Vào cuối bữa ăn chiều khai mạc cho một mùa săn, gia đình Hầu
tước Bertrans cùng khách khứa ngồi quanh một cái bàn thắp đèn sáng rực, đầy ắp
trái cây và hoa. Câu chuyện chuyển sang đề tài tình yêu. Ngay lập tức nổ ra một
cuộc tranh luận sôi nổi rằng phải chăng chúng ta có thể yêu không chỉ một lần.
Những người đã một lần yêu đưa ra minh chứng cho tình yêu
của họ; thật khác với những người đã mãnh liệt yêu nhiều lần. Đàn ông cho rằng
niềm đam mê ấy, như những căn bệnh, có thể đến với con người vài lần, trừ phi
nó chết hẳn.
Kết luận này xem ra có vẻ khá thuyết phục. Tuy nhiên, giới
phụ nữ, dựa vào thơ ca hơn là thực tế, cho rằng tình yêu chỉ đến một lần trong
đời. Như bị sét đánh, một trái tim khi đã tổn thương vì yêu sẽ mãi mãi tan nat,
khép kín, không còn chỗ cho những cảm xúc khác bám rễ, ngay cả mộng mơ cũng
không.
Hầu tước, người đã nhiều lần yêu, lên tiếng phản bác:
- Tôi nói các bạn nghe nhé, chúng ta có thể yêu nhiều lần và
yêu rất chân thành với trọn vẹn con tim và cảm xúc. Các bạn kể tên những người
đã tự tử vì yêu để chứng minh rằng tình yêu không thể đến hai lần. Nhưng tôi
lại đánh cược rằng nếu họ không dại dột huỷ hoại đời mình, họ sẽ tìm ra một
tình yêu khác, và thậm chí nhiều mối tình khác nữa cho đến khi họ chết. Yêu
cũng như uống rượu, khi đã biết rồi thì sẽ mãi là nô lệ của nó. Đó là sự mới mẻ
của tình yêu.
Họ chọn một vị bác sĩ lớn tuổi làm trọng tài. Ông ấy nói
mình cũng nghĩ như Hầu tước đã nói, điều này thuộc về tính chất.
- Về phần tôi, vị bác sĩ nói, tôi đã biết đến một tình yêu
kéo dài năm mươi lăm năm không một ngày ngơi nghỉ, và chỉ chấm dứt bằng cái
chết.
Bà Hầu tước vỗ tay.
- Tuyệt vời! Thật trong mơ mới được yêu như thế ! Hạnh phúc
làm sao khi được sống trong một tình cảm bền vững, không đổi thay trong suốt
năm mươi lăm năm ! Người đàn ông này quá may mắn nên mới được ngưỡng mộ như
vậy!
Vị bác sĩ mỉm cười.
- Bà nói không sai, thưa bà, người được yêu là một người đàn
ông. Bà biết ông ấy đấy, đó là ông Chouquet, dược sĩ. Bà cũng biết người phụ
nữ. Đó là người thợ sửa bàn ghế mỗi năm đều đến tòa lâu đài này.
Nỗi háo hức của các bà xịu xuống. Vài người bày tỏ sự thất
vọng bằng cách thở phì vì tình yêu của những người bình thường không làm họ
quan tâm.
Vị bác sĩ tiếp:
- Ba tháng trước tôi được gọi đến giường bệnh của người sửa
bàn ghế cũ, Vị linh mục đã ở đó. Bà ta muốn chúng tôi làm chứng cho nguyện vọng
sau cùng. Để chúng tôi có thể hiểu được vấn đề bà ta kể hết về cuộc đời mình.
Thật đáng thương! Cha mẹ bà ấy đều là người sửa bàn ghế. bà ấy chưa bao giờ
sống trong một căn nhà. Khi còn là đứa bé con bà đã theo họ đi lang thang khắp
nơi, dơ bẩn, nhếch nhác và đói khát. Họ đi đến nhiều nơi, bỏ lại ngựa, xe và
chó ở bên ngoài, nơi con bé thẩn thơ chơi một mình chờ đến khi cha mẹ sửa xong
những bàn ghế gãy trong vùng. Họ rất ít nói, chỉ rao to: “Sửa bàn ghế cũ
đây...”
Khi con bé đi lạc đâu đó, cha nó giận dữ gọi về. Nó chưa hề
nghe được một lời âu yếm. Lớn lên một chút, nó đi tìm và mang vác những bàn ghế
hỏng. Rồi nó kết bạn với những đứa trẻ trong vùng, nhưng cha mẹ chúng thường
gọi vào la mắng không cho nói chuyện với con bé lang thang. Những đứa bé trai
thường ném đá vào nó. Có lần một bà tốt bụng cho nó vài xu. Nó cẩn thận cất đi.
Một ngày nọ - khi ấy nó mười một tuổi - đi qua tỉnh lỵ, nó gặp bé Chouquet,
đang khóc nức nở, vì một đứa bạn lấy cắp hai đồng xu quí báu. Nước mắt của một
đứa bé con nhà khá giả, mà nó tưởng chừng không bao giờ biết đến buồn khổ, đã
làm nó mềm lòng. Nó đến gần thằng bé và khi biết được nguyên do, nó liền đặt
vào tay thằng bé tất cả số tiền dành dụm. Thằng bé lấy ngay không ngần ngại và
lập tức nín khóc. Vô cùng vui sướng, nó hôn thằng bé. Bận đếm tiền, thằng bé
chẳng màng phản ứng. Thấy không bị cự tuyệt, nó lại ôm thằng bé rồi chạy mất.
Tình cảm của con bé đã chuyển biến như thế nào? Phải chăng
nó đã cho hết của dành dụm để rồi cũng dành trọn tình cảm cho thằng bé con ấy,
hay vì nó đã cho thằng bé nụ hôn dịu dàng đầu đời? Điều bí ẩn ấy tác động tới
trẻ con cũng chẳng khác chi với người lớn. Trong nhiều tháng nó luôn mơ về góc
đường gần nghĩa trang và thằng bé ấy. Thỉnh thoảng nó ăn cắp một vài xu từ tiền
sửa ghế hay tiền mua vặt. Khi trở lại góc đường ấy, nó có trong túi hai quan
tiền, nhưng thằng bé không có ở đó. Nó đi qua hiệu thuốc của cha thằng bé,
trông thấy thằng bé đang ở sau quầy hàng, ngồi giữa hai quả cầu to, một đỏ, một
xanh. Nó càng yêu mến thằng bé hơn, mang theo hình ảnh của những quả cầu rực rỡ
sắc màu. Nó giữ mãi hồi ức đẹp đẽ trong tim. Năm sau nó gặp thằng bé gần trường
học, đang chơi bi. Nó chạy đến ôm chầm lấy và hôn nồng nhiệt đến nỗi thằng bé
la lên vì sợ hãi. Để dỗ dành, nó cho thằng bé tất cả. ba quan và hai mươi xu! Thật
là một mỏ vàng!
Thằng bé không rời mắt khỏi số tiền đó.
Sau đó thằng bé cho nó hôn thỏa thích. Suốt bốn năm sau đó
nó đã cho thằng bé tất cả số tiền dành dụm để đổi lấy những nụ hôn. Lúc thì ba
mươi cắc, lúc thì hai quan tiền. Có lần, chỉ có được mười hai cắc, nó khóc vì
buồn và xấu hổ, nức nở giải thích rằng năm ấy quá túng thiếu. Năm sau, nó mang
đến một đồng năm quan, lòng sung sướng. Nó không còn nghĩ đến ai khác ngoài
thằng bé, và thằng bé thì nóng lòng mong nó; đôi khi chạy đi tìm nó. tim nó rộn
lên vì vui sướng.
Thình lình thằng bé biến mất. Nó đã đi học. Con bé biết được
nhờ hỏi thăm. Rồi nó trổ hết tài để thuyết phục cha mẹ nó chuyển sang hướng
khác và đi qua nơi gần trường học trong suốt mùa hè. Sau một năm nó đạt được ý
nguyện. Đã hai năm nó không gặp thằng bé, và giờ khó lòng nhận ra, thằng bé đã
thay đổi rất nhiều, cao hơn, xinh trai hơn và trông uy nghi trong bộ đồng phục
gắn nút đồng. Nó giả vờ không thấy con bé, đi qua mà không hề liếc mắt. Con bé
khóc nức nở hai ngày liền và từ đó nó không ngừng yêu và đau khổ.
Mỗi năm thằng bé về nhà và nó lại đi ngang qua, không dám
ngước mắt nhìn.
Thằng bé không hề hạ mình quay đầu về phía nó.
Nó yêu điên cuồng, vô vọng.
Nó nói: “Anh ấy là người đàn ông duy nhất tôi nhìn thấy. Tôi
còn không biết đến sự hiện hữu của những người khác”.
Cha mẹ nó chết. Nó tiếp tục công việc của họ.
Ngày nọ, trên đường vào làng, nơi cất giữ trái tim nó, nó
trông thấy Chouquet từ hiệu thuốc khoác tay một phụ nữ trẻ đi ra, vợ anh ta đó.
Tối hôm ấy cô thợ sửa ghế đã trầm mình xuống dòng sông. Một
người say rượu đã lôi cô ấy lên và mang đến hiệu thuốc.
Cậu Chouquet, khoác bộ đồ ngủ, xuống làm các động tác cấp
cứu. Dường như không biết cô ta là ai, cậu cởi áo và chà xát khắp người, rồi
hấp tấp nói:
“Cô điên rồi ! Không nên làm cái việc ngu ngốc thế”. Giọng
nói của anh ta đã mang cô ấy trở lại cuộc sống. Anh ta đã nói chuyện ! Rồi cô
ấy vui vẻ trong một thời gian dài.
Cuộc sống của cô ấy trôi qua như thế: làm việc và luôn nghĩ
về anh ta. Cô ấy bắt đầu mua thuốc tại hiệu thuốc ấy, điều này giúp cô có cơ
hội nói chuyện và thấy được anh ta. Bằng cách này, cô ấy vẫn có thể cho anh ta
tiền.
Như tôi vừa nói, bà ta mất mùa xuân rồi. Khi chấm dứt câu
chuyện cảm động của mình, bà ta khẩn khoản tôi giao hết số tiền dành dụm cho
người đàn ông mình yêu. Bà ta đã làm việc chỉ với mong muốn để lại cái gì đó
gợi nhớ về mình sau khi chết.
Tôi đưa Cha năm mươi quan để lo chi phí tang lễ.
Sáng hôm sau tôi đến gặp Chouquet. Họ vừa ăn sáng xong, mập
mạp và hồng hào, sung sức và tự mãn. Họ chào và mời tôi uống cà phê. Rồi tôi
bắt đầu câu chuyện, giọng vẫn còn run vì xúc động, tin rằng họ sẽ mềm lòng, có
thể rơi nước mắt. Ngay khi Chouquet biết rằng mình bị “đồ cầu bơ cầu bất, đồ
mạt hạng, lang thang” đó yêu, anh ta căm phẫn nguyền rủa như thanh danh mình đã
bị bôi nhọ, lòng tự trọng của một người cao quí đã bị mất, danh dự, cái mà anh
ta xem trọng hơn cả cuộc sống, đã không còn.
Người vợ điên tiết không ngớt nguyền rủa: “Đồ ăn mày ! Đồ ăn
mày !”.
Chừng như không thể tìm ra từ ngữ để diễn tả, anh ta đứng dậy
bước quanh, càu nhàu: “Ông có thể tưởng tượng được chuyện gì kinh khủng như thế
không, bác sĩ ? Ô, nếu tôi biết việc này khi mụ ta còn sống, tôi đã tống cổ mụ
vào tù. Tôi thề rằng mụ ta sẽ không thoát khỏi tay tôi đâu”.
Tôi chết lặng; không còn biết nghĩ gì và nói gì, nhưng tôi
vẫn phải hoàn tất lời hứa của mình.
“Bà ta đã ủy thác cho tôi giao lại cho ông số tiền dành dụm
của bà ấy, ba ngàn năm trăm quan. Vì ông bất mãn với những gì tôi vừa kể, có
thể ông muốn cho người nghèo số tiền này”.
Họ nhìn tôi, người đàn ông và người đàn bà đó nín lặng vì
kinh ngạc.
Tôi lấy mấy ngàn quan ra khỏi túi. Những đồng tiền góp nhặt
từ mọi miền đất nước. Đồng xu xen lẫn đồng vàng. Rồi tôi hỏi:
“Ông quyết định thế nào?”
Bà Chouquet lên tiếng trước: “À, vì đó là mong muốn của
người đàn bà đã chết, tôi nghĩ rằng mình không thể từ chối”.
Chồng bà ta nói, có vẻ xấu hổ: “Chúng ta có thể mua thứ gì
đó cho con mình”.
Tôi trả lời khô khốc: “Tuỳ ý ông”.
Ông ta trả lời: “Được rồi, dù sao ông cũng đưa chúng tôi vì
bà ta đã uỷ thác cho ông việc này, chúng ta sẽ tìm ra cách tiêu tiền chính
đáng”.
Tôi giao tiền cho họ, chào và ra về.
Ngày hôm sau Chouquet đến tìm tôi và sống sượng hỏi: “Người
đàn bà đó để lại cái xe, ông đã làm gì với nó?”.
“Không gì cả, nếu muốn ông cứ lấy”.
“Tôi cần nó”.- Ông ta nói rồi bỏ đi.
Tôi gọi ông ta lại hỏi:
“Bà ta còn để lại một con ngựa già và hai con chó. Ông có
cần chúng không?”
“Quẳng đi nếu ông muốn”.
Ông ta cười to rồi đưa tay cho tôi. Tôi bắt tay. Tôi còn có
thể làm gì? Bác sĩ và dược sĩ trong làng không nên thù địch nhau.
Tôi giữ lại hai con chó. Đức cha giữ con ngựa già.
Chiếc xe rất hữu dụng với Chouquet, và anh ta dùng tiền để
mua cổ phiếu đường sắt.
Đó là một chuyện tình sâu đậm, tha thiết nhất mà tôi được
biết trong suốt cuộc đời mình.
Vị bác sĩ ngước lên. Bà Hầu tước mắt đẫm lệ, thở dài nói:
- Không nghi ngờ gì nữa, chỉ có phụ nữ mới biết yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét