thưa ngài?”.
“Tôi hầu như không nghĩ về điều gì khác suốt một tháng vừa qua”.
“Thực thế ư, thưa ngài? Trong trường hợp đó, có lẽ thông điệp của tôi có hơi thừa thãi”.
“Chú có thể đảm bảo với cha rằng tôi thực sự đã nắm thông tin rất đầy đủ. Cái cặp táp này”, anh ta lấy chân huých cái cặp, “đầy nhóc những ghi chú về mọi góc độ người ta có thể hình dung ra”.
“Vậy ư, thưa ngài?”.
“Tôi thành thực cho rằng mình đã truy cứu đủ tất cả mọi biến thể mà đầu óc con người cho phép. Tôi mong rằng chú sẽ cam đoan với cha như vậy”.
“Tôi sẽ làm đúng thế, thưa ngài.”
Anh Cardinal có vẻ thư giãn hơn một chút. Lần nữa, anh ta lại huých vào cái cặp - mà tôi cảm thấy mình cần phải tránh nhìn vào nó - và nói thêm: “Hẳn là chú đã băn khoăn vì sao tôi không bao giờ rời cái cặp này. À, giờ thì chú biết rồi đấy. Thử tưởng tượng nó rơi vào tay một người không nên mở ra”.
“Đấy sẽ là một tình thế vô cùng khó xử, thưa ngài”.
“Đương nhiên”, anh đột ngột ngồi dựng dậy, “trừ phi cha đã tìm ra một khía cạnh mới hoàn toàn mà ông muốn tôi suy ngẫm”.
“Tôi nghĩ là khó có chuyện đó, thưa ngài”.
“Không có ư? Không cần nói gì thêm về cái tay Dupont này à?”.
“Tôi sợ là không, thưa ngài”.
Tôi đã cố hết sức không để lộ chút nào nỗi phiền lòng khi phát hiện ra rằng một nhiệm vụ tôi ngỡ đã sắp vượt qua, thì té ra hẵng còn nguyên không suy suyển trước mặt mình. Tôi nghĩ mình đương sắp xếp ý nghĩ trong đầu để bắt đầu đợt tấn công mới thì chàng trai trẻ đột nhiên đứng dậy, áp chặt chiếc cặp táp vào người mà nói, “À, tôi nghĩ tôi nên đi hít thở không khí trong lành một chút. Cảm ơn chú đã giúp đỡ, Stevens”.
Tôi đã dự tính sẽ tìm dịp tiến hành cuộc luận đàm tiếp theo với anh Cardinal trẻ tuổi càng ít chậm trễ càng hay, nhưng điều này hóa ra là bất khả, phần lớn bởi sự có mặt ngay chiều hôm đó - sớm khoảng hai ngày so với dự định - của ông Lewis, vị thượng nghị sĩ người Mỹ. Tôi đang ở dưới phòng quản gia đọc danh mục các mặt hàng mua về, thì nghe đâu đó trên đầu thứ âm thanh không lẫn vào đâu được, tiếng động cơ xe đánh vào sân. Khi vội vã đi lên, tôi tình cờ giáp mặt cô Kenton ở hành lang hậu - dĩ nhiên, chính là nơi diễn ra cuộc bất hòa mới nhất giữa hai bên - và có lẽ chính sự trùng hợp không mấy vui vẻ này đã xui khiến cô giữ nguyên lối hành xử trẻ người non dạ như dịp trước. Bởi khi tôi nêu câu hỏi ai là người vừa tới, cô Kenton vẫn đi tiếp qua mặt tôi mà chỉ nói một câu, “Việc khẩn thì gửi tin, ông Stevens”. Thực là bực mình không để đâu cho hết, nhưng đương nhiên, tôi không còn cách nào khác, chỉ có thể vội vàng đi tiếp lên tầng.
Ông Lewis trong ký ức tôi là một vị vóc người phương phi, nụ cười hiền hòa bất tuyệt trên khuôn mặt. Ông đến sớm như vậy hiển nhiên có phần bất tiện cho huân tước cùng các đồng sự, vốn tin rằng mình còn được một hai ngày riêng tư để trù bị phần mình. Tuy nhiên, phong thái bình dân đáng ưa của ông Lewis, cùng phát biểu của ông trong bữa tối rằng Hoa Kỳ “sẽ luôn luôn đứng về lẽ công bằng và không ngại thừa nhận đã có những sai lầm ở điện Versailles” xem ra đã tương đối giành được lòng tin cậy của “đội nhà” huân tước; theo đà bữa ăn, câu chuyện bên bàn đã dần dà nhưng vững chắc chuyển từ đề tài như những điểm đáng mến nơi quê hương Pennsylvania của ông Lewis quay trở về cuộc hội đàm sắp tới, và tới khi các thực khách chuyển qua hút thuốc, thì những dự đoán họ đem bàn thảo đã gồm cả những điều tâm phúc không kém gì các trao đổi trước khi ông Lewis đến. Tại một thời điểm, ông Lewis còn nói với cả bàn, “Các quý ông, tôi đồng ý với mấy ông ở đây là ông Dupont của chúng ta có thể cực kỳ khó lường. Nhưng nói các ông nghe, riêng có điều này các ông cứ tin chắc đi thì hơn. Có điều này tôi dám cuộc với các ông đó”. Ông ta cúi người tới trước, vung vẩy điếu xì gà để thêm phần nhấn mạnh. “Dupont ghét dân Đức. Trước chiến tranh ông ta đã ghét rồi, giờ đây thì ông ta ghét thậm ghét tệ tới mức các quý ông đây khó mà hiểu nổi đâu”. Nói đoạn, ông Lewis lại ngả người ra ghế, nụ cười hiền hòa trở lại nguyên vẹn trên mặt. “Nhưng, các ông thử nói coi”, ông ta tiếp, “làm sao có thể chê trách một người Pháp đi ghét người Đức được chớ? Suy cho cùng thì người Pháp ghét vậy là có lý do quá chính đáng, hở?”.
Ông Lewis liếc quanh một vòng cử tọa đang có chút gượng gạo. Rồi Huân tước Darlington nói, “Hiển nhiên, chút cay đắng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dĩ nhiên, người Anh chúng tôi cũng đã chiến đấu với người Đức lâu dài và khó nhọc”.
“Nhưng người Anh các ngài khác ở chỗ là”, ông Lewis đáp, “dường như các ngài không còn ghét người Đức mấy nữa. Nhưng cứ như người Pháp thấy, dân Đức đã hủy diệt thế giới văn minh ở châu Âu này, và không hình phạt nào dành cho họ lại là quá nặng cả. Đương nhiên, đấy là một lập trường khá thiếu thực tế trong mắt nước Mỹ chúng tôi, nhưng điều vẫn luôn khiến tôi khó hiểu là người Anh các ngài dường như không chung quan điểm với người Pháp. Suy cho cùng, giống như ngài vừa nói, nước Anh cũng mất mát rất nhiều trong cuộc chiến đó mà”.
Lại một khoảng im lặng gượng gạo nữa, rồi Sir David nói có phần lưỡng lự, “Người Anh chúng tôi thông thường vẫn có cách nhìn khác với người Pháp trong những vấn đề như vậy, thưa ông Lewis”.
“À. Cái tạng các ngài kiểu khác, tạm gọi là vậy”. Nụ cười dường như nở rộng hơn khi ông Lewis nói câu này. Ông gật gù một mình, như thể đến lúc này bỗng thấy vỡ ra nhiều việc, và rít điếu xì gà. Rất có thể cái nhìn hồi cố đã mang lại cảm giác đó cho ký ức, nhưng tôi cảm giác rõ mồn một rằng chính ấy là lần đầu tôi cảm nhận có điều gì là lạ, điều gì có lẽ là hai mặt nơi vị khách người Mỹ có vẻ ngoài dễ mến này. Nhưng nếu bản thân tôi có nảy sinh những mối nghi ngờ vào lúc ấy, thì hiển nhiên Huân tước Darlington không cùng chung cảm nhận này. Bởi sau khoảng một hai giây im lặng gượng gạo nữa, huân tước dường như đã đi tới quyết định.
“Ông Lewis”, ngài nói, “tôi xin phép được nói thẳng thắn. Phần lớn chúng tôi ở Anh đây nghĩ rằng thái độ hiện thời ở Pháp thực sự đáng khinh. Quả ông có thể gọi đó là do tạng khác, nhưng tôi dám nói rằng chúng ta đang bàn đến một vấn đề còn sâu xa hơn. Tiếp tục ghét kẻ thù như vậy cả sau khi xung đột đã qua, là cách làm không quân tử. Một khi đã cho ai đó đo đài rồi, thì mọi sự nên kết thúc ở đấy. Không phải sau đó còn tiếp tục đá người đó nữa. Theo cách nhìn của chúng tôi, lối hành xử của người Pháp càng lúc càng thêm man rợ”.
Phát biểu này có vẻ khiến ông Lewis hài lòng đôi chút. Ông ta rì rầm tỏ vẻ tán đồng, và mỉm cười mãn nguyện với mấy người khách cùng bàn qua khói thuốc lá giờ đã cô lại từng bụm dày đặc quanh bàn.
Sáng hôm sau có thêm nhiều vị khách tới trước giờ; đấy là hai bà khách từ Đức - cả hai đi cùng nhau, bất chấp những gì người ta có thể mường tượng về thân thế quá chênh lệch của họ - dẫn theo một đoàn đông đảo những thị nữ cùng hầu trai, cũng như vô số hòm xiểng. Rồi đến chiều, một vị khách người Ý tới, mang theo một tùy tùng, một thư ký, một “chuyên gia” và hai vệ sĩ. Tôi không hình dung nổi vị này nghĩ mình sẽ tới một nơi như thế nào mà đưa theo hai người đó, nhưng phải nói rằng ấn tượng có phần lạc lõng khi thấy giữa Dinh Darlington hai người to con lầm lì, đưa con mắt nghi hoặc khắp các hướng, đứng cách vị người Ý vài bước bất kể ông ta đương ở đâu. Tiện thể nói thêm rằng lịch làm việc của hai người vệ sĩ này, như dần thấy những ngày sau đó, đòi hỏi một trong hai người lên tầng đi ngủ vào những giờ khác thường nhằm đảm bảo lúc nào cũng có ít nhất một người túc trực suốt đêm. Nhưng khi tôi lần đầu được thông báo về cách cắt đặt này và tìm cách thông tin lại cho cô Kenton, thì lần nữa, cô lại từ chối trao đổi miệng với tôi, và để hoàn tất nhiệm vụ càng nhanh càng tốt, tôi quả thực đã phải viết giấy đưa qua khe cửa buồng nội quản.
Ngày hôm sau đó lại có thêm vài vị khách nữa, và ở thời điểm còn hai ngày là khai mạc hội đàm, Dinh Darlington đã đầy kín quan khách thuộc đủ quốc tịch, người đàm luận trong phòng, người đứng vẩn vơ trong sảnh, trong các hành lang và chiếu nghỉ, ngắm nghía tranh hay các vật trưng bày. Mỗi vị khách đều xử sự với nhau lịch thiệp vô bờ, nhưng bất chấp điều đó, bầu không khí vẫn có phần căng thẳng và thái độ nghi kị vẫn có vẻ là nét chủ đạo ở giai đoạn này. Và như lây theo sự bất an ấy, những tùy tùng và người hầu đi theo khách cũng nhìn nhau vẻ lạnh lùng trông thấy, khiến nhân viên của tôi thành ra lại mừng lòng vì quá bận không thể dành nhiều thời gian bên họ.
Chính vào khoảng này, giữa lúc đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề cùng một lúc đòi hỏi sự chú ý của tôi, tôi tình cờ nhìn ra cửa sổ thấy bóng dáng anh Cardinal trẻ tuổi đang hít thở không khí trong lành trong khuôn viên dinh. Anh đương ôm chặt cái cặp táp như thường lệ, và tôi thấy anh chầm chậm thả bước trên lối đi chạy vòng bao quanh thảm cỏ, chìm đắm trong suy tư. Đương nhiên, tôi nhớ lại sứ mệnh truyền tin cho chàng trai trẻ, và chợt nảy ý rằng khung cảnh ngoài trời gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt lại có bầy ngỗng ngay gần đó làm thí dụ, thực không phải là không thích hợp để truyền đạt thông tin mà tôi được giao phó. Thêm nữa, tôi nhận thấy nếu ra đó thực nhanh, giấu mình sau bụi đỗ quyên lớn cạnh lối đi, thì chỉ ít lâu sau anh Cardinal sẽ đi qua. Tới lúc đó tôi có thể lộ diện, truyền đạt lại thông điệp của mình. Tôi thừa nhận đấy không phải một chiến lược thuộc loại tinh tế gì, nhưng chắc quý vị cũng công nhận rằng nhiệm vụ này, dù hẳn nhiên quan trọng theo một cách riêng, thì vào lúc ấy khó có thể coi là ưu tiên cho được.
Ngày hôm ấy, dù có lớp sương muối mỏng phủ trên mặt đất và gần hết bờ bụi, thời tiết vẫn còn tương đối êm dịu so với tháng Ba. Tôi đi nhanh qua thảm cỏ, giấu mình sau bụi đỗ quyên, và chẳng mấy chốc đã nghe tiếng chân anh Cardinal đến gần. Không may thay, tôi đã tính toán hơi chệch thời điểm lộ diện. Tôi đã định lộ diện trong lúc anh Cardinal vẫn còn cách một khoảng thích đáng, để anh rồi sẽ nhìn thấy và cho rằng tôi đương trên đường tới chòi nghỉ mùa hè, hay là có khi đến căn nhà của người làm vườn. Tới đó tôi có thể vờ như mới nhận thấy anh, rồi bắt chuyện với anh một cách tự nhiên. Nhưng sự thể là tôi lộ diện hơi chậm trễ, nên e rằng tôi đã làm chàng trai trẻ khá hoảng hốt, anh ta lập tức giật cái cặp táp ra xa tôi và dùng cả hai tay ấp chặt nó vào ngực.
“Ngàn lần xin lỗi, thưa ngài”.
Trời ơi, Stevens. Chú làm tôi hết hồn. Tôi nghĩ tình hình trong đó đang nóng lên”.
“Ngàn lần xin lỗi, thưa ngài. Nhưng sự thể là, tôi có điều cần truyền đạt đến ngài”.
“Trời ơi, vâng, chú thật làm tôi sợ mất mật”.
“Thưa ngài, tôi xin phép được đi thẳng vào vấn đề luôn. Hẳn ngài nhận thấy bầy ngỗng cách không xa chúng ta lắm”.
“Ngỗng hả?”. Anh ta hơi ngơ ngác nhìn quanh. “À phải. Đúng là ngỗng thật”.
“Và hẳn ngài nhận thấy những luống hoa và lùm cây. Thực tế là, đây không phải thời điểm thích hợp nhất trong năm để chứng kiến chúng đương độ huy hoàng rạng rỡ, nhưng thưa ngài, chắc ngài cũng hiểu rằng khi xuân đến, chúng ta sẽ được chứng kiến một sự đổi thay, một loại đổi thay hết sức đặc biệt, trong khung cảnh nơi đây”.
“Phải, tôi đoán như hiện giờ chưa phải lúc đẹp nhất của khuôn viên. Nhưng chân thành mà nói với chú, Stevens ạ, tôi đang không chú ý tới sự huy hoàng của tự nhiên cho lắm. Tình hình khá là đáng ngại. Cái ông Dupont đó đã đến, trong tâm trạng khó có thể cáu bẳn hơn. Quả là điều bất lợi nhất cho chúng ta lúc này”.
“Ông Dupont đã tới nhà này ư, thưa ngài?”.
“Khoảng nửa tiếng trước. Thái độ cáu bẳn kinh dị”.
“Xin phép ngài. Tôi phải tới hầu ông ta ngay lập tức”.
“Đương nhiên rồi, Stevens ạ. Ờ, chú ra đây nói chuyện với tôi thật tử tế quá”.
“Xin ngài cho phép, thưa ngài. Thực tình là tôi còn dăm ba điều cần nói về đề tài, như chính ngài đã diễn đạt, sự huy hoàng của tự nhiên. Nếu ngài chịu bỏ công lắng nghe thì tôi sẽ lấy làm hân hạnh lắm. Nhưng tôi e rằng sẽ phải chờ tới dịp khác thôi”.
“Tôi rất trông chờ dịp ấy, Stevens ạ. Dù tôi thì rành cá hơn. Tôi biết tất tật mọi điều về cá, cả nước ngọt lẫn nước mặn”.
“Mọi sinh vật sống đều sẽ liên quan tới cuộc đàm luận tới đây giữa chúng ta, thưa ngài. Tuy nhiên, lúc này tôi phải xin cáo lui. Tôi không hề biết ông Dupont đã đến”.
Tôi vội vã trở lại nhà, và lập tức thấy anh hầu nhất ra đón, miệng nói, “Chúng tôi tìm ngài khắp nơi, thưa ngài. Vị khách người Pháp vừa tới”.
Ông Dupont vóc người cao, phong cách thanh lịch, chòm râu bạc, đeo kính một mắt. Ông ta tới trong lối ăn mặc người ta thường thấy ở các vị khách đại lục khi đi nghỉ mát, và thực vậy, suốt thời gian lưu lại, ông ta sẽ cất công duy trì bộ dạng mình đến Dinh Darlington chỉ đơn thuần để tiêu khiển và hưởng tình bằng hữu. Như anh Cardinal đã cho biết, ông Dupont tới nơi trong tâm trạng không mấy dễ chịu; đến giờ tôi không còn nhớ hết rất nhiều chuyện khác nhau đã khiến ông bực mình kể từ khi vừa đặt chân đến Anh mấy ngày trước, nhưng trên hết, chân ông đã mọc lên mấy vết loét rất đau trong quá trình ngoạn cảnh London, và ông sợ đã bị nhiễm trùng. Tôi chỉ dẫn tùy tùng của ông tới chỗ cô Kenton, nhưng vẫn không tránh được việc ông Dupont cứ đôi tiếng lại bật ngón tay vào mặt tôi mà bảo, “Quản gia! Ta cần thêm băng gạc”.
Tâm trạng ông có vẻ khá lên nhiều khi gặp được ông Lewis. Ông khách mới và viên thượng nghị sĩ Mỹ chào hỏi nhau như những đồng sự cũ, và hầu như từ đó đến hết ngày họ đều ở bên nhau, cười đùa ôn chuyện xưa. Thực tế là, có thể thấy rõ sự hiện diện gần như thường trực của ông Lewis quanh ông Dupont đương trở nên một điều bất tiện nghiêm trọng với Huân tước Darlington, vì ngài, đương nhiên, đang rất mong mỏi được thiết lập quan hệ gần gũi với vị khách danh giá này trước khi hội đàm bắt đầu. Trong vài dịp tôi được chứng kiến cảnh huân tước tìm cách kéo riêng ông Dupont ra một góc để trò chuyện tay đôi, nhưng rồi ông Lewis với nụ cười trên môi chen vào cùng câu nhận xét đại loại, “Pardon*, thưa hai ngài, nhưng có chuyện này làm tôi băn khoăn quá”, thế là trong chốc lát huân tước đã thấy mình phải làm thính giả cho những chuyện tiếu lâm thường lệ của ông Lewis.
*[Xin thứ lỗi. (tiếng Pháp)]
Tuy nhiên, ngoài ông ta, những vị khách khác đều vì kinh sợ hay vì cảm giác đối địch mà đề phòng giữ khoảng cách với ông Dupont, và dù không khí chung là dè dặt thì thái độ ấy vẫn nổi bật hẳn lên, dường như càng khẳng định cảm giác rằng chính ông Dupont là người cách nào đó nắm giữ kết quả những ngày sắp tới.
* * *
Cuộc hội đàm bắt đầu vào một sáng có mưa tuần cuối cùng tháng Ba năm 1923, trong bối cảnh có phần khó ngờ đến là phòng tiếp tân - lựa chọn này là để đáp ứng điều kiện “kín” của rất nhiều người tham dự. Thực tế là, theo như tôi thấy, cố gắng duy trì cảm giác không chính thức đã bị đẩy tới mức hơi nực cười. Nhìn căn phòng khá nữ tính ấy ngồi chật bao nhiêu vị quan khách áo vét đen, khuôn mặt nghiêm khắc, ngồi kề vai có khi ba bốn người trên xô pha, đã đủ bất thường; nhưng một số người quyết tâm tạo vẻ rằng đây chẳng qua là một buổi gặp xã giao tới mức họ còn thực sự bỏ tờ báo ra mở trong lòng.
Suốt trong buổi sáng đầu tiên ấy, bổn phận quản gia đòi hỏi tôi phải liên tục ra ra vào vào phòng tiếp tân, không thể theo dõi đầy đủ diễn biến hội đàm. Nhưng tôi nhớ Huân tước Darlington đã khai mạc bằng lời chào chính thức tới mọi quan khách, trước khi chuyển sang trình bày khái quát về mệnh lệnh đạo đức cấp thiết phải nới lỏng rất nhiều điều khoản của hòa ước Versailles, và nhấn mạnh cảnh ngộ lầm than mà ngài đã tận mắt chứng kiến ở Đức. Dĩ nhiên tôi đã nhiều dịp được nghe huân tước bộc lộ những tình cảm ấy, nhưng trong khung cảnh long trọng này, huân tước phát biểu với một niềm tin sâu đậm tới mức tôi không thể không cảm động như mới lần đầu. Tiếp theo tới lượt Sir David Cardinal phát biểu, và dầu cho tôi đã bỏ mất không nghe được phần lớn bài nói của ông, thì bài nói ấy có vẻ nặng tính chuyên môn, và nói thành thực là hơi quá tầm của tôi. Nhưng ý hướng chung của ngài có vẻ cũng sát với huân tước, và ngài kết luận bằng cách kêu gọi đóng băng những khoản bồi thường chiến tranh của Đức, cũng như cho rút lui quân Pháp đương đóng ở vùng Ruhr. Sau đó đến lượt nữ bá tước người Đức lên tiếng, nhưng chính đến lúc này, vì nguyên do nào đó giờ tôi không còn nhớ, tôi buộc phải rời khỏi phòng trong một khoảng thời gian khá lâu. Tới khi tôi quay trở vào, cử tọa đã chuyển sang tranh luận công khai, và cuộc thảo luận của họ - đề cập rất nhiều đến thương mại cùng lãi suất - vượt xa ngoài tầm hiểu biết của tôi.
Ông Dupont, theo chừng mực tôi quan sát được, không đóng góp gì vào cuộc tranh luận, và xét vẻ mặt lầm lầm của ông cũng khó đoán được ông có để tâm lắng nghe những điều họ nói hay là đương chìm đắm vào những ý nghĩ riêng nào khác. Tới một lúc, khi tôi có việc rời khỏi phòng giữa chừng bài phát biểu của một vị khách Đức, ông Dupont bỗng đứng lên theo tôi ra ngoài.
“Quản gia”, ông ta nói khi chúng tôi đã ra sảnh, “anh tìm người thay băng chân cho ta được không. Chân đau làm ta khó chịu quá, khó mà lắng nghe mấy vị kia được”.
Theo như tôi nhớ, tôi vừa chuyển lời cầu viện đến cô Kenton - đương nhiên là qua một người đưa tin - và để ông Dupont ngồi lại trong phòng bi-a chờ người đến chăm sóc, thì người hầu nhất hối hả chạy xuống cầu thang, vẻ rất phiền não, báo rằng cha tôi vừa đổ ốm trên tầng.
Tôi vội vàng đi lên tầng một, vừa quay người ở chiếu nghỉ thì bắt gặp một cảnh tượng lạ lùng. Ở đầu kia hành lang, gần như ngay trước cửa sổ lớn lúc này đương ngập tràn mưa và ánh sáng xám, là cha tôi, trong một tư thế cứng đờ như thể vừa thực hiện một nghi lễ long trọng nào đấy. Ông đã quỳ sụp trên một đầu gối, đầu cúi xuống, trông như đương đẩy cỗ xe đằng trước mà tuồng như vì nguyên do nào đó bỗng ương bướng không chịu nhúc nhắc. Hai cô hầu buồng giữ ý đứng xa một quãng, có phần kính sợ theo dõi nỗ lực của ông. Tôi đến bên cha, gỡ hai bàn tay đương bám chắc vào mép xe đẩy, từ từ dìu ông nằm xuống thảm. Mắt ông nhắm lại, khuôn mặt xám đi, trán lấm tấm mồ hôi. Có thêm người được gọi đến giúp, một chiếc ghế có bánh xe kịp thời được đưa tới, cha tôi được đưa lên phòng.
Sau khi ông đã được đặt nằm xuống giường, tôi nhất thời không biết nên xử trí tiếp ra sao; bởi mặc dầu bỏ lại cha trong tình trạng ấy có vẻ là điều không nên, thì tôi cũng không thể nấn ná thêm giây nào nữa. Trong lúc tôi đứng lưỡng lự ở ngưỡng cửa như vậy, cô Kenton xuất hiện bên tôi nói, “Ông Stevens, hiện tại tôi đang nhiều thời gian hơn ông một chút. Nếu ông muốn, tôi sẽ trông nom cụ nhà. Tôi sẽ đưa bác sĩ Meredith lên đây và báo với ông nếu bác sĩ có điều gì cần dặn dò”.
“Cám ơn cô, cô Kenton”, tôi nói và cáo từ.
Khi tôi quay lại phòng tiếp tân, một vị giáo chức đương nói về cảnh ngộ của đám trẻ con ở Berlin. Ngay lập tức tôi đã luôn tay luôn chân tiếp trà và cà phê cho khách khứa. Tôi để ý thấy một vài vị đương uống rượu mạnh, và một hai người khác, bất chấp hai vị khách nữ có mặt, còn bắt đầu châm thuốc. Như tôi nhớ, tôi vừa rời khỏi phòng tiếp tân, cầm theo ấm trà đã cạn, thì cô Kenton dừng tôi lại bảo, “Ông Stevens, bác sĩ Meredith chuẩn bị ra về”.
Cô vừa nói thế, tôi cũng nhìn thấy vị bác sĩ khoác áo đi mưa và đội mũ trong sảnh, bèn ra chỗ ông, vẫn cầm ấm trà trong tay. Người bác sĩ hầm hứ nhìn tôi. “Cha ông không ổn lắm đâu”, ông nói. “Nếu ông ấy trở nặng hơn thì gọi tôi lập tức”.
“Vâng, thưa ngài. Cảm ơn ngài rất nhiều”.
“Cha ông bao nhiêu tuổi rồi, Stevens?”.
“Bảy mươi hai, thưa ngài”.
Bác sĩ Meredith ngẫm nghĩ về thông tin đó, rồi nhắc lại, “Nếu ông ấy trở nặng hơn thì gọi tôi lập tức”.
Tôi cảm ơn vị bác sĩ lần nữa rồi đưa ông ra ngoài.
* * *
Chính vào chiều hôm ấy, gần như ngay trước bữa tối, tôi nghe lọt cuộc trò chuyện giữa ông Lewis và ông Dupont. Tôi có việc gì đó phải đi lên phòng ông Dupont, chuẩn bị gõ cửa, nhưng theo thói quen, trước khi gõ tôi ngưng lại một giây bên cửa lắng nghe. Có thể bản thân quý vị không quen thực hiện sự đề phòng nhỏ như vậy nhằm tránh gõ cửa vào một lúc đặc biệt không thích hợp, nhưng tôi vẫn luôn làm vậy và có thể khẳng định đây là thói quen phổ biến trong nghề. Nói vậy có nghĩa là, tự thân hành động như vậy không mang ý đồ vụng trộm, và nhất là tôi lại càng không có ý muốn nghe lỏm đến mức độ như chiều tối hôm ấy. Tuy nhiên, run rủi thế nào mà khi áp tai lên cửa phòng ông Dupont, giọng nói tôi nghe thấy lại là ông Lewis, và dầu cho nay không còn nhớ đích xác những từ đầu tiên thực sự lọt tai, thì chính âm điệu tiếng ông mới đánh thức nghi ngờ trong tôi. Trong tai tôi vẫn là cái giọng hiền hòa, lề rề đã gây cảm tình cho rất nhiều vị khách từ khi ông tới, vậy nhưng giờ giọng nói đó lại có chút gì lẩn lút thấy rõ. Chính cảm giác này, cùng với việc ông ta đương ở trong phòng ông Dupont, nhiều khả năng đương chèo kéo nhân vật tối quan trọng ấy, đã khiến tôi chùn tay không gõ cửa mà tiếp tục lắng nghe.
Độ dày cửa buồng ngủ ở Dinh Darlington khiến tôi không cách nào nghe được trọn vẹn từng đoạn đối thoại; vì thế mà tôi khó nhớ được chính xác mình đã nghe thấy những gì ở thời điểm bây giờ, cũng như, thực vậy, chiều hôm đó khi tôi tường thuật lại sự việc với huân tước. Tuy thế, nói vậy không có nghĩa là tôi không có được ấn tượng khá rành mạch về những gì đương diễn ra trong phòng. Về cơ bản, vị khách người Mỹ trình bày quan điểm rằng huân tước cùng những thành viên khác trong hội đàm đương lèo lái ông Dupont; rằng ông Dupont đã bị cố tình mời đến muộn hơn để người khác có thể bàn bạc những đề tài quan trọng trong khi ông ta vắng mặt; rằng ngay cả khi ông ta đã tới nơi, vẫn phải nhận thấy là huân tước liên tục thảo luận riêng với những đại biểu quan trọng nhất mà không mời ông Dupont. Sau đó ông Lewis chuyển sang tường thuật lại một vài nhận xét của huân tước cùng những người khác vào bữa tối ngày đầu tiên ông ta tới.
“Nói đằng thẳng ra thì, ông ạ”, tôi nghe ông Lewis nói, “tôi thấy ghê sợ cái thái độ của họ đối với đồng bào ông. Họ còn dùng hẳn những chữ như là man rợ với lại đáng khinh. Thực tế là tôi đã chép lại mấy chữ ấy vào nhật ký chỉ sau đó có vài giờ”.
Ông Dupont đáp lại ngắn gọn nhưng tôi không nghe được, rồi ông Lewis nhắc lại, “Nói ông nghe, tôi thấy ghê sợ. Nói về một đồng minh kề vai sát cánh mới vài năm trước mà lại đi dùng những từ như vậy ư?”.
Đến giờ thì tôi không còn nhớ rõ rốt cuộc mình có gõ cửa không; rất có thể, do những điều đáng cảnh giác vừa nghe được, tôi đã kết luận khôn ngoan nhất là rút lui. Dẫu sao đi nữa, tôi cũng không ở lại lâu - như tôi buộc phải giải thích với huân tước một chốc sau - đủ để có được bất cứ thông tin gì về phản ứng của ông Dupont trước những nhận định của ông Lewis.
Ngày hôm sau đó, cuộc bàn luận trong phòng tiếp tân có vẻ căng thẳng hơn hẳn một bậc, và tới giờ ăn trưa lời lẽ đã trở nên khá gay gắt. Cảm giác của tôi là rất nhiều phát ngôn, với giọng điệu buộc tội và sự táo bạo ngày càng tăng, được nhằm về phía ghế bành nơi ông Dupont ngồi vân vê bộ râu, không nói gì mấy. Cứ mỗi khi đến giờ giải lao, như tôi nhận thấy, và hẳn nhiên huân tước cũng nhận thấy với chút lo lắng, là ông Lewis lại nhanh chóng kéo ông Dupont ra góc này hay góc khác, nơi họ có thể kín đáo hội ý với nhau. Thực vậy, còn có một lần ngay sau bữa trưa, tôi nhớ mình đã bắt gặp hai vị đó nói chuyện khá lén lút ngay phía sau cửa thư viện, và có ấn tượng rành rành rằng họ đã cắt đứt câu chuyện khi thấy tôi đến gần.
Suốt thời gian đó, tình trạng cha tôi không thuyên giảm mà cũng không trầm trọng hơn. Cứ như tôi hiểu thì ông hầu như chỉ ngủ, và thực vậy, trong một vài dịp rảnh rỗi hiếm hoi tôi lên đến phòng gác mái, ông đều đang ngủ. Vậy nên tôi không có dịp thực sự chuyện trò với ông mãi cho đến buổi tối hai hôm sau khi ông ngã bệnh trở lại.
Dịp này nữa, cha tôi cũng đương ngủ khi tôi vào phòng. Nhưng cô hầu buồng được cô Kenton cắt ở lại trông nom ông thấy tôi bèn đứng dậy ra lay vai cha tôi.
“Cô ngốc này!”, tôi kêu lên. “Cô làm cái gì vậy chứ?”.
“Ông Stevens nói hãy đánh thức ông ấy nếu ngài quay lại, thưa ngài”.
“Cứ để cha tôi ngủ tiếp. Ông ốm là vì kiệt sức thôi”.
“Ông ấy buộc tôi làm thế, thưa ngài”, cô ta đáp và lại lay vai cha tôi.
Cha tôi mở mắt, hơi xoay đầu trên gối nhìn tôi.
“Tôi hy vọng giờ cha đã cảm thấy khá hơn rồi”, tôi nói.
Ông cứ chăm chăm nhìn tôi một lát, rồi hỏi, “Mọi thứ dưới nhà vẫn trong tầm kiểm soát chứ?”.
“Tình hình có phần náo loạn. Giờ vừa qua sáu giờ chiều, nên hẳn cha có thể tưởng tượng được không khí trong nhà bếp vào lúc này”.
Vẻ bực dọc thoáng qua mặt cha tôi. “Nhưng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát chứ?”, ông nhắc lại.
“Vâng, tôi dám chắc cha có thể yên tâm về phần đó. Tôi rất mừng khi thấy cha khá hơn”.
Có phần cẩn trọng, ông rút hai tay ra khỏi chăn và đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn hai mu bàn tay. Ông cứ nhìn như thế hồi lâu.
“Tôi rất mừng thấy cha khá hơn nhiều như vậy”, cuối cùng tôi nhắc lại. “Giờ thì tôi thực sự cần quay trở xuống rồi. Như tôi đã nói, tình hình có phần náo loạn”.
Ông tiếp tục nhìn hai tay một lúc. Rồi ông chậm chạp nói, “Cha hy vọng cha đã là một người cha tốt”.
Tôi cười khẽ và đáp, “Con rất mừng thấy cha đã khá hơn”.
“Cha rất tự hào về con. Con là một đứa con trai ngoan. Cha hy vọng cha đã là một người cha tốt. Nhưng chắc là không”.
“Hiện giờ e rằng chúng con đang bận khủng khiếp, nhưng sáng mai chúng ta có thể nói chuyện thêm”.
Cha tôi vẫn tiếp tục nhìn hai bàn tay như thể chúng làm ông hơi bực bội.
“Con rất mừng thấy cha đã khá hơn”, tôi nhắc lại và cáo từ.
* * *
Khi trở xuống, tôi thấy nhà bếp đã mấp mé náo loạn, và xét chung, đội ngũ nhân viên từ dưới lên trên đều chìm trong không khí căng thẳng tột đỉnh. Tuy nhiên tôi cũng vui mừng nhớ lại rằng tới khi bữa tối được dọn ra chừng một tiếng sau, nhìn nhân viên của tôi chỉ thấy có sự mẫn cán và điềm tĩnh một cách chuyên nghiệp.
Sảnh tiệc lộng lẫy ấy khi được khai thác hết khả năng của nó bao giờ cũng là một cảnh tượng đáng nhớ, và tối hôm ấy cũng không ngoại lệ. Dĩ nhiên hàng dãy san sát những quý ông lên dạ phục, áp đảo hẳn những đại diện của phái đẹp, có đưa lại ấn tượng tương đối khắc khổ; nhưng mặt khác vào thời ấy, hai cây đèn chùm lớn treo bên trên bàn vẫn còn thắp bằng khí ga, tỏa ánh sáng êm ả dịu nhẹ bàng bạc khắp phòng, chứ không phải lối sáng chói gắt gần đây kể từ hồi đổi sang bóng đèn điện. Vào bữa tối thứ hai và cũng là cuối cùng trong chuỗi hội đàm - hầu hết khách đã lên lịch cáo biệt sau bữa trưa ngày hôm sau - cử tọa đã mất đi phần lớn vẻ dè dặt thấy rõ suốt những ngày trước đó. Không chỉ câu chuyện bên bàn tuôn chảy thoải mái và ồn ã hơn, mà cả lượng rượu vang chúng tôi phải phục vụ cũng tăng vọt. Khi kết thúc bữa tối, mà xét từ quan điểm quản gia có thể thấy đã diễn ra trơn tru không mấy trở ngại, huân tước đứng dậy phát biểu trước tân khách.
Mở đầu, huân tước bày tỏ lòng biết ơn với tất cả mọi người tham dự, vì những đàm luận suốt hai ngày trước đó, “dù có nhiều lúc thẳng thắn tới mức hăng hái”, đã diễn ra trong tinh thần hữu ái và ước nguyện muốn xiển dương cái thiện. Sự đoàn kết mà ngài được chứng kiến hai ngày vừa qua còn lớn hơn nhiều ngài từng dám mong muốn, và buổi thảo luận cuối cùng để “chốt lại” sáng ngày mai, ngài tin sẽ đầy những lời cam kết của mỗi người tham dự sẽ thực hiện những hành động thích hợp với mỗi người trước khi bắt đầu cuộc hội thảo quốc tế quan trọng ở Thụy Sĩ. Tới khúc này - và tôi không biết có phải huân tước đã định tâm làm vậy từ trước không - ngài chuyển sang những kỷ niệm về ông bạn quá cố, Herr Karl-Heinz Bremann. Điều này có hơi tai hại, bởi đấy là một đề tài mà huân tước hết sức tâm huyết, và ngài có thói quen diễn giải hết sức tỉ mỉ chi tiết. Có lẽ cần phải nói thêm rằng Huân tước Darlington không phải loại người có thể gọi là diễn giả bẩm sinh, và chẳng mấy chốc những âm thanh trở mình khe khẽ cho thấy cử tọa đã mất hứng thú dần dà nổi lên khắp phòng. Thực tế là tới thời điểm Huân tước Darlington cuối cùng cũng mời tất cả quan khách đứng lên nâng cốc vì “hòa bình và công lý ở Âu châu”, những âm thanh loại ấy - có lẽ cũng vì lượng vang dồi dào đã tiêu thụ - đã lên tới mức khiến tôi thấy mấp mé bờ vô lễ.
Các thực khách vừa ngồi xuống, chuyện trò vừa mới lại bắt đầu, thì bỗng đâu nổi lên tiếng gõ tay vào gỗ rất quyền thế, ông Dupont đứng dậy. Ngay lập tức, khắp phòng lặng đi. Vị khách đặc biệt nhìn một vòng quanh bàn, ánh mắt gần như khắc nghiệt. Rồi ông nói: “Tôi hy vọng mình không ngáng trở một bổn phận đã trao cho người khác đang có mặt ở đây, nhưng tôi chưa hề nghe thấy ai lên tiếng đề nghị nâng cốc cảm tạ chủ nhà của chúng ta, Huân tước Darlington hết sức nhân hậu và đáng kính”. Chung quanh lầm rầm tán đồng. Ông Dupont nói tiếp, “Rất nhiều điều đáng chú ý đã được nói ra ở nhà này trong những ngày vừa qua. Rất nhiều điều hệ trọng”. Ông ta ngừng, và giờ đây sự im lặng tuyệt đối ngự trị khắp phòng.
“Đã có nhiều điều”, ông nói tiếp, “nói ra hàm ý hoặc không, nhằm chỉ trích - từ đó cũng không nặng quá - chỉ trích chính sách ngoại giao của nước tôi”. Ông ta lại ngừng, vẻ mặt khá nghiêm khắc. Thậm chí người ta có thể cho là ông đương tức giận. “Trong hai ngày vừa qua chúng ta đã được nghe một số phân tích hết sức thấu đáo và thông minh về tình hình hết sức phức tạp hiện tại ở châu Âu. Nhưng không phân tích nào, tôi xin phép nói vậy, tỏ ra hiểu đầy đủ những lý do khiến nước Pháp giữ thái độ như vậy đối với quốc gia lân bang của mình. Tuy nhiên”, ông giơ một ngón tay, “đây không phải lúc đi vào những tranh luận kiểu đó. Thực tế, tôi đã chủ động tránh tham gia những tranh luận kiểu đó trong mấy ngày vừa qua, bởi tôi đến đây chủ yếu để lắng nghe. Và giờ thì xin phép nói rằng tôi đã rất ấn tượng với một vài lập luận được nghe trong dịp này. Nhưng ấn tượng tới mức nào, các ông có thể hỏi như vậy”. Ông Dupont lại ngừng, và ln này đưa ánh mắt gần như thong thả lướt khắp mọi khuôn mặt đương chú mục vào ông. Rồi cuối cùng ông cũng nói, “Thưa các ông - và các bà nữa, pardon - tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những chuyện này, và nay tôi muốn nói trên nguyên tắc mật với các vị, rằng mặc dù giữa tôi cùng rất nhiều người có mặt tại đây hẵng còn rất nhiều bất đồng về cách diễn giải những gì đang thực sự diễn ra ở châu Âu ngay lúc này, thì bất chấp điều đó, về các điểm chính đã được nêu lên trong căn nhà này, tôi đã tin, thưa các ngài, tin vào cả tính công bằng và tính khả thi của chúng”. Tiếng rì rầm nổi lên quanh bàn dường như chứa cả nhẹ nhõm lẫn đắc thắng, nhưng lần này ông Dupont hơi rướn giọng lên tuyên bố át đi, “Tôi rất vui được cam đoan với tất cả các vị ở đây rằng với chút ảnh hưởng nhỏ nhoi mà tôi có, tôi sẽ khuyến khích một vài thay đổi về trọng tâm của chính sách đối ngoại Pháp trên tinh thần hầu hết những gì được nói đến ở đây. Và tôi sẽ cố gắng làm sao cho kịp thời gian diễn ra hội thảo Thụy Sĩ”.
Một tràng vỗ tay ran lên quanh bàn, và tôi thấy huân tước cùng Sir David đưa mắt nhìn nhau. Ông Dupont giơ một tay lên, để cảm ơn hay ngăn lại tràng vỗ tay thì không rõ.
“Nhưng trước khi chuyển qua cám ơn người chủ nhà của chúng ta, Huân tước Darlington, tôi có một bầu tâm sự nhỏ cần trút bỏ. Có thể một vài người trong các ngài sẽ nói rằng đi trút những tâm sự như vậy giữa bàn tiệc là không phải phép”. Câu nói được đón nhận bằng tràng cười ồn ã. “Tuy nhiên, về những chuyện như vậy, tôi nghĩ thẳng thắn là hơn. Cũng như ta nhất thiết phải bày tỏ một cách chính thức và công khai lòng cảm ơn với Huân tước Darlington, người đã đưa chúng ta lại đây, đã tạo điều kiện cho tinh thần đoàn kết và thiện ý như ta đang chứng kiến, thì tôi tin rằng ta cũng nhất thiết phải công khai khiển trách bất kỳ ai đến đây chỉ để lạm dụng lòng hiếu khách của chủ nhà, và dành công sức vào việc thuần gieo rắc bất mãn và nghi hoặc. Những người như vậy không chỉ đáng khinh miệt trong giao tiếp thông thường, mà trong bầu không khí chính trị hiện thời họ là những kẻ đặc biệt nguy hiểm”. Ông ta lại ngừng, và lần nữa cả phòng im lặng tuyệt đối. Ông Dupont nói tiếp, giọng điềm đạm cố ý, “Câu hỏi duy nhất của tôi về phần ông Lewis là, lối cư xử khả ố của ông ta đặc trưng cho thái độ của chính quyền Hoa Kỳ đương thời tới mức nào? Thưa các bà các ông, cho phép tôi mạo muội đưa ra phỏng đoán, bởi một người đã có khả năng dối hoặc tới mức độ như ông ta thể hiện mấy ngày vừa qua thì khó có thể mong đợi đưa ra một đáp án thành thực được. Vậy nên tôi mạo muội đoán thế này. Đương nhiên, Hoa Kỳ lo ngại chúng ta sẽ không trả nợ được cho họ trong trường hợp những khoản bồi thường chiến tranh của Đức bị đóng băng. Nhưng trong sáu tháng vừa qua tôi đã có nhiều dịp thảo luận về chính vấn đề này với một số người Mỹ ở các vị trí rất cao cấp, và tôi cảm thấy rằng tư duy chung ở nước đó có tầm nhìn xa hơn nhiều những gì người đồng hương của họ thể hiện tại đây. Tất cả những ai trong chúng ta ưu tư về sự hưng vượng tương lai của châu Âu sẽ yên lòng khi biết rằng ông Lewis giờ đây - chúng ta nên nói thế nào nhỉ? - chẳng còn giữ lại mấy tầm ảnh hưởng của ông ta lúc trước. Có thể các ngài sẽ nghĩ rằng tôi nói công khai ra những chuyện như vậy là nghiệt ngã không phải lối. Nhưng sự thực, thưa các bà các ông, tôi đang tỏ ra nhân đạo. Các ngài biết đấy, tôi đang kìm lại không kể ra những gì vị khách này đã nói với tôi - về tất cả các ngài. Bằng một phương cách hết sức vụng về, với độ táo tợn và thô thiển khiến tôi phải sửng sốt. Nhưng khiển trách đến đó là đủ rồi. Giờ là lúc chúng ta nói lời cảm ơn. Vậy thưa các bà các ông, xin hãy cùng tôi nâng ly cảm tạ Huân tước Darlington”.
Ông Dupont không nhìn lấy một lần về phía ông Lewis suốt trong bài nói ấy, và thực vậy, sau khi cả bàn đã uống mừng huân tước rồi lại ngồi xuống, tất cả mọi người bên bàn dường như đều gắng sức tránh nhìn về phía vị khách người Mỹ. Sự im lặng kém dễ chịu kéo dài một lúc, rồi cuối cùng ông Lewis cũng đứng lên. Ông ta vẫn mỉm cười hòa nhã như thường lệ.
“À, vì hôm nay ai nấy đều muốn phát biểu, có lẽ tôi cũng nên làm một bài”, ông ta nói, và nghe giọng thì thấy ngay ông đã uống không phải là ít. “Tôi chẳng có gì đáp lại những điều tầm bậy mà ông bạn Pháp của chúng ta vừa thốt ra. Ăn nói kiểu đó tôi đơn giản là mặc kệ. Tôi đã gặp khối người thử tìm cách bịp tôi rồi, và nói các vị nghe, thưa các vị, rất ít người làm được. Rất ít người làm được”. Ông Lewis ngừng lại, và trong một chốc, tuồng như ngắc ngứ không biết nói gì tiếp theo. Cuối cùng ông ta lại mỉm cười và nói, “Như tôi vừa nói, tôi sẽ không phí thời gian cho ông bạn Pháp ngồi đằng kia. Nhưng sự thực là tôi đúng là có điều cần nói. Vì giờ ai nấy đều thích thẳng thắn, tôi cũng sẽ thẳng thắn luôn. Các quý ông ngồi đây, nói bỏ quá cho, các vị chỉ là một bầy mơ mộng ngây ngô. Và nếu không nằng nặc đòi nhúng tay vào những việc lớn lao khuấy động cả địa cầu thì các vị cũng dễ thương ra phết. Đơn cử ông chủ nhà tốt bụng của chúng ta ở đây nào. Ông ấy là ai? Ông ấy là một người quân tử. Tôi tin là ở đây sẽ không ai có bụng phản đối điều đó. Một nhà quý tộc Anh quốc điển hình. Đàng hoàng, thành thực, giàu thiện ý. Nhưng huân tước của chúng ta là một tay nghiệp dư”. Ông ta dừng lại sau chữ đó và nhìn quanh bàn. “Ông ấy là một tay nghiệp dư và đối ngoại quốc tế ngày nay không còn dành cho những nhà quý tộc nghiệp dư. Các ông ở châu Âu đây càng nhận ra sớm sẽ càng tốt. Tất cả các nhà quý tộc đàng hoàng và thiện ý các ông, cho phép tôi hỏi, các ông có ai biết thế giới xung quanh các ông đang trên đường trở thành cái giống gì không? Cái thời các ông có thể cư xử theo tiếng gọi của lương tâm cao quý của các ông đã hết rồi. Chỉ có điều, đương nhiên, các ông ở châu Âu đây hình như vẫn còn chưa biết vậy. Những người quý tộc như vị chủ nhà tốt bụng của chúng ta vẫn còn nghĩ việc của mình là nhúng tay vào những thứ mình không hiểu. Quá nhiều điều bá láp đã được nói ra ở đây trong hai ngày vừa qua. Thiện ý và ngây ngô bá láp. Các ông ở châu Âu đây cần có những tay chuyên nghiệp để điều hành đất nước của các ông. Nếu không sớm nhận ra thì các ông đang đi thẳng tới thảm họa đấy. Nào các quý ông, xin mời nâng cốc. Xin phép cho tôi nâng cốc. Mừng tính chuyên nghiệp”.
Cả phòng chìm trong im lặng điếng người, không ai cử động. Ông Lewis nhún vai, nâng ly chào toàn cử tọa, đưa lên miệng uống rồi ngồi lại xuống. Gần như ngay lập tức, Huân tước Darlington đứng lên.
“Tôi không hề muốn sa vào tranh cãi”, huân tước nói, “vào buổi tối cuối cùng chúng ta ở bên nhau, mà chúng ta xứng đáng được tận hưởng như một dịp vui vẻ và đắc ý. Nhưng chính vì tôn trọng quan điểm của ông, thưa ông Lewis, mà tôi cảm thấy không nên đơn thuần bỏ qua như lời lẽ từ miệng một tay lập dị cướp diễn đàn. Cho phép tôi nói câu này. Điều mà ông miêu tả bằng từ nghiệp dư, thưa ông, thì tôi nghĩ hầu hết chúng tôi ở đây vẫn còn muốn gọi bằng từ danh dự”.
Chung quanh râm ran hưởng ứng, có mấy người thốt lên “hay, hay lắm” hoặc vỗ tay.
“Thêm nữa, thưa ông”, huân tước vẫn nói tiếp, “tôi nghĩ mình khá hiểu về thứ mà ông gọi bằng hai chữ chuyên nghiệp. Có vẻ hai chữ đó có nghĩa là đạt được mục đích của mình nhờ thủ đoạn và lừa dối. Có vẻ nghĩa là tuân theo sự chỉ đạo của lòng tham và hãnh tiến thay vì nghe theo lòng thiện và ước muốn được thấy công lý ưu thắng trên mặt đất này. Nếu đấy là tính chuyên nghiệp mà ông nói đến, thưa ông, thì tôi đánh giá rất thấp và chẳng hề có ý muốn đạt được thứ chuyên nghiệp đó”.
Đến đây nổ ra tràng hưởng ứng ồn ã nhất từ đầu đến giờ, tiếp đó là tiếng vỗ tay nồng nhiệt kéo dài hồi lâu. Tôi nhìn thấy ông Lewis mỉm cười với ly vang và lắc đầu chán ngán. Chính vào khoảng lúc này, tôi nhận ra anh hầu nhất đương đứng cạnh tôi thì thào: “Thưa ngài, cô Kenton có lời muốn nói với ngài. Cô ấy đứng ngay ngoài cửa”.
Tôi lui ra hết sức kín đáo đúng lúc huân tước, vẫn chưa ngồi xuống, đương bắt qua một luận điểm mới.
Cô Kenton trông khá buồn bực. “Cha ông đã nặng đi thấy rõ, ông Stevens ạ”, cô nói. “Tôi đã cho gọi bác sĩ Meredith rồi, nhưng theo tôi hiểu ông ấy có thể bị chậm trễ một chút”.
Chắc trông tôi có vẻ hơi rối trí, vì lúc đó cô Kenton nói tiếp, “Ông Stevens, tình trạng cha ông thực sự đang rất tệ. Ông nên lên đó gặp ông ấy thì hơn”.
“Tôi chỉ rảnh được một giây thôi. Các vị trong kia có thể qua phòng hút thuốc nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào”.
“Phải rồi. Nhưng ông phải đi ngay bây giờ, ông Stevens, nếu không sau này ông có thể hối tiếc vô cùng đấy”.
Cô Kenton đã bắt đầu dẫn đường, và chúng tôi hối hả đi suốt căn nhà lên tới căn phòng áp mái nhỏ của cha tôi. Bà đầu bếp Mortimer đang đứng bên đầu giường cha tôi, vẫn còn để tạp dề.
“Ôi ông Stevens ơi”, bà ta kêu lên khi thấy chúng tôi vào, “ông cụ nặng đi nhanh quá”.
Thực vậy, khuôn mặt cha tôi đã chuyển màu đo đỏ khá xỉn, tôi chưa từng thấy sắc đó trên mặt bất kỳ sinh vật nào còn sống. Tôi nghe tiếng cô Kenton khe khẽ sau lưng, “Mạch ông ấy yếu lắm rồi”. Tôi nhìn chăm chăm vào cha tôi một lúc, sờ nhẹ lên trán ông, rồi rút tay lại.
“Theo ý tôi”, bà Mortimer nói, “ông cụ vừa bị đột quỵ. Đời tôi đã thấy cảnh đó hai lần rồi và tôi nghĩ ông cụ vừa bị đột quỵ”. Đến đó, bà ta khóc. Tôi nghe mùi mỡ và thịt nướng tỏa ra nồng nặc từ bà ta. Tôi ngoảnh đi, nói với cô Kenton, “Đây thực là một điều đáng buồn. Tuy nhiên, tôi đã đến lúc phải xuống nhà rồi”.
“Đương nhiên rồi, ông Stevens. Tôi sẽ báo với ông chừng nào bác sĩ tới. Hoặc nếu có gì thay đổi”.
“Cảm ơn cô, cô Kenton”.
Tôi vội vã xuống nhà, vừa kịp thấy quan khách tiến vào phòng hút thuốc. Mấy anh hầu có vẻ nhẹ nhõm khi thấy tôi, và tôi lập tức ra hiệu cho họ vào vị trí.
Dầu có điều gì xảy ra trong sảnh tiệc sau khi tôi rời khỏi đó thì giờ đây, không khí giữa các vị khách cũng mang vẻ vui mừng thành thực. Khắp quanh phòng hút thuốc chỉ thấy từng tốp khách cười lớn và vỗ vai nhau. Ông Lewis, trong chừng mực tôi có thể đoán biết, đã lui về phòng mình. Tôi thấy mình đang qua lại giữa các vị khách, bưng khay đựng chai port. Tôi vừa rót đầy ly cho một vị khách thì nghe có tiếng nói sau lưng mình, “A, Stevens, chú bảo chú thích cá thì phải”.
Quay lại, tôi nhận thấy anh Cardinal trẻ tuổi đang cười tươi rói với mình. Tôi cũng mỉm cười đáp, “Cá ư, thưa ngài?”.
“Hồi nhỏ tôi thường nuôi đủ thứ cá nhiệt đới trong bể. Phải nói là một cung hải dương tí hon đích thực. Mà này, Stevens, chú có sao không?”.
Tôi lại mỉm cười. “Tôi rất ổn, cảm ơn ngài đã quan tâm”.
“Rõ là đúng như chú nói, tôi thật tình nên trở lại đây vào mùa xuân. Hẳn là lúc ấy Dinh Darlington phải xinh đẹp lắm. Hình như lần gần nhất tôi tới đây cũng là mùa đông thì phải. Mà này, Stevens, chú có chắc là chú không sao không đấy?”.
“Tôi hoàn toàn ổn, cảm ơn ngài đã quan tâm”.
“Chú không khó ở đấy chứ?”.
“Không một chút nào, thưa ngài. Tôi xin thất lễ”.
Tôi tiếp tục phục vụ rượu cho vài vị khách khác. Bỗng có một tràng cười lớn sau lưng, tôi nghe tiếng vị giáo chức Bỉ kêu lớn: “Thật là tà đạo! Tà đạo thực sự!”, rồi bản thân cũng cười lớn theo. Cảm thấy có gì chạm vào khuỷu tay, tôi ngoảnh lại, nhận ra Huân tước Darlington.
“Stevens, anh có sao không?”.
“Không sao, thưa ngài. Tôi hoàn toàn ổn”.
“Trông anh như đang khóc ấy”.
Tôi bật cười, lấy khăn tay lau nhanh mặt. “Xin thứ lỗi, thưa ngài. Một ngày vất vả và căng thẳng”.
“Phải, hôm nay thực vất vả quá”.
Có người gọi huân tước, ngài quay đi đáp lại. Tôi sắp sửa bước thêm vài bước quanh phòng thì chợt thấy cô Kenton đứng bên kia cánh cửa mở, ra hiệu với tôi. Tôi bắt đầu đi về phía cửa, nhưng chưa đến nơi thì ông Dupont đã chạm vào cánh tay tôi.
“Quản gia”, ông ta nói, “không biết anh có tìm được cho ta ít băng gạc mới không. Chân ta lại chịu hết nổi rồi”.
“Vâng, thưa ngài”.
Khi đi tiếp ra cửa, tôi nhận ra ông Dupont đương đi theo mình. Tôi quay lại nói, “Tôi sẽ đến tìm ngài lập tức sau khi lấy đủ những đồ cần thiết, thưa ngài”.
“Quản gia, anh hãy nhanh lên cho. Ta đang bị đau đấy”.
“Vâng, thưa ngài. Vô cùng xin lỗi ngài”.
Cô Kenton vẫn còn đứng nguyên ngoài sảnh, nơi tôi vừa nhìn thấy cô. Khi tôi bước ra, cô lặng lẽ đi lại phía cầu thang, điệu bộ lạ thay không còn vẻ gấp gáp. Rồi cô quay lại nói, “Ông Stevens, tôi thật sự rất tiếc. Cha ông đã qua đời khoảng bốn phút trước”.
“Tôi hiểu rồi”.
Cô nhìn xuống hai bàn tay mình, rồi nhìn lên mặt tôi. “Ông Stevens, tôi thật sự rất tiếc”, cô nói. Rồi cô nói thêm, “Tôi ước gì mình có thể nói gì đó”.
“Không cần đâu, cô Kenton”.
“Bác sĩ Meredith vẫn chưa đến”. Rồi trong một khắc cô cúi đầu và một tiếng nấc buột khỏi miệng cô. Nhưng gần như lập tức, cô đã lấy lại vẻ nghiêm chỉnh và hỏi bằng giọng điềm đạm, “Ông sẽ lên với ông cụ chứ?”.
“Ngay lúc này thì tôi đang rất bận, cô Kenton. Có lẽ thêm một lát nữa”.
“Trong trường hợp đó, ông Stevens, ông sẽ cho phép tôi vuốt mắt cho ông cụ chứ?”.
“Nếu cô làm thế được thì tôi vô cùng biết ơn, cô Kenton”.
Cô bắt đầu đi lên cầu thang, nhưng tôi đã ngăn cô lại nói, “Cô Kenton, xin đừng nghĩ tôi cư xử sai trái không phải lối vì đã không lên chứng kiến trạng thái lâm chung của cha tôi vào thời điểm này. Cô hiểu không, tôi biết cha tôi sẽ muốn tôi tiếp tục như lúc này đây”.
“Đương nhiên rồi, ông Stevens”.
“Tôi cảm thấy nếu làm khác đi sẽ khiến ông thất vọng”.
“Đương nhiên rồi, ông Stevens”.
Tôi quay đi, chai port vẫn còn trên khay, trở lại phòng hút thuốc. Căn phòng tương đối nhỏ giờ đã thành một rừng áo dự tiệc màu đen, những mái đầu xám và khói xì gà. Tôi vòng vèo qua tân khách, tìm xem ly nào cần tiếp rượu. Ông Dupont vỗ vai tôi và nói, “Quản gia, anh đã thu xếp được cho ta chưa?”.
“Vô cùng xin lỗi, thưa ngài, nhưng ngay vào thời điểm này thì chưa thể sắp xếp được người trợ giúp”.
“Anh nói thế nghĩa là sao, quản gia? Anh đã hết trang bị y tế cơ bản hả?”.
“Tình hình là có một vị bác sĩ đang đến, thưa ngài”.
“À, tốt quá! Anh đã gọi bác sĩ”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Tốt, tốt”.
Ông Dupont tiếp tục cuộc chuyện trò còn tôi tiếp tục đi quanh phòng thêm một lát. Đến một lúc, nữ bá tước Đức hiện ra từ giữa các vị khách nam, và khi tôi còn chưa kịp phục vụ bà, bà đã tự mình rót ít port từ khay của tôi.
“Nhờ anh chuyển lời khen của tôi đến đầu bếp, Stevens ạ”, bà nói.
“Đương nhiên rồi, thưa bà. Xin cảm ơn bà”.
“Cả anh cùng đội ngũ nhân viên cũng xuất sắc lắm”.
“Cảm ơn bà rất đỗi, thưa bà”.
“Trong bữa ăn, Stevens ạ, có lúc tôi dám thề nhìn anh phải bằng ít nhất ba người một lúc”, bà nói và cười to.
Tôi cũng vội cười theo và nói, “Tôi rất mừng đã có ích cho bà, thưa bà”.
Một giây sau, tôi nhận thấy anh Cardinal trẻ tuổi ở cách mình không xa lắm, vẫn đương đứng một mình, và tôi chợt nghĩ rằng chàng trai trẻ có thể có phần hơi bị át vía giữa đám đông hiện tại. Dẫu sao ly của anh cũng đã cạn, nên tôi liền tiến về phía anh. Anh tuồng như tươi tỉnh hẳn lên khi thấy tôi lại gần, bèn chìa ly ra.
“Tôi nghĩ chú yêu thiên nhiên như vậy thì thật tuyệt vời, Stevens ạ”, anh nói khi tôi rót rượu. “Và tôi dám nói Huân tước Darlington được lợi rất nhiều khi có một cặp mắt lão luyện theo dõi công việc của người làm vườn”.
“Xin thứ lỗi, thưa ngài?”.
“Thiên nhiên ấy, Stevens ạ. Mới hôm nọ chúng ta vừa nói chuyện về sự kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Và tôi rất đồng ý với chú, chúng ta đều đã quá bàng quan với những điều kỳ diệu lớn lao tỏa khắp chung quanh ta”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Thử nghĩ xem, chúng ta cứ nói về những thứ chuyện gì. Hòa ước, rồi thì biên giới, rồi thì bồi thường và chiếm đóng các kiểu. Nhưng Mẹ thiên nhiên thì vẫn cứ tự mình yêu kiều thôi. Nghĩ mà buồn cười, chú thấy vậy không?”.
“Vâng, quả là có vậy, thưa ngài”.
“Tôi không biết liệu có tốt hơn chăng nếu như Đấng tối cao đã tạo ra tất cả chúng ta như là... ... như là các loại cây cỏ. Cắm chắc vào đất ấy, chú hiểu không. Thế thì ba cái chuyện nhố nhăng chiến tranh với chả biên giới này thậm chí còn chẳng tồn tại trên đời nữa là”.
Chàng trai trẻ có vẻ thấy đây là một ý nghĩ thú vị. Anh ta cười lên một tiếng, rồi nghĩ thêm một chút và lại cười thêm nữa. Tôi cũng cười góp cùng. Rồi anh huých tôi và bảo, “Chú tưởng tượng được không, Stevens?”, và lại cười to.
“Vâng, thưa ngài”, tôi cũng cười theo, “nếu được như thế thì quả là rất thú vị”.
“Nhưng chúng ta vẫn có thể có những vai như chú, đưa tin qua lại, bưng trà tới và vân vân. Nếu không thì làm sao chúng ta làm xong việc gì được? Chú tưởng tượng được không, Stevens? Ai cũng cắm rễ trong đất như vậy? Cứ tưởng tượng xem!”.
Đúng lúc ấy một người hầu trai xuất hiện sau lưng tôi. “Cô Kenton có lời muốn nói với ngài, thưa ngài”, anh ta nói.
Tôi cáo từ anh Cardinal và đi về phía cửa. Tôi nhận thấy ông Dupont vẻ như đương đứng canh cửa, và thấy tôi đến gần, ông ta nói, “Quản gia, bác sĩ đã đến chưa?”.
“Tôi chính là đang tìm hiểu việc đó, thưa ngài. Tôi sẽ trở lại ngay”.
“Ta đang rất đau”.
“Vô cùng xin lỗi, thưa ngài. Bác sĩ hẳn sắp đến rồi”.
Lần này thì ông Dupont theo tôi ra khỏi cửa. Cô Kenton giống như lần trước đang đứng ngoài sảnh chờ.
“Ông Stevens”, cô nói, “bác sĩ Meredith đã tới và lên tầng trên rồi”.
Cô nói rất khẽ, nhưng ông Dupont sau lưng tôi liền kêu lên, “A, tốt rồi!”.
Tôi quay sang ông ta nói, “Xin ngài quá bộ theo tôi, thưa ngài”.
Tôi dẫn ông vào phòng bi-a, cời lửa trong lúc ông ngồi xuống một chiếc ghế bành da và tháo giày.
“Xin thứ lỗi căn phòng hơi lạnh, thưa ngài. Bác sĩ sẽ đến ngay”.
“Cảm ơn anh, quản gia. Anh làm tốt lắm”.
Cô Kenton vẫn đứng chờ tôi ngoài hành lang sảnh và chúng tôi đi lên trong im lặng, qua suốt căn nhà. Trên phòng cha tôi, bác sĩ Meredith đương ghi chép gì đó, còn bà Mortimer đang khóc mùi. Bà vẫn còn mặc tạp dề, và có thể thấy đã dùng nó lau nước mắt; kết quả là trên mặt bà đầy những vệt mỡ, khiến bà trông như diễn viên tạp kỹ giả trang làm da đen. Tôi đã ngỡ căn phòng sẽ đầy mùi tử khí, nhưng nhờ có bà Mortimer - hay đúng hơn nhờ cái tạp dề - mà mùi thịt nướng áp đảo căn phòng.
Bác sĩ Meredith đứng lên và nói, “Xin gửi anh lời phân ưu sâu sắc, Stevens. Ông ấy trúng một cơn đột quỵ nghiêm trọng. Nếu điều này có xoa dịu được anh phần nào, thì hẳn ông ấy không phải chịu nhiều đau đớn. Anh chẳng thể làm gì cho ông ấy được đâu”.
“Cám ơn ngài, thưa bác sĩ”.
“Giờ tôi phải đi đây. Anh sẽ thu xếp mọi việc chứ?”.
“Vâng thưa bác sĩ. Tuy nhiên, xin phép bác sĩ, có một vị khách rất danh giá dưới nhà đang cần sự trợ giúp của bác sĩ”.
“Có gấp không?”.
“Ông ấy tỏ lòng sốt sắng muốn được gặp ngài, thưa bác sĩ”.
Tôi dẫn bác sĩ Meredith xuống nhà, đưa ông vào phòng bi-a, rồi nhanh chóng trở lại phòng hút thuốc nơi bầu không khí đã trở nên thậm chí còn hoạt náo hơn cả lúc trước.
* * *
Đương nhiên, tôi không ở vị thế có thể nhận định rằng mình xứng đáng có bao giờ được xếp ngang hàng cùng những quản gia “vĩ đại” của thế hệ mình, như ông Marshall hay ông Lane - dù cũng cần phải nói rằng có những người, có lẽ do rộng lượng không đúng chỗ, vẫn thường cho rằng như thế. Cho phép tôi nói rõ rằng khi nhận định cuộc hội đàm năm 1923, và đặc biệt là cái đêm ấy, đã trở thành bước ngoặt trong quá trình phát triển sự nghiệp của tôi, thì tôi chủ yếu xét trên cơ sở những chuẩn mực hèn mọn hơn của bản thân tôi. Cho dù thế, nếu cân nhắc tới những áp lực dồn lên tôi đêm hôm ấy, quý vị có lẽ sẽ không nghĩ tôi đã tự lừa mị mình quá đáng nếu dám nói rằng có lẽ tôi đã chứng tỏ được chút nào, bất chấp tất cả mọi điều, dẫu chỉ ở một mức độ khiêm nhường, cái “phẩm cách” ngang với một người như ông Marshall - hay thậm chí cả cha tôi. Thực vậy, sao tôi phải chối từ điều đó? Dẫu gắn với bao nhiêu kỷ niệm buồn bã, thì ngày nay, mỗi lần nhớ lại đêm hôm ấy, tôi nhận ra mình đang nhớ lại với cảm giác đắc thắng lớn lao.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét