Tàn Ngày Để Lại
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021
Ngày
thứ nhất - Tối
Salisbury
Đêm nay tôi nghỉ lại đây,
một nhà khách ở thành phố Salisbury. Ngày đầu hành trình đã trọn, xét tổng thể,
phải nói rằng tôi khá hài lòng. Giờ xuất phát sáng nay chậm hơn gần một tiếng đồng
hồ so với dự kiến, bất kể tôi đã hoàn tất việc đóng đồ và chất mọi tư trang cần
thiết lên cỗ Ford từ trước tám giờ sáng rất lâu. Bởi bà Clements và hai cô gái
cũng nghỉ cả tuần nay, tôi nghĩ mình đã cảm nhận rõ rằng khi nào mình đi, Dinh
Darlington sẽ không có lấy một bóng người, hẳn là lần đầu tiên trong thế kỷ này
- có lẽ còn là lần đầu tiên từ thuở tòa nhà được cất lên. Một cảm giác quái lạ,
và hẳn chính đó là nguyên do tôi nấn ná thực lâu trước khi khởi hành, đi quanh
nhà hết vòng này tới vòng khác, kiểm tra lần cuối để biết rằng mọi thứ đều ngăn
nắp.
Rất khó giải thích tâm trạng
tôi khi cuối cùng cũng khởi hành. Trong khoảng hai mươi phút đầu tiên chạy xe,
tôi không thể nói mình đã ngợp trong phấn khích hay ngóng đợi gì hết. Điều này
hẳn nhiên là vì dẫu mỗi lúc xe một xa rời ngôi nhà, nhưng tôi vẫn đi giữa những
khung cảnh ít nhất cũng từng chạy qua. Thực sự tôi vẫn luôn cho rằng mình đi lại
rất ít, vì bị giữ chân bởi những bổn phận trong nhà, nhưng dĩ nhiên qua thời
gian, người ta cũng có lý do nọ lý do kia trong công việc để ra ngoài, và xem
ra tôi đã quen thuộc với vùng lân cận hơn nhiều so với tôi tưởng. Bởi, như đã
nói, trong lúc mãi chạy xe trong nắng về phía ranh giới sang Berkshire, tôi vẫn
không ngớt ngạc nhiên vì vẻ thân quen của đồng quê quanh mình.
Nhưng rồi, rốt cuộc,
phong cảnh chung quanh cũng hóa ra xa lạ, và tôi biết mình đã vượt qua mọi ranh
giới trước đây. Tôi từng nghe mô tả khi lên tàu ra biển, rốt cuộc sẽ đến một thời
điểm người ta thấy đất liền khuất khỏi tầm mắt. Tôi hình dung cảm tưởng bất an
xen lẫn tột độ hân hoan gắn liền với khoảnh khắc này thường nghe nói, hẳn là rất
giống điều tôi cảm thấy khi ngồi trong cỗ Ford thấy khung cảnh bỗng hóa ra lạ lẫm.
Thời điểm ấy đến ngay sau khi tôi rẽ vào một khúc cua và nhận ra mình đi trên
con đường lượn tròn ôm lấy rìa đồi. Tôi cảm thấy được bờ vực dựng đứng bên
trái, tuy không nhìn thấy do những thân cây và tàng cây ken sít bên vệ đường.
Trong lòng tôi chợt ập đến cảm giác mình đã thực sự rời khỏi Dinh Darlington,
và phải thú nhận còn lờ mờ có nỗi kinh sợ - bồi thêm vào đó là ý nghĩ biết đâu
tôi không hề đi đúng đường, mà đã lạc hướng đâu đó phóng vút vào miền hoang dã.
Cảm giác ấy chỉ thoáng qua, nhưng cũng khiến tôi đi chậm lại. Và cả khi đã tự trấn
an rằng mình đi đúng đường rồi, tôi vẫn không thể không dừng xe một chốc, kiểm
điểm lại tình hình.
Tôi quyết định ra khỏi xe
duỗi chân cẳng một lát, và khi làm vậy, tôi càng thấm thía hơn bao giờ hết cảm
giác mình đương vắt vẻo trên sườn đồi. Một bên đường là những bụi rậm và cây nhỏ
chạy lên triền dốc đứng, còn bên kia, thấp thoáng qua kẽ lá, là vùng đồng quê
xa xa.
Tôi nghĩ mình đã đi dọc
bên đường một quãng, ngó qua cành lá toan tìm một khoảng nhìn xuống rõ hơn, thì
nghe sau lưng có tiếng nói. Tôi, cho đến lúc này đương nhiên vẫn nghĩ mình có một
mình ở đây, bèn kinh ngạc quay lại. Đằng trước một quãng, bên kia đường mở ra một
vệt đường mòn nhỏ chạy lên mất hút giữa những bụi cây dốc đứng. Trên hòn đá to
đánh dấu đầu đường mòn, một người gầy gò tóc bạc đội mũ bê rê ngồi hút tẩu. Ông
ta lại gọi tôi, và dẫu không nghe rõ lời, tôi cũng thấy ông ta đang vẫy mình lại
gần. Trong giây lát tôi ngỡ đây là một người vô gia cư, nhưng rồi nhận ra chỉ
là một người dân vùng này đương thưởng ngoạn nắng hè và không khí trong lành,
tôi chẳng thấy cớ gì từ chối.
- Thưa ngài, tôi chỉ muốn biết, - ông ta nói khi tôi lại gần, - chân ngài có khỏe hay
không.
- Xin vô phép được hỏi ý anh là gì?
Người kia khoát tay chỉ
đường mòn.
- Phải có cặp giò khỏe với lá phổi đồng mới hòng lên đó được. Tôi thì, cả hai
đều không có, cho nên tôi ngồi lại đây. Nhưng nếu dẻo dai hơn, tôi đã ngồi trên
đó rồi. Trên đó có một điểm dừng chân rất thú vị, có cả ghế ngồi các kiểu. Mà cảnh
ở đó thì toàn nước Anh ngài không kiếm được chỗ nào đẹp hơn đâu.
- Nếu sự thể đúng như lời ông nói, - tôi đáp, - thì có lẽ tôi ở lại đây là hơn. Số là tôi đang khởi
hành một chuyến du ngoạn bằng ô tô, và hy vọng được nhìn ngắm nhiều khung cảnh
tuyệt vời trên đường đi. Nhìn thấy cảnh đẹp nhất khi còn chưa thực sự bắt đầu e
rằng có hơi quá sớm.
Người kia có vẻ không hiểu
ý tôi, vì ông ta chỉ nhắc lại:
- Toàn nước Anh này ngài không kiếm được chỗ nào đẹp hơn đâu. Nhưng tôi bảo rồi
đấy, ngài cần cặp giò khỏe và lá phổi đồng. - Rồi nói thêm, - Tôi thấy là ngài khá dẻo dai so với tuổi, thưa
ngài. Tôi dám nói ngài có thể lên đó ngon lành. Đến tôi đây, ngày đẹp trời cũng
còn đi được.
Tôi nhìn theo con đường
mòn, đúng là dốc và có vẻ hơi hiểm trở.
- Cho ngài biết, thưa ngài, không đi lên đó ngài sẽ hối cho mà xem. Mà ai nói
trước được điều gì. Một hai năm nữa, có thể đã quá muộn, - ông ta nói, cười nghe
khá thô bỉ. - Tốt nhất giờ lên được thì cứ lên đi.
Tới giờ tôi đã ngẫm ra rằng
có lẽ người ấy chỉ muốn nói một cách khôi hài - nghĩa là, ông ta định làm một
nhận xét theo kiểu bông lơn. Nhưng hồi sáng, phải nói rằng tôi thấy câu đó rất
xúc phạm, và rất có thể chính vì mong muốn chứng tỏ ra rằng điều ông ta ám chỉ
thực ngớ ngẩn mà tôi đã bước lên đường mòn kia.
Dẫu sao thì tôi rất mừng
đã đi vào đó. Hẳn nhiên, cuốc đi ấy thuộc loại nhọc - dẫu cũng phải nói nó
không đặc biệt gây khó khăn gì cho tôi - đường đi dích dắc chạy lên sườn đồi chừng
trăm thước. Đi hết thì tôi gặp một khoảng nhỏ trống trải, hẳn nhiên là điểm dừng
chân mà người kia nói đến. Chào đón người ta ở đây là một băng ghế, cùng, thực
vậy, một khung cảnh hàng dặm đồng quê tuyệt đẹp chung quanh.
Trước mắt tôi chủ yếu là
đồng nối tiếp đồng, nhấp nhô chạy xa hút mắt. Mặt đất dâng lên hạ xuống hiền
hòa, mỗi cánh đồng lại có bờ cây hay hàng giậu. Trên những đồng xa có những chấm
mà tôi đoán là cừu. Về bên phải, gần như tít chân trời, tôi nghĩ còn nhìn thấy
được ngọn tháp vuông của nhà thờ nào đó.
Cảm giác khi đứng trên đó
quả thực dễ chịu, khi người ta có thanh âm mùa hè khắp chung quanh và ngọn gió
nhẹ vờn trên mặt. Và tôi nghĩ chính vào khi ấy, khi nhìn xuống khung cảnh ấy mà
lần đầu tiên tâm thế tôi thay đổi để đón nhận hành trình trước mặt. Vì chính
vào khi ấy lần đầu tiên tôi cảm thấy trào lên trong mình niềm mong ngóng lành mạnh
trước hàng bao nhiêu kinh nghiệm vui thú mà tôi biết đang hứa hẹn cho mình
trong những ngày phía trước. Và thực vậy, chính vào khi ấy tôi quyết tâm không
nản lòng trước nhiệm vụ duy nhất mang tính công việc tôi đã giao cho mình trong
chuyến đi này; tức là nhiệm vụ liên quan tới cô Kenton và các khó khăn về nhân
sự hiện thời.
*
* *
Nhưng đấy là việc hồi
sáng. Tối nay tôi đã ấm chỗ ở đây, trong nhà khách dễ chịu này, trên con phố
không xa trung tâm Salisbury. Tôi đoán cơ sở này thuộc dạng khá khiêm tốn,
nhưng rất sạch, và hoàn toàn đáp ứng được những nhu cầu của tôi. Bà chủ chừng bốn
chục tuổi, có vẻ coi tôi là một vị đại nhân nhờ có cỗ Ford của ông Farraday
cùng bộ vét hạng sang trên người. Từ buổi chiều nay - tôi tới Salisbury quãng
ba rưỡi - khi biên vào sổ khách của bà địa chỉ “Dinh Darlington”, tôi đã thấy
bà nhìn tôi có phần run sợ, hẳn nhiên cho rằng tôi là một vị quyền quý vốn chỉ
quen với khách sạn Ritz hay Dorchester và sẽ đùng đùng bỏ đi ngay khi được đưa
lên phòng. Bà ngỏ lời với tôi rằng có một phòng đôi phía trước còn trống, sẵn
sàng cho tôi trọ với giá tiền bằng phòng đơn.
Thế là tôi được đưa tới
phòng này, vào cái giờ ấy, ánh nắng đang rọi sáng những họa tiết hình hoa trên
giấy dán tường nhìn rất mực ưa mắt. Có hai chiếc giường đơn và hai cửa sổ khá lớn
nhìn xuống phố. Khi tôi ướm hỏi phòng phụ nằm đâu, bà rụt rè bảo tôi rằng đấy
chính là cánh cửa đối diện phòng tôi, nhưng nước nóng phải đợi tới sau bữa tối
mới có. Tôi nhờ bà mang một ấm trà lên phòng, và lúc bà đi, tôi xem xét căn
phòng kĩ hơn. Hai chiếc giường sạch sẽ tinh tươm, chăn đệm phẳng phiu. Bồn rửa
trong góc cũng sạch bóng. Nhìn ra ngoài cửa sổ có thể thấy bên kia đường có một
hiệu bánh bày đủ chủng loại bánh ngọt đa dạng, một hiệu dược phẩm, một hiệu cắt
tóc. Nhìn xa nữa, người ta sẽ thấy con phố chạy qua cây cầu lưng vồng rồi đi tiếp
vào những vùng thôn dã. Tôi rửa ráy mặt mũi và hai tay bằng nước lạnh nơi bồn rửa,
rồi đặt mình ngồi lên cái ghế lưng cứng đặt gần một bên cửa sổ, đợi lên trà.
Tôi đoán chắc độ quá bốn
giờ một chút thì tôi rời nhà khách, dấn mình vào phố phường Salisbury. Thiết kế
đường phố rộng và thoáng khí khiến thành phố cho cảm giác rộng rãi tuyệt vời,
khiến tôi thoải mái dành cả vài giờ thả bộ trong nắng ấm dịu dàng. Thêm nữa,
tôi nhận ra vô số nét quyến rũ trong thành phố; cứ thi thoảng tôi lại thấy mình
đi qua những dãy nhà ván ghép cũ xinh đẹp, hay băng ngang một cây cầu đá nhỏ
dành cho khách bộ hành vắt qua một trong rất nhiều con suối chảy qua thành phố.
Và đương nhiên, tôi không quên tới viếng thăm nhà thờ chính tòa xinh đẹp mà bà
Symons trong những trang sách đã không tiếc lời ngợi khen. Tìm đến tòa kiến
trúc đường bệ ấy chẳng có gì khó, bởi dù người ta ở đâu trong Salisbury, đỉnh
tháp cũng hiện lên lừng lững phía chân trời. Thực vậy, chiều tối nay, trên đường
trở lại nhà khách, tôi đã ngoái lại nhìn cả mấy lần và mỗi lần lại được thấy cảnh
mặt trời lặn sau đỉnh tháp lừng lững ấy.
Vậy nhưng đêm nay, giữa cảnh
lặng lẽ trong phòng này, tôi nhận ra còn lại trong mình sau ngày du hành đầu
tiên lại không phải Nhà thờ chính tòa Salisbury, hay một nét duyên nào khác của
thành phố, mà là khung cảnh tuyệt vời những cánh đồng Anh nhấp nhô mà tôi bắt gặp
sáng hôm nay. Xin phép được nói rằng tôi hết lòng tin những đất nước khác có thể
bày ra những cảnh trí rành rành tráng lệ hơn nhiều. Thực vậy, tôi đã được thấy
trong những bách khoa thư, trong tạp chí National Geographic những
tấm ảnh chụp các cảnh tượng năm châu bốn bể đẹp mê hồn: những hẻm vực hùng vĩ,
những thác nước lồng lộng, những vách núi gai góc tuyệt mỹ. Dĩ nhiên, tôi chưa
bao giờ có cái hân hạnh được tận mục sở thị những cảnh đó, nhưng tôi vẫn tương
đối tự tin mà đánh bạo đưa ra giả thuyết này: cảnh vật nước Anh ở độ tinh tế nhất
- như tôi được thấy sáng hôm nay - sở hữu trong mình một phẩm chất mà cảnh vật ở
các đất nước khác, dẫu vẻ ngoài có ấn tượng hơn bao nhiêu, thì cũng không cách
nào có được. Và tôi tin chính phẩm chất đó sẽ khiến cho bất cứ người quan sát
công tâm nào cũng phải thừa nhận phong cảnh nước Anh là thứ phong cảnh mang lại
niềm xúc động trọn vẹn nhất thế giới, một phẩm chất có thể tóm gọn bằng từ “vĩ
đại”. Bởi đúng là như thế, khi đứng trên rìa đồi cao ngắm khung cảnh trải ra
trước mặt sáng hôm nay, tôi nhận thấy rõ rệt cái cảm giác hiếm hoi nhưng không
thể lầm được ấy - cảm giác rằng người ta đang đối mặt với cái vĩ đại. Miền đất
quê hương này chúng ta gọi là Đại Anh quốc, và có thể có người
nghĩ rằng cách gọi ấy có phần huênh hoang. Nhưng tôi mạo muội cho rằng chỉ
riêng cảnh sắc quê hương ta thôi cũng đủ cho thấy cái tính ngữ cao vời ấy hết sức
thỏa đáng.
Vậy nhưng đích xác thì
cái “vĩ đại” ấy là gì? Nó nằm ở đâu, hay do bởi điểm nào? Tôi khá hiểu rằng cần
một bộ óc thông thái vượt xa tôi mới giải đáp được câu hỏi ấy, nhưng nếu phải mạn
phép đưa ra lời đoán, thì tôi cho rằng chính vì không có những
cảnh trí hoành tráng hay biến ảo đập vào mắt mà vẻ đẹp của xứ ta khác hẳn những
nơi còn lại. Điều đáng kể ở đây là chất điềm tĩnh nơi vẻ đẹp ấy, là cảm giác tiết
chế nơi nó. Vẻ như mảnh đất này biết rõ cái đẹp của bản thân, sự vĩ đại của bản
thân, nên chẳng thấy cần khua chiêng gióng trống làm gì. Đem so với nó, những cảnh
trí mời mọc ta ở những nơi như Phi châu hay Mỹ châu mặc dầu hiển nhiên rất kích
thích lòng, nhưng tôi tin chắc, trước mắt người ngắm cảnh công tâm, sẽ tỏ ra là
thua kém chính vì sự phô phang thiếu chừng mực.
Câu hỏi ấy rất tương đồng
với câu hỏi đã gây nên nhiều bàn cãi trong nghề chúng tôi qua nhiều năm: thế
nào là một quản gia “vĩ đại”? Tôi vẫn nhớ đã dành nhiều giờ thú vị bàn luận về
đề tài này bên lò sưởi trong phòng gia nhân khi cuối ngày. Chắc hẳn quý vị nhận
thấy tôi nói “thế nào là” chứ không nói “ai là”; bởi về phần những ai đã trở
nên khuôn vàng thước ngọc trong thế hệ chúng tôi thì thực sự không có nhiều bàn
cãi. Nói vậy có nghĩa là, tôi đang nhắc đến những nhân vật như ông Marshall ở
Nhà Charleville, hay ông Lane ở Bridewood. Nếu từng có vinh dự được gặp gỡ những
con người như thế, hẳn nhiên quý vị đã biết về cái phẩm chất nơi họ mà tôi đang
kể đến đây. Nhưng cũng hẳn nhiên quý vị sẽ hiểu vì sao tôi nói rằng hoàn toàn
không dễ định nghĩa cho ra phẩm chất ấy.
Nhân tiện, bởi giờ tôi
nghĩ thêm về vấn đề này, xin nói rằng không hẳn hoàn toàn không có bất đồng về
việc ai là những quản gia vĩ đại thời chúng tôi. Đáng ra tôi
phải nói rằng không có bất đồng gì lớn giữa những quản gia có trình độ và có
chút hiểu biết về những vấn đề loại này. Đương nhiên, phòng gia nhân tại Dinh
Darlington, cũng như phòng gia nhân tại mọi nơi khác, không thể khước từ đón tiếp
những gia nhân có trí thông minh và óc quan sát thuộc mọi cấp độ khác nhau, và
tôi nhớ đã nhiều lần phải mím miệng làm thinh giữa lúc gia nhân nhà ai đó - và
có lúc, tôi buồn phiền mà nói điều này, cả người trong chính nhà tôi - hăng say
tán tụng những người như ông Jack Neighbours chẳng hạn.
Tôi không có gì phản đối
ông Jack Neighbours, người theo tôi biết, đã không may tử trận trong chiến
tranh. Tôi nêu tên ông chỉ đơn giản vì ông là một trường hợp điển hình. Trong
chừng hai, ba năm vào quãng giữa thập niên ba mươi, cái tên ông Neighbours dường
như đã là chủ đề bàn luận chính ở mọi phòng gia nhân trên cả nước. Cả ở Dinh
Darlington, như tôi đã nói, rất nhiều gia nhân ghé chơi sẽ đem theo chuyện về
những kỳ tích mới nhất của ông Neighbours, khiến cho tôi hay những người như
ông Graham sẽ phải mệt mỏi chịu đựng hàng tràng những giai thoại về ông ấy. Và
mệt hơn hết là phải chứng kiến, khi kết thúc mỗi giai thoại ấy, những nhân viên
thường ngày vẫn đàng hoàng kia lúc lắc đầu sửng sốt và thốt ra những câu đại loại
như: “Cái ông Neighbours ấy, ông ta đúng là số một”.
Phải nói rằng tôi không
nghi ngờ gì việc ông Neighbours có tài tổ chức rất khá; theo tôi được biết, ông
đã dàn dựng nhiều buổi tiếp tân quy mô rất phong cách và hoành tráng. Nhưng
chưa một lúc nào ông có thể tới gần được tư cách một quản gia vĩ đại. Tôi hoàn
toàn không ngại nói điều này ngay từ khi danh tiếng của ông đương ở đỉnh cao,
cũng như tôi đã từng dự đoán cuộc sa cơ của ông sau vài năm ngắn ngủi được thần
tượng đến như vậy.
Quý vị đã bao lần chứng
kiến cảnh một quản gia mới ngày nào còn nức tiếng nơi nơi là người vĩ đại nhất
trong thế hệ mình, thế mà rồi chỉ mấy năm sau đã lộ diện triệt để rằng hoàn
toàn trái lại? Ấy nhưng chính những gia nhân thuở nào từng tâng bốc ông đến mây
xanh, nay lại đang mê mải xưng tụng một tên tuổi nào khác, chẳng biết đường
bình tâm xem xét lại trí phán đoán của mình. Đối tượng của những chuyện trò kiểu
này nơi phòng gia nhân bao giờ cũng là một quản gia nào đó vừa đột ngột nổi lên
nhờ được nhận vào một nhà quyền quý nào đấy, và có thể đã đạo diễn hai, ba sự
kiện lớn phần nào thành công. Tiếp theo sẽ thấy tin đồn xôn xao khắp các phòng
gia nhân trong Nam ngoài Bắc, nào ông ta đã được mời mọc bởi nhân vật chức trọng
quyền cao nọ, nào ông ta đương cân nhắc những mức lương cạnh tranh chóng mặt từ
vài danh gia vọng tộc kia. Và rồi sau đó chưa được vài năm thì sao? Chính nhân
vật vô khuyết ngày nào lại mắc lầm lỗi nặng, hay vì cớ nào khác mà đánh mất
lòng sủng ái của ông bà chủ, rời khỏi ngôi nhà đã đưa lại cho ông ta danh tiếng,
và tịnh không bao giờ còn nghe tên. Trong lúc đó thì những kẻ đưa chuyện khi
xưa đã kịp tìm ra một người mới nổi nào khác để mà trầm trồ. Các tùy tùng ghé
chơi, như tôi nhận thấy, thường mắc lỗi này nặng nhất, bởi họ thường ôm mộng
thăng lên vị trí quản gia càng sớm càng hay. Chính họ là những người luôn miệng
nói rằng ông nọ ngài kia mới chính là hình mẫu cần học tập, hoặc nhắc đi nhắc lại
lời phán bảo của ngôi sao nào đó về các vấn đề chuyên môn.
Nhưng lại cũng đương
nhiên, tôi phải nói ngay điều này, có rất nhiều tùy tùng khác chẳng có lấy dẫu
chỉ là chút ý định dự vào những việc ngốc dại kiểu ấy, mà thực tình còn là những
người hành nghề có óc phán xét sành sỏi. Những dịp nào gặp được hai hoặc ba người
như vậy cùng tụ họp ở phòng gia nhân nhà chúng tôi - thuộc hàng như ông Graham
chẳng hạn, mà buồn thay, dường như giờ tôi đã mất hẳn liên lạc với ông - là
chúng tôi sẽ có một cuộc tranh luận thuộc loại thông minh và khơi gợi suy nghĩ
bậc nhất về đủ mọi khía cạnh trong nghề. Thực vậy, cho tới ngày hôm nay, những
buổi tối kia vẫn thuộc vào số những kỷ niệm ấm áp nhất của tôi về thời ấy.
Nhưng xin hãy cho tôi trở
lại câu hỏi thực tình đáng quan tâm ở đây, câu hỏi mà chúng tôi rất ưa thảo luận
những buổi tối không vẩn đục vì những trò chuyện buông tuồng của những người chẳng
có lấy chút hiểu biết căn bản về nghề; ấy là câu hỏi “thế nào là một
quản gia vĩ đại?”.
*
* *
Trong phạm vi hiểu biết của
tôi, dầu cho câu hỏi này đã khiến nảy sinh bao đàm luận trong bấy nhiêu năm,
nhưng trong nội bộ nghề chưa hề có mấy cố gắng ngõ hầu đưa ra một câu trả lời
chính thức. Trường hợp duy nhất mà tôi nhớ được là cái lần Hội Hayes tìm cách
thiết kế ra tiêu chí tuyển chọn thành viên. Cũng có thể quý vị chưa từng biết đến
Hội Hayes; ngày nay rất ít người còn nhắc nhở đến nó. Nhưng hồi thập niên hai
mươi và đầu ba mươi, hội ấy có tầm ảnh hưởng đáng kể hầu khắp London cùng các hạt
lân cận. Thực tế là nhiều người cảm thấy hội đã trở nên quá quyền lực, và cũng
không tiếc thương gì khi hội buộc phải giải thể, tôi nghĩ là vào năm 1932 hoặc
1933.
Hội Hayes tuyên bố rằng họ
chỉ kết nạp những quản gia “thuộc hàng ưu tú nhất”. Thế lực và danh giá mà hội
này về sau đạt đến phần lớn là bởi, không giống như các hội tương tự đã tụ rồi
tan, họ thực sự giới hạn được số lượng hội viên cực kỳ ít ỏi, nhờ thế tuyên bố
kia giữ được ít nhiều uy tín. Nghe đồn rằng trong lịch sử hội, số hội viên chưa
bao giờ lên tới quá ba chục, phần lớn chỉ loanh quanh chín hoặc mười. Thêm vào
đó, Hội Hayes hoạt động phần nhiều khá bí mật, hai điều ấy khiến quanh hội phủ
một màn sương huyền hoặc suốt một thời gian, đủ cho mỗi tuyên bố mà thỉnh thoảng
hội ban ra về những vấn đề chuyên môn được đón nhận như điều răn trên bảng đá.
Nhưng có một vấn đề mà suốt
hồi lâu hội này nhất định không công bố, đấy là tiêu chí kết nạp hội viên của
chính họ. Áp lực đòi hỏi công bố điều này càng lúc càng tăng, và đáp lại một
chuỗi thư độc giả đăng trên Tam cá nguyệt san của giới thị tùng, hội
này thừa nhận rằng một trong những điều kiện tiên quyết để trở thành hội viên
là “ứng viên phải phục vụ trong một gia đình danh giá”. “Dù, đương nhiên”, họ còn nói thêm, “riêng
điều này thì chưa thể coi là đủ để đáp ứng yêu cầu kết nạp”. Thêm nữa, hội còn nói rõ
rằng họ không coi nhà của giới doanh thương hoặc “người giàu mới” là “danh
giá”, và theo thiển ý của tôi thì lối suy nghĩ lỗi thời kiểu này đã làm suy giảm
nghiêm trọng chút uy tín nào hội đã giành được trong vai trò cầm cân nảy mực
cho nghề này. Sau khi thư hồi đáp tiếp tục đổ đến, Hội Hayes bảo vệ quan điểm của
mình, dẫu thừa nhận quan điểm của một số bạn đọc rằng vẫn có một vài quản gia
phẩm chất tuyệt hảo hiện đương phục vụ trong nhà các doanh nhân, thì “chúng tôi
vẫn buộc phải giả định rằng những con người như vậy chẳng chóng thì chầy sẽ được
mời về phục vụ trong gia đình các quý nhân đích thực”. Người ta cần nghe theo sự phán định
của “các quý nhân đích thực”, đấy là lập luận của hội, bằng không “chẳng khác
nào chúng ta đi theo mực thước cánh Bolshevik ở Nga về”. Phát biểu này còn thổi
bùng tranh cãi rầm rộ hơn nữa, và thư từ gửi về cứ tiếp tục tăng sức ép hối
thúc hội phải bạch hóa đầy đủ những tiêu chí chọn hội viên. Cuối cùng thì, một
lá thư ngắn gửi cho tập san đã bộc lộ rằng, theo quan điểm của hội - ở đây tôi
sẽ cố gắng trích dẫn chính xác theo trí nhớ - “tiêu chí thiết yếu nhất là ứng
viên phải sở hữu một phẩm cách xứng hợp với chức vị của mình. Bất kỳ một ứng
viên nào, dẫu cho thành tựu dày dặn đến đâu, nếu bị xét thấy thua kém về phương
diện này đều không thể được coi là thỏa mãn điều kiện gia nhập hội”.
Dẫu bản thân chẳng mấy mặn
mà với Hội Hayes, tôi tin rằng ít nhất riêng phát biểu này cũng đặt trên cơ sở
một chân lý hệ trọng. Khi nhìn vào tất cả những ai có thể khiến người ta nhất
trí là một quản gia “vĩ đại”, khi nhìn vào ông Marshall hay ông Lane, chẳng hạn,
đúng là tôi có cảm giác rằng yếu tố phân biệt họ với những quản gia chỉ đơn thuần
là tài khéo hết mực có thể được diễn tả gần sát nhất bằng chữ “phẩm cách” này.
Đương nhiên, nói như vậy
chỉ dẫn ta đến câu hỏi tiếp theo: vậy thì “phẩm cách” chứa đựng những gì? Và
chính xoay quanh điểm này mà những người như ông Graham và tôi đã có những cuộc
tranh luận vào loại lý thú nhất. Ông Graham thì luôn giữ quan điểm rằng “phẩm
cách” này cũng tựa như nhan sắc của người phụ nữ, có tìm cách phân tách rạch
ròi cũng uổng công. Còn tôi, ngược lại, cho rằng ví von như vậy sẽ làm giảm giá
trị “phẩm cách” của những người như ông Marshall. Thêm nữa, tôi không đồng tình
với phép so sánh của ông Graham chủ yếu là vì, nó ám chỉ “phẩm cách” ấy là thứ
người ta có được hoặc không là do sự đỏng đảnh của tự nhiên, và nếu không rành
rành là có nó, thì gắng gỏi mấy cũng chỉ hoài công, như một người đàn bà xấu gắng
hóa trang cho đẹp. Còn tôi, dẫu công nhận rằng đại đa số quản gia hẳn sẽ đến một
lúc nhận ra họ căn bản không có cơ đạt được điều ấy, nhưng tôi cũng cực lực tin
tưởng rằng “phẩm cách” ấy là thứ người ta có thể vì nó mà khổ luyện phấn đấu suốt
sự nghiệp mình. Những quản gia “vĩ đại” sở hữu nó như ông Marshall, tôi tin chắc
đấy là nhờ trui rèn và tích tụ kĩ lưỡng kinh nghiệm qua nhiều năm mà đạt được.
Vậy nên theo thiển ý của tôi, xét về mặt nghề nghiệp mà nói, thái độ của ông
Graham chỉ dẫn tới chủ nghĩa thất bại.
Dẫu sao đi nữa, bất chấp
quan điểm hoài nghi của ông Graham, trong ký ức tôi còn lưu lại nhiều buổi tối
tôi với ông đã cùng nhau tìm cách lý giải những gì làm nên thứ “phẩm cách” này.
Chúng tôi chưa bao giờ dừng lại ở một kết luận cuối nào, nhưng riêng về phần
mình, tôi có thể nói mình đã hình thành nên những ý tưởng khá kiên định thông
qua những buổi đàm luận ấy, và phần lớn đó vẫn là những điều tôi còn tin tưởng
ngày nay. Nếu được phép, tôi xin tìm cách trình bày ở đây về “phẩm cách” ấy
theo kiến giải của mình.
Tôi đồ rằng quý vị sẽ thấy
không cần phải phản đối nhận định rằng xét trong giai đoạn gần đây ông Marshall
ở Nhà Charleville và ông Lane ở Bridewood có thể kể làm hai quản gia vĩ đại. Có
thể quý vị còn chịu đồng tình rằng ông Henderson ở Lâu đài Branbury cũng thuộc
cái phạm trù hiếm hoi kia. Nhưng có lẽ quý vị sẽ cho rằng tôi chỉ thuần xuất
phát từ thiên ái mà bảo rằng chính cha tôi đây, về nhiều mặt có thể xếp ngang
hàng với những người như vậy, và sự nghiệp của ông chứ chẳng phải ai khác là điều
tôi chiêm nghiệm từ trước đến nay để tìm ra định nghĩa thế nào là “phẩm cách”.
Thế nhưng tôi tin tưởng đinh ninh rằng trong thời đỉnh cao sự nghiệp của ông ở
Nhà Loughborough, cha tôi chính là hiện thân sống của “phẩm cách” trên đời.
Tôi có hiểu rằng, nếu xem
xét vấn đề một cách khách quan, không thể không công nhận cha tôi thiếu rất nhiều
yếu tố người ta thường trông đợi nơi một quản gia vĩ đại. Nhưng theo thiển ý của
tôi, những chỗ thiếu sót ấy, không trừ cái nào, đều chỉ là những yếu tố bề mặt
mang tính trang trí - hấp dẫn thực, như kem trên mặt bánh, nhưng chẳng hề quan
hệ tới phần bản chất. Ở đây tôi đang nhắc đến những điều như ngữ điệu hay và lời
ăn tiếng nói điêu luyện, hay vốn kiến thức rộng rãi về những đề tài quảng bác từ
nghệ thuật huấn luyện chim ưng săn cho đến cách phối giống sa giông - cha tôi
thì chẳng thể nhận mình biết được chút gì trong số ấy. Thêm nữa, cần phải lưu ý
rằng cha tôi thuộc về lớp quản gia thế hệ trước; vào thời điểm ông khởi đầu sự
nghiệp, những hiểu biết kiểu ấy ở một quản gia thậm chí còn không được coi là đứng
đắn, chứ đừng nói là được đánh giá cao như hiện nay. Nỗi mê cuồng tài ăn nói
văn hoa và kiến văn rộng rãi dường như có vẻ mới nảy sinh từ thế hệ tôi, hẳn là
từ sau khi ông Marshall thành danh và những kẻ kém cỏi hơn muốn sao chép lại tầm
vóc vĩ đại của ông đã lầm cái vỏ ngoài là bản chất. Phải nói rằng theo ý tôi,
thế hệ hiện tại đã quá mải mê với những rườm rà tiểu tiết; có trời tính được
bao nhiêu thời gian công sức đã đổ vào luyện tập ngữ điệu và trui rèn lời ăn tiếng
nói, bao nhiêu giờ đồng hồ đã tiêu phí để ngâm ngợi những bộ bách khoa thư hay
các tập Thường thức cho mọi nhà, trong khi thời gian ấy đáng
ra phải dùng để nắm vững những yếu lĩnh căn bản của nghề.
Mặc dầu chúng ta cần thận
trọng kẻo rơi vào chối bỏ cái trách nhiệm mà xét cho cùng vẫn là của chính
mình, nhưng cũng cần phải nói rằng có một số ông chủ nhất định đã có vai trò lớn
trong việc khuyến khích những xu hướng kiểu ấy. Tôi lấy làm tiếc phải phát biểu
rằng theo quan sát của mình, có một vài gia tộc trong những năm gần đây, trong
đó có cả những gia đình cao quý bậc nhất, đã tuồng như có ý cạnh tranh với nhau
và không từ cả việc đem “phô” với tân khách những tài năng nhỏ nhặt về hạng ấy
của quản gia. Tôi đã nghe kể nhiều lần người quản gia được đem trình ra như một
con khỉ làm trò ở một buổi tiệc nhà ai đó. Trong một trường hợp đáng buồn mà
tôi đã tận mắt chứng kiến, ở một nhà nọ, có một tiết mục tiêu khiển đã thành
thông lệ là quan khách đến nhà sẽ cho triệu người quản gia tới hỏi những câu
trên trời rơi xuống, thí dụ như ai là quán quân cuộc đua ngựa Derby trong năm nọ
năm kia, như thể người ấy là một diễn viên “nhớ tuốt biết tuốt” ở rạp tạp kỹ.
Như tôi đã nói, thế hệ của
cha tôi có cái may mắn là hoàn toàn chưa phát sinh những nhập nhằng về giá trị
nghề nghiệp kiểu ấy. Và tôi khẳng định rằng, bất chấp lời ăn tiếng nói thô vụng
của ông, cũng như vốn kiến thức phổ thông hạn chế của ông, ông không chỉ nắm vững
mọi điều cần thiết để điều hành một ngôi nhà, mà ở đỉnh cao sự nghiệp của mình,
ông thực sự đã đạt tới cái “phẩm cách xứng hợp với chức vị của ông”, như Hội
Hayes nói. Vậy nếu gắng mô tả lại hầu quý vị điều gì theo tôi thấy đủ khiến cha
tôi đứng vào hàng cao quý như vậy, thì tôi có thể nhờ đó mà truyền đạt lại ý niệm
của mình về “phẩm cách” chăng.
Có một câu chuyện cha tôi
ưa thuật lại qua nhiều năm. Tôi nhớ đã từng nghe ông kể cho khách thăm ngày tôi
còn nhỏ, rồi nghe lại sau này, khi mới vào nghề, làm người hầu dưới sự giám sát
của ông. Tôi nhớ ông kể chuyện đó lần nữa khi tôi về thăm ông lần đầu sau khi
nhậm chức quản gia đầu tiên trong đời - là ở căn nhà có phần thanh bạch của ông
bà Muggeridge ở Allshort, Oxfordshire. Hẳn nhiên câu chuyện có nhiều ý nghĩa với
ông. Thế hệ cha tôi không có tính ưa phẩm bình phân tích như thế hệ hiện tại,
và theo tôi thấy, việc kể đi nhắc lại câu chuyện này có thể coi là hành động
chiêm nghiệm về nghề cao nhất của cha tôi. Như vậy, đây là chìa khóa căn cốt để
hiểu lối suy nghĩ của ông.
Đây có vẻ là một câu chuyện
thực, về một người quản gia đã theo ông chủ đi Ấn Độ và trong nhiều năm phục vụ
ở đó đã huấn luyện đội ngũ nhân viên người bản địa theo những tiêu chuẩn cao
không kém gì thuở vẫn ở Anh. Theo lời kể lại, một buổi chiều, người quản gia
vào phòng ăn soát lại lần cuối trước bữa tiệc tối thì nhận thấy dưới gầm bàn ăn
có một con hổ đang nằm ườn. Lẳng lặng rời phòng ăn, không quên đóng cửa khi đi
ra, người quản gia điềm tĩnh vào phòng tiếp tân nơi ông chủ đang dùng trà với
vài vị khách. Rồi đánh tiếng với ông chủ bằng một tiếng ho lễ độ, ông nói nhỏ
vào tai người chủ: “Xin thất lễ, thưa ông chủ, nhưng dường như có một con hổ
trong phòng ăn. Ông chủ chấp thuận cho sử dụng cây súng săn chứ?”.
Và theo sự tích còn truyền
lại, mấy phút sau, ông chủ cùng tân khách nghe thấy ba tiếng súng vang lên. Một
hồi sau đó, khi người quản gia trở lại vào phòng tiếp tân châm thêm trà, ông chủ
hỏi tình hình có ổn không.
“Hoàn toàn ổn, cảm ơn ông
chủ đã hỏi thăm”, người quản gia đáp lời. “Bữa tối sẽ dọn vào giờ thường lệ và tôi vui mừng
được báo với ông chủ rằng sẽ không còn lại dấu vết khả kiến nào về sự việc mới
đây vào thời điểm đó”.
Câu kết ấy - “không còn lại
dấu vết khả kiến nào về sự việc mới đây vào thời điểm đó” - cha tôi thường nhắc
lại, bật cười và lắc đầu ngưỡng mộ. Ông không nhận mình có biết tên người này,
hay biết ai từng quen người đó, nhưng lần nào cũng đoan chắc rằng sự việc đã diễn
ra đúng y như chuyện kể. Dẫu sao đi nữa thì, câu chuyện có thực hay không cũng
không phải là điều quan trọng; điều đáng kể ở đây dĩ nhiên là câu chuyện ấy nói
lên điều gì về lý tưởng của cha tôi. Bởi sau này nhìn lại sự nghiệp ông, tôi nhận
ra rằng suốt những năm tháng hành nghề hẳn ông đã gắng sức để cách nào đó trở
thành người quản gia trong câu chuyện ấy. Và theo thiển ý tôi, ở vào đỉnh
cao sự nghiệp mình, ông đã đạt được nguyện vọng này. Bởi dẫu tôi chắc ông chẳng
bao giờ có cơ hội giáp mặt một con hổ dưới gầm bàn ăn, nhưng khi điểm lại trong
đầu mọi điều từng biết hoặc từng nghe kể về ông, tôi có thể liệt kê ra ít nhất
vài trường hợp ông đã thể hiện dư dật cái phẩm chất ông rất đỗi ngưỡng mộ ở người
quản gia trong câu chuyện ấy.
Một trường hợp như vậy
tôi được nghe từ ông David Charles, thuộc công ty Charles và Redding, vẫn thỉnh
thoảng lui tới Dinh Darlington thời Huân tước Darlington. Một buổi tối tôi lãnh
nhiệm vụ tùy tùng cho ông, ông kể tôi nghe đã gặp cha tôi vài năm trước, đương
khi làm khách tại Nhà Loughborough, là tư gia của nhà công nghiệp John Silvers
nơi cha tôi đảm nhận chức quản gia suốt mười lăm năm thời đỉnh cao sự nghiệp.
Ông chưa bao giờ quên được cha tôi, ông Charles đã kể với tôi như thế, vì một
việc xảy ra trong chuyến viếng thăm này.
Một buổi chiều, và ông
Charles lấy làm hối tiếc và hổ thẹn rất nhiều vì chuyện này, ông đã tự cho phép
mình bị sa đà quá chén cùng hai người khách khác trong nhà, tôi sẽ chỉ gọi là
ông Smith và ông Jones vì hẳn trong một vài giới nào đó vẫn có người còn nhớ họ.
Sau khoảng một giờ thù tạc, hai vị kia nảy ý muốn làm một cuốc xe chiều quanh
các làng lân cận, bởi vào thời đó xe hơi vẫn còn là thứ tương đối mới mẻ hiếm
có. Họ thuyết phục ông Charles cùng đi, và bởi tới lúc đó tài xế đã nghỉ, họ chỉ
định cha tôi làm người lái xe.
Một khi đã khởi hành, ông
Smith và ông Jones, dẫu đều đã quá tuổi trung niên, bắt đầu hành xử như những cậu
học trò, hát hỏng thô tục và bình phẩm còn thô tục hơn về tất cả những gì nhìn
thấy qua cửa sổ. Thêm vào đó, hai vị này đã phát hiện trên bản đồ vùng lân cận
có ba ngôi làng tên Morphy, Saltash và Brigoon. Tôi phải chua rõ ở đây là mình
không chắc tên đúng là như thế, nhưng vấn đề là ở chỗ, ông Smith và ông Jones
nghĩ các tên ấy giống như Murphy, Saltman và mèo Brigid trong vở tạp kỹ mà có
thể quý vị từng nghe tới. Nhận thấy điều trùng hợp ngộ nghĩnh này, hai vị kia nảy
sinh ao ước được viếng thăm ba ngôi làng có tên đó - vẻ như là nhằm tri ân các
anh kép tạp kỹ. Theo lời ông Charles kể, cha tôi đã tận tình đưa họ đến làng thứ
nhất, rồi chuẩn bị rẽ vào làng tiếp theo, thì hoặc ông Smith hoặc ông Jones chợt
nhận ra đó là làng Brigoon - tức làng thứ ba chứ không phải làng thứ hai theo
danh sách. Hai vị đó giận dữ đòi cha tôi phải lập tức trở đầu xe để họ đến thăm
ba ngôi làng “theo đúng trật tự”. Sự thể là muốn vậy phải đi vòng lại một đoạn
đường khá xa, nhưng theo như ông Charles cam đoan với tôi, cha tôi đã tiếp nhận
như thể đó là một yêu cầu rất mực hợp lẽ, và về tổng thể vẫn cư xử lễ độ không
có gì thất thố.
Nhưng giờ thì ông Smith
và ông Jones đã chuyển sự chú ý sang cha tôi, và hẳn là đã chán cảnh vật ngoài
cửa sổ, họ bèn đổi sang tiêu khiển bằng cách hò hét những nhận định kém thiện ý
về “sai sót” của cha tôi. Ông Charles nhớ mình đã kinh ngạc thấy cha tồi không
mảy may tỏ ý bất bình hay tức giận, chỉ tiếp tục lái xe với vẻ mặt cân bằng tuyệt
đối giữa phẩm cách cá nhân và thái độ sẵn sàng phục vụ. Nhưng sự điềm tĩnh của
cha tôi không được phép kéo dài lâu. Bởi khi tới tấp xúc phạm cha tôi hiện đang
quay lưng về phía họ đã chán, hai vị kia bắt đầu chuyển sang đề tài người chủ
ngôi nhà họ đang nghỉ lại, cũng tức là ông chủ của cha tôi, ông John Silvers.
Những bình phẩm của họ càng lúc càng đê tiện và vô ơn, đến nỗi ông Charles buộc
phải xen vào, hay ít ra là ông nói vậy, góp ý rằng ăn nói như vậy là không phải
lẽ. Nhưng ý kiến ấy đã gặp phải sự phản kháng hăng tới nỗi ông Charles không chỉ
lo sẽ trở thành đối tượng tiếp theo được hai vị kia chiếu cố, mà còn thực sự đã
nghĩ rằng mình đang đối diện với nguy cơ bị hành hung. Nhưng thình lình, sau một
luận điệu ám chỉ đặc biệt gớm guốc về ông chủ từ phía họ, cha tôi bỗng dừng phắt
xe. Việc xảy ra sau đó chính là điều ghi lại dấu ấn không thể phai mờ cho ông
Charles.
Cửa sau xe mở, từ trong
xe nhìn ra có thể thấy cha tôi đứng đó, cách cỗ xe vài bước, mắt không chớp
nhìn vào xe. Theo như ông Charles tả lại, cả ba người cùng một lúc dường như
choáng váng nhận ra tầm vóc đồ sộ át người của ông. Thực vậy, cha tôi cao tầm
mét chín, còn ngoại hình ông, dẫu khiến người ta hết sức an tâm khi biết ông sẵn
sàng phục vụ mình, lại có thể thành ra cực kỳ đáng sợ nếu phải đối diện trong một
số hoàn cảnh khác. Theo lời ông Charles, cha tôi không tỏ vẻ gì là giận dữ ra mặt
cả. Dường như ông chỉ đơn thuần mở cửa xe. Ấy thế mà có một vẻ gì vừa là lời quở
trách dữ tợn, lại vừa vững chãi không thể quật ngã trong dáng người lừng lững
trông xuống họ, khiến hai bạn đồng hành say bí tỉ của ông Charles dường co rúm
lại như hai cậu nhỏ bị bắt quả tang trộm táo trong vườn.
Cha tôi cứ vậy đứng đó một
hồi, không nói một lời, chỉ giữ cho cửa xe mở. Cuối cùng thì hoặc ông Smith hoặc
ông Jones phát biểu: “Chúng ta không đi tiếp ư?”.
Cha tôi không trả lời, chỉ
làm thinh đứng đó, không yêu cầu họ ra khỏi xe cũng không có biểu hiện nào nói
lên ý muốn hay dự định của ông. Tôi dễ dàng mường tượng được dáng vẻ ông ngày
hôm ấy, đứng giữa khung cửa xe, cái hình dung tối đen khắc khổ của ông át cả
phong cảnh Herfordshire êm ả sau lưng ông. Những khoảnh khắc e sợ lạ lùng, ông
Charles nhớ lại, và cả ông tuy không can dự vào hành vi của họ lúc trước, cũng
thấy mình như bị ngợp trong hổ thẹn. Cảnh im lặng dường như định tiếp diễn
không hồi kết, trước khi hoặc ông Smith hoặc ông Jones lấy được can đảm lúng
búng, “Chắc là hồi nãy chúng tôi đã nói chuyện có phần vô ý. Sẽ không có lần
sau nữa đâu”.
Cân nhắc lời này trong
giây lát, cha tôi nhẹ tay đóng cửa lại, trở về ghế lái và tiếp tục cuộc du hành
qua ba ngôi làng - cuộc du hành mà như ông Charles đảm bảo với tôi, sau đó đã kết
thúc hầu như trong im lặng.
Nhớ lại câu chuyện này,
tôi lại thấy hiện đến trong đầu một sự việc khác cũng vào quãng ấy trong sự
nghiệp của cha tôi, thể hiện có lẽ còn ấn tượng hơn nữa cái phẩm chất đặc biệt
mà ông đã rèn nên. Đến đây tôi phải trình bày thêm rằng nhà tôi vốn có hai anh
em - anh trai tôi, Leonard, đã tử trận trong chiến tranh Nam Phi từ ngày tôi
còn nhỏ. Hiển nhiên, mất mát ấy là một đòn mạnh giáng xuống cha tôi; nhưng sự
thể còn tệ hơn nữa, vì mối an ủi thông thường cho một người cha trong những
hoàn cảnh tương tự, rằng con trai mình đã hy sinh vinh quang cho đức vua và Tổ
quốc - lại bị vẩn đục bởi sự anh trai tôi chết trận trong một chiến dịch đặc biệt
ô danh. Không chỉ bởi những cáo buộc rằng đấy là một đợt tấn công vào những khu
định cư dân sự của người Boer, một cử chỉ trái ngược hẳn với tinh thần Anh quốc,
mà còn vì những bằng chứng thừa thãi cho thấy ban chỉ huy đã hành xử vô trách
nhiệm, xem khinh những phép phòng bị cơ bản trong quân sự, khiến cho những người
hy sinh, trong đó có anh trai tôi, đã chết một cái chết vô nghĩa lý. Xét theo
những điều sắp tường thuật sau đây, nếu tôi nêu cụ thể hơn nữa về chiến dịch
này thì sẽ không được phải phép cho lắm, dầu hẳn quý vị sẽ đoán ra ngay thôi nếu
biết rằng chiến dịch này đã gây một cơn phẫn nộ vào thời đó, khuấy động thêm
khá nhiều những tranh cãi vốn đang tích tụ xoay quanh cuộc xung đột này. Đã có
nhiều ý kiến yêu cầu viên tướng chỉ huy phải bị triệu về, thậm chí đưa ra tòa
án binh, nhưng quân đội đã đứng ra bênh vực và ông ta được cho phép hoàn thành
chiến dịch. Điều ít người biết đến là sau khi cuộc xung đột hạ màn, viên tướng ấy
đã được thầm lặng cho giải ngũ, rồi sau đó đã chuyển sang kinh doanh, chuyên về
vận tải đường thủy từ Nam Phi. Tôi thuật lại chuyện này bởi khoảng mười năm sau
cuộc xung đột ấy, tức thời điểm những vết thương tang trở mới chỉ khép miệng hờ,
cha tôi được gọi vào thư phòng ông John Silvers và cho biết rằng chính nhân vật
ấy - mà tôi sẽ chỉ gọi đơn giản là “viên tướng ấy” - sắp sửa tới nghỉ lại nhà
này trong vài ngày nhân một bữa tiệc, vào dịp này ông chủ của cha tôi hy vọng
có thể thiết lập cơ sở cho một vụ giao dịch màu mỡ. Tuy vậy, ông Silvers cũng
nhớ rằng cuộc viếng thăm này sẽ tác động ra sao đến cha tôi, vì vậy đã gọi ông
vào đề nghị ông nếu muốn có thể nghỉ phép vài ngày tương ứng với thời gian đến
thăm của viên tướng kia.
Cảm xúc của cha tôi đối với
viên tướng, đương nhiên, là căm ghét cực cùng; nhưng ông cũng nhận ra rằng triển
vọng kinh doanh của ông chủ phụ thuộc vào việc buổi tiệc này diễn ra xuôi lọt đến
đâu, và với chừng mười tám vị khách được mời đến, đấy không phải chuyện đơn giản.
Vậy là cha tôi trả lời đại ý, dẫu hết sức cảm tạ ông chủ vì đã cân nhắc đến cảm
xúc của mình, nhưng ông cam đoan với ông Silvers rằng việc phục vụ vẫn sẽ được
đảm bảo theo các tiêu chuẩn thường lệ.
Sự thể thành ra là, thử
thách đón đợi cha tôi còn nặng nề hơn cả những gì ông có thể hình dung trước
đó. Trước hết, giá thử ông có từng hy vọng rằng giáp mặt viên tướng ở ngoài đời
sẽ khiến ông nảy sinh thiện cảm hay kính trọng, ngõ hầu xoa dịu những cảm xúc đối
nghịch, thì hy vọng đó cũng hóa ra hoàn toàn vô căn cứ. Viên tướng có bề ngoài
phục phịch xấu xí, cử chỉ hành vi thô lậu, kiểu ăn nói lồ lộ một sở thích muốn
áp các lối ví von quân đội vào đủ dạng tình huống khác nhau. Tệ hơn nữa là cái
tin vị khách không mang theo tùy tùng bởi người của ông ta bị ốm. Việc này đặt
ra một tình huống tế nhị, bởi một vị khách khác nghỉ lại nhà cũng không mang
theo tùy tùng, như vậy nảy sinh câu hỏi vị khách nào nên được xếp cho người quản
gia làm tùy tùng còn vị nào chỉ được phân anh hầu. Hiểu rõ tình thế của ông chủ,
cha tôi đã lập tức tình nguyện nhận theo viên tướng, vậy là buộc phải thân cận
gần gũi nhân vật mà ông ghét cay ghét đắng suốt bốn ngày. Trong khi đó thì viên
tướng kia, không biết gì về cảm xúc của cha tôi, đã không từ một dịp nào thao
thao về các chiến tích quân sự của ông ta - như dĩ nhiên rất nhiều vị xuất thân
quân đội quen thể hiện với người tùy tùng khi ở chốn riêng tư trong phòng mình.
Thế nhưng cha tôi đã giấu cảm nghĩ của ông rất khéo, thực hiện bổn phận của ông
rất chuyên nghiệp, tới nỗi khi ra về, viên tướng còn khen ngợi ông John Silvers
đã có một quản gia xuất sắc, và để lại một khoản thưởng bất thường tỏ ý hài
lòng - mà cha tôi đã không ngần ngừ yêu cầu ông chủ quyên cho một hội thiện
nguyện.
Tôi mong rằng quý vị sẽ đồng
ý, rằng trong hai sự việc tôi dẫn lại từ sự nghiệp quản gia của ông - cả hai
tôi đều đã đi xác nhận lại nhiều nơi và tin rằng đều chính xác - cha tôi đã không
chỉ thể hiện, mà còn gần như trở thành hiện thân của cái mà Hội Hayes đã gọi là
“phẩm cách xứng hợp với chức vị của ông”. Nếu so sánh sự khác nhau giữa cha tôi
trong những thời điểm ấy, và một nhân vật như ông Jack Neighbours dẫu tính cả
những ngón nghề kỹ thuật tài khéo nhất của ông ta, tôi tin rằng người ta sẽ bước
đầu hiểu được điều gì phân biệt một quản gia “vĩ đại” với một người chỉ đơn giản
là thạo việc. Và giờ chúng ta cũng có thể hiểu rõ hơn vì sao cha tôi lại ưa
thích câu chuyện về người quản gia đã không hoảng sợ khi bắt gặp con hổ dưới gầm
bàn ăn; đấy là vì bằng bản năng, ông biết trong câu chuyện này có chứa hạt nhân
của “phẩm cách” đích thực. Giờ thì tôi xin được phép phát biểu thế này: “phẩm
cách”, xét đến tận cùng, liên quan tới khả năng của người quản gia không từ bỏ
con người nghề nghiệp mà ông ta sắm vai. Những quản gia hạng dưới sẽ vứt bỏ con
người nghề nghiệp, trở về với con người cá nhân ngay khi gặp phải sự khiêu
khích dầu là nhỏ nhất. Với những người ấy, làm quản gia chẳng qua giống như
đóng vai kịch trên sân khấu; chỉ cần đẩy nhẹ, chỉ cần vấp khẽ, là mặt nạ sẽ tuột
xuống, lộ ra người diễn đằng sau. Những quản gia vĩ đại trở thành vĩ đại nhờ khả
năng sắm vai diễn nghề nghiệp của mình và sắm đến tận cùng; không sự việc bên
ngoài nào có thể đánh bật họ ra khỏi đó, dù có choáng váng, sợ hãi hay buồn phiền
đến mấy. Họ khoác trên người tính chuyên nghiệp như một nhà quý tộc ra quý tộc
khoác bộ áo đuôi tôm: ông ta không đời nào để cho bọn lưu manh hay cho hoàn cảnh
giật nó khỏi người mình trước mắt thiên hạ, ông ta cởi bỏ nó khi và chỉ khi tự
nguyện làm như vậy, và bao giờ cũng là khi ông ta chỉ còn lại duy nhất một
mình. Như tôi đã nói, đấy là vấn đề “phẩm cách”.
Có câu nói thỉnh thoảng vẫn
nghe rằng người quản gia chân chính chỉ có ở nước Anh. Các đất nước khác, dù có
dùng danh xưng gì đi nữa, không có quản gia mà chỉ có người hầu. Tôi thiên về đồng
ý với ý kiến này. Dân Âu châu lục địa không thể làm quản gia, bởi dòng máu
không cho họ khả năng thực hiện sự tiết chế cảm xúc mà chỉ nòi giống Anh làm được.
Dân lục địa - và chủ yếu là dân Celt, như quý vị hẳn sẽ đồng ý - nói chung
không thể kiềm chế bản thân trong những thời khắc xúc động mạnh, và vì thế
không tài nào duy trì tư thái chuyên nghiệp trừ trong những tình huống ít thử
thách nhất. Xin cho phép tôi trở lại cách ví von khi nãy - và xin bỏ quá cho
cách diễn đạt thô thiển của tôi - rằng họ giống như một người chỉ cần chút
khiêu khích nhỏ nhất là xé toạc cả áo đuôi tôm lẫn sơ mi mà chạy khắp nơi gào
thét. Nói ngắn gọn, “phẩm cách” là thứ nằm ngoài khả năng của những người ấy.
Người Anh chúng ta có lợi thế quan trọng về mặt này so với người ngoại quốc, và
chính vì lẽ đó mà khi kể ra một quản gia vĩ đại nào đó, thì chắc chắn, hầu như
tất yếu, ông ta là người Anh.
Đương nhiên, có thể quý vị
sẽ phản bác, như ông Graham vẫn đáp mỗi khi tôi trình bày nhận định này trong
những lần luận bàn hứng thú bên lò sưởi, rằng nếu đúng như tôi nói thì người ta
chỉ có thể nhận ra được ai là một quản gia vĩ đại sau khi đã chứng kiến ông ta
thể hiện qua một thử thách thực khắc nghiệt. Thế nhưng sự thực là, chúng ta vẫn
thừa nhận những người như ông Marshall hay ông Lane là “vĩ đại”, dẫu hầu hết
chúng ta không thể tự nhận mình từng quan sát họ trong những điều kiện ấy. Tôi
phải công nhận rằng ông Graham nói vậy rất có lý, nhưng chỉ có thể trả lời rằng
một khi đã ở trong nghề lâu như vậy rồi, người ta có thể bằng trực cảm ước lượng
tính chuyên nghiệp ở một người nào đó là cao hay thấp mà không phải chứng kiến
nó bộc lộ dưới áp lực. Thực vậy, trong những dịp hạnh ngộ với một quản gia vĩ đại
nào đó, người ta sẽ chẳng hề có chút nghi hoặc muốn đòi “thử thách” để kiểm
tra, trái lại sẽ không cách nào mường tượng ra có tình huống nào mà lại lung lạc
được thái độ chuyên nghiệp đường hoàng đến như vậy. Thực tế là, tôi tin chắc rằng
chính một cảm nhận kiểu ấy, thấu qua cả bức màn hơi men che mắt họ, đã khiến mấy
hành khách của cha tôi phải lặng câm hổ thẹn trong buổi chiều Chủ nhật nhiều
năm trước. Những con người ấy cũng giống như phong cảnh nước Anh ở độ rạng rỡ
nhất mà tôi đã được tận mục sở thị hồi sáng này: khi giáp mặt họ, người ta đơn
giản là biết mình đang đối diện với cái vĩ đại.
Tôi hiểu được rằng sẽ
không bao giờ vắng những người cho rằng mọi cố gắng phân tích cho ra thế nào là
vĩ đại, như tôi vừa làm, đều là vô ích. “Anh biết ai có nó và anh biết ai không
có nó”, ông
Graham luôn khăng khăng như vậy. “Ngoài ra thì anh không thể nói gì hơn nữa”
Nhưng tôi tin rằng bổn phận của chúng ta là không được giữ thái độ thất bại chủ
nghĩa như vậy về vấn đề này. Hiển nhiên, trách nhiệm nghề nghiệp của tất cả
chúng ta là phải suy ngẫm kĩ về những điều ấy, để mỗi người trong chúng ta phấn
đấu tốt hơn hòng đạt tới “phẩm cách” cho bản thân.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét