Chương 7
Mùa đông năm đó rất khắc nghiệt. Bão rồi đến mưa, sau đó là
tuyết và băng giá, sang tháng hai mà băng chưa tan. Thế mà lũ súc vật vẫn miệt
mài xây dựng lại cối xay gió, chúng biết rằng người ta đang theo dõi chúng và
bọn người độc ác ấy sẽ có cớ để vui mừng nếu chúng không hoàn thành công trình
đúng hạn.
Để trêu tức chúng, người ta còn làm ra vẻ không tin là Tuyết
Tròn đã phá cối xay gió, họ bảo rằng nó sập là do tường mỏng quá. Nhưng lũ súc
vật thì tin chắc là không phải thế. Dù sao chúng cũng quyết định sẽ xây tường
dày một mét chứ không phải bốn mươi phân như trước đây nữa, và như vậy thì cần
phải khai thác nhiều đá hơn trước. Mỏ đá chìm dưới tuyết trong một thời gian
dài nên không thể bắt đầu được. Sau đó thì trời tuy có lạnh nhưng khô ráo,
nhưng công việc quả là khủng khiếp, lũ súc vật không còn hăng hái như xưa nữa.
Chúng không những bị lạnh mà còn thường xuyên bị đói nữa.
Chỉ có Chiến Sĩ và Bà Mập là vẫn nhiệt tình. Chỉ Điểm động viên phong trào bằng
những buổi nói chuyện, nó chứng minh một cách hùng hồn rằng lao động là hạnh
phúc và vinh quang. Nhưng những buổi nói chuyện của Chỉ Điểm cũng không có tác
dụng, chính sức khỏe và câu “Tôi sẽ cố gắng hơn nữa” của Chiến Sĩ là nguồn động
viên rất lớn đối với những con khác.
Lương thực bắt đầu cạn vào tháng giêng. Khẩu phần bằng ngũ
cốc bị cắt bớt, thay vào đó là khoai tây. Khi đó lại phát hiện ra là đa số
khoai tây đánh đống đã bị nhũn vì không được che đậy cẩn thận, số ăn được còn
lại chẳng đáng là bao. Nhiều hôm chúng chỉ được ăn mỗi cỏ và củ cải. Nạn đói
bắt đầu đe dọa.
Tin này dứt khoát phải giữ kín, không được để cho người xung
quanh biết. Phấn chấn vì vụ sập cối xay gió người ta càng tung nhiều tin thất
thiệt về Trại Súc Vật hơn. Người ta đồn nào là lũ súc vật sắp sửa chết vì đói
và bệnh đến nơi, nào là chúng đánh nhau suốt ngày, nào là chúng đang ăn thịt
lẫn nhau, rồi giết cả những con non nữa. Napoleon hiểu rằng sẽ có nhiều phiền
toái nếu người ngoài biết trại đang gặp khó khăn về lương thực nên quyết định
dùng Whymper làm công cụ phản tuyên truyền. Trước đây lũ súc vật thường đứng xa
xa mỗi khi Whymper ghé vào trại, nhưng bây giờ một số con được chọn, chủ yếu là
cừu, được phép đến gần và làm như vô tình, nói rằng dạo này khẩu phần có tăng.
Ngoài ra, Napoleon còn ra lệnh đổ cát cho gần đầy bồ bịch trong kho rồi lấy ngũ
cốc và bột phủ lên trên. Mỗi khi có dịp là chúng lại dẫn Whymper đi ngang qua
nhà kho để ông ta có thể nhìn thấy lương thực chứa trong đó. Whymper đã bị xỏ
mũi và thường nói với mọi người là Trại Súc Vật vẫn đủ lương thực.
Mặc dù vậy, đến cuối tháng giêng thì thấy rõ là phải tìm
cách mua thêm ngũ cốc. Dạo này Napoleon ít khi đi ra ngoài, nó ngồi lì trong
ngôi nhà chính, các cửa ra vào đều có những con chó dữ canh phòng nghiêm ngặt. Nếu
nó đi ra ngoài thì bao giờ cũng có sáu con chó hộ tống xung quanh, bọn này lập
tức nhe nanh gầm gừ, đe dọa khi thấy những con khác đến gần. Nó cũng không còn
tham gia các buổi Họp ngày chủ nhật nữa mà giao cho một con lợn khác, thường là
Chỉ Điểm, đọc bảng phân công công việc.
Một lần, vào chủ nhật, Chỉ Điểm tuyên bố là lũ gà mái, bọn
này vừa bắt đầu đẻ, phải giao nộp trứng. Thông qua Whymper, Napoleon đã kí hợp
đồng cung cấp bốn trăm quả trứng mỗi tuần. Tiền bán trứng đủ mua lương thực cho
đến mùa hè và khi đó mọi sự sẽ dễ dàng hơn.
Lũ gà mái gào toáng lên. Trước đây chúng cũng đã được nhắc
nhở là cần phải hy sinh, nhưng không ngờ mọi sự lại tồi tệ đến như vậy. Chúng
đã chuẩn bị tổ cho vụ ấp xuân, chúng tuyên bố là bây giờ mà lấy trứng thì khác
gì sát sinh. Kể từ ngày trục xuất ông Jones, đây là lần đầu tiên có một cuộc tụ
tập giống như bạo loạn. Ba con gà mái tơ giống Minorca
cầm đầu cuộc nổi dậy chống lại kế hoạch của Napoleon. Biện pháp của chúng là
bay lên xà nhà và đẻ xuống cho trứng vỡ. Napoleon hành động nhanh chóng và
quyết liệt. Nó hạ lệnh không cho bọn gà mái ăn nữa và còn tuyên bố là con nào
cho lũ gà dù chỉ một hạt thóc sẽ bị tử hình ngay lập tức. Lũ chó được phân công
theo dõi. Lũ gà mái cầm cự được năm ngày, cuối cùng đã phải đầu hàng và trở về
đẻ vào tổ như cũ. Chín con gà mái chết. Chúng bị coi là chết vì bệnh cầu trùng
và được chôn trong vườn. Whymper không hề biết chuyện này và đều đặn tuần nào
cũng có một chiếc xe đến lấy trứng.
Không thấy Tuyết Tròn đâu. Có tin đồn là nó trốn trong Trại
Cáo hay Trại Keo gì đó. Quan hệ giữa Napoleon với các trại xung quanh đã được
cải thiện phần nào. Lúc đó chúng bỗng phát hiện được một đống gỗ trong sân
trại, số gỗ này bị đốn cách đây khoảng chục năm. Số gỗ tìm được thật đúng lúc,
Whymper khuyên Napoleon đem bán, cả Pilkington và Frederick đều muốn mua. Napoleon lưỡng lự,
không biết nên bán cho ai. Cứ hễ nó định bán cho Frederick thì có tin nói là
Tuyết Tròn đang trốn trong Trại Cáo, mà khi nó ngả sang Pilkington thì lại có
tin Tuyết Tròn đang trong Trại Keo.
Đầu tháng giêng toàn trại bỗng sôi động vì một tin bất ngờ
như sét đánh giữa trời quang. Hóa ra là Tuyết Tròn vẫn thường bí mật thâm nhập
trại vào ban đêm! Lũ súc vật lo lắng đến mất ngủ. Đồn rằng đêm nào Tuyết Tròn
cũng mò vào phá hoại. Nó ăn trộm lương thực, hất đổ các xô sữa, đạp vỡ trứng,
dẫm nát các đám mạ và nhai vỏ cây trong vườn. Khó khăn thất bại nào cũng bị qui
là tại Tuyết Tròn. Nếu cửa sổ bị vỡ hay ống thoát nước bị tắc là y như rằng có
con nói là tại Tuyết Tròn phá, ngay khi chìa khóa nhà kho bị mất thì cả trại
cũng cho rằng Tuyết Tròn đã ném xuống giếng. Điều lạ là sau khi đã tìm thấy
chìa khóa bên dưới túi bột thì cả trại vẫn tin là tại Tuyết Tròn. Lũ bò khẳng
định rằng ban đêm Tuyết Tròn chui vào chuồng và vắt trộm sữa khi chúng ngủ. Đồn
rằng lũ chuột, bọn này từng gây nhiều rắc rối mùa đông vừa rồi, cũng liên kết
với Tuyết Tròn.
Napoleon hạ lệnh phải điều tra thật kĩ các hoạt động của
Tuyết Tròn. Napoleon, được mấy con chó hộ tống, khảo sát một vòng tất cả các tòa
nhà trong trại, trong khi những con khác đi theo xa xa phía sau. Nó bảo nó có
thể đánh hơi được Tuyết Tròn nên cứ đi vài bước lại dừng lại và ngửi đất để tìm
dấu vết. Góc nào nó cũng ngửi, ngửi cả nhà kho, chuồng bò, chuồng gà, vườn rau
và chỗ nào cũng có dấu vết Tuyết Tròn cả. Nó dí mũi xuống đất vài lần rồi hít
vào thật sâu, sau đó tuyên bố bằng một giọng nghe đã rợn người: “Tuyết Tròn!
Hắn đã mò đến đây! Ta đã nhận ra mùi của nó!”, cứ nghe mỗi từ “Tuyết Tròn” là
lũ chó lại nhe nanh và sủa phụ họa.
Tất cả run lên vì sợ. Có cảm tưởng như tên Tuyết Tròn bí ẩn
và đầy quyền năng đang ẩn náu đâu đây, rất gần và sẵn sàng trút tai họa xuống
đầu chúng.Tối hôm đó, Chỉ Điểm gọi tất cả lại và với bộ mặt nghiêm trọng nó bảo
rằng có một số tin khẩn cấp cần thông báo.
- Thưa các đồng chí! - nó gào lên, - chúng tôi đã phát hiện
ra một tội ác không thể tha thứ được. Tuyết Tròn đã bán mình cho Frederick của Trại Keo,
lão này vẫn đang dự định tấn công để cướp trại của chúng ta! Một khi chiến
tranh xảy ra thì Tuyết Tròn sẽ làm nhiệm vụ dẫn đường. Nhưng nó còn táng tận
lương tâm hơn thế nhiều. Trước đây chúng ta từng nghĩ rằng Tuyết Tròn gây rối
là do tính tự phụ và ham hố quyền lực. Nhưng thưa các đồng chí, chúng ta đã
lầm. Các đồng chí có biết lí do thật sự nằm ở đâu không? Ngay từ đầu nó đã liên
kết với lão Jones! Nó là gián điệp nằm vùng của lão Jones. Chứng cớ đã được thể
hiện trong những tài liệu mà nó để lại và chúng ta mới tìm thấy gần đây. Thưa
các đồng chí, tôi cho rằng điều đó lí giải nhiều việc. Chả lẽ chúng ta chưa
nhận ra là nó đã cố gắng, may mà không thành, làm cho chúng ta thua và tan rã
trong Chiến dịch Chuồng bò hay sao?
Tất cả đều ngớ ra. Tội ác này thật quá khủng khiếp, vượt xa
việc phá hoại cối xay gió. Phải một lúc sau chúng mới nhận thức được hết tính
chất nghiêm trọng của sự việc. Tất cả chúng vẫn nhớ, hay chúng tưởng là vẫn nhớ
hình ảnh của Tuyết Tròn khi nó xông lên dẫn đầu cuộc tấn công trong Chiến dịch
Chuồng bò, khi nó đoàn kết và cổ vũ chúng, khi nó không buông bỏ dù đã bị lão
Jones bắn bị thương. Thật khó tưởng tượng làm sao chuyện đó lại xảy ra nếu như
nó là gián điệp của lão Jones. Ngay cả Chiến Sĩ, vốn kiệm lời, cũng cảm thấy
bối rối. Chiến Sĩ nằm xuống, co hai chân trước vào bụng, nhắm mắt lại, cố gắng
tập trung tư tưởng và cuối cùng nói:
- Tôi không tin, trong Chiến dịch Chuồng bò Tuyết Tròn đã
chiến đấu dũng cảm. Chính mắt tôi nhìn thấy như thế. Chẳng phải chúng ta đã
phong nó làm Súc vật Anh hùng hạng nhất
ngay sau chiến dịch là gì?
- Thưa các đồng chí, đấy chính là sai lầm của chúng ta. Bây
giờ chúng ta biết rằng, những việc này đều ghi rõ trong các tài liệu mật mà
chúng ta mới tìm thấy, nó định dụ chúng ta vào bẫy cho bọn kia tiêu diệt.
- Nhưng nó cũng bị thương, - Chiến Sĩ nói, - tất cả chúng ta
đều nhìn thấy máu chảy khi nó đang chạy.
- Đấy là do đã sắp đặt từ trước! - Chỉ Điểm gào lên, - phát
súng của lão Jones chỉ sượt qua người nó thôi. Ước gì các đồng chí biết đọc để
tôi có thể chỉ cho các đồng chí thấy tên Tuyết Tròn đã viết rõ bằng giấy trắng
mực đen như thế nào. Chúng đã thỏa thuận là vào lúc nguy kịch nhất thì Tuyết
Tròn sẽ hạ lệnh rút lui, nhường trận địa cho địch quân. Và nó đã suýt thành
công, tôi có thể nói rằng nó chắc chắn sẽ thành công nếu như không có nhà Lãnh
đạo Anh hùng, Đồng chí Napoleon kính mến của chúng ta. Các bạn còn nhớ lúc lão
Jones và gia nhân tiến vào sân chứ? Tuyết Tròn quay lưng bỏ chạy và nhiều con
đã chạy theo hắn. Chả lẽ các bạn không nhớ rằng đúng lúc đó, khi mà hỗn loạn
bắt đầu lan ra và có vẻ như vỡ mặt trận đến nơi, thì đồng chi Napoleon xông lên
và hô “Giết!” rồi lao thẳng vào chân lão Jones ư? Thưa các đồng chí, chắc chắn
các đồng chí nhớ tình tiết đó! - Chỉ Điểm vừa nói vừa nhảy từ bên này sang bên
kia.
Bây giờ, khi Chỉ Điểm mô tả sống động như thế thì lũ súc vật
dường như đã nhớ ra. Dù sao thì chúng cũng nhớ rõ là Tuyết Tròn đã quay đầu
chạy đúng vào lúc nguy ngập. Nhưng Chiến Sĩ thấy vẫn chưa ổn.
- Tôi không tin là Tuyết Tròn đã phản bội ngay từ đầu, - nó
nói, - sau này lại là chuyện khác. Tôi tin rằng trong Chiến dịch Chuồng bò
Tuyết Tròn vẫn là một đồng chí tốt.
- Lãnh tụ của chúng ta, đồng chí Napoleon, - Chỉ Điểm nói
một cách chậm rãi và kiên quyết, - đã tuyên bố dứt khoát, tôi xin nhắc lại,
thưa các đồng chí, tuyên bố dứt khoát rằng ngay từ đầu Tuyềt Tròn đã là gián
điệp của lão Jones, từ trước khi chúng ta nghĩ đến Khởi nghĩa cơ.
- Thế thì khác! - Chiến Sỹ bảo - Đồng chí Napoleon đã nói
thì nhất định đúng.
- Đấy là một thái độ thực sự cầu thị, thưa các đồng chí! -
Chỉ Điểm reo lên, nhưng mọi con đều thấy đôi mắt ti hí, đảo điên, hằn học của
nó chiếu thẳng vào Chiến Sĩ. Nó đã định đi, nhưng còn nói thêm đầy đe dọa, - Tôi
xin báo trước là các bạn phải cảnh giác. Có đầy đủ cơ sở để nghĩ rằng trong
trại này vẫn còn tay sai của Tuyết Tròn đấy!
Bốn ngày sau, buổi chiều, Napoleon hạ lệnh tất cả phải có
mặt ngoài sân. Khi tất cả đã đến đủ thì Napoleon xuất hiện, ngực đeo hai huy
chương (nó mới tự phong cho mình danh hiệu Súc
vật anh hùng bậc I và Súc vật anh
hùng bậc II) với chín con chó to lớn, vừa chạy quanh vừa sủa to đến nỗi lũ
súc vật sợ đến nổi gai ốc. Chúng ngồi yên lặng, thu mình lại, như chờ đợi một
trận cuồng phong dữ dội.
Napoleon nghiêm khắc nhìn đám đông, rồi rít lên lảnh lảnh
như tiếng còi. Ngay lập tức lũ chó lao vào cắn tai bốn con lợn thịt, mấy con đó
ngất đi vì đau và sợ, rồi kéo đến chân Napoleon. Máu chảy ra từ tai mấy con
lợn, và lũ chó phát điên lên khi ngửi thấy mùi máu tươi. Mọi con còn ngạc nhiên
hơn nữa khi có ba con chó lao vào Chiến Sĩ. Chiến Sĩ liền giơ chân lên tóm lấy
một con và đè xuống đất. Con đó vội kêu ầm lên xin tha mạng, hai con kia cụp
đuôi lại, bỏ chạy. Chiến Sĩ nhìn Napoleon có ý hỏi nên xéo chết hay nên thả con
chó bị giữ. Napoleon thay đổi nét mặt và hạ lệnh cho Chiến Sĩ thả, thế là Chiến
Sỹ nhấc chân lên, con chó thảm hại, mình mảy thâm tím, vừa lết đi vừa rên ư ử.
Trật tự nhanh chóng được vãn hồi. Bốn con lợn nằm chờ số
phận, người run bắn, tội lỗi hiện rõ trên từng nét mặt. Napoleon hạ lệnh cho
chúng phải thú nhận tội lỗi. Đấy chính là bốn con lợn đứng lên phản đối khi
Napoleon quyết định hủy bỏ những cuộc Họp vào ngày chủ nhật. Ngay lập tức chúng
thú nhận đã từng bí mật tiếp xúc với Tuyết Tròn từ khi nó bị trục xuất khỏi
trại, đã giúp nó phá cối xay gió và thỏa thuận cùng với nó bán đứng Trại Súc
Vật cho Frederick. Chúng còn khai thêm rằng Tuyết Tròn đã nói với chúng rằng nó
là gián điệp của lão Jones từ nhiều năm trước. Khi chúng vừa nói xong thì lũ
chó lao lên cắn đứt cổ họng cả bốn con, sau đó Napoleon, bằng một giọng đe dọa,
nghe đã nổi gai gà, hỏi có con nào thấy cần phải thú tội không.
Ba con gà cầm đầu cuộc nổi loạn về trứng bước lên phía trước
và tuyên bố rằng chúng mơ thấy Tuyết Tròn kích động chúng bất tuân mệnh lệnh
của Napoleon. Chúng cũng bị hành quyết. Sau đó có một con ngỗng bước ra và thú
nhận đã lấy sáu bông lúa trong vụ mùa vừa qua để đến đêm ăn. Rồi một con cừu
cái thú nhận đã bị Tuyết Tròn xúi giục đái vào bể nước ăn, rồi hai con cừu nữa
thú nhận đã hành hạ đến chết một con cừu đực già, con này đặc biệt trung thành
với Napoleon, chúng đuổi nó chạy quanh đống lửa khi nó bị ho. Tất cả những con
này đều bị tử hình tại chỗ. Cứ thế, hành quyết đi liền ngay sau lời thú tội.
Chẳng mấy chốc dưới chân Napoleon đã là một đống xác, còn không khí thì nồng
nặc mùi máu tươi, một cảnh tượng chưa từng có từ ngày ông Jones bị trục xuất.
Những con vật còn lại sau vụ hành quyết, tất nhiên không kể
lũ chó và lũ lợn, tụ tập thành một đám và lặng lẽ bò ra khỏi sân. Trông chúng
thật nhỏ nhoi và khốn nạn. Chúng không hiểu giữa sự phản bội của những con liên
kết với Tuyết Tròn và sự trừng phạt dã man mà chúng vừa chứng kiến, cái nào gây
sốc mạnh hơn. Ngày xưa chúng đã từng chứng kiến những cảnh thảm sát không kém
phần man rợ, nhưng lần này sự việc rõ ràng khủng khiếp hơn vì đây là chúng giết
lẫn nhau. Từ ngày lão Jones ra đi đến giờ chưa có con nào bị giết cả. Ngay cả
chuột cũng chưa bị giết. Chúng đi lên khu đồi rồi cùng nằm sát vào nhau cho ấm
bên cạnh cái cối xay gió đang xây dở: Bà Mập nằm cạnh Mona, Benjamin, rồi đến
bầy bò, cừu, gà, ngỗng, vắng mỗi con mèo, nó đã lỉnh ngay trước khi Napoleon
triệu tập. Chúng nằm yên lặng. Chỉ có Chiến Sĩ là vẫn đứng. Nó cứ đi đi lại
lại, đuôi đập liên hồi vào hai bên sườn, thỉnh thoảng lại hí khe khẽ đầy lo âu.
Cuối cùng nó nói:
- Tôi chẳng hiểu gì cả. Không thể nào tin được là chuyện đó
có thể xảy ra trong trại của chúng ta. Có thể là chính chúng ta cũng có lỗi. Chỉ
có một lối thoát, đấy là làm việc nhiều hơn. Từ nay tôi sẽ dậy trước một tiếng
đồng hồ.
Rồi nó buồn bã bước về khu mỏ đá. Cu cậu nhặt đầy hai xe và
kéo đến công trường xây dựng trước khi đi ngủ.
Lũ súc vật túm tụm cạnh Bà Mập nhưng vẫn không có con nào lên
tiếng. Từ trên đỉnh đồi chúng có thể nhìn thấy toàn cảnh khu vực. Chúng trông
thấy gần như toàn bộ Trại Súc Vật - bãi chăn thả kéo dài đến tận con đường
chính, đồng trồng cỏ, rừng cây, bể nước, cánh đồng trồng trọt với những cây lúa
mì đang lên xanh tốt và mái ngói của những ngôi nhà trong trang trại với những
vệt khói ngoằn ngoèo. Đấy là một buổi chiều mùa xuân, trời quang mây tạnh. Ánh
chiều tà đổ vàng trên thảm cỏ và trên những bờ dậu phía xa xa. Chúng ngạc nhiên
nhớ lại rằng trang trại này là của chúng, mỗi thước đất ở đây đều là tài sản
của chúng, mỗi thước đất đều đáng quí xiết bao. Bà Mập nhìn ra xa, mắt đẫm lệ.
Nếu có thể nói hết được những điều nó nghĩ thì chắc chắn nó sẽ nói rằng đấy
không phải là điều chúng định làm khi chúng quyết định lật đổ ách thống trị của
giống người. Trong cái đêm Thủ Lĩnh già kêu gọi chúng khởi nghĩa, chúng không
thể nào tưởng tượng lại có cảnh khủng bố và giết hại hàng loạt như ngày hôm
nay. Nếu lúc đó nó có nghĩ về tương lai thì đấy phải là một xã hội của những
con vật không còn bị đói, không còn bị đòn roi, tất cà đều bình đẳng, tất cả
đều làm việc theo năng lực, con khỏe bảo vệ con yếu, như nó từng bảo vệ lũ vịt
con mồ côi trong cái đêm Thủ Lĩnh già nói chuyện đó. Thế mà, nó không thể hiểu
vì sao, giờ đây không con nào còn dám nói lên ý nghĩ thật của mình nữa, lũ chó
săn hung dữ lùng sục khắp nơi và tất cả phải chứng kiến cảnh giết hại các đồng
chí sau khi những con này thú nhận đã phạm những tội ác tày trời. Nhưng trong
đầu nó không hề có một ý nghĩ bất tuân hay tạo phản nào. Dù sao chúng vẫn sướng
hơn thời còn lão Jones và điều chính yếu là phải ngăn chặn con người quay trở
lại. Dù thế nào thì nó cũng vẫn trung thành với sự nghiệp, tiếp tục lao động
quên mình, hoàn thành mọi nhiệm vụ, tiếp tục đi theo con đường mà Napoleon đã
chọn. Nhưng chả lẽ đấy chính là điều chúng hằng ao ước, là cái chúng đã khổ
công mới tạo dựng được? Không, chúng xây cối xay gió với một mục đích hoàn toàn
khác, cuộc chiến đấu sống còn với lão Jones cũng là để tạo dựng một xã hội khác
hẳn cái mà chúng nhận được ngày hôm nay. Đấy là những ý nghĩ lướt qua đầu Bà
Mập, nhưng nó không thể nói thành lời.
Không thể tìm được lời để nói, Bà Mập đành hát bài Súc Sinh Anh quốc, đấy cũng là một cách
thể hiện những tình cảm đang cuộn dâng trong lòng. Các con khác lập tức hát
theo. Chúng hát ba lần, tiếng hát du dương, chậm và buồn; chưa bao giờ chúng
hát như thế.
Khi chúng vừa hát xong lần thứ ba thì Chỉ Điểm, có hai con
chó hộ tống, tiến lại. Cứ trông dáng chúng là biết ngay có tin quan trọng cần
phải thông báo gấp. Nó tuyên bố rằng bài Súc
Sinh Anh quốc đã bị hủy bỏ theo một nghị định đặc biệt của Đồng chí
Napoleon. Từ nay trở đi cấm không con nào được hát bài đó nữa.
Các con vật đều ngớ ra.
- Tại sao? - Muriel hỏi.
- Thưa các đồng chí, bài hát này đã lỗi thời rồi, - Chỉ Điểm
lạnh lùng nói, - Bài Súc Sinh Anh quốc
là bài hát kêu gọi khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Vụ hành
quyết chiều nay chính là trận cuối cùng đấy. Kẻ thù, cả bên trong lẫn bên ngoài
đều đã bị đánh bại. Bài Súc Sinh Anh quốc
nói lên ước mơ của chúng ta về một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Xã hội
đó đã xây dựng xong. Bài hát này rõ ràng là không còn cần thiết nữa.
Dù đã rất hoảng sợ, nhưng chắc chắn sẽ có con đứng lên phản
đối nếu như lúc đó lũ cừu không tụng ngay như thường lệ: “Bốn chân tốt, hai
chân xấu”, chúng tụng liền mấy phút thành ra không con nào còn có ý kiến gì
được nữa.
Không con nào còn hát Súc
Sinh Anh quốc nữa. Thay vào đó, Kế Tục, một thi sĩ mới nổi, đã viết một bài
hát khác, bắt đầu như sau:
Súc Vật Trại này, Súc
Vật Trại này
Kẻ thù đến sẽ tan
thây.
Từ đó trở đi bao giờ chúng cũng hát bài này sau lễ kéo cờ
vào các sáng chủ nhật hàng tuần. Nhưng lũ súc vật cho rằng cả nhạc điệu lẫn lời
bài mới đều không hay bằng bài Súc Sinh
Anh quốc trước đây.
Chương 8
Vài ngày sau, khi nỗi sợ hãi do vụ thảm sát tạo ra đã lắng
xuống thì có mấy con đã nhớ được, hay tưởng là nhớ được rằng Điều Răn Thứ Sáu
nói: “Loài vật không được giết hại lẫn nhau”. Dù không dám nói ra khi đứng gần
lũ chó và lợn, nhưng cả bọn đều cho là những vụ giết chóc vừa qua không phù hợp
với Điều Răn Thứ Sáu. Bà Mập yêu cầu Benjamin đọc cho nghe Điều Răn Thứ Sáu,
nhưng cũng như mọi khi, Benjamin bảo rằng nó không dây vào những chuyện như
vậy. Bà Mập đành đi tìm Muriel để nhờ đọc. Điều ấy được viết như sau: “Loài vật
không được giết hại lẫn nhau nếu không có
lí do”. Hóa ra là chúng đã quên mấy từ cuối. Nhưng như vậy là Điều Răn này
vẫn được tôn trọng, những tên phản bội liên kết với Tuyết Tròn đáng bị giết quá
đi chứ.
Năm nay chúng còn làm việc vất vả hơn năm trước rất nhiều.
Ngoài những công việc thường nhật của trang trại, chúng còn phải xây dựng lại
cối xay gió với những bức tường dày gấp đôi, mà lại phải hoàn thành đúng kế
họach. Có những lúc chúng thấy phải làm nhiều hơn mà lại được ăn không khác gì
thời còn ông Jones. Sáng chủ nhật nào Chỉ Điểm cũng cầm một mảnh giấy dài và
đọc cho chúng nghe các số liệu chứng minh rằng sản lượng các loại lương thực,
thực phẩm đều tăng, khi thì hai trăm, khi thì ba trăm, khi thì năm trăm phần
trăm. Chúng chẳng thấy có lí do gì để nghi ngờ, nhất là vì chúng đã quên, chẳng
còn nhớ gì quá khứ trước ngày Khởi Nghĩa nữa. Tuy thế, đôi khi chúng thấy thà
số liệu ít đi mà thức ăn nhiều thêm thì vẫn hơn.
Mọi mệnh lệnh bây giờ đều được Chỉ Điểm hay một con lợn khác
đưa xuống. Napoleon chỉ xuất hiện nửa tháng một lần. Mỗi lần nó xuất hiện thì
ngoài bầy chó hộ tống còn có một con gà trống màu đen đi trước, giống như lính
thổi kèn trong đội kị binh, con gà này bao giờ cũng gáy “Ò ó o…” thật to trước
khi Napoleon hắng giọng bắt đầu bài diễn văn. Có tin nói rằng ngay trong ngôi
nhà chính Napoleon cũng có một phòng riêng, tách biệt hẳn với những con lợn
khác. Nó ăn riêng, khi ăn bao giờ cũng có hai con chó đứng hầu, bát đĩa đều
bằng sứ, trước đây, hồi còn ông Jones những thứ này vốn để trong tủ phòng khách
và chỉ đem ra dùng trong những ngày lễ trọng. Có thêm một quyết định mới là từ
nay sẽ bắn súng chào mừng ba lần, một lần vào ngày sinh của Napoleon và hai lần
khác vào những ngày lễ lớn của trại.
Bây giờ chúng không xưng hô với Napoleon đơn giản như trước
nữa. Tên nó luôn đi kèm với những từ như “Lãnh tụ của chúng ta, Đồng chí
Napoleon”, lũ lợn còn cố gắng phát minh ra các tên mới như: Cha của các loài
vật, Nỗi khiếp sợ của giống người, Người bảo vệ của loài cừu, Bạn của loài vịt
v.v... Mỗi khi nói về trí tuệ, lòng nhân từ, tình yêu thương sâu như trời biển
của Napoleon dành cho súc vật, đặc biệt là những con còn phải sống trong vòng
nô lệ tối tăm của các trang trại khác là nước mắt Chỉ Điểm lại chảy ướt đẫm hai
gò má. Mọi thành tích đều được qui về cho Napoleon. Có thể nghe thấy hai con gà
mái tâm sự: “Dưới sự dẫn dắt của Đồng chí Napoleon, Lãnh tụ của chúng ta, tôi
đã đẻ được năm quả trứng trong sáu ngày vừa rồi”; hay hai con bò vừa uống nước
vừa nói: “Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí Napoleon mà nước dạo này mới
ngọt làm sao!”. Tâm trạng chung của trại được thể hiện trong bài thơ mang tên: “Đồng
chí Napoleon” do Kế Tục sáng tác:
Đồng chí Napoleon!
Người là cha của những
đứa trẻ mồ côi,
Là suối nguồn hạnh
phúc muôn đời,
Là vầng thái dương
chiếu sáng bầu trời.
Ánh mắt người ấm mãi
lòng tôi.
Đồng chí Napoleon!
Người cho tôi bữa ăn
lúc đói lòng.
Người cho tôi nệm rơm
ấm mùa đông.
Người ngồi canh,
Cho bầy con giấc ngủ
yên lành.
Con ơi!
Hạnh phúc muôn đời,
Là nhờ Đồng chí
Napoleon.
Tên cha tên mẹ tên
chồng,
Con có thể quên.
Nhưng tên người,
Vầng thái dương chiếu
sáng đời đời
Con phải nhớ mãi không
thôi:
Napoleon, Napoleon,
người ơi! [8]
Napoleon chấp nhận bài thơ và bảo viết lên bức tường nhà kho
lớn, bên cạnh Bảy Điều Răn. Bên trên bài thơ là hình Napoleon nhìn nghiêng do
Chỉ Điểm vẽ bằng sơn trắng.
Trong khi đó, Napoleon, qua trung gian là Whymper, đang tiến
hành những cuộc đàm phán rắc rối với Frederick
và Pilkington. Vẫn chưa bán được đống gỗ. Frederick
muốn mua lắm, nhưng lại trả giá quá thấp. Đồng thời lại có tin đồn rằng Frederick và lũ gia nhân
đang âm mưu tấn công Trại Súc Vật để phá cối xay gió vì lão ghét cay ghét đắng
ngôi nhà này. Nghe nói Tuyết Tròn vẫn đang trốn trong Trại Keo. Đến giữa mùa hè
thì lũ súc vật lại được một phen hoảng loạn khi nghe đồn có ba con gà tự thú đã
bị Tuyết Tròn xúi giục mưu sát Napoleon. Chúng bị hành quyết ngay lập tức và
các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn cho Napoleon đã được thực hiện. Từ nay
trở đi, ban đêm sẽ có bốn con chó, mỗi con canh một góc giường, đồng thời để
tránh bị đầu độc, một con chó tên là Pinkeye được phân công nếm tất cả thức ăn
trước khi Napoleon dùng.
Cũng khoảng thời gian đó có tin Napoleon đã quyết định bán
gỗ cho Pilkington; hơn thế, nó còn dự định sẽ thiết lập việc trao đổi sản phẩm
thường xuyên giữa Trại Súc Vật và Trại Cáo nữa. Quan hệ giữa Napoleon và
Pilkington, dù chỉ mới qua trung gian là Whymper, đã trở nên khá thân tình.
Pilkington, cũng như mọi người nói chung, chẳng bao giờ được lũ súc vật tin,
nhưng dù sao thì chúng cũng thích hơn Frederick
là người chúng vừa ghét vừa sợ. Càng đến cuối mùa hè, khi mà cối xay gió đã sắp
xong, thì tin đồn về cuộc tấn công phản trắc càng tăng. Có người nói rằng Frederick dự định dùng
đội quân gồm hai mươi người đầy đủ súng ống để tấn công và đã mua chuộc chính
quyền cũng như cảnh sát để được tự do hành sự. Ngoài ra tin tức về những việc
làm thất đức của hắn đối với các con vật trong Trại Keo cũng được tiết lộ. Hắn
đánh đến chết một con ngựa già, hắn bỏ đói bầy bò, hắn ném một con chó vào bếp
lò, chiều nào hắn cũng kích động cho bọn gà trống đá nhau, mà không đá nhau
suông, hắn còn buộc dao cạo râu vào cựa gà để tìm cảm giác mạnh nữa. Khi nghe
nói các đồng chí của mình bị đối xử một cách man rợ như vậy thì máu con nào
cũng sôi lên vì giận, đôi khi chúng thét lên đòi kéo nhau đi tấn công Trại Keo,
đuổi cổ giống người đi, giành lại tự do cho lũ súc vật ở đó. Nhưng Chỉ Điểm
khuyên chúng tránh hành động một cách nóng vội và hãy tin tưởng vào đường lối
chiến lược của Đồng chí Napoleon.
Lòng căm thù đối với Frederick
tăng lên từng ngày. Một hôm, vào ngày chủ nhật, Napoleon xuất hiện trong nhà
kho để giải thích cho lũ súc vật là nó chưa bao giờ nghĩ sẽ bán gỗ cho Frederick , nó bảo những
loại như vậy không xứng đáng để nó giao tiếp. Những con bồ câu vẫn được phái đi
kêu gọi súc vật trong các trại khác đứng lên khởi nghĩa bị cấm không được lai
vãng đến gần Trại Cáo, khẩu hiệu: “Đả đảo loài người!” được thay bằng: “Đả đảo Frederick !”. Đến cuối mùa
hè thì một tội ác nữa của Tuyết Tròn được phát hiện. Lần này là cánh đồng lúa
mì mọc đầy cỏ dại - sau khi điều tra mới phát hiện ra rằng ban đêm Tuyết Tròn
đã lẻn vào trại rồi trộn hạt cỏ vào thóc giống. Một con ngỗng đực đồng phạm
trong vụ này đã thú nhận tội lỗi với Chỉ Điểm và sau đó nuốt ngay một quả cà
độc dược tự sát. Lũ súc vật còn được thông báo rằng, không phải như nhiều con
vẫn tin, Tuyết Tròn chưa bao giờ được phong danh hiệu Súc vật Anh hùng bậc I. Chuyện ấy là do chính Tuyết Tròn bịa ra
ngay sau chiến dịch Chuồng bò. Nó không những không được khen thưởng mà còn bị
phê phán nặng nề vì đã tỏ ra hèn nhát khi lâm trận. Cũng như mọi khi, tin này
làm một số con bối rối, nhưng Chỉ Điểm đã nhanh chóng thuyết phục được chúng
rằng thực ra là do chúng mau quên mà thôi.
Cối xay gió được xây dựng xong vào mùa thu, đúng vào lúc thu
hoạch vụ mùa, chúng đã phải làm việc đến kiệt sức. Dù còn phải lắp thiết bị
nữa, Whymper đang đàm phán để mua, nhưng cái chính là đã xây xong nhà xưởng
rồi. Biết bao nhiêu khó khăn, chưa có kĩ thuật và kinh nghiệm, lại còn bị Tuyết
Tròn phá hoại, thế mà chúng vẫn hoàn thành công tác xây dựng đúng ngày giờ đã
định! Dù rất mệt mỏi, lũ súc vật vẫn cố đi nhiều vòng quanh cối xay gió, lòng
đầy tự hào, lúc này trông nó còn đẹp hơn lần xây đầu tiên. Đấy là chưa nói
tường lần này dày gấp đôi lần trước. Bây giờ muốn phá mà không có thuốc nổ
không xong! Và khi chúng nghĩ đến khối lượng công việc đã làm, những khó khăn
đã vượt qua, những đổi thay sẽ tới khi cách quạt cối xay gió bắt đầu quay, khi
máy phát điện bắt đầu chạy; khi chúng nghĩ đến những chuyện đó thì bao nhiêu
mệt mỏi đều tan biến, chúng cùng nhau chạy vòng quanh cối xay gió, vừa chạy vừa
reo hò ầm ĩ. Chính Napoleon, được mấy con chó và con gà trống hộ tống, cũng tới
xem, nó chúc mừng cả lũ nhân dịp hoàn thành công trình và tuyên bố sẽ đặt tên
công trình là Nhà máy Napoleon.
Hai ngày sau, lũ súc vật được mời tới dự một phiên họp đặc
biệt trong nhà kho. Chúng không thể nào tin được khi nghe Napoleon nói đã bán
gỗ cho Frederick .
Ngày mai xe của Frederick
sẽ tới chở. Hóa ra thời gian qua Napoleon giả vờ thân thiện với Pilkington
nhưng lại bí mật đàm phán với Frederick .
Mọi quan hệ với Trại Cáo đều bị cắt, một công hàm chứa đầy
các từ ngữ có tính xúc phạm được gửi cho Pilkington. Đám bồ câu được lệnh tránh
Trại Keo và thay khẩu hiệu “Đả đảo Frederick ”
thành “Đả đảo Pilkington”. Đồng thời Napoleon cũng cam đoan với lũ súc vật rằng
lời đồn về vụ tấn công Trại Súc Vật là hoàn toàn vô căn cứ, cũng như việc Frederick đối xử tàn tệ
với gia súc đã bị thổi phồng quá đáng. Chắc là Tuyết Tròn và tay sai đã tung ra
các tin này. Hóa ra là Tuyết Tròn không những không trốn trong Trại Keo mà còn
chưa bao giờ đến đấy nữa, thực ra là nó đang sống, theo người ta nói, thì khá
sung túc trong Trại Cáo: nó đã bán mình cho Pilkington từ lâu.
Lũ lợn được dịp đưa Napoleon lên chín tầng mây. Giả vờ thân
thiện với Pilkington, nó đã buộc Frederick
phải trả thêm hai mươi bảng. Chỉ Điểm còn nói rằng Napoleon là một con heo siêu
quần vì nó không bao giờ tin ai, không tin bất cứ con nào, không tin cả Frederick . Frederick muốn thanh toán
bằng sec, nghĩa là bằng một tờ giấy
có ghi rõ số tiền có thể nhận khi cần. Nhưng Napoleon tỏ ra khôn hơn hắn ta
nhiều. Nó đòi thanh toán bằng tiền mặt, loại năm bảng, mà phải trả đủ tiền thì
mới được mang gỗ đi. Frederick
đã thanh toán hết rồi, số tiền này đủ mua toàn bộ thiết bị cho cối xay gió.
Gỗ được chuyển đi khá nhanh. Khi số gỗ trong sân đã được đưa
đi hết thì lũ súc vật lại được mời tham gia một cuộc họp đặc biệt để cùng kiểm
tra số tiền do Frederick
giao. Napoleon, ngực đeo hai tấm huy chương, miệng cười rất tươi, nằm ngả người
trên nệm rơm, bên cạnh là cái đĩa sứ chất đầy những tập tiền mới cứng. Lũ súc
vật lần lượt đi ngang qua, tha hồ ngắm nghía. Chiến Sĩ còn đưa mũi hít, những
tờ giấy mới khẽ rung lên và phát ra tiếng kêu loạt xoạt.
Ba ngày sau thì xảy ra một vụ náo loạn. Hôm đó, Whymper, mặt
trắng bệch như người sắp chết, phóng xe đạp như điên vào sân trại, vừa tới nơi
đã quẳng xe xuống đất rồi vội vàng lao vào tòa nhà chính. Gần như ngay lập tức
người ta nghe thấy tiếng thét kinh hoàng phát ra từ phòng Napoleon. Tin tức
truyền khắp trại nhanh như lửa chớp. Tiền do Frederick thanh toán là giả hết! Hắn đã ăn
không số gỗ rồi!
Napoleon lập tức hạ lệnh tập trung và tuyên bố kết án tử
hình Frederick .
Thằng ấy đáng bị thiêu sống - nó bảo như vậy. Đồng thời nó cũng nói phải chuẩn
bị tinh thần để đối phó với những tình huống xấu nhất. Frederick và gia nhân của hắn có thể tấn công
bất cứ lúc nào. Phải cử lính canh trên mọi ngả đường dẫn vào trại. Ngoài ra nó
còn cử bốn con bồ câu mang theo thông điệp hữu hảo sang Trại Cáo để mong bình
thường hóa quan hệ.
Ngay sáng hôm sau Frederick
đã tổ chức tấn công. Lũ súc vật đang chuẩn bị ăn sáng thì con canh gác chạy vào
báo rằng Frederick
cùng gia nhân đã vượt qua cổng chính của trại. Không lưỡng lự, lũ súc vật lập
tức xông lên, nhưng lần này chúng phải chiến đấu vất vả hơn chiến dịch Chuồng
bò nhiều. Cả thảy có mười lăm người với khoảng nửa tá súng, ngay từ xa hơn một
trăm mét họ đã nổ súng rồi. Tiếng súng vang lên đinh tai nhức óc, đạn ghém vãi
như trấu, lũ súc vật không ngờ cuộc chiến lại dữ dội đến như thế nên mặc dù
Napoleon và Chiến Sĩ ra sức động viện, chúng vẫn lùi dần. Một số con đã bị
thương. Chúng chạy vào nấp trong các tòa nhà rồi ghé mắt nhìn qua các lỗ thủng
trên tường. Toàn bộ bãi chăn thả lớn, kể cả cối xay gió đã lọt vào tay địch
quân. Ngay cả Napoleon cũng tỏ ra bối rối. Nó yên lặng đi đi lại lại, cái đuôi
xoắn cứ đập hết bên này sang bên kia. Thỉnh thoảng nó lại nhìn về hướng Trại
Cáo. Nếu Pilkington mang quân tiếp viện tới thì may ra mới có thể đánh đuổi
được địch quân. Nhưng đúng lúc đó thì bốn con bồ câu được phái đi trước đó một
ngày đã quay về. Một con ngậm miếng giấy trên ghi hai chữ “Đáng kiếp”.
Trong khi đó Frederick
và gia nhân đã tiến gần đến cối xay gió. Lũ súc vật chăm chú theo dõi, tiếng
thì thầm lo lắng bắt đầu nổi lên. Có hai người mang búa và xà beng tới. Chắc là
họ định phá cối xay gió.
- Không xong đâu! - Napoleon gào lên, - Tường cối xay gió
dày lắm, chúng không làm gì được đâu. Phải mất cả tuần là ít. Cứ bình tĩnh đi,
các đồng chí!
Nhưng Benjamin vẫn không rời mắt khỏi mọi động tĩnh. Hai
người đang dùng búa và xà beng đào một cái hố ngay dưới chân tường cối xay gió.
Benjamin gật gù cái mõm dài ngoằng, có vẻ như nó còn cảm thấy thú vị nữa.
- Tôi vẫn nghĩ như thế, nó bảo, các vị có biết chúng đang
làm gì không? Chúng sẽ cho thuốc nổ vào hố đấy.
Lũ súc vật sợ hãi chờ đợi. Không con nào dám liều mạng xông
ra. Rồi chúng thấy bọn người chạy tản ra tứ phía. Một tiếng nổ đinh tai nhức óc
vang lên. Lũ bồ câu bay vọt lên, còn các con khác, trừ Napoleon thì vội nằm bẹp
xuống, mặt dúi xuống đất. Khi ngẩng đầu lên thì chúng thấy một đám khói đen còn
trùm lên khu vực cối xay gió. Khói tan dần. Cối xay gió đã bị đánh sập hoàn
toàn!
Cảnh tượng làm lũ súc vật lập tức tỉnh ngộ. Hành động tàn
bạo, bất lương đó làm cho chúng vô cùng tức giận. Không cần mệnh lệnh, chúng
đồng loạt lao lên, xông thẳng vào địch quân, miệng gầm lên những tiếng thét căm
hận đòi trả thù. Đạn ghém vãi như mưa trên lưng cũng không làm chúng nao núng.
Chúng sẵn sàng hi sinh tất cả. Frederick
và gia nhân bắn liên hồi kì trận và khi lũ súc vật đến gần thì dùng gậy đánh,
chân đá. Một con bò, ba con cừu, hai con ngỗng bị giết, hầu như con nào cũng bị
thương. Napoleon, đứng đằng sau chỉ huy cũng bị đạn bắn vào đuôi. Nhưng một số
gia nhân của Frederick
cũng bị sứt đầu mẻ trán. Ba người bị Chiến Sĩ đạp vỡ đầu, một người bị bò húc
thủng bụng, một người nữa bị chó cắn rách quần. Khi chín con chó thuộc đội cận
vệ của Napoleon được lệnh bọc sườn và vừa sủa vừa lao vào tấn công thì lũ người
hoảng loạn. Họ hiểu rằng sắp bị bao vây. Frederick
hạ lệnh rút lui, thế là địch quân hốt hoảng bỏ chạy. Lũ súc vật đuổi theo đến
tận sát biên giới và tiếp tục húc vào mông người khi họ chui qua lỗ hàng rào
ngăn cách hai trại.
Chúng đã thắng, nhưng chúng cũng đã kiệt sức vì mệt và bị
thương. Chúng từ từ quay trở về trang trại. Cảnh hi sinh của đồng đội làm chúng
cảm động đến trào nước mắt. Chúng đứng lặng bên cạnh đống xà bần của cối xay
gió. Cối xay gió không còn, bao nhiêu công sức đã bị xóa sạch! Ngay cả móng
cũng bị phá hỏng gần hết. Lần trước, khi xây lại, chúng còn có thể sử dụng
những viên đá cũ. Bây giờ thì đá cũng không còn. Vụ nổ đã làm đá bắn vung vãi
khắp nơi, xa đến cả trăm mét.
Khi chúng về gần đến trang trại thì Chỉ Điểm, không con nào
nhìn thấy nó khi lâm trận, bỗng ở đâu tiến lại, đuôi vẫy nhặng lên có vẻ rất
hài lòng. Lũ súc vật nghe thấy tiếng súng.
- Sao lại bắn súng thế nhỉ? - Chiến Sĩ hỏi.
- Để chào mừng chiến thắng, - Chỉ Điểm gào lên.
- Chiến thắng nào? - Chiến Sĩ lại nói. Các đầu gối của nó
đều bị rách, móng sắt thì bị tuột, bàn chân cũng bị thương, hai chân sau còn
dính hàng chục mảnh đạn.
- Sao lại chiến thắng nào, thưa các đồng chí? Không phải là
chúng ta vừa giải phóng đất đai, đất đai thiêng liêng của Trại Súc Vật của
chúng ta đấy ư?
- Nhưng chúng đã đánh sập cối xay gió, hai năm xây dựng chứ
có ít đâu!
- Thế thì đã sao? Chúng ta sẽ xây cái khác. Nếu muốn chúng
ta có thể xây sáu cái một lúc. Có thể đồng chí chưa đánh giá hết chiến công vĩ
đại vừa rồi của chúng ta. Kẻ thù đã chiếm được chính mảnh đất mà chúng ta đang
đứng đây. Bây giờ, nhờ sự lãnh đạo của đồng chí Napoleon, chúng ta đã giành lại
được từng tấc đất của chúng ta.
- Chúng ta giành lại chính đất của mình, - Chiến Sĩ nói.
- Đấy chính là chiến thắng chứ còn gì nữa, - Chỉ Điểm bảo.
Cuối cùng chúng cũng lê được về đến sân trại. Các mảnh đạn
còn nằm trong chân Chiến Sĩ nhức nhối không thể chịu nổi. Nó đã mường tượng
được những nỗi cực nhọc, vất vả của quá trình xây dựng lại từ đầu cối xay gió
và trong thâm tâm đã sẵn sàng lao vào công việc. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên
nó ý thức được rằng nó đã mười một tuổi rồi, sức vóc không còn được như mọi năm
nữa.
Nhưng khi nhìn thấy lá cờ xanh đang tung bay, nghe thấy loạt
súng chào mừng, hôm đó bắn những bảy loạt và nhất là sau khi nghe Napoleon cám
ơn vì đã dũng cảm chiến đấu thì chúng thực sự cảm thấy vừa giành được một chiến
thắng vĩ đại. Những con hi sinh được chôn cất chu đáo. Đoàn đưa tang do chính
Napoleon dẫn đầu, phía sau là một chiếc xe song mã được dùng làm xe tang do
Chiến Sĩ và Bà Mập kéo. Chúng nghỉ việc hai ngày liền để mừng chiến thắng.
Chúng tổ chức hát, đọc diễn văn chào mừng và bắn súng; mỗi con gia súc được
phát một quả táo, mỗi con gia cầm được sáu mươi gram thóc, mỗi con chó được ba
cái bánh xốp. Sau đó có thông báo rằng trận đánh này được gọi là chiến dịch Cối
xay gió, Napoleon quyết định thiết lập một danh hiệu mới gọi là “Huân chương cờ
xanh” và gắn cho chính mình. Trong niềm vui chung dạt dào đó, không con nào còn
nghĩ đến vụ tiền giả vừa rồi nữa.
Sau đó mấy ngày thì lũ lợn phát hiện được một thùng whisky trong tầng hầm của ngôi nhà
chính. Chiều hôm đó những con khác bỗng nghe thấy tiếng hát vọng ra từ ngôi nhà
chính và điều làm chúng ngạc nhiên hơn nữa là có cả những đoạn của bài “Súc Sinh Anh Quốc”. Rồi vào khoảng chín
giờ rưỡi, lúc đó trời vẫn còn sáng, chúng thấy Napoleon chui ra khỏi cửa sau,
đầu đội chiếc mũ phớt cũ của ông Jones, nó chạy nước kiệu quanh sân một vòng
rồi đi vào. Sáng hôm sau một không khí im lặng bao trùm cả tòa nhà chính. Không
thấy một con lợn nào hay bất cứ động tĩnh gì xung quanh tòa nhà. Mãi đến khoảng
chín giờ Chỉ Điểm mới xuất hiện, mắt cu cậu trông đờ dẫn, đuôi buông thõng,
chân bước uể oải, rõ là đang mệt nặng. Nó gọi tất cả lại và nói có một tin quan
trọng cần phải thông báo. Đồng chí Napoleon đang hấp hối!
Tiếng gào khóc dậy lên. Chúng vội mang rơm đến trải xuống
trước cửa ngôi nhà chính, không con nào dám bước mạnh. Nước mắt lưng tròng,
chúng thì thầm hỏi nhau sẽ làm gì nếu như chẳng may lãnh tụ có mệnh hệ nào. Có
tin đồn Tuyết Tròn đã đầu độc Napoleon. Mười một giờ Chỉ Điểm lại xuất hiện.
Chỉ Điểm bảo rằng trước khi từ giã cõi đời, đồng chi Napoleon đã kí một nghị
định, từ nay con nào uống rượu thì sẽ bị kết án tử hình.
Đến chiều có tin Napoleon đã đỡ và sáng hôm sau thì Chỉ Điểm
thông báo rằng lãnh tụ đang bình phục. Chiều hôm đó Napoleon đã ngồi dậy làm
việc và sáng hôm sau thì có tin là nó đã hạ lệnh cho Whymper mua ở Willingdon
mấy cuốn sách dạy cất rượu bia. Một tuần sau Napoleon ra lệnh cày đám đất trước
đây định dành làm bãi cỏ cho những con về hưu. Lũ súc vật được nghe giải thích
rằng miếng đất ấy cằn cỗi quá, phải trồng cấy một thời gian để lấy màu, nhưng
sau này mới rõ là Napoleon định trồng lúa mạch ở đó.
Cũng khoảng thời gian này đã xảy ra một sự kiện mà hầu như
không con nào hiểu. Hôm ấy, đã gần nửa đêm, bỗng có tiếng động lớn vang lên ở
ngoài sân, tất cả đều lao ra khỏi chuồng. Trăng hôm đó rất tỏ, cả bọn nhìn thấy
gần đầu hồi nhà kho lớn, nơi có chép “Bảy Điều Răn”, một cái thang gãy làm đôi.
Gần đấy là Chỉ Điểm, lúc đó đã bất tỉnh nhân sự, cái đèn bão cùng một hộp sơn
màu trắng lăn lóc bên cạnh. Mấy con chó lập tức đứng thành vòng tròn xung quanh
Chỉ Điểm và dìu nó về nhà chính khi nó vừa gượng dậy được. Có vẻ như ngoài
Benjamin ra thì không con nào hiểu đã xảy ra chuyện gì, nhưng nó chỉ lắc đầu,
không nói câu nào.
Mấy ngày sau, Muriel, trong khi đọc lại Bảy Điều Răn đã phát
hiện ra chúng còn nhớ sai một điều nữa. Chúng tưởng rằng Điều răn thứ năm là “Không
con vật nào được uống rượu”, nhưng chúng đã quên mất ba từ. Thực ra Điều Răn đó
như sau: “Không con vật nào được uống rượu đến
say xỉn”.
Chương 9
Cái móng bị thương của Chiến Sĩ chữa mãi vẫn không khỏi.
Trong khi đó lũ súc vật tiến hành khôi phục cối xay gió ngay sau lễ mừng chiến
thắng. Chiến Sĩ không nghỉ ngày nào, nó rất tự hào là đã không để cho những con
khác thấy nó đang bị đau. Chỉ đến tối nó mới bảo với Bà Mập là bị vết thương
hành hạ. Bà Mập phải nhai lá cây và đắp vào vết thương cho Chiến Sĩ. Nó cùng
với Benjamin thuyết phục Chiến Sĩ hãy tự bảo trọng.
- Phổi loài ngựa không được khoẻ đâu, - Nó nói.
Nhưng Chiến Sĩ không nghe. Nó bảo chỉ có một ước nguyện duy
nhất là được trông thấy cối xay gió hoàn thành trước khi nghỉ hưu mà thôi.
Ngay từ khi mới thiết lập luật lệ của Trại Súc Vật, đã có
qui định tuổi nghỉ hưu của ngựa và lợn là mười hai, của bò là mười bốn, của chó
là chín, của cừu là bảy, còn của gà là năm. Chúng cũng đã thống nhất là sẽ
không để cho những con về hưu phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Thực ra thì cho
đến nay cũng chưa có con nào nghỉ hưu cả, nhưng thời gian gần đây vấn đề này
rất hay được đem ra bàn thảo. Bây giờ, khi miếng đất cạnh khu vườn được đem đi
trồng lúa mạch rồi thì lại có tin là một góc bãi cỏ dài sẽ được rào riêng ra
cho những con già cả. Cũng có tin nói rằng ngựa hưu sẽ được lĩnh hai cân ngũ
cốc mỗi ngày, đấy là mùa hè, còn mùa đông thì được bảy cân cỏ khô, ngày lễ thì
còn được phát thêm một củ cà rốt hay một quả táo nữa. Sang năm Chiến Sĩ sẽ tròn
mười hai tuổi.
Hiện nay đời sống của chúng phải nói là khá chật vật. Mùa
đông năm nay lạnh không khác gì năm trước mà thực phẩm thì khan hiếm hơn. Khẩu
phần, trừ của chó và lợn, đều bị cắt bớt. Tuyệt đối bình quân, Chỉ Điểm giải
thích, là trái với nguyên tắc của Súc Sinh Kinh. Nó dễ dàng chứng minh cho những
con khác thấy rằng thực ra là chúng có đủ lương thực, khan hiếm thực phẩm chỉ
là giả tạo. Dĩ nhiên là lúc này cần phải có một sự điều chỉnh nhất định (Chỉ
Điểm nói là “điều chỉnh” chứ không phải “cắt bớt”) nhưng nếu so với thời còn
lão Jones thì sự cải thiện là rõ ràng. Bằng một giọng đọc nhanh và the thé chói
tai, nó đưa ra những con số rất cụ thể, chứng minh rằng chúng thu được nhiều
yến mạch, nhiều cỏ khô, nhiều củ cải hơn thời còn lão Jones, công việc lại nhẹ
nhàng hơn, nước uống có chất lượng cao hơn, chúng sống lâu hơn, tỉ lệ trẻ sơ
sinh sống sót cao hơn, chúng có nhiều rơm làm nệm hơn, ít chấy rận hơn. Mọi con
đều tin như thế. Thực ra mà nói thì chúng cũng đã quên gần hết những chuyện
thời ông Jones rồi. Chúng chỉ biết rằng cuộc sống hiện nay rất khó khăn, vất
vả, chúng thường bị đói, bị rét và hễ mở mắt ra là chúng phải làm. Trước đây
chắc là còn khó khăn nữa. Chúng vui lòng tin như thế. Ngoài ra, quan trọng hơn
nữa là trước đây chúng là nô lệ, bây giờ chúng được tự do, Chỉ Điểm luôn nhấn
mạnh như vậy.
Nhân khẩu ngày một tăng. Mùa thu vừa rồi có bốn chị lợn nằm
ổ cùng một lúc, chúng sinh được những ba mươi mốt con cả thảy. Tất cả đều là
lợn khoang, cả trại chỉ có một mình Napoleon là lợn giống nên có thể đoán ngay
được chúng là con ai. Toàn trại được thông báo rằng hiện đang tiến hành mua
gạch và gỗ, khi nào mua được thì sẽ xây lớp học. Còn hiện thời thì lũ lợn con
sẽ được giao cho Napoleon dạy dỗ trong khu nhà bếp. Lũ lợn con được đưa ra vườn
chơi nhưng bị cấm tiếp xúc với bọn thú con khác loài. Một điều luật mới cũng
được đưa ra trong khoảng thời gian này, ấy là khi gặp nhau thì tất cả phải đứng
sang bên, nhường đường cho lợn đi trước, đồng thời, giống lợn, không phân biệt
chức vụ được đeo băng xanh ở đuôi vào các ngày chủ nhật.
Năm nay là một năm khá thành công, nhưng tiền thì vẫn thiếu.
Còn phải mua gạch, vôi và cát để xây trường học; lại còn phải tiết kiệm để mua
máy móc cho cối xay gió nữa. Rồi phải mua dầu thắp, nến và đường cho riêng
Napoleon (nó cấm các (những) con lợn khác ăn đường vì sợ chúng sẽ bị tăng
trọng) và bao nhiêu thứ khác như dụng cụ, đinh, dây thừng, than, dây thép, tấm
lợp và bánh bích qui cho chó nữa. Phải bán một phần cỏ khô và khoai tây, hợp
đồng bán trứng gà đã tăng lên đến sáu trăm quả mỗi tuần thành thử số gà gần như
không tăng, nếu không nói là giảm vì số trứng chúng để lại ấp quá ít. Tháng
mười hai đã giảm khẩu phần một lần, tháng hai lại bị giảm một lần nữa và để
tiết kiệm, từ nay ban đêm không được thắp đèn trong các chuồng nữa. Nhưng lũ
lợn có vẻ như vẫn sống khỏe, chí ít con nào cũng lên cân. Một lần, vào buổi
chiều tháng hai, trong khu sân trại bỗng có một mùi thơm nồng, lũ súc vật chưa
từng ngửi thấy mùi này bao giờ. Hóa ra mùi ấy xuất phát từ cái nhà nằm ở sau
bếp, thời còn lão Jones vẫn dùng để nấu bia, nhưng lâu nay bỏ không. Có con nào
đó nói rằng đấy là mùi lúa mạch nấu. Lũ súc vật hít hà mãi cái mùi thơm nồng,
cay cay đó và cố đoán xem tối nay chúng có được ăn “hèm” không. Nhưng tối hôm
đó không có “hèm”, đến chủ nhật chúng lại được thông báo rằng từ nay lúa mạch
sẽ để dành riêng cho lũ lợn. Miếng đất cạnh khu vườn đã được gieo lúa mạch rồi.
Sau đó lại có tin nói rằng từ nay mỗi con lợn sẽ được nửa lít bia một ngày,
riêng Napoleon thì được uống hai lít, mà phải uống bằng cốc pha lê.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc đời vẫn đáng sống hơn xưa
rất nhiều. Chưa bao giờ chúng được hát, được nghe nói chuyện, được đi mít tinh,
biểu tình nhiều như bây giờ. Napoleon ra lệnh mỗi tuần phải có một cuộc Diễu
Hành mà nó gọi là Tự Phát, mục đích là để ngợi ca cuộc đấu tranh và những thành
quả của Trại Súc Vật. Đúng giờ qui định tất cả sẽ rời bỏ ngay công việc, xếp
thành đội ngũ, lần lượt là lũ lợn rồi đến ngựa, bò, cừu và cuối cùng là gà, vịt
và đi đều bước xung quanh trang trại. Con gà trống màu đen của Napoleon luôn
luôn đi đầu, còn hai bên đoàn diễu hành là lũ chó. Chiến Sĩ và Bà Mập mang lá
cờ màu xanh giữa có hình sừng và móng và khẩu hiệu “Đồng chí Napoleon muôn năm”.
Các buổi mít tinh bao giờ cũng kết thúc với màn trình bày bài thơ ngợi ca
Napoleon và báo cáo của Chỉ Điểm về những thành tích trong việc tăng gia sản
xuất thời gian vừa qua; những dịp lễ lạt thường có bắn các loạt súng chào mừng
nữa. Lũ cừu đặc biệt khoái đi diễu hành, nếu có con nào phàn nàn (nhất là khi
vắng bọn chó và lợn) là diễu hành chỉ tổ rét và mất thời gian thì chúng lập tức
tụng bài cầu nguyện muôn thuở: “Bốn chân tốt, hai chân xấu”, mà chúng tụng to
đến nỗi át được mọi (cả những) lời phàn nàn, hậm hực. Nhưng nói chung là đa số
thích những buổi lễ lạt kiểu ấy. Chúng thấy được an ủi phần nào vì các buổi tụ
tập như vậy nhắc nhở chúng rằng chúng thực sự là chủ nhân của trang trại và mọi
việc chúng làm đều là vì chúng mà thôi. Những bài hát, những cuộc diễu hành, số
liệu của Chỉ Điểm, tiếng súng chào mừng, tiếng gáy của con gà trống và ngọn cờ
tung bay trước gió đã giúp quên đi, dù chỉ trong phút chốc cái đói cồn cào đang
hành hạ chúng.
Tháng tư, Trại Súc Vật tự tuyên bố là Nước Cộng Hòa, cần
phải bầu Tổng Thống. Chỉ có một ứng cử viên duy nhất. Napoleon trúng cử một
trăm phần trăm. Ngay hôm đó lại có tin đã tìm thấy những tài liệu mới chứng tỏ
Tuyết Tròn đã cộng tác với lão Jones ngay từ đầu. Hóa ra là Tuyết Tròn không
chỉ sử dụng chiến thuật khôn khéo nhằm làm thất bại Chiến Dịch Chuồng Bò, như
chúng đã thấy trước đây, mà còn đứng hẳn về phía lão Jones nữa. Chính Tuyết
Tròn đã dẫn đầu đoàn người xâm nhập, miệng hô lớn: “Loài người muôn năm!”. Còn
những vết thương trên lưng nó, vẫn có mấy con còn sống trông thấy những vết
thương ấy và nhớ rõ rằng đấy chính là vết răng của Napoleon.
Sau nhiều năm vắng bóng, giữa mùa hè vừa rồi con Moses bỗng
lại xuất hiện. Nó hầu như không thay đổi, vẫn chẳng chịu làm gì và suốt ngày kể
chuyện hão huyền về Núi Xôi. Nó thường đậu trên cành cây, vẫy vẫy đôi cánh đen
và nói hàng giờ liền, miễn là có con nào đó chịu nghe.
- Ở trên kia, thưa các đồng chí, - Nó vừa nói vừa lấy mỏ chỉ
lên trời, - phía trên những đám mây màu đen kia là Núi Xôi, là nơi các loài vật
khốn khổ chúng ta sẽ được yên nghỉ đời đời.
Nó còn nói rằng nó đã từng bay tới đó một lần rồi, đã từng
trông thấy những cánh đồng cỏ ba lá xanh tốt quanh năm, trông thấy những khu
vườn mọc đầy bánh nhân hạt lanh cũng như đường cục. Thế mà có nhiều con tin.
Chúng nghĩ rằng chúng đang bị đói, khổ, vất vả; thế thì việc có một thế giới an
lành hơn ở đâu đó cũng là lẽ công bằng mà thôi. Nhưng điều chúng không thể hiểu
được chính là thái độ của bọn lợn đối với Moses. Lũ lợn miệt thị rằng Núi Xôi
chỉ là chuyện bịa, nhưng Moses không những không bị đuổi đi mà còn được cấp một
vại bia mỗi ngày.
Cuối cùng thì móng của Chiến Sĩ cũng khỏi, nó lao vào công
việc hăng hơn lúc nào hết. Những con khác cũng phải làm không khác gì tù khổ
sai. Ngoài công việc thường kì của trại và khôi phục cối xay gió thì còn việc
xây trường cho lũ lợn con nữa. Trường học được khởi công vào tháng ba. Đôi khi
tưởng chừng như không thể nào chịu nổi thời gian và cường độ lao động ấy với
một cái dạ dày lép kẹp, nhưng Chiến Sĩ không hề ngã lòng. Không có một dấu hiệu
gì, kể cả trong lời nói cũng như việc làm chứng tỏ sức lực của nó không còn
được như xưa nữa. Tuy thế, tướng mạo của nó có thay đổi chút ít, da nó không
còn được nhuận như trước, hông nó trông cũng nhỏ đi. Mọi con đều nói: “Có cỏ
non là Chiến Sĩ sẽ bình phục ngay ấy mà”, nhưng mùa xuân đã về, cỏ non đã lên
xanh mà Chiến Sĩ chẳng hề mập thêm chút nào. Những khi trông nó gồng mình kéo
đá lên khỏi bờ dốc, có cảm tưởng như sức nó đã kiệt, phải là một ý chí sắt đá
lắm mới đứng vững được như thế. Nhìn vào đôi môi, người tinh có thể thấy rằng
nó đang định nói: “Tôi sẽ cố gắng hơn nữa”, nhưng không thể thốt lên lời. Bà
Mập và Benjamin lại nhắc nó giữ gìn sức khỏe, nhưng nó vẫn bỏ ngoài tai. Ngày
sinh nhật lần thứ mười hai đang đến gần. Nó chỉ quan tâm đến một việc duy nhất
sau đây: làm sao gom được thật nhiều đá trước khi nghỉ hưu, còn sau đó muốn ra
sao thì ra.
Một hôm, lúc ấy đã khá khuya, bỗng có tin Chiến Sĩ gặp nạn.
Hóa ra là nó đi kéo xe đá một mình. Không phải là tin đồn nữa, sự thật là thế,
mấy phút sau có hai con bồ câu bay về.
- Chiến Sĩ bị ngã! Nó ngã nằm nghiêng, không dậy được nữa
rồi! - hai con bồ câu thông báo.
Gần một nửa số súc vật trong trang trại lao về phía gò đất.
Chiến Sỹ nằm đó, giữa hai càng xe, cổ vươn ra, nhưng yếu quá, không thể nhấc
đầu lên được. Lưng nó đẫm mồ hôi, hai mắt trông dại hẳn đi. Một dòng máu nhỏ
đang rỉ ra khỏi miệng.
Bà Mập quì xuống bên cạnh.
- Chiến Sĩ! - nó hỏi, - Anh sao vậy?
- Không thở được nữa rồi, - Chiến Sỹ thều thào nói, - Nhưng
không sao. Tôi nghĩ các bạn sẽ dựng lại được cối xay gió. Có nhiều đá lắm rồi.
Dù sao cũng chỉ một tháng nữa là tôi sẽ nghỉ hưu thôi. Nói thật, tôi mong được
nghỉ hưu lắm. Benjamin cũng già rồi, nếu nó cũng được nghỉ hưu cùng lúc với tôi
để cho có bạn thì tốt biết bao.
- Đi báo cho Chỉ Điểm ngay, - Bà Mập nói.
Tất cả lập tức chạy về khu nhà chính để tìm Chỉ Điểm. Chỉ có
Bà Mập và Benjamin ở lại. Benjamin yên lặng nằm xuống bên cạnh Chiến Sĩ và dùng
đuôi đuổi ruồi cho nó. Khoảng mười lăm phút sau thì Chỉ Điểm tới, mặt lộ đầy vẻ
thương cảm và sốt sắng. Nó nói rằng đồng chí Napoleon rất buồn khi biết tin tai
nạn đã xảy ra với một trong những người lao động trung thành nhất của trang
trại và đang sắp xếp để đưa Chiến Sĩ đến chữa tại bệnh viện ở Willingdon. Nhưng
lũ súc vật lại cảm thấy có cái gì đó không yên tâm vì từ trước tới nay ngoài
Mollie và Tuyết Tròn ra thì chưa có con nào đi khỏi trang trại, vả lại chúng
cũng không thích giao một đồng chí bệnh hoạn vào tay con người. Nhưng Chỉ Điểm
dễ dàng thuyết phục được chúng rằng các bác sĩ thú y ở Willingdon sẽ chữa cho
Chiến Sĩ tốt hơn là cứ để nó nằm ở trại. Khoảng nửa tiếng sau thì Chiến Sĩ đứng
dậy được, nó lết dần về chuồng. Bà Mập và Benjamin lấy rơm trải cho nó một cái
ổ khá dày.
Chiến Sĩ nằm trong chuồng hai ngày liền. Lũ lợn tìm được một
chai thuốc màu hồng khá to ở trong tủ thuốc đặt tại phòng tắm và đem ra cho nó.
Bà Mập bắt nó uống hai lần một ngày, ngay sau bữa ăn. Buổi tối Bà Mập vào
chuồng của Chiến Sĩ để tâm sự, trong khi Benjamin thì đuổi ruồi cho nó. Chiến
Sĩ nói rằng nó chẳng có gì phải phàn nàn. Nếu lần này hồi phục được thì nó có
thể sống thêm khoảng ba năm nữa, nó mong được sống những ngày thanh thản còn
lại trong góc cái bãi cỏ rộng dành cho những con về hưu. Nó sẽ dành trọn thời
gian rảnh rỗi để học tập, nâng cao trình độ. Nó bảo nó sẽ dành toàn bộ quãng
đời còn lại để học cho thuộc hai mươi hai chữ cái.
Benjamin và Bà Mập chỉ có thể chăm sóc Chiến Sĩ sau giờ tan
tầm, thế mà cái xe đến bắt nó lại xuất hiện vào lúc gần trưa. Mấy con lợn đang
chỉ huy cả bọn gieo hạt cải ở ngoài đồng thì bỗng thấy Benjamin phi nước đại từ
trang trại tới, miệng gào đến lạc cả giọng. Đây là lần đầu tiên chúng thấy
Benjamin xúc động như vậy, cũng là lần đầu tiên chúng thấy nó phi nước đại.
- Mau lên! Mau lên! - Nó gào lên, - Lại đây mau lên! Họ mang
Chiến Sỹ đi rồi!
Cả bọn lập tức bỏ việc và cùng chạy về phía khu nhà chính,
không đợi lũ lợn có cho phép hay không. Quả nhiên, trong sân có một cái xe song
mã đóng kín cửa, bên sườn xe có ghi hàng chữ khá to, anh chàng đánh xe đội một
cái mũ phớt trông rất láu cá. Chiến Sĩ không còn trong chuồng nữa.
Lũ súc vật tập trung quanh chiếc xe.
- Đi khỏe nhá, Chiến Sĩ! - Chúng đồng thanh hô, - Tạm biệt!
- Ngu, ngu thế, - Benjamin vừa gào thét, vừa chạy xung
quanh, chân nện xuống đất ầm ầm, - Ngu, không nhìn thấy chữ gì à?
Cả bọn như tỉnh ngộ, yên lặng nhìn nhau. Con lừa Muriel bắt
đầu đánh vần, nhưng Benjamin đã đẩy nó ra và đọc:
- Lò mổ Alfred Simmond, Willingdon. Mua bán thịt, xương, da
ngựa. Cung cấp cũi chó. Đã hiểu chưa? Chúng mang Chiến Sỹ đi làm thịt đấy!
Một tiếng thét kinh hoàng cùng phát ra từ mọi lồng ngực.
Đúng lúc đó, anh chàng đánh xe ra roi và hai con ngựa kéo bắt đầu chạy nước
kiệu. Cái xe từ từ đi ra khỏi sân. Cả lũ cùng chạy theo sau, vừa chạy vừa khóc
như mưa như gió. Bà Mập lao lên. Cái xe cũng tăng tốc. Bà Mập cố phóng lên,
nhưng sức nó không còn, làm sao theo nổi hai con kia.
- Chiến Sĩ! - Nó gào lên, - Chiến Sĩ! Chiến Sĩ! Chiến Sĩ!
Không biết Chiến Sĩ có nghe thấy tiếng gọi từ bên ngoài hay
không, nhưng cái mõm với một vệt màu trắng chạy dọc sống mũi của nó có lấp ló
phía trong cái cửa sổ nhỏ ở đằng sau xe.
- Chiến Sĩ! - Bà Mập gào đến lạc giọng, - Chạy đi! Chạy đi!
Chạy mau lên! Chúng giết mày đấy!
Tất cả đồng thanh thét lên:
- Chạy đi, Chiến Sĩ, Chạy đi!
Nhưng hai con ngựa đã tăng tốc, cái xe ngày một đi xa hơn.
Không biết là Chiến Sĩ có nghe rõ Bà Mập nói gì hay không, nhưng không còn
trông thấy mõm nó bên trong cửa sổ nữa, đồng thời người ta nghe thấy tiếng chân
nó nện vào thành xe đều và vang không khác gì tiếng trống ngũ liên. Đấy là
Chiến Sĩ đạp vào thành xe để tìm lối thoát. Trước đây thì chỉ vài cái đạp như
thế cũng đủ làm cho chiếc xe này biến thành củi rồi. Nhưng lạy chúa tôi! Sức nó
nay còn đâu và tiếng đạp cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi im hẳn. Không biết làm thế
nào, lũ súc vật đành quay ra cầu cứu hai con ngựa kéo, xin chúng đừng chạy nữa.
- Các đồng chí! Các đồng chí! - Chúng lại đồng thanh gào
lên, - Các đồng chí có biết đang mang người anh em của mình đi đâu không?
Nhưng hai con vật ngu lâu, đầu óc tăm tối đó không hiểu,
chúng chỉ khẽ vểnh tai lên và càng chạy nhanh thêm. Không còn thấy Chiến Sĩ
thấp thoáng bên trong cái cửa sổ nhỏ nữa. Có con nghĩ đến việc chạy ra để đóng
cánh cổng lớn lại, nhưng quá trễ mất rồi, chiếc xe đã ra đến đường lớn và đi xa
dần. Từ đấy không ai còn trông thấy Chiến Sĩ nữa.
Ba ngày sau có thông báo rằng Chiến Sĩ đã mất tại bệnh viện
ở Willingdon, mặc dù đã được chăm sóc rất tận tình. Chính Chỉ Điểm thông báo
như thế. Nó còn nói rằng nó đã ở cạnh Chiến Sĩ trong giờ phút lâm chung.
- Thật vô cùng cảm động, - Chỉ Điểm vừa nói vừa lau nước
mắt, - Tôi ngồi bên Chiến Sĩ khi đồng chí ấy trút hơi thở cuối cùng. Trước khi
chết đồng chí ấy đã yếu lắm, không nói được nữa, nhưng đồng chí ấy vẫn cố thì
thầm nói rằng đồng chí ấy chỉ tiếc không được tham dự lễ khánh thành cối xay
gió. “Tiến lên, các đồng chí - đồng chí ấy nói - Vì sự nghiệp của cuộc Khởi
Nghĩa hãy tiến lên! Trại Súc Vật muôn năm! Đồng chí Napoleon muôn năm! Đồng chí
Napoleon bao giờ cũng đúng!” - Đấy chính là những lời nói cuối cùng của đồng
chí ấy.
Lúc đó thái độ của Chỉ Điểm đột nhiên thay đổi. Nó ngồi im
một lúc, sau đó nhìn quanh khắp lượt rồi mới tiếp tục câu chuyện.
Nó bảo rằng từ khi đưa Chiến Sỹ đi thì ở trại đã lan truyền
những tin đồn thất thiệt. Một số con nhìn thấy chữ “Lò mổ” trên thành xe đã vội
kết luận rằng Chiến Sĩ bị đưa đi làm thịt. Chỉ Điểm nói rằng nó không thể tin
là các con vật trong trại lại ngu ngốc đến thế. Không thể tin, Chỉ Điểm vừa nói
vừa vẫy đuôi và nhảy loạn xạ lên, là các con vật trong trại lại có thể nghĩ về
lãnh tụ kính yêu, nghĩ về đồng chí Napoleon theo chiều hướng đó! Mọi việc đơn
giản hơn rất nhiều. Số là ông bác sĩ thú y đã mua lại cái xe của lò mổ, nhưng
ông ta chưa kịp xóa tên chủ cũ đi. Lí do chỉ có vậy thôi.
Nghe nói thế, cả bọn đều cảm thấy yên lòng. Còn khi Chỉ Điểm
tả rõ cảnh chăm sóc, cũng như những thuốc men đắt tiền mà Napoleon hạ lệnh mua
để chạy chữa cho Chiến Sĩ trong những ngày cuối cùng vừa qua thì những nghi ngờ
lâu nay được giải tỏa hẳn và nỗi buồn mất bạn vơi đi bội phần: dù sao thì Chiến
Sĩ cũng được mồ yên mả đẹp rồi.
Chính Napoleon tham dự cuộc họp vào sáng chủ nhật và đọc một
bài diễn văn tưởng niệm Chiến Sĩ. Chúng ta không có điều kiện, nó nói, đưa thi
hài của người đồng chí quá cố về trang trại, nhưng nó đã ra lệnh làm một vòng
hoa thật lớn, hoa lấy ngay trong vườn trại và đưa đến Willingdon để đặt lên mộ
Chiến Sĩ. Lũ lợn sẽ tổ chức bốn chín ngày [1] thật to cho Chiến Sĩ, nó hứa như
vậy. Napoleon kết thúc bài diễn văn bằng cách nhắc lại hai khẩu hiệu của Chiến
Sĩ: “Tôi sẽ cố gắng hơn nữa” và “Đồng chí Napoleon lúc nào cũng đúng”. Napoleon
còn bảo rằng tất cả các con vật trong trang trại nên học tập Chiến Sĩ, lấy khẩu
hiệu của Chiến Sĩ làm khẩu hiệu hành động của chính mình.
Đúng hôm tổ chức bốn chín ngày cho Chiến Sỹ thì có một cái
xe chở một thùng gỗ lớn đến tòa nhà chính. Tối hôm đó từ trong tòa nhà vọng ra
tiếng hát, tiếng tranh luận ồn ào và vào lúc mười một giờ thì người ta nghe
thấy tiếng cốc thủy tinh vỡ loảng xoảng, rồi tất cả chìm vào màn đêm yên lặng.
Tòa nhà chính đóng cửa kín mít cho đến tận trưa hôm sau, trong khi đó lại có
tin đồn rằng lũ lợn đã kiếm được tiền và mua hẳn một thùng whisky.
Chương 10
Nhiều năm đã trôi qua. Xuân đi, đông lại, cuộc đời loài vật
như bóng câu qua cửa sổ. Chỉ còn Benjamin, Bà Mập, con quạ Moses và một vài con
lợn là còn nhớ được “ngày xưa”, khi chưa Khởi Nghĩa.
Muriel đã chết. Bluebell, Jessie và Pincher cũng không còn.
Ông Jones cũng chết rồi, chết trong trại tế bần dành cho người nghiện. Không ai
nhắc đến Tuyết Tròn nữa. Chỉ có vài con vật còn nhớ Chiến Sĩ. Bà Mập đã thành
một con ngựa già béo phị, chân chậm, mắt mờ. Nó đã quá tuổi hưu hai năm, nhưng
thực ra, đã có con nào được hưu trí đâu. Không còn ai nhắc đến chuyện ngăn một
mảnh đất cho những con già cả nữa. Napoleon đã thành một con lợn đực to sụ,
phải nặng tạ rưỡi là ít. Chỉ Điểm cũng béo lắm, mắt híp lại, gần như không
trông thấy gì. Chỉ có Benjamin là vẫn như xưa, tuy râu có trắng ra và sau khi
Chiến Sĩ mất thì càng tỏ ra lầm lì, ít nói hơn.
Trại Súc Vật có thêm nhiều thành viên mới, tất nhiên là
không nhiều như chúng nghĩ lúc đầu. Một số con được sinh ra ngay tại đây, đối
với chúng, cuộc Khởi Nghĩa chỉ là một truyền thống mù mờ, được truyền khẩu cho
nhau. Một số được mua từ nơi khác về, những con này chưa từng nghe ai nói
chuyện đó trước khi đến đây. Ngoài Bà Mập, trại còn có thêm ba con ngựa nữa.
Đấy là những con to, khỏe, chăm làm, tốt bụng nhưng ngu lắm. Không con nào
thuộc quá chữ B. Chúng tin tưởng tuyệt đối vào Súc Sinh Kinh và những câu
chuyện về cuộc Khởi Nghĩa, đặc biệt là những chuyện do Bà Mập, mà chúng coi như
mẹ, kể lại; nhưng có vẻ như chúng cũng chẳng hiểu mô tê gì.
Trang trại được tổ chức tốt và ngày một phồn vinh hơn; chúng
còn mở rộng thêm bằng cách mua của Pilkington hai khu đất nữa. Cối xay gió đã
hoàn thành, chúng mua được cả máy đập lúa, máy nâng hạ và còn xây được thêm
nhiều tòa nhà. Whymper cũng mua được cho mình một cỗ xe nhỏ. Chúng không lắp
máy phát điện lên cối xay gió mà dùng nó để xay xát, nhờ thế chúng kiếm được
khối tiền. Chúng lại đang xây một cối xay gió nữa, sẽ lắp máy phát điện ở đấy,
chúng bảo thế. Nhưng những thứ xa xỉ như đèn điện, nước nóng, tuần làm việc ba
ngày mà chúng từng mơ mộng thời còn Tuyết Tròn thì không được nhắc đến nữa.
Napoleon từng tuyên bố rằng những tư tưởng đại loại như vậy là trái hoàn toàn
với tinh thần của Súc Sinh Kinh. Hạnh phúc chân chính, nó bảo, là lao động hăng
say và sống đạm bạc, tiết kiệm.
Trang trại giàu có thêm, nhưng ngoại trừ lũ lợn và chó ra,
đời sống của các con khác thì vẫn như xưa. Cũng có thể một phần là do có nhiều
lợn và chó quá. Bọn này cũng làm việc, dĩ nhiên là theo cách của mình. Chỉ Điểm
giải thích không mệt mỏi rằng tổ chức và kiểm tra công tác của trại là những
việc phải làm thường xuyên, liên tục. Mà những giống khác đâu có đảm đương
được, việc này cần nhiều trí thông minh lắm. Thí dụ, Chỉ Điểm bảo rằng lũ lợn
mất rất nhiều công sức vào việc soạn những cái gọi là “tài liệu”, “dữ liệu”, “báo
cáo”, “biên bản”, “ghi nhớ”. Đấy là những tờ giấy to, viết đầy chữ và sau khi
viết xong thì đem vào lò đốt. Nhờ thế mà trang trại mới được phồn vinh như ngày
nay đấy, Chỉ Điểm thường nói như vậy. Dù sao mặc lòng, những thứ ấy chẳng thể
làm lũ chó, lợn ấy no được, mà chúng phàm ăn lắm.
Cuộc sống của những con khác thì vẫn như xưa. Ngày chúng
thường bị đói, đêm chúng ngủ trên ổ rơm, nước thì uống ngay ở dưới ao, làm việc
ngoài đồng trống, mùa đông thì mất ngủ vì rét, mùa hè thì khổ vì ruồi.
Thỉnh thoảng những con có tuổi cố nhớ lại xem nay đời sống
của chúng có khá hơn ngay sau Khởi Nghĩa, khi chúng vừa đuổi lão Jones đi, hay
không. Nhưng chúng không nhớ nổi. Không có gì cho chúng so sánh: trong đầu
chúng chỉ có mỗi những số liệu của Chỉ Điểm, những con số luôn luôn chứng tỏ
rằng mọi thứ đều được cải thiện, đều tốt thêm một bước mỗi ngày. Thôi thì đành
vậy, vả lại chúng cũng chẳng có nhiều thời gian để mà suy nghĩ lung tung. Chỉ
có Benjamin già nua là khẳng định rằng nó nhớ hết, nhớ đến từng chi tiết mọi
việc đã qua và biết rõ rằng chúng chưa bao giờ khổ hơn cũng chẳng bao giờ được
sướng hơn, vẫn là đói, là bán mặt cho đất bán lưng cho trời, là bị lòe bịp; qui
luật cuộc đời vốn là như thế, nó thường bảo như vậy.
Dù sao chúng vẫn cứ hi vọng. Hơn thế nữa, chúng còn luôn tự
hào được là công dân của Trại Súc Vật. Trong nước này, mà là nước Anh hẳn hoi
đấy nhé, đây là trang trại duy nhất của súc vật và do súc vật quản lí! Tất cả
mọi con vật, từ những con nhỏ nhất cho đến những con mới được mua từ cách xa cả
chục cây số về, đều tự hào như thế. Nhất là khi chúng nghe thấy tiếng súng nổ,
khi trông thấy lá cờ xanh tung bay là tim chúng lại đập rộn rã, khi ấy, dù đang
nói chuyện gì chúng cũng quay lại đề tài về những năm tháng hào hùng, về việc
lật đổ lão Jones, về việc thiết lập Bảy Điều Răn và về những trận chiến đấu
oanh liệt chống lũ người xâm lược. Chúng cũng không quên nhắc nhở nhau những kì
vọng thuở ban đầu. Chúng tin rằng lời tiên tri của Thủ Lĩnh già về ngày thành
lập Nước Cộng Hòa Súc Vật trên toàn lãnh thổ Anh quốc, ngày con người bị tống
khứ khỏi sứ sở này nhất định sẽ tới. Ước mơ của chúng sẽ thành hiện thực, nhất
định ngày đó sẽ tới, dù còn lâu, dù rằng tất cả những con đang sống hiện nay sẽ
không được chứng kiến, nhưng ngày đó nhất định sẽ tới. Chúng cũng không quên
bài “Súc Sinh Anh quốc”, con nào cũng
biết hát bài này, nhưng chúng chỉ dám hát thầm với nhau mà thôi. Dù cuộc sống
còn nhiều khó khăn, dù không phải tất cả ước mơ của chúng đều được thực hiện,
nhưng trong thâm tâm chúng biết rằng chúng là những con vật đặc biệt. Dù chúng
chưa được no, nhưng chúng không phải làm để nuôi bọn người tàn độc; dù chúng
còn phải lao động vất vả, nhưng đấy là chúng làm cho chính mình. Không con nào
đi hai chân, không còn quan hệ chủ tớ. Tất cả đều bình đẳng.
Một hôm, đấy là đầu mùa hạ, Chỉ Điểm bỗng ra lệnh cho lũ cừu
đi theo nó ra cánh đồng bỏ hoang bên ngoài trại, nơi có cả một rừng bạch dương
non. Lũ cừu ở đó cả ngày, tha hồ nhai lá, dĩ nhiên là dưới sự chỉ đạo của Chỉ
Điểm. Tối hôm đó Chỉ Điểm quay lại trang trại một mình, hôm đó thời tiết tốt
nên nó bảo lũ cừu ngủ ngay ngoài đồng cho mát. Chúng ở lại đó suốt một tuần
liền. Ngày nào Chỉ Điểm cũng ra với lũ cừu. Theo như nó nói thì nó đang dạy lũ
cừu một bài hát mới mà yên tĩnh thì học mới mau “vào”.
Một chiều, hôm ấy lũ cừu đã học xong và trở về rồi, trong
khi cả bọn đang quay về sau một ngày lao động thì chúng bỗng nghe thấy tiếng
ngựa kêu thất thanh từ phía trại vọng lại. Quá hoảng sợ, tất cả lập tức đứng
như trời trồng. Đấy là tiếng kêu của Bà Mập. Nó lại kêu lên lần nữa, tất cả lập
tức phóng thật nhanh vào sân trại để xem có chuyện gì. Và chúng nhìn thấy chính
cái điều đã làm Bà Mập hoảng loạn.
Đấy là một con lợn đang bước đi bằng hai chân sau.
Vâng, chính là Chỉ Điểm đang đi. Có vẻ vụng về, dĩ nhiên
rồi, một phần vì chưa quen, một phần vì quá nặng, nhưng nó vẫn giữ được thăng
bằng và đi từ bên này sang tận bên kia sân. Một lúc sau thì từ cửa chính ngôi
nhà cả đàn lợn bước ra, tất cả, không trừ con nào, đều đi bằng hai chân sau.
Một số con bước đi một cách tự tin, một số con còn lảo đảo, giá có cái ba toong
thì vững hơn, nhưng tất cả đều đi một vòng quanh sân mà không con nào bị ngã.
Cuối cùng là tiếng chó sủa dữ dội, tiếng gà gáy vang rền và Napoleon bước ra,
lưng thẳng tắp, dáng oai vệ, nó nhìn khắp lượt, xung quanh tíu tít bày cừu.
Chân trước nó cầm một cái roi to.
Xung quanh lặng ngắt như tờ. Ngạc nhiên pha lẫn hoảng sợ, lũ
súc vật tụ vào một góc để nhìn đàn lợn nối nhau đi quanh sân. Thế giới đảo điên
hết rồi sao? Phút hoảng loạn ban đầu rồi cũng qua và dù có sợ bầy chó, dù bao
năm đã quen không dám phàn nàn, không dám phản đối, lần này chắc chắn chúng sẽ
lên tiếng phản đối. Nhưng đúng lúc đó, như có hiệu lệnh, bọn cừu đồng thanh gào
lên:
“Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn! Bốn chân tốt, hai chân tốt
hơn! Bốn chân tốt, hai chân tốt hơn!”
Chúng tụng như thế năm phút liền, không ngưng nghỉ. Khi lũ
cừu im thì đàn lợn đã vào hết trong nhà rồi, có phản đối cũng chẳng ai nghe.
Benjamin cảm thấy như có con nào đang lấy mũi cọ vào vai
mình. Nó quay đầu lại. Hóa ra là Bà Mập. Đôi mắt đã mờ của nó trông càng buồn
hơn lúc nào hết. Nó khẽ ngoạm vào bờm của Benjamin và kéo ra phía đầu hồi của
nhà kho lớn. Chúng đứng đó, yên lặng ngắm những dòng chữ màu trắng trên bức
tường sơn hắc ín.
- Tôi chẳng còn trông thấy gì cả - Cuối cùng Bà Mập lên
tiếng - Ngay khi còn trẻ tôi cũng có đọc được chữ nào đâu. Nhưng tôi thấy hình
như bức tường trông khác lắm. Bảy Điều Răn vẫn thế chứ, anh Benjamin?
Đây là lần đầu tiên Benjamin từ bỏ thói quen cố hữu của nó
và khẽ đọc cho Bà Mập nghe. Trên bức tường chỉ còn ghi một Điều Răn duy nhất
như sau:
MỌI CON VẬT SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG, NHƯNG CÓ MỘT SỐ CON BÌNH
ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC.
Sau đó thì ngay cả việc những con lợn đốc công mang theo roi
ra đồng cũng không làm chúng ngạc nhiên nữa. Chúng cũng không ngạc nhiên khi
thấy bọn lợn mua đài, rồi thảo luận kí hợp đồng đặt máy điện thoại cũng như đặt
mua các báo như John Bull, Tits-Bit và Daily Mirror. Chúng cũng không ngạc nhiên khi trông thấy Napoleon
mồm ngậm tẩu thuốc đi dạo trong vườn, cũng như khi thấy lũ lợn lấy quần áo của
ông Jones ra diện nữa. Napoleon chọn cho mình chiếc áo khoác đen, quần ống túm,
ủng da; trong khi con lợn cái mà nó thích nhất được bộ lụa tơ tằm mà bà Jones
thường mặc khi đi nhà thờ, vào những ngày chủ nhật.
Một tuần sau, buổi chiều, có rất nhiều xe cộ đi vào trại.
Đấy là đại biểu các trang trại lân cận được mời đến tham quan Trại Súc Vật.
Quan khách rất ngạc nhiên khi được xem các cánh đồng, các công cụ sản xuất của
trại, đặc biệt là cối xay gió. Lúc đó các con vật đang nhổ cỏ trên cánh đồng
trồng củ cải. Chúng làm việc chăm chỉ, ít khi ngẩng đầu lên. Chúng cũng không
biết trong hai loại đó, quan khách và lợn, bọn nào đáng sợ hơn.
Tối hôm đó có tiếng hát và tiếng cười rất to vẳng lại từ
phía ngôi nhà chính. Lũ súc vật bỗng cảm thấy tò mò, muốn biết trong nhà đó
đang nói chuyện gì vì đây là lần đầu tiên con người và con vật gặp nhau như
những đối tác bình đẳng. Rồi không con nào bảo con nào, chúng cùng nằm xuống và
im lặng bò đến gần tòa nhà chính.
Chúng hơi lưỡng lự khi bò đến cổng, nhưng Bà Mập đã tiến lên
hàng đầu. Khi đến gần tòa nhà thì chúng nhón gót đứng lên, những con đủ chiều
cao có thể nhìn được qua cửa sổ. Bên trong, có sáu điền chủ và sáu con lợn xuất
chúng nhất đang ngồi xung quanh một cái bàn dài. Napoleon ngồi ngay đầu bàn,
chỗ trang trọng nhất. Có vẻ như lũ lợn đã quen với việc ngồi ghế từ lâu. Cả bọn
vừa đánh bài, nhưng lúc ấy đã ngưng, chắc là để nâng cốc chúc mừng nhau. Một
chiếc bình khá to được chuyền tay nhau và tất cả các li đều được rót đầy bia.
Không ai để ý đến lũ súc vật đang tò mò nhìn qua cửa sổ.
Ông Pilkington, Trại Cáo, tay cầm li bia, đứng dậy. Ông nói
rằng sau đây ông sẽ đề nghị nâng li chúc mừng. Nhưng ông xin được nói vài lời
trước đã.
- Thật là vô cùng phấn khởi - ông nói - đối với ông, cũng như
đối với tất cả những người đang có mặt ở đây hôm nay, vì giai đoạn nghi kị và
hiểu lầm đã chấm dứt.
Đã có thời kì, dĩ nhiên là ông cũng như những người có mặt ở
đây hôm nay không hề muốn như thế, nhưng rõ ràng là đã có những thời kì mà
những người xung quanh nhìn các chủ nhân đáng kính của Trại Súc Vật với một
thái độ, không thể nói là thù địch, nhưng với một sự thiếu thiện cảm. Đáng tiếc
là đã xảy ra một vài va chạm, đã lưu truyền một vài quan niệm sai lầm. Có ý
kiến cho rằng một trang trại của lợn và do lợn quản lí là một điều bất bình
thường và không nghi ngờ gì rằng trại này sẽ tạo ra những ảnh hưởng không hay
cho những trang trại xung quanh. Nhiều điền chủ, phải nói là khá nhiều, không
hề điều nghiên, đã vội kết luận rằng ở đây sẽ có nhiều hành vi quá trớn và
thiếu kỉ cương. Họ lo lắng về ảnh hưởng của trang trại này không chỉ đối với
súc vật mà còn đối với cả những người làm thuê cho họ nữa. Nhưng tất cả những
mối ngờ vực đó đã chấm dứt. Hôm nay, ông và các đồng nghiệp đã được mời tham
quan trang trại, họ đã xem xét rất kĩ, họ đã tìm thấy gì? Không chỉ công nghệ
hiện đại nhất mà cả kỉ cương, trật tự của trại đều xứng đáng cho các trang trại
khắp nơi học tập. Ông tin không nói sai khi bảo rằng những loài súc vật hạ đẳng
ở đây làm việc nhiều hơn nhưng lại nhận được khẩu phần ít hơn so với các trại
khác trong khu vực. Tóm lại, ông và các đồng nghiệp đã trông thấy ở đây nhiều
điều đáng phải áp dụng ngay.
Ông nói xin chúc tình hữu nghị giữa Trại Súc Vật và các trại
khác đã, đang và sẽ tồn tại mãi mãi. Quyền lợi của loài lợn và của loài người
không hề và không được mâu thuẫn nhau. Cả hai đều có chung mục đích và có chung
những khó khăn. Vấn đề sức lao động thì ở đâu chả giống nhau, có phải thế
không? Đến đây thì rõ ràng là Pilkington định nói một câu khôi hài đã chuẩn bị
sẵn từ lâu, nhưng buồn cười quá, không thể thốt thành lời. Sau một lúc cố gắng
đè nén tình cảm, Pilkington nói một câu như sau:
- Nếu các bạn phải xử lí những loài vật hạ đẳng, thì chúng
tôi, chúng tôi cũng phải xử lí các giai cấp hạ đẳng.
Đáp lại câu nói ý vị đó là tiếng cười tưởng muốn vỡ nhà,
Pilkington lại chúc mừng lũ lợn về việc ăn ít, làm nhiều và kỉ cương, nề nếp
của trại.
Và bây giờ, Pilkington đề nghị mọi người cùng đứng dậy, đổ
đầy bia vào li.
- Thưa các ngài! - Pilkington kết thúc bài diễn văn như vậy,
- Thưa các ngài, xin các ngài cùng nâng cốc chúc Trại Súc Vật ngày càng thịnh
vượng.
Tiếng vỗ tay, tiếng dậm chân ầm ầm. Napoleon khoái bài diễn
văn đến nỗi đến chạm cốc với Pilkington rồi mới uống. Khi tiếng vỗ tay đã dịu
xuống, thì Napoleon, lúc đó vẫn đứng, tuyên bố rằng nó cũng xin được phát biểu
vài câu.
Napoleon bao giờ cũng nói ngắn và đi ngay vào thực chất vấn
đề. Napoleon bảo rằng nó cũng rất mừng là đã thanh toán hết mọi hiểu lầm. Trước
đây từng có những tin đồn, chắc chắn là do những thế lực thù địch tuyên truyền,
rằng dường như nó và các cộng sự đang theo đuổi những ý tưởng phá hoại, nếu
không nói là có tính cách mạng. Người ta vu cho chúng ý định kích động súc vật
trong các trại khác đứng lên khởi nghĩa. Vu khống, bịa đặt từ đầu tới cuối! Ước
muốn duy nhất của chúng, hiện nay cũng như trong quá khứ, là được sống trong hòa
bình và có quan hệ làm ăn bình thường với những người láng giềng. Trại mà nó
được vinh dự lãnh đạo, Napoleon nói thêm, là một loại hợp tác xã. Tất cả những
thứ nằm dưới sự quản lí của nó là tài sản chung của cả loài lợn trong trại.
Napoleon nói, nó tin là mọi nghi ngờ đã được giải tỏa và
những thay đổi gần đây càng làm tăng thêm sự tin cậy lẫn nhau hơn nữa. Cho đến
nay các con vật trong trang trại có một thói quen không hay là gọi nhau bằng “Đồng
chí”. Thói quen này sẽ bị bãi bỏ. Còn một thói quen nữa, không biết bắt đầu từ
khi nào, ấy là việc sáng nào cũng đi thành hàng ngũ trong sân, xung quanh một
cái sọ heo cắm trên cọc. Thói quen này cũng bị bãi bỏ và cái đầu heo đã được
đem chôn rồi. Các vị khách chắc đã có dịp trông thấy lá cờ xanh tung bay. Nếu
quả họ đã trông thấy thì chắc chắn là họ phải nhận ra rằng biểu tượng sừng và
móng màu trắng cũng đã bị xóa bỏ rồi. Từ nay trở đi lá cờ sẽ chỉ có một màu xanh
tinh khiết mà thôi.
Nó nói rằng nó xin phép được sửa lại chút xíu bài diễn văn
vô cùng súc tích và đầy thiện ý của ngài Pilkington. Trong suốt bài diễn văn
ngài Pilkington đã gọi trại này là Trại Súc Vật. Ngài Pilkington dĩ nhiên không
thể biết, vì hôm nay, đây là lần đầu tiên Napoleon tuyên bố hủy bỏ tên Trại Súc
Vật. Từ nay trở đi trại sẽ lấy tên là Điền Trang, cần phải gọi như thế vì từ
nguyên ủy trại này vốn vẫn mang tên như thế.
- Thưa các ngài! - Napoleon kết luận, - Tôi đề nghị các ngài
nâng cốc chúc mừng, nhưng với một chút xíu sửa đổi. Xin các ngài rót đầy cốc đi
đã. Xin các ngài nâng cốc chúc Điền Trang ngày càng thịnh vượng!
Tiếng vỗ tay vang lên, mọi người cạn cốc. Nhưng những con
vật đang đứng bên ngoài thì thấy như đang xảy ra một chuyện kì lạ. Tại sao mặt
những con heo lại thành như thế kia nhỉ? Đôi mắt đục mờ của Bà Mập hết nhìn con
này lại nhìn sang con khác. Con thì cằm có đến năm ngấn, con lại có bốn, con
thì có ba. Tại sao mọi thứ lại trở nên mờ ảo và thay đổi nhanh thế nhỉ? Tiếng
vỗ tay chấm dứt, bàn tiệc quay lại với ván bài bỏ dở, những con đứng xem bên
ngoài lục tục bò trở ra.
Nhưng chúng vừa bò cách khoảng hai mươi mét thì tất cả cùng
dừng lại. Có tiếng hò hét ầm ĩ vọng ra từ tòa nhà. Chúng lập tức quay lại và
tiếp tục nhìn qua cửa sổ. Cuộc tranh cãi đang hồi quyết liệt. Có tiếng hét,
tiếng đập bàn, tiếng tranh luận và những ánh mắt nghi kị. Nguyên nhân cuộc
tranh cãi có lẽ là do Napoleon và Pilkington đưa ra con đầm pích cùng một lúc.
Mười hai cái miệng tức giận cùng lên tiếng, có trời mới phân
biệt được ai với ai. Bọn súc vật không còn để ý đến mặt mấy con lợn bên trong
nữa. Chúng nhìn lợn rồi lại nhìn người, nhìn người rồi lại nhìn lợn, một lúc
sau thì chúng chịu, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là lợn nữa.
Tháng 11 năm 1943 -
tháng 2 năm 1944.
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét