Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Một gia đình - Guy De Maupassant

Một Gia Đình

Tác giả: Guy De Maupassant
Dịch giả: Vũ Yến Ly
Nhà xuất bản Lao động - 2005


Tôi đi thăm người bạn Simon Radevin mà tôi đã không gặp từ mười lăm năm nay.
Xưa kia đó là người bạn tốt nhất của tôi, người bạn luôn chia sẻ mọi ngọt bùi cùng tôi, là người cùng tôi chia sẻ biết bao buổi tối dài đầy vui vẻ thanh bình, là người tôi có thể dốc bầu tâm sự, là người mà mỗi khi tôi có một suy nghĩ, một ý tưởng dù lạ lùng, dù vớ vẩn, dù thông minh hay ngớ ngẩn tôi cũng sẽ tìm đến người đó để sẻ chia hoặc để thực hiện những ý tưởng dù là ngông cuồng, ngốc nghếch nhất, là người mà tôi luôn cảm thấy dễ chịu thoải mái khi ở bên.
Trong suốt một thời gian dài, chúng tôi gần như không hề dời nhau. Chúng tôi cùng sống, cùng chơi, cùng suy tưởng, cùng mơ mộng với nhau, chúng tôi có cùng sở thích; chúng tôi cùng yêu mến một số đồ vật đáng yêu, cùng đọc, cùng thán phục cùng những cuốn sách, những tác phẩm nghệ thuật giống nhau, cùng có cảm giác giống nhau, và thường cùng bật cười trước một điều buồn cười vớ vẩn gì đó mà không cần phải liếc mắt nhìn nhau.
Thế rồi anh ta cưới vợ. Anh đột ngột lấy một cô gái quê lên Paris để kiếm tìm một đức lang quân.
Làm thế nào mà một cô gái bé nhỏ, gày còm với mái tóc vàng xỉn, với đôi tay thô kệch, với đôi mắt nhạt và vô hồn, có giọng nói the thé, hoàn toàn giống hàng trăm hàng nghìn con búp bê vô hồn lại có thể tóm được một người đàn ông thông minh và tinh tế đến thế? Làm sao người ta có thể hiểu điều đó được? Hiển nhiên là anh ta mong muốn có được hạnh phúc, một hạnh phúc bình dị, lâu bền trong vòng tay của một phụ nữ đức hạnh, dịu dàng và chung thủy; và anh ta đã thoáng thấy tất cả những cái đó trong đôi mắt trong suốt của cô gái láu lỉnh có mái tóc nhạt màu này.
Anh ta đã không nghĩ rằng một người đàn ông hoạt bát, nhanh nhẹn, rất dễ rung cảm sẽ mệt mỏi chán nản vì tất cả những cái mà anh ta đang nắm chặt lấy, trừ phi anh ta không u mê đờ đẫn đến nỗi không còn hiểu được bất cứ điều gì nữa.
Giờ đây anh ta sẽ thế nào nhỉ? Vẫn hoạt bát nhanh nhẹn, hóm hỉnh, hay cười, đầy nhiệt huyết hay đang uể oải trong nhịp điệu sống ở nông thôn? Một người đàn ông có thể thay đổi sau mười lăm năm chứ nhỉ!
Tàu dừng ở một ga nhỏ. Tôi xuống tàu, một người đàn ông to béo, rất to béo với đôi má phinh phính đỏ hây hây, với cái bụng phệ lao bổ về phía tôi với hai cánh tay dang rộng và kêu to: “Georges”. Tôi ôm hôn anh ta nhưng tôi vẫn còn chưa nhận được ra anh ta. Thế rồi tôi rên rỉ một cách ngu ngốc, ngớ ngẩn:
- Cristi, cậu không hề gày đi.
Anh ta vừa cười vừa trả lời:
- Cậu muốn gì bây giờ? Một cuộc sống tốt đẹp! Một bàn ăn đầy thức ăn ngon lành! Những giấc ngủ ngon không mộng mị! Lẽ sống của tôi là được ăn ngon miệng và ngủ đẫy giãc!
Tôi đứng lặng ngắm nhìn anh, kiếm tìm trong dáng hình trước mặt, những nét thân quen xưa. Chỉ duy đôi mắt là không thay đổi gì về hình dáng, nhưng tôi không còn nhìn thấy cái cách nhìn thân thuộc xưa nữa, tôi tự nhủ: “Nếu đúng là cái nhìn phản ánh suy nghĩ, thì những suy nghĩ trong cái đầu của người bạn thân tôi từng rất hiểu, rất đồng cảm đã khác trước rất nhiều”.
Tuy ánh mắt anh vẫn lấp lánh sáng, một ánh sáng vui vẻ, yêu đời nhưng nó không còn sáng lên ánh sáng thông minh, dí dỏm, hài hước xưa nữa. Bỗng nhiên Simon nói với tôi:
- Xem này, đây là hai đứa lớn nhà tôi.
Nhìn theo tay anh chỉ, tôi thấy một cô nhỏ khoảng mười bốn, trông đã ra dáng thiếu nữ lắm rồi và một cậu nhỏ mười ba, còn đang mặc đồng phục của trường cấp hai, chúng tiến lại gần tôi đầy vẻ rụt rè.
Tôi kêu lên:
- Con cậu đấy à ?
Anh vừa cười vừa trả lời:
- Ừ.
- Cậu có bao nhiêu đứa?
- Năm! Vẫn còn ba đứa ở nhà!
Anh ta trả lời đầy vẻ tự hào, hài lòng, đầy vẻ hoan hỉ. Trong tôi bỗng dâng lên một cảm giác thương cảm sâu sắc, trộn lẫn với cảm giác hơi khinh thường đối với con vật giống kiêu căng và ngây thơ dành cả đêm cho việc duy trì nòi giống. Con đực đó được nhốt trong một ngôi nhà ở nông thôn, như thể một con thỏ bị nhốt trong lồng.
Tôi leo lên chiếc xe ô-tô anh ta tự lái và chúng tôi đi về phía thành phố, một thành phố buồn tẻ với nhịp sống ngái ngủ lờ đờ. Trên phố vắng ngoe vắng ngoắt, thỉnh thoảng có một vài con chó hay hai ba kẻ giúp việc đi qua đi lại. Thỉnh thoảng mới có một cửa hàng nhỏ ngoài cửa có giá để mũ.
Simon vừa đi vừa chào và gọi tên tất cả những người đàn ông mà chúng tôi gặp trên đường về, tôi có cảm tưởng anh biết hết, thuộc hết tên của tất cả những cư dân trong thành phố nhỏ bé này. Tôi vẩn vơ nghĩ, hẳn anh ta định ăn đời ở kiếp ở chốn này, chôn vùi thân xác cũng như mọi suy nghĩ tình cảm của anh ta ở mảnh đất này.
Chỉ một lát chúng tôi đã đi qua vùng thành phố, và ô-tô bắt đầu vào trong một khu vườn trông như một công viên thu nhỏ, rồi dừng lại trước cửa một ngôi nhà trông hoàn toàn giống một lâu đài.
- Đây là hang ổ của tôi. - Simon nói để chờ một lời khen.
Tôi trả lời:
- Tuyệt thật.
Trên bậc thềm, xuất hiện một người phụ nữ, trang điểm, ăn mặc kỹ càng, cẩn thận để tiếp khách, với những lời có sẵn để hỏi khách. Đó không còn là cô gái nhỏ tóc vàng nhạt nhẽo mà tôi đã gặp ở nhà thờ cách đây mười lăm năm trước. Giờ đây trước mặt tôi là một phụ nữ đẫy đà, trang sức lòe loẹt với những búp tóc xoăn, một trong những kiểu quý bà nhạt nhẽo, không có tuổi, không có tính cách, không lịch thiệp, không duyên dáng, không có chính kiến, chẳng có gì ngoài dáng vẻ bề ngoài là một quý bà. Đó là một người mẹ điển hình, một cỗ máy đẻ, một con gà mái, một cỗ máy bằng xương bằng thịt mà mọi suy nghĩ trong đầu chỉ là con cái và các cuốn sách nấu ăn.
Cô ngỏ lời chào đón tôi, theo đúng thể thức chào khách, khi vào trong phòng tiền sảnh tôi thấy xuất hiện ở đó ba đứa nhỏ đang đứng xếp hàng tề chỉnh như thể những tên lính cứu hỏa.
Tôi hỏi:
- Á à! Đây là những đứa còn lại phải không?
Simon hớn hở gọi tên từng đứa:
- Jean, Sophie và Gontran.
Cửa phòng khách đã mở sẵn. Tôi đi vào đó và tôi nhìn thấy sâu trong một chiếc ghế sa-lông có ai đó đang động đậy, một người đàn ông, một ông già liệt.
Bà Radevin đi lại gần ông già:
- Đây là cha tôi, thưa ông, ông cụ năm nay được tám mươi bảy tuổi.
Rồi cô hét vào tai ông lão nghễnh ngãng: “Đây là bạn của Simon, bố ạ”. Ông cụ cố hết sức đưa tay ra hiệu chào tôi và rồi vừa khóc “oe, oe” vừa vẫy tay ra hiệu. Tôi nói với ông cụ: “Ông thật đáng mến, thưa ông”. Rồi tôi ngồi phịch xuống một chiếc ghế. Simon vừa vào, anh cười:
- Á! À! Cậu đã làm quen với bố vợ mình đấy à. Ông cụ rất kỳ cục, bọn trẻ con hay lôi ông ra làm trò tiêu khiển. Ông rất háu ăn, bạn thân yêu của tôi ạ, ông ngốn tất cả những gì có trên bàn. Cậu không thể tưởng được, ông có thể ăn nhiều đến thế nào đâu nếu người ta không để mắt đến ông. Nhưng rồi cậu sẽ thấy, cậu sẽ thấy. Ông đang chăm chú nhìn đĩa đường như thể đang ngốn ngấu dáng hình khêu gợi của các cô gái trẻ kia. Cậu chưa bao giờ gặp một người buồn cười đến thế đâu, rồi cậu sẽ thấy.
Rồi anh đưa tôi vào phòng nghỉ, để tôi rửa mặt mũi chân tay. Đã đến giờ ăn tối, tôi nghe tiếng chân bước rùng rùng ngoài cầu thang, tôi quay lại. Phía sau tôi bọn trẻ đi thành một hàng dài mà đi đầu là bố của chúng, không nghi ngờ gì là để tỏ lòng tôn kính tôi.
Phòng của tôi trông ra thảo nguyên, một thảo nguyên khô cằn, đơn điệu, chẳng có gì ngoài cỏ, lúa mì và yến mạch. Không có lấy một bụi cây, một sườn đồi, trí tưởng tượng bị hạn hẹp, buồn rầu, giữa một cuộc sống tẻ nhạt, mà mọi người trong nhà này đang sống.
Một tiếng chuông vang lên, đó là tiếng chuông báo bữa tối đã sẵn sàng. Tôi đi xuống.
Bà Radevin nắm lấy tay tôi đầy vẻ trang trọng và chúng tôi cùng vào phòng ăn. Một người hầu đẩy chiếc ghế bành của ông cụ vào chỗ cụ ngồi, ông cụ nhìn lướt tất cả các đĩa ăn với một cái nhìn hau háu đầy tò mò và quay đầu một cách khó khăn nhìn từ đĩa này đến đĩa khác, cái đầu lúc la lúc lắc.
Thế là Simon xoa hai tay vào nhau và bảo tôi: “Cậu sẽ rất buồn cười cho mà xem”. Và tất cả bọn trẻ hiểu ngay rằng người ta sẽ cho tôi xem một màn trình diễn về người ông tham ăn, cùng cười toáng lên, trong khi đó mẹ chúng vừa mỉm cười vừa nhún vai.
Simon quay về phía ông già, lấy tay làm loa và hét vào tai ông: “Tối nay chúng ta có món bánh kem tráng miệng”.
Khuôn mặt nhăn nheo của ông lão sáng bừng lên và ông rung người rất mạnh để biểu thị rằng ông đã hiểu và ông rất hài lòng.
Và rồi người ta bắt đầu bữa tối.
“Xem này”. Simon rên lên. Ông lão không thích món súp và từ chối ăn nó. Người ta bắt ông phải ăn vì nó tốt cho sức khỏe của ông, người hầu tống vào miệng ông từng thìa súp đầy, trong khi ông cố chống cự lại bằng hết sức bình sinh để khỏi phải nuốt cái thứ nước ông không thích đó, chính vì thế ông làm đổ bẩn hết cả ông, cả bàn ăn và cả những người xung quanh.
Bọn trẻ cười chảy cả nước mắt, trong khi đó bố chúng, vô cùng hài lòng, lặp đi lặp lại: “Có buồn cười không, ông lão này? Có tức cười không?”
Và trong suốt bữa ăn họ chỉ chăm chút cho ông lão. Ông lão nghiến ngấu nhìn những đĩa thức ăn đặt trên bàn, và cố đưa bàn tay run rẩy ra để kéo những đĩa thức ăn về phía mình. Mọi người cố tình đặt chúng sao cho ông gần với tới được, để rồi xem ông cố công cố sức với chúng, vừa run lẩy bẩy vừa cố lấy đà để lao được đến đĩa thức ăn. Mùi thơm của thức ăn khiến ông chảy cả dãi ra vì thèm khát, ông vừa làu nhàu vừa cố với. Cả nhà reo hò vui vẻ vì vẻ khốn khổ lố bịch của ông già.
Rồi người ta tiếp vào đĩa ông một miếng bánh bé tẹo mà ông ăn ngốn ngấu hết ngay với hy vọng người ta sẽ tiếp thêm miếng khác cho ông. Khi người ta mang bánh ngọt lên. Ông như người lên cơn động kinh. Ông rên lên vì thèm thuồng.
Gontran hét lên với ông: “Ông ăn nhiều quá rồi, ông không nên ăn nữa”. Và nó làm ra vẻ không cho ông ăn nữa.
Thế là ông già bật khóc nức nở. Ông vừa khóc, vừa run rất mạnh trong khi đó tất cả bọn trẻ con cười ngặt cười nghẹo. Cuối cùng người ta cũng mang phần của ông đến cho ông, một phần bánh rất nhỏ; ông nhét ngay nó vào mồm nghiến ngấu, vừa ăn vừa phát ra tiếng kêu chóp chép như một đứa trẻ phàm ăn. Vừa ăn vừa ợ, vừa nấc như một con vịt nuốt phải một miếng cá quá to.
Rồi khi ông ăn xong, ông lại giậm chân để bảo mọi người tiếp thêm cho ông.
Ái ngại cho ông già, mủi lòng tôi quay sang ướm lời :
- Xem kìa, đưa thêm một chút bánh ngọt cho ông chứ?
Simon trả lời:
- Ôi không! Bạn thân mến, nếu ông ăn quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe của ông đâu.
Tôi cứng họng trước những lời như thế. Ôi đạo đức, ôi lập luận, ôi sự thông thái, ở tuổi ông, người ta đã tước nốt thú vui được ăn của ông vì lo lắng cho sức khỏe của ông! Sức khỏe của ông! Người ta sẽ làm gì được cho ông, cho một lão già liệt, run lẩy bẩy? Người ta giữ gìn sức khỏe cho ông, người ta giữ cho ông được sống lâu hơn, như người ta nói ư? Giữ cho ông sống được lâu hơn, nhưng sống lâu hơn được bao nhiêu ngày? Mười ngày, hai mươi ngày, năm mươi ngày hay một trăm ngày? Để làm gì? Vì cái gì? Vì ai? Vì ông? Hay để giữ cho gia đình một đồ vật để mà chơi, để mà đùa về thói tham ăn đầy bất lực của ông?
Ông chẳng còn việc gì để làm trong cuộc đời này nữa, chẳng còn gì nữa hết. Chỉ còn một mong muốn duy nhất còn lại, một thú vui duy nhất; tại sao người ta không thỏa mãn cho ông cái niềm vui cuối cùng đó, cho ông được hưởng cái niềm vui duy nhất còn lại đó cho tới ngày cuối đời?
Sau đó chúng tôi còn đánh bài rất lâu rồi tôi mới lên phòng đi nghỉ: tôi buồn, buồn, buồn quá!
Tôi ra đứng ở cửa sổ nhìn ra ngoài, ngoài kia, chẳng hề có một tiếng động nhẹ nào ngoài tiếng một con chim đang líu lo hót trong một bụi cây ở một nơi nào đó. Chú chim này hẳn đang hót với một giọng nhỏ nhẹ trong đêm để ru con mái ngủ, ấp trên những quả trứng.
Tôi lại nghĩ đến năm đứa con của anh bạn khốn khổ của tôi, người hẳn giờ đây đang ngáy bên người vợ xấu xí của anh ta. 

Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét