Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Đại nghĩa diệt thân - Phạm Đại Vũ (TQ)


Năm 1958, tôi vừa tròn 15 tuổi, học cấp 2 lớp 6. vào một ngày trung tuần tháng tư, đi học về vừa bước vào cửa, bỗng tôi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy bố tôi đang ngồi trầm ngâm bên bàn giữa nhà.
- Ô kìa bố! Sao bố được về nhà vào đận này? – tôi hỏi vậy bởi bố tôi vốn đang giảng dạy tại một trường Cao đẳng Sư phạm mãi tận tỉnh Hà Bắc, mỗi năm chỉ đến dịp nghỉ hè hay nghỉ đông bố tôi mới được về Bắc Kinh đoàn tụ với gia đình ít ngày.
Bố tôi vội ngẩng lên nhìn tôi, cố tỏ ra vui vẻ:
- À, à… bố về Bắc Kinh họp ít hôm!
Vừa lúc ấy, mẹ tôi từ nhà trong bước ra, mặt bà buồn rười rượi, hai mắt đỏ hoe, rõ ràng là bà vừa khóc. Tôi hết nhìn bố rồi nhìn sang mẹ, nghĩ thầm chắc các vị lại vừa to tiếng cãi cọ chi đây. Nhưng rồi rất lâu sau, cả bố lẫn mẹ chẳng ai nói một lời nào. Tôi đang ngờ ngợ thì mẹ lên tiếng:
- Thôi, Vũ con, ra ngoài chơi đi.
Họp hành, công tác gì mà dài ngày thế, đến hơn một tháng rồi mà bố tôi vẫn chưa quay về trường, mà để ý cũng chẳng thấy ông đả động gì về chuyện đó. Trong khi tôi buồn bã đoán già đoán non thì một hôm anh Vương, Bí thư chi Đoàn trường tìm tôi, vừa gặp, anh ta liền hỏi:
- Bạn Phạm Đại Vũ này, hình như bạn vẫn mong muốn được vào Đoàn thì phải?
Tôi gật gật đầu, mà trống ngực đánh thình thịch, cảm động quá, tôi chẳng nói lên lời.
Bông giọng Bí thư trở nên sắc lạnh:
- Muốn vậy, từ nay trở đi bạn phải phân rõ ranh giới với bố cậu và đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản!
- Với bố tôi? Xảy ra chuyện gì vậy? – tôi tái mặt, tai như ù đặc, vội hỏi lại.
Vương quắc mắt nhìn tôi một cách lạ lẫm:
- Cái gì, cậu còn giả vờ ngốc nghếch hở? Bố cậu là một phần tử phái hữu chống Đảng, chống lại Chủ Nghĩa Xã Hội, hiểu chưa? Ông ta đã bị cách chức, bị buộc thôi việc, bị dẫn giải về Bắc Kinh quản thúc ba năm!
Trời ơi, thì ra là vậy, tôi bỗng thấy như mình bị hất nhào xuống dòng sông băng và đang chới với, ngoi ngóp.
Tháng 7, mùa thi cử. Chị tôi tốt nghiệp cấp 3 hạng ưu, nhưng vì gia đình có vết đen chính trị nên bị gạt phăng, không cho thi vào Đại Học. Suốt ngày chị ngồi gục đầu trên chăn khóc vùi. Nghiêm trọng hơn cả là vấn đề kinh tế của gia đình. Trước kia, với mức lương hàng tháng hơn 200 tệ của bố, so với chòm xóm, hàng phố, gia đình tôi được coi như khá giả vào bậc nhất nhì. Bây giờ bố tôi bị đuổi việc, cả ngày không làm ra một xu. Ban đầu, mẹ tôi còn lẳng lặng đem mấy thứ đồ dùng trong nhà đi bán lấy tiền đong gạo, mua mắm muối, nhưng lâu dần trong nhà không còn thứ gì đáng giá để bán nữa, quẫn bách quá, mẹ tôi phải lọ mọ ra đầu phố xin một chân trông giữ xe đạp, đi sớm về muộn suốt tháng cũng chỉ kiếm được 30 tệ.
Những trận mưa tuyết đầu mùa rắc xuống, báo hiệu một mùa đông khắc nghiệt đã ập tới. Chẳng có lấy chục bạc mua bông chần áo ấm cho tôi mặc đến lớp hàng ngày, mẹ tôi đành lấy chiếc áo bông bọc vải hoa của mình đem nhuộm xanh thật đậm cho tôi mặc. Tuy màu nhuộm khá tối, nhưng dưới ánh nắng những hàng bông hoa in vẫn nổi rõ mồn một trên mặt vải, khiến bọn bạn học hùa nhau reo ầm lên, chế riễu:
- Ê, “báo gấm” con phái hữu, ê… ê…
Cảm thấy nhục nhã quá, ức đến nghẹt thở, nhưng tôi chẳng dám cự nự, lại càng không dám nổi khùng đánh lại chúng, bởi đúng như lời chúng nói: Bố tôi là một phần tử phái hữu.
Nước mắt lưng tròng, tôi vơ cặp sách vội chạy thẳng ra cổng trường và cắm đầu chạy một mạch về nhà.
Khi ngang qua bãi rác đầu phố, tôi bỗng nhìn thấy một dáng người quen quen, tôi bước chậm lại, nhìn kỹ, ô kìa bố, đúng là bố tôi rồi!
Ông đang khom lưng, cúi gập người xuống, chiếc móc sắt trên tay gầy guộc đang run run lật tung những đám rác, bóng ông chập chờn trong đám bụi mù mịt, nước mắt, nước mũi dàn dụa chảy nhễu cả xuống gò má, xuống cằm mà cũng không kịp lau, tựa như ông sợ dừng tay thì củ sâm Cao Ly nào đó sẽ lẩn sâu dưới đống rác bẩn.
Hình ảnh đó đâu có phải là vị giáo sư Ngôn ngữ học đứng trên bục giảng trường Đại Học ngày nào, mà giống một ông già vô gia cư, đầu đường xó chợ.
Không thể chịu đựng được nữa, tôi phăm phăm bước tới trước mặt bố, hét lên lạc cả giọng:
- Bố, bố không biết nhục là gì à?
Bị bất ngờ, bố tôi giật bắn người, đờ đẫn, mắt hấp háy, khi đã nhận ra tôi, ông sượng sùng, há hốc miệng, đứng như trời trồng. Cạnh chân ông là chiếc xe nôi bằng trúc đã cũ kỹ và rất quen thuộc, bởi chị tôi rồi đến tôi lần lượt nằm và lớn lên trong đó thời ấu thơ, bây giờ đang chất trên nó là mấy chiếc bao tải rách căng phồng mà chẳng cần vạch ra cũng biết bên trong lèn giấy thải và giẻ rách.
Bữa cơm tối hôm đó, bố tôi mua về 5 hào thịt đãi cả nhà, đã nửa năm trôi qua, đây là bữa cơm đầu tiên trong nhà tôi mới lại phảng phất có mùi thơm quyến rũ của thịt nấu, cả bố và mẹ cố nhường nhịn cho chị em tôi, nhưng nước mắt tôi cứ chực trào ra, cổ nghẹn đắng lại, không thể đụng đũa một miếng nào.
Buổi học hôm sau, Bí thư chi Đoàn Vương lại đến tìm tôi, anh ta khuyên tôi hãy vì lý tưởng mà cắt đứt tình cha con ruột thịt và dặn dò hãy để ý theo dõi, ghi nhớ mọi lời nói và hành động phá hoại, phản cách mạng của “phần tử phái hữu” là bố tôi. Tôi nói với Vương:
- Nhưng ông ta, (tôi cố nói giọng cứng cỏi để tỏ ra không còn chút tình cảm nào với bố), suốt ngày cứ câm lặng, không hé răng nửa lời.
Vương tỏ ra bực tức, trợn mắt:
- Bạn Vũ, mong rằng bạn hãy vững vàng trên lập trường cách mạng, dùng hành động thực tế của mình để tranh thủ đứng trong hàng ngũ Đoàn quang vinh!
Ôi! Đoàn thân yêu! Tôi luôn ngày đêm thiết tha mong được hóa thân vào người.
Cũng kể từ hôm ấy, tôi luôn ngấm ngầm theo dõi mọi động tĩnh của bố tôi, hy vọng từ ông tôi có thể phát hiện ra được một tin tức quan trọng nào đó thật giá trị.
*
Ngày nọ, tôi cố tình bỏ tiết học cuối, lẻn về sớm, tới nhà tôi bỗng thấy cánh cửa ngách thông ra sân sau cài trái. Giơ tay định gõ, nhưng tôi rụt ngay tay lại, linh tính báo cho tôi biết, hình như phía trong đang xảy ra chuyện gì bất bình thường. Lẳng lặng đặt cặp sách xuống đất, tôi rón rén trèo lên cây hòe cổ thụ phía ngoài, ngồi trên chạc cây, tôi nhẹ nhàng gạt cành lá nhìn vào.
Ô kìa, bố tôi đang loay hoay một tay cầm cái cân đĩa còn tay kia quờ quạng vơ đất bột trên sân.
Hừ, cân đất làm gì nhỉ?
Tôi nín thở theo dõi, thấy ông cân đất xong liền cúi xuống, “soạt”, ông hất đĩa đất bột vào trong bao tải đựng giấy vụn.
À, thì ra thế! Ông ta trộn đất bột vào giấy vụn cho nặng cân để đem bán cho Trạm thu mua phế liệu của Nhà Nước!
Thật là khốn nạn! Thật là vô liêm sỉ!
Chẳng trách người ta gọi ông là “đồ phái hữu”.
Dám trắng trợn đào rỗng chân móng bức tường thành Xã Hội Chủ Nghĩa!
Tôi tức sôi gan, vội tụt xuống gốc cây, đi thẳng tới cửa và giơ tay đập “thình, thình, thình”, khiến cánh cửa rung lên như muốn sập.
Cánh cửa bật mở, tôi thấy bố run cầm cập, mặt tái nhợt như nặn bằng sáp. Khi nhận ra tôi, ông mới hơi hoàn hồn.
Tôi quắc mắt hỏi dồn:
- Bố làm cái trò gì thế?
- Bố… bố có làm gì đâu…- Ông lắp bắp.
Tôi “hừ” một tiếng, rồi không kìm được, tôi kể hết lại mọi việc ông làm mà khi ngồi trên chạc cây tôi đã tận mắt chứng kiến.
Bố tôi sợ cuống lên, vội bụm miệng tôi lại và nói như mếu:
- Vũ ơi, con chớ có nói xằng bậy!
Tôi tức điên lên, vặc lại:
- Hả, tôi nói xằng bậy ư? Ông nên biết: tôi đang thà chết bảo vệ Chủ Nghĩa Xã Hội đây!
Tôi chẳng thèm đôi co nữa, liền quay ngoắt chạy ra đường và đến đông công an khu vực kể lại ngọn nghành.
Chú công an giục tôi dẫn về nhà.
Thoạt đầu bố tôi một mực chối không độn đất bột vào giấy, nhưng sau khi đối chất với tôi, ông đành im lặng.
Bố tôi buông một tiếng thở dài, ngẩng lên nhìn bầu trời trong xanh lồng lộng, đoạn khẽ lắc đầu, lẩm bẩm:
- Cũng chỉ vì nghĩ đén con… Tôi thừa nhận… đã trộn bốn cân đất bột vào giấy…
Với bốn cân (2kg) đất thay giấy, ông kiếm thêm được 1 hào 4 xu.
Bố tôi bị dẫn giải về đồn, trước khi bước qua ngưỡng cửa, ông dừng lại, ngoái nhìn tôi, nói như nghẹn:
- Vũ, con trai của bố, ở nhà cố mà học cho nên người, và biết tuân theo lời Đảng dạy, nghe con!
Chị tôi từ  trong nhà nhảy bổ ra, giang thẳng cánh tay và “bốp”, táng vào mặt tôi một cái tát nảy đom đóm mắt. Chị hét:
- Bố vì sắp phải nộp học phí cho mày mà buộc phải làm như vậy. Mày là đồ chó má. Khốn nạn quá, em ơi!
Chị tôi ôm mặt khóc tấm tức.
May mà mẹ tôi vắng nhà, bà đang trông xe đạp ngoài đầu phố nên không hề hay biết.
Vì chuyện đó, bố tôi bị kết án 3 năm lao động cải tạo.
Nhưng ông không phải chấp hành hết án tù.
Sang mùa đông, phần vì quá buồn phiền, phần vì quá lao lực, ông đã chết thảm trong tù không người thân vuốt mắt.

1 nhận xét: