Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Một anh hùng thời đại - M. Lermontop (p5)


M. Lermontop

Anh Trúc dịch

Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội – 2000
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: “Gheroi Nasevo Vremenhi” của M. Lermontop - NXB “Tiếng Nga” - Matxcơva – 1988)
ГЕРОЙ НАШЕГО ВРЕМЕНИ – Издательство Москва 1988
--------------------------
Phần thứ năm
(Phần cuối nhật ký của Pêtsôrin)          

II. Công tước tiểu thư Meri (tiếp theo & hết)

16 tháng 6
Sáng hôm nay ở bên giếng, người ta chỉ bàn tán về cuộc đột kích ban đêm của tụi Tserkex. Khi đã uống hết số cốc nước khoáng Nardan theo đơn bác sĩ, và sau khi qua lại mười lần dưới hàng cây gia trên con đường dạo mát dài hun hút, tôi đã gặp ông chồng Vêra vừa mới đi Piatigoxkơ về: ông ta nắm lấy cánh tay tôi, và chúng tôi cũng vào tiệm ăn để ăn sáng, ông ta rất đỗi lo lắng cho bà vợ. Ông nói: “Hồi đêm nhà tôi sợ hết hồn, mà việc ấy lại xảy ra đúng lúc tôi đi vắng mới chết chứ!”.
Chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn kê gần ở lối cửa thông sang căn phòng phía góc: ở đấy có mươi chàng thanh niên, trong đó có cả Grusnixki. Đây là lần thứ hai, số phận đã cho tôi cơ hội nghe lỏm được câu chuyện có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của hắn. Hắn không nhìn thấy tôi, nên tôi không thể nghi ngờ dụng ý của hắn, nhưng như vậy thì tội của hắn với tôi càng thêm nặng.
- Nhưng có đúng là tụi Tserkex không? - một người nào đó hỏi. - Có ai nhìn thấy chúng không cái đã?
- Tớ sẽ kể cho các cậu nghe đầu đuôi câu chuyện, - Grusnixki đáp, - nhưng đừng có đi tố tớ đấy; việc đó như thế này: hôm qua có một người, tớ không nói tên ra đây với các cậu, đến cho tớ hay rằng vào lúc mười giờ đêm anh ta đã thấy có đứa lẻn vào nhà bà công tước Lôgôpxkaia. Nên nhớ là bà công tước lúc ấy đang ở đây, còn công tước tiểu thư thì đang ở nhà. Thế là chúng tớ cùng nhau đến nấp ở dưới của sổ để rình đợi thằng cha tốt số kia.
Tôi cũng xin thú thực rằng lúc ấy tôi rất lo sợ, tuy người ngồi cùng bàn với tôi chỉ cắm đầu cắm cổ ăn: ông ta có thể sẽ nghe thấy những điều rất khó chịu đối với ông ta, nếu chẳng may Grusnixki lại đoán ra đúng sự thật, nhưng vì ghen tuông hắn đâm ra mù quáng nên không hề nghĩ tới cái sự thật ấy.
- Đấy các cậu thấy không, - Grusnixki nói tiếp, - chúng tớ ra đi có mang theo một khẩu súng lắp đạn giả, cốt để dọa thôi mà! Chúng tớ đợi trong vườn tới hai giờ. Cuối cùng hắn từ đâu hiện ra thì có trời biết, có điều là không phải từ cửa sổ, vì cửa sổ đóng; có lẽ hắn trèo qua cửa kính sau cột, cuối cùng như tớ đã nói, chúng tớ thấy có người từ bao lơn nhảy xuống... Công tước tiểu thư là thế nào nhỉ? Hả? Chà, tớ xin thú thực là các cô tiểu thư Matxkơva cũng đều như thế tất! Sau chuyện này liệu còn có gì đáng tin nữa kia chứ! Chúng tớ muốn tóm lấy hắn nhưng hắn giằng ra được và chuồn vào bụi rậm nhanh như con thỏ, lúc ấy tớ mới nổ súng.
Xung quanh Grusnixki có tiếng xì xào ngờ vực.
- Các cậu không tin ư? - hắn nói tiếp, - tớ xin lấy danh dự mà thề với các cậu một lời thề cao thượng rằng tất cả điều đó đều là sự thật một trăm phần trăm, và để dẫn chứng tớ sẽ chỉ đích danh cái vị ấy cho các cậu biết tay.
- Nói đi, nói đi, hắn là ai vậy? - cå bốn phía đều có tiếng thúc giục.
- Pêtsôrin! - Grusnixki đáp. 
Vừa lúc ấy hắn ngước mắt lên - tôi đứng ở lối cửa vào, ngay trước mặt hắn. Hắn sợ hãi, mặt đỏ rần như gấc. Tôi tới gần và nói với hắn một cách chậm rãi và rành rọt:
- Tôi rất lấy làm tiếc là đã vào chậm khi ông đã đưa ra lời thề danh dự để chứng thực cho một điều vu khống bỉ ổi nhất. Giá có mặt tôi thì ông đã không phạm một điều hèn mạt không đáng có.
Grusnixki đứng chồm dậy và như muốn nổi khùng.
- Tôi yêu cầu ông, - tôi nói tiếp, vẫn bằng cái giọng điệu như cũ, - tôi yêu cầu ông cải chính ngay tức khắc điều ông vừa nói; ông cũng thừa hiểu đó là một sự bịa đặt. Tôi không ngờ rằng thái độ lạnh nhạt của một người đàn bà đối với những đức tính chói lọi của ông lại đáng để ông tìm cách báo thù khủng khiếp đến thế. Ông nghĩ kỹ đi: nếu ông khư khư giữ lời ông vừa nói, ông sẽ mất cái quyền được gọi là một người danh giá và ông sẽ phải liều mạng đấy.
Grusnixki đứng trước mặt tôi, mắt hắn cụp xuống, xúc động mạnh. Nhưng cuộc đấu tranh giữa lương tâm và lòng tự ái diễn ra không lâu. Lão đại úy long kỵ ngồi bên lấy khuỷu tay hích hắn; hắn giật mình rồi trả lời tôi rất nhanh, mắt vẫn nhìn xuống.
- Thưa ngài kính mến, khi tôi nói điều gì là tôi đã nghĩ kỹ và sẵn sàng nhắc lại... Tôi không sợ những lời đe dọa của ngài và sẵn sàng đương đầu với tất cả...
- Điều ấy ông cũng đã tỏ rõ rồi, - tôi lạnh lùng đáp lời hắn, và nắm lấy cánh tay viên đại úy long kỵ, đi ra khỏi phòng.
- Ông muốn gì? - lão đại úy hỏi.
- Ông là bạn của Grusnixki, vậy chắc ông sẽ là người làm chứng của hắn?
Viên đại úy nghiêng mình rất trịnh trọng:
- Ông đoán đúng, - lão đáp, - làm chứng cho anh ấy còn là bổn phận của tôi, bởi vì lăng mạ anh ấy là lăng mạ cả tôi: đêm qua tôi cùng đi với anh ấy, - lão ưỡn thẳng cái thân hình hơi còng của mình lên và nói thêm.
- À, thế ra chính ông là người đã bị tôi vụng về nện cho một cú trúng đầu đấy ư?
Mặt lão trở nên vàng ệch rồi tím ngắt; nỗi căm hờn được giấu kín hiện rõ trên mặt lão.
- Tôi lấy làm hân hạnh sẽ đưa người làm chứng của tôi đến gặp ông ngay đêm nay, - tôi nói thêm, rồi cúi chào rất lịch sự và làm như không để ý đến cơn điên khùng của lão.
Tôi lại gặp ông chồng Vêra ở bậc tam cấp của tiệm ăn, hình như ông ta đang đợi tôi. Ông ta xiết chặt tay tôi với một tình cảm như thán phục.
- Ông là một chàng trai cao thượng! - ông ta nói, lệ rưng rưng.- Tôi đã nghe hết cả. Thằng đốn mạt! Thằng vô ơn... Ðã thế thì một gia đình tử tế làm sao còn có thể tiếp chúng được nữa! Lạy chúa, may mà tôi không có con gái. Nhưng ông liều mạng vì một người đàn bà, thì người ấy ắt sẽ đền bù lại ông. Ông cứ tin vào sự kín đáo của tôi cho đến lúc cần thiết, - ông ta tiếp. - Chính tôi cũng đã có thời trai trẻ và đã từng ở trong quân đội: tôi hiểu rằng không nên chen chân vào những việc như thế này. Chào ông!
Tội nghiệp ông già! Mừng vì mình không có con gái...
Tôi đi thẳng tới nhà Verne, ông đang ở nhà và tôi kể lại với ông tất cả - quan hệ của tôi với Vêra và với cô tiểu thư, và câu chuyện mà tôi vừa nghe lỏm được, do đó tôi biết được ý định của các ngài ấy là muốn đem tôi ra chế giễu bằng cách cho chúng tôi dùng đạn giả bắn nhau.
Nhưng hiện nay câu chuyện lại ra ngoài phạm vi đùa bỡn; tất nhiên, họ không ngờ rằng câu chuyện lại kết cục như vậy.
Bác sĩ đồng ý là người làm chứng cho tôi; tôi nói cho ông biết mấy điểm quy tắc về điều kiện của cuộc quyết đấu: lẽ ra phải dặn ông cương quyết đòi hỏi làm sao cho công việc diễn ra càng kín đáo càng tốt, bởi vì dù tôi có sẵn sàng đương đầu với cái chết vào bất cứ lúc nào, nhưng tôi lại không mảy may cam lòng làm hư hại mãi mãi tương lai của mình trên cõi đời này.
Rồi tôi trở về nhà. Chừng một giờ sau thì bác sĩ đi thám hiểm về.
- Đúng là một âm mưu chống lại anh. - Ông nói - ở nhà Grusnixki tôi có gặp lão đại úy long kỵ và một lão khác nữa, nhưng tôi quên mất tên. Tôi đứng lại một phút ở phòng ngoài để tháo bao cao su bọc giầy. Trong nhà họ cãi cọ nhau ồn ào khủng khiếp: “Không vì cớ gì khiến tôi đồng ý cả, - Grusnixki nói, - hắn đã làm nhục tôi trước công chúng; thế cho nên bây giờ sự việc lại khác hẳn rồi”. “Việc ấy thì can gì đến cậu? - lão đại úy đáp, - tôi sẽ chịu trách nhiệm tất. Tôi đã từng làm chứng cho năm cuộc quyết đấu và tôi biết thu xếp việc đó như thế nào. Tôi đã lo liệu chu đáo. Duy có một điều là xin cứ để mặc tôi. Sợ đâu có phải là xấu. Nhưng tại sao lại phải mạo hiểm khi còn có thể tránh được?”. Đang lúc ấy tôi bước vào. Họ im bặt. Cuộc đàm phán giữa chúng tôi kéo dài khá lâu; cuối cùng chúng tôi quyết định như thế này: cách đây chừng năm dặm có một con đường hẻm vắng vẻ, ngày mai vào lúc bốn giờ sáng, họ sẽ tới đó, còn chúng ta sẽ tới sau họ nửa giờ; các anh sẽ đứng bắn cách nhau sáu bước, điều này thì chính Grusnixki đã đòi như thế! Có người chết thì coi đó là do bọn Tserkex giết hại. Đến lúc này tôi đâm nghi: bọn chúng, tức là bọn làm chứng có lẽ đã có thay đổi đôi chút ít trong kế hoạch ban đầu và muốn nạp đạn thật vào một khẩu súng ngắn của Grusnixki. Điều này hơi giống như một cuộc ám sát, nhưng trong thời chiến, và nhất là trong cuộc chiến ở xứ Á đông, thì mọi mưu mẹo đều được dùng tất, tuy nhiên, tôi có cảm tưởng là Grusnixki không đến nỗi đê tiện như lũ bạn bè hắn. Anh nghĩ sao? Chúng ta có nên cho chúng biết là ta đã đoán biết được hết rồi không?
- Không đời nào, bác sĩ ơi! Ông cứ yên tâm, chúng không làm gì được tôi đâu!
- Vậy anh định làm gì nào?
- Ðó là bí mật của tôi.
- Hãy cẩn thận kẻo ngã đấy... bởi vì chỉ có sáu bước!
- Bác sĩ ơi, ngày mai tôi đợi ông vào lúc bốn giờ. Ngựa sẽ sẵn sàng... Xin chào ông!
Tôi ngồi lì ở nhà, khóa trái cửa phòng cho đến tận chiều tối. Bà công tước sai gia nhân đến mời, tôi cho người ra cáo rằng bị mệt.
……[55]
Hai giờ sáng... không hề chợp mắt. Nhưng lẽ ra phải ngủ để sáng mai khỏi run tay. Vả lại cách sáu bước thì khó lòng mà bắn trật. Chà, thưa ngài Grusnixki! Cái trò bịp bợm của ngài chả lợi lộc gì cho ngài đâu... Chúng ta sẽ đổi vai cho nhau: bây giờ thì tôi phải tìm trên gương mặt xanh xám của ngài những dấu hiệu của sự sợ hãi thầm kín. Sao ngài lại tự đặt ra cái khoảng cách sáu bước hiểm nghèo ấy làm gì? Ngài tưởng tôi sẽ không tranh cãi mà cứ giơ trán ra cho ngài bắn sao… nhưng chúng ta sẽ rút thăm kia mà!.. Và lúc ấy... lúc ấy thì... lỡ hắn may mắn hơn thì sao? nếu ngôi sao hộ mệnh của tôi cuối cùng lại phản tôi?.. Có gì lạ lắm đâu: từ lâu ngôi sao hộ mệnh ấy đã chả luôn luôn trung thành chiều theo cái tính khí thất thường của tôi rồi đó sao; lòng chung thuỷ trên thiên đường cũng không hơn gì trên mặt đất này đâu.
Biết làm sao? Phải chết thì chết chứ sao! Sự tổn thất này đối với thế gian chẳng đáng là bao; vả lại bản thân tôi cũng chả đang chán đời đến cực độ rồi đó sao. Tôi như người ngáp dài trong đêm vũ hội và sở dĩ chưa về ngủ, cũng chỉ tại chưa có xe. Nhưng xe kia đã sẵn sàng... Thôi, tạm biệt!
Tôi điểm lại trong ký ức toàn bộ quá khứ của tôi và bất giác tôi tự hỏi: tôi sống làm gì? Tôi sinh ra trên cõi đời này với mục đích gì? Nhưng mục đích thì chắc là có đấy, và chắc chắn là cái số của tôi rất cao, bởi vì tôi cảm thấy trong tôi năng lực vẫn còn rất dồi dào... Nhưng tôi lại không đoán ra cái mệnh này, tôi ham hố đâm bổ vào những cái bả dục vọng thấp hèn và rỗng tuyếch; ra khỏi cái lò dục vọng ấy tôi đã trở thành một con người lạnh lùng và cứng rắn như sắt thép, nhưng tôi đã vĩnh viễn mất đi bầu nhiệt huyết của những chí hướng cao cả - đóa hoa tươi đẹp nhất đời người. Rồi từ đấy không biết bao nhiêu lần tôi đã giữ vai trò cái lưỡi rìu trong tay số mệnh! Như một công cụ trừng phạt, tôi đã rơi xuống đầu những nạn nhân phải chết, thường không phải vì giận dữ, nhưng không bao giờ thương tiếc... Tình yêu của tôi không bao giờ đem lại hạnh phúc cho một ai, bởi vì tôi không bao giờ chịu hy sinh gì cho những người tôi yêu: tôi chỉ yêu cho tôi, tôi yêu để thỏa mãn cá nhân tôi; tôi chỉ làm thỏa mãn sự đòi hỏi kỳ lạ của trái tim, ngốn ngấu một cách háo hức những tình cảm, những vuốt ve chiều chuộng, những sướng vui và đau khổ của họ, và cứ ngốn mãi mà chẳng bao giờ thấy no. Ví như một người bị cái đói hành hạ, ngủ thiếp đi vì kiệt lực và trong giấc mơ lại thấy những món ăn sang trọng và rượu vang sủi bọt bày ra trước mắt; anh ta khoái trá ngốn ngấu những thứ quà hư không của trí tưởng tượng, và anh ta cảm thấy dễ chịu hơn; nhưng vừa mới tỉnh giấc - ước mơ biến mất, chỉ còn lại cái đói gấp đôi và thất vọng!
Và có thể ngày mai tôi chết!.. và trên mặt đất này sẽ không còn một ai hoàn toàn hiểu hết tôi. Người này thì cho tôi là tồi tệ hơn, người kia lại thấy tôi tốt hơn là tôi trong đời thực... Người này nói: anh ta là một thanh niên tốt, kẻ khác lại cho tôi là đồ súc sinh!.. Cả người này lẫn người kia đều nhầm. Ðã thế thì sống làm gì cho nhọc xác nhỉ? Vậy mà người ta vẫn sống - vì tò mò: người ta đợi một cái gì đó mới mẻ... Thật tức cười và cũng đáng bực!
* *   *
Tôi ở pháo đài N, thế mà cũng đã được một tháng rưỡi rồi. Bác Marxim Marximich đi săn, tôi còn lại một mình, ngồi bên cửa sổ, mây xám phủ kín núi non từ ngọn cho đến chân; sau màn sương, mặt trời nom giống như cái chấm vàng. Trời lạnh, gió rít và làm cho các cánh cửa sổ lung lay... Buồn quá! Tôi bèn ghi tiếp cuốn nhật ký bị gián đoạn vì có biết bao nhiêu biến cố kỳ lạ.
Tôi đọc trang cuối: buồn cười thật! Tôi đã tưởng chết; điều đó đâu có dễ: tôi chưa uống cạn ly rượu đắng cay và lúc này tôi cảm thấy trời còn cho tôi sống lâu.
Tất cả quá khứ nằm trong ký ức tôi sao mà rõ rệt và sắc nét đến thế. Thời gian không hề xóa đi một đường nét, một sắc màu!
Tôi nhớ suốt cái đêm trước cuộc quyết đấu, tôi không hề chợp mắt lấy một phút.
Viết, tôi không thể viết lâu: một nỗi lo thầm kín giày vò tôi. Tôi đi bách bộ trong phòng chừng một giờ, sau đó thì ngồi xuống và giở cuốn tiểu thuyết của Oantơ Xcốt[56] đang nằm trên bàn ra xem: đó là quyển “Những tín đồ Thanh giáo ở Ecôt”; lúc đầu tôi phải cố mới đọc nổi, nhưng sau đó thì bị cái chuyện hoang đường kỳ diệu ấy cuốn hút, tôi quên hết mọi sự đời... Lẽ nào nhà thơ anh hùng ca xứ Êcôt ấy ở thế giới bên kia lại không được đền bù xứng đáng vì mỗi phút giây vui sướng mà cuốn sách của ông đã đem lại cho người đời?
Rồi cuối cùng trời hửng sáng. Thần kinh tôi trở lại bình thường. Tôi nhìn vào gương: khuôn mặt tôi với nước da xanh xám còn hằn rõ những dấu vết của một đêm thao thức đầy đau thương; nhưng đôi mắt tuy thâm quầng, vẫn long lanh một cách kiêu hãnh và nghiệt ngã. Tôi lấy làm vừa lòng với mình lắm.
Tôi ra lệnh đóng yên cương, mặc quần áo và chạy đi tắm. Ngâm mình trong nước suối khoáng Nardan mát lạnh đang sủi bọt tôi cảm thấy sức lực cả thể xác lẫn tâm hồn đều được hồi phục. Ra khỏi thùng tắm tôi thấy mình tươi tắn và phấn chấn như đang sửa soạn đi khiêu vũ. Cứ thử đi rồi sẽ biết: tâm hồn không lệ thuộc vào thể chất!
Khi trở về tôi thấy bác sĩ đang đợi tôi. Ông mặc chiếc quần nịt xám, chiếc áo Caphtan và đội chiếc mũ Tserkex. Tôi cười vang khi trông thấy hình dáng nhỏ bé của ông dưới chiếc mũ lông đồ sộ ấy, gương mặt ông nói chung không có vẻ gì là hiếu chiến nhưng lúc này nom cứ dài thưỡn ra so với lúc bình thường.
- Bác sĩ ơi! cớ sao anh lại buồn thế? - tôi nói với ông. - Anh chẳng đã từng đưa tiễn hàng trăm người sang thế giới bên kia, mà lòng vẫn cứ dửng dưng quá đỗi rồi đó sao? Anh cứ tưởng tượng rằng tôi bị mắc bệnh sốt mật; tôi có thể khỏi, cũng có thể chết; thế này hay thế kia cũng đều nằm trong trình tự của sự vật cả mà thôi; hãy cứ xem tôi như một con bệnh mắc một thứ bệnh mà anh chưa biết, và như vậy tính tò mò của anh càng được kích thích tới tột độ; ngay lúc này anh có thể có một số nhận xét sinh lý học rất quan trọng trên người tôi... Sự đợi chờ một cái chết bức tử không phải là một căn bệnh thực sự sao?
Ý nghĩ này làm ông sửng sốt, và ông lại trở nên vui vẻ.
Chúng tôi lên ngựa, Verne hai tay nắm chặt lấy dây cương, và chúng tôi lên đường. Trong nháy mắt chúng tôi đã phi nước đại trước pháo đài, vượt qua khu ngoại ô và đi vào hẻm núi có con đường ngoằn ngoèo bị cỏ cao phủ kín tới phân nửa và chốc chốc lại bị một con suối ầm ĩ cắt ngang, muốn qua suối phải lội, rất buồn cho bác sĩ là mỗi lần lội trong nước con ngựa của ông cứ đứng dừng lại.
Tôi không nhớ là có một buổi sáng nào trời xanh và tươi mát hơn hôm ấy! Mặt trời vừa ló ra khỏi những ngọn núi xanh, và luồng hơi ẩm của những tia nắng hòa lẫn với khí mát của đêm tàn gây cho tất cả các giác quan một cảm giác uể oải êm ái lạ kỳ; tia sáng tươi vui của ngày đang lên chưa rọi vào khe hẻm; chỉ mới nhuốm vàng những mỏm vách đá ớ hai bên đường, sừng sững trên đầu chúng tôi; mỗi khi có làn gió mát nhẹ thổi, những bụi cây rậm rịt mọc trong các khe nứt sâu trên vách đá, lại giội lên người chúng tôi một cơn mưa bạc. Tôi còn nhớ - lần ấy tôi yêu thiên nhiên hơn bất cứ lúc nào trước đó. Sao tôi lại tò mò ngắm từng giọt sương đang lấp lánh trên một chiếc lá nho to và phản chiếu muôn vàn tia sáng sặc sỡ đến thế! Sao tôi lại hăm hở cố phóng tầm mắt vào chốn xa xăm mờ ảo đến thế! Chốn ấy con đường mỗi lúc một hẹp hơn, những vách đá xanh hơn và ghê rợn hơn, và cuối cùng hình như chúng chập vào nhau thành một bức tường không thể vượt qua. Chúng tôi lặng lẽ đi.
- Anh có viết di chúc không? - Verne bỗng nhiên hỏi tôi.
- Không!
- Nhưng nếu anh chết thì sao?
- Những người thừa kế sẽ có cách.
- Lẽ nào anh không có lấy một người bạn mà anh muốn gửi lời vĩnh biệt ư?
Tôi lắc đầu. 
- Chẳng lẽ trên đời này không có một người đàn bà nào mà anh muốn để lại một vật gì đó để làm kỷ niệm sao?
- Bác sĩ ơi, - tôi trả lời ông, - anh có muốn tôi mở toang tâm hồn tôi cho anh xem không nào? Anh thấy đấy, tôi không còn ở cái tuổi khi hấp hối lại gọi tên người yêu hay để lại cho bạn một nắm tóc có ướp nước hoa hoặc không ướp. Khi nghĩ đến cái chết kề cận có thể xảy ra, tôi chỉ nghĩ đến bản thân tôi mà thôi; có những kẻ không làm cả cái việc như thế nữa kia. Bạn bè ngày mai rồi sẽ quên ta hay tồi tệ hơn còn trút lên đầu ta, có trời biết là những chuyện bịa đặt gì, đàn bà khi ôm ấp người khác, sẽ cười nhạo ta để không gợi lên ở tình nhân mối ghen tuông với người đã chết, - cầu Chúa tha tội cho họ! Từ trong dông tố của cuộc đời tôi chỉ rút ra được một số ý niệm - chứ không có chút tình cảm nào. Ðã lâu rồi tôi không sống bằng con tim mà bằng khối óc. Tôi cân nhắc, phân tích các dục vọng và hành động của riêng tôi với con mắt tò mò khắc nghiệt nhưng lạnh lùng. Trong tôi có hai con người: một người thì sống với đầy đủ ý nghĩa của từ ấy, còn người thứ hai thì suy nghĩ và thẩm xét người kia, có thể sau một giờ nữa con người thứ nhất sẽ vĩnh biệt anh và vĩnh biệt thế gian này, còn con người thứ hai... người thứ hai? Hãy xem kia, bác sĩ ơi, anh có thấy ba cái bóng đen đen trên vách đá ở phía bên phải kia không? Chắc là những đối thủ của chúng ta đấy?
Chúng tôi thúc ngựa đi nước kiệu.
Dưới chân vách đá có ba con ngựa buộc trong bụi; chúng tôi cũng buộc ngựa mình vào đấy, và leo lên theo một con đường mòn nhỏ hẹp, chúng tôi tới một bãi đất trống, đứng đợi chúng tôi ở đấy có Grusnixki cũng lão đại úy long kỵ và một người làm chứng khác tên là Ivan Ignatêvich, cái tên họ này tôi chưa bao giờ nghe nói đến.
- Chúng tôi đợi các ông lâu lắm rồi! - Lão đại úy nói, miệng nở một nụ cười mỉa mai.
Tôi rút chiếc đồng hồ ra và giơ cho lão xem.
Lão xin lỗi và thanh minh là đồng hồ của mình nhanh.
Vài phút trôi qua, im lặng, nặng nề; sau cùng để phá tan bầu không khí ấy, bác sĩ hướng về Grusnixki, nói:
- Tôi có cảm tưởng rằng khi cả hai vị đều tỏ ra sẵn sàng quyết đấu và làm việc đó là để trả món nợ cho các quy tắc của danh dự, thưa các vị, bây giờ các vị có thể giải thích cho nhau và giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng!
- Tôi sẵn sàng - tôi nói.
Lão đại úy nháy mắt cho Grusnixki, và thằng cha này tưởng tôi sợ nên tỏ vẻ ngạo mạn, tuy từ nãy đến giờ mặt hắn vẫn tái mét. Kể từ lúc chúng tôi tới đây, đây là lần đầu hắn ngước mắt lên nhìn tôi; nhưng trong ánh mắt hắn có một cái gì như lo lắng, biểu lộ một cuộc đấu tranh nội tâm.
- Ông hãy trình bày những điều kiện của ông đi, - hắn nói, - và tất cả những điều tôi có thể làm được cho ông, ông hãy tin rằng...
- Điều kiện của tôi, thì đây: ngay hôm nay ông hãy công khai cải chính những điều vu khống của ông và xin lỗi tôi...
- Thưa đức ông, tôi lấy làm lạ sao ngài lại dám đề nghị với tôi những việc như thế?
- Ngoài việc đó, tôi còn biết đề nghị với ông cái gì khác được?
- Chúng tôi sẽ đấu vậy!
Tôi nhún vai.
- Xin mời, nhưng cũng nên biết rằng một trong hai ta nhất định sẽ chết...
- Tôi mong rằng người đó là ông...
- Còn tôi lại tin chắc sẽ trái lại...
Hắn ta bối rối, đỏ mặt, rồi phá lên cười miễn cưỡng.
Lão đại úy nắm tay kéo hắn ra một nơi; và hai người thì thầm với nhau một lúc lâu.
Lúc tới đây, tâm trạng tôi còn khá hiếu hòa, nhưng tất cả những việc vừa giờ bắt đầu làm tôi tức tối.
Bác sĩ đến bên tôi.
- Này, - ông nói bằng một giọng rõ ràng là lo lắng,- anh chắc đã quên mất âm mưu của chúng rồi? Tôi không biết lắp đạn súng ngắn, nhưng trong trường hợp này... Anh thật là kỳ quặc! Hãy nói cho chúng biết là anh đã biết tỏng ý đồ của chúng, và chúng sẽ không dám. Việc quái gì phải thế! chúng sẽ bắn rơi anh như một con chim...
- Xin anh cứ bình tĩnh, bác sĩ ạ, và anh hãy đợi đấy... Tôi sẽ có cách thu xếp khiến bọn chúng chẳng lợi lộc gì đâu. Cứ để mặc cho chúng thì thầm.
- Thưa các ngài, chán lắm rồi! - tôi lớn tiếng nói với chúng, - đấu thì đấu đi; các ngài có đủ thì giờ để bàn bạc từ hôm qua rồi kia mà.
- Chúng tôi đã sẵn sàng, - lão đại úy nói, - mời hai ngài, ai về chỗ nấy! Thưa bác sĩ, xin ngài cho phép đo đủ sáu bước...
- Hãy đứng vào chỗ! - Ivan Ignatiêvich nhắc lại giọng the thé.
- Xin lỗi các ngài! - tôi nói,- còn một điều kiện nữa, vì chúng tôi sẽ bắn chết nhau, nên chúng tôi phải làm tất cả những gì có thể làm để việc khỏi bị bại lộ và để các ngài làm chứng của chúng ta khỏi phải chịu trách nhiệm. Các ngài đồng ý chứ?
- Hoàn toàn đồng ý.
- Vậy thì tôi đã nghĩ ra một cách như thế này. Các ngài có thấy trên đỉnh vách đá dựng đứng kia, về phía tay phải, có một đám đất hẹp không? từ đó xuống tới chân ước độ ba mươi xagien, có thể hơn nữa; phía dưới là đá nhọn. Mỗi người chúng tôi phải đứng ở ngay mé ngoài đám đất bằng kia; như vậy một vết thương dù nhẹ nhất cũng đưa đến chỗ chết: điều này chắc hẳn là hợp với ý muốn của các ngài, vì các ngài đã tự ý định ra khoảng cách sáu bước. Kẻ nào bị thương nhất định sẽ bay nhào xuống dưới và chắc chắn sẽ chết tan xác; bác sĩ sẽ gắp đạn ra và như vậy sẽ rất dễ dàng giải thích cái chết bất thần ấy là do một bước nhảy hụt. Chúng ta sẽ tung đồng tiền xem ai bắn trước. Ðể kết thúc, tôi xin tuyên bố rằng nếu không đúng như thế tôi sẽ không đấu.
- Xin mời, - lão đại úy vừa nói vừa đưa mắt nhìn Grusnixki một cách đầy ý nhị; hắn gật đầu tỏ vẻ chấp nhận.
Nét mặt hắn thay đổi từng lúc một.
Tôi đã dồn hắn vào một tình thế khó xử. Bắn nhau trong những điều kiện bình thường, hắn có thể nhằm bắn tôi ở chân, làm tôi bị thương nhẹ và như vậy hắn cũng đủ thỏa mãn việc báo thù mà lương tâm không bị cắn rứt lắm; nhưng bây giờ hắn chỉ còn mỗi một cách là bắn chỉ thiên, hoặc trở thành kẻ sát nhân, hoặc cuối cùng là vẫn cứ đeo đuổi âm mưu đê tiện của mình, để cũng tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm như tôi. Trong lúc này, thật tôi không muốn ở vào địa vị của hắn. Hắn kéo lão đại úy ra nơi khác và nói với lão điều gì rất nóng nảy; tôi thấy đôi mắt tím ngắt của hắn run run; nhưng lão đại úy quay ngoắt đi với một nụ cười khinh miệt “Cậu là đồ ngốc! - lão nói khá lớn với Grusnixki, - cậu không hiểu gì sất! Chúng ta đi thôi, thưa các ngài!”.
Một con đường mòn nhỏ hẹp len lỏi giữa các bụi cây, bò lên dốc; những phiến đá vỡ khập khiễng xếp thành những bậc thang chênh vênh của chiếc thang thiên tạo này; chúng tôi bám vào các bụi cây leo lên. Grusnixki đi trước theo sau là những người làm chứng của hắn, sau đó đến tôi với ông bác sĩ.
- Tôi thấy anh thật là lạ, - xiết chặt tay tôi bác sĩ nói, - để tôi bắt mạch cho anh xem sao! Ô hô! anh đang sốt! Nhưng nhìn mặt anh lại không thấy chỉ có đôi mắt anh là sáng hơn mọi ngày.
Đột nhiên có tiếng lạo xạo của những hòn sỏi nhỏ lăn dưới chân chúng tôi. Gì thế nhỉ? Grusnixki bị vấp ngã; cành cây hắn níu bị gãy và tí nữa thì hắn tuột ngửa xuống mé dưới, nếu những người làm chứng không đỡ hắn lại.
- Hãy cẩn thận, kẻo ngã trước đấy. - tôi quát bảo hắn, - Đó là một điềm không hay rồi. Hãy nhớ lại Iuli Xêda[57].
Sau cùng chúng tôi đã lên tới đỉnh một vách đá nhô hẳn ra ngoài; nền đất phủ một lớp cát mịn tuồng như được sửa sang để chuẩn bị sẵn cho một cuộc quyết đấu. Xung quanh, những ngọn núi chen chúc nhau chìm trong sương mù vàng óng của buổi ban mai, nom như một bầy gia súc đông nghịt; còn ở phía nam ngọn Enbơruk hiện lên sừng sững như một khối đá đồ sộ trắng toát tạo thành một đường vòng xích khép kín gồm những ngọn núi đóng băng với những đám mây xốp như bông từ phương Đông chạy tới đang nhởn nhơ bay lượn. Tôi đi tới mép bãi bằng nhìn xuống và thấy hơi chóng mặt; dưới kia nom có vẻ tối tăm và lạnh lẽo như trong một nấm mồ, những chiếc răng đó nhọn bị mưa bão vào thời gian ném từ trên vách đá cao xuống, phủ đầy rêu phong đang đợi một con mồi.
Nền đất bằng, chỗ chúng tôi sắp bắn nhau là một hình tam giác gần như đều cạnh. Chúng tôi đã đo đúng sáu bước bắt đầu từ cái góc nhô hẳn ra ngoài và cùng thỏa thuận là người đầu tiên phải nếm đạn của kẻ thù sẽ đứng ngay trên cái góc ấy, quay lưng về phía vực; nếu người đó không bị giết chết thì hai bên đối địch lại đổi chỗ cho nhau.
Tôi định bụng là sẽ dành tất cả mọi thuận lợi cho Grusnixki; tôi muốn thử thách hắn; trong tâm hồn hắn có thể lóe lên một tia hào hiệp, và như vậy mọi việc sẽ được thu xếp ổn thỏa hơn; nhưng lòng tự ái và tính cách yếu hèn của hắn đã thắng.
Tôi muốn cho mình toàn quyền không thương tiếc hắn, nếu số phận vẫn nuông chiều. Ai mà chả có những điều thỏa thuận như thế với lương tâm mình?
- Hãy tung tiền đi, bác sĩ! - lão đại úy nói.
Bác sĩ rút trong túi áo ra một đồng tiền bạc và tung lên không.
- Chấn song! – Grusnixki vội vã kêu lên như một người bất thình lình bị một cái huých thân tình làm bừng tỉnh.
- Con phượng hoàng[58]! - tôi nói.
Đồng bạc quay mấy vòng rồi rơi xuống đất, kêu leng keng; mọi người nhảy xổ tới xem.
- Ông gặp số may rồi! - tôi nói với Grusnixki,- ông được bắn trước! Nhưng nên nhớ rằng nếu ông không bắn chết tôi thì tôi sẽ không bắn trượt đâu, tôi xin hứa với ông một lời danh dự đấy.
Hắn ta đỏ mặt; hắn thấy xấu hổ vì giết một người không có vũ khí, tôi nhìn hắn chòng chọc; giây phút ấy tôi đã có cảm tưởng là hắn sẽ quỳ xuống chân tôi, cầu xin tha tội; nhưng làm sao có thể thú nhận một âm mưu hèn hạ đến thế? Hắn chỉ còn có mỗi một chước là bắn chỉ thiên; tôi tin là hắn sẽ bắn chỉ thiên!
Chỉ có mỗi một điều có thể ngăn cản hắn: hắn nghĩ là tôi sẽ đòi phải có một cuộc quyết đấu thứ hai.
- Ðã đến lúc rồi! - bác sĩ giật tay áo và khẽ nhắc tôi, - nếu lúc này anh không nói là chúng ta đã biết ý định của chúng thì mọi việc sẽ hỏng bét. Xem kìa, hắn đang lắp đạn. Nếu anh không nói gì thì tôi sẽ tự...
- Không vì lý do gì trên đời này cả, bác sĩ ơi,- tôi vừa đáp vừa giữ tay ông ta, - anh sẽ làm hỏng hết cả mất; anh đã hứa là cứ để mặc tôi cơ mà... Nào có can gì tới anh? Có lẽ tôi muốn chết cũng nên.
Ông ta nhìn tôi với vẻ kinh ngạc:
- Ồ, như thế thì lại khác! Nhưng lúc sang thế giới bên kia, đừng có đi kiện tôi đấy.
Trong lúc ấy, lão đại úy đã nạp xong đạn vào khẩu súng của mình, lão trao cho Grusnixki một khẩu, miệng mỉm cười thì thầm với hắn điều gì không rõ và trao cho tôi khẩu còn lại.
Tôi đứng ở góc nền đất bằng, chân trái tì chặt xuống đá và hơi nghiêng người về phía trước để có bị thương nhẹ cũng không lộn cổ ra phía sau.
Grusnixki đứng đối diện với tôi và theo hiệu lệnh, bắt đầu giơ súng lên. Ðầu gối hắn run run. Hắn nhắm thẳng vào trán tôi.
Thế là một nỗi tức giận khó tả sôi lên trong lồng ngực tôi.
Đột nhiên hắn hạ nòng súng xuống, và xanh như tàu lá, hắn ngoảnh sang người làm chứng của mình:
- Tôi không thể bắn được! - hắn nói giọng khản đặc.
- Đồ hèn! - lão đại úy đáp.
Súng nổ. Viên đạn làm xước đầu gối tôi. Tôi bất giác bước mấy bước lên phía trước để mau chóng rời xa mép bờ vực.
- Chà, anh bạn Grusnixki ơi, đáng tiếc là cậu đã bắn trật rồi! - lão đại úy nói, - giờ thì đến lượt anh, hãy đứng ra chịu đạn! Trước hết, hãy ôm hôn tôi cái đã: chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa đâu!
Họ ôm hôn nhau; lão đại úy đã cố nén để khỏi bật cười.
- Đừng sợ, lão xảo quyệt liếc nhìn Grusnixki và nói thêm, - tất cả trên đời này chỉ là chuyện nhảm nhí! Tạo hóa là thằng ngu, số phận là con gà tây còn thì đời không đáng giá lấy một xu!
Nói xong những lời bi thảm ấy với cái vẻ mặt hết sức trang nghiêm, hắn trở về chỗ cũ, Ivan Ignatiêvich cũng ôm hôn Grusnixki, nước mắt giàn giụa, và thế là chỉ còn một mình hắn đối mặt với tôi. Cho đến lúc này tôi vẫn cứ cố tự giải thích với mình cái tình cảm đã sôi sục trong lòng tôi lúc ấy đại khái là thế nào; trong đó có cả sự tức giận vì lòng tự ái bị tổn thương, cả sự khinh bỉ và phẫn nộ nảy sinh khi nghĩ rằng cái người hiện đang nhìn tôi với vẻ vững tin, tỉnh táo đến mức điềm nhiên kia, hai phút trước đây, không phải trải qua một chút hiểm nghèo nào, đã muốn giết tôi như giết một con chó, vì nếu chân tôi bị thương nặng hơn chút nữa, thì chắc chắn tôi đã ngã lộn nhào xuống khỏi bờ vực rồi.
Tôi chăm chú nhìn vào mặt hắn mấy phút, cố tìm xem hắn có gì là hối hận, dù rất nhỏ không. Nhưng tôi lại có cảm tưởng là hắn đang cố nén một nụ cười.
- Tôi khuyên ông trước khi chết nên cầu Chúa đi! - lúc ấy tôi bảo hắn.
- Đừng có lo lắng cho linh hồn tôi hãy lo cho bản thân mình thì hơn. Tôi chỉ yêu cầu ông một điều: bắn nhanh lên.
- Và như vậy là ông không chịu cải chính những lời vu khống của ông? Không chịu xin lỗi tôi! Nghĩ kỹ đi! Lương tâm ông không mách bảo ông một điều gì ư?
- Ngài Pêtsôrin! - lão đại úy long kỵ kêu lên, - ông đến đây không phải để rửa tội cho người khác, xin ông cho phép tôi nói rõ. Làm nhanh lên; kẻo lỡ có người đi qua đường và nhìn thấy chúng ta đấy.
- Được lắm! Bác sĩ ơi, mời anh lại đây với tôi.
Bác sĩ Verne tiến lại gần tôi.
Tội nghiệp cho bác sĩ! Ông ta còn xanh hơn Grusnixki mười phút trước đấy.
Những lời sau đây, tôi cố ý nói to, thủng thẳng từng tiến một như người ta tuyên án tử hình: - Bác sĩ ơi, chắc chắn là trong lúc vội vàng các vị đã quên nạp đạn vào súng của tôi. Tôi đề nghị anh nạp lại, mà nạp thật cẩn thận vào!
- Có thể nào lại thế được!- lão đại úy kêu lên,- không thể thế được! Tôi đã nạp đạn cả hai khẩu, chẳng lẽ đạn trong súng của ông lại rơi đâu mất. Đó không phải là lỗi của tôi! Nhưng ông không có quyền nạp lại… ông không có quyền… đó là điều trái hẳn với thể thức; tôi không cho phép…
- Được lắm! - tôi nói với lão đại úy, - nếu vậy thì tôi sẽ đấu cùng ông với những điều kiện như thế.
Lão bối rối. Grusnixki đứng đợi, đầu cúi gằm, bối rối và buồn bã.
- Để mặc họ… - sau cùng hắn nói với lão đại úy khi ông ta đang muốn giằng khẩu súng của tôi khỏi tay bác sĩ, - vì chính anh cũng biết là họ có lý.
Mặc cho lão đại úy làm đủ mọi ám hiệu, Grusnixki vẫn như không muốn nhìn nữa. Trong lúc ấy bác sĩ đã nạp xong đạn và trao súng cho tôi. Thấy thế lão đại úy nhổ toẹt một bãi xuống đất và giậm chân.
- Sao mà cậu ngu đến thế, hở anh bạn, - lão nói, - một thằng ngốc đặc! Nếu cậu đã giao phó tính mạng cậu cho tớ thì phải nghe tớ đến cùng chứ. Đáng đời cậu lắm! Thôi thì chết như con ruồi chết vậy.
Lão quay gót bước đi miệng lẩm bẩm:
- Nói gì thì nói, điều đó vẫn cứ trái với thể thức.
- Grusnixki! - Tôi nói, - hãy còn kịp; cải chính những lời vu khống của mày đi, tao sẽ tha thứ cho mày tất cả. Mày đã không lừa tao được rồi; và lòng tự ái của tao đã được thỏa mãn; hãy nhớ lại chúng mình đã từng là bạn của nhau.
Mặt hắn đỏ bừng bừng, đôi mắt sáng quắc.
- Bắn đi! - hắn trả lời,- tôi tự khinh tôi, và tôi căm thù anh. Nếu anh không giết tôi thì một đêm nào đấy tôi cũng sẽ ám sát anh. Trên mặt đất này không đủ chỗ cho cả hai đứa.
Tôi bóp cò. Khi khói tan, Grusnixki đã không còn trên nền đám đất nữa. Chỉ còn một làn bụi cát nhẹ xoáy tròn như cái cột ở mép bờ vực sâu.
Ai nấy đều kêu lên một tiếng.
- Finita la comedia! [59] - tôi nói với bác sĩ.
Ông không đáp lời và ngoảnh mặt đi với vẻ kinh hoàng.
Tôi nhún vai và cúi chào những người làm chứng của Grusnixki.
Khi xuống núi theo con đường mòn, tôi nhìn thấy chiếc thây đẫm máu của Grusnixki nằm giữa những khe nứt của vách đá. Bất giác tôi nhắm mắt lại…
Tôi cởi dây buộc ngựa và thủng thẳng ra về. Lòng tôi nặng trĩu như một tảng đá đè lên ngực. Tôi cảm thấy mặt trời tối mờ đi, tia nắng không sưởi ấm được tôi.
Chưa tới Khu ngoại ô, tôi đã rẽ phải, men theo con hẻm. Hình hài của con người làm cho tôi đau khổ: tôi chỉ muốn được tách biệt một mình. Buông lỏng dây cương, đầu cúi gằm, tôi đi một hồi lâu, cuối cùng thì đến một chỗ tôi không biết là chỗ nào; tôi cho ngựa quay trở lại và bắt đầu tìm đường; mặt trời đã xuống thấp khi tôi về tới Kixlôvôđxk; người kiệt lực cưỡi trên con ngựa kiệt lực.
Tên đầy tớ cho tôi biết Verne có tới tìm và đưa cho tôi hai lá thư: một của bác sĩ và một… của Vêra.
Tôi mở bức thứ nhất, nội dung như sau: “Tất cả đều ổn thỏa, không thể hơn: người ta đã mang cái thây bị biến dạng về, đạn đã được gắp ra khỏi ngực. Mọi người đều cho rằng anh ta chết là vì tại nạn rủi ro; chỉ có tư lệnh trưởng, chắc đã phong thanh biết việc tranh cãi của các anh, nên ông ta lắc đầu, nhưng không nói gì. Không có bằng chứng gì để buộc tội anh và anh có thể ngủ ngon... nếu có thể... Chào anh.”.
Tôi cứ do dự mãi không dám bóc lá thứ hai... Nàng có thể viết gì cho tôi?.. Một linh cảm nặng nề làm cho tâm hồn tôi xao xuyến.
Nó đây, bức thư ấy đây, mỗi chữ mỗi lời đều mãi mãi khắc sâu vào tâm trí tôi:
“Em viết cho anh vì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không bao giờ còn gặp nhau nữa. Cách đây mấy năm, khi xa anh, em cũng nghĩ như thế; nhưng trời còn muốn thử thách lòng em lần thứ hai; em đã không chịu được cuộc thử thách này, trái tim yếu đuối của em một lần nữa đã bị một giọng nói quen thuộc chinh phục... không phải vì thế mà anh khinh em, phải không anh? Lá thư này vừa là lời vĩnh biệt và cũng là lời thú tội: em phải nói với anh tất cả những điều đã chứa chất trong trái tim em từ ngày nó yêu anh. Em sẽ không kết tội anh đâu, - anh đã cư xử với em như bất kỳ một người đàn ông nào khác: anh đã yêu em như người ta yêu của cải của mình, như một nguồn vui, những nỗi lo âu và phiền muộn cứ như thế nối tiếp nhau, và thiếu vắng chúng cuộc đời này sẽ buôn tẻ và đơn điệu. Em đã hiểu như thế ngay từ đầu. Nhưng thấy anh đau khổ nên em đã hy sinh đời em cho anh, hy vọng rằng một ngày nào đó anh sẽ biết đến lòng hy sinh của em, một ngày nào đó anh sẽ hiểu tình yêu sâu sắc của em không hề lệ thuộc vào bất cứ một điều kiện gì.
Từ đó đến nay thời gian trôi qua đã khá nhiều: em đã hiểu thấu tất cả những bí ẩn của lòng anh... và em thấy rõ rằng em đã hy vọng hão huyền.
Lòng em xót xa cay đắng! Nhưng tình yêu của em đã gắn liền với tâm hồn em: nó tối dần nhưng chưa tắt.
Chúng ta sẽ xa nhau mãi mãi; thế nhưng anh có thể tin rằng em sẽ không bao giờ yêu một người nào khác nữa: vì anh mà trong tâm hồn em đã cạn kiệt hết tất cả những cái quý giá của mình, khô hết nước mắt và tan hết mọi hy vọng. Một người phụ nữ đã một lần yêu anh thì không thể nhìn người đàn ông khác mà không có chút khinh miệt, không phải vì anh tốt hơn người ta, ồ, không đâu! mà chỉ vì trong bản chất của anh có cái gì đó đặc biệt, cái gì đó đặc thù của riêng anh, cái gì đó như kiêu hãnh và bí ẩn; dù anh nói gì, trong giọng nói của anh vẫn có một sức mạnh uy quyền không cưỡng nổi; không ai lại biết cách làm cho người khác yêu mình một cách thường xuyên như anh; không ai có cái xấu lại hấp dẫn như anh; không ai có cái ánh mắt lại hứa hẹn bao niềm khoái lạc như anh; không ai biết lợi dụng những ưu thế của mình tốt hơn anh và không một ai có thể đau khổ một cách thực sự như anh, bởi vì chẳng ai lại cố công tự thuyết phục là mình không đau khổ.
Giờ thì em phải nói rõ với anh lý do làm cho em vội vàng ra đi; lý do này đối với anh cũng không quan trọng gì lắm vì nó chỉ liên quan đến một mình em mà thôi.
Sáng nay, chồng em đi vào phòng em và kể cho em nghe cuộc cãi cọ giữa anh với Grusnixki. Rõ ràng là mặt em đã biến sắc vì ông ấy chăm chú nhìn vào mắt em một lúc lâu, chỉ suýt nữa thì em bất tỉnh nhân sự khi nghĩ rằng hôm nay anh phải đấu súng mà em lại là nguyên nhân; em cảm thấy mình sắp điên. Nhưng lúc này, khi em có thể suy xét lại, thì em tin rằng anh vẫn sống: không thể nào anh chết mà lại không có em, không đời nào!
Chồng em đi bách bộ trong phòng rất lâu; em cũng không biết ông ta đã nói với em những gì, không nhớ là em đã trả lời ông ấy những gì... chắc hẳn là em đã nói với ông ấy rằng em yêu anh... Em chỉ nhớ là cuối buổi nói chuyện của hai vợ chồng em, ông ấy đã xúc phạm em bằng một lời khủng khiếp và bỏ ra ngoài. Em nghe tiếng ông ấy ra lệnh đóng ngựa... Thế là đã ba giờ đồng hồ em ngồi bên cửa sổ và đợi anh về... Nhưng anh sống, anh không thể chết được!.. Xe đã sẵn sàng... Xin vĩnh biệt, vĩnh biệt anh... Ðời em thế là hết, - nhưng có đáng kể gì? Nếu em còn có thể tin được rằng anh bao giờ cũng nhớ đến em, - em không dám nói là yêu, - không đâu, chỉ nhớ đến thôi... Xin vĩnh biệt; có người tới... Em phải giấu lá thư đi... Có phải là anh không yêu Mêri không? Anh sẽ không lấy cô ta chứ? Anh ơi: anh nên vì em mà chịu sự hy sinh này nhé: em đã vì anh mà mất tất cả mọi thứ trên đời này...”.
Tôi như điên, đâm bổ ra thềm, nhảy phốc lên con ngựa Tserkex vừa được dắt qua sân, và tôi phi hết tốc lực trên đường đi Piatigorxkơ. Con vật đã mệt nhoài nhưng tôi vẫn cứ hối thúc một cách không thương tiếc; nó thở phì phò và toàn thân đẫm bọt mồ hôi, nhưng vẫn cứ vun vút đưa tôi đi trên con đường đầy sỏi đá.
Mặt trời đã lẩn vào trong đám mây đen đang nằm nghỉ trên rặng núi phía tây; trong hẻm núi trời tối và ẩm ướt. Con suối Pôtkumôk chảy ào ào qua các tảng đá nghe khô khan và đơn điệu. Tôi cứ phi, ngực thấy ngạt thở vì sốt ruột. Ý nghĩ là mình sẽ không còn gặp nàng ở Piatigorxkơ như một nhát búa đập vào tim tôi! - Chỉ cần trông thấy nàng một phút, một phút nữa thôi, nói với nàng một lời từ biệt, xiết chặt tay nàng... Tôi cầu nguyện, tôi chửi rủa, tôi khóc than, tôi cười... không, không gì có thể diễn đạt nổi nỗi xốn xang, và thất vọng của tôi! Khi nghĩ rằng có thể mất nàng vĩnh viễn, đối với tôi Vêra đã trở nên quý giá hơn tất thảy mọi thứ trên cõi đời này - hơn cả cuộc sống, cả danh dự và hạnh phúc! Có trời mà biết trong đầu tôi đã nảy nở những mưu đồ kỳ dị, điên cuồng như thế nào. Trong lúc đó thì tôi cứ phi, phi mãi, thẳng tay dồn thúc ngựa. Thế rồi tôi nhận ra là con vật đang thở dốc, mỗi lúc một nặng nề hơn; nó đã loạng choạng hai lần ngay trên mặt đường phẳng... Còn năm dặm nữa thì tới Exxentukôp - một trạm ngựa của người Kôdắc, đến đấy tôi có thể thay ngựa.
Tình thế còn có thể cứu vãn nếu con ngựa của tôi còn đủ sức phi thêm được mươi phút nữa! Nhưng khi tôi leo lên khỏi một cái mương xói nhỏ để ra khỏi núi, đến khúc ngoặt gấp, con vật thình lình ngã vật xuống đất. Tôi khéo léo nhảy xuống ngay, nắm lấy dây cương lôi nó dậy, nhưng vô hiệu: chỉ còn nghe thấy một tiếng rên yếu đuối thoát ra qua hai hàm răng nghiến chặt; vài phút sau nó trút hơi thở cuối cùng, tôi còn lại một mình giữa thảo nguyên, mất nốt niềm hy vọng cuối cùng: tôi thử đi bộ - đôi chân tôi khuỵu xuống; kiệt sức vì những lo âu trong ngày và một đêm không ngủ, tôi ngã vật xuống đám cỏ ướt và khóc nức nở như một đứa trẻ.
Tôi nằm bất động một hồi lâu và khóc xót xa, không buồn ghìm nước mắt và tiếng nấc; tôi tưởng ngực mình sắp vỡ tung; toàn bộ cái tính quả quyết, cái máu lạnh lùng của tôi đều tan biến như mây khói. Tâm hồn tôi không còn sinh khí, lý trí tôi im bặt, và nếu có ai trông thấy tôi lúc bây giờ thì họ sẽ khinh bỉ mà quay mặt đi.
Khi sương đêm và gió núi làm cho cái đầu nóng bỏng của tôi mát dịu lại và ý nghĩ trở lại bình thường tôi hiểu ra rằng đuổi theo một niềm hạnh phúc đã chết thì thật là vô ích và phi lý. Tôi còn muốn gì nữa nào? Gặp nàng ư? – Để làm gì? Giữa hai đứa chúng tôi còn gì nữa nào? Một chiếc hôn vĩnh biệt cay đắng sẽ không làm cho những hồi ức của tôi thêm phong phú, mà sau đó chỉ làm cho cuộc chia ly của chúng tôi đau xót thêm!
Thế nhưng tôi lại thấy dễ chịu vì mình còn có thể khóc! Vả lại nguyên nhân của hiện tượng đó có thể do thần kinh rối loạn, một đêm thao thức, hai phút đứng trước mũi súng và chiếc dạ dày lép kẹp.
Sự thể như thế lại hoá hay! Nỗi đau mới này, nói theo kiểu nhà binh, đã hoàn tất một cuộc phá hoại tốt lành ở nơi tôi. Khóc được là may, và sau đó nếu không có buổi phi ngựa và nếu không buộc phải cuốc bộ quay trở lại mười lăm dặm đường kia thì chắc đêm hôm ấy giấc ngủ đã không tài nào khép nổi đôi mắt tôi.
Về tới Kixlôvôđxki lúc năm giờ sáng, tôi nằm vật xuống giường và đánh một giấc như Napôlêông sau trận Oaterlô.
Khi tôi tỉnh dậy bên ngoài trời đã tối. Tôi ngồi xuống bên cửa sổ mở và cởi khuy áo ngoài, khi lồng ngực tôi vẫn chưa yên tĩnh sau giấc ngủ nặng nề vì mệt mỏi thì một cơn gió núi đã làm cho nó dịu vợi hẳn đi. Xa xa bên kia sông thấp thoáng những ngọn đèn trong các tòa nhà của pháo đài và khu ngoại ô ánh sáng rọi qua những ngọn cây gia rậm lá làm cho dòng sông thoáng hiện ra. Trong sân nhà chúng tôi tất cả đều yên ả, trong nhà bà công tước vẫn tối đèn. Bác sĩ bước vào; mặt mũi sa sầm; trái với thường lệ, ông không chìa tay cho tôi.
- Bác sĩ ơi, anh từ đâu tới thế?
- Ở nhà bà công tước Ligôpxkaia; con gái bà ta ốm - suy nhược thần kinh! Nhưng không phải việc ấy, mà là thế này kia: nhà chức trách đã đoán ra, và mặc dù không thể tìm ra chứng cớ thích đáng, thế nhưng tôi vẫn cứ khuyên anh nên đề phòng. Hôm nay bà công tước có nói với tôi là bà ta biết vì con gái bà mà các anh đã đấu súng. Chính cái lão già bé tí kia - tên lão là gì nhỉ? - đã kể hết với bà ta... Lão có chứng kiến cuộc cãi lộn giữa anh với Grusnixki trong tiệm ăn. Tôi đến để báo cho anh biết trước. Xin vĩnh biệt anh. Có lẽ chúng ta sẽ không còn gặp nhau nữa đâu: người ta sẽ điều động anh đi nơi khác.
Ông ta dừng lại ở ngưỡng cửa, ông rất muốn bắt tay tôi... và nếu tôi lại tỏ ra cho ông thấy dù một chút thôi là muốn bắt tay, thì chắc hẳn ông đã nhảy bổ tới bá lấy cổ tôi; nhưng tôi vẫn lạnh như đá - và ông ta bỏ đi.
Con người là thế đấy! Tất thảy bọn họ đều thế cả: họ biết trước tất cả những mặt xấu của một hành động, họ giúp đỡ, khuyên bảo, thậm chí còn khuyến khích ta hành động nữa kia khi họ thấy không còn cách nào khác rồi sau đó họ lại phủi tay và bất bình ngoảnh đi, bỏ mặc cái kẻ đã dám đảm nhận tất cả gánh nặng của trách nhiệm vào mình. Tất thảy bọn họ đều thế cả thậm chí cả những kẻ tốt nhất, thông minh nhất!
Sáng ngày hôm sau, tôi nhận được lệnh của thượng cấp điều động tới pháo đài N, tôi rẽ vào chào bà công tước.
Bà rất đỗi ngạc nhiên khi tôi trả lời câu hỏi của bà: liệu tôi có điều gì đặc biệt quan trọng muốn nói với bà không? - Tôi đáp rằng xin chúc bà may mắn và vân vân…
- Nhưng tôi lại có câu chuyện cần nói với ông một cách nghiêm chỉnh.
Tôi im lặng ngồi xuống. Rõ ràng là bà không biết mở đầu câu chuyện như thế nào; bà đỏ mặt lên, những ngón tay múp míp gõ nhẹ lên mặt bàn; cuối cùng bà đã mở đầu như thế này, giọng bà ngắt quãng:
- Này, ông Pêtsôrin này! Tôi nghĩ rằng ông là một người cao thượng.
Tôi nghiêng mình.
- Tôi thậm chí còn tin chắc như thế, - bà nói tiếp, - tuy rằng tư cách của ông có đôi chút đáng ngờ; nhưng ông có thể có những lý do mà tôi không biết, và giờ thì ông nên nói cho tôi hay. Ông đã bảo vệ con gái tôi khỏi bị vu khống, vì nó mà ông đã quyết đấu, vậy là ông đã liều mạng vì nó... Ðừng ngắt lời tôi, tôi biết ông không thể thú nhận điều này, bởi vì ông Grusnixki đã chết (bà ta làm dấu). Chúa xá tội cho ông ta, và tôi hy vọng, cho cả ông nữa! Điều đó không can hệ tới tôi, tôi không dám phán xét ông, vì con gái tôi, tuy là vô tội, nhưng cũng là nguyên nhân của cái việc này. Nó đã nói hết với tôi... tôi nghĩ là nó đã nói hết: ông đã tỏ tình với nó... nó cũng đã thú với ông là nó yêu ông (đến đây bà công tước thở dài não ruột). Nhưng nó đang ốm, và tôi tin rằng đó không phải là một thứ bệnh bình thường! Một nỗi buồn thầm kín đang làm nó héo hon; nó chưa thú với tôi nhưng tôi chắc ông là nguyên nhân... Ông hãy nghe đây: Có lẽ ông cho rằng tôi đang đi tìm danh vọng, giàu sang, ông đừng nghĩ thế! tôi chỉ muốn cho con gái tôi được hạnh phúc. Ðịa vị của ông hiện nay cũng không có gì đáng cho người ta khát khao, nhưng mọi việc sẽ có thể thu xếp ổn thỏa: ông có gia tài; con gái tôi yêu ông, nó đã được giáo dục để biết cách làm cho chồng nó sung sướng, tôi giàu và chỉ có mỗi một mình nó... Ông nói đi, cái gì còn làm ông lấn cấn nào? Ông biết đấy, lẽ ra tôi không nên nói tất cả điều này với ông, nhưng tôi tin vào tấm lòng ông, vào danh dự của ông; ông nên nhớ rằng tôi chỉ có mỗi một đứa con gái..., chỉ một...
Bà ta khóc.
 - Thưa công tước phu nhân - tôi nói, - tôi không thể trả lời công tước phu nhân được; công tước phu nhân hãy cho phép tôi được nói chuyện riêng với công tước tiểu thư...
- Không đời nào! - Bà ta thốt lên và đứng dậy khỏi ghế trong cơn xúc động mạnh.
- Tùy công tước phu nhân vậy! - tôi đáp và sửa soạn ra về.
Bà ta nghĩ ngợi một lát, rồi đưa tay ra hiệu cho tôi đợi, và bước ra ngoài. Chừng năm phút trôi qua; tim tôi đập mạnh, nhưng tâm thần vẫn yên tĩnh, đầu óc vẫn lạnh lùng; tôi cố sức tìm trong tôi một chút tình yêu dẫu là le lói, đối với cô tiểu thư Mêri dịu dàng nhưng những cố gắng của tôi đều vô ích.
Rồi của mở, và nàng bước vào. Lạy Chúa tôi! sao mà nàng thay đổi nhiều đến thế, từ lúc tôi không gặp nàng đến nay nào đã lâu la gì?
Đi tới giữa phòng, nàng chệnh choạng; tôi chồm dậy đưa tay cho nàng và dìu nàng tới ghế bành.
Tôi đứng trước mặt nàng. Chúng tôi im lặng hồi lâu; đôi mắt to của nàng tràn ngập một nỗi buồn khôn tả, như đang tìm ở nơi tôi một cái gì đó giống như hy vọng; đôi môi nhợt nhạt cố mỉm cười nhưng không được; đôi cánh tay mềm mại khoanh trên đầu gối, trông gầy guộc và trong suốt khiến lòng tôi thấy thương nàng.
- Thưa công tước tiểu thư, - tôi nói, - tiểu thư biết là tôi đã đùa cợt tiểu thư chứ? Tiểu thư phải khinh tôi mới phải.
Trên má nàng ửng lên một màu hồng bệnh hoạn. Tôi nói tiếp:
- Ðã thế thì tiểu thư không thể nào yêu tôi...
Nàng ngoảnh mặt đi, chống khuỷu tay lên bàn, đưa một tay lên bưng lấy mắt, và tôi cảm thấy đôi mắt ấy long lanh hai hàng lệ.
- Lạy Chúa tôi! - nàng thốt lên giọng rành rọt.
Tình cảnh đó làm tôi không cầm nổi lòng: chỉ một chút nữa thôi có lẽ tôi đã quỳ gối xuống chân nàng.
- Như vậy là chính tiểu thư cũng thấy rõ, - tôi nói, cố lấy giọng rắn rỏi và trên môi nở một nụ cười gằn miễn cưỡng,- chính tiểu thư cũng thấy rõ là tôi không thể lẩy tiểu thư được, nếu như hiện giờ tiểu thư có muốn như thế đi nữa thì chẳng bao lâu tiểu thư sẽ hối hận. Câu chuyện vừa rồi giữa tôi và thân mẫu tiểu thư buộc tôi phải nói với tiểu thư không úp mở và tàn nhẫn như thế; tôi hy vọng rằng đó là do cụ nhầm lẫn: tiểu thư có thể dễ dàng nói rõ cho cụ biết sự thật. Tiểu thư cũng thấy là tôi đang diễn trước mắt tiểu thư một cái trò thảm hại và đê tiện nhất, và tôi cũng xin thú nhận là như vậy; đó là tất cả những gì tôi có thể làm đối với tiểu thư. Dù cho tiểu thư có ý nghĩ xấu về tôi đến thế nào, tôi cũng cam chịu... Tiểu thư cũng biết đứng trước tiểu thư tôi thật nhỏ nhen. Và nếu như tiểu thư thậm chí đã yêu tôi, thì từ lúc này tiểu thư cũng sẽ khinh tôi, có phải thế không?
Nàng ngoảnh nhìn tôi, nhợt nhạt như đá hoa cương, chỉ có đôi mắt nàng là vẫn long lanh một cách tuyệt vời.
- Tôi căm thù ông... - nàng nói.
Tôi cảm ơn, nghiêng mình chào kính cẩn và đi ra.
Một giờ sau, chiếc xe tam mã chạy thư đã vun vút chở tôi đi khỏi Kixlôvôđxk. Cách Exxentukôp vài dặm, tôi nhìn thấy xác con tuấn mã của tôi ở bên đường; chiếc yên đã bị tước mất, - chắc là do một gã Kôdắc qua đường lấy mất, - và trên lưng nó thay vì chiếc yên là hai con quạ đang đứng chễm chệ. Tôi thở dài và quay mặt đi.
Và lúc này, ở đây, trong cái pháo đài buồn tẻ này, tôi thường điểm lại trong ký ức những cái đã qua, và tự hỏi: cớ sao tôi lại không thích bước lên con đường mà số phận đã dành cho tôi, nơi có những niềm vui êm ả và thư thái tâm hồn đang chờ đợi tôi?.. Không! Tôi không chịu sống an cư với cái chức phận ấy! Tôi như một người lính thủy đã sinh ra và lớn lên trên boong một con tàu cướp bể; tâm hồn anh ta đã quen sống với bão táp và chiến đấu, và khi bị ném lên bờ, anh ta thấy chán chường và khổ sở, mặc cho rừng cây rợp bóng vẫy gọi anh, mặc cho mặt trời hiền hòa tỏa sáng đón mừng anh; anh đi lang thang suốt ngày trên bãi cát ven bờ, tai lắng nghe tiếng sóng biển rì rào đơn điệu và mắt nhìn về chốn xa xăm mờ mịt; xem ở đấy, trên cái đường ranh giới nhợt nhạt tách biệt vực nước xanh vôi những đám mây xám ngắt, liệu có thấp thoáng một cánh buồm mà anh mong đợi hay không, thoạt đầu nó giống như cánh hải âu, nhưng dần dần nó nhô lên khỏi bọt sóng cồn và từ tốn xáp gần vào bến bờ hoang vắng...

III. Người tin định mệnh

Có lần không hiểu bằng cách nào tôi lại trú ngụ trong một làng Kôdắc ở phía tả ngạn, ở đấy có một tiểu đoàn bộ binh đóng quân; các sĩ quan tối nào cũng tụ tập nhau chơi bài, cứ lần lượt, hết ở nhà này đến nhà kia.
Một buổi tối, sau khi đã chán đánh bài và quăng bài vào hộc bàn, chúng tôi còn ngồi nán lại rất lâu ở nhà ông thiếu tá X; khác với mọi hôm, câu chuyện hôm ấy rất thú. Người ta bàn tán rằng cứ như điều mê tín của người Hồi giáo thì dường như số phận con người đều được ghi sẵn trong Sổ Thiên tào, và điều này cả trong chúng ta, những người Cơ đốc giáo, cũng có nhiều người ái mộ; và người nào cũng dẫn ra những trường hợp dị thường đủ loại, hoặc pro hoặc contra(1).
- Tất cả những điều ấy, thưa các ngài, cũng không chứng minh được gì cả, - ông thiếu tá già nói, - vì không ai trong các ngài đã từng chứng kiến những trường hợp kỳ lạ mà các ngài đưa ra để khẳng định ý kiến của mình...
- Tất nhiên, không ai cả, - đa số trả lời, -nhưng chúng ta đã nghe từ miệng những người đáng tin cậy...
- Tất cả những chuyện ấy đều là ba láp tất! – có ai đó lên tiếng – ai là người đáng tin cậy đã từng thấy quyển sổ Thiên Tào có ghi sẵn giờ chết của chúng ta?.. và nếu có tiền định thật thì trời phú cho chúng ta ý chí, lý trí để làm gì? Tại sao chúng ta lại phải chịu trách nhiệm về hành động của chúng ta?
Vừa lúc ấy, một sĩ quan ngồi trong góc phòng, đứng dậy và chậm rãi tiến lại gần bàn, đưa mắt nhìn mọi người xung quanh, điềm tĩnh và nghiêm trang. Ðó là một người gốc Xerbi(2) nghe cái tên anh cũng đủ biết. Bề ngoài của trung úy Vulich nom rất hợp với tính cách của anh. Tầm vóc cao to và nước da đen giòn, tóc đen, đôi mắt đen sắc sảo, cái mũi to nhưng cân đối, một thuộc tính của dân tộc anh, nụ cười buồn bã và lạnh lùng luôn luôn nở trên môi anh, - tất cả những nét đó tuồng như tương hợp nhau tạo cho anh cái vẻ một con người đặc biệt, không tài nào bày tỏ được ý nghĩ và những ham muốn của mình với những ai mà số phận đã trao cho anh để làm bạn.
Anh can đảm, ít nói nhưng giọng rắn rỏi; anh không kể với một ai những chuyện bí mật của gia đình và tâm tư tình cảm của mình; anh hầu như không bao giờ uống rượu, không hề ve vãn những cô gái Kôdắc có vẻ đẹp khó hình dung nếu chưa thấy bao giờ. Tuy nhiên người ta đồn rằng bà đại tá lại không hề dửng dưng với cặp mắt tình tứ của anh; nhưng khi có ai nói bóng gió tới điều đó thì anh nổi cáu thật sự.
Chỉ có một đam mê mà anh không hề giấu giếm là đánh bạc. Bên chiếc bàn xanh anh quên tất, và thường là thua; nhưng những lần thường xuyên đen bạc ấy càng làm cho anh cay cú hơn. Người ta kể rằng có lần, trong cuộc hành quân ban đêm, anh ta đã ngồi ngay trên xe để cầm cái, canh bạc ấy anh đỏ lạ lùng. Đột nhiên có tiếng súng nổ vang, báo động nổi lên, mọi người đều chồm dậy và đâm bổ đến chỗ để súng. “Ðặt cửa đi đã!” - Vulich vẫn ngồi yên lớn tiếng gọi một con bạc cay cú nhất trong bọn “Cửa bảy!” - anh này vừa đáp vừa chạy ra ngoài. Mặc cho cảnh nhốn nháo chạy tứ tung, Vulich vẫn trang xong bài và rút ra một con. Khi anh có mặt trên chiến tuyến thì cuộc giao tranh đã trở nên ác liệt. Nhưng Vulich không đếm xỉa đến đạn bay và kiếm xả của tụi Tsetsen: anh còn mải tìm con bạc vận đỏ kia.
- Đúng cửa số bảy! - anh kêu lên, rút cục anh tìm thấy người này giữa đám pháo thủ đang bắt đầu đốn kẻ địch ra khỏi rừng rậm, và anh tới gần, rút hết ví to, ví nhỏ ra và trao cho người gặp vận dù anh này phản đối: đây không phải là lúc thanh toán nợ nần. Khi đã làm xong cái bổn phận khó chịu ấy, anh xông lên phía trước, lôi cuốn đội lao theo mình, và anh đã hết sức bình tĩnh bắn nhau với tụi Tsetsen cho đến phút cuối cùng của cuộc chiến.
Lúc trung uý Vulich đến gần bàn, mọi người im bặt, chờ đợi ở anh một trò tinh nghịch độc đáo.
- Thưa các ngài! - anh ta nói (giọng anh nói bình tĩnh tuy âm điệu có hơi thấp hơn lúc thường), - thưa các ngài! Sao lại cứ bàn cãi suông thế mãi phỏng được ích gì? Các ngài muốn có chứng cứ ư: tôi đề nghị lấy ngay bản thân mình ra làm thử nghiệm xem con người có thể tự do định đoạt lấy cuộc đời mình được không, hay là đối với mỗi người chúng ta cái giờ phút tận số đã được định đoạt trước rồi... Ai muốn thử nào?
- Không phải tôi, tôi chịu thôi! - người ta nhao nhao lên nói, - kỳ quặc đến thế là cùng! Nghĩ ra cái trò quái gì thế không biết!
- Tôi xin cuộc đấy! - tôi nói đùa.
- Cuộc thế nào?
- Tôi khẳng định rằng không có định mệnh, - tôi vừa nói vừa quẳng lên bàn chừng hai mươi đồng tiền vàng, - tất cả số tiền tôi có trong túi.
- Tôi nhận cuộc, - Vulich đáp, giọng khàn khàn. - Thưa thiếu tá, ngài sẽ là trọng tài hộ; mười lăm đồng vàng đây, và ngài còn nợ tôi năm đồng nữa. Vậy xin ngài làm ơn bỏ số ngài nợ đó vào số tiền này cho đủ.
- Ðược! - thiếu tá nói, - duy có điều là quả thật tôi chả hiểu đầu đuôi ra sao, cũng không biết các anh sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp như thế nào?
Chẳng nói chẳng rằng, Vulich đi sang phòng ngủ của thiếu tá; chúng tôi theo sau. Anh ta tới chỗ có treo mấy khẩu súng trên tường, tháo hú họa lấy một khẩu súng ngắn. Chúng tôi vẫn chưa hiểu; nhưng khi anh kéo cò súng lên và đổ thuốc nổ vào bầu súng thì nhiều người bất giác la lên và chộp lấy tay anh.
- Anh định làm gì thế? Này, đó là chuyện điên rồ! - người ta hét vào tai anh. `
- Thưa các ngài! - anh giằng tay ra, thong thả đáp, - ai muốn trả hai mươi đồng vàng thay tôi nào?
Mọi người im bặt và tản đi.
Vulich qua phòng bên kia và ngồi vào bàn; tất cả lại theo anh sang; anh đưa tay ra hiệu mời chúng tôi ngồi xuống xung quanh. Mọi người lặng lẽ tuân theo lời anh: lúc này anh đã áp đảo chúng tôi bằng một uy thế thần bí. Tôi chăm chú nhìn vào tận mắt anh; nhưng bằng một cái nhìn bình thản và đờ đẫn, anh ta đương đầu với cái nhìn xoi mói của tôi, và đôi môi tái nhợt của anh nở một nụ cười; cho dù anh ta vẫn thản nhiên, nhưng tôi vẫn có cảm giác rằng mình đã thấy rõ cái dấu ấn của thần chết trên khuôn mặt trắng bệch của anh ta. Tôi đã từng nhận thấy, và nhiều chiến binh già cũng đã xác nhận lời tôi, là trên khuôn mặt của một người sắp chết, chỉ sau mấy giờ nữa thôi, thường có cái dấu ấn kỳ lạ thế nào ấy của cái số không tránh khỏi, rõ đến nỗi ngay con mắt của một người bình thường cũng khó nhầm lẫn.
- Hôm nay anh sẽ chết!- tôi bảo anh.
Anh quay phắt lại phía tôi nhưng trả lời rất điềm tĩnh và chậm rãi:
- Cũng có thể thế, mà cũng có thể không.
Sau đó quay sang ông thiếu tá hỏi:
- Khẩu súng này đã nạp đạn chưa?
Trong cơn bối rối ông thiếu tá không nhớ rõ.
- Thôi đi Vulich, thế đủ rồi! - một người nào đấy lên tiếng, - tất nhiên là đã nạp đạn rồi vì nó treo ngay ở đầu giường, đùa gì mà kỳ khôi quá đỗi!
- Đùa thộn! - một người khác tiếp lời.
- Tôi đặt cuộc năm mươi rúp lấy năm rằng khẩu súng kia chưa nạp đạn! - một người thứ ba kêu lên.
Rồi người ta đặt cuộc thêm nhiều mãi.
Cái nghi thức dài dòng này làm tôi đâm chán.
- Này! – Tôi nói, - có bắn thì bắn đi, không thì treo súng vào chỗ cũ, rồi chúng mình đi ngủ. - Tất nhiên rồi! - nhiều người tán thành, - ta đi ngủ thôi!
- Thưa các ngài, xin các ngài đừng rời chỗ vội! – Vulich nói, rồi dí họng súng vào trán. Mọi người đều ngây ra như hoá đá. - Ông Pêtsôrin, - anh ta nói thêm, - ông hãy rút lấy một con bài và tung lên đi.
Tôi cầm lên khỏi mặt bàn - việc này tôi nhớ rõ như vừa mới xảy ra hôm nay - một con át cơ, và tung lên không: mọi người đều nín thở; những cặp mắt tỏ vẻ sợ hãi và tò mò khó tả hết nhìn khẩu súng lại nhìn con bài định mệnh kia, con bài run rẩy trong không khí và chậm chạp rơi xuống; nó vừa chạm tới mặt bàn thì Vulich bóp cò… Đạn không nổ!
- Lạy chúa, may quá! - nhiều người kêu lên, - súng không nạp đạn…
- Để xem đã, thế nhưng… - Vulich nói. – Anh ta lại lên cò một lần nữa, rồi nhằm cái mũ cát két treo trên cửa sổ; một tiếng súng nổ vang, khói um đầu nòng. Khi khói tan, người ta gỡ chiếc mũ xuống: viên đạn xuyên thủng chính giữa mũ và cắm sâu vào tường.
Khoảng ba phút đã trôi qua mà không ai thốt nổi nên lời; Vulich với vẻ thản nhiên nhất trần đời, trút những đồng tiền vàng của tôi sang cái ví mề gà của anh.
Một cuộc bàn cãi nổi lên: Tại sao lần thứ nhất đạn lại không nổ; số người thì cho rằng đầu súng chắc là bị tắc, số khác thì lại nói rất khẽ rằng lúc đầu thuốc nổ bị ẩm và sau đó Vulich đã đổ thuốc mới vào; nhưng tôi xin xác nhận sự phỏng đoán thứ hai này không đúng vì trong suốt thời gian ấy tôi không rời mắt khỏi khẩu súng lấy một phút.
- Anh gặp vận đỏ trong cuộc chơi. - tôi nói với Vulich.
- Đây là lần đầu tiên trong đời tôi, - anh ta mỉm cười tự mãn và đáp, - lối chơi này thích hơn các lối chơi bài khác.
- Nhưng cũng hơi nguy hiểm hơn.
- Sao? Bây giờ thì anh bắt đầu tin ở định mệnh rồi chứ?
- Tôi tin; nhưng không hiểu tại sao lúc này tôi vẫn cứ cảm thấy rằng hôm nay sớm muộn gì rồi anh cũng chết.
Thế là cái con người vừa đây đã hết sức bình tĩnh khi dí miệng súng vào trán, lúc này lại bỗng nhiên đỏ mặt và tỏ vẻ lúng túng.
- Thôi thế là đủ! - anh ta đứng dậy nói, - cuộc cá cược của chúng ta đã xong, và giờ thì những lời nhận xét của anh tôi cảm thấy không đúng lúc... - Anh cầm lấy mũ và bước ra ngoài. Điều đó khiến tôi lấy làm lạ - và cũng không phải là vô cớ đâu!
Lát sau thì giải tán, ai về nhà nấy, và mỗi người giải thích những hành động rồ dại của Vulich theo cách riêng của mình, và có lẽ họ đều nhất trí cho tôi là thằng ích kỷ, vì tôi đã đánh cuộc với một người đang muốn tự sát; cứ làm như không có tôi thì anh ta sẽ không tìm được dịp nào thuận tiện hơn để tự sát vậy!
Tôi trở về nhà qua những ngõ hẻm vắng trong làng; trăng tròn và đỏ như ánh hồng của đám cháy bắt đầu ló ra sau phía chân trời lởm chởm những mái nhà, các vì sao bình yên lấp lánh trên vòm trời xanh sẫm, và tôi thấy buồn cười khi nhớ đến thuở xa xưa các nhà hiền triết đã nghĩ rằng các vì tinh tú đều quan tâm đến những cuộc tranh giành nhỏ nhen của chúng ta vì một mẩu đất hay vì những cái quyền hão huyền gì đó!.. Và biết nói sao? những cây đèn chong này được đốt lên, theo ý họ, chỉ là để soi sáng những cuộc giao tranh và những ngày hội chiến thắng của họ, vậy mà chúng vẫn cháy sáng như thuở xa xưa, còn những đam mê và những hy vọng của các nhà thông thái này thì đã tắt ngấm từ lâu cùng với bản thân họ, tựa như một đống lửa nhỏ do một du khách vô tình nào đó đã nhóm lên ở bên bìa rừng! Nhưng cái niềm tin là bầu trời nguyên vẹn với hằng sa số các vì sao đang nhìn họ với một mối quan tâm câm lặng nhưng bền bỉ ấy đã làm cho họ có một ý chí sức mạnh mãnh liệt biết chừng nào!.. Còn chúng ta, những lớp hậu thế đáng thương của họ thì vẫn cứ lang thang hoài trên mặt đất, không một niềm tin và không một chút tự hào, không vui sướng và không sợ hãi, ngoài một mối lo vô thức bóp nghẹt con tim khi chúng ta nghĩ tới cái chung cục không thể tránh khỏi, và chúng ta không có khả năng hy sinh to lớn hơn vì lợi ích của nhân loại, thậm chí cả vì hạnh phúc của bản thân chúng ta, bởi vì chúng ta biết rõ rằng làm gì có cái hạnh phúc đó, và chúng ta đã vô tình đi hết từ hoài nghi này sang hoài nghi khác như ông cha chúng ta đã đi hết từ lầm lẫn này sang lầm lẫn khác, trong khi chúng ta lại không có như họ cả những hy vọng lẫn những niềm khoái lạc tuy chân chính nhưng mơ hồ mà tâm hồn có được trong bất kỳ một cuộc đấu tranh nào với con người hoặc số phận...
Nhiều ý nghĩ khác tương tự nảy ra trong đầu tôi; tôi không nghĩ tiếp tới chúng vì tôi không thích dừng lại ở một ý niệm trừu tượng. Nghĩ ngợi như thế có ích lợi gì?.. Trong buổi thiếu thời tôi là kẻ mơ mộng; tôi thích vuốt ve hết thảy những hình tượng lúc thì ảm đạm, lúc thì vui tươi sặc sỡ, cứ hết cái này lại đến cái khác, do óc tưởng tượng háo hức và đầy những băn khoăn vẽ ra. Nhưng rồi từ đó trong tôi còn lại được những gì? Chỉ là một sự mệt mỏi như sau một đêm chiến đấu với bóng ma, và một hồi ức lờ mờ đầy luyến tiếc. Trong cuộc chiến đấu vô ích ấy tôi đã làm cạn kiệt hết cả cái hăng say của tâm hồn lẫn sự bền bỉ của ý chí, cái rất cần cho cuộc đời thực; tôi bước vào cuộc đời này sau khi đã sống bằng tưởng tượng và tôi thấy chán chường và bỉ ổi như người đọc một cuốn sách nhạt nhẽo bắt chước một cuốn sách khác mà anh ta đã biết từ lâu.
Việc xảy ra buổi tối hôm ấy gây cho tôi một ấn tượng khá sâu sắc và kích thích thần kinh tôi; tôi không đoán chắc là lúc này tôi có còn tin ở định mệnh nữa hay không, nhưng tối hôm ấy thì tôi tin lắm: chứng cớ rất hiển nhiên, và cho dù tôi có nhạo báng tổ tiên chúng ta và khoa chiêm tinh thiện chí của họ đến mấy thì tôi vẫn cứ vô tình rơi vào vết xe cũ của họ; nhưng tôi đã tự dừng lại một cách đúng lúc trên con đường nguy hiểm ấy, và nguyên tắc của tôi là không dứt khoát bác bỏ một cái gì, cũng không mù quáng tin theo một cái gì, nên tôi đã xếp sang một bên phép siêu hình và bắt đầu nhìn xuống dưới chân mình. Tính thận trọng của tôi đã giúp tôi rất đúng lúc: tôi suýt ngã vì đụng phải một vật gì to to và mềm mềm nhưng rõ ràng là không còn sinh khí. Tôi cúi xuống - trăng chiếu thẳng xuống mặt đường - cái gì thế này? trước mắt tôi là một con lợn bị một nhát kiếm xẻ làm đôi... Tôi vừa đủ thì giờ để xem xét nó thì bỗng nghe thấy tiếng bước chân; hai người lính Kôdắc từ trong ngõ hẻm chạy ra, một người đến bên tôi và hỏi: có thấy một tên Kôdắc say rượu đuổi theo một con lợn không. Tôi nói với họ là tôi không thấy một tên Kôdắc nào cả, và chỉ cho họ xem cái vật hy sinh khốn khổ cho lòng dũng cảm rồ dại của anh chàng Kôdắc kia.
- Thằng giặc khốn kiếp! - người Kôdắc thứ hai nói, - nốc cho đẫy rượu mới vào rồi đi băm vằm tất cả những gì nó vớ được. Ta phải đuổi theo nó ngay, Êrêmêich, phải bắt cho bằng được không thì...
Họ đi rồi, tôi tiếp tục đi theo đường mình, có thận trọng hơn và cuối cùng thì về đến nhà bình yên vô sự.
Tôi trọ ở nhà một người đội kỵ binh già mà tôi mến vì ông tốt tính, và nhất là vì ông có cô con gái, cô Naxtia xinh đẹp.
Cô thường cuộn người trong chiếc áo lông đứng đợi tôi bên cổng rào; trăng chiếu sáng đôi môi duyên dáng đã bị tím ngắt của cô vì trời đêm lạnh. Thấy tôi cô mỉm cười, nhưng tôi đâu có đế ý đến cô. “Tạm biệt, Naxtia”, - tôi nói khi đi ngang qua bên cô. Cô như muốn nói một điều gì đó, nhưng rồi chỉ buông một tiếng thở dài.
Tôi khép ngay cánh cửa buồng lại, châm nến và nằm lăn lên giường; có điều giấc ngủ lần này bắt tôi phải đợi lâu hơn mọi ngày. Khi tôi vừa thiếp đi thì phương Ðông trời bắt đầu nhạt màu, nhưng rõ ràng là trong Sổ Thiên tào có ghi rằng đêm ấy tôi không được ngủ. Vào lúc bốn giờ sáng, có ai gõ mạnh hai tiếng vào cửa sổ phòng tôi. Tôi bật dậy: “cái gì thế?” “Dậy ngay, mặc quần áo vào!” có mấy người cùng thét gọi tôi. Tôi vội mặc quần áo và bước ra. “Anh có biết xảy ra chuyện gì không?” Cả ba người sĩ quan đến tìm tôi cùng nói một lúc; mặt mũi họ tái mét như xác chết.
- Gì thế? - Vulich bị giết chết rồi!
Tôi đứng ngây ra một lát.
- Ðúng, bị giết chết rồi! - họ nói, - ta đi thôi, mau lên!
- Nhưng đi đâu chứ?
- Cứ đi rồi sẽ biết.
Chúng tôi cùng đi. Họ kể cho tôi nghe tất cả những gì đã xảy ra, và chen vào những lời nhận xét về cái định mệnh kỳ lạ đã khiến anh ta thoát khỏi cái chết chắc chắn để rồi sau đó nửa giờ lại bắt anh ta phải chết.
Vulich đi một mình trên con đường làng tối om; gã Kôdắc say, kẻ vừa xẻ đôi con lợn kia, đụng phải anh ta, và có lẽ hắn đã đi qua, không để ý đến anh, nếu như Vulich không đột nhiên dừng lại, hỏi: “Này, tìm ai đấy, anh bạn?”, “Mày!” - tên Kôdắc vừa trả lời vừa cho anh một nhát kiếm và xẻ đôi anh ra từ vai cho đến gần khoảng tim... Hai người Kôdắc đã gặp tôi lúc nãy và đi đuổi bắt thằng giết người, liền chạy tới và khiêng người bị thương lên; nhưng anh ta đã trút hơi thở cuối cùng và chỉ nói được mỗi một câu: “Anh ấy nói đúng!”. Tôi là người độc nhất hiểu được ý nghĩa thầm kín của những lời ấy: câu ấy nói về tôi; tôi đã vô tình báo trước cho người bất hạnh ấy biết vận mệnh của anh ta; linh tính của tôi đã không lừa dối tôi: tôi đã đọc được một cách chính xác trên gương mặt đã biến sắc của anh ta dấu ấn của cái chết cận kề.
Tên sát nhân cố thủ trong một căn nhà trống ở cuối làng. Chúng tôi tới đó. Nhiều phụ nữ khóc than cũng chạy về phía ấy; thỉnh thoảng lại thấy một người Kôdắc chậm chân lao vụt ra đường giắt vội thanh đoản kiếm vào thắt lưng và chạy vượt lên trước chúng tôi. Cảnh huyên náo thật đáng sợ.
Sau cùng chúng tôi tới nơi. Chúng tôi xem xét: một đám đông tụ tập xung quanh một ngôi nhà mà cửa ra vào và các cửa sổ đều chốt trái ở phía trong. Các sĩ quan và lính Kôdắc bàn tán rất hăng: đàn bà thì tru tréo khóc than và xỉ vả. Trong số đó, đập vào ngay mắt tôi là khuôn mặt đáng chú ý của một bà lão, khuôn mặt đó biểu lộ một nỗi u uất thất vọng điên dại. Bà ngồi trên một khúc gỗ lớn, hai khuỷu tay chống lên đầu gối và hai bàn tay ôm lấy đầu: đó là mẹ tên sát nhân. Ðôi môi bà thi thoảng lại mấp máy: bà cầu nguyện hay nguyền rủa? Nhưng dầu sao cũng phải quyết định một phương pháp gì để tóm cho bằng được tên giết người kia. Thế nhưng không một ai dám vào trước. Tôi đến bên cửa sổ và nhìn vào trong qua khe cửa sổ: người đàn ông kia tái nhợt, đang nằm duỗi dài trên sàn nhà, tay phải cầm một khẩu súng ngắn; thanh kiếm còn đẫm máu nằm bên cạnh. Ðôi mắt sáng sợ hãi đảo quanh; thỉnh thoảng hắn lại rùng mình và đưa tay lên vò đầu tuồng như đang nhớ lại một cách lờ mờ sự việc hôm qua. Trong cái nhìn lo lắng ấy tôi không thấy gì là quyết liệt lắm và tôi nói với ông thiếu tá nên ra lệnh cho lính Kôdắc phá cửa và ùa vào trong nhà, vì làm ngay bây giờ thì sẽ có lợi hơn là đợi cho hắn tỉnh hẳn.
Vừa lúc ấy, một viên đại úy Kôdắc già tới bên cửa gọi tên hắn; hắn đáp lại.
- Anh đã phạm tội, anh bạn Êphimưt ơi! - đại úy nói, - làm thế có ích gì, thôi hãy hàng đi!
- Tôi không hàng! - hắn trả lời.
- Phải biết sợ Chúa chứ! Vì anh đâu phải là một thằng Tsetsen vô đạo, anh là một tín đồ Cơ đốc trung thực cơ mà; chao ôi, nếu tội lỗi đã làm cho người ta lú lẫn, thì biết làm sao, người ta không ai tránh khỏi cái số của mình!
- Tôi không hàng đâu! - tên Kôdắc hét lên vẻ hăm dọa, và có tiếng lách cách như tiếng nạp đạn vào súng.
- Này, dì ơi! - viên đại úy Kôdắc nói với bà cụ già, - dì hãy nói với thằng con dì đi, có lẽ nó sẽ nghe lời dì... Vì như thế chỉ làm cho Chúa thêm nổi giận thôi. Dì hãy nhìn xem: các ngài đây đã đợi hai tiếng đồng hồ rồi.
Bà lão nhìn chòng chọc vào mặt viên đại úy rồi lắc đầu.
- Vaxili Pêtrôvich! - viên đại úy tới gần ông thiếu tá và nói, - nó sẽ không hàng đâu, tôi biết nó lắm. Nhưng nếu ta phá cửa mà vào thì sẽ có nhiều người chết. Sao ông không ra lệnh bắn bỏ nó đi có hơn không? Có một khe hở rộng ở chỗ cửa sổ.
Lúc đó một ý nghĩ lạ lùng nảy ra trong đầu tôi: cũng như Vulich, tôi muốn thử vận mệnh xem sao.
- Hãy khoan đã, - tôi nói, với ông thiếu tá, - tôi sẽ bắt sống nó.
Sau khi ra lệnh cho viên đại úy Kôdắc nói chuyện với hắn và cử ba người lính Kôdắc đứng sẵn bên lối cửa ra vào, sẵn sàng phá tung cửa ập vào để giúp tôi theo hiệu lệnh đã quy định trước, tôi liền đi vòng quanh và đến bên cái cửa sổ vô cùng nguy hiểm kia. Tim tôi đập mạnh.
- Chà, đồ vô đạo! - viên đại úy Kôdắc hét lớn, - mày muốn chế nhạo chúng tao chắc? Hay mày tưởng chúng tao sẽ không làm gì nổi mày? - và ông ta rán hết ức đập mạnh vào cánh cửa; mắt dán vào khe hở, tôi chăm chú quan sát mọi cử chỉ của tên Kôdắc, hắn không ngờ tới một cuộc tấn công từ phía này, - và bất thần tôi giật mạnh cửa sổ và nhảy qua bậu cửa sổ, lao chúi đầu xuống. Một tiếng súng nổ sát ngay bên màng tai tôi, viên đạn đã giật mất một bên cầu vai. Nhưng khói mù mịt khắp phòng khiến tên sát nhân không tìm thấy chiếc kiếm ở ngay bên cạnh hắn. Tôi chộp lấy tay hắn, lính Kôdắc xông ùa vào và chưa đầy ba phút sau, tên tội phạm đã bị trói và bị dẫn đi, có lính áp giải hẳn hoi.
Đám đông tản về. Các sĩ quan chúc mừng tôi, - và quả thực thì cũng có lý do mà chúc mừng đấy chứ!
Sau những việc như thế thì có lẽ chả mấy ai lại không tin ở định mệnh? nhưng đã mấy ai biết chắc là mình tin hoặc không tin vào định mệnh?.. Và chúng ta chả vẫn thường coi ảo giác hoặc sự lầm lẫn của lý trí là niềm tin đó sao!
Tôi thích hoài nghi tất cả: sở thích đó của trí tuệ không ảnh hưởng gì đến tính cương quyết của tính cách - trái lại, đối với tôi, khi tôi không biết cái gì đang đợi tôi ở phía trước, bao giờ tôi cũng hành động một cách mạnh dạn hơn. Chính vì không có gì tồi tệ hơn cái chết, - mà chết lại là cái ta không tránh được!
Về đến pháo đài, tôi kể cho Marximi Marximich nghe tất cả những việc đã xảy ra với tôi và những điều tôi đã chứng kiến, và tôi muốn biết ý kiến của ông về định mệnh... Thoạt đầu ông không hiểu chữ ấy nhưng tôi cố giải thích cho ông, và đến lúc ấy ông chỉ lắc đầu quầy quậy rồi nói:
- Hử, tất nhiên rồi! Ðó là chuyện quá ư thông thái! Vả lại cò súng của người châu Á thường hay bị tắc nếu lau chùi không cẩn thận, hoặc ngón tay bóp cò không đủ mạnh. Tôi cũng xin thú thực là tôi chả ưa gì những khẩu súng trường kiểu Tserkex; súng ấy không vừa mắt chúng ta: báng súng thì bè mà phải coi chừng kẻo bị cháy xém cả mặt mày... Nhưng kiếm của họ... cái ấy thì tôi xin bái phục... Sau một lát nghĩ ngợi, ông nói thêm: - Ừ, thật tội nghiệp cho con người xấu số... Ma quỷ gì xúi bẩy mà đang đêm lại đi nói chuyện với một thằng say rượu!.. Vả lại rõ là cái số của anh ta từ thuở lọt lòng đã được định sẵn là như thế rồi!
Ngoài ra tôi không thể moi thêm được gì hơn ở ông: ông nói chung không thích những cuộc bàn cãi siêu hình.

1838-1840
------------------
Chú thích
[54] Tiếng Pháp trong nguyên bản: trái tim và gia tài của anh ta.
[55] Bị kiểm duyệt cắt bỏ.
[56] Ðại văn hào Anh (1771-1832) - tác giả Aivanho (1820).
[57] Nhà độc tài La Mã (102-44 trước Công nguyên).
[58] Chấn song và con phượng hoàng là những hình nổi trên hai mặt đồng tiền bạc.
[59] Tiếng Italia trong nguyên bản: Tấn hài kịch đã hạ màn.
(1) Tiếng Latinh trong nguyên bản: tán thành hoặc phản đối.
(2) Một quốc gia dân số chủ yếu là người Xerbia, nằm trong thành phần của Liên bang Nam Tư.

4 nhận xét:

  1. Mot cuon tieu thuyet tuyet voi. Cam on rat nhieu ban nguyen Thanh Hai da dang tai cuon truyen ma toi da tim kiem hoai lau nay!

    Chuc cho nhung tac pham van hoc tuyet voi va nhung nguoi yeu van hoc luon tim duoc nhau!

    Mot nguoi yeu van hoc!

    Thu Hang

    Trả lờiXóa
  2. Xem ngày đưa truyện lên, thiếu tuần nữa là tròn ba năm ! Nhớ trước, hay vô lục tung nhà bạn để đọc cho hết truyện dịch.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Dạo này đọc không vào, cứ cầm quyển sách lật lật vài trang lại ném xuống. Có lẽ chán hết mọi thứ rồi thì phải. Trước mỗi khi nghĩ đến việc chia sẻ một tác phẩm văn học mà mình thích cho mọi người là lòng thấy sung sướng, vậy mà bây giờ chỉ thấy chán ngán thôi.

      Xóa