Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Một anh hùng thời đại - M. Lermontop (p1)


M. Lermontop

Anh Trúc dịch

Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội – 2000
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: “Gheroi Nasevo Vremenhi” của M. Lermontop - NXB “Tiếng Nga” - Matxcơva – 1988)
ГЕРОЙ НАШЕГО ВРЕМЕНИ – Издательство Москва 1988

Phần thứ nhất

I. Bela

Tôi tới Tiflix [2] bằng xe trạm. Hành lý trên xe chỉ có mỗi chiếc va ly nhỏ mà phân nửa là chứa những tập bút ký về cuộc hành trình qua xứ Gruzi. Thật may cho các bạn là phần lớn những tập ký ấy đã bị mất, nhưng lại may cho tôi là đồ đạc trong va ly thì vẫn còn nguyên. Tôi tới thung lũng Kôisau thì mặt trời cũng bắt đầu lặn xuống sau đỉnh núi phủ tuyết. Lão đánh xe người Ôxetin rán hết sức hát thật to và hối hả ra roi thúc ngựa để kịp lên núi Kôisau trước khi trời tối. Thung lũng là một nơi danh thắng tuyệt vời. Bốn bể núi non hiểm trở, những vách đá màu hồng, treo lơ lửng những sợi trường xuân xanh xanh, điểm xuyết những bụi tiêu huyền phương Đông; những bờ dốc đất vàng, chằng chịt những mương xói, và cao cao trên đỉnh núi là một dải tuyết vàng, phía dưới là dòng sông Aragva, sau khi hội lưu với một dòng suối nhỏ không tên đang ồn ã vọt ra khỏi hẻm đá tối đen, con sông trải dài ra như một sợi chỉ bạc, óng ánh như vảy rắn.
Ðến chân núi Kôisau, chúng tôi dừng lại bên một cái quán nhỏ. Trong quán có khoảng hai chục người Gruzi và dân miền núi đang chuyện trò rôm rả; gần đó có đàn lạc đà nghỉ đêm. Tôi phải dùng bò để kéo xe mới mong vượt nổi cái ngọn núi đáng nguyền rủa này, vì trời đã sang thu, và đã có những lớp băng mỏng, mà con đường núi này thì dài tới gần hai dặm [3] chứ có ít đâu. Không còn cách nào khác, tôi đành phải thuê sáu con bò và mấy người Ôxetin. Một người vác chiếc va ly còn những người kia thì hầu như chỉ hò hét chứ không hề động tay vào xe để hỗ trợ lũ bò. Đằng sau xe tôi là một chiếc xe khác có bốn con bò kéo, chiếc xe chở đầy ắp mà sao lại đi thong dong chả có gì khó nhọc. Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Người chủ bước theo sau, miệng ngậm chiếc tẩu nhỏ kiểu Kabarđin bịt bạc. Ông ta mặc quần áo sĩ quan, không cầu vai và đội chiếc mũ lông kiểu Tserkex. Nom ông trạc năm mươi; nước da ngăm ngăm chứng tỏ ông đã dạn dày với cái nắng vùng ngoại Kapka này từ lâu, bộ ria mép điểm bạc sớm không hợp với bước đi rắn rỏi và cái vẻ hoạt bát của ông. Tôi tới gần và cúi đầu chào ông, ông lặng lẽ đáp lễ và nhả một hơi khói dài.
- Có lẽ chúng tôi đi cùng đường với ngài?
Ông nghiêng mình một lần nữa, nhưng vẫn im lặng
- Hẳn là ngài đi Xtaprôpôn?
- Chính thế... với đống quân trang này.
- Thưa ngài, xin ngài làm ơn cho biết, xe ngài chở nặng lại chỉ có bốn con bò kéo, cớ sao lại đi thong dong như bỡn, trong lúc xe tôi nhẹ bẫng lại có tới sáu con bò với bấy nhiêu người Ôxetin trợ lực mà vẫn cứ ì ạch là thế nào?
Ông mỉm cười hóm hỉnh, nhìn tôi đầy ngụ ý:
- Tôi đồ chừng ông đến Kapka này chưa được bao lâu?
- Một năm rồi, - tôi đáp.
Ông ta lại mỉm cười một lần nữa.
- Thế thì sao ạ?
- Ông thấy đấy! Lũ người châu Á này xỏ lá lắm! Ông tưởng chúng la hét như vậy là được việc lắm đấy hả? Họa có quỷ sứ mới biết là chúng la hét cái gì? Lũ bò ắt là hiểu chúng lắm; ông có mắc tới hai chục con, bọn chúng vẫn cứ la hét như thường, còn bò thì vẫn cứ đứng ì ra đấy. Quân bịp bợm ghê người. Trông mong gì ở chúng? Chúng chỉ bòn rút tiền của khách qua đường... Người ta đã dung túng cái bọn bịp bợm này quá thể! Rồi ông xem, chúng còn vòi tiền rượu ở ông nữa kia. Tôi quá biết bọn chúng rồi, nên chúng không lừa nổi tôi.
- Vậy ngài ở đây đã lâu chưa?..
- Dạ, tôi đã ở đây từ thời Alecxây Pêtrôvich[4], - ông ưỡn thẳng người, đáp. – Hồi ông ấy tới Liniya[5], tôi mới là thiếu uý, - ông nói thêm,- dưới quyền chỉ huy của ông ấy, tôi đã được thăng hai cấp vì có công dẹp loạn đám dân miền núi.
- Và bây giờ thì ngài?..
- Hiện nay tôi ở tiểu đoàn tiểu binh thứ ba. Còn ông, xin mạn phép hỏi?..
Tôi nói với ông về tôi.
Câu chuyện nói đến đây là hết, chúng tôi lại lặng lẽ đi bên nhau. Tới đỉnh núi chúng tôi gặp tuyết rơi. Mặt trời vừa lặn là màn đêm cũng buông ngay, ở miền Nam thường không có hoàng hôn; nhưng nhờ có ánh tuyết chúng tôi vẫn nhận ra đường một cách dễ dàng, con đường cứ đi ngược lên mãi tuy đã bớt dốc. Tôi bảo đặt va ly vào xe và thay bò bằng ngựa, rồi đứng nhìn xuống thung lũng một lần cuối cùng; nhưng một lớp sương mù dày đặc từ các hẻm núi tỏa ra như sóng phủ kín thung, từ phía dưới không một tiếng động nào vọng lên tới chỗ chúng tôi. Mấy người Ôxetin vây lấy tôi, ầm ĩ đòi tiền rượu, nhưng bị ông thượng úy la mắng thậm tệ nên đã tản đi trong nháy mắt.
- Giống người đâu mà lạ thế cơ chứ! - ông nói, - chưa biết tiếng Nga cái bánh gọi là gì, vậy mà đã biết cách xin xỏ: “Bẩm quan lớn, xin ngài cho anh em chúng tôi hớp rượu!”. Tôi thấy người Tatar còn khá hơn: ít ra họ cũng không hay say rượu...
Còn một dặm nữa mới tới trạm. Bốn bề tĩnh lặng, tĩnh lặng đến nỗi nghe tiếng muỗi bay cũng có thể biết nó bay về hướng nào. Bên trái là một cái khe sâu đen ngòm, bên kia và phía trước mặt là những đỉnh núi xanh đen, chằng chịt những nếp nhăn, nằm dưới tuyết, in lên nền trời nhợt nhạt còn nhuốm chút tà dương. Trên vòm trời mờ tối các vì sao bắt đầu nhấp nháy, và kỳ lạ thay, tôi có cảm giác là những vì sao ở đây nom có vẻ cao hơn nhiều so với ở miền Bắc chúng ta. Hai bên đường lổn nhổn những hòn đá đen trần trụi, đây đó có những bụi cây con nhô lên khỏi mặt tuyết, nhưng không nghe thấy một tiếng lá khô xào xạc, và vui sướng xiết bao giữa cảnh tĩnh lặng của vạn vật đang chìm trong giấc ngủ say như chết ấy, ta lại nghe thấy ngựa mệt mỏi thở phì phì của chiếc xe tam mã chở thư và tiếng reo vang rời rạc của chiếc chuông Nga.  
- Ngày mai đẹp trời đây! - tôi nói.
Không nói nửa lời, ông thượng úy giơ tay chỉ cho tôi xem ngọn núi cao sừng sững ngay trước mặt.
- Núi gì vậy? - tôi hỏi.
- Núi Gút.
- Nhưng mà sao?
- Ông thấy không, nó đang bốc khói kia kìa.
Quả thực là núi Gút đang bốc khói. Những làn mây nhẹ đang trườn đi trên sườn núi, còn trên đỉnh núi là một đám mây đen, đen đến nỗi ngay trên nền trời tối sẫm mà nó vẫn nổi lên thành một cái vệt đen. Chúng tôi đã trông thấy rõ trạm bưu điện, với những lớp mái của các ngôi nhà xaklia[6] ở xung quanh; khi trời nổi lên một cơn gió lạnh ẩm ướt, hẻm núi gió bắt đầu lên tiếng gào, và trời bắt đầu mưa nhẹ hạt, thì trước mắt chúng tôi cũng lấp lánh những ánh lửa hồng vồn vã. Tôi vừa mặc xong chiếc áo burka thì tuyết cũng rơi. Tôi nhìn ông thượng úy thán phục.
- Chúng ta bắt buộc phải ngủ lại đây thôi, - ông bực bội nói, - vượt núi trong cơn bão tuyết này là không ổn rồi. – Rồi quay lại với người đánh xe, ông hỏi:
- Sao? Tuyết trên đỉnh Cây thập tự đã sập chưa?
- Thưa ngài chưa ạ, - người đánh xe Ôxetin trả lời, - vẫn còn đọng lại nhiều, nhiều lắm ạ.
Vì ở trạm không có phòng nghỉ cho khách qua đường, người ta đưa chúng tôi vào nghỉ trong một căn nhà mờ mịt khói. Tôi mời ông bạn đồng hành uống chén trà vì tôi có mang theo chiếc ấm bằng gang, một thú vui duy nhất của tôi trong các cuộc hành trình ở Kapka. Ngôi nhà tựa một bên sườn vào vách núi; ba bậc cửa trơn, ướt sũng dẫn tới lối cửa ra vào. Tôi mò mẫm bước đi và đụng phải một con bò cái (dân xứ này lấy chuồng gia súc thay cho buồng đầy tớ). Tôi không biết đi về hướng nào: chỗ này thì cừu kêu be be, chỗ kia lại có tiếng chó gầm gừ. May sao ở phía bên bỗng lóe lên một ánh lửa lờ mờ, và nhờ đó tôi có thể tìm thấy một cái hốc nom giống như một cái cửa ra vào. Một cảnh tượng rất thú vị bày ra ngay trước mắt: một cái nhà rộng, mái đỡ bằng hai cây cột ám khói, chật ních người. Giữa nhà là một đống lửa nhóm ngay trên nền đất, củi cháy nổ lép bép; và khói bị gió từ lỗ thông hơi trên mái nhà thổi ngược lại, tỏa ra xung quanh dày đặc khiến tôi nhìn mãi mà vẫn không nhận thấy gì; hai bà già, một đám trẻ con và một người Gruzi gầy đét đang ngồi quanh đống lửa, tất cả đều rách rưới. Chẳng biết làm gì hơn, chúng tôi đành ngồi xuống cạnh đống lửa, châm thuốc hút, và lát sau thì nước trong ấm trà bắt đầu reo nghe thật vui tai.
- Đám người tội nghiệp! - tôi nói với ông thượng úy, tay chỉ mấy người chủ nhà bẩn thỉu đang nhìn chúng tôi, im lặng, ngỡ ngàng.
- Lũ người u mê! - ông đáp. - Không biết ông có tin được không, họ không biết làm bất cứ một việc gì sất, không đủ khả năng để học bất cứ một cái gì. Dân tộc Kabarđin hay Tsetsen của chúng ta, tuy là bọn đầu trộm đuôi cướp, đám người khốn khổ, nhưng ít ra họ còn có nhiệt huyết, còn cái lũ này, chúng không thích vũ khí, không người nào có lấy một con dao găm cho ra hồn. Ðúng là dân Ôxetin chính cống!
- Thế ngài ở Tsetsenia bao lâu rồi?
- Lâu đấy. Tôi đã đồn trú ở đó mười năm, với một đại đội ở pháo đài Suối đá, ông biết chỗ ấy chứ?
- Có, tôi có nghe nói.
- Khổ lắm ông bạn ạ, cái lũ đồ tể ấy đã làm cho chúng tôi chán ngấy! Bây giờ thì, lạy Chúa, đã đỡ hơn nhiều; chứ hồi ấy thì hễ cứ ra khỏi thành một trăm bước là chắc chắn đã có một thằng quỷ lông lá đang rình rập ở đâu đó, và chỉ sơ ý một tí thôi là sẽ có ngay hoặc một chiếc dây thòng lọng thắt vào cổ, hoặc một phát đạn đập vào gáy. Lũ táo tợn ấy tài ba lắm!
- Vậy thì chắc hẳn là ngài đã gặp lắm chuyện phiêu lưu mạo hiểm? - Tôi lên tiếng vì tính tò mò bị kích động.
- Sao lại không! có đấy...
Rồi ông vân vê bên ria mép trái, ngẩng đầu lên và suy ngẫm. Tôi khao khát làm sao moi được ở ông một chuyện gì đó ly kỳ, - đây chính là ước nguyện vốn có của tất cả những ai đi chu du và viết bút ký. Giữa lúc ấy thì ấm trà bắt đầu sôi; tôi lấy ở va ly ra hai chiếc cốc dã ngoại, rót đầy trà và đặt một cốc trước mặt ông. Ông nhấp một ngụm và nói như thể tự nói với mình: “Chuyện thì có đấy!”. Câu ông nói làm tôi chứa chan hy vọng. Tôi biết những ông già vùng Kapka thích nói, thích kể chuyện, vì với họ đó là những dịp may hiếm hoi: có người đã từng sống với trung đội của mình ở một nơi khỉ ho cò gáy trong suốt năm năm trời mà không một ai cất tiếng chào anh ta bằng hai cái tiếng thân mật “Chào ngài” (vì viên thượng sĩ chỉ nói: “Chúc ngài khỏe”). Còn để tán gẫu thì thiếu gì chuyện để nói: xung quanh là một dân tộc mọi rợ, rất đáng tò mò, nguy hiểm rình rập hàng ngày hàng giờ, những trường hợp kinh dị thường xảy ra luôn, và bỗng nhiên ta lấy làm tiếc vì ở ta không mấy ai chịu khó bỏ công ghi chép lại.
- Ông có thích pha thêm ít rượu rom không? - tôi hỏi,- tôi có mang theo ít rom trắng từ Tiflix; hôm nay trời lạnh.
- Không, đội ơn ông, tôi không uống rượu.
- Sao thế?
- Thì thế chứ sao. Tôi đã thề không bao giờ uống rượu. Khi còn là thiếu úy, có lần, ông biết không, chúng tôi đã cao hứng uống với nhau hơi quá chén, nhưng đêm ấy lại có báo động, đứng trong đội ngũ rồi mà chúng tôi vẫn còn hơi chếnh choáng, và khi chuyện đến tai ngài Alexây Pêtrôvich, thì trời ơi, ông ta nổi trận lôi đình, chúng tôi bị quở trách một trận nên thân, tí nữa thì còn bị ra tòa. Sự đời là thế, khi anh đã sống quanh năm suốt tháng không gặp một ai, nếu lại còn rượu chè vào nữa thì chỉ có hỏng bét!
Nghe tới đó tôi mất hết hy vọng.
- Ngay cả người Tserkex, - ông nói tiếp,- khi đã nốc đẫy buda trong các dịp hiếu hỷ thì thế nào cũng kết thúc bằng cuộc chém giết lẫn nhau. Có lần tôi đã phải bỏ chạy thục mạng, nhưng sau đó tôi vẫn cứ đến chơi nhà quận vương quận Mirnôp.
- Chuyện xẩy ra thế nào, thưa ông?
- Thế này, (ông tra thuốc vào tẩu, rít một hơi dài và bắt đầu kể) rồi ông sẽ thấy, hồi ấy cách đây đã gần năm năm, tôi cùng một đại đội đồn trú ở một pháo đài ở phía bên kia trấn Têrếch. Một hôm, lúc bấy giờ là mùa thu, có chuyến xe chở thực phẩm tới, đi cùng xe có một sỹ quan trẻ khoảng hai mươi lăm tuổi. Anh ta đến trình diện tôi, gọn gàng trong bộ binh phục chỉnh tề, và nói với tôi rằng anh được điều đến pháo đài này phục vụ dưới quyền chỉ huy của tôi. Thân hình anh mảnh dẻ, nước da xanh tái, áo khoác mới tinh nên tôi đoán ngay là anh ta mới đến Kapka này chưa được bao lâu. Tôi hỏi: “Ông chắc mới được điều động từ nước Nga tới đây?” “Đúng thế, thưa thượng úy!” - anh ta trả lời. Tôi nắm lấy anh ta và nói: “Rất sung sướng, rất sung sướng. Ở đây chắc ông sẽ hơi buồn đấy... nhưng không sao, chúng ta sẽ sống với nhau như bạn bè... Xin ông cứ gọi tôi là Marxim Marximich; mà này, mặc đủ lệ bộ thế làm gì? Đến chỗ tôi anh cứ đội cát két thôi cũng được”. Tôi cho người dẫn anh ta đến nơi ăn ở, và thế là anh ta ở lại pháo đài với chúng tôi.
- Nhưng anh ta tên là gì? - tôi hỏi Marxim Marximich.
- Tên là... Grigôri Alexăngđrôvich Pêtsôrin. Một cậu bé dễ thương, đúng vậy, nhưng hơi kỳ dị. Ví dụ, có lần chúng tôi đi săn, suốt ngày trời mưa và rét, ai nấy đều mệt lử và lạnh cóng, nhưng anh ta vẫn cứ nhởn nhơ như không. Nhưng lần khác, ngồi trong phòng thoáng gió, anh ta lại phàn nàn là sợ cảm lạnh, và khi cánh cửa sổ bị gió thổi kêu lách cách thì anh ta lại rùng mình, người tái mét; tôi đã từng thấy anh ta vật lộn tay đôi với con lợn rừng; có khi hàng giờ anh ta không nói một câu nhưng khi anh ta nói thì ai nấy đều buồn cười đến nôn ruột... Phải, một người tính khí hết sức kỳ quặc, và chắc phải là một tay giàu có; anh ta mang theo bao nhiêu là đồ dùng tư trang quý giá!..
- Và anh ta sống với các ông có lâu không? - Tôi lại hỏi.
- Trọn một năm. Nhưng cái năm ấy đã làm cho tôi nhớ đời. Anh ta đã gây cho tôi không biết bao nhiêu chuyện rắc rối, nhưng thôi, ta hãy quên cái đoạn đó đi. Ở đời vẫn có những kẻ vừa mới lọt lòng trời đã định sẵn là trong đời anh ta sẽ gặp nhiều chuyện khác thường.
- Khác thường? - Tôi thốt lên với vẻ thích thú ra mặt, và rót thêm trà mời ông.
- Số là thế này, tôi xin kể ông nghe. Cách pháo đài chúng tôi sáu dặm là dinh thự của một quận vương. Ông ta có cậu con trai chừng mười lăm tuổi, thường ngày vẫn đến chỗ chúng tôi, khi thì vì việc này khi thì việc khác. Chúng tôi, Pêtsôrin và tôi, quả thật là đã làm hư thằng bé. Chà, hắn là một tên bạt mạng, sáng dạ, sống cảnh nhàn cư, thích gì thì làm cho bằng được: trên mình con ngựa đang phi nước đại nó có thể cúi xuống nhặt cái mũ nằm trên mặt đất, có thể bắn súng. Nhưng cậu ta có một cái tật xấu: hám tiền quá đỗi. Có lần Pêtsôrin nói đùa, hứa sẽ cho cậu ta một đồng tiền vàng nếu cậu ăn trộm được con dê tốt nhất đàn của ông bố; và ông có biết sao không? ngay tối hôm sau, cậu ta đã túm sừng con dê kéo thẳng tới pháo đài. Nhưng thường thì chúng tôi chỉ chòng ghẹo cậu ta thôi, vậy mà đôi mắt cu cậu đã đỏ ngầu lên và tức khắc để tay lên đốc dao. “Ê hê, Adamat! Cậu không giữ nổi cái đầu trên cổ đâu, - tôi nói với nó, - cái đầu của cậu nó sẽ khốn khổ đấy!”. Một hôm ông quận vương già đã thân hành đến mời chúng tôi đi dự đám cưới: ông gả chồng cho cô con gái đầu lòng, mà chúng tôi với ông là chỗ kunac[7] với nhau, nên dù ông là người Tatar chúng tôi cũng không thể nào từ chối. Thế là chúng tôi đi. Trong bản nhiều chó, trông thấy chúng tôi cứ sủa váng lên; còn phụ nữ trông thấy chúng tôi thì bỏ chạy trốn, những người mà chúng tôi có thể nom rõ mặt thì lại chả có gì là đẹp… Pêtsôrin nói với tôi: “Tôi có cảm tưởng phụ nữ Tserkex khá hơn nhiều”. Tôi cười, đáp: “Đừng nói vội”. Tôi có nhận xét riêng của tôi. Trong nhà quận vương đã rất đông khách. Ông biết không, người Á Đông có tục lệ là tất cả những ai có việc qua lại đó đều được mời vào dự tiệc cưới. Họ chào đón chúng tôi rất long trọng và mời lên gian đại sảnh. Tuy nhiên tôi vẫn không quên quan sát xem người ta buộc ngựa của chúng tôi ở chỗ nào, ông cũng biết là đề phòng khi bất trắc…
- Nhưng họ tổ chức lễ cưới như thế nào? - Tôi hỏi ông thượng úy.
- À, cũng bình thường thôi. Vào đám, munla[8] đọc một đoạn kinh Koran, sau đó người ta tặng quà cho đôi bạn trẻ và tất cả những người thân của họ; ăn cỗ, uống buda, sau đó đến múa gươm trên mình ngựa, và ở đám nào cũng có một anh chàng ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu ngồi trên mình một con nghẽo xấu xí, khập khiễng, múa may làm trò mua vui cho đám khách khứa sang trọng; sau nữa, khi trời bắt đầu tối, trong gian đại sảnh cũng bắt đầu mở cuộc khiêu vũ, ấy là nói theo kiểu của chúng ta. Một ông già nghèo ngồi gảy bập bùng trên một cây đàn ba dây... tôi quên không biết họ gọi là đàn gì... nom thì cũng giống như đàn balalaika của ta vậy. Con gái và con trai đứng thành hai hàng, ngoảnh mặt vào nhau, vừa vỗ tay vừa hát. Rồi một đôi nam nữ bước ra giữa nhà, đai giọng ngân nga đối đáp nhau những vần thơ ứng tác, mọi người tham dự đều đồng thanh xướng họa theo. Tôi và Pêtsôrin đều ngồi chiếu trên, và thế là cô con gái út của ông chủ, tuổi chừng mười sáu, tiến tới chỗ Pêtsôrin và hát một khúc ca chào mừng anh ta... biết nói thế nào nhỉ?.. Đại loại như một bài tụng ca vậy.
- Lời lẽ cô ta hát thế nào, ông còn nhớ không?
- Có, đại khái như thế này: “Các chàng dgighit của chúng ta, kể ra, tráng kiện, và áo Kaftan trên mình họ thêu bạc, nhưng chàng sĩ quan Nga lại trẻ trung tráng kiện hơn, và lon ngù trên vai chàng nạm vàng. Ở giữa đám trai làng, chàng như cây phong, chỉ có điều cây phong ấy không lớn lên, không nở hoa trong vườn chúng ta”. Nghe xong, Pêtsôrin đứng dậy, cúi mình chào nàng, đặt tay lên trán và tim, và nhờ tôi đáp từ, chả là tôi thạo tiếng địa phương, và dịch lời đáp của anh. Khi cô ta rời khỏi chỗ chúng tôi, tôi liền ghé tai nói nhỏ với Pêtsôrin: “Thế nào, khá không hả?” “Tuyệt! - anh ta trả lời. - Nhưng cô ta tên là gì nhỉ?” “Tên cô ta là Bela”, - tôi đáp. Và quả thật cô nàng nom rất xinh, tầm vóc cao, mảnh dẻ, cặp mắt đen như con linh dương hướng về phía chúng tôi như nhìn thấu tận đáy lòng. Pêtsôrin đăm đăm nhìn cô không chớp mắt, và cô nàng thỉnh thoảng cũng đưa mắt liếc nhìn chàng. Có điều đâu phải chỉ một mình Pêtsôrin say ngắm cô tiểu thư xinh đẹp ấy. Ở góc phòng, một cặp mắt khác mở trừng trừng như hai đốm lửa cũng đang nhìn cô. Tôi đứng dậy ngó xem người ấy là ai thì nhận ra đó là Kazbich, hắn là loại người không ra tốt cũng không hẳn là xấu. Ở hắn có nhiều điều đáng ngờ, nhưng hắn chưa bao giờ bị tóm cổ vì một trò tai quái gì. Thi thoảng hắn có đưa cừu đến chỗ chúng tôi ở pháo đài và bán với giá rẻ, có điều hắn không bao giờ chịu mặc cả, nói bao nhiêu, bán bấy nhiêu dù gươm có kề cổ cũng mặc. Người ta đồn rằng hắn hay giao du với bọn thổ phỉ ở bên kia Kuban, kể ra thì nom cái mặt hắn cũng giống một thằng tướng cướp thật: người nhỏ thó, khô đanh, vai rộng... nhưng nhanh nhẹn, tháo vát thì như quỷ sứ! Cái áo besmet bao giờ cũng rách tả tơi, vá víu, nhưng vũ khí của hắn thì lại mạ bạc. Còn con ngựa của hắn thì nổi tiếng khắp vùng Kabarđa. Quả thật không tìm đâu ra một con ngựa hay hơn. Không phải vô cớ mà tất cả đám kỵ mã đều thèm muốn và đã nhiều lần định đánh cắp của hắn nhưng không xong. Cho đến lúc này, con ngựa ấy tôi vẫn còn nhớ rõ như nó đang đứng trước mặt: đen như mun, chân nhỏ như sợi dây, mắt thì không khác gì mắt Bela; còn sức khỏe thì khỏi phải nói! có thể phi năm mươi dặm liền, lại được huấn luyện khéo, chạy theo chủ như một con chó, thậm chí nó nhận ra cả giọng nói của chủ! Hắn không bao giờ phải buộc ngựa. Đúng là ngựa của tụi ăn cướp!... Buổi tối hôm ấy, Kazbich nom có vẻ cau có hơn mọi ngày, và tôi để ý thấy chiếc áo giáp của hắn lộ ra dưới lớp áo besmet. “Hắn mặc áo giáp đâu phải vô cớ, - tôi nghĩ, - nhất định là hắn đang mưu tính cái trò quái gì đây”. Trong nhà nóng bức đến nghẹt thở, tôi bèn ra ngoài cho thoáng. Màn đêm đã trùm lên khắp các ngọn núi, và sương mù bắt đầu nhởn nhơ trong các hẻm núi. Tôi bỗng nẩy ra ý định tạt vào lều nơi buộc ngựa của chúng tôi xem chúng có được ăn uống tử tế không, và lại cẩn tắc không bao giờ thừa: chẳng là tôi cũng có một con ngựa hay, đã từng làm cho nhiều chàng Kabardin xuýt xoa, ngắm nghía: “Iasi, tkhe, tsek iasi!”.[9] Ðang đi men theo hàng rào, tôi bỗng nghe có tiếng người nói chuyện; tôi nhận ra ngay một giọng nói quen: đó là cái thằng vô lại Adamat, con trai ông chủ nhà của chúng tôi; một người nữa nói ít và nói nhỏ hơn. Tôi nghĩ thầm: “Chúng nó bàn mưu tính kế gì mà phải lôi nhau ra đây nhỉ? Không chừng lại chuyện con ngựa của mình cũng nên!”. Thế là tôi ngồi thụp xuống bên cạnh hàng rào và vểnh tai lên nghe, cố không bỏ sót một lời. Ðôi khi tiếng hát, tiếng ồn ào từ trong nhà vọng ra làm át mất từng đoạn cuộc đàm thoại rất đáng quan tâm này.
- Anh có con ngựa đẹp quá! - Adamat nói, - nếu tôi là chủ nhà này và có đàn gia súc ba trăm con thì tôi sẽ biếu anh một nửa để đổi lấy con ngựa của anh, anh Kazbich ạ!
- “À, Kazbich!” - tôi nghĩ và sực nhớ đến tấm áo giáp.
- Đúng đấy! - Kazbich trả lời sau một lát im lặng, - toàn xứ Kabarđa không tìm đâu ra một con ngựa như thế. Có lần ở phía bên kia Têrếch, tao cũng với bọn thổ phỉ đi cướp đàn gia súc của tụi Nga, lần ấy chúng tao không may, và bị rượt đuổi chạy tán loạn. Tao bị bốn thằng Kôdắc rượt theo. Tao đã nghe rõ tiếng la lối của bọn ngoại đạo ấy ở phía sau, mà trước mắt tao là rừng rậm. Tao nằm bẹp trên yên và phó mặc tính mệnh cho thánh Ala, và lần đầu trong đời tao đã phải quất cho con ngựa của tao một roi. Như một con chim, nó nhảy nhót giữa đám cành cây; gai góc cào nát quần áo tao, cành du khô quất vào mặt tao. Con ngựa nhảy vọt qua các gốc cây đã đẵn, ưỡn ngực băng qua các bụi rậm. Có lẽ lúc ấy tốt hơn hết là bỏ mặc con ngựa ngoài mé rừng và đi bộ trốn vào trong rừng, nhưng tao không nỡ lòng nào rời bỏ nó và số phận đã đền bù công lao cho tao. Mấy viên đạn rít trên đầu tao, tao đã nghe rõ tiếng tụi Kôdắc đang hối hả đuổi theo... Bỗng trước mắt tao hiện ra một cái lạch sâu; con ngựa của tao do dự một giây, rồi nhảy phốc qua. Nhưng hai vó sau bị trượt ở mép bờ bên kia, và thế là nó treo mình trên hai vó trước, tao vứt dây cương đi và lao xuống lạch; con ngựa thế là thoát: nó chồm lên được khỏi bờ vực. Tụi Kôdắc thấy tất cả cảnh tượng đó nhưng không một đứa nào tụt xuống tìm tao: chắc hẳn chúng cho là tao đã va đầu vào đá mà chết, và tao nghe thấy chúng rượt theo con ngựa của tao. Lòng tao đau như cắt; tao bắt đầu trườn trên cỏ rậm dọc theo con lạch và đưa mắt nhìn: đã hết rừng, mấy thằng Kôdắc đang đi từ rừng ra đồng cỏ, và con Karaghết của tao cũng đang lao thẳng đến chỗ chúng; tất cả bọn chúng đuổi theo kêu la inh ỏi; chúng đuổi như thế rất lâu, lâu lắm, có một đôi lần một thằng trong bọn chúng suýt nữa thì ném được cái vòng thòng lọng vào cổ con vật: tao run bắn lên, mắt nhắm lại và bắt đầu cầu nguyện. Một lát sau tao mở mắt ra nhìn và thấy: con Karaghết của tao phi như bay, cái đuôi dương lên, phần phật bay trong gió. Xa xa, trên thảo nguyên, tụi ngoại đạo rơi rớt dần, ngựa của chúng đã kiệt sức. Lạy thánh Ala! đó là sự thật, sự thật chân chính! Tao ngồi mãi dưới lạch cho đến tận khuya. Bỗng nhiên - mày nghĩ sao, Adamat? Trong bóng tối mịt mùng tao nghe thấy tiếng chân ngựa chạy trên bờ lạch... thở phì phì, hí vang và gõ móng xuống đất; tao nhận ra tiếng con Karaghết của tao! Ðúng nó, người bạn trung thành của tao!... Từ đấy chúng tao chưa bao giờ xa nhau.
Và tôi nghe thấy thằng chó ấy đưa tay vỗ nhè nhẹ lên cái cổ mượt mà của con chiến mã, mồm gọi nó bằng đủ thứ tên êm ái.
- Nếu tôi có một đàn ngựa nghìn con, - Adamat nói, - tôi cũng sẽ đem tất cả ra để đổi lấy con Karaghết của anh.
- Iok[10], tao không muốn đổi, - Kazbich hờ hững đáp.
- Này, anh Kazbich ơi, - Adamat nói, giọng xun xoe, - anh là một người tốt, một chàng dgighít can đảm, còn cha tôi thì sợ tụi Nga và cấm tôi lên núi: anh cứ cho tôi con ngựa của anh và anh muốn gì tôi sẽ làm nấy, tôi sẽ lấy trộm của cha tôi cho anh khẩu súng tốt nhất hay thanh kiếm, có điều là anh thích cái gì, còn thanh kiếm của cha tôi thì đó là một báu vật: anh chỉ cần để lưỡi nó vào cánh tay là nó đã đâm vào thân anh. Còn như cái áo giáp của anh thì chả mùi mẽ gì đâu.
Kazbich im lặng.
- Lần đầu tiên tôi thấy con ngựa của anh, - Adamat nói tiếp. - Khi anh cưỡi nó quay vòng, tung vó dưới chân anh, hai cánh mũi nó phồng lên, và đá sỏi bay tung tóe dưới móng nó, trong tôi bỗng xảy ra một chuyện gì thật khó hiểu, và từ đó trở đi tôi có cảm giác chán ngấy tất cả: ngay cả những con tuấn mã hay nhất của cha tôi, tôi cũng thấy khinh, tôi thấy xấu hổ khi cưỡi trên lưng chúng, và một nỗi buồn đã xâm chiếm tâm can tôi, và khi buồn nhớ tôi ngồi liền mấy ngày trên ghềnh đá, từng giờ, từng phút tôi nghĩ tới con ngựa ô của anh, với dáng đi nhịp nhàng, với cái bờm mượt mà, thẳng tắp như mũi tên; cặp mắt linh lợi của nó nhìn vào mắt tôi như muốn nói nên lời. Anh Kazbich ơi, tôi chết mất nếu anh không bán nó cho tôi! - Adamat nói, giọng run run.
Tôi nghe thấy thằng bé khóc: nhưng cũng phải nói với ông rằng Adamat vốn là đứa trẻ cứng đầu, và thường ngày không có gì làm cho nó khóc được, ngay cả lúc nó còn ít tuổi hơn.
Ðáp lại những giọt nước mắt của thằng bé, tôi nghe thấy tiếng gì đó giống như tiếng cười.
- Này! - Adamat nói giọng cứng cỏi,- việc khó mấy tôi cũng làm được tất. Anh muốn, tôi sẽ cướp chị gái tôi cho anh? Chị gái tôi nhảy đẹp và hát hay biết bao! Còn đồ chị tôi thêu kim tuyến thì thật là kỳ quan! Ngay đến ông hoàng Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể có một người vợ như thế... Anh bằng lòng chứ? Tối mai, anh sẽ đợi tôi trên đường trong hẻm núi, cạnh con suối: tôi sẽ đi qua đó với chị tôi để sang làng bên, và thế là chị tôi thuộc về anh. Chẳng lẽ Bela không đáng giá bằng con ngựa của anh sao?
Kazbich im lặng hồi lâu, rất lâu. Cuối cùng thay vì trả lời hắn lại khẽ hát một bài ca cổ:    
Làng bản ta có nhiều cô nàng đẹp    
Sao sáng ngời trong đáy mắt các nàng.    
Mê các nàng thật ngọt ngào, thật tuyệt!    
Nhưng tự do ngang dọc vẫn thú hơn.    
Vàng có thể mua được bốn cô vợ,    
Có giá nào mua nổi con ngựa hay:    
Ngựa không bỏ ta giữa thảo nguyên bão tố.    
Không lừa dối ta, không phản bội một đời.[11]
Mặc cho Adamat nài nỉ, rồi nịnh hót, khóc lóc và thề bồi, vô ích! cuối cùng Kazbich nổi cáu:
- Cút, thằng nhãi điên rồ! Mã mày mà cưỡi được ngựa của tao ư? Chỉ ba bước là nó hất mày xuống đất, ngã vỡ sọ.
- Tao ấy ư? - Adamat thét lên tức tối và có tiếng kim khí của lưỡi kiếm non nớt chạm vào áo giáp. Một bàn tay rắn chắc hất văng chú bé ra, và chú ngã chúi vào hàng rào, mạnh đến nỗi làm cho hàng rào rung rinh. “Tấn trò chém giết bắt đầu! - Tôi nghĩ, rồi tức khắc chạy ngay vào tầu ngựa, thắng yên cương cho mấy con ngựa của chúng tôi và dắt chúng ra sân sau. Chỉ hai phút sau là cửa nhà huyên náo, rối tung rối mù. Chuyện là như thế này: Adamat chạy vào, quần áo rách bươm, hô lên rằng Kazbich định giết nó. Thế là cả nhà chồm dậy, ai nấy đều vớ lấy vũ khí, và cuộc ẩu đả bắt đầu. Đâu đâu cũng chỉ nghe thấy tiếng kêu, tiếng gào, rồi tiếng súng nổ đì đẹt; có điều là Kazbich cũng đã nhảy lên mình ngựa, và tựa như con quỷ sống, hắn vung kiếm len lỏi giữa đám đông trên đường làng.
- Quýt làm cam chịu, chả hay ho gì đâu, - tôi kéo tay Pêtsôrin và nói. - Ta chuồn sớm chả tốt hơn sao?
- Nhưng nán lại tí xem chuyện kết thúc thế nào đã?
- Đợi gì nữa, chắc chắn là tai hại rồi; đối với dân châu Á thì bao giờ chả thế: nốc buda bí tỉ rồi chém giết lẫn nhau! - chúng tôi lên ngựa và phi về pháo đài.
- Còn Kazbich thì sao? - Tôi sốt ruột hỏi ông thượng úy.
- Những hạng người như thế thì ai làm gì được chúng! - ông đáp và uống cạn chén trà. - Vì hắn đã biến mất rồi!
- Và không hề bị thương tích gì ư? - tôi hỏi.
- Có trời biết được hắn! Ngữ ấy thì chúng sống dai lắm. Trong đời tôi đã từng thấy nhiều kẻ như thế, ví như có thằng toàn thân đã bị lê đâm nát như mặt sàng mà tay hắn vẫn cứ vung kiếm. - Sau một phút im lặng, ông thượng úy giậm chân xuống đất một cái rồi nói tiếp:
- Nhưng có một điều làm tôi ân hận mãi: về đến pháo đài không biết ma quỷ gì xúi giục tôi lại đem kể hết câu chuyện đã nghe lỏm được sau hàng rào, với Pêtsôrin. Anh ta cười khì khì, - cái thằng ranh mãnh đến thế là cùng, - nhưng trong đầu thì hắn đã toan tính gì rồi đó...
- Nhưng đó là chuyện gì, xin ông kể tiếp đi!
- Chà, biết làm thế nào được! Đã khơi ra thì phải nói tiếp thôi! Bốn hôm sau Adamat tới pháo đài. Theo thói quen nó vào phòng Pêtsôrin vì anh ta lần nào cũng đãi nó bánh kẹo. Tôi cũng đang có mặt ở đó. Câu chuyện bàn đến ngựa và Pêtsôrin khen không tiếc lời con ngựa của Kazbich, nào là nhanh và đẹp như linh dương, chà, cứ theo lời anh ta thì trên đời này đó là con ngựa độc nhất vô nhị. Đôi mắt thằng bé Tatar sáng quắc lên còn Pêtsôrin thì tuồng như không để ý tới; tôi nói lảng sang chuyện khác, nhưng như ông thấy đấy anh ta lại kéo câu chuyện trở về con ngựa của Kazbich, và rồi lần nào Adamat tới cũng thế. Ba tuần sau, tôi bắt đầu để ý thấy thằng bé trở nên xanh xao và héo hắt như kẻ thất tình trong các thiên tiểu thuyết. Chuyện gì mà lạ thế nhỉ?... Như ông thấy đấy, mãi sau này tôi mới vỡ lẽ Pêtsôrin đã kích thích thằng bé đến nỗi cu cậu sẵn sàng nhảy vào lửa. Một hôm anh ta bảo thằng bé:
- Này, Adamat, ta biết chú mày say con ngựa kia lắm nhưng chú không bao giờ có được đâu; như người ta không bao giờ nhìn thấy gáy mình vậy! Mà này chú thử nói xem, nếu có ai đem cho chú con ngựa ấy, thì chú sẽ cho người ta cái gì nào?
- Cho tất, muốn gì được nấy, - Adamat trả lời.
- Vậy thì ta sẽ làm cho chú có con ngựa, nhưng với điều kiện... Chú phải thề là chú sẽ làm cơ…
- Tôi xin thề... cả anh cũng thề đi!
- Ðược! Ta thề là chú sẽ chiếm hữu được con ngựa, nhưng bù lại chú phải trao cho ta chị Bela của chú: con Karaghết sẽ là món đồ dẫn cưới chị chú. Tôi hy vọng giá ấy có lợi cho chú.
Adamat im lặng.
- Chú không muốn ư? Được, tùy thôi! Ta tưởng chú là người lớn, té ra chú vẫn là thằng nhóc con: tuổi chú cưỡi ngựa là hơi sớm quá đấy...
Adamat đỏ mặt tía tai.
- Nhưng còn cha tôi? - nó nói.
- Chẳng lẽ ông ấy không bao giờ đi vắng sao?
- Ðúng thế.
- Đồng ý chứ?
- Đồng ý, - Adamat nói lí nhí, mặt tái nhợt như xác chết.- Vậy thì bao giờ nào?
- Ngay khi Kazbich tới đây lần đầu tiên, hắn đã hứa là sẽ lùa mười con cừu tới bản; còn sao nữa thì đó là việc của ta. Hãy coi chừng, Adamat!
Ðấy, chúng đã thu xếp công việc với nhau như thế đó... nói thật ra thì đó là một việc nhơ nhuốc! Sau đó tôi có nói với Pêtsôrin như thế, nhưng anh ta chỉ trả lời rằng con bé Tserkex mọi rợ kia ắt phải lấy làm sung sướng có được người chồng đẹp trai như anh ta bởi vì theo tục lệ của họ thì dù sao anh ta cũng vẫn là chồng của cô bé, còn Kazbich là cái gì, một tên cướp cần trừng trị. Ông cứ tự phán xét xem liệu tôi còn biết trả lời hắn ra sao để ngăn cản cái việc tồi tệ ấy?.. Nhưng lúc ấy tôi đâu có biết gì về mưu kế của chúng. Thế rồi một hôm Kazbich tới và hỏi xem chúng tôi có cần mua cừu và mật không; tôi liền bảo hắn để hôm khác hãy đem đến.
- Adamat! - Pêtsôrin nói,- ngày mai con Karaghết sẽ vào tay ta; nếu tối nay Bela không có mặt tại đây, thì chú đừng hòng thấy mặt con ngựa...
- Ðược! - Adamat nói và phi nước đại về bản.
Chiều tối, Pêtsôrin trang bị cẩn thận và đi ra ngoài pháo đài. Chúng đã làm việc đó như thế nào, tôi đâu có hay, chỉ biết là đêm đến cả hai đứa cùng quay về và người lính gác đã nhìn thấy một phụ nữ, tay chân bị trói, đầu trùm khăn kín mít, nằm ngang trên yên ngựa Adamat. - Còn con ngựa? - Tôi hỏi ông thượng úy.
- Gượm đã, có ngay. Sáng hôm sau, sớm tinh mơ, Kazbich tới, và lùa tới một chục con cừu để bán! Sau khi buộc ngựa vào hàng giậu, hắn ta đến gặp tôi; tôi mời hắn uống trà vì tuy là một tên trộm cướp, nhưng dù sao hắn vẫn là kunac của tôi. Chúng tôi tán gẫu đủ thứ chuyện: bỗng nhiên tôi thấy hắn rùng mình, mặt biến sắc và hắn chồm ra cửa sổ, nhưng khốn thay cửa sổ lại trổ ra sân sau.
- Anh làm sao thế? - Tôi hỏi.
- Ngựa của tôi!.. Con ngựa! - Hắn nói, toàn thân run bần bật.
Thật vậy, tôi có nghe thấy tiếng vó ngựa: “Chắc là có người Kôdắc nào vừa tới...”
- Không, không phải! Urux iaman, iaman! (Người Nga không tốt, không tốt!) - hắn thét lên, và nhanh như con báo, nhảy bổ ra ngoài. Chỉ hai bước hắn đã nhảy ra đến sân; đến cổng pháo đài, người lính gác giơ súng ra chặn hắn lại; hắn đã nhảy qua khẩu súng và lao đầu chạy miết trên đường cái... Xa xa có đám bụi - Adamat đang phi trên mình con Karaghết hung hăng; vừa chạy Kazbich vừa rút súng ra khỏi bao và ngắm bắn. Hắn đứng ngây ra trong chốc lát để xem, nhưng khi thấy đã bắn trượt, hắn kêu lên một tiếng, đập súng vào tảng đá, đập cho đến lúc gãy nát khẩu súng rồi nằm lăn ra đất khóc như một đứa trẻ... Thế là người trong pháo đài chạy ùa ra và đứng vây quanh hắn, nhưng hắn không nhận ra ai, người ta đứng xem, bàn tán rồi bỏ ra về. Tôi bảo người mang tiền mua cừu ra đặt cạnh, hắn không hề động tới, cứ nằm úp mặt xuống đất như cái xác chết. Liệu ông có tin được không: hắn cứ nằm như thế cho tới đêm và cho đến sáng. Rồi sáng hôm sau hắn mới quay vào pháo đài và hỏi ai là người đã đánh cắp ngựa của hắn. Người lính gác có chứng kiến Adamat cởi dây buộc ngựa và phi đi mất nên đã nói toạc ra vì thấy không cần phải giấu làm gì. Nghe đến tên Adamat, mắt Kazbich long lên sòng sọc và hắn đi về phía làng, nơi có ông bố Adamat đang ở.
- Thế ông bố có sao không?
- Sự thể là Kazbich không gặp ông ở nhà: ông đi đâu vắng sáu hôm; nếu không thì Adamat làm sao cuỗm được cô chị? Về tới nhà ông bố không thấy tăm hơi cả cô con gái lẫn cậu con trai. Thằng ma lanh thế đấy: nó biết khó sống nổi với ông bố, nếu gặp ông. Thế là nó chuồn thẳng mất tăm từ đấy, chắc chắn là nó đã đi theo tụi thổ phỉ, và chắc đã lìa bỏ cái đầu nổi loạn ở một nơi nào phía bên kia Têrếch hay vùng Kuban. Thật đáng đời nó! Thú thật là cái phần trách phận của tôi cũng khá gay go. Vừa hay tin cô gái Tserkex đang ở chỗ Pêtsôrin, tôi liền đóng lon, đeo kiếm và đi tới chỗ anh ta ở. Anh ta nằm duỗi dài trên giường, trong căn phòng thứ nhất, một tay kê dưới gáy, một tay cầm chiếc tẩu tắt ngấm; cánh của sang phòng thứ hai khóa chặt, không thấy chìa trong ổ. Tôi hiểu ra ngay tất cả... Tôi liền hắng giọng và nện gót giầy trên bậu cửa, nhưng anh ta vờ như không nghe thấy.
- Ông thiếu úy! - tôi nói, cố nghiêm giọng, - chẳng lẽ ông không thấy là tôi đến tìm ông sao? - À Xin chào bác Marxim Marximich! Bác làm một điếu nhé? - anh ta trả lời, nhưng vẫn nằm yên.
- Xin lỗi ông! Tôi không phải là Marxim Marximichz, tôi là thượng úy của ông!
- Thì cũng thế cả chứ sao! Bác uống chén trà vậy nhé? Chà, nếu bác biết tôi lo lắng đến mức nào!
- Tôi biết hết rồi! - tôi trả lời, và bước tới gần giường anh ta.
- Thế thì càng hay, hiện tôi cũng đang không hứng nói chuyện.
- Ông thiếu úy, ông đã làm một việc mà cả tôi cũng phải chịu trách nhiệm...
- Thôi! Ðủ quá rồi! Chuyện gì mà ghê gớm thế? Bấy lâu nay chúng ta đã chả cùng nhau chia sẻ tất cả rồi đó sao.
- Chuyện đùa đấy hẳn?! Kiếm của ông đâu, đưa đây!
- Mitka, đưa kiếm ra đây!
Mitka xách kiếm đến. Khi đã làm xong bổn phận, tôi ngồi xuống thành giường anh ta và nói: - Này, Pêtsôrin, phải thừa nhận đó là một việc xấu xa.
- Cái gì xấu xa?
- Còn việc gì nữa, việc anh đã cuỗm cô Bela... Chính cái thằng khốn nạn Adamat đã nói với tôi!... Thôi, nhận đi! - tôi bảo anh ta.
- Nhưng tôi thích cô ta thì sao?
Nào, ông bảo tôi phải đối đáp thế nào câu ấy?.. Tôi lâm vào thế bí. Thế nhưng sau một hồi im lặng tôi bảo anh ta rằng nếu ông bố đòi thì phải trả cô ta về.
- Không cần thế đâu.
- Nhưng rồi ông ta cũng sẽ biết là cô bé đang ở đây!
- Nhưng ông ta làm sao biết được?
Lại một lần nữa, tôi lâm vào thế bí.
- Này, bác Marxim Marximich ơi! - Pêtsôrin nhổm người lên nói, - vì bác là một người phúc hậu; nhưng nếu chúng ta trả lại cô gái cho cái lão mọi rợ kia, ắt lão sẽ giết cô bé hoặc đem đi bán. Việc đã làm, không nên vì tùy thích mà làm cho rắc rối thêm; bác cứ để cô ấy ở với tôi, còn kiếm của tôi thì bác cứ giữ lấy.
- Nhưng cũng phải cho tôi xem mặt cô ta một tí chứ, - tôi nói.
- Cô ta hiện đang ở sau cái cánh cửa này, có điều là chính tôi cũng đang muốn xem mặt cô ta mà chưa được: cô ngồi trong góc, đầu trùm khăn kín, không nói và cũng không nhìn ai, nom sợ sệt như con linh dương. Tôi đã thuê bà chủ quán ăn của chúng ta, biết tiếng Tatar, bà ấy sẽ chăm sóc và khuyên nhủ cô bé để cô hiểu rằng cô ấy là của tôi, vì ngoài tôi ra cô ấy sẽ không thể thuộc ai khác, - anh ta nói thêm và đấm tay xuống bàn.- Tôi chấp nhận tất...
Ông bảo còn biết làm thế nào khác được! Ở đời có những người mà với họ ta chỉ có mỗi cách là chấp thuận.
- Nhưng rồi sao nữa? - tôi hỏi Marxim Marximich, - anh ta có thu phục được cô bé không hay cô ta chỉ chết mòn trong cảnh giam cầm, vì nhớ quê?
- Xin ông bỏ quá, chứ cớ sao lại nhớ quê? Từ trong pháo đài chúng tôi, có thể nhìn thấy cũng chính những ngọn núi ấy như đứng ngay trong bản vậy, mà với dân mọi rợ ấy thì họ chả cần cái quái gì hơn. Rồi hàng ngày Pêtsôrin lại đem tặng cô một món quà; mấy ngày đầu cô ta im lặng hãnh diện chối từ và như vậy thì những món quà đó lại rơi vào tay người hầu, khiến bà ta dẻo miệng hơn. Chao ôi, quà cáp! có gì mà người phụ nữ không làm vì một miếng giẻ rách bằng vải màu! Nhưng thôi tôi lại nói trệch đường rồi... Pêtsôrin chật vật mãi với cô ta và trong khoảng thời gian này anh học tiếng Tatar và cô bé cũng bắt đầu hiểu được tiếng Nga. Dần dà cô ta cũng quen nhìn anh chàng, lúc đầu còn nhìn trộm, liếc ngang; nhưng vẫn buồn rười rượi và khe khẽ hát những khúc ca riêng của mình, và giọng cô buồn đến nỗi mỗi khi nghe cô hát ở phòng bên bản thân tôi đôi lúc cũng thấy buồn. Một cảnh tượng khiến tôi không tài nào quên: khi đi ngang qua cửa sổ, tôi có ngó vào trong phòng; Bela đang ngồi trên giường đầu cúi xuống sát ngực, còn Pêtsôrin thì đứng trước mặt cô.
- Hãy nghe anh hỡi thiên thần gãy cánh, - anh ta nói, - chính em cũng biết, sớm muộn gì em cũng là của anh, vậy thì tại sao em cứ làm khổ anh mãi? chẳng lẽ em đã yêu một cậu Tserkex nào rồi? Nếu đúng như thế thì anh sẽ để em về ngay tức khắc - Cô bé khẽ rùng mình và lắc đầu. Hay - anh ta nói tiếp, - em thấy anh chỉ là một thằng khả ố? - Cô ta thở dài. - Hay tôn giáo của em cấm em không được yêu anh? - Cô bé tái xanh và vẫn im lặng. - Hãy tin anh?! Đức Anla là chung cho mọi bộ lạc và nếu Ngài cho phép anh yêu em, thì lẽ nào Ngài lại cấm em đáp lại tình anh? - cô bé nhìn thẳng vào mặt anh ta chăm chú, tuồng như bị xúc động vì cái ý nghĩ mới mẻ này; trong đôi mắt cô ánh lên nỗi ngờ vực và lòng mong ước xác tín. Ôi đôi mắt! Nó rực lên như hai cục than hồng!
- Hãy nghe đây, Bela yêu quý và nhân từ! - Pêtsôrin nói tiếp, - em đã biết anh yêu em đến mức nào rồi; anh sẵn sàng hy sinh tất cả để thấy em vui: anh muốn em được sung sướng nhưng nếu em lại buồn thì anh đến chết mất. Hứa với anh là em sẽ vui?
Cô nghĩ ngợi, đôi mắt đen láy vẫn chăm chú nhìn Pêtsôrin, sau đó cô mỉm cười âu yếm và gật đầu tỏ lòng chấp thuận. Anh nắm lấy tay cô và bắt đầu dụ dỗ để cô hôn anh; cô từ chối một cách yếu ớt và chỉ nhắc đi nhắc lại: “Kìa anh, đừng, đừng làm thế”. Anh ta cố nài nỉ, người cô run lên và khóc:
- Em là tù nhân của anh, - cô nói, - là nô lệ của anh; tất nhiên, anh muốn bắt thế nào em chả phải chịu, - rồi nước mắt cô lại trào ra.
Pêtsôrin đấm tay lên trán và lao qua phòng bên. Tôi bước vào, anh ta đang khoanh tay trước ngực, mặt sa sầm, đi đi lại lại ở trong phòng.
- Sao thế, anh bạn? - Tôi hỏi.
- Một con quỷ chứ đâu phải đàn bà, - anh đáp, - có điều tôi xin hứa với bác, một lời hứa danh dự, nó sẽ là của tôi...
Tôi lắc đầu.
- Bác có dám cuộc không? - anh ta nói, - một tuần!
- Thì cuộc!
Chúng tôi vỗ đét vào tay nhau và chia tay. Ngay hôm sau, Pêtsôrin vội vã cho người chạy thư đến Kizliar để mua đủ các thứ quà, họ chở về đủ các loại vải Ba Tư, nhiều đến nỗi không đếm xuể.
- Bác nghĩ thế nào, bác Marxim Marximich! - anh ta nói với tôi, tay chỉ đống tặng phẩm, - liệu mỹ nhân châu Á ấy có trụ nổi trước cái khẩu đội như thế này không?
- Anh chưa biết đám phụ nữ Tserkex đấy thôi - tôi trả lời, - họ không giống như phụ nữ Gruzi hay phụ nữ Tatar Ngoại Kapka đâu, không giống mảy may! Họ có quy tắc riêng, kiểu giáo dục riêng!
Pêtsôrin mỉm cười và miệng huýt sáo một khúc quân hành. Nhưng rốt cuộc thì tôi đã nói đúng quà cáp chỉ có tác dụng một phần nào; cô bé tỏ ra dịu dàng và tin cậy hơn - nhưng cũng chỉ thế thôi; điều đó khiến anh chàng phải dùng tới phương pháp cuối cùng. Một buổi sáng anh ta cho đóng ngựa, ăn mặc như người Tserkex, mang vũ khí và đến gặp cô: “Bela! - anh nói, - em biết là anh yêu em đến mức nào. Anh đã dám bắt cóc em vì anh nghĩ, một khi em biết rõ anh, em sẽ yêu anh; nhưng anh nhầm: Xin vĩnh biệt! em ở lại mà cai quản tất cả những gì anh có; em có thể trở về với bố nếu em muốn - em tự do. Anh có tội với em và anh phải tự trừng phạt mình; vĩnh biệt em, anh đi đây - đi đâu? Anh nào biết! Anh ra đi tìm một mũi tên hay nhát kiếm, may ra thì cũng nhanh thôi; lúc đó, em hãy nhớ tới anh và tha thứ cho anh”. Anh quay người và giơ tay ra cho cô để từ biệt. Cô không cầm tay anh và vẫn im lặng. Lúc đó tôi đứng sau cửa, qua khe hở, tôi có thể trông thấy rõ mặt cô: thật tội nghiệp - khuôn mặt xinh xắn ấy phủ một màu xanh bợt như xác chết! Không thấy trả lời, Pêtsôrin liền bước mấy bước ra phía cửa; anh ta run lên, - và điều này không biết có nên nói với ông không? - tôi nghĩ anh ta có thể biến những điều vừa nói đùa thành thật. Tính anh ta như thế mà, có trời biết! Nhưng anh chàng vừa chạm tay vào cánh cửa thì cô nàng liền nhảy chồm tới, khóc nức nở và ôm lấy cổ anh. Liệu ông có tin được không? đứng sau cửa tôi cũng khóc, tức là đâu có đáng khóc, nhưng sự thể là thế, ông cũng thấy - rõ là một trò ngu xuẩn!..
Thượng úy lại ngừng lời.
- Phải, xin thú thực, - sau đó ông nói, tay vân vê bộ ria mép, - tôi cảm thấy đau lòng vì trong đời tôi chưa hề được một người đàn bà nào yêu tha thiết đến thế.
- Nhưng hạnh phúc của họ có bền lâu không? - tôi hỏi.
- Có! Cô bé đã thú với chúng tôi rằng, ngay từ lần đầu trông thấy Pêtsôrin cô đã thường mơ thấy anh và trong đời cô chưa một người đàn ông nào có thể gây cho cô ấn tượng sâu sắc đến thế. Vâng, quả là họ đã sống hạnh phúc!
- Thế thì chán chết! - Tôi buột miệng thốt lên.
Thực ra thì tôi đang chờ đợi một kết cục bi thảm cơ, ấy vậy mà bỗng chốc mọi hy vọng của tôi lại bị mắc lừa một cách thật bất ngờ!...
- Nhưng lẽ nào, - tôi nói thế, - ông bố lại không đoán ra là cô gái đang ở chỗ các ông trong pháo đài?
- Tức là ông ta cũng có ngờ ngợ, hình như thế. Vài hôm sau, chúng tôi được tin ông già bị ám sát. Chuyện xảy ra như thế này...
Hứng thú của tôi lại bừng lên.
- Phải nói với ông là Kazbich tưởng rằng Adamat đã ăn cướp ngựa của hắn ít ra thì cũng được ông bố đồng ý, ấy là tôi phỏng đoán như vậy. Thế rồi một hôm hắn đợi trên đường cái, cách bản ba dặm: ông già quay về bản sau khi không tìm thấy con gái. Lính hầu đi thụt lại phía sau, - lúc ấy trời chập choạng tối, - ông đăm chiêu cho ngựa đi từng bước một, thình lình từ trong bụi Kazbich nhảy bổ ra như một con mèo, và chồm lên mông con ngựa của ông, bằng một nhát dao hất ông ngã nhào xuống đất, cướp lấy dây cương, và thế là xong. Vài anh lính hầu đứng trên mỏm đất cao trông thấy tất cả cảnh tượng ấy; họ vội rượt theo nhưng không kịp.
- Hắn bù lại con ngựa đã mất và báo thù, - tôi nói, để gợi ý người kể chuyện.
- Tất nhiên, theo quan điểm của họ, - thượng úy nói, - thì hắn đã làm đúng.
Bất giác tôi thấy kinh ngạc trước khả năng của người Nga dễ thích nghi với phong tục của các dân tộc mà họ có dịp sống chung, tôi không biết đặc tính ấy của trí tuệ là đáng chê hay đang khen, nhưng nó chứng tỏ cái trí tuệ ấy cục kỳ mềm dẻo, và khối óc ấy sáng suốt biết tha thứ điều ác ở những nơi phải có, hay không thể tiêu diệt được nó.
Trong khoảng thời gian ấy chúng tôi đã uống cạn trà; ngựa đóng vào xe đã lâu đang đứng run trong tuyết. Trăng nhạt dần ở phương Tây và sẵn sàng chìm vào những đám mây đen lơ lửng trên các đỉnh núi xa, nom giống như những mảnh rèm rách tả tơi. Chúng tôi ra khỏi nhà. Trái với lời dự đoán của ông bạn đường, trời trở nên quang đãng và báo trước một buổi sáng thanh bình. Phía chân trời xa các vì sao đang múa vòng, bện vào nhau thành những hình hoa văn kỳ ảo; nhưng rồi từng ngôi đang tắt dần vì ánh lê mình nhàn nhạt từ phương Đông đang lan rộng trên vòm trời tím sẫm và hắt ánh hồng lên những sườn núi phủ tuyết trắng trinh tiết, núi mỗi lúc một thêm dốc. Hai bên đường là những vực thẳm tối tăm, bí hiểm, và sương mù cuồn cuộn, uốn mình như bầy rắn trườn xuống vực theo các nếp nhăn của các vách đá lân cận tuồng như chúng cảm thấy sợ ánh ngày đang tới.
Trên trời, dưới đất, khắp nơi đều an bình như lòng người vào giờ cầu kinh buổi sáng, chỉ thỉnh thoảng mới thấy một cơn gió lạnh từ phía đông thổi tới, làm tung bờm lũ ngựa còn ướt đẫm hơi sương. Chúng tôi lên đường; năm con nghẽo gầy giơ xương, ì ạch kéo những chiếc xe của chúng tôi trên con đường ngoằn ngoèo đi lên núi Gút. Chúng tôi đi bộ theo sau, lấy đá chặn bánh xe mỗi khi ngựa kiệt lực phải dừng lại; có cảm tưởng là con đường đi lên trời, vì theo tầm mắt, người ta thấy nó đi lên, lên mãi để cuối cùng mất hút vào đám mây đã nghỉ chân trên đỉnh núi Gút từ chiều hôm qua nom giống như một con diều hâu đang rình mồi; tuyết kêu lạo xạo dưới chân, không khí trở nên loãng đến khó thở, máu bốc lên đầu mỗi lúc một nhiều, thế nhưng một cảm giác khoan khoái lạ kỳ cứ lan tỏa khắp mọi vi ti huyết quản tôi và tôi thấy có gì vui vui như vậy là mình cao hơn nhân thế, - một cảm giác trẻ thơ: đúng thế, nhưng khi người ta xa rời những quy ước xã hội và tiếp cận với thiên nhiên, bất giác chúng ta trở thành con trẻ, hồn ta rũ sạch những ý niệm đã có và lại trở thành nguyên sơ như thuở nào, để một lúc nào đó chắc chắn lại sẽ trở về như cũ... Những ai đã có dịp đi du ngoạn trên những ngọn núi hoang vắng như tôi lúc này, đã từng say ngắm những hình ảnh kỳ dị của chúng và say sưa hít thờ bầu không khí trong lành tràn đầy trong các khe núi, tất nhiên người đó sẽ hiểu được lòng mong muốn của tôi là truyền đạt, diễn tả và minh họa lại những bức tranh thần tiên này. Thế rồi rút cục chúng tôi cũng tới đỉnh núi Gút, dừng chân và đưa mắt nhìn quanh: treo lơ lửng trên đỉnh núi là một đám mây xám, và hơi thở lạnh của nó báo hiệu một cơn dông đang đến gần, nhưng ở phía đông trời vẫn sáng sủa và vàng óng làm cho chúng tôi, tức là tôi và ông thượng úy, quên hẳn đám mây đen kia... Vâng, cả ông thượng úy nữa: trong tâm hồn những người bình dị cảm giác về cái đẹp và sự hùng vĩ của tạo hóa mạnh mẽ và sống động hơn gấp trăm lần chúng ta, những người chỉ thích diễn tả bằng lời và bằng giấy.
- Ông, tôi thiết tưởng, đã quá quen với những cảnh sắc huy hoàng này? - tôi hỏi ông.
- Vâng, đúng thế, và có thể còn quen với cả tiếng đạn rít, tức là quen giấu đi tiếng đập vô tình của con tim.
- Nhưng tôi lại nghe nói khác cơ, rằng đối với một số quân nhân già, điệu nhạc ấy nghe cũng có cái thú của nó.
- Cố nhiên, nếu ông muốn thì thấy nó cũng dễ chịu thật, nhưng dẫu sao cũng chỉ tại vì rằng trái tim đập mạnh hơn! Ông nhìn kìa! - Ông nói thêm, tay chỉ về phương Ðông - miền đất kia sao mà đẹp thế!
Và đúng thế, đời tôi vị tất còn có dịp nào được ngắm một cảnh sắc đẹp như thế một lần nữa không: phía dưới chúng tôi là thung lũng Kôisau có con sông Aragva và một con, suối khác cắt ngang như hai sợi chỉ bạc; sương mù xanh nhạt lướt trôi trong thung, lẫn vào những hốc núi lân cận để tránh tia nắng ấm ban mai, hai bên là những sống núi, cái nọ cao hơn cái kia, đan chen vào nhau và nằm duỗi dài dưới lớp tuyết và cây cối. Xa xa, cũng vẫn là những ngọn núi ấy nhưng lại có hai vách đá giống nhau, - và tất cả những đám tuyết kia đểu tỏa ra một thứ ánh hồng, tươi vui và trong sáng đến nỗi tưởng như ta có thể sống ở đó suốt đời. Mặt trời vừa mới ló dạng sau dãy núi xanh sẫm mà chỉ có con mắt tinh tường mới phân biệt nổi nó với làn mây đen của cơn dông. Nhưng phía trên mặt trời là một đường rạch màu đỏ máu mà ông bạn đường của tôi rất quan tâm. “Tôi đã nói với ông rồi mà - ông thốt lên, - hôm nay trời sẽ xấu; phải nhanh lên nếu không, có lẽ, ta sẽ gặp mưa trên đỉnh Cây thập tự. Thôi lên đường!” - ông ta ra lệnh cho mấy người đánh xe.
Người ta quàng vào bánh xe những sợi dây xích sắt thay cho phanh, để chúng khỏi lăn quá đà, rồi nắm lấy dây cương và bắt đầu xuống núi. Bên phải là vách đá dựng đứng và bên trái là vực sâu thăm thẳm đến nỗi cả cái làng của người Ôxetin nằm dưới đáy vực mà trông cũng chỉ như cái tổ én. Tôi rùng mình khi nghĩ đến người đưa thư nào đó thường qua lại đây, mỗi năm khoảng mười lần, ngồi trên chiếc xe lắc lư, đi trong đêm tối mịt mùng trên con đường chật không đủ cho hai chiếc xe tránh nhau này. Một trong hai anh đánh xe của chúng tôi là người Nga, nông dân vùng Iarôzlap, người thứ hai là dân Ôxetin: Người thứ hai hết sức cẩn thận, nắm cương dắt con ngựa giữa, sau khi đã tháo ách cho những con ngựa bên, - còn anh chàng người Nga bất cần đời của chúng ta thậm chí không thèm xuống khỏi xe. Khi tôi nhắc anh ta là ít ra thì cũng nên để ý đến cái va ly của tôi vì tôi không muốn tụt xuống đáy vực để nhặt lại thì anh ta đã trả lời tôi: “Nhưng thưa ông, nhờ trời rồi chúng ta cũng sẽ tới nơi, không thua kém gì họ: bởi vì chúng tôi đi đây đâu phải lần đầu!”. Và anh ta nói có lý: chúng tôi quả thật đã tưởng là sẽ không đi tới nơi, thế nhưng rồi vẫn cứ tới được, và nếu mỗi người đều nghĩ kỹ thêm chút nữa thì hẳn họ đã khẳng định được rằng cuộc đời không đáng để ta bận tâm nhiều đến thế.
Nhưng các bạn có lẽ muốn biết đoạn cuối của câu chuyện về Bela? Trước hết, tôi không viết truyện mà viết bút ký, do đó, tôi không thể bắt ông thượng uý phải kể trước, mà thực ra thì ông cũng đã bắt đầu kể rồi. Vậy mong bạn hãy đợi một chút hay, nếu muốn thì bạn hãy bỏ qua mấy trang, nhưng tôi khuyên bạn đừng làm điều đó, bởi vì đoạn đường vượt qua núi Cây thập tự[12] (hay là le Mont St-Christophe[13] như nhà bác học Gamba vẫn gọi) cũng đáng để các bạn quan tâm lắm. Thế là, chúng tôi từ núi Gút tụt xuống thung lũng Quỷ[14]… Cái tên này nghe cũng khá là lãng mạn! các bạn sẽ thấy cái hang ổ của vị hung thần này giữa những vách đá dựng đứng không thể vượt qua, nhưng không phải thế đâu! Chữ Tsertôva là do chữ tserta (đường biên) - chứ không phải chữ tsort (con quỷ), - bởi vì ở đây trước là biên giới xứ Gruzi. Thung lũng này ngổn ngang những ụ tuyết và khá giống Xaratốp, Tambôp và nhiều nơi thân thương khác của tổ quốc ta.
- Ðỉnh cây thập tự kia rồi! - thượng úy nói với tôi khi chúng tôi tới thung lũng Quỷ, tay chỉ một quả đồi chìm trong màn tuyết trên đỉnh núi đã thấy thấp thoáng cái bóng dáng đen đen của cây thập tự bằng đá; một con đường nom không rõ lắm đi men qua cây thập tự; con đường này chỉ dùng khi tuyết rơi ngập con đường bên. Những người đánh xe nói rằng tuyết vẫn chưa sập, và để ngựa đỡ mệt, họ dẫn chúng tôi đi bằng con đường vòng; đến chỗ ngoặt chúng tôi gặp năm người Ôxetin. Họ đề nghị cho họ được giúp chúng tôi một tay, và bíu ngay lấy bánh xe; họ vừa hò vừa kéo và đẩy xe chúng tôi lên. Quả thật, đường đi hiểm trở lắm. Phía phải là những đụn tuyết treo lơ lửng trên đầu chúng tôi, tưởng chừng chỉ cần một cơn gió nhẹ là sẽ sụp ngay xuống con đường hẻm. Con đường hẹp tuyết phủ một phần, ở chỗ này thì tuyết sụt dưới chân chỗ khác nó lại biến thành băng dưới tác động của ánh nắng và băng giá ban đêm, vì vậy mà chính chúng tôi cũng phải vất vả lắm mới đi lên được. Ngựa ngã luôn, phía trái là một cái khe sâu há hốc miệng: dưới đó có một con suối chảy, khi thì mất hút dưới lớp băng, khi thì nhảy chồm chồm trên những tảng đá đen, tung bọt trắng xóa.
Hai giờ sau chúng tôi mới vòng qua được đỉnh Cây thập tự - hai dặm mà đi mất hai giờ! Giữa lúc đó, mây đen lại sà xuống, rồi mưa đá và tuyết cũng đổ ập xuống luôn.
Gió thổi luôn vào các hẻm núi, vừa rít vừa gào rú như tên đạo tặc Xalôvây[15] và lát sau cây thập tự bằng đá đã khuất dạng trong sương mù từ phương Đông ùn ùn chạy lại, mỗi lúc một dày đặc và chặt sít hơn.
Luôn tiện cũng nói thêm, về Cây thập tự này hiện có một huyền thoại kỳ lạ nhưng rất phổ biến trong dân gian, tuồng như nó đã được Hoàng đế Piôtr Đệ nhất dựng lên trong chuyến Ngài đi qua Kapka; nhưng trước hết Piôtr chỉ mới đến Đagetxtan và sau nữa là trên cây thập tự có ghi bằng những nét chữ to tướng, chỉ rằng nó đã được dựng lên không những theo lệnh của tướng Ermôlôp mà còn ghi rõ vào đúng năm 1824.
Ghi thì ghi nhưng câu huyền thoại vẫn cứ bám sâu vào đầu óc đến nỗi người ta, nói cho đúng, là không biết tin vào cái nào, hơn nữa chúng ta lại không có thói quen tin tưởng vào những đề từ.
Chúng tôi còn phải đi thêm khoảng năm dặm trên những vách đá phủ băng và trong tuyết lầy mới tới được trạm Kôbi. Ngựa đã mệt lử, và người thì rét cóng, cơn bão tuyết gầm rú mỗi lúc một dữ dội hơn, cũng giống như những cơn bão ở miền Bắc chúng ta, có điều là ở đây tiếng kêu hoang sơ của nó nghe rền rĩ, thê lương hơn.
Tôi thầm nghĩ: “Và cả mi, kẻ tha phương khóc thương miền thảo nguyên bao la, rộng lớn. Ðây là nơi mi tự do tung cánh lạnh lùng, còn ở đây, mi cảm thấy chật chội, ngột ngạt như con đại bàng hét vang đập đầu vào song sắt giam cầm”.
- Nguy to rồi, - thượng úy nói, - trông kìa: xung quanh mù mịt, chỉ thấy mây mù và tuyết; - coi chừng kẻo chúng ta rất có thể lăn xuống vực hay rơi vào rừng rậm, còn ở phía dưới nữa có lẽ là con sông Baiđara chảy siết đến nỗi không tài nào qua được. Ôi, tôi cũng đến khổ với cái xứ châu Á này! Không thể nào trông cậy được - sông chả ra sông người chả ra người. Những người đánh xe mồm kêu la và rủa xả, tay quất mạnh vào mông những con ngựa cứ thở phì phì, đứng ỳ ra và muốn gì thì cũng không chịu cất bước, mặc cho những ngọn roi cứ ra sức hùng biện.
- Bẩm quan lớn, - cuối cùng một người đánh xe nói, - chiều nay chắc chúng ta không tài nào đến Kôbi được đâu; liệu ngài có cho phép chúng tôi rẽ trái, trong lúc còn có thể rẽ được không ạ? Kìa, ngài có thấy một vật đen đen trên dốc núi kia không ạ - chắc chắn đó là những ngôi nhà xaklia, đó là nơi khách qua đường bao giờ cũng trú chân mỗi khi gặp thời tiết xấu; họ bảo rằng họ sẽ dẫn chúng ta tới đấy, nếu ngài thưởng cho họ ít tiền, - anh ta nói thêm, tay chỉ mấy người Ôxetin.
- Ta biết rồi, chú mày ơi, chẳng cần chú mày ta cũng biết! - Thượng úy nói, - bọn láu cá ấy chỉ tìm cách sinh sự để bòn rút tiền uống rượu là khoái.
- Thế nhưng ông phải thừa nhận rằng, - tôi nói, - không có chúng thì chúng ta còn khốn đốn hơn nữa cơ.
- Đúng, đúng thế - ông ta làu bàu, - tôi quả có cần người dẫn đường thật! bọn chúng đã đánh hơi thấy dịp kiếm chác, cứ làm như không có chúng thì không ai tìm ra đường.
Thế là chúng tôi rẽ trái, và sau nhiều lần bận rộn, vất vả lắm mới tới được một nơi trú ẩn tồi tàn, gồm hai căn nhà con xây bằng đá phiến và đá hộc, tường bao quanh cũng thế. Những người chủ nhà quần áo rách rưới tiếp đón chúng tôi rất ân cần. Sau này tôi mới biết rằng chính phủ trả lương và nuôi họ với điều kiện là họ phải tiếp nhận khách qua đường khi gặp bão tuyết.
- Mọi việc thế mà lại hóa hay, - tôi vừa nói vừa ngồi xuống cạnh bếp lửa, - bây giờ thì ông hãy kể nốt cho tôi nghe câu chuyện về Bela; tôi chắc là chuyện chưa hết.
- Nhưng tại sao ông lại tin như thế? - thượng úy vừa trả lời tôi vừa nháy mắt với nụ cười hóm hỉnh.
- Vì như thế không hợp với quy luật của sự vật: cái gì đã bắt đầu một cách phi thường thì ắt cũng sẽ kết thúc như thế.
- Vâng, ông đoán đúng...
- Thế thì hay quá.
- Ông thấy hay, thế là quý rồi, còn tôi, thực tình tôi lại thấy buồn khi phải xáo lại những kỷ niệm xưa. Cái con bé Bela ấy quả là một cô gái tuyệt sắc! Ðối với nó, cuối cùng tôi đã quen cư xử như cha với con; và nó cũng yêu mến tôi. Phải nói với ông là tôi không có gia đình: khoảng mười hai năm nay tôi bặt tin cả cha lẫn mẹ, lúc còn trẻ lại không nghĩ ra là phải lấy vợ; còn lúc này thì, ông cũng thấy đấy, muộn mất rồi; và tôi đã lấy làm sung sướng vì từ nay đã có người để nâng niu. Cô bé thường hát cho chúng tôi nghe hoặc nhảy điệu lezghinka[16]... Và, nó nhảy thì quả là miễn chê! Tôi đã từng thấy các cô tiểu thư tỉnh lẻ của chúng ta nhảy rồi, có lần tôi còn tham dự một cuộc họp mặt của giới quý tộc ở Matxkơva, cách đây khoảng hai mươi năm - so với nó thì chả thấm vào đâu! Hoàn toàn không giống như cô bé!... Pêtsôrin ăn vận cho cô như một con búp bê, chiều chuộng và nâng niu, và cô đã trở nên xinh đẹp như một báu vật kỳ lạ trong pháo đài chúng tôi; mặt và tay đã mất mầu rám nắng, má ửng hồng... Cô bé vui tính đáo để và luôn luôn trêu chọc tôi, một cô bé tinh nghịch!.. Cầu chúa tha tội cho nó!..
- Nhưng khi các ông báo cho cô ta biết việc ông bố cô bị giết chết thì cô bé có thái độ thế nào?
- Chúng tôi giấu nó mãi cho đến khi nó đã quen với hoàn cảnh mới của nó; khi chúng tôi cho nó biết, nó đã khóc hai ngày liền, rồi cũng quên. Bốn tháng trôi qua mọi việc đều êm ru. Pêtsôrin, hình như tôi đã nói với ông rồi, mê săn bắn đến khủng khiếp; anh ta luôn khao khát vào rừng săn dê hay lợn rừng, ấy thế mà từ đó anh ta không hề rời khỏi pháo đài. Thế nhưng một hôm, tôi thấy anh ta lại bắt đầu trầm ngâm, đi bách bộ trong phòng, tay chắp sau lưng; sau đó có lần, không nói với ai, anh ta xách súng đi săn, và suốt buổi sáng hôm đó, không ai thấy mặt anh ta đâu; một lần, hai lần, rồi càng ngày càng nhiều... “Không tốt lành gì đâu, - tôi nghĩ, - giữa họ chắc hẳn lại có chuyện gì xấu rồi!”. Một buổi sớm, tôi tới chỗ họ ở, đến bây giờ cảnh ấy vẫn hiện rõ mồn một trước mắt tôi: Bela đang ngồi trên giường, trong bộ besmet bằng lụa đen, nom cô bé xanh xao và buồn rượi đến nỗi tôi phát sợ.
- Pêtsôrin đâu? - tôi hỏi.
- Đi săn rồi.
- Đi sáng nay à?
Cô bé nín lặng, tuồng như cô có điều gì khó nói.
- Không, từ hôm qua! - cuối cùng cô nói và thở dài não nuột.
- Chẳng lẽ cậu ấy lại gặp chuyện gì chẳng lành rồi sao?
- Hôm qua cháu cứ nghĩ ngợi suốt ngày, - cô bé trả lời, nước mắt chảy quanh.- cháu tưởng tượng ra đủ chuyện rủi ro: khi thì cháu nghĩ anh ấy bị lợn rừng húc, có khi lại thấy anh ấy bị một thằng Tserkex bắt vào núi... Nhưng hôm nay, thì cháu lại nghĩ rằng anh ấy không yêu cháu nữa.
- Của đáng tội thì, cháu yêu ơi, cháu không thể nghĩ ra điều gì tồi tệ hơn!
Cô khóc, nhưng sau đó lại kiêu hãnh ngẩng mặt lên, lau nước mắt và tiếp:
- Nếu anh ấy không yêu cháu nữa thì việc gì anh ấy lại không trả cháu về nhà? Cháu có bó buộc gì anh ấy đâu! Còn nếu cứ tiếp tục như thế này, cháu sẽ bỏ đi: cháu không phải là nô lệ của anh ấy, cháu là con gái quận vương!..
Tôi dỗ dành cô:
- Này, Bela ạ, nó không thể cứ ngồi lỳ ở đây để bám váy cháu được đâu: nó còn trẻ, ham mê săn bắn thú hoang, nó đi rồi nó lại về; nhưng nếu cháu cứ buồn mãi, thì chẳng mấy chốc mà nó chán đấy.
- Dạ, dạ - cô đáp, - cháu sẽ vui! - Rồi cười khanh khách, cô vớ lấy cái trống tambôranh, bắt đầu hát và vừa múa vừa nhảy cẫng lên ở cạnh tôi; nhưng rồi cũng không được lâu, cô lại nằm vật xuống giường, hai tay bưng lấy mặt. Tôi còn biết nói năng gì với cô bé ấy nữa? Tôi thì ông biết đấy, chưa bao giờ tiếp xúc với phụ nữ; tôi cứ nghĩ mãi xem có cách nào dỗ dành an ủi cô bé, mà chả nghĩ ra được điều gì. Một lúc lâu cả hai chúng tôi đều im lặng... Thật là một tình cảnh quá ư sượng sùng. Cuối cùng tôi nói: “Này cháu, chúng ta ra ngoài thành dạo một vòng đi? Trời đẹp quá!”.
Lúc đó là tháng chín, và quả là một ngày tuyệt vời, trời trong sáng và không nóng lắm, mọi ngọn núi đều hiện rõ như hình vẽ trong đáy đĩa. Chúng tôi lặng lẽ đi đi, lại lại trên mặt thành, sau cùng cô ngồi xuống đám cỏ, và tôi cũng ngồi xuống cạnh cô. Thật là buồn cười khi nghĩ lại cảnh tượng ấy: tôi chạy theo cô bé như một bà vú vậy. Pháo đài của chúng tôi ở trên cao, và từ tường thành trông ra cảnh sắc thật ngoạn mục: một bên là bãi cỏ rộng với vài ba cái mương xói cắt ngang, cuối bãi là một khu rừng lan rộng lên cao đến tận đỉnh núi; đó đây trên đồng cỏ loáng thoáng những lùm khói của các bản làng, gia súc đi lại từng đàn; bên kia là con sông nhỏ, tiếp giáp với nó là những cây bụi phủ dầy lên trên những quả đồi đá nối dài tới dãy núi chính là dãy Kapka.
Chúng tôi ngồi ở góc pháo đài cho nên trông thấy được tất cả những việc xảy ra ở hai bên. Tôi bỗng thấy một người cưỡi con ngựa xám từ rừng đi ra, tiến về phía chúng tôi mỗi lúc một gần, cuối cùng anh ta dừng lại ở phía bên kia sông, cách chỗ chúng tôi chừng một trăm xagien, và bắt đầu quần đảo trên lưng ngựa như một thằng điên. Cái gì mà lạ thế nhỉ?
- Cháu nhìn kìa, Bela, mắt cháu tinh, cháu nhìn xem, chàng dgrighit kia là ai, anh đến đây làm trò gì thế nhỉ?..
Bela nhìn và kêu lên:
- Đó là thằng Kazbich!
- À thằng giặc! nó đến để cười vào mũi chúng ta ư? - Tôi nhìn kỹ, đúng là Kazbich: vẫn đen nhẻm, rách rưới và bẩn thỉu như hồi xưa.
- Đó là con ngựa của cha cháu. - Bela nói và nắm lấy tay tôi, cô run run như tầu lá, mắt cô sáng quắc. “Á à! - tôi nghĩ thầm,- cháu yêu ơi, hóa ra trong cháu cái máu nổi loạn đâu đã lặng!”.
- Này, lại đây, - tôi gọi tên lính gác, - thử lại súng và hạ thằng kia cho ta, chú sẽ được một rúp bạc đấy.
- Bẩm quan lớn, vâng ạ; có điều là hắn có chịu đứng yên cho đâu...
- Thì bảo hắn đứng lại! - Tôi cười bảo tên lính.
- Ê hê, ông bạn! - người lính gác vừa gọi vừa vẫy tay với hắn, - hãy dừng lại tí nào, sao lại cứ quay tít như cái cù thế hả?
Kazbich dừng lại thực và lắng tai nghe: chắc hẳn - hắn tưởng người ta sẽ điều đình với hắn, - nhưng hoàn toàn không phải thế... Người lính giơ súng ngắm. Đoàng... trượt mất rồi, thuốc súng vừa bùng cháy, Kazbich đã thúc ngựa, và con ngựa nhảy chồm sang một bên. Đứng thẳng trên bàn đạp, hắn nói gì đó bằng tiếng địa phương, và giơ roi lên dọa dẫm, và biến mất tăm.
- Sao chú lại không thấy xấu hổ nhỉ, - tôi nói với anh lính gác.
- Bẩm quan lớn, rồi hắn cũng sẽ chết ở nơi khác thôi, - anh lính trả lời, - loại người đáng nguyền rủa ấy không tài nào giết ngay bằng một phát được, đằng nào thì hắn cũng chết.
Khoảng mười lăm phút sau, Pêtsôrin đi săn về. Bela nhảy tới bá lấy cổ anh, không phàn nàn, không oán trách một lời vì tội bỏ đi lâu... Nhưng tôi lại nổi cáu với anh ta.
- Anh hãy bỏ quá cho,- tôi nói.- Chính thằng Kazbich vừa ở đây, phía bên kia sông, và chúng tôi đã bắn hắn, và sớm muộn gì thì anh cũng sẽ chạm trán hắn. Dân miền núi chúng rất hay thù dai: Anh tưởng hắn không đoán ra là anh đã góp phần tiếp tay cho thằng Adamat sao? Và tôi xin đánh cuộc là hôm nay hắn đã trông thấy Bela. Tôi biết cách đây một năm, hắn mê cô bé lắm, chính hắn đã tự nói với tôi như thế, và nếu hắn đã hy vọng dành dụm đủ một món tiền dẫn cưới cho đàng hoàng thì chắc hắn đã xin cưới rồi...
Lúc ấy Pêtsôrin trở nên tư lự. “Phải, ta nên cẩn thận hơn, - anh ta trả lời, - Bela, từ nay trở đi, em không được lên mặt thành nữa nhé!”.
Chiều hôm ấy tôi đã nói chuyện với anh ta rất lâu; tôi rất phiền lòng thấy anh ta có thái độ khác hẳn mọi ngày đối với cô bé tội nghiệp này. Ngoài một nửa thời giờ đi săn ra, thái độ của anh ta còn trở lên lạnh nhạt, ít trìu mến với cô bé, và cô bé rõ là ngày một gầy đi, khuôn mặt nhỏ nhắn trở nên dài ngoẵng, đôi mắt to đã mất vẻ tinh anh. Đôi khi tôi hỏi cô: “Cớ sao cháu lại thở dài, hở Bela? Cháu buồn ư?” – “Không” – “Cháu muốn gì nào?” – “Không” – “Cháu buồn vì xa cha mẹ à?” – “Cháu có còn ai thân thích nữa đâu?”.
Sự thể đã đến chỗ là suốt ngày, ngoài tiếng “vâng” và “không” ra không ai còn nghe thấy cô nói gì thêm.
Thế rồi tôi đem tất cả chuyện đó nói lại với anh ta.
“Này, bác Marxim Marximich ơi, - anh đáp, - tính tình tôi nó vốn vô phúc rồi; tôi được giáo dục như thế hay vì trời sinh ra tôi như thế, tôi không biết; chỉ biết là nếu tôi làm cho người khác khổ thì chính tôi cũng không sung sướng gì. Có lẽ, đối với họ điều đó không thể nào an ủi được, nhưng sự thật quả là như vậy. Lúc thiếu thời, kể từ cái giờ phút tôi không còn phải nương tựa vào thân nhân nữa, tôi đã bắt đầu tận hưởng một cách điên cuồng tất cả những lạc thú mà người ta có thể tìm được bằng tiền bạc, và cố nhiên, sau đấy tôi lại căm ghét những lạc thú ấy. Sau cùng thì tôi nhập vào giới thượng lưu, nhưng chả mấy chốc tôi lại thấy chán. Tôi đã yêu say đắm những mỹ nhân lịch thiệp và cũng được yêu, nhưng tình yêu của họ chỉ kích thích trí tưởng tượng và lòng tự ái của tôi thôi, còn lòng tôi thì vẫn trống rỗng... Từ đó tôi bắt đầu đọc sách và học tập, rồi khoa học cũng làm tôi chán ngấy, tôi thấy rằng cả danh vọng lẫn hạnh phúc đều không mảy may do khoa học, vì những kẻ sung sướng nhất lại là những kẻ vô học, còn danh vọng chỉ là một việc may rủi, muốn có nó, chỉ cần khôn khéo là đủ. Từ đó tôi đâm ra buồn... Chẳng bao lâu tôi được điều đến Kapka: đó là thời kỳ sung sướng nhất đời tôi. Tôi hy vọng nỗi buồn sẽ biến đi dưới làn mưa đạn của tụi Tserkex - vô ích: sau một tháng tôi đã quen với tiếng đạn rít và sự kế cận với thần chết đến nỗi chúng quả là cái không đáng bận tâm bằng mấy con muỗi, - và tôi lại thấy chán, chán hơn trước, vì như thế là tôi đã đánh mất nốt cả cái hy vọng gần như là cuối cùng. Khi tôi nhìn thấy Bela ở nhà cô, và khi lần đầu tiên tôi đặt cô bé trên đùi, hôn những vòng tóc đen của cô, tôi, thật là ngu ngốc, lại tưởng rằng cô bé là một thiên thần mà số mệnh có lòng từ bi đã dành cho tôi... Tôi lại nhầm một lần nữa: tình yêu của con bé mọi rợ cũng chả hơn gì mấy tình yêu của một tiểu thư quý tộc, sự ngu dốt và chất phác của người này cũng làm ta chán ngấy không kém gì lối làm duyên làm dáng của người kia. Nếu bác muốn, thì tôi vẫn cứ yêu con bé, tôi chịu ơn nó, vì chút ít giây phút khá ngọt ngào, và tôi sẽ hy sinh đời tôi cho nó, có điều là sống với nó thì tôi lại thấy chán... Tôi ngu ngốc hay tàn nhẫn tôi không biết, nhưng có điều chắc chắn tôi là kẻ rất đáng thương, có lẽ còn đáng thương hơn cả cô ấy nữa kia: tâm hồn tôi đã bị giới quý tộc làm cho hư hỏng, đầu óc tôi luôn luôn phiền muộn, trái tim tôi không bao giờ thoả mãn; ít khi tôi vừa lòng, tôi quen với đau buồn cũng dễ dàng như với thú vui, và đời tôi mỗi ngày càng thêm trống rỗng; tôi chỉ còn một lối thoát: đi du lịch. Khi nào có dịp là tôi sẽ đi nhưng không phải châu Âu, lạy Chúa! - tôi sẽ đi Mỹ, sang A Rập, Ấn Độ, may ra tôi có thể bỏ xác ở đâu đó trên dọc đường! Tôi tin chắc rằng ít ra cái nguồn an ủi cuối cùng ấy không tiêu tan ngay, vì trên bước đường phiêu bạt ấy ắt sẽ có chông gai và bão táp”. - Rồi cứ thế anh ta nói một thôi một hồi rất lâu, và những lời anh ta nói đã khắc sâu vào tâm trí tôi vì những lời đó, lần đầu tiên tôi nghe thấy từ miệng một con người mới hai mươi lăm tuổi, và nhờ trời, đó cũng là lần cuối... Thật khó tin! Mong ông cho biết - quay lại phía tôi, thượng úy nói tiếp, - có lẽ ông chưa xa thủ đô bao lâu; chẳng lẽ ở đấy đám thanh nhiên đều giống anh ta cả sao?
Tôi đã trả lời ông rằng có nhiều người nói đúng như thế, và trong số đó chắc cũng có những kẻ nói thật; vả chăng bệnh chán đời, như tất cả các thứ “mốt”, thường phát sinh từ các tầng lớp thượng lưu của xã hội để rồi lan xuống đám hạ lưu và đám này xài đến mòn tã, và hiện nay thì những ai chán đời và thực sự là chán hơn tất cả mọi người, đều cố giấu đi cái tai họa kia như giấu một khuyết tật. Ông thượng úy không hiểu những điều tế nhị ấy; ông lắc đầu, cười hóm hỉnh:
- Không biết có phải người Pháp đã đưa cái “mốt” chán chường này ra thành phong trào không?
- Không, đấy là người Anh!
- A - ha, hóa ra là thế! - ông ta đáp, - thì chính họ bao giờ chả là những tay nát rượu bét nhè!
Tôi không khỏi nhớ tới một bà quý tộc ở Matxkơva đã quả quyết rằng Bairơn[17] cũng chỉ là một thằng nát rượu. Tuy vậy lời nhận xét của ông thượng uý kể ra cũng còn dễ tha thứ hơn: để chừa rượu, tất nhiên ông ta phải tìm cách tự nhủ là tất cả những sự không may trên đời này đều do say rượu mà ra. Rồi ông tiếp tục câu chuyện như sau:
- Từ đấy Kazbich không xuất hiện nữa. Nhưng chẳng hiểu tại sao, một ý nghĩ cứ luôn ám ảnh tôi: không phải tự nhiên vô cớ mà hắn đến và hắn hẳn là đang mưu mô một điều gì xấu xa. Thế rồi một hôm Pêtsôrin cứ khẩn khoản mời tôi cùng đi săn lợn rừng; lúc đầu, tôi từ chối mãi: chà, cứ làm như tôi chưa thấy lợn rừng bao giờ ấy! Nhưng cuối cùng anh ta vẫn rủ được tôi. Sáng sớm tinh sương, chúng tôi cùng ra đi với năm người lính. Chúng tôi đã chui rúc hết lau lách đến rừng rậm cho mãi đến tận mười giờ, vẫn không thấy một con thú nào. “Ê, ta về thôi? - tôi nói với anh ta, - ăn thua gì đâu mà cứ cố mãi! Rõ là hôm nay xấu ngày mà”. Mặc dù trời oi bức và mệt mỏi, Pêtsôrin vẫn không muốn về tay không, bản tính anh ta vẫn như thế, khi đã định điều gì là làm ngay; rõ ràng là thuở bé anh ta đã được mẹ quá nuông chiều... Cuối cùng vào khoảng giữa trưa, chúng tôi cũng thấy một con lợn rừng: đoàng! đoàng!.. Nhưng không trúng, nó đã biến mất vào rừng lau... Hôm ấy xấu ngày mà!.. Nghỉ ngơi một lát rồi chúng tôi ra về. Chúng tôi lặng lẽ, buông cương đi bên nhau, và đã về tới gần pháo đài, chỉ còn khuất vài bụi cây. Bỗng nhiên có tiếng súng nổ... Chúng tôi nhìn nhau, trong óc cùng thoáng hiện một mối nghi ngờ... chúng tôi phóng nước đại về mé có tiếng nổ và nhìn thấy: trên mặt thành, lính tráng đứng túm năm tụm ba chỉ trỏ về phía cánh đồng: trên đồng một người đang phi ngựa như bay, mang trên yên một vật gì trăng trắng. Petsôrin thét lên một tiếng to không kém bất cứ một tên Tsekex nào; rút súng ra khỏi bao và lao theo; tôi cũng lao theo anh. May thay, cuộc đi săn không đạt nên ngựa chúng tôi vẫn chưa mệt lắm: chúng xông lên như bay mất cả yên và khoảng cách giữa chúng tôi và người cưỡi ngựa mỗi lúc một ngắn lại... Sau cùng tôi nhận ra Kazbich, nhưng chưa nhận ra hắn mang cái gì ở phía trước. Lúc ấy tôi đã chạy ngang hàng với Pêtsôrin và hét bảo anh: “Kazbich đấy!”. Anh ta nhìn tôi gật đầu và quất cho con ngựa một roi. Thế rồi chúng tôi chỉ còn cách hắn một tầm súng, con ngựa của Kazbich đã hết sức, hoặc tồi hơn ngựa chúng tôi, nên dù hắn có cố đến mấy con ngựa vẫn không nhích lên được là bao.
Tôi nghĩ lúc ấy chắc hắn đã nhớ tới con Karaghết... Tôi thấy: Pêtsôrin vừa phi nước đại vừa nhằm bắn... “Đừng bắn, - tôi hét bảo anh, - hãy tiết kiệm đạn. Cứ đà này chúng ta sẽ đuổi kịp hắn!”. Chà, cái bọn trẻ! bao giờ cũng nổi nóng không đúng lúc... Nhưng súng đã nổ và viên đạn trúng vào chân sau con ngựa, con vật còn hăng máu chạy thêm mươi bước nữa, rồi loạng choạng và ngã quỵ gối xuống. Kazbich nhảy xuống, và lúc ấy chúng tôi mới thấy hắn bế trên tay một người đàn bà bọc trong cái khăn choàng mạng... Đó là Bela... tội nghiệp cho Bela chưa! Thằng Kazbich hướng về phía chúng tôi hét lên cái gì đó bằng tiếng địa phương và vung lưỡi dao lên đầu con bé... Không thể chậm trễ: lần này thì tôi bắn, bắn phỏng chừng, viên đạn có lẽ trúng vào vai hắn vì cánh tay hắn đột nhiên buông thõng xuống... Lúc khói tan, con ngựa bị thương đã nằm sóng soài trên đất và cạnh đó là Bela, còn Kazbich thì quẳng súng đi, lủi vào bụi rậm, trèo lên ghềnh đá, như một con mèo; tôi rất thích hất nó xuống khỏi vách đá, nhưng súng lại không lắp sẵn đạn! Nhảy xuống đất, chúng tôi vội vàng lao tới chỗ Bela. Con bé tội nghiệp nằm im không động đậy, và máu từ vết thương tuôn ra ồng ộc... Thằng khốn kiếp! Giá nó đâm một nhát thẳng vào tim, thà như thế cho xong đằng này nó lại đâm vào lưng... đúng là một nhát dao của quân ăn cướp! Cô bé nằm bất tỉnh. Xé ngay chiếc khăn chàng mạng chúng tôi băng vết thương lại thật chặt, Pêtsôrin đã hoài công hôn không biết bao nhiêu lần lên đôi môi lạnh ngắt của cô, nhưng không có gì có thể làm cô hồi tỉnh. Pêtsôrin lên ngựa; tôi bế xốc Bêla lên khỏi mặt đất và tìm cách đặt cô nằm vắt ngang trên yên ngựa của anh; anh dùng một tay giữ cô, rồi chúng tôi trở về. Sau vài phút im lặng, Pêtsôrin nói với tôi: “Này, bác Marxim Marximich ơi, cứ điệu này thì chưa tới nhà cô ấy đã chết mất”. – “Đúng vậy” - tôi trả lời, rồi chúng tôi cho ngựa phi hết tốc lực. Ở cổng pháo đài, một đám đông đang đợi chúng tôi. Chúng tôi thận trọng mang Bela bị thương về phòng Pêtsôrin và cho người đi gọi thầy thuốc. Ông này tuy còn say rượu nhưng vẫn tới; sau khi khám vết thương ông ta tuyên bố rằng cô bé không thể sống thêm quá một ngày nữa; nhưng ông ta đã nhầm.
- Cô ta lại hồi phục? - tôi nắm lấy tay ông thượng uý và hỏi, bất giác tôi lại thấy mừng.
- Không đâu! - ông đáp, - thầy thuốc chỉ nhầm ở chỗ là cô ta còn sống thêm được hai ngày nữa.
- Nhưng xin ông hãy nói rõ hơn, Kazbich đã bắt cóc cô bằng cách nào?
- Sự thể là thế này: mặc cho Pêtsôrin đã ngăn cấm, cô bé vẫn ra khỏi pháo đài để xuống sông. Ông nên biết là lúc ấy trời nóng quá: cô bé ngồi trên một tảng đá và thả chân xuống nước. Thế là Kazbich lẻn tới gần, vồ chặt lấy cô, bịt miệng cô lại và kéo vào bụi, rồi nhảy lên con ngựa giấu ở đó, sau đấy dùng gót chân thúc ngựa chuồn thẳng! Mặc dù cô bé đã kịp kêu cứu; đám lính gác nhốn nháo bắn theo, nhưng không trúng, giữa lúc ấy thì chúng tôi cưỡi ngựa về tới nơi.
- Nhưng Kazbich định bắt cóc cô ta làm gì?
- Mong ông thứ lỗi! đám dân Tserkex này nổi tiếng là một lũ đầu trộm đuôi cướp, cái gì có thể thó được là chúng thó tuốt... về lời nhận xét này tôi thực lòng mong họ bỏ qua cho? Vả lại Kazbich từ lâu vẫn thích cô ta kia mà.
- Và Bela đã chết?
- Phải! Sau khi đã đau đớn nhiều, và làm cho chúng tôi mệt lử vì chăm sóc cô. Vào khoảng mười giờ đêm cô mới tỉnh; chúng tôi lúc ấy ngồi bên mép giường: vừa mở mắt, cô đã gọi Pêtsôrin. “Anh đây, ngay cạnh em, gianetska (theo tiếng ta nghĩa là em yêu)” - anh ta trả lời tay cầm tay Bela. “Em chết mất thôi!” - cô nói. Chúng tôi tìm hết cách an ủi cô rằng thầy thuốc đã cam đoan là sẽ chữa khỏi; cô lắc đầu và úp mặt vào tường: Cô chưa muốn chết một tý nào!.. Đêm tối cô lại mê sảng; đầu cô nóng như lửa, thỉnh thoảng toàn thân cô run lên trong cơn sốt; cô nói lảm nhảm không đâu ra đâu về bố và em, cô muốn vào núi, muốn về nhà... Rồi cô lại nhắc tới Pêtsôrin, gọi anh ta bằng đủ thứ tên âu yếm hoặc trách móc anh rằng, anh đã không còn yêu gianetska nữa...
Anh im lặng ngồi nghe, hai tay ôm đầu; nhưng trong suốt thời gian ấy, tôi không hề thấy một giọt nước mắt nào trên mi mắt anh; quả thật anh không thể khóc được, hay anh cố nén - tôi không biết; còn tôi tôi chưa bao giờ thấy một cảnh tượng nào thương tâm hơn.
Đến sáng cô hết mê sảng; trong gần một tiếng đồng hồ, cô nằm lịm đi, xanh mét và suy nhược đến nỗi khó nhận ra là cô vẫn còn thở thoi thóp; sau đó thấy cô khá hơn, và cô lại bắt đầu nói, nhưng ông nghĩ sao, ông có biết cô bé nói thế nào không?.. Chỉ có người sắp chết mới có ý nghĩ như vậy!.. Thoạt đầu cô bé đau khổ vì không phải là tín đồ Cơ đốc giáo, và ở thế giới bên kia, linh hồn cô và Pêtsôrin sẽ không gặp được nhau, và một người đàn bà nào khác sẽ là bạn trăm năm của anh ấy ở trên thiên đường.
Tôi bèn nảy ra ý muốn làm lễ trở lại đạo cho cô trước khi cô chết; tôi nói với cô: cô nhìn tôi do dự, và mãi lâu sau vẫn không nói nên lời; cuối cùng cô đáp là sẽ chết nhưng vẫn giữ nguyên tín ngưỡng của ông cha.
Ngày hôm ấy trôi qua như thế. Và ngày hôm đó cô đã thay đổi biết chừng nào! Má tái nhợt đã trở nên hốc hác, mắt thì to ra, môi khô ran. Cô cảm thấy trong người nóng bỏng tưởng như trong lồng ngực là cả một cục sắt nung đỏ.
Rồi một đêm nữa đến, chúng tôi không hề chợp mắt, không rời khỏi đầu giường cô. Cô ta đau đớn khủng khiếp, rên rỉ, nhưng cơn đau vừa mới dịu đi một tí là cô lại cố hết sức làm cho Pêtsôrin tin rằng cô đã đỡ hơn nhiều, và van nài anh ta đi ngủ, cô hôn tay anh và không chịu buông ra nữa. Trước khi trời sáng, nỗi buồn trước lúc chết xâm chiếm lòng cô, cô bắt đầu giãy giụa, rứt băng ra, và máu lại chảy.
Người ta băng lại, cô nằm yên hơn được một lát và muốn Pêtsôrin hôn cô.
Quỳ xuống cạnh giường, anh nâng đầu cô lên khỏi gối và gắn môi mình vào đôi môi đang lạnh dần của cô; cô đưa đôi tay run rẩy quàng chặt lấy cổ anh như muốn trao gửi tâm hồn mình cho anh bằng cái hôn này...
Không, chết cũng là một điều may mắn cho cô vậy: chà, cô sẽ sống ra sao nếu bị Pêtsôrin bỏ rơi? Mà điều này thì sớm muộn gì rồi cũng sẽ tới...
Buổi trưa ngày hôm sau, cô nằm yên, im lặng và ngoan ngoãn, để mặc cho thầy thuốc hành hạ bằng cách đắp đủ các thứ lá và cho uống đủ các thứ thuốc. “Mong ông bỏ quá, - tôi bảo thầy thuốc, - ông đã tuyên bố là cô ấy sẽ không thoát chết, thế tại sao lại còn cho thuốc?”. “Dẫu sao vẫn cứ hơn, ông Marxim Marxinưts ạ - ông ta đáp, - để lương tâm khỏi cắn rứt”. Cái lương tâm thế mới hay chứ! Buổi chiều cơn khát bắt đầu giày vò cô. Chúng tôi mở cửa sổ, nhưng bên ngoài trời còn nóng hơn trong nhà, chúng tôi đặt nước đá cạnh giường, vô hiệu. Tôi biết cái khát xé ruột xé gan ấy báo hiệu giờ chết sắp đến, và báo cho Pêtsôrin biết. “Nước! Nước!”- Cô đòi uống giọng khàn khàn, và hơi nhỏm người lên khỏi giường.
Anh ta trở nên trắng bệch như tấm vải liệm, vớ lấy một cái cốc, rót đầy nước và đưa cho cô. Tôi đưa hai tay lên bưng lấy mặt và cầu kinh, đoạn nào, tôi quên mất rồi... Vâng, thưa ông, tôi đã thấy nhiều người chết, chết trong bệnh viện và trên chiến trường, nhưng tất cả đều không giống như trường hợp này, khác hẳn cơ!.. Xin thú thật là cũng còn một điều nữa làm tôi buồn: trước khi chết cô ta không hề nhắc tới tôi lấy một lần; còn tôi, có lẽ, tôi đã yêu nó như con!.. Thôi, cầu Chúa tha tội cho nó!?.. Và xét cho cùng thì tôi là cái thứ gì khiến nó phải nhớ đến trước khi chết cơ chứ?
Vừa uống xong, cô thấy dễ chịu ngay; nhưng ba phút sau thì tắt thở. Tôi để chiếc gương sát gần môi cô, - gương vẫn sáng!.. Tôi kéo Pêtsôrin ra ngoài, chúng tôi trèo lên mặt thành; chúng tôi đi bên nhau, đi đi lại lại một hồi lâu, không nói nửa lời, tay chắp sau lưng; nét mặt anh không biểu lộ một sắc thái gì đặc biệt, và tôi thấy bực: vào địa vị anh có lẽ tôi sẽ chết vì đau khổ. Sau cùng anh ngồi xuống đất, dưới bóng mát, và lấy que vẽ vẽ gì đó trên mặt cát. Tôi lên tiếng, ông cũng biết là để cho phải phép, tôi muốn an ủi anh; anh ngẩng đầu lên và cười... Tôi thấy người mình nổi gai ốc vì tiếng cười đó... Tôi liền bỏ đi bảo người đóng quan tài.
Phải thú thật là tôi cáng đáng công việc ấy một phần cũng chỉ vì muốn cho khuây khỏa. Sẵn có mảnh lụa phương Đông, tôi lấy bọc quan tài cho cô, và đính lên đó những cái ngù kiểu Tserkex bằng bạc mà Pêtsôrin đã mua để tặng cô.
Hôm sau, sáng sớm tinh sương, chúng tôi đã chôn cất cô ở phía sau pháo đài, cạnh suối, gần nơi cô đã ngồi lần cuối. Quanh mộ cô bây giờ đã mọc đầy những bụi thiên tuế trắng và hương mộc. Tôi cũng muốn trồng lên mộ một cây thập ác nhưng ông biết, thấy không tiện, dẫu sao cô cũng không phải là tín đồ Cơ đốc.
- Còn Pêtsôrin thì sao? - tôi hỏi.
- Pêtsôrin ốm rất lâu. Tội nghiệp, anh ta gầy đi nhiều, nhưng chúng tôi không hề nhắc tới Bela: tôi biết điều đó làm anh ta khó chịu; đã vậy thì nhắc tới có ích gì? Ba tháng sau, anh được đổi sang trung đoàn E; và anh đi Gruzi. Từ đó chúng tôi không gặp nhau nữa... Tôi nhớ gần đây có người cho tôi hay là anh đã trở về Nga, nhưng trong các lệnh của quân đoàn không thấy nói đến. Vả lại, chúng tôi nhận được tin tức thật quá chậm!
Đến đó, ông phân tích tràng giang đại hải về sự khó chịu phải nhận tin tức chậm, có lúc đến cả năm - có lẽ ông cố nói để làm át đi những kỷ niệm đau buồn ở trong lòng. Để mặc ông nói, tai tôi để nơi khác.
Một giờ sau, chúng tôi đã có thể lên đường được rồi, cơn bão đã lặng, trời trở nên sáng sủa và chúng tôi lên đường. Dọc đường, tôi bất giác lại lôi câu chuyện trở về Bela và Pêtsôrin.
- Và ông có biết sau này Kazbich như thế nào không?
- Kazbich ấy à? Chà, quả thật tôi không biết... Tôi có nghe nói, về phía sườn núi bên phải, trong đám dân Sápxu, có một tên Kazbich nào đó, mặc áo besmet đỏ, thường đi lại ung dung dưới làn đạn của quân ta, và mỗi khi một viên đạn bay sát mang tai thì hắn lại giơ tay lên chào lễ phép, nhưng vị tất đó đã là cái thằng Kazbich kia!..
Đến Kôbi, tôi chia tay với Marxim Marximich; tôi đi bằng xe thư, còn ông ta không thể đi như tôi được vì có nhiều hành lý. Chúng tôi không hy vọng còn có dịp gặp nhau nữa, ấy thế mà rồi lại gặp nhau, và nếu các bạn muốn nghe, tôi xin kể: đó là cả một câu chuyện dài... Thế nhưng không biết các bạn có nhận ra rằng Marxim Marximich là một người đáng được tôn trọng lắm chứ?.. Nếu các bạn thừa nhận điều ấy thì tôi sẽ lấy làm mãn nguyện về câu chuyện của tôi, có thể là hơi dài dòng.
* * *

II. Marxim Marximich

Sau khi giã từ Marxim Marximich, tôi vui vẻ phi ngựa qua những ải đạo Têrêch và Darian, tôi ăn cơm sáng ở Kadơbêch, uống trà ở Lapxơ và vẫn kịp ăn cơm chiều ở Vlađykapka. Tôi không để các bạn phải đọc đoạn mô tả núi non, những lời cảm thán không biểu đạt một ý nghĩa gì hết, những cảnh sắc không nhằm mô tả một điều gì, nhất là đối với những ai chưa đặt chân tới đó - và những bản ghi chú mang tính thống kê mà nhất định là không ai buồn đọc.
Tôi dừng chân tại một lữ quán, nơi tất cả các khách qua đường đều dừng chân xuống nghỉ, và đây cũng là nơi không thể sai người ta quay một con chim trĩ hay nấu một bát canh bắp cải; bởi vì ba người phế binh làm nhiệm vụ coi giữ quán thì ngu độn quá hay nói cho đúng là lúc nào cũng say bí tỉ nên không nhờ vả được gì.
Người ta bảo tôi phải đợi ở đấy ba ngày nữa vì cái “ôkazya”[18] từ Ekatêrinôgrat vẫn chưa tới thì làm sao có thể trở về ngay được. Thế là lỡ chuyến mất rồi?
Nhưng cái trò chơi chữ vô duyên này không phải là điều an ủi đối với một người Nga, và để giải sầu, tôi nẩy ra ý ghi lại câu chuyện về Bela mà Marxim Marximich đã kể, không ngờ rằng câu chuyện này lại là mắt xích mở đầu cho một chuỗi dài những thiên truyện khác, các bạn cũng thấy là đôi khi một cái cớ chả lấy gì làm quan trọng lại gây nên những hậu quả tai hại như thế nào rồi?..
Nhưng chắc các bạn chưa hiểu “cái ôkazya” ở đây là cái gì? Đó là một đội bảo vệ gồm nửa đại đội bộ binh với một khẩu pháo hộ tống những chuyến xe vận tải đi từ Vladykapka qua Kabarda đến Ekatêrinôgrat.
Ngày thứ nhất, tôi buồn như chấu cắn. Sáng sớm hôm sau thấy một chiếc xe đi vào sân... A, Marxim Marximich!.. Chúng tôi như đôi bạn cũ gặp lại nhau. Tôi mời ông ngủ cùng phòng. Ông không khách khí, thậm chí còn vỗ vai tôi và ông nhếch mép kiểu gượng cười. Trông ông đến là hay!..
Marxim Marximich là một tay sành sỏi về bếp núc: ông quay một con trĩ ngon tuyệt vời, lại tưới thêm nước “xốt” dưa chuột một cách rất thành thạo; và cũng phải thừa nhận rằng, không có ông, tôi sẽ phải ăn toàn đồ nguội. Một chai rượu vang Kaxêtin làm chúng tôi quên rằng bữa ăn rất thanh đạm, chỉ gồm có mỗi một món; sau khi châm thuốc hút, chúng tôi kiếm mỗi người một chỗ ngồi: tôi ngồi gần cửa sổ, còn ông, cạnh lò đã nhóm lửa vì hôm đó trời lạnh và ẩm. Chúng tôi im lặng. Chả còn gì để nói với nhau nữa?.. ông đã kể cho tôi nghe tất cả những gì đáng quan tâm đã đến với ông, còn tôi thì có gì đâu mà kể. Tôi nhìn qua cửa sổ. Nhiều căn nhà thấp lè tè, nằm rải rác trên bờ sông Têrếch, dòng sông chảy mỗi lúc một rộng ra, thấp thoáng sau hàng cây, còn ở phía xa là dãy núi hình răng cưa, xanh xanh như bức tường thành, và lấp ló sau dãy núi là ngọn Kadơbếch đầu đội mũ trắng, như mũ giáo chủ. Tôi thầm vĩnh biệt chúng nhưng lòng lại thấy nao nao một nỗi niềm lưu luyến...
Chúng tôi ngồi yên như thế rất lâu. Mặt trời đã khuất sau những đỉnh núi lạnh giá, và một làn sương trắng đục đã bắt đầu lan tỏa trong các thung lũng thì ngoài đường bỗng vang lên tiếng nhạc ngựa và tiếng la lối của những người đánh xe. Mấy chiếc xe chở đám người Armêni bẩn thỉu đi vào sân lữ quán, và phía sau là một chiếc xe sang trọng không có người; chiếc xe nhẹ nhàng, xinh xắn và tiện lợi, có cái dáng sang trọng mang dấu ấn ngoại quốc. Một người có bộ ria mép dài đi ở phía sau; hắn ta bận chiếc áo kiểu Hung, ăn mặc quá bảnh bao so với một người hầu, nhìn dáng điệu ngang tàng khi hắn gõ tàn thuốc trong dọc tẩu và khi hắn gọi anh đánh xe, thì không thể nào nhầm được cái danh vị của hắn. Hắn rõ ràng là một tên đầy tớ cưng của một ông chủ lười biếng, - một loại Phigarô[19] Nga vậy.
- Này anh bạn, làm ơn cho hỏi, - tôi nói với hắn qua cửa sổ, - có phải là “cái ôkazya” đã đến đấy phải không?
Hắn ta nhìn tôi khá ngạo mạn, sửa lại cà vạt và quay đi, một người Armêni đi cạnh hắn, mỉm cười trả lời thay hắn rằng đúng là “cái ôkazya” đã đến và sáng sớm mai sẽ quay về ngay.
- Lạy Chúa! - giữa lúc đó thì Marxim Marximich vừa nói vừa đi lại gần cửa sổ. - Chiếc xe đẹp quá,- ông ta nói thêm,- chắc là của một quan chức nào đi kinh lý Tiflix đây. Trông cũng đủ hiểu rằng ông ta chưa biết núi non ở đây. Không đùa được đâu anh bạn quý ơi! Núi non đâu phải anh em mình, chúng sẽ vò nát ngay dù xe có được đóng ở tận nước Anh.
- Nhưng đó là ai, nào ta ra hỏi thử xem sao...
Chúng tôi ra ngoài hành lang. Đầu hành lang là một cái cửa đi vào một căn buồng ngang cánh mở toang. Người hầu và một người đánh xe mang va ly vào đó.
- Này, anh bạn, - ông thượng úy hỏi anh hầu, - chiếc xe xinh đẹp kia là của ai vậy?.. Hả?.. Chiếc xe đẹp quá!..
Người hầu, không thèm quay lại, tay mở chiếc va ly mồm lẩm bầm cái gì không rõ. Marxim Marximich nổi cáu, ông ta nắm vai thằng vô lễ và nói:
- Này, anh bạn, ta hỏi anh đấy...
- Xe của ai ấy ư?.. Của ông chủ tôi...
- Nhưng ông chủ anh là ai?
- Pêtsôrin...
- Anh nói sao? Anh nói sao? Pêtsôrin ư? ôi, lạy Chúa tôi!.. Có phải là ông ta đã từng phục vụ ở Kapka không? - Marxim Marximich vừa thốt lên vừa kéo tay áo tôi. Cặp mắt ông long lanh vui sướng.
- Đã phục vụ, hình như thế! Tôi mới theo hầu ông ấy chưa lâu.
- Chà, ra thế!.. Ra thế!.. Grigôri Alecxan-đrôvich, có phải tên và phụ danh ông ta như thế không?.. Ta với chủ anh là chỗ bạn bè.- ông nói thêm, tay vỗ vai người hầu, thân mật đến nỗi hắn ta loạng choạng...
- Xin lỗi, ngài quấy rầy tôi quá, - hắn nói, lông mày nhíu lại.
- Gì mà khó tính thế anh bạn? Nhưng anh có biết không? chủ anh và ta đây là đôi bạn thân thiết, đã từng sống chung... Nhưng ông ấy đâu rồi...
Người đầy tớ đáp rằng Pêtsôrin ở lại dùng cơm chiều và nghỉ đêm tại nhà đại tá N...
- Nhưng chiều nay ông ấy có tới đây không? - Marxim Marximich hỏi, - hay thế này, anh bạn, anh có việc gì phải đến đằng ấy không? Nếu anh đi, hãy nói với ông ấy là Marxim Marximich hiện đang ở đây cứ nói thế thôi... ông ta sẽ biết... Ta sẽ thưởng cho anh đồng tám mươi kôpếch để uống rượu.
Người hầu bĩu môi tỏ vẻ chê số tiền nhỏ mọn, nhưng cũng hứa với Marxim Marximich là sẽ làm nhiệm vụ ấy.
- Rồi ông xem, anh ta sẽ tới ngay,- ông nói với tôi vẻ trang trọng - tôi ra ngoài đường đợi anh ta đây, đáng tiếc là tôi không quen ông N...
Và ông ra ngoài cổng ngồi xuống chiếc ghế dài, còn tôi trở về buồng. Tôi xin thú thật: tôi cũng hơi nóng lòng chờ đợi cái anh chàng Pêtsôrin này tới; mặc dù sau khi nghe ông thượng úy kể chuyện, tôi có ấn tượng không tốt về anh ta, thế nhưng một vài nét trong tính cách của anh ta lại khiến tôi chú ý.
Một giờ sau, một phế binh mang chiếc ấm xamôva đang sôi và bình pha trà tới.
- Bác Marxim Marximich! Bác có muốn uống trà không? - tôi gọi ông qua cửa sổ.
- Cám ơn, tôi không khát.
- Này, bác vào uống đi! Cẩn thận kẻo chiều rồi mà trời lại lạnh đấy.
- Không sao đâu, cám ơn...
- Thôi tùy bác. - Tôi uống trà một mình, mười phút sau ông bạn già của tôi đi vào.
- Ông nói có lý, dẫu sao dùng một cốc trà vẫn hơn, nhưng tôi vẫn cứ đợi... Thằng hầu đã đi đến chỗ anh ta từ lâu rồi... nhưng rõ là anh ta mắc bận việc gì.
Ông ta uống vội cốc trà, từ chối không uống thêm, rồi lại đi ra ngoài cổng trong tâm trạng băn khoăn thấp thỏm. Rõ ràng là sự lãnh đạm của Pêtsôrin làm rầu lòng ông thượng úy già; nhất là ông lại vừa nói với tôi về tình bạn giữa hai người, và một giờ trước đây ông còn tin rằng chỉ thoáng nghe thấy tên ông, anh ta cũng sẽ chạy tới ngay.
Khi đêm đã khuya và tối trời, tôi lại mở cửa sổ gọi Marxim Marximich, tôi bảo ông rằng đã đến giờ đi ngủ. Ông lẩm bẩm điều gì trong miệng; tôi mời lần thứ hai, ông không đáp. Tôi nằm trên đi văng, đắp áo ca pốt lên người và ngọn nến vẫn cháy trên giá, phút chốc tôi thiếp đi và đã đánh một giấc ngon lành nếu như Marxim Marximich không làm tôi thức giấc khi ông trở vào phòng lúc ấy đêm đã rất khuya. Ông ta ném chiếc tẩu lên bàn, đi bách bộ trong phòng, cho thêm củi vào lò và sau đó thì cũng đi nằm; nhưng mãi lâu sau tôi vẫn còn nghe thấy tiếng ông ho, khạc nhổ và trằn trọc mãi.
- Rệp làm bác khó ngủ ư? - tôi hỏi.
- Vâng, lũ rệp... - ông đáp, và thở dài não nề.
Sáng hôm sau tôi dậy sớm, nhưng Marxim Marximich đã dậy trước tôi; tôi lại thấy ông ngồi trên chiếc ghế ở ngoài cổng. “Tôi phải đi lại đằng ông thiếu tá, - ông nói, - nếu Pêtsôrin đến, nhờ ông làm ơn cho người đi gọi tôi...”.
Tôi nhận lời và ông chạy đi tưởng như đôi chân của ông tự nhiên lại mạnh lên và dẻo dai như thời trai trẻ. Buổi sáng hôm ấy trời mát, nhưng lại đẹp tuyệt vời. Những đám mây vàng đọng lại phía trên những ngọn núi nom như một dãy núi mới do không khí tạo nên. Trước cổng là một bãi đất rộng, bên kia là cái chợ đang ở thời điểm đông đúc náo nhiệt, vì là ngày chủ nhật. Những thằng bé Ôxetin chân đất, mang trên lưng những giỏ đầy sáp ong, bu quanh tôi. Tôi đuổi chúng đi: tôi còn đầu óc đâu mà nghĩ đến chúng, tôi bắt đầu chia sẻ nỗi lo ngại của ông thượng úy tốt bụng kia.
Chưa đầy mười phút thì người mà chúng tôi đợi đã hiện ra ở đầu bên kia bãi đất. Anh ta đi cùng đại tá N..., đại tá tiễn chân anh tới tận lữ quán rồi từ giã và trở về pháo đài. Tôi sai ngay một người phế binh chạy đi tìm Marxim Marximich.
Tên hầu bước ra, đến trước Pêtsôrin và báo cho anh ta biết là sẽ đóng ngựa ngay; hắn trao cho anh hộp thuốc lá, nhận mệnh lệnh và tất tả đi ngay. Sau khi châm thuốc hút, anh ta ngáp hai cái và ngồi xuống chiếc ghế phía bên kia cổng.
Giờ thì tôi phải tả chân dung anh ta cho các bạn biết. Anh ta người tầm vóc trung bình; thân hình cân đối, mảnh dẻ, vai rộng biểu lộ một thể chất cường tráng có thể chịu đựng được tất cả những khó khăn mệt nhọc của một cuộc đời chông gai và nay đây mai đó, thay đổi khí hậu luôn. Sức người như thế thì một cuộc sống phóng đãng ở chốn kinh thành cũng như những cơn bão lòng không thể làm cho anh ta quỵ ngã được; chiếc áo khoác nhung phủ đầy bụi, chỉ cài hai cúc dưới để lộ chiếc áo lót sạch sẽ bóng bẩy đến lóa mắt chứng tỏ đó là những thói quen của một trang phong nhã; đôi tất tay có vết bẩn hình như đã được thửa riêng cho đôi tay nhỏ nhắn quý phái, và khi anh tháo một chiếc ra, tôi lấy làm kinh ngạc trước những ngón tay xanh xao gầy guộc của anh. Dáng dấp cẩu thả và biếng nhác, nhưng tôi thấy anh không khoa tay - một dấu hiệu chắc chắn của tính cách kín đáo. Nhưng đó chẳng qua cũng chỉ là những ý kiến cá nhân căn cứ trên những nhận xét của tôi mà thôi, cho nên tôi không muốn các bạn chấp nhận nó một cách mù quáng. Người anh ta thẳng là thế mà lúc anh ngồi xuống ghế thì nó lại cong gập xuống như người không xương sống; tư thế của toàn thân hình anh biểu thị anh bị thần kinh do lối sống quá buông thả: nhìn anh ta ngồi ta liên tưởng đến một cô gái làm đỏm, tuổi ba mươi mà Banzắc đã mô tả, đang ngồi trong chiếc ghế bành đầy nệm gối, sau một buổi khiêu vũ mệt lử. Thoạt nhìn gương mặt anh ta, tôi chỉ ước chừng anh không quá hai mươi ba tuổi, nhưng sau đó tôi lại không ngần ngại mà cho là anh đã ba mươi. Nụ cười anh có cái gì như trẻ con. Da dẻ mềm mại như da phụ nữ; mái tóc hung và quăn tự nhiên ôm lấy vầng trán nhợt nhạt đầy vẻ cao quý nom thật duyên dáng, và chỉ có nhìn kỹ mới thấy trên vầng trán ấy có những đường nhăn chồng chéo lên nhau, và có lẽ sẽ hằn rõ trong những lúc anh giận dữ hay bị kích động. Mặc dù tóc màu nhạt nhưng ria mép và lông mày lại đen; đó là do nòi giống của con người, cũng như một con ngựa trắng lại có bờm và đuôi đen. Để hoàn tất bức chân dung, tôi xin nói với các bạn là anh ta có cái mũi hơi hếch, răng trắng muốt và mắt nâu; về đôi mắt tôi còn phải nói thêm một tí nữa.
Trước tiên, đôi mắt ấy không cười, ngay cả những lúc anh ta cười! Các bạn có khi nào thấy cái điều kỳ lạ ấy ở một số người không?.. Đó là biểu hiện của cái tính hiểm ác hoặc của một nỗi buồn sâu xa và dai dẳng. Qua hàng lông mi hơi cụp xuống, đôi mắt ấy long lanh như có ánh lân tinh, nếu có thể nói như thế. Đó không phải là sự phản ánh một tâm hồn nhiệt tình hay một khối óc khoát hoạt, mà là một thứ ánh giống như ánh thép bóng loáng, chói lòa nhưng lạnh lùng, ánh mắt anh không nhìn chòng chọc, nhưng xuyên thấu và nặng nề dễ gây một cảm giác khó chịu như của một cuộc thẩm vấn trắng trợn, và có thể nói là xấc láo, nếu như nó không tỏ ra bình thản dửng dưng. Tất cả những ý nghĩ kia đã đến trong óc tôi có thể chỉ vì tôi đã biết một số chi tiết trong đời anh và cũng có thể, cái bề ngoài của anh đã gây ra cho người ta những ấn tượng hoàn toàn khác, nhưng ngoài tôi ra không còn ai nói cho các bạn biết về anh, nên các bạn bắt buộc phải bằng lòng với sự mô tả này vậy. Và để kết luận, tôi xin nói thêm rằng anh ta nói chung là người khá đẹp trai và có một vẻ mặt thuộc vào loại người độc đáo mà phụ nữ thượng lưu rất ưa thích.
Ngựa đã đóng vào xe, thỉnh thoảng chiếc chuông nhỏ trên vòng cổ lại kêu leng keng; đã hai lần rồi, tên hầu đến gần Pêtsôrin thưa với anh rằng tất cả đã sẵn sàng, vậy mà bác Marxim Marximich vẫn chưa thấy về. May thay, Pêtsôrin vẫn trầm ngâm, mắt nhìn lên những ngọn núi xanh hình răng cưa của dãy Kapka, và không có vẻ gì là lên đường vội. Tôi lại gần anh:  - Nếu có thể xin ông đợi thêm lát nữa,- tôi nói,- ông sẽ vui sướng được gặp lại một người bạn cũ...
- À, đúng đấy? - anh ta nhanh nhẩu đáp,- hôm qua người ta có báo cho tôi, nhưng ông ấy đâu?
Tôi ngoảnh về phía bãi trống và thấy Marxim Marximich đang cố hết sức chạy tới... Vài phút sau, ông đã đến cạnh chúng tôi; ông thở hồng hộc, mồ hôi chảy ròng ròng ở trên mặt; những chùm tóc hoa râm ướt sũng thò ra khỏi mũ, dính bết vào trán; hai đầu gối ông run run... ông muốn nhảy tới bá lấy cổ Pêtsôrin, nhưng anh ta đưa tay ra bắt khá lạnh lùng, tuy miệng cười niềm nở. Ông thượng úy ngỡ ngàng một lát rồi nhanh nhẩu giơ cả hai tay ra siết chặt lấy tay anh: ông vẫn chưa thể nói lên lời.
- Bác Marxim Marximich thân mến ơi, gặp lại bác tôi mừng quá? Nhưng bác có khỏe không đã? - Pêtsôrin hỏi.
- Còn... mày? còn anh? - ông già thì thầm, nước mắt chảy giàn giụa... - ròng rã bao nhiêu năm... bao nhiêu tháng rồi... Nhưng anh đi đâu thế này?
- Tôi đi sang Ba Tư... rồi đi tiếp...
- Nhưng không đi ngay bây giờ đấy chứ? hãy đợi một tí, anh bạn rất thân ơi! Lẽ nào chúng ta lại từ biệt nhau vội như thế này? sau từng nấy năm xa cách...
- Đã đến giờ tôi phải đi rồi, bác Marxim Marximich ạ, - anh ta đáp.
- Trời ơi, trời! nhưng đi đâu mà vội thế? Tôi còn bao nhiêu điều muốn nói với anh... còn phải hỏi anh bao nhiêu chuyện nữa chứ. À, thế nào, anh đã xin giải ngũ rồi ư? Sao... anh đã làm những gì nào?
- Tôi chỉ chán thôi! - Pêtsôrin mỉm cười đáp.
- Thế anh có nhớ lúc chúng ta sống ở pháo đài không? Một nơi săn bắn tuyệt vời!  Vì anh mê săn bắn lắm mà... Và Bela nữa chứ?
Pêtsôrin hơi tái người và ngoảnh mặt đi chỗ khác...
- Vâng, tôi vẫn nhớ! - anh ta nói và ngay sau đó gượng ngáp một cái.
Marxim Marximich bất đầu nài nỉ anh ta ở lại với ông dù chỉ vài giờ.
- Chúng ta sẽ chén một bữa cơm ngon tuyệt vời - ông nói, - tôi có hai con trĩ; và rượu vang đỏ vùng Khaxetin... tất nhiên không bằng rượu Gruzi được thế nhưng cũng thuộc loại khá... Chúng ta sẽ nói chuyện... và anh sẽ kể cho tôi nghe đời sống của anh ở Pêterbua... đồng ý chứ?
- Thật ra tôi chả có gì để kể cho bác nghe, bác Marxim Marximich thân mến... Xin vĩnh biệt, đã đến lúc tôi phải đi rồi... Tôi đang vội... Cám ơn đã không quên... - anh ta nói thêm và nắm lấy tay ông già. Ông già nhíu mày lại... Vừa buồn vừa giận, tuy ông cố không để lộ ra.
- Quên! - ông càu nhàu, - tôi, tôi không quên gì cả... Thôi cầu Chúa phù hộ cho anh! Tôi đâu có ngờ gặp lại anh như thế này...
- Thôi, thôi, - Pêtsôrin vừa nói vừa thân ái ôm chặt ông bạn già, - Chẳng lẽ tôi lại khác xưa? làm thế nào được? Mỗi người có một con đường riêng của mình... Không biết chúng ta có còn gặp lại nhau nữa không, trời biết được?
Khi nói câu này anh ta đã ngồi trên xe, và người xà ích đã sửa soạn dây cương.
- Khoan đã, khoan đã! - Marxim Marximich bỗng nhiên kêu lên, tay nắm thành cửa xe, - tôi quên khuấy đi mất!.. Đống giấy má anh gửi tôi, anh Pêtsôrin ạ... tôi vẫn mang theo... tôi tưởng sẽ gặp anh ở Gruzi, nhưng run rủi lại gặp nhau ở đây. Nên làm thế nào với đống giấy má ấy?
- Làm thế nào tùy bác? - Pêtsôrin nói - Vĩnh biệt!
- Thế là anh đi sang Ba Tư?.. mà khi nào thì về? - Marxim Marximich còn cố kêu với theo.
Xe chạy đã xa; Pêtsôrin giơ tay làm hiệu đại khái như muốn nói: vị tất đã gặp, vả lại có ích gì?
Tiếng nhạc ngựa và tiếng bánh xe lăn trên đường đã tắt từ lâu mà ông già đáng thương vẫn đứng đấy, trầm ngâm suy nghĩ.
- Thôi được? - sau cùng ông nói, cố làm ra cái vẻ hững hờ, mặc dù những giọt nước mắt hờn giận vẫn lấp lánh mãi trên hai hàng mi,- tất nhiên chúng ta đã từng là bạn bè, nhưng trên đời này liệu có còn gì là bạn bè nữa không nhỉ? Tôi là cái thứ gì đối với hắn ta? Tôi không giầu, không chức trọng quyền cao, vả lại tuổi tác cũng khác nhau xa. Thì đấy, từ khi hắn trở về Pêterbua, hắn đã lại thành một thằng công tử như thế đấy... Chà, cái xe! Bao nhiêu hành lý!.. Lại cả cái tên đầy tớ kiêu căng ấy nữa chứ?.. - ông nói ra những điều này với nụ cười chua chát - ông thử nói xem - ông quay lại tôi nói thêm.- Ông nghĩ gì về chuyện đó? Không biết con quỷ nào đã xúi giục hắn đi Ba Tư vào lúc này?.. Buồn cười thật, ôi Chúa ơi, thật là nực cười? Nhưng tôi biết tỏng hắn là thằng nông nổi, không trông mong gì được... Nhưng, quả tình cũng thấy tiếc là đời hắn rồi sẽ chẳng ra gì... Nhưng không thể khác được! Tôi đã chẳng từng nói: những kẻ quên bạn cũ nào có ra gì! - Nói rồi ông bỏ đi để che giấu nỗi xúc động, và ông đi trong sân, rồi cứ loay hoay bên xe, làm bộ xem xét lại bánh xe nhưng nước mắt thì cứ trào ra, trào ra mãi.
- Bác Marxim Marximich ơi, - tôi vừa nói vừa tới gần ông, - nhưng đống giấy má mà Pêtsôrin gửi lại chỗ bác là giấy tờ gì vậy?
- Có trời biết được hắn. Những ghi chép vớ vẩn gì đó...
- Và bác định làm gì với cái đống giấy má ấy?
- Làm gì ư? làm vỏ đạn.
- Vậy thì cho tôi có hơn không.
Ông ta nhìn tôi ngạc nhiên, lẩm bẩm điều gì trong miệng rồi bắt đầu lục lọi va ly; thế rồi ông lôi ra một quyển vở và ném xuống đất, vẻ khinh miệt; sau đó là quyển thứ hai, thứ ba, quyển thứ mười cũng đều chịu chung một số phận như thế: sự hờn giận của ông xem ra rất trẻ con; tôi vừa buồn cười vừa thương hại...
- Đấy, tất cả cái đống ấy đấy, - ông nói, - xin mừng ông đã tìm được của quý!..
- Và tôi có thể tùy ý sử dụng chúng chứ ạ?
- Nếu thích thì đưa mà đăng lên báo, can hệ gì đến tôi!.. Vậy thôi, chẳng thà tôi là bạn bè hay thân thích gì của anh ta cho cam? Thật ra thì hắn đã sống chung với tôi dưới một mái nhà khá lâu... Nhưng nói cho cùng tôi đâu có phải chỉ sống với riêng mình hắn?
Tôi nhặt lấy những tập giấy ấy và vội vàng mang đi, chỉ sợ ông thượng úy đổi ý. Chẳng mấy chốc có người đến báo cho chúng tôi biết một giờ nữa xe sẽ khởi hành. Tôi cho đóng ngựa. Tôi vừa chụp mũ lên đầu thì ông thượng úy bước vào; hình như ông chưa có vẻ gì là chuẩn bị ra đi; nom ông có vẻ ngượng nghịu và lạnh lùng.
- Còn bác, bác Marxim Marximich, chẳng lẽ bác không đi sao?
- Không!
- Sao lại thế?
- Tôi chưa gặp ông tư lệnh, tôi cần giao cho ông ta một vài thứ hồ sơ công quốc...
- Nhưng bác đã đến chỗ ông ta rồi kia mà.
- Phải, đã đến - ông bối rối nói,- nhưng ông ấy không có nhà, mà tôi thì không đợi được. Tôi hiểu ông: Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời, ông già tội nghiệp này đã đặt việc riêng lên trên công vụ - nói theo giọng công chức, - và ông đã được đền bù như thế đấy!
- Rất tiếc, - tôi nói với ông,- rất tiếc, bác Marxim Marximich ạ, là chúng ta phải xa nhau quá sớm.
- Chúng tôi chỉ là lũ già hủ lậu, đuổi theo các anh làm sao được?.. Các anh là những chàng trai trẻ cao sang quý phái: Lúc này ở đây dưới làn mưa đạn của bọn Tserkex còn khả dĩ... nhưng rồi nếu có gặp lại nhau, các anh lại lấy làm xấu hổ khi phải đưa tay cho chúng tôi bắt...
- Bác Marxim Marximich, tôi có liên can gì đến việc ấy đâu mà bác trách!
- Ồ, ông biết đấy, tôi nói là nói vậy thôi: thế nhưng cũng xin chúc ông gặp mọi sự may mắn và lên đường vui vẻ.
Cuộc chia tay của chúng tôi khá nhạt nhẽo. Bác Marxim Marximich tốt bụng kia đã trở thành một ông thượng úy cố chấp và hay cáu bẳn. Mà vì sao? Cũng chỉ tại Pêtsôrin, vì đãng trí hay vì một lý do nào khác, chỉ chìa tay ra bắt tay ông, khi ông lại muốn nhảy lên bá lấy cổ anh kia?
Thật đáng buồn phải thấy một thanh niên trai trẻ đã mất hết cả hy vọng và ước mơ đẹp đẽ nhất của mình, khi người ta đã giật khỏi mắt anh tấm màn màu hồng mà trước đó anh vẫn nhìn qua nó để xét đoán hành vi và tình cảm của con người; mặc dù anh vẫn còn hy vọng rằng anh sẽ thay thế những điều lầm lẫn cũ bằng những điều lầm lẫn mới không kém phần gian nan, nhưng do đó mà ngọt ngào hơn... Nhưng ở độ tuổi của Marxim Marximich, thì lấy gì mà thay thế được nữa? Dù muốn hay không, trái tim vẫn thành chai và tâm hồn sẽ khép kín lại...
Tôi ra đi một mình.
------------------
Chú thích:
[1] Lẽ ra phải dịch là Một nhân vật thời đại ta, nhưng vì bạn đọc cũng như trong các sách giới thiệu về tác giả, tác phẩm đều đã quen dùng cái tên này, nên khi dịch từ bản tiếng Nga chúng tôi vẫn giữ nguyên như cũ.
[2] Thủ đô Tlibixi của Gruzi ngày nay.
[3] Verxt - 1.06 km.
[4] Tức Ermôlôp, (chú thích của M.Lermôntôp) - Tướng bộ binh Nga (1772 - 1861) tham gia cuộc chiến tranh với Pháp (1805-1907) năm 1816-1827 chỉ huy quân đoàn Kapka và Tổng tư lệnh ở Gruzi. Ðã để lại “Những tập bút ký”.
[5] Tên gọi hệ thống các công trình quốc phòng ở các vùng biên cương nước Nga thế kỷ 16-19.
[6] Xaklia - kiểu nhà nông dân ở Kapka.
[7] Bạn bè (chú thích của Lermôntôp).
[8] Linh mục Hồi giáo.
[9] Tiếng Tuyếc trong nguyên bản: Tốt, rất tốt.
[10] Tiếng Tuyếc: Không.
[11] Tôi xin bạn đọc thứ lỗi vì tôi đã chuyển bài hát của Kazbich thành thơ, khi bài hát này chuyển đến tay tôi, tất nhiên là bằng văn xuôi, nhưng thói quen là bản ngã thứ hai (c.t. của Lermôntôp). - Phần thơ trong cuốn sách này là bản dịch của Thúy Toàn.
[12] Tiếng Nga: Krextôvaia.
[13] Tiếng Pháp trong nguyên bản: núi Thánh Crixtôp.
[14] Tiếng Nga: Tsertôva.
[15] Nhân vật phản diện trong văn học dân gian Nga cổ.
[16] Điệu dân vũ của vùng Kapka.
[17] Nhà thơ Anh (1788 - 1824).
[18] Trong nguyên bản dùng chữ: okazya - Tiếng Nga có nghĩa là dịp, dịp thuận tiện - thực ra đó là những chuyến xe hiếm hoi, may ra thì ít phải đợi lâu (ND).
[19] Một nhân vật - đầy tớ một nhà quý tộc - trong vở kịch “Đám cưới Phigarô” của nhà văn Pháp Bômarse.
* * *

Hết phần thứ nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét