Đubrốpxki
Tác giả: Alecxandre Puskin
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Tập thứ Nhất
Chương 1
Mấy năm trước đây có một lão lãnh chúa Nga tên là Kirila Pêtơrôvích Tơrôiêkurốp, sống tại một trong những điền trang của lão.
Nhờ có lắm của, lại dòng dõi quý phái và thường giao thiệp với nhiều kẻ quyền cao chức trọng, nên Tơrôiêkurốp có một uy thế lớn đối với bọn quan lại ở trong vùng. Những người láng giềng của Tơrôiêkurốp đều vui mừng chiều theo những ý thích nhỏ nhặt nhất của lão, và bọn quan chức ở trên tỉnh chỉ nghe đến tên lão thôi cũng đủ run sợ; Kirila Pêtơrôvích chấp nhận những cử chỉ luồn cúi của mọi người như một điều tất nhiên phải có đối với lão; nhà lão lúc nào cũng đầy những khách khứa sẵn sàng mua vui cho cảnh sống vô công rồi nghề của chủ nhân, hưởng ứng những trò giải trí ồn ào và đôi khi thô bạo của lão. Không có ai lại dám từ chối một lời mời của Kirila Pêtơrôvích; đến ngày lão đã định thì mọi người đều răm rắp kéo đến ấp Pôkrốpxcôiê với thái độ thành kính đúng mức. Trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà, Kirila Pêtơrôvích tỏ ra có tất cả những thói quen xấu của một kẻ vô học. Được mọi người ở chung quanh chiều chuộng, lão thường quen được thả lỏng cho cái tính khí hung hãn của mình hoành hành, và làm theo tất cả những ý thích của một trí óc không lấy gì làm thông minh cho lắm. Mặc dù có một sức khỏe phi thường, tuần nào lão cũng đôi ba lần bị bội thực, và hễ cứ đến tối là người ta thấy lão chuếnh choáng hơi men.
Một trong những ngôi nhà phụ trong ấp của lão được dành riêng cho mười sáu cô hầu gái, ngày ngày chăm việc thêu thùa vốn là nghề riêng của giới họ. Các cửa sổ của ngôi nhà này đều có chấn song bằng gỗ, cửa ra vào đều khóa bằng ổ khóa, mà chìa khóa thì Kirila Pêtơrôvích giữ. Cứ đến giờ đã định, những người con gái bị cấm cung này được xuống vườn đi dạo với hai bà già có nhiệm vụ kiểm soát họ. Lâu lâu Kirila Pêtơrôvích lại cho vài cô đi lấy chồng và đưa mấy cô khác vào thay. Đối với nông dân và gia nô lão cư xử rất khắc nghiệt và lại hay dở chứng; tuy vậy, họ rất tận tuỵ với chủ: họ thường dựa vào của cải và danh vọng của lão để lên mặt, và ỷ vào sự che chở của lão để tha hồ bắt nạt những người láng giềng.
Những công việc thường xuyên xưa nay của Tơrôiêkurốp là đi thăm những điền trang rộng lớn của lão, bày ra những bữa tiệc linh đình và dai dẳng, hàng ngày nghĩ ra những trò đùa kỳ quặc mà nạn nhân là một người khách mới quen nào đấy. Nhưng ngay cả các ông bạn cũ đôi khi cũng không thoát khỏi những trò đùa này, trừ một người là Anđrây Gavrilôvích Đubrốpxki. Ông Đubrốpxki này là một viên trung úy cận vệ về hưu, và là người láng giềng gần gũi nhất của Tơrôiêkurốp. Ông ta có cả thảy bảy mươi nông nô. Tơrôiêkurốp vốn hống hách với mọi người, ngay cả với những người quyền cao chức trọng cũng vậy, nhưng đối với Đubrốpxki thì lại kính nể, mặc dù ông này chẳng có địa vị hay của cải gì đáng kể. Ngày trước họ là bạn đồng ngũ với nhau, và Tơrôiêkurốp hồi ấy đã từng có dịp biết rõ cái tính cương trực và quả quyết của ông bạn. Hoàn cảnh khiến cho họ phải xa nhau một thời gian khá lâu. Vì gia tài gần khánh kiệt, Đubrốpxki buộc lòng phải về hưu. Ông ta về ở trong thôn ấp cuối cùng còn lại của mình. Tơrôiêkurốp biết tin này liền ngỏ ý muốn giúp đỡ cho Đubrốpxki, nhưng Đubrốpxki cảm tạ lão ta và tiếp tục sống nghèo nàn và độc lập như cũ. Mấy năm sau, Tơrôiêkurốp cũng về hưu với cấp bậc tướng. Khi lão trở về ở hẳn trên ấp trại của mình, hai người bạn cũ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Từ dạo đó ngày nào họ cũng đến thăm nhau, và Tơrôiêkurốp, một người xưa nay vốn không bao giờ hạ mình xuống đi thăm ai, bây giờ cũng xuề xòa quá bộ đến ngôi nhà bé nhỏ của ông bạn cũ. Vốn cùng một lứa tuổi, lại đều là dòng dõi quý phái, cùng chịu một lối giáo dục như nhau, họ có nhiều chỗ hợp nhau về tính tình và sở thích. Về một phương diện nào đó thì cuộc đời của hai người cũng có chỗ giống nhau; cả hai đều cưới vợ vì tình yêu, cả hai đều góa vợ sớm, và cùng rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Người con trai của Đubrốpxki đi học ở Pêterburg, còn con gái của Tơrôiêkurốp thì ở nhà với bố. Tơrôiêkurốp thường nói với Đubrốpxki: “Bác Anđrây Gavrilôvích này, khi thằng Vôlôđia (cách gọi thân mật tên Vlađimia) nhà bác ăn học thành đạt, thế nào tôi cũng gả con Masa (cách gọi thân mật tên Maria) cho, dù nó có nghèo rớt mồng tơi đi nữa”. Những lúc đó Anđrây Gavrilôvích thường lắc đầu mà rằng: “Không được đâu bác Kirila Pêtơrôvích ạ. Thằng Vlađimia nhà tôi chẳng xứng với cô Maria đâu. Một thanh niên quý tộc nhà nghèo như nó thì thà lấy một thiếu nữ quý tộc nhà nghèo, mà được làm ông chủ trong nhà này, còn hơn là về làm quản lý cho một bà con cưng nhà giàu”.
Mọi người đều lấy làm thèm muốn cái không khí hòa thuận giữa lão Tơrôiêkurốp hống hách và người láng giềng nghèo của lão, và đều lấy làm lạ về cái thái độ cả gan của ông này, khi ngồi ăn cùng bàn với Tơrôiêkurốp lại dám nói thẳng ý kiến của mình ra, không hề sợ trái ý chủ nhân. Có mấy người cũng muốn bắt chước làm như vậy, và vượt ra ngoài khuôn khổ vâng dạ một tí, nhưng Tơrôiêkurốp lập tức cho họ biết thân biết phận, làm cho họ thất kinh đến nỗi từ đó về sau, không còn ai dám phạm thượng như vậy nữa, và Đubrốpxki vẫn là một người độc nhất ở bên ngoài luật chung. Một việc đột ngột xảy ra làm thay đổi tất cả.
Một hôm vào đầu mùa thu Tơrôiêkurốp soạn sửa đi săn. Từ hôm trước lão đã ra lệnh cho bọn chăn chó và bọn giám mã chuẩn bị sẵn sàng từ năm giờ sáng. Lều vải và bếp núc đều được đưa trước ra chỗ Torôiêkurốp sẽ nghỉ ăn trưa. Chủ và khách kéo nhau ra thăm sân nuôi chó. Ở đây có hơn năm trăm con chó săn sống một cuộc đời no ấm, ngày ngày ca ngợi lòng bao dung của chủ nhân bằng cái ngôn ngữ chó má của chúng. Ở đây có cả một nhà thương nhỏ cho chó ốm dưới quyền trông nom của thầy lang Timôsca, và có một nơi dành cho những con chó cái quý phái của nhà này đẻ và cho con bú.
Tơrôiêkurốp rất lấy làm hãnh diện về cái chính nghiệp tuyệt vời này, và không bao giờ để lỡ cơ hội đem khoe với khách khứa, mặc dù trong số những người này mỗi người đã xem đến vài chục lần là ít. Lão dẫn khách đi quanh sân, theo sau có Timôsca và bọn giữ chó; thỉnh thoảng lão dừng lại trước một vài ổ chó nào đó, khi thì hỏi han về tình trạng sức khỏe của chó ốm, khi thì đưa ra vài điều nhận xét nghiêm nghị và công minh, khi thì gọi một vài con chó quen thuộc đến và nói chuyện với chúng một cách âu yếm.
Các tân khách đều nhận thấy có nhiệm vụ tấm tắc thán phục cái sân nuôi chó của Tơrôiêkurốp; riêng chỉ có một mình Đubrốpxki lặng thinh, vẻ mặt lầm lầm. Ông là một người rất ham mê săn bắn. Hoàn cảnh của ông chỉ cho phép ông nuôi dăm bảy con chó săn; ông không khỏi thấy ganh tỵ với cái sân nuôi chó thật là hoàn hảo này. Tơrôiêkurốp thấy vậy liền lên tiếng hỏi:
- Sao trông bác không được vui? Hay là sân nuôi chó của tôi có chỗ còn chưa làm bác hài lòng?
Đubrốpxki đáp xẵng:
- Không, sân nuôi chó của bác rất tốt, nông dân nhà bác cũng khó lòng mà có được một đời sống sung sướng như chó săn ở đây.
Một tên giữ chó chạnh lòng. Hắn nói:
- Chúng tôi nhờ ơn Thượng đế và nhờ ơn Chúa của chúng tôi đây nên sống cũng được sung túc, không hề than phiền điều gì; thật tình chỉ thương cho một vài nhà quý tộc: có lẽ họ dọn đến một cái chuồng chó ở đây mà ở thì hơn là ở nhà nhiều; họ nhất định sẽ được no ấm hơn.
Kirila Pêtơrôvích nghe tên nông nô của mình ăn nói hỗn xược như vậy thì cười lên ha hả, và bao nhiêu khách khứa đều bật cười theo, tuy họ cũng cảm thấy rằng câu nói đùa kia rất có thể ám chỉ cả chính bản thân họ nữa. Riêng Đubrốpxki thì tái mặt đi và lặng thinh.
Vừa lúc ấy người ta mang lại cho Tơrôiêkurốp một cái giỏ trong có mấy con chó con mới đẻ. Tơrôiêkurốp ngắm nghía một lúc, chọn lấy hai con còn bao nhiêu sai đem dìm nước. Trong khi đó Anđrây Gavrilôvích lẫn đi mà không ai để ý.
Sau khi đi xem sân nuôi chó, Tơrôiêkurốp cùng với khách khứa trở về ăn bữa chiều, và đến lúc không thấy Đubrốpxki đâu, lão mới hỏi. Người ta trả lời rằng Anđrây Gavrilôvích đã trở về nhà rồi. Tơrôiêkurốp lập tức sai người cưỡi ngựa đi mời ông trở lại. Xưa nay không bao giờ Tơrôiêkurốp lại đi săn mà không có Đubrốpxki là người có nhiều kinh nghiệm, biết đánh giá một cách tinh vi những cái hay cái dở của chó săn và có khả năng giải quyết tất cả những cuộc tranh cãi có thể xảy ra trong một cuộc săn bắn.
Người đày tớ được phái đi phi ngựa trở về báo với chủ rằng Anđrây Gavrilôvích nhất định không chịu quay lại. Cũng như thường lệ, mỗi khi rượu say ngà ngà Tơrôiêkurốp nổi nóng lên và bắt người đầy tớ cưỡi ngựa đi mời lần nữa, dặn hắn nói với Anđrây Gavrilôvích rằng hễ mà ông ta không lập tức đến ấp Pôkrốpxcôiê nghỉ lại đêm nay, thì Tơrôiêkurốp và Đubrốpxki từ nay trở đi không bạn không bè gì nữa. Người đày tớ lại phi ngựa đi. Tơrôiêkurốp đứng dậy cáo từ khách khứa vào đi ngủ.
Hôm sau câu hỏi đầu tiên của lão là: “Anđrây Gavrilôvích có ở đây không?”. Người ta liền đưa cho lão một bức thư xếp hình tam giác. Tơrôiêkurốp sai người thư ký đọc to lên và nghe được những điều sau đây:
“Kirila Pêtơrôvích tôn huynh các hạ,
Tôi không có ý định đến ấp Pôkrốpxcôiê nữa, cho tới khi nào tôn huynh chịu cho tên giữ chó Paramôsca sang đây chịu tội và để tôi tùy ý trừng trị hay xá tội cho nó; chứ tôi không dung thứ được những câu đùa nhả của nông nô nhà tôn huynh, mà cũng không dung thứ được những câu đùa nhả của chính tôn huynh nữa, vì tôi không phải là một thằng hề, mà là người của một dòng dõi quý tộc lâu đời. Nay kính thư.
Anđrây Đubrốpxki”.
Theo quan niệm hồi đó thì bức thư này thật là không đúng phép xã giao, nhưng Tơrôiêkurốp nổi giận không phải vì giọng văn kỳ quặc ở trong thư, mà chính là vì nội dung của bức thư. Tơrôiêkurốp chân không nhảy xuống đất, gầm lên:
- Gớm chưa! Cho người của ta sang bên ấy để chịu tội ư? Hắn muốn tha thì tha, muốn trị thì trị à? Hắn nghĩ thế nào mà dám nói như vậy? Hắn có biết rằng hắn đang nói với ai đây không? Ông thì ông cho hắn… Rồi còn phải khóc với ông! Tưởng chống lại Tơrôiêkurốp này mà được à?
Tơrôiêkurốp mặc áo và lên đường đi săn với tất cả những kiểu cách sang trọng như thường lệ, nhưng buổi săn không có kết quả gì. Cả ngày chỉ gặp được một con thỏ, mà cũng để sổng mất. Buổi ăn trưa dưới lều vải cũng không ra gì, hoặc giả không vừa ý Tơrôiêkurốp: lão đánh đập đầu bếp, chửi bới khách khứa và trên đường về cố ý cưỡi ngựa băng qua đồng lúa của nhà Đubrốpxki.
Đã mấy ngày trôi qua mà mối hiềm khích giữa hai người láng giềng vẫn không dịu bớt. Anđrây Gavrilôvích không trở lại ấp Pôkrốpxcôiê nữa. Tơrôiêkurốp không có ông ta thì thấy chán ngắt, bực mình văng cả những câu chửi rủa hết sức tục tằn. Những câu này được bọn khách khứa của Tơrôiêkurốp bổ sung và thêm thắt lên mà đến tai Đubrốpxki. Rồi một sự việc nữa xảy ra làm tiêu tan mọi hy vọng hòa giải.
Một hôm Đubrốpxki đi thăm khu điền trang nhỏ bé của mình. Đang đi lại gần khóm rừng bạch dương thì nghe có tiếng rìu và một lát sau nghe có tiếng cây đổ. Đubrốpxki vội đi vào rừng và chạm trán với mấy tên nông nô ở ấp Pôkrốpxcôiê đang điềm nhiên đẵn trộm gỗ nhà ông. Thấy Đubrốpxki đến, họ toan bỏ chạy. Đubrốpxki và người đánh xe của ông tóm được hai đứa, trói lại dẫn về nhà. Ba con ngựa của địch quân cũng được giữ lại làm chiến lợi phẩm. Đubrốpxki giận lắm: Trước đây người của Tơrôiêkurốp tuy vốn là những tay đầu trộm đuôi cướp, nhưng không bao giờ dám đụng đến địa phận nhà ông, vì họ biết rằng chúa của họ với ông là chỗ thân bằng cố hữu. Đubrốpxki thấy bây giờ họ đã lợi dụng mối hiềm khích giữa hai người để làm càn, cho nên, trái với tất cả luật lệ thời chiến, ông quyết định mang hai người bị bắt ra và dùng chỗ roi bạch dương mà họ đẵn trộm trong rừng đánh cho họ một trận. Còn mấy con ngựa thì cho đi kéo cày với bầy ngựa nhà.
Ngày hôm ấy tin này đến tai Tơrôiêkurốp. Lão ta nổi giận đùng đùng, và toan kéo nông nô sang ấp Kixtênhốpca (đó là tên điền trang nhà Đubrốpxki) phá sạch tất cả và vây kín dinh thự Đubrốpxki lại - xưa nay Kirila Pêtơrôvích chẳng e ngại gì mà không thực hiện những chiến công như vậy. Nhưng chẳng mấy chốc ý nghĩ của lão lại chuyển sang một hướng khác.
Đang bước những bước nặng trịch đi đi lại lại trong gian phòng lớn, Kirila Pêtơrôvích tình cờ nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy một chiếc xe tam mã dừng lại ở trước cổng. Một người thấp bé đội một chiếc mũ lưỡi trai bằng da và mặc một chiếc áo choàng bằng dạ thô xuống xe và đi vào gian nhà của viên quản lý. Tơrôiêkurốp nhận ra viên bồi thẩm Sabaskin và cho người gọi hắn vào. Một lúc sau Sabaskin đã đứng trước mặt lão, cúi chào lia lịa và khúm núm đứng đợi lệnh. Tơrôiêkurốp nói:
- Chào anh, anh tên là cái quái gì nhỉ? Đến đây có việc gì đấy?
- Bẩm quan lớn, con đi ra tỉnh đây ạ, - Sabaskin đáp. - Con ghé vào Ivan Đêmianốp để hỏi xem quan lớn có gì sai bảo không đấy ạ.
- Anh đến thật đúng lúc, anh… anh tên là cái quái gì nhỉ? Ta đang cần đến anh đây, nào uống rượu đi, rồi nghe ta bảo!
Cách tiếp đãi ân cần như vậy làm cho viên bồi thẩm ngạc nhiên và sung sướng. Y từ chối không uống rượu và bắt đầu lấy hết sức bình sinh ra lắng tai nghe Tơrôiêkurốp nói.
- Ta có một lão láng giềng, hắn là một tên tiểu địa chủ thô lậu, ta muốn chiếm khoảng đất của hắn. Anh thấy thế nào?
- Bẩm quan lớn, giá có được một số giấy tờ nào hoặc là…
- Thôi đi, làm chó gì có giấy tờ. Thế mới là lệnh cho nhà anh. Chẳng có quyền có hành gì hết, mà đoạt lấy điền trang ấy mới nên chuyện! Nhưng khoan, để ta xem… Cái điền trang này ngày xưa là của nhà ta bán cho một tên Xpítxưn nào đó, rồi sau tên này bán cho bố tên Đubrốpxki ngày nay. Liệu có thể vịn vào đấy được không?
- Bẩm khó lắm, có lẽ mua bán như vậy đều tiến hành một cách hợp pháp cả.
- Anh thử nghĩ xem, tìm nữa đi xem có cách gì không nào?
- Giá mà… ví thử như quan lớn có cách gì lấy lại được văn tự bán đất ở như lão ta, thì cố nhiên là…
- Hiểu rồi, nhưng khốn nỗi, dạo trước bên nhà hắn có hỏa hoạn, thế là giấy tờ cháy mất cả rồi còn đâu.
- Bẩm sao ạ? Bẩm, quan lớn dạy rằng giấy tờ của lão ta cháy cả rồi à? Thế còn gì hơn nữa - nếu vậy xin quan lớn cứ hành động theo đúng pháp luật, thì thế nào cũng được như ý thôi ạ.
- Thật hả? Thế thì anh xem hộ nhé. Ta trông mong cả vào anh đấy, và thế nào ta cũng hậu thưởng cho nghe!
Sabaskin cúi rạp xuống gần sát đất, rồi lui ra. Ngày hôm đó hắn bắt đầu chạy chọt để lo liệu công việc và nhờ tài xoay xở của hắn, khoảng chừng một tuần sau Anđrây Gavrilôvích Đubrốpxki nhận được trát trên huyện gửi về yêu cầu ông phải lập tức đệ trình những giấy tờ cần thiết để làm bằng là ông có quyền chiếm hữu đất Kixtênhốpca.
Anđrây Gavrilôvích rất kinh ngạc trước cái trát đột ngột đó và lập tức viết một bức thư khá lỗ mãng trả lời rằng thôn Kixtênhốpca là do cụ cố thân sinh của ông để lại, rằng quyền chiếm hữu của ông là quyền thừa hưởng gia tài của cha, rằng Tơrôiêkurốp không việc gì phải thò mõm vào đấy, và tất cả những sự dòm ngó qua điền trang của ông đều là vu khống và bịp bợm.
Bức thư này làm cho viên bồi thẩm Sabaskin rất hài lòng. Y thấy rõ rằng thứ nhất là Đubrốpxki không am hiểu gì về việc kiện tụng, thứ hai nữa là một con người nóng nảy và thiếu đắn đo như vậy thì rất dễ cho vào tròng.
Sau khi đã xét lại một cách bình tĩnh các yêu sách của viên bồi thẩm, Anđrây Gavrilôvích thấy cần phải trả lời sao cho thích hợp với hoàn cảnh hơn. Ông bèn viết một lá thư khác xác đáng, nhưng do tính thời gian mà bức thư này thành ra vô hiệu.
Vụ án cứ kéo dài. Tin chắc vào lẽ phải của mình, Anđrây Gavrilôvích không lo nghĩ gì mấy đến công việc kiện tụng, ông không hề có ý muốn, mà cũng không có khả năng vung tiền ra để lo liệu. Hơn ai hết, Đubrốpxki vẫn thường nhạo báng cái lương tâm có thể đem ra mua bán của bọn nha lại, nhưng ông không hề thoáng có ý nghĩ rằng mình đang là nạn nhân của một vụ vu khống. Về phía Tơrôiêkurốp thì lão ta cũng chẳng chú ý gì đến việc kiện tụng này - Sabaskin đã lãnh hết mọi trách nhiệm lo toan, lấy danh nghĩa của Tơrôiêkurốp mà hành động; hắn dọa nạt, mua chuộc các quan tòa, xuyên tạc công văn này, vặn vẹo pháp lệnh kia.
Dù sao thì đến ngày mùng chín tháng Hai năm 18... Anđrây Gavrilôvích Đubrốpxki cũng được phòng cảnh sát huyện N. chuyển cho một tờ giấy mời ra tòa án huyện để nghe tuyên cáo về vụ tranh chấp đất đai giữa ông ta, tức trung tá Đubrốpxki, với tướng Tơrôiêkurốp, và để ký vào bản tuyên án, cho biết là đã chịu án, hay còn chống án.
Ngay hôm đó Đubrốpxki lên huyện lỵ; dọc đường, xe của Tơrôiêkurốp vượt qua xe của Đubrốpxki. Họ vênh mặt nhìn nhau, và Đubrốpxki thoáng thấy một nụ cười nham hiểm nở trên môi kẻ thù.
-------------
Còn nữa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét