Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Con thú trong rừng - Truyện ngắn

Con thú trong rừng

Tác giả: Ed Gorman
Người dịch:  Lê Tân
NXB Trẻ - tháng 8/ 2004
*
Khi tôi đến chuồng bò, mảnh trăng lưỡi liềm đã vắt ngang bầu trời đêm tháng chín. Con chim lợn, luôn đậu trên cây du già bên thung lũng, đã cất tiếng hú vang trong màn đêm miền thôn dã Iowa này.
Hai mươi phút đầu tiên tôi quét dọn các chuồng, gom những đám rơm vương vãi trên sàn rồi rải một lớp mạt cưa để hút ẩm và tẩy mùi hôi. Nuôi bò sữa rất bận rộn.
Làm công việc thường nhật mà tâm trí tôi cứ ở đâu đâu. Tôi chỉ nghĩ đến khẩu colt 45 cũ kỹ ông ấy dùng trong quân đội. Thường thì nó nằm trong bao súng treo trên móc trong căn phòng dư trên lầu, nơi ông ấy đã dọn đi sau khi mẹ mất hai năm trước vì bệnh ung thư. Hình như căn bệnh ấy di truyền trong gia đình mẹ. Bố nói bố dọn đi vì bất cứ lúc nào ở trong phòng cũ, nằm trên cái giường quen thuộc của hai người, bố lại khóc. Mà bố thì kiêu hãnh, ngạo nghễ lắm, thường nói đàn ông mà khóc thì không hay chút nào. Lại nữa, một đêm say bố kể rằng chỉ vài phút sau khi vào phòng, bố đã nói chuyện với hồn ma của mẹ và bố sợ. Vì thế bây giờ bố luôn đóng cửa phòng đó và ngủ trong căn phòng nhỏ dưới nhà.
Tôi muốn biết bố đang ở đâu. Tôi muốn biết bố đang làm gì.
Bố đi ba tiếng trước, nói sẽ trở về cùng tôi ăn tối. Nhưng bố không về.
Khi tôi làm một ít mì ống, đi ngang qua căn phòng đó, tôi không thấy bao da và khẩu súng đâu nữa.
Rải mạt cưa các chuồng xong, tôi ra ngoài, đứng trong bóng tối nóng bức, bóng tối bao phủ khắp các ngọn đồi miền quê Iowa. Trên trời lấp lánh ánh sao. Mùi cây cỏ thoảng từ thung lũng gần cạnh. Mùi gỗ, như mọi mùa thu, từ rừng thông nhè nhẹ đến.
Hình dáng to lớn của căn nhà lộ rõ mồn một, lừng lững trong bóng tối. Toa xe chở bắp đậu cạnh tháp chứa nhắc tôi những công việc tất bật của ngày mai.
Chỉ có một lý do duy nhất khiến bố đem khẩu súng chết tiệt đó lên tỉnh. Tôi mừng vì mẹ không có ở đây. Mẹ rất nhạy cảm. Chắc là mẹ đã trải qua nhiều năm tháng gay go vừa qua: nợ nần của bố không trả được vì cơn lũ đã cuốn sạch tất cả của chúng tôi và nhà băng buộc phải gia hạn cho bố tôi ba tuần để thu xếp công nợ, nếu quá hạn, chúng tôi sẽ mất nông trại. Tuy đã cho thêm thời hạn, nhưng sáng nay bố nhận được một cú điện thoại cho biết nhà băng phải hoàn tất thủ tục để bán đấu giá nông trại. Đến trưa thì ông Ken Ohlers, ở nhà băng đến gặp bố tôi trước cổng nhà: “Ông Verne này, thời thế không như trước nữa, chúng tôi không mở nhà băng để làm việc linh tinh, ông thử đi vay nhà băng khác coi, chúng sẽ chỉ cho nông dân Iowa các người vay cứt mà thôi dù các người có thành công hay không. Chúng không cho vay dễ như tụi này để rồi bị rắc rối như vậy đâu!”.
Sau đó bố lên tỉnh với khẩu súng.
Xa xa hướng bắc tôi thấy bốc lên một cụm bụi đường, trong đám bụi đó là một chiếc xe hơi màu xám và tôi nhận ra ngay lập tức.
Đúng như tôi nghĩ, ông ta quẹo vào con đường trải sỏi của chúng tôi, thắng rít bánh trước căn nhà. Có một cái ăng-ten dài đong đưa phía sau xe của ông khiến chiếc xe của ông trông đã rất đường bệ, càng thêm vẻ dữ tợn. Ông là cảnh sát trưởng Mike Rhodes.
Ông nhảy ra khỏi xe khi máy xe chưa tắt hẳn. Trong tay trái ông là khẩu súng lục. Bằng tuổi bố nhưng ông mập mạp hơn. Cả hai đều năm mươi. Họ là những người đầu tiên cùng tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, và cũng như nhiều cựu chiến binh khác đã từng tham gia Thế Chiến thứ hai, chiến tranh ở Triều Tiên, đều nghĩ rằng cuộc chiến ở Việt Nam không thể gọi là một cuộc chiến đúng nghĩa, năm mươi ngàn người Mỹ đã chết trong cuộc chiến chết tiệt đó. Bố thường nói như thế.
Một điều nữa về cảnh sát trưởng Mike. Ông là cha đỡ đầu của tôi.
- Bobby, bố con có nhà không?
Vừa nói, ông vừa tiến lại như sắp đánh tôi... hay sắp làm cái gì đó.
- Bố cháu lên tỉnh. Làm sao bác lấy được khẩu súng vậy?
Không đáp, ông đến gần tôi hơn. Người ông ướt mồ hôi và thoang thoảng mùi nước hoa như mới cạo râu xong. Ông làm tôi sợ. Cũng như thái độ bố tôi làm tôi sợ khi ông nổi cơn thịnh nộ và tìm cách trút cơn giận...
- Bobby, bác muốn biết bố cháu đang ở đâu.
- Bố cháu không có nhà, cháu nói thật mà.
Ông nắm tay tôi. Những ngón tay ông làm tôi đau.
- Bobby, cháu phải nghe lời bác.
Ông vẫn điềm tĩnh. To lớn trong bộ sắc phục ka-ki, mồ hôi ướt đẫm trên hai cánh tay ông ta.
- Bobby, cháu phải suy nghĩ chín chắn, phải suy nghĩ như một người bình thường, cháu hiểu bác nói không?
Thỉnh thoảng có người bảo tôi như thế. Năm lên bảy tôi nghịch ngợm, trèo lên một chiếc xe máy kéo và té. Từ đó tôi không bình thường nữa. Họ nhắc cho tôi nghe chuyện cũ. Đó cũng là lời mẹ tôi thường nói. Thằng Bobby tội nghiệp, nó chẳng bao giờ trở lại bình thường được nữa. Họ vẫn nói thế. Ở trường, tôi chẳng thể nào đọc chữ thông thạo. Họ kèm riêng, nhưng tôi không tài nào nhớ những con chữ dù rất cố gắng. Những khi đó tôi thường khóc. Tôi đã khóc rất nhiều trước khi rời bỏ mái trường năm lên mười bởi vì những đứa bạn gọi tôi là “thằng đần” và chúng thường xuyên chế nhạo tôi.
- Cháu lắng nghe đây, bác Mike.
- Cháu biết ông Ken Ohlers ở nhà băng không?
- Biết.
- Bố cháu giết ông ấy cách đây một giờ. Bắn ông ấy bằng khẩu súng colt 45 bố cháu dùng ở mặt trận ngày xưa.
- Ôi, chết tiệt! Sao bác lại nói thế!
- Bác xin lỗi, Bobby, nhưng đó là sự thật.
- Cháu sợ lắm, bác sắp làm hại bố cháu phải không?
- Không, bác chỉ thi hành nhiệm vụ. Vì thế bác cần sự giúp đỡ của cháu. Nếu cháu gặp bố cháu thì hãy khuyên bố cháu ra tự thú. Nghe bác đây, mẹ cháu mất rồi, ông ấy chỉ còn cháu. Cháu là người duy nhất ông ấy nghe thôi.
- Cháu sợ, bác Mike! Cháu sợ lắm!
Và tôi khóc. Tôi không muốn khóc, nhưng không cầm được.
Và bác Mike, nhìn tôi với ánh mắt vừa hiền từ vừa bối rối. Các nông dân ở đây đều nhìn tôi như thế khi tôi khóc.
Rồi bác đến vòng tay ôm lấy tôi, hơi xiết lấy người tôi. Bố, chưa hề làm như thế với tôi, dù khi tôi khóc, chỉ nói rằng con trai như thế không tốt, nhất là hai người đàn ông ôm nhau thì rất khó coi.
Bác Mike lấy khăn ra lau mặt cho tôi. Cái khăn thơm mùi bạc hà. Bác thường bỏ kẹo bạc hà trong túi quần.
- Cháu muốn ăn kẹo bạc hà không?
- Cháu thích lắm.
Tôi cầm lấy cái khăn trong lúc bác ấy lấy kẹo. Tôi đưa trả lại khăn nhưng bác ra dấu cho tôi cứ giữ lấy.
- Cháu nhớ những gì bác nói không Bobby?
- Dạ nhớ.
- Hãy nói bố cháu ra tự thú nhé.
- Dạ...
- Vì ông thị trưởng không muốn mất thì giờ, ông ấy không thích bố cháu chắc cháu cũng biết.
- Họ cho chó đi kiếm bố cháu như trong phim phải không bác?
- Chó đã cho đi từ lâu rồi.
- Còn trực thăng?
- Cũng đã từ lâu rồi.
- Cháu sợ trực thăng lắm!
- Bác cũng ghét thứ máy bay đó, bay lòng vòng, làm việc linh tinh!
Ông lau mồ hôi trên mặt.
- Nếu bố cháu có gần đây, hãy nói lại với bố cháu họ đang kiếm đấy nhé?
- Cháu hứa...
Hình như tôi sắp khóc lần nữa.
Ông nhìn tôi một hồi lâu rồi lại ôm lấy tôi, xiết nhẹ.
- Bác rất buồn vì chuyện này đấy Bobby.
- Chắc bố cháu cũng thế, cháu sẽ cầu nguyện cho bố cháu, cháu sẽ cầu Đức Mẹ, như mẹ cháu đã dạy.
- Bác sẽ trở lại sau.
Nói rồi ông bước nhanh lại chiếc xe lớn vẫn còn bốc mùi bụi đường lẫn mùi dầu và hơi nóng. Vào trong xe, ông vẫy nhẹ tay với tôi rồi vòng xe lại. Chẳng bao lâu chiếc xe mất hút, chỉ còn lại đám bụi mù mà tôi trông giống như vầng sáng bạc trong ánh trăng.
Tôi vào nhà, lên gác, vào phòng ngủ của cha mẹ tôi trước kia. Mẹ có treo trên tường một bức tranh đóng khung hình Đức Mẹ Đồng Trinh. Bà thường bảo rằng Đức Mẹ hay lắng nghe lời cầu nguyện của trẻ em... nhất là những trẻ em không bình thường. Tôi cố nén không khóc trong lúc cầu nguyện. Đức Mẹ nhân từ. Đôi lúc tôi bối rối. Mẹ lúc còn sống đã viết cho tôi nhiều, rất nhiều lần nhưng tôi vốn hay quên những lời kinh cầu. Đức Mẹ bao dung. Lần này bỗng dưng tôi không quên, gần như không sót lời nào. Vừa cầu nguyện tôi vừa thắp cây nến tạ ơn nhỏ mà một thầy tu cho mẹ tôi một lần đến đây. Mùi diêm sinh từ que diêm. Mùi sáp từ cây nến. Ánh sáng vàng chiếu lên bức tranh Đức Mẹ. Tôi đọc lại bài kinh cầu, e rằng Người không nghe hay vì lý do nào đó?
Tôi ra ngoài, tin chắc mình biết nơi sẽ tìm thấy bố. Có một cái lều tranh trên đồi. Bố và chú thường đánh cờ ở đó. Chú chết ở chiến trường Việt Nam. Thằng trời đánh. Bố thường gọi chú như thế mỗi khi say. Chú Win, và mẹ được chôn ở nghĩa trang Harrison. Vào mùa ấm, hai lần trong tháng, bố lên đó đặt hoa trước mộ từng người. Mùa lạnh, bố chỉ đứng bên mộ nhìn trong im lặng, hoặc gạt tuyết trên bia để nhìn tên và ảnh họ. Có một lần bố lên đó đang đêm khi trời lạnh mười độ âm cho đến lúc trời sáng. Bác sĩ Hardy nói nhờ phép lạ bố mới chịu đựng được chứ không thì chắc chắn đã chết. Cũng có người cho rằng bố thoát chết nhờ uống quá nhiều rượu bên mộ.
Bây giờ tôi đang chạy băng qua đồng cỏ miền thảo nguyên, cảm thấy háo hức. Cỏ cao tới bụng tôi làm tôi có cảm tưởng mình đang chạy xuyên qua nước. Cỏ như nước, quật vào người làm tôi nhột. Mẹ thường đọc truyện cho tôi nghe về những người da đỏ và thiên nhiên. Tôi rất thích tên các loài hoa hoa và đòi mẹ đọc những truyện về hoa. Thật êm đềm. Rắn chuông chúa, gậy vàng, lông vũ đa sắc, Susan mắt đen, đậu Hà Lan vảy nến lá bạc, cỏ lưỡi chó, sao băng. Có những đêm nằm một mình không ngủ được, tôi nhẩm đọc đi đọc lại những cái tên đó, đọc mãi cứ tưởng như mẹ đang đọc cho tôi nghe giống như cách mẹ thường bắt tôi học những từ mới, mỗi tuần tôi phải học ba từ mới.
Hai lần tôi bị té. Tôi không khóc. Nhưng lần thứ hai thì đầu gối tôi bị cạnh đá bén cứa rách và tôi chỉ biết khóc. Khóc nhưng vẫn chạy dọc con sông bàng bạc ánh trăng, chạy cúi mình dưới rặng liễu, nhảy qua một con ếch nhỏ rồi vào vùng đất toàn những cây tuyết tùng nơi mái lều tranh của chúng tôi.
Một lần tôi nghe có tiếng động phía sau và tôi dừng lại. Tôi sợ hãi, như tôi vẫn sợ mỗi khi con quái vật xuất hiện trong tivi. “Con không nên coi những cái vớ vẩn đó”. Bố thường bảo thế và ông tắt tivi khi ông thấy tôi sợ.
Giờ đây rừng mênh mông. Bóng tốí. Trơn nhớt, nổi gai ốc, ghê rợn... những thú trong rừng, thú có túi, rắn và chó sói. Có thể có quái vật nữa, như những khu rừng trong tivi. Người da đỏ luôn tin rằng có quái vật trong rừng.
Tôi chạy. Cần phải tìm bố. Phải báo cho bố biết.
Tôi nghĩ về những thứ mẹ đọc cho tôi nghe về người da đỏ thường làm khi còn sinh sống ở đây. Tôi muốn mình cải trang thành người da đỏ. Tôi ao ước mình được đeo mặt nạ da bò như họ mỗi khi nhảy múa quanh ngọn lửa. Hoặc đeo vòng cổ kết bằng móng gấu xám bắc Mỹ, để chứng tỏ mình là người can đảm nhất. Hoặc vẽ những vạch đỏ như máu trên cánh tay, mỗi vạch là dấu tích một lần lâm trận. Họ thường tìm tôi, bố và mẹ, sợ tôi đi lang thang trong rừng nhưng tôi thường đến mái lều tranh, chơi trò đóng vai người da đỏ, ngước mặt nói chuyện với bầu trời như người da đỏ, đứng nhìn những con sói xám trên cỏ, rồi khóc, rồi cười... trong khi vầng trăng bạc lên cao trên bầu trời đêm Iowa.
Tôi đã thấy bóng mái nhà tranh nhỏ qua những cây tuyết tùng. Nó nằm giữa khoảng đất trống. Không đèn. Không tiếng động. Chỉ có tiếng cú kêu và cỏ rì rào. Chỉ có mùi gỗ mục ẩm ướt do cơn mưa dầm tuần qua.
Tôi biết bố trong đó. Tôi cảm thấy được điều đó.
Tôi cúi rạp mình theo cách người da đỏ, đến vùng đất trống, định bụng sẽ chạy nhanh vào trong mái nhà tranh.
Chạy được nửa đường tôi nghe tiếng nói.
- Con trở về nhà, Bobby, ngay lập tức.
Bố. Trong căn nhà tranh.
Người tôi nổi gai. Run rẩy, tôi nói.
- Bác Mike đến lúc nãy đó bố, bác ấy nói...
- Bố biết bác ấy nói gì rồi.
- Bác ấy nói bố đã giết ông Ohlers.
- Bố buộc phải làm thế, con trai. Ông ta không có quyền gì mà lấy nông trại của chúng ta. Ông ta nói ông ta tử tế nhưng có tử tế đâu.
Tôi không nói gì. Chỉ có gió, tiếng gió vi vu như hơi thở của con quái vật khổng lồ vô hình đang ngủ.
- Bác ấy nói bố có thể bị giết.
- Bố không muốn vào tù.
- Con muốn thấy bố.
Bố trong cửa sổ, trong bóng tối. Bây giờ bố giống như mẹ. Tôi có thể nói chuyện với ông nhưng không trông thấy ông. Giống như cái chết.
- Bố ơi... con muốn thấy bố.
- Con hãy đi về, Bobby, con nghe bố không? Con phải trở về nông trại và chờ ở đó.
Tôi lại nghe tiếng động. Quay lại tôi thấy bác Mike đang bước vào vùng đất trống.
Trông ông thật nhếch nhác, áo nửa trong nửa ngoài quần, tóc rối bời. Ông cầm khẩu súng của ông, lăm lăm trên tay.
- Bác đoán thế nào cháu cũng dẫn bác đến chỗ bố cháu.
- Bố cháu không cho cháu gặp.
Ông gật đầu rồi nhìn về phía căn nhà thô sơ.
- Tôi muốn vào nhà nói chuyện với anh.
- Ở yên đó, Mike.
- Đủ rồi, anh không nên làm cho tình huống xấu hơn. Tôi là bạn anh mà.
- Vâng, cũng như Ohlers chứ gì.
- Hắn chẳng tự ý làm gì với nông trại của anh cả, đó là chỉ thị của bọn chủ nhà băng tàn nhẫn kia thôi.
- Đó là cách chống chế.
- Tôi sắp vào đây.
- Tôi sẽ bắn anh.
- Thế thì bắn đi, ông bạn chết tiệt!
Tôi hiểu bác Mike. Một khi đã quyết định thì không thể ngăn cản ông ấy được. Tôi nói.
- Cháu đi với bác nhé?
Ông lắc đầu.
- Cháu phải ở đây.
- Ông ấy là bố cháu.
- Bobby, quỷ tha ma bắt mày đi, bác mệt mỏi lắm rồi, biết chưa? Cứ ở yên đây.
- Vâng.
- Bác ra ngay thôi. Xin lỗi đã mắng cháu.
Bố tôi hét lên từ trong nhà.
- Anh phải ở yên đó, Mike, anh nghe tôi không?
Mike vẫn bước về phía căn nhà.
Bố tôi bắn.
Tiếng nổ vang và đanh trong cái thinh lặng của thảo nguyên.
- Phát kế sẽ trúng anh đấy Mike.
- Thì cứ bắn tôi đi, bạn thân.
Lần này viên đạn đi gần hơn, tiếng đạn vang vọng xa ngoài thung lũng.
Nhưng Mike vẫn bước tới.
Ông bước tới, tung chân đá mạnh vào cửa trước và bước vào trong nhà.
Tôi bước ra ngoài rìa quãng đất trống, nhìn cây cối xung quanh. Mẹ cũng thường đọc tên các loài cây. Sồi trắng, mại châu, hồ đào, cây đoạn, sồi kim, tro lục, cẩm thạch bạc, bồ kết mật ong ba gai, dương lá rung răng lớn. Mẹ đọc đi đọc lại cứ như lời những bài hát.
Tôi muốn tiểu tiện.
Tôi vào rừng, kiếm nơi đi tiểu.
Tôi muốn rửa tay. Tôi thấy khó chịu khi không làm theo lời mẹ dạy, dù bây giờ mẹ đã đi xa.
Trở lại chỗ đất trống, tôi nghe họ la hét trong nhà tranh và tôi sợ hãi. Họ bắt đầu đánh nhau. Họ xô nhau vào vách. Căn nhà tranh rung chuyển. Tôi muốn chạy vào nhưng tôi quá sợ hãi. Tôi không muốn thấy bố làm đau bác Mike hay bác Mike làm đau bố. Chuyện không nên xảy ra như vậy.
Một tiếng súng.
Chỉ có một.
Tiếng nổ lớn hơn bình thường. Tiếng vang cũng lâu hơn. Rồi sự im lặng khủng khiếp bao trùm. Cả tiếng gió cũng không còn.
Cửa nhà bật mở và bố bước ra.
Ông bước đến giữa vùng đất trống. Tay cầm khẩu colt 45.
- Con trở về nông trại ngay đi, Bobby, có nghe bố không?
Không kềm chế được, tôi chạy đến bố. Tôi ôm lấy bố. Thật lạ, bố không đẩy tôi ra như mọi lần và nói đàn ông không nên ôm nhau mà bố ôm chặt lấy tôi và tôi cảm nhận được cơ thể rắn chắc của bố.
Bố ôm chặt tôi như tôi ôm chặt bố. Ông nói.
- Bố làm hỏng mọi chuyện rồi, Bobby, hỏng hết rồi.
Bố khóc, khóc như hồi đám tang mẹ. Tôi mặc cho bố khóc và vẫn ôm chặt bố y như mẹ ôm tôi khi tôi khóc.
Bố khóc ngon lành.
Bố đứng giữa khoảng đất trống. Bố nhìn lên mặt trăng như người da đỏ thường nhìn, giống như mẹ vẫn kể. Mẹ nói họ nhìn trăng và họ tin rằng họ đọc được nhiều sự việc ở đó, đoán được tương lai.
Rồi bố nhìn tôi, nói nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng.
- Con trở về trại ngay đi, phôn cho luật sư Sayre, ông ấy biết cách thu xếp mọi chuyện.
- Bác Mike chết rồi hả bố?
- Ừ, chết rồi.
- Sao bố lại bắn bác ấy?
- Bố không biết... thật tình là bố không biết, phải chi bố đừng...
Tôi muốn nói nhưng sợ lại bật khóc.
Bố nhìn lại mái nhà tranh.
- Con trở về trại đi và gọi ông Sayre.
Tôi với tay định cầm lấy khẩu colt 45 trong tay bố nhưng ông rụt lại.
- Bố, cho con giữ khẩu súng đi.
- Con đi đi.
- Con sợ, bố đừng giữ súng nữa.
- Con đi mau đi, gọi ngay ông Sayre.
- Con sợ lắm bố ơi!
- Bố biết con sợ, Bobby, bố cũng sợ.
Ông gật gù, vẻ mặt quả quyết.
- Đi đi con, thật nhanh và gọi ông Sayre.
- Vâng.
- Chạy thẳng về trại và gọi ngay ông ấy.
- Vâng.
Ông quay đi, mặt khuất trong ánh trăng. Ông bước trở vào ngôi nhà tranh.
Tôi biết không nên tranh cãi nữa.
Tôi thẫn thờ bước đi vào rừng và khi tôi đến hàng cây trước bìa rừng thì tiếng súng vang lên đúng như tôi nghĩ. Tôi cố hình dung cảnh đó. Hai xác người trong căn nhà tranh. Máu và ruồi và mùi hôi thối như xác thú vật chết. Nỗi sợ hãi ập đến. Tôi sợ. Tôi khóc.
Tôi muốn bố ôm tôi như vừa mấy phút trước đây, như mẹ thường ôm tôi khi tôi đòi. Bây giờ tôi muốn có ai đó ôm tôi, ôm tôi thật chặt, thật lâu, thật lâu.
Bởi vì giờ đây đêm đen dày đặc và có một con thú trong rừng, như người da đỏ vẫn nói, một con quái thú trong rừng sâu, đen đúa, thăm thẳm.


Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét