Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Một anh hùng thời đại - M. Lermontop (p2)


M. Lermontop

Anh Trúc dịch

Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội – 2000
(Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: “Gheroi Nasevo Vremenhi” của M. Lermontop - NXB “Tiếng Nga” - Matxcơva – 1988)
ГЕРОЙ НАШЕГО ВРЕМЕНИ – Издательство Москва 1988
--------------------------
Phần thứ hai

Nhật ký của Petsorin

Lời nói đầu

Gần đây tôi được biết Pêtsôrin đã qua đời khi ở Ba Tư về. Tin này làm cho tôi rất vui: tôi được quyền cho công bố những trang ký này, và lợi dụng cái chết ấy để ký tên mình vào một tác phẩm không phải của tôi. Lạy chúa, mong sao độc giả không trừng phạt tôi về cái chuyện man trá vô tội này!
Bây giờ thì tôi phải giải thích đôi lời về lý do khiến tôi công bố những điều bí mật sâu kín nhất của một người tôi chưa hề quen biết. Giá tôi lại là bạn anh ta, thì ai cũng hiểu được cái thói hiếu thắng hiểm độc của một người bạn chân chính. Nhưng đời tôi, tôi chỉ thấy anh ta có một lần trên dọc đường đi xa, vậy thì đối với anh tôi không thể nuôi lòng hận thù thầm lặng, được che giấu dưới cái mặt nạ tình bạn, và chỉ đợi đối tượng thân yêu của mình chết hoặc gặp tai nạn để trút lên đầu anh ta hàng loạt những điều chê trách, khuyên nhủ, giễu cợt và thương cảm.
Ðọc lại những dòng bút ký này, tôi thấy tin ở lòng thành khẩn của một người đã thẳng tay tự bóc trần những nhược điểm và khuyết tật của mình. Lịch sử một tâm hồn con người dù là một tâm hồn nhỏ bé nhất, chưa hẳn đã kém thú vị và bổ ích hơn lịch sử của cả một dân tộc, nhất là khi nó lại là kết quả quan sát của một khối óc chín muồi về bản thân mình và khi nó được viết ra không phải với tham vọng hiếu danh nhằm gây lòng thiện cảm hay thán phục. Lời sám hối của Rútxô[20] mắc phải cái khuyết điểm này vì ông đã đem đọc cho bạn bè nghe.
Vậy thì chỉ riêng ý muốn giúp ích thôi đã khiến tôi quyết định cho in một số đoạn trong cuốn nhật ký ngẫu nhiên rơi vào tay. Mặc dù tôi đã đổi hết họ tên, nhưng những người được nhắc đến ở đây, có lẽ sẽ nhận ra được mình, và có lẽ họ sẽ tìm được lý lẽ biện bạch cho những hành động mà cho đến nay họ vẫn còn kết tội cho một con người không còn gì chung đụng với cuộc đời này nữa: chúng ta hầu như bao giờ cũng sẵn lòng tha thứ cho những điều mà chúng ta đã hiểu ra.
Tôi chỉ đưa vào cuốn sách này cái phần liên quan đến Pêtsôrin lúc anh ta ở Kapka, trong tay tôi còn có một quyển vở lớn, trong đó anh kể lại toàn bộ cuộc đời mình. Rồi cũng có lúc nó sẽ được đưa ra cho thiên hạ phán xét; Nhưng hiện giờ; tôi chưa dám đảm đương trách nhiệm này vì nhiều lý do quan trọng.
Có thể một số độc giả muốn biết tôi nghĩ thế nào về cá tính của Pêtsôrin? Ðề mục cuốn sách này là câu trả lời của tôi. Họ sẽ nói: “Nhưng đó là một sự mỉa mai tàn nhẫn quá!”, họ bảo thế. – Tôi không biết.


I. Taman

Taman là một thành phố nhỏ tồi tệ nhất trong tất cả các thành phố duyên hải của nước Nga. Tôi đã suýt chết đói ở đó, và tệ hơn, người ta còn muốn dìm chết tôi nữa cơ. Tôi đi xe ngựa trạm tới nơi vào lúc đêm đã khuya. Người đánh xe dừng chiếc xe tam mã mệt lử trước cổng một ngôi nhà đá độc nhất ở ngay bên đường đi vào thành phố. Nghe tiếng chuông ngựa leng keng, một anh lính gác người Kôdắc miền Hắc Hải, hét toáng lên, giọng thô lỗ của người còn ngái ngủ: “Ai đến đấy!”. Một trung sĩ người Kôdắc và một anh dân vệ bước ra. Tôi giải thích cho họ biết tôi là sĩ quan đang trên đường tới đơn vị tác chiến theo công lệnh, và đòi được xếp vào một căn hộ do nhà nước đài thọ. Người dân vệ dẫn chúng tôi qua khắp các phố, nhưng không thể nào tìm được một túp lều còn rảnh rỗi. Trời thì rét mà đã ba đêm nay tôi chưa được ngủ, tôi thấy kiệt lực nên bắt đầu nổi cáu: “Ðồ kẻ cướp, hãy dẫn tao đi đâu thì dẫn, đến nhà quỷ nhà ma nào cũng được, miễn là còn chỗ!” - tôi hét lên. “Cũng còn một cái nhà xấu xí đấy, - người dân vệ gãi tai đáp,- chỉ sợ quan lớn không vừa ý; chỗ ấy tệ mạt lắm!”. Không hiểu rõ ý nghĩa lời sau cùng của anh ta, nên tôi cứ ra lệnh dẫn tôi đến đấy; sau khi đã len lỏi hồi lâu qua những cái hẻm chật chội bẩn thỉu mà hai bên chỉ toàn là những bờ dậu đổ nát, chúng tôi tới một ngôi nhà nhỏ ở sát ngay bờ biển.
Trăng rằm chiếu sáng mái nhà bằng lau và những mảng vách trắng của căn nhà tôi mới đến; trong cái sân có tường bao quanh xây bằng đá hộc còn có một túp lều khác nữa xiêu vẹo, bé hơn và cũ hơn đứng kề sát bên căn lều này. Nó nằm gần như sát ngay mép bờ dốc đi xuống biển, và ở phía dưới, những ngọn sóng xanh sẫm vỗ vào bờ rì rào không ngớt. Trăng yên tĩnh nhìn xuống mặt nước xáo động nhưng ngoan ngoãn, và nhờ ánh trăng tôi có thể nhận thấy ở nơi cách xa bờ có hai chiếc tàu với những sợi dây đen chằng chịt như mạng nhện, lặng lẽ in hình trên chân trời nhạt. “Có tàu đậu ngoài bến, - tôi nghĩ, sáng mai mình sẽ đi Ghêlengích”.
Tôi có một người lính hầu, một người Kôdắc miền biên thùy. Sau khi bảo hắn xách lấy va ly và cho xe đi, tôi lên tiếng gọi chủ nhà - không có tiếng trả lời, tôi gõ cửa - vẫn im ắng... sao thế nhỉ? Cuối cùng một đứa bé chừng mười bốn tuổi từ trong phòng ngoài bò ra. “Ông chủ nhà đâu?”. “Hông[21] có”, “Sao? Không có ai cả à?”, “Hông”, “Thế bà chủ?”, “Ði hố”. “Ai sẽ mở cửa cho tao?”[22] - tôi nói và giơ chân đạp vào cánh cửa. Cánh cửa tự mở, cănnhà bốc lên mùi ẩm ướt.
Tôi đánh một que diêm và giơ sát dưới mũi thằng bé: que diêm soi rõ hai con mắt trắng dã. Nó mù, mù bẩm sinh. Nó đứng trước mặt tội không động đậy và tôi bắt đầu ngắm kỹ nét mặt nó. Xin thú thật là tôi vốn có thành kiến rất nặng đối với tất cả những người mù, chột, điếc, câm, cụt chân, cụt tay, gù v.v... Tôi nhận thấy con người ta bao giờ cũng có một mối liên hệ kỳ lạ thế nào đó giữa ngoại hình và nội tâm, tuồng như nếu mất đi một bộ phận thì tâm hồn cũng sẽ mất đi một cảm xúc nào đó.
Thế là tôi bắt đầu quan sát khuôn mặt thằng mù, “nhưng các bạn thử nói xem còn có thể đọc được cái gì trên một khuôn mặt không có mắt?.. Tôi nhìn ngắm nó khá lâu và bất giác lại thấy thương, thì bỗng một nụ cười kín đáo lướt trên làn môi mỏng dính của nó, và tôi không biết vì sao nụ cười kia lại gây cho tôi một cảm giác khó chịu nhất. Trong đầu tôi bỗng thấy nghi ngờ rằng nó không mù như người ta tưởng. Tôi đã hoài công cố thuyết phục mình rằng làm sao có thể tự tạo ra những cái nhài quạt ở trên mắt, vả lại làm thế để làm gì? Nhưng biết làm sao được? Tôi thường có những thành kiến như vậy.
“Mày là con cái trong nhà ư?” – Cuối cùng tôi hỏi nó. “Hông”. “Vậy mày là ai?” – “Một đứa mồ côi khốn khổ!” – “Thế bà chủ có con cái gì không?” “Hông, có cô con gái, nhưng cô đã bỏ đi về phía bên kia biển với một người Tatar’, - “Với người Tatar như thế nào?”. “Có quỷ mới biết được hắn! Một người Tatar vùng Krum, làm lái đò ở Kertia”.
Tôi vào nhà; hai chiếc ghế dài và một cái bàn, với một chiếc hòm to nằm cạnh lò, đó là tất cả các đồ đạc trong nhà. Trên tường không có tượng chúa - một dấu hiệu chẳng tốt lành gì! Gió biển lùa vào qua một tấm kính vỡ. Tôi lấy ở va ly ra một mẩu nến, thắp lên, và bắt đầu sắp xếp đồ đạc, dựng thanh kiếm và cây súng vào một góc, đặt mấy khẩu súng lục lên bàn, trải chiếc áo khoác buốc ca cả lên một chiếc ghế dài, người lính hầu Kôdắc cũng trải chiếc áo của mình lên một chiếc ghế khác; mười phút sau, hắn đã ngáy, còn tôi thì không tài nào ngủ được: tôi vẫn thấy trước mắt tôi thằng bé mắt trắng đang lởn vởn trong bóng tối.
Gần một giờ trôi đi như thế. Ánh trăng chiếu qua của sổ, nô giỡn trên nến nhà đất. Đột nhiên một bóng đen lao vút qua vùng có ánh sáng cắt ngang nền nhà. Tôi nhổm người lên và nhìn qua cửa sổ: lần thứ hai, một bóng người đi qua rất nhanh và biến mất, có trời biết là đi đâu. Tôi không thể nghĩ rằng cái bóng ấy lại tụt xuống theo bờ dốc. nhưng hắn cũng không thể đi lối nào khác. Tôi ngồi dậy, khoác lên người chiếc áo besmet, dắt con dao nhọn vào thắt lưng và rón rén đi ra khỏi nhà; thằng mù đi tới phía tôi. Tôi dán người vào hàng rào, và nó đi qua gần bên tôi, bước đi chắc chắn nhưng thận trọng, nách cắp một gói gì đó, hắn đi về phía bến tàu, tụt xuống một đường mòn hẹp và dốc. “Trong những lúc như thế này, người câm bật nói, và kẻ mù sẽ sáng” tôi nghĩ và đi theo cách nó một quãng để khỏi mất hút. Giữa lúc đó thì trăng luồn vào trong mây và sương mù bốc lên trên mặt biển; qua lớp mù dày đặc le lói một ngọn đèn trên mạn lái của chiếc tàu gần bờ; bọt sóng bên các tảng đá sáng loáng lên ở dải bờ luôn đe dọa nhấn chìm con tàu kia. Tôi chật vật lắm mới tụt xuống hết cái dốc thẳng đứng thì thấy: thằng mù dừng lại một lát rồi rẽ sang phải, đi theo một lối mòn; xuống biển; hắn đi sát nước đến nỗi tôi có cảm giác là lúc nào ngọn sóng cũng có thể chộp lấy nó và cuốn đi. Nhưng trông hắn bước từ hòn đá này qua hòn đá khác, tránh những hố trũng một cách dễ dàng tự tin thì đủ biết đây không phải là lần đầu nó đi dạo ở đây. Cuối cùng nó dừng lại, hình như để nghe ngóng một tiếng động nào đó, rồi ngồi thụp xuống đất và đặt cái gói xuống cạnh người. Nấp sau một tảng đá ở bên mép bờ vực tôi quan sát được tất cả mọi hành động của nó. Mấy phút sau, ở phía đối diện, một bóng trắng hiện ra, đến gần thằng mù và ngồi xuống cạnh nó. Thỉnh thoảng gió thoáng tới tai tôi loáng thoáng những mẩu chuyện.
- Cái gì thế này, hả mù? - Tiếng một phụ nữ nói, - biển động dữ dội, Iăngkô sẽ không tới được đâu.
- Iăngkô không sợ bão, - thằng mù đáp.
- Sương mù mỗi lúc một dày đặc, - tiếng người phụ nữ lại vang lên, đượm một vẻ buồn.
- Trong sương mù, càng dễ tránh những con tàu tuần canh, - lại có tiếng đáp.
- Nhưng nhỡ anh ấy chết đuối thì sao?
- Còn sao nữa? Chủ nhật, chị sẽ không có khăn mới để đi lễ.
Sau đó lại im lặng; thế nhưng có điều làm tôi ngạc nhiên là thằng mù hồi nãy nói với tôi bằng thổ ngữ Tiểu Nga[23] nhưng lúc này lại nói bằng tiếng Nga rất sành sỏi.
- Ðấy chị xem, tôi nói đúng mà, - thằng mù vỗ tay nói tiếp, - Iăngkô không sợ biển, sợ gió, sợ mù, sợ lính đoan mà. Nghe xem, đó không phải tiếng sóng vỗ, không lừa được em đâu, đó là tiếng mái chèo dài của anh ấy đấy!
Người đàn bà đứng bật đậy, và bắt đầu nhìn ra phía xa vẻ bồn chồn.
- Mày lại mê sảng rồi, mù ạ, - cô ta nói, - tao không trông thấy gì hết.
Thú thật là tôi cũng cố căng mắt nhìn ra phía xa nhưng không thấy một vật gì giống cái thuyền cả. Mười phút qua như thế; bỗng nhiên một chấm đen hiện ra giữa những ngọn sóng cao như núi, khi to, khi nhỏ. Một chiếc thuyền từ từ nhô lên trên đỉnh ngọn sóng, thoắt cái lại tụt xuống ngay để mỗi lúc một gần bờ. Kẻ nào dám vượt qua eo biển rộng hai mươi dặm, trong một đêm tối như thế này, kể cũng to gan thật; và cái lý do thúc đẩy hắn ta hẳn phải là quan trọng lắm! Vừa nghĩ như thế tôi vừa ngắm chiếc thuyền đáng thương kia, bất giác thấy tim mình đập mạnh: nó chao ngụp xuống như một con vịt sau đó đôi mái chèo lại vùng vẫy nhanh nhẹn như đôi cánh, đưa nó nhô ra khỏi vực thẳm giữa những đám bọt, và có lúc tôi đã tưởng với đà lao đi như thế nó ắt sẽ đập vào bờ và vỡ tan tành ra từng mảnh, vậy mà nó lại quay ngang, giơ sườn ra đỡ sóng một cách khéo léo, rồi lướt vào một cái vũng con, bình yên vô sự. Bước xuống khỏi thuyền là một người tầm vóc trung bình, đầu đội mũ trùm Tatar bằng da cừu, hắn vẫy tay ra hiệu và cả ba cùng hợp lực kéo những vật gì đó ra khỏi thuyền; và cho đến nay tôi vẫn không hiểu nổi tại sao chở nặng như thế mà con thuyền lại không chìm. Chúng mang trên vai mỗi đứa một bọc rồi men theo bờ biển mà đi xa dần và chẳng mấy chốc đã mất hút. Phải trở về thôi; nhưng cũng xin thú thật là tất cả những việc kỳ lạ ấy đã làm tôi lo lắng, và tôi nóng lòng mong cho trời chóng sáng.
Người hầu Kôdắc của tôi rất đỗi ngạc nhiên khi tỉnh dậy đã thấy tôi ăn mặc chỉnh tề; thế nhưng tôi không nói cho hắn biết vì sao. Qua cửa sổ tôi ngắm một lúc bầu trời xanh với những mảnh mây rách bươm trôi lơ lửng, xa xa bờ biển Krưm trải dài thành một dải màu tím nhạt và cuối cùng là một mũi đất mang trên mình cái tháp hải đăng trắng lấp lánh, sau đó tôi tới pháo đài Phanagoria để hỏi ông chỉ huy trưởng pháo đài xem lúc nào có thể đáp tàu đi Ghelengích. Nhưng chao ôi! Ông chỉ huy trưởng không thể cho biết một chút gì chắc chắn cả. Những chiếc tàu mà tôi thấy ở bến thì hoặc là tàu bảo vệ bờ biển hoặc là tàu buôn thậm chí chưa ăn hàng. “Có lẽ độ ba bốn hôm nữa tàu chở thư mới tới, - ông chỉ huy trưởng nói, - lúc ấy ta sẽ liệu”. Tôi ra về trong lòng rất bực dọc. Tên lính Kôdắc đợi tôi trên ngưỡng cửa, vẻ mặt hốt hoảng:
- Bẩm quan lớn, lại không xong rồi! - hắn nói với tôi.
- Nhưng anh bạn ơi, có trời biết khi nào chúng ta mới rời khỏi được nơi này!
Lúc ấy hắn càng tỏ ra lo sợ hơn, và hắn nghiêng người về phía tôi, nói nhỏ:
- Ở đây tồi tệ lắm! Hôm nay, tôi có gặp một ông trung sĩ Kôdăc gốc Hắc Hải, tôi có quen ông ta, ông ta cùng ở một đội với tôi năm ngoái; tôi có nói chỗ chúng ta trú ngụ, ông ta đã bảo tôi: “Này ông bạn ơi! Nơi ấy tồi tệ lắm... Toàn bọn người bất lương...” Mà đúng vậy, cái thằng mù kia thế nào mà cứ một mình đi khắp nơi: đi chợ, đi múc nước, đi mua bánh mỳ thế nhỉ?.. Hình như ở đây người ta đã quen thấy nó như thế...
- Thế thì sao! Ít ra hôm nay mụ chủ cũng xuất hiện rồi chứ?
- Hôm nay lúc ngài đi vắng, một mụ già đã tới cùng với đứa con gái mụ.
- Con gái nào? Mụ ta làm gì có con gái?
- Nhưng có trời mà biết được con mụ ấy, nếu không phải con, thì chả hiểu con bé là ai? Mà kia kìa, mụ ta đang ở trong nhà đấy.
Tôi vào nhà: lửa cháy trong lò nóng rực, trong lò đang nấu bữa ăn trưa, một bữa ăn khá thịnh soạn đối với người nghèo. Đáp lại tất cả những câu tôi hỏi, mụ già nói là mụ điếc không nghe thấy gì cả. Biết làm thế nào với mụ ta bây giờ? Tôi ngoảnh sang thằng mù đang ngồi trước lò ném cành khô vào lửa. “Thế nào, thằng quỷ mù này, - tôi vừa nói vừa véo tai nó, - mày nói đi, đêm qua mày xách cái bọc đi đâu, hả?”. Bỗng nhiên thằng mù của tôi khóc toáng lên và kêu ôi ổi: “Tôi đi đâu đấy ư?.. Tôi hông đi đâu cả!.. lại mang theo cả cái bọc nữa kia? làm gì có cái bọc nào?”. Lần này thì mụ già nghe được, mụ càu nhàu: “Thiên hạ chỉ được cái khéo bịa chuyện, mà lại bịa đặt cho cái kẻ tàn tật nữa kia chứ! Ông muốn làm gì nó? Nó đã làm gì ông?”. Thế là tôi chán ngấy. Tôi bỏ ra ngoài, định tâm quyết tìm cho ra manh mối cãi việc bí hiểm kia.
Tôi cuộn mình trong chiếc áo khoác và ngồi xuống một hòn đá bên hàng rào, đưa mắt nhìn ra xa: Trước mắt tôi, biển rộng mênh mông, còn xáo động vì cơn bão hồi đêm. Tiếng sóng biển đều đều như tiếng rì rầm của một thành phố đang ngủ, làm tôi nhớ đến những năm xưa khiến tôi thấy hồn bay về phương Bắc, về thủ đô giá buốt của chúng ta. Chìm đắm trong những kỷ niệm, tôi quên đứt tất cả... Gần một giờ trôi qua như thế, có lẽ là hơn.
Bỗng nhiên, có tiếng gì đó nghe như tiếng hát vẳng đến tai tôi. Đúng, đó là tiếng hát, một giọng nữ tươi mát - nhưng từ đâu vọng đến?.. Tôi lắng tai... Ðó là một giai điệu cổ, khi thì chậm rãi và buồn, khi lại nhanh và vui. Tôi ngó quanh, không một bóng người. Tôi lại lắng tai nghe, những âm thanh như từ trên trời rơi xuống. Tôi ngước mắt nhìn lên: đứng trên mái nhà tôi ở là một cô gái mặc áo kẻ sọc, những bím tóc buông xõa, một nàng tiên cá đích thực rồi! Tay che mắt tránh những tia sáng mặt trời, nàng đăm đắm nhìn về phía xa, khi thì cười nói một mình, khi thì lại cất tiếng hát.
Bài hát ấy tôi nhớ từng lời:
“Những con tàu xinh xinh
Những con thuyền buồm trắng
Đi lại trên biển xanh
Như giữa đời phóng khoáng.
Con thuyền nhỏ của tôi
Con thuyền không thiết bị,
Chỉ hai mái chèo thôi,
Đi giữa tàu thuyền ấy.
Bão tố có nổi lên.
Những tàu thuyền lão luyện
Dâng cánh bay nhẹ nhàng
Tung hoành trên sóng biển.
Còn tôi sẽ rạp mình
Cúi lạy xin với biển:
“Ôi hung dữ biển khơi,
Thuyền tôi biển đừng động;
Con thuyền tôi chở nặng
Những báu vật tuyệt vời,
Lái thuyền trong đêm tối
Ngang tàng một chàng trai”.
Tôi chợt có ý nghĩ rằng đó chính là cái giọng nói tôi đã nghe thấy đêm trước; tôi nghĩ ngợi một lát, và lại nhìn lên mái nhà, thì cô gái đã biến đâu mất... Đột nhiên cô chạy lướt qua mặt tôi miệng hát một bài hát khác, bẻ ngón tay kêu răng rắc, rồi chạy thốc vào nhà mụ già, và ngay lúc đó có tiếng cãi cọ. Cô gái cười khanh khách, còn mụ già thì nổi cáu. Thế rôi tôi lại thấy con thủy quái của tôi chạy nhảy tâng tâng, khi đến gần tôi, cô dừng lại và chăm chú nhìn thẳng vào mắt tôi như ngạc nhiên vì thấy tôi ở đây; sau đó cô quay ngoắt đi vẻ khinh mạn và thong thả đi ra bến tàu. Nhưng đâu đã hết: suốt ngày cô cứ lởn vởn quanh nhà, nhảy nhót và hát hỏng luôn mồm. Một cô gái kỳ lạ! Trên mặt cô không có vẻ gì là điên dại. Trái lại, cặp mắt cô nhìn tôi một cách sắc sảo, tinh ranh, và cặp mắt ấy hình như có cái tài áp đảo đầy ma lực, và lúc nào nó cũng có vẻ như chờ một câu hỏi. Nhưng hễ tôi mở miệng là cô bé chạy mất, miệng cười quỷ quyệt.
Quả là tôi chưa hề thấy một người đàn bà nào như thế. Cô bé không có gì là đẹp, nhưng tôi lại có quan niệm riêng về cái đẹp đàn bà. Ở cô còn có nhiều huyết thống... huyết thống ở đàn bà, cũng như của những con ngựa cái, đó là điều vĩ đại; chính nước Pháp trẻ trung đã khám phá ra điều này. Nó, tức là huyết thống chứ không phải nước Pháp trẻ, biểu lộ rõ rệt nhất ở dáng dấp, ở đôi tay và đôi chân; nhất là mũi, cái có rất nhiều ý nghĩa. Ở nước Nga, một cái mũi hài hòa hiếm hơn là một đôi chân nhỏ nhắn.
Con chim nhỏ của tôi trông không quá mười tám. Thân hình cô uyển chuyển tuyệt diệu, cái dáng điệu nghiêng đầu của cô mới thật độc đáo, một dáng điệu chỉ riêng cô có, mái tóc dài màu vàng sẫm, nước da hơi rám nắng ớ cổ và vai nổi ánh vàng rực rỡ; nhất là cái mũi cân đối của cô, tất cả đều làm cho hồn tôi mê mẩn. Mặc dù trong ánh mắt liếc ngang liếc dọc của cô tôi vẫn thấy một cái gì như hoang dã và khả nghi, tuy nụ cười kia luôn luôn chứa đựng một cái gì mơ hồ, nhưng đó là sức mạnh của những định kiến, cái mũi cân đối đã làm tôi mất trí. Tôi tưởng mình đã tìm thấy nàng Minông của Gơtơ[24], một sáng tạo kỳ quái của óc tưởng tượng kiểu Đức, - mà quả là giữa hai người có nhiều điểm giống nhau: hai người cùng có những biến đổi mau lẹ về tâm tình như nhau: đang xúc động ghê gớm bỗng trở lại tĩnh lặng hoàn toàn, cũng có những cách nói khó hiểu, cũng có dáng đi nhảy nhót, cũng có những khúc ca kỳ lạ như vậy.
Vào lúc chập tối tôi chặn cô lại bên ngưỡng của và nói với cô câu chuyện như sau:
“Này cô em xinh đẹp, hãy nói ta nghe, - tôi hỏi cô, - hôm nay cô em làm gì trên mái nhà thế hả?” – “Em lên xem gió thổi từ đâu tới” – “Ðể làm gì vậy?”- “Gió từ đâu tới thì hạnh phúc cũng từ nơi ấy về” - “Cô nói sao? Chẳng lẽ cô hát để gọi hạnh phúc ư?”- “Đâu có lời ca, nơi ấy có hạnh phúc” – “Nhưng lỡ tiếng hát của cô lại gây cho mình đau khổ nhiều hơn thì sao?” – “Chao ôi, biết nói sao? nơi nào không tốt đẹp lên, nơi ấy ắt sẽ xấu đi, nhưng từ tốt đến xấu có xa nhau là mấy”. – “Ai đã dạy cô bài hát này?” – “Chả ai dạy cả, em nghĩ sao thì hát vậy, ai cần nghe thì nghe, còn những ai không cần, sẽ chả hiểu gì đâu” – “Thế tên cô là gì, hỡi nàng tiên ca hát của tôi?” – “Ai đã đặt tên thì người ấy biết” - “Nhưng người đặt tên đó là ai?” – “Làm sao em biết được” – “Sao mà bí hiểm thế, vậy mà ta vẫn biết đôi điều về cô rồi đấy!”. (Cô ta không thay đổi sắc mặt, không hé răng, tuồng như việc này chả liên quan gì đến cô). “Ta biết đêm qua cô em đã ra bờ biển”. Và ngay lúc đó, với vẻ mặt nghiêm trang tôi nói lại với cô tất cả những điều tôi đã chứng kiến, tưởng rằng tôi sẽ làm cô lúng túng, - không mảy may! Cô cười phá lên: “Ông đã thấy nhiều nhưng không biết được bao nhiêu đâu, còn những gì ông biết thì hãy để bụng” – “Nhưng nếu giả dụ tôi lại đi mách với ông chỉ huy trưởng thì sao?”, và lúc ấy tôi đã làm ra vẻ rất đứng đắn đến mức như nghiêm khắc. Đột nhiên cô bé nhảy cẫng lên một cái, miệng cất tiếng hát và biến mất như một con chim sợ hãi vụt bay lên khỏi bụi rậm. Những lời tôi nói sau cùng thật là không phải lúc. Bây giờ tôi đâu có ngờ được hết tầm quan trọng của chúng, nhưng sau đó tôi đã có dịp để hối hận.
Ðêm vừa xuống, tôi ra lệnh cho người lính Kôdắc đun ấm nước như mọi khi đóng quân ngoài trời. Tôi thắp nến lên và ngồi xuống cạnh bàn, hút thuốc bằng chiếc tẩu đi đường. Tôi vừa uống xong chén trà thứ hai thì thình lình nghe tiếng cánh cửa kêu kèn kẹt một tiếng rồi phía sau có tiếng áo sột soạt và tiếng chân bước nhẹ; tôi rùng mình và quay lại - đúng là nó, con thủy quái của tôi! Cô bé lặng lẽ và khẽ khàng ngồi xuống trước mặt tôi và đôi mắt cô đắm đắm nhìn tôi, và không hiểu tại sao, cái ánh mắt ấy đối với tôi lại trìu mến đến thế; nó làm tôi nhớ tới một trong những ánh mắt thuở xưa đã đùa bỡn đời tôi một cách độc đoán. Cô ta như đợi tôi hỏi, nhưng tôi vẫn nín thinh, lòng rạo rực khôn tả. Mặt cô ta phủ một lớp màng tái mét không chút sinh khí, biểu lộ tâm hồn bị kích động; tay cô sờ soạng vẩn vơ trên bàn, và tôi thấy cô hơi hồi hộp; ngực cô khi thì phồng cao lên khi thì như cố nín thở. Tôi đã bắt đầu chán cái tấn trò này, và đang định phá tan sự im lặng bằng một cách rất phàm tục, nghĩa là mời cô xơi chén trà, thì đột nhiên cô chồm dậy, đưa hai tay bá lấy cổ tôi, và hôn đánh chụt một cái lên môi tôi, một cái hôn ướt át và nóng hổi. Mắt tôi hoa lên, đầu tôi choáng váng, tôi ôm ghì lấy cô với tất cả sức mạnh của dục vọng tuổi trẻ, nhưng cô bé đã luồn khỏi tay tôi như một con rắn, và ghé vào tai tôi thì thầm: “Tối nay khi mọi người đã ngủ, anh nhớ ra bờ biển”, - rồi nhanh như tên bắn, cô chạy vụt ra khỏi phòng. Ra đến phòng ngoài cô vấp làm đổ cả ấm nước và ngọn nến để trên nền đất. “Rõ đồ yêu tinh” - người lính Kôdắc kêu lên; lúc ấy hắn ta đã ngồi trên ổ rơm và đang mong được uống nốt chỗ trà thừa cho ấm bụng. Mãi lúc ấy tôi mới như bừng tỉnh lại.
Ðúng hai giờ sau, khi mọi vật trên bến tàu đã im ắng, tôi mới đánh thúc anh lính Kôdắc dậy và bảo hắn: “Nếu nghe thấy tiếng súng ta bắn thì chạy ngay ra bờ biển”. Hắn mở to đôi mắt, đáp như cái máy: “Bẩm quan lớn, vâng ạ!”. Tôi dắt khẩu súng ngắn vào thắt lưng và đi ra. Cô ta đứng đợi tôi gần bờ dốc đi xuống biển; cô ăn mặc quá mỏng manh, tấm khăn nhỏ quấn chặt lấy cái eo mềm mại.
“Hãy theo em!” - cô ta vừa nói vừa nắm lấy tay tôi, và chúng tôi đi xuống. Ðến nay tôi vẫn không hiểu sao tôi lại không bị ngã gẫy cổ; đến chân dốc, chúng tôi rẽ về phía phải, và đi trên con đường tôi đã đi theo thằng mù đêm hôm trước. Trăng chưa lên và chỉ có hai ngôi sao nhỏ giống như hai ngọn hải đăng cứu hộ, lấp lánh trên nền trời xanh đen.
Sóng biển nặng nề lăn đi, nhịp nhàng và đều đặn hết đợt này đến đợt khác, nhẹ nâng con thuyền cô quạnh đậu bên bờ. “Chúng ta lên thuyền đi!”, - cô bạn đồng hành của tôi nói, tôi do dự - tôi không ham thích những cuộc dạo chơi tình cảm trên mặt biển; nhưng thoái lui thì đã muộn. Cô nhảy lên thuyền, tôi lên theo sau, và tôi chưa kịp trấn tĩnh thì đã thấy thuyền bồng bềnh trôi ra. “Thế nghĩa là thế nào?” - tôi hỏi xẵng giọng. “Thế nghĩa là - cô ta vừa đáp vừa dìu tôi ngồi xuống và đưa hai tay ra và ôm lấy người tôi, - thế nghĩa là em yêu anh!”. Cô áp má vào má tôi, và tôi cảm thấy trên mặt mình hơi thở nồng cháy của cô. Thình lình một vật gì rơi tõm xuống nước; tôi đưa tay lên thắt lưng - súng ngắn đâu mất rồi! Thế là trong đầu tôi hiện lên ngay một mối nghi ngờ rùng rợn, máu bốc lên đầu! Tôi ngoảnh lại - chúng tôi đã ra xa bờ tới gần năm mươi xagien[25], mà tôi thì không biết bơi! Tôi muốn ẩy cô ta ra nhưng nó cứ bám lấy quần áo tôi như con mèo, và đột nhiên nó hất mạnh một cái làm tôi suýt nữa thì lăm tòm xuống biển. Thuyền chòng chành, nhưng tôi vẫn giữ được thăng bằng, và hai đứa bắt đầu một cuộc vật lộn ác liệt; cơn điên khùng làm sức tôi tăng lên gấp bội, nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ra rằng đối phương nhanh nhẹn hơn tôi nhiều... “Mày muốn gì?” - tôi thét lên, bóp chặt đôi bàn tay bé nhỏ của nó; ngón tay nó kêu răng rắc, nhưng nó không hề kêu lên một tiếng; với bản tính hiểm độc nó chịu đựng được cơn thử thách này.
“Mày đã thấy, - nó nói, - mày sẽ tố giác chúng tao!”, và dốc hết toàn lực siêu nhiên nó vật tôi ngã xuống mạn thuyền; nửa mình trên của hai đứa chúng tôi đã nhô ra ngoài thuyền; tóc nó chấm nước; giờ phút quyết liệt. Tôi tì đầu gối xuống lòng thuyền, một tay túm tóc, một tay bóp cổ họng, nó buông áo tôi ra, và tôi xô ngay nó xuống biển.
Trời khá tối; đầu nó nhấp nhô hai lần giữa đám bọt biển rồi sau đó thì tôi không thấy gì nữa...
Dưới đáy thuyền, tôi tìm thấy một nửa cái bơi chèo cũ, và cố gắng mãi rồi tôi cũng cập được vào bờ. Lúc men theo bờ biển để về nhà, tự nhiên tôi ngoảnh sang phía mà đêm trước thằng mù đã ra đợi người lái đò đêm; trăng trườn đi trên bầu trời, và tôi có cảm giác hình như có ai đó bận đồ trắng ngồi trên bờ; tò mò, tôi rón rén lại gần, và nằm bẹp xuống cỏ trên đỉnh bờ vực. Nhô đầu ra một chút, và từ trên vách đất tôi có thể thấy tất cả những việc xảy ra ở phía dưới và tôi không chút ngạc nhiên mà còn lấy làm vui thích khi nhận ra đó là nàng tiên cá của tôi. Cô đang vuốt bọt biển khỏi mái tóc dài; chiếc áo ướt dính bết vào người làm nổi bật lên tấm thân mềm mại và cặp vú cao căng phồng. Trong chốc lát từ phía xa một chiếc thuyền ló ra rồi lướt mau tới. Cũng như hôm qua, một người đàn ông đầu đội mũ Tatar nhưng tóc lại cắt theo kiểu Kôdăc bước lên bờ và một con dao to lủng lẳng ở thắt lưng. “Iăngkô - cô nói, hỏng hết rồi!” - Sau đó câu chuyện giữa họ còn dài nhưng tiếng nói nhỏ đến nỗi tôi không nghe được. Cuối cũng Iăngkô cao giọng hỏi: “Còn thằng mù, nó đâu?” – “Em đã bảo nó đi rồi”, có tiếng đáp lại. “Vài phút sau thì thằng mù xuất hiện, lưng cõng một cái bị; chúng đặt bị lên thuyền.
- Mù này, nghe tao nói đây, - Iăngkô nói, - mày cứ giữ lấy chỗ đó... mày biết không? Ðó là những hàng quý giá... hãy nói với... (tôi không nghe rõ tên), tao không làm đầy tớ cho nó nữa đâu, ở đây không ổn rồi, hắn sẽ không gặp lại tao nữa đâu; bây giờ nguy hiểm lắm, tao đi kiếm việc ở nơi khác đây, và hắn sẽ không tìm được một người táo gan như tao nữa đâu. Và hãy nói với hắn là giá như hắn trả khá hơn thì lão Iăngkô này đã không bỏ hắn; còn tao, đi đâu tao cũng có việc miễn là nơi ấy có gió thổi và biển gầm!
Sau một phút im lặng hắn nói tiếp: “Cô ấy không thể ở đây được, cô ấy sẽ đi với tao. Nói với mụ già là đã đến lúc nên về với Diêm vương, sống thế đủ rồi, cũng phải biết điều một chút chứ. Mụ không còn gặp được chúng tao nữa đâu”.
- Còn tôi? - thằng mù nói giọng van vỉ.
- Mày còn muốn tao dùng mày làm việc gì? - đó là câu trả lời.
Trong lúc ấy con thủy quái đã nhảy vào thuyền và ra hiệu cho tình nhân. Iăngkô đặt một vật gì vào tay thằng mù và nói: “Đây, cho mà mua bánh” - “Chỉ có thể này thôi ư?” - đứa bé nói. “Thì đây nữa” - một đồng tiền rơi xuống đá kêu keng một tiếng. Thằng mù không nhặt. Iăngkô nhảy lên thuyền, gió từ phía bở thổi ra; chúng căng một chiếc buồm con rối lướt ra xa rất nhanh. Dưới ánh trăng, chiếc buồm trắng còn thấp thoáng hồi lâu giữa những ngọn sóng tối sầm: Thằng bé mù vẫn ngồi trên bờ, và đột nhiên tôi nghe thấy tiếng gì đó như tiếng khóc nức nở. Thằng bé mù khóc thật, nó khóc rất lâu, khóc mãi...
Tôi thấy buồn. Tại sao số mệnh đã quẳng tôi vào giữa cuộc sống yên tĩnh của đám người buôn lậu chân chất kia? Như một hòn đá rơi vào dòng suối phẳng lặng, tôi đã đến phá cuộc sống bình yên của họ, và bản thân tôi suýt nữa thì cũng chìm xuống đáy biển như hòn đá vậy!
Tôi trở về. Ở phòng ngoài ngọn nến sắp cháy hết nổ tí tách trong một cái đĩa bằng gỗ; mặc dầu đã được lệnh, người lính Kôdắc của tôi vẫn ngủ say ly bì, hai tay ôm súng. Tôi để mặc hắn ta ngủ và cầm lấy cây nến đi vào nhà. Than ôi! cái tráp của tôi, cây kiếm đốc bạc và con dao nhọn vùng Ðaghextan của một người bạn cho, tất cả đều biến mất. Lúc ấy tôi mới đoán ra thằng mù chết tiệt đã mang trên lưng những thứ gì? Tôi thúc một cú mạnh, đánh thức tên lính Kôdắc dậy. Tôi tức giận la mắng anh ta, nhưng còn làm thế nào được nữa! Ði trình nhà đương cục là một thằng bé mù đã đánh cắp của mình và một đứa con gái mười tám tuổi suýt nữa đã làm mình chết đuối, thì liệu có phải là làm trò cười cho thiên hạ không?
Lạy chúa, sáng hôm ấy tôi có thể lên đường đi ngay, và thế là tôi từ giã Taman. Số phận mụ già và thằng mù ra sao tôi không biết. Vả lại, những nỗi vui và đau buồn của người đời đâu có quan hệ gì đến tôi, một sĩ quan đang giữa hành trình với tờ công vụ lệnh tầm cỡ quốc gia.

--------------
Chú thích
[20] Văn hào Pháp thế kỷ 18. Lời sám hối là tên tác phẩm của ông.
[21] Thằng bé nói tiếng Nga chưa sõi. [22] Đoạn này các nhân vật nói tiếng Nga giọng Ucrain.
[23] Tức Ucrain.
[24] Đại Văn hào Đức (1740 - 1832) Viện Sĩ danh dự Viện Hàn lâm Pêterbua (1826). Minông - tên một nhân vật của ông, biểu tượng của một tuổi trẻ trong trắng vô tội. (Gơtơ là phiên âm theo tiếng Pháp. Nay các nhà Ðức học phiên âm theo chính âm Đức: Quêthơ.)
[25] Đơn vị đo chiều dài bằng 2m13. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét