Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Đubrốpxki - A. Puskin (chương 5)

Đubrốpxki

Tác giả: Alecxandre Puskin            
Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương 5    

Ba hôm sau lễ an táng được cử hành. Thi thể của ông già đáng thương nằm trên bàn, phủ một chiếc khăn liệm và chung quanh có cắm nến. Gia nhân đứng chật cả phòng ăn. Người ta sửa soạn đưa đám. Vlađimia và ba người đày tớ nâng quan tài lên. Người linh mục đi trước, người giúp lễ theo sau hát những bài kinh cầu hồn. Chủ nhân ấp Kixtênhốpca đi qua ngưỡng cửa của nhà mình lần cuối cùng. Người ta mang quan tài đi qua khu rừng nhỏ. Nhà thờ ở bên kia khu rừng.
Ngày hôm ấy trời quang đãng và giá lạnh. Lá thu rụng lả tả.
Ra khỏi khu rừng nhỏ thì thấy ngôi nhà thờ bằng gỗ của thôn Kixtênhốpca và khu nghĩa địa nấp dưới bóng bồ đề cổ thụ. Đây là nơi yên nghỉ của mẹ Vlađimia. Bên cạnh ngôi mộ của bà người ta đã đào một cái huyệt mới. 
Nhà thờ đầy ắp những người nông dân thôn Kixtênhốpca đến từ biệt chủ nhân lần cuối cùng. Vlađimia Đubrốpxki đứng cạnh bệ thờ; chàng không khóc và cũng không cầu nguyện, nhưng nét mặt của chàng trông rất khủng khiếp. Buổi lễ buồn rầu đã chấm dứt. Vlađimia đến vĩnh biệt thi hài cha trước và sau chàng lần lượt đến các gia nhân. Người ta đến đóng ván thiên vào quan tài, những người đàn bà đến đưa ma khóc nức nở. Bọn đàn ông thì chốc chốc lại đưa nắm tay lên quệt nước mắt, Vlađimia và ba người đày tớ lúc nãy khiêng quan tài ra mộ địa. Cả làng ra theo. Người ta hạ quan tài xuống, mỗi người đi đưa ném vào huyệt một nắm đất, người ta lấp huyệt, cúi chào một lần cuối cùng và ra về. Vlađimia vượt lên trước và đi vào khu rừng Kixtênhốpca.
Êgôrốpna thay mặt chàng mời linh mục và mấy người phụ lễ dự bữa tiệc tang, phân trần rằng Vlađimia Anđrêêvích không có ý định dự buổi tiệc này. Thế là linh mục Antôn và vợ của linh mục (Linh mục của giáo hội Nga có thể lấy vợ) là Phêđôtốpna và người giúp lễ đi bộ về dinh thự Đubrốpxki, vừa đi họ vừa bàn tán với Êgôrốpna về đức hạnh của người đã quá cố và về cái số phận đang chờ đợi người con trai của ông. (Việc Tơrôiêkurốp đến thăm nhà Đubrốpxki và cách người ta đón tiếp lão ra sao thì cả vùng đều đã biết, và các giới am hiểu ở đây đều đoán trước là sẽ có hậu quả ghê gớm). 
Phêđôtốpna nói:
- Đến đâu thì đến! Nhưng kể ra ấp này mà không được cậu Vlađimia Anđrêêvích làm chủ thì tiếc thật. Cậu nhà quả là người rất tốt. 
Êgôrốpna ngắt lời:
- Không cậu ấy làm chủ thì còn ai vào đấy được? Kirila Pêtơrôvích có tác oai tác quái rồi cũng chỉ công toi thôi. Đừng tưởng dễ bắt nạt được Vlađimia. Con phượng hoàng của tôi sẽ không để cho lão ấy làm càn đâu. Mà nhờ trời, ân nhân của chúng ta cũng sẽ che chở cho cậu ấy. Lão Kirila Pêtơrôvích hống hách thật, nhưng hôm thằng Grisa nhà tôi quát: “Cút ngay, con chó già! Bước ngay ra khỏi sân nhà này!” - thì lão ấy cũng cứ cụp đuôi mà chuồn như thường!
Người giúp lễ nói: 
- Chà! Bà Êgôrốpna ạ, làm sao mà anh Grisa nhà bà lại bạo mồm, bạo miệng thế! Tôi thì mắng một ông giám mục may ra còn dám, chứ nhìn vào mặt lão ấy thì cũng xin chịu; hễ thấy lão ta, là cứ sợ cuống lên, và cái lưng cứ tự nhiên khom xuống, cứ thế mà khom xuống…
- Phù phiếm cả! - ông linh mục nói. - Rồi thì cũng đến ngày đọc kinh cầu hồn cho Kirila Pêtơrôvích như hôm nay đọc kinh cho Anđrây Gavrilôvích. Có lẽ đám tang sẽ sang trọng hơn, sẽ mời nhiều người hơn. Nhưng đối với đức Chúa Trời thì cũng như nhau cả! 
U già Êgôrốpna phân trần:
- Ôi thưa cha! Chúng tôi muốn mời thêm những người ở các làng bên, nhưng Vlađimia Anđrêêvích không chịu đấy chứ! Nào thức ăn có thiếu gì, tha hồ thết khách, nhưng mà các ông các bà bảo tôi làm thế nào được?… Thôi thì bây giờ có ít khách thế này, tôi sẽ đãi các vị một bữa thật linh đình.
Lời hứa hẹn êm tai này, và mối hy vọng được một bữa ăn ngon lành làm cho cả bọn rảo bước, và mọi người đều bình yên vô sự đến dinh thự của nhà Đubrốpxki. Ở đây, bàn tiệc đã bày xong và rượu vốt-ca đã dọn sẵn.
Trong khi đó, Vlađimia đi sâu vào khóm rừng, cố vận động cho thể xác mệt nhọc để át cái đau khổ trong tâm hồn. Chàng đi không có chủ đích, không nhìn đường; cành cây móc vào áo sầy cả da, chân lún sâu xuống bùn, chàng cũng chẳng để ý. Chàng dừng lại bên một khoảnh đất trũng chung quanh đều có rừng bao bọc; một con suối nhỏ yên lặng uốn quanh dưới những khóm cây mà hơi thu đã cuốn gần trụi lá. Vlađimia ngồi trên cỏ lạnh và những ý nghĩ đen tối thi nhau tràn vào tâm hồn chàng… Chàng cảm thấy một cách sâu sắc nỗi cô quạnh của mình. Chàng thấy tương lai hiện ra như một bầu trời phủ những đám mây đen đầy vẻ dọa nạt. Mối thù với Tơrôiêkurốp sẽ đưa lại những tai họa mới.
Cái gia tài thanh bạch của chàng có thể vào tay kẻ khác, và lúc đó chàng sẽ lâm vào cảnh khốn cùng. Vlađimia ngồi yên một lúc lâu, không cử động, thẫn thờ nhìn dòng nước suối chảy yên lặng, mang theo mấy chiếc lá vàng - và thấy rõ trước mắt những hình ảnh của cuộc sống thường ngày. Cuối cùng Vlađimia sực nhớ ra rằng trời đã bắt đầu sẩm tối, chàng đứng dậy tìm lối về nhà. Chàng đi loanh quanh trong rừng một hồi lâu mới gặp một con đường mòn nhỏ, dẫn thẳng về cổng dinh thự. 
Bỗng Vlađimia thấy lão linh mục cùng mấy người nữa đi ngược lại phía chàng. Chàng thoáng có ý nghĩ rằng đấy là một điềm gở. Chàng bất giác rẽ sang một bên và lẩn ra sau một khóm cây. Họ không thấy Vlađimia và cứ tiếp tục bàn cãi. 
Lão linh mục nói với vợ:
- Hãy tránh điều ác và làm điều thiện; mình không có việc gì phải ở lại đấy. Việc này về sau sẽ ra sao, thì cũng chẳng thiệt đến mình. 
Vợ lão trả lời một câu gì đấy nhưng chàng không nghe rõ.
Về gần đến nhà, Vlađimia thấy có một đám rất đông người; nông dân và gia nô đều tụ họp cả trong sân. Từ xa Vlađimia đã nghe thấy tiếng người nói xôn xao và một tiếng ồn ào khác thường. Bên cạnh vựa thóc có hai chiếc xe ngựa đỗ. Trên thềm nhà mấy người mặc đồng phục hình như đang bàn bạc điều gì… 
Antôn thấy chủ về thì chạy đến. Vlađimia bực bội hỏi:
- Cái gì thế này? Bọn kia là ai thế? Họ đến đây làm gì? 
- Ồ! Cậu Vlađimia Anđrêêvích ạ! - người lão bộc hổn hển đáp. - Tòa án đã đến rồi đấy. Họ định mang chúng tôi trao cho Tơrôiêkurốp, họ định bắt chúng tôi phải xa cậu đấy!…
Vlađimia cúi đầu. Nông dân xúm quanh người chủ đáng thương. Họ đến hôn tay Vlađimia và nói:
- Cậu là cha chúng tôi, chúng tôi chỉ muốn làm tôi tớ cho cậu, chứ nhất định không làm cho ai khác cả. Cậu ra lệnh đi, chúng tôi sẽ trị cho bọn tòa án này một mẻ. Chúng tôi thà chết chứ quyết không chịu bỏ cậu!…
Vlađimia nhìn họ, và những cảm xúc kỳ dị quay cuồng trong tâm hồn chàng, chàng nói với nông dân:
- Các ngươi đứng yên, còn tôi sẽ nói chuyện với bọn này.
Trong đám đông có nhiều tiếng thét: 
- Cậu nói rõ cho chúng nó biết! Hãy để cho cái bọn chết rấp ấy biết điều một tí!
Vlađimia đến gần bọn nha lại, Sabaskin đội mũ lưỡi trai trên đầu, tay chống cạnh sườn vênh váo nhìn quanh. Viên cảnh sát trưởng là một người cao lớn khoảng chừng năm mươi tuổi, mặt đỏ để râu mép. Thấy Đubrốpxki về, y đằng hắng và cất giọng khàn khàn nói: 
- Vậy tôi xin nhắc lại những điều mà tôi đã nói rồi, là theo quyết định của tòa án huyện từ rày bọn các người là người của Kirila Pêtơrôvích Tơrôiêkurốp mà ông Sabaskin đây là đại diện. Các người phải nhất nhất nghe theo lệnh của ông ta, vì ông ta vốn là người rất thương yêu phụ nữ.
Nói xong câu khôi hài tế nhị này, viên cảnh sát trưởng cười ha hả, và Sabaskin cùng bọn tùy tòng cũng cất tiếng cười theo. Vlađimia thấy lòng sôi lên vì căm phẫn. Chàng cố lấy giọng bình tĩnh hỏi viên cảnh sát trưởng đang cười toe toét:
- Xin ngài cho biết như vậy nghĩa là thế nào. 
- Như vậy nghĩa là chúng tôi đây đến để chuyển cái điền trang này sang quyền sở hữu của Kirila Pêtơrôvích Tơrôiêkurốp và yêu cầu một số người khác liệu mà xéo đi cho sớm. 
- Nhưng đáng lẽ ra trước khi nói với nông dân của tôi, thì các ông cũng nên gặp tôi, cho tôi biết là đã mất quyền sở hữu thế nào chứ…
Sabaskin nhìn Vlađimia một cách hỗn xược: 
- Anh là ai mới được chứ, quyền chủ nhân là Anđrây con Gavrila họ Đubrốpxki đã chết vì ý Chúa, ta không biết anh là ai, và cũng không cần biết anh là ai hết.
Trong đám đông có tiếng nói: 
- Vlađimia Anđrêêvích là chúa trẻ của chúng tôi.
Viên cảnh sát trưởng quắc mắt nạt: 
- Đứa nào dám mở cái mõm ra đấy, chúa, chúa nào, Vlađimia Anđrêêvích nào? Chúa của chúng mày là Kirila Pêtơrôvích Tơrôiêkurốp, đã nghe ra chưa, lũ đầu bò! 
Giọng nói lúc nãy đáp: 
- Đừng hòng!
Viên cảnh sát trưởng quát: 
- À ra chúng bây làm loạn à! Ê, lão trưởng thôn đâu! 
Lão trưởng thôn bước ra. 
- Lão tìm ngay đứa nào dám nói với ta như thế, rồi ta cho biết tay! 
Lão trưởng thôn quay lại hỏi đám đông xem ai nói, nhưng mọi người đều im lặng; một lúc sau từ phía cuối nổi lên một tiếng lầm rầm cứ lan rộng ra và to dần lên; và chỉ trong chốc lát đã trở thành những tiếng la ó kinh khủng; viên cảnh sát trưởng hạ giọng và muốn phân trần. Bỗng mấy người nông dân quát: 
- Còn đứng nhìn chúng nó làm gì nữa! Anh em ơi! Cho chúng nó một trận! Đánh bỏ mẹ nó đi! - Và đám đông ùa tới.
Sabaskin và bọn quan lại hấp tấp chạy vào nhà đóng sầm cửa lại. 
Giọng nói lúc nãy thét: 
- Anh em ơi! Trói chúng nó lại! 
Và đám đông bắt đầu đổ xô đến. Đubrốpxki quát lớn: 
- Đừng! Các anh làm cái gì thế, đồ ngốc! Các anh làm lụy cho các anh, mà hại cho cả tôi nữa. Về nhà đi và để yên đấy cho tôi. Đừng sợ gì hết! Đức vua ngài rất khoan hồng, tôi sẽ lên cầu xin ngài. Ngài sẽ không để cho chúng ta bị ức hiếp. Chúng ta đều là con ngài cả. Các anh làm loạn lên như vậy, ngài còn bênh các anh thế nào được nữa!
Lời lẽ của Vlađimia Đubrốpxki, giọng nói sang sảng và dáng điệu oai nghiêm của chàng làm cho nông dân thấy kính nể. Họ im dần và giải tán. Bấy giờ trong sân không còn ai nữa, nhưng bọn nha lại vẫn ngồi trong cửa chưa dám ra. Một lúc sau Sabaskin mới từ từ hé cánh cửa ló mặt ra nhìn, rồi bước ra ngoài thềm, gật đầu lia lịa kính cẩn cám ơn Đubrốpxki đã có lòng tốt can thiệp hộ.
Vlađimia khinh bỉ nghe hắn nói và lặng thinh không đáp. Viên bồi thẩm tiếp:
- Chúng tôi đã quyết định, nếu ngài cho phép, ngủ lại ở đây; vì bây giờ tối quá, nếu đi về có thể bị nông dân của ngài chặn đánh dọc đường. Xin ngài làm ơn cho chúng tôi một ít rạ vào phòng khách được rồi; hễ trời sáng là chúng tôi về. 
Đubrốpxki đáp xẵng: 
- Các ông muốn làm gì thì làm; tôi bây giờ chẳng còn là chủ nhân ở đây nữa. 
Nói đoạn chàng bỏ vào phòng của cha chàng và khóa trái cửa lại.
-------------
Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét