Đubrốpxki
Tác giả: Alecxandre Puskin
Dịch giả: Cao Xuân Hạo
Chương 3
Một thời gian đã qua, mà bệnh tình của Đubrốpxki vẫn không thuyên giảm. Những cơn điên quả nhiên không phát trở lại nữa, nhưng sức của ông cứ kiệt dần. Anđrây Gavrilôvích quên hết những công việc trước đây thường phải làm, ít khi ra khỏi phòng và suốt ngày đêm nằm suy nghĩ.
Êgôrốpna, một bà già hiền lành trước kia nuôi đứa con trai của Đubrốpxki, bây giờ lại trở thành u già của ông ta. Bà chăm sóc Đubrốpxki như chăm một đứa trẻ, nhắc cho ông nhớ giờ ăn và giờ đi ngủ, cho ông ăn và dìu ông đi nằm. Anđrây Gavrilôvích vâng lời u già một cách ngoan ngoãn và ngoài u ra không còn tiếp xúc với ai nữa. Bấy giờ ông không còn đủ sức nghĩ đến công việc cai quản làm ăn gì nữa, nên u già Êgôrốpna thấy cần phải báo tin cho con ông là Vlađimia Anđrêêvích Đubrốpxki biết mọi việc. Vlađimia tòng ngũ trong một trung đoàn bộ binh của quân cận vệ và bấy giờ đang ở Pêterburg. Thế là u già xé một tờ giấy trong quyển sổ chi tiêu ra và đọc cho người đầu bếp Kharitôn viết: Kharitôn là người biết chữ độc nhất trong nhà Kixtênhốpca. Bức thư viết xong, ngay hôm ấy u già cho mang ra trạm gửi đi.
Nhưng đã đến lúc cần phải giới thiệu với độc giả nhân vật chính của câu chuyện mà chúng tôi đang kể.
Vlađimia Đubrốpxki được ăn học trong một Trường thiếu sinh quân và ra trường với chức thiếu uý quân cận vệ. Anđrây Gavrilôvích không hề tiếc một điều gì để cung cấp đầy đủ cho con, và chàng Đubrốpxki trẻ tuổi này thường được nhà gửi cho nhiều tiền hơn là chàng dám mong đợi. Tính vốn hào phóng và hay sĩ diện, chàng thường tiêu xài sang trọng, đánh bài và mắc nhiều công nợ. Chàng không hề lo nghĩ đến tương lai và tính chuyện không chóng thì chày sẽ lấy một cô vợ giàu: một ước mơ của thanh niên nghèo hồi đó.
Một buổi tối, ở nhà Vlađimia đang có mấy người sĩ quan đến chơi nằm dài ra trên các ghế đi-văng hút thuốc lá thì Grisa, người hầu phòng của Vlađimia, vào đưa cho chàng một bức thư. Nét chữ và dấu ấn trên phong bì lập tức làm cho chàng chú ý. Chàng hấp tấp xé phong bì ra và đọc thấy những dòng sau đây:
“Cậu Vlađimia Anđrêêvích, chúa của chúng tôi, u già của cậu đây, có mấy lời để trình cậu rõ về sức khỏe cụ thân sinh của cậu. Cụ nhà hiện nay mệt nặng, thỉnh thoảng lại mê sảng và cả ngày ngồi thừ ra như đứa trẻ dại, có sống hay chết là do Chúa định đoạt cả. Cậu về ngay nhé, con phượng hoàng con yêu quý của u già, u sẽ cho ngựa đến đón cậu ở Pêxốtsnôiê. Nghe tòa án huyện định đặt chúng tôi dưới quyền của Kirila Pêtơrôvích Tơrôiêkurốp: đâu họ nói rằng chúng tôi là người của họ, nhưng kỳ thật chúng tôi xưa nay vẫn là người nhà nhà cậu, - từ bé đến lớn chưa bao giờ lại nghe thấy chuyện lạ như thế. Cậu ở Pêterburg có cách gì trình với đức Hoàng đế, chắc ngài sẽ không để cho chúng ta bị ức hiếp. U già đời đời vẫn là tôi tớ trung thành của cậu.
U già ký:
Ôrina Êgôrốpna Budưriôva.
U gửi lời cầu phước của một người mẹ cho con u là thằng Grisa. Nó hầu hạ cậu có được chu đáo không? Ở nhà ta mưa tầm tã đã hai tuần nay và lão chăn cừu Rôđia đã chết vào khoảng ngày lễ thánh Nhikôlai”.
Vlađimia đọc đi đọc lại mấy lần liền những dòng chữ không lấy gì làm mạch lạc trên đây và thấy vô cùng xúc động. Chàng mồ côi mẹ từ thuở bé và hầu như chưa được biết nhiều về cha, đến năm lên tám chàng đã được đưa lên Pêterburg ăn học. Tuy vậy chàng quý mến cha với tình cảm quyến luyến bồng bột và lãng mạn, và vì ít được hưởng những thú vui êm ả của gia đình, chàng lại càng thấy yêu thích đời sống gia đình hơn nữa.
Ý nghĩ mình có thể mất cha làm cho lòng chàng se lại, và tình cảnh của người cha già đau yếu mà chàng có thể đoán biết qua bức thư của u già làm cho chàng kinh hãi. Chàng hình dung cha mình bơ vơ trong một thôn làng hẻo lánh, phó mặc cho một bà già dốt nát và mấy người gia nô, đang bị một tai vạ đâu đâu đe dọa, và chết dần mòn trong cảnh cô đơn, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Vlađimia nghĩ giận mình đã có một thái độ tắc trách tội lỗi. Từ lâu lắm chàng không nhận được thư từ gì của cha, nhưng cũng không nghĩ đến việc hỏi thăm, cứ yên trí rằng cha mình đang đi đâu vắng hoặc quá bận việc nhà.
Vlađimia Anđrêêvích quyết định về với cha và thậm chí sẽ xin giải ngũ, nếu bệnh tình của cha chàng đòi hỏi phải có chàng ở bên cạnh. Các bạn bè thấy Vlađimia đang có chuyện lo lắng thì bỏ ra về cả. Ngồi lại một mình, Vlađimia liền viết đơn xin nghỉ phép, rồi châm thuốc hút và bắt đầu suy nghĩ miên man.
Ngay hôm sau đó chàng đi thu xếp việc xin nghỉ, và ba ngày sau chàng đã lên đường.
Vlađimia Anđrêêvích đã gần đến chỗ ngôi trạm nơi bắt đầu rẽ về thôn Kixtênhốpca. Chàng thấy lòng tràn ngập những linh cảm buồn bã, chàng sợ rằng về đến nhà thì cha chàng đã không còn ở trên thế gian này nữa, chàng tưởng tượng thấy đời sống tẻ nhạt đang đợi chàng trong thôn vắng, không bạn bè, nghèo túng và phải cáng đáng những công việc mà xưa nay chàng không hề hiểu biết một tí gì.
Đến trạm, Vlađimia vào gặp viên coi trạm hỏi ngựa. Viên coi trạm hỏi Vlađimia đi đâu, và khi đã rõ, liền cho chàng biết rằng ngựa ở Kixtênhốpca đưa đến đã chực sẵn từ bốn ngày nay. Một lúc sau bác đánh xe Antôn vào trình diện với Vlađimia. Hồi chàng còn bé, Antôn thường dẫn chàng đi xem các chuồng ngựa và chăm sóc con ngựa con của chàng. Thấy Vlađimia, Antôn ứa nước mắt, cúi rạp xuống, chào chàng, và cho chàng biết rằng cụ nhà vẫn còn sống, rồi chạy đi thắng ngựa. Vlađimia Anđrêêvích từ chối bữa ăn sáng mà người ta định dọn mời chàng, và hấp tấp lên đường. Antôn đánh xe đi theo những con đường tắt.
Hai người bắt chuyện.
- Bác Antôn ạ, cha tôi với Tơrôiêkurốp có chuyện gì thế?
- Có trời biết được cậu ạ… chả biết cụ nhà có chuyện gì xích mích với Kirila Pêtơrôvích, thế là lão ấy liền đưa ra tòa, tuy xưa nay có chuyện gì lão cũng thường tự mình xử lấy cả. Nông nô chúng tôi thì cũng chả dám bàn vào việc các chúa, nhưng quả tình cụ nhà mà sinh sự với Kirila Pêtơrôvích thì chẳng ích lợi gì. Lấy trứng chọi đá sao nổi.
- Thế là cái lão Kirila Pêtơrôvích ấy muốn làm gì thì làm sao?
- Đúng thế đấy, cậu ạ. Bồi thẩm với cảnh sát trưởng trên huyện thì lão có coi ra gì, họ đều là tay chân của lão, sợ lão một phép. Các ông lớn đều phải đến chào hỏi lão. Người ta nói có đúng thật: có máng thì khắc có lợn.
- Có thật là lão định cướp đất nhà ta không?
- Ồ, cậu ạ, chúng tôi cũng có nghe như vậy. Hôm trước, lúc làm lễ đặt tên thánh ở nhà lão trưởng thôn, ông thầy dòng bên ấp Pôkrốpxcôiê có nói: “Thôi các bố nhé, chơi bời thế là đủ rồi! Bây giờ sắp làm ngư
ời của Kirila Pêtơrôvích rồi thì liệu cái thần xác!”. Anh thợ rèn Mikita mới bảo với hắn: “Thôi xin ông, ông đừng làm phiền lòng người cha đỡ đầu, đừng làm phiền lòng khách khứa ở đây - Kirila Pêtơrôvích hay Anđrây Gavrilôvích cũng thế thôi, chúng tôi vẫn là người của Chúa và đức Hoàng đế”. Nhưng nói thế chứ chả ai cài khuy vào miệng ai được.
- Thế các ngươi không muốn về với Tơrôiêkurốp ư?
- Về làm tôi cho Kirila Pêtơrôvích ấy à? Lạy Chúa, đừng để chúng tôi lâm vào cảnh ấy! Lão ấy đối với người cũ của lão cũng đã ác chán đi rồi. Người lạ mới đến làm, lão ta không chỉ lột da ra mà thôi đâu, lão còn phanh thịt ra chứ chả chơi. Không ạ, xin Chúa phù hộ cho Anđrây Gavrilôvích được sống, mà cụ nhà có mệnh hệ nào thì chúng tôi cũng chỉ biết lấy cậu làm người nuôi nấng. Cậu đừng bỏ chúng tôi, chúng tôi thế nào cũng bênh cậu. - Nói đoạn, Antôn quất roi giật cương cho ngựa phóng nước kiệu.
Cảm động vì lòng trung thành của lão bộc, Vlađimia Đubrốpxki yên lặng và trầm ngâm suy nghĩ miên man. Hơn một giờ trôi qua; bỗng chàng bừng tỉnh vì tiếng Grisa kêu: “Ấp Pôkrốpxcôiê đây rồi!”.
Đubrốpxki ngẩng đầu lên - xe đang đi men theo một cái hồ lớn ăn thông với một dòng sông con chảy quanh co giữa mấy quả đồi; trên một ngọn đồi cao, vượt lên trên một khóm cây rậm rạp, Đubrốpxki thấy mấy cái mái nhà màu xanh thẫm và tầng sân thượng của một tòa nhà đá rất lớn. Trên một quả đồi khác có một ngôi nhà thờ năm tháp và một cái gác chuông cổ kính, chung quanh rải rác những ngôi nhà gỗ có vườn rau và giếng nước. Đubrốpxki đã nhận ra nơi này, chàng nhớ ra rằng chính trên quả đồi này, hồi còn bé chàng đã cùng chơi đùa với cô bé Masa Tơrôiêkurôva. Cô bé kém chàng hai tuổi và ngay từ dạo đó đã có nhiều hứa hẹn trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đubrốpxki muốn hỏi thăm Antôn về Masa, nhưng cảm thấy ngài ngại thế nào ấy, nên lại thôi.
Khi xe đi ngang qua tòa nhà, chàng thoáng thấy một tà áo trắng lướt qua mấy khóm cây trong vườn. Vừa lúc đó Antôn quất ngựa, và tuân theo một tâm lý sĩ diện thông thường của những người đánh xe ở nông thôn, lão cho ngựa phi hết tốc lực qua cầu, vượt qua làng Pôkrốpxcôiê và bắt đầu lên đồi. Vlađimia trông thấy cánh rừng bạch dương và về phía trái, trên một khoảng đất thoáng, một ngôi nhà màu xám lợp ngói đỏ, và tim chàng đã bắt đầu đập dồn dập: trước mặt chàng là làng Kixtênhốpca và ngôi nhà thanh bạch của cha chàng.
Mười phút sau xe đã vào đến sân nhà. Chàng đưa mắt nhìn quanh lòng cảm động không sao tả xiết. Đã mười hai năm nay Vlađimia không về quê. Mấy cây bạch dương năm nào mới đem về trồng bên hàng giậu, bây giờ đã thành những cây cao lớn, cành lá sum suê. Cái sân ngày trước có ba bồn hoa đều đặn, ở giữa có một lối đi xén phẳng, nay đã trở thành một bãi cỏ xanh không có vết liềm. Giữa bãi một con ngựa buộc đang ăn cỏ. Mấy con chó xồ ra sủa, nhưng nhận ra Antôn chúng im bặt và ve vẩy những chiếc đua xù lông. Các gia nô trong mấy túp nhà gỗ chạy ùa ra xúm xít xung quanh người chủ trẻ tuổi và chào mừng huyên náo cả lên. Vlađimia Đubrốpxki phải chật vật lắm mới rẽ được một lối đi trong đám người vồ vập này và chạy lên những bậc thềm cũ kỹ. U già Êgôrốpna đứng đón chàng ở phòng ngoài và ôm chầm lấy đứa con sữa của mình mà khóc.
- Chào u, chào u, - Vlađimia không biết nói gì hơn, chỉ ôm chặt u già vào lòng. - Thân phụ con đâu hở u, người ra sao?
Vừa lúc đó một ông già cao và gầy, da mặt xanh xao, mình khoác áo choàng ngủ, đầu đội mũ chụp, khó nhọc nhấc từng bước đi vào phòng. Cụ già cất giọng yếu ớt nói:
- Con đấy à, Vlađimia?
Vlađimia ôm chầm lấy cha. Sự xúc động quá mạnh vì vui sướng làm cho ông già đau yếu lảo đảo. Chân ông khuỵu xuống và nếu không có Vlađimia đỡ lấy, thì ông già đã ngã rồi. Êgôrốpna gắt:
- Ông bước ra khỏi giường làm gì? Chân thì đứng không vững, mà người ta đi đâu, là y như rằng muốn đi theo sau.
Người nhà khiêng ông già vào phòng ngủ. Ông cụ cố sức nói chuyện với con, nhưng ý nghĩ cứ rối bung lên trong đầu, và ông chỉ nói ra được những câu không có mạch lạc gì cả. Ông già không nói nữa và thiếp đi, Vlađimia nhìn cha lòng đau như cắt. Chàng dọn chỗ trong phòng ngủ của cha chàng và xin được ở lại một mình với cha. Mọi người nghe theo và quay về phía Grisa, họ dẫn anh ra phòng gia nhân và niềm nở thết đãi anh theo kiểu nông dân, vừa cho ăn uống, vừa chào mừng hỏi han tíu tít.
-------------
Còn nữa...
- Về làm tôi cho Kirila Pêtơrôvích ấy à? Lạy Chúa, đừng để chúng tôi lâm vào cảnh ấy! Lão ấy đối với người cũ của lão cũng đã ác chán đi rồi. Người lạ mới đến làm, lão ta không chỉ lột da ra mà thôi đâu, lão còn phanh thịt ra chứ chả chơi. Không ạ, xin Chúa phù hộ cho Anđrây Gavrilôvích được sống, mà cụ nhà có mệnh hệ nào thì chúng tôi cũng chỉ biết lấy cậu làm người nuôi nấng. Cậu đừng bỏ chúng tôi, chúng tôi thế nào cũng bênh cậu. - Nói đoạn, Antôn quất roi giật cương cho ngựa phóng nước kiệu.
Cảm động vì lòng trung thành của lão bộc, Vlađimia Đubrốpxki yên lặng và trầm ngâm suy nghĩ miên man. Hơn một giờ trôi qua; bỗng chàng bừng tỉnh vì tiếng Grisa kêu: “Ấp Pôkrốpxcôiê đây rồi!”.
Đubrốpxki ngẩng đầu lên - xe đang đi men theo một cái hồ lớn ăn thông với một dòng sông con chảy quanh co giữa mấy quả đồi; trên một ngọn đồi cao, vượt lên trên một khóm cây rậm rạp, Đubrốpxki thấy mấy cái mái nhà màu xanh thẫm và tầng sân thượng của một tòa nhà đá rất lớn. Trên một quả đồi khác có một ngôi nhà thờ năm tháp và một cái gác chuông cổ kính, chung quanh rải rác những ngôi nhà gỗ có vườn rau và giếng nước. Đubrốpxki đã nhận ra nơi này, chàng nhớ ra rằng chính trên quả đồi này, hồi còn bé chàng đã cùng chơi đùa với cô bé Masa Tơrôiêkurôva. Cô bé kém chàng hai tuổi và ngay từ dạo đó đã có nhiều hứa hẹn trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Đubrốpxki muốn hỏi thăm Antôn về Masa, nhưng cảm thấy ngài ngại thế nào ấy, nên lại thôi.
Khi xe đi ngang qua tòa nhà, chàng thoáng thấy một tà áo trắng lướt qua mấy khóm cây trong vườn. Vừa lúc đó Antôn quất ngựa, và tuân theo một tâm lý sĩ diện thông thường của những người đánh xe ở nông thôn, lão cho ngựa phi hết tốc lực qua cầu, vượt qua làng Pôkrốpxcôiê và bắt đầu lên đồi. Vlađimia trông thấy cánh rừng bạch dương và về phía trái, trên một khoảng đất thoáng, một ngôi nhà màu xám lợp ngói đỏ, và tim chàng đã bắt đầu đập dồn dập: trước mặt chàng là làng Kixtênhốpca và ngôi nhà thanh bạch của cha chàng.
Mười phút sau xe đã vào đến sân nhà. Chàng đưa mắt nhìn quanh lòng cảm động không sao tả xiết. Đã mười hai năm nay Vlađimia không về quê. Mấy cây bạch dương năm nào mới đem về trồng bên hàng giậu, bây giờ đã thành những cây cao lớn, cành lá sum suê. Cái sân ngày trước có ba bồn hoa đều đặn, ở giữa có một lối đi xén phẳng, nay đã trở thành một bãi cỏ xanh không có vết liềm. Giữa bãi một con ngựa buộc đang ăn cỏ. Mấy con chó xồ ra sủa, nhưng nhận ra Antôn chúng im bặt và ve vẩy những chiếc đua xù lông. Các gia nô trong mấy túp nhà gỗ chạy ùa ra xúm xít xung quanh người chủ trẻ tuổi và chào mừng huyên náo cả lên. Vlađimia Đubrốpxki phải chật vật lắm mới rẽ được một lối đi trong đám người vồ vập này và chạy lên những bậc thềm cũ kỹ. U già Êgôrốpna đứng đón chàng ở phòng ngoài và ôm chầm lấy đứa con sữa của mình mà khóc.
- Chào u, chào u, - Vlađimia không biết nói gì hơn, chỉ ôm chặt u già vào lòng. - Thân phụ con đâu hở u, người ra sao?
Vừa lúc đó một ông già cao và gầy, da mặt xanh xao, mình khoác áo choàng ngủ, đầu đội mũ chụp, khó nhọc nhấc từng bước đi vào phòng. Cụ già cất giọng yếu ớt nói:
- Con đấy à, Vlađimia?
Vlađimia ôm chầm lấy cha. Sự xúc động quá mạnh vì vui sướng làm cho ông già đau yếu lảo đảo. Chân ông khuỵu xuống và nếu không có Vlađimia đỡ lấy, thì ông già đã ngã rồi. Êgôrốpna gắt:
- Ông bước ra khỏi giường làm gì? Chân thì đứng không vững, mà người ta đi đâu, là y như rằng muốn đi theo sau.
Người nhà khiêng ông già vào phòng ngủ. Ông cụ cố sức nói chuyện với con, nhưng ý nghĩ cứ rối bung lên trong đầu, và ông chỉ nói ra được những câu không có mạch lạc gì cả. Ông già không nói nữa và thiếp đi, Vlađimia nhìn cha lòng đau như cắt. Chàng dọn chỗ trong phòng ngủ của cha chàng và xin được ở lại một mình với cha. Mọi người nghe theo và quay về phía Grisa, họ dẫn anh ra phòng gia nhân và niềm nở thết đãi anh theo kiểu nông dân, vừa cho ăn uống, vừa chào mừng hỏi han tíu tít.
-------------
Còn nữa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét