Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Một anh hùng thời đại - M. Lermontop (p3)


M. Lermontop

Anh Trúc dịch

Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội – 2000
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: “Gheroi Nasevo Vremenhi” của M. Lermontop - NXB “Tiếng Nga” - Matxcơva – 1988)
ГЕРОЙ НАШЕГО ВРЕМЕНИ – Издательство Москва 1988
--------------------------
Phần thứ ba
(Phần cuối nhật ký của Pêtsôrin)          

II. Công tước tiểu thư Meri

11 Tháng 5.
Hôm qua, tôi tới Piatigorxkơ thuê một căn phòng ở ngoại ô, một nơi cao nhất, ở chân núi Masuk; vào những lúc trời nổi giông tố, mây sà xuống tận mái nhà tôi. Sáng nay, lúc năm giờ, khi tôi mở của sổ thì căn phòng tôi sực nức mùi hương của những bông hoa nở trong mảnh vườn con trước nhà. Những cành anh đào nở hoa nhìn vào của sổ phòng tôi, và đôi khi gió rắc những cánh hoa trắng lên bàn làm việc của tôi.
Nhà tôi ở, ba mặt trông ra đều là cảnh sắc tuyệt vời. Nhìn về phía Tây là núi ngũ lĩnh Bestu xanh xanh, như “đám mây đen cuối cùng của cơn bão giông vừa lặng”[26], phía bắc, ngọn Masuk ngất ngưởng trông như cái mũ lông của người Ba Tư, che khuất cả một vùng trời, về phía đông, cảnh vật tươi vui hơn: phía dưới, trước mặt tôi là cái thành phố nhỏ, mới mẻ và sạch sẽ khoe mầu sặc sỡ; những mạch nước khoáng chữa bệnh chảy rào rào và đám người tứ chiếng ồn ào huyên náo, - phía xa là những ngọn núi chất chồng như một cái hý trường, càng xa càng xanh hơn, càng mù hơn, còn ở phía cuối chân trời là dãy núi đỉnh phủ tuyết nom như sợi dây chuyền bạc, bắt đầu từ ngọn Kadơbếch tới ngọn Enbơrux hai đỉnh... Được sống trên mảnh đất như thế này thật vui sướng xiết bao! Một cảm giác khoan khoái tràn ngập khắp cơ thể tôi. Không khí trong lành và tươi mát như nụ hôn của trẻ thơ; mặt trời rực rỡ, vòm trời biếc xanh – có lẽ chả còn ước ao gì hơn? Đam mê, ham muốn, thương tiếc lúc này cần chi... Nhưng đã đến giờ. Tôi tới suối Elidavêtin, nghe nói là buổi sáng tất cả cái đám người đi tắm suối đều tụ tập ở đấy...
Lúc xuống trung tâm thành phố, đi dọc theo đại lộ tôi gặp vài ba nhóm người mặt mày ủ rũ, đang chậm chạp leo lên núi; phần lớn là những gia đình địa chủ vùng thảo nguyên; điều ấy thấy được ngay qua những chiếc áo đuôi tôm đã sờn và không hợp thời trang của các đức ông cũng như qua cách trang phục tinh tế của các bà và các cô. Tất nhiên là họ đã biết nhẵn mặt đám thanh niên đi tắm suối vì thế họ mới nhìn tôi với con mắt tò mò trìu mến: chiếc áo ngoài của tôi may theo kiểu Pêterbua làm họ nhầm, nhưng chả mấy chốc, khi đã nhìn thấy chiếc ngù vai quân nhân của tôi, họ liền ngoảnh mặt đi, khó chịu.
Các bà vợ những nhà chức trách địa phương có thể nói là các bà chủ của vùng suối thì lại tỏ ra tử tế hơn; họ mang theo những chiếc kính có cán và ít để ý đến bộ binh phục hơn, họ đã từng gặp ở Kapka những trái tim nồng nhiệt sau những chiếc khuy đánh số và những khối óc có học dưới chiếc mũ cát két trắng[27]. Các bà này rất có duyên, và có duyên một cách lâu dài! Năm nào họ cũng thay tình nhân mới, và có lẽ đó là bí quyết khiến họ nhã nhặn được mãi. Lúc leo lên trên con đường mòn chật hẹp dẫn tới suối Elidavêtin, tôi vượt lên trước một đám đông gồm thường dân và binh sĩ, những người mà sau này tôi mới biết là họ đã họp thành một lớp người đặc biệt giữa những kẻ hy vọng ở sự vận động của nước suối. Họ uống nhưng không phải nước suối, họ ít đi dạo, có tán tỉnh phái đẹp cũng là chuyện nhân thể; họ đánh bạc và phàn nàn vì buồn tẻ. Họ là những chàng công tử bột thả chiếc cốc đựng trong cái giỏ tết bằng liễu gai của mình xuống giếng nước khoáng họ làm bộ như các nhà bác học. Thường dân mang cà vạt xanh lam; quân nhân thì binh phục không cài khuy cổ để lộ ve áo sơ mi. Họ làm ra vẻ rất khinh bỉ những ngôi nhà tỉnh lẻ, ước ao những phòng khách quý phái ở thủ đô, nơi họ không bao giờ được bén mảng tới.
Cuối cùng, tôi đã tới giếng. Gần đấy, trên một bãi đất nhỏ có một căn nhà nhỏ mái đỏ che trên bể tắm, và xa hơn là một dãy nhà cầu để khách dạo khi trời mưa. Có mấy sĩ quan bị thương ngồi trên ghế, nạng để bên, nom xanh xao, buồn bã. Mấy bà mệnh phụ chân bước nhanh, đi đi lại lại trên bãi nhỏ, đợi tác dụng của nước suối. Trong đám ấy có hai, ba gương mặt xinh xinh. Phía trên những lối mòn trong các vườn nho trên sườn núi Masuk, thỉnh thoảng lại thấp thoáng những chiếc mũ sặc sỡ của những bà những cô thích cảnh vắng vẻ chỉ có hai người với nhau, bởi vì bên cạnh chiếc mũ đó bao giờ tôi cũng thấy một chiếc mũ cát két nhà binh hay là một chiếc mũ tròn ủng. Trên vách núi đá dốc nơi có tòa phong đình được gọi là Eôlip Arpha - lố nhố những người thích ngắm phong cảnh đang chĩa ống nhòm nhìn sang núi Enbơrux; trong số ấy có hai gia sư cùng đám học trò đến đây để chữa bệnh tràng nhạc.
Mệt đứt hơi, tôi dừng lại ở chân núi, và tựa người vào góc một ngôi nhà nhỏ, tôi bắt đầu ngó quanh thì bỗng nghe thấy một giọng nói quen vang lên ở phía sau:
- Pêtsôrin! đến đây lâu chưa?
Tôi ngoảnh lại: Grusnixki! Chúng tôi ôm hôn nhau. Tôi quen anh ta trong một đơn vị tác chiến. Anh ta bị một viên đạn làm bị thương ở chân và tới suối nước khoáng trước tôi một tuần.
Grusnixki là học sinh võ bị mới tại ngũ được một năm. Anh ta làm dáng bằng một cách đặc biệt, mang một chiếc áo ca pốt lính dày cộp và chiếc huân chương Thánh Gióocgiơ, một thứ huân chương thưởng cho lính trơn. Anh ta tầm vóc cân đối, nước da ngăm đen, tóc đen, thoạt nhìn vẻ ngoài người ta tưởng anh đã hai mươi lăm tuổi, mặc dù anh ta chưa đầy hai mươi mốt. Khi nói, anh ta ngửa đầu ra sau và luôn luôn đưa tay trái lên vê ria mép vì tay phải vướng chống nạng. Anh nói nhanh và văn vẻ; anh thuộc hạng người, trong mọi cảnh đời, đều có sẵn những câu khoa trương, hạng người không xúc động trước cái đẹp và rất thích huênh hoang bằng những tình cảm ly kỳ, những ham muốn cao thượng và những đau khổ khác thường. Điều họ thích nhất là gây được ấn tượng mạnh; những cô gái lãng mạn tỉnh lẻ say mê họ như điên như rồ! Về già, họ trở thành hoặc là những địa chủ an phận, hoặc là những tay nát rượu, đôi khi là cả hai. Trong tâm hồn họ thường có nhiều đức tính tốt, nhưng thơ phú thì không đáng một xu. Điều ham thích của Grusnixki là nói những lời hoa mỹ: khi câu chuyện vừa mới vượt ra ngoài những chuyện thông thường thì anh ta thao thao bất tuyệt; tôi không bao giờ có thể tranh luận được với anh. Anh ta không đáp lại những câu bắt bẻ của anh cũng không nghe anh nói. Các bạn vừa ngừng một tí là anh ta chộp lấy nói ngay một thôi tràng giang đại hải mà ai nấy đều tưởng là có liên quan ít nhiều đến những điều mình vừa nói, nhưng thật ra thì anh ta vẫn tiếp tục bài diễn thuyết của mình.
Anh ta khá hay châm chọc, những lời châm chọc của anh thường thì cũng vui nhộn, nhưng không khi nào sắc bén và độc ác: Anh ta không có khả năng chỉ dùng một tiếng mà đủ giết được người; anh ta không hiểu người đời, những khía cạnh yếu của họ, vì suốt đời anh ta chỉ lo toan cho bản thân mình. Mục đích của anh ta là trở thành một nhân vật tiểu thuyết. Anh ta thường gắng công làm cho người khác nghĩ rằng mình sinh ra không phải để sống trên thế gian này, rằng anh ta bị đày ải vào những đau khổ huyền bí nào đó, mà điều này thì chính anh ta cũng tin như thế. Đấy là lý do tại sao anh ta rất hãnh diện mặc cái áo ca pốt lính thô kệch. Tôi hiểu anh ta lắm nên anh ta không ưa tôi tuy bề ngoài hai bên đều rất thân. Anh ta được tiếng là rất can đảm, nhưng tôi đã từng trông thấy anh ta lúc lâm sự: tay vung kiếm, miệng thét vang và xông lên phía trước nhưng hai mắt lại nhắm nghiền. Đó là cái gì chứ đâu phải lòng dũng cảm của dân Nga!
Tôi cũng không ưa gì anh ta; tôi cảm thấy một ngày kia chúng tôi sẽ chạm trán nhau trên quãng đường hẹp. và một trong hai chúng tôi sẽ gặp tai họa.
Sở dĩ anh ta đến ở Kapka cũng chỉ do đầu óc cuồng tín đầy tính lãng mạn của mình: tôi biết chắc là trước ngày rời quê cha đất tổ, anh đã đeo một vẻ mặt sầu thảm để nói với một cô láng giềng xinh tươi nào đó rằng chuyến này anh ra đi không phải chỉ là để phục vụ mà là đi tìm cái chết, bởi vì chắc chắn lúc ấy anh ta đã đưa tay lên bưng lấy mắt và nói thêm: “Nhưng thôi, nàng (hay em) không nên biết đến điều đó làm gì? Tâm hồn trong sáng của nàng sẽ phải run sợ! Vả lại, ích gì? Tôi nào có nghĩa lý gì đối với nàng? Nàng liệu có hiểu được tôi chăng?” và vân vân.
Chính anh ta có lần đã nói với tôi rằng lý do thúc đẩy anh gia nhập trung đoàn K... sẽ muôn đời là điều bí mật, chỉ có trời và anh ta biết mà thôi.
Vả chăng, khi anh ta cởi bỏ chiếc áo bi thảm đi thì trông cũng dễ thương và ngộ nghĩnh. Tôi tò mò muốn ngắm anh ta ở giữa đám đàn bà: lúc ấy, tôi nghĩ chắc hẳn anh ta sẽ tỏ ra tận tụy lắm đấy!
Chúng tôi gặp nhau như đôi bạn cũ. Tôi hỏi anh về lối sống ở vùng nước khoáng và những nhân vật đáng quan tâm ở đây.
- Chúng tôi sống một cuộc đời khá buồn tẻ - anh ta thở dài đáp, - sáng sáng uống nước khoáng và thẫn thờ uể oải như tất cả mọi người ốm, còn chiều chiều thì uống rượu vang và nhộn nhạo như mọi người khoẻ mạnh khác. Đàn bà thì có nhiều đấy nhưng nhập bọn với bọn họ cũng chẳng phải là nguồn an ủi lớn lao gì: họ chơi bài vixt, ăn mặc thì quê mùa và nói tiếng Pháp thì không chịu nổi. Năm nay, từ Matxkơva tới, chỉ có mỗi công tước phu nhân Ligôpxkaia cùng cô con gái; nhưng tớ không quen họ. Chiếc áo lính trên người tớ như là một vết nhơ. Nếu nhờ nó mà có được chút thiện cảm thì cũng nặng nề như của bố thí vậy thôi.
Đúng lúc đó, hai phụ nữ quý tộc đi ngang qua chỗ chúng tôi để tới giếng nước: một người đã đứng tuổi người kia còn rất trẻ, dáng người thon thả. Nét mặt họ bị mũ che khuất nên tôi không thấy rõ, nhưng họ đều ăn mặc rất đúng kiểu phong nhã: không có cái gì thừa.
Người phụ nữ trẻ mặc một chiếc áo kép gris de perles[28]; một tấm khăn bằng lụa mỏng quấn lấy cái cổ mềm mại. Đôi giầy Couleur puce[29] bó chặt lấy cái bàn chân hơi gầy ở nơi mắt cá, nom duyên dáng đến mức làm cho cả những ai ít hiểu về bí mật của sắc đẹp chắc chắn cũng phải kêu lên, dù chỉ vì kinh ngạc. Dáng đi của nàng nhẹ nhàng, nhưng đài các, trong đó có một cái gì như trinh khiết, nhìn thấy nhưng khó tả.
Khi nàng đi qua cạnh chúng tôi, một mùi hương lạ lùng toả ra, giống như mùi hương đôi khi ta thấy phảng phất trong những bức thư của người tình.
- Đó là công tước phu nhân Ligôpxkaia, - Grusnixki nói, - và đi cùng với bà là cô con gái mà bà gọi theo kiểu Anh là Mêri. Họ tới đây mới được ba ngày.
- Thế mà cậu đã biết tên nàng rồi kia ư?
- Đúng thế, cũng là ngẫu nhiên mà tớ nghe được thôi - Anh ta đỏ mặt đáp. - Thú thực là tớ không thiết làm quen với họ. Cái hạng quý tộc hợm mình ấy, họ coi quân nhân chúng ta như lũ mọi vậy. Họ nào có thèm để ý đến một bộ óc biết suy nghĩ dưới chiếc mũ đánh số hay một trái tim đang đập sau chiếc áo ca pốt thô kệch?
- Tội nghiệp cho cái áo ca pốt! - Tôi cười nói, - nhưng cái ông đang đến chỗ họ và đang niềm nở dâng họ hai cốc nước kia là ai vậy?
- Ô! Đó là chàng công tử thành Matxkơva, Raievich! Một tay cờ bạc; cứ trông sợi dây chuyền vàng to tướng đang uốn lượn trên ngực áo gi lê xanh lơ của hắn cũng đủ thấy ngay. Và cái gậy nặng nề kia nữa, đúng là cây gậy của Rôbinxơn Kruxô! Đến cả bộ râu và cách chải tóc cũng à la mougik[30].
- Cậu có ác cảm với cả thế gian?
- Cũng có lý đấy...
- Ồ! Thật thế ư?
Trong khi ấy, hai người đàn bà đã rời khỏi giếng và đi sát cạnh chúng tôi. Grusnixki đã kịp làm điệu bộ bi thảm bằng cái nạng và cao giọng trả lời tôi bằng tiếng Pháp: Mon cher, je hais les hommes pour ne pas les mépriser car autrement la vie serait une farce trop dégoutante[31]. (Anh bạn thân mến ơi. Tôi căm ghét người đời để khỏi phải khinh họ, bởi vì nếu không thì đời sẽ là một trò hề quá kinh tởm)
Cô công tước tiểu thư xinh đẹp ngoái cổ lại và ban cho diễn giả một cái nhìn tò mò, dai dẳng. Ý nghĩa của cái nhìn đó rất mơ hồ, nhưng không có vẻ gì là chế giễu. Trong thâm tâm, tôi cũng hết sức khen ngợi anh ta về việc đó.
- Công tước tiểu thư Mêri này thật là xinh đẹp! - tôi nói với anh ta. - Nàng có đôi mắt nhung, đúng, đúng là đôi mắt nhung, và tôi khuyên cậu nên dùng cái thành ngữ này khi nói tới đôi mắt nàng. Hai hàng mi trên và dưới dài đến nỗi ánh sáng mặt trời không chiếu vào tới con ngươi. Tớ rất thích những đôi mắt không ánh ấy. Nó thật là dịu dàng! Người ta có cảm tưởng nó đang mơn trớn mình... vả lại hình như trên mặt nàng chỉ có đôi mắt khả dĩ là xem được thôi. Thế còn răng nàng, có trắng không? Điều cốt yếu đấy! Rất đáng tiếc là câu nói văn vẻ của cậu lại không làm cho nàng mỉm cười.
- Cậu nói đến người phụ nữ đẹp mà cứ như là nói đến con ngựa cái xứ Anh ấy, - anh ta nói vẻ bực dọc.
- Mon cher, - tôi trả lời anh ta, cố bắt chước cái giọng của anh, - Je méprise les femmes pour ne pas les aimer car autrement la vie serait un melodrame trop ridicule[32]. (Anh bạn thân mến ơi, tôi khinh đàn bà để khỏi phải yêu họ, vì nếu không thì đời sẽ là một tấm bi kịch quá lố bịch)
Tôi quay gót, bỏ đi. Trong khoảng nửa giờ, tôi dạo trên những lối đi dạo trong vườn nho, trên những vách đá vôi và len lỏi qua những bụi cây con treo lủng lẳng giữa những vách đá. Trời bắt đầu nóng nên tôi rảo bước quay về. Khi đi ngang qua chỗ nguồn nước khoáng tôi đứng lại bên tòa phong đình có mái che để thở dưới bóng râm, tôi đã được dịp chứng kiến một cảnh khá đáng chú ý. Các nhân vật được xếp đặt như sau: bà công tước phu nhân và anh chàng công tử bột Matxkơva ngồi trên một chiếc ghế dài dưới mái tòa phong đình; cả hai người đang mải mê trao đổi một vấn đề gì có vẻ là quan trọng lắm. Công tước tiểu thư chắc vừa uống xong cốc nước cuối cùng, đang mơ màng dạo gần giếng. Grusnixki đứng sát ngay bên giếng. Ngoài ra không còn ai khác trên cái bãi nhỏ ấy.
Tôi lại gần và nấp sau góc tường tòa phong đình. Cũng trong lúc đó Grusnixki đánh rơi chiếc cốc xuống cát và cố gắng cúi xuống nhặt, nhưng không được vì chân đau. Tội nghiệp cho anh chàng! Anh ta tì trên nạng, cố tìm mọi cách nhặt lấy chiếc cốc nhưng vô ích. Lúc ấy, nét mặt diễn cảm của anh biểu lộ nỗi đau đớn thực sự.
Công tước tiểu thư Mêri đã trông thấy tất cả sự việc ấy rõ hơn tôi.
Nhẹ nhàng hơn cánh chim, nàng chạy vút tới gần anh ta, cúi xuống nhặt chiếc cốc lên và đưa cho anh với một dáng vẻ đẹp vô cùng; sau đó mặt nàng đỏ bừng lên; mắt ngó nhanh về phía tòa phong đình và khi biết chắc rằng mẹ nàng có lẽ không thấy gì hết, nàng lại bình tĩnh ngay. Khi Grusnixki mở miệng định cám ơn thì nàng đã đi xa. Một phút sau, nàng ra khỏi tòa phong đình cùng với mẹ và anh chàng công tử bột, nhưng khi đi ngang qua gần Grusnixki, nàng lấy dáng điệu rất nghiêm trang và kiểu cách, thậm chí không ngoảnh lại, cũng không nhận thấy anh chàng đang đắm đuối nhìn theo nàng đi xuống núi, nhìn mãi cho tới khi bóng nàng đã khuất sau dãy bồ đề trồng hai bên đại lộ. Thế rồi chiếc mũ trên đầu nàng thấp thoáng qua đường phố, nàng chạy vào cổng của một trong những căn nhà đẹp nhất ở Piatigorxkơ. Bà mẹ theo sau, tới trước cổng, bà còn dừng lại từ giã Raiêvich.
Và chỉ lúc ấy chàng học sinh võ bị si tình tội nghiệp kia mới nhận ra tôi.
- Cậu thấy rồi chứ? - anh ta vừa nói vừa xiết chặt tay tôi, - đó đúng là một thiên thần!
- Tại sao? - tôi hỏi với vẻ mặt rất ngây ngô.
- Chẳng lẽ cậu không thấy ư?
- Có tớ có thấy nàng nhặt chiếc cốc cho cậu. Nếu người gác có mặt ở đấy thì hắn cũng sẽ làm như vậy, mà còn vồn vã hơn nữa kia, vì hắn hy vọng là sẽ được thưởng chút tiền uống rượu. Hơn nữa cũng rất dễ hiểu là nàng thương hại cậu: cậu đã nhăn mặt một cách khủng khiếp quá, lúc tì người trên cái chân bị thương...
- Và nhìn nàng lúc ấy cậu không thấy mảy may xúc động khi tâm hồn nàng rực sáng lên trên gương mặt sao?
- Không.
Tôi đã nói dối. Nhưng tôi muốn trêu tức anh ta. Tôi bẩm sinh thích nói ngược lại; cả đời tôi chỉ là một chuỗi những điều nói trái ngược buồn thảm và bất thành, trái với con tim hoặc lý trí: Sự có mặt của một người nhiệt tình cũng đủ làm cho lòng tôi nguội lạnh và tôi nghĩ nếu năng đi lại với một người lãnh đạm héo úa thì chắc hẳn tôi sẽ trở thành một người mơ mộng đắm say. Tôi cũng xin thú thật là lúc ấy, một cảm giác khó chịu nhưng quen thuộc thoáng hiện trong lòng tôi; cảm giác ấy chính là sự đố kỵ; tôi mạnh dạn nói lên chữ đố kỵ, bởi vì tôi quen thú nhận với lòng mình tất cả, và vị tất đã có một chàng trai khi gặp một cô gái đẹp đã thu hút hết tâm trí nhàn tản của mình lại không tỏ ra khó chịu vì bỗng nhiên cô ta lại quan tâm đến người khác, mà đối với cô người kia cũng xa lạ chả kém gì anh ta, tôi nói là vị tất đã có một chàng trai như thế (đương nhiên anh ta phải là một con người sống trong giới thượng lưu và quen thói mơn trớn lòng tự ái).
Tôi cùng Grusnixki lặng lẽ đi xuống núi, chúng tôi đi trên con đường trồng cây, qua trước cửa sổ ngôi nhà nàng vừa vào. Nàng ngồi bên cửa sổ. Grusnixki kéo tay áo tôi, và ngước mắt nhìn lên, một cái nhìn trìu mến ngô nghê không mấy hiệu quả đối với phụ nữ. Tôi thì ngước cái kính cặp mũi chõ vào nàng và thấy nàng mỉm cười khi Grusnixki nhìn lên, còn khi cái kính cặp mũi láo xược của tôi chĩa lên thì nàng nổi giận thực sự. Thật ra thì một gã quân nhân ở cái vùng Kapka này sao lại dám cả gan đưa kính lên nhìn một tiểu thư Matxkơva!

13 Tháng 5
Sáng nay ông bác sĩ tới nhà tôi. Ông ta tên là Verne, nhưng lại là người Nga. Điều ấy có gì là lạ? Tôi có quen một ông Ivanôp người Đức.
Verne là người đáng chú ý vì nhiều lẽ. Ông là người theo chủ nghĩa hoài nghi và duy vật, như tất cả các thầy thuốc; thêm vào đó, ông còn là thi sĩ, và nói nghiêm chỉnh thì ông là thi sĩ luôn luôn bằng hành động; và đôi khi bằng lời nói, tuy suốt đời ông chưa hề làm nổi hai câu thơ. Ông đã nghiên cứu những cơ mạch của xác chết nhưng không bao giờ ông biết lợi dụng những kiến thức của mình; ví như đôi khi một nhà giải phẫu không biết chữa bệnh sốt rét. Verne có thói hay nhạo báng ngầm những bệnh nhân của ông, nhưng có lần tôi đã thấy ông khóc trước một người lính hấp hối... Ông nghèo, ao ước có bạc triệu, nhưng không bao giờ bước một bước quá đáng để kiếm tiền: một hôm ông nói với tôi là ông thích giúp thù hơn là bạn, bởi vì làm ơn như thế là bán lòng từ thiện, còn sự oán thù thì lại tăng lên theo tỷ lệ với lòng hào hiệp của kẻ thù. Ông là một người độc miệng: với những lời trào phúng của ông không một người tử tế nào lại không bị xem là ngốc đặc, đối thủ của ông, những thầy thuốc vùng suối nước khoáng, hay ghen tỵ, gieo dư luận rằng hình như ông đã vẽ tranh châm biếm để đả kích bệnh nhân, - những người bệnh này đâm giận, hầu hết không đến khám bệnh ở chỗ ông nữa. Các bạn bè của ông, tức là tất cả những người thực sự đứng đắn đang phục vụ ở Kapka tìm hết cách gây lại ngân quỹ đã bị suy giảm của ông, nhưng vô ích.
Bề ngoài, ông là một người lúc mới gặp người ta thấy khó chịu, nhưng sau đó lại thích một khi đã nhận ra dấu ấn của một tâm hồn từng trải và cao thượng qua những đường nét lệch lạc của con người. Ta đã thấy nhiều người đàn bà say mê say mệt những hạng người như thế và họ sẽ chẳng chịu đổi cái hình dạng xấu xí của người đàn ông này để lấy cái vẻ đẹp của hạng Ăngđimiôn[33] tươi tắn và hồng hào nhất. Phải công nhận rằng đàn bà có linh cảm về cái đẹp tinh thần, và có lẽ vì thế mà những người như Verne yêu họ say đắm.
Verne người tầm vóc bé nhỏ, vừa gầy vừa yếu như một đứa trẻ; chân cao chân thấp như Bairơn; đầu to không tương xứng với người: tóc cắt ngắn, những chỗ gồ ghề trên cái sọ bị phơi trần đã làm cho một nhà não tướng học phải kinh ngạc trước sự liên hợp một cách kỳ lạ những khuynh hướng trái ngược nhau. Đôi mắt ông đen, bé nhỏ, luôn luôn lo lắng, cố nhìn thấu vào những ý nghĩ của ta. Trông cách ăn mặc người ta biết ông có khiếu thẩm mỹ và tươm tất sạch sẽ; đôi bàn tay nhỏ, gầy guộc và gân guốc được trang điểm bằng đôi găng tay vàng nhạt. Chiếc áo ngoài, cà vạt và gi lê bao giờ cũng là màu đen. Bọn thanh niên đã mệnh danh ông là Mefixtôfen[34]; ông làm ra vẻ giận dữ vì người ta gán cho mình cái tên như vậy, nhưng thực ra nó đã mơn trớn lòng tự ái của ông. Chúng tôi chả mấy chốc đã hiểu nhau và trở thành đôi bạn, bởi vì tôi không hay kết bạn: giữa đôi bạn, bao giờ người này cũng là nô lệ của người kia, mặc dầu thông thường chẳng người nào chịu thú nhận điều đó; tôi không thể là nô lệ, còn như sai khiến trong trường hợp này lại là thứ lao động quá ít mệt nhọc, bởi vì muốn sai khiến phải biết lừa dối; vả lại, tôi đã có đầy tớ và đủ tiền bạc rồi.
Chúng tôi quen nhau trong trường hợp như thế này: tôi gặp Verne ở X... giữa đám thanh niên đông đảo và ồn ào; cuối buổi họp mặt câu chuyện đã xoay sang chiều hướng triết lý siêu hình; chúng tôi nói đến lòng tin, ý kiến mỗi người một khác.
- Đối với tôi, bác sĩ nói, - tôi chỉ tin một điều là...
- Điều gì? - tôi hỏi, rất muốn biết ý kiến của một người từ nãy đến giờ vẫn lặng thinh.
- Là, - ông ta trả lời, - sớm hay muộn thì một buổi sớm mai nào đó, tôi cũng sẽ chết.
- Tôi còn phong phú hơn anh, - tôi nói.- và ngoài ra tôi còn có thêm một niềm tin nữa - đó là vào một đêm khốn nạn, tôi đã gặp phải nỗi bất hạnh là đã ra đời.
Tất cả mọi người đều cho rằng chúng tôi nói bậy nói bạ, nhưng quả thật trong số họ không ai nói được một điều gì thông minh hơn. Từ phút ấy chúng tôi đã nhận ra nhau trong đám đông. Chúng tôi gặp nhau luôn và nói chuyện rất nghiêm chỉnh về những vấn đề trừu tượng cho đến lúc cả hai đều nhận thấy rằng chúng tôi đang huyễn hoặc lẫn nhau. Thế rồi chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau một cách trang nghiêm như những thầy giải triệu cổ La Mã đã làm, nói theo lời Xixêrông[35], và chúng tôi cười phá lên; sau khi cười no nê, chúng tôi chia tay nhau, rất thỏa mãn về tối gặp mặt.
Tôi đang nằm dài trên đi văng, mắt dán lên trần, tay đặt dưới gáy, thì Verne bước vào. Ông ngồi xuống chiếc ghế bành, đặt cái gậy vào một góc, ngáp một cái và bảo ở bên ngoài trời bắt đầu nóng. Tôi trả lời là ruồi quấy rầy tôi quá thể, rồi chúng tôi lại im lặng.
- Bác sĩ thân mến ơi! - tôi lên tiếng, - anh có nhận thấy rằng nếu không có những thằng ngu thì đời sẽ buồn tẻ lắm!.. Anh xem: hai đứa ta đây đều là hai thằng thông minh; chúng ta biết trước rằng có thể tranh cãi không cùng về đủ mọi thứ, thế cho nên ta không tranh cãi. Chúng ta biết gần hết những ý nghĩ thầm kín của nhau; chỉ một lời thôi, đối với chúng ta cũng là cả một thiên truyện rồi, chúng ta nhìn thấy qua ba lần vỏ cái hạt mầm của từng mối cảm xúc của nhau. Cái gì buồn đối với chúng ta lại tức cười và cái đáng cười thì ta lại thấy buồn, nhưng nói chung thì chúng ta quả thực là những kẻ khá thờ ơ với tất thảy sự đời, trừ bản thân chúng ta. Cho nên, chúng ta không thể trao đổi tình cảm và ý nghĩ với nhau được nữa, chúng ta đứa này biết rõ đứa kia tất cả những gì muốn biết, và chúng ta không muốn biết gì hơn nữa. Chúng ta chỉ còn một chước: là kể cho nhau nghe những tin mới. Anh hãy kể cho tôi nghe một tin gì mới mới đi vậy.
Mệt mỏi vì đã nói dài, tôi nhắm mắt lại và ngáp một cái... Nghĩ ngợi một lúc, ông ta nói:
- Trong bài diễn văn quanh co rắc rối của anh, kể ra cũng có một ý đấy.
- Hai chứ! - tôi trả lời.
- Anh nói cho tôi biết một, rồi tôi sẽ nói cho anh  ý kia.
- Được bắt đầu đi! - tôi nói, mắt vẫn nhìn lên trần nhà và cười thầm.
- Anh rất muốn biết những chi tiết gì đó về một trong số những người đã tới vùng suối này, và tôi cũng đã đoán ra người anh quan tâm đó là ai, vì rằng ở đàng kia họ cũng đang hỏi về anh.
- Bác sĩ ơi chúng ta thật không tài nào nói chuyện với nhau được: chúng ta đã thấu tâm hồn nhau quá đỗi rồi.
- Bây giờ sang ý thứ hai...
- Ý thứ hai là thế này: tôi muốn bắt anh phải kể cho tôi nghe một điều gì đó cũng được, lý do thứ nhất là nghe thì ít mệt nhọc hơn; thứ hai là nói nhiều sẽ lỡ lời, ba là có thể biết được bí mật của kẻ khác, bốn là những người thông minh như anh thích người ta nghe hơn là người ta kể. Và bây giờ thì vào đề: Công tước phu nhân Ligôpxkaia đã nói với anh những gì về tôi?
- Anh có thật tin chắc đó là công tước phu nhân... chứ không phải công tước tiểu thư?..
- Tôi chắc chắn thế.
- Tại sao?
- Vì công tước tiểu thư đã hỏi thăm về Grusnixki rồi.
- Trời phú cho anh có một khả năng nhìn thấu lòng người. Công tước tiểu thư đã nói cô tin rằng người thanh niên mặc áo lính kia đã bị truất chức vì một cuộc quyết đấu...
- Tôi hy vọng là anh đã để mặc nàng mang cái ảo tưởng êm ái ấy?
- Cố nhiên!
- Đã tìm thấy đầu mối rồi! - tôi reo lên thán phục, - ta sẽ tìm cách gỡ nút tấn trò này. Rõ ràng là số phận đã không muốn để cho tôi phải buồn chán.
- Tôi linh cảm thấy rằng cái cậu Grusnixki tội nghiệp kia sẽ là nạn nhân của anh... - bác sĩ nói.
- Bác sĩ cứ nói tiếp đi...
- Công tước phu nhân đã nói rằng nét mặt anh trông quen quen. Tôi có nhắc bà rằng chắc hẳn bà đã gặp anh ở Pêterbua, ở đâu đó trong giới thượng lưu... tôi nói đến tên anh... Bà ta có biết. Hình như, chuyện của anh ở đấy đã làm xôn xao dư luận... Bà còn kể những mẩu chuyện phiêu lưu của anh, và chắc chắn là đã thêm thắt những lời nhận xét riêng của mình vào những câu đơm đặt của giới thượng lưu. Cô con gái tò mò lắng nghe. Trong trí tưởng tượng của cô, anh đã thành một nhân vật tiểu thuyết thích hợp với thị hiếu hiện nay... Tôi không cải chính lại một điều gì tuy biết thừa bà công tước đã nói nhiều điều nhảm nhí.
- Anh đúng là người bạn thân thiết! - tôi kêu lên và đưa tay ra bắt. Bác sĩ xiết chặt tay tôi cảm động, và nói tiếp:
- Nếu anh muốn, tôi sẽ giới thiệu...
- Thôi, xin anh tha cho, - tôi vừa trả lời vừa chắp tay lại. - ai đời lại đi giới thiệu các vị anh hùng bao giờ? Các vị ấy tự làm quen, không bằng cách nào khác là sau khi đã cứu được người yêu của mình khỏi một cái chết mười mươi.
- Nhưng thật tình anh có định ve vãn công tước tiểu thư không?..
- Không, hoàn toàn không! Bác sĩ ơi cuối cùng thì tôi thắng rồi đấy nhé: anh không hiểu tôi!.. Vả lại, như thế sẽ làm tôi đau khổ đấy, bác sĩ ạ, - tôi nói tiếp sau một phút im lặng, - tôi không bao giờ tự đem kể những điều bí mật của mình, nhưng lại rất thích người ta đoán ra; bởi vì như vậy, khi nào cũng có thể phủ nhận nếu cần. Nhưng anh phải tả cho tôi nghe cả bà mẹ lẫn cô con gái. Họ là người thế nào?
- Trước tiên, công tước phu nhân là một người đàn bà bốn mươi lăm tuổi, - Verne đáp, - bà có cái dạ dày tuyệt vời nhưng xấu máu, trên má có những nốt đỏ. Nửa đời sau bà đã sống ở Matxkơva, và ở đó sống trong cảnh yên tĩnh nên đã phát phì. Bà rất thích những câu chuyện tiếu lâm khêu gợi tình dục và bản thân bà đôi khi cũng nói đến những chuyện tục tĩu khi vắng mặt cô con gái ở trong phòng. Bà đã nói với tôi là con gái bà ngây thơ như con chim câu. Điều ấy nào có liên quan gì đến tôi?.. Tôi rất muốn trả lời bà để bà yên tâm, rằng tôi sẽ không nói điều đó với ai đâu! Bà mẹ đến chữa bệnh tê thấp, còn cô con thì có trời biết là cô chữa bệnh gì; tôi đã bảo cho cả hai, uống mỗi ngày hai cốc nước lưu hóa và mỗi tuần tắm hai lần trong bồn nước khoáng. Bà công tước hình như không quen sai bảo: bà ta rất trọng thị đầu óc và kiến thức của con gái, cô đã đọc Bairơn bằng tiếng Anh và biết đại số học: ở Mátxcơva rõ ràng là các tiểu thư đã lao đầu vào khoa học và học tốt! Đàn ông chúng ta nói chung đều thiếu nhã nhặn vì đã làm duyên làm dáng với họ, ắt là điều không chịu nổi đối với người đàn bà thông minh. Bà mẹ rất thích cánh thanh niên, còn cô con thì nhìn họ với con mắt hơi khinh khỉnh: một thói quen kiểu Mátxcơva! Ở Mátxcơva họ chỉ giao lưu với những người hóm hỉnh đã trạc tứ tuần.
- Thế anh đã ở Matxcơva rồi ư, bác sĩ?
- Đã, tôi đã hành nghề ở đấy ít lâu.
- Anh nói tiếp đi!
- Nhưng thiết tưởng tôi đã nói hết rồi... À, quên: hình như cô tiểu thư thích nói đến tình cảm, những nỗi đam mê và vân vân... Cô ấy đã qua một mùa đông ở Pêterbua, và không thích thú gì cái thành phố ấy, nhất là cái giới của cô, chắc hẳn cô đã được tiếp đón một cách lạnh nhạt.
- Thế hôm nay anh không trông thấy ai ở đấy nữa ư?
- Có chứ, có một viên sĩ quan tùy tùng, một sĩ quan cận vệ cứng như que củi và một bà mới từ xa tới, bà con với bà công tước, họ hàng nhà chồng, rất đẹp nhưng hình như ốm yếu lắm... Anh chắc chưa gặp bà ấy ở bên giếng? Tóc bà ta màu hung, tầm vóc trung bình, với những đường nét cân đối, có nước da của người đau phổi và trên má phải có nốt ruồi. Gương mặt bà ta làm tôi kinh ngạc vì sức diễn cảm của nó.
- Một nốt ruồi! - tôi lẩm bẩm trong miệng, - có thể thế được ư?
Bác sĩ nhìn tôi, đặt tay lên vùng tim tôi rồi trịnh trọng nói:
- Anh có quen bà ấy rồi!..
Tim tôi đúng là có đập mạnh hơn bình thường.
- Bây giờ thì đến lượt anh thắng, - tôi nói, - nhưng tôi hy vọng ở anh: anh đừng có phản tôi. Tôi chưa gặp nàng nhưng sau khi đã nghe anh tả chân dung một người đàn bà, tôi tin chắc đó là một người đàn bà đã từng yêu… Đừng hé miệng nói một lời về tôi với nàng; nếu nàng có hỏi, anh cứ tha hồ nói xấu tôi.
- Tùy anh! - Verne nhún vai, nói.
Bác sĩ đi rồi, lòng tôi đau thắt vì một nỗi buồn ghê rợn. Phải chăng số phận lại muốn gắn bó chúng tôi một lần nữa trên mảnh đất Kapka này? Hay nàng cố tình đến đây vì biết chắc là sẽ gặp tôi? và chúng tôi sẽ gặp gỡ nhau như thế nào đây? rồi sau nữa, không biết đó có phải là nàng không?.. Nhưng linh cảm tôi chưa bao giờ đánh lừa tôi. Không có ai trên thế gian này mà quá khứ lại đè nặng lên đầu như tôi: một ký ức về một nỗi buồn hay một niềm vui đã qua đều đập mạnh vào tâm hồn tôi đau đớn, rồi bắt nó dội lại những âm thanh y hệt. Tôi vốn mê muội: không quên một điều gì, không sót một điều gì!
Sau bữa cơm trưa, vào lúc sáu giờ, tôi ra đại lộ: ở đấy có một đám đông, bà công tước cùng với cô tiểu thư đang ngồi trên ghế dài, xung quanh là đám thanh niên đang tranh nhau ve vãn. Tôi tìm một chiếc ghế khác, cách đó một quãng, chặn hai sĩ quan quen biết của Đ... lại, và tôi bắt đầu kể cho họ nghe một câu chuyện, có lẽ câu chuyện buồn cười quá nên họ cười như điên. Tò mò, vài ba người trong số thanh niên đang vây quanh cô tiểu thư cũng đi lại chỗ tôi, dần dần tất cả đều bỏ cô đến nhập bọn với chúng tôi. Tôi vẫn thao thao bất tuyệt: những câu chuyện tiếu lâm của tôi ý vị đến mức nhảm nhí, và những lời chế giễu của tôi về những kẻ lập dị đang đi ngang qua, thì độc ác đến mức tàn bạo... Tôi cứ tiếp tục mua vui cho thiên hạ đến lúc mặt trời bắt đầu lặn. Mấy lần cô tiểu thư khoác tay mẹ đi ngang qua trước mặt tôi, theo sau là một ông già bé nhỏ đi khập khiễng, và có mấy lần nàng nhìn tôi, ánh mắt tỏ ra tức tối, tuy nàng cố làm ra vẻ dửng dưng...
- Anh ta nói chuyện gì với các anh thế? – nàng hỏi một chàng thanh niên vì xã giao nên đã trở lại với nàng, - chắc phải là một câu chuyện rất thú vị - những chiến tích của mình nơi chiến trận chăng?.. - nàng nói khá to, chắc chắn với ý muốn chọc tức tôi.
“A ha!.. - tôi tự nhủ, cô giận thật rồi, hỡi tiểu thư yêu quý, gượm đã còn nhiều chuyện khác nữa kia!”.
Grusnixki theo dõi nàng như một con thú và không rời mắt khỏi nàng. Tôi đoán chắc là ngày mai anh chàng sẽ nhờ người giới thiệu anh với bà công tước. Bà ta sẽ thích lắm đấy, chả là bà đang chán mà!

16 Tháng 5,
Trong vòng hai ngày mà công việc của tôi đã có những tiến triển khủng khiếp. Công tước tiểu thư nhất định căm ghét tôi; người ta đã kể lại với tôi hai, ba bài thơ trào phúng châm biếm tôi, khá gai ngạnh nhưng đồng thời lại rất phỉnh nịnh. Cô tiểu thư hết sức ngạc nhiên; là một người đã quen sống trong xã hội thượng lưu đã từng có quan hệ thân thiết với các anh chị em họ và cô, dì của cô ở Pêterbua, sao tôi lại không cố gắng làm quen với cô. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày ở giếng trên đại lộ; tôi đã tìm mọi cách để những gã trai si tình, những sĩ quan tùy tùng hào nhoáng, những gã trai Mátxcơva nhạt nhẽo và nhiều kẻ khác xa lánh cô ta và hầu như bao giờ tôi cũng thành công. Xưa nay tôi rất ghét tiếp khách ở nhà mình nhưng lúc này thì nhà tôi ngày nào cũng chật ních người, họ ăn trưa, ăn chiều, họ cờ bạc - và than ôi! rượu sâm banh của tôi đã thắng sức quyến rũ của đôi mắt đẹp như thôi miên của cô nàng.
Hôm qua, tôi gặp cô ta ở cửa hàng ông Tselakhôp; cô đang hỏi giá một tấm thảm Ba Tư đẹp tuyệt vời. Công tước tiểu thư van nài bà mẹ đừng hà tiện: tấm thảm kia mà đặt trong phòng cô thì nổi bật xiết bao!.. Tôi đã trả thêm bốn mươi rúp và lấy mất, vì thế cô ta đã thưởng cho tôi một cái nhìn bừng bừng phẫn khí mà mê ly nhất trần đời. Đến giờ cơm trưa, tôi sai người dẫn con ngựa Pserkex của tôi cố ý đi qua dưới cửa sổ nhà cô, trên lưng ngựa phủ tấm thảm kia. Verne lúc ấy đang có mặt ở nhà họ và ông đã cho tôi biết là tác dụng của cảnh tượng đó rất bi thảm. Cô tiểu thư muốn lôi kéo mọi người chống lại tôi; tôi đã chú ý thấy có hai viên sĩ quan tùy tùng khi có mặt cô thì với tôi chỉ khẽ chào rất khô khan, thế nhưng ngày nào cũng đến ăn cơm ở nhà tôi.
Grusnixki làm ra vẻ bí hiểm; anh ta đi, tay chắp sau lưng. và không chào hỏi ai. Cái chân anh ta tự nhiên khỏi hẳn, anh chỉ còn đi hơi cà nhắc tí thôi. Anh đã có dịp bắt chuyện với bà công tước và ngỏ lời tán dương cô tiểu thư: cô ta rõ ràng là không khó tính lắm, vì từ khi ấy cô thường đáp lại cái chào của anh ta bằng một nụ cười đáng yêu nhất.
- Vậy ra cậu nhất định không tới làm quen với gia đình Ligôpxki ư? - anh ta nói với tôi hôm qua.
- Nhất quyết không!
- Này! Đó là cái nhà êm ái nhất vùng suối này đấy! Tất cả bọn tai mắt ở đây đều...
- Anh bạn của tôi ơi, cái xã hội ngụ cư ở đây làm tớ chán ngấy. Thế cậu đã lui tới nhà họ chưa?
- Chưa đâu! Tớ có nói chuyện hai ba lần với công tước tiểu thư và hơn thế nữa cơ, nhưng cậu biết đấy, cứ nằng nặc xin người ta mời đến thăm thì bất tiện lắm, tuy ở đây người ta vẫn làm thế... Hơn nữa, giá như tớ có bộ cầu vai thì đó lại là chuyện khác...
- Xin lỗi! Nhưng cậu cứ ăn mặc như thế lại hoá hay! Có điều là cậu chưa biết lợi dụng ưu thế của mình đấy thôi... Dưới mắt bất kỳ một cô tiểu thư đa cảm nào thì cái áo lính cũng sẽ biến cậu thành một anh hùng và một kẻ tuẫn tiết.
Grusnixki nở nụ cười tự mãn.
- Chuyện vớ vẩn! - anh ta nói.
- Tớ chắc chắn rằng - tôi nói tiếp, - công tước tiểu thư đã phải lòng cậu rồi!
Anh ta đỏ mặt, đỏ rần đến mang tai và bĩu môi vênh váo. Than ôi, lòng tự ái! Mi là cái đòn bẩy mà xưa kia Arsimet[36] đã muốn dùng để kích cả trái đất lên!..
- Cậu thì cái gì cũng là trò đùa tất, - anh ta nói, làm ra vẻ giận, - trước hết nàng biết về tớ còn ít quá…
- Đàn bà họ chỉ yêu những người họ không biết thôi.
- Nhưng tớ đâu có cái cao vọng được nàng thích mình kia chứ! Tớ chỉ muốn quen với một gia đình dễ mến, và tớ sẽ hóa ra lố bịch nếu lại nuôi những ước vọng gì khác... Ví như các cậu lại là chuyện khác - các cậu, những kẻ đã chiến thắng ở Pêterbua, chỉ nhìn thôi là các bà các cô đã tan ra như nước. Mà này Pêtsôrin, cậu có biết là tiểu thư đã nhắc đến cậu rồi không?
- Sao? Nàng đã nói với cậu về mình rồi ư?
- Nhưng đừng có vội mừng! Tớ có bắt chuyện với nàng ở bên giếng, vô tình thôi. Mới được vài lời, nàng đã hỏi: “Cái ông có ánh mắt nặng nề, khó coi ấy là ai vậy? Cái ông cùng đứng với ông lúc mà...”. Nàng đỏ mặt nhớ đến cái cử chỉ tế nhị của mình hôm trước nên không muốn nói rõ. “Công tước tiểu thư không cần nhắc lại hôm đó là ngày nào, - tớ trả lời, - ngày ấy sẽ mãi mãi khắc sâu vào tâm tư tôi…”. Pêtsôrin, bạn của tôi ơi, tớ không dám mừng cho cậu đâu: nàng rất có ác cảm với cậu... Nhưng kể ra cũng tiếc thật, bởi vì Mêri rất dễ thương.
Cũng cần nhấn mạnh rằng Grusnixki thuộc vào hạng người lúc nói đến một người đàn bà dù mới chỉ quen biết sơ sơ thôi cũng cứ gọi người ta là Mêri của tôi hay Xôphi của tôi, nếu người ấy có diễm phúc được họ thích.
Tôi làm ra vẻ nghiêm trang và trả lời anh ta:
- Vâng, cô ấy không hề ngu đần... Có điều là cậu hãy cẩn thận, Grusnixki ạ! Các tiểu thư Nga phần lớn đều nuôi một thứ tình yêu tinh thần chứ không nghĩ đến việc lấy chồng, mà tình yêu tinh thần lại là một thứ đáng ngại nhất. Công tước tiểu thư có lẽ thuộc loại đàn bà thích người ta mua vui cho mình; nếu ở gần cậu hai phút liền mà nàng đã thấy chán thì cậu cứ gọi là đi đứt: sự im lặng của cậu phải kích thích được ánh tò mò của nàng cơ; câu chuyện của cậu không bao giờ được làm cho nàng thỏa mãn, cậu phải làm cho nàng lo lắng từng giây từng phút, nhiều lần nàng sẽ vì cậu mà bất chấp dư luận và cho như thế là một sự hy sinh, và để tự đền bù vì sự hy sinh đó nàng sẽ làm cho cậu đau khổ, rồi một ngày nào đó nàng sẽ nói toạc ra rằng nàng không thể chịu được cậu nữa. Nếu cậu lại không chế ngự được nàng thì thậm chí sau cái hôn đầu tiên cậu sẽ không có cái quyền được hưởng cái hôn thứ hai nữa kia. Nàng cứ thả sức làm đỏm với cậu cho đến chán chê, rồi sau một hay hai năm nàng sẽ đi lấy chồng, lấy một thằng quái vật để làm vừa lòng bà mẹ, và nàng cứ tự nhủ với lòng mình rằng nàng bất hạnh, rằng nàng chỉ yêu có một người thôi - tức là cậu, rằng trời đã không muốn xe duyên cho nàng với người ấy vì anh ta mặc một chiếc áo ca pốt lính, cho dù dưới cái áo ca pốt dày cộp, xám xịt có một trái tim cao thượng và say đắm đang đập...
Grusnixki nắm tay đấm xuống bàn và bắt đầu đi đi lại lại ở trong phòng.
Tôi cười thầm trong bụng và thậm chí còn cười mỉm tới hai lần, nhưng may thay, anh ta không nhận ra điều đó. Rõ ràng là anh ta đã yêu mê muội, nên trở thành kẻ dễ tin người hơn, trên tay anh ta thậm chí còn xuất hiện cả chiếc nhẫn bạc có lớp khảm men huyền, một sản phẩm của địa phương: tôi cảm thấy đáng ngờ, tôi bắt đầu quan sát chiếc nhẫn, biết nói sao?.. mặt trong chiếc nhẫn có khắc tên Mêri bằng những nét chữ nhỏ li ti, và bên cạnh là dãy số chỉ ngày tháng khi nàng nhặt chiếc cốc trứ danh kia. Tôi giấu kín điều phát hiện này; tôi không muốn bắt anh ta phải thú nhận: tôi muốn tự anh ta chọn tôi làm người để thổ lộ tâm tình. Và lúc ấy thì tôi sẽ khoái xiết bao...
……..[37]
Hôm nay tôi dậy muộn, khi tới giếng thì ở đấy đã không còn ai. Trời bắt đầu nóng; những đám mây mưa xốp trắng từ các đỉnh núi tuyết lao nhanh tới, báo hiệu trời sắp có dông; đỉnh Masuk bốc hơi ngùn ngụt trông như một bó đuốc vừa tắt; xung quanh là những cụm mây xám bị níu kéo trên đường bay nên cuộn mình bò đi như con rắn và tuồng như bị mắc vào các bụi gai. Không khí bức bối vì điện dông. Tôi đi sâu vào con đường dạo trong vườn nho tới hang đá, tôi cảm thấy buồn. Tôi nghĩ tới người đàn bà trẻ, có nốt ruồi trên má mà bác sĩ đã nói với tôi... Nàng tới đây làm gì? Liệu có đúng là nàng không? Và tại sao tôi lại nghĩ đó là nàng? Và thậm chí tại sao tôi lại tin chắc là như thế? Thiếu gì đàn bà có nốt ruồi trên má?
Đầu thì nghĩ ngợi, chân đã bước tới hang lúc nào không biết. Tôi thấy: một người đàn bà đang ngồi trên ghế đá, dưới bóng mát của vòm hang, mình phủ chiếc khăn đen, đầu đội chiếc mũ rơm và cúi xuống sát ngực; chiếc mũ che lấp mặt nàng.
Tôi định quay gót để không quấy rầy giây phút trầm tư mặc tưởng của nàng, thì người ấy ngước mắt lên nhìn tôi.
- Vêra! - tôi buột miệng kêu lên.
Nàng rùng mình, mặt tái mét.
- Em biết anh đang ở đây, - nàng nói.
Tôi ngồi xuống cạnh nàng và cầm lấy tay nàng. Nỗi xúc động đã quên lãng từ lâu lại chạy râm ran khắp người tôi khi nghe thấy âm điệu của giọng nói thân yêu này, đôi mắt sâu và bình lặng nhìn vào tận mắt tôi, đôi mắt ấy ánh lên vẻ ngờ vực và có gì như oán trách.
- Đã lâu chúng ta không gặp nhau, - tôi nói.
- Vâng, lâu lắm rồi, và cả hai chúng ta đều thay đổi nhiều!
- Hẳn là em không còn yêu anh nữa chứ gì?..
- Em đã lấy chồng! - nàng nói.
- Lại lấy chồng? Thì mấy năm trước cái nguyên cớ đó cũng vẫn có, nhưng trong lúc đó...
Nàng rút tay ra khỏi tay tôi, và đôi má đỏ bừng.
- Có lẽ em yêu người chồng thứ hai này lắm?
Nàng không trả lời và ngoảnh mặt đi.
- Hay anh ấy rất hay ghen?
Im lặng.
- Biết nói sao? Anh ta trẻ, đẹp, đặc biệt là anh ta lại giàu, nên em sợ...
Tôi ngó nhìn nàng và thấy sợ; nét mặt nàng biểu lộ một nỗi tuyệt vọng sâu xa; nước mắt long lanh trên hai hàng mi.
- Hãy nói với em đi, rút cuộc thì, - nàng lẩm bẩm, - giày vò được em anh thích lắm hả? Lẽ ra em phải căm ghét anh. Từ lúc chúng ta biết nhau, anh có cho em được gì đâu, ngoài đau khổ... - Giọng nàng run run; nàng ngả người về phía tôi và áp đầu lên ngực tôi.
“Có thể, - tôi nghĩ,- vì thế mà nàng yêu ta: những niềm vui qua mau, còn những nỗi buồn thì đọng lại...”.
Tôi ghì chặt lấy nàng, và chúng tôi ngồi như thế rất lâu. Cuối cùng thì đôi môi chúng tôi cũng sát lại gần và hòa vào nhau thành một cái hôn nóng bỏng, đầy cảm xúc. Tay nàng lạnh như băng, trán nóng bừng. Rồi giữa hai chúng tôi bắt đầu một trong những câu chuyện mà người ta không ghi lên giấy làm gì, không nên nhắc lại và thậm chí cũng không nên nhớ: ý nghĩa của các âm thanh thay thế và bổ sung cho ý của lời, như trong một vở nhạc kịch Italia vậy.
Nàng nhất thiết không muốn tôi làm quen với chồng nàng, một ông già bé nhỏ đi khập khiễng mà tôi đã thoáng gặp trên đại lộ: Nàng lấy lão cũng chỉ vì đứa con. Lão giàu và đau khổ vì chứng tê thấp. Tôi không cho phép mình nhạo báng lão dù chỉ một lời: nàng kính trọng lão như người cha! Và sẽ lừa dối lão như một đức ông chồng... Trái tim của người đời nói chung đến là kỳ lạ, nhất là trái tim đàn bà!
Chồng Vêra, Xêmen Vaxilievich G... là bà con xa của bà công tước Ligôpxkaia, và hai nhà ở cạnh nhau. Vêra hay lui tới nhà bà công tước, tôi hứa với nàng sẽ đến làm quen với gia đình Ligôpxkaia và sẽ làm như ve vãn cô công tước tiểu thư để đánh lạc hướng những con mắt tò mò. Như vậy các kế hoạch của tôi cũng không đến nỗi đổ vỡ, và tôi sẽ lại có dịp đùa vui...
Đùa vui!.. Vâng, đời tôi đã quá cái thời sống bằng tinh thần, khi người ta chỉ biết tìm hạnh phúc, khi trái tim cần tình yêu, yêu mãnh liệt và đắm say một người; lúc này tôi chỉ muốn được yêu, nhưng cũng chỉ tí chút thôi; thậm chí tôi còn có cảm tưởng rằng một mối gắn bó lâu dài đối với tôi thế đã là quá đủ rồi: một thói quen thảm hại của con tim!..
Thế nhưng một điều luôn luôn làm tôi kinh ngạc: tôi chưa bao giờ làm nô lệ của người đàn bà tôi yêu, trái lại, tôi luôn luôn có quyền lực không gì cưỡng được đối với ý chí và trái tim đàn bà, mà nào có mất công mất sức gì lắm đâu. Vì sao ư? Phải chăng vì tôi không bao giờ quá tha thiết với một cái gì và vì họ luôn luôn sợ tôi tuột khỏi tay họ: Hay đó là sự hấp dẫn ma lực của một cơ thể mạnh mẽ? Hay chỉ tại tôi chưa gặp một người đàn bà có cá tính ngoan cường?
Phải thừa nhận, đúng là tôi không thích loại đàn bà có cá tính: cái ấy đâu phải dành cho họ!
Quả thật lúc này tôi mới nhớ ra: có lần, chỉ một lần thôi, tôi đã yêu một người có tính khí cương quyết mà tôi không thể nào thắng nổi.. Chúng tôi đã chia tay nhau như hai kẻ thù, nhưng cũng có thể, nếu tôi gặp nàng năm năm sau đó, thì chúng tôi đã chia tay nhau cách khác...
Vêra ốm yếu, rất yếu, tuy nàng không muốn thú nhận như vậy, tôi rất sợ nàng bị bệnh lao phổi hay bị thứ bệnh mà người ta gọi là fièfvre lente[38], một thứ bệnh nói chung không có ở nước Nga nên không có tên bằng tiếng ta.
Chúng tôi còn đang ở trong hang thì trời nổi dông và phải ngồi thêm nửa giờ nữa. Nàng không đòi hỏi tôi những lời thề thốt trung thành, không hỏi xem từ khi xa nhau tôi còn yêu thêm những ai nữa... Vẫn như xưa, nàng tự phó thác cho tôi một cách vô tư, - và tôi cũng không lừa dối nàng: nàng là người đàn bà duy nhất trên đời mà tôi không thể nào lừa dối. Tôi biết, chúng tôi lại sắp phải xa nhau một lần nữa và có thể là mãi mãi: cả hai chúng tôi sẽ đi mỗi người một ngả cho tới lúc xuống mồ, nhưng hồi ức về nàng sẽ toàn vẹn trong tâm hồn tôi; tôi thường nói với nàng như thế, và nàng cũng tin tôi, tuy miệng thì nói trái lại.
Sau cùng chúng tôi chia tay nhau; tôi đưa mắt nhìn theo nàng một hồi lâu cho đến khi chiếc mũ nàng lẫn vào những bụi cây và vách đá.
Lòng tôi đau thắt lại như sau buổi chia ly lần đầu. Ôi, sao mà lòng tôi vui sướng với cái tình cảm này đến thế! Có phải tuổi trẻ với những cơn bão táp tốt lành đã muốn trở lại với tôi một lần nữa chăng, hay đó chỉ là cái nhìn từ biệt của nàng, một món quà cuối cùng để làm kỷ niệm? Cứ nghĩ mà buồn cười, nhìn bề ngoài tôi vẫn còn là một cậu thiếu niên: mặt mũi tuy xanh xao nhưng vẫn còn tươi tắn; tay chân mềm mại và cân đối, những lượn tóc dày cong cong, cặp mắt cháy rực, máu sôi sùng sục…
Về tới nhà, tôi lên ngựa và phi vào thảo nguyên; tôi thích phi trên lưng một con ngựa hung hăng trên nền cỏ cao, ngược chiều gió hoang mạc, tôi say sưa hít bầu không khí đượm mùi hương và phóng tầm mắt vào chốn xa xăm xanh biếc, cố nắm bắt lấy những đường nét lờ mờ của những vật mỗi lúc nom một rõ nét hơn. Dù nỗi đắng cay có đè nặng lòng ta đến đâu đi nữa, dù nỗi lo âu có giày vò trí óc ta đến thế nào thì trong giây phút ấy tất cả đều tan biến; tâm hồn trở nên thư thái, sự mệt mỏi của thể xác sẽ thắng nỗi lo âu của trí tuệ. Không một ánh mắt nào của đàn bà mà tôi lại không quên khi tôi nhìn thấy những ngọn núi loăn xoăn sáng rực dưới ánh mặt trời phương Nam, khi nhìn bầu trời xanh, hay nghe tiếng suối ầm ầm chảy từ vách đá này qua vách đá khác.
Tôi nghĩ, những người Kôdắc đang ngáp dài ở chòi quan sát của mình có lẽ phải moi óc đoán già đoán non rất lâu, khi thấy tôi phi ngựa không lý do và không mục đích như thế, bởi vì trông quần áo chắc chắn họ sẽ cho tôi là một thằng Tserkex. Thật thế, người ta đã nhiều lần bảo tôi rằng mặc bộ y phục Tserkex mà ngồi trên mình ngựa, tôi có dáng Kabarđin hơn nhiều người Kabarđin. Và quả thật là trong bộ quân phục chiến trận oai vệ kia, tôi đúng như một trang nam nhi hoàn hảo: không một cái ngù kim tuyến nào thừa, vũ khí quí giá trang trí giản dị, lớp lông trên mũ không ngắn quá mà cũng không dài quá, nẹp đôi chân và đôi giày rất chỉnh, cái áo besmet trắng và cái áo nẹp Tserkex màu nâu sẫm. Tôi đã nghiên cứu tỉ mỉ phương pháp cưỡi ngựa của người miền núi và không khi nào tôi thấy mát ruột hơn lúc nghe người ta thừa nhận rằng nghệ thuật đi ngựa của tôi là theo kiểu Kapka. Tôi có bốn con ngựa, một cho tôi và ba con khác cho bạn bè để họ cùng tôi phi trên những cánh đồng cho vui. Họ vui lòng nhận ngựa của tôi nhưng không bao giờ họ đi cùng tôi. Đã sáu giờ chiều rồi, tôi mới sực nhớ ra là đã đến giờ ăn trưa. Ngựa tôi đã mệt lử. Tôi đi lên con đường dẫn từ Piatigorxkơ tới khu di dân của người Đức, nơi đám người tắm suối thường đến en piquenique[39]. Con đường ngoằn ngoèo giữa bụi rậm và đôi khi tụt xuống tới tận những con mương xói nhỏ, có suối chảy róc rách dưới bóng những ngọn cỏ cao. Xung quanh là những khối đá xanh đen của các dãy núi Bestu, núi Rắn, núi Sắt và núi Cáo nhô cao như một cái hý trường. Khi tụt xuống tới một trong những mương xói mà thổ ngữ địa phương gọi là Banka, tôi dừng lại cho ngựa uống nước; giữa lúc đó trên đường xuất hiện một đoàn người cưỡi ngựa ồn ào và rực rỡ: các bà các cô thì mặc áo kiểu Amadôn mầu đen và xanh lam, các bạn trai hộ tống thì mặc lễ phục pha trộn giữa Tserkex với Nigiegôrôđ, đi đầu là chàng Grusnixki cùng công tước tiểu thư Mêri.
Các bà, các cô đến tắm suối nhưng vẫn cứ sợ người Tserkex tấn công giữa ban ngày; chắc chắn vì thế nên Grusnixki đeo ngoài lớp áo ca pốt lính một thanh kiếm và đôi súng ngắn: với kiểu nai nịt oai phong lẫm liệt ấy trông anh ta khá lố bịch. Một bụi cây cao che tôi khuất mắt họ, nhưng qua kẽ lá tôi có thể nhìn thấy tất cả và qua nét mặt tôi đoán được họ đang nói chuyện tâm tình. Cuối cùng họ tới quãng đường dốc; Grusnixki nắm dây cương ngựa của cô tiểu thư và tôi đã nghe được đoạn cuối câu chuyện giữa hai người:
- Và anh muốn suốt đời ở lại Kapka sao? - Công tước tiểu thư hỏi.
- Nước Nga đối với tôi là cái gì? - Anh ta đáp, - một đất nước mà ở đó có hàng nghìn người, vì họ giàu hơn tôi nên nhìn tôi với con mắt khinh bỉ, trong khi đó ở đây, - ở đây cái áo khoác lính dày cộp này đã không cản trở tôi làm quen với tiểu thư.
- Trái lại kìa? - Công tước tiểu thư đỏ mặt nói.
Vẻ khoái trá hiện rõ trên mặt Grusnixki. Anh ta nói tiếp:
- Ở đây dưới làn đạn của tụi mọi rợ, đời tôi sẽ trôi qua một cách ồn ã, mau lẹ và không mấy ai hay, và nếu như hàng năm Chúa ban cho tôi một cái nhìn trong sáng của phụ nữ, một cái nhìn giống như...
Lúc ấy họ đã đến ngang chỗ tôi đứng; tôi giơ roi quất con ngựa một cái và lao ra khỏi bụi cây...
- Mon Dieu, un Circassien![40] - Cô tiểu thư thét lên khủng khiếp.
Để nàng hết nhầm, tôi khẽ nghiêng mình trả lời bằng tiếng Pháp:
- Ne craignez rien, madame. - je ne suis pas plus dangereux que votre cavalier[41].
Nàng bối rối, nhưng vì sao? Vì nhầm lẫn của mình hay vì câu trả lời của tôi đối với nàng có vẻ láo xược? Tôi mong lời phỏng đoán sau của tôi là đúng.
Grusnixki nhìn tôi vẻ không bằng lòng.
Đêm đã khuya, tức là khoảng mười một giờ, tôi dạo trên con đường hóng mát dưới hàng cây gia của đại lộ. Thành phố đã ngủ chỉ còn vài ô cửa sổ thấp thoáng ánh đèn. Cả ba phía đều lố nhố những đỉnh vách đá đen đen của dãy hoành sơn Masuk với một đám mây hung triệu nằm trên đỉnh; trăng đã mọc ở phương Đông; xa xa là những ngọn núi tuyết phủ lóng lánh như một đường tua rua bằng bạc. Tiếng hô của lính tuần hòa lẫn với tiếng nước chảy ầm ầm của nguồn nước nóng được mở ra ban đêm. Thỉnh thoảng có tiếng vó ngựa lóc cóc vang lên trên mặt đường hòa cùng với tiếng bánh xe cót két và điệu hát buồn của người Tatar. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài và chìm đắm trong suy nghĩ... Tôi cảm thấy muốn giãi bày tâm sự với bạn bè... Nhưng với ai? “Lúc này Vêra đang làm gì nhỉ?” – tôi nghĩ, tôi muốn trả một giá đắt để được xiết chặt tay nàng lúc này.
Đột nhiên tôi nghe thấy bước chân nhanh và không đều. Có lẽ Grusnixki... Quả nhiên!
- Ở đâu ra thế này?
- Ở nhà công tước phu nhân Ligôpxkaia, - anh ta đáp, vẻ quan trọng - Mêri hát mới hay làm sao chứ!
- Cậu có biết điều này không nào? - Tôi nói với anh ta, - tôi xin cược với cậu rằng tiểu thư không biết cậu là một học sinh võ bị, nàng tưởng cậu bị giáng chức...
- Có lẽ đúng! Nhưng có can gì đến tớ! - Anh ta trả lời lơ đãng.
- Ồ, tớ cũng chỉ nói thế thôi!
- Nhưng cậu có biết, hôm nay nàng căm tức cậu ghê lắm không? Nàng thấy cậu láo xược quá chừng, tớ phải vất vả lắm mới làm cho nàng tin rằng cậu là người được giáo dục tử tế và hiểu đời nhiều nên không thể có ý định làm mếch lòng nàng, nàng bảo rằng cái nhìn của cậu rất ngạo mạn, rằng chắc hẳn cậu đánh giá mình quá cao.
- Cô ấy không nhầm đâu... Nhưng cậu có muốn về phe với cô ta không?
- Tớ lấy làm tiếc vì tớ đâu có cái quyền đó...
“Ô hô, - tôi nghĩ, - rõ ràng là anh chàng cũng đang nuôi hy vọng...”.
- Vả lại đối với cậu còn tồi tệ hơn,- Grusnixki nói tiếp, - vì hiện thời thì cậu khó mà làm quen được với họ, thật đáng tiếc! đó là một trong những ngôi nhà dễ chịu nhất mà tớ biết...
Tôi cười thầm.
- Lúc này thì căn nhà dễ chịu nhất là nhà tớ, - tôi nói, ngáp một cái và đứng dậy để đi.
- Thế nhưng hãy thú nhận là cậu cũng có hối tiếc đi?
- Chuyện nhảm nhí! Nếu tớ muốn tớ sẽ đến nhà công tước phu nhân ngay tối mai.
- Để còn xem đã...
- Thậm chí để làm vui lòng cậu, tớ sẽ ve vãn cả công tước tiểu thư nữa cơ...
- Được thôi, nếu nàng thích nói chuyện với cậu...
- Tớ chỉ cần đợi tới lúc nàng chán, không muốn nghe cậu nói nữa... Thôi chào cậu!
- Nhưng tớ còn đi dạo một lúc đã, chả vì cớ gì mà lại về đi ngủ vào lúc này... à này, hay ta ra tiệm ăn đi, ở đấy có trò chơi… Lúc này tớ đang cần cảm xúc mạnh...
- Chúc cho cậu thua cuộc…
Tôi đi về.

21 Tháng 5
Gần một tuần đã qua, nhưng tôi vẫn chưa làm quen được với gia đình nhà Ligôpxki. Tôi đợi một dịp thuận lợi. Grusnixki bám riết công tước tiểu thư như một cái bóng; chuyện của họ dài vô tận - lúc nào anh ta mới làm cho nàng chán nhỉ? Bà mẹ thì không để ý tới vì anh ta không xứng mặt làm rể. Cái lôgic của các bà mẹ là thế đấy! Tôi đã bắt gặp hai ba ánh mắt trìu mến, - cái đó phải chấm dứt ngay.
Hôm qua lần đầu tiên, Vêra tới giếng... Từ hôm chúng tôi gặp nhau trong hang, nàng chưa ra khỏi nhà. Lúc ấy chúng tôi cùng thả cốc xuống giếng, nàng hơi nghiêng mình khẽ nói với tôi:
- Anh không muốn làm quen với gia đình Ligôpxki ư? Chỉ ở đấy chúng ta mới có thể gặp nhau được thôi...
Một lời trách móc! Rõ chán! Nhưng tôi cũng đáng trách lắm... Nhân tiện ngày mai có tổ chức vũ hội theo yêu cầu trong gian đại sảnh của khách sạn, và tôi sẽ nhảy điệu Mazurka với công tước tiểu thư.

22 Tháng 5.
Gian đại sảnh của khách sạn đã biến thành phòng họp mặt của giới quý tộc. Vào lúc chín giờ, mọi người đều có mặt. Công tước phu nhân và cô con gái là những người tới sau cùng. Nhiều bà nhìn nàng với vẻ ghen tị và thiếu thiện chí, vì tiểu thư Mêri trang phục rất trang nhã. Những bà tự cho mình là bậc quý phái ở đây đều giấu lòng ghen tỵ, đã đến với nàng. Có thể nào khác được? Chỗ nào có đàn bà thì ở đó sẽ có ngay một đám người đứng vòng trong vòng ngoài. Grusnixki đứng giữa đám đông, gần cửa sổ, mặt dán vào kính và mắt không rời nữ thần của mình. Lúc đi qua, nàng khẽ gật đầu chào anh ta, khẽ đến mức khó nhận ra. Anh ta đỏ rầm mặt lên như mặt trời…
Cuộc khiêu vũ bắt đầu bằng một vũ điệu Ba Lan, rồi Vanxơ. Cựa giầy bắt đều kêu lách cách, đuôi tôm sau áo bay phần phật và quay tít.
Tôi đứng sau một bà to béo người đầy những nốt ruồi đỏ hồng, vẻ sang trọng của bộ y phục bà mặc khiến tôi nhớ tới thời đại của những bộ phigiơma[42] và nước da sần sùi loang lổ của bà nhắc tôi nhớ tới thời kỳ sung sướng của những con ruồi làm bằng vải lụa đen[43].
Chuỗi hạt che lấp cái mụn cóc to nhất trên cổ bà. Bà ta nói với người tháp tùng của mình, một đại úy long kỵ:
- Cái cô tiểu thư Ligôpxkaia này là một con nhãi ranh đáng ghét. Anh xem, nó hích vào tôi mà không thèm xin lỗi, lại còn quay lại giơ kính lên nhìn vào mặt tôi... C’est impayable[44]!.. Gì mà nó lại ngạo mạn thế? Phải cho nó một bài học đáng đời...
- Về việc này bà cứ yên tâm! - ông đại úy giầu lòng cưu mang kia trả lời rồi đi sang phòng bên.
Tôi bèn đến gần công tước tiểu thư, lợi dụng sự tự do của các phong tục ở đây, cho phép nhẩy với những bà mà mình chưa quen, và tôi mời nàng nhảy điệu van xơ.
Nàng khó lòng mới nén nổi một nụ cười và giấu đi sự đắc thắng của mình; nhưng chả mấy chốc nàng đã lấy lại được vẻ lãnh đạm và còn có phần nghiêm nghị nữa: nàng uể oải đặt tay lên vai tôi, đầu hơi nghiêng sang một bên và chúng tôi bắt đầu quay. Tôi chưa từng thấy một tấm thân nào mềm mại và gợi cảm hơn. Hơi thở nàng mát dịu mơn man trên mặt tôi, thỉnh thoảng một vòng bím tóc bị xổ trong vòng xoáy lốc của điệu van xơ, lướt trên bên má nóng bừng của tôi… Chúng tôi đã nhảy quanh phòng ba vòng (Nàng nhảy rất tuyệt). Nàng mệt gần đứt hơi, đôi mắt hỗn loạn và đôi môi hé mở vừa đủ sức thều thào một câu cần thiết: “Merci, monsieur”[45].
Sau mấy phút lặng im, tôi nói với nàng với một vẻ nhún nhường nhất:
- Thưa công tước tiểu thư, tôi có nghe nói dù chưa quen biết tiểu thư, rằng tôi thật bất hạnh là đã không làm vừa lòng tiểu thư và tiểu thư cho tôi là một kẻ rất láo xược... Chẳng lẽ đó là sự thật?
- Và lúc này ông muốn tôi phải công nhận ý kiến đó chăng? - nàng trả lời với một cái bĩu môi hơi giễu cợt, một cử chỉ rất hợp với nét mặt hay thay đổi của nàng.
- Nếu tôi đã có thái độ hỗn láo xúc phạm đến tiểu thư điều gì thì cũng xin tiểu thư cho phép tôi một lần hỗn láo nữa, táo gan hơn là cầu xin tiểu thư tha lỗi... Và quả tình là tôi rất mong được chứng tỏ cùng tiểu thư rằng tiểu thư đã nghĩ nhầm về tôi…
- Kể ra cũng khó cho ông lắm đấy...
- Tại sao ạ?
- Vì ông không lui tới nhà chúng tôi, và có lẽ những buổi dạ hội như hôm nay cũng hiếm có…
“Thế nghĩa là, - tôi nghĩ, - cửa nhà họ sẽ vĩnh viễn không còn mở để đón mình nữa!”.
- Tiểu thư có biết rằng, - tôi nói, lòng hơi bực bội, - không bao giờ nên hắt hủi một kẻ có tội đã sám hối: vì thất vọng hắn có thể phạm những tội nặng gấp đôi... và khi ấy thì...
Tiếng cười và tiếng lao xao ở xung quanh chúng tôi bắt buộc tôi phải quay đầu lại và ngừng ở giữa câu. Cách tôi vài bước có một đám đàn ông tụ tập, trong đó có lão đại úy long kỵ đã tỏ ra có những ý định thù địch đối với cô tiểu thư đáng yêu. Đặc biệt là lão ta hình như có gì hả hê lắm, vừa xoa tay, vừa cười hô hố vừa cùng bạn bè nháy mắt ra hiệu cho nhau. Đột nhiên một người mặc áo đuôi tôm, ria mép dài, mặt đỏ gay bước ra khỏi đám kia, và bước thấp bước cao đi thẳng tới chỗ cô tiểu thư; hắn đã say mèm. Dừng lại trước cô tiểu thư đang bối rối, và chắp tay ra sau lưng hắn chằm chằm nhìn nàng với đôi mắt xám mờ đục, và hắn nói giọng khàn khàn:
- Pecmetê[46]... Chà sao lại đi vào bụi rậm thế? Đơn giản là ta muốn nhảy với cô em một điệu mazurka...
- Ông muốn gì? - Nàng nói, giọng run run, mắt ngó quanh vẻ cầu khẩn. Than ôi! Mẹ nàng thì ở xa, và ở đấy lúc ấy cũng không có tay bạn nhảy nào quen nàng; chỉ có mỗi một sĩ quan tùy tùng hình như đã chứng kiến hết cảnh tượng kia, nhưng hắn đã lẩn vào đám đông để khỏi phải dính líu vào vụ việc này.
- Thế nào? - Lão say rượu vừa nói vừa nháy mắt cho lão đại úy long kỵ đang ra hiệu khích lệ hắn - chẳng lẽ cô em không thích sao?.. Nhắc lại cho cô em biết, ta lấy làm hân hạnh mời cô em pour mazurka[47]. Cô em có lẽ tưởng ta say chăng? Không hề gì!.. Ta nhảy càng thoải mái hơn, ta có thể đoán chắc với cô như thế...
Tôi thấy nàng sắp ngất vì sợ hãi và phẫn uất.
Tôi đi thẳng tới lão say rượu, nắm mạnh cánh tay hắn và nhìn chằm chằm vào tận mắt hắn, tôi mời hắn rút lui, - bởi vì, tôi nói thêm rằng, tiểu thư đã hứa từ nãy sẽ nhảy điệu mazurka với tôi.
- Thế thì thôi vậy!.. Để lần khác! - Hắn vừa cười vừa nói và bỏ đi nhập bọn với lũ bạn đang xấu hổ, chúng lôi ngay hắn sang phòng bên.
Nàng đã tặng tôi một cái nhìn sâu thẳm, tuyệt vời.
Công tước tiểu thư đi tìm mẹ và kể với bà tất cả câu chuyện vừa xẩy ra; bà tìm tôi trong đám
đông và cám ơn tôi. Bà nói là có biết mẹ tôi, và là bạn với năm sáu bà dì của tôi.
- Tôi không biết cơ sự làm sao mà cho đến lúc này chúng tôi vẫn chưa quen ông, - bà nói thêm, - nhưng ông cũng phải nhận là lỗi chỉ tại ông cả thôi: Ông xa lánh tất thảy đến nỗi chả còn ra cái gì. Tôi mong rằng không khí tiếp khách ở nhà tôi sẽ xua tan được bệnh u sầu của ông. Có phải như thế không nào?
Tôi đã nói với bà những câu mà bất kỳ ai cũng phải chuẩn bị sẵn để đề phòng những trường hợp như thế này.
Những đợt khiêu vũ cứ kéo dài đến mức khủng khiếp. Sau cùng tiếng nhạc mazurka vang lên ầm ĩ nơi dàn nhạc; tôi ngồi với cô tiểu thư. Tôi không hề nhắc đến lão say rượu, đến hành vi trước kia của tôi, đến Grusnixki. Cái cảm tưởng khó chịu do chuyện hồi nãy gây ra cho nàng đã dần dần biến mất; sắc mặt nàng trở lại hồng hào. Nàng nói đùa rất có duyên; chuyện của nàng rất hóm hỉnh nhưng không nhằm mục đích bông đùa, sôi nổi và thoải mái; những nhận xét của nàng đôi khi cũng sâu sắc... Bằng một câu rối rắm, tôi đã làm cho nàng cảm thấy rằng, từ lâu tôi đã rất thích nàng. Nàng nghiêng đầu và mặt hơi ửng đỏ.
- Ông là một người kỳ lạ! - sau một lát nàng nói, ngước đôi mắt nhung lên nhìn tôi và cười gượng gạo.
- Sở dĩ tôi chưa muốn làm quen với tiểu thư, - tôi nói tiếp, - là vì xung quanh tiểu thư có quá nhiều người ngưỡng mộ, và tôi sợ bị chìm nghỉm giữa bọn họ.
- Ông sợ thế là nhầm! Tất cả bọn họ đều chán ngắt...
- Tất cả? Lẽ nào lại tất cả?
Nàng chăm chú nhìn tôi như cố nhớ lại một điều gì, sau đó lại hơi đỏ mặt, và sau cùng nàng nói giọng cương quyết:
- Tất cả!
- Cả anh bạn của tôi là Grusnixki?
- Ông ấy là bạn ông? - nàng nói có vẻ hơi ngờ vực.
- Đúng thế.
- Ông ấy cố nhiên không thuộc vào loại những người đáng ngán...
- Nhưng vào loại những người đau khổ? – Tôi cười hỏi.
- Tất nhiên! Nhưng ông thấy như vậy là buồn cười sao? Tôi muốn, giá như ông ở vào địa vị ông ấy…
- Thế thì sao? Tôi trước cũng đã từng là học sinh võ bị, và quả thật đó là thời đẹp nhất của tôi!
- Nhưng chẳng lẽ ông ấy là học sinh võ bị? - nàng hỏi giật giọng và sau đó nói thêm: - Thế mà tôi cứ tưởng...
- Tiểu thư tưởng gì cơ?
- Ồ, có tưởng gì đâu!.. Bà nào thế kia?
Lúc này câu chuyện đã chuyển sang hướng khác và chúng tôi không trở lại vấn đề này nữa. Thế rồi bản mazurka cũng hết, và chúng tôi chia tay nhau:
- Tạm biệt!
Các bà các cô đã ra về hết...
Tôi đi ăn tối về thì gặp Verne.
- A - hà! - ông ta nói, - anh là người như thế đấy! Vậy mà anh lại bảo là muốn làm quen với công tước tiểu thư không có cách nào khác là cứu cô khỏi một cái chết chắc chắn.
- Tôi đã làm hơn thế, - tôi trả lời ông, - tôi đã cứu cô ta khỏi bị chết ngất ngay giữa buổi khiêu vũ!..
- Thêm thế nào? Kể đi!
- Không. anh đoán lấy. Anh là người có tài đoán biết được tất cả mọi sự việc trên đời này kia mà!

23 Tháng 5
Vào khoảng bảy giờ tối tôi đi dạo trên đại lộ. Grusnixki từ xa nom thấy tôi liền đi lại gần, một niềm hân hoan đến là buồn cười long lanh trên đôi mắt anh ta. Anh ta siết chặt tay tôi và giọng bi thảm:
- Cám ơn cậu, Pêtsôrin... Cậu hiểu tớ chứ?
- Không! nhưng bất luận thế nào cũng không có gì đáng phải cám ơn, - tôi trả lời vì thực tình lương tâm tôi thấy mình chưa làm điều gì tốt đẹp cả.
- Sao? thế hôm qua? Chẳng lẽ cậu quên rồi ư? Mêri đã kể cho tớ nghe hết cả rồi...
- Thế thì sao? chẳng lẽ giữa anh chị lúc này cái gì cũng là chung tất cả rồi sao? cả đến sự biết ơn?
- Cậu nghe đây, - Grusnixki nói với vẻ rất nghiêm trang, - xin cậu đừng có giễu mối tình của tớ nếu cậu còn muốn là bạn của tớ. Cậu cũng biết là tớ yêu nàng như điên như dại... và tớ nghĩ, tớ hy vọng là nàng cũng yêu tớ. Tớ yêu cầu cậu một việc: tối này cậu sẽ tới nhà họ, hãy hứa với tớ là cậu sẽ để ý nhận xét mọi điều; tớ biết cậu có kinh nghiệm về những việc như thế, cậu hiểu đàn bà hơn tớ... Đàn bà, đàn bà! Ai mà hiểu được họ? Họ mỉm cười một cách, nhưng lại nhìn một cách khác, lời nói của họ thì hứa hẹn và hấp dẫn, nhưng giọng nói của họ thì đẩy ta ra xa... Khi thì họ hiểu và đoán biết được tức khắc những ý nghĩ thầm kín nhất của chúng ta, khi thì lại không hiểu đến cả những lời bóng gió rõ ràng nhất... Thì đấy, ví như công tước tiểu thư chẳng hạn: hôm qua, đôi mắt nàng khi nhìn tớ còn tưng bừng khát vọng, vậy mà hôm nay lại trở nên lờ đờ và lạnh lẽo...
- Điều đó có thể do tác dụng của nước suối đấy! - tôi nói.
- Cậu thì cái gì cũng chỉ nhìn thấy mặt xấu của nó... Một nhà duy vật mà! - Anh ta nói thêm vẻ khinh khỉnh, - nhưng hãy nói sang vấn đề[48] khác...
Và khoái chí về lối chơi chữ nhạt nhẽo ấy, anh ta trở nên vui vẻ hơn.
Lúc chín giờ, chúng tôi cùng tới nhà công tước phu nhân.
Khi đi ngang qua cửa sổ nhà Vêra, tôi thấy nàng đang ngồi bên cửa. Chúng tôi nhìn nhau rất nhanh. Sau chúng tôi một lát, nàng cũng bước vào phòng khách nhà Ligôpxki. Công tước phu nhân giới thiệu tôi với nàng như một người bà con. Chúng tôi uống trà; rất đông khách khứa, mọi người đều nói chung một câu chuyện. Tôi gắng làm vừa lòng công tước phu nhân, tôi pha trò và nhiều lần khiến bà phải cười thực lòng; còn công tước tiểu thư thì nhiều lần cũng buồn cười, nhưng nàng đã ghìm lại để giữ đúng vai trò mà nàng đã chọn: nàng làm ra vẻ uể oải, và có lẽ nàng không lầm. Grusnixki hình như rất sung sướng vì thấy sự vui vẻ của tôi không lôi cuốn được nàng.
Uống trà xong, mọi người vào phòng khiêu vũ.
- Anh đã nghe lời em, em vừa lòng chưa, Vêra? - tôi nói khi đi qua gần nàng.
Nàng nhìn tôi đầy âu yếm và biết ơn. Tôi đã quen với những cái nhìn như thế, nhưng trước kia những cái nhìn ấy có thời đã làm cho tôi sung sướng xiết bao. Bà công tước bảo con gái ngồi vào đàn, mọi người đều yêu cầu nàng hát một bài, - tôi không nói một lời và lợi dụng lúc nhốn nháo, tôi đến bên cửa sổ với Vêra, nàng đang muốn nói với tôi một chuyện rất quan trọng đối với cả hai chúng tôi… Hóa ra, chỉ là trò nhủng nhẳng...
Trong khi ấy, sự hờ hững của tôi làm công tước tiểu thư rất bực, điều này tôi có thể đoán ra qua ánh mắt long lanh, tức tối của nàng... - Chà, tôi hiểu rất rõ cái cách nói chuyện không bằng lời nhưng lại biểu lộ rõ tâm tình, ngắn gọn và mạnh mẽ ấy lắm!
Nàng cất tiếng hát: giọng không đến nỗi, nhưng hát kém... vả lại tôi cũng có để tai nghe đâu. Grusnixki thì trái lại, chống khuỷu tay xuống mặt đàn, đứng đối diện với nàng, nhìn nàng như muốn nuốt chửng và chốc chốc lại khe khẽ nói: “Charmant! Délicieux!”[49].
- Anh này, - Vêra bảo, - em không muốn anh làm quen với chồng em đâu, nhưng anh phải luôn luôn làm vừa lòng công tước phu nhân. Việc này đối với anh dễ thôi, vì anh có thể làm tất cả những gì anh muốn! Chúng ta chỉ có thể gặp nhau ở đây được thôi...
- Chỉ ở đây thôi ư?
Nàng đỏ mặt lên rồi tiếp:
- Anh biết rằng em là nô lệ của anh, em không bao giờ có thể cưỡng lại anh... và vì thế một ngày kia em sẽ bị trừng phạt: anh sẽ không yêu em nữa! Nhưng ít ra, em cũng muốn giữ thanh danh.. không phải cho em: anh biết rất rõ điều đó! Thôi, em van anh đừng giày vò em như hồi xưa bằng những mối nghi ngờ vô ích và những dáng điệu lạnh nhạt giả vờ của anh nữa: có lẽ em cũng không sống được bao lâu nữa đâu, em cảm thấy mỗi ngày một yếu thêm... tuy nhiên em vẫn không thể nghĩ tới cuộc sống tương lai, em chỉ nghĩ tới anh. Đàn ông các anh đâu có thể hiểu được những nỗi vui sướng do một cái nhìn, một cái xiết tay, còn em, em xin thề cùng anh là chỉ nghe thấy tiếng nói của anh thôi, em đã thấy trong lòng mình tràn ngập một niềm hạnh phúc sâu xa, kỳ lạ, mà những chiếc hôn nồng cháy nhất cũng không thể thay thế được.
Trong khi ấy thì tiểu thư Mêri đã thôi hát. Những lời tán tụng cũng đồng thanh nổi lên xung quanh nàng, tôi đến với nàng sau cùng và nói với nàng đôi điều chiếu lệ về giọng hát của nàng. Nàng cau mày, trề môi dưới và khuỵu gối xuống chào giễu cợt:
- Như thế tôi càng vui thích hơn, - nàng nói - là vì nói chung ông có nghe tôi hát đâu; nhưng có lẽ ông không thích âm nhạc?
- Trái lại... nhất là sau buổi cơm trưa...
- Ông Grusnixki đã nói đúng, khiếu thẩm mỹ của ông rất tầm thường... và tôi thấy ông yêu âm nhạc chỉ dưới khía cạnh ẩm thực thôi...
- Tiểu thư lại nhầm rồi: tôi thật không phải người sành ăn, dạ dày tôi thật tồi. Nhưng sau bữa cơm trưa âm nhạc ru ta ngủ, mà ngủ sau bữa cơm thì rất lợi cho sức khỏe; như vậy là tôi yêu âm nhạc dưới khía cạnh y học. Trái lại ban đêm, âm nhạc làm cho thần kinh tôi quá căng thẳng: nó làm tôi hoặc quá buồn, hoặc quá vui. Mà buồn hay vui một khi không có lý do chính đáng đều đáng ngán, vả lại buồn ở chỗ đông người là lố bịch. Nhưng vui quá cũng là bất nhã...
Nàng không nghe tôi nói hết, bỏ đi và ngồi xuống chỗ cạnh Grusnixki; một câu chuyện tâm tình bắt đầu giữa hai người: hình như cô tiểu thư trả lời khá lơ đãng và không đúng ý những câu thông thái của anh chàng, tuy nàng cố làm ra vẻ vẫn chăm chú lắng nghe chàng nói bởi vì thỉnh thoảng anh ta lại ngạc nhiên nhìn nàng, cố tìm ra lý do của nỗi xúc động nội tâm đôi lúc vẫn biểu lộ ra qua cái nhìn nôn nóng của nàng.
Nhưng ta thì ta hiểu cô em rồi, tiểu thư thân mến của ta ơi, hãy coi chừng! Cô muốn ăn miếng trả miếng, chọc tức tính tự ái của ta ư. - không ăn thua gì đâu! - Và nếu tiểu thư tuyên chiến với ta thì ta sẽ thẳng tay đấy!
Suốt buổi tối hôm ấy, nhiều lần tôi cố ý muốn xen vào câu chuyện của hai người, nhưng nàng tiếp chuyện tôi khá khô khan, và sau cùng tôi bỏ đi, làm bộ tức tối. Tiểu thư tỏ ra đắc thắng. Grusnixki cũng vậy. Cứ đắc thắng đi, các bạn tôi ơi, mà nhanh lên, kẻo các bạn sẽ không đắc thắng được lâu đâu!... Sẽ ra sao ư? Tôi đã có linh cảm rồi... Khi làm quen một người đàn bà bao giờ tôi cũng đoán đúng là cô ta có yêu tôi hay không...
Tôi ngồi hết buổi tối cạnh Vêra, và thả sức nói lại chuyện cũ... Sao nàng lại yêu tôi đến thế? Tôi thật không hiểu? Hơn nữa nàng còn là một người đàn bà hiểu thấu tâm can tôi, hiểu cả những điều nhỏ nhen ty tiện lẫn những dục vọng xấu xa của tôi… Có lẽ nào cái xấu xa lại hấp dẫn đến thế sao?..
Tôi cùng ra về với Grusnixki; ra đến ngoài đường anh ta nắm lấy cánh tay tôi và sau khi im lặng một hồi lâu anh ta hỏi:
- Chà, làm sao thế?
“Mày là thằng ngốc”, tôi muốn đáp; nhưng tôi nén lại được và chỉ nhún vai.


Hết phần ba
tiếp theo phần 4: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2012/03/mot-anh-hung-thoi-ai-m-lermontop-p4.html
----------------------
Chú thích
[26] Câu thơ của Puskin.
[27] Ám chỉ những sĩ quan thuộc tầng lớp quý tộc bị giáng chức và điều đi Kapka vì đã tham gia khởi nghĩa tháng 12-1825. Binh lính Nga mang mũ trắng và số quân hiệu thì đánh ở cúc áo.
[28] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Màu xám trân châu.
[29] Tiếng Pháp trong nguyên bản: màu cánh gián.
[30] Tiếng Pháp trong nguyên bản: kiểu nông dân.
[31] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Anh bạn thân mến ơi. Tôi căm ghét người đời để khỏi phải khinh họ, bởi vì nếu không thì đời sẽ là một trò hề quá kinh tởm.
[32] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Anh bạn thân mến ơi, tôi khinh đàn bà để khỏi phải yêu họ, vì nếu không thì đời sẽ là một tấm bi kịch quá lố bịch.
[33] Anđimiôn - chàng mục phu đẹp trai đã xin thần Deux cho mình ngủ vĩnh viễn để được trẻ mãi không già.
[34] Tên con quỷ trong vở kịch Faust của Gơtơ (Gothe), đại văn hào Đức.
[35] Nhà hùng biện cổ La Mã.
[36] Nhà hình học và vật lý nổi tiếng thời cổ đại.
[37] Những chỗ … là những đoạn văn bị kiểm duyệt và cắt bỏ từ hồi in lần đầu, thời Nga hoàng. (ND).
[38] Tiếng Pháp trong nguyên bản: sản hao.
[39] Tiếng Pháp trong nguyên bản: đi picnich.
[40] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Trời ơi, một tên Tserkex?
[41] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Không có gì đáng sợ, thưa bà, tôi không nguy hiểm hơn ông bạn tùy tùng của bà đâu.
[42] Phigiơma - một thứ trang sức của phụ nữ thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đó là cái vành đai làm bằng răng cá voi, cặp vào đùi bên trong váy, hoặc loại váy có cái cạp như thế.
[43] Những nốt ruồi giả làm bằng cao hoặc vải đen, đính lên mặt.
[44] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Điều đó thật quá quắt!
[45] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Cám ơn ông.
[46] Tiếng Pháp phiên âm trong nguyên bản: Cô cho phép (Permetter).
[47] Tiếng Pháp trong nguyên bản: nhảy điệu mazurka.
[48] Materias: Vừa có nghĩa là vật chất lại có nghĩa là đề tài, vấn đề.
[49] Tiếng Pháp trong nguyên bản: Hay, hay tuyệt!
----------------
H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét