Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Tàn Ngày Để Lại - Ch 1

Tàn Ngày Để Lại

Tác giả: Kazuo Ishiguro
Dịch giả: An Lý
NXB Văn Học - 02/2021
...
Dành tặng hương hồn bà Lenore Marshall

Mở - Tháng Bảy năm 1956
Dinh Darlington

Sự thể càng lúc càng có vẻ đúng là tôi sẽ thực hiện chuyến du hành đã choán lấy trí tưởng tôi từ mấy ngày nay. Chuyến du hành ấy, phải nói thêm, tôi sẽ thực hiện một mình bằng cỗ Ford tiện nghi của ông Farraday; một chuyến du hành, theo tôi dự đoán, sẽ đưa tôi qua gần hết vùng thôn quê đẹp nhất nước Anh về đến tận miền Tây, và có thể khiến tôi vắng mặt khỏi Dinh Darlington đến tận năm, sáu ngày. Ý định làm một hành trình như thế, tôi phải nói cho rõ, bắt nguồn từ một đề nghị rất nhiều thiện ý do chính ông Farraday đưa ra, một buổi chiều cách đây gần hai tuần, khi tôi đương lau những bức chân dung trong thư viện. Thực tế là, theo như tôi nhớ, tôi đang đứng trên thang gấp lau chân dung Tử tước Wetherby thì ông chủ tôi đi vào, mang theo vài cuốn sách có thể đoán là ông có ý cất lại lên kệ. Thấy tôi, ông nhân cơ hội ấy bảo cho tôi biết rằng chính lúc ấy ông vừa hoàn tất kế hoạch trở về Hợp chúng quốc kéo dài năm tuần từ tháng Tám sang tháng Chín. Thông báo như vậy xong, ông chủ tôi đặt mấy cuốn sách xuống bàn, ngả mình xuống tràng kỷ, duỗi cặp chân ra. Chính đó là lúc ông ngẩng nhìn tôi và bảo, “Stevens à, anh hiểu là tôi không tính bắt anh ngồi bó gối ở nhà trong lúc tôi đi vắng chớ. Anh lấy xe đi đâu đó vài ngày đi. Anh coi bộ cần nghỉ ngơi chút đỉnh đó”.
Trước một đề nghị thình lình như vậy, tôi nhất thời không biết cần phải đáp lại thế nào. Tôi nhớ mình có cảm ơn ông đã lo đến tôi, nhưng nhiều phần chắc là tôi đã không nói gì thực dứt khoát, bởi ông chủ tôi nói tiếp, “Tôi nói thiệt đó, Stevens à. Tôi thấy thật sự là anh nên nghỉ chút đi. Xăng dầu tôi bao. Mấy người bọn anh suốt ngày vùi mình trong mấy cái dinh thự kiểu này làm chuyện này chuyện nọ, rồi thời giờ đâu ngắm nhìn vùng này vùng nọ trên cái mảnh đất xinh đẹp của mấy anh nữa hở?”.
Đây không phải lần đầu ông chủ tôi đặt ra câu hỏi này; thực vậy, ấy hình như là vấn đề khiến ông thực sự bận tâm. Tới lần này, thực tế là một câu trả lời tàm tạm đã nảy ra trong đầu khi tôi đứng trên thang; một câu trả lời đại loại là trong nghề này, dẫu không được thấy nhiều phần đất nước theo nghĩa là đi thăm thú vùng quê hay tới viếng những điểm danh lam thắng cảnh, nhưng thực tế chúng tôi lại “thấy” Anh quốc nhiều hơn hầu hết mọi người khác, bởi chúng tôi làm việc trong các nhà mà các phu nhân và đại nhân cao quý nhất nước vẫn thường họp mặt. Đương nhiên, tôi không thể bày tỏ cách nhìn này với ông Farraday mà không phát biểu ra những lời có thể sẽ tạo ấn tượng rằng mình ngạo mạn. Vì vậy tôi chỉ đành đơn giản đáp lại thế này, “Tôi đã có vinh dự được thấy những gì tốt đẹp nhất của nước Anh qua nhiều năm, thưa ngài, giữa chính những bức tường này”.
Ông Farraday tuồng như không hiểu phát biểu ấy, bởi ông chỉ nói tiếp ý mình, “Tôi nói thiệt đó, Stevens à. Thật không phải khi người ta còn không được đi thăm chính nước mình nữa. Anh nghe lời tôi, đi đâu đó mấy bữa đi”.
Như quý vị chắc cũng hiểu, chiều hôm ấy tôi không hề coi đề nghị của ông Farraday là nghiêm túc, vì nghĩ đấy chỉ là một minh chứng nữa cho sự ít rành rẽ của các vị người Mỹ về những tập quán ở Anh quốc đây. Việc thái độ của tôi trước đề xuất này đã phát sinh thay đổi trong những ngày tiếp theo - thực vậy, việc ý nghĩ làm một chuyến đi tới miền Tây càng lúc càng choán lấy tâm trí tôi - hẳn nhiên phụ thuộc một phần lớn vào - mà sao tôi phải chối điều này? - vào sự xuất hiện của lá thư từ cô Kenton, lá thư đầu tiên sau gần bảy năm nếu không tính các bưu thiếp dịp Giáng sinh. Nhưng tôi xin phép lập tức được làm rõ ý tôi muốn nói gì; ý tôi muốn nói là lá thư của cô Kenton đã khởi đầu cho một chuỗi ý tưởng liên quan đến những vấn đề công việc ở Dinh Darlington đây, và tôi phải nhấn mạnh rằng nỗi băn khoăn về chính những vấn đề công việc này đã khiến tôi xem xét lại đề nghị nhiều thiện ý của ông chủ. Nhưng tôi xin phép giải thích rõ hơn.
Thực tế là, trong vài tháng vừa qua, tôi đã là nguồn cơn cho một loạt lỗi lầm nhỏ trong quá trình thực hiện các bổn phận của mình. Tôi phải nói rằng bản thân những lỗi lầm ấy, không trừ cái nào, chỉ là những sự vụ rất vặt vãnh. Tuy nhiên, ắt quý vị cũng hiểu rằng khi người ta không có tiền sử phạm phải những sai lầm như vậy, thì diễn biến này rất đáng phiền lòng, và thực tế là trong đầu tôi bắt đầu nảy sinh đủ loại thuyết hoang đường về nguyên do dẫn đến những lỗi lầm đó. Như vẫn thường gặp trong các tình huống loại này, tôi đã nhắm mắt trước nguyên do hiển nhiên nhất - nghĩa là, trước khi nhờ suy ngẫm về các hàm ý từ lá thư của cô Kenton mà rốt cuộc tôi đã mở mắt trước sự thực giản dị này: rằng những sai lỗi lặt vặt trong mấy tháng vừa qua đều chẳng bắt nguồn từ điều gì hung hiểm hơn là khiếm khuyết trong cơ cấu nhân sự.
Đương nhiên, trách nhiệm của người quản gia là phải dành thực nhiều tâm huyết cho việc hoàn bị cơ cấu nhân sự. Ai mà biết được bao nhiêu cuộc tranh cãi, bao nhiêu kết tội lầm, bao nhiêu vụ thải hồi không đáng, bao nhiêu sự nghiệp nhiều hứa hẹn lại hóa dở dang, có nguyên do là sự cẩu thả của quản gia ngay từ bước lên cơ cấu nhân sự? Thực vậy, tôi nghĩ mình thiên về đồng tình với ý kiến cho rằng thiết kế ra một cơ cấu nhân sự tốt là kỹ năng nền tảng của bất kỳ quản gia đàng hoàng nào. Bản thân tôi đã nhiều lần lên cơ cấu nhân sự sau nhiều năm, và tôi nghĩ mình có thể không sợ quá lời mà nhận rằng rất ít trong số đó có bao giờ cần điều chỉnh lại. Và nếu trong trường hợp hiện tại, cơ cấu nhân sự có khuyết điểm, thì người đáng trách chẳng phải ai khác mà chính là tôi. Mặt khác, cũng là phải lẽ nếu nói rằng nhiệm vụ của tôi trong tình huống cụ thể này lại ở vào mức độ khó khăn bất thường.
Sự việc xảy ra là như sau. Một khi giao dịch đã hoàn thành - những giao dịch đã mang ngôi nhà này đi khỏi tay dòng họ Darlington sau hai thế kỷ - ông Farraday cho biết ông sẽ không dọn đến đây cư ngụ ngay lập tức, mà còn dành thêm bốn tháng nữa để giải quyết nốt công chuyện ở Hợp chúng quốc. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, ông hết lòng yêu cầu đội ngũ nhân viên của người chủ trước - mà ông đã được nghe nhiều lời khen ngợi - vẫn lưu lại Dinh Darlington. “Đội ngũ nhân viên” mà ông nói đến, dĩ nhiên, chỉ còn là một nhóm gồm vỏn vẹn sáu người được gia quyến Huân tước Darlington giữ lại nhằm chăm sóc ngôi nhà trước và trong khi diễn ra giao dịch; và tôi lấy làm tiếc phải nói rằng một khi giao dịch đã hoàn thành, tôi chẳng thể vì ông Farraday mà giữ cho tất cả khỏi ra đi tìm nơi làm mới, trừ bà Clements. Khi biên thư cho ông chủ mới, bày tỏ nỗi áy náy trước sự tình này, tôi nhận được hồi đáp từ Hoa Kỳ yêu cầu tôi tuyển một đội ngũ nhân viên mới “ngang tầm với một dinh thự cổ nước Anh”. Tôi tức thời bắt tay vào cố gắng đáp ứng ý nguyện của ông Farraday, nhưng như quý vị biết, ngày nay tuyển được những người ở trình độ phù hợp hoàn toàn không phải sự dễ dàng, và dẫu rất hài lòng tìm được Rosemary và Agnes theo giới thiệu của bà Clements, tôi vẫn chưa lo được thêm gì trước lần đầu họp mặt bàn việc với ông Farraday trong dịp ngắn ngủi ông viếng thăm bờ bên này chúng ta vào mùa xuân năm ngoái. Chính trong dịp đó - trong thư phòng trơ trọi lạ lùng của Dinh Darlington - mà ông Farraday đã lần đầu bắt tay tôi, nhưng tới lúc ấy chúng tôi đã chẳng còn xa lạ với nhau nữa; ngoại trừ vấn đề nhân sự, ông chủ mới của tôi trong vài việc khác đã có dịp dùng tới những phẩm chất mà tôi may mắn sở hữu, và tôi đánh bạo nói rằng ông cũng thấy những phẩm chất đó trông cậy được. Và vì thế, tôi đoán vậy, ông lập tức cảm thấy có thể nói chuyện công việc với tôi một cách tin cẩn, và đến cuối buổi gặp, ông đã gửi gắm cho tôi việc quản lý một ngân khoản không nhỏ, để trang trải chi phí cho những công tác đa dạng chuẩn bị cho ông tới cư ngụ tại đây. Dẫu sao thì, tôi muốn nói rằng chính trong cuộc họp bàn này, tôi đã đề cập đến khó khăn khi tìm người làm phù hợp trong thời buổi này, và ông Farraday, sau một giây suy ngẫm, đã nêu ra yêu cầu cho tôi; rằng tôi hãy cố sức đặt ra một cơ cấu nhân sự - “một kiểu lịch phân ca cho người ở nào đấy” như ông gọi - để ngôi nhà này có thể hoạt động nhờ đội ngũ nhân sự bốn người hiện tại; có nghĩa là, bà Clements, hai cô gái nhỏ, và tôi. Điều này, ông thừa nhận, có thể khiến nhiều phòng trong nhà sẽ phải “trùm mền”, nhưng liệu tôi có thể huy động tất cả kinh nghiệm và tài năng của mình để đảm bảo cho những tổn thất loại đó ở mức tối thiểu được không? Nhớ lại thời mình tôi quản lý mười bảy người, và biết rằng cách đây ít lâu đã có đội ngũ nhân sự hai mươi tám người ở Dinh Darlington đây, ý tưởng vạch ra cơ cấu nhân sự để liệu việc ở chính ngôi nhà ấy nhờ một đội ngũ bốn người, nói nhẹ nhất cũng là đáng nản. Dẫu tôi đã cố hết sức tránh, chắc vẻ nghi ngại vẫn phần nào lộ ra, bởi tiếp đó ông Farraday nói, như để trấn an tôi, rằng nếu tình hình tỏ ra cần thiết, thì có thể bổ sung thêm một người vào nhân số. Nhưng ông sẽ rất biết ơn, ông nhắc lại, nếu tôi có thể “chạy thử bốn người coi sao”.
Điều tự nhiên là, cũng như nhiều người trong chúng tôi, tôi thường ngại ngần phải thay đổi quá nhiều những đường lối cũ. Nhưng cũng không có giá trị gì trong việc bám víu lấy truyền thống chỉ vì đó là truyền thống, như một số người vẫn làm. Trong thời đại dùng điện năng và hệ thống sưởi hiện đại ngày nay, hoàn toàn không cần đến số lượng người mà chỉ vừa thế hệ trước đã là cần thiết. Thực vậy, đã ít lâu nay, tôi nuôi ý nghĩ rằng giữ lại một lượng người không cần thiết chỉ vì đó là truyền thống - khiến cho gia nhân có dư thừa thời gian một cách không lành mạnh - chính là một nhân tố quan trọng dẫn đến tình trạng chuẩn mực công việc mau chóng sụt giảm. Thêm nữa, ông Farraday đã nói rõ rằng chỉ họa hoằn lắm ông mới định tổ chức các dịp tiếp tân quy mô như Dinh Darlington vẫn thường xuyên tổ chức trong quá khứ. Vì thế tôi đã bắt tay vào nhiệm vụ ông Farraday đặt cho một cách tương đối tận tâm; tôi dành nhiều giờ tính toán cơ cấu nhân sự, và ít nhất cũng dành bằng ấy giờ nghĩ về việc đó trong lúc thực hiện những bổn phận khác, hoặc trong lúc nằm thức khi đã về phòng nghỉ cuối ngày. Mỗi khi tin rằng mình đã nghĩ ra cách gì đó, tôi lại dò soát xem có sơ sẩy điểm nào không, kiểm nghiệm từ mọi góc độ. Cuối cùng, tôi cũng đi đến một cách tổ chức, mà dẫu có lẽ không nhất nhất hợp với yêu cầu của ông Farraday thì, như tôi đoan chắc, cũng là cách tốt nhất trong phạm vi sức người. Hầu như mọi phần đẹp đẽ nhất của ngôi nhà vẫn sẽ được hoạt động; khu gia nhân to rộng - gồm cả hành lang hậu, hai phòng chưng cất và phòng giặt cũ - cùng hành lang dành cho khách trên lầu hai sẽ được trùm bạt chống bụi, để lại tất cả các phòng chính ở tầng trệt và một lượng thoải mái buồng ngủ dành cho khách. Phải thừa nhận, nhóm bốn người hiện nay sẽ chỉ duy trì được chương trình này nếu có thêm sự hỗ trợ của một số người làm công nhật; vậy là cơ cấu nhân sự của tôi yêu cầu thêm sự có mặt của một người làm vườn, sẽ đến tuần một lần, tới mùa hè thì hai, và hai người quét dọn, mỗi người đến hai lần một tuần. Cơ cấu nhân sự này, thêm nữa, sẽ đòi hỏi mỗi người trong số bốn nhân viên thường trực kia trải qua một sự thay đổi triệt để các nhiệm vụ truyền thống. Hai cô gái nhỏ, theo tôi dự đoán, sẽ không khó khăn gì tiếp nhận những thay đổi ấy, nhưng tôi đã làm hết sức bảo đảm cho bà Clements phải điều chỉnh càng ít càng tốt, đến mức xếp cho chính mình một vài nhiệm vụ mà có lẽ quý vị sẽ thấy chỉ một quản gia tư duy phóng khoáng lắm mới có thể làm.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không cho rằng đấy là một cách tổ chức tồi: suy cho cùng, nó đã cho phép một đội ngũ bốn người đảm nhiệm một khối lượng công việc lớn đến bất ngờ. Nhưng hẳn quý vị sẽ đồng tình rằng những phương án nhân sự thực sự tốt phải chừa lại một dung sai cho những ngày có nhân viên bị ốm, hoặc vì nguyên do nào đó mà hiệu quả kém hơn ngày thường. Trong trường hợp cụ thể này, đương nhiên, tôi đã được giao một nhiệm vụ có phần vượt quá sức thường, nhưng dẫu sao đi nữa tôi cũng không quên đưa vào những chỗ “dung sai” ở nơi nào có thể. Tôi đặc biệt ý thức rằng nếu có sự kháng cự nào đó về phần bà Clements, hay hai cô gái, không muốn nhận thêm những nhiệm vụ vượt ra ngoài phạm vi truyền thống, thì nó sẽ càng mạnh thêm nếu họ cảm thấy rằng khối lượng công việc của mình đã tăng bội. Do đó, trong những ngày còn loay hoay với cơ cấu nhân sự, tôi đã dành tâm sức đáng kể để bảo đảm cho bà Clements và hai cô gái, một khi đã vượt qua cảm giác bất ưng vì phải nhận lấy những vai trò “đa năng” như thế, sẽ thấy cách phân chia công việc này đủ mới lạ hứng thú mà lại không quá nặng nhọc.
Tuy vậy, tôi e rằng trong lúc khổ tâm cố giành được sự thuận lòng của bà Clements và hai cô gái, có lẽ tôi đã không sát sao cho bằng với những hạn chế của chính mình; và mặc dầu kinh nghiệm và sự thận trọng thường lệ trong những vấn đề loại này đã giúp tôi tránh phân cho mình nhiều việc hơn sức mình gánh nổi, thì có lẽ tôi đã lơ là quên chừa cho mình một khoảng dung sai. Bởi thế, cũng không có gì quá lạ lùng là mấy tháng vừa qua, sơ suất này đã bộc lộ ra bằng những biểu hiện nhỏ nhặt nhưng dứt khoát. Rốt cuộc, tôi cho rằng vấn đề chẳng có gì phức tạp hơn là: tôi đã giao cho mình quá nhiều việc.
Quý vị có thể kinh ngạc vì một thiếu sót hiển nhiên như vậy trong cơ cấu nhân sự mà lại mãi hoài vượt ra khỏi tầm chú ý của tôi, nhưng mặt khác, quý vị hẳn đồng tình rằng sự thể thường vẫn như vậy khi người ta dành hết tâm trí suy nghĩ về vấn đề gì đó trong một khoảng thời gian dài; người ta thường không trông thấy được sự thực chừng nào chưa bị nhắc nhở, hoàn toàn tình cờ, nhờ một sự việc bên ngoài nào đó. Sự tình lần này đúng là vậy; nói vậy có nghĩa là, sau khi nhận được lá thư của cô Kenton mà trong đó, ngoài những đoạn dài không nói lên gì mấy, có một nỗi niềm nhung nhớ không thể lầm lẫn được dành cho Dinh Darlington, cộng thêm - điều này tôi khá chắc - những ám chỉ rõ rệt rằng cô mong muốn được trở về đây, tôi đã buộc phải nhìn nhận lại cơ cấu nhân sự của mình bằng con mắt khác. Chỉ tới lúc đó tôi mới sực hiểu rằng quả là có một vị trí cốt yếu rất cần thêm một nhân viên nữa; và thực tế, chính khoảng trống này là nguyên nhân cốt lõi gây nên mọi phiền muộn gần đây của tôi. Và càng suy ngẫm về sự đó, tôi càng thấy hiển nhiên là cô Kenton, người mang tình yêu mến tha thiết với ngôi nhà này, người luôn tận tâm mẫu mực trong công việc - đức tính hiếm có ngày nay - chính là yếu tố cần thiết có thể giúp tôi hoàn tất một cơ cấu nhân sự hoàn chỉnh và hoàn hảo cho Dinh Darlington.
Sau khi phân tích tình thế như vậy, thì chẳng bao lâu sau tôi đã bắt đầu cân nhắc lại đề xuất hết sức thiện ý của ông Farraday mấy ngày trước. Bởi tôi chợt nhận ra rằng chuyến du ngoạn bằng xe hơi mà ông đề nghị có thể hữu ích cho công việc; nghĩa là tôi có thể lái xe về miền Tây và ghé thăm cô Kenton trên đường, bằng cách ấy tận mắt thăm dò nguyện vọng quay về làm việc ở Dinh Darlington nơi cô chắc chắn đến đâu. Phải nói rõ rằng tôi đã đọc lại vài lần lá thư mới đây của cô Kenton, và hoàn toàn không có khả năng những ám chỉ ấy chỉ đơn thuần do tôi tưởng tượng.
Bất chấp mọi dự tính đó, mất mấy ngày tôi chưa đủ tinh thần nêu lại vấn đề này với ông Farraday. Dẫu sao đi nữa, vấn đề vẫn còn nhiều khía cạnh mà tôi nghĩ mình phải minh định với bản thân trước khi đi bước tiếp theo. Tỷ dụ như vấn đề phí tổn. Bởi dầu cho ông chủ đã rất hào hiệp đề nghị “xăng dầu ông bao”, nhưng chi phí cho một chuyến đi như thế vẫn có thể lên đến một con số không ngờ nếu tính hết các yếu tố như nghỉ trọ, ăn uống, và ăn nhẹ nếu có phát sinh dọc đường. Rồi còn vấn đề phục trang nào thì thích hợp cho một chuyến đi như vậy, có đáng bỏ công đầu tư một bộ mới hay không. Hiện tại tôi đang sở hữu một vài bộ vét lộng lẫy, do chính Huân tước Darlington đã rộng lòng để lại cho tôi qua nhiều năm, cũng như thừa hưởng từ nhiều vị khách từng lưu lại nhà này và đã có lý do hài lòng với chất lượng phục vụ ở đây. Rất nhiều trong số những bộ vét ấy có lẽ quá trịnh trọng so với mục đích của chuyến đi dự tính, hoặc nếu không thì cũng hơi quá cổ so với thời này. Nhưng trong đó còn có một bộ vét dùng cho ngày thường, mà tôi nhận được vào năm 1931 hay 1932 gì đó, từ chính tay Sir Edward Blair - gần như mới tinh vào lúc ấy và gần như vừa khít người tôi - có lẽ sẽ khá phù hợp cho các buổi tối trong phòng khách hay phòng ăn ở bất kỳ nơi trọ nào tôi nghỉ lại. Tuy nhiên, thứ tôi còn thiếu là phục trang thích hợp để đi đường - nói cách khác, trang phục tôi có thể trình diện trước mắt người ngoài khi lái xe - trừ khi tôi định vận bộ vét được Huân tước Chalmers trẻ tuổi để lại hồi chiến tranh, bộ này mặc dầu hiển nhiên là quá chật so với tôi, thì lại lý tưởng nếu xét về phong cách. Cuối cùng, tôi cũng tính ra rằng khoản dành dụm hiện có là đủ để trang trải mọi chi phí có thể nảy sinh, mà chắt bóp hơn thì biết đâu có thể mua được một bộ cánh mới. Tôi hy vọng quý vị không nghĩ rằng tôi phù phiếm không phải lẽ ở điểm cuối cùng này; chẳng qua là người ta không cách nào biết được khi nào mình sẽ buộc phải xưng rằng mình là người của Dinh Darlington, và vào thời điểm ấy quan trọng là người ta phải phục sức sao cho xứng với địa vị của mình.
Trong quãng thời gian này, tôi cũng bỏ nhiều phút xem xét các bản đồ đường sá, cũng như nghiền ngẫm những tập liên quan trong bộ Kỳ quan Anh quốc của bà Jane Symons. Nếu quý vị còn chưa biết tới bộ sách của bà Symons - một bộ sách gồm bảy tập, mỗi tập đề cập đến một vùng ở các đảo Anh - thì tôi xin nhiệt liệt giới thiệu. Bộ sách này biên soạn từ thập niên ba mươi, nhưng phần lớn thông tin vẫn còn cập nhật - suy cho cùng, tôi cho rằng bom Đức cũng chưa thay đổi quá nhiều bộ mặt vùng quê nước ta đâu. Bà Symons thực tế là một vị khách thường xuyên lui tới nhà này trước chiến tranh; thực vậy, bà thuộc hàng những người được gia nhân yêu mến nhất, do thái độ quý mến hiền từ mà bà không bao giờ ngại tỏ ra. Vì thế, chính trong những ngày ấy, do lòng ái mộ tự thân với bà khách ấy mà tôi đã lần đầu nghiền ngẫm những tập sách của bà trong thư viện mỗi khi có được chút thời gian trống. Thực vậy, tôi còn nhớ rằng ít lâu sau khi cô Kenton lên đường đi Cornwall năm 1936, vì chính tôi chưa bao giờ đặt chân tới vùng ấy, tôi vẫn thường liếc qua tập ba bộ sách của bà Symons, là tập bày ra cho người đọc những nét đẹp đẽ ở Devon và Cornwall, gồm cả ảnh chụp và rất nhiều phác thảo của các họa sĩ về vùng ấy - tôi thấy số này còn gợi hứng cho tưởng tượng nhiều hơn. Chính nhờ thế mà tôi có chút hình dung về nơi chốn mà cô Kenton đã tới sống cuộc đời của người có gia đình. Nhưng việc này, như tôi nói, đã từ thập niên ba mươi, thời mà như tôi hiểu, bộ sách của bà Symons được ái mộ trong mọi nhà trên khắp đất nước. Tôi không nhìn qua những tập sách này rất nhiều năm rồi, cho đến khi các diễn biến gần đây đã khiến tôi lần nữa lấy xuống từ trên kệ tập nói về Devon và Cornwall. Tôi ngâm ngợi lại lần nữa những dòng mô tả và minh họa tuyệt diệu trong sách, và quý vị có lẽ sẽ thông cảm với nỗi phấn khởi ngày một lớn trong tôi, khi nghĩ rằng có lẽ bây giờ tôi sẽ thực sự tự mình thực hiện chuyến chạy xe qua chính những vùng đất ấy.
Cuối cùng đến một lúc xem ra không còn việc gì khác ngoài thực sự đặt vấn đề trở lại với ông Farraday. Đương nhiên, vẫn còn một khả năng rằng đề nghị của ông cách đây hai tuần có thể chỉ là ngẫu hứng nhất thời, và tới giờ ông không còn tán đồng một chuyến đi như thế. Nhưng xét trên quá trình quan sát ông Farraday mấy tháng vừa qua, tôi cho rằng ông không thuộc vào số những vị sở hữu cái đặc tính rất đáng bực mình ở một người chủ - ấy là tính tiền hậu bất nhất. Không có cớ gì mà cho rằng ông sẽ không nhiệt thành ủng hộ chuyến đi dự kiến của tôi như lúc trước - thực vậy, rằng ông sẽ không nhắc lại lời đề nghị hết sức thiện ý “xăng dầu ông bao”. Tuy nhiên, tôi vẫn bỏ tâm sức suy tính thận trọng xem đâu là dịp đích đáng nhất để khơi lại vấn đề ấy với ông; vì mặc dầu không phút nào, như đã nói, tôi ngờ ông Farraday có tính tiền hậu bất nhất, nhưng tránh đã động tới đề tài ấy khi ông đương sao nhãng hay bận bịu cũng là hợp lẽ. Một lời khước từ trong hoàn cảnh ấy có lẽ sẽ không phản ánh cảm nhận thực của ông chủ tôi về vấn đề này, nhưng một khi đã phải nghe từ chối một lần rồi, tôi sẽ khó có thể gợi chuyện lần nữa. Vì thế, rõ ràng là tôi sẽ phải lựa chọn thời cơ thực khôn ngoan.
Rốt cuộc, tôi kết luận thời điểm thích đáng nhất trong ngày sẽ là khi đưa trà chiều vào phòng tiếp tân. Lệ thường vào thời điểm ấy ông Farraday vừa trở về sau khi hoàn tất chặng đi dạo ngắn trong khu đồi, nên sẽ ít có khả năng ông đương chìm đắm trong việc đọc hay việc viết như ông thường làm buổi tối. Thực tế là, mỗi lần tôi mang trà chiều tới, ông Farraday thường gập cuốn sách hay tạp chí đang cầm trên tay, đứng lên vươn vai trước cửa sổ, như để chờ đón một cuộc chuyện trò với tôi.
Xét trên tình hình xảy ra, phán đoán của tôi về vấn đề thời điểm đã tỏ ra là khá chính xác; còn nguyên do mọi điều lại diễn ra như vậy, thì hoàn toàn là do phán đoán sai lầm về một hướng khác hẳn. Nói vậy có nghĩa là, tôi đã không coi trọng đủ sự tình là vào thời điểm ấy trong ngày, điều khiến ông Farraday thích thú là một cuộc nói chuyện kiểu vui đùa, hài hước. Biết rằng nhiều khả năng tâm trạng của ông đang như vậy khi tôi đưa trà vào chiều hôm qua, và ý thức được xu hướng chung của ông là sẽ nói chuyện với tôi lối bông lơn vào những lúc như vậy, thì hẳn khôn ngoan hơn phải là tuyệt đối không đề cập đến cô Kenton. Nhưng quý vị chắc sẽ hiểu rằng, khi yêu cầu điều xét cho cùng là một sự thi ân hào phóng từ phía ông chủ, tôi sẽ tự nhiên có khuynh hướng hàm chỉ nguyện vọng của mình có một động cơ công việc đáng trọng bên trong. Vậy là khi liệt kê những nguyên do chọn miền Tây làm nơi thực hiện cuộc du ngoạn bằng xe, thay vì chỉ dừng ở việc kể ra một vài chi tiết mê hồn được truyền đạt qua cuốn sách của bà Symons, tôi đã tính lầm mà cho biết rằng một nội quản cũ của Dinh Darlington hiện đang trú trong vùng đó. Tôi đồ rằng ý định của tôi là trình bày cho ông Farraday hiểu đây là dịp giúp tôi khảo sát một lựa chọn có thể sẽ trở thành đáp án tối ưu cho những khó khăn nho nhỏ hiện tại trong nhà này. Mãi đến khi đã nhắc tên cô Kenton rồi, tôi mới thình lình nhận ra rằng nói tiếp thì thực là không phải lối. Không chỉ vì tôi chưa thể xác nhận rằng nguyện vọng của cô Kenton là muốn trở lại làm việc ở đây, mà đương nhiên, tôi còn chưa hề bàn qua vấn đề bổ sung nhân sự với ông Farraday kể từ buổi gặp mặt ban đầu hơn một năm về trước. Tiếp tục phát biểu thành lời những dự tưởng của tôi về tương lai của Dinh Darlington, nói nhẹ nhất thì cũng là ngạo mạn. Tôi đồ rằng lúc đó, tôi bỗng ngừng bặt đi và trông có vẻ luống cuống. Dẫu sao thì ông Farraday cũng đã chớp lấy cơ hội đó, cười toe toét với tôi và nói đận đà, “Úi chà, Stevens. Một bà bạn hở. Ở tuổi anh nữa chớ”. Đấy thực là một tình huống hết sức khó xử, một tình huống mà Huân tước Darlington sẽ không bao giờ khiến gia nhân lâm vào. Tuy nhiên tôi không muốn tỏ ý khinh khi gì đối với ông Farraday; xét cho cùng, ông là một vị người Mỹ, và phong cách của ông thường rất khác ở đây. Hoàn toàn không có khả năng ông nuôi ác ý nào đó; nhưng chắc chắn quý vị cũng hiểu rằng đây là một tình huống hết sức khó xử với tôi.
“Tôi không ngờ anh đào hoa vậy luôn đó, Stevens”, ông nói tiếp. “Hẳn là làm vậy giúp cho tinh thần tươi trẻ rồi. Nhưng mặt khác, tôi không chắc tiếp tay anh trong mấy vụ hẹn hò mập mờ như vầy là đúng đắn đâu”.
Dĩ nhiên, tôi cảm thấy mong muốn được phủ nhận ngay lập tức và dứt khoát những động cơ mà ông chủ đang gán cho tôi, nhưng kịp thời nhận thấy rằng làm thế nghĩa là cắn câu ông Farraday, và sẽ chỉ càng gây thêm hổ thẹn cho mình. Thế nên tôi cứ đứng đó lóng ngóng, chờ ông chủ nói lời cho phép tôi thực hiện cuộc hành trình bằng xe hơi này.
Dẫu vài phút ấy thực xấu hổ, nhưng tôi không muốn tạo ấn tượng rằng mình có chút nào chê trách ông Farraday, một con người hoàn toàn không có chút ác tâm; tôi tin chắc ông chỉ đang vui vẻ “bông lơn” theo kiểu mà ở Hợp chúng quốc, hẳn nhiên, là dấu hiệu cho thấy sự ăn ý hòa thuận giữa ông chủ và gia nhân, như một trò chơi thân tình mà hai bên cùng tham dự. Thực vậy, để chuyện này được nhìn nhận dưới góc độ thích hợp, tôi phải nói rõ rằng chính những câu bông lơn loại đó từ ông chủ mới của tôi đã làm nên phần lớn mối quan hệ giữa chúng tôi trong những tháng vừa qua - dẫu phải thú thực một điều rằng, tới nay tôi vẫn còn chưa biết đáp lại thế nào cho phải. Thực tế là, trong mấy ngày đầu tiên làm việc cho ông Farraday, đã một hai lần tôi phải sửng sốt vì những điều ông thường nói với tôi. Tỷ dụ như, một dịp tôi hỏi ông rằng một vị khách sắp sửa đến thăm nhà chúng tôi liệu có khả năng đi cùng bà vợ hay không.
“Lạy Chúa cứu vớt nếu bà ta đến”, ông Farraday đáp. “Có khi anh đem bả đi khuất mắt giùm chúng tôi được đó, Stevens à. Mang bà ta ra thết đãi đằng mấy cái chuồng ngựa quanh trang trại nhà ông Morgan. Giải khuây cho bả trên cái đống cỏ khô đó. Có khi bả thuộc gu anh không chừng”.
Mất một hai giây, tôi tuyệt không hiểu nổi ông chủ đang nói gì. Rồi tôi nhận ra ông đang pha trò cười, và cố gắng trình ra một nụ cười thích hợp, dù tôi đồ rằng một chút hoang mang còn sót, nếu không phải là choáng váng, vẫn hiện rõ trong vẻ mặt tôi.
Tuy thế, trong mấy ngày tiếp theo, tôi đã dần dà học được cách không quá kinh ngạc trước những phát biểu kiểu ấy của ông chủ, và sẽ mỉm cười phù hợp mỗi lần đọc được ý vị bông lơn trong giọng ông. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa bao giờ xác định được chính xác thì ông chủ muốn mình phản ứng thế nào trong những trường hợp ấy. Có thể tôi cần cười ngặt nghẽo hưởng ứng, hoặc là, thực vậy, cần đối đáp lại bằng nhận định nào đó từ phía mình. Khả năng thứ hai đã khiến tôi khá âu lo trong mấy tháng vừa qua, và là một điều đến nay hẵng còn khiến tôi phân vân. Bởi rất có thể là ở Hoa Kỳ, một phần quan trọng làm nên chất lượng phục vụ chuyên nghiệp là người gia nhân phải biết cách nói những lời bông lơn thú vị. Thực tế là, tôi còn nhớ ông Simpson chủ quán Hiệu Chuông Dân Cày từng nói, rằng nếu đứng quầy ở Hoa Kỳ, ông sẽ không trò chuyện với chúng tôi bằng cái vẻ thân thiện nhưng lúc nào cũng khách khí trịnh trọng mà ông vẫn làm đâu, mà trái lại, sẽ nã vào chúng tôi vô số lời lẽ thô tục ám chỉ đến những thói xấu và khuyết điểm của chúng tôi, gọi chúng tôi là sâu rượu và đủ thứ lời lẽ đại loại, để cố gắng đóng tròn vai mà các khách hàng trông đợi ở ông. Và tôi cũng nhớ lại thêm rằng mấy năm trước, ông Rayne, sau khi đi Hoa Kỳ trong vai trò tùy tùng cho Sir Reginald Mauvis, đã nhận xét rằng tài xế taxi ở New York thường xuyên ăn nói với khách của mình theo lối mà nếu học theo ở London thì thế nào cũng kết thúc bằng to tiếng, nếu không phải bằng việc y sẽ được gô cổ về sở cẩm gần nhất.
Như vậy, hoàn toàn có thể là ông chủ trông đợi tôi sẽ đáp lại những câu bông lơn của ông theo cách tương tự, và coi sự tôi không hoàn thành việc đó là một kiểu sao nhãng bổn phận. Điều này, như tôi nói, là một vấn đề đã khiến tôi khá băn khoăn. Nhưng phải nói rằng công việc bông lơn này là một bổn phận mà tôi cảm thấy mình sẽ không bao giờ nhiệt tình thực thi được. Trong những thời đại lắm đổi thay này, người ta hoàn toàn có thể điều chỉnh công việc của mình, nhận thêm những nhiệm vụ vốn không thuộc phần bổn phận truyền thống của mình, nhưng bông lơn lại thuộc về một đẳng cấp hoàn toàn khác. Tỷ dụ như, làm sao người ta biết chắc được rằng ở một thời điểm bất kỳ nào đó, một câu đối đáp thuộc loại bông lơn lại đúng là điều được trông đợi? Chẳng cần suy nghĩ quá kĩ mới hình dung được cái tai ương khi thốt ra một nhận định kiểu bông lơn để rồi phát hiện ra rằng nó thực sự không phải lối.
Dẫu vậy, trong một dịp cách đây chưa lâu tôi đã thu góp can đảm toan đưa ra câu trả lời thuộc loại được yêu cầu. Tôi đang đưa cà phê sáng vào phòng ăn sáng cho ông Farraday thì ông bảo với tôi, “Tôi đoán tiếng quạ kêu hồi sáng này không phải là do anh phát ra đâu, phải không hở Stevens?”
Tôi nhận ra ông chủ đang nói đến một cặp Digan chuyên thu nhặt sắt vụn, sáng nay vừa đi qua vừa thốt lên tiếng rao quen thuộc của họ. Tình cờ, ngay sáng hôm đó tôi vừa suy tư đôi chút về cái nan đề rằng tôi có hay không có trách nhiệm phải đối đáp lại những câu bông lơn của ông, và đang thực sự lo âu không biết ông nhìn nhận thế nào về sự tôi liên tiếp bỏ lỡ không ứng đối với những lời mào đầu loại này. Vì thế tôi định tâm đáp lại bằng một câu pha trò nào đó; một phát biểu vô thưởng vô phạt nếu nhỡ đâu tôi đã nhận định sai tình hình. Sau một hai giây, tôi đáp, “Én thì đúng hơn là quạ theo thiển ý của tôi, thưa ngài. Xét thấy đấy là giống di trú”. Và tôi đệm thêm một nụ cười khiêm nhường vừa đủ, để cho thấy không nghi ngờ gì rằng tôi vừa phát biểu một câu pha trò, bởi tôi không muốn ông Farraday phải kềm giữ chút vui thích tự phát nào trong ông do một sự tôn trọng không đúng chỗ dành cho tôi.
Tuy nhiên, ông Farraday chỉ ngẩng lên nhìn tôi đáp, “Anh nói sao, Stevens?”.
Mãi tới lúc ấy tôi mới ngộ ra rằng, đương nhiên, nếu không biết rằng kẻ mới đi qua là dân Digan thì sẽ không tài nào hiểu được câu pha trò của tôi. Tới đó, tôi không nhìn ra cách nào có thể đẩy cuộc bông lơn đi xa hơn được nữa; thực tế, tôi kết luận tốt nhất là dừng lại ở đây, và vờ như nhớ ra một việc gì đó khẩn cấp cần thực hiện, tôi cáo từ lui ra, để lại ông chủ với vẻ mặt khá bối rối.
Như vậy, đấy là một khởi đầu hết sức nản lòng cho việc rất có thể là một bổn phận hoàn toàn mới dành cho tôi; nản lòng đến nỗi phải thú thực rằng tôi hầu như chưa có thêm cố gắng nào về mặt đó. Nhưng mặt khác, tôi không gột bỏ được cảm giác rằng ông Farraday không hài lòng với cách tôi đáp lại những lời bông lơn này khác của ông. Thực tế, việc gần đây ông chủ tôi ngày càng dai dẳng nói chuyện theo hướng này rất có thể còn có ý hối thúc tôi phải đáp lại trong tinh thần tương tự. Dẫu rất có thể là như vậy, nhưng từ sau câu đầu tiên về người Digan ấy, tôi chưa bao giờ kịp thời nghĩ ra thêm một câu pha trò tương tự nào.
Những khó khăn kiểu đó nay càng khiến bận lòng khi người ta không còn có điều kiện thảo luận và kiểm chứng quan điểm với những đồng nghiệp như dạo trước. Chỉ cách đây ít lâu, nếu có một hai điểm bất minh như vậy nảy sinh về cách thức thi hành bổn phận, người ta còn có thể an tâm rằng chẳng mấy nữa sẽ có một đồng liêu vốn được mình tin tưởng lắng nghe ý kiến hộ tống ông chủ viếng thăm nhà, và sẽ có dư dả cơ hội bàn về việc đó. Và đương nhiên, vào thời Huân tước Darlington, khi khách khứa cùng phu nhân thường nghỉ lại hàng nhiều ngày trời, thì người ta còn có thể thắt chặt mối giao tình với những đồng liêu ghé thăm. Thực vậy, trong những ngày rộn rịp ấy, tại phòng gia nhân của chúng tôi thường tập hợp những quản gia thuộc loại lành nghề nhất nước Anh, cùng đàm luận đến đêm khuya bên lò sưởi. Và quý vị hãy biết rằng, nếu ghé thăm phòng gia nhân của chúng tôi vào bất kỳ tối nào thời ấy, quý vị sẽ không nghe thấy những chuyện ngồi lê đôi mách đâu; khả năng cao hơn là quý vị sẽ được chứng kiến chúng tôi tranh luận về chính những vấn đề quốc gia đại sự đương làm bận tâm bận trí các ông chủ ở tầng trên, hoặc nếu không thì cũng là những sự kiện hệ trọng được tường thuật lại trên báo chí; và đương nhiên, như trong mọi cuộc tập hợp của những đồng nghiệp thuộc bất kỳ tầng lớp xã hội nào, quý vị sẽ thấy chúng tôi bàn bạc đến từng khía cạnh thuộc nghề mình. Đôi lúc, dĩ nhiên, sẽ có bất đồng sâu sắc, nhưng bầu không khí chủ đạo thường là tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Có lẽ tôi có thể miêu tả dễ hiểu hơn về không khí những buổi tối ấy bằng cách nói rằng những vị khách thường lui tới là những người như ông Harry Graham, tùy tùng kiêm quản gia của Sir James Chambers, và ông John Donalds, tùy tùng của ông Sydney Dickenson. Còn có những người có lẽ kém lỗi lạc hơn, nhưng lại mang bản tính náo nhiệt khiến mỗi cuộc tới thăm đều đáng nhớ; tỷ dụ như ông Wilkinson, tùy tùng kiêm quản gia của ông John Campbell, nức tiếng với ngón giả dạng các nhà quý tộc danh giá, hay ông Davidson ở Nhà Đông, mà sự hăng hái mỗi khi tranh luận nhiều lúc khiến người không quen biết phải gờm tránh, chẳng kém gì lòng tốt thuần hậu của ông những lúc khác khiến người người mến yêu; ông Herman, tùy tùng của ông John Henry Peters, với những quan điểm cực đoan chẳng người nào có thể im lặng mà nghe, nhưng lại có tiếng cười ha hả phóng khoáng và cái duyên Yorkshire đặc trưng không cách nào không ưa được. Và còn nhiều người nữa. Vào thời ấy, những người trong nghề chúng tôi có tình đồng đội thực sự, dẫu quan điểm về nghề có thể khác nhau đôi chút. Tất cả chúng tôi về cơ bản đều đúc cùng một khuôn, có thể nói vậy. Không phải như lối ngày nay, nếu thi thoảng cũng có lúc vị khách đến thăm đưa theo một gia nhân nào đó, thì đấy phần nhiều là một người mới vào nghề, chẳng biết nói chuyện gì ngoài chuyện túc cầu, và ưa dành buổi tối không phải bên lò sưởi trong phòng gia nhân mà bên chén rượu ở quán Hiệu Chng Dân Cày - hoặc là, thực vậy, ở Nhà Trọ Sao như ngày nay càng lúc càng phổ biến.
Vừa lúc trước tôi có đề cập đến ông Graham, tùy tùng kiêm quản gia của Sir James Chambers. Thực tế là, khoảng hai tháng trước, tôi vui mừng hết mực khi biết Sir James sắp tới thăm Dinh Darlington. Tôi mong chờ cuộc viếng thăm ấy không chỉ vì khách từ thời Huân tước Darlington ngày nay vô cùng hiếm gặp - giới giao thiệp của ông Farraday, hiển nhiên, khác xa của huân tước - mà còn vì tôi đồ rằng ông Graham sẽ hộ tống Sir James như xưa kia, và do đó tôi sẽ được tham khảo ý kiến của ông về vấn đề bông lơn này. Vì thế, tôi vừa ngạc nhiên vừa thất vọng khi được biết, một ngày trước khi Sir James đến, rằng ngài sẽ đến một mình. Thêm nữa, trong những ngày tiếp theo khi Sir James nghỉ lại, tôi được biết rằng ông Graham không còn phục vụ Sir James nữa; thực vậy, rằng Sir James không còn giữ lại gia nhân toàn thời gian nào ở nhà mình. Tôi rất mong tìm hiểu được số phận ông Graham về sau ra sao, bởi mặc dầu chúng tôi không biết nhau thực rõ, tôi có thể nói rằng cả hai đã rất hòa hợp trong những dịp có gặp gỡ. Tuy thế, sự thể hóa ra là, tôi không gặp được dịp nào phù hợp để hỏi thông tin này. Phải nói rằng tôi đã khá thất vọng, vì tôi rất mong được đem vấn đề bông lơn ra thảo luận với ông.
Tuy thế, cho phép tôi trở lại mạch chuyện ban đầu. Như đã nói, tôi buộc phải dành vài phút rất khó xử buổi chiều hôm qua trong phòng tiếp tân, trong khi ông Farraday tiếp tục đà bông lơn của ông. Như thường lệ, tôi đáp lại bằng cách mỉm cười khẽ - ít nhất cũng đủ biểu thị rằng tôi phần nào chia sẻ tâm trạng đùa bỡn mà ông đang duy trì - và chờ xem liệu ông chủ có tán đồng chuyến đi của tôi hay không. Như tôi dự đoán, ông đã rất thiện ý tán đồng mà chỉ trì hoãn không quá lâu, và hơn nữa, ông Farraday rộng lượng vẫn còn nhớ và nhắc lại đề nghị hào hiệp “xăng dầu ông bao”.
Vì đó, xem ra tôi chẳng có mấy lý do không thực hiện chuyến du hành bằng xe về miền Tây. Đương nhiên tôi sẽ phải biên thư cho cô Kenton, báo cô rằng có thể tôi sẽ ghé qua; tôi cũng còn phải lo soạn sửa phục trang nữa. Còn rất nhiều câu hỏi khác cần được giải quyết về điều phối công việc trong nhà trong quãng thời gian tôi vắng mặt. Nhưng về tổng thể, tôi không thấy có lý do đích đáng nào khiến tôi không nên thực hiện chuyến du hành này.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét