Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Tàn Ngày Để Lại - Ch 7

Tàn Ngày Để Lại

Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021

Ngày thứ tư - Chiều
Compton Nhỏ, Cornwall

Cuối cùng tôi đã đến Compton Nhỏ, và vào chính lúc này đang ngồi trong nhà ăn khách sạn Vườn Hồng, vừa kết thúc bữa trưa. Ngoài kia, mưa rơi đều.
Khách sạn Vườn Hồng, dù khó có thể gọi là sang trọng, lại chắc chắn là một nơi ấm cúng thoải mái, và người ta khó mà tiếc khoản chi phí phụ trội khi trọ lại đây. Khách sạn nằm ở nơi rất tiện ngay góc quảng trường làng, là một tòa nhà biệt thự khá xinh xắn phủ kín dây thường xuân, ước đoán có thể chứa được chừng ba chục khách nghỉ. Tuy nhiên, cái “nhà ăn” hiện tôi đang ngồi đây lại là một phần phụ theo kiểu hiện đại xây liền vào nhà chính - một căn phòng dài trần thấp, hai bên là hai dãy cửa sổ lớn. Từ một bên có thể nhìn thấy quảng trường làng; còn bên kia nhìn ra vườn hậu, mà có lẽ nhờ đó có tên này. Khu vườn có vẻ được che chắn kín gió, quanh vườn sắp nhiều bàn, và tôi đoán khi nào trời đẹp hẳn là một nơi dễ chịu để tiến hành ăn uống hay dùng đồ giải khát. Thực tế là tôi biết mới vừa lúc trước, đã có vài người khách khởi sự dùng bữa trưa ngoài đó, để rồi bị gián đoạn bởi mây dông đe dọa kéo tới. Khi tôi được đưa vào phòng này chừng một giờ trước, nhân viên đang vội vã dọn dẹp hết các bàn ngoài vườn - trong khi thực khách mới đây ngồi quanh bàn, một vị vẫn còn giắt khăn ăn trên áo, đang đứng có phần bơ vơ gần đó. Rồi nháy mắt sau, cơn mưa đổ xuống, dữ dội đến mức trong một lúc dường như mọi khách đều dừng bữa chỉ để nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bàn của tôi thì ở mé nhìn ra quảng trường, và vì thế gần hết tiếng đồng hồ vừa rồi tôi đã ngắm mưa rơi xuống quảng trường, xuống cỗ Ford cùng một hai cỗ xe khác đậu ngoài đó. Giờ mưa đã dịu đi, nhưng vẫn còn rất to đủ khiến người ta phải bỏ ý nghĩ đi ra ngoài dạo bộ quanh làng. Đương nhiên, tôi đã nghĩ tới khả năng có thể lên đường đi gặp cô Kenton luôn bây giờ; nhưng mặt khác trong lá thư biên cho cô, tôi đã thông báo sẽ ghé lúc ba giờ chiều, và có lẽ tới đường đột trước giờ hẹn thì không hay lắm. Vì vậy nếu chốc nữa mưa không tạnh, khả năng rất cao là tôi sẽ tiếp tục ngồi uống trà ở đây cho tới thời điểm thích hợp để khởi hành. Tôi đã được thông tin từ cô gái phục vụ bữa trưa rằng địa chỉ cô Kenton hiện đang cư ngụ ở cách đây chừng mười lăm phút đi bộ, có nghĩa là tôi còn ít nhất bốn mươi phút chờ đợi nữa.
Tiện đây xin nói rằng, tôi không ngốc tới mức không sửa soạn tinh thần đón nhận thất vọng. Tôi ý thức quá rõ rằng mình không hề nhận được thư hồi âm của cô Kenton cho biết cô hoan nghênh cuộc gặp với tôi. Tuy nhiên, bởi biết rõ cô Kenton từ trước, tôi thiên về nghĩ rằng không có thư có thể hiểu là chấp thuận; giả sử cuộc gặp như vậy bất tiện cho cô vì nguyên do nào đó, tôi cầm chắc cô sẽ không ngần ngại mà báo với tôi ngay. Hơn nữa, tôi đã ghi rõ trong thư rằng mình đặt phòng lưu trú tại khách sạn này, và nếu có tin gì vào phút cuối có thể nhắn cho tôi ở đây; việc không có tin nhắn nào đang chờ tôi ở đây, tôi tin có thể coi là thêm một lý do giả định rằng tất cả đều êm đẹp.
Cơn mưa như trút hiện thời có khiến tôi ngạc nhiên, vì buổi sáng hôm nay bắt đầu bằng nắng mai rực rỡ như tôi đã được hưởng mỗi sáng kể từ ngày rời Dinh Darlington. Thực tế là ngày hôm nay bắt đầu nhìn chung tốt đẹp, với bữa sáng bằng trứng gà thả vườn và bánh mì nướng, do bà Taylor dọn cho tôi, và bởi bác sĩ Carlisle ghé đúng bảy rưỡi sáng như đã hẹn, tôi đã có thể cáo từ ông bà Taylor - vẫn một mực chối từ mọi cố gắng đền đáp - trước khi có dịp nảy sinh thêm cuộc đối thoại xấu hổ nào khác.
“Tôi kiếm được can xăng cho bác”, bác sĩ Carlisle tuyên bố khi hướng dẫn tôi vào ghế phụ cỗ Rover của ông. Tôi cảm ơn ông đã chu đáo, nhưng khi tôi đặt câu hỏi về số tiền cần gửi lại, thì cả ông cũng nhất định không chịu.
“Vớ vẩn nào, bố già. Tôi moi ra được có tí trong xó nhà để xe ấy mà. Nhưng cũng đủ cho bác đến cổng Crosby rồi tha hồ mà đổ”.
Trung tâm làng Moscombe hiện ra trong nắng mai gồm vài cửa hiệu nhỏ vây quanh một nhà thờ, chính là nhà thờ có tháp tôi đã nhìn thấy từ trên đồi tối qua. Tuy nhiên, tôi không có thời giờ quan sát ngôi làng, bởi bác sĩ Carlisle đã nhanh chóng rẽ ngoặt vào đường ô tô của trại nhà ai đó.
“Đi tắt cái”, ông nói trong lúc xe chạy qua những nhà kho và những máy cày bừa im lìm. Dường như không có một ai hiện diện quanh đây, và tới một lúc, khi chúng tôi dừng trước một cánh cổng đóng, ông bác sĩ nói, “Cụ ơi, phiền cụ tí, xin nhường cho cụ cái vinh dự này”.
Tôi ra khỏi xe, đi lại cổng, và vừa tới nơi thì một tràng tiếng sủa hùng hổ rộ lên từ một nhà kho gần đó, vì vậy khi trở lại cỗ Rover bên bác sĩ Carlisle tôi có chút nhẹ người.
Chúng tôi trao đổi vài lời chuyện phiếm khi xe leo lên một con đường hẹp giữa hai hàng cây cao, ông hỏi han giấc tôi ngủ đêm qua ở nhà Taylor và những chuyện đại loại vậy. Rồi chợt thình lình ông nói, “Này, tôi hy vọng bác không nghĩ tôi thô lậu quá. Nhưng bác không phải là một kiểu gia nhân gì đấy chứ?”.
Tôi phải thú nhận, tôi nhẹ nhõm hẳn đi khi nghe câu này.
“Quả thực là như thế, thưa ngài. Thực tế là, tôi là quản gia ở Dinh Darlington, gần Oxford”.
“Biết ngay. Mấy cái màn gặp gỡ Winston Churchill này nọ. Tôi đã tự nhủ, chà, bố già này nói điêu không sợ trời đất hay gì - rồi mới sực nghĩ ra, có một cách giải thích rất đơn giản”.
Bác sĩ Carlisle quay sang tôi mỉm cười trong lúc vẫn điều khiển xe chạy trên con đường dốc quanh co. Tôi nói, “Tôi thực không có ý định dối gạt ai, thưa ngài. Thế nhưng....
“Ôi không cần phải phân trần đâu, bố già. Tôi thừa sức hình dung chuyện xảy ra như thế nào. Ý tôi là, bác trông bảnh tỏn khiếp. Mấy người ở đây, tất nhiên họ sẽ nghĩ bác ít nhất cũng là huân tước hay quận công”. Ông bác sĩ bật cười sảng khoái. “Chốc chốc lại được nhầm là huân tước hẳn cũng khoái lắm”.
Chúng tôi đi tiếp một lúc trong im lặng. Rồi bác sĩ Carlisle nói với tôi, “À, tôi hy vọng bác thấy thoải mái khi nghỉ lại chỗ chúng tôi”.
“Tôi rất thoải mái, thưa ngài, cảm ơn ngài”.
“Thế bác thấy các công dân làng Moscombe thế nào? Đội ấy cũng không quá dở, phải không?”.
“Họ rất dễ chịu, thưa ngài. Ông bà Taylor tốt bụng với tôi hết sức”.
“Tôi mong bác đừng có thưa gửi này nọ mãi thế, bác Stevens ạ. Phải, đội này cũng không quá dở đâu. Cứ theo ý tôi thì tôi sẽ vui lòng mà sống ở đây đến mãn đời”.
Tôi nghĩ mình có để ý ra điều gì là lạ trong giọng bác sĩ Carlisle nói câu vừa rồi. Thêm nữa, còn có một lối cố tình khiêu khích bất thường khi ông chất vấn tiếp, “Vậy là bác thấy đội này dễ chịu, hả?”.
“Thực vậy, thưa bác sĩ. Hết sức thân thiện”.
“Vậy tối qua cả đám đó kể lể với bác cái gì? Hy vọng họ không ngồi lê đôi mách toàn chuyện trong làng khiến bác phát chán”.
“Không hề, thưa bác sĩ. Thực tế là, cuộc trò chuyện phần đa mang giọng điệu khá nghiêm túc và tôi được nghe một vài quan điểm khá lý thú”.
“À, ý bác nói Harry Smith hả”, ông bác sĩ bật cười. “Bác đừng chấp ông tướng đó. Nghe ông ta một chập thì cũng vui đấy, nhưng thật tình ông ta rối tung rối mù. Có khi bác vừa tưởng ông ta là cộng sản ở đâu về, thì bỗng ông ta phun một câu sặc mùi bảo thủ máu xanh. Sự thực là, ông ta rối tung rối mù cả lên”.
“À, thực là một thông tin lý thú”.
“Tối qua ông ấy giảng cho bác mục gì thế? Đế chế Anh à? Hay Y tế quốc gia?”.
“Ông Smith chỉ tự hạn chế ở những đề tài chung chung”.
“Thế cơ hả? Ví dụ đề tài gì?”.
Tôi ho khẽ. “Ông Smith có vài suy nghĩ về thế nào là phẩm cách”.
“Thế cơ. Nghe có vẻ hơi triết lý trên tầm Harry Smith đấy. Làm thế quái nào mà ông ta lại đi đến đề tài đấy?”.
“Tôi tin rằng ông Smith đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ông ấy vận động bầu cử trong làng”.
“Vậy đó hả?”.
“Ông ấy khẳng định với tôi rằng người dân Moscombe đều mang những chính kiến kiên định về đủ mọi vấn đề đại sự”.
“À phải. Nghe đúng kiểu Harry Smith đấy. Mà chắc bác hẳn đoán ra rồi, toàn chuyện vớ vẩn ấy mà. Harry lúc nào cũng cố xách động mọi người về đủ thứ chuyện này nọ. Nhưng thực tế là, được để yên thì họ vui hơn nhiều”.
Chúng tôi lại lặng im thêm một hai phút nữa. Cuối cùng tôi nói, “Xin thứ lỗi tôi hỏi điều này, thưa ngài. Nhưng tôi có ấn tượng rằng ông Smith bị coi là một nhân vật hơi khôi hài thì có đúng không?”.
“Hừm. Nói vậy thì cũng hơi quá, tôi nghĩ thế. Mọi người ở đây quả là có một thứ từa tựa như lương tâm chính trị thật. Họ cảm thấy mình nên có ý tưởng kiên định về chuyện này chuyện nọ, đúng y như Harry giục giã họ phải có. Nhưng thật tình thì, họ cũng chẳng khác gì người những nơi khác. Họ chỉ muốn sống lặng lẽ thôi. Harry có cả đống ý tưởng đòi thay đổi cái này cái kia, nhưng thực tình thì dân làng chẳng ai thích đảo lộn lên hết, ngay cả khi có lợi cho họ cũng vậy. Người ở đây muốn được yên thân mà sống cuộc đời nhỏ xinh lặng lẽ của mình. Họ chẳng muốn nhức đầu vì vấn đề này chính sách nọ đâu”.
Tôi bất ngờ trước âm sắc khinh miệt vừa len vào lời ông bác sĩ. Nhưng ông đã nhanh chóng bình tâm lại, cười khục một tiếng và nhận định, “Ngồi phía bác nhìn thấy làng đẹp đấy”.
Thực vậy, ngôi làng đã hiện ra một quãng bên dưới chúng tôi. Dĩ nhiên, ánh sáng ban mai đã khiến nó mang dáng dấp khác hẳn, nhưng ngoài ra thì khung cảnh gần giống hệt như tôi thấy trong chiều tối nhập nhoạng, nên tôi đoán thế nghĩa là đã tới gần vị trí cỗ Ford.
“Ông Smith dường như mang quan điểm rằng”, tôi nói, “phẩm cách của mỗi người phụ thuộc vào những điều như vậy. Chính kiến kiên định vân vân”.
“À phải, phẩm cách. Tôi quên đi mất. Phải, thế là Harry đang tìm cách lao vào những định nghĩa triết học. Ôi trời. Tôi đoán là rặt những thứ tán hươu tán vượn”.
“Những kết luận ông ấy đưa ra không hẳn là có tính thuyết phục cao độ, thưa ngài”.
Bác sĩ Carlisle gật đầu, nhưng dường như đã chìm đắm vào những ý nghĩ riêng. “Bác biết sao không, bác Stevens”, rốt cuộc ông cũng nói, “khi lần đầu ra tới đây, tôi là một người xã hội chủ nghĩa kiên định. Tin rằng cần dành những điều tốt nhất cho toàn dân và kiểu vậy. Lần đầu tới đây năm bốn chín. Chủ nghĩa xã hội sẽ cho phép con người ta sống trong phẩm cách. Tôi đã tin như vậy khi lần đầu ra đây. Xin lỗi, chắc bác không muốn nghe mấy thứ hươu vượn như vậy”. Ông tươi tỉnh quay qua tôi. “Còn bác thì sao, bố già?”.
“Xin phép ngài?”.
“Bác thì nghĩ phẩm cách là cái thứ gì?”.
Câu hỏi trực diện này, phải thừa nhận, đã khiến tôi khá bất ngờ. “Đấy là một thứ giải thích chỉ trong vài lời thì rất khó, thưa ngài”, tôi nói. “Nhưng tôi nghĩ xét đến tận cùng nó nghĩa là không cởi bỏ lớp áo trên người giữa thiên hạ”.
“Xin lỗi. Cái gì nghĩa là vậy?”.
“Phẩm cách, thưa ngài”.
“À”. Ông bác sĩ gật gù, nhưng trông có vẻ hơi băn khoăn. Rồi ông nói, “Rồi, tới khúc này hẳn bác nhận ra rồi. Chắc là sáng ra trông khác lắm. Này, có phải nó kia không? Chúa tôi, xe thế mới là xe chứ!”.
Bác sĩ Carlisle đỗ lại ngay sát sau cỗ Ford, ra khỏi xe và nhắc lại, “Chu choa, xe thế mới là xe chứ”. Một khắc sau ông đã rút phễu cùng can xăng và hết sức hào hiệp giúp tôi đổ xăng cho cỗ Ford. Những lo lắng trong tôi rằng biết đâu có phiền toái nào nghiêm trọng hơn về cỗ Ford đều được xua tan khi tôi vặn chìa khóa xe và nghe động cơ sống dậy trong tiếng ầm ì khỏe mạnh. Tới đây, tôi cám ơn bác sĩ Carlisle và đôi bên từ biệt nhau, dù tôi còn phải bám theo cỗ Rover của ông trên đường đồi quanh co thêm chừng một dặm trước khi chia hai ngả.
Quãng chín giờ sáng thì tôi vượt ranh giới vào Cornwall. Lúc đó là ít nhất ba tiếng trước khi mưa xuống, mây trời hẵng còn trắng lóa. Thực tế là rất nhiều cảnh tượng đón chào tôi sớm hôm nay là những cảnh diễm lệ nhất tôi từng bắt gặp tới giờ. Vì thế, thực không may là phần lớn thời gian tôi không thể dành sự chú ý đúng mức cho chúng; vì có lẽ người ta cũng nên nói ra luôn khi đầu óc người ta còn đang có phần vướng bận vì ý nghĩ - trừ phi có biến cố nào đó chưa thấy trước - người ta sẽ gặp lại cô Kenton trước khi ngày hôm nay qua đi. Vì thế mà trong khi phóng đi vun vút giữa những cánh đồng trải rộng, hàng dặm trời không một bóng người bóng xe, hay cẩn thận bẻ lái qua những làng nhỏ xinh tuyệt diệu, có làng chỉ là vài nếp nhà tường đá tụm bên nhau, tôi thấy mình lần nữa giở lại trong đầu một vài đoạn hồi ức trong quá khứ. Và bây giờ, ngồi ở Compton Nhỏ, trong phòng ăn của khách sạn dễ chịu này với chút ít thời gian rảnh trước mắt, nhìn mưa táp xuống vỉa hè quảng trường làng ngoài kia, tôi không sao ngăn nổi đầu óc mình lại tiếp tục vẩn vơ trên những đường nẻo cũ.
Có một ký ức đặc biệt dai dẳng trong đầu tôi suốt buổi sáng - nói chính xác hơn là một mảnh ký ức, một thời khắc mà vì lý do nào đó vẫn còn lại sống động trong tôi qua bằng ấy năm. Đấy là hồi ức về lức đứng một mình trong hành lang hậu, trước cánh cửa buồng cô Kenton đóng kín; tôi không hẳn là quay về phía cửa, mà đứng nửa xoay người về phía nó, tê liệt vì băn khoăn không quyết được nên gõ cửa hay không; bởi vào thời điểm đó, như tôi nhớ, tôi bỗng chợt tin chắc rằng ngay đằng sau cánh cửa ấy, cách tôi vài thước thôi, cô Kenton đang khóc. Như tôi đã nói, khoảnh khắc này đã ăn sâu vào trí tôi, cũng như ký ức về xúc cảm lạ thường tôi cảm thấy dâng lên trong mình khi tôi đứng yên ở đó. Tuy thế, đến giờ thì tôi không hoàn toàn chắc về hoàn cảnh thực sự đã dẫn tôi đứng đó nơi hành lang hậu. Tôi chợt nhận ra khi gắng thu nhặt những hồi ức như vậy lúc trước, rất có thể tôi đã khẳng định rằng hồi ức này thuộc về mấy phút liền sau khi cô Kenton nhận được tin người dì mới qua đời; có nghĩa là cái, khi để cô ở lại một mình với nỗi đau buồn, tôi ra đến hành lang thì nhận ra mình chưa nói lời phân ưu với cô. Nhưng giờ nghĩ kĩ hơn, tôi thấy có thể mình đã hơi lầm lẫn; và thực sự mảnh ký ức này xuất phát từ những sự kiện xảy ra vào một tối ít nhất cũng vài tháng sau khi dì cô qua đời - thực tế là buổi tối mà anh Cardinal trẻ tuổi đột ngột xuất hiện ở Dinh Darlington.
* * *
Cha của anh Cardinal, Sir David Cardinal, trong nhiều năm đã là người bằng hữu và đồng liêu thân cận nhất của huân tước, nhưng ngài đã qua đời bi thảm trong một tai nạn cưỡi ngựa chừng ba bốn năm trước buổi tối tôi đang hồi tưởng lại đây. Trong khoảng thời gian đó, anh Cardinal trẻ đã gây dựng được cho mình một danh tiếng tương đối trong vai trò nhà báo chuyên luận, sở trường những bình luận hài hước về các vấn đề quốc tế. Hiển nhiên, những bài báo ấy hiếm khi hợp nhãn Huân tước Darlington, vì tôi còn nhớ vô số lần ngài ngẩng lên khỏi tờ báo nào đó mà nói đại loại như, “Cậu Reggie lại viết đủ thứ tầm bậy rồi. May thay cha cậu ta không còn sống mà đọc được”. Nhưng những bài báo ấy cũng không ngăn trở anh Cardinal vẫn thường xuyên lui tới nhà này; thực vậy, huân tước không bao giờ quên chàng trai trẻ ấy là con đỡ đầu của mình và luôn đối đãi với anh như người trong nhà. Dù vậy, anh cũng chưa bao giờ có thói quen tới ăn tối mà không thông báo trước, vì thế tôi có hơi ngạc nhiên khi ra mở cửa tối hôm ấy và thấy anh đứng đó, cặp táp ôm trong cả hai tay.
“Ồ chào chú, Stevens, chú thế nào?”, anh nói. “Tối nay tình cờ tôi bị kẹt, đang tính không biết Huân tước Darlington có thể chứa chấp tôi một đêm không nhỉ”.
“Được gặp lại ngài thực là vui mừng quá, thưa ngài. Tôi sẽ thông báo cho Huân tước biết ngài vừa đến”.
“Tôi tính nghỉ lại chỗ ông Roland kia, nhưng hình như có hiểu lầm gì đó và họ đi đâu mất rồi ấy. Hy vọng đến giờ này không làm phiền mọi người quá. Ý tôi là hôm nay không phải dịp gì đặc biệt chứ?”.
“Thưa ngài, tôi nghĩ có lẽ huân tước đang chờ tiếp một vị nào đó sau bữa tối”.
“Ôi chà, thật là không may. Tôi đúng là chọn phải đêm xúi quẩy rồi. Tốt nhất là tôi nên đi nhẹ nói khẽ mà vào thôi. Đằng nào tôi cũng có mấy bài tính viết đêm nay”. Anh Cardinal làm hiệu chỉ cái cặp.
“Tôi sẽ thông báo với huân tước ngài đã đến, thưa ngài. Dù sao thì, ngài đến rất đúng lúc để dự bữa tối với huân tước”.
“Tốt quá, tôi đã hy vọng là thế đấy. Nhưng bà Mortimer thì chắc không vui vẻ gì khi thấy tôi đâu”.
Tôi để anh Cardinal chờ trong phòng tiếp tân và đi tới thư phòng, ở đó tôi thấy huân tước đương giở qua vài trang giấy, bộ dạng tập trung nhất mực. Khi tôi thông báo có anh Cardinal đến, một vẻ ngạc nhiên pha cáu kỉnh thoáng qua mặt ngài. Rồi ngài ngả người ra ghế như đang tìm cách lý giải câu đố nào đó.
“Bảo cậu Cardinal tôi xuống ngay”, cuối cùng ngài nói. “Cậu ta có thể tự giải khuây chốc lát”.
Khi trở lại xuống nhà, tôi thấy anh Cardinal đương đi đi lại lại có phần bồn chồn trong phòng tiếp tân, ngắm nghía những món đồ mà hẳn anh đã trở nên thân thuộc từ lâu. Tôi truyền đạt lại thông điệp của huân tước và hỏi anh muốn tôi đưa những thức giải khát gì tới.
“À, cứ cho tôi chút trà là được rồi, Stevens. Tối nay huân tước tiếp ai thế?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, tôi e mình không thể giúp ngài việc này”.
“Chú không biết tí gì à?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài”.
“Chà lạ thay. Thôi được. Tốt nhất là tối nay tôi cứ đi nhẹ nói khẽ chút”.
Tôi nhớ không mấy lâu sau đó tôi xuống buồng nội quản. Cô Kenton đang ngồi bên bàn, dù trước mặt không để gì và hai bàn tay cũng không bận việc; thực vậy, dáng vẻ cô có gì đó mách bảo cô đã ngồi như vậy hồi lâu trước khi tôi gõ cửa.
“Anh Cardinal vừa đến, cô Kenton ạ”, tôi nói. “Đêm nay anh ấy sẽ cần dùng phòng mọi khi”.
“Tốt lắm, ông Stevens ạ. Tôi sẽ lo liệu việc đó trước khi đi”.
“À. Tối nay cô ra ngoài à, cô Kenton?”.
“Quả có thế, ông Stevens ạ”.
Có lẽ trông tôi hơi ngạc nhiên, vì cô nói tiếp, “Chắc ông nhớ, ông Stevens ạ, chúng ta đã bàn chuyện này hai tuần trước”.
“Phải, đương nhiên, cô Kenton ạ. Xin thứ lỗi, trong phút chốc tôi quên khuấy mất việc đó”.
“Có vấn đề gì ư, ông Stevens?”.
“Không có gì hết, cô Kenton ạ. Tối nay có một vài vị khách sẽ ghé đến, nhưng không có lý do nào cần sự có mặt của cô”.
“Chúng ta đã đồng ý cho tôi nghỉ tối nay từ hai tuần trước rồi, ông Stevens ạ”.
“Đương nhiên rồi, cô Kenton ạ. Cô thứ lỗi cho tôi”.
Tôi quay người định đi, nhưng lại phải dừng ở cửa khi cô Kenton nói, “Ông Stevens ạ, tôi có điều này cần nói với ông”.
“Vâng, cô Kenton?”.
“Liên quan đến người quen của tôi. Người tôi sẽ gặp tối nay”.
“Vâng, cô Kenton”.
“Anh ấy đã hỏi lấy tôi. Tôi nghĩ ông có quyền biết điều này”.
“Thực vậy, cô Kenton ạ. Thực là một thông tin lý thú”.
“Tôi vẫn còn đang suy nghĩ việc đó”.
“Thực vậy”.
Cô liếc nhìn nhanh xuống hai bàn tay, nhưng rồi gần như tức khắc đã lại đưa mắt lên nhìn tôi. “Người quen của tôi sắp nhận một công việc mới ở miền Tây bắt đầu từ tháng sau”.
“Thực vậy”.
“Như tôi vừa nói đó, ông Stevens ạ, tôi vẫn còn đang suy nghĩ việc đó. Tuy nhiên tôi cho là ông cần nắm được tình hình”.
“Tôi rất lấy làm cảm kích, cô Kenton ạ. Tôi thực sự mong cô có một buổi tối dễ chịu. Giờ xin phép cô”.
Chắc vào khoảng hai mươi phút sau thì tôi lại bắt gặp cô Kenton, lần này đang lúc tôi bận rộn chuẩn bị bữa tối. Thực tế là tôi đang đi lên lưng chừng cầu thang hậu, bưng khay chất đầy đồ ăn, thì nghe tiếng chân giận dữ khua động ván sàn đâu đó phía dưới. Ngoảnh lại, tôi thấy cô Kenton đang trừng mắt nhìn tôi từ dưới chân cầu thang.
“Ông Stevens, tôi có nên hiểu là ông mong muốn tôi ở lại trực tối nay không?”.
“Không hề, cô Kenton ạ. Như chính cô đã nói, cô có thông báo với tôi từ trước rồi”.
“Nhưng tôi thấy là ông rất không vui về việc tôi ra ngoài tối nay”.
“Hoàn toàn ngược lại, cô Kenton ạ”.
“Ông nghĩ rằng làm ồn trong bếp như vậy và giậm chân sầm sầm qua cửa buồng tôi thế này là ông sẽ khiến tôi đổi ý ư?”.
“Cô Kenton ạ, cảnh náo nhiệt nho nhỏ trong bếp chỉ đơn thuần là do anh Cardinal tới dùng bữa tối vào phút cuối. Thực sự không có lý do gì ngăn cô không ra ngoài tối hôm nay”.
“Tôi sẽ đi dù ông có tán thành hay không, ông Stevens ạ, tôi muốn nói rõ như thế. Tôi đã lên kế hoạch từ nhiều tuần trước rồi”.
“Thực vậy, cô Kenton ạ. Và lần nữa, tôi chúc cô có một buổi tối thực dễ chịu”.
Trong bữa tối, một bầu không khí rất kỳ quái dường như lơ lửng chung quanh hai thực khách. Một hồi lâu họ ăn trong im lặng, đặc biệt là huân tước trông có vẻ thực xa vắng. Có một lúc, anh Cardinal hỏi, “Tối nay có gì đặc biệt ư, thưa huân tước?”.
“Hở?”.
“Khách của bác tối nay. Đặc biệt lắm ạ?”.
“E rằng không nói với con được, con trai ạ. Tuyệt đối cơ mật”.
“Ôi chao ơi. Như vậy hẳn có nghĩa là con không nên dự vào đấy rồi”.
“Dự vào gì cơ, hả con?”.
“Thì cái vụ gì sắp diễn ra tối nay ấy”.
“Ồ, con sẽ thấy chẳng có gì hấp dẫn đâu. Dù sao thì, dịp này là ở mức độ cơ mật cực điểm. Không thể để một người như con có mặt được. Ồ không, không có chuyện đó đâu”.
“Ôi chao ơi. Nghe có vẻ đặc biệt thật đấy”.
Anh Cardinal đương nhìn huân tước chằm chặp, nhưng huân tước chỉ tiếp tục ăn mà không bình phẩm gì thêm.
Hai vị trở lại phòng hút thuốc dùng rượu port và xì gà. Trong quá trình dọn dẹp phòng ăn, và cả trong lúc sửa soạn phòng tiếp tân đợi đón mấy vị khách buổi tối, tôi bắt buộc phải nhiều lần qua lại cửa phòng hút thuốc. Vì thế, thực không thể tránh được việc tôi để ý thấy hai vị, trái với vẻ lặng lẽ trong bữa tối, đã bắt đầu lời qua tiếng lại với vẻ nóng nảy nhất định. Mười lăm phút sau, đã nghe những giọng nói cáu giận. Đương nhiên tôi không đứng lại nghe, nhưng không thể tránh lọt vào tai tiếng huân tước quát, “Nhưng đấy không phải việc của con, con ạ! Không phải việc của con!”.
Tôi đang ở phòng ăn khi rốt cuộc hai vị cũng đi ra. Họ có vẻ đã bình tĩnh lại, và những lời duy nhất trao đổi giữa hai người khi đi qua sảnh là huân tước nói, “Giờ thì, nhớ đấy, con ạ. Bác tin ở con”. Và đáp lại, anh Cardinal lầm bầm bực bội, “Vâng, vâng, con hứa mà”. Rồi tiếng chân rẽ về hai hướng, huân tước đi về thư phòng, anh Cardinal về thư viện.
Vào gần như chính xác tám giờ rưỡi, có tiếng động cơ ô tô tấp vào trong sân. Tôi mở cửa thấy một người tài xế, sau lưng anh ta là một vài viên cảnh sát đương tỏa về các vị trí khác nhau trong khuôn viên. Nháy mắt sau, tôi đã đưa vào nhà hai vị hết sức danh giá, họ được huân tước đón ngoài sảnh và nhanh chóng đưa vào phòng tiếp tân. Khoảng mười phút sau lại có tiếng ô tô và tôi mở cửa thấy Herr Ribbentrop, vị Đại sứ Đức, tới lúc này đã quen mặt tại Dinh Darlington. Huân tước ra khỏi phòng đón ông ta, và hai người dường như trao đổi những cái nhìn đồng lõa trước khi cùng khuất vào phòng tiếp tân. Khi vài phút sau tôi được gọi vào mang đồ giải khát, bốn vị đó đương bình phẩm cao thấp về đức tính của các loại xúc xích khác nhau, và không khí ít nhất trên bề mặt cũng có vẻ khá hòa hảo.
Tới đó tôi vào vị trí của mình ngoài sảnh - là vị trí gần vòm cửa mà tôi thường giữ trong những cuộc họp quan trọng - và không có việc gì phải dịch chuyển khỏi đó mãi cho đến chừng hai tiếng sau, khi nghe tiếng chuông cửa hậu. Khi đi xuống, tôi thấy có một viên cảnh sát đứng đó bên cô Kenton, yêu cầu tôi xác nhận nhân thân của cô.
“Nguyên tắc an ninh thôi, thưa cô, tôi không có ý mạo phạm”, ông cảnh sát lẩm nhẩm khi lại biến đi vào màn đêm.
Đang cài chốt cửa, tôi nhận ra cô Kenton đang chờ tôi, bèn nói, “Tôi đoán là cô đã có một buổi tối dễ chịu, cô Kenton ạ”.
Cô không trả lời, vậy nên tôi nhắc lại trong khi hai bên đi qua sàn bếp thênh thang đã chìm vào bóng tối, “Tôi đoán là cô đã có một buổi tối dễ chịu, cô Kenton ạ”.
“Quả có thế, cảm ơn ông, ông Stevens”.
“Tôi rất mừng”.
Sau lưng tôi, tiếng chân cô Kenton bỗng dừng phắt lại, và tôi nghe cô nói, “Ông không có lấy một chút quan tâm nào về những gì đã xảy ra giữa người quen của tôi với tôi tối nay hay sao, ông Stevens?”.
“Tôi không có ý khiếm nhã, cô Kenton ạ, nhưng tôi thực sự cần trở lên trên kia không chậm trễ. Thực tế là, những sự việc có tầm quan trọng toàn cầu đang diễn ra trong nhà này ngay phút này đây”.
“Có lúc nào mà không như vậy, hả ông Stevens? Được lắm, nếu ông cứ nhất định chạy đi luôn, tôi sẽ chỉ nói là tôi đã nhận lời người quen của tôi rồi”.
“Xin lỗi, thưa cô Kenton?”.
“Nhận lời cầu hôn của anh ta”.
“À, vậy sao, cô Kenton? Vậy cho phép tôi nói lời chúc mừng”.
“Cảm ơn ông, ông Stevens. Đương nhiên, tôi sẽ vui lòng ở lại đây hết thời hạn trước khi nghỉ. Tuy nhiên, nếu sự tình thành ra là ông có thể giải phóng cho tôi trước đó, thì chúng tôi rất hàm ơn. Người quen của tôi sẽ bắt đầu công việc mới ở miền Tây sau hai tuần nữa”.
“Tôi sẽ làm hết sức để tìm được người thay thế ngay khi có dịp, cô Kenton ạ. Giờ thì xin bỏ lỗi cho tôi, tôi phải trở lại trên kia”.
Tôi lại bắt đầu bước đi, nhưng khi đã đi gần sát tới cửa ra hành lang, tôi nghe cô Kenton nói, “Ông Stevens”, và vì thế lại quay lại lần nữa. Cô vẫn đứng nguyên đó, và do đó buộc phải hơi cao giọng để nói với tôi, nên giọng cô âm vang nghe kỳ cục trong căn bếp tối và rỗng không như lòng hang tối.
“Có phải tôi nên hiểu là”, cô nói, “sau bao nhiêu năm tôi phục vụ trong cái nhà này, ông không còn lời nào đáp lại tin tôi có thể sắp ra đi ngoài những lời vừa rồi ư?”.
“Cô Kenton, tôi xin gửi những lời chúc mừng chân thành nhất đến cô. Nhưng tôi xin nhắc lại, đang có những vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu diễn ra trên kia và tôi phải trở về vị trí”.
“Ông có biết không, ông Stevens, rằng ông đã trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng với tôi và người quen của tôi?”.
“Thực ư, cô Kenton?”.
“Thật vậy, ông Stevens. Chúng tôi thường giết thời gian bằng cách kể chuyện về ông để mua vui. Chẳng hạn như, người quen cứ đòi tôi làm cho anh ấy xem cách ông bóp chặt hai cánh mũi khi rắc tiêu lên thức ăn. Lần nào anh ấy cũng cười phá lên”.
“Thực vậy”.
“Anh ấy cũng khá ưa những bài hịch với nhân viên của ông. Phải nói là tôi đã trở thành chuyên gia tái hiện những bài cổ động đó. Tôi chỉ cần trích vài câu là cả hai chúng tôi đã bò ra cười”.
“Thực vậy, cô Kenton. Giờ tôi xin cáo lỗi”.
Tôi đi lên sảnh trở về vị trí. Tuy nhiên, chưa đầy năm phút sau, anh Cardinal đã xuất hiện ở cửa thư phòng, vẫy tôi lại.
“Quấy quả chú thật ngại quá, Stevens ạ”, anh nói. “Nhưng tôi có thể phiền chú mang cho tôi thêm chút rượu mạnh nữa được không vậy? Chai chú mang lên hồi nãy xem ra đã cạn rồi”.
“Chúng tôi hân hạnh được phục vụ bất cứ thức giải khát nào ngài mong muốn, thưa ngài. Tuy nhiên, xét thấy ngài còn bài báo cần hoàn thiện, tôi không hiểu dùng thêm nữa có phải là ý thực hay hay không”.
“Bài báo của tôi vẫn ngon trớn thôi, Stevens. Chú đi lấy cho tôi thêm ít rượu đi, thế mới đáng yêu chứ”.
“Được thôi, thưa ngài”.
Khi chốc lát sau tôi quay lại thư viện, anh Cardinal đang vơ vẩn giữa các tủ sách, săm soi từng gáy sách. Tôi thấy có giấy tờ rải rác bừa bộn trên một bàn viết gần đó. Thấy tôi lại gần, anh Cardinal thốt lên tán thưởng và ngồi sụp vào một ghế bành da. Tôi lại gần anh, rót chút rượu vào ly đưa cho anh.
“Chú biết đấy, Stevens ạ”, anh nói, “chúng ta đã là bạn bè với nhau được ít lâu rồi, phải chứ?”.
“Thực vậy, thưa ngài”.
“Tôi lúc nào cũng muốn được trò chuyện đôi chút với chú mỗi lần đến đây”.
“Vậy đó, thưa ngài”.
“Chú không chê làm một cốc nhỏ với tôi chứ?”.
“Ngài thực tử tế, thưa ngài. Nhưng tôi phải xin phép từ chối”.
“Mà này, Stevens, chú có sao không đấy?”.
“Tôi hoàn toàn ổn, cảm ơn ngài đã quan tâm”, tôi nói và khẽ cười.
“Chú không khó ở đấy chứ?”.
“Có thể là hơi mệt, nhưng tôi hoàn toàn bình thường, cám ơn ngài”.
“Ồ, thế thì chú nên ngồi xuống đi. Mà, tôi đang nói đấy. Chúng ta là bạn bè được ít lâu rồi. Vậy nên tôi nên thành thật với chú thì hơn. Như chú hẳn là đã đoán được rồi đấy, tối nay tôi không phải tình cờ mà đến đây. Có người phím cho tôi biết chú hiểu không, về việc đang diễn ra ấy. Ở bên kia hành lang, vào chính phút này”.
“Vâng, thưa ngài”.
“Tôi thật tình mong chú ngồi xuống cho, Stevens ạ. Tôi muốn chúng ta trò chuyện như bạn bè, còn chú thì lại đứng đấy bưng cái khay khỉ gió cứ như thể chực bỏ đi bất kỳ lúc nào”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài”.
Tôi đặt khay xuống và đặt mình - chọn tư thế thích hợp - vào cái ghế bành anh Cardinal đương chỉ.
“Đấy thế có tốt hơn không”, anh Cardinal nói. “Giờ thì, Stevens này, tôi không nghĩ là Thủ tướng hiện đang có mặt trong phòng tiếp tân kia, phải chứ?”.
“Thủ tướng ư, thưa ngài?”.
“Ồ, được rồi, chú không phải nói cho tôi đâu. Tôi biết là tình thế này hẳn cắc cớ cho chú lắm”. Anh Cardinal thở dài một cái, rồi mệt mỏi nhìn mớ giấy tờ vương vãi trên bàn. Rồi anh nói, “Chắc tôi chẳng cần phải nói cho chú biết, phải không Stevens, rằng tôi có tình cảm thế nào đối với huân tước. Ý tôi là, bác ấy giống như người cha thứ hai của tôi. Chắc tôi chẳng cần phải nói cho chú biết, hả Stevens?”.
“Đúng vậy, thưa ngài”.
“Tôi lo cho bác ấy lắm”.
“Phải, thưa ngài”.
“Và tôi biết chú cũng thế. Lo cho bác ấy hết lòng. Phải không, Stevens?”.
“Quả là có vậy, thưa ngài”.
“Tốt. Vậy chúng ta đều biết mình đang ở đâu. Nhưng giờ hãy nhìn thẳng vào sự thực. Huân tước đang sa lầy nghiêm trọng. Tôi đã quan sát bác ấy càng ngày càng lún sâu, và xin nói với chú, tôi đang cực kỳ lo lắng. Bác ấy dự vào những điều quá tầm mình, chú hiểu không, Stevens?”.
“Vậy ư, thưa ngài?”.
“Stevens, chú có biết điều gì đang xảy ra ngay chính phút này, giữa lúc chúng ta ngồi đây nói chuyện không? Điều gì đang xảy ra cách chúng ta chỉ vài thước? Đằng kia trong cái phòng đó - và tôi không cần chú xác nhận cho tôi - hiện giờ đang tập hợp ngài Thủ tướng nước Anh, ngài Ngoại trưởng Anh, cùng ngài Đại sứ Đức. Huân tước đã xoay trời chuyển đất mà thiết kế nên được cuộc gặp này, và bác ấy tin - thành thực tin - rằng mình đang làm một điều đáng quý, đáng trọng. Chú có biết vì cớ gì mà huân tước đưa những vị ấy tới đây đêm nay không? Chú có biết điều gì đang diễn ra ở đây không, Stevens?”.
“Tôi e là không, thưa ngài”.
“Chú e là không. Stevens, chú nói xem, chú không quan tâm chút nào ư? Không tò mò ư? Chúa ơi, ông chú ơi, có một điều vô cùng trọng đại đang diễn ra dưới mái nhà này. Mà chú không tò mò chút nào cả ư?”.
“Nhiệm vụ của tôi không phải là tò mò về những vấn đề loại ấy, thưa ngài”.
“Nhưng chú có lo cho huân tước. Chú lo cho bác ấy hết lòng, chú vừa mới bảo tôi xong. Nếu chú lo cho huân tước, chẳng lẽ chú không bận tâm sao? Hay ít cũng tò mò một chút? Thủ tướng Anh và Đại sứ Đức được ông chủ chú đưa đến gặp nhau để bí mật hội đàm giữa đêm, mà thậm chí chú còn không tò mò?”.
“Tôi không nói là mình không tò mò, thưa ngài. Tuy nhiên, tôi không ở vị thế được thể hiện thái độ tò mò về những vấn đề loại ấy”.
“Chú không ở vị thế ấy à? A, tôi tin chú coi như thế là trung thành đấy. Phải không? Chú nghĩ làm như thế là có trung thành không? Với huân tước? Hay thậm chí là với đức vua?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, tôi không hiểu được ngài đang muốn gợi ý điều gì”.
Anh Cardinal lại thở dài lắc đầu. “Tôi có gợi ý gì đâu, Stevens. Nói thật với chú, tôi không biết còn có thể làm gì nữa. Nhưng ít nhất chú cũng phải tò mò chứ”.
Anh lặng thinh một lúc, trong lúc đó dường như anh chỉ đưa đôi mắt trống rỗng nhìn khoảng thảm dưới chân tôi.
“Vậy là chú không muốn làm một cốc với tôi à, Stevens?”, cuối cùng anh nói.
“Không, thưa ngài, cảm ơn ngài”.
“Tôi nói với chú điều này, Stevens. Người ta đang dắt mũi huân tước đấy. Tôi đã điều tra rất nhiều, hiện giờ tôi nắm rõ tình hình ở Đức hơn bất kỳ ai trong cái đất nước này, và tôi nói với chú điều này, chúng nó đang dắt mũi huân tước đấy”.
Tôi không đáp, còn anh Cardinal tiếp tục đưa mắt trống rỗng nhìn sàn nhà. Một lát sau, anh tiếp, “Huân tước là một người cực kỳ đáng mến. Nhưng thực tế vẫn là, bác ấy đang dự vào những điều quá tầm bác ấy. Bác ấy đang bị chúng nó điều khiển. Đám Quốc xã đang điều khiển bác ấy như một quân cờ. Chú có nhận thấy điều ấy chưa, Stevens? Chú có nhận thấy đấy là điều đang xảy ra, ít nhất đã ba bốn năm nay rồi?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, tôi hoàn toàn không nhận thấy diễn biến nào như vậy”.
“Chú không cả nghi ngờ chút nào ư? Nghi ngờ dù chỉ là nhỏ nhất thôi, rằng Herr Hitler, thông qua Herr Ribbentrop, ông bạn thân của chúng ta, bấy lâu nay điều khiển huân tước như một quân cờ, cũng dễ dàng như điều khiển bất cứ quân cờ nào khác trong tay ông ta ở Berlin?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, tôi e rằng mình hoàn toàn không nhận thấy diễn biến nào như vậy”.
“Nhưng hẳn đúng là chú không nhận ra, Stevens ạ, chú không tò mò mà. Chú cứ mặc cho từng ấy việc diễn ra trước mắt chú mà chú không bao giờ nghĩ rằng nên mở mắt nhìn xem nó thực chất là cái gì”.
Anh Cardinal sửa thế ngồi trong ghế cho thẳng lưng hơn, và trong một lát dường như đương suy tính về bài viết dang dở trên bàn gần đó. Rồi anh nói, “Huân tước là một bậc quân tử. Cốt lõi vấn đề là thế. Bác là một bậc quân tử, và bác đã đi qua chiến tranh với đám người Đức, và bản năng xui khiến bác hào hiệp và hữu ái với địch thủ đã bị đánh bại. Đấy là bản năng của bác. Bởi bác là một bậc quân tử, một nhà quý tộc Anh kiểu cổ đích thực. Và chú phải nhìn thấy chứ, Stevens. Làm sao mà chú không nhìn thấy được? Thấy chúng đã lợi dụng nó, lèo lái nó, biến một điều đẹp đẽ và cao quý thành một thứ khác hẳn - một thứ chúng có thể dùng vào những mục đích tồi tàn của chúng? Chú phải nhìn thấy chứ, Stevens”.
Anh Cardinal đã lại dán mắt xuống sàn. Anh cứ thế lặng thinh vài phút, rồi nói, “Tôi nhớ cái lần mình đến đây nhiều năm trước, và ở đây có cha người Mỹ kia. Chúng ta đang làm một cái hội đàm lớn, cả cha tôi cũng tham gia tổ chức. Tôi nhớ cha người Mỹ kia, còn say mèm hơn cả tôi bây giờ, hắn ta đứng dậy giữa bàn tiệc trước mặt toàn thể quan khách. Và hắn chỉ vào huân tước mà gọi bác ấy là tay nghiệp dư. Gọi bác ấy là một tay nghiệp dư non dại và bảo bác ấy đang dự vào những việc quá tầm mình. Thế đấy, Stevens ạ, tôi phải nói là cha người Mỹ ấy đã nói đúng. Đấy cũng là sự thực ở đời. Thế giới ngày nay quá tồi tệ không thể dung chứa những bản năng đẹp đẽ và cao quý được. Chính chú đã tận mắt thấy rồi, phải không, Stevens? Thấy chúng lèo lái một thứ đẹp đẽ và cao quý. Chú đã tận mắt thấy rồi, phải không?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, nhưng tôi không thể nói mình đã thấy được”.
“Chú không thể nói mình đã thấy. Chà, tôi không biết chú thì thế nào, nhưng tôi sẽ phải làm gì đó về việc này. Nếu cha tôi còn sống, cha sẽ làm gì đó để ngăn cản việc này”.
Anh Cardinal lại yên lặng và trong một lúc - có lẽ nguyên do là bởi vừa gợi lại những kỷ niệm về người cha đã khuất - trông anh âu sầu hết sức. “Stevens, chẳng lẽ chú hài lòng”, cuối cùng anh nói, “nhìn huân tước lao đầu xuống vực như vậy?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, tôi không hoàn toàn hiểu ý ngài muốn nói gì”.
“Chú không hiểu à, Stevens. Được rồi, chúng ta là bạn nên tôi sẽ nói thẳng ra với chú. Trong vài năm vừa qua, một mình huân tước có lẽ đã làm con cờ hữu dụng nhất của Herr Hitler trong đất nước này nhằm phục vụ những mánh lới tuyên truyền của ông ta. Càng tiện hơn cho ông ta khi bác ấy chân thành, trọng danh dự và không nhận ra bản chất thật của những gì bác làm. Chỉ riêng trong ba năm vừa qua thôi, huân tước đã đóng vai trò cốt tử trong việc thiết lập liên hệ giữa Berlin và hơn sáu chục công dân nắm giữ tầm ảnh hưởng cao nhất trong nước này. Thật không khác gì dâng bánh lên tận miệng. Herr Ribbentrop đã có thể gần như qua mặt luôn Bộ Ngoại giao của ta. Và nếu cái vụ mít tinh khốn khiếp và Thế vận hội khốn nạn của chúng còn chưa đủ, chú có biết hiện giờ chúng đang khiến huân tước vận động cái gì không? Chú có hình dung được tí nào những điều đang được bàn thảo lúc này không?”.
“Tôi e rằng không, thưa ngài”.
“Huân tước đã một thời gian tìm cách thuyết phục chính ngài Thủ tướng nhận lời mời qua thăm Herr Hitler. Bác ấy thực tình tin rằng ngài Thủ tướng có một hiểu lầm chí tử về chế độ hiện hành ở Đức”.
“Tôi không thấy có gì đáng phản đối ở đó, thưa ngài. Huân tước vẫn luôn gắng sức thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
“Mà đấy còn chưa hết, Stevens ạ. Ngay vào lúc này đây, trừ khi tôi quá đỗi sai lầm, ngay vào lúc này đây, huân tước đang thảo luận về khả năng đích thân đức vua tới thăm Herr Hitler. Ai mà chẳng biết chuyện ông vua mới của chúng ta trước giờ vẫn háo hức với đám Quốc xã. Đấy, xem ra là giờ ông ta rất hào hứng muốn nhận lời mời của Herr Hitler. Ngay vào lúc này đây, Stevens ạ, huân tước đang làm hết sức để cất bỏ những phản bác của Bộ Ngoại giao trước ý tưởng gớm ghiếc này”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, nhưng tôi không hề thấy những điều huân tước đã làm có thể là gì khác ngoại trừ những điều cao cả nhất, tôn quý nhất. Suy cho cùng, huân tước đang làm hết sức mình để đảm bảo hòa bình vẫn được trường tồn ở Âu châu”.
“Stevens, nói tôi nghe, chú không hề cảm thấy có khả năng dù rất nhỏ rằng tôi nói đúng sao? Chẳng lẽ chú ít nhất không tò mò về điều tôi đang nói sao?”.
“Tôi xin lỗi, thưa ngài, nhưng phải nói rằng tôi đặt trọn vẹn niềm tin vào óc phán xét của huân tước”.
“Không một ai có óc phán xét mà lại có thể còn tin bất cứ lời lẽ nào của Hitler sau vụ tái chiếm vùng sông Rhine, Stevens ạ. Huân tước đã dự vào một việc quá tầm mình. Ôi chao ơi, giờ thì tôi thực sự làm chú phật ý rồi”.
“Không hề, thưa ngài”, tôi nói, bởi tôi vừa đứng dậy khi nghe tiếng chuông từ phòng tiếp tân. “Xem ra các vị có việc cho đòi tôi. Xin cáo lỗi”.
Trong phòng tiếp tân, không khí dày đặc khói thuốc lá. Thực vậy, các vị khách danh giá vẫn tiếp tục rít xì gà, gương mặt nghiêm trọng, không thốt lên lời nào, trong khi huân tước yêu cầu tôi mang chai port vào loại thượng hạng từ dưới hầm rượu lên.
Vào lúc đêm hôm như thế, người ta không thể tránh cho tiếng chân xuống cầu thang hậu không vang dội và hẳn nhiên chính đấy là nguyên do đánh thức cô Kenton. Bởi trong lúc tôi đang lần đi trong bóng tối hành lang, cửa buồng nội quản mở ra và cô xuất hiện bên ngưỡng cửa, một cái bóng đen in trên ánh sáng trong phòng.
“Tôi ngạc nhiên thấy cô vẫn còn ở đây, cô Kenton ạ”, tôi nói khi lại gần cô.
“Ông Stevens ạ, hồi nãy tôi thật ngốc nghếch quá”.
“Xin bỏ lỗi, cô Kenton ạ, nhưng hiện thời tôi đang không có thời gian nói chuyện”.
“Ông Stevens ạ, ông không được để bụng điều tôi vừa nói lúc nãy đâu. Chỉ là tôi cư xử ngốc nghếch mà thôi”.
“Cô Kenton ạ, tôi không để bụng điều gì cô nói đâu. Thực tế là, tôi còn không nhớ ra cô đang nhắc tới việc gì. Đang có những sự kiện có tầm quan trọng lớn lao diễn ra trên nhà và tôi không có thời gian dừng chân chuyện vãn với cô. Tôi đề nghị cô nên lui về nghỉ thì hơn”.
Tới đó tôi vội vã đi tiếp, và phải tới khi tôi đã gần đến cửa bếp thì bóng tối trở lại trong hành lang mới cho tôi biết cô Kenton đã đóng cửa buồng nội quản.
Tôi không mất nhiều thời gian tìm ra vị trí của chai rượu được yêu cầu dưới hầm và thực hiện các sửa soạn cần thiết để phục vụ các vị khách. Và chính lúc đó, chỉ vài phút sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với cô Kenton, tôi lại bước đi trên hành lang theo đường cũ, lần này bưng theo khay. Khi đến gần cửa buồng cô Kenton, tôi nhận thấy ánh sáng rỉ ra quanh cửa cho biết cô vẫn còn trong buồng. Và đấy, giờ thì tôi đoan chắc, chính là giây phút đã dai dẳng găm lại trong ký ức tôi - giây phút tôi dừng chân trong bóng lờ mờ tối hành lang, tay bưng khay, một niềm tin ngày càng chắc chắn trong lòng rằng chỉ cách vài thước, bên kia cánh cửa, cô Kenton đang khóc. Như tôi nhớ, không có bằng chứng gì cụ thể để giải thích niềm tin đó - chắc chắn là tôi không hề nghe tiếng khóc - nhưng tôi vẫn nhớ đã tin chắc rằng nếu gõ cửa bước vào, sẽ thấy cô giàn giụa nước mắt. Tôi không biết mình đã đứng đó bao lâu; lúc ấy tôi tưởng như đấy là một quãng thời gian đáng kể, nhưng trong thực tế, tôi ngờ chỉ độ vài giây. Bởi, đương nhiên, tôi còn phải nhanh chóng lên nhà để mời rượu những vị thuộc hàng danh giá nhất trong xứ sở, và hẳn là tôi không thể rề rà quá được.
Khi trở lại phòng tiếp tân, tôi thấy các vị khách vẫn còn trong tâm trạng khá nghiêm nghị. Nhưng ngoại trừ điều đó, tôi hầu như không có mấy thời giờ cảm nhận được chút nào bầu không khí, bởi tôi vừa bước vào thì huân tước đã đỡ lấy khay từ tay tôi và nói, “Cảm ơn anh, Stevens, tôi sẽ lo nốt phần còn lại. Anh lui được rồi”.
Lại đi qua sảnh lần nữa, tôi vào vị trí quen thuộc dưới vòm cửa, và trong khoảng một tiếng đồng hồ tiếp theo, nghĩa là tới khi các vị khách cuối cùng cũng cáo từ, không xảy ra sự việc gì buộc tôi phải di chuyển khỏi vị trí nữa. Tuy vậy, một giờ đồng hồ đứng đó đã lưu lại vô cùng sống động trong trí óc tôi suốt những năm qua. Ban đầu, tâm trạng của tôi - tôi không ngại thừa nhận việc này - có chút nặng nề. Nhưng rồi trong lúc tôi đứng đó, dần dà có một điều kỳ lạ xảy ra; nói thế có nghĩa là, một cảm giác đắc thắng sâu xa bắt đầu dâng lên trong tôi. Tôi không nhớ nổi vào thời điểm đó mình có phân tích kĩ cảm giác này không, nhưng ngày nay nhìn lại, có vẻ giải thích cũng không quá khó. Suy cho cùng, tôi vừa mới đi qua một buổi tối đặc biệt cam go, nhưng trong suốt thời gian đó đã duy trì được một “phẩm cách xứng hợp với chức vị tôi” - và hơn nữa, đã làm vậy theo một phương cách mà ngay cả cha tôi biết đâu cũng có thể tự hào. Và ở đó bên kia sảnh, chính ngay sau cánh cửa mà mắt tôi đang đặt vào đây, chính ngay trong căn phòng tôi vừa thực thi bổn phận của mình, những vị quyền lực nhất Âu châu đang bàn thảo về số phận của cả lục địa. Vào thời điểm ấy ai còn có thể nghi ngờ rằng tôi quả thực đã tới sát cái trục lớn của vạn sự như bất kỳ quản gia nào có thể mơ ước? Vì cớ đó, tôi đồ rằng trong lúc tôi đứng đó suy tư về những sự việc trong buổi tối vừa qua - những sự việc đã diễn ra và những sự việc hẵng còn đang tiếp diễn - buổi tối hiện ra trước mắt tôi như một bản tổng lược tất cả những thành tựu tôi đạt được đến thời điểm này trong cuộc đời. Tôi không thấy nhiều cách giải thích nào khác cho cảm giác đắc thắng đã nâng đỡ lòng tôi đêm đó.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét