Tàn
Ngày Để Lại
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021
Ngày
thứ ba - Tối
Moscombe,
gần Tavistock, Devon
Tôi
thấy mình có lẽ nên trở lại đôi chút vấn đề thái độ của huân tước với người Do
Thái, bởi toàn bộ cái sự vụ bài Do Thái này đã trở thành khá nhạy cảm gần đây,
như tôi đã nhận ra. Đặc biệt, tôi xin làm rõ cho dứt điểm cái lệnh cấm tuyển
nhân viên người Do Thái vào Dinh Darlington mà người ta đồn đại. Bởi cáo buộc
này nằm trực tiếp trong lĩnh vực tôi quản lý, nên tôi có thẩm quyền tuyệt đối
đưa ra lời phản bác. Có rất nhiều người Do Thái trong đội ngũ nhân viên của tôi
trong suốt những năm tôi làm việc cho huân tước, và tôi cũng xin nói thêm họ
không bao giờ bị đối xử khác với mọi người vì nguyên do chủng tộc. Thực sự người
ta không thể hiểu nổi nguyên do nào dẫn đến những cáo buộc phi lý như vậy - trừ
khi, thực ngớ ngẩn lắm thay, chúng bắt nguồn từ khoảng thời gian vài tuần thực
ngắn ngủi và cực kỳ vô nghĩa hồi đầu thập niên ba mươi, khi bà Carolyn Barnet
có một sức ảnh hưởng kỳ dị tới huân tước.
Bà
Bamet, góa phụ của ông Charles Barnet, khi ấy đương vào độ tứ tuần - rất bảnh
bao, nhiều người có thể gọi là sang cả. Bà nổi danh là có trí thông tuệ sắc sảo
đáng gờm, và độ ấy người ta thường nghe lan truyền chuyện bà đã đánh bại quý ông
mẫn tiệp này hoặc nhân vật sắc sảo kia trong bữa tối vì một vấn đề đương thời nổi
cộm nào đó. Gần suốt mùa hè năm 1932 bà là vị khách thường xuyên tại Dinh
Darlington, thường cùng huân tước chìm đắm trong những cuộc trò chuyện kéo dài
hàng giờ, chủ yếu là về tình hình xã hội chính trị. Và theo như tôi nhớ, chính
bà Barnet đã đưa huân tước theo trong những chuyến “khảo sát có hướng dẫn” tới
những vùng nghèo nhất khu Đông London, để huân tước được thực sự tới tận nhà
thăm rất nhiều gia đình cực khổ trong những năm thê thảm ấy. Nói vậy có nghĩa
là, nhiều phần chắc chắn bà Barnet đã góp phần nào đấy vào mối ưu tư ngày một lớn
của Huân tước Darlington dành cho dân nghèo ở xứ ta, và như vậy không thể nói ảnh
hưởng của bà hoàn toàn tiêu cực. Nhưng đương nhiên, bà cũng là thành viên tổ chức
“áo đen” của Sir Oswald Mosley, và những giao tiếp ít ỏi của huân tước với Sir
Oswald chính là diễn ra vào vài tuần ấy trong mùa hè năm đó. Và cũng chính
trong vài tuần ấy mà những vụ việc hết sức trái ngược với bản chất ngài kia đã xảy ra tại Dinh Darlington, mà người ta buộc
phải nghĩ đó chính là cái cơ sở nông cạn cho những cáo buộc phi lý nọ.
Tôi
nói “vụ việc”, nhưng một số trong đó quả thực rất vặt vãnh. Tỷ dụ như tôi có
nghe lọt tai một tối, trong bữa ăn, khi nghe nhắc đến một tờ báo nọ, huân tước
nhận xét, “À, cái loa tuyên truyền của bọn Do Thái đấy hả”. Và một dịp khác cũng vào quãng đó, tôi nhớ ngài
chỉ thị cho tôi hãy dừng đóng góp cho một hội thiện nguyện địa phương hay ghé đến
quyên, với lý do ủy ban điều hành “gần như rặt Do Thái”. Rồi có nhớ rõ mấy nhận
xét ấy chính vì lúc ấy tôi đã thực sự kinh ngạc, bởi trước đó huân tước chưa
bao giờ tỏ ý có chút nào bài bác chủng tộc Do Thái.
Rồi
thì, đương nhiên, còn có cái buổi chiều ấy, huân tước gọi tôi vào thư phòng.
Ban đầu ngài chỉ trao đổi chung chung, hỏi han tình hình trong nhà có được ổn hết
không vân vân. Rồi ngài nói, “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, Stevens ạ. Suy nghĩ rất
nhiều. Và tôi đã đi đến kết luận. Chúng ta không thể có người làm Do Thái ở
Dinh Darlington”.
“Thưa
ngài?”.
“Chỉ
là vì muốn tốt cho nhà này thôi, Stevens ạ. Vì lợi ích của các vị khách thường
đến nghỉ lại nhà này. Tôi đã nghiên cứu việc này rất kĩ, Stevens ạ, và giờ tôi
cho anh biết kết luận của mình”.
“Vậy
đấy, thưa ngài”.
“Stevens
ạ, cho tôi biết, hiện tại chúng ta có vài người như vậy trong số người làm, phải
không? Nghĩa là, vài người Do Thái”.
“Tôi
nghĩ là có hai người trong đội ngũ nhân viên hiện tại có thể xếp vào loại đó,
thưa ngài”.
“À”. Huân tước ngưng một lát, nhìn ra ngoài cửa sổ.
“Dĩ nhiên là anh sẽ phải cho họ thôi”.
“Xin
thứ lỗi, thưa ngài?”.
“Đây
là một điều đáng tiếc, Stevens ạ, nhưng chúng ta không còn cách nào khác. Bổn
phận của ta là phải lo cho khách được an toàn và thoải mái. Xin cam đoan với
anh là tôi đã nghiên cứu rất kĩ và cân nhắc rất tường tận. Làm thế là tốt nhất
cho chúng ta”.
Hai
người trong đội ngũ nhân viên tôi nhắc đến, thực tế đều là hai cô tớ gái. Vì vậy,
sẽ là rất không đúng mực nếu thực hiện bất cứ hành động nào mà không thông báo
tình hình tới cô Kenton trước, và tôi quyết tâm sẽ làm việc đó ngay chiều tối
hôm ấy khi gặp cô dùng ca cao trong buồng nội quản. Tới đây có lẽ tôi cần nói
vài lời về những cuộc gặp trong buồng nội quản khi kết thúc mỗi ngày này. Xin
được nói rằng những cuộc gặp như vậy mang sắc thái áp đảo là vì công việc - dù
đương nhiên là lúc này lúc khác chúng tôi cũng nhắc qua những đề tài có tính
ngày thường hơn. Nguyên do triển khai chuỗi cuộc gặp này rất đơn giản: chúng
tôi đã nhận ra rằng cuộc sống riêng của mỗi người đều quá bận rộn, tới nỗi có
khi vài ngày trôi qua mà không có dịp trao đổi dù là những thông tin cơ bản nhất.
Chúng tôi nhận ra tình trạng như vậy đã gây tổn hại nghiêm trọng tới yêu cầu điều
hành công việc trong nhà sao cho êm thấm, vì thế ngồi lại riêng với nhau quãng
mười lăm phút cuối mỗi ngày trong buồng nội quản của cô Kenton là cách đơn giản
nhất để khắc phục thiếu sót ấy. Tôi cần phải nhấn mạnh lại, những cuộc gặp ấy về
bản chất chủ yếu là mang tính công việc; nói vậy có nghĩa là, tỷ dụ như, chúng
tôi bàn kế hoạch cho một sự kiện sắp tới, hoặc trao đổi xem một nhân viên mới
đã quen việc hay chưa.
Dù
sao thì, quay lại câu chuyện đang dở, quý vị hẳn sẽ hiểu rằng tôi không hoàn
toàn thoải mái khi nghĩ đến việc phải nói với cô Kenton rằng tôi sắp sa thải
hai cô tớ gái dưới quyền cô. Thực vậy, cả hai người đều là những nhân viên mẫn
cán và - tôi cũng nên nói luôn, vì vấn đề Do Thái gần đây đã trở thành hết sức
nhạy cảm - từ tận đáy lòng tôi chống lại ý tưởng sa thải họ. Tuy vậy trong trường
hợp này, bổn phận của tôi đã quá rõ ràng, và cứ như tôi thấy, phơi bày những
nghi hoặc cá nhân một cách vô trách nhiệm sẽ chẳng đem lại gì cả. Đấy là một
nhiệm vụ khó khăn, nhưng vì vậy lại càng cần được thực hiện có phẩm cách. Và vì
thế khi cuối cùng cũng đề cập đến vấn đề này vào quãng cuối cuộc nói chuyện tối
hôm ấy, tôi đã nói thực ngắn gọn và thực tế, kết lại như thế này, “Tôi sẽ nói
chuyện với hai nhân viên này trong phòng quản gia lúc mười rưỡi sáng ngày mai.
Vì thế, cô Kenton, tôi rất cảm ơn nếu cô có thể cho họ đến vào giờ đó. Tôi để
cô toàn quyền quyết định có báo trước cho họ về nội dung những gì tôi sắp nói với
họ hay không”.
Cho
tới đây, cô Kenton vẫn có vẻ không định đáp lại lời nào cả. Vậy nên tôi nói tiếp,
“Vậy đấy, cô Kenton, cám ơn cô đã thết đãi món ca cao. Đã đến lúc tôi phải về
phòng rồi. Mai lại là một ngày bận rộn”.
Tới
lúc này cô Kenton nói, “Ông Stevens này, tôi thật không tin nổi vào tai mình nữa.
Ruth và Sarah đã làm việc dưới quyền tôi hơn sáu năm trời. Tôi tuyệt đối tin cậy
hai cô bé ấy, và quả thật chúng nó cũng tin cậy tôi. Hai đứa nó đã phục vụ cho
nhà này đắc lực hết sức”.
“Tôi
tin chắc là như vậy, cô Kenton. Tuy nhiên, chúng ta không được để cảm tính làm
nhiễu loạn phán đoán của mình. Giờ thì tôi phải cáo từ thực rồi...”.
“Ông
Stevens, tôi thấy thực sự phẫn nộ vì ông lại có thể ngồi đấy nói những lời này
như thể đấy chỉ là việc mua bổ sung cho hầm chứa thịt. Tôi thật không thể tin
được. Ông muốn nói rằng cần phải cho Ruth và Sarah nghỉ việc chỉ dựa trên
nguyên cớ họ là người Do Thái?”.
“Cô
Kenton, tôi vừa giải thích cặn kẽ tình hình cho cô tức thì. Ngài huân tước đã
quyết định và tôi với cô không còn gì để bàn cãi cả”.
“Ông
không nhận ra sao, ông Stevens, rằng đuổi Ruth và Sarah vì cớ đó thì rành rành
là... sai trái? Tôi
sẽ không ủng hộ chuyện này. Tôi sẽ không làm việc trong một cái nhà để những
chuyện như vậy xảy ra”.
“Cô
Kenton, tôi xin yêu cầu cô đừng kích động và cư xử một cách phù hợp với địa vị
mình. Đây là một vấn đề rất đơn giản. Nếu đức ngài cho rằng cần chấm dứt hợp đồng
của nhân viên nào đó, thì không còn gì để nói thêm nữa”.
“Tôi
cảnh cáo ông, ông Stevens, tôi sẽ không tiếp tục làm việc ở một cái nhà như thế.
Nếu mấy đứa của tôi bị đuổi, tôi sẽ đi”.
“Cô
Kenton, tôi ngạc nhiên vì cô lại phản ứng như thế này. Đương nhiên tôi không phải
nhắc lại với cô rằng bổn phận nghề nghiệp của chúng ta không phải là nghe theo
những yếu đuối và cảm tính của ta, mà theo ý nguyện của ông chủ ta”.
“Tôi
nói với ông, ông Stevens, nếu ngày mai ông sa thải hai cô bé ấy, thì việc làm
đó là sai trái, là một tội lỗi không hơn không kém, và tôi sẽ không tiếp tục
làm việc trong một cái nhà như thế”.
“Cô
Kenton, tôi xin khuyên cô cân nhắc rằng cô không ở vị trí có thể đưa ra phán
xét về những vấn đề cao siêu trọng đại như thế. Thực tế là, thế giới ngày nay
là một nơi chốn rất phức tạp khó lường. Có rất nhiều điều mà cô và tôi thực sự
không có điều kiện hiểu được liên quan đến bản chất của nòi Do Thái, chẳng hạn. Trong khi đó, tôi mạo muội
cho rằng ngài huân tước ở vào vị trí có lẽ thuận lợi hơn một chút để biết điều
gì là tốt nhất. Giờ thì, cô Kenton, tôi thực sự phải về nghỉ rồi. Lần nữa cảm
ơn cô đã đãi ca cao. Mười rưỡi sáng ngày mai. Xin cô đừng quên thông báo cho
hai nhân viên đó”.
Ngay
từ giây phút hai cô tớ gái bước vào phòng quản gia sáng hôm sau, có thể thấy rõ
cô Kenton đã nói chuyện với họ, bởi cả hai đều khóc lóc. Tôi cố gắng giảng giải
tình hình cho họ thực vắn tắt, nhấn mạnh rằng họ đã thực hiện công việc xuất sắc
và do đó, họ sẽ được khen ngợi rất mực trong thư giới thiệu để đi tìm việc làm
nơi khác. Theo như tôi nhớ, cả hai đều không nói gì đặc biệt suốt thời gian gặp,
tức là khoảng ba bốn phút, và lúc đi họ cũng khóc lóc như lúc đến.
Cô
Kenton đối xử với tôi vô cùng lạnh lùng suốt mấy ngày sau khi sa thải hai nhân
viên. Thực vậy, vài lúc cô còn xẵng giọng với tôi, ngay cả trước mặt những nhân
viên khác. Và mặc dù chúng tôi vẫn duy trì thói quen gặp nhau uống ca cao mỗi tối,
những buổi gặp đó thường ngắn và lạnh nhạt. Khi sau chừng nửa tháng lối cư xử của
cô vẫn không có dấu hiệu cải thiện, tôi nghĩ chắc quý vị cũng hiểu rằng tôi trở
nên hơi sốt ruột. Vậy nên trong một bữa ca cao tôi nói với cô, giọng cợt giễu, “Cô Kenton, tôi cứ nghĩ rằng đến giờ cô
phải nộp đơn rồi chứ”, và đệm thêm một tiếng
cười xòa. Có lẽ đúng là tôi có hy vọng rốt cuộc cô sẽ nhượng bộ chút ít, đáp lại
bằng một câu hòa giải nào đấy, cho phép chúng tôi bỏ qua chuyện này một lần
vĩnh viễn. Tuy nhiên, cô Kenton chỉ nghiêm mặt nhìn tôi mà bảo, “Tôi vẫn giữ
nguyên ý định nộp đơn, ông Stevens. Chẳng qua là tôi quá bận chưa có thời gian
lo đến việc đó”.
Tôi
phải thừa nhận, câu đó đã làm tôi hơi lo lắng trong một thời gian, sợ rằng lời
đe dọa của cô là nghiêm túc. Nhưng rồi tuần nối tuần trôi qua, có thể thấy rõ
là vấn đề cô rời Dinh Darlington hoàn toàn không đặt ra, và khi băng giá giữa
đôi bên dần tan, chắc là thỉnh thoảng tôi cũng ưa nhắc lại lời đe dọa nghỉ việc
để ghẹo cô. Tỷ dụ như khi bàn bạc về dự định tổ chức một dịp long trọng nào đó,
tôi sẽ chêm vào, “À, đấy là nếu cô vẫn còn ở đây với chúng tôi vào thời điểm
đó, cô Kenton ạ”. Cả sau khi sự việc đã
trôi qua nhiều tháng, những nhận xét kiểu ấy vẫn còn khiến cô Kenton lặng thinh
- dù đến lúc này, tôi đoán là vì xấu hổ hơn là tức giận.
Sau
cùng, đương nhiên, chuyện ấy hầu như bị lãng quên. Nhưng tôi có nhớ nó trở lại
lần cuối vào hơn một năm sau khi hai cô tớ gái đã bị sa thải.
Chính
huân tước là người chủ động nhắc lại vấn đề ấy vào một chiều khi tôi đưa trà
vào phòng tiếp tân. Tới lúc đó, thời kỳ ảnh hưởng của bà Carolyn Barnet đã chấm
dứt từ lâu - thực tế là bà đã dừng hẳn không còn lui tới Dinh Darlington nữa.
Thêm nữa cần phải chỉ ra rằng tới lúc này huân tước đã cắt đứt liên hệ với đám
“áo đen”, sau khi chứng kiến bản chất thực xấu xí của tổ chức này.
“Ồ,
Stevens này”, ngài nói với tôi như vậy.
“Tôi định nói anh chuyện này lâu rồi. Cái việc năm ngoái ấy. Hai cô hầu Do Thái
ấy. Anh có nhớ chuyện đó không?”.
“Thực
là có nhớ, thưa ngài”.
“Tôi
cho là bây giờ không còn cách nào tìm lại họ nữa, phải không? Việc đã xảy ra là
sai trái và có lẽ người ta nên đền bù cho họ theo cách nào đó”.
“Chắc
chắn tôi sẽ tìm hiểu việc này, thưa ngài. Nhưng tôi không dám cam đoan sẽ xác định
được nơi ở của họ vào thời điểm này nữa”.
“Anh
cứ xem làm được gì. Đúng là sai trái, cái việc đấy ấy”.
Tôi
đoán rằng cuộc đối thoại này với huân tước sẽ gây được chút chú ý cho cô
Kenton, và kết luận rằng đem kể lại với cô sẽ là đúng đắn - bất kể nguy cơ sẽ
khiến cô nổi giận lần nữa. Sự thể thành ra là, việc tôi làm thế vào cái buổi
chiều mù sương gặp cô trong chòi nghỉ mùa hè đã đem lại những hệ quả kỳ khôi.
* * *
Tôi
nhớ chiều đó mù đã bắt đầu đổ xuống khi tôi băng qua thảm cỏ. Tôi đang trên đường
đi tới chòi nghỉ mùa hè nhằm mục đích dọn dẹp những gì sót lại sau bữa trà của
huân tước với vài vị khách trong chòi trước đó một hồi. Tôi còn nhớ mình đã thấy
cách một quãng - rất xa trước khi đến chỗ bậc thang nơi cha tôi ngã - dáng hình
cô Kenton đi đi lại lại trong chòi nghỉ. Khi tôi vào chòi, cô đã ngồi xuống một
trong mấy chiếc ghế mây rải rác trong chòi, vẻ như đương mải mê với công việc
khâu vá nào đó. Quan sát kĩ hơn, tôi nhận ra cô đang thực hiện việc sửa chữa một
chiếc gối ngồi. Tôi đi quanh nhà nhặt lại các món đồ trà giữa số cây cối và bàn
ghế mây, và trong lúc làm như vậy, chắc là tôi và cô đã trao đổi vài lời hỏi
han, có thể còn bàn một hai vấn đề công việc nữa. Bởi sự thực là, suốt nhiều
ngày liên tục ở trong nhà chính, được ra chòi nghỉ mùa hè khiến tâm trạng phấn chấn hẳn lên và cả tôi với cô đều không có ý vội
vàng làm công việc của mình. Thực vậy, dù hôm đó mù đang đặc lại khiến người ta
không thể nhìn ra xa lắm, và tới lúc này ánh ngày cũng đang tắt đi rất nhanh,
buộc cô Kenton phải giơ món đồ khâu lên đón chút ánh sáng sót lại, tôi nhớ mỗi
người cũng thường ngưng tay chỉ để ngóng ra ngoài khung cảnh chung quanh. Thực
tế là, chính vào khi nhìn qua thảm cỏ ngắm mù đặc lại dần quanh những cây dương
trồng dọc đường xe bò mà tôi cuối cùng cũng nêu lại đề tài vụ sa thải năm trước.
Bằng một phương cách có lẽ hơi dễ đoán, tôi nêu lại thế này, “Cô Kenton ạ, tôi
vừa mới nghĩ lúc nãy. Giờ nhớ lại thì khá buồn cười, nhưng cô biết đấy, mới chỉ
giờ này năm ngoái, cô còn đang nhất quyết sẽ nghỉ việc. Nghĩ lại tôi thấy chuyện
quả là ngộ”. Tôi bật cười, nhưng sau
lưng tôi cô Kenton vẫn lặng thinh. Khi cuối cùng cũng quay lại nhìn cô, tôi thấy
cô đang nhìn qua cửa kính tới biển mù mênh mông bên ngoài.
“Hẳn
ông không thể tưởng tượng được đâu, ông Stevens”, cuối cùng cô cất lời, “tôi đã cân nhắc nghiêm túc tới
mức nào ý định rời khỏi nhà này. Chuyện xảy ra đã tác động đến tôi rất lớn. Giá
tôi là loại người dù chỉ có chút danh dự, tôi dám nói mình đã rời Dinh Darlington
từ lâu rồi”. Cô dừng lời một lúc, và
tôi lại quay nhìn dãy cây dương đằng xa. Rồi
cô nói tiếp, giọng mệt mỏi, “Là do hèn nhát, ông Stevens ạ. Chỉ là hèn nhát
thôi. Tôi còn biết đi đâu? Tôi chẳng có người thân nào. Chỉ có bà dì. Tôi yêu
bà, nhưng không thể sống với bà dù chỉ một ngày mà không cảm thấy cả cuộc đời
mình đang mòn mỏi. Đương nhiên, tôi có tự nhủ rồi mình sẽ sớm tìm được một chỗ
làm mới. Nhưng tôi sợ, ông Stevens ạ. Cứ mỗi lần nghĩ chuyện ra đi tôi lại thấy
mình bước ra ngoài và chẳng có lấy một ai quen biết hay quan tâm đến mình. Đấy,
tất cả mấy nguyên tắc cao đạo của tôi chỉ có đến đấy. Tôi hổ thẹn về mình làm
sao. Nhưng tôi không đi được, ông Stevens ạ. Tôi không thể quyết lòng ra đi được”.
Cô
Kenton lại ngưng, có vẻ đang chìm vào suy nghĩ. Thế nên tôi nghĩ đây là cơ hội
tốt để thuật lại, càng chính xác càng hay, cuộc đối thoại trước đó giữa tôi và
Huân tước Darlington. Tôi bèn thuật lại và để kết luận, tôi nói, “Điều đã qua
thì khó có thể lấy lại. Nhưng ít nhất cũng là niềm an ủi lớn được nghe đức ngài
tuyên bố rành rẽ như vậy, rằng tất cả chỉ là một hiểu lầm kinh khủng. Tôi nghĩ
là cô sẽ muốn được nghe chuyện này, cô Kenton ạ, bởi như tôi nhớ cô cũng muộn
phiền vì chuyện lần đó giống như tôi vậy”.
“Xin
thứ lỗi, ông Stevens,” cô Kenton sau lưng tôi đổi hẳn giọng, như vừa sực tỉnh
cơn mơ. “Tôi không hiểu ý ông nói”. Rồi
khi tôi quay lại nhìn, cô nói tiếp, “Cứ theo tôi nhớ thì ông nghĩ chuyện Ruth
và Sarah bị tống cổ đi là hết sức đúng đắn phải đạo. Ông còn vui mừng vì chuyện
đó là khác”.
“Nào,
cô Kenton, nói thế thì thực là không đúng và không công bằng. Vụ việc lần đó
khiến tôi rất lo buồn, thực sự là rất lo buồn. Đấy hoàn toàn không phải những
gì tôi muốn chứng kiến ở ngôi nhà này”.
“Vậy
thì, ông Stevens, vì sao lúc ấy ông không nói với tôi như vậy?”.
Tôi
bật cười, nhưng nhất thời không biết phải trả lời ra sao. Trước khi tôi soạn được
câu trả lời, cô Kenton đã đặt đồ khâu xuống nói, “Ông Stevens, ông có nhận ra
không, rằng nếu năm ngoái ông đã có lòng bày tỏ cảm nghĩ thực của ông thì sẽ có
ý nghĩa với tôi đến mức nào? Ông biết tôi buồn bực đến thế nào khi hai cô bé bị
cho nghỉ việc mà. Ông có hiểu được giá làm thế ông đã giúp tôi đến mức nào
không? Vì sao, hả ông Stevens, vì sao cơ chứ, vì sao mà ông lúc nào cũng phải giả
bộ?”.
Tôi
lại bật cười trước diễn tiến mới bất ngờ và ngớ ngẩn của câu chuyện. “Thực
tình, cô Kenton ạ”, tôi nói, “tôi không chắc
là mình hiểu cô muốn nói gì. Giả bộ à? Thực tình...”.
“Tôi
đã đau khổ biết bao vì Ruth và Sarah phải rời nhà chúng ta. Và còn đau khổ hơn
nữa vì tôi nghĩ chỉ có mình tôi cảm thấy như vậy”.
“Thực
tình, cô Kenton ạ...”, tôi nhặt cái khay trên xếp đủ các món đồ cốc chén
đã dùng rồi. “Dĩ nhiên người ta không thể tán đồng việc sa thải ấy rồi. Người
ta sẽ nghĩ đấy là điều hiển nhiên chứ”.
Cô
không nói gì, và trên đường ra tôi liếc lại sau lưng về phía cô. Cô đã lại nhìn
ra ngoài cửa sổ, nhưng tới lúc này trong chòi nghỉ đã tối đến mức tôi chỉ nhìn
thấy đường viền khuôn mặt bán diện của cô trên hậu cảnh mờ nhòa trống rỗng. Tôi
cáo từ và bước ra ngoài.
* * *
Giờ
đã nhớ lại vụ cho thôi việc hai nhân viên Do Thái, tôi lại nhớ thêm tới việc có
lẽ có thể gọi là một hệ quả kỳ khôi của toàn bộ câu chuyện kia: tức là việc cô
tớ gái tên Lisa xuất hiện trong nhà. Nói thế có nghĩa là, chúng tôi buộc phải
tìm người thay thế vào chỗ hai cô tớ Do Thái đã bị thôi việc, và cô Lisa này nằm
trong số đó.
Cô
gái trẻ này đã xin ứng tuyển với những lời giới thiệu hết sức lập lờ, do vậy mỗi
quản gia giàu kinh nghiệm đều thấy rành rành rằng cô đã rời nơi cũ trong trong
tình trạng có phần muối mặt. Thêm nữa, khi cô Kenton và tôi hỏi chuyện cô ta,
có thể thấy rõ rằng cô chưa hề ở lại nơi nào quá một vài tuần. Nói chung, toàn
bộ thái độ của cô gái khiến tôi cảm thấy cô ta hoàn toàn không thích hợp với điều
kiện công việc ở Dinh Darlington. Thế nhưng tôi đã rất ngạc nhiên khi, sau buổi
phỏng vấn, cô Kenton bắt đầu khăng khăng muốn nhận cô ta. “Tôi thấy cô gái này
rất có triển vọng”, cô cứ nhắc đi nhắc lại
bất chấp tôi phản đối. “Cô ta sẽ được đích thân tôi giám sát và tôi sẽ lo sao
cho cô gái này làm việc tốt”.
Tôi
nhớ hai chúng tôi đã bị vướng mắc bất đồng một thời gian, và có lẽ chỉ vì chuyện
hai cô tớ gái bị nghỉ việc hẵng còn quá mới trong ký ức mà tôi không cương quyết
đúng mức với cô Kenton. Dù sao thì kết quả vẫn là cuối cùng tôi nhượng bộ, dù
có nói thêm, “Cô Kenton, tôi hy vọng cô nhận ra rằng trách nhiệm nhận cô gái
này hoàn toàn nằm ở cô. Về phần tôi, tôi hoàn toàn tin chắc rằng ở thời điểm hiện
tại cô ấy còn xa mới gọi là phù hợp trở thành một nhân viên trong nhà. Tôi cho
phép cô ta vào đây chỉ với điều kiện đích thân cô sẽ coi sóc quá trình rèn luyện
của cô ta”.
“Cô
gái rồi sẽ ổn thôi, ông Stevens ạ. Ông sẽ thấy”.
Và
trước sự sửng sốt của tôi, trong mấy tuần tiếp đó, cô gái trẻ quả đã tiến bộ với
một tốc độ không ngờ. Thái độ cô ta dường như khá lên từng ngày, ngay cả tư thế
đi đứng làm việc của cô ta - ngày đầu tiên trông luộm thuộm đến mức người ta phải
nhìn đi chỗ khác - cũng tiến bộ ngoạn mục.
Nhiều
tuần trôi qua, cô gái dường như đã đổi lốt kỳ diệu thành một nhân viên đắc lực,
và chiến thắng của cô Kenton đã quá hiển nhiên. Dường như cô có một niềm hứng
thú đặc biệt với việc phân cho Lisa một nhiệm vụ nào đó đòi hỏi nỗ lực hơn mức
bình thường, và nếu tôi đang quan sát, có thể tin rằng cô sẽ cố tìm cách giao mắt
với tôi với vẻ mặt có hơi nhạo báng. Và cuộc đối thoại tối đó trong buồng nội
quản bên cốc ca cao là khá điển hình cho những gì chúng tôi thường nói về cô
Lisa này.
“Hẳn
nhiên, ông Stevens ạ”, cô nói với tôi, “ông sẽ
vô cùng thất vọng được biết tin Lisa vẫn chưa phạm phải lỗi lầm nào đáng kể”.
“Tôi
hoàn toàn không thất vọng, cô Kenton ạ. Tôi rất vui mừng cho cô và cho tất cả
chúng ta. Tôi phải thừa nhận là cho đến giờ cô đã có chút thành công khiêm tốn
về phần cô gái đó”.
“Thành
công khiêm tốn! Mà nhìn cái kiểu mủm mỉm cười của ông kìa, ông Stevens. Lúc nào
ông cũng cười kiểu đó khi tôi nói đến Lisa. Bản thân nụ cười đó đã chứa cả một
câu chuyện thú vị. Một câu chuyện cực kỳ thú vị, thực vậy”.
“Ồ
thế ư, cô Kenton. Và tôi có thể hỏi đích xác là chuyện gì được không?”.
“Cực
kỳ thú vị, ông Stevens ạ. Thú vị là ông đã từng bi quan đến mức ấy về cô gái. Bởi
Lisa là một cô gái xinh xắn, hẳn nhiên rồi. Và tôi đã nhận thấy ông có lối ngại
rất kỳ khôi không muốn nhận các cô gái ưa nhìn làm nhân viên trong nhà”.
“Cô
biết rõ là cô đang nói chuyện tầm bậy, cô Kenton ạ”.
“A,
nhưng tôi có nhận thấy mà, ông Stevens ạ. Ông không thích có các cô gái xinh xắn
làm việc trong nhà. Liệu có thể nào là ông Stevens nhà ta lo lắng sẽ bị phân
tâm không? Có phải chăng là ông Stevens nhà ta suy cho cùng cũng là xương là thịt
và không dám tin cậy bản thân hoàn toàn?”.
“Thực
tình, cô Kenton ạ. Nếu tôi mà nghĩ lời cô có một mẩu nghĩa lý nào thì tôi có thể
đã bỏ công tiếp chuyện cô về chủ đề này rồi đấy. Còn giờ thì có lẽ tôi cứ nên
nghĩ ngợi chuyện khác trong khi cô luyên thuyên vậy thôi”.
“A,
vậy thì làm sao mà cái nụ cười tội lỗi kia vẫn còn trên mặt ông vậy?”.
“Đấy
hoàn toàn không phải là nụ cười tội lỗi, cô Kenton. Tôi có thấy hơi ngộ nghĩnh
cái khả năng nói chuyện tầm bậy đáng ngạc nhiên của cô mà thôi”.
“Trên
mặt ông đúng là một nụ cười tội lỗi hẳn hoi mà, ông Stevens ạ.
Và tôi đã nhận ra là ông gần như không dám nhìn vào Lisa. Giờ thì đã dần dà hiểu
ra tại sao ông lại phản đối quyết liệt khi nhận cô ấy rồi”.
“Tôi
phản đối dựa trên những nguyên cớ hết sức vững chắc, cô Kenton ạ, và cô biết rõ
điều đó mà. Khi mới đến gặp chúng ta cô gái ấy hoàn toàn không phù hợp”.
Giờ,
đương nhiên, quý vị cần hiểu chúng tôi không bao giờ nói chuyện trên tinh thần
đó khi có mặt các nhân viên khác. Nhưng đúng vào khoảng thời gian đó, những bữa
ca cao buổi tối của chúng tôi, trong khi về bản chất vẫn duy trì nội dung công
việc, thường lại đủ thời gian cho phép có một
hai câu chuyện vô hại kiểu này - phải nói là rất có ích khi người ta cần thư
giãn sau một ngày vất vả căng thẳng.
Lisa
đã ở nhà chúng tôi khoảng tám chín tháng - và tới lúc đó tôi hầu như đã quên bẵng
sự tồn tại của cô ta - thì thình lình biến mất cùng người hầu nhì. Đương nhiên,
những chuyện này là một phần tất yếu của đời quản gia ở mỗi ngôi nhà lớn. Hết sức
phiền toái, nhưng người ta cũng học được cách chấp nhận. Thực tế thì, so với những
cuộc “tẩu thoát dưới trăng” kiểu đó, lần này còn thuộc loại văn minh. Ngoại trừ
chút ít thức ăn thì đôi tình nhân không lấy đi thứ gì trong nhà, chưa hết, cả
hai bên đều để lại thư. Người hầu nhì, mà giờ tôi không còn nhớ tên, viết cho
tôi một bức thư ngắn, đại loại là: “Xin đừng trách tội chúng tôi quá nghiệt.
Chúng tôi yêu nhau và sẽ lấy nhau”.
Lisa thì viết thư dài hơn nhiều đề gửi cho “bà Nội quản”, và chính đây là lá
thư cô Kenton mang vào phòng quản gia buổi sáng sau đêm họ bỏ đi. Như tôi nhớ,
thư có rất nhiều chữ sai chính tả, nhiều câu cụt quằn kể ra hai người đó yêu
nhau đến đâu, anh chàng hầu nhì là người tuyệt vời thế nào, và tương lai chờ
đón bọn họ rạng rỡ ra sao. Có một câu, như tôi nhớ, nội dung đại khái là:
“Chúng em không có tiền nhưng đã sao chúng em có tình yêu rồi thì cần gì nữa
chúng em có nhau thế là đủ cho bất kỳ ai rồi”. Thư dài ba trang, nhưng không có lấy một dòng bày tỏ
biết ơn cô Kenton đã chăm sóc hết mực cho cô gái, hay một câu hối tiếc đã gây
phiền hà cho tất cả chúng tôi.
Cô
Kenton buồn bực thấy rõ. Suốt trong lúc tôi đọc nhanh lá thư của cô gái, cô ngồi
bên bàn trước mặt tôi và cụp mắt nhìn hai bàn tay. Thực tế là - và người ta phải
thấy điều này khá ngạc nhiên - tôi không thực nhớ có bao giờ trông cô thê lương
hơn buổi sáng hôm ấy. Khi tôi đặt lại thư xuống bàn, cô nói, “Vậy đấy, ông
Stevens ạ, xem ra là ông đúng còn tôi sai rồi”.
“Cô
Kenton, không có gì đáng cho cô phải buồn bực đâu”, tôi nói. “Những chuyện thế này vẫn xảy ra mà. Thực
sự là những người như chúng ta chẳng làm được gì nhiều để ngăn những chuyện này
đâu”.
“Là
lỗi của tôi, ông Stevens ạ. Tôi xin nhận lỗi. Ông đã nghĩ đúng từ đầu, giống
như mọi lần khác, còn tôi sai”.
“Cô
Kenton, thực sự tôi không thể đồng tình với cô được. Cô đã thay đổi cô gái như
một phép mầu. Những gì cô đã làm được với cô ta chứng minh chắc nịch rằng thực
tế chính tôi mới là người nghĩ lầm. Thực tình, cô Kenton ạ, chuyện vừa rồi có
thể xảy ra với bất cứ nhân viên nào mà. Cô đã
thành công tuyệt vời với cô ta. Cô cảm thấy thất vọng về cô ta là rất có lý,
nhưng hoàn toàn không có lý chút nào nếu cảm thấy mình có chút trách nhiệm gì về
chuyện đó”.
Cô
Kenton trông vẫn thực buồn thảm. Cô lặng lẽ nói, “Ông nói vậy thật là tử tế
quá, ông Stevens ạ. Tôi biết ơn ông nhiều”. Rồi cô thở dài mệt mỏi, và nói: “Con bé ngốc ghê.
Con bé có thể đã có một sự nghiệp thực sự phía trước. Con bé có khả năng mà.
Bao nhiêu cô gái trẻ đã vứt bỏ cơ hội của mình như vậy, mà để đổi lấy gì chứ?”.
Cả
hai chúng tôi đều nhìn tờ thư trên bàn giữa chúng tôi, và rồi cô Kenton ngoảnh
đi, dáng điệu cáu kỉnh.
“Thực
vậy”, tôi nói. “Phí phạm quá,
đúng như cô nói”.
“Ngốc
quá. Và con bé thế nào cũng sẽ thất vọng mà xem. Và con bé đang có một tương
lai tươi sáng chờ đợi, chỉ cần nó kiên nhẫn. Chỉ một hai năm nữa thôi tôi đã có
thể huấn luyện nó đủ sức nhận vị trí nội quản trong một dinh cơ nhỏ nào đó rồi.
Có thể ông nghĩ tôi mong muốn xa vời, ông Stevens ạ, nhưng hãy xem chỉ vài
tháng tôi đã dạy dỗ nó được đến thế nào. Mà giờ thì nó vứt bỏ tất cả. Tất cả chẳng
vì cái gì”.
“Đúng
thật là cô ta ngốc quá”.
Tôi
đã bắt đầu gom mấy tờ thư trước mặt, nghĩ có lẽ nên lưu lại trong hồ sơ. Nhưng
trong lúc làm thế, tôi lại bắt đầu nghi ngại không biết cô Kenton có định mang
tới cho tôi giữ, hay muốn tự mình giữ lá thư, nên tôi lại đặt mấy tờ giấy xuống
bàn giữa cả hai. Dù thế nào, ánh mắt cô Kenton cũng có vẻ xa vắng.
“Con
bé thế nào cũng sẽ thất vọng thôi”, cô
nhắc lại. “Ngốc quá”.
* * *
Nhưng
tôi nhận ra mình đã hơi chìm đắm trong những kỷ niệm cũ này. Đấy vốn không phải
là ý định từ đầu của tôi, nhưng mặt khác có lẽ cũng không tồi nếu nhờ vậy mà ít
nhất tôi cũng tránh không để tâm quá mức vào những sự kiện tối hôm nay - mà tôi
tin rằng đến giờ này rốt cuộc đã đi đến hồi kết rồi. Bởi mấy tiếng đồng hồ vừa
qua phải nói là một khoảng thời gian khá cam go.
Hiện
tại tôi đang ở trong gian phòng áp mái trong căn nhà nhỏ này, thuộc về ông bà
Taylor. Nghĩa là, đây là một chốn tư gia; căn phòng này, mà tối nay ông bà Taylor đã rộng lòng mở cửa cho tôi, ngày
xưa dành cho người con cả của họ, đã trưởng thành và đến sống tại Exeter từ
lâu. Trong phòng sừng sững những rui kèo lớn, và chẳng có lấy một tấm thảm hay
vải trải che ván sàn, vậy mà lại ấm cúng đến ngạc nhiên. Và thấy rõ rằng bà
Taylor không chỉ trải giường cho tôi, mà còn dọn dẹp lau chùi cả căn phòng; bởi
ngoại trừ một vài mạng nhện nhỏ gần xà nhà, có rất ít dấu hiệu cho thấy phòng
này đã nhiều năm vô chủ. Còn về phần ông bà Taylor, tôi đã được cho biết họ mở
cửa hàng rau củ quả trong làng tại nhà này từ thập niên hai mươi cho tới khi về
hưu cách đây ba năm. Cả hai là những con người tốt bụng, và dù cho đêm nay đã
hơn một lần tôi đề nghị được đền đáp cho lòng hiếu khách của họ, nhưng họ nhất
quyết không đồng ý.
Sự
thể rằng giờ tôi đang ở đây, sự thể rằng tôi về cơ bản đã giao phó mình cho
lòng quảng đại của ông bà Taylor đêm nay, có nguyên do là bởi một sơ suất ngốc
nghếch và xoàng xĩnh đến bực mình: đấy là tôi đã để cỗ Ford bị hết xăng. Từ sự
việc này cũng như mối phiền toái ngày hôm qua xuất phát từ việc không đủ nước
trong bộ làm mát, hẳn một người quan sát bên ngoài nếu coi rằng sự thiếu quán
xuyến kiểu ấy là cố hữu trong bản tính tôi thì cũng không phải không có lý.
Đương nhiên, cũng có thể chỉ ra rằng riêng về lĩnh vực chạy xe đường dài, tôi
cũng chỉ thuộc loại mới tập tành, và những sơ suất đơn giản kiểu ấy thực sự là
quá tất yếu. Thế nhưng, khi nhớ lại rằng khéo quán xuyến và nhìn xa trông rộng
là những phẩm chất căn bản trong nghề nghiệp của mình, người ta thực khó mà không
cảm thấy cách nào đó, mình đã lại phụ lòng trông đợi của bản thân.
Nhưng
quả đúng là tôi đã bị phân tâm đáng kể trong chừng một giờ chạy xe liền trước
khi hết xăng. Tôi đã dự định trọ lại đêm nay trong thị trấn Tavistock, và đã tới
đó ngay trước tám giờ tối. Tuy nhiên, khi tới nhà trọ chính của thị trấn, tôi
được cho biết rằng tất cả các phòng đã có khách, nguyên nhân là do một hội chợ
nông nghiệp trong vùng. Tôi được gợi ý một vài cơ sở khác, nhưng sau khi ghé tới
từng nơi một, lần nào tôi cũng bị khước từ với cùng cớ đó. Cuối cùng thì, tại một
nhà trọ ngay rìa thị trấn, bà chủ gợi ý tôi nên chạy thêm vài dặm nữa tới một
nhà có phòng cho thuê ngay bên đường do người bà con của bà quản lý, và cam
đoan với tôi thế nào cũng còn phòng trống, bởi nơi đó quá xa Tavistock không thể
bị hội chợ làm ảnh hưởng.
Bà
chủ đã chỉ dẫn cho tôi rất cặn kẽ, và lúc đó có vẻ thực sáng rõ, thế nên giờ
đây thực không thể đoán rằng lỗi tại ai mà rốt cuộc tôi lại chẳng hề tìm thấy cái cơ sở ven đường này. Thay vào đó, sau
chừng mười lăm phút chạy xe, tôi thấy mình đang trên khúc đường cái dài uốn
vòng qua vùng đất truông rộng vắng ngắt. Ở cả hai bên đường có vẻ là những đồng
lầy lớn, và một đám mù đang cuồn cuộn băng qua trước mặt tôi. Phía bên trái tôi
thấy hoàng hôn ửng lên cuối ngày. Đường chân trời đây đó đứt quãng vì những
hình thù nhà kho, nhà dân cách xa một quãng bên kia đồng, nhưng ngoài ra thì dường
như mọi dấu vết dân cư đã ở lại đằng sau tôi.
Tôi
nhớ đến quãng này mình đã quành xe và lộn lại một chập để tìm một ngã rẽ vừa đi
qua trước đó. Nhưng khi tìm thấy, con đường mới này chỉ càng hoang vắng thê
lương hơn con đường lớn vừa bỏ lại. Một hồi lâu, tôi lái xe trong cảnh gần như
tối đặc giữa hai hàng giậu cao, rồi đường bất chợt dốc lên rất gắt. Tới lúc này
tôi đã bỏ cuộc tìm kiếm quán trọ ven đường kia và định tâm sẽ chạy xe cho tới
khi đến được thị trấn hay làng khác, ở đó sẽ tìm nơi nghỉ. Sáng sớm mai trở lại
tuyến đường đã định hẳn là chuyện dễ dàng, tôi lý lẽ với mình như thế. Chính đến
lúc này, đang ở lưng chừng con đường đồi, thì động cơ kêu lạch bạch và lần đầu
tiên tôi nhận ra xăng đã cạn.
Cỗ
Ford còn tiếp tục leo lên vài mét nữa, rồi dừng khựng. Khi ra khỏi xe đánh giá
tình hình, tôi nhận ra chỉ còn lại vài phút ánh ngày. Tôi đang đứng trên đoạn
đường rất dốc, cây cối và giậu cao vây quanh; trên dốc một đoạn rất xa có một
quãng hàng giậu đứt ra, một cổng rào thanh ngang rộng in trên nền trời. Tôi khởi
sự đi lên đó, đoán rằng đứng nhìn từ cổng này tôi sẽ nắm được đại khái vùng đất
chung quanh mình; có lẽ tôi còn hy vọng sẽ gặp được ngôi nhà dân nào gần đó và
được giúp đỡ tức thì. Thế nên tôi có hơi chưng hửng trước khung cảnh rốt cuộc
mình bắt gặp. Bên kia cổng là một đồng cỏ dốc xuống gắt đến mức chỉ sau vài chục
mét tôi đã không còn nhìn thấy gì phía trước. Nhìn qua đỉnh đồi, cách xa xa - ước
chừng đến cả dặm theo đường chim bay - có một ngôi làng nhỏ. Qua đám mù tôi
nhìn thấy tháp nhà thờ trong làng, và chung quanh tháp là những cụm mái ngói
đen chụm bên nhau; đây đó trên các ống khói bốc những sợi khói trắng. Vào giây
phút ấy, người ta không thể không thú nhận mình đã chìm trong một cảm giác nản
lòng nhất định. Đương nhiên, tình hình không có gì đáng gọi là vô vọng; cỗ Ford
không bị hỏng, chỉ đơn thuần là hết xăng. Chặng đi bộ xuống làng có thể hoàn tất
chỉ trong vòng chừng nửa tiếng, và tới làng chắc chắn tôi sẽ tìm được nơi lưu
trú và mua được xăng. Thế nhưng, thực sự không thể vui vẻ gì khi đứng đó trên
ngọn đồi cô độc, nhìn qua cổng gỗ
thấy nơi làng xóm xa xa đương lúc lên đèn, giữa ánh ngày gần như đã lịm, sương
mù ngày một đặc hơn.
Tuy
nhiên bi lụy cũng chẳng được lợi gì. Dù thế nào đi nữa, lãng phí nốt mấy phút
ánh sáng cuối cùng là một hành động ngớ ngẩn. Tôi đi trở lại xe, xếp vào cặp
táp mấy món đồ thiết yếu. Rồi trang bị cho mình chiếc đèn xe đạp, nó phát ra một
luồng sáng mạnh đến ngạc nhiên, tôi đi tìm một lối mòn có thể đưa mình xuống
làng kia. Nhưng không một lối đi nào như vậy hiện ra, dù tôi đã đi một quãng
kha khá lên đồi, cách cánh cổng một chặng khá xa. Rồi khi cảm thấy con đường
thôi không dâng lên nữa, mà dốc xuống chầm chậm theo một vòng cung xa
khỏi ngôi làng - bởi tôi vẫn thường xuyên thấy ánh đèn qua tán lá - lần
nữa tôi lại chìm trong cảm giác nản lòng. Thực tế, trong một lúc tôi đã nghĩ phải
chăng phương án tốt nhất lại là ngược đường về cỗ Ford và cứ ngồi yên trong đó
tới khi một xe khác chạy qua. Tuy nhiên, tới lúc đó, trời đã gần như tối hẳn,
và tôi nhận thấy nếu có tìm cách vẫy một cỗ xe chạy ngang trong trường hợp đó,
người ta sẽ thực dễ bị lầm là phường thảo khấu. Thêm vào đó, kể từ khi tôi rời
cỗ Ford tới giờ vẫn chưa hề có lấy một chiếc xe chạy qua; thực tế là tôi còn
không nhớ mình có thấy một chiếc xe nào kể từ lúc rời Tavistock. Vậy là tôi quyết
định trở lại đằng cổng, và từ đó đi xuống đồng, gắng đi càng thẳng đường càng tốt
về phía ánh đèn làng nọ, bất kể có đường hẳn hoi hay không.
Rốt
cuộc, đấy chẳng phải một chuyến leo xuống quá khó nhọc. Một loạt những cánh đồng
chăn thả tiếp liền nhau dẫn xuống làng, và bằng cách đi thực sát mép mỗi khoảnh
đồng trên đường leo xuống, người ta có thể đảm bảo cuốc đi bộ của mình không
quá khó khăn. Chỉ duy nhất một lần, khi làng đã khá gần, là tôi không nhìn rõ
có đường nào qua cánh đồng ngay dưới, phải chiếu cây đèn xe đạp tới lui theo bờ
giậu chắn trước mặt. Cuối cùng, tôi cũng phát hiện ra một kẽ hở nhỏ, bèn lách
mình qua đó, nhưng phải trả giá đôi chút bằng vai áo khoác và gấu lật mép quần.
Thêm nữa, mấy cánh đồng dưới cùng càng lúc càng bùn lầy và tôi phải chủ tâm
tránh soi đèn xuống giày cùng gấu quần kẻo càng thêm nản chí.
Dần
dà tôi thấy mình đã đi theo một con đường lát đá dẫn xuống làng, và chính trên
đường này mà tôi gặp ông Taylor, ông chủ nhà tốt bụng đã chứa chấp tôi tối nay.
Ông vừa bước ra khỏi một ngách rẽ trước tôi dăm mét, và đã lịch thiệp đợi tôi bắt
kịp ông, liền đó ông giơ tay chạm vành mũ và hỏi chẳng hay có giúp được gì cho
tôi. Tôi đã trình bày tình cảnh mình ngắn gọn
hết sức có thể, và nói thêm rằng tôi sẽ biết ơn tột bực nếu được chỉ đường tới
một quán trọ tốt. Nghe tới đây ông Taylor lắc đầu mà nói, “Tôi e rằng trong
làng chúng tôi không có một quán chuyên cho trọ nào, thưa ngài. John Humphreys
thường nhận khách vãng lai ở quán Hai Chìa Khóa, nhưng hiện thời ông ấy lại
đang lợp mái”. Nhưng trước khi tôi kịp
ngấm thông tin đáng buồn này, ông Taylor đã bảo, “Nếu ngài không ngại xuề xòa
đôi chút, thưa ngài, chúng tôi có thể dành cho ngài một phòng và giường ngủ đêm
nay. Không có gì đặc biệt cả, nhưng bà nó nhà tôi sẽ lo sao cho được sạch sẽ êm
ấm vừa đủ”.
Chắc
là tôi đã thốt ra vài lời, có lẽ cũng không thành thực lắm, đại ý là tôi không
thể làm phiền họ tới mức ấy được. Đáp lại, ông Taylor trả lời, “Tôi cam đoan với
ngài, thưa ngài, chúng tôi sẽ hân hạnh vô cùng được ngài nghỉ lại nhà. Chẳng mấy
khi có những người như ngài đi qua Moscombe này. Và thành thực mà nói, thưa
ngài, tôi không biết giấc này ngài còn cách nào khác nữa. Bà nó nhà tôi sẽ
không tha thứ nếu tôi để cho ngài cứ thế mà đi giữa đêm hôm thế này”.
Và
sự thể dẫn đến việc tôi chấp nhận lòng hiếu khách của ông bà Taylor là như thế.
Nhưng khi ban nãy tôi nói rằng các sự kiện tối nay khá “cam go”, tôi không chỉ
đơn thuần nói đến những phiền muộn khi xăng hết và phải làm một chuyến đi thô lậu
như vậy xuống làng. Bởi những gì xảy ra sau đó - những diễn tiến một khi tôi ngồi
vào bàn ăn tối với ông bà Taylor cùng láng giềng của họ - theo cách riêng còn
thử thách người ta ghê gớm hơn cả những bất ưng chỉ thuần về thể xác tôi phải
giáp mặt trước đó. Và xin cam đoan với quý vị, quả là nhẹ nhõm khi cuối cùng
cũng được đi lên phòng này, dành chút thời gian lật lại những ký ức về Dinh
Darlington bằng ấy năm về trước.
Thực
tế là, gần đây càng lúc tôi càng có thói quen tự cho phép mình chìm đắm vào những
hồi tưởng kiểu ấy. Và kể từ khi, vài tuần trước, triển vọng gặp lại cô Kenton lại
trỗi lên, tôi ngờ rằng mình đã thường dành khá nhiều thời gian ngẫm lại xem mối
quan hệ giữa chúng tôi trải qua một thay đổi như thế ấy là vì sao. Bởi vì rõ
ràng là đã có thay đổi, vào quãng năm 1935 hay 1936, sau rất nhiều năm chúng
tôi dần dà đi tới một sự đồng cảm nghề nghiệp rất đáng vừa lòng. Thực tế là,
vào hồi cuối, chúng tôi còn bỏ cả thói quen gặp nhau bên cốc ca cao vào lúc hết
ngày. Nhưng điều gì thực sự đã gây nên những thay đổi ấy, chuỗi sự việc cụ thể
nào là nguyên do, tôi vẫn chưa bao giờ xác định rõ ràng cho được.
Sau
khi nghĩ về việc ấy dạo gần đây, rất có khả năng sự kiện kỳ dị vào buổi tối cô
Kenton không mời mà tới phòng quản gia của tôi đã đánh dấu một bước ngoặt cốt tử.
Vì sao mà cô tới phòng quản gia, giờ tôi không còn nhớ rõ ràng nữa. Tôi có cảm
giác chắc cô đã mang một bình hoa đến “cho trông tươi sáng hơn”, nhưng cũng có
thể tôi đang lầm với cái lần cô gắng thử làm điều đó từ trước đấy vài năm, khi
chúng tôi mới bắt đầu quen biết nhau. Tôi biết rõ là cô đã cố tìm cách đem hoa
vào phòng quản gia trong ít nhất ba dịp khác nhau những năm đó, nhưng có thể
tôi đã lầm mà cho rằng đây là nguyên do cô tới vào buổi tối đang nói đến ở đây.
Tôi cần phải nhấn mạnh thêm rằng, dù thế nào đi chăng nữa, thì bất kể mối quan
hệ công việc tốt đẹp nhiều năm giữa chúng tôi, tôi cũng không bao giờ cho phép
tình thế đi đến nước người nội quản cứ suốt ngày lui lui tới tới phòng tôi.
Phòng của người quản gia, cứ theo tôi thấy, là một văn phòng hết sức quan yếu,
là trái tim mọi hoạt động trong nhà, không khác tổng hành dinh của vị tướng
trong trận chiến, và điều nhất thiết là mọi thứ trong đó phải có trật tự - và ở
yên trong trật tự đó - chính xác như ý tôi mong muốn. Tôi không bao giờ thuộc số
quản gia cho phép đủ hạng người lui tới hỏi han phàn nàn này nọ. Nếu muốn các
hoạt động trong nhà diễn ra trơn tru và phối hợp tốt hết mức, thì điều đương
nhiên là phòng của người quản gia phải là nơi duy nhất trong nhà được bảo đảm
có sự riêng tư và cô độc.
Sự
thể là, khi cô vào đến phòng quản gia tối hôm đó, thực tế lúc đó tôi cũng không
bận rộn với các nhiệm vụ quản gia. Nói vậy có nghĩa là, lúc đó đã sắp hết ngày
giữa một tuần thong thả, nên tôi đang hưởng chừng một tiếng đồng hồ ngoài giờ
hiếm hoi. Như đã nói, tôi không nhớ rõ cô Kenton có mang bình hoa vào hay
không, nhưng tôi nhớ rất rõ cô có nói, “Ông Stevens, phòng ông buổi tối trông
còn kém dễ chịu hơn cả ban ngày nữa. Cái bóng điện kia rõ ràng là quá tối, làm
sao ông đọc sách được”.
“Bóng
đèn này đủ cho tôi lắm rồi, cảm ơn cô đã lo lắng, cô Kenton ạ”.
“Thật
tình, ông Stevens ạ, cái phòng này giống như nhà tù. Chỉ cần thêm cái giường nhỏ
trong góc thôi là có thể hình dung những tù nhân thụ án đợi lên đoạn đầu đài ở
đây”.
Có
thể tôi đã đáp lại gì đó, giờ tôi không biết nữa. Dù thế nào thì tôi cũng không
rời mắt khỏi trang giấy đang đọc, và vài giây trôi qua tôi vẫn đợi cô Kenton
cáo từ và lui đi. Nhưng rồi tôi nghe cô nói, “Tôi đang nghĩ không biết ông đọc
gì đằng đó, ông Stevens ạ”.
“Đọc
sách thôi, cô Kenton ạ”.
“Sách
thì tôi thấy rồi, ông Stevens ạ. Nhưng sách gì ấy chứ - tôi băn khoăn cái đó”.
Tôi
ngẩng lên, thấy cô Kenton đang tiến về phía mình. Tôi gấp quyển sách, ôm sát nó
vào người, đứng lên.
“Cô
Kenton ạ, thực tình”. Tôi nói, “Tôi phải yêu
cầu cô hãy tôn trọng sự riêng tư của tôi”.
“Nhưng
cuốn sách có gì mà ông phải ngượng ngùng vậy, ông Stevens? Tôi khá nghi đấy là
một cuốn sách mặn lắm đây”.
“Trên
đời không thể có chuyện, cô Kenton ạ, trên tủ sách của đức ngài lại có thứ gì “mặn”,
như cách nói của cô”.
“Tôi
từng nghe nói rằng rất nhiều cuốn sách uyên bác lại chứa những đoạn viết mặn khủng
khiếp, nhưng chưa bao giờ có gan xem. Nào, ông Stevens, làm ơn cho tôi xem ông
đang đọc thứ gì đi”.
“Cô
Kenton ạ, tôi phải đề nghị cô để cho tôi yên. Thực không thể nào cô cứ một mực
truy đuổi tôi như vậy trong những giờ phút hiếm hoi rảnh rỗi mà tôi có riêng
cho mình”.
Nhưng
cô Kenton vẫn tiến tới, và tôi phải nói rằng tôi gặp chút khó khăn khi suy tính
xem phương án cư xử tốt nhất là gì. Tôi có ý xô cuốn sách vào ngăn bàn rồi khóa
lại, nhưng làm thế thì có vẻ thái quá đến thành lố bịch. Tôi bước lùi vài bước,
vẫn ôm sát cuốn sách trước ngực.
“Xin
ông hãy cho tôi xem cuốn sách ông đang cầm, ông Stevens”, cô Kenton nói trong khi vẫn tiến tới, “và tôi sẽ
để cho ông tiếp tục hưởng cái thú đọc sách. Sách đó có gì mà ông lại phải lo lắng
giấu giếm như vậy chứ?”.
“Cô
Kenton, cô có được biết nhan đề của cuốn sách này hay không tự nó không là vấn
đề gì với tôi. Nhưng về nguyên tắc, tôi phản đối cô xuất hiện và xâm phạm vào
thời gian riêng tư của tôi như thế này”.
“Tôi
nghĩ không biết đấy có phải là một cuốn sách đứng đắn khả kính hay không, ông
Stevens ạ, hay là thực ra ông đang tìm cách bảo vệ tôi khỏi những ảnh hưởng tai
hại của nó?”.
Cô
đã tới đứng trước mặt tôi, và đột nhiên không khí thay đổi một cách quái lạ - gần
như là hai người chúng tôi đã thình lình bị đẩy hẳn sang một chiều không gian
khác. E rằng rất khó mô tả cho rõ ràng ý tôi muốn nói là gì. Tôi chỉ có thể nói
rằng chung quanh chúng tôi chợt lặng hẳn đi; và tôi có cảm giác thái độ của cô
Kenton cũng thình lình đổi khác; mặt cô mang một vẻ nghiêm nghị lạ kỳ, và tôi
chợt nhận ra trông cô gần như khiếp hãi.
“Xin
ông, ông Stevens, hãy cho tôi xem cuốn sách”.
Cô
đưa tay tới và nhẹ nhàng lấy cuốn sách khỏi bàn tay tôi. Tôi nghĩ tốt hơn hết
là ngoảnh đi trong lúc cô với tới, nhưng vì cô đặt mình ở vị trí quá gần tôi
như vậy, tôi chỉ có thể đạt được mục đích bằng cách vặn đầu đi một góc khá gượng
gạo. Cô Kenton tiếp tục rất nhẹ tay gỡ cuốn sách, gần như bẻ từng ngón tay tôi
ra. Quá trình này dường như mất rất lâu - từ đầu đến cuối tôi vẫn duy trì tư thế
ấy - cho tới khi cuối cùng tôi nghe cô nói, “Ôi trời, ông Stevens, đó có phải
thứ gì quá quắt lắm đâu. Chỉ là một chuyện tình ướt át thôi mà”.
Tôi
nhớ có lẽ tới khoảng này tôi quyết định không cần phải nhượng bộ thêm nữa. Tôi
không nhớ đích xác mình đã nói gì, nhưng tôi nhớ đã tiễn cô Kenton khỏi phòng
quản gia với thái độ khá quyết liệt và khép lại sự việc này ở đó.
Tới
đây có lẽ tôi nên nói thêm vài câu về bản thân quyển sách đã là nguyên do cho sự
việc này. Đúng là có thể miêu tả đó là một “chuyện tình ướt át” - có một số lượng
nhất định loại sách ấy được lưu giữ trong thư viện, cả trong vài buồng ngủ cho
khách nữa, để giải khuây cho những vị khách nữ ghé thăm. Tôi bắt tay vào tham
khảo những tác phẩm như vậy vì một nguyên do rất đơn giản; đấy là một phương
cách vô cùng hiệu quả để gìn giữ và phát triển trình độ ngôn ngữ của mình. Quan
điểm của tôi - tôi không biết quý vị có đồng ý hay không - là ở vào thế hệ
chúng tôi, người ta đã nhấn mạnh quá nhiều về tầm quan trọng của ngữ điệu hay
và lời ăn tiếng nói văn hoa trong công việc; nói vậy có nghĩa là, những yếu tố
này đôi lúc đã bị nhấn mạnh đến mức lấn át cả những phẩm chất nghề nghiệp quan
trọng hơn. Dù cho vậy, tôi chưa bao giờ giữ lập trường là ngữ điệu hay và lời
ăn tiếng nói văn hoa không có gì đáng quý, và tôi vẫn luôn coi bổn phận của
mình là phải phát triển đến mức càng tốt càng hay những khả năng này. Một
phương cách rất giản dị để làm việc này là chỉ cần đọc vài trang trong một cuốn
sách văn từ đẹp đẽ trong những lúc rỗi rãi hiếm hoi
người ta có. Đây đã trở thành chủ trương của cá nhân tôi vài năm nay, và thường
tôi chọn loại sách mà cô Kenton đã bắt gặp tôi đọc tối hôm ấy đơn giản vì những
tác phẩm kiểu đó thường biên bằng một thứ tiếng Anh hay, với rất nhiều đối thoại
ưu nhã rất có ích đối với tôi trong thực tế. Một cuốn sách nặng cân hơn - một
cuốn nghiên cứu học thuật chẳng hạn - dù có thể có ích hơn với tôi xét về toàn
diện, lại thường lát đầy những thuật ngữ hẳn là có tính ứng dụng hạn chế trong
giao thiệp ngày thường với các vị khách nam lẫn nữ.
Tôi
hiếm khi có thời gian hay nguyện vọng đọc từ đầu đến hết một cuốn tình cảm nào
như vậy, nhưng cứ như tôi thấy, cốt truyện trong đó trước sau như một đều ngớ
ngẩn - đều ướt át, thực vậy - và tôi sẽ không phí một giây nào cho chúng nếu
không vì những ích lợi đã nêu trên. Tuy nhiên, dù như vậy, ngày hôm nay tôi
không ngại thú nhận rằng - và tôi thấy việc đó không có gì đáng xấu hổ - đôi
lúc tôi cũng có được một niềm vui tình cờ từ những câu chuyện loại đó. Có thể
vào lúc ấy tôi không thừa nhận với mình như vậy, nhưng như tôi vừa nói, cái đó
thì có gì đáng xấu hổ? Vì sao người ta không nên có niềm vui đơn giản nhẹ nhàng
từ những câu chuyện về các giai nhân mặc khách có tình cảm với nhau và diễn đạt
tình cảm đó thường là bằng những ngôn từ hết sức ưu nhã?
Nhưng
khi nói vậy, tôi không hàm ý rằng thái độ của tôi trong sự việc cuốn sách tối
hôm ấy là không đúng lý theo một nhẽ nào đó. Vì quý vị cần hiểu rằng việc ấy
liên quan đến một nguyên tắc quan trọng. Sự thể là, tôi đang ở “ngoài giờ” vào
thời điểm cô Kenton xộc vào phòng quản gia của tôi. Và đương nhiên, bất kể quản
gia nào hãnh diện về công việc của mình, bất kể quản gia nào có chút tâm nguyện
đạt được “phẩm cách xứng hợp với chức vị của mình”, như Hội Hayes đã nói, sẽ
không bao giờ cho phép mình ở “ngoài giờ” khi có mặt người khác. Người đi vào
phòng trong thời điểm ấy có là cô Kenton hay một kẻ hoàn toàn xa lạ thì cũng
không quan trọng. Một quản gia có chút phẩm chất phải hoàn toàn đồng nhất với
vai trò của mình trước mắt mọi người, tuyệt đối và trọn vẹn; không thể để người
khác thấy mình cởi bỏ nó ra phút trước rồi lại khoác vào phút sau như thể đó chỉ
là một bộ cánh kịch hát. Có một và chỉ một tình thế cho phép người quản gia coi
trọng phẩm cách của mình có thể thoải mái đặt xuống vai trò của ông ta: đấy là
khi ông ta hoàn toàn chỉ có một mình. Như vậy quý vị sẽ hiểu rằng trong tình huống
cô Kenton lao vào phòng, vào một thời điểm tôi đã đinh ninh, không phải là vô cớ,
mình sẽ được ở một mình, thì vấn đề có tính nguyên tắc cốt tử, thực vậy, vấn đề
về phẩm cách, là tôi không được xuất hiện trong dáng vẻ gì khác ngoài vai trò
trọn vẹn, đích đáng của mình.
Tuy
nhiên, ý định của tôi ở đây không phải là phân tích lại những khía cạnh khác
nhau của sự việc nhỏ nhặt đã nhiều năm về trước. Điều chính yếu là nó báo động
cho tôi rằng tình thế giữa cô Kenton và tôi đã lên đến - hẳn nhiên là sau một
quá trình chậm chạp kéo dài nhiều tháng - một tình trạng thiếu đúng mực. Nội việc
cô có thể cư xử như tối hôm đó đã khá đáng ngại, và sau khi tiễn cô khỏi phòng
quản gia, có đủ thời gian sắp xếp suy nghĩ trong đầu một chút, tôi nhớ mình đã
quyết tâm thiết lập lại mối quan hệ nghề nghiệp giữa chúng tôi trên cơ sở
nghiêm chỉnh hơn. Nhưng còn sự kiện ấy góp phần đến đâu vào những thay đổi lớn
trong mối quan hệ của hai chúng tôi về sau đó, thì giờ đây thực khó mà đoán định.
Rất có thể muốn lý giải những sự việc đã có sẽ phải nhìn vào những biến chuyển
căn bản hơn. Tỷ dụ như vấn đề ngày nghỉ của cô Kenton.
* * *
Kể
từ hồi cô lần đầu đặt chân tới Dinh Darlington mãi cho tới chừng một tháng trước
vụ việc trong phòng quản gia của tôi, những ngày nghỉ của cô Kenton luôn tuân
theo một chu trình dễ đoán. Cứ sáu tuần một lần, cô lại nghỉ hai ngày đi thăm
người dì ở Southampton; còn lại, theo gương chính tôi, cô không hẳn là có ngày
phép trừ khi chúng tôi đang ở vào giai đoạn đặc biệt rảnh rang, trong trường hợp
đó có thể cô sẽ dành một ngày dạo chơi trong khuôn viên dinh và đọc sách đôi
chút trong buồng nội quản. Nhưng rồi, như tôi nói, chu trình ấy thay đổi. Bất
chợt cô bắt đầu tận dụng hết thời gian nghỉ được quy định trong hợp đồng, thường
xuyên vắng mặt khỏi nhà từ sáng sớm, không để lại thông tin nào khác ngoài thời
điểm cô sẽ quay về vào buổi tối. Đương nhiên, cô không bao giờ nghỉ nhiều hơn
quyền lợi chính đáng của cô, do đó tôi thấy sẽ là vô lễ nếu hỏi han sâu hơn về
những chuyến chơi xa này. Nhưng tôi đoán là thay đổi ấy cũng đã làm tôi rối
lòng sao đó, bởi tôi nhớ có nhắc chuyện này với ông Graham, tùy tùng kiêm quản
gia của Sir James Chambers - một đồng nghiệp đáng kính mà tiện đây xin nói, dường
như giờ tôi đã mất hẳn liên lạc - trong lúc cùng ngồi trò chuyện bên lò sưởi
vào một tối trong những chuyến thăm thường xuyên của ông tới Dinh Darlington.
Thực
tế là tôi chỉ nói một câu đại ý rằng người nội quản “dạo gần đây có hơi ủ ê”,
và đã khá ngạc nhiên khi ông Graham gật gù, ghé về phía tôi nói giọng hiểu biết,
“Lâu nay tôi vẫn nghĩ xem còn được bao lâu nữa”.
Khi
tôi hỏi cho rõ ý ông là sao, ông Graham tiếp lời, “Cái nhà chị Kenton của ông ấy.
Cứ tôi nhớ thì bây giờ chị ta đã, bao nhiêu nhỉ? Ba mươi ba à? Ba mươi tư? Thời
gian làm mẹ thích hợp nhất đã qua rồi, nhưng vẫn chưa phải là quá muộn”.
“Cô
Kenton”, tôi cam đoan với ông,
“một lòng chuyên tâm với công việc. Tôi tình cờ được biết chắc là cô hoàn toàn
không có ý muốn lập gia đình”.
Nhưng
ông Graham lại cười và lắc đầu nói, “Đừng bao giờ tin mấy cô nội quản bảo là
không muốn lập gia đình. Thực tình, ông Stevens này, tôi nghĩ ông với tôi ngồi
tính thử ngay đây là kể ra được cả tá cô từng phát biểu như thế rồi lại theo chồng
bỏ cuộc chơi ấy chứ”.
Theo
tôi nhớ, tối hôm ấy tôi đã khá tự tin phản bác giả thiết của ông Graham, nhưng
từ đó trở đi, phải thừa nhận tôi khó mà xua khởi đầu óc mình cái khả năng rằng
những chuyến chơi xa kỳ bí của cô Kenton là nhằm gặp gỡ một kẻ cầu thân nào đó.
Đây quả là một ý nghĩ đáng phiền muộn, bởi chẳng khó thấy rằng cô Kenton ra đi
sẽ là thiệt hại đáng kể về mặt công việc, một thiệt hại sẽ khiến Dinh
Darlington phải rất khó khăn mới hồi lại được. Thêm nữa, tôi buộc phải nhận thấy
một số dấu hiệu nho nhỏ khác dường như càng củng cố giả thiết của ông Graham. Tỷ
dụ như, bởi một trong những bổn phận của tôi là tiếp nhận bưu phẩm, tôi không
thể không để ý thấy rằng thư gửi đến cô Kenton bắt đầu xuất hiện tương đối đều
đặn - tuần một lần gì đó - từ cùng một người viết, và rằng những thư ấy mang dấu
bưu điện vùng này. Có lẽ tới đây tôi nên giải thích thêm rằng muốn tránh nhận
ra những điều ấy với tôi cũng gần như bất khả, xét thấy suốt trong những năm ở
nhà này trước đó, cô chỉ nhận được rất ít thư từ.
Rồi
còn có những dấu hiệu khác, mơ hồ hơn, ủng hộ giả thiết của ông Graham. Tỷ dụ
như, dù vẫn tiếp tục thi hành những bổn phận trong công việc với sự chuyên cần
thường lệ, nhưng tâm trạng của cô giờ đây thường trải qua những thăng trầm theo
một kiểu tôi chưa hề chứng kiến. Thực tế là, những dịp cô bỗng trở nên vui tươi
thái quá suốt nhiều ngày dài - mà không vì một lý do gì rõ ràng - đối với tôi
cũng đáng lo ngại ngang với những đợt ủ rũ thình lình và thường kéo dài. Như
tôi đã nói, từ đầu đến cuối cô vẫn cực kỳ mẫn cán, nhưng mặt khác, bổn phận của
tôi là phải nghĩ về lợi ích lâu dài của nhà này, và nếu đúng là những dấu hiệu ấy
ủng hộ cho giả thiết của ông Graham rằng cô Kenton đang suy tính rời khỏi đây
vì những nguyên do tình cảm, thì hiển nhiên tôi có trách nhiệm cần dò hỏi sâu
hơn. Thế nên tôi đã đánh bạo hỏi cô vào một tối, trong bữa ca cao thường lệ, “Vậy
còn thứ Năm này cô có đi nữa không, cô Kenton? Ý tôi là ngày nghỉ của cô ấy”.
Tôi
đã lờ mờ trông đợi cô sẽ nổi nóng khi bị chất vấn như thế, nhưng ngược lại, có
vẻ cô đã từ lâu gần như chờ dịp đề cập đến chính chủ đề này. Bởi cô nói bằng giọng
vẻ như có phần nhẹ nhõm, “Ôi, ông Stevens ạ, chỉ là có một người quen hồi tôi
làm ở Quán Granchester. Thực tế là hồi ấy anh ta làm quản gia ở đó, nhưng giờ
anh ta đã rời nghề phục vụ hẳn rồi và đang làm cho một hãng gần đây. Thế nào đó
mà anh ta biết được tôi ở đây nên bắt đầu viết thư cho tôi, đề nghị nối lại mối
quen biết cũ. Thế đấy, ông Stevens ạ, đầu đuôi chỉ có thế thôi”.
“Tôi
hiểu rồi, cô Kenton ạ. Hẳn nhiên, thỉnh thoảng được rời khỏi nhà thì cũng dễ chịu”.
“Đúng
là như vậy, ông Stevens ạ”.
Im
lặng một lúc. Rồi dường như vừa quyết định điều gì đó, cô Kenton tiếp, “Anh người
quen này của tôi. Tôi còn nhớ hồi anh làm quản gia ở Quán Granchester, anh ta
ôm ấp những hoài bão cao xa lắm. Thực tế là tôi hình dung ước mơ lớn nhất của
anh ta là được trở thành quản gia ở một nhà nào đó tương tự như nhà này. Ôi,
nhưng mà nghĩ lại thì các phương pháp của anh ta thật là! Ông Stevens ạ, thật
tình tôi có thể hình dung được vẻ mặt ông nếu phải chứng kiến cách làm của anh
ta. Thật sự không có gì ngạc nhiên là anh ta lại không đạt được hoài bão của
mình”.
Tôi
cười khẽ. “Theo kinh nghiệm của tôi”, tôi
nói, “quá nhiều người tự tin mình có khả năng làm việc ở đẳng cấp như thế này,
mà không biết mảy may gì về những đòi hỏi khắc nghiệt khi lên tới đây. Rõ ràng
là không phải ai cũng phù hợp với điều kiện đó”.
“Đúng
quá rồi. Ông Stevens ạ, thật tình, nếu thấy anh ta vào cái thời đó chẳng biết
ông sẽ nói sao nữa!”.
“Ở
đẳng cấp cao như ở đây, cô Kenton ạ, nghề này không phải dành cho bất cứ ai
đâu. Có hoài bão lớn lao thì rất dễ, nhưng nếu không có một vài phẩm chất nào
đó, thì đơn giản là người ấy sẽ không thể đi xa hơn một giới hạn nhất định
trong nghề quản gia”.
Cô
Kenton tuồng như ngẫm nghĩ câu này một lát, rồi nói, “Tôi chợt nhận ra hẳn ông
là một người mãn nguyện lắm, ông Stevens. Suy cho cùng, ông đã đạt đến đây rồi,
đến vị trí cao nhất trong nghề nghiệp của mình, tất cả ngôi nhà dưới quyền ông
đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Thật sự tôi không tưởng tượng ra nổi ông có còn
nguyện vọng gì trong đời nữa không”.
Tôi
không thể nghĩ ngay ra câu trả lời. Trong khoảng im lặng có phần lúng túng tiếp
sau đó, cô Kenton lại cúi mắt nhìn vào tận đáy cốc ca cao, như đương mải mê với
thứ gì cô phát hiện ra ở đó. Rốt cuộc, sau hồi lâu suy nghĩ, tôi đáp, “Cứ theo
tôi thấy, cô Kenton ạ, ước nguyện của tôi sẽ không thể coi là hoàn tất chừng
nào tôi chưa làm hết sức mình để phò tá đức ngài vượt qua những nhiệm vụ lớn
lao mà ngài tự đặt ra cho bản thân. Ngày nào phần việc của đức ngài trọn vẹn,
ngày nào đức ngài có thể lui về nghỉ trên vinh quang của mình,
yên tâm biết rằng mình đã làm tất cả những gì người khác có thể hợp tình hợp lý
mà yêu cầu ở ngài, cô Kenton ạ, chỉ đến ngày đó tôi mới có thể tự nhận mình,
như cô nói, là một người mãn nguyện”.
Có
thể cô đã hơi bối rối trước những lời tôi nói; hoặc cũng có thể vì nguyên do
nào đó lời tôi khiến cô phật lòng. Dù sao đi nữa, tới đó cô có vẻ đổi hẳn tâm
trạng, và cuộc đối thoại nhanh chóng mất đi giọng điệu khá tâm tình chúng tôi vừa
bắt đầu sa vào.
Không
mấy lâu sau đó, những buổi gặp uống ca cao trong buồng nội quản của cô ngừng hẳn.
Thực tế là, tôi còn nhớ khá rõ lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau trong hoàn cảnh
ấy: tôi đang có ý muốn bàn với cô Kenton về một sự kiện sắp tới, một buổi tụ họp
cuối tuần sẽ có mặt những nhân vật hết sức danh giá từ Scotland. Quả đúng là
còn phải chừng một tháng nữa, nhưng mặt khác thói quen của chúng tôi vẫn luôn
là bàn bạc từ rất sớm những sự kiện như vậy. Trong buổi tối này, tôi đã điểm
qua nhiều khía cạnh tổ chức khác nhau được một lúc thì phát hiện ra cô Kenton
chỉ góp lời rất ít; quả thực, một lát sau, có thể thấy rành rành đầu óc cô đang
để vào một nơi khác hẳn. Tôi đã thỉnh thoảng phải nói vài câu như, “Cô nghe tôi
nói không, cô Kenton?”, đặc biệt sau những khi vừa trình bày rất dài về điểm gì
đó, và dù mỗi lần cô sẽ chăm chú lên một chút, thì vài giây sau tôi thấy cô đã
lại mông lung rồi. Sau vài phút tôi nói còn cô chỉ ậm ừ, “Phải rồi, ông Stevens
ạ”, hay là, “Tôi hoàn toàn
tán thành, ông Stevens ạ”, cuối
cùng tôi cũng bảo cô, “Xin cô thứ lỗi, cô Kenton ạ, nhưng tôi thấy không có ích
gì mấy khi tiếp tục như thế này. Đơn giản là cô dường như không hình dung hết mức
độ quan trọng của sự kiện này”.
“Tôi
xin lỗi, ông Stevens ạ”, cô
nói và hơi ngồi thẳng người dậy. “Chỉ là tối nay tôi hơi mệt”.
“Hiện
giờ cô càng ngày càng mệt, cô Kenton ạ. Xưa kia cô thường không thấy cần thiết
phải viện tới cớ đó”.
Tôi
sửng sốt thấy cô Kenton đáp lại bằng cách thình lình bùng ra, “Ông Stevens ạ,
tôi vừa trải qua một tuần bận tối mắt tối mũi. Tôi rất mệt. Thực ra là tôi đã
mong được nằm xuống nghỉ suốt ba bốn tiếng đồng hồ nay rồi. Tôi rất mệt, mệt lắm,
ông Stevens ạ, có thế mà ông cũng không hiểu được ư?”.
Không
hẳn là tôi mong đợi sẽ được nghe cô xin lỗi, nhưng phản ứng gay gắt của cô phải
nói đã làm tôi có hơi chưng hửng. Tuy nhiên, tôi quyết tâm không bị kéo vào một
cuộc cãi cọ khó coi với cô, và chủ ý ngưng một hai giây nhiều hàm ý trước khi mở
lời thực điềm đạm, “Nếu thực sự là cô cảm thấy như vậy, cô Kenton ạ, thì chúng
ta hoàn toàn không cần tiếp tục những cuộc gặp này mà làm gì. Xin thứ lỗi cho
tôi vì qua bằng ấy thời gian không nhận ra chúng bất tiện cho cô đến mức nào”. “Ông Stevens, tôi chỉ nói là tối nay tôi mệt...”.
“Không, không, cô Kenton, điều đó hoàn toàn có thể hiểu được. Cuộc sống của cô
bận rộn, những cuộc gặp này thực là chất thêm một cách không đáng vào những
gánh nặng sẵn có của cô. Có rất nhiều phương án khác để đạt được mức độ trao đổi
thông tin nghề nghiệp cần thiết mà không cần chúng ta phải gặp gỡ nhau theo
cách này”.
“Ông
Stevens, như thế này thì thật hơi quá. Tôi chỉ nói là...”.
“Tôi
nói thực đấy, cô Kenton ạ. Thực tình là tôi đã suy tính một thời gian rằng có lẽ
nên ngưng lại những cuộc gặp này, xét thấy ngày làm việc của chúng ta vốn đã rất
bận rộn còn bị kéo dài thêm. Dù chúng ta đã gặp nhau như thế này suốt nhiều
năm, nhưng đó không phải là lý do chúng ta không thể tìm xem có cách nào thuận
tiện hơn từ đây về sau”.
“Ông
Stevens, xin ông, tôi tin rằng những cuộc gặp này hết sức hữu ích...”.
“Nhưng
chúng lại thực bất tiện cho cô, cô Kenton. Chúng làm cô mệt mỏi. Tôi xin mạn
phép đề xuất rằng từ nay trở đi, chúng ta chỉ đặc biệt cố truyền đạt những
thông tin quan trọng trong phạm vi ngày làm việc bình thường. Trong trường hợp
không dễ dàng gặp được nhau, tôi đề nghị chúng ta có thể để lại những mảnh giấy
nhắn tin trên cửa phòng nhau. Đối với tôi đó có vẻ là một giải pháp hoàn toàn
thích đáng. Giờ thì, cô Kenton ạ, tôi phải xin tạ lỗi đã làm mất thì giờ của cô
đến thế. Hết lòng cảm ơn cô đã đãi tôi ca cao”.
* * *
Đương
nhiên - và có gì mà không nên thừa nhận điều này nhỉ - tôi có đôi khi tự hỏi về
lâu về dài sự thể có lẽ đã dẫn đến kết quả nào nếu tôi không quyết liệt như vậy
về vấn đề những buổi gặp ban tối ấy; nói vậy có nghĩa là, nếu tôi đã nhượng bộ
vào những tuần kế tiếp trong vài dịp cô Kenton đề nghị lập lại thói quen này. Sở
dĩ lúc này tôi đưa ra phỏng đoán là vì, xét trên những sự kiện tiếp sau đó, rất
có thể cho rằng khi quyết định chấm dứt vĩnh viễn những cuộc gặp buổi tối như vậy,
có lẽ tôi không thực sự ý thức được toàn bộ ý nghĩa của quyết định này. Thực vậy,
còn có thể nói rằng quyết định nhỏ ấy đã đóng vai trò một bước ngoặt cốt yếu, đẩy
sự việc lao theo một tiến trình khó cưỡng về kết cuộc như đã xảy ra.
Tuy
nhiên, tôi đoán rằng khi quay cái nhìn hồi cố tìm kiếm trong quá khứ những “bước
ngoặt” như vậy, người ta dễ nhìn thấy chúng ở khắp nơi. Không chỉ quyết định của
tôi về những cuộc gặp buổi tối, mà cả sự việc trong phòng quản gia của tôi, nếu
muốn, cũng có thể được nhìn nhận là một “bước ngoặt” như vậy. Người ta có thể đặt
câu hỏi rằng liệu điều gì sẽ xảy ra, nếu mình đã phản ứng khác đi đôi chút
trong buổi tối cô mang bình hoa vào? Và có lẽ - bởi việc này cũng xảy ra vào
khoảng có những sự việc kia - cái buổi chiều tôi bắt gặp cô Kenton trong phòng
ăn sau khi cô nhận tin dì mình vừa mất, cũng có thể được coi là một “bước ngoặt”
theo kiểu nào đó.
Cô
biết tin trước đó vài tiếng; thực vậy, chính tôi là người gõ cửa buồng nội quản
sáng hôm đó để đưa cô lá thư. Tôi có bước vào buồng một lát để bàn một vấn đề
công việc nào đó, và như tôi nhớ chúng tôi đang ngồi bên bàn cô chuyện trò dở
chừng thì cô bóc thư. Cô lặng hẳn đi, nhưng cần ghi nhận là cô vẫn trấn tĩnh, và đọc lá thư ít nhất hai
lượt. Rồi cô cẩn thận bỏ lại lá thư vào phong bì và đưa mắt nhìn tôi ngồi bên
kia bàn.
“Thư
của bà Johnson, một người bạn của dì tôi. Bà nói dì tôi đã qua đời hôm kia”. Cô ngưng lại một lát, rồi nói, “Lễ tang cử hành
ngày mai. Tôi không biết liệu mình có thể xin nghỉ một ngày không”.
“Tôi
tin là có thể sắp xếp được việc này, cô Kenton ạ”.
“Cảm
ơn ông, ông Stevens. Thứ lỗi cho tôi, có lẽ giờ tôi xin phép ở một mình một
lát”.
“Đương
nhiên rồi, cô Kenton ạ”.
Tôi
lui ra, và mãi tới khi đã ra ngoài tôi mới nhận ra mình chưa thực sự nói lời
phân ưu với cô. Tôi có thể hình dung rõ tin ấy là một cú sốc với cô đến thế
nào, bởi dì cô giống như một người mẹ thực sự trong đời cô, và tôi dừng chân
ngoài hành lang, nghĩ không biết có nên quay lại, gõ cửa và khắc phục thiếu sót
vừa rồi. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra rằng nếu làm như vậy, rất có thể tôi sẽ xâm
phạm đến thời khắc riêng tư cô cần trải qua nỗi đau buồn. Thực vậy, không phải
không có khả năng cô Kenton, ngay vào phút ấy, cách tôi chỉ vài bước chân, có lẽ
còn đang khóc. Ý nghĩ ấy khiến dâng lên trong tôi một cảm giác lạ lùng, khiến
tôi cứ loanh quanh đứng trong hành lang mất một thôi. Nhưng rồi tôi kết luận tốt
nhất là chờ tới dịp khác bày tỏ lòng thương cảm, và rời chân.
Sự
thể hóa ra là, tôi không gặp lại cô mãi đến chiều hôm ấy, khi như đã nói, tôi bắt
gặp cô trong phòng ăn, đương cất chén đĩa vào tủ chạn. Tới lúc này tôi đã băn
khoăn mất vài giờ nghĩ về nỗi buồn của cô Kenton, và đặc biệt suy nghĩ xem nên
nói hoặc làm gì là tốt nhất để giúp cô vơi bớt phần nào gánh nặng trong lòng.
Và khi nghe tiếng chân cô vào phòng ăn - khi đó tôi đang dở tay làm việc gì đó
ngoài sảnh - tôi đã chờ chừng một phút, rồi hoãn việc đang làm và bước vào theo
cô.
“À,
cô Kenton”, tôi nói. “Thế chiều nay
cô thế nào?”.
“Cũng
khá, cảm ơn ông, ông Stevens”.
“Mọi
việc vẫn suôn sẻ cả chứ?”.
“Mọi
việc đều suôn sẻ, cảm ơn ông”.
“Tôi
đang định hỏi cô có gặp vấn đề gì đặc biệt với người mới không”. Tôi cười khẽ. “Có rất nhiều rắc rối nhỏ có thể xảy
ra khi có chừng ấy người mới cùng vào một lúc. Tôi dám nói rằng cả những người
giỏi giang nhất trong chúng ta cũng sẽ được lợi từ một cuộc trao đổi nghề nghiệp
vào những lúc như vậy”.
“Cám
ơn ông, ông Stevens ạ, nhưng tôi thấy các cô gái mới đều rất thạo việc”.
“Cô
không thấy cần thiết phải thay đổi cơ cấu nhân viên hiện tại cho phù hợp với điều
kiện có người mới đến chứ?”.
“Tôi
không nghĩ có cần thiết thay đổi gì như vậy, ông Stevens ạ. Tuy nhiên, nếu sau
này nhận định khác đi, tôi sẽ thông báo cho ông ngay lập tức”.
Cô
quay lại với cái tủ chạn, và trong một khắc, tôi đã suy tính đến việc rời khỏi
phòng. Thực tế là tôi nghĩ mình đã bước vài bước về phía cửa, nhưng rồi tôi lại
quay về phía cô mà nói, “Vậy, cô Kenton ạ, cô muốn nói là mấy người mới đều
đang thích nghi tốt”.
“Cả
hai bọn họ đều đang làm việc rất tốt, tôi cam đoan với ông”.
“À,
nghe vậy tôi thực mừng”. Tôi
lại cười khục một tiếng. “Tôi chỉ băn khoăn đôi chút, vì chúng ta đã xác nhận rằng
cả hai cô gái đều chưa bao giờ nhận việc ở một nhà có quy mô như ở đây”.
“Quả
có thế, ông Stevens”.
Tôi
nhìn cô xếp bát vào tủ và chờ xem cô có nói gì thêm nữa không. Sau vài phút thấy
rõ rằng không, tôi nói tiếp, “Thực tình là, cô Kenton ạ, tôi phải nói điều này.
Tôi có nhận ra một hai thiếu sót dạo gần đây. Tôi quả có cảm thấy rằng cô nên bớt
chủ quan một chút về phần các người mới ấy”.
“Ông
nói vậy là có ý gì, ông Stevens?”.
“Thí
dụ như tôi, cô Kenton ạ, mỗi khi có người mới vào nhà, tôi muốn đảm bảo gấp đôi
rằng mọi thứ đều ổn. Tôi rà soát hết mọi mặt công việc của họ và cố lường xem họ
đang cư xử thế nào với các nhân viên khác trong nhà. Suy cho cùng, quan trọng
là phải hình dung được rõ ràng về họ, cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn tác động của
họ lên tinh thần chung của đội ngũ. Tôi rất tiếc phải nói điều này, nhưng cô
Kenton ạ, tôi cho rằng cô đã hơi lơ là về mặt này”.
Mất
một giây, cô Kenton thoáng vẻ không hiểu. Rồi cô quay sang tôi và một nét căng
thẳng thế nào đó hằn rõ trên mặt cô.
“Tôi
không hiểu, ông Stevens?”.
“Tỷ
dụ, cô Kenton ạ, dù chén đĩa vẫn được rửa kĩ càng theo đúng tiêu chuẩn trước
nay, tôi đã để ý thấy đồ được xếp lại lên tủ bếp theo một cách mà, dù nhìn qua
không thấy rõ độ nguy hiểm, nhưng dần dà sẽ gây ra đổ vỡ nhiều hơn cần thiết”.
“Vậy
cơ à, ông Stevens?”.
“Phải,
cô Kenton ạ. Hơn nữa, hốc tường nhỏ bên ngoài phòng ăn sáng đã một thời gian
không được lau sạch rồi. Cô bỏ quá cho tôi, nhưng tôi còn có thể nêu thêm một
hai chi tiết khác nữa”.
“Ông
không cần đay lại vậy đâu, ông Stevens. Tôi sẽ soát lại kết quả làm việc của
hai cô hầu mới, như ông khuyên”.
“Bỏ
qua những việc hiển nhiên như vậy thực không giống cô ngày thường, cô Kenton ạ”.
Cô
Kenton ngoảnh đi khỏi tôi, và lần nữa mặt cô lại thoáng vẻ như đang cố giải cho
ra một điều gì khiến cô bối rối. Trông cô không hẳn phiền muộn mà là cực kỳ mệt
mỏi. Rồi cô khép cửa tủ, nói, “Xin phép ông, ông Stevens”, và rời khỏi phòng.
Nhưng
có nghĩa lý gì mà mãi hoài phỏng đoán xem điều gì có thể xảy ra giả như chuyện
đã khác đi lúc này hay lúc khác? Cứ làm vậy rồi chỉ đẩy người ta đến chỗ rối ruột
rối gan. Dù sao đi nữa, nói về những “bước ngoặt” kia thì dễ lắm, nhưng hẳn người
ta chỉ có thể nhận ra những khoảnh khắc ấy khi đã đi qua ngoái lại. Dĩ nhiên,
ngày nay nhìn lại, những sự việc kiểu ấy quả có thể khoác lấy dáng vẻ những
phút giây căn cốt và quý báu trong đời; nhưng dĩ nhiên vào lúc ấy ấn tượng của
người ta không phải là như thế. Đúng hơn, người ta tưởng mình có trong tay một
lượng vô tận những ngày, những tháng, những năm để tháo gỡ cho ra những ngoắt
ngoéo trong quan hệ của người ta với cô Kenton; một lượng vô biên những cơ hội
sau này để hoán cải những tổn thất từ điều hiểu lầm này khác. Hẳn nhiên vào lúc
ấy chẳng có gì cho biết những sự việc nhìn ngoài nhỏ nhoi như thế sẽ khiến những
giấc mơ mãi mãi vô phương cứu chuộc.
Nhưng
tôi nhận ra mình đang rơi vào tự vấn không phải lẽ, mà lại theo một cách khá u
sầu. Đương nhiên đây là do cớ đêm hôm khuya khoắt, cùng những sự kiện cam go mà
tôi phải chống đỡ buổi tối vừa qua. Và cũng đương nhiên, tâm trạng hiện thời của
tôi không phải là không chịu ảnh hưởng từ ý nghĩ rằng ngày mai - đấy là nếu tôi
kiếm được xăng ở xưởng sửa xe trong vùng, như ông bà Taylor cam đoan với tôi -
tôi sẽ tới được Compton Nhỏ vào tầm trưa, và hẳn là sẽ gặp lại cô Kenton sau chừng
ấy năm. Đương nhiên, không có lý gì mà cho rằng cuộc gặp gỡ của chúng tôi sẽ có
vẻ gì khác ngoài thân thiện. Thực tế, tôi trông đợi cuộc đàm đạo giữa chúng tôi
- ngoại trừ một vài lời trao đổi thân tình hết sức phải lẽ phù hợp với hoàn cảnh
đôi bên - sẽ chủ yếu mang tính công việc. Nói thế có nghĩa là, trách nhiệm của
tôi là phải xác định xem khi giờ đây cuộc hôn nhân của cô Kenton, đáng buồn
thay, dường như đã đổ vỡ và cô không có một mái nhà nương thân, liệu cô có nghĩ
gì đến việc trở về Dinh Darlington như trước hay không. Tới đây, có lẽ tôi cần
nói thêm rằng sau khi đọc lại thư cô tối nay, tôi thiên về ý nghĩ rất có thể
tôi đã suy diễn từ câu chữ của cô nhiều hơn là thực tế. Nhưng tôi vẫn quả quyết
rằng không chỉ có một sự bóng gió về hoài nhớ trong một vài đoạn lá thư cô, đặc
biệt khi cô viết những câu như “Tôi đã yêu biết mấy cái khung cảnh từ các buồng
ngủ lầu hai trông xuống thảm cỏ, xa xa là những nếp đồi”.
Tuy
nhiên mặt khác, sao cứ phải không ngừng phỏng đoán về ước nguyện hiện thời của
cô Kenton khi mà ngay ngày mai thôi tôi có thể được đích thân cô cho biết? Và
dù sao đi nữa, tôi đã đi lạc khá nhiều khỏi câu chuyện đang thuật lại về những
sự kiện diễn ra hồi tối rồi. Mấy tiếng đồng hồ vừa trải qua, tôi xin nói, là
khoảng thời gian gay go quá đỗi. Người ta hẳn cho rằng phải bỏ lại cỗ Ford trên
sườn đồi hoang vắng, phải lội bộ xuống làng này trong đêm tối gần đen như mực bằng
tuyến đường khác người kia, đã là đủ bất tiện trút xuống đầu mình cho một buổi
tối rồi. Và chủ nhà tốt bụng của tôi, tức ông bà Taylor, tôi đoan chắc sẽ không
bao giờ chủ tâm bắt tôi trải qua những gì vừa chịu đựng. Nhưng thực tế vẫn là,
một khi tôi đã ngồi vào bàn ăn tối với họ, một khi vài người láng giềng đã ghé
chơi, thì tôi đã bị cuốn vào một chuỗi sự kiện phiền toái cực kỳ.
* * *
Căn
phòng tầng trệt ngoài cùng căn nhà này xem ra vừa là phòng ăn, vừa làm phòng
sinh hoạt chung cho ông bà Taylor. Căn phòng khá ấm cúng, choán gần hết phòng
là một cái bàn lớn đẽo vội đúng như người ta thường hình dung về phòng bếp nhà
làm nông, mặt bàn không đánh bóng mang nhiều dấu dao nhỏ, dao chặt và dao cắt
bánh mì. Những vết dao cắt bánh mì tôi thấy rất rõ, bất kể chúng tôi đang ngồi
trong quầng sáng vàng yếu ớt từ cây đèn dầu đặt trong góc trên kệ.
“Không
phải là ngoài đây chúng tôi không có điện đâu, thưa ngài,” có một lúc ông
Taylor nhận xét và hất đầu về phía cây đèn. “Nhưng mạch điện bị chập sao đó, thế
là chúng tôi không có điện đã hai tháng nay rồi. Nói thật với ngài chứ, điện với
đóm mà làm gì. Trong làng có mấy nhà còn chưa bao giờ sờ đến điện. Đèn dầu ánh
sáng ấm hơn nhiều.”
Bà
Taylor vừa bưng ra nồi nước dùng thơm ngon mà chúng tôi vừa ăn cùng những phần
bánh mì vỏ cứng, và vào thời điểm đó chẳng có dấu hiệu gì cho thấy đêm nay sẽ
có gì đáng thối chí chờ đợi tôi ngoài một tiếng đồng hồ dễ chịu trò chuyện trước
khi lui về phòng. Tuy thế, chúng tôi vừa kết thúc bữa ăn và ông Taylor đang rót
cho tôi cốc bia do người hàng xóm cất, thì bên ngoài có tiếng bước chân giẫm
trên mặt sỏi tiến lại gần. Tôi nghe ra có chút hắc ám trong tiếng chân bước mỗi
lúc một gần trong bóng tối tới căn nhà nhỏ giữa nơi hoang vắng, nhưng cả ông chủ
lẫn bà chủ đều không tỏ ra cảnh giác trước mối nguy nào. Bởi nghe giọng ông
Taylor cất lên chỉ thấy tò mò chứ không gì khác, “Ô kìa, giờ thì là ai đây?”.
Ông
nói câu này ít nhiều tự nhủ, nhưng tới đó chúng tôi nghe thấy, dường như đáp lại,
giọng người gọi lớn bên ngoài, “George Andrews đây. Tôi tiện đường đi ngang
qua”.
Một
giây sau bà Taylor đã mời vào nhà một người vạm vỡ, có lẽ chừng năm chục tuổi,
mà xét theo trang phục có vẻ vừa dành một ngày bận rộn làm nông. Tỏ vẻ thân
quen cho thấy vẫn thường xuyên lui tới đây, ông ta ngồi xuống cái đôn nhỏ bên cửa
và có phần vất vả tháo đôi ủng nhựa, vừa làm vừa nói mấy lời chuyện phiếm với
bà Taylor. Rồi ông ta đi lại bàn và dừng lại, đứng nghiêm trước mặt tôi như tới
trình diện sĩ quan trong quân đội.
“Tôi
tên Andrews, thưa ngài”, ông
ta nói. “Cực lực chúc ngài một tối tốt lành. Tôi xin bày tỏ thông cảm với vận rủi
của ngài, nhưng cũng mong ngài không ngán phải nghỉ lại đêm nay Ở Moscombe đây”.
Tôi
có hơi hoang mang nghĩ làm sao ông Andrews đây lại nghe được về “vận rủi” của
tôi, như ông ta gọi. Dù sao đi nữa, tôi cũng mỉm cười đáp lại rằng tôi hoàn
toàn không “ngán”, trái lại tôi cảm thấy cực kỳ biết ơn đã được đón tiếp nồng hậu
đến thế này. Câu này đương nhiên tôi có ý nói đến cử chỉ tốt bụng của ông bà
Taylor, nhưng ông Andrews tuồng như nghĩ mình cũng được kể vào trong lời cảm tạ
đó, vì ông ta lập tức đáp lời và giơ đôi bàn tay to như chống chế, “Ồ có gì
đâu, thưa ngài, rất hân hạnh. Được đón tiếp ngài chúng tôi vui mừng hết sức.
Không mấy khi có những người như ngài đây ghé qua nơi này. Chúng tôi đều rất
vui mừng ngài đã dừng chân lại đây”.
Cách
nói của ông ta dường như ám chỉ cả làng đã biết về “vận rủi” của tôi cũng như
việc tôi nghỉ lại nhà này. Thực tế, như tôi sẽ được biết chóng thôi, sự thực gần
như đúng là như vậy; tôi chỉ có thể đoán rằng trong vài phút sau khi tôi được dẫn
lên phòng này lúc trước - trong lúc tôi đang rửa tay và cố làm những gì có thể
để cứu vãn cho áo khoác và gấu quần mình - thì ông bà Taylor đã truyền đạt cái
tin về tôi cho xóm giềng đi ngang. Dù sao đi nữa thì sau vài phút lại có thêm một
người khách nữa, bộ dạng nhìn chung giống ông Andrews - có nghĩa là hơi bè bè
kiểu nhà nông, đi đôi ủng cao su dính bùn, rồi tháo ra với tư thế hết sức giống
ông Andrews vừa làm lúc trước. Thực vậy, trông họ tương đồng tới mức tôi đồ rằng
họ là hai anh em, mãi cho tới khi người mới tới tự giới thiệu với tôi, “Morgan,
thưa ngài, Trevor Morgan”.
Ông
Morgan tỏ ý lấy làm tiếc cho cú “lỡ bước” của tôi, và cam đoan với tôi rằng
sáng ra mọi việc sẽ êm đẹp hết, tiếp đó nói cả làng rất hân hạnh được đón tiếp
tôi. Dĩ nhiên, chỉ mới vài phút trước tôi vừa được nghe những tâm tình tương tự,
nhưng ông Morgan còn thực sự nói rằng, “Có một người quý phái như ngài đây ở
Moscombe này thật là vinh dự tuyệt trần cho chúng tôi, thưa ngài”.
Trước
khi tôi kịp nghĩ ra câu gì đáp lại phát ngôn ấy, lại có thêm tiếng chân người
vang lên trên đường sỏi bên ngoài. Chẳng mấy chốc một cặp vợ chồng luống tuổi
được dẫn vào, rồi được giới thiệu cho tôi là ông bà Harry Smith. Hai người này
không hề có dáng dấp nhà nông chút nào; bà lớn con và bệ vệ, thực tế là khiến
tôi nghĩ đến bà Mortimer, đầu bếp ở Dinh Darlington gần hết thập niên hai mươi
và ba mươi. Trái ngược lại, ông Harry Smith lại nhỏ con với vẻ mặt khá đăm
chiêu khiến trán ông nhăn lại. Sau khi hai người ngồi xuống bên bàn, ông hỏi
tôi, “Xe của ngài chắc là chiếc Ford cổ trên Đồi Bụi Thornley đằng kia, thưa
ngài?”.
“Nếu
đấy là con đường đồi trông xuống làng này, thì đúng”, tôi đáp. “Nhưng tôi rất ngạc nhiên được biết ông đã
nhìn thấy nó”.
“Tôi
thì chưa nhìn thấy nó, thưa ngài. Nhưng Dave Thornton có lái máy kéo chạy qua
nó vừa nãy trên đường về nhà. Anh ta ngạc nhiên khi thấy nó nằm đó tới nỗi còn
dừng cả máy đi ra xem”. Đến khúc này, ông Harry
Smith quay sang nói với mấy người còn lại quanh bàn, “Một cỗ xe đẹp mê hồn. Anh
ta nói chưa từng thấy thứ gì như vậy. Cái xe nhà ông Lindsay hồi xưa có mà xách
dép!”.
Cả
bàn cười rộ lên, còn ông Taylor ngồi cạnh tôi giải thích, “Một vị từng sống
trong cái nhà to không xa đây lắm, thưa ngài. Vị đó có làm một hai việc kỳ quặc
nên ở đây không ưa mấy”.
Tiếng
rì rầm tán đồng lại nổi lên quanh bàn. Rồi ai đó nói, “Thưa ngài, mừng sức khỏe
ngài”, và nhấc một vại bia trong số ông Taylor vừa phân phát quanh bàn, và phút
chốc tôi đã được cả bàn uống mừng sức khỏe.
Tôi
mỉm cười đáp, “Cam đoan với các ông, chính tôi mới là người cảm thấy thực hân hạnh”.
“Ngài
tử tế quá, thưa ngài”, bà Smith nói. “Đấy, một
người quý phái đúng điệu là phải thế chứ. Quý phái gì nhà ông Lindsay đó. Ông
ta có thể lắm tiền thật đấy, nhưng còn khướt mới là quý phái”.
Cả
lần này nữa mọi người quanh bàn cũng ồ à tán thành. Rồi bà Taylor thì thầm vào
tai bà Smith, còn bà khách đáp, “Ông ấy bảo sẽ cố thu xếp đến càng nhanh càng
hay”. Cả hai người ngượng ngập
quay nhìn tôi, rồi bà Smith nói, “Chúng tôi có nói bác sĩ Carlisle ngài đang ở
đây, thưa ngài. Bác sĩ sẽ rất mừng được làm quen với ngài”.
“Tôi
đoán là ông ấy còn phải đi thăm bệnh”, bà
Taylor nói vẻ tạ lỗi. “Tôi e rằng không thể nói chắc bác sĩ có đến kịp trước
khi ngài muốn về phòng không, thưa ngài”.
Tới
đó thì ông Harry Smith, người nhỏ con trán nhăn, lại chồm tới mà nói, “Cái nhà
ông Lindsay đó, ông ta sai toét cả, hiểu không? Cư xử cái lối như thế. Ông ta
tưởng mình trên chúng tôi mấy bậc, nghĩ dắt mũi được chúng tôi cả. Chà, thưa
ngài, xin nói cho ngài biết, ông ta được biết mình lầm ngay rồi. Ở nơi này dân người ta nói và nghĩ ra
trò lắm đấy. Có kha khá chính kiến kiên định và người ở đây không ngại gì mà
không nói ra đâu. Cái ông Lindsay nhà các người đã sớm học được điều đó rồi”.
“Ông
ta thì quý tộc gì”, ông Taylor lặng lẽ nói.
“Quý tộc gì cái nhà ông Lindsay ấy”.
“Đúng
thế, thưa ngài”, ông Harry Smith nói.
“Nhìn cái là biết ông ta chẳng phải quý tộc gì sất rồi. Ừ thì đúng là ông ta có
nhà to áo đẹp, nhưng không hiểu sao ta vẫn đoán ra ngay. Và chả mấy chốc té ra
là như vậy thật”.
Chung
quanh lại rì rầm hưởng ứng, và trong một lúc toàn cử tọa dường như đang cân nhắc
xem tiết lộ với tôi sự tích về nhân vật địa phương này có phải là điều đúng đắn
hay không. Rồi ông Taylor phá vỡ sự im lặng, “Harry nói vậy là đúng đấy. Ta rất
dễ phân biệt một nhà quý tộc thực sự với một nhà quý tộc giả đò chỉ giỏi chưng
diện. Đơn cử như ngài đây, thưa ngài. Không chỉ do kiểu cắt may bộ đồ ngài
mang, thậm chí còn không phải do cách nói chuyện rất lịch thiệp của ngài đâu.
Có một điều gì khác khiến ngài nổi bật hẳn ra là một nhà quý tộc. Rất khó chỉ
ra thứ đó là gì, nhưng nó sờ sờ ra ấy, có mắt là thấy được”.
Cả
bàn lại xôn xao đồng ý thêm chập nữa.
“Bác
sĩ Carlisle hẳn là không còn lâu nữa đâu, thưa ngài”, bà Taylor chen vào. “Trò chuyện với bác sĩ hẳn ngài
sẽ thích lắm”.
“Cái
đó bác sĩ Carlisle cũng có”, ông
Taylor nói. “Ông ấy có. Một người quý phái thực sự, thế đấy”.
Ông
Morgan, từ lúc bước vào chưa nói gì mấy, lúc này nhoài tới phía tôi, “Thưa
ngài, theo ngài thì đó là gì? Có lẽ chính người có nó sẽ nói về nó rõ hơn
chăng. Chúng tôi đây cứ nói hoài nào là ai có ai không, mà chúng tôi vẫn chẳng
biết thêm tí tỉnh gì về điều mình đang nói cả. Có lẽ ngài có thể mở mang đầu óc
cho chúng tôi chút ít, thưa ngài”.
Im
lặng phủ xuống quanh bàn, tôi cảm thấy từng khuôn mặt đều quay lại phía mình.
Tôi ho khẽ, nói, “Tôi khó có tư cách phát biểu về những phẩm chất mà tôi còn
chưa biết mình có sở hữu hoặc không. Tuy nhiên, xét riêng về câu hỏi cụ thể
này, người ta có thể ngờ rằng điều đang được bàn tới ở đây sẽ được gọi tên hợp
lẽ nhất là “phẩm cách”.
Tôi
không thấy ích gì mà cố gắng giải thích kĩ hơn phát biểu này. Thực vậy, tôi chỉ
đang thốt thành lời những ý nghĩ lướt qua đầu khi lắng nghe cuộc đối thoại mới
đây, và nhiều khả năng tôi sẽ không nói một điều như vậy nếu không phải diễn biến
câu chuyện bất thần bắt tôi làm việc đó. Tuy nhiên, lời đáp của tôi xem ra đã
làm vui lòng cử tọa.
“Điều
ngài nói thật là chí lý, thưa ngài”, ông
Andrews gật gù nói, và vài người khác phụ họa theo.
“Cái
nhà ông Lindsay đó có thêm một chút phẩm cách thì cũng không thừa đâu”, bà Taylor nói. “Vấn đề của cái hạng người ấy là
họ cứ tưởng vác mặt lên trời nghĩa là phẩm cách”.
“Cần
lưu ý thêm rằng”, ông Harry Smith chêm lời,
“và tôi hoàn toàn đồng ý những gì ngài vừa nói, thưa ngài, ấy là tôi phải nói vậy.
Phẩm cách không phải là thứ mà chỉ mấy nhà quý tộc có trong mình. Phẩm cách là
một thứ mà mỗi người đàn ông hay đàn bà ở cái nước này có thể phấn đấu đạt được.
Xin ngài bỏ quá cho, thưa ngài, nhưng tôi đã nói rồi đấy, ở đây khi muốn nêu ý
kiến thì chúng tôi không cần rào đón gì cả. Và đúng hay sai thì ý kiến của tôi
cũng là thế đấy. Phẩm cách không phải là thứ gì dành riêng cho quý tộc”.
Tôi
nhận thức được, đương nhiên, rằng mình và ông Harry Smith tư duy khá ngược nhau
về vấn đề này, và rằng giảng rõ ý mình cho những người này ở đây sẽ là một nhiệm
vụ quá sức phức tạp. Vì vậy tôi phán đoán cách tốt nhất là chỉ mỉm cười đáp,
“Đương nhiên, ông nói rất đúng”.
Tức
thì lời đáp của tôi đã xua tan sự căng thẳng phảng phất đã tích tụ trong phòng
trong quá trình ông Harry Smith phát biểu. Còn chính bản thân ông Harry Smith
thì có vẻ đã bỏ hết mọi sự dè dặt, vì tới lúc này ông ta chồm tới nói tiếp,
“Suy cho cùng, chả phải chúng ta đánh Hitler vì thế sao. Thằng Hitler mà muốn
làm gì thì làm, thì giờ chúng ta thành nô lệ ráo cả rồi. Cả thế giới sẽ thành
dăm ông chủ đè đầu cưỡi cổ triệu triệu nô lệ. Và tôi chắc không cần phải nhắc
ai ở đây biết nữa, rằng làm nô lệ thì không có phẩm cách gì ráo cả. Chúng ta đã
chiến đấu vì thế đấy, và chúng ta đã giành được chính điều đó đấy. Chúng ta đã
giành được quyền làm công dân tự do. Và đấy chính là một trong những đặc ân khi
sinh ra là người Anh, dù anh là ai, dù anh nghèo hay anh giàu, thì anh cũng
sinh ra là người tự do và anh sinh ra để được nói lên ý kiến một cách tự do, và
bỏ phiếu đặt ông dân biểu của anh ngồi vào ghế hoặc bỏ phiếu hất ông ta ra khỏi
ghế. Phẩm cách suy cho cùng chính là thế đấy, nói ngài bỏ quá cho, thưa ngài”.
“Ôi
chà, Harry”, ông Taylor nói. “Tôi thấy
là anh lại đang khởi động cho một bài văn tế chính trị mới rồi”.
Cả
bàn cười ầm. Ông Harry Smith cũng mỉm cười hơi bẽn lẽn, nhưng vẫn tiếp:
“Nào
có chính trị gì ở đây. Tôi nghĩ gì thì nói nấy thôi. Anh làm nô lệ thì anh lấy
đâu ra phẩm cách được. Nhưng đã là người Anh, chỉ cần muốn là có thể nắm lấy
nó. Bởi chúng ta đã chiến đấu để có được cái quyền đó”.
“Chỗ
chúng tôi đây có vẻ là một chốn khỉ ho cò gáy lắm, thưa ngài”, bà vợ nói. “Nhưng chúng tôi đã cống hiến vượt cả
phần mình trong cuộc chiến. Vượt cả phần mình”.
Tới
đây một vẻ trầm lắng bao phủ bầu không khí, cho tới khi rốt cuộc ông Taylor nói
với tôi, “Anh Harry đây đã bỏ rất nhiều công tổ chức vận động cho dân biểu vùng
này. Ngài chỉ cần tỏ ý muốn nghe thôi là anh ta sẽ thuyết giảng về ở trên kia
điều hành đất nước này sai trái đến thế nào cho mà xem”.
“Này,
lần này tôi chỉ toàn nói những điều đúng ở đất nước này thôi
chứ”.
“Vậy
ngài thì có tham gia nhiều vào chính trị không, thưa ngài?”, ông Andrews hỏi.
“Không
hẳn là trực tiếp”, tôi đáp. “Và dạo gần
đây thì lại càng không. Có lẽ trước thời chiến thì có”.
“Chỉ
là tôi mang máng nhớ có một ông Stevens làm dân biểu năm ngoái hay năm kia thì
phải. Có nghe ông ấy nói trên đài một hai phen. Nói chuyện nhà ở nhiều điều
khôn ngoan lắm. Nhưng đấy thì hẳn không phải là ngài, thưa ngài?”.
“Ồ
không đâu”, tôi bật cười nói. Tới
đây, phải nói tôi hoàn toàn không hiểu điều gì đã khiến tôi thốt ra câu tiếp
theo đây; tôi chỉ biết là lúc ấy câu đó dường như cần thiết trong hoàn cảnh đó.
Bởi tiếp đó tôi đã nói, “Thực tế là tôi thường liên quan tới công chuyện quốc tế
hơn là sự vụ trong nước. Nghĩa là chính sách đối ngoại”.
Tôi
có hơi sửng sốt bởi tác động của câu nói này tới cử tọa. Nói vậy có nghĩa là,
dường như tất cả họ đều chìm vào cảm giác kính sợ. Tôi vội nói thêm, “Xin nói lại
với các vị, tôi không bao giờ nắm giữ chức vụ cao cấp gì đâu. Bất cứ ảnh hưởng
nào tôi có hoàn toàn là với tư cách không chính thức”, nhưng sự im lặng nín thở còn kéo dài thêm vài giây
nữa.
“Xin
phép ngài”, cuối cùng bà Taylor
nói, “nhưng ngài có từng gặp ông Churchill bao giờ chưa ạ?”.
“Ông
Churchill à? Ông có tới nhà một vài dịp thực đấy. Nhưng nói đúng ra thì, bà
Taylor ạ, trong khoảng thời gian tôi dính líu nhiều nhất với việc quốc gia đại
sự thì ông Churchill còn chưa phải nhân vật cốt cán như sau này, và cũng không
ai thực tình nghĩ ông ấy sẽ đóng vai trò gì lớn. Thời gian ấy những người như
ông Eden hay Tử tước Halifax thường xuyên lui tới hơn nhiều”.
“Nhưng
ngài đã thực tình gặp mặt ông Churchill rồi ư, thưa ngài? Có thể nói ra điều
này thật là vinh hạnh biết mấy”.
“Tôi
không đồng tình với nhiều điều ông Churchill nói”, ông Harry Smith lên tiếng, “nhưng không nghi ngờ gì
nữa, ông ấy là một người vĩ đại. Được bàn bạc mọi vấn đề với những người như
ông ấy thật là một điều đáng kể, thưa ngài”.
“À,
tôi phải nhắc lại lần nữa”, tôi
nói, “tôi không có nhiều sự vụ phải liên quan tới ông Churchill. Nhưng như ông
đã nói rất đúng, quả là một điều hay khi được giao thiệp với ông ấy. Thực tế
là, xét trên tất cả, tôi đoán mình đã thực sự rất may mắn, tôi sẵn sàng thừa nhận
điều này. Suy cho cùng thì tôi đã có cơ duyên không chỉ gặp gỡ ông Churchill,
mà cả rất nhiều nhà lãnh đạo tài ba cùng những người có tầm ảnh hưởng to lớn -
từ Hoa Kỳ cũng như Âu châu. Và khi nghĩ rằng vận may ấy đã cho phép tôi tỏ bày
với họ về rất nhiều vấn đề lớn của thời đại, vâng, khi nghĩ lại về chuyện đó,
tôi quả có cảm thấy biết ơn mức nào đó. Suy cho cùng, đúng thực là vinh hạnh lớn
khi đã được trao cho một vai diễn, dù nhỏ đến đâu, trên sân khấu thế giới”.
“Thứ
lỗi cho tôi hỏi một điều, thưa ngài”, ông
Andrews nói, “nhưng ông Eden là loại người thế nào vậy? Tôi muốn nói
là như một con người ấy. Tôi vẫn luôn có cảm tưởng ông đó là người đàng hoàng
kinh khủng khiếp. Là kiểu người có thể nói chuyện với bất kỳ ai dù cao hay thấp,
dù giàu hay nghèo ấy. Tôi nghĩ thế có đúng không, thưa ngài?”.
“Tôi
cho rằng về đại thể đó là một hình dung chính xác. Nhưng đương nhiên những năm
này tôi không gặp ông Eden nữa, và có thể ông đã thay đổi nhiều dưới những áp lực
gần đây. Một điều tôi đã được chứng kiến là, trở thành nổi tiếng có thể khiến
người ta thay đổi không nhận ra được chỉ trong mấy năm ngắn ngủi”.
“Điều
đó thì không phải nghi ngờ gì nữa, thưa ngài”, ông Andrews nói. “Đến ngay cả Harry đây. Anh ta
dính vào chính trị mấy năm trước rồi từ đó không bao giờ như xưa nữa”.
Tất
cả lại cười rộ, còn ông Harry Smith nhún vai và cũng tự cho phép mình thoáng một
nụ cười. Rồi ông nói, “Quả đúng là công sức tôi bỏ vào vận động bầu cử cũng phải
nói là ra trò đấy. Dù là vận động cấp cơ sở thôi, mà tôi cũng chẳng bao giờ được
gặp ai cao sang bằng nửa những người giao du với ngài, thưa ngài, nhưng tôi tin
mình cũng đang đóng góp phần nhỏ bé của mình. Cứ tôi thấy thì, Anh quốc là một
xứ theo chế độ dân chủ, và người làng này chúng tôi cũng đã chịu gian khổ như bất
kỳ ai khác khi chiến đấu để nó tiếp tục được là một xứ dân chủ. Giờ thì thực hiện
quyền của mình là trách nhiệm của chúng ta, từng người trong số chúng ta. Có những
cậu rất khá trong làng này đã hiến cả mạng mình để chúng ta có được cái đặc quyền
ấy, và cứ tôi thấy thì từng người trong số chúng tôi giờ đây đều mang nợ họ và
có trách nhiệm phải thực hiện đặc quyền ấy. Ở đây ai cũng có chính kiến kiên định,
và chúng tôi có trách nhiệm làm cho ý kiến ấy được nghe thấy, ừ thì chúng tôi ở
nơi hẻo lánh thật đấy, một cái làng bé bằng lỗ mũi, đầu mỗi ngày một bạc thêm,
làng mỗi ngày một neo người thêm. Nhưng cứ tôi thấy thì chúng tôi nợ họ điều
đó, những cậu trai đã mất của làng. Chính vì thế, thưa ngài, giờ đây tôi bỏ chừng
ấy thời gian để làm sao cho tiếng nói của chúng tôi vang lên tận những chỗ cao
trên kia. Và nếu vì thế mà tôi đổi khác đi, hay xuống mồ sớm hơn dự định, thì
tôi cũng không hiềm gì hết”.
“Tôi
đã báo trước rồi mà, thưa ngài”, ông
Taylor mỉm cười nói. “Không thể nào có chuyện Harry để cho một nhân vật ảnh hưởng
như ngài đây đi qua làng này mà thoát được bài ca bất tận của anh ta đâu”.
Chung
quanh lại cười lớn, nhưng tôi đáp gần như tức thì, “Tôi nghĩ là tôi rất hiểu lập
trường của ông, ông Smith ạ. Tôi hiểu rõ rằng ông muốn thế giới này tốt đẹp
hơn, và muốn ông cùng những bạn dân làng ở đây có cơ hội đóng góp xây dựng thế
giới tốt đẹp hơn. Tình cảm ấy rất đáng ca ngợi. Tôi dám nói rằng cũng chính một
thôi thúc tương tự vậy đã khiến tôi góp phần mình vào những việc đại sự hồi trước
chiến tranh. Thời đó, cũng như thời nay, hòa bình thế giới có vẻ là một thứ
mong manh chực vuột khỏi tay ta, và tôi muốn thực hiện phần mình”.
“Xin
bỏ quá cho, thưa ngài”, ông Harry Smith nói,
“nhưng ý tôi có hơi khác ý ngài. Với những người như ngài đây thì trước nay gây
ảnh hưởng là chuyện dễ như trở bàn tay. Mấy ông to bà lớn của đất nước chẳng
qua là bạn bè ngài. Nhưng bầy chúng tôi ở đây, ngài ạ, chúng tôi có khi sống
ròng rã hàng năm giời cũng chả bao giờ thấy lọt vào mắt một ông quý tộc thực sự
- có lẽ trừ ra có bác sĩ Carlisle. Ông là một bác sĩ thượng hạng thật đấy,
nhưng nói không phải chê bai gì, ông không có quan hệ tốt. Ở
đây chúng tôi dễ dàng quên đi trách nhiệm công dân của mình. Chính vì thế tôi mới
phải bỏ công bỏ sức đi vận động như vậy. Người khác có đồng ý hay phản đối - và
tôi biết chắc ở trong phòng này bây giờ không có lấy một ai đồng ý với mọi
điều tôi nói cả - thì ít nhất tôi cũng sẽ bắt họ phải nghĩ. Ít nhất
tôi sẽ bắt họ nhớ rằng họ có cái bổn phận ấy. Chúng ta đang sống trong một nước
dân chủ cơ mà. Chúng ta đã chiến đấu để có nó. Chúng ta đều phải thực hiện phần
của mình”.
“Không
biết ông bác sĩ sao rồi”, bà
Smith nói. “Tôi nghĩ là giờ ông khách đã tới lúc cần được nghe chút lời lẽ học
thức rồi đấy”.
Chung
quanh lại cười ầm hơn nữa.
“Thực
tế là”, tôi nói, “dù được gặp tất
cả quý vị đây thực là vui mừng quá đỗi, nhưng tôi phải thú nhận mình đã bắt đầu
thấm mệt rồi...”.
“Dĩ
nhiên rồi, thưa ngài”, bà Taylor đáp, “ngài hẳn
là rất mệt. Hay là để tôi đi kiếm cái chăn nữa cho ngài nhé. Giờ đêm buốt hơn
trước nhiều rồi”.
“Thực
sự không cần, bà Taylor ạ, tôi như vậy là thoải mái rồi”.
Nhưng
tôi chưa kịp đứng dậy khỏi bàn thì ông Morgan đã nói, “Tôi vừa chợt nghĩ, thưa
ngài, có một ông này chúng tôi thích nghe trên máy thu thanh, tên Leslie
Mandrake. Tôi vừa chợt nghĩ không biết ngài có dịp nào gặp ông ấy chưa”.
Tôi
đáp rằng chưa, và lại chuẩn bị tìm cách cáo lui lần nữa thì lại tiếp tục bị giữ
chân bởi những lời gặng hỏi về nhân vật này nọ biết đâu tôi đã gặp. Vậy là tôi
vẫn còn ngồi ở bàn khi bà Smith lên tiếng, “A, có người đến kìa. Tôi đoán rốt
cuộc thì ông bác sĩ cũng tới rồi”.
“Tôi
thực sự cần lui về phòng”, tôi
nói. “Tôi đã mệt lả rồi”.
“Nhưng
tôi đoan chắc lần này là ông bác sĩ mà, thưa ngài”, bà Smith nói. “làm ơn đợi thêm dăm phút nữa thôi”.
Bà
vừa nói đến đó thì nghe tiếng gõ cửa và tiếng người nói, “Là tôi thôi, bà
Taylor”.
Vị
khách được dẫn vào vẫn còn khá trẻ - có lẽ trạc độ tứ tuần - cao, gầy; thực tế
là cao đến mức ông buộc phải cúi khom người mới đi qua được cửa nhà. Ông vừa cất
lời chào buổi tối xong một lượt thì bà Taylor đã nói, “Vị mà chúng tôi nói đến
đây này, thưa bác sĩ. Xe của ông ấy bị kẹt ngoài kia, trên Bụi Thornley, và hậu
quả là ông phải chịu trận bài diễn từ của Harry”.
Viên
bác sĩ đi lại bàn, chìa tay cho tôi.
“Richard
Carlisle”, ông nói với nụ cười
tươi rói khi tôi đứng dậy bắt tay. “Vụ xe cộ của bác thật rủi quá nhỉ. Tuy vậy,
tôi tin bác đang được chăm sóc tốt ở đây. Mà xem ra có vẻ quá tốt nữa là khác”.
“Cám
ơn ông”, tôi đáp lại. “Mọi người
đều rất tử tế”.
“À,
rất vui được gặp bác ở đây”. Bác
sĩ Carlisle ngồi xuống bàn gần như ngay đối diện tôi. “Bác từ đâu đến?”.
“Oxfordshire”, tôi đáp, và quả thực không dễ mà trấn áp cái bản
năng cứ muốn thêm vào “thưa ngài”.
“Một
vùng rất đẹp. Tôi có ông cậu sống ngay ngoại ô Oxford. Một vùng rất đẹp”.
“Bác
sĩ ạ, vị đây vừa kể với chúng tôi”, bà
Smith nói, “ông ấy quen ông Churchill đấy”.
“Thế
à? Tôi từng quen một người cháu của ngài, nhưng giờ nói chung là ít qua lại.
Tuy nhiên con người vĩ đại ấy thì tôi chưa có hân hạnh gặp”.
“Không
chỉ ông Churchill đâu”, bà Smith nói tiếp. “Ông
ấy quen cả ông Eden. Cả Tử tước Halifax nữa”.
“Thật
hả?”.
Tôi
cảm thấy ánh mắt người bác sĩ đương dò xét mình. Tôi toan cất lời đáp thích hợp,
nhưng chưa kịp làm vậy thì ông Andrews đã nói với ông bác sĩ, “Vị đây vừa cho
chúng tôi biết mình có liên quan rất nhiều với công tác đối ngoại thời kỳ trước”.
“Thật
vậy cơ hả?”.
Tôi
cảm giác bác sĩ Carlisle tiếp tục nhìn mình một khoảng thời gian dài bất thường.
Rồi ông lấy lại vẻ tươi tỉnh và hỏi, “Bác đi chơi quanh đây hẳn?”.
“Chủ
yếu là vậy”, tôi đáp và cười khẽ.
“Quanh
đây đồng đất xinh đẹp lắm. À mà này, ông Andrews ạ, tôi xin lỗi vẫn chưa trả lại
cái cưa được”.
“Vội
gì đâu, bác sĩ”.
Trong
một lúc, chung quanh thôi tập trung vào tôi và tôi có thể im lặng được chốc
lát. Rồi nhân một thời điểm có vẻ thích hợp, tôi đứng lên và bảo, “Xin phép các
vị. Thực là một buổi tối vui vẻ hết sức, nhưng giờ thì tôi thực sự phải về nghỉ
rồi”.
“Ngài
phải đi nghỉ sớm thế thật là tiếc quá, thưa ngài”, bà Smith nói. “Bác sĩ vừa mới tới thôi mà”.
Ông
Harry Smith cúi người qua người vợ, nói với bác sĩ Carlisle, “Tôi đang mong vị
đây sẽ muốn nói vài lời về các ý tưởng của ông về Đế chế Anh, thưa bác sĩ”. Rồi ông quay qua tôi nói tiếp, “Bác sĩ của chúng
tôi đây ủng hộ mấy cái nước nhỏ tí ấy độc lập hết cả đi. Tôi không có đủ kiến
thức để chứng tỏ ông sai, dù tôi thừa biết thế. Nhưng tôi từ lâu đã mong được
biết những người như ngài đây sẽ nói gì với bác sĩ về chủ đề ấy, thưa ngài”.
Lần
nữa, bác sĩ Carlisle dường như lại nhìn xoáy vào tôi. Rồi ông nói: “Tiếc thật,
nhưng chúng ta phải trả khách về giường thôi. Nhìn bác như vừa trải qua một
ngày rất mệt”.
“Thực
vậy”, tôi nói và lại khẽ cười,
bắt đầu đi vòng qua bàn. Nhưng thực xấu hổ làm sao, cả phòng đứng dậy, không trừ
cả bác sĩ Carlisle.
“Cám
ơn quý vị rất nhiều”, tôi mỉm cười đáp. “Bà
Taylor, bữa tối hôm nay thực là tuyệt vời quá. Chúc tất cả các vị ngủ ngon”.
Đáp
lời tôi là một tràng đồng thanh, “Chúc ngài ngủ ngon”. Tôi đã gần ra khỏi phòng
thì giọng người bác sĩ khiến tôi sững lại bên cửa.
“Này
bác ơi”, ông nói, và khi quay lại,
tôi thấy ông vẫn còn đứng. “Sáng sớm mai tôi có việc phải tới Stanbury. Tôi sẽ
rất vui được chở bác tới chỗ xe đậu. Đỡ công bác cuốc bộ. Và trên đường ta có
thể ghé mua can xăng ở chỗ Ted Hardacre”.
“Ông
thực tử tế quá”, tôi đáp. “Nhưng tôi
không muốn gây phiền cho ông”.
“Phiền
hà gì đâu. Bảy giờ ba mươi được chứ?”.
“Như
thế thì thực cảm ơn ông quá”.
“Được
rồi, vậy bảy giờ ba mươi. Bà Taylor nhớ lo cho vị khách quý trở dậy ăn sáng sẵn
sàng lúc bảy giờ ba mươi nhé”. Rồi
ông quay lại tôi, nói thêm, “Như vậy rốt cuộc chúng ta cũng được trò chuyện với
nhau. Dù Harry đây sẽ không có được cái khoái cảm thấy tôi bị bẽ mặt”.
Tiếng
cười lại rộ lên, cùng một tràng “chúc ngủ ngon” nữa trước khi rốt cuộc tôi cũng
được rời về chốn ẩn náu trong căn phòng này.
* * *
Hẳn
là tôi chẳng thể quá lời về cảm giác gượng gạo trong tôi suốt tối nay bởi sự lầm
lẫn đáng tiếc về nhân thân mình. Tôi chỉ có thể ghi lại ở đây rằng, hết sức
thành thực mà nói, tôi không nhìn ra có phương cách hợp lẽ nào giúp tôi ngăn chặn
sự tình diễn biến theo cách đó; bởi tới thời điểm tôi nhận thức được điều gì
đang xảy ra, thì tình hình đã đi quá xa và tôi không thể cải chính những người ở
đó mà không khiến tất cả đều sượng mặt. Dù thế nào thì, tuy sự tình tối nay thực
đáng tiếc, nhưng tôi không cho rằng có điều gì thực sự phương hại đã xảy ra.
Suy cho cùng, tới sáng mai, tôi sẽ cáo biệt những người này và hẳn sẽ không bao
giờ tái ngộ họ. Ôm chuyện này trong bụng xem ra cũng không ích gì.
Tuy
nhiên, trừ lầm lẫn đáng tiếc ấy ra, có lẽ những sự kiện tối nay còn có một hai
khía cạnh đáng cho người ta suy nghĩ đôi chút - dù chỉ vì lẽ nếu không làm thế,
chúng có thể quay lại quấy quả suốt những ngày sau. Tỷ dụ như là những gì ông
Harry Smith đã phát biểu về bản chất của “phẩm cách”. Hẳn nhiên trong những ý
kiến của ông ta, chẳng có mấy điều xứng được đánh giá nghiêm túc. Đương nhiên,
người ta phải nhận rằng ông Harry Smith đã dùng chữ “phẩm cách” theo một nghĩa
rất khác so với cách hiểu của chính tôi. Dù thế đi nữa, xét riêng trên bình diện
của ông thôi, thì những nhận định đó chắc chắn cũng là quá lý tưởng chủ nghĩa, quá
lý thuyết không thể nhìn nhận nghiêm túc được. Hẳn nhiên, những điều ông nói chứa
một phần sự thực đến độ nào đó: trong một đất nước như nước ta, có thể con người
quả có bổn phận tới mức nào đó phải suy nghĩ về những việc đại sự, và hình
thành chủ kiến của mình. Nhưng trong cuộc sống này, làm sao có thể thực sự
trông đợi những người bình thường lại có “chính kiến kiên định” về đủ chuyện
trên đời - như ông Harry Smith đã, khá viển vông, tuyên bố rằng mọi dân làng
mình đều vậy? Mà không chỉ là thiếu thực tiễn, tôi còn không biết điều đó có
đáng mong ước không. Xét cho cùng, có một giới hạn thực sự cho khả năng học hỏi
của những người bình thường; đòi hỏi từng người trong số họ có “chính kiến kiên
định” để tham gia luận bàn những câu hỏi lớn của dân tộc, hiển nhiên không thể
là điều khôn ngoan được. Và dù sao đi nữa, thực ngớ ngẩn nếu có ai lại tự tiện
đi định nghĩa “phẩm cách” của mỗi người theo thước đo ấy.
Tình
cờ là, có một sự kiện mà tôi nhớ đến và tin là mình họa khá rõ ràng những điểm
hạn chế thực sự của chút chân lý nào khả dĩ có trong lời ông Harry Smith. Việc
đó tình cờ là một kinh nghiệm của chính tôi, một sự việc xảy ra từ thời tiền
chiến, quãng năm 1935.
Như
tôi nhớ, một đêm nọ tôi được triệu đến lúc khuya - khi ấy đã qua nửa đêm - tới
phòng tiếp tân nơi huân tước tiếp ba vị khách từ sau bữa tối. Đương nhiên, tối
hôm đó tôi đã được gọi lên vài lượt để tiếp thêm đồ giải khát, và trong những
lượt ấy đã chứng kiến các vị mải mê bàn luận những vấn đề cao siêu. Tuy nhiên,
lần cuối cùng này, khi tôi bước vào phòng, tất cả các vị đều dừng lời nhìn tôi.
Rồi huân tước nói, “Anh lại đây một chút được không, Stevens? Ông Spencer đây
muốn có lời với anh”.
Vị
khách được nêu tên cứ đăm đăm nhìn tôi một hồi mà không đổi tư thế có phần lười
lĩnh trong ghế bành. Rồi ông ta nói, “Anh bạn, tôi có câu hỏi này dành cho anh.
Chúng tôi cần anh giúp đỡ một vấn đề mà chúng tôi bàn luận nãy giờ. Anh nói xem
anh có nghĩ món nợ với nước Mỹ hiện thời là một nhân tố quan trọng gây nên tình
hình thương mại ngán ngẩm hiện tại của chúng ta không? Hay anh thấy cái đó chỉ
tổ đánh lạc hướng, và chính việc từ bỏ bản vị vàng mới là gốc rễ của vấn đề?”.
Đương
nhiên, tôi có chút ngạc nhiên trước câu hỏi đó, nhưng rồi nhanh chóng nhận rõ
chân tướng tình hình: có nghĩa là, các vị đây rõ ràng trông đợi tôi sẽ ngơ ngác
không hiểu câu hỏi. Thực vậy, trong vòng chừng một khắc tôi vỡ lẽ ra điều đó
cũng như sửa soạn lời đáp cho phù hợp, trông tôi có lẽ còn toát ra vẻ đang vất
vả suy nghĩ, bởi tôi có thấy các vị trong phòng khoái trá mỉm cười với nhau.
“Tôi
rất xin lỗi, thưa ngài”, tôi
nói, “nhưng tôi không thể hỗ trợ ngài về vấn đề này”.
Cho
tới lúc này thì tôi hoàn toàn kiểm soát tình hình, nhưng các vị kia vẫn cười thầm.
Rồi ông Spencer nói, “Vậy có lẽ anh có thể giúp được chúng tôi về vấn đề khác.
Anh nghĩ khủng hoảng tiền tệ ở Âu châu hiện thời sẽ khá hơn hay xấu đi nếu người
Pháp và phe Bolshevik đạt được thỏa ước quân sự với nhau?”.
“Tôi
rất xin lỗi, thưa ngài, nhưng tôi không thể hỗ trợ ngài về vấn đề này”.
“Ôi
chao ơi”, ông Spencer nói. “Vậy là
cả việc này anh cũng chẳng giúp chúng tôi được hả”.
Quanh
phòng lại bật lên những tiếng cười cố nén trước khi huân tước bảo, “Tốt lắm,
Stevens ạ. Anh ra được rồi”.
“Nào
nào, Darlington, tôi vẫn còn một câu muốn hỏi anh bạn đây”, ông Spencer nói. “Tôi hết sức mong được anh ta
trợ giúp về câu hỏi hiện đang làm nát óc nhiều người trong số chúng ta, câu hỏi
mà chúng ta đều nhận thấy là chủ chốt để quyết xem nên xây dựng chính sách ngoại
giao theo hướng nào. Anh bạn, làm ơn hỗ trợ chúng tôi. Ông Laval thực sự nhằm tới
điều gì trong bài diễn văn mới đây về tình hình ở Bắc Phi? Anh có đồng quan điểm
rằng đấy chỉ đơn thuần là mánh khóe nhằm đánh đắm cánh dân tộc chủ nghĩa bên lề
trong nội bộ đảng nhà của ông ta không?”.
“Tôi
xin lỗi, thưa ngài, nhưng tôi không thể hỗ trợ ngài về vấn đề này”.
“Các
vị thấy chưa”, ông Spencer quay qua những
người kia nói, “anh bạn chúng ta đây không thể hỗ trợ chúng ta về những vấn đề
này”.
Chung
quanh lại cười rộ lên, hầu như không buồn nén lại nữa.
“Thế
mà”, ông Spencer nói tiếp, “chúng
ta vẫn một mực ôm lấy cái quan điểm rằng những quyết định của dân tộc này phải
được trao vào tay anh bạn chúng ta đây cùng vài triệu người khác giống như anh
ta. Thử hỏi, bị trói buộc vào hệ thống nghị viện đương thời như vậy, phỏng có lạ
gì là chúng ta không tìm được cách giải quyết nào cho trăm ngàn khó khăn ta
đang đối mặt? Chẳng khác gì đòi một ủy ban từ liên đoàn các mẹ lên kế hoạch cho
một chiến dịch thực địa, vậy đấy”.
Tới
câu này thì chung quanh cười lớn sảng khoái và ồn ĩ, lúc đó huân tước lầm rầm,
“Cám ơn anh, Stevens”, khiến tôi có cơ hội cáo
từ.
Dù
đây đương nhiên là một tình huống có chút khó chịu, nhưng đấy chẳng phải là việc
khó khăn nhất, thậm chí cũng chẳng phải một sự vụ bất thường nảy sinh trong quá
trình người ta thực hiện bổn phận của mình, và hẳn quý vị sẽ đồng ý rằng một
người làm nghề đàng hoàng cần phải tiếp nhận những sự việc loại ấy một cách điềm
tĩnh. Do đó tôi đã hầu như quên mất sự việc này, thì đến sáng hôm sau, Huân tước
Darlington tới phòng bi-a
trong lúc tôi đang đứng trên thang gấp lau số tranh chân dung, nói, “Stevens
này, thực là tệ quá đi. Cái việc chúng tôi bắt anh chịu đựng tối qua ấy”.
Tôi
dừng tay đang làm, đáp, “Đâu có gì, thưa ngài. Được giúp đỡ chút nào tôi rất lấy
làm vui sướng”.
“Thực
là tệ quá. Tôi đoán là bữa tối chúng tôi đã hơi vui quá đà. Xin anh hãy nhận lời
tạ lỗi của tôi”.
“Tôi
xin cám ơn, thưa ngài. Nhưng xin được cam đoan tôi hoàn toàn không thấy phiền
hà gì đáng kể”.
Huân
tước vẻ khá mệt mỏi bước tới một chiếc ghế bành da, ngồi xuống thở dài. Từ vị
trí trên đỉnh thang nhìn xuống, tôi gần như thấy trọn vẹn thân mình dài của
ngài lọt trong vệt ánh nắng đông đổ vào khung cửa sổ đôi lớn mà vắt qua gần hết
gian phòng. Cái thời điểm ấy, như tôi nhớ, thuộc vào số những khoảnh khắc đủ
làm người ta sực nhận ra những áp lực cuộc đời đã đè nặng xuống huân tước đến mức
nào, trong một khoảng thời gian vài năm tương đối ngắn. Thân hình vốn mảnh dẻ của
ngài giờ đã gầy võ vàng và còn hơi xộc xệch, tóc bạc sớm, gương mặt hốc hác
căng thẳng. Trong một lúc, ngài ngồi nhìn những nếp đồi ngoài cửa sổ, rồi nhắc
lại, “Quả thực là tệ. Nhưng Stevens ạ, anh thấy đó, ông Spencer cần chứng tỏ một
điều với Sir Leonard. Thực tế là, nếu nhờ thế mà nguôi ngoai được phần nào, anh
quả đã giúp chứng minh một điểm hết sức quan trọng. Sir Leonard vừa mới rao giảng
quá nhiều mấy tư duy tầm bậy cũ kĩ ấy. Rằng ý nguyện của nhân dân là tài phán
khôn ngoan nhất, vân vân. Anh có tin nổi không chứ, Stevens?”.
“Thực
vậy, thưa ngài”.
“Ở
cái đất nước này chúng ta thực chậm chạp khi cần nhận ra thứ gì đã tới lúc lỗi
thời. Những dân tộc lớn khác hiểu rõ rằng muốn đương đầu với những thử thách của
mỗi thời kỳ mới, cần phải vứt bỏ những phương pháp cũ, dù là những phương pháp
được yêu mến. Ở Anh quốc này thì không, vẫn còn hàng bao nhiêu người nói năng như
Sir Leonard đêm qua đó. Chính vì thế mà ông Spencer thấy cần phải chứng minh luận
điểm của mình. Và tôi xin nói với anh, Stevens ạ, nếu những người như Sir
Leonard mà có thể thức tỉnh và suy xét lại đôi chút, thì anh cứ tin lời tôi rằng
việc anh chịu đựng tối qua không phải là phí hoài đâu”.
“Thực
vậy, thưa ngài”.
Huân
tước Darlington lại thở dài. “Chúng ta lúc nào cũng là người cuối, Stevens ạ.
Bao giờ cũng là người cuối cùng bám víu lấy những hệ thống đã lỗi thời. Nhưng sớm
muộn gì ta cũng phải đối mặt với sự thực thôi. Chế độ dân chủ thuộc về một thời
đại đã qua rồi. Giờ thế giới đã trở nên một nơi quá sức phức tạp, không có chỗ
cho phổ thông đầu phiếu cùng những thứ loại đó. Cho những nghị viên tiếp nối
nghị viên bàn ra tán vào đến mức giậm chân tại chỗ. Vài năm trước thì có thể
hay đẹp đấy, nhưng trong cái thế giới hiện nay? Tối qua ông Spencer đã nói gì
nhỉ? Ông ta có cách diễn đạt hay lắm”.
“Thưa
ngài, tôi tin rằng ông ấy đã so sánh chế độ nghị viện đương thời với một ủy ban
từ liên đoàn các mẹ tìm cách lên kế hoạch cho một chiến dịch thực địa”.
“Chính
xác, Stevens ạ. Nói thẳng ra là chúng ta đã đi sau thời đại ở đất nước này. Và
điều cốt tử là mọi con người có tầm nhìn xa phải nạp được ý nghĩ này vào đầu những
người như Sir Leonard”.
“Thực
vậy, thưa ngài”.
“Stevens,
tôi hỏi anh. Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng triền miên. Tôi đã tận mắt
mình trông thấy khi đi lên Bắc cùng với ông Whittaker. Dân chúng đang chịu khổ.
Những người lao động bình thường, đàng hoàng đang chịu khổ sở hết sức. Đức, Ý
đã ra tay chấn chỉnh yên ổn, họ đã hành động. Cả cái cánh Bolshevik kia, theo
cách riêng của họ, cũng có thể cho là đã hành động. Ngay đến cả Tổng thống
Roosevelt, nhìn xem, ông ấy đâu có ngại đi vài bước táo bạo để lợi cho nhân dân
mình. Rồi thì nhìn chúng ta đây, Stevens. Năm lại năm qua, chẳng có gì khá lên
cả. Chúng ta chỉ làm mỗi việc là tranh luận bàn cãi rồi trì hoãn. Mỗi ý tưởng
đàng hoàng bắt buộc phải diễu qua ngàn vạn ủy ban đều bị sửa đổi tới thành vô
hiệu khi mới được nửa đường. Vài ba người có trình độ phân biệt được thứ gì với
thứ gì thì lại bị đủ những người dốt nát vây quanh bàn thảo đến mức giậm chân tại
chỗ. Anh thấy thế nào, Stevens?”.
“Quả
thực đất nước dường như đang ở vào tình trạng đáng buồn, thưa ngài”.
“Tôi
dám nói thế đấy. Anh nhìn Đức với Ý xem, Stevens. Xem lãnh đạo cương quyết nếu
được phép hành động thì có thể làm được những gì. Ở đó làm gì có cái lối đầu
phiếu phổ thông tầm bậy này. Khi nhà bị cháy thì không ai gọi cả nhà vào phòng
tiếp tân mà bàn cãi các phương án thoát nạn mất một giờ liền, hả? Có thể trước
kia thì rất hay đấy, nhưng giờ đây thế giới là một nơi chốn phức tạp. Làm sao
trông đợi một người dân bất kỳ lại có đủ tri thức về chính trị, kinh tế, thương
mại toàn cầu với vô số thứ khác được. Mà anh ta cần biết làm gì? Thực tế là đêm
qua anh đã trả lời rất hay, Stevens ạ. Anh diễn đạt thế nào nhỉ? Đại loại là việc
đó không nằm trong phạm vi của anh? Ừ, tại sao lại phải nằm trong phạm vi của
anh chứ?”.
Khi
nhớ lại những lời đó tôi nhận ra rằng, đương nhiên, rất nhiều ý tưởng của Huân
tước Darlington ngày nay sẽ có vẻ khá kỳ khôi - thậm chí nhiều khi còn xấu xí.
Nhưng dĩ nhiên, không thể phủ nhận rằng có một phần sự thực quan trọng trong những
điều ngài nói với tôi sáng ấy trong phòng bi a. Đương nhiên, phải ngớ ngẩn lắm
mới nghĩ rằng một quản gia bất kỳ lại ở vào vị thế giải đáp được một cách có thẩm
quyền những câu hỏi như ông Spencer đã đặt cho tôi tối đó, và tuyên bố của những
người như ông Harry Smith rằng “phẩm cách” tùy thuộc vào việc người ta trả lời
được những câu hỏi ấy là một điều tầm bậy rành rành. Chúng ta hãy xác nhận cho
thực rõ điều này: bổn phận của người quản gia là thực hiện tốt công việc phục vụ.
Chứ không phải là nhúng tay vào những việc quốc gia đại sự. Thực tế là, những
việc đại sự như thế sẽ luôn luôn ở ngoài tầm hiểu biết của những người như quý
vị hay tôi, và trong chúng ta những ai mong muốn lập nên công trạng nào đó phải
nhận ra rằng cách tốt nhất để được như vậy là tập trung vào những gì nằm trong
phạm vi của chúng ta; nói cách khác, nghĩa là dồn hết tâm sức phục vụ cho tốt
những vị đại nhân thực sự nắm trong tay số phận của nền văn minh. Điều này có vẻ
quá hiển nhiên, nhưng mặt khác người ta có thể dẫn ngay ra quá nhiều trường hợp
quản gia nghĩ khác hẳn, ít nhất trong một giai đoạn. Thực vậy, phát ngôn của
ông Harry Smith tối nay rất giống với thái độ lý tưởng chủ nghĩa đã ăn sâu vào
một bộ phận không nhỏ thế hệ chúng tôi suốt những năm hai mươi và ba mươi. Tôi
đang muốn nói đến trường phái có ý kiến rằng mỗi quản gia thực sự có tâm nguyện
cao vời phải coi mình có trách nhiệm vĩnh viễn đánh giá người chủ của mình -
cân đo đong đếm những động cơ của họ, phân tích hệ quả những quan điểm của họ.
Lập luận của các quản gia ấy là, chỉ có như vậy người ta mới có thể tin rằng những
năng lực của mình đang được sử dụng vào một mục đích đáng quý. Dù người ta có đồng
cảm tới một mức nhất định với tình cảm lý tưởng trong lập luận kiểu ấy, nhưng
không thể nghi ngờ rằng điều đó, cũng như tình cảm mà ông Smith tỏ bày tối nay,
xuất phát từ một kiểu tư duy lầm lạc. Chỉ cần nhìn những quản gia đã cố hiện thực
hóa lối tiếp cận này, người ta sẽ thấy hậu quả trực tiếp là sự nghiệp của họ -
và là những sự nghiệp rất nhiều triển vọng trong nhiều trường hợp - đã đi tới
chỗ tiêu vong. Tôi có quen trực tiếp ít nhất hai người đồng liêu, cả hai đều có
trình độ, cứ đi từ người chủ này đến gia đình kia, luôn luôn bất thỏa, không
bao giờ trụ lại, cho tới khi cuối cùng họ mất tăm luôn. Xảy ra việc như vậy
cũng là một điều chẳng hề đáng ngạc nhiên. Bởi về thực tiễn, không thể có khả năng
dùng con mắt phán xét như vậy nhìn nhận chủ mình mà vẫn phục vụ người đó tử tế
được. Không chỉ vì người ta khó đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nghề phục
vụ ở đẳng cấp cao nếu để mình phân tâm vì những sự việc loại đó, mà căn cốt
hơn, một quản gia mãi mãi bỏ công lập nên những “chính kiến kiên định” về công
việc của chủ mình chắc chắn sẽ đánh mất phẩm chất cốt yếu duy nhất của mỗi người
quản gia đáng giá: đấy là lòng trung thành. Xin đừng hiểu lầm ý tôi; tôi không
nói đến thứ “lòng trung thành” mù quáng mà những chủ nhân tầm thường hay viện dẫn
và than thở khi thấy mình không thể giữ chân những người phục vụ trình độ cao.
Thực vậy, tôi chắc chắn không thuộc loại người cổ động đem hiến lòng trung
thành bừa bãi cho quý ông quý bà nào tình cờ dùng đến mình trong một thời gian.
Tuy nhiên, nếu người quản gia muốn có chút giá trị nào đối với việc gì hay ai
trong cuộc đời mình, hẳn nhiên sẽ phải đến lúc anh ta dừng cuộc tìm kiếm; phải
đến lúc anh ta tự nhủ, “Người chủ này là hiện thân của tất cả những gì mình cho
là đáng ngưỡng mộ và cao quý. Vậy nên từ giờ trở đi mình sẽ tận tụy phục vụ ông
ta.” Đây là lòng trung thành được trao đi một cách thông minh. Việc
này thì có gì “thiếu phẩm cách”? Chỉ là người ta chấp nhận một sự thực không
cách nào tránh khỏi: rằng những kẻ như quý vị hay tôi sẽ không bao giờ ở vào vị
thế có thể hiểu được những đại sự của thế giới ngày nay, và phương hướng hành động
tốt nhất cho chúng ta luôn là đặt niềm tin vào một người chủ mà ta thấy là
thông thái và trọng danh dự, và dành trọn sức lực mình phục vụ ông bằng hết khả
năng mình. Hãy nhìn những người như ông Marshall chẳng hạn, hay ông Lane - chắc
chắn là hai nhân vật mẫu mực nhất trong nghề này. Ta có thể nào tưởng tượng ông
Marshall tranh biện với Huân tước Camberley về lá thư mới nhất của ngài gửi Bộ
Ngoại giao không? Ta có kém phần khâm phục ông Lane nếu biết ông không có thói
quen chất vấn Sir Leonard Grey trước mỗi lần ngài phát biểu ở Viện Thứ dân? Dĩ nhiên là không. Như vậy có gì là “thiếu
phẩm cách”, như vậy có gì là đáng quở? Làm sao người ta có thể bị kết tội theo
bất cứ nghĩa nào chỉ vì, chẳng hạn, thời gian trôi qua đã chứng minh rằng những
nỗ lực của Huân tước Darlington là lầm lạc, thậm chí xuẩn ngốc? Qua suốt những
năm tôi phục vụ ngài, chỉ có ngài và một mình ngài cân nhắc các dữ kiện và kết
luận tốt nhất là hành động như ngài đã chọn, còn tôi chỉ đơn giản hạn chế mình,
một cách đúng mực, trong những việc thuộc phạm vi nghề nghiệp của mình. Và cứ
như tôi thấy, tôi đã thực hiện bổn phận của mình bằng trọn vẹn khả năng mình
có, thực vậy, lên tới tiêu chuẩn mà rất nhiều người có lẽ sẽ coi là “ngoại hạng”.
Thực không phải là lỗi của tôi nếu ngày nay nhìn lại, cuộc đời và sự nghiệp của
huân tước lại thành ra khá nhất cũng là một sự hoài phí đáng buồn - và cũng thực
không hợp lẽ nếu mong chờ tôi về phần mình cảm thấy hối tiếc hay hổ thẹn.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét