M. Lermontop
Anh Trúc dịch
Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội – 2000
(Dịch từ nguyên bản
tiếng Nga: “Gheroi Nasevo Vremenhi” của M. Lermontop - NXB “Tiếng Nga” -
Matxcơva – 1988)
ГЕРОЙ НАШЕГО ВРЕМЕНИ – Издательство Москва 1988
--------------------------
Phần thứ tư
(Phần cuối nhật ký của Pêtsôrin)
II. Công tước tiểu thư Meri (tiếp
theo)
29 Tháng 5
Những ngày này tôi không một lần đi chệch khỏi nguyên tắc
của mình. Câu chuyện của tôi bắt đầu làm cô tiểu thư thích; tôi kể cho nàng
nghe một số trường hợp kỳ dị của đời tôi, và nàng bắt đầu xem tôi như một người
khác thường. Tôi cười nhạo tất cả mọi thứ trên đời, nhất là tình cảm; điều đó
bắt đầu làm cho nàng hoảng sợ. Trước mặt tôi nàng không dám nói chuyện tâm tình
với Grusnixki nữa, và đã mấy lần, để đáp lại những lời nói ngộ nghĩnh của anh
chàng, nàng chỉ mỉm cười chế giễu, nhưng mỗi lần anh ta sán tới gần nàng tôi
bèn làm ra vẻ nhẫn nhục và bỏ đi để hai người ngồi với nhau. Lần thứ nhất điều
đó làm cho nàng thích thú, hay nàng cố tỏ ra như thế, lần thứ hai thì nàng bực
bội với tôi; lần thứ ba thì với Grusnixki.
- Ông thật ít khi tự ái! - Hôm qua nàng nói với tôi. - Làm
sao ông lại nghĩ rằng nói chuyện với Grusnixki tôi sẽ vui vẻ hơn?
Tôi trả lời rằng tôi hy sinh sự vui thích của mình để cho
bạn được hạnh phúc.
- Và cả của tôi nữa chứ! - nàng nói thêm.
Tôi nhìn nàng chăm chú và làm ra vẻ nghiêm trang. Sau đó,
suốt ngày tôi không hề nói với nàng thêm một lời... Buổi tối, nàng tỏ ra đăm
chiêu tư lự, và sáng nay, ở bên giếng nàng càng tỏ ra tư lự hơn; khi tôi đến
bên nàng, nàng đang lơ đãng nghe chuyện Grusnixki, anh ta hình như đang ca ngợi
cảnh thiên nhiên, nhưng vừa mới trông thấy tôi nàng đã cười phá lên (rất không
đúng lúc), mà vẫn vờ như chưa nhìn thấy tôi. Tôi lảng ra xa và quan sát nàng:
mặc cho anh chàng cứ nói, nàng quay mặt đi nơi khác và hai lần ngáp dài.
Thôi đích thị rồi, Grusnixki đã làm cho nàng chán ngấy.
Tôi sẽ không nói chuyện với nàng, thêm hai ngày nữa.
3 Tháng 6
Tôi thường tự hỏi tại sao tôi lại cứ cố giành cho bằng được
tình yêu của một cô gái trẻ mà tôi không có ý định quyến rũ và không bao giờ
cưới làm vợ? Cái lối làm duyên làm dáng kiểu đàn bà ấy phỏng có ích lợi gì?
Vêra yêu tôi mạnh mẽ hơn là tiểu thư Mêri sẽ yêu tôi mai này; giá như tôi thấy
nàng là một tuyệt thế giai nhân không thể chinh phục nổi, thì có thể tôi bị hấp
dẫn bởi cái khó khăn của việc định làm ấy... Đằng này lại không thế! Do đó đây
không phải là cái nhu cầu rạo rực của tình yêu thường giày vò chúng ta vào
những năm đầu của tuổi thanh xuân, sẽ ném chúng ta vào tay hết người đàn bà này
sang người khác, cho đến ngày chúng ta gặp phải một người không thể nào chịu
nổi chúng ta nữa: đến lúc ấy chúng ta mới trở nên chung thủy - một sự say mê
thật sự, không cùng, mà người ta có thể dùng toán học để biểu diễn bằng một
đường thẳng xuất phát từ một điểm và mất hút vào không gian; bí quyết của cái
vô cùng ấy chỉ là không thể nào đạt được mục tiêu, tức là cái tận cùng.
Cớ sao tôi lại cứ hao công tốn sức thế? Vì ghen tị với
Grussnixki chăng? Con người tội nghiệp, thật ra thì anh ta chẳng đáng ghen! Hay
đó là hậu quả của các thứ tình cảm xấu xa, nhưng không khắc phục nổi, nó buộc
chúng ta đi hủy hoại những ảo tưởng êm ái của người thân chỉ cốt đổi lấy một
cái thú cỏn con là được nói với người đó khi người đó thất vọng hỏi ta rằng nên
tin vào cái gì: “Bạn tôi ơi! Tôi đã trải qua chính các bước ấy rồi, thế mà bạn
thấy đấy, tôi vẫn ăn ngon ngủ kỹ và hy vọng có thể chết không một tiếng kêu,
không một giọt nước mắt!”.
Vả chăng chiếm được một tâm hồn non trẻ vừa mới hé nở không
phải là một lạc thú vô ngần hay sao! Nó giống những đóa hoa mà hương thơm đang
ở độ ngào ngạt nhất lan tỏa ra để đón những tia nắng đầu tiên của mặt trời;
chính lúc ấy là lúc ta phải hái lấy, ngửi cho chán rồi vứt ra đường! Thế nào
chả có ối kẻ khác nhặt lại. Tôi cảm thấy trong tôi luôn rạo rực một nỗi thèm
khát vô biên, nuốt chửng tất cả những gì gặp trên đường di, tôi coi nỗi đau và
mềm vui của kẻ khác chỉ là những thứ thức ăn để duy trì sức mạnh tâm hồn của
tôi. Bản thân tôi không còn điên rồ vì dục vọng được nữa, tính hiếu danh của
tôi đã bị hoàn cảnh bóp nghẹt rồi, nhưng nó lại xuất hiện dưới một hình thái
khác, bởi vì tính hiếu danh không phải cái gì khác mà chính là sự ham hố quyền
lực, mà điều tôi thích thú nhất lại là bắt tất cả những gì quanh tôi phải phục
tùng ý chí tôi. Làm cho người khác yêu mình, trung thành với mình và sợ mình,
đấy há không phải là dấu hiệu đầu tiên và sự thắng lợi vĩ đại nhất của quyền
lực hay sao? Không có quyền hành thực mà lại là nguyên nhân gây đau khổ hay vui
sướng cho ai đó, há không phải là món ăn ngon lành nhất cho tính kiêu hãnh của
chúng ta hay sao? Mà hạnh phúc là gì? Tính kiêu hãnh được thỏa mãn. Nếu như tôi
đã tự coi mình là người tốt đẹp hơn, có thế lực hơn mọi người trên đời này thì
tôi đã sung sướng, nếu ai cũng yêu tôi thì tôi sẽ tìm thấy trong bản thân mình
những nguồn tình yêu vô tận. Cái ác lại đẻ ra cái ác; một nỗi đau đầu tiên làm
cho ta hiểu niềm vui được giày vò kẻ khác; không một ai có ý nghĩ làm điều ác
mà lại không muốn thực hiện ngay: ý định, - ai đó đã nói – là những sáng tạo
hữu cơ hãy đã thoát sinh là có hình thái ngay, và hình hài đó là hành động; kẻ
nào trong óc có nhiều ý tưởng hơn, kẻ ấy sẽ hành động nhiều hơn người khác; vì
thế mà một bậc thiên tài bị đóng đinh vào cái bàn quan chức ắt sẽ chết hoặc là
phát điên, đúng như một người có cơ thể cường tráng mà phải sống một cuộc đời
tù túng và hành vi khiêm tốn, thì ắt sẽ chết vì bệnh xuất huyết não.
Dục vọng không phải cái gì khác mà là những ý niệm trong
giai đoạn đầu phát triển: chúng là vật dụng đặc hữu của tuổi trẻ tâm hồn, và
chỉ có thằng ngu mới nghĩ rằng có thể lợi dụng nó suốt đời: nhiều dòng sông
hiền hòa lại bắt nguồn từ những dòng thác dữ; nhưng không có dòng chảy nào cứ
nhảy vọt và tung bọt mãi cho tới tận biển. Nhưng sự yên bình ấy thường là dấu
hiệu của một sức mạnh vĩ đại tuy ẩn tàng; những ý nghĩ và tình cảm khi ở độ
viên mãn và sâu sắc đều không phải là những cơn điên: tâm hồn cả khi đau khổ và
vui sướng, đều rất có ý thức về tất cả những việc xảy ra và thấy rõ là phải như
thế, nó hiểu rằng không có dông tố thì sức nóng liên miên của mặt trời sẽ làm
nó khô héo; nó hiểu thấu cuộc sống của bản thân nó, - nó tự mơn trớn và xử phạt
mình, như một đứa bé ta yêu. Chỉ khi nào con người đạt tới mức tự nhận thức tối
cao ấy thì hắn mới có thể hiểu được lẽ trời.
Khi đọc lại trang này, tôi thấy mình đã đi xa đề nhiều
quá... Nhưng thôi kệ. Vì tập nhật ký này tôi viết cho tôi, và do đó mà tất cả
những điều tôi ghi bừa lên giấy mai này sẽ là một kỷ niệm quý báu cho tôi.
…..[50]
Grusnixki lại chơi và nhảy bổ đến bá cổ tôi: anh ta đã được
phong hàm sĩ quan. Chúng tôi cùng uống sâm banh. Lát sau bác sĩ Verne cũng tới.
- Tôi không mừng cho anh đâu! - ông ta nói với Grusnixki.
- Tại sao?
- Vì chiếc áo ca pốt lính rất hợp với anh, và anh hãy thừa
nhận rằng mặc bộ quân phục sĩ quan bộ binh may ở cái xứ nước khoáng này sẽ
chẳng mang lại cho anh ích lợi gì đâu... Anh thấy đấy, cho tới lúc này anh là
một ca ngoại lệ, còn bây giờ thì anh cũng sẽ như mọi người khác thôi.
- Bác sĩ cứ nói đi, nói nữa đi, nhưng bác sĩ cũng không ngăn
cản tôi vui được đâu.- và anh ta rỉ vào tai tôi, - ông ấy không biết rằng những
chiếc cầu vai này đã mang đến cho tôi biết bao hy vọng. Trời! Những chiếc cầu
vai! những chiếc cầu vai! những ngôi sao nhỏ của các ông, những ngôi sao nhỏ
chỉ đường… Không! Lúc này tôi hoàn toàn hạnh phúc.
- Cậu có đến chỗ núi lở đi dạo với chúng tôi không? - Tôi
hỏi anh ta.
- Tớ ấy ư? Chả vì cớ gì mà tớ lại ra mắt công tước tiểu thư
khi chưa có bộ quân phục mới.
- Cậu có muốn tớ báo với nàng về tin mừng này của cậu không?
- Chớ! Xin cậu, đừng nói gì vội... Tớ muốn dành cho nàng một
sự bất ngờ!
- Vậy thì cậu hãy nói cho tớ biết, việc của cậu với nàng tới
đâu rồi?
Anh ta bối rối và bắt đầu nghĩ ngợi: anh ta rất muốn ba hoa,
bốc láo, - nhưng lại cảm thấy ngượng, còn nói thật thì lại xấu hổ.
- Cậu có tin là nàng yêu cậu không?
- Nàng có yêu tớ không ấy ư? Xin lỗi, cậu hay có những ý
nghĩ thật kỳ khôi, Pêtsôrin ạ, làm sao có thể chóng vánh như thế được?.. Mà nếu
như nàng có yêu rồi, thì một người phụ nữ tử tế đời nào lại nói ra...
- Đúng lắm! Vậy thì theo ý cậu, chắc hẳn một người đàn ông
tử tế cũng phải che giấu lòng mình chứ?
- Ê hê, anh bạn ơi! mỗi người một kiểu chứ; nhiều điều không
nói mà chỉ đoán được thôi...
- Đúng đấy… Nhưng có điều là tình yêu mà ta đọc thấy trong
khóe mắt lại không có gì ràng buộc được người đàn bà, còn những lời đã nói
ra... Hãy cẩn thận, Grusnixki ạ, kẻo nàng đang phỉnh phờ cậu đấy…
- Nàng ấy ư?.. - anh ta đáp, mắt ngước lên nhìn trời, miệng
nở một nụ cười tự mãn, - tớ lấy làm ái ngại cho cậu, Pêtsôrin ạ!
Anh ta bỏ đi.
Chiều đến, một đám đông đi bộ đến chỗ núi lở.
Theo ý kiến các nhà bác học địa phương thì chỗ núi lở này
không phải cái gì khác mà chỉ là cái miệng núi lửa đã tắt; nó nằm trên sườn dốc
thoai thoải của núi Masuk, cách thành phố khoảng một dặm. Đi tới đó có một con
đường mòn len lỏi qua những bụi cây và vách đá; khi leo lên núi, tôi đưa tay
cho tiểu thư khoác, và nàng đã khoác tay tôi suốt buổi đi dạo.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng việc nói xấu người
khác, tôi bắt đầu điểm lại những nhân vật mà tôi đã quen biết, cả có mặt lẫn
vắng mặt, trước tiên kể những điều lố bịch của họ rồi sau đến những tật xấu.
Máu tôi hăng lên. Tôi nói lúc đầu thì còn là đùa nhưng sau đó thì ác ý thật sự.
Thoạt tiên nàng thấy vui thích nhưng sau đó thì sợ.
- Ông là một người nguy hiểm! - nàng nói với tôi - tôi thà
chết trong rừng dưới lưỡi dao của một tên sát nhân còn hơn là trở thành nạn
nhân vì những lời độc địa của ông... Tôi xin nói thật với ông: nếu ông nảy ra ý
muốn nói xấu tôi thì xin ông hãy lấy dao giết chết tôi đi còn hơn, tôi thiết
nghĩ việc ấy đối với ông chả khó khăn gì.
- Chẳng lẽ nom tôi giống một kẻ sát nhân lắm ư?
- Ông còn tệ hơn thế nữa kia...
Tôi nghĩ ngợi một lúc, rồi sau đó làm ra vẻ rất xúc động
nói:
- Vâng, từ thuở ấu thơ cái phận tôi nó đã thế. Ai cũng thấy
trên mặt tôi biểu hiện những dấu hiệu của những tư chất xấu xa mà tôi không có;
nhưng người ta cứ gán cho tôi, - và thế là chúng nảy mầm. Tôi khiêm tốn - người
ta kết tội tôi là xảo quyệt; tôi trở nên thâm trầm. Tôi cảm nhận sâu sắc điều
thiện và điều ác; không một ai vỗ về tôi, mọi người đều lăng mạ tôi; tôi đâm ra
thù hằn; tôi trở nên cau có, trong khi những đứa trẻ khác thì vui tươi và tíu
tít; tôi cảm thấy mình ở trên bọn chúng, người ta lại đẩy tôi xuống dưới. Tôi
đâm ra hay đố kỵ. Tôi sẵn lòng yêu tất cả thế gian, - không một ai hiểu tôi: và
tôi nhiễm máu thù hận. Tuổi trẻ buồn thảm của tôi chỉ là một cuộc vật lộn với
bản thân và chống tất cả mọi người; sợ những lời chế giễu, tôi đã chôn vùi
những tình cảm đẹp đẽ nhất của mình ở tận đáy lòng: chúng đã chết ở nơi ấy. Tôi
nói thật - người ta không tin: tôi bèn nói dối; khi đã biết rõ thiên hạ và tất
cả những mánh khoé trong xã hội, tôi trở nên thành thạo trong nghệ thuật sống
và nhận thấy rằng những kẻ không có cái nghệ thuật ấy sống cũng sung sướng, vì
họ tận dụng được một cách dễ dàng những món lời mà tôi cố công lắm may ra mới
có. Thế là nỗi chán chường đè nặng trong lòng tôi, - không phải nỗi chán chường
có thể chữa khỏi bằng một viên đạn súng ngắn, mà là một nỗi chán chường lạnh
lùng, bất lực, được che đậy bằng cử chỉ phong nhã và một nụ cười nhân hậu. Tôi
trở thành một kẻ tàn tật về đạo đức: một nửa tâm hồn tôi không còn nữa, nó đã
khô héo, tan thành mây khói, nó đã chết, tôi đã cắt bỏ nó rồi - trong lúc nửa
còn lại thì cứ động đậy và sống có ích cho mọi người; nhưng không ai nhận thấy
điều ấy bởi vì không ai hay biết về sự tồn tại của cái nửa đã chết của nó;
nhưng lúc này tiểu thư làm thức tỉnh trong tôi niềm hoài tưởng lại nó, và tôi
đã đọc để tiểu thư nghe tấm mộ chí của nó. Nhiều người thấy tấm mộ chí là đáng
buồn cười, nhưng đối với tôi thì không phải thế, nhất là khi tôi nhớ tới cái
đang an nghỉ dưới đó. Vả lại, tôi cũng không chờ mong tiểu thư đồng ý với tôi:
nếu lời nói tếu của tôi tiểu thư thấy là đáng buồn cười thì xin nàng cứ việc
cười: tôi xin nói trước với nàng là điều đó không mảy may làm tôi đau khổ.
Lúc này tôi bắt gặp đôi mắt nàng: trong khóe mắt long lanh
hai hàng lệ; cánh tay nàng tỳ trên tay tôi, run run; đôi mà đỏ bừng; nàng
thương hại tôi! Lòng thương cảm - cái thứ tình cảm dùng để chinh phục tất cả
đám đàn bà một cách dễ dàng ấy đã cắm sâu vuốt nhọn vào trái tim non nớt của cô
tiểu thư. Suốt buổi dạo chơi, nàng trở nên lơ đãng, không làm duyên làm dáng với
một ai - nhưng đó là một dấu hiệu vĩ đại!
Chúng tôi đã tới chỗ núi lở; các bà đã buông tay các ông
tháp tùng của mình, nhưng nàng vẫn cứ khoác tay tôi. Những câu nói ý nhị của
bọn công tử trong vùng không làm nàng bật cười, nàng đứng trên mép bờ dốc thẳng
đứng mà không chút sợ hãi, trong khi những cô tiểu thư khác thì kêu lên chí
chóe và nhắm mắt lại.
Trên đường về tôi không nối lại những câu chuyện buồn kia
nữa; nhưng đối với những câu hỏi nhạt nhẽo và những câu bông đùa của tôi nàng
chỉ trả lời cụt lủn và lơ đễnh.
- Tiểu thư đã từng yêu? - cuối cùng tôi hỏi nàng.
Nàng nhìn tôi chăm chú, khẽ lắc đầu rồi lại đăm chiêu; rõ là
nàng muốn nói điều gì, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu, ngực nàng phập
phồng!.. Biết làm sao! ống tay áo vải sa chỉ là một vật chống đỡ yếu ớt, và một
luồng điện từ cánh tay tôi đã truyền sang tay nàng; hầu hết mọi ham muốn đều
nảy nở như thế, và chúng ta thường rất hay tự lừa dối mình khi nghĩ rằng đàn bà
yêu ta vì thể chất hay phẩm hạnh của ta; tất nhiên những đức tính ấy chuẩn bị,
tạo điều kiện cho trái tim họ tiếp nhận ngọn lửa thiêng, nhưng dẫu sao thì sự
va chạm đầu tiên mới quyết định tất thảy.
- Có phải hôm nay tôi rất dễ mến không? – Nàng gượng cười và
nói với tôi khi chúng tôi đi dạo về.
Chúng tôi chia tay nhau.
Nàng không bằng lòng về mình: cho rằng mình có lỗi vì đã
lạnh nhạt... Ôi, đó là thắng lợi đầu tiên, thắng lợi căn bản! Ngày mai nàng sẽ
muốn đền bù cho tôi. Tất cả cái đó tôi đã biết tỏng từ lâu - vì thế mà đâm
chán!
4 Tháng 6
Hôm nay tôi gặp Vêra. Nàng giày vò tôi vì nàng ghen! Chắc là
công tước tiểu thư đã xem nàng như người bạn để thổ lộ những nỗi lòng thầm kín
của mình: phải thừa nhận rằng việc chọn mặt gửi vàng ấy là rất đạt!
- Em đã đoán thấy là tất cả cái việc ấy rồi sẽ đi tới đâu -
Vêra nói với tôi, - hãy nói ngay với em lúc này là anh yêu cô ta thì hơn.
- Nhưng nếu anh không yêu cô ta thì sao?
- Thế thì sao lại theo đuổi, làm điên đảo, quấy rối đầu óc
cô ta lên làm gì?.. Ô, em biết anh lắm chứ? Hãy nghe em nếu anh muốn em tin anh
thì một tuần nữa anh hãy đến Kixlôvôđxk; ngày mai vợ chồng em sẽ đến đấy ở.
Công tước phu nhân còn ở lại đây ít lâu nữa. Anh hãy thuê lấy căn phòng cạnh
đó; chúng em sẽ ở trong một ngôi nhà lớn gần nguồn suối, trên tầng nóc; ở dưới
là bà công tước Ligôpxkaia; còn ngôi nhà bên cạnh của cùng một chủ chưa có ai
thuê... Anh sẽ đến đấy chứ?
Tôi hứa - và ngay hôm đó cho người đi thuê ngôi nhà ấy.
Grusnixki đến tôi vào lúc sáu giờ tối và nói là bộ quân phục
của anh ngày mai sẽ may xong, đúng dịp có vũ hội.
- Thế là tớ sẽ nhảy với nàng suốt buổi tối... Tớ có dịp thả
sức nói! - anh ta nói thêm.
- Dạ hội sẽ tổ chức vào lúc nào?
- Ngày mai? Chẳng lẽ cậu không biết sao? Một ngày hội lớn do
các quan chức địa phương lãnh trách nhiệm tổ chức...
- Chúng mình ra phố đi...
- Không, chả dại, với cái áo ca pốt thổ tả này...
- Sao, cậu không yêu nàng nữa ư?
Tôi ra đi một mình, và gặp công tước tiểu thư Mêri, tôi mời
nàng nhảy một điệu Mazurka, nàng tỏ vẻ ngạc nhiên và thích thú.
- Tôi tưởng ông chỉ nhảy khi cần thiết, như lần trước – nàng
nói, miệng nở một nụ cười rất có duyên... Nàng hình như không để ý tới sự vắng
mặt của Grusnixki.
- Ngày mai tiểu thư sẽ được một dịp bất ngờ thú vị đấy, -
tôi nói với nàng.
- Cái gì vậy?
- Ðó là điều bí mật... Đến dạ hội tiểu thư sẽ tự đoán ra.
Tôi ở nhà bà công tước suốt cả buổi tối; ngoài Vêra và một
ông già rất ngộ nghĩnh, nhà không có khách. Lòng tôi rất vui, đã ứng khẩu bịa
ra đủ thứ chuyện phi thường. Tiểu thư ngồi trước mặt tôi và lắng nghe câu
chuyện nhảm nhí của tôi với một sự chăm chú sâu sắc, căng thẳng, thậm chí là
đáng yêu đến mức tôi thấy ngượng. Cái vẻ sôi nổi hay làm duyên làm dáng, cái tính
khí thất thường, vẻ mặt xấc xược, nụ cười khinh khỉnh và ánh mắt mơ màng của
nàng, tất cả đầu biến đâu hết cả rồi?
Vêra đã thấy hết: một nỗi buồn sâu thẳm đượm trên gương mặt
bệnh tật của nàng; nàng ngồi trong bóng tối bên cửa sổ, lọt thỏm trong chiếc ghế
bành rộng... Tôi thấy ái ngại cho nàng...
Tôi bèn kể lại cái thiên chuyện bi thảm về cuộc gặp gỡ đầu
tiên của tôi với nàng, mối tình của chúng tôi – tất nhiên là để che giấu sự
thật đó tôi đã đổi tên tất cả các nhân vật.
Tôi mô tả tình cảm âu yếm của tôi, những lo lắng, niềm hân
hoan của tôi một cách rất sinh động, tôi đã mô tả những hành vi và tính cách
của nàng theo kiểu tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại khiến nàng dù muốn hay không
cũng phải bỏ qua hết những lời tán tỉnh của tôi với cô tiểu thư.
Nàng rời ghế bành, đến ngồi với chúng tôi, tươi tỉnh hẳn
lên... và mãi tận hai giờ đêm, chúng tôi mới sực nhớ tới lời dặn của thầy thuốc
là phải đi ngủ vào lúc mười một giờ.
5 tháng 6
Nửa giờ trước cuộc khiêu vũ, Grusnixki đến nhà tôi, rạng rỡ
trong bộ quân phục sĩ quan bộ binh. Ở chiếc khuy thứ ba có móc một sợi dây
chuyền bằng đồng, ở đầu dây, đeo lủng lẳng một chiếc kính cặp mũi; đôi cầu vai
rộng quá khổ cong lên như đôi cánh bé xíu của thần ái tình; đôi ủng kêu cót
két, tay trái anh ta cầm đôi găng da mềm màu nâu và chiếc mũ cát két, chốc chốc
anh ta lại đưa tay phải lên vuốt những món tóc cứ xoăn ngược lên. Nét mặt anh
ta biểu lộ sự tự mãn đồng thời lại có vẻ hơi ngại ngần dè dặt; nếu không trái
với những ý định của mình, thì có lẽ tôi đã cười phá lên trước cái vẻ trang
trọng và dáng đi oai phong của anh chàng.
Ném đôi găng và chiếc mũ lên bàn, anh ta bắt đầu vuốt lại
những nếp nhăn trên bộ quân phục và ngắm nghía trước gương; một chiếc khăn
quàng đen to đùng quấn xung quanh cái cổ giả cao nhất trần đời với lớp lông
cứng đỡ dưới cằm, chiếc khăn cứ thò ra ngoài cổ áo tới nửa versốc(1); như thế
mà anh ta vẫn cho là chưa đủ: anh còn kéo nó lên tới tận mang tai; do cái công
việc khó khăn ấy, - vì cổ áo rất chật lại không chịu nằm yên, khiến cho mặt anh
ta đỏ bừng lên.
- Nghe nói dạo này cậu tán tỉnh cô tiểu thư của tớ dữ lắm
phải không? - anh ta nói với tôi vẻ khinh khi và mắt không nhìn tôi.
- Trà kia đâu phải dành cho cái lũ ngu này dùng! - Tôi trả
lời anh ta, nhắc lại một câu ngạn ngữ ưa thích mà một trong những tay phóng
đãng tinh ranh nhất ở thời đại trước đó ưa dùng, một người đã từng được Puskin
ca tụng.
- Cậu thử xem bộ quân phục này có vừa với tớ không?.. Chà,
thằng Do Thái chết tiệt!... Nách chật quá!... Cậu có nước hoa không?
- Xin lỗi, xức thế vẫn chưa đủ sao? Người cậu sực nức mùi
phấn hoa hồng, đến điếc cả mũi rồi còn gì...
- Chả sao cả, cứ đưa đây...
Anh ta dốc đến cả nửa lọ lên cà vạt, khăn mùi soa và ống tay
áo.
- Cậu sẽ nhảy chứ? - anh ta hỏi.
- Chưa chắc. - Tớ rất ngại phải bắt đầu nhảy điệu Mazurka
với cô tiểu thư, vì tớ hầu như không biết nổi lấy một vũ hình...
- Nhưng cậu đã mời nàng nhảy điệu Mazurka rồi cơ mà?
- Chưa...
- Liệu đấy! Kẻo người ta chặn trước cậu đấy…
- Thật ư? - anh ta nói và vỗ tay lên trán. - Thôi xin
chào... Tớ đi trước để đợi nàng ở lối cửa vào đây. - Anh ta vớ lấy mũ và chạy
đi mất.
Nửa giờ sau tôi cũng đi. Đường phố tối tăm và vắng vẻ. Người
ta chen chúc quanh chỗ hội họp, hay nói là quanh cái quán hàng cũng được, bạn
muốn gọi thế nào tùy ý. Các cửa sổ đã sáng ánh đèn; gió mát ban đêm làm vẳng
đến tai tôi những âm thanh của một khúc quân nhạc. Tôi bước đi chầm chậm; lòng
tôi buồn rười rượi... Lẽ nào, tôi nghĩ, cái chức năng duy nhất của tôi ở trên
cõi đời này lại là đi phá hoại những niềm hy vọng của kẻ khác? Kể từ lúc tôi
sống và tôi hành động, số phận tưởng như luôn luôn đẩy tôi vào thế gỡ nút cho
những bi kịch của người đời, dường như không có tôi, người đời sẽ không ai có
thể chết, chìm đắm trong thất vọng. Tôi là nhân vật cần thiết của hồi thứ năm;
tôi vô tình đã đóng cái vai thảm hại của tên đao phủ hoặc kẻ phản bội. Làm như
thế số phận nhằm đạt tới mục đích gì? Có phải số phận muốn định sẵn cho tôi trở
thành tác giả của những bi kịch trưởng giả và những thiên tiểu thuyết gia đình
- hay thành cộng tác viên chuyên cung cấp chuyện cho “Tủ sách để đọc”(1) chẳng
hạn? Làm sao tôi biết được? Ðã từng có không biết bao nhiêu người khi bắt đầu
cuộc đời thì tưởng là mình sẽ kết thúc nó như Alecxanđer Ðại đế hay huân tước
Bairơn, nhưng rồi mãi mãi vẫn chỉ là những nhà cố vấn danh dự đấy ư?
Khi bước vào phòng, tôi trà trộn vào đám đàn ông và để ý
quan sát. Grusnixki đang đứng bên cạnh công tước tiểu thư và nói gì với nàng
rất sôi nổi; nàng lơ đãng nghe anh ta nói, mắt thì đảo nhanh nhìn tứ phía,
chiếc quạt áp lên môi, nét mặt lộ vẻ sốt ruột, mắt như tìm kiếm ai ở quanh đó:
từ phía sau tôi nhè nhẹ đi tới để lắng nghe xem họ nói chuyện gì.
- Thưa tiểu thư, tiểu thư đang hành hạ tôi, - Grusnixki nói,
- tiểu thư thay đổi rất nhiều kể từ khi tôi không gặp tiểu thư.
- Ông cũng thay đổi, - nàng vừa đáp vừa liếc anh ta một cái
rất nhanh, nhưng anh ta không có khả năng nhận thấy ở đấy cái ý giễu cợt thầm
kín.
- Tôi, tôi đã thay đổi... ồ không đời nào! Tiểu thư cũng
biết là không bao giờ lại như thế được! Ai đã gặp nàng một lần thì sẽ ghi vào
tận đáy lòng hình ảnh trác việt của nàng.
- Thôi ông đừng nói nữa...
- Tại sao tiểu thư lại không muốn nghe những điều mà cách
đây ít lâu nàng vẫn thường nghe lòng đầy thiện cảm?
- Vì tôi không thích những chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần,
- nàng cười đáp...
- Trời! Tôi đã nhầm một cách chua chát!.. Tôi thật là điên
khi nghĩ rằng những chiếc cầu vai này chí ít ra cũng cho tôi cái quyền được hy
vọng… Nhưng không: đáng lý ra tôi nên giữ suốt đời chiếc áo ca pốt lính tồi tàn
kia vì có lẽ nhờ nó mà nàng đã chú ý tới tôi...
- Ðúng thế, chiếc áo ca pốt hợp với khuôn mặt ông hơn nhiều…
Vừa lúc ấy, tôi bước tới và chào nàng; tiểu thư hơi đỏ mặt
và nói nhanh:
- Có phải thế không, thưa ông Pêtsôrin! Ông Grusnixki mặc
chiếc áo ca pốt xám thích hợp hơn nhiều có phải không ông?
- Tôi không đồng ý với tiểu thư, - tôi đáp, - bộ quân phục
làm anh ta nom trẻ ra nhiều chứ.
Grusnixki không thể chịu nổi cái đá ấy, cũng như tất cả đám
thiếu niên, anh ta tự cho là mình đã già, anh ta tưởng rằng trên mặt mình những
vết hằn sâu của dục vọng đã thay thế cho những nếp nhăn của năm tháng. Anh ta
liếc nhìn tôi bằng cặp mắt điên dại, giậm chân một cái và bỏ đi.
- Nhưng tiểu thư hãy thú nhận rằng, - tôi nói, - tuy anh ta
lúc nào nom cũng lố bịch, nhưng vừa mới đây thôi, tiểu thư vẫn còn thấy anh ta
hay hay... trong chiếc áo ca pốt xám đấy chứ ạ?
Nàng nhìn xuống và không đáp.
Suốt buổi tối hôm ấy Grusnixki bám riết cô tiểu thư, khi thì
nhảy với nàng, khi thì nhảy vis à vis[51], anh ta nhìn nàng như muốn nuốt
trửng, rồi thở dài và làm cho nàng chán tai vì những lời van lơn và trách móc.
Nhảy hết lượt thứ ba, vũ khúc quadrille[52] nàng đâm ra ác cảm với anh chàng.
- Tớ không bao giờ ngờ cậu lại là người như thế, - anh ta
đến gần và nắm lấy cánh tay tôi, nói.
- Cái gì kia?
- Cậu sắp nhảy điệu Mazurka với nàng? - anh ta trịnh trọng
hỏi tôi, - nàng đã thú với tôi như thế...
- Rồi sao nữa? Lẽ nào lại phải giữ bí mật?
- Tất nhiên... Đáng lý ra, tớ phải nghĩ đến cái con ranh...
cái con làm đỏm kia có thể làm như thế lắm chứ... Để rồi ta sẽ cho biết tay!
- Cậu nên đổ tội cho chiếc áo ca pốt hay đôi cầu vai của cậu
thì hơn, chứ sao lại kết tội nàng? Nếu cậu không làm vừa lòng nàng thì đâu có
phải lỗi tại nàng?
- Sao lại làm cho người ta hy vọng?
- Tại sao cậu lại hy vọng? Muốn thì cố mà chiếm lấy, cái đó
tớ hiểu, nhưng ai đời lại đi nuôi hy vọng?
- Cậu đã được cuộc, nhưng chưa hẳn đâu,- anh ta đáp với một
nụ cười ác hiểm.
Ðiệu Mazurka bắt đầu. Grusnixki chỉ chọn mời có mỗi một mình
cô tiểu thư; những tay nhảy khác cũng đến mời nàng luôn: đó rõ ràng là một âm
mưu chống lại tôi; càng hay: nàng muốn nói chuyện với tôi nhưng bị ngăn trở -
nàng lại càng mong muốn gấp bội.
Hai lần tôi xiết chặt tay nàng; lần thứ hai nàng rụt tay lại
nhưng không nói một lời.
- Ðêm nay tôi sẽ khó ngủ lắm đây, - nàng nói với tôi sau
điệu nhảy Mazurka.
- Grusnixki là kẻ có lỗi.
- Ồ không! - Và nét mặt nàng đượm vẻ buồn u uất nên tôi tự
hứa với mình rằng tối nay nhất định ta sẽ hôn tay nàng.
Mọi người ra về. Khi đưa tiểu thư lên xe, tôi nhanh nhẹn ép
bàn tay nhỏ bé của nàng lên môi mình. Trời tối, và không ai trông thấy gì cả.
Và tôi trở về phòng nhảy, rất hài lòng về mình.
Đám thanh niên đang ăn bữa tối quanh chiếc bàn lớn,
Grusnixki cũng đang ở đấy. Khi tôi bước vào, mọi người im bặt: chắc chắn là họ
đang nói về tôi. Sau cuộc khiêu vũ dạo trước, nhiều người đã bực tức với tôi,
nhất là lão đại úy long kỵ, nên bây giờ, nhất định họ đang lập một phe thù địch
chống lại tôi, dưới sự chỉ huy của Grusnixki. Trông anh chàng mới hùng dũng và
nghênh ngáo biết chừng nào...
Rất sung sướng; tôi yêu kẻ thù tuy nhiên không phải theo
kiểu Cơ đốc giáo. Họ làm tôi khuây khỏa, làm cho máu tôi sôi lên. Lúc nào cũng
đề phòng, đón bắt từng cái nhìn, xét đoán từng lời nói, tìm ra những ý đồ, phá
vỡ những mưu mô, giả vờ đã bị mắc lừa rồi đùng một cái hất lật nhào tất cả cái
lâu đài đồ sộ và công phu của những mưu mẹo và ý đồ của chúng - đó là cái mà
tôi gọi là cuộc đời.
Suốt buổi cơm tối, Grusnixki và lão đại úy long kỵ không
ngớt thầm thì và đưa mắt ra hiệu cho nhau.
6 Tháng 6
Sáng nay, Vêra đến Kixlôvôđxk với chồng. Tôi gặp chiếc xe
của họ khi tôi đang trên đường tới nhà công tước phu nhân Ligôpxkaia. Nàng khẽ
gật đầu chào tôi; trong khóe mắt nàng, vẫn thấy lời trách móc.
Lỗi tại ai? Tại sao nàng không muốn cho tôi được dịp gặp
riêng nàng? Tình yêu cũng như lửa, - thiếu chất đốt sẽ tắt. Những cái mà sự
ghen tuông làm được thì lời cầu khẩn của tôi lại không thể làm được.
Tôi đang ngôi ở nhà bà công tước thì đồng hồ điểm một giờ.
Tôi không thấy Mêri: nàng ốm. Chiều nay trên đại lộ cũng không thấy nàng. Cái
đám người vừa mới được tập hợp lại, trang bị bằng kính tay quả thực là nom cũng
có cái vẻ hăm dọa thật. Tôi sung sướng khi biết cô tiểu thư ốm: họ có lẽ đã làm
gì đó xúc phạm đến nàng. Grusnixki đầu tóc rối bù, vẻ mặt thất vọng; anh ta có
lẽ đang đau khổ thực sự, nhất là lòng tự ái của anh ta đã bị tổn thương, nhưng
cũng có những người mà ngay đến nỗi thất vọng cũng là niềm vui!
Khi về đến nhà, tôi cảm thấy như thiếu vắng một cái gì. Tôi
không gặp nàng! Nàng ốm! Tôi yêu thật rồi sao?.. Chuyện vớ vẩn!
7 Tháng 6
Vào lúc mười giờ sáng, - giờ mà bà công tước Ligôpxkaia
thường đi xông nước ở bồn tắm Ermôlôp, - tôi đi ngang qua nhà bà công tước.
Tiểu thư đang ngồi đăm chiêu bên của sổ, thấy tôi, nàng vội đứng dậy.
Tôi bước vào tiền sảnh; không có ai, lợi dụng lối sống tự do
mà phong tục ở đây cho phép, tôi đi thẳng vào phòng khách không cần báo trước.
Khuôn mặt xinh xắn của công tước tiểu thư phủ một màu xanh bợt. Nàng đứng bên
chiếc dương cầm, một tay tỳ lên lưng ghế bành: bàn tay ấy hơi run run; tôi nhẹ
nhàng đến gần nàng và nói:
- Tiểu thư giận tôi sao?
Nàng ngước mắt lên nhìn tôi bằng một cái nhìn ẻo lả, sâu
thẳm và lắc đầu; môi nàng mấp máy như muốn nói điều gì nhưng không nói nổi;
nước mắt rưng rưng; nàng gieo mình xuống ghế và đưa hai tay lên bưng lấy mặt.
- Tiểu thư làm sao thế? - Tôi nắm lấy tay nàng, nói.
- Ông khinh em lắm!.. Thôi, để mặc em!
Tôi bước vài bước... Nàng lại ngồi thẳng người lên, mắt nàng
sáng lên...
Tôi dừng lại, tay nắm núm cửa, và nói:
- Hãy tha thứ cho tôi, thưa công tước tiểu thư! Tôi đã hành
động như thằng điên... Lần sau sẽ không bao giờ có chuyện như thế nữa: tôi sẽ
lễ độ hơn... Tiểu thư cần biết làm gì những điều đã xảy ra trong tâm hồn tôi từ
độ đó! Tiểu thư không bao giờ hiểu được đâu, và như thế càng tốt cho tiểu thư
hơn. Vĩnh biệt.
Khi đi ra tôi có cảm tưởng là tôi đã nghe thấy tiếng nàng
khóc. Tôi đi bộ, lang thang quanh vùng núi Masuk cho đến tận chiều tối, mệt mỏi
kinh khủng, và về đến nhà, tôi nằm vật xuống giường trong trạng thái hoàn toàn
kiệt lực.
Verne ghé vào thăm tôi.
- Có thật là anh định lấy công tước tiểu thư Ligôpxkaia
không? - ông ta hỏi.
- Nhưng mà sao?
- Cả thành phố đều đồn như vậy; tất cả bệnh nhân của tôi đều
bàn tán về cái tin quan trọng này; mà những bệnh nhân này thuộc loại người: cái
gì cũng biết tất!
“Chắc Grusnixki chơi khăm mình đây!” – tôi nghĩ.
- Ðể chứng minh với anh, thưa bác sĩ, rằng những lời đồn đại
ấy là giả dối, tôi xin tuyên bố với anh một cách bí mật là ngày mai tôi sẽ đi
Kixlôvôđxk...
- Cả bà công tước cũng đi?
- Không, bà ta còn ở đây thêm một tuần nữa...
- Như vậy là anh không lấy vợ?..
- Bác sĩ, bác sĩ thân mến ơi! Hãy nhìn tôi đây: chẳng lẽ
trông tôi giống một vị hôn phu hay một cái gì tương tự đến thế ư?
- Tôi không nói thế... nhưng anh cũng biết đấy, - ông ta
cười ranh mãnh, nói thêm - có những đám mà một người hào hiệp nhất định phải
lấy làm vợ, và có những bà mẹ chí ít là cũng không làm gì để tránh điều ấy...
Chỗ bạn bè với nhau cho nên, tôi khuyên anh một điều: hãy cẩn thận hơn! Ở vùng
nước suối này, không khí nguy hiểm nhất đấy; tôi đã từng thấy bao nhiêu thanh
niên ưu tú, đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp, đã rời khỏi nơi này để đi
thẳng đến nhà mồ... Và tôi đây nữa, liệu anh có tin được không, người ta thậm
chí còn muốn cưới vợ cho tôi nữa cơ đấy! Chính là một bà mẹ quê mùa có cô con
gái rất xanh xao ốm yếu. Vô phúc cho tôi là đã nói với bà ta rằng cô con gái bà
sẽ trở lại hồng hào sau khi đi lấy chồng; thế là bà ta mắt rưng rưng lệ cảm
kích đề nghị tôi lấy con gái bà với tất cả gia sản chừng năm mươi nông nô thì
phải. Nhưng tôi đã trả lời là tôi thật không có khả năng làm việc ấy nữa...
Verne từ giã tôi, đinh ninh rằng ông đã làm cho tôi chú ý đề
phòng.
Qua những lời ông ta nói, tôi chỉ nhận ra một điều là khắp
nơi trong thành phố đã ồn lên những lời đồn đại độc địa về tôi và cô tiểu thư:
về chuyện này rồi Grusnixki sẽ biết tay tôi!
10 tháng 6
Tôi ở Kixilôvôđxk thế là đã được ba ngày. Ngày nào tôi cũng
trông thấy Vêra bên bờ giếng và trong lúc đi dạo mát. Sáng sớm, khi ngủ dậy,
tôi đến ngồi bên cửa sổ và chĩa kính cầm tay sang ban công nhà nàng; nàng đã
mặc quần áo từ lâu và đang đợi ám hiệu; chúng tôi làm ra vẻ như tình cờ gặp
nhau trong khu vườn đi từ nhà chúng tôi xuống giếng. Khí núi trong lành đã
khiến cho nước da trên mặt nàng trở lại tươi tắn và bồi bổ lại sức lực cho
nàng. Không phải vô cớ mà Nardan được mệnh danh là cái mạch nguồn tráng kiện.
Dân bản địa khẳng định rằng không khí ở Kízlôvôđxk khơi gợi ái tình, rằng ở đây
thường mở nút chung cục cho tất cả các thiên tình sử đã khơi mào từ chân núi
Masuk. Quả thật, thì ở đây chỗ nào cũng toát ra cái vẻ cô liêu thơ mộng; ở đây
cái gì cũng huyền bí: nào là những bóng cây gia cành lá dày đặc rủ bóng xuống
dòng nước nhỏ đang chảy ầm ầm và tung bọt trắng từ tảng đá này xuống tảng đá
khác để mở cho mình một con đường len lỏi giữa những ngọn núi xanh, nào là
những vực hẻm tối tăm và im lìm, từ đấy chúng lại tỏa nhánh đi khắp ngả, nào là
vẻ tươi mát của bầu không khí vốn đã thơm tho lại được hương vị của loại cỏ cao
miền Nam và keo trắng làm cho thơm hơn, nào là tiếng róc rách của những con
suối lạnh buốt chảy triền miên như tiếng ru đưa người ta vào giấc ngủ ngọt
ngào, và chảy đến cuối thung lũng thì hội tụ, cùng nhau mở một cuộc đua giao
hảo và cuối cùng thì đổ vào con suối lớn Pôtkumôk. Từ phía ấy, cái vực hẻm
phình rộng ra và biến thành một cái hố trũng cây cối xanh rì; trong đó có một
con đường ngoằn ngoèo mù bụi chạy qua. Lần nào trông ra đường tôi cũng có cảm
tưởng như có một chiếc xe đang chạy qua, và từ trong cửa sổ xe một khuôn mặt
hồng hào đang nhìn ra. Bao nhiêu xe đã qua lại trên con đường này, nhưng chiếc
xe ấy thì vẫn chẳng thấy đâu. Khu Xlôbôđka[53] sau pháo đài đã đầy người; trong
tiệm ăn nằm trên đồi cách nhà tôi ở chỉ mấy bước, chiều vừa buông là đã bắt đầu
lấp lánh ánh đèn lọt qua hai hàng cây phong, tiếng người nói ồn ào, tiếng lanh
canh của cốc tách chạm vào nhau cứ thể vang lên cho đến tận khuya.
Trên thế gian này không có nơi nào người ta uống nhiều rượu
vang Kakhetin và nước khoáng như ở đây.
Nhưng trộn lẫn hai thứ này
Có ối người ưa chuộng -
Trong số họ không có tôi.
Gruxnixki cùng đồng bọn hầu như ngày nào cũng om xòm trong
tửu quán, và với tôi hầu như không chào hỏi gì sất.
Anh ta vừa tới hôm qua, nhưng đã cãi lộn với ba ông già muốn
vào bồn tắm trước anh ta: chắc chắn là - những nỗi bất hạnh đang thúc đẩy tinh
thần võ biền ở nơi anh.
11 Tháng 6
Cuối cùng họ đã tới. Khi nghe thấy tiếng bánh xe gõ lọc cọc
trên mặt đường - lúc ấy tôi đang ngồi bên cửa sổ, trái tim tôi giật bắn lên...
Thế là thế nào nhỉ? Lẽ nào ta lại yêu thật rồi sao?
Tôi sinh ra vốn đã xuẩn ngốc nên có thể là như thế lắm chứ.
Tôi ăn trưa ở gia đình họ. Công tước phu nhân nhìn tôi rất
âu yếm và không rời cô con gái lấy nửa bước... Chẳng hay ho gì đâu! Thế nhưng
Vêra lại ghen tôi với cô tiểu thư: niềm hạnh phúc mà tôi đã cố công để đạt được
là thế đấy! Để hành hạ kẻ tình địch người đàn bà không từ một việc gì hết! Tôi
nhớ là một người đàn bà đã yêu tôi vì tôi yêu người khác - Không có gì ngược
đời hơn là trí tuệ đàn bà: khó mà thuyết phục được đàn bà trong bất cứ việc gì,
phải dẫn dắt họ để họ tự thuyết phục mình; trình tự các chứng cứ mà họ dùng để
triệt tiêu những định kiến của mình là rất độc đáo; để hiểu được phép biện
chứng của họ phải lật ngược trong đầu mình tất cả những quy tắc sơ đẳng của
lôgich học.
Ví như một cái phép thông thường thì: Người này yêu ta,
nhưng ta đã có chồng: do đó không nên yêu người ta.
Cái phép của đàn bà thì: Mình không nên yêu anh ta, bởi vì
mình đã có chồng, nhưng anh ta yêu mình, - vậy thì...
Ở đây có mấy cái chấm, bởi vì lý trí không lên tiếng, mà
phần lớn là cái lưỡi, con mắt và tiếp theo chúng là trái tim nếu đàn bà cũng có
một trái tim.
Cái gì sẽ xảy ra, nếu một lúc nào đó những dòng ký này lọt
vào mắt đàn bà? “Vu khống!” – cô ta thét lên một cách phẫn nộ.
Kể từ khi các thi sĩ làm thơ và đàn bà đọc thơ (vì thế mà
phải mang ơn họ sâu sắc nhất trần đời), không biết bao nhiêu lần người ta gọi
họ là thiên thần, thật ra tâm hồn họ rất đơn giản nên họ tin ngay cái lối tán
tụng ấy là thật, mà quên mất rằng, cũng chính những thì sĩ ấy đã vì tiền mà tôn
sùng Nêrô như một vị á thánh...
Dù tôi có phải nói về họ một cách ác khẩu như vậy là không
đúng lúc, đúng chỗ thì tôi vẫn là một người mà trên thế gian này, ngoài họ ra
không yêu gì nữa cả, tôi vẫn là một người luôn luôn sẵn sàng hy sinh cho họ sự thư
thái, lòng tự ái, và cả mạng sống nữa... Nhưng không phải vì một cơn tức giận
và lòng tự ái bị tổn thương mà tôi cố hết sức giật phăng khỏi người họ tấm màn
kỳ ảo có phép mầu, một tấm màn chỉ có con mắt tinh đời mới nhìn thấu được.
Không! Tất cả những cái mà tôi nói về họ chỉ là kết quả của:
Những quan sát lạnh lùng bởi trí óc
Và những nhận xét xót xa cay đắng bằng con tim.(1)
Ðàn bà lẽ ra họ phải mong sao cho tất cả cánh đàn ông đều
biết họ rõ ràng như tôi, vì từ khi tôi không sợ họ và đã hiểu thấu những khuyết
điểm dù cỏn con của họ, tôi càng yêu họ gấp trăm lần.
Nhân thể nói thêm: cách đây mấy hôm Verne đã so sánh đàn bà
với khu rừng bị mê hoặc mà thi sĩ Taxxơ(2) đã nói trong tác phẩm “Giêsudalem
giải phóng!”. “Cứ tiến tới đi, - ông nói, - những nỗi kinh hoàng mà chúa đã
phán từ khắp tứ phía sẽ lao vào anh: bổn phận, lòng tự hào, vẻ lịch thiệp, dư
luận quần chúng, sự lố lăng, khinh miệt... Có điều là đừng nhìn, hãy tiến
thẳng: dần dần những quái vật kia sẽ biến đi, và trước mặt anh sẽ là cánh rừng thưa
yên tĩnh và sáng sủa, ở giữa là những cây sim xanh mượt đang nở hoa. Nhưng vô
phúc cho anh nếu ngay từ bước đầu tim anh đã đập rộn lên và ngoái cổ lại!”
12 tháng 6
Buổi tối hôm nay xảy ra nhiều biến cố. Cách Kixlôvôđxk ba
dặm, trong một hẻm núi, nơi có con suối Pôtkumôk chảy qua, có một vách đá gọi
là Chiếc nhẫn: đó là một cái cổng thiên tạo. Nó đứng sừng sững trên một ngọn
đồi cao, và mỗi khi vầng đông xế tà đều ném qua đó xuống thế gian cái nhìn rực
lửa cuối cùng của mình. Một đoàn kỵ mã đông đúc đi tới đấy để ngắm cảnh mặt
trời lặn qua ô cửa sổ đá ấy. Thật ra thì không một ai trong chúng tôi để ý tới
mặt trời. Tôi cưỡi ngựa đi cạnh cô tiểu thư; lúc quay về, phải lội qua suối
Pôtkumôk. Những con suối vùng núi, ngay cả những con nhỏ nhất, cũng đều nguy
hiểm, nhất là lòng suối lại là một thứ kính vạn hoa hoàn hảo, do sức ép của
sóng nó cứ thay hình đổi dạng hàng ngày; có chỗ hôm qua còn có một hòn đá thì
hôm nay lại là một cái hố. Tôi nắm lấy dây cương ngựa của cô tiểu thư và thúc
nó lội xuống nước sâu không quá đầu gối. Chúng tôi bắt đầu từ từ lội qua, đi
chéo ngược dòng nước chảy. Người ta biết rằng khi đi qua một con suối chảy mạnh
thì không nên nhìn xuống nước vì dễ chóng mặt. Tôi quên báo cho tiểu thư Mêri
biết trước điều ấy.
Chúng tôi đã đi đến giữa dòng, nơi nước chảy mạnh nhất thì
đột nhiên nàng lảo đảo trên yên... “Tôi thấy khó chịu!” nàng nói bằng một giọng
yếu ớt... Mau lẹ, tôi nghiêng người về phía nàng và đưa tay, quàng lấy tấm thân
mềm mại của nàng, - “Nhìn lên trời! - tôi thì thào bảo nàng, - không việc gì
đâu; đừng sợ: đã có tôi ở bên cạnh”.
Nàng thấy khá hơn; và muốn thoát khỏi cánh tay tôi, nhưng
tôi lại càng xiết chặt hơn cái thân hình thon thả và mềm mại kia; má tôi gần kề
sát má nàng, người nàng nóng bừng lên như bốc lửa.
- Ông làm gì tôi thế? Trời ơi!
Mặc cho nàng xúc động
và bối rối, tôi không hề để ý tới, môi tôi đã chạm vào bên má mịn nàng của
nàng; nàng rùng mình nhưng không nói gì. Chúng tôi đi ở phía sau nên không ai
trông thấy. Khi chúng tôi lên tới bờ thì mọi người đã cho ngựa đi nước kiệu. Cô
tiểu thư ghìm ngựa lại; tôi dừng lại bên nàng, rõ ràng là sự im lặng của tôi đã
làm nàng lo lắng, nhưng vì tính tò mò tôi đã thề là sẽ không thốt ra một lời.
Tôi muốn xem nàng xoay xở ra sao để thoát khỏi hoàn cảnh bối rối này.
- Hoặc là ông khinh em, hoặc là ông yêu em lắm? - cuối cùng
nàng nói, giọng đầy nước mắt. - Có lẽ ông muốn cười nhạo em, làm rối loạn tâm
hồn em và rồi sau đó sẽ bỏ mặc em. Như thế thì hèn hạ quá, bần tiện quá, đến
nỗi chỉ một lời... ồ không, không đúng, phải không ông? - nàng nói thêm, bằng
một giọng tin tưởng dịu dàng. - Vì em nào có gì để cho ông phải khinh, phải
không ông? Hành động sỗ sàng của ông... em cần, em cần tha thứ cho ông bởi vì
em đã cho phép... Hãy trả lời đi ông, hãy nói đi, em muốn nghe giọng nói của
ông!
Trong những lời cuối cùng, có cái gì đó tỏ ra nôn nóng kiểu
đàn bà làm tôi bất giác đã mỉm cười, may thay, trời đã bắt đầu tối... Tôi không
đáp gì cả.
- Sao ông lại làm thinh? - nàng nói tiếp, - có lẽ ông muốn
em phải nói trước là em yêu ông chắc?
Tôi vẫn im lặng.
- Ông muốn thế chăng? - nàng nói tiếp và quay ngoắt sang
phía tôi... Trong ánh mắt và giọng nói quả quyết của nàng có cái gì thật đáng
sợ.
- Ích gì? - Tôi nhún vai, đáp.
Nàng quất ngựa một roi và lao thục mạng trên con đường chật
hẹp, nguy hiểm; việc đó xảy ra nhanh đến nỗi tôi phải vất vả lắm mới đuổi kịp
nàng và cũng là lúc nàng đã nhập vào đoàn. Từ lúc đó cho về đến nhà, nàng cười
nói luôn miệng. Cử chỉ của nàng có cái gì nóng nảy; nàng không nhìn tôi lấy một
lần. – Mọi người đều nhận thấy cái vui khác thường ấy. Nhìn cô con gái, trong
thâm tâm bà công tước lấy làm mừng, còn con gái bà thì chẳng qua là đang bị một
cơn loạn thần kinh: rồi nàng sẽ qua một đêm mất ngủ và sẽ khóc. Ý nghĩ này làm
tôi sung sướng vô ngần. Có những phút tôi hiểu được Vampir là con ma hút máu
đấy… Ấy thế mà tôi vẫn được xem như một thanh niên nhân từ và tôi sẽ cố gắng để
đạt được danh hiệu ấy!
Khi xuống ngựa, các bà đều vào nhà công tước phu nhân, tôi
rất xúc động và phi ngựa lên núi để xua tan những ý nghĩ dồn ứ trong đầu. Đêm
mờ sương làm cho khí trời mát mẻ đến say lòng người. Trăng lên từ sau những
ngọn núi đen sẫm. Mỗi bước chân của con ngựa không bịt móng nghe âm vang giữa
cảnh tĩnh mịch của con hẻm. Đến bên một con thác tôi cho ngựa dừng lại uống
nước, tôi háo hức hít mạnh hai hơi bầu không khí mát rượi của đêm phương Nam , rồi cho
ngựa quay trở lại. Tôi đi qua Khu phố ngoại ô. Các cửa sổ đã bắt đầu tối đèn.
Lính canh trên thành pháo đài và lính Kôdắc đi tuần ở xung quanh đang ề à gọi
nhau.
Trong một ngôi nhà ở Khu ngoại ô xây bên bờ một con lạch,
tôi thấy đèn đóm vẫn sáng trưng. Thỉnh thoảng lại có tiếng nói và tiếng kêu hỗn
độn, chứng tỏ là ở đó có đám quân nhân đang đánh chén. Tôi xuống ngựa và rón
rén tới bên cửa sổ. Nghé qua một cánh cửa sổ khép hờ tôi có thể nhìn thấy rõ
những người đang uống rượu và nghe được hết câu chuyện của họ. Người ta đang
nói về tôi.
Lão đại úy long kỵ rượu vào thêm hăng, đập mạnh nắm tay
xuống bàn yêu cầu mọi người chú ý.
- Thưa các ngài. – lão ta nói, - điều đó thật chẳng còn ra
cái thể thống gì! Cần cho thằng Pêtsôrin một bài học! Cái bọn chưa ráo máu đầu
ở Peterbua ấy bao giờ cũng vênh váo chừng nào ta chưa búng cho chúng một cái
vào mũi! Hắn tưởng chỉ có mình hắn sống trong giới thượng lưu, vì hắn luôn mang
găng tay sạch tinh và đi giày bóng lộn!
- Và cả nụ cười khinh mạn ấy nữa! Nhưng tôi chắc kỳ thật hắn
chỉ là một thằng hèn, - vâng một thằng hèn.
- Tôi cũng nghĩ thế, - Grusnixki nói.- Hắn thích đùa. Có lần
tôi đã nói oan cho hắn những việc mà giá là người khác thì tôi đã bị xé xác
ngay tại chỗ, nhưng Pêtsôrin lại biến tất cả thành trò cười. Tất nhiên tôi
không khiêu khích gì hắn, bởi vì, đó là việc của hắn, nhưng tôi không muốn giao
du nữa…
- Grusnixki thù hằn vì hắn phỗng mất cô công tước tiểu thư
của cậu ấy! - Ai đó nói.
- Liệu anh còn nghĩ ra thêm được chuyện gì nữa nào! Thật ra
thì tôi cũng có theo đuổi cô ta ít lâu, nhưng rồi thôi ngay vì không định lấy
vợ, mà nguyên tắc của tôi là không được làm tổn thương đến danh dự của một
người con gái.
- Nhưng tôi xin cam đoan với các anh rằng đứa nhát gan nhất
thế gian này là Pêtsôrin chứ không phải là Grusnixki!
- Ồ, Grusnixki là một con người tuyệt vời, và anh ấy cũng là
một người bạn chân chính của tôi! – lão đại úy long kỵ lại nói.- Thưa các ngài!
Ở đây không một ai bênh Pêtsôrin đấy chứ? Không có ai cả à, vậy thì càng hay!
Các ngài có muốn ta thử thách lòng can đảm của hắn không nào? Các ngài sẽ được
dịp tha hồ vui thích...
- Muốn, nhưng bằng cách nào?
- Vậy thì các ngài hãy nghe đây: Grusnixki là người căm ghét
hắn nhất, vậy anh ấy sẽ đóng vai chính! Anh ấy sẽ kiếm một chuyện vớ vẩn gì đấy
để gây sự và thách đấu… Hãy gượm đã; cái trò đùa ấy là thế này… Anh ấy sẽ thách
hắn quyết đấu: được! Tất cả những việc khiêu khích, chuẩn bị, ra điều kiện sẽ
cố làm sao cho thật trịnh trọng và thật giật gân, tôi xin lãnh trách nhiệm việc
này; tôi sẽ là người làm chứng của anh, anh bạn tội nghiệp của tôi ạ! Được lắm!
Nhưng cái điều mấu chốt là ở chỗ này: súng ngắn chúng ta sẽ không nhồi đạn. Tôi
xin cam đoan với các anh: Pêtsôrin là một thằng nhát! Tôi sẽ đặt hai người đứng
cách nhau sáu bước, chà mẹ kiếp! Các ngài thấy thế có được không?
- Ý kiến hay quá! Đồng ý! Tại sao lại không nhỉ? - Từ tứ
phía đều có tiếng người la lối.
- Còn anh, anh Grusnixki?
Tôi nóng lòng chờ đợi câu trả lời của Grusnixki, một cơn
giận dữ lạnh lùng xâm chiếm tôi khi tôi nghĩ rằng nếu không có điều run rủi may
mắn này, tôi rất có thể sẽ trở thành trò cười cho tất cả cái tụi xuẩn ngốc này.
Nếu như Grusnixki từ chối, có lẽ tôi sẽ nhảy bổ vào ôm chầm lấy cổ anh ta.
Nhưng sau vài phút im lặng hắn đứng lên, đưa tay ra bắt tay lão đại úy và trịnh
trọng nói: “Hay lắm, tôi đồng ý!”.
Thật khó mà tả xiết nổi hoan hỉ của tất cả đám người tử tế
kia.
Tôi về nhà; xốn xang bởi hai cảm giác trái ngược nhau. Thứ
nhất là buồn bã. “Tại sao tất cả chúng nó lại căm ghét mình? – tôi nghĩ. – Tại
sao? Tôi có xúc phạm đến ai đó chăng? Không! Có thể nào tôi lại thuộc hạng
người mà người ta chỉ mới nhìn thấy mặt thôi cũng đã có ác cảm rồi?” Và tôi cảm
thấy rằng một cơn căm phẫn đầy nọc độc mỗi lúc một ứ lên trong tâm hồn tôi. Tôi
đi đi lại lại ở trong phòng và nói: “Hãy coi chừng, thưa ông Grusnixki! Không
đùa với tôi như thế được đâu! Ông có thể phải trả giá đắt chỉ vì ông đồng lòng
với những thằng bạn xuẩn ngốc của ông. Tôi không phải là thứ đồ chơi của ông!”
Suốt đêm tôi không hề chợp mắt. Sáng dậy, người tôi vàng như
nghệ.
Sáng nào tôi cũng gặp công tước tiểu thư ở bên giếng.
- Ông ốm hay sao thế? – nàng nhìn tôi chăm chú và nói.
- Đêm qua tôi không ngủ.
- Cả em cũng thế… Em oán ông… có lẽ không đúng chăng? Nhưng
ông hãy nói đi, em có thể tha thứ cho ông tất cả…
- Tất cả ư?
- Tất cả… có điều ông phải nói thật… Và nói mau lên… Liệu
ông có thấy, em đã suy nghĩ nhiều, cố giải thích, biện minh cho thái độ của
ông; có lẽ ông sợ cha mẹ em cản trở gì chăng… không có đâu; nếu các cụ biết…
(giọng nàng run run) em sẽ van nài các cụ. Hay là do địa vị của ông… nhưng ông
nên biết rằng em có thể hy sinh tất cả cho người em yêu… Ồ, ông trả lời nhanh
lên, hãy thương em với… ông không khinh em đấy chứ? Có phải thế không ông!
Nàng chộp lấy tay tôi. Bà công tước đi phía trước với chồng
Vêra và không trông thấy gì; nhưng những bệnh nhân đang đi hóng mát có thể nhìn
thấy: họ là những kẻ thóc mách nhất trong đám ngồi lê đôi mách; và tôi vội rút
ngay tay mình ra khỏi bàn tay nàng đang nồng nàn xiết chặt lấy tay tôi.
- Tôi sẽ nói hết sự thật với tiểu thư, - tôi trả lời, - tôi
sẽ không tìm cách tự bào chữa, cũng không giải thích hành vi của mình; tôi
không yêu tiểu thư…
Môi nàng hơi tái đi…
- Thôi để tôi yên! – nàng thều thào nói.
Tôi nhún vai, quay người lại và đi thẳng.
14 tháng 6
Đôi khi tôi tự khinh miệt mình… có phải vì thế mà tôi khinh
cả kẻ khác chăng?.. Tôi không thể có được những cơn hứng khởi cao quý; tôi sợ
trở thành khôi hài ngay đối với tôi. Vào địa vị tôi, một người khác có lẽ đã
dâng cho cô tiểu thư cả son coeur et sa fortune[54]; nhưng đối với tôi tiếng
lấy vợ như có quyền lực ma quái; cho dù tôi có yêu tha thiết một người đàn bà
nào đi nữa, nhưng nếu cô ta lại để lộ ra khiến tôi cảm thấy là tôi phải lấy cô
ta thôi, thì cũng xin vĩnh biệt ái tình! Trái tim tôi trở thành đá, và không gì
có thể hâm nóng lại được nữa. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả, trừ điều ấy; tôi có
thể hai chục lần liều mạng, thậm chí cả đến danh dự nữa… nhưng tôi sẽ không bán
tự do của tôi. Tại sao tôi lại quý nó đến thế? Tôi tìm thấy gì ở nó?.. tôi định
đi tới đâu? Tôi chờ đợi gì ở tương lai?.. Quả thật là chẳng có gì sất. Đấy là
tính sợ hãi bẩm sinh gì đó, một linh cảm khó hiểu… Bởi vì có những người sợ một
cách vô ý thức: sợ nhện, sợ gián, sợ chuột… Có nên nói ra điều này không nhỉ?..
Hồi tôi còn nhỏ một bà lão đã nói cho mẹ tôi biết lá số của tôi; bà ta đã nói
cho tôi biết trước là tôi sẽ chết vì tay một người vợ độc ác; thế là tôi mang
một ấn tượng rất sâu sắc từ đấy; tôi thấy việc lấy vợ là việc hết sức ghê
tởm!.. Tuy nhiên có cái gì đó vẫn nhắc nhở tôi là lời tiên đoán ấy sẽ thành sự
thật; nhưng ít ra tôi cũng cố làm sao cho điều ấy xảy ra càng chậm càng hay.
15 tháng 6
Hôm qua nhà ảo thuật Anphenbaum tới đây. Ở cửa tiệm ăn xuất
hiện một tấm quảng cáo dài thông báo cho đám quần chúng thượng lưu biết rằng
nhà ảo thuật, nhà nhào lộn, nhà hóa học và quang học kỳ tài nói trên sẽ được
cái hân hạnh tổ chức một buổi biểu diễn lớn ngay ngày hôm nay, vào lúc tám giờ
tối, trong phòng họp của giới Thượng lưu (nói cách khác là trong tiệm ăn). Giá
vé: hai rúp rưỡi.
Mọi người đều chuẩn bị đi xem nhà ảo thuật kỳ lạ ấy. Ngay cả
bà công tước Ligôpxkaia, tuy cô con gái của bà vẫn ốm nhưng bà vẫn lấy vé đi
xem.
Hôm nay, sau bữa cơm trưa, tôi đi ngang dưới cửa sổ nhà
Vêra; nàng ngồi một mình trên bao lơn, một mảnh giấy rơi xuống chân tôi: “Tối
nay, vào lúc mười giờ, tới gặp em, lên lối cầu thang lớn; chồng em đã đi
Piatigorxki và sáng mai mới về. Bọn gia nhân cũng như bọn tỳ nữ sẽ không ở nhà,
em đã phát vé cho tất cả bọn chúng cả đám gia nhân nhà bà công tước nữa! – Em
đợi anh; thế nào cũng đến nhé!”.
“A, ha, - tôi tự nhủ, - thế là cuối cùng mình cũng được thỏa
mãn!”.
Lúc tám giờ, tôi đi xem nhà ảo thuật. Gần mười giờ công
chúng mới tập trung đông đủ; buổi diễn bắt đầu. Ở mấy hàng ghế cuối, tôi nhìn
thấy đám gia nhân nhà Vêra và nhà bà công tước. Chẳng thiếu một ai. Grusnixki
ngồi ở hàng ghế đầu, mang chiếc kính có cán. Nhà ảo thuật mỗi lần cần đến cái
mùi xoa, cái đồng hồ, cái nhẫn và v.v… đều nhờ đến anh ta.
Đã lâu nay Grusnixki không chào hỏi tôi nữa, nhưng hôm nay
hắn nhìn tôi hai lần, vẻ láo xược. Tất cả cái đó hắn sẽ phải nhớ tới khi chúng
tôi phải thanh toán với nhau.
Gần mười một giờ, tôi đứng dậy và đi ra.
Bên ngoài, trời tối như mực. Những đám mây đen nặng nề, lạnh
lẽo nằm sóng soài trên những đỉnh núi lân cận; lâu lâu mới có một luồng gió
thoi thóp làm lay động mấy ngọn cây phong ở quanh tiệm ăn. Đám người đông đúc
chen chúc bên các cửa sổ. Tôi xuống đồi và khi đã ngoặc vào cổng, tôi bèn rảo
bước. Đột nhiên tôi cảm thấy như có ai đó đi ở phía sau tôi. Tôi dừng lại và
xem xét. Không tài nào nhận thấy gì trong đêm tối; để cho được cẩn thận, tôi đi
vòng quanh nhà, làm như thể đi dạo. Khi đi qua dưới cửa sổ nhà tiểu thư Mêri,
tôi lại nghe thấy tiếng bước chân ở phía sau; một người đàn ông, cuộn mình
trong chiếc áo ca pốt, chạy lướt qua rất nhanh. Điều đó khiến tôi lo lo nhưng
tôi vẫn cứ lén tới gần bậc tam cấp và vội vàng chạy tọt vào chân cầu thang tối
om. Cánh cửa mở ra, một bàn tay bé nhỏ nắm lấy tay tôi…
- Không ai trông thấy anh chứ? – Vêra vừa thì thào vừa áp
người vào tôi.
- Không!
- Bây giờ thì anh đã tin em yêu anh chưa? Ôi, thế mà em cứ
do dự mãi, cứ đau khổ mãi… nhưng bây giờ thì em đây, anh muốn làm gì thì làm.
Tim nàng đập mạnh, tay nàng lạnh như băng,… Những lời trách
móc của thói ghen tuông những lời cầu khẩn lại bắt đầu, - nàng đòi tôi phải thú
nhận hết với nàng, và nói rằng cho dù tôi có phản bội nàng thì nàng sẽ cam lòng
chịu đựng bởi vì nàng chỉ có một có một ước mong duy nhất là thấy tôi được sung
sướng! Điểu đó tôi không tin nàng lắm, nhưng để cho nàng yên lòng, tôi vẫn thề,
vẫn hứa v.v...
- Như vậy là anh không lấy Mêri chứ? Không yêu cô ta chứ?..
Thế mà cô ta cứ tưởng... anh có biết là cô ta mê anh như điên, như dại không,
tội nghiệp cho cô bé!
… …
…
Vào lúc gần hai giờ sáng, tôi mở cửa sổ, và bằng hai tấm
khăn san nối vào nhau, tỳ người vào cột tôi tụt từ bao lơn phía trên xuống bao
lơn phía dưới. Trong nhà Mêri vẫn sáng ánh đèn không hiểu cái gì đã xui tôi đi
tới bên ô cửa sổ ấy. Màn che chưa kéo kín hẳn nên tôi có thể tò mò nhìn vào
trong phòng. Mêri đang ngồi trên giường, khoanh tay trên gối, mái tóc dày vén
gọn dưới chiếc mũ con đội đêm có thêu rua; một tấm khăn quàng rộng màu hoa mào
gà phủ lên đôi bờ vai trắng, và hai bàn chân nhỏ bé giấu kín trong đôi giày Ba
Tư màu sặc sỡ. Nàng ngồi bất động, đầu cúi gằm; trên chiếc bàn nhỏ trước mặt có
một quyển sách đang mở, nhưng đôi mắt nàng bất động và u uất một nỗi buồn khôn
xiết, hình như đôi mắt ấy đã lướt đi lướt lại trên cùng một trang có đến hàng
trăm lần, mà đầu óc thì vẫn nghĩ vơ vẩn tận đâu đâu...
Trong lúc ấy, có ai đó động sột soạt ở phía sau bụi cây. Từ
trên bao lơn, tôi nhảy xuống đám cỏ. Một bàn tay vô hình đã túm lấy vai tôi.
- A-ha! - một giọng nói thô bạo kêu lên, - chết nhá!.. bắt
được quả tang đang đêm mò tới nhà công tước phu nhân!
- Giữ chặt lấy nó! - lại một người khác từ sau góc nhà lao
ra, kêu toáng lên.
Đó là Grusnixki và lão đại úy long kỵ.
Tôi nện vào đầu lão một quả làm lão ngã té ngửa, rồi đâm bổ
vào bụi cây. Tôi thuộc tất cả những đường ngang, lối tắt trong khu vườn trên
sườn đồi trước cửa nhà chúng tôi.
- Có trộm! Lính tuần đâu!.. - họ kêu toáng lên, có tiếng
súng nổ. Một quả đạn bùi nhùi còn đang bốc khói rơi ngay sát chân tôi.
Một phút sau, tôi đã về tới phòng mình, cởi áo và lên giường
nằm. Tên hầu của tôi vừa khóa cửa thì Grusnixki vào lão đại úy đến gõ cửa nhà
tôi.
- Pêtsôrin! Anh ngủ ư?.. Anh có nhà không?.. - lão đại úy
kêu lên. - Tôi đang ngủ, - tôi càu nhàu đáp.
- Dậy đi!.. Có trộm... Tụi Tserkex...
- Tôi đang sổ mũi, sợ nhiễm lạnh. - Tôi đáp.
Chúng bỏ đi. Thật là uổng, vì tôi đã lên tiếng: giá cứ để
cho bọn chúng tìm kiếm trong vườn thêm một giờ nữa. Trong khi đó thì tiếng báo
động đã nổi lên dữ dội. Một người Kôdắc phi ngựa nước đại từ pháo đài tới. Rồi
thì đâu đâu cũng nhốn nháo cả lên; người ta bắt đầu đi tìm tụi Tserkex trong
khắp các bờ bụi, và cố nhiên là chẳng thấy một tên nào. Nhưng nhiều người có lẽ
vẫn tin chắc rằng nếu đội lính canh, đội phòng vệ, dũng cảm và khẩn trương hơn
tí nữa thì ít ra cũng có vài chục thằng ác điểu phơi thây tại chỗ.
* * *
Hết phần bốn
* * *
Hết phần bốn
tiếp theo phần 5:http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2012/03/m.html
----------------------
Chú thích
[50] Bị kiểm duyệt thời Nga Hoàng (ND)
(1) Ðơn vị đo chiều dài cũ của Nga, bằng 4,4 cm.
(1) Tên một tạp chí xuất bản ở Pêterbua thời đó.
[51]Tiếng Pháp trong nguyên bản: đối diện.
[52] Tiếng Pháp: Vũ khúc bốn người một bộ.
[53] Một cái làng hay khu ngoại ô thành phố ở Nga vào thể kỷ
11-17, nằm trên đất của nhà nước hoặc lãnh chúa. Nghĩa thông thường chỉ khu
ngoại ô, cho nên chúng tôi sẽ dịch là Khu ngoại ô.
(1) Câu thơ ở lời mở đầu trong “Evgheni Oneghin” - tiểu
thuyết bằng thơ của Puskin.
(2) Nhà thơ lớn Italia, thế kỉ 16.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét