Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Thằng ăn mày - Guy de Maupassant


Mặc dầu khốn khó và tàn tật, trước kia hắn đã từng được biết những ngày khấm khá hơn.
Năm mười lăm tuổi, hắn bị xe nghiền nát hai chân trên đường cái đi Varville. Từ đó, hắn đi ăn mày lê lết trên các ngả đường, qua sân các trại ấp, đu người trên đôi nạng làm hai vai hắn so lên đến mang tai. Đầu hắn như tụt vào giữa hai ngọn núi.
Là một đứa trẻ được cha xứ ở Billettes tìm thấy trong một cái hố, đêm hôm trước ngày lễ Vong nhân, hắn được đặt tên là Nicholas Toussaint, được nuôi làm phúc, chẳng biết học hành là cái gì, bị què quặt sau khi uống vài cốc rượu mạnh của bác làm bánh mì trong làng mời - chuyện đùa để cười chơi - và, từ đấy, trở thành kẻ du đãng, hắn chẳng biết làm gì khác ngoài việc ngửa tay đi ăn xin.
Ngày xưa, bà nam tước Avary thí bỏ cho hắn ngủ trong một thứ cũi chó đầy rơm rạ, bên cạnh chuồng gà, trong cái trại giáp liền với lâu đài; và vào những ngày đói kém lớn, hắn chắc chắn lúc nào cũng có được một mẩu bánh mì và một cốc rượu táo ở trong bếp. Thường khi vào bếp hắn lại còn nhận được vài xu của bà cụ quý tộc từ trên bậc thềm hoặc từ cửa sổ buồng cụ vứt xuống cho. Bây giờ thì bà cụ mất rồi.
Trong các làng, người ta chẳng còn cho hắn được mấy hột: người ta nhẵn mặt hắn quá đi rồi; từ bốn chục năm nay nhìn thấy hắn vác cái thân hình rách rưới và méo mó trên đôi chân gỗ đi hết nhà nọ sang nhà kia, người ta đã chán hắn. Vậy mà hắn chẳng muốn rời đi, vì trên trái đất hắn chẳng biết nơi nào khác ngoài cái vùng này gồm ba, bốn xóm là nơi hắn đã kéo lê cuộc sống cùng khổ của hắn. Hắn đã đặt ranh giới cho đời ăn xin của hắn và có lẽ hắn sẽ chẳng bao giờ đi quá những giới hạn mà xưa nay hắn vẫn không vượt qua.
Hắn không biết thế giới có còn trải dài xa nữa không sau những hàng cây chắn tầm mắt hắn. Hắn không hề tự hỏi điều đó. Và khi bà con nông dân, chán ngấy vì lúc nào cũng gặp hắn ở bờ đồng, bờ mương của họ, kêu lên bảo hắn:
- Tại sao mày không chịu đi sang các làng khác, mà cứ khập khà khập khiễng quanh đây mãi thế hử?
Thì hắn chẳng nói chẳng rằng lảng đi, mơ hồ cảm thấy sợ sự xa lạ, cái sợ của kẻ nghèo khó mờ mờ lo ngại nghìn thứ, những bộ mặt mới, những lời chửi rủa, những cái nhìn nghi kỵ của những người không biết hắn, và các ông sen đầm cứ đi từng đôi trên đường cái và làm cho hắn, theo bản năng, phải chui vào các bụi rậm hoặc nấp vào sau những đống sỏi.
Nhác trông thấy họ ở xa, lấp loáng dưới ánh nắng, hắn bỗng nhanh nhẹn lạ thường, nhanh nhẹn như một con quái vật tìm chỗ ẩn. Hắn buông đôi nạng té nhào xuống như mảnh giẻ rách, rồi thu tròn mình lại, trở nên bé tí xíu, không trông thấy được, nằm rạp như con thỏ rừng trong hang, những tã rách nâu của hắn lẫn vào màu đất.
Tuy nhiên, chẳng bao giờ hắn có chuyện lôi thôi với bọn họ. Nhưng hắn mang cái đó trong dòng máu, tựa hồ hắn thừa hưởng cái sợ ấy và cái mưu mẹo ấy của cha mẹ hắn, mà hắn không hề biết là ai.
Hắn chẳng có nơi nào nương thân, không có nhà, không có lều, không có chỗ trú mưa nắng. Mùa hè, hắn ngủ khắp nơi, mùa đông hắn lẻn vào hầm các kho thóc hoặc vào các chuồng bò một cách rất tài. Bao giờ hắn cũng tếch trước khi người ta biết có hắn ở đó. Hắn biết những lỗ hổng để chui vào các nhà; và cánh tay hắn quen dung đôi nạng thành ra khỏe lạ thường, nên chỉ nhờ sức tay mà hắn leo lên được tận các kho chứa cỏ, đôi khi hắn ở lì trên đó bốn năm ngày liền, nếu hắn đã xin được đủ lương ăn.
Hắn sống như thú rừng, giữa mọi người, chẳng quen ai, chẳng yêu ai, bà con nông dân đối với hắn chỉ có một thái độ khinh bỉ thờ ơ và thù ghét nhẫn nhục. Người ta đặt cho hắn biệt hiệu thằng “Chuông”, vì hắn đánh đu giữa đôi nạng gỗ như một cái chuông giữa đôi quai vậy.
Đã hai hôm nay, hắn chưa được miếng nào vào bụng. Chẳng ai cho hắn cái gì. Người ta đã đến cái nước không thể chịu được hắn nữa rồi. Các bà nông dân đứng trên ngưỡng cửa, nhác thấy hắn từ xa đã tru tréo lên:
- Mày có xéo đi không, đồ khốn! Mới ba hôm nay tao đã chẳng cho mày một miếng bánh mì đó là gì?
Thế là hắn quay nạng, đi sang nhà bên cạnh, ở đấy người ta cũng tiếp đón hắn y như thế.
Các bà nói từ cửa nhà nọ sang cửa nhà kia:
- Dẫu sao đi nữa cũng không thể nào nuôi báo cô cái thằng đại lãn ấy quanh năm được.
Tuy nhiên ngày nào thì thằng đại lãn ấy cũng cứ cần phải ăn.
Hắn đã đi khắp Saint-Hilaire, Varville và Billettes mà chẳng được một đồng xu hay một mẩu bánh hẩm nào. Hắn chỉ còn hi vọng ở Tournolles thôi: nhưng phải đi những hai dặm trên đường cái, mà hắn thì mệt lả không lê đi nổi được nữa, bụng rỗng tuếch mà cái túi thì cũng trống không.
Nhưng hắn cũng cứ đi.
Bấy giờ là vào tháng chạp, gió lạnh thổi ào ào trên cánh đồng, rít trong những cành cây trụi lá: mây lồng lộn bay qua bầu trời thấp và u ám, vội vã không biết về đâu. Chú què đi thong thả, nặng nhọc chuyển dịch từng chiếc nạng một, nhún mình trên cái chân vặn vẹo còn lại, bàn chân khoèo quấn một mảnh giẻ rách.
Thỉnh thoảng hắn lại ngồi xuống bờ rãnh bên đường nghỉ vài phút. Cái đói gieo một nỗi khổ não vào tâm hồn lộn xộn, nặng nề của hắn. Hắn chỉ có một ý nghĩ: “ăn”, nhưng chẳng biết làm cách nào.
Suốt ba tiếng đồng hồ, hắn lê lết trên con đường dài; tới khi trông thấy cây cối của làng Tournolles thì hắn cố đi nhanh lên.
Người nông dân đầu tiên hắn gặp và xin bố thí trả lời hắn:
- Lại thấy mặt mày rồi, đồ của nợ! Vậy ra không bao giờ chúng ta thoát được mày ư?
Và Chuông vội lảng xa. Qua cửa nhà này sang cửa nhà khác, người ta mắng mỏ hắn, người ta đuổi hắn, không cho gì hết. Nhưng hắn vẫn cứ kiên trì và nhẫn nại đi khắp các nhà. Hắn chẳng được lấy một xu.
Hắn bèn tới các trại ấp, thất thểu đi qua những mảnh đất sũng nước mưa, kiệt sức đến nỗi không nhấc nổi đôi nạng lên nữa. Đến đâu người ta cũng xua đuổi hắn. Hôm ấy là một trong những ngày lạnh lẽo và buồn bã mà lòng người se lại, tinh thần bực bội, tâm hồn u uất, chẳng ai chịu mở bàn tay ra để bố thí hoặc giúp người.
Khi đã đi hết mọi nhà hắn biết, hắn ngã phịch vào một cái hố, dọc theo sân nhà ông Chiquet. Hắn tuột móc xích, như người ta nói để mô tả hắn hất nạng tuột khỏi tay buông mình rơi xuống như thế nào giữa đôi nạng cao. Và hắn nằm đấy hồi lâu không nhúc nhích, bị cái đói giày vò, nhưng u mê ngu độn quá nên không thấu hiểu được nỗi khốn đốn vô cùng của hắn.
Hắn chờ đợi, chẳng biết chờ đợi cái gì, một sự chờ đợi mơ hồ xưa nay vẫn ở trong lòng mọi người chúng ta. Hắn chờ đợi ở góc sân này dưới gió rét căm căm, chờ sự cứu giúp huyền bí con người ta vẫn thường hy vọng ở trời hay ở người, chẳng hề tự hỏi bằng cách nào, tại sao, và qua tay ai mà tới được hắn. Một đàn gà mái đen đi qua, tìm cái ăn trong đất, đất nuôi sống hết thảy mọi sinh vật. Chốc chốc chúng lại mổ được một hạt thóc hay một con sâu mà hắn không nhìn thấy, rồi lại tiếp tục tìm kiếm, thong thả và chắc chắn.
Chuông nhìn đàn gà mà không nghĩ ngợi gì cả; rồi không hẳn là trong đầu mà là ở trong bụng hắn, bỗng nảy ra cảm giác – chứ không hẳn là một ý nghĩ – rằng đem nướng một con gà kia trên một đống lửa củi cành rồi ăn thì chắc là ngon lắm.
Hắn chẳng hề vấn vương chút nào rằng hắn sắp sửa phạm tội ăn cắp.
Hắn nhặt một hòn đá vừa tầm tay với và, vì hắn khéo tay nên hắn ném chết thẳng cẳng ngay con gà đi gần hắn nhất.
Con vật ngã lăn ra, cánh đập phành phạch. Những con khác chạy trốn té tát, mình lắc lư trên những cẳng mảnh dẻ, và Chuông lại leo vội lên đôi nạng, đi ra nhặt con vật vừa săn được, điệu bộ cũng y hệt điệu bộ đàn gà.
Hắn vừa tới gần cái thân hình đen nhỏ vấy máu đỏ ở đầu thì bỗng bị đẩy thật mạnh vào lưng làm hắn tuột mất đôi nạng và ngã lăn lông lốc ra xa đến mười bước. Và bác Chiquet, giận sôi máu, nhảy xô vào thằng ăn trộm, đấm đá túi bụi, đánh không tiếc tay như một nông dân bị mất cắp, quả thụi và đầu gối cứ nện bừa khắp mình kẻ tàn tật chắng có cách nào tự vệ.
Những người làm trong trại cũng chạy ra và cùng với ông chủ đánh thằng ăn mày. Rồi khi đánh đã chán tay, họ mới nhặt nó lên, đem nó đi, và nhốt nó vào buồng để củi trong khi đợi tìm cảnh sát đến.
Chuông nhừ tử, máu me đầm đìa và đói lả, nằm bẹp trên mặt đất. Qua chiều dần tối, rồi tảng sang. Hắn vẫn chưa được ăn gì.
Gần trưa, lính cảnh sát tới và thận trọng mở cửa, đề phòng bị chống trả, vì ông Chiquet nói là bị thằng ăn mày đánh và đã phải vất vả lắm mới chống đỡ được.
Viên đội quát:
- Nào, đứng dậy!
Nhưng Chuông không động cựa được nữa, hắn cố gắng rướn mình lên đôi nạng mà không nổi. Người ta cho là tên gian phi giả vờ, mưu mẹo, không muốn đứng lên, và hai người lính đeo khí giới đánh hắn, túm lấy hắn, ấn hắn đứng vào giữa đôi nạng.
Hắn hoảng sợ, cái sợ bẩm sinh trước những quai da đeo gươm màu vàng, cái sợ của con thú trước người đi săn, của con chuột trước mặt mèo. Và bằng những cố gắng phi thường, hắn đã đứng được.
- Đi! - Viên đội nói.
Hắn cất bước. Tất cả gia nhân trong trại nhìn hắn ra đi. Đàn bà giơ nắm tay đe hắn; đàn ông cười gằn, chửi rủa: “thế là cuối cùng đã tóm được hắn! Thoát nợ!”.
Hắn đi xa dần giữa hai người lính gác. Hắn gắng gượng một cách tuyệt vọng để lê đi cho đến chiều, người u mê chẳng biết có chuyện gì đã xảy ra cho mình, hoảng sợ quá chẳng còn hiểu gì hết.
Những người gặp trên đường đứng lại nhìn hắn đi qua, và dân quê lẩm bẩm:
- Lại một thằng ăn cắp nào đó!
Đến tối thì tới trấn hàng tổng. Hắn chưa bao giờ tới đó. Hắn thực sự không nghĩ ra được có chuyện gì, và rồi điều gì sẽ có thể xảy ra. Tất cả những sự việc ghê gớm, bất ngờ này, những bộ mặt và những ngôi nhà mới mẻ này làm cho hắn khiếp đảm.
Hắn không nói một lời mà cũng chẳng có gì nói, vì hắn chẳng hiểu gì nữa. Vả chăng đã từ bao năm không nói với ai, hắn hầu như không còn biết sử dụng cái lưỡi nữa; và ý nghĩ của hắn cũng lộn xộn quá không thể diễn ra thành lời được.
Người ta giam hắn vào nhà lao của trấn. Bọn lính không nghĩ rằng hắn lại có thể cần phải ăn, nên để mặc hắn cho đến hôm sau.
Nhưng, sáng sớm tinh mơ, khi người ta đến để hỏi cung hắn thì thấy hắn nằm chết cứng trên mặt đất.
Thế có lạ không!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét