Tàn
Ngày Để Lại
Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021
Ngày
thứ ba - Sáng
Taunton,
Somerset
Đêm
qua tôi nghỉ lại một quán trọ tên Xe & Ngựa, một quãng ngắn gần thị trấn
Taunton, Somerset. Ngôi nhà mái tranh ven đường cái ấy, nhìn từ xa đã hiện ra nổi
bật và quyến rũ khi tôi điều cỗ Ford lại gần trong ánh sáng cuối ngày. Ông chủ
quán dẫn tôi theo cầu thang gỗ lên một căn phòng nhỏ, bài trí sơ sài, nhưng tuyệt
đối đàng hoàng. Khi ông hỏi tôi đã dùng bữa tối hay chưa, tôi nhờ ông đưa lên
phòng một cặp xăng uých, và bữa tối này đã tuyệt đối thỏa mãn những nhu cầu của
tôi. Nhưng khi buổi tối đằng đẵng trôi qua, ngồi trong phòng tôi cảm thấy có phần
tù túng, và cuối cùng quyết định viếng thăm quầy bar dưới nhà để nếm thử chút
ít món rượu táo trong vùng.
Có
chừng năm sáu người khách, hợp thành một nhóm quanh quầy bar - người ta có thể
nhìn bộ dạng mà đoán họ đều làm nghề nông gì đó - nhưng trừ họ ra thì phòng
không có ai khác. Sau khi nhận vại rượu táo từ ông chủ quán, tôi chọn chỗ cho
mình ở bàn cách quầy hơi xa, định tâm thư giãn chút ít và xếp sắp lại những suy
nghĩ về một ngày vừa qua. Tuy nhiên chỉ lát sau đã có thể nhận thấy rằng sự có
mặt của tôi làm nhóm người địa phương bối rối, cảm thấy có lẽ cần làm gì đó tỏ
lòng mến khách. Mỗi khi câu chuyện lặng đi, lại có ai đó trong số họ đánh trộm
mắt về phía tôi, vẻ như đang cố cổ võ chính mình tiếp cận tôi. Rốt cuộc một người
trỗi giọng nói với tôi, “Xem ra là ngài đã quyết định ngủ lại trên lầu đêm nay”.
Khi
tôi xác nhận rằng đúng vậy, người kia lắc đầu nghi ngại và nhận định, “Lên đó
ngài chẳng ngủ được mấy tí đâu, thưa ngài. Trừ khi ngài khoái nghe Bob nhà ta”
- anh ta chỉ qua ông chủ quán - “khua rầm rầm dưới này đến tận đêm thâu. Rồi
thì ngài sẽ tỉnh giấc vì tiếng bà chủ quát tháo ông ta từ lúc mới mờ mắt”.
Bất
chấp ông chủ nhà phản đối, chung quanh cười rộ lên hưởng ứng.
“Quả
thực vậy ư?” tôi đáp. Và ngay lúc ấy, tôi chợt nảy ra ý nghĩ - cũng là ý nghĩ
đã nảy ra trong tôi vô số dịp gần đây khi đối diện cùng ông Farraday - rằng
tình thế này đòi hỏi một câu pha trò đáp lại từ phía tôi. Thực vậy, nhóm người
địa phương giờ đang giữ im lặng một cách lịch thiệp, chờ nhận xét tiếp theo của
tôi. Tôi bèn huy động trí tưởng tượng và cuối cùng phát biểu, “Đây chắc là tiếng
gà gáy sáng kiểu riêng của vùng này, hẳn nhiên”.
Ban
đầu sự im lặng vẫn tiếp tục, như thể nhóm người địa phương cho rằng tôi còn muốn
triển khai thêm nữa. Nhưng rồi nhận thấy vẻ mặt cười đùa của tôi, họ phá lên cười,
dù tiếng cười có phần hoang mang. Đến đó, họ quay lại câu chuyện đang dở, còn
tôi không trao đổi gì thêm với họ cho tới khi chúc nhau ngủ ngon một lúc sau.
Tôi
đã cảm thấy khá hài lòng khi câu pha trò ấy vừa hiện lên trong đầu, và phải thú
nhận rằng tôi có đôi chút thất vọng vì nó không được tiếp nhận hào hứng hơn.
Tôi đoán còn một nguyên do khiến mình đặc biệt thất vọng, là bởi trong những
tháng vừa rồi tôi đã dành kha khá thời gian và tâm sức để rèn luyện trong chính
lĩnh vực này. Nói vậy có nghĩa là, tôi đã dốc sức gắng bổ sung kỹ năng ấy vào
kho tàng nghiệp vụ của mình để có thể tự tin đáp ứng mọi kỳ vọng của ông
Farraday trong lĩnh vực bông lơn.
Tỷ
dụ như, gần đây tôi đã có thói quen nghe đài vô tuyến trong phòng mỗi khi có
chút thời gian rảnh rỗi - thí dụ trong những dịp ông Farraday rời nhà vào buổi
tối. Trong đó có một chương trình tên là Tuần hai lần trở lên, thực
tế là phát ba lần mỗi tuần, về cơ bản gồm hai phát thanh viên nói những câu
bình luận pha trò về các đề tài đa dạng do thính giả gửi thư đề nghị. Tôi bắt
tay nghiên cứu chương trình này bởi những câu pha trò được trình diễn trên đó
luôn thuộc loại tao nhã bậc nhất, và theo như tôi thấy, sở hữu một giọng điệu
hoàn toàn không lệch với kiểu bông lơn mà ông Farraday có lẽ chờ đợi ở tôi. Lấy
cảm hứng từ chương trình này, tôi đã thiết kế một bài tập đơn giản mà tôi cố thực
hiện ít nhất ngày một lần; mỗi khi có được một khắc rỗi rãi, tôi cố sức đặt ra
ba câu pha trò dựa trên khung cảnh ngay chung quanh mình thời điểm ấy. Hoặc
trong một biến thể khác, có khi tôi cố gắng nghĩ ra ba câu pha trò dựa trên những
sự kiện diễn ra trong một giờ đồng hồ vừa qua.
Như
vậy có lẽ quý vị sẽ hiểu được cảm giác thất vọng nơi tôi về câu pha trò tối
qua. Ban đầu, tôi đã cho rằng rất có thể thành công ít ỏi ấy là vì tôi phát âm
không được rõ ràng. Nhưng rồi, sau khi lui về phòng, tôi chợt nhận ra khả năng
rất có thể tôi đã thực sự làm họ mếch lòng. Suy cho cùng, câu ấy rất dễ bị hiểu
thành tôi ngụ ý bà vợ ông chủ quán có bộ dạng giống một con gà trống - tuy ý tưởng
ấy hoàn toàn xa lạ với dòng suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ. Ý nghĩ ấy cứ dằn vặt
mãi trong khi tôi cố ngủ, và tôi mơ hồ có ý muốn tạ lỗi với ông chủ quán sáng
nay. Nhưng thái độ ông trong lúc đưa bữa sáng lên cho tôi có vẻ rất mực vui
tươi, nên rốt cuộc tôi quyết định bỏ qua chuyện đó.
Nhưng
vụ việc nhỏ này cũng là một thí dụ rất tốt cho những nguy hiểm tiềm tàng khi
phát biểu những câu pha trò. Về bản chất, những câu pha trò lại càng khiến cho
người ta chỉ có rất ít thời gian cân nhắc mọi hệ quả khả dĩ trước khi bị đặt
vào tình thế phải phát ngôn, và nguy cơ thốt ra đủ loại phát ngôn không phải lối
là rất cao nếu trước đó người ta chưa kịp tích lũy những kinh nghiệm và kỹ năng
cần thiết. Không có lý nào mà cho rằng tôi sẽ không thông thạo lĩnh vực này, chỉ
cần đủ thời gian và luyện tập, nhưng xét những nguy hiểm ấy, tôi đã quyết định
tốt hơn hết, ít nhất là trước mắt, tôi sẽ không tìm cách thực hiện bổn phận này
với ông Farraday cho tới khi đã thành thạo hơn.
Dù
sao thì tôi phải ghi nhận một điều đáng buồn là những gì nhóm người địa phương
đã đưa ra như một câu pha trò tối hôm qua - cái dự báo rằng tôi sẽ không có một
đêm ngon giấc do những xáo động dưới nhà - lại thành ra rất đúng. Bà vợ ông chủ
quán không hẳn là quát tháo, nhưng người ta nghe thấy bà nói không ngừng nghỉ,
cả vào tối khuya khi bà cùng ông chồng lo việc trong quán, lẫn từ sáng sớm ngày
hôm nay. Tuy nhiên, tôi sẵn lòng tha thứ cho hai vợ chồng, bởi có thể thấy rõ họ
sở hữu một tinh thần làm việc hết sức chuyên cần, và tôi tin chắc tiếng ồn kia
là bởi nguyên cớ ấy mà ra. Thêm nữa, đương nhiên, lại còn vấn đề là câu nhận định
hết sức không hay của tôi. Do đó tôi không hề tỏ ý mình đã có một đêm bất an
khi cảm ơn ông chủ quán và cáo từ để ra đường khám phá thị trấn chợ Taunton.
* * *
Có
lẽ tôi đã có một đêm yên ả hơn nếu trú lại cơ sở này, nơi tôi đang ngồi thưởng
thức tách trà dễ chịu giữa giờ sáng đây. Bởi thực vậy, tấm bảng ngoài cửa hứa hẹn
không chỉ “trà, bánh, thức dùng nhẹ” mà cả “phòng nghỉ sạch sẽ, yên tĩnh, thoải
mái”. Nơi này nằm ở phố chính của Taunton, rất gần quảng trường chợ, một tòa
nhà hơi lún xuống, mặt tiền nổi bật nhờ những thanh rầm gỗ nặng tối màu. Tôi hiện
đang ngồi trong phòng trà rất rộng rãi, tường ốp gỗ sồi, lượng bàn có lẽ đủ để
nhận hai tá khách mà không gây cảm giác chật chội. Có hai cô bé tươi tắn đứng
sau quầy bày bánh ngọt và bánh nướng đa dạng ngon mắt. Xét về tổng thể, đây là
một địa điểm hết sức tuyệt vời cho việc dùng bữa trà sáng, nhưng lạ thay, dân
Taunton dường như rất ít người muốn tận dụng chốn này. Hiện thời, bạn đồng
phòng với tôi chỉ có hai bà cụ ngồi sánh vai nhau bên bàn kê sát tường đối diện,
cùng một ông - có lẽ là một nông gia về hưu - ở bàn kê bên một trong mấy cửa sổ
lồi lớn. Tôi không nhận rõ được ông ta, bởi ánh nắng chói chang buổi sáng trong
phút này khiến ông ta chỉ là một mảng bóng đen. Nhưng tôi có thấy ông ta săm
soi tờ báo, đều đặn ngưng để nhìn lên những người qua lại trên vệ đường bên
ngoài. Xét theo cách ông ta làm vậy, ban đầu tôi ngỡ ông chờ một người có hẹn,
nhưng xem ra ông ta đơn giản chỉ muốn ngỏ lời chào những người quen đi qua.
Bản
thân tôi thì an tọa gần như sát tường trong cùng, nhưng cách một chiều dài căn
phòng tôi vẫn thấy rõ con phố ngập nắng bên ngoài, và nhìn được trên vệ đường đối
diện một cột chỉ đường cho biết vài thắng cảnh lân cận. Một trong mấy điểm ấy
là làng Mursden. Có lẽ cái tên “Mursden” sẽ đánh thức ký ức trong quý vị, như
đã đánh thức trong tôi khi tôi đọc thấy trên tập bản đồ đường đi ngày hôm qua.
Thực vậy, phải nói là thậm chí tôi còn có ý đi chệch khỏi tuyến đường dự định
chỉ để tới thăm ngôi làng ấy. Mursden, Somerset là nơi một thời từng có trụ sở
hãng Giffen & Co., và chính Mursden là nơi người ta phải gửi đơn đặt hàng
khi cần bổ sung xi nến đen hiệu Giffen, “cần gọt ra, trộn chung với sáp rồi quết
bằng tay”. Có một thời gian hàng Giffen, không hồ nghi gì nữa, là loại xi đánh
đồ bạc tốt nhất có thể tìm được, và chỉ vì sự xuất hiện của những hóa chất mới
trên thị trường ngay trước khi chiến tranh nổ ra mà nhu cầu với mặt hàng đáng
khâm phục này mới suy giảm.
Cứ
theo tôi nhớ, hãng Giffen đã xuất hiện hồi đầu thập niên hai mươi, và hẳn không
chỉ mình tôi đã gắn liền sự ra mắt của nhãn hiệu này với sự thay đổi về thái độ
trong nghề mình - sự thay đổi đã khiến cho việc đánh bóng đồ bạc trở thành trọng
tâm hàng đầu và đến ngày nay hầu như vẫn còn như vậy. Tôi tin rằng giống như rất
nhiều chuyển dịch lớn khác xảy ra chung quanh giai đoạn này, ấy là một sự chuyển
dịch có tính thế hệ; chính vào những năm đó mà thế hệ quản gia chúng tôi đã
“thành niên”, và những nhân vật thí dụ như và đặc biệt là ông Marshall đã đóng
vai trò cốt yếu trong việc biến đánh bóng đồ bạc thành trọng tâm của nghề quản
gia. Đương nhiên, nói vậy không có ý chối rằng việc đánh bóng đồ bạc - nhất là
những món sẽ dọn lên bàn tiệc - vẫn luôn được coi là một công việc quan yếu.
Nhưng hẳn cũng không sai nếu nhận định rằng rất nhiều quản gia thuộc thế hệ cha
tôi, chẳng hạn, không coi đó là điều thực quan hệ, và bằng chứng là thời đó, vị
quản gia trong nhà rất ít khi đích thân coi sóc việc đánh bóng đồ bạc mà bằng
lòng chừa lại cho sự hứng chí của người phó quản gia, chẳng hạn, chỉ thi thoảng
mới thẩm tra kết quả. Hầu hết đều đồng tình rằng chính ông Marshall là người đầu
tiên nhận thức hết tầm quan trọng của đồ bạc - nghĩa là, không một món đồ nào
khác trong nhà có nhiều khả năng bị người ngoài soi xét kĩ lưỡng đến cho bằng đồ
bạc dọn lên trên mâm, và vì thế đồ bạc là thước đo trước công chúng về tiêu chuẩn
khắt khe ở mỗi nhà. Và cũng chính ông Marshall là người đầu tiên đã khiến tất
thảy các vị khách cùng phu nhân tới thăm Nhà Charleville phải sững sờ khi trưng
bày những món đồ bạc được đánh bóng tới những tiêu chuẩn chưa có ai từng tưởng
tượng ra nổi. Điều tự nhiên là chẳng mấy chốc, các quản gia khắp từ Nam chí Bắc,
dưới sức ép của chủ nhân, đều dồn hết tâm sức vào vấn đề đánh bóng đồ bạc. Như
tôi nhớ, chẳng mấy chốc đã nảy ra một loạt quản gia, mỗi người đều tự nhận đã
tìm ra những phương pháp có thể vượt qua ông Marshall - những phương pháp mà họ
làm rùm beng lên với thiên hạ là được giữ gìn bảo mật, sánh ngang với những
công thức nấu ăn của các đầu bếp Pháp. Nhưng tôi tin tưởng - ngày nay cũng như
lúc đó - rằng những quy trình cầu kỳ bí hiểm của những người như ông Jack Neighbours
chẳng hạn, chỉ có tác động rất ít hoặc không đáng kể đối với sản phẩm của quy
trình. Cứ như tôi thấy, vấn đề rất đơn giản: người ta dùng xi tốt, người ta
giám sát kĩ. Xi Giffen là loại xi chọn dùng của mọi quản gia khôn ngoan thời bấy
giờ, và nếu sử dụng đúng cách thì người ta không việc gì phải lo đồ bạc của
mình thua kém ai cả.
Tôi
vui lòng nhớ lại rất nhiều dịp đồ bạc ở Dinh Darlington đã gây ấn tượng đẹp cho
những người xem xét. Tỷ dụ, Phu nhân Astor có lần nhận xét, không phải không có
đôi chút cay đắng, rằng đồ bạc nhà này “hẳn là không có đối thủ”. Và tôi nhớ
mình từng theo dõi ông George Bernard Shaw, kịch tác gia danh tiếng, một tối
dùng bữa ở đây đã săm soi cẩn thận chiếc thìa ăn đồ ngọt trước mặt mình, giơ
lên trước đèn, so bề mặt nó với bề mặt đĩa bày bên cạnh, chẳng màng đến những
người cùng bàn. Nhưng ngày hôm nay, có lẽ lần tôi nhớ lại với cảm giác vừa lòng
nhất, là buổi tối mà một bậc danh giá nọ - một thành viên nội các mà chỉ ít lâu
sau đó sẽ trở thành ngoại trưởng - đã tới nhà trong một chuyến thăm rất “kín”.
Thực tế là, bởi bây giờ những thành quả của các chuyến thăm ấy đã để lại nhiều
bàn luận trong sách sử, có lẽ chẳng còn cớ gì mà không nên tiết lộ tôi đang nhắc
đến Tử tước, nay là Bá tước, Halifax.
Như
sau này thấy, chuyến thăm ngày hôm đó chỉ để bắt đầu một chuỗi họp mặt “phi
chính thức” tương tự giữa Tử tước Halifax và ngài Đại sứ Đức đương thời, Herr
Ribbentrop. Nhưng tối đầu tiên ấy Tử tước Halifax tới nơi trong một tâm trạng đề
phòng vô kể; những lời gần như đầu tiên khi ngài được đưa vào là, “Nói thực,
Darlington ạ, tôi không biết anh đã đẩy tôi vào việc gì đây nữa. Tôi biết là
mình rồi sẽ hối hận mà”.
Herr
Ribbentrop phải khoảng một giờ đồng hồ nữa mới tới, vì vậy huân tước đề nghị
đưa vị khách đi một vòng thăm Dinh Darlington - chiến thuật ấy đã nhiều lần
giúp thư giãn những vị khách đương căng thẳng. Tuy nhiên, trong lúc qua lại làm
việc mình, một hồi lâu tôi chỉ nghe thấy duy nhất tiếng Tử tước Halifax, ở
phòng này hay phòng khác trong nhà, vẫn không ngừng ngờ vực về buổi tối đương
chờ trước mắt, còn Huân tước Darlington hoài công trấn an ông. Nhưng rồi đến một
lúc tôi nghe Tử tước Halifax thốt lên, “Chao ơi, Darlington, đồ bạc của nhà anh
thực là thú quá”. Đương nhiên vào lúc đó
tôi đã rất vui lòng được nghe câu ấy, nhưng với tôi hệ quả thực sự ấm lòng cho
buổi ấy phải đợi tới hai ba ngày sau đó, khi Huân tước Darlington nhận xét,
“Nhân thể, Stevens này, Tử tước Halifax thực sự rất ấn tượng với đồ bạc nhà
mình hôm trước đấy. Khiến ngài chuyển hẳn sang tâm thế khác”. Đây thực sự là những lời thốt ra từ miệng ngài -
tôi vẫn nhớ như đinh đóng cột - vậy nên không chỉ là tôi mơ hão, rằng tình trạng
các món đồ bạc đã đóng góp phần nhỏ nhưng đáng kể giúp cho mối quan hệ giữa Tử
tước Halifax và Herr Ribbentrop tối hôm ấy thêm phần êm thấm.
Đến
đây có lẽ đã tới lúc nên nói vài lời về phần Herr Ribbentrop. Đương nhiên, thời
nay, ý kiến chung là Herr Ribbentrop là kẻ bịp bợm: rằng kế hoạch của Hitler suốt
những năm ấy từ đầu vẫn là che mắt Anh quốc về tâm địa thực của mình càng lâu
càng tốt, và sứ mạng duy nhất của Herr Ribbentrop ở nước ta là đạo diễn sự lừa
mị này. Như tôi đã nói, đấy là quan điểm phổ biến và hiện thời tôi không có ý định
phản đối điều này. Tuy nhiên, thực khá ghê tai khi ngày nay phải nghe mọi người
nói năng như thể họ không một phút nào mắc bẫy Herr Ribbentrop - như thể riêng
mình Huân tước Darlington tin vào bộ mặt quý tộc trọng danh dự mà Herr
Ribbentrop phô ra và hình thành mối giao thiệp công việc với ông ta. Sự thực là
suốt trong thập niên ba mươi, Herr Ribbentrop là một nhân vật được trọng vọng
trong những nhà danh giá nhất, thậm chí lừng lẫy nữa là khác. Đặc biệt vào
quãng 1936, 1937, tôi nhớ tất cả chuyện trò của nhân viên từ xa tới trong phòng
gia nhân đều chỉ xoay quanh “ông Đại sứ Đức”, và từ lời họ có thể thấy rõ rằng
rất nhiều ông lớn và phu nhân quyền quý nhất trong nước đều mê đắm ông ta. Như
tôi đã nói, thực ghê tai khi giờ đây phải nghe chính những người ấy nói năng về
thời kỳ đó, và nhất là nghe một số người nói về huân tước. Thói đạo đức giả của
mấy người ấy lên tới mức nào thì sẽ nhãn tiền nếu quý vị được thấy dù chỉ vài
danh sách khách mời của họ thời kỳ đó; quý vị sẽ được thấy Herr Ribbentrop
không chỉ dùng bữa tối bên bàn chính những con người ấy đều đặn ra sao, mà thường
xuyên, còn là thượng khách trong buổi tiệc.
Và
rồi quý vị sẽ nghe chính những con người ấy nói năng như thể Huân tước
Darlington đã hành xử bất thường khi nhận lời mời khoản đãi của mấy người Quốc
xã trong vài chuyến ngài viếng thăm Đức thời gian ấy. Tôi cho rằng họ sẽ chẳng nói
năng tùy tiện đến như vậy giả như Thời báo chẳng hạn có đăng tải
dù chỉ một danh sách khách mời trong những yến tiệc của người Đức mỗi dịp mít
tinh Nuremberg hằng năm. Thực tế là, ngay cả những ông lớn và phu nhân cao trọng,
tôn kính nhất ở Anh cũng không chê lòng hiếu khách của các lãnh đạo Đức, và tôi
có thể khẳng định qua kinh nghiệm trực tiếp rằng đại đa số những con người ấy
trở về chỉ thuần là ca tụng và thán phục những người thù tiếp mình. Bất kỳ ai
ám chỉ rằng Huân tước Darlington đã lén lút qua lại với kẻ thù chung, kẻ đó chẳng
qua đang quên đi không khí thực của thời kỳ ấy một cách thực tiện cho họ.
Cũng
cần nói thêm rằng thực tầm bậy và bừa bãi đến chừng nào khi gán cho Huân tước
Darlington là bài Do Thái, hoặc là nói ngài có liên hệ sâu đậm với những tổ chức
như Liên minh Phát xít Anh. Những lời gán ghép ấy chỉ có thể nảy sinh ở những
ai hoàn toàn không biết đến bản tính chính nhân quân tử của huân tước. Huân tước
Darlington đã đi đến chỗ căm ghét thói bài Do Thái; tôi đã nghe ngài bày tỏ sự
gớm ghét trong vài dịp khác nhau khi phải giáp mặt với thái độ kỳ thị Do Thái.
Và cáo buộc rằng huân tước không bao giờ cho phép người Do Thái bước vào nhà,
không bao giờ cho nhận một người làm Do Thái, là tuyệt đối vô căn cứ - có lẽ chỉ
trừ một vụ việc vô cùng nhỏ vào thập niên ba mươi đã bị thổi phồng lên. Còn về
Liên minh Phát xít Anh, tôi chỉ có thể nói là bất cứ đồn đại nào ghép chung
huân tước với đám người ấy thì đều rất nực cười. Sir Oswald Mosley, cái vị lãnh
đạo đám “áo đen” đó, tới dùng bữa ở Dinh Darlington tính ra được ba lần là
cùng, mà tất cả ba lần ấy đều vào hồi tổ chức đó mới thành lập, chưa lộ ra bản
chất thực. Một khi bộ mặt xấu xí của phong trào áo đen đã bộc lộ - và hãy biết
rằng huân tước còn chóng nhận thấy điều này hơn hầu hết mọi người - Huân tước
Darlington đã tuyệt giao với đám người ấy.
Dù
sao đi nữa thì những tổ chức kiểu ấy cũng hoàn toàn chỉ đứng bên rìa, rất xa
trung tâm đời sống chính trị nước ta. Quý vị cần hiểu rằng Huân tước Darlington
chỉ bận tâm với những gì thực sự ở tâm điểm mọi sự, và những nhân vật ngài đã gắng
sức đưa về họp mặt trong những năm ấy là một trời một vực với những nhóm bên lề
khó ưa như vậy. Họ không chỉ đáng trọng hết mức, mà là những nhân vật nắm giữ ảnh
hưởng thực sự trong đời sống ở Anh: những chính khách, nhà ngoại giao, tướng tá
hay giáo chức. Thực vậy, nhiều người trong các vị ấy là người Do Thái, và chỉ nội
điều này đã đủ chứng tỏ phần lớn những điều từng nói về huân tước nhảm nhí đến
mức nào.
Nhưng
tôi nói lạc đề rồi. Thực tế là tôi đang bàn về vấn đề đồ bạc, và về Tử tước
Halifax đã có ấn tượng thích đáng vào buổi tối ngài gặp Herr Ribbentrop tại
Dinh Darlington. Xin nói cho rõ, tôi không hề mảy may có ý rằng buổi tối đã khởi
đầu trong nguy cơ đổ vỡ với ông chủ tôi lại biến thành thắng lợi chỉ thuần vì mấy
món đồ bạc đó. Nhưng như tôi đã trình bày, chính bản thân Huân tước Darlington
cũng tỏ ý rằng số đồ bạc ít nhất chắc cũng đã đóng một vai trò nhỏ góp phần
thay đổi đôi chút tâm trạng của vị khách tối hôm ấy, và có lẽ ngẫm lại những lần
như vậy với niềm mãn nguyện trong lòng có thể cũng không phải việc làm quá sức
viển vông.
Trong
số thành viên nghề chúng tôi có những người một mực cho rằng xét cho cùng người
ta phục vụ cho vị chủ nào cũng không quan trọng; họ tin rằng tinh thần lý tưởng
phổ biến trong thế hệ chúng tôi - nghĩa là ý niệm rằng quản gia chúng tôi nên
có tâm nguyện được làm việc cho những nhân vật cao quý phụng sự cho toàn nhân
loại - chỉ là những lời văn hoa chải chuốt mà không có cơ sở gì trong hiện thực.
Đương nhiên điều dễ nhận thấy là số bày tỏ thói hoài nghi như vậy không trừ một
ai đều hóa ra là những kẻ tầm thường nhất trong nghề - họ biết rằng mình không
có khả năng đạt đến vị trí nào đáng kể, nên chỉ có tâm nguyện kéo càng nhiều
người càng tốt xuống ngang tầm mình - và người ta khó có thể coi trọng những ý
kiến kiểu ấy. Nhưng dù nói gì đi chăng nữa, vẫn thực hài lòng khi có thể kể ra
trong sự nghiệp của chính mình những trường hợp minh họa rõ ràng những người ấy
đã sai lầm. Đương nhiên, ai cũng cố gắng phục vụ chủ mình trước sau như một,
giá trị của quá trình như vậy không thể chỉ quy về một vài trường hợp đặc biệt
- như việc đã xảy ra với Tử tước Halifax. Nhưng tôi đang muốn nói rằng chính những
trường hợp kiểu ấy dần dà đã biểu thị cho một sự thực không thể chối cãi: rằng
người ta đã có vinh dự được thực hành nghề nghiệp của mình ở ngay nền móng của
những việc đại sự. Và có lẽ người ta có quyền cảm thấy một niềm mãn nguyện mà
những ai bằng lòng làm việc cho những chủ nhân tầm thường sẽ không bao giờ được
biết - niềm mãn nguyện khi được nói ít nhiều chính đáng rằng công sức của mình,
dù là theo một cách khiêm nhường nhất, đã đóng góp chút ít vào tiến trình lịch
sử.
Nhưng
có lẽ không nên hoài vọng lại quá khứ nhiều như vậy. Suy cho cùng thì tôi hẵng
còn rất nhiều năm phục vụ cần cống hiến. Và ông Farraday không chỉ là một chủ
nhân rất tuyệt diệu, mà còn là một vị người Mỹ, và đương nhiên bổn phận của người
ta là càng phải trình cho ông biết những điều tốt đẹp nhất về cung cách phục vụ
ở nước Anh. Vì thế, cốt yếu, người ta cần tập trung chú ý vào hiện tại; cần đề
phòng mọi sự tự đắc xâm lấn ngấm ngầm vì những thành tựu nào đó trong quá khứ.
Bởi phải thừa nhận rằng, trong mấy tháng vừa qua, tình hình ở Dinh Darlington
không đạt được như kỳ vọng. Dạo gần đây một loạt những lỗi lầm nhỏ đã nảy ra, gồm
cả vụ việc hồi tháng Tư cũng về đồ bạc ấy. May mắn thay, đấy không phải là dịp
ông Farraday đãi khách, nhưng dù thế vẫn là một thời khắc hổ thẹn thực lòng đối
với tôi.
Việc
xảy ra vào bữa sáng, và về phần mình, ông Farraday - hoặc do lòng nhân từ, hoặc
do ông là người Mỹ và không nhìn nhận hết tầm mức nghiêm trọng của thiếu sót ấy
- không hề thốt lấy một lời quở trách tôi trong suốt toàn bộ vụ việc. Ông ngồi
vào bàn, chỉ cầm cây nĩa lên, nhìn qua một giây, đưa đầu ngón tay chạm vào đầu
nĩa, rồi lại quay sang tờ báo sáng. Cử chỉ ấy diễn ra có phần lơ đãng, nhưng dĩ
nhiên tôi đã phát hiện ra và đã nhanh chóng tiến lại để dời chỗ món đồ bất như
ý. Thực tế có lẽ mối phiền lòng đã khiến tôi thực hiện hơi nhanh chóng quá, bởi
ông Farraday có khẽ giật mình và lẩm bẩm, “A, Stevens”.
Tôi
đã nhanh chóng bước tiếp ra khỏi phòng, và quay lại không quá chậm trễ với một
cây nĩa đạt yêu cầu. Khi tôi lại tiến tới chỗ bàn - nơi ông Farraday có vẻ đã
vùi đầu vào tờ báo - tôi chợt nghĩ ra mình có thể lẳng lặng luồn cây nĩa vào
trên khăn bàn mà không quấy nhiễu việc đọc của ông chủ. Tuy nhiên, tôi đã kịp
nghĩ ra rằng có khả năng ông Farraday chỉ giả bộ thờ ơ để xoa dịu nỗi hổ thẹn của
tôi, và việc đưa nĩa lén lút như vậy có thể bị hiểu là trơ tráo trước sơ suất của
mình - hoặc xấu hơn nữa, tìm cách che đậy nó. Chính vì thế mà tới đó, tôi quyết
định rằng điều đúng đắn là đặt cây nĩa xuống bàn mạnh tay một chút, khiến ông
chủ tôi lại giật mình lần nữa, ngẩng lên và lại lầm bầm, “A, Stevens”.
Những
sơ suất kiểu như vậy đã xuất hiện trong vài tháng vừa qua, và hiển nhiên gây tổn
thương đến lòng tự trọng, nhưng mặt khác người ta cũng không cần phải cho đó là
dấu hiệu của điều gì tai ác hơn một khiếm khuyết về nhân sự. Không phải vì khiếm
khuyết nhân sự tự nó không có gì nghiêm trọng; nhưng nếu quả là cô Kenton sẽ trở
về Dinh Darlington, tôi đoan chắc những sơ sẩy kiểu ấy sẽ chỉ còn là quá khứ.
Đương nhiên, người ta cần phải nhớ rằng trong lá thư cô Kenton không nói một lời
nào cụ thể - tiện đây xin nói, tôi đã đọc lại thư đêm qua trên phòng trước khi
tắt đèn - để thể hiện thật minh xác nguyện vọng được trở lại công việc cũ của
mình. Thực tế, người ta cần phải chấp nhận có một khả năng rõ ràng là biết đâu
trước đây - có lẽ do lòng mong ước xuất phát từ lý do nghề nghiệp - mình đã thổi
phồng những bằng cớ nếu có về một nguyện vọng nào như vậy. Bởi tôi phải nói rằng
đêm qua tôi đã hơi ngạc nhiên nhận thấy khó mà chỉ ra một đoạn viết nào trong
thư nói rành mạch ý nguyện của cô muốn trở về.
Nhưng
ngược lại, cũng thực không cần thiết mà phỏng đoán quá nhiều về những vấn đề
như vậy khi người ta biết rằng, hầu như chắc chắn, mình sẽ nói chuyện trực tiếp
với cô Kenton chỉ trong bốn mươi tám giờ nữa. Tuy vậy, tôi vẫn phải nói rằng
tôi đã dành nhiều phút dài lật đi lật lại những đoạn viết ấy trong đầu khi nằm
trong bóng tối, lắng nghe từ dưới nhà tiếng ông chủ quán và bà vợ xếp dọn đồ
ban đêm.
------------
Còn tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét