Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Tàn Ngày Để Lại - Ch 4

Tàn Ngày Để Lại

Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021

Ngày thứ hai - Chiều
Hồ Mortimer, Dorset

Xem ra, có hẳn một phương diện trong câu hỏi “thế nào là một quản gia vĩ đại?” mà đến giờ tôi vẫn chưa xem xét thấu đáo. Tôi phải nói rằng mình khá rúng động khi phát hiện ra điều này, về một vấn đề vốn đinh ninh trong lòng tôi như vậy, lại là vấn đề tôi thường xuyên trăn trở trong những năm qua. Nhưng tôi chợt nhận ra có lẽ mình đã có phần hấp tấp lúc trước, khi phủ nhận một vài khía cạnh trong tiêu chí tuyển thành viên của Hội Hayes. Xin nói cho rõ, tôi không hề có ý định rút lại bất cứ nhận định nào về “phẩm cách” và mối liên kết trọng yếu của nó với “vĩ đại”. Nhưng tôi đã suy nghĩ thêm chút ít về lời phát biểu kia của Hội Hayes - tức là thừa nhận rằng muốn gia nhập Hội, điều kiện tiên quyết là “ứng viên phải phục vụ một gia đình danh giá”, vẫn nguyên như trước, cảm giác của tôi là phát biểu ấy nói lên một thái độ trịch thượng và nông cạn về phần Hội. Tuy nhiên, tôi nhận ra có lẽ điều cụ thể gây cho người ta phản cảm là lối hiểu lỗi thời thế nào là một “gia đình danh giá”, chứ không phải là nguyên tắc chung thể hiện qua mấy chữ ấy. Thực vậy, giờ nghĩ sâu hơn, tôi tin rằng rất có thể nói một trong những điều kiện tiên quyết để trở nên vĩ đại đúng là phải “gắn với một gia đình danh giá” - miễn rằng “danh giá” phải được hiểu một cách sâu sắc hơn, chứ không chỉ như cách hiểu của Hội Hayes.
Thực tế, theo tôi nghĩ, chỉ cần so sánh cách tôi hiểu “gia đình danh giá” như thế nào, với ý nghĩa của chữ đó theo cách hiểu của Hội Hayes, là đã sáng tỏ hoàn toàn sai biệt cơ bản giữa hệ giá trị của quản gia thế hệ chúng tôi với những quản gia thế hệ trước đó. Nói điều này, tôi không chỉ muốn nhắc nhở rằng thế hệ chúng tôi thường có thái độ bớt trịch thượng hơn, không đặt nặng chủ nhân nào là quý tộc địa chủ, còn ai là “doanh thương”. Điều tôi muốn nói - và tôi nghĩ đây không phải là một nhận xét bất công - đấy là thế hệ chúng tôi sở hữu lòng chuộng lý tưởng hơn nhiều. Trái với lớp trước thường chú trọng rằng chủ nhân phải tước vị, hay nếu không thì cũng xuất phát từ dòng họ “xưa”, chúng tôi chủ yếu bận tâm về vị thế đạo đức của người chủ. Ở đây, tôi không có ý nói chúng tôi để tâm tới cách cư xử của chủ nhân trong những chuyện riêng tư. Điều tôi muốn nói là, chúng tôi có tham vọng, một tham vọng hẳn sẽ bị coi là bất thường trong thế hệ vừa trước đó, là được phụng sự những con người tạm gọi là có công thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Tỷ dụ như, chúng tôi sẽ thấy vinh dự khi được phục vụ một vị như ông George Ketteridge, mặc dù xuất thân hèn kém, nhưng đã có những đóng góp không gì phủ nhận được cho sự hưng vượng tương lai của đế quốc, nhiều hơn bất cứ vị nào dù dòng dõi quý tộc cao sang đến đâu, mà chỉ dành cả ngày phơ phất trong câu lạc bộ hay trên sân gôn.
Đương nhiên, trong thực tế, rất nhiều nhà quý tộc từ những gia tộc sang cả nhất vẫn thường dành trọn thời gian cho việc tháo gỡ những vấn nạn lớn lao của thời đại, và vì thế, thoạt nhìn qua, có thể tưởng rằng mối tham vọng của thế hệ chúng tôi chẳng qua cũng chỉ đồng dạng với thế hệ tiền bối. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng có một sự phân biệt cốt tử trong thái độ, phản ảnh vào không chỉ nội dung trao đổi tâm tình giữa những người trong nghề, mà cả mỗi lần những nhân vật giỏi giắn nhất thế hệ chúng tôi quyết định rời khỏi nơi cũ, đến một nơi mới. Những quyết định như vậy không còn đơn giản dựa trên lương bổng, quy mô đội ngũ nhân viên dưới quyền, hay hào quang lung linh quanh một cái tên gia tộc; với thế hệ chúng tôi, tôi nghĩ có thể công tâm mà nói, vinh dự nghề nghiệp được nhìn thấy nhiều nhất ở giá trị đạo đức của người chủ.
Tôi nghĩ mình có thể tô rõ sự khác nhau giữa các thế hệ bằng một cách diễn đạt hình ảnh. Có thể nói rằng, các quản gia thuộc về thế hệ cha tôi có xu hướng nhìn thế giới như một chiếc thang - trên cùng là hoàng gia cùng vương tôn công tử thuộc những gia đình trâm anh thế phiệt xa xưa nhất, dưới đó là các “nhà giàu mới”, và cứ thế xuống tiếp tới một điểm mà từ đó, thứ bậc chỉ còn đơn thuần được sắp xếp dựa theo mức độ giàu có - hay túng thiếu. Mỗi quản gia giàu tham vọng chỉ cần đơn giản gắng hết sức trèo thực cao trên chiếc thang này, và nói tổng quát, anh ta càng leo cao đến đâu, vinh dự nghề nghiệp của anh ta càng lớn đến đó. Đương nhiên, đó đích xác là những giá trị cố hữu trong cụm từ “gia đình danh giá” của Hội Hayes, và sự thể rằng hội đó vẫn còn nghiễm nhiên phát biểu như vậy vào năm 1929 đã là minh chứng rõ ràng cho thấy ngày tàn của họ là không tránh khỏi, hay đúng hơn đáng lẽ phải đến từ lâu rồi. Bởi, tới thời điểm đó, lối tư duy như vậy đã lạc xa khỏi suy nghĩ của những người tài ba nhất đương nổi lên đầu trong hàng ngũ quản gia chúng tôi. Bởi thế hệ chúng tôi nhìn thế giới, tôi nghĩ cách miêu tả đúng đắn là không phải như một chiếc thang mà như một bánh xe. Có lẽ tôi cần giảng rõ thêm một chút.
Tôi có cảm giác rằng thế hệ mình là thế hệ đầu tiên nhận thức được điều mà mọi thế hệ trước đó bỏ sót: rằng những quyết định lớn lao của thế giới, trong thực tế, không được đơn giản đi đến trong những cơ quan công quyền, hoặc giả trong dăm ba ngày dành riêng cho một hội thảo quốc tế được công chúng lẫn giới báo chí chú mục vào. Ngược lại, những cuộc tranh luận lớn diễn ra, những quyết định căn cốt được đạt tới trong khung cảnh riêng tư thanh tĩnh của những tư gia lớn khắp Anh quốc. Những cảnh tượng diễn ra dưới con mắt công chúng hào nhoáng và long trọng đến thế thường chỉ là cái kết, hoặc động tác phê chuẩn đơn thuần cho những gì đã hình thành trong nhiều tuần, nhiều tháng giữa những bức tường các ngôi nhà đó. Vì thế, với chúng tôi, thế giới là một bánh xe quay tròn mà trục là những ngôi nhà lớn ấy, những quyết định trọng đại từ đó tỏa ra tới khắp mọi người còn lại, dù giàu hay nghèo, đang châu tuần quanh họ. Tất cả những ai trong chúng tôi có hoài bão về nghề nghiệp đều ôm mộng phấn đấu tới thực gần cái trục này phù hợp theo khả năng của từng người. Bởi, như đã nói, chúng tôi là một thế hệ chuộng lý tưởng, vấn đề đặt ra không chỉ là người ta sử dụng năng lực của mình tài khéo đến đâu, mà là sử dụng nhằm mục đích gì; mỗi người chúng tôi đều nuôi mong ước được góp phần bé nhỏ của mình ngõ hầu kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, và nhận thấy đứng từ vị thế nghề nghiệp mình, phương cách chắc chắn nhất sẽ là phục vụ cho những nhân vật vĩ đại của thời đại, những người đã được gửi gắm vào tay số phận của cả nền văn minh.
Đương nhiên, tôi đang nói có phần vơ đũa cả nắm, và tôi sẵn sàng thừa nhận rằng có rất nhiều người thế hệ chúng tôi chẳng bỏ công suy xét đến những điểm tế vi như thế. Ngược lại, tôi cũng đoan chắc có rất nhiều người thuộc thế hệ cha tôi, bằng bản năng đã nhận ra yếu tố “đạo đức” này trong công việc của mình. Nhưng xét chung, tôi tin rằng khái quát này là chính xác, và thực vậy, chính những động cơ “lý tưởng” như vậy đã chiếm một vai trò lớn trong sự nghiệp của chính tôi. Bản thân tôi cũng đổi chủ thường xuyên nhanh chóng trong giai đoạn đầu sự nghiệp, bởi biết những nơi như vậy khó có thể đưa lại cho mình niềm thỏa mãn lâu dài, trước khi cuối cùng cũng gặp được duyên may phục vụ Huân tước Darlington.
Thực lạ lùng là cho đến hôm nay tôi mới lần đầu nghĩ về vấn đề đó từ góc độ này; thực vậy, lạ lùng là qua bao nhiêu giờ đồng hồ bàn bạc thế nào là “vĩ đại” bên lò sưởi trong phòng gia nhân, nguyên một chiều kích này của vấn đề đã thoát khỏi mắt những người như ông Graham hay tôi. Và cho dù không định rút lại bất cứ phát biểu nào đã có về “phẩm cách”, tôi vẫn phải thừa nhận cái lập luận sau đây là ít nhiều xác đáng: dù đã đạt đến phẩm chất đó ở mức độ nào, nếu người quản gia vẫn không tìm được đầu ra thích hợp cho tài năng của mình thì cũng khó có thể mong chờ đồng bạn coi mình là “vĩ đại”. Hiển nhiên, điều dễ nhận thấy là những người như ông Marshall và ông Lane chỉ luôn phục vụ những chủ nhân có tầm vóc đạo đức không có gì phải bàn cãi, như Huân tước Wakeling, Huân tước Camberley, Sir Leonard Gray, và người ta không thể không có cảm giác rằng họ đơn giản là sẽ không bao giờ đem tài năng của mình đến chỗ những vị ở tầm cỡ kém cỏi hơn. Thực tế, càng suy nghĩ, người ta càng thấy điều đó là hiển nhiên: phụng sự cho một gia đình thực sự danh giá đúng là một điều kiện tiên quyết để có thể coi là “vĩ đại”. Một quản gia “vĩ đại”, đương nhiên, chỉ có thể là một người có thể trỏ vào những năm tháng phục vụ của mình mà nói rằng ông ta đã đem tài năng của mình phụng sự cho một nhà quý tộc vĩ đại - và qua đó, phụng sự toàn nhân loại.
Như đã nói, trong bằng ấy năm tôi chưa hề suy nghĩ về đề tài đó theo hướng này; nhưng mặt khác, có thể chính là nhờ một chuyến du hành như hiện tại mà người ta được gợi ra những góc nhìn mới mẻ lạ thường về những đề tài cứ ngỡ mình đã từ lâu suy xét thấu đáo. Lại thêm, không nghi ngờ gì nữa, tôi đã được khơi gợi nghĩ theo chiều hướng ấy bởi cái sự việc nhỏ xảy ra cách đây chừng đâu một giờ, một việc mà, tôi phải thừa nhận, đã có phần làm tôi rúng động.
Sau khi trải qua một buổi sáng chạy xe dễ chịu trong thời tiết tuyệt vời, rồi dùng bữa trưa ngon lành tại một quán ăn nông thôn, tôi vừa đi qua ranh giới vào hạt Dorset. Chính lúc này, tôi nhận ra có mùi khét xông lên từ động cơ xe. Dĩ nhiên, ý nghĩ mình đã gây hỏng hóc cho cỗ Ford của ông chủ quả là một ý nghĩ đáng sợ, và tôi nhanh chóng cho xe dừng lại.
Tôi nhận thấy mình đang dừng giữa một dải đường hẹp, chắn sát hai bên là cây lá khiến tôi khó nhận ra khung cảnh chung quanh. Tôi cũng không nhìn được quá xa phía trước, bởi cách khoảng hai chục mét khúc đường bỗng quành đi rất ngặt. Tôi chợt nhận ra mình không thể dừng lại ở đây quá lâu mà không phải hứng chịu nguy cơ có một cỗ xe ngược chiều ngoặt qua chính góc quành kia, sẽ va chạm với cỗ Ford của ông chủ. Thế là tôi khởi động xe lần nữa, và nhẹ nhõm phần nào khi thấy cái mùi có vẻ không nặng như lúc trước.
Như tôi thấy, lựa chọn tốt nhất có lẽ là đi tìm một xưởng sửa xe, không thì một ngôi nhà lớn của một nhà quý tộc mà ở đó, nhiều khả năng tôi sẽ tìm được một người tài xế tìm ra được vấn đề. Nhưng con đường cứ ngoằn ngoèo thêm một chặp nữa mà những hàng giậu cao ở cả hai bên vẫn kéo dài không dứt, chắn tầm nhìn đến nỗi dù đã đi qua vài cánh cổng, thấy rõ một số có mở vào những đường cho ô tô chạy lên nhà, nhưng tôi vẫn không tài nào nhìn thấy các ngôi nhà đó. Tôi tiếp tục đi chừng nửa dặm, cái mùi khó chịu mỗi lúc một nặng hơn, cho tới khi rốt cuộc cũng ra tới một khúc đường cái rộng rãi. Giờ thì tôi đã nhìn được xa hơn trước mắt, và thực vậy, phía trước bên trái đứng lừng lững một ngôi nhà cao kiểu thời Victoria, trước mặt là một thảm cỏ ấn tượng, cùng một thứ rõ ràng là đường cho ô tô chạy cải tạo từ đường xe ngựa ngày xưa. Cho xe đến gần, tôi càng tự tin hơn khi thấy thấp thoáng một cỗ Bentley đằng sau cánh cửa mở cửa nhà để xe liền với tòa nhà chính.
Cả cổng nhà cũng đang để ngỏ, nên tôi cho cỗ Ford tiến vào đường lái xe một đoạn, ra khỏi xe rồi đi bộ đến cửa sau nhà. Mở cửa là một người đàn ông mặc áo sơ mi mỏng, không cà vạt, nhưng khi tôi hỏi thăm tài xế của nhà, anh ta đã vui vẻ trả lời rằng tôi “mới mở miệng đã trúng mánh”. Khi được biết về vấn đề tôi gặp phải, anh ta không do dự đi thẳng ra xe, mở nắp ca pô và chỉ cần xem xét vài giây đã thông báo cho tôi, “Nước, bố ạ. Bố cần ít nước cho bộ làm mát này này.” Anh ta có vẻ thấy tình huống này khá ngộ nghĩnh, nhưng cũng cư xử khá ân cần; anh ta trở lại vào nhà và ít lâu sau trở ra, mang theo can nước và cái phễu. Vừa đổ nước vào bộ làm mát, đầu cúi xuống động cơ, anh ta vừa vui vẻ chuyện gẫu, và sau khi được thông tin rằng tôi đang tiến hành chuyến chu du bằng xe qua vùng này, anh ta khuyên tôi đi thăm một thắng cảnh trong vùng, là một con hồ cách đó không đầy nửa dặm.
Trong thời gian đó tôi đã có dịp quan sát ngôi nhà; ngôi nhà không rộng mà cao, tất cả bốn tầng, thường xuân phủ kín gần hết mặt tiền lên đến tận đầu hồi. Tuy nhiên, qua các cửa sổ, tôi cũng thấy ít nhất một nửa nhà đã bị phủ bạt. Tôi có nhận xét như vậy sau khi người kia đã xong việc với bộ làm mát và đóng nắp xe.
“Thật là buồn quá”, anh ta đáp. “Đây là một căn nhà cổ xinh đẹp. Nói thật với bố, ông Đại tá đang kiếm người để đẩy nó đi. Giờ thì ông cần căn nhà to oạch như này làm gì nữa”.
Tôi không khỏi cất tiếng hỏi rằng ở đây còn bao nhiêu nhân viên, và hẳn tôi cũng không ngạc nhiên mấy khi nghe đáp, chỉ còn anh ta với một đầu bếp đến vào buổi tối. Anh ta có vẻ như đóng cả vai quản gia, tùy tùng, tài xế và người quét dọn chung. Anh ta là lính hầu của Đại tá trong chiến tranh, anh ta kể vậy; họ đã bên nhau ở Bỉ khi quân Đức đánh vào, và họ lại ở bên nhau khi Đồng minh đổ bộ. Rồi anh ta nhìn tôi thực kỹ và nói, “Giờ tôi hiểu rồi. Mất một lúc tôi không nhìn ra bố là người thế nào, nhưng giờ tôi hiểu rồi. Bố thuộc đám quản gia số dách đó. Ở một trong mấy cái nhà to bảnh chọe đó”.
Khi nghe tôi đáp anh ta đoán cũng không chệch quá nhiều đâu, anh ta tiếp lời, “Giờ tôi hiểu rồi. Mất một lúc không nhìn ra bố là thế nào, hiểu không, vì bố ăn nói gần như là một ông quý tộc vậy. Lại còn cầm lái người đẹp cũ kĩ kia nữa” - anh ta làm hiệu chỉ cỗ Ford - “nên ban đầu tôi nghĩ, ái dà, thật là một cụ già bảnh chọe. Mà bố đúng là bảnh thật. Bảnh chọe ra trò ấy. Tôi thì chưa bao giờ học được mấy trò đó, bố hiểu không. Tôi chỉ là thằng lính hầu xoàng bỏ áo lính thôi”.
Rồi anh ta hỏi tôi làm ở đâu, và khi nghe câu trả lời, anh ta nghiêng nghiêng đầu, vẻ thắc mắc hiện lên mặt.
“Dinh Darlington à”, anh ta lẩm nhẩm. “Dinh Darlington. Hẳn là một chỗ bảnh chọe lắm, ngay cả cậu tẩm này cũng nghe ngờ ngợ ở đâu rồi ấy. Dinh Darlington à. Mà khoan hẵng, đừng nói là Dinh Darlington, nhà của cái ông Huân tước Darlington ấy chứ?”.
“Đấy là nơi Huân tước Darlington cư trú cho đến khi ngài tạ thế ba năm về trước”, tôi cho biết. “Còn nay đấy là nơi cư ngụ của ông John Farraday, một vị người Mỹ”.
“Làm ở đấy thì quả bố là số dách đứt đuôi rồi. Cỡ bố chắc chẳng còn sót lại mấy nả, hử?”. Rồi anh ta hỏi tiếp, giọng điệu thay đổi hẳn, “Vậy là bố thực sự từng làm việc cho cái ông huân tước ấy hử?”.
Lần nữa anh ta lại săm soi tôi thực kĩ. Tôi nói, “Ồ không, tôi phục vụ cho ông John Farraday, là vị người Mỹ mua lại căn nhà của gia đình Darlington”.
“Ồ, vậy là bố không biết ông Darlington ấy rồi. Chỉ là tôi tò mò ông huân tước ấy ra sao. Là cái thể loại người như thế nào”.
Tôi bảo rằng đã đến lúc tôi phải lên đường đi thôi, và nồng nhiệt cảm ơn anh ta đã giúp đỡ. Xét cho cùng, anh ta vẫn là một anh chàng dễ mến, anh ta còn bỏ công chỉ dẫn cho tôi lùi xe ra qua cổng chính, và trước khi đôi bên từ biệt, anh ta còn cúi người, nhấn mạnh tôi cần phải đi thăm con hồ trong vùng ấy, và nhắc lại hướng dẫn đường đi.
“Nhỏ nhắn xinh xẻo lắm nhá”, anh ta nói thêm. “Không đến thăm là bố phí nửa cuộc đời đấy. Nói thật là ngay lúc này ông Đại tá nhà tôi đang câu cá đằng ấy đấy”.
Cỗ Ford có vẻ đã lại chạy tốt, và bởi con hồ kia chỉ chệch khỏi lộ trình của tôi một khúc ngắn, tôi quyết định nghe theo lời khuyên của anh lính hầu. Anh ta chỉ dẫn nghe thì rất rành mạch, nhưng khi đã rời đường cái hòng đi theo lời anh, tôi thấy mình ngày càng lạc lối trong những lối hẹp ngoằn ngoèo giống như khi tôi vừa nhận ra cái mùi báo động. Đôi lúc tàng cây hai bên đường mọc rậm rịt đến mức gần như khuất hẳn mặt trời, khiến người ta gặp khó khăn khi mắt phải chịu đựng cảnh nắng chói và tối mịt liên tục tương phản nhau. Nhưng rốt cuộc, sau khi tìm kiếm, tôi cũng nhìn ra biển chỉ đường tới “Hồ Mortimer”, và chính nhờ vậy mà tôi đến được vị trí này, hơn nửa giờ trước.
Tôi cần phải biết ơn người lính hầu lắm, bởi ngoài việc giúp đỡ tôi sửa cỗ Ford, anh đã cho tôi cơ hội khám phá ra một địa điểm xinh đẹp tuyệt vời mà nếu không có anh hẳn tôi không thể nào bắt gặp. Con hồ không lớn, chu vi ước chừng một phần tư dặm, nên chỉ cần bước lên mũi đất nào cũng đều có thể bao quát toàn thể cảnh sắc hồ. Một bầu không khí tĩnh lặng tuyệt vời xâm chiếm nơi đây. Khắp quanh vòng hồ, cây trồng vừa đủ sát khiến bờ hồ chìm trong bóng râm êm ái, và đây đó, những khóm lau hay cói cao làm xáo động mặt gương phản chiếu bầu không im lìm. Đôi giày dưới chân không cho phép tôi dễ dàng đi dạo quanh hồ - ngồi tại đây tôi cũng thấy lối đi chạy khuất giữa những khu vực bùn sâu - nhưng tôi không ngại nói rằng vẻ yêu kiều của chốn này đủ khiến khi vừa đặt chân đến đây, tôi đã động tâm muốn đi một vòng như thế. Chỉ có ý nghĩ về những tai vạ chực chờ nếu tôi tiến hành cuộc du ngoạn đó, cùng những tổn hại lâu dài có thể xảy đến với bộ vét đi đường của mình, mới thuyết phục được tôi hẵng bằng lòng ngồi lại đây, trên băng ghế này. Và tôi đã ngồi như thế suốt nửa giờ qua, lặng ngắm những bóng người khác nhau lặng lẽ ngồi bên cần câu rải rác xung quanh hồ nước. Từ điểm này tôi nhìn thấy chừng một chục bóng người như vậy, nhưng những vùng sáng tối gắt do cành cây sà thấp khiến tôi không nhận rõ được ai, và buộc phải từ bỏ trò chơi nho nhỏ mà tôi đã trông đợi là đoán xem trong những cần thủ kia ai là vị Đại tá ở ngôi nhà nơi tôi vừa được nhận sự trợ giúp thực quý báu.
Hiển nhiên, chính vẻ lặng lẽ giữa khung cảnh này đã giúp tôi suy ngẫm thấu đáo hơn những vấn đề đã xâm chiếm trí óc tôi khoảng nửa giờ qua. Thực vậy, nếu không vì khung cảnh thanh bình hiện tại, hẳn tôi đã chẳng nghĩ nhiều hơn về cách cư xử của mình khi đối mặt với người lính hầu. Nói cách khác, có lẽ tôi đã chẳng suy nghĩ sâu xa vì sao tôi cố tình tạo ra ấn tượng rõ ràng là bản thân tôi chưa bao giờ phục vụ Huân tước Darlington. Bởi tôi đã làm như vậy, điều đó thì không nghi ngờ gì nữa. Anh ta đã hỏi: “Vậy là bố thực sự từng làm việc cho cái ông huân tước ấy hử?” và đáp lại, câu trả lời của tôi không thể hiểu theo cách nào khác ngoài nghĩa phủ định. Có thể đấy đơn giản chỉ là một ý thích tầm phào chợt đến với tôi vào khoảnh khắc đó - nhưng giải thích như vậy chẳng thể coi là thuyết phục trước một lối hành xử bất thường đến thế này. Dù sao đi nữa, giờ thì tôi đã đi đến chấp nhận rằng việc xảy ra với người lính hầu chẳng phải là lần đầu tiên; không nghi ngờ gì nữa, nó có liên hệ thế nào đó - dù thế nào thì tôi còn chưa rõ - với sự kiện đã xảy ra vài tháng trước, khi nhà Wakefield viếng thăm.
Ông bà Wakefield là một cặp vợ chồng người Mỹ đã tới định cư ở Anh quốc - theo tôi hiểu là đâu đó ở Kent - được tầm hai mươi năm rồi. Họ có một số người quen chung với ông Farraday trong giới giao tế Boston, nên một ngày nọ đã ghé thăm Dinh Darlington, tới dùng bữa trưa rồi cáo từ trước giờ trà chiều. Thời điểm đó mới chỉ độ vài tuần sau khi ông Farraday tới sống ở đây, còn đương rất phấn chấn vì đã tậu được ngôi nhà; kết quả là, phần lớn chuyến thăm của vợ chồng Wakefield được dành để đi theo ông chủ của tôi trong một chuyến tham quan phòng ốc có lẽ ai đó có thể coi là kĩ lưỡng quá đáng, không bỏ qua cả những khu vực còn phủ bạt. Tuy thế, ông bà Wakefield có vẻ cũng nhiệt tình thăm thú không kém gì ông Farraday, và trong khi lo liệu các việc phần mình, tôi vẫn chốc chốc nghe thấy vọng lại những tiếng reo thích thú kiểu người Mỹ từ một phòng nào đó họ vừa đặt chân tới. Ông Farraday bắt đầu chuyến tham quan từ tầng trên cùng trở xuống, và tới khi chủ cùng khách xuống chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy của những phòng tầng trệt, có vẻ ông đã rơi vào một trạng thái hết sức hoan hỉ, lưu ý họ tới từng chi tiết trên phào chỉ hay khung cửa sổ, và mô tả - có chút cường điệu - những gì “các vương tôn công tử Anh vẫn làm” trong mỗi phòng. Dù đương nhiên tôi không định tâm nghe trộm, nhưng cũng không tránh được để lọt vào tai những nét chính của câu chuyện, và tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy vốn hiểu biết của ông chủ tôi cặn kẽ dường nào, và bất chấp đôi ba câu có phần bất nhã, vẫn mách cho thấy niềm mê say nồng nhiệt của ông với tập quán ở Anh. Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy rằng chính hai vợ chồng nhà Wakefield - đặc biệt là bà vợ - cũng không xa lạ gì với những lề thói của đất nước ta, và người ta có thể dựa trên những nhận xét liên hồi của họ mà kết luận được rằng cả họ cũng đương làm chủ một ngôi nhà Anh ít nhiều lộng lẫy.
Đến một lúc giữa cuộc tham quan ấy - tôi đang đi qua sảnh bởi đinh ninh rằng chủ và khách đã ra ngoài khám phá khuôn viên - tôi nhận ra bà Wakefield ở lại trong nhà, đương ngắm nghía cẩn thận vòm cửa đá dẫn vào phòng ăn. Khi tôi vừa thấp giọng cáo lỗi vừa đi qua, bà quay lại nói, “Ô, Stevens à, hẳn anh sẽ có thể cho tôi biết chuyện này. Vòm cửa này trông thì như thuộc về thế kỷ mười bảy, nhưng chẳng phải nó mới được làm khá gần đây sao? Vào thời Huân tước Darlington chẳng hạn?”.
“Rất có thể là như vậy, thưa bà”.
“Nó đẹp quá. Nhưng chắc hẳn nó là một món đồ nhái mới làm mấy năm trước thôi. Không phải sao?”.
“Tôi không biết rõ, thưa bà, nhưng chuyện đó tất nhiên là có thể”.
Khi ấy, hạ giọng, bà Wakefield đã bảo, “Nhưng mà, Stevens à, anh cho tôi biết cái ông Huân tước Darlington này là kiểu người thế nào với? Bởi hẳn là anh từng làm việc cho ổng”.
“Không có, thưa bà, không phải tôi”.
“Ồ, vậy mà tôi cứ tưởng là có chớ. Sao tôi lại nghĩ như vậy ta”.
Bà Wakefield quay lại đặt tay lên vòm đá, bảo: “Vậy là chúng ta không biết chắc được rồi. Nhưng tôi vẫn thấy giống như đồ nhái ấy. Làm khéo lắm, nhưng vẫn là hàng nhái”.
Rất có thể đáng ra tôi đã nhanh chóng quên đi cuộc đối thoại này; nhưng sau khi nhà Wakefield cáo từ, tôi đưa trà chiều vào phòng tiếp tân cho ông Farraday thì nhận thấy ông mang dáng điệu khá trầm ngâm. Thoạt đầu ông im lặng, rồi ông nói, “Stevens à, anh biết không, bà Wakefield không thán phục ngôi nhà này như tôi trông đợi”.
“Thế ư, thưa ngài?”.
“Thực tế là bà ấy nghĩ tôi đã thổi phồng dòng dõi của chốn này. Nghĩ tôi nói tất cả những món đồ đã có từ nhiều thế kỷ toàn là nói láo hết”.
“Thực vậy ư, thưa ngài?”.
“Bà ấy cứ liên tục quả quyết cái này là nhái, cái kia cũng nhái. Thậm chí bà ấy nghĩ cả anh, Stevens à, anh cũng nhái luôn”.
“Thực vậy ư, thưa ngài?”.
“Thực vậy, Stevens à. Tôi đã bảo bà ấy rằng anh là hàng xịn đấy. Một ông quản gia Anh quốc xịn. Rằng anh đã ở trong nhà này hơn ba chục năm, phục vụ một ông huân tước Anh quốc xịn. Nhưng điểm này bà Wakefield không đồng ý với tôi. Thậm chí là không đồng ý một cách rất tự tin nữa chớ”.
“Thế ư, thưa ngài?”.
“Stevens à, bà Wakefield tin chắc rằng anh chưa hề làm việc ở đây trước khi tôi thuê anh. Thực tế, có vẻ bà ấy mang cảm tưởng rằng thông tin đó là do chính miệng anh nói ra cơ. Khiến tôi thành trò đùa, anh hình dung được đó”.
“Thực là một điều vô cùng đáng tiếc, thưa ngài”.
“Tôi muốn nói là, Stevens à, đây là một đại biệt thự Anh cổ đích thực, phải không? Tôi đã chi tiền để có cái đó mà. Và anh là một quản gia Anh kiểu xưa đích thực, chứ không phải một thằng bồi bàn đội lốt quản gia. Anh là hàng xịn mà, phải không? Đó là cái tôi muốn, giờ tôi lại không có sao?”.
“Tôi dám mạo muội nói rằng có, thưa ngài”.
“Vậy anh có thể giải thích cho tôi bà Wakefield nói vậy nghĩa là sao không? Tôi thấy thật không thể nào hiểu được”.
“Cũng có thể rằng tôi đã trót khiến cho bà có một hình dung hơi sai lạc về quá trình làm việc của tôi, thưa ngài. Tôi thực tâm xin lỗi nếu điều ấy khiến ngài khó xử”.
“Tôi dám nói là khó xử lắm đó. Giờ thì mấy người đó đã xếp tôi vào hạng xạo láo rồi. Mà, anh nói có thể đã khiến bà có một hình dung hơi sai lạc là sao?”.
“Vô cùng xin lỗi, thưa ngài. Tôi hoàn toàn không nghĩ ra có thể khiến ngài khó xử như vậy”.
“Nhưng mà mẹ kiếp, Stevens à, sao anh lại đi kể bậy với bà ấy như vậy?”.
Tôi cân nhắc tình hình trong một lát, rồi đáp, “Vô cùng xin lỗi, thưa ngài. Nhưng đấy là tập quán của đất nước này”.
“Mẹ khỉ, anh đang nói cái gì vậy?”.
“Tôi muốn nói là, thưa ngài, nước Anh không có lệ người làm bàn luận về những người chủ trước của mình”.
“Thôi được, Stevens à, thì ra anh không muốn phải tiết lộ những chuyện riêng thời trước. Nhưng chẳng lẽ tới độ chối luôn là đã từng làm việc cho ai khác ngoài tôi sao?”.
“Quả thực nhìn nhận theo cách đó sẽ thấy hơi cực đoan, thưa ngài. Nhưng ở đây cách hành xử được coi là đúng đắn ở một người làm là tạo cho người khác có cảm tưởng như vậy. Nếu cho phép tôi ví von theo cách này, thưa ngài, cái đó cũng hơi giống với phong tục chung quanh việc hôn nhân. Khi một quý bà đã một lần đò xuất hiện cùng người chồng mới, xử sự được coi là đúng đắn là đừng nên nhắc nhở chút gì đến cuộc hôn phối trước. Trong nghề nghiệp của chúng tôi cũng có lệ tương tự, thưa ngài”.
“Chào ôi, thiệt ước gì tôi đã biết trước về cái lệ của các anh, Stevens à”, ông chủ tôi nói và ngả người vào ghế. “Cái phong tục ấy hẳn là đã biến tôi thành thằng thộn rồi”.
Tôi nghĩ rằng ngay từ lúc ấy tôi đã nhận ra lời giải thích của mình, dù đương nhiên không hoàn toàn giả dối, nhưng thiếu thỏa đáng một cách đáng buồn. Nhưng khi người ta vốn đã có quá nhiều điều cần nghĩ, thì cũng dễ bỏ qua không quá chú ý đến những vấn đề như vậy, và thực vậy, tôi đã gạt đi toàn bộ câu chuyện này trong một thời gian. Nhưng giờ đây nhớ lại nó trong cảnh tĩnh lặng quanh hồ này, dường như rõ ràng là cách cư xử của tôi với bà Wakefield hôm đó có liên hệ hiển nhiên với điều vừa diễn ra buổi chiều nay.
Đương nhiên, ngày nay có rất nhiều người nói rất nhiều điều xuẩn ngốc về Huân tước Darlington, và rất có thể quý vị sẽ có cảm tưởng rằng tôi ngượng ngùng hay hổ thẹn thế nào đó vì mối liên hệ với huân tước, chính điều đó đã khiến tôi hành xử như vậy. Xin được phép nói rõ rằng chẳng có gì trái với sự thực hơn thế. Dù thế nào thì, phần lớn những điều người ta nghe nói về huân tước ngày nay là hoàn toàn tầm bậy, bắt nguồn từ cớ họ hầu như không biết chút gì về những gì đã xảy ra. Thực vậy, tôi có cảm giác cách hành xử lạ lùng của tôi có thể lý giải rất thích đáng bằng mong muốn tránh khỏi mọi nguy cơ phải nghe thêm những lời tầm bậy về huân tước; nghĩa là, trong cả hai lần, tôi đã chọn nói dối vô hại như là cách thức đơn giản nhất để tránh những chuyện khó chịu. Cách giải thích này càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy thực sự rất thích đáng, vì đúng là thời nay, không gì khiến tôi phiền lòng hơn là phải nghe nhắc lại những điều tầm bậy này. Tôi xin được nói rằng Huân tước Darlington là một bậc quân tử đạo đức cao trọng, đến mức phần lớn chính những người thường hay nói những điều tầm bậy đó đặt bên ngài sẽ có vẻ thực sự thấp hèn - và tôi sẵn sàng khẳng định rằng cho đến phút cuối ngài vẫn là như vậy. Nói rằng tôi hối tiếc từng liên hệ với một nhà quý tộc như thế, là không gì sai lạc bằng. Thực vậy, quý vị cần hiểu rằng được phục vụ huân tước tại Dinh Darlington trong những năm ấy là được tới gần trục bánh xe thế giới ở mức cao nhất mà một người như tôi có thể mơ tới. Tôi đã dành ba mươi lăm năm phục vụ Huân tước Darlington; người ta hẳn sẽ không lầm nếu nhận rằng trong những năm ấy, mình đã được “gắn với một gia đình danh giá” theo nghĩa đúng đắn nhất của điều này. Nhìn lại quá trình sự nghiệp của tôi cho đến ngày nay, niềm thỏa mãn chính yếu của tôi là ở những thành tựu đạt được trong những năm tháng ấy, và hôm nay tôi chỉ biết hãnh diện và cảm tạ vì đã được dành cho một vinh dự như vậy.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét