Những cây cầu ở quận Madison
Tác giả: Robert James Waller
Dịch giả: Thanh Vân
Nhà xuất bản Phụ Nữ - 2012
Tái bút
Con ó đêm ở Tacoma
Trong thời gian tôi viết về câu chuyện của Robert Kincaid và
Francesca Johnson, tôi càng muốn tìm hiểu chi tiết về cuộc đời của Kincaid thì
tôi càng ít biết về ông và cuộc sống của ông.
Chỉ một vài tuần trước khi cuốn sách này được in ra, tôi đáp
máy bay đi Seattle. Một lần nữa, tôi cố gắng tìm những thông tin bổ túc về
Robert Kincaid.
Ý tưởng này chợt đến với tôi khi tôi nghĩ rằng là một người
yêu nhạc và bản thân ông ta cũng là một người chơi ghi-ta, Robert Kincaid hẳn
phải quen biết với một ai đó trong giới âm nhạc và nghệ sĩ ở Puget Soud. Người
có trách nhiệm ở Tiểu ban Nghệ thuật và Sân khấu của tờ Seattle Times đã giúp
tôi nhiều. Ông ta chưa hề nghe nói về Robert Kincaid, nhưng ông để cho tôi tham
khảo tất cả danh mục của tờ báo từ năm 1975 đến 1982, giai đoạn mà tôi quan
tâm.
Khi lật qua những số in vào năm 1980, tôi gặp một bức hình
chụp một người da đen chơi nhạc Jazz, một tay thổi saxo có biệt danh là John “ó
đêm” Cummings và bức ảnh ký tên Robert Kincaid. Nghiệp đoàn nhạc công địa
phương đưa tôi địa chỉ của Cummings, cũng cho tôi biết thêm là đã năm năm nay
ông ta không còn chơi nhạc với tư cách chuyên nghiệp nữa. Ông ta ở một con phố
nhỏ nơi khu công nghiệp ở Tacoma , chỗ xa lộ 5
dẫn đến Seattle .
Tôi đã phải lui tới nhiều lần nơi căn hộ Cummings ở mới gặp
được ông ta. Lúc đầu, ông ta có vẻ không muốn nói, nhưng khi thấy rằng tôi
thành thật quan tâm đến Robert Kincaid, ông trở nên nhiệt tình và nói huyên
thuyên. Những trang sau đây là lời nói của Cummings do tôi ghi lại - có sửa đôi
chút chữ nghĩa - khi đó ông này đã bảy mươi tuổi. Tôi chỉ mở máy ghi âm và nghe
ông kể về Robert Kincaid.
Bài phỏng vấn “ó đêm” Cumming
Khi đó tôi chơi cho một ban nhạc ở Seattle và tôi cần một tấm ảnh đen trắng để
quảng cáo. Tay chơi bass trong ban nhạc có nói
với tôi về một gã sống trên một hòn đảo gần đấy chụp coi bộ được lắm. Y ta
chẳng có điện thoại nên tôi phải viết nhắn vài chữ.
Y ta đến, té ra là một lão trông tàng lắm, mặc quần jean, đi
ủng và dây đeo quần màu cam. Y ta lôi ra mấy cái máy ảnh cũ xì đến phát khiếp,
coi bộ không còn dùng được khiến tôi phải la lên: Ô là là!
Y bảo tôi đứng dựa vào bức tường sáng, cầm cây saxo và yêu
cầu tôi chơi chứ đừng ngừng lại. Ừ, chơi thì chơi, trong chừng ba phút gì đó.
Nhìn kỹ, tôi thấy y ta trông cũng được, có cặp mắt xanh lạnh, buồn, mà tôi chưa
hề thấy trước đó bao giờ.
Một lúc, y ta bắt đầu chụp. Rồi y hỏi tôi có thể chơi bài
“Lá úa” không. Ừ, chơi thì chơi. Tôi chơi chừng mươi phút trong khi y thay hết
máy ảnh này đến máy ảnh khác và chụp. Rồi y bảo: “Tốt rồi, mai ông có ảnh”.
Ngày sau, y mang ảnh lại cho tôi và tôi té ngửa. Người ta đã
chụp tôi hàng tá nhưng chưa có bức nào sánh được với những tấm này. Y bảo tôi
trả y 50 đôla, với tôi số tiền đó không đắt lắm. Y ta cám ơn tôi và khi đi ra,
y hỏi tôi chơi ở đâu. Tôi trả lời: “ở quán Shorty”.
Hôm sau, khi ở trên bục, tôi nhìn xuống thính giả và thấy ở
một bàn khuất trong góc, y đang ngồi lặng lẽ lắng nghe. Từ đó y thường đến quán
mỗi tuần một lần, luôn luôn vào ngày Thứ ba, luôn luôn uống bia, nhưng không
uống nhiều.
Đôi khi lúc ngừng chơi, tôi ghé lại bàn y và nói chuyện ít
phút. Y trầm lặng, không nói gì nhiều nhưng rất dễ thương. Y luôn luôn nhã nhặn
yêu cầu tôi chơi bài “Lá úa”.
Biết nhau rồi, người ta dễ thân nhau. Tôi rất thích đi dọc
hải cảng ngắm nhìn những chiếc tàu, té ra y cũng vậy. Vì thế chúng tôi hay ngồi
trên ghế đá chuyện vãn suốt buổi chiều. Ừ thì chuyện lẩm cẩm của hai lão già
cảm thấy mình hết còn hữu dụng, đã ở bên lề cuộc đời.
Thường y hay dắt theo con chó. Trông khá đẹp. Y gọi nó là
“Con Đường”.
Y có biết về ma thuật. Những tay chơi nhạc jazz cũng vậy. Cho
nên chúng tôi hợp nhau. Anh bạn biết đấy, anh bạn chơi một khúc đã chơi hàng
ngàn lần mà nay đột nhiên hàng tá ý tưởng mới mẻ vọt ra từ cây “xắc” của anh
bạn thì không phải chúng có được từ bộ óc của anh bạn đâu. Y nói với tôi rằng
nhiếp ảnh và đời sống nói chung cũng thường như vậy. Và y thêm: “Làm tình với
người đàn bà mình yêu cũng vậy”.
Y đang nghiên cứu một kỹ xảo để tạo ra hình ảnh từ âm nhạc.
Một ngày nọ, y bảo tôi: “John, anh thấy cái điệp khúc mà anh luôn chơi trong
nhịp thứ bốn của bài “Người đàn bà kiêu kỳ”? Tôi nghĩ là tôi đã bắt được cái
này vào ảnh sáng nay. Ánh sáng chiếu trên nước đúng hệt như ý tôi muốn và con
hạc xanh bay một vòng trong ống ngắm của tôi, tất cả đều cùng một lúc. Chính là
tôi đã thật sự nghe và thấy điệp khúc của anh. Tôi đã dựa vào đó để đưa vào máy
ảnh”.
Y dùng tất cả thời gian để nghiên cứu việc chuyển âm nhạc
thành hình ảnh. Coi bộ điều này ám ảnh y dữ lắm. Tôi cũng chẳng biết y sống
bằng gì nữa. Y cũng chẳng nói gì nhiều về mình. Tôi chỉ biết là y từng đi nhiều
nơi để chụp ảnh chứ không biết gì khác hơn. Một ngày nọ, tôi hỏi y về cái miếng
bạc gắn ở sợi dây chuyền y đeo ở cổ. Nhìn gần, tôi thấy trên đó có khắc chữ
“Francesca”. Tôi mới hỏi y: “Chắc là một cái gì đặc biệt lắm?”.
Y không nói gì, chỉ nhìn làn nước. Rồi y hỏi: “Anh có rảnh
không?”.
Có chứ, hôm đó ngày Thứ hai, tôi được nghỉ, nên tôi bảo y
tôi có đủ thì giờ.
Thế là y bắt đầu nói, như thể người ta mở một cái vòi nước
vậy. Y nói suốt cả buổi chiều rồi gần như suốt buổi tối luôn. Tôi có cảm giác
như y giữ tất cả những điều đó sâu trong lòng từ quá lâu rồi.
Y chẳng bao giờ giờ nói cho tôi họ của người đàn bà, cũng
như câu chuyện xảy ra ở đâu. Nhưng mà, anh bạn ạ, cái lão Kincaid này quả là
một nhà thơ khi y nói về bà ta. Bà này hẳn phải là một cái gì đáng kể, một cái
gì linh thiêng lắm. Y cũng đọc cho tôi đoạn đầu của một bài viết về bà ấy - cái
gì về chiều vô tận, nếu tôi nhớ không lầm. Tôi nhớ là khi đó tôi nghĩ nó giống
những bài sáng tác ngẫu hứng của Ornette Coleman vậy.
Và anh bạn ơi, y vừa nói vừa khóc. Y khóc, những giọt nước
mắt to bự, cái loại nước mắt mà phải già người ta mới có thể khóc thế được, cái
điệu khóc mà một tay saxo có thể chơi. Sau đó tôi mới hiểu tại sao y bao giờ
cũng muốn tôi thổi bài “Lá úa”. Ông bạn ạ, tôi bắt đầu thấy yêu cái lão này. Một
con người có những tình cảm như thế đối với một người đàn bà thì đáng cho ta
yêu lắm chứ.
Thế là tôi bắt đầu nghĩ về y và người đàn bà của y. Nghĩ về
cái mà y gọi là “những phong cách của tiền nhân”. Tôi tự nói: “Mình sẽ chơi về
cái sức mạnh ấy, về cái tình yêu ấy, những cái
“phong cách của tiền nhân” ấy
phải phát ra từ cây kèn của mình”. Cái ấy thật trữ tình.
Thế là tôi viết cái bản nhạc này. Tôi muốn sử dụng một thủ
pháp đơn giản, sắc sảo. Viết những cái phức tạp thì rất dễ. Cái khó là đơn
giản. Tôi hì hục suốt ngày cho đến khi thành công. Rồi tôi viết lại và soạn
luôn hòa âm cho dương cầm và thụ cầm. Rồi một tối nọ, tôi chơi bài đó trên sân
khấu.
Y có mặt, tối Thứ ba, như mọi lần. Được, tối hôm đó quán yên
tĩnh, chỉ có chừng hai mươi khách, người ta cũng chẳng thật chú ý chúng tôi cho
lắm.
Y ngồi im, chăm chú nghe như bao giờ, tôi tuyên bố trong
mi-crô: “Tôi sẽ chơi một bản nhạc do chính tôi viết tặng một người bạn. Bài đó
tên là “Francesca”.
Vừa nói tôi vừa nhìn y. Y đang quan sát chai bia nhưng khi nghe
tôi nói “Francesca” y từ từ ngẩng đầu lên, đưa hai tay lùa vào mái tóc bạc xám,
đốt một điếu camel và đôi mắt xanh của y đăm đăm nhìn tôi.
Cây “xắc” của tôi chưa bao giờ chơi hay đến như vậy. Tôi làm
cho nó khóc than cho cả ngàn cây số và cho những năm dài cách biệt. Có một khúc
buồn trong khổ đầu của bài lặp theo tên của người đàn bà ấy: “Fran...ces...ca”.
Khi tôi chơi xong, y đứng thẳng lên, mỉm cười rồi lắc nhẹ
đầu, trả tiền và bước ra. Sau đó, tôi luôn luôn chơi bài này khi thấy y đến. Y
có đóng khung một bức ảnh chụp chiếc cầu có mái che cũ kỹ đem tặng tôi để cám
ơn. Bức ảnh treo kia kìa. Y chẳng bao giờ nói y chụp ở đâu, nhưng dưới chỗ y ký
tên có ghi “Cầu Roseman”.
Một chiều Thứ ba nọ, cách đây bảy hay tám năm, không thấy y
đến. Tuần tiếp theo cũng vậy. Tôi nghĩ y bị bệnh hay gặp chuyện gì đó. Tôi bắt
đầu lo ngại. Tôi xuống cảng, hỏi thăm. Chẳng ai biết y cả. Cuối cùng, tôi phải
đáp tàu đi qua hòn đảo chỗ y ở. Đó là một túp lều cũ kỹ nằm gần bờ nước.
Tôi đang đi quanh lều thì một người hàng xóm bước ra hỏi tôi
tìm gì. Tôi trả lời. Người hàng xóm bảo rằng y đã chết cách đây khoảng mười
ngày. Anh bạn ơi, nghe thế tôi hết sức đau lòng. Cho đến bây giờ cũng vậy. Tôi
thực sự yêu mến y ta. Có một cái gì lạ nơi con người y. Tôi cho rằng y biết
những điều mà chúng ta không hiểu được.
Tôi hỏi người hàng xóm về con chó. Ông ta không biết. Ông ta
cũng không biết cả tên Robert Kincaid nữa. Thế là, tôi bèn gọi bên chỗ “phú de”
để hỏi cho chắc và quả họ đang giữ con chó. Tôi bèn đến lãnh về và đem cho
thằng cháu. Lần cuối cùng tôi thấy, thằng cháu tôi và “Con Đường” thích nhau
lắm. Điều đó làm tôi vui.
Thế là gần hết chuyện. Không lâu sau khi tôi biết chuyện xảy
ra cho Kincaid, cánh tay trái của tôi bị tê khi chơi kèn quá hai mươi phút. Có
chuyện không ổn ở cột sống của tôi. Thế là tôi thôi việc.
Nhưng mà ông bạn ạ, tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện y kể, về y
và về người đàn bà. Thế là, vào tất cả những tối Thứ ba, tôi đều lấy cây saxo
ra và chơi bản nhạc tôi đã viết tặng y. Tôi chơi ở đây và chỉ để cho chính tôi
nghe.
Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, khi chơi, tôi luôn luôn nhìn
vào tấm ảnh y tặng. Tôi không biết rõ, nhưng có một cái gì đó khiến tôi không
thể rời mắt khỏi bức ảnh khi chơi bản nhạc này.
Tôi còn ở đây, trong hoàng hôn của cuộc đời. Tôi làm cho cây
kèn già nua khóc lên. Tôi chơi bản nhạc dành cho một người đàn ông tên là
Robert Kincaid và một người đàn bà mà ông gọi là Francesca.
Hết
"20 năm sau khi xuất bản, Những cây cầu ở quận Madison đã bán được hơn 50 triệu bản và được dịch ra 35 thứ tiếng, trở thành một hiện tượng văn học, nằm trong số những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại. Theo các nhà phê bình, sự thành công của phần 1 không nằm ở chất lượng sáng tác, chiều sâu tâm lý nhân vật, hay bối cảnh xã hội đặc biệt mà bởi tác giả đã viết ra nó bằng tất cả trái tim mình và đến lượt tác phẩm, nó đã chạm tới trái tim của độc giả".
Trả lờiXóa