Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Carmen - tác giả: Prosper Mérimée

Carmen


NXB Văn Học, 1981.
Dịch giả: Tô Chương
*

Người phụ nữ nào chẳng đắng như mật. Song có hai trường hợp tỏ ra dễ thương: trên giường cưới và trên giường chết.

PALAĐAT [nhà thơ Hy Lạp cổ đại, sống vào thế kỷ V trước CN]

I

Từ lâu tôi vẫn ngờ rằng các nhà địa lý học không nắm vững điều họ nói, khi họ đặt chiến trường trận Munđa vào xứ sở của người Baxtuli Pêni, gần thành phố Munđa mới, cách Marbenla chừng hai dặm về phía bắc. Theo phỏng đoán của riêng tôi dựa trên văn bản của tác giả vô danh cuốn Benlom Hixpanienxơ, và dựa trên một vài tại liệu thu lượm được trong thư viện đặc sắc của công tước Oxuna, tôi cho là phải tìm ở quanh vùng Môngtila địa điểm đáng ghi nhớ của trận sống mái cuối cùng giữa Xêda và các chiến sỹ bảo vệ nền cộng hòa. Đầu mùa thu năm 1830, nhân đang ở Angđaludi, tôi đã đi một chuyến khá lâu để giải quyết những nghi vấn còn tồn tại đối với tôi. Tôi hy vọng bản luận án mà tôi sắp công bố sẽ xóa bỏ mọi điều nghi hoặc còn sót trong trí của tất cả những nhà khảo cổ thành thực. Trong lúc chờ đợi bản luận án của tôi giải quyết được vấn đề địa lý đang làm các nhà bác học châu Âu phân vân, tôi muốn kể các bạn nghe một câu chuyện nhỏ, câu chuyện ấy không quyết đoán trước điều gì đối với vấn đề lý thú về địa điểm thành Munđa cả.
Ở Corđu, tôi đã thuê một người dẫn đường với hai con ngựa, và bắt đầu xuất chinh, trong hành lý chỉ có cuốn “Bình luận của Xêda” và mấy chiếc sơ mi. Một hôm, trong khi lang thang trong vùng cao của đồng bằng Casêna, vừa mệt nhoài vừa khát nước đến chết, lại còn bị nắng gắt thiêu đốt, tôi chỉ muốn bỏ phăng Xêda và lũ con của Pompê, bỗng thấy cách khá xa con đường mòn tôi đang đi một bãi cỏ xanh rờn, điểm thêm cói lác và lau sậy. Cái đó báo trước cho tôi biết gần đấy có suối. Quả vậy, khi đến gần, tôi thấy nơi tôi tưởng là bãi cỏ thực ra là một bãi lầy có một dòng suối chảy vào, suối đó hình như bát nguồn từ một khe núi hẹp, giữa hai ngọn hoành sơn cao vút thuộc rặng núi Xiera Carba. Tôi kết luận là nếu đi ngược dòng suối, tôi sẽ tìm ra nước mát hơn, ít đỉa và ếch nhái hơn, và biết đâu chẳng có chút bóng râm ở giữa những tảng đá. Đến lối vào khe núi, con ngựa của tôi hí lên, và một con ngựa khác ở đâu không rõ đáp lại ngay. Tôi vừa đi được độ trăm bước, khe núi đột nhiên mở rộng, làm tôi nhìn thấy một cái truông, hoàn toàn râm mát nhờ có những vách đá cheo leo cao vút bao quanh. Thực không thể tìm đâu được một chỗ nghỉ chân dễ chịu hơn cho du khách. Dưới chân những tảng đá đứng sừng sững, dòng suối vọt ra ngầu bọt và đổ vào một vũng nhỏ, đáy phủ một lớp cát trắng như tuyết. Năm sáu cây sồi xanh tốt mọc trên bờ suối, luôn luôn được kín gió và có nước tưới mát, phủ bóng rậm rạp trên dòng suối; và sau hết, quanh vùng, một thứ cỏ mịn bóng tạo thành một cái giường tốt hơn giường ở bất cứ quán trọ nào trong khắp mười dặm xung quanh.
Không phải tôi đã có vinh dự phát hiện ra nơi tốt đẹp đến thế. Một người đã nằ nghỉ ở đấy và chắc đang ngủ lúc tôi mới bước tới. Nghe tiếng ngựa hí, người ấy thức giấc, nhỏm dậy, và tiến đến gần con ngựa của mình, con vật đã lợi dụng lúc chủ ngủ để chén một bữa cỏ ngon lành ở xung quanh. Đấy là một chàng trai, dáng người tầm thước nhưng có vẻ cường tráng, và có đôi mắt nhìn rầu rầu và kiêu hãnh! Mầu da anh trước kia có lẽ đẹp, nay đã rám nắng thành đen sạm hơn cả mái tóc. Một tay, anh nắm vòng cổ ngựa, còn tay kia, anh cầm một khẩu ét-panh-gôn [Súng ngắn nòng loe, một vũ khí cổ, thường làm bằng đồng] bằng đồng. Tôi thú thật là thoạt đầu cây ét-panh-gôn và dáng bộ dữ tợn của người cầm súng làm tôi hơi giật mình, nhưng vì đã được nghe nhiều chuyện về trộm cướp mà chưa hề gặp bọn họ bao giờ, nên tôi cũng không tin là có nữa. Vả lại, tôi đã từng thấy biết bao người chủ trại lương thiện, vũ trang thật đầy đủ để đi chợ, nên việc nhìn thấy một khẩu súng chưa cho phép tôi nghi ngờ tư cách của người lạ mặt. “Vả lại, tôi tự nghĩ, hắn ta lấy sơ mi và cuốn Bình luận Endevia của mình làm gì kia chứ?”. Cho nên tôi cứ ngả đầu chào thân mật người cầm ét-panh-gôn, và tôi mỉm cười hỏi anh xem tôi có làm mất giấc ngủ của anh không? Anh không trả lời, lừ mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi hình như hài lòng về sự xem xét của mình, anh cũng quan sát kỹ lưỡng như thế người dẫn đường của tôi lúc ấy đang bước tới. Tôi thấy người này tái đi và đứng dừng lại, lộ vẻ kinh hãi rõ rệt. Cuộc gặp gỡ không hay rồi! Tôi nhủ thầm. Nhưng sự khôn ngoan lập tức khuyên tôi đừng để lộ vẻ lo ngại. Tôi xuống ngựa, bảo người dẫn đường tháo cương ngựa, rồi tôi quỳ xuống bên bờ suối, vục đầu và tay và dòng nước; đoạn tôi nằm sấp uống một ngụm đầy, hệt như những anh lính bạt mạng của Ghêđêông.
Tuy nhiên, tôi vẫn để mắt quan sát người lạ mặt và anh dẫn đường của tôi. Anh này bước lại gần có vẻ bất dắc dĩ lắm, còn người kia xem ra không có ác ý gì đối với chúng tôi vì anh lại thả ngựa ra, còn khẩu súng lúc đầu anh cầm ngang, giờ đây đã chúc nòng xuống đất.
Thấy không cần giận về việc người ấy có vẻ coi thường tôi, tôi nằm dài trên cỏ và ung dung hỏi người cầm súng xem anh có bật lửa không? Đồng thời, tôi rút hộp xì-gà ra. Người lạ mặt vẫn không nói một lời lục túi lấy ra chiếc bật lửa và sốt sắng bật lửa cho tôi. Rõ ràng anh thuần đi, vì anh ngồi xuống trước mặt tôi, tuy vẫn không rời vũ khí. Điếu xì gà của tôi châm xong, tôi chọn điếu ngon nhất trong số còn lại và hỏi anh có hút không?
- Thưa ông, có, - anh trả lời.
Đấy là những tiếng đầu tiên tôi được nghe anh ta nói, và tôi nhận thấy anh ta không phát âm chữ S theo kiểu Angđaludi, do đấy tôi đoán rằng anh cũng là một người đi đường như tôi, chỉ có điều là không phải khảo cổ mà thôi.
- Ông sẽ thấy thuốc này khá ngon, - tôi vừa nói vừa đưa mời anh một điếu regalia chính cống La Havan. Anh ta hơi nghiêng đầu, châm điếu xì gà của anh vào điếu thuốc của tôi, cám ơn tôi bằng một cái gật đầu nữa, đoạn anh bắt đầu hút có vẻ thích thú lắm.
- A! - Anh ta vừa thốt lên vừa thong thả phả bụm khói đầu tiên ra bằng mồm và mũi, - đã lâu lắm tôi không được hút thuốc.
Ở Tây Ban Nha, tặng và nhận của nhau một điếu xì gà là thiết lập quan hệ chủ khách, y như ở Đông Phương có tục chia bánh mì và muối vậy. Anh chàng tỏ ra ưa trò chuyện quá mức mong muốn của tôi. Vả lại, dù anh ta tự nhận là dân miền Môngtila, xem ra anh ta không biết mấy về miền này. Anh ta không biết tên cái thung lũng xinh đẹp mà chúng tôi đang nghỉ chân, anh không thể kể tên một làng nào ở vùng lân cận. Sau cùng, khi tôi hỏi anh có thấy ở quanh đây những bức tường đổ nát, những viên ngói rộng có gờ cao, những tảng đá chạm trổ không, anh thú thật rằng chưa bao giờ chú ý đến những thứ ấy. Trái lại, anh tỏ ra rất am hiểu về ngựa. Anh chê con ngựa của tôi, điều ấy không khó; đoạn anh kể giòng giống con ngựa của anh vốn là một giống ngựa có tiếng ở Corđu: theo lời chủ nó, nó thực là con tuấn mã, dai sức đến mức có lần phi nước đại và nước kiệu lớn luôn ba mươi dặm đường trong một ngày. Đang nói thao thao, người lạ mặt bỗng nhiên dừng lại, hình như ngạc nhiên và bực mình vì đã nói quá nhiều. “A, mà tôi rất vội phải đi Corđu, - anh nói tiếp, hơi lúng túng. - Tôi phải đến gặp các quan tòa để xin giúp đỡ về một vụ kiện…”. Vừa nói anh vừa nhìn Antôniô, người dẫn đường của tôi, lúc ấy đang nhìn xuống.
Bóng mát và dòng suối làm tôi hứng thú đến nỗi tôi nhớ đến mấy khoanh giăm bông hảo hạng mà các bạn tôi ở Môngtila đã bỏ vào trong đẫy của người dẫn đường. Tôi bèn bảo mang giăm bông ra, và mời người khách lạ dự bữa ăn nhẹ tình cờ ấy. Nếu từ lâu lắm anh chưa hút thuốc, thì xem ra anh cũng chưa ăn ít nhất là từ bốn mươi tám giờ rồi. Anh ta ngốn như một con sói đói. Tôi nghĩ rằng việc tôi đến với cu cậu thật may như có trời phù hộ. Song người dẫn đường của tôi thì ăn ít, uống lại còn ít hơn, và không nói gì hết, mặc dầu từ lúc bắt đầu đi với gã, tôi thấy không ai ba hoa bằng gã. Sự có mặt của người khách kia hình như làm gã lúng túng, và một sự giữ miếng nào đó làm hai người xa nhau mà tôi không thể đoán được nguyên nhân.
Những vụn bánh mì và giăm bông cuối cùng đã biến mất; chúng tôi mỗi người hút thêm một điếu xì gà thứ hai. Tôi bảo người dẫn đường thắng ngựa và tôi đang định từ biệt người bạn mới thì anh định hỏi tôi định ngủ đêm ở đâu.
Chưa kịp chú ý thấy người dẫn đường ra hiệu, tôi đã trả lời rằng định đi tới văng-ta [quán trọ] Đen Quy éc vô.
- Thưa ông, đấy là chỗ trú chân không tốt cho một người như ông. Tôi cũng tới đó, và nếu ông cho phép, chúng ta sẽ đi với nhau.
-  Rất sẵn sàng, - tôi vừa nói vừa lên ngựa.
Người đưa đường của tôi, trong lúc giữ bàn đạp cho tôi, lại đưa mắt ra hiệu cho tôi lần nữa. Tôi đáp lại bằng cái nhún vai, như muốn bảo gã rằng tôi hoàn toàn yên tâm, thế rồi chúng tôi lên đường.
Những ám hiệu của Antôniô, nỗi lo âu của gã, mấy tiếng của người lạ mặt chợt thốt ra, nhất là chuyến phóng ngựa ba mươi dặm đường và lời giải thích khó tin của anh về chuyến đi đó, làm tôi đã có một nhận định về người bạn đường. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đang gặp một tay buôn lậu, và cũng có thể là một tay trộm cướp. Nhưng việc quái gì? Tôi đã biết khá rõ tính khí người Tây Ban Nha, nên tôi tin chắc rằng một người vừa ăn vừa hút thuốc với mình thì không có gì là đáng sợ cả. Sự có mặt của người ấy còn là một sự che chở chắc chắn đối với mọi cuộc gặp gỡ không may. Vả lại, tôi rất thích được biết một tay cường đạo là người như thế nào. Phải đâu ngày nào cũng gặp họ được? Và sống ngay bên cạnh một con người nguy hiểm có một cái gì say mê quyến rũ, nhất là khi ta cảm thấy hắn dịu hiền và thuần hóa.
Tôi hy vọng có thể dần dần làm người lạ mặt kia thổ lộ tâm sự cùng tôi và, mặc những cái nháy mắt của người đưa đường, tôi lái cuộc chuyện trò vào những chuyện về bọn cướp đường. Dĩ nhiên tôi nói đến họ một cách kính trọng. Hồi đó ở Anđaluđi có một tay tướng cướp nổi tiếng tên là Giôdê Maria, mọi người đều truyền tụng những chiến tích của anh ta. Tôi nghĩ thầm: “Nếu như ta đang ở cạnh Giôdê Maria thì sao nhỉ?”. Tôi bèn kể những chuyện tôi biết về nhân vật cừ khôi đó, vả chăng toàn là những chuyện để ca tụng y, và tôi tỏ ra rất khâm phục tính can trường và lòng hào hiệp của y.
- Giôdê chỉ là một thằng xoàng. - Người lạ mặt lạnh lùng nói.
“Anh này tự đánh giá cho đúng hay chỉ quá khiêm tốn?” tôi tự hỏi thầm, vì ngắm mãi người bạn đường, tôi đi tới chỗ gán cho anh ta diện mạo của Giôdê Maria mà tôi thấy kể trong yết thị dán ở cửa nhiều thành phố xứ Anđaluđi. - phải, chính hắn! Tóc hung, mắt biếc, miệng rộng, hàm răng đẹp, bàn tay nhỏ nhắn, áo sơ mi bỏ khuy, áo ngắn ngoài bằng nhung cài khuy bạc, đôi ủng da trắng, một con ngựa hồng… còn nghi ngờ sao được! Nhưng thôi, ta hãy tôn trọng sự ẩn danh của hắn.
Chúng tôi tới quán trọ. Thật đúng như người khách lạ đã tả, đây là một trong những quán trọ tồi tàn nhất mà tôi đã thấy. Một gian phòng lớn vừa dùng làm bếp, vừa làm phòng ăn và phòng ngủ. Ở giữa gian phòng, lửa bếp cháy trên một tấm đá phẳng, khói thoát ra theo một lỗ hổng đục trên mái, hay nói cho đúng là tụ lại thành một đám mây cách mặt đất chừng vài piê. Dọc thân tường, thấy trải dưới đất năm sáu tấm khố tải đắp lừa ngựa, đấy là giường nằm cho lữ khách. Cách nhà, hay nói cho đúng hơn, cách cái gian phòng độc nhất tôi vừa mới tả, độ hai mươi bước, có một thứ lều kho dùng làm chuồng ngựa. Trong cái quán trọ mĩ miều ấy, không còn người nào khác, ít nhất là trong lúc này, ngoài một mụ già và một em bé chừng mươi, mười hai tuổi. Cả hai đều đen như bồ hóng, và ăn mặc rách rưới kinh khủng. “Đấy là tất cả dân cư còn lại của thành Munđa Đêtica xưa kia! - Tôi tự nhủ. - Hỡi Xêda! Hỡi Xếchtuýt Pôngtê! Nếu các vị trở lại dương gian, các vị ắt ngạc nhiên biết mấy!”
Vừa trông thấy người bạn đường của tôi, mụ già đã buột miệng kêu lên kinh ngạc:
- Chao ôi! Ngài Đông Giôdê!
Đông Giôdê cau mày và giơ bàn tay lên với điệu bộ như ra lệnh làm mụ già im bặt. Tôi quay lại nhìn người dẫn đường của tôi, và kín đáo ra hiệu tỏ cho anh ta biết rằng chả cần anh bảo tôi cũng thừa hiểu về con người mà tôi sắp cùng ngủ đêm rồi. Bữa cơm tối ngon lành quá sự mong đợi của tôi. Người ta dọn trên một chiếc bàn nhỏ cao chừng một piê cho chúng tôi món cháo gà sống già, với rất nhiều ớt, rồi đến món ớt trộn dầu, sau hết là món gatpasô, một thứ salát trộn ớt. Ba đĩa thức ăn trộn nhiều gia vị như thế, buộc chúng tôi phải luôn luôn dùng tới một vò rượu vang xứ Môngtila tuyệt ngon. Ăn xong thấy có một cây đàn măng đô lin treo trên tường - ở Tây Ban Nha, đâu đâu cũng sẵn măng đô lin - tôi liền hỏi em nhỏ phục vụ xem em có biết chơi măng đô lin không.
- Không ạ, - em đáp, - nhưng Đông Giôdê chơi đàn này hay lắm đấy.
Tôi bèn nói với anh ta:
- Ông làm ơn hát cho tôi nghe một bài thì tốt quá, tôi mê âm nhạc dân tộc của nước ông lắm. - Tôi không thể từ chối điều gì đối với một bậc hào hoa phong nhã đã tặng tôi những điếu xì gà ngon đến thế, - Đông Giôdê nói to giọng vui vẻ. Anh bảo đưa đàn măng đô lin rồi vừa hát vừa tự đêm đàn. Giọng anh thô nhưng dễ nghe, âm điệu buồn buồn và kỳ dị, còn về lời ca thì tôi không hiểu được tiếng nào. Tôi nói với anh ta:
- Nếu tôi không nhầm, bài ông vừa hát không phải là điệu Tây Ban Nha. Tôi thấy bài ấy tựa những khúc doóc-di-cô mà tôi đã được nghe ở Các Tỉnh [Chỉ những tỉnh Tây Ban Nha hồi bấy giờ được hưởng một số đặc quyền, là: Alava, Bixcay, Guypuycôa và một phần xứ Navarơ. Ở những nơi đó, nhân dân nói tiếng Baxcơ], và lời ca bằng tiếng Baxcơ.
- Đúng thế, - Giôdê trả lời với một vẻ rầu rầu. Anh đặt cây đàn xuống đất, rồi khoanh tay lại, ngắm ngọn lửa đang tàn với một vẻ mặt buồn thảm lạ lùng. Khuôn mặt anh, được ngọn đèn đặt trên chiếc bàn nhỏ chiếu sáng, vừa có vẻ cao quý, vừa dữ tợn, khiến tôi liên tưởng tới Quỷ Sa tăng trong thơ của Mintơn. Có lẽ cũng như nhân vật đó, người bạn đường của tôi đang nghĩ đến nơi mình đã phải rời bỏ và những ngày lưu lạc đầy ải mà anh đã nếm trải vì một lỗi lầm nào đó. Tôi phải gắng khơi lại câu chuyện cho linh hoạt lên, nhưng anh không trả lời, đăm đăm trong những ý nghĩ sầu não. Lúc này, mụ già đã vào nằm trong một góc phòng che bằng một tấm chăn thủng căng trên một sợi dây. Em gái nhỏ cũng đã theo mụ già vào nơi nghỉ dành cho nữ giới đó. Người dẫn đường của tôi bèn đứng dậy, mời tôi theo gã xuống chuồng ngựa; nhưng vừa nghe thấy thế, Đông Giôdê như giật mình tỉnh giấc, xẵng giọng hỏi gã định đi đâu. Người dẫn đường đáp:
- Xuống chuồng ngựa.
- Để làm gì? Ngựa đã có ăn rồi. Hãy nằm ngủ ở đây! Tôn ông cho phép đấy!
- Tôi lo ngựa của ông tôi bị ốm. Tôi muốn ông tôi xem ngựa; có lẽ ông tôi biết nên làm gì cho nó.
Rõ ràng Antôniô muốn nói riêng với tôi, nhưng tôi không muốn làm cho Giôdê nghi ngờ, và trong hiện tình tôi thấy tốt hơn hết là tỏ ra hoàn toàn tin cậy. Tôi bèn trả lời Antôniô rằng tôi không biết gì về ngựa và tôi đang buồn ngủ. Đông Giôdê theo gã xuống tàu ngựa, chẳng bao lâu trở lại một mình. Anh nói với tôi rằng ngựa chẳng làm sao hết, nhưng người dẫn đường của tôi cho nó là một con vật quý đến nỗi gã lấy áo sát mạnh cho nó ra mồ hôi, lại còn định thức suốt đêm để làm cái công việc êm ái đó. Lúc ấy, tôi đã nằm dài trên những tấm khố tải vẫn đắp cho la, quấn thật kỹ chiếc áo khoác của tôi vào người để khỏi chạm vào khố tải. Sau khi ngỏ lời xin lỗi tôi về việc tự tiện đến nằm bên cạnh tôi, Đông Giôdê nằm xuống trước cửa ra vào, không quên nhồi lại mồi khẩu súng ét-panh-gôn và cẩn thận đặt súng dưới cái tay nải dùng làm gối. Chúng tôi chúc nhau ngủ ngon xong, được năm phút thì cả hai đều ngủ thiếp đi.
Tôi cứ tưởng mình đủ mệt để có thể ngủ được ở nơi trú chân như thế, nhưng được một giờ, những cơn ngứa ngáy rất khó chịu làm tôi đang ngủ phải bừng tỉnh dậy. Vừa mới hiểu rõ tại sao ngứa, tôi liền trở dậy, tin chắc rằng thà ở ngoài trời cho đến sáng còn hơn nằm trong cái nhà không chiều khách này. Tôi rón rén đi ra cửa, bước qua chỗ ngủ của Đông Giôdê lúc đó đang ngủ rất say, tôi bước êm đến nỗi tôi ra khỏi căn nhà mà Đông Giôdê vẫn không thức giấc. Bên cửa có một chiếc ghế dài bằng gỗ khá rộng tôi ngả lưng nằm trên ghế, cố xoay xở cho qua hết đêm. Tôi sắp chợp mắt lần thứ hai, chợt thấy hình như có bóng một người và bóng một con ngựa đi qua trước mặt tôi, cả hai đều không gây ra tiếng động nhỏ nào. Tôi nhỏm dậy và nhận ra Angtôniô. Thấy gã ở ngoài chuồng ngựa vào giờ này, tôi ngạc nhiên nhỏm dậy tiến đến bên gã. Thoạt trông thấy tôi, gã đã dừng lại.
- Hắn ta đâu? - Angtôniô thì thầm hỏi tôi.
- Trong quán trọ, đang ngủ. Anh ta không sợ rệp. Tại sao anh lại dắt ngựa đi thế này?
Lúc đó tôi nhận thấy Angtôniô đã bọc kỹ vó ngựa bằng những mảnh bao tải cũ, để tránh gây tiếng động khi đi từ trong lều kho ra.
- Lạy chúa, xin ông nói khẽ chứ! - Angtôniô bảo tôi. - Thế ra ông chưa biết tên ấy là ai ư? Chính là Giôdê Navarô tên cướp cừ khôi nhất xứ Angđaludi đấy. Suốt ngày hôm nay, tôi đã bao lần ra hiệu cho ông, nhưng ông cứ không muốn hiểu.
- Cướp hay không, việc quái gì đến tôi? - Tôi đáp; - anh ta có lấy gì của chúng ta đâu và tôi đánh cuộc với anh rằng anh ta không có ý định ấy!
- Thế càng hay! Nhưng người nào bắt được hắn sẽ được thưởng hai trăm đồng đuy-ca. Tôi biết cách đây một dặm rưỡi có một đồn thương kỵ binh [Lực lượng công an vũ trang cưỡi ngựa cầm giáo] và tôi sẽ đưa tới đây mấy tay trai tráng lực lưỡng trước khi trời sáng. Tôi đã định lấy ngựa của Giôdê nhưng con vật dữ đến nỗi ngoài hắn ta, không ai tới gần nó được!
- Ma quỷ hãy bắt anh đi! - Tôi nói với gã. - Người tội nghiệp ấy có làm hại gì đến anh chưa mà anh đi tố giác người ta? Vả lại, anh có chắc đấy là tên cướp mà anh vừa nói không?
- Hoàn toàn chắc chắn chứ ạ. Hồi nãy, hắn theo tôi xuống chuồng ngựa và bảo tôi: “Mày có vẻ nhận ra tao! Nếu mày nói với cái ông tử tế ấy rằng tao là ai, thì tao sẽ bắn vỡ óc mày ra.”. Ông hãy ở lại, ông ạ, ông hãy ở lại với hắn, ông không phải sợ gì cả! Chừng nào hắn thấy ông còn đây, hắn sẽ không nghi ngờ gì cả.
Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa bước đi khá xa quán trọ, không còn sợ ai nghe thấy tiếng vó ngựa nữa. trong nháy mắt, Angtôniô lột bỏ những mảnh giẻ rách bọc chân ngựa. Gã sửa soạn nhảy lên mình ngựa. Tôi cố giữ gã lại bằng cách vừa van nài vừa đe dọa. Hắn nói:
- Ông ạ, tôi chỉ là một kẻ nghèo đói khốn khổ, tôi không thể bỏ lỡ hai trăm đuy-ca được, nhất là lại giải thoát được cho xứ sở này một tên khốn nạn như hắn. Nhưng ông hãy coi chừng: Navarô mà thức dậy, hắn sẽ vồ ngay lấy cây súng ét-panh-gôn. Và lúc đó thì ông liệu đấy nhé! Còn tôi thì tôi đi đã quá xa rồi không thể lùi được nữa; ông liệu thu xếp thế nào cho ổn thì thu xếp.
Lúc đó, thằng khốn nạn đã lên yên, gã thúc mạnh và trong bóng tối phút chốc tôi đã không nhìn thấy gã đâu nữa.
Tôi rất bực mình về người dẫn đường của tôi và thấy khá lo ngại. Suy nghĩ một lúc, tôi quyết định và trở vào quán trọ. Đông Giôdê vẫn ngủ, chắc để bù lại những lúc mệt nhọc và thức đêm trong nhiều ngày phiêu lưu. Tôi phải lay mạnh để đánh thức anh. Không bao giờ tôi có thể quên được cái nhìn dữ tợn và cử động của anh để vớ lấy cây ét-panh-gôn mà tôi đã thận trọng đặt cách xa chỗ anh nằm một chút.
- Này ông, - tôi bảo Giôdê, - tôi xin lỗi đã đánh thức ông, nhưng tôi muốn hỏi ông một câu dại dột này: “Ông có vui lòng thấy chừng nửa tá thương kỵ binh kéo đến đây chăng?”
Giôdê nhảy choàng dậy và hỏi bằng một giọng đáng kinh hãi:
- Ai bảo ông thế?
- Tin báo ấy từ đâu đến chẳng có gì là quan trọng, miễn là nó có ích.
- Tên dẫn đường của ông đã phản bội tôi rồi. Được, nó sẽ phải đền tội!... Nó đâu rồi?
- Tôi không biết… chắc hắn ở trong chuồng ngựa… nhưng có người đã nói với tôi…
- Ai đã nói với ông… chẳng lẽ là mụ già…
- Một người tôi không quen. Thôi, không nói nhiều, tôi chỉ hỏi ông có lý do gì để không chờ bọn lính tới hay không? Nếu có, xin ông đừng mất thì giờ nữa, nếu không, xin chúc ông ngủ ngon và xin lỗi đã làm mất giấc ngủ của ông.
- Chà! Tên dẫn đường của ông! Tên dẫn đường của ông! Tôi đã ngờ hắn ngay từ lúc đầu… nhưng, được rồi, cứ để tội nó đấy… Xin vĩnh biệt ông, Thượng đế sẽ đền bù cho ông cái ơn của ông đối với tôi. Tôi không đến nỗi hoàn toàn xấu như ông tưởng đâu… phải, trong người tôi, vẫn còn có một chút gì xứng đáng với lòng thương của một bậc phong nhã… Thôi xin vĩnh biệt ông… Tôi chỉ có một điều ân hận là không trả ơn ông được.
- Để trả ơn tôi, Đông Giôdê ạ, ông hãy hứa với tôi là không nghi ngờ ai cả, cũng không nghĩ đến việc trả thù. Đây là mấy điếu xì-gà để hút dọc đường; chúc ông đi may mắn!
Và tôi chìa tay ra bắt tay Giôdê. Anh ta siết tay tôi không nói một lời, rồi cầm lấy súng, tay nải, nói với mụ già vài tiếng lóng mà tôi không hiểu, rồi chạy ra lều kho. Một lát sau, tôi đã nghe thấy tiếng vó ngựa của anh ngoài đồng.
Còn tôi thì lại nằm xuống ghế dài, nhưng không ngủ lại được. Tôi tự hỏi không biết cứu khỏi tội giảo một tên tướng cướp, một tên có lẽ đã giết người, chỉ vì tôi đã cùng ăn dăm bông và món cơm va-lăng-xiên với hắn, như thế có đúng không? Làm như thế tôi có phản lại người dẫn đường đã ủng hộ pháp luật hay không? Tôi có làm cho người này lâm vào nguy cơ bị một tên khốn kiếp trả thù hay không? Nhưng còn bổn phận tiếp đãi khách ân cần lịch sự… Thành kiến mọi rợ, tôi tự nhủ như thế. Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những tội ác mà tên cướp này sắp gây ra. Nhưng cái lương tâm thuộc bản năng ấy chống lại mọi sự lý luận, có phải là một thành kiến hay không? Có lẽ tôi không cách nào thoát khỏi tình thế éo le này mà không có sự ân hận. Tôi còn đang hết sức phân vân không biết hành động của mình có hợp đạo lý hay không, bỗng thấy xuất hiện dăm sáu kỵ binh cùng gã Angtôniô thận trọng đi đoạn hậu. Tôi ra đón họ và báo tin rằng tên cướp đã tẩu thoát từ hơn hai giờ rồi. Khi người toán trưởng hỏi mụ già thì mụ trả lời là có quen Navarô, nhưng vì sống một mình nên mụ không bao giờ dám liều mạng tố cáo hắn. Mụ nói thêm rằng hắn có thói quen mỗi khi đến nhà mụ, là lại ra đi vào lúc nửa đêm. Về phần tôi, tôi phải đi vài dặm đường để xuất trình giấy thông hành và ký vào một tờ khai trước mặt một viên an-cát [Thẩm phán ở các thành phố Tây Ban Nha hồi đó]. Sau đó người ta cho phép tôi tiếp tục công việc khảo cổ. Angtôniô oán tôi, ngờ rằng chính tôi đã làm gã hụt mất khoản hai trăm đồng đuy-ca. Tuy thế, đến Corđu, chúng tôi từ biệt nhau một cách thân ái và tôi cho Angtôniô món tiền thưởng hậu nhất đối với khả năng tài chính của tôi.

II


Tôi ở lại Corđu vài ngày. Người ta đã bảo tôi rằng trong thư viện của các cha dòng Đôminicanh có một cuốn sách viết tay nhất định sẽ cung cấp cho tôi nhiều tài liệu bổ ích về thành Munđa cổ đại. Được các cha đón tiếp ân cần, suốt ngày tôi ở lại tu viện của các cha và chiều đến tôi thường đi dạo trong thành phố ở Corđu, cức đến lúc mặt trời lặn là có rất nhiều người nhàn rỗi tụ tập trên bến hữu ngạn dòng sông Goađankivia. Ở đấy người ta ngửi thấy mùi tỏa ra từ một xưởng thuộc da hãy còn giữ được danh tiếng cổ truyền của xứ này về nghề đó; nhưng bù lại người ta được thưởng thức một cảnh tượng thật là có giá trị riêng: cứ mấy phút trước hồi chuông chiều, một số đông phụ nữ tập hợp ở chân bến sông, mà bến thì khá cao. Không người đàn ông nào dám trà trộn vào đám phụ nữ đó. Chuông chiều vừa buông, đã coi như là trời tối. Khi tiếng chuông cuối cùng vừa dứt, tất cả những phụ nữ đó cởi bỏ xiêm áo rồi lội xuống nước. Thế là nổi lên những tiếng reo cười ầm ỹ kinh khủng. Từ trên bến, bọn đàn ông đứng ngắm những nàng đang tắm, giương mắt thật to, nhưng nào có nhìn thấy được là bao! Tuy nhiên, những bóng hình trăng trẻo và mờ ảo in trên nền xanh thẳm của dòng sông như khêu gợi hồn thơ, và chỉ cần đôi chút tưởng tượng là ta có thể dễ dàng hình dung cảnh nữ thần Đianơ với những nàng tiên hầu đang tắm mà không phải lo gặp số phận của chàng Actêông [Trong thần thoại Hy Lạp, Actêông là một chàng đi săn gặp nữ thần Đianơ đang tắm. Nữ thần tức giận hóa phép biến chàng thành hươu và lập tức chàng bị những con chó săn của chàng cắn chết]. Người ta kể cho tôi nghe rằng một hôm có mấy tên vô lại góp tiền hối lộ cho người kéo chuông nhà thờ, để hồi chuông chiều buông sớm hơn giờ hợp pháp hai mươi phút. Dù lúc đó trời còn rất sáng, những nàng tiên của sông Goađankivia cũng không ngần ngại gì, tin vào hồi chuông chiều hơn là vào ánh sáng mặt trời, các nàng cứ yên tâm dùng trang phục ấy đi tắm, thứ trang phục bao giờ cũng giản dị nhất. Tôi không có mặt ở đó. Dạo tôi đến đây, người kéo chuông là người không thể mua chuộc được, còn hoàng hôn thì mờ mờ, và chỉ có con mèo họa mới phân biệt được bà lão bán cam già nhất với cô thợ lẳng lơ xinh đẹp nhất ở Corđu.
Một chiều kia, vào lúc người ta không còn nhìn thấy gì nữa, tôi đang đứng hút thuốc, dựa vào lan can bên sông, bỗng một người phụ nữ leo các bậc từ dưới sông lên mặt bến, rồi đến gần tôi. Trên mái tóc nàng cài một chùm hoa nhài lớn, mà đêm đến cánh hoa tỏa một mùi hương say đắm. Nàng ăn mặc đơn giản, có lẽ nghèo nàn, toàn màu đen như phần đông các cô thợ trẻ lẳng lơ mặc vào lúc chiều tối. Những người đàn bà tử tế chỉ vận màu đen vào buổi sáng, đến tối họ ăn mặc theo kiểu Pháp. Lúc đến gần tôi, cô nàng đi tắm ấy bỏ chiếc khăn trùm đầu tuột xuống vai, và dưới ánh sáng lờ mờ tỏa từ các vì sao, tôi thấy nàng nhỏ nhắn, trẻ, thân hình cân đối và có cặp mắt rất to. Tức thời, tôi quăng điếu xì-gà. Nàng hiểu ngay sự chú ý nhã nhặn rất Pháp đó, và nói ngay rằng nàng rất ưa mùi thuốc lá và còn hút thuốc nữa, mỗi khi có loại thuốc thật dịu. May quá, tôi có thứ thuốc ấy trong hộp và tôi sốt sắng đưa mời nàng. Nàng vui lòng cầm một điếu và châm thuốc vào đầu một sợi dây đốt cháy mà một chú nhỏ đưa đến cho chúng tôi lấy một xu. Hòa khói thuốc với nhau, tôi với cô nàng đi tắm xinh đẹp ấy trò chuyện lâu đến nỗi gần như chỉ còn chúng tôi trên bến sông. Tôi cho rằng mời nàng đi ăn kem ở ne-ve-ri-a [Tiệm giải khát có tủ ướp lạnh, hay nói cho đúng hơn là có tủ giữ tuyết. Làng nào ở Tây Ban Nha lúc bấy giờ cũng có tiệm giải khát như thế. (Chú thích của tác giả)] cũng chẳng có gì là lỗ mãng. Sau một chút ngập ngừng khiêm tốn, nàng nhận lời; nhưng trước khi quyết định, nàng muốn biết lúc ấy đã mấy giờ. Tôi vặn cho đồng hồ của tôi reo chuông, tiếng chuông ấy hình như làm cho nàng ngạc nhiên lắm.
- Các ông ngoại quốc, sao mà ở nước các ông, người ta phát minh ra lắm cái hay thế? Ông là người nước nào nhỉ? Chắc là người Anh? [Ở Tây Ban Nha, người ta tưởng rằng tất cả những người khách không mang theo những mẩu vải chúc bâu hay lụa đều là người Anh (Chú thích của tác giả)]
- Người Pháp ạ và là người hầu tận tụy của quý nương. Còn quý nương, là cô hay bà tôi chưa được rõ, chắc quý nương là người ở Corđu?
- Dạ không.
- Ít ra quý nương cũng là người Angđaludi. Qua giọng nói êm dịu của quý nương, tôi thấy hình như thế.
- Nếu ông nhận xét giỏi giọng nói của người ta, thì ông phải đoán được tôi là người nào.
- Tôi chắc quý nương là người ở đất nước của Giê-xu, cách thiên đường có hai bước chân. (Ẩn dụ để chỉ xứ Angđaludi ấy, tôi đã học được của ông bạn Tơrăngxixcô Xêvila, một kỵ sĩ đấu bò nổi tiếng).
- Chà! Thiên đường… người ở đây nói rằng thiên đường không phải để cho chúng tôi!
- Vậy thì chắc cô là người Môrơ hay là… - tôi ngừng lại, không dám nói Do Thái.
- Thôi, thôi! Ông thừa biết tôi là dân bô-hê-miêng rồi, ông có muốn tôi bói một quẻ cho ông không? Ông đã nghe nói đến cô Carmenxita chưa? Chính là tôi đấy.
Hồi đó, cách đây mười lăm năm, tôi là người không tín ngưỡng, đến mức không kính sợ khi đứng bên một mụ phù thủy. “Được rồi! - Tôi tự nhủ, - Tuần vừa qua ta đã ăn cơm với một tên cường đạo, thì hôm nay ta hãy đi ăn kem với một nữ tì của quỷ xem sao. Trong khi đi du lịch, cái gì cũng cần xem cả”.
Tôi còn có một lý do khác để muốn làm quen thêm với cô ta. Tôi thật ngượng mà thú rằng trước kia, khi ở trường ra, tôi đã phí một thời gian để nghiên cứu khoa thần bí học và còn có nhiều lần định phụ đồng ma. Đã từ lâu, tôi chừa say mê những việc nghiên cứu như thế, nhưng tôi vẫn còn khá tò mò đối với mọi điều dị đoan, và tôi rất thích biết nghệ thuật phù thủy của người bô-hê-miêng cao đến  mức nào.
Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa bước vào tiệm giải khát và ngồi xuống bên một bàn nhỏ, có một ngọn nến đặt trong quả cầu thủy tinh soi sáng. Thế là tôi tha hồ quan sát cô gái gi-ta-na [Tiếng Tây Ban Nha nghĩa là phụ nữ bôhêmiêng] của tôi, trong lúc đó mấy người khách lịch sự ăn kem trố mắt kinh ngạc thấy tôi đi với hạng người quí hóa như thế.
Tôi rất ngờ cô Carmen không phải là người Bô-hê-miêng thuần túy, ít ra nàng cũng đẹp gấp vạn tất cả các phụ nữ cùng một dân tộc với nàng mà tôi đã từng gặp. Theo người Tây Ban Nha, một phụ nữ muốn gọi là đẹp, phải tập trung được ba mươi tiếng nếu, hoặc nói theo cách khác, phải định nghĩa được bằng mười hình-dung-từ khả dĩ áp dụng cho ba bộ phận trong con người. thí dụ nàng phải có ba thứ đen: mắt, mí mắt và lông mày; ba thứ thanh tú: ngón tay, môi và tóc, .v.v… xin độc giả xem Brăngtômơ [Nhà văn Pháp ở thế kỷ XVII hay quan sát về phái đẹp] về những phần còn lại. Cô gái Bô-hê-miêng của tôi không đạt được đủ ngần ấy điểm tuyệt mỹ đâu. Làn da nàng tuy thật mịn màng, nhưng gần giống màu đồng thau. Đôi mắt nàng xếch, nhưng khóe mắt tuyệt đẹp; môi nàng hơi dầy, những đường nét thật xinh, để lộ ra hàm răng trắng hơn những hạt hạnh nhân đã bóc vỏ. Tóc nàng, có lẽ hơi thô, nhưng đen nhánh có ánh xanh như cánh quạ, dài và óng mượt. Để khỏi tả dài dòng làm mệt các bạn, tôi chỉ xin tóm tắt rằng ở người nàng, cứ bên mỗi khuyết điểm lại có một ưu điểm mà sự tương phản hình như càng làm nổi bật thêm. Thật là một sắc đẹp kỳ dị và man rợ, một khuôn mặt lúc đầu làm ta ngạc nhiên, nhưng rồi ta không thể quên được. Nhất là khóe mắt nàng, vừa đầy dục tình vừa hung dữ, sau này tôi không hề thấy cặp mắt người nào lại như thế: mắt Bô-hê-miêng, mắt chó sói, câu phương ngôn Tây Ban Nha đó quả đã ghi được một nhận xét chính xác. Nếu bạn không có thì giờ đến vườn bách thảo để nghiên cứu cái nhìn của con chó sói, bạn hãy nhìn kỹ con mèo của bạn khi nó rình con chim sẻ.
Xem bói ở ngay trong tiệm cà phê thì thật lố lăng. Cho nên tôi đã xin cô phù thủy xinh đẹp của tôi cho phép tôi đưa nàng về nhà. Nàng đồng ý ngay, nhưng nàng lại muốn biết thời gian, nên lại yêu cầu tôi cho đồng hồ reo chuông.
- Nó có phải thực bằng vàng không nhỉ? - Nàng vừa nói vừa ngắm nghía một cách quá ư chú ý chiếc đồng hồ.
Khi chúng tôi ra đường, trời đã tối mịt, phần lớn các nhà hàng đã đóng cửa, phố xá gần vắng tanh. Chúng tôi qua cầu sông Goađankivia và đến đầu ngoại ô thì dừng lại trước một căn nhà không có vẻ gì là lâu đài. Một em bé ra mở cửa cho chúng tôi. Cô Bô-hê-miêng nói với nó mấy lời bằng một thứ tiếng mà tôi không hiểu nhưng sau này tôi biết là tiếng rom-ma-ni hay còn gọi si-pơ-ca-li, thổ ngữ của người Bô-hê-miêng. Chú bé lập tức biến mất, để lại hai chúng tôi trong một gian phòng khá rộng có kê một chiếc bàn nhỏ, hai ghế đẩu và một cái hòm. Tôi không nên quên một vại nước, một đống cam và một bó hành.
Khi chỉ còn lại hai chúng tôi, cô gái lập tức lấy trong hòm ra một cỗ bài hình như đã được sử dụng nhiều lần lắm, một miếng nam châm, một con tắc kè nhông khô và một vài thứ đồ vật khác cần thiết cho nghệ thuật của cô. Đoạn, cô bảo tôi lấy một đồng tiền làm dấu thánh giá vào bàn tay trái, thế là cuộc ma thuật bắt đầu. Kể cũng không cần nhắc lại với các bạn những lời tiên tri của cô gái, còn về cách hành nghề của cô thì rõ ràng cô không phải là một mụ phù thủy hạng xoàng.
Chẳng may, chả bao lâu, chúng tôi bị phá đám. Cánh cửa xịch mở một cách dữ dội, một người đàn ông, trùm kín đến tận mắt trong một chiếc áo choàng màu nâu, vừa bước vào phòng vừa quát hỏi cô gái Bô-hê-miêng một cách không lịch sự lắm. Tôi không hiểu anh ta nói gì, nhưng giọng nói tỏ ra rằng anh đang hết sức cáu kỉnh. Trông thấy anh, cô gái Bô-hê-miêng tỏ ra không ngạc nhiên mà cũng không tức giận, nhưng cô chạy ngay lại đón anh, và với một vẻ hoạt bát phi thường, cô nói với anh mấy câu bằng thứ tiếng bí mật mà cô đã dùng trước mặt tôi. Tiếng pay-ô được nhắc đi nhắc lại là tiếng duy nhất mà tôi hiểu. Tôi biết rằng người Bô-hê-miêng dùng tiếng đó để chỉ những người không cùng nòi giống với họ. Đoán rằng họ đang nói về tôi, tôi nghi sắp bị một chuyện lôi thôi; tôi đã để tay vào chân một chiếc ghế đẩu và tôi nhẩm tính xem đúng lúc nào thì nên ném ghế đó vào đầu kẻ ở đâu đến phá rối. Anh ta đẩy mạnh cô gái Bô-hê-miêng sang một bên và tiến lại phía tôi; nhưng rồi anh vừa lùi lại một bước vừa nói:
- A! Ông, ông đấy ư?
Đến lượt tôi nhìn anh, và tôi nhận ra người bạn Đông Giôdê. Lúc đó, tôi hơi ân hận sao trước kia tôi đã không để cho người ta treo cổ anh đi?
- A! Thế ra ông bạn đấy à! - Tôi kêu lên và cố cười một cách ít gượng gạo nhất. - Ông đã làm gián đoạn cô đây giữa lúc cô ấy đoán cho tôi nhiều điều hay lắm.
- Bao giờ nó cũng vẫn thế. Nhưng rồi thế nào cũng có lúc hết thôi, - anh gằn giọng nói, mắt chằm chằm nhìn cô gái một cách dữ tợn.
Song, cô gái Bô-hê-miêng vẫn tiếp tục nói với anh bằng thứ tiếng của cô. Càng ngày cô càng hăng lên. Cặp mắt đỏ ngầu tia máu và trở nên kinh khủng, nét mặt nhăn lại, chân dậm thình thình. Hình như cô ta đang thôi thúc anh phải làm một điều gì mà anh tỏ ra do dự. Điều ấy là gì, tôi tưởng đã quá rõ lúc nhìn bàn tay bé nhỏ của cô đưa đi đưa lại nhanh như cắt dưới cằm. Tôi đoán đây là chuyện cắt cổ họng một người nào và tôi hơi nghi rằng đấy là cổ họng tôi.
Trước những lời hùng hồn tuôn ra như suối ấy, Đông Giôdê chỉ đáp lại bằng hai ba tiếng thốt ra bằng một giọng ngắn gọn. thế là cô Bô-hê-miêng lườm anh một cách khinh miệt vô cùng; đoạn cô ngồi xếp chân bằng tròn vào một góc phòng, chọn một quả cam và bóc vỏ ăn.
Đông Giôdê nắm cánh tay tôi, mở cửa và dẫn tôi ra phố. Không nói một lời, chúng tôi đi chừng hai trăm bước. Rồi anh giơ tay bảo:
- Ông cứ đi thẳng mãi thì sẽ đến cầu.
Rồi anh lập tức quay người lại và rảo bước. Tôi trở về quán trọ, trong người khá bực bội và sượng sùng. Tệ hơn nữa là lúc cởi bỏ quần áo, tôi mới biết đã mất chiếc đồng hồ.
Tôi suy tính thấy có nhiều lý do khiến hôm sau tôi không đi đòi đồng hồ hoặc yêu cầu quan co-rê-gi-đơ [Chức thẩm phán hàng tỉnh ở Tây Ban Nha thời bấy giờ] phái người đi tìm đồng hồ cho tôi. Tôi làm xong công trình nghiên cứu cuốn sách viết tay của dòng Đôminicanh rồi tôi đi Xêvin. Sau mấy tháng đi lang thang trong vùng Angđaludi, tôi định trở lại Mađrit, do đó tôi phải đi qua Corđu lần nữa. tôi không định ở đấy lâu, vì tôi đã sinh ra ác cảm với thành phố đẹp ấy và với những cô nàng tắm trên sông Goađankivia. Song vì phải gặp lại vài người bạn và làm mấy việc được ủy thác, nên tôi phải ở lại ít ra là ba bốn ngày ở cố đô của các chúa Hồi hồi.
Tôi vừa bước chân đến tu viện dòng Đôminicanh thì một cha thường tỏ vẻ rất lưu ý đến công trình tìm tòi của tôi về địa điểm thành Munđa, niềm nở ra đón tôi và kêu lên:
- Sáng danh Chúa! Ông bạn thân của tôi ơi, rất hoan nghênh ông tới đây. Tất cả chúng tôi cứ tưởng ông đã chết và chính tôi đây, đã nhiều lần đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Kính mừng - tôi không tiếc những buổi cầu kinh ấy đâu - để linh hồn ông được cứu rỗi. Thế ra ông không bị ám sát ư? Vì việc ông bị ăn trộm chúng tôi đều biết.
- Sao cha biết? - Tôi hỏi, hơi ngạc nhiên.
-  Vâng! Chắc ông thừa rõ, chiếc đồng hồ chuông bỏ túi xinh đẹp mà ông cho reo vang trong thư viện khi chúng tôi nói với ông rằng đã đến giờ cầu kinh ấy mà! Này! Chiếc đồng hồ ấy đã tìm thấy rồi, người ta sẽ trả lại ông.
- Nghĩa là, - tôi ngắt lời, hơi lúng túng, - tôi đã bỏ đâu mất chiếc đồng hồ ấy…
- Tên vô lại đã bị bắt và vì người ta biết hắn là kẻ có gan bắn vào một người theo đạo Thiên chúa để cướp một đồng tiền nhỏ, chúng tôi cứ lo ngay ngáy rằng hắn đã giết mất ông rồi. Tôi sẽ cùng đi với ông đến dinh quan co-rê-gi-đo và sẽ giúp ông lấy lại cái đồng hồ đẹp ấy. Và rồi ông về nước đừng có nói rằng Thần công lý ở Tây Ban Nha không thạo nghề nhé.
- Tôi thú thật với cha rằng thà tôi chịu mất đồng hồ còn hơn ra khai trước tòa án để một kẻ khốn khổ bị treo cổ, nhất là vì… là vì…
- Chà! Ông đừng lo gì cả! Hắn đã được gửi gắm cẩn thận rồi, và người ta không thể treo cổ hắn đến hai lần đâu? Tôi nói treo cổ là tôi nói nhầm đấy. tên ăn trộm của ông vốn là một hi-đan-gô [Người thuộc dòng dõi quý tộc ở Tây Ban Nha] đấy; chỉ ngày kia là hắn sẽ bị xử giảo [Giai cấp quý tộc ở Tây Ban Nha dưới thời Mêrimê được hưởng “đặc ân” ấy] không có cách nào tránh thoát được. Ông hẳn thấy rằng thêm hoặc bớt một vụ trộm cướp không làm thay đổi chút nào vụ án của hắn! Lạy Chúa, giá mà hắn chỉ phạm tội ăn trộm! Nhưng hắn còn phạm nhiều vụ giết người, toàn kinh khủng như nhau cả.
- Tên hắn là gì vậy?
- Trong xứ này, người ta gọi hắn là Giôdê Navarô, nhưng hắn còn một tên Baxcơ nữa, tên ấy cả ông và tôi đều không nên nêu lên bao giờ. Này, hắn là một người nên xem đấy, và ông vốn là người rất muốn biết những cái dị kỳ của xứ này, ông nên tìm biết ở đất Tây Ban Nha này bọn vô lại từ giã cõi đời như thế nào? Hắn đang bị nhốt trong nhà nguyện [Người ta đưa phạm nhân vào nhà nguyện để người đó sám hối trước tượng Chúa trước khi bị hành hình]. Cha Martinê sẽ dẫn ông tới đấy.
Vị tu sĩ dòng Đôminicanh cứ nài mãi tôi nên đến xem sửa soạn một cuộc treo cổ gọn gàng đẹp đẽ khiến tôi không tài nào từ chối được. Tôi bèn đi thăm người tù, mang theo một gói xì-gà. Tôi hy vọng rằng món quà ấy sẽ làm cho người đó thứ lỗi tò mò của tôi.
Người ta đưa tôi đến gặp Giôdê, giữa lúc anh đang ăn. Anh gật đầu chào tôi một cách khá lạnh nhạt, và cảm ơn tôi một cách lễ độ về món quà tôi đem đến cho anh. Sau khi đếm những điếu xì gà trong gói tôi đặt trong bàn tay anh, anh chọn lấy một số, còn thì trả lại tôi, nói rằng anh không cần lấy thêm.
Tôi hỏi anh xem liệu tôi có thể bỏ ít tiền hoặc nhờ thế lực của các bạn tôi để làm dịu được phần nào số phận của anh chăng? Lúc đầu, anh nhún vai, nhếch mép cười buồn bã; lát sau, đổi ý kiến, anh nhờ tôi xin cho một lễ để linh hồn anh được siêu thoát.
- Ông có vui lòng, - anh ta nói thêm một cách rụt rè, - ông có vui lòng xin một lễ nữa cho một người đã từng xúc phạm đến ông không?
- Được lắm chứ, ông bạn ạ, - tôi bảo anh ta, - nhưng theo tôi biết, ở xứ này làm gì có ai xúc phạm đến tôi.
Anh cầm lấy bàn tay tôi và nắm chặt với vẻ trang nghiêm. Sau một lúc im lặng, anh nói tiếp:
- Không biết tôi có dám nhờ ông giúp cho một việc nữa không? Khi trở về nước, có lẽ ông sẽ đi qua xứ Navarơ; ít ra ông sẽ đi qua Victôria, một nơi không xa xứ ấy là mấy.
- Phải, - tôi bảo anh, - chắc chắn tôi sẽ đi qua Victôria! Nhưng không phải là tôi không thể đi vòng để tới Pămpơlun và, vì ông, tôi chắc rằng tôi sẵn sàng đi vòng như thế.
- Vậy nếu ông đi Pămpơlun, ông sẽ được thấy nhiều cái làm ông phải chú ý. Đó là một thành phố đẹp… Tôi sẽ trao cho ông chiếc huy hiệu này (anh chỉ cho tôi xem một cái huy hiệu nhỏ bằng bạc mà anh đeo ở cổ). Xin ông lấy giấy gói nó lại, - anh dừng lại một lúc để trấn tĩnh sự xúc động. - và xin ông trao nó hoặc nhờ người trao nó cho một bà cụ hiền hậu mà tôi sẽ nói cho ông biết địa chỉ. Xin ông nói với bà cụ rằng tôi đã chết, nhưng ông đừng nói tôi chết như thế nào.
Tôi hứa sẽ làm tròn sự ủy thác của anh. Ngày hôm sau, tôi lại gặp anh và ở với anh một ngày đó. Chính từ miệng anh, tôi được biết những chuyện phiêu lưu thê thảm mà các bạn sẽ đọc sau đây.

III


Tôi sinh ở Elidôngđô, trong thung lũng Badơtăng, - anh nói. - Tên tôi là Đông Giôdê Lidarabengoa. Với trình độ hiểu biết nước Tây Ban Nha như ông, chắc ông chỉ nghe tên cũng biết ngay rằng tôi là người xứ Baxcơ và theo đạo Gia-tô dòng. Nếu tên tôi có tiếng Đông kèm theo, chính vì tôi có quyền ấy và, nếu tôi ở Elidôngđô, tôi có thể chỉ cho ông xem gia phả của tôi trên một tờ giấy da. Người ta muốn tôi thành giáo sĩ và cho tôi đi học, nhưng tôi không thu hoạch được gì cả! Tôi ham đánh cầu quá, và chính cái đó đã làm hại tôi. Người Navarơ chúng tôi mỗi khi chơi cầu là quên hết thảy. Một hôm, vì tôi thắng, một thanh niên người vùng Alava gây chuyện với tôi, thế là chúng tôi vớ lấy ma-ki-la [Gậy đầu bịt sắt nhọn của người Baxcơ] và tôi lại thắng nữa, nhưng vì thế tôi phải bỏ xứ sở.
Tôi gặp bọn kỵ binh và tôi đăng vào trung đoàn kỵ binh Anmăngđa. Người miền núi chúng tôi học nghề lính rất nhanh. Chẳng bao lâu tôi thành tiểu đội trưởng, và người ta đã hứa đề bạt tôi lên chức đội trưởng thì bỗng tôi vô phúc được giao nhiệm vụ gác xưởng thuốc lá ở Xêvilơ. Nếu ông đã đến Xêvilơ, ông hẳn trông thấy ngôi nhà lớn đó, nằm ngoài tường thành, gần sông Goađankivia. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn như nhìn thấy xưởng thuốc lá và tiểu đội cảnh vệ ở đấy.
Trong lúc thừa hành nhiệm vụ, người Tây Ban Nha thường ngủ hoặc chơi bài, còn tôi, vốn là người Navarơ chính cống, nên tôi cố tìm một việc gì để làm. Tôi làm một cái giải đeo bằng dây đồng thau để buộc cái hỏa kim của tôi. Đột nhiên các bạn tôi nói: “Đấy! Chuông điểm đấy, bọn con gái sắp về làm!”. Ông biết rằng ở xưởng có tới bốn năm trăm phụ nữ làm. Các chị ấy cuốn xì gà trong gian phòng lớn, không có người đàn ông nào được bước chân vào, nếu không được phép của quan Hai mươi bốn [viên phụ trách cảnh sát và cai trị ở thành phố Tây Ban Nha thời bấy giờ] vì các chị ăn mặc rất tự do thoải mái, nhất là các chị còn trẻ, lúc trời nóng bức. Đến giờ các chị công nhân về làm việc sau bữa cơm trưa, rất nhiều chàng trai trẻ đi nhìn các chị đi qua, buông lời tán tỉnh đủ các kiểu. Có rất ít cô nàng từ chối một chiếc khăn choàng bằng lụa ta-phơ-ta và những anh chàng nào ưa đi câu như thế, chỉ việc cúi xuống là vớ được cá. Trong lúc các người khác mải nhìn thì tôi, tôi cứ ngồi yên trên ghế, gần cửa ra vào. Hồi ấy, tôi còn trẻ lắm; lúc nào tôi cũng nghĩ đến cố hương và tôi đinh ninh rằng những cô gái nào thiếu chiếc xiêm màu xanh lơ và thiếu những túm tóc buông trên vai [y phục thông thường của nữ nông dân xứ Navarơ và các tỉnh Baxcơ] thì không thể nào gọi là xinh đẹp được. Vả lại, các cô gái Angđaludi làm tôi sợ: tôi chưa quen cử chỉ của các cô: lúc nào cũng chế giễu, không được một lời đúng đắn. Tôi đang cúi gằm xuống sợi giây đeo của tôi, bỗng nghe bọn dân thành thị nói: “Cô gái gi-ta-ne-la [cô gái bôhêmiêng] kia kìa!”. Tôi ngước mắt lên và nhìn thấy nàng. Hôm ấy là ngày thứ sáu, tôi không bao giờ quên được. Tôi trông thấy nàng Carmen mà ông đã biết, vì cách đây mấy tháng đã có lần tôi gặp ông ở nhà nàng.
Nàng vận chiếc xiêm màu đỏ rất ngắn để lộ ra đôi tất lụa trắng thủng nhiều chỗ và đôi giày da ma-rô-canh xinh xắn màu đỏ, thắt bằng ruy băng màu lửa. Nàng mở khăn choàng đầu để lộ đôi vai và một chùm hoa nhục quế to nhô ra khỏi áo lót của nàng. Nàng còn ngậm một đóa hoa nhục quế ở một bên mép, và vừa đi vừa ngúng nguẩy mông chẳng khác gì một con ngựa cái nhỏ trong trại nuôi ngựa Corđu. Ở xứ tôi, ai trông thấy một người đàn bà ăn mặc như thế có lẽ đều phải làm dấu thánh giá. Nhưng ở Xêvilơ, ai ai cũng tán tỉnh nàng bằng một lời khen sỗ sàng về dáng đi đứng của nàng, nàng đáp lời từng người, mắt liếc, tay chống nạnh, ngổ ngáo đúng là một cô gái Bô-hê-miêng thực thụ. Lúc đầu, tôi không ưa cô gái ấy, và tôi lại tiếp tục làm công việc của tôi, nhưng nàng thì theo thói quen của phụ nữ và của giống mèo - hễ người  ta gọi thì lảng mà không gọi thì xán đến - dừng lại trước mặt tôi và cất tiếng nói với tôi theo lối Angđaludi:
- Này, người anh em,  người anh em có bằng lòng cho tôi sợi dây đeo để tôi buộc chùm chìa khóa hòm không nào?
- Dây này là để buộc cái hỏa kim của tôi, - tôi trả lời.
- Hỏa kim ư? - Nàng phá lên cười. - Chà! Thế ra ông anh làm ren kia đấy, vì ông anh cần đến kim mà!
Tất cả mọi người đứng đấy đều bật cười làm tôi đỏ mặt lên, chẳng tìm được câu nào đáp lại cả.
- Thôi này, anh yêu của em, - nàng nói tiếp, - anh hãy làm cho em bảy sải ren đen đủ cho một chiếc khăn choàng đầu, hỡi người làm kim của tâm hồn em.
Và, nhón tay cầm đóa hoa nhục quế ngậm trên môi, nàng dùng ngón tay cái búng cho tôi đóa hoa ấy đúng vào khoảng giữa hai mắt tôi. Thưa ông, tôi cảm thấy chằng khác nào một viên đạn bắn trúng vào người tôi… Tôi không còn biết lẩn vào đâu được nữa, cứ đứng trơ ra như pho tượng. Khi nàng đã vào rồi, tôi trông thấy đóa hoa nhục quế rơi trên mặt đất, giữa hai chân; không biết tại sao, tôi lại lượm nó lên và tôi nâng niu bỏ nó vào túi áo mà các bạn tôi không nom thấy. Đó là sự dại dột đầu tiên!
Cho đến hai, ba giờ sau, tôi còn đang nghĩ về việc vừa qua thì bỗng một người gác cổng, thở hồng hộc, hốt hoảng chạy đến tiểu đội canh gác. Bác ta nói với chúng tôi rằng trong phòng lớn sản xuất xì gà có một phụ nữ vừa bị giết, cần có chúng tôi đến. Viên đội trưởng ra lệnh cho tôi mang hai người lính đến đấy xem sao. Tôi lấy người và lên ngay. Xin ông thử tưởng tượng, tôi vừa bước chân vào trong phòng là thấy trước tiên đến ba trăm phụ nữ mặc áo lót hay gần như thế, tất cả đều la hét, khoa chân múa tay, làm rầm rầm đến nỗi giá có sét đánh bên tai cũng không nghe thấy. Ở một phía, có một phụ nữ nằm chỏng gọng, máu me đầy người, trên mặt vừa bị hai nhát dao rạch thành hình chữ thập. Trước mặt người bị thương đang được những người khá nhất trong bọn cứu chữa, tôi thấy Carmen bị năm sáu mụ đàn bà nắm giữ. Người phụ nữ bị thương kêu: “Cho tôi xưng tội! Cho tôi xưng tội! Tôi chết mất!”.
Carmen không nói gì, nàng nghiến răng và đảo tròn mắt như một con tắc kè nhông. Tôi hỏi: “Đầu đuôi thế nào?”. Vất vả lắm, tôi mới biết được câu chuyện vừa xảy ra, vì tất cả những nữ công nhân này đều nói cùng một lúc với tôi. Hình như người phụ nữ bị thương có khoe mình đủ tiền mua một con lừa ở chợ Triana. Vốn tính hay châm chọc, Carmen nói: “Này, chị có cái chổi mà chưa đủ à?”. Chị kia tức về lời nói xỏ, có lẽ chị ta có tật giật mình sao đó, nên chị trả lời Carmen rằng chị ta không thạo về chổi vì không có hân hạnh là người Bô-hê-miêng hoặc là con đỡ đầu của quỷ Xa tăng, nhưng còn cô Carmenxita thì chẳng bao lâu nữa sẽ được biết con lừa của chị ta, khi ông co-rê-gi-đo dắt cô đi dạo có hai tên hầu đi theo sau để xua ruồi cho cô. [Thời xưa ở Tây Ban Nha, người đàn bà nào bị kết tội làm phù thủy thì bị đem đi diễu ở ngoài đường, đặt trên lưng một con lừa, đi trước là ông co-rê-gi-đo, đi sau là hai tên hầu của ông ta]
“Đã thế, tao sẽ làm bằng được mấy chỗ cho ruồi uống nước trên má mày - Carmen nói - và tao sẽ vẽ lên đấy một bàn cờ cho mà xem!”. Thế là xoẹt! Xoẹt! Carmen lấy ngay con dao nàng vẫn dùng cắt đầu xì gà rạch những chữ thập thánh Angđrê trên mặt người đàn bà kia.
Sự việc đã quá rõ ràng, tôi nắm cánh tay Carmen và nói một cách lễ độ: “Cô em! Cô phải đi theo tôi!” Nàng nhìn tôi hình như đã nhận ra tôi, nhưng nàng nói một cách nhẫn nhục: “Nào thì đi! Chiếc khăn choàng của tôi đâu nhỉ?” Nàng trùm khăn lên đầu, chỉ để hở một trong hai con mắt to của nàng, và ngoan ngoãn đi theo hai người của tôi như một con cừu. Đến trạm gác, người đội trưởng nói đây là việc nghiêm trọng và phải dẫn nàng đến nhà lao. Chính tôi lại phải dẫn Carmen đi một lần nữa. Tôi bèn để Carmen đi giữa hai anh lính long kỵ, và tôi đi theo sau như anh tiểu đôi trưởng phải làm trong trường hợp như thế. Chúng tôi lên đường ra tỉnh. Lúc đầu, cô gái Bô-hê-miêng còn giữ im lặng, nhưng khi đi đến phố Rắn - ông cũng đã biết dấy, phố ấy rất xứng danh vì có nhiều đoạn quanh co - đi đến phố Rắn thì nàng bắt đầu để tuột khăn choàng xuống vai, lộ cho tôi thấy dung mạo cám dỗ của nàng, rồi cố quay người lại phía tôi, nàng nói:
- Ngài sĩ quan, ngài dẫn em đi đâu vậy?
- Đến nhà giam, cô bé tội nghiệp ạ, - tôi đáp lại bằng giọng nói dịu dàng nhất, như một người lính tốt phải ăn nói với phạm nhân, nhất là với phụ nữ.
- Than ôi! Thế thì rồi đây em sẽ ra sao? Đức ông sĩ quan, ngài hãy thương em với. Ngài trẻ quá, dễ thương quá!... - Rồi, nàng nói tiếp giọng nhỏ hơn: - Người để em trốn thoát nhé, em sẽ tặng Ngài một miếng ba-la-chi khiến phụ nữ nào cũng phải mê Ngài…
Thưa ông, balachi là hòn đá nam châm mà người Bô-hê-miêng bảo là có nhiều phép thần thông kỳ diệu nếu người ta biết cách sử dụng nó. Cho một phụ nữ uống một rúm bột đá đó mài ra, bỏ vào trong cốc vang trắng, nàng sẽ không cưỡng lại được nữa! Nhưng tôi, tôi đã lên giọng nghiêm chỉnh nhất để bảo nàng:
- Chúng ta đâu có phải đi như thế này để tán nhảm? Phải đi đến nhà giam thôi, đấy là mệnh lệnh, không có cách nào cứu vãn được!
Người xứ Baxcơ chúng tôi có một giọng nói riêng, khiến người Tây Ban Nha dễ nhận ra chúng tôi; trái lại, ngay chỉ mấy tiếng bai-gia-ô-na [Thưa ông, vâng (Tiếng Baxcơ)] cũng không có ai học nói cho đúng được. Cho nên Carmen đoán ngay được rằng tôi là người ở Các Tỉnh. Ông biết rằng người Bô-hê-miêng, vì không thuộc hẳn xứ nào và lúc nào cũng lưu động nên thứ tiếng nào cũng nói được, và một số đông khi đến ở Bồ Đào Nha, ở Pháp, ở các tỉnh, ở Catalônhơ và ở bất cứ nơi nào, thì cũng y như ở xứ sở của mình vậy. Ngay cả đối với người Môrơ và người Anh, họ cũng làm cho người ta hiểu họ được. Carmen biết tiếng Baxcơ rất khá.
- Bạn lòng của em ơi, - nàng đột nhiên nói với tôi, - anh có phải là người đồng hương không?
Thưa ông, tiếng nói của xứ tôi hay đến nỗi mỗi khi chúng tôi nghe thấy ở nơi đất khách, chúng tôi cảm động đến run lên… “Tôi muốn có một cha rửa tội người ở Các Tỉnh”, - gã cướp nói thêm bằng giọng nói nhỏ hơn. Im một lúc, anh ta lại nói:
- Tôi là người ở Elidôngđô, - tôi trả lời nàng bằng tiếng Baxcơ, rất xúc động được nghe nàng nói bằng tiếng xứ tôi.
- Em, em là người ở Etsala, nàng nói. (Đi từ vùng này đến quê tôi chỉ mất bốn tiếng đồng hồ). Em bị người Bô-hê-miêng bắt đến Xêvilơ. Em làm ở xưởng thuốc để kiếm tiền về Navarơ, với bà mẹ đáng thương chỉ còn biết nương tựa vào em và vào cái ba-rát-xê-a [tiếng Baxcơ có nghĩa là vườn cây, mảnh đất] nhỏ có hai mươi gốc táo! Chao ơi! Nếu em được ở quê nhà, trước ngọn núi trắng xóa! Người ta đã sỉ nhục em, vì em không phải là người của xứ toàn những dân ăn cắp, những tên lái buôn cam thối; và tất cả những con đĩ ấy tụ họp lại để chống em. Vì em bảo chúng rằng tất cả bọn giác-cơ [tiếng Baxcơ nghĩa là anh chàng khoác lác, anh hùng rơm] ở Xêvilơ của chúng dù có mang dao cũng không thể dọa nổi một chàng thanh niên ở xứ ta, đội mũ nồi xanh, tay cầm ma-ki-la… Bạn ơi, bạn chí thân của em ơi! Lẽ nào bạn không giúp gì cho một nữ đồng hương hay sao?
Thưa ông, nàng đã nói dối, bao giờ nàng cũng dối trá. Tôi không biết trong cuộc đời của người con gái ấy có lần nào nói được một lời chân thật không; nhưng, khi nàng nói thì tôi tin: tôi không sao cưỡng lại được. Nàng nói tiếng Baxcơ chưa đúng, nhưng tôi lại nghĩ rằng nàng là người miền Navarơ; chỉ riêng mắt nàng, miệng nàng, màu da nàng cũng nói lên rằng nàng là người Bô-hê-miêng. Tôi điên dại, không chú ý đến cái gì nữa. Tôi cho rằng nếu có bọn người Tây Ban Nha nào dám nói xấu xứ tôi, tôi cũng sẽ rạch mặt họ, như nàng vừa làm đối với con bạn. Tóm lại, tôi như người say rượu, tôi bắt đầu nói những điều bậy bạ và tôi sắp làm những cái đó đến nơi.
- Nếu em đẩy anh, người đồng hương của em ạ, và nếu anh ngã, - nàng nói tiếp bằng tiếng Baxcơ, - thì hai tên lính Caxtilăng này giữ em sao nổi…
Quả thật, lúc đó tôi quên hết mệnh lệnh, quên tất cả, và tôi bảo nàng:
- Thôi được, cô bạn thân yêu, người đồng hương của anh, em cứ thử đi, và xin Đức Bà Trên Núi của chúng ta phù hộ cho em!
Lúc này, chúng tôi đang đi qua một trong những ngõ chật hẹp, đầy rẫy ở Xêvilơ. Đột nhiên, Carmen quay người lại và đấm một quả vào ngực tôi. Tôi cố ý ngã lăn kềnh ra. Nàng nhảy vọt một cái qua người tôi và vùng chạy, để lộ cho chúng tôi nhìn thấy một đôi chân! Người ta thường nói chân người Baxcơ: chân nàng có thua gì những đôi chân khác… vừa nhanh nhẹn, vừa xinh xắn.
Còn tôi, tôi nhỏm dậy ngay, nhưng tôi lại cầm ngang ngọn dáo [tất cả các kỵ binh Tây Ban Nha hồi đó đều được trang bị bằng dáo] chặn lối đi, khiến cho lúc đầu các bạn tôi định đuỏi theo nàng đều bị cản lại. Rồi chính tôi cũng chạy và cả bọn chạy theo tôi, nhưng còn mong gì đuổi kịp được, vì vướng nào đinh thúc ngựa, nào gươm dáo! Thoáng một cái còn nhanh hơn thời gian tôi kể chuyện với ông, người nữ tù đã biến mất. Vả lại tất cả những mụ đàn bà trong khu phố ủng hộ nàng chạy trốn và chế giễu chúng tôi, chỉ sai đường cho chúng tôi. Sau nhiều lần sục đi sục lại, chúng tôi đành trở về trạm gác, không có giấy biên nhận của quan thủ ngục.
Những người lính của tôi, muốn tránh khỏi tội, đều nói rằng Carmen đã nói tiếng Baxcơ với tôi; và thật ra một quả đấm của cô gái bé nhỏ như thế đánh ngã nhào được một chàng trai sức lực như tôi một cách dễ dàng đến thế, việc đó có vẻ không được tự nhiên lắm. Tất cả những cái ấy có vẻ ám muội, hay nói cho đúng hơn, đã quá rõ ràng. Lúc thay phiên gác, tôi bị giáng chức và bị phạt tù một tháng. Đấy là lần đầu tôi bị phạt từ ngày nhập ngũ. Thôi thế là vĩnh biệt quân hàm đội trưởng mà tôi tưởng đã nắm trong tay!
Những ngày đầu tiên trong nhà giam trôi qua một cách vô cùng buồn bã. Khi tòng quân, tôi đinh ninh là rồi đây ít nhất mình cũng sẽ trở thành sĩ quan. Lôngga và Mina, người đồng xứ với tôi, hiên nay đều là đại đội trưởng cả! Sapalangara vốn là người da đen như Mina và cũng phải trốn sang nước ông, Sapalangara lúc đó đã là đại tá, và tôi đã từng đánh cầu hàng vài chục lần với em ông ta cũng chỉ là một kẻ tầm thường như tôi. Bây giờ, tôi nghĩ thầm: “Thế là tất cả khoảng thời gian tôi phục vụ không bị kỷ luật đều mất không cả! Nay tôi đã bị nhận xét xấu; muốn được các thủ trưởng coi như trước, sẽ phải làm việc gấp mười lần so với khi tôi mới đăng lính! Và tại sao tôi lại để bị phạt nhỉ? Vì một con Bô-hê-miêng vô lại nó đã xỏ mình và giờ đây đang bận ăn cắp ở một xó xỉnh nào trong thành phố.”
Tuy nhiên tôi không thể không nhớ nàng. Ông có tin như thế này được không? Đôi tất lụa thủng mà nàng để cho tôi nhìn thấy rõ ràng trong khi nàng chạy trốn vẫn luôn luôn hiện ra trước mắt tôi. Tôi nhìn ra phố, qua chấn song sắt của nhà giam, và trong tất cả các phụ nữ đi qua, tôi không thấy người nào sánh được với con quỷ cái ấy. Rồi bất giác tôi ngửi thấy mùi hoa nhục quế, đóa hoa nàng đã ném cho tôi, tuy đã khô nhưng vẫn giữ được hương thơm… người con gái ấy đúng là một mụ phù thủy.
Một hôm, người cai ngục bước vào đưa cho tôi một cái bánh mì Ancala.
- Này anh, - bác ta nói với tôi, - cô em họ của anh gửi cho anh cái này đây!
Tôi cầm lấy cái bánh, rất ngạc nhiên vì tôi có cô em họ nào ở Xêvilơ đâu! Có lẽ nhầm? Tôi vừa nhìn cái bánh vừa nghĩ thế, nhưng bánh ngon thơm đến nỗi chẳng cần thắc mắc nó từ đâu đến và gửi cho ai, tôi quyết định ăn. Khi ăn bánh, con dao vấp phải một vật gì rắn. Tôi nhìn và thấy một chiếc dũa. Anh nhỏ đã được nhét vào trong bột bánh trước lúc đem nướng. trong chiếc bánh mì ấy còn có cả một đồng tiền vàng hai du-ca nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là quà tặng của Carmen. Đối với những người thuộc dòng giống như nàng, tự do là tất cả, và họ sẵn sàng châm lửa đốt cháy cả một thành phố để tránh một ngày ngồi tù. Hơn nữa, con bé này mới ranh làm sao, với chiếc bánh mì ấy, nó cười vào mũi bọn cai ngục. chỉ cần một giờ là thanh chấn song to nhất sẽ bị cưa đứt bằng cái dũa nhỏ và, với đồng tiền vàng hai đồng, tôi có thể đến bất cứ hàng bán quần áo cũ nào đổi chiếc áo ca-pốt nhà binh lấy bộ cánh phong lưu. Chắc ông thừa biết một người đã từng nhiều lần trèo lên những tổ chim ưng bắt chim non trong núi đá ở xứ tôi thì tụt từ một cửa sổ cao chưa đầy ba mươi pi-ê xuống mặt đường phố chẳng có gì phải lúng túng. Nhưng tôi không muốn trốn. Tôi còn có danh dự quân nhân của tôi và tôi coi đào ngũ là một trọng tội. Duy có điều, tôi rất cảm động trước biểu hiện tưởng nhỏ đó! Ở trong tù, người ta thích nghĩ rằng ở ngoài có người bạn thân quan tâm đến mình. Đồng tiền vàng làm tôi mếch lòng đôi chút, tôi rất muốn đem trả lại. Nhưng tìm đâu ra người mà tôi mắc nợ. Tôi thấy điều đó hình như không phải dễ dàng.
Sau buổi lễ giáng chức, tôi tưởng mình sẽ không còn phải đau khổ về điều gì nữa, nhưng rồi tôi còn bị một sự tủi nhục ê chề nữa: đấy là khi ở nhà giam ra, gnười ta phân công cho tôi đứng gác như một anh lính quèn. Ông không thể tưởng tượng được một người có chí khí cảm thấy thế nào trong trường hợp như thế. Tôi nghĩ rằng tôi thích bị xử bắn hơn. Ít nhất cũng được đi một mình, trước tiểu đội; mình cảm thấy mình cũng là một người thế nào đây; ai ai cũng nhìn vào mình.
Tôi được cắt gác cửa nhà viên đại tá. Ông ta là một người trẻ tuổi giàu có, tốt bụng ham chơi. Nghe nói tất cả các sĩ quan trẻ đều đến nhà ông ta, có nhiều thị dân phong lưu nữa, cả phụ nữ, những nghệ sĩ, theo người ta nói. Tôi thấy hình như toàn thành phố đã hẹn nhau kéo đến cửa nhà ông ta để xem mặt tôi. Kia kìa, chiếc xe ngựa của viên đại tá đã tới, có anh hầu phòng của ông ta ngồi trên ghế. Tôi thấy ai trên xe bước xuống kia nhỉ? Cô gái gi-ta nen-la ông ạ. Hôm nay, nàng trang sức đủ các màu lòe loẹt, sặc sỡ, diêm dúa, vàng và ruy-ban khắp người. Một chiếc áo dài kim tuyến, đôi giày màu lơ cũng thêu kim tuyến và toàn người đầy hoa và dải. Tay nàng mang một cái trống baxcơ. Cùng đi với nàng có hai phụ nữ Bô-hê-miêng khác, một già một trẻ. Bao giờ các cô gái Bô-hê-miêng đi đâu cũng có một bà già dẫn đi, và một ông già cũng là người Bô-hê-miêng mang cây ghita để đánh đàn cho các cô ả múa. Chắc ông cũng biết rằng người ta thích gọi những cô gái Bô-hê-miêng đến các đám hội, để các cô múa điệu rô-ma-li - điệu vũ của dân tộc Bô-hê-miêng - và lắm khi để làm nhiều cái khác nữa.
Carmen nhận ra tôi, và hai chúng tôi nhìn nhau. Tôi không biết tại sau lúc ấy tôi chỉ muốn chui thật sâu xuống đất.
Nàng nói:
- A-guya-la-guy-na [chào bạn]! Chàng sĩ quan của em, chàng đứng gác như một tân binh ấy!
Tôi chưa tìm được một tiếng nào để trả lời thì nàng đã bước vào trong nhà.
Tất cả đám người tụ họp ở trong pa-xi-ô [sân trong nhà] và mặc dù đông người, qua tấm rào sắt tôi vẫn nhìn thấy hầu hết mọi cảnh tượng diễn ra. Tôi nghe thấy nào tiếng cát-xta-nhét [một thứ phách], tiếng trống, nào tiếng cười vang và tiếng hoan hô: đôi lúc, tôi thoáng thấy đầu Carmen khi nàng bưng trống nhảy lên. Tôi còn nghe thấy cả tiếng các sĩ quan nói với nàng nhiều điều khiến tôi đỏ bừng mặt. Nàng trả lời thế nào tôi không rõ. Tôi nghĩ rằng chính từ hôm ấy tôi yêu nàng thực sự; vì có tới ba bốn lần, tôi có ý nghĩ xông vào trong pa-xi-ô, đưa lưỡi gươm vào bụng tất cả mấy thằng công tử bột đang tán tỉnh hoa bướm với nàng. Nỗi khổ não hành hạ tôi suốt một tiếng đồng hồ; rồi bọn Bô-hê-miêng bước ra và xe ngựa lại đưa họ về. Khi đi qua mặt tôi, Carmen lại nhìn tôi bằng khóe mắt mà ông đã biết đấy, và nói thật khẽ:
- Người đồng hương ạ, khi nào thích món cá rán ngon, thì đến nhà hàng Lilat Paxtia ở Tơriana mà ăn.
Nhẹ nhàng như con dê non, nàng nhảy lên xe ngựa, người xà ích ra roi mấy con la, thế là cả bầy ca nhạc vui nhộn đó ra đi không biết về đâu.
Chắc ông thừa đoán được rằng hết phiên gác là tôi đi ngay Tơriana; nhưng trước hết tôi đi cạo mặt, chải chuốt như trong ngày duyệt binh vậy. Nàng đang ở nhà Lilát Paxtia, một lão chủ cao lâu Bô-hê-miêng đen như mọi. Hàng của lão rất đông khách, đám thị dân phong lưu đến đó thưởng thức món cá rán, nhất là - theo tôi nghĩ - từ khi Carmen đến đóng bản doanh ở đó.
Nàng vừa thấy tôi là nói ngay:
- Anh Lilát, suốt ngày hôm nay tôi không làm gì nữa. Ngày mai trời đẹp. Nào, người đồng hương của em, chúng ta đi dạo chơi đi!
Nàng kéo khăn choàng lên che mũi, thế là chúng tôi ra phố, và tôi cũng chẳng biết là đi đâu.
- Thưa cô, - tôi nói với nàng, - tôi tưởng cần phải cảm ơn cô về món quà cô đã gửi cho trong khi tôi còn ở nhà giam. Tôi đã ăn bánh, tôi sẽ dùng chiếc dũa để mài dáo, tôi sẽ giữ nó làm kỷ niệm của cô, nhưng tiền thì đây!
- Anh ta đã giữ lại tiền đây này, - nàng phá lên cười. - Thôi được, càng hay! Vì em cũng đang túng, nhưng cần quái gì, trời sinh voi, trời sinh cỏ. Nào! Chúng ta ăn bằng hết đi nào! Anh thết em nhé!
Chúng tôi đang trở lại con đường đi Xêvilơ. Đến đầu phố Rắn, nàng mua một tá cam bảo tôi gói vào khăn tay. Đi thêm một quãng nữa, nàng lại mua bánh mì, xúc xích, một chai man-da-ni-la, sau cùng nàng vào hàng bánh ngọt. Đến đấy, nàng ném lên quầy hàng đồng tiền vàng của tôi trả nàng, và một đồng khác ở trong túi nàng, cùng một ít tiền bằng bạc của nàng; sau hết nàng bảo tôi còn bao nhiêu đưa ra cả. Tôi chỉ còn một đồng tiền nhỏ và mấy đồng xu, tôi đưa cho nàng, trong bụng rất ngượng vì không có hơn. Tôi tưởng có dễ nàng muốn khuân cả cửa hàng. Nàng mua tất cả những cái gì đẹp nhất và đắt nhất, nào y-ê-ma [lòng đỏ trứng gà trộn đường] nào tuy-rông [kẹo nu-ga], nào mứt, còn chút tiền nào là nàng tiêu bằng hết! Tất cả những thứ ấy, tôi lại phải bê trong những túi giấy. Có lẽ ông cũng biết phố Canđilơgiô, nơi có tượng đầu vua Đông Pêđrô, người được mệnh danh là Thần Công lý. [Vua Đông Pêđrô hay đi chơi đêm trong các phố ở Xêvilơ. Một đêm, nhà vua gây chuyện với một thanh niên đang chơi đàn trước cửa sổ nhà một cô gái. Hai người đấu gươm và vua giết chết người kia. Nghe tiếng xô xát, một bà già ló đầu ra cửa sổ và cầm đèn soi. Nhà vua có tật ở chân, nên bị bà già nhận ra ngay. Hôm sau, quan án tâu vua: “Tâu bệ hạ, đêm qua trong phố nọ có một vụ đấu gươm khiến một người chết”. “Khanh đã tìm ra ai là hung thủ chưa?”. “ Tâu bệ hạ, đã”. “Thế sao người đó chưa bị trừng trị?”. “Tâu bệ hạ, thần đang chờ thánh chỉ”. “Khanh hãy thi hành pháp luật”. Khi đó, vua vừa mới ra lệnh chém đầu bất cứ ai dám đấu gươm, và đầu người đó sẽ bị bêu ở nơi đánh nhau. Viên quan án đã giải quyết vấn đề gay go này một cách tuyệt khéo. Ông ta sai cưa đầu một pho tượng của nhà vua, rồi đem bêu giữa cái phố đã xảy ra thảm kịch]. Đáng lẽ phố Canđilơgiô này phải gợi cho tôi nhiều suy nghĩ. Khi đi tới phố đó, chúng tôi dừng lại trước một căn nhà cũ kỹ. Nàng bước vào lối đi, gõ cửa nhà dưới. Một người đàn bà Bô-hê-miêng ra mở cửa cho chúng tôi. Carmen nói mấy tiếng Bô-hê-miêng với mụ già đó. Lúc đầu mụ càu nhàu. Để xoa dịu mụ ta, Carmen đưa cho mụ hai quả cam, một nắm kẹo và cho mụ nếm rượu vang. Đoạn nàng khoác chiếc áo choàng của mụ lên lưng mụ, dẫn mụ ra cửa rồi lấy thanh gỗ đóng cửa lại.
Khi chỉ còn hai chúng tôi, nàng liền vừa nhảy, vừa cười như điên cuồng, vừa hát:
- Anh là rôm của em, em là rô-mi của anh… [Tiếng Bô-hê-miêng, rôm nghĩa là chồng; rô-mi nghĩa là vợ]
Còn tôi thì đứng giữa phòng, trên tay đầy những gói đồ của nàng mua, chưa biết đặt vào đâu. Nàng ném tất cả xuống đất, nhảy lên bám vào cổ tôi và nói:
- Em trả nợ đây! Em trả nợ của em đây! Đây là luật lệ của người Calê. [Tiếng Bô-hê-miêng, chỉ đàn bà Bô-hê-miêng]
Chà! Thưa ông, cái ngày hôm ấy! mỗi lần nhớ đến, tôi thấy quên cả ngày mai!...
Gã cướp im lặng một lúc, rồi châm lại điếu xì-gà và nói tiếp:
Chúng tôi ở với nhau cả ngày hôm ấy, ăn uống và làm các chuyện khác nữa. Sau khi nhai kẹo như trẻ lên sáu, nàng lấy từng nắm bỏ vào vại nước của mụ già. “Để làm nước kem cho mụ ấy”, nàng nói. Nàng ném cả bánh trứng y-ê-ma vào tường cho vỡ ra và nói: “để cho ruồi khỏi quấy chúng ta”. Thật không còn thiếu một trò bậy bạ nào, một thứ tinh nghịch nào nàng không làm. Tôi tỏ ý muốn xem nàng nhảy, nhưng không biết tìm đâu ra cát-xta-nhét. Thế là nàng cầm luôn chiếc đĩa duy nhất của mụ già, đập vỡ tan ra từng mảnh và nhảy ngay điệu rô-ma-li, vừa nhảy vừa gõ những mảnh sứ vỡ vào nhau, nghe giòn chẳng kém gì cát-xta-nhét bằng gỗ mun và bằng ngà. Tôi có thể bảo đảm với ông rằng gần một người con gái như thế, không tài nào chán được. Tối đến tôi nghe tiếng trống thu quân về trại.
- Tôi phải về trại điểm danh, - tôi nói với nàng.
- Về trại à? - Nàng nói, giọng khinh miệt; - thế ra anh là một tên da đen để người ta xỏ mũi, lôi đi đâu cũng được à? Anh đúng là một con ca-na-ri [Tên một giống chim màu vàng giống loại hoàng yến, nghìa bóng là chàng ngốc. Lính long kỵ binh Tây Ban Nha hồi đó mặc quân phục màu vàng] về y phục cũng như về bản lĩnh. Thôi đi đi, anh thật nhát như cáy.
Thế là tôi ở lại, cam tâm chịu phạt giam. Sáng ra, chính nàng nói trước đến sự xa nhau.
- Này! Anh Giôxêtô! Tôi đã trả nợ anh rồi có phải không? Theo luật lệ của chúng tôi, tôi không nợ gì anh cả, vì anh là một pay-ô. Nhưng anh là một chàng trai xinh đẹp, vừa ý tôi. Chúng ta đã thanh toán nợ xong. Thôi, chào anh nhé!
Tôi hỏi bao giờ tôi có thể gặp lại nàng.
- Bao giờ anh đỡ ngốc nghếch, - nàng vừa cười, vừa trả lời.
Rồi bằng giọng đứng đắn hơn, nàng nói:
- Anh chàng bé bỏng ơi, anh có biết không, tôi nghĩ rằng tôi cũng có hơi yêu anh đấy. Nhưng cái đó không thể kéo dài. Chó sói và chó nhà không thể nào sống chung với nhau lâu được. Có lẽ nếu anh theo luật lệ Ai Cập [phần lớn người Bô-hê-miêng cho rằng họ gốc ở Ai Cập], thì tôi cũng muốn thành rô-mi của anh. Nhưng đó chỉ là nói nhảm thôi. Đâu có thể như thế được. Chà! Chú em ơi, chú thoát thân được như thế là may lắm, tôi nói thật đấy. Chú đã gặp quỷ, phải, quỷ! Con quỷ ấy không phải lúc nào cũng đen, và nó đã không vặn cổ chú. Tôi mặc đồ len, nhưng tôi không phải là cừu đâu [tục ngữ Bô-hê-miêng]! Chú nên đem cây nến đến tạ ân Ma-gia-ri [Đức bà đồng trinh] của chú. Ma-gia-ri đáng nhận lễ đó lắm. Thôi, vĩnh biệt một lần nữa, đừng nghĩ đến Carmenxita nữa, nếu không nó sẽ làm cho chú mày lấy một quả phụ chân gỗ đấy. [ý nói cái giá treo cổ, vì nó là “quả phụ” cuối cùng của người bị treo cổ].
Vừa nói nàng vừa tháo thanh gỗ chắn cửa, và ra đến ngoài đường nàng trùm kín ngay khăn và quay gót đi thẳng.
Nàng nói đúng. Đáng lẽ tôi nên khôn ngoan đừng nghĩ tới nàng nữa; nhưng, từ hôm đến phố Canđilơgiô, tôi không thể nghĩ đến cái gì khác được nữa. Tôi cứ đi lang thang suốt ngày hy vọng được gặp nàng. Tôi đến mụ già và lão chủ cao lâu để hỏi tin tức về nàng.
Cả hai đều trả lời rằng nàng đã đi Lalôrô, nghĩa là đi Bồ Đào Nha. Chắc Carmen đã dặn họ nói thế. Nhưng chẳng bao lâu, tôi biết là họ nói dối. Vài tuần lễ sau ngày đến phố Canđilơgiô, tôi được cắt gác một ô cửa vào thành phố. Gần đó có một lỗ hổng lớn trong bức tường bao quanh thành phố, ban ngày người ta làm việc ở đó, ban đêm người ta đặt một người canh gác để ngăn ngừa bọn buôn lậu. Lúc ban ngày, tôi thấy Lilát Paxtia cứ đi đi lại lại quanh trạm gác, và trò chuyện với mấy người bạn tôi; họ đều quen Lilát Paxia và còn quen món cá và bánh rán của hắn hơn. Hắn tiến đến gần tôi và hỏi tôi có được tin tức gì về Carmen không.
- Không, - tôi đáp.
- Này, người anh em sắp có tin đấy!
Hắn không nhầm. Đêm ấy, tôi được cắt gác ở nơi tường lở. Viên tiểu đội trưởng vừa đi khỏi, tôi thấy một phụ nữ đi lại phía tôi. Tim tôi thầm nhủ rằng đấy là Carmen. Song tôi cứ hô to:
- Tránh ra! Không qua được!
- Đừng ác thế anh. - Nàng vừa nói vừa xưng danh với tôi.
- Ô hay! Em đấy ư, Carmen?
- Phải, người đồng hương của em ạ. Chúng ta nói ít thôi, và nói tử tế. Anh có muốn kiếm được một đồng đua-rô [Tiền Tây Ban Nha] không? Sắp có mấy người mang những bao hàng qua đấy! Anh hãy cứ để mặc họ nhé!
- Không, tôi đáp, tôi phải ngăn họ lại. Đấy là mệnh lệnh!
- Mệnh lệnh! Mệnh lệnh! Lúc ở phố Canđilơgiô, anh có nghĩ đến mệnh lệnh đâu.
Trong lòng điên đảo cả lên chỉ vì kỷ niệm đó, tôi trả lời:
- Chao ôi! Lúc đó thật đáng để quên mệnh lệnh, nhưng tôi không muốn nhận tiền của bọn buôn lậu…
- Được rồi, nếu anh không thích tiền, anh có muốn chúng ta lại đi ăn ở nhà mụ Đôrôtê không?
- Không! - Tôi cố sức nói lên tiếng đó, gần như nghẹt thở. - Tôi không thể làm thế được.
- Được lắm! Nếu anh đã khó tính như vậy, tôi sẽ nhờ người khác. Tôi sẽ rủ viên sĩ quan của anh đến nhà Đôrôtê. Anh chàng ấy có vẻ dễ tính lắm, anh ta sẽ cắt gác ở đây một cậu chỉ biết nhìn thấy những gì cần nhìn thôi. Vĩnh biệt con ca-na-ri. Tôi sẽ tha hồ cười ngày nào có mệnh lệnh treo cổ anh.
Tôi đã yếu đuối đến mức gọi nàng lại, và hứa cho toàn bộ giống người Bô-hê-miêng đi qua nếu cần, miễn là tôi được thưởng công theo nguyện vọng duy nhất của tôi. Nàng liền thề thốt sẽ thực hiện lời hứa ngay hôm sau, và chạy đi báo tin cho đồng bọn đang chực cách đó vài bước. Bọn này gồm có năm người, trong số đó có Paxtia, người nào người nấy vác nặng hàng hóa Anh; Carmen đứng gác. Nếu nhác thấy người đi tuần thì nàng phải dùng cát-xta-nhét báo cho đồng bọn biết. Nhưng nàng không phải báo. Chỉ thoáng một lúc bọn buôn lậu đã làm xong việc.
Hôm sau, tôi đến phố Canđilơgiô. Carmen bắt tôi phải chờ đợi. Khi tới, nàng ra vẻ bực mình.
- Tôi không thích những kẻ bắt người ta phải van nài, - nàng nói. - Lần đầu, anh đã giúp tôi một việc quan trọng hơn, mà không cần biết có được lợi gì không. Hôm qua, anh đã mặc cả với tôi. Tôi cũng không biết tại sao tôi lại đến đây, vì tôi không yêu anh nữa. Thôi đi đi
Thiếu chút nữa thì tôi ném đồng tiền vào đầu Carmen, và tôi phải dằn lòng hết sức mới không đánh nàng. Sau khi cãi cọ nhau suốt một tiếng đồng hồ, tôi bước ra, bừng bừng tức giận. Tôi đi lang thang một lúc khắp các phố, la cà hết nơi này đến nơi khác như điên, như dại; sau cùng, tôi vào nhà thờ, chui vào góc tối nhất khóc rưng rức. Bỗng nhiên, tôi nghe thấy tiếng nói:
- Rõ thật là nước mắt rồng. Em muốn lấy nó làm bùa yêu đấy! [Carmen có ý chế giễu Giôdê, vì anh này là long kỵ binh còn gọi là lính đầu rồng]
Tôi ngước mắt lên, thì ra Carmen đang đứng trước mặt tôi.
- Này người đồng hương của em ơi, - nàng nói, - anh còn giận em nữa không. Em đành phải yêu anh thôi, mặc dầu em không muốn, vì từ lúc anh bỏ đi, em thấy trong người nao nao thế nào ấy. Nào, bây giờ chính em lại hỏi anh xem anh có muốn đến phố Canđilơgiô không?
Thế là chúng tôi làm lành với nhau. Nhưng tính khí Carmen chẳng khác nào thời tiết ở xứ tôi. Ở vùng núi của chúng tôi, không bao giờ giông tố tới gần bằng những lúc mặt trời rực rỡ nhất. Nàng có hứa sẽ gặp lại tôi một lần khác ở nhà Đôrôtê, nhưng rồi nàng không tới. Còn Đôrôtê thì càng ra sức bảo tôi rằng nàng đã đi Lalôrô vì bận công việc Ai Cập.
Đã có kinh nghiệm nên nghĩ thế nào về tình hình đó, tôi bèn đi tìm Carmen ở khắp những nơi tôi cho là nàng có thể đến, và mỗi ngày có tới hai mươi lần tôi đến phố Canđilơgiô. Tôi đã gần cảm hóa được Đôrôtê bằng cách thỉnh thoảng cho mụ tiền mua một cốc rượu hồi. Một buổi tối, tôi đang ở nhà mụ chợt thấy Carmen bước vào với một chàng trẻ tuổi, trung úy trong trung đoàn của tôi.
- Anh cút đi mau lên, - Carmen bảo tôi bằng tiếng Baxcơ.
Tôi đứng sững sờ, tức giận như điên.
- Chú đến đây làm gì? - Viên trung úy bảo tôi. - Bước ngay!
Tôi không thể lê đi được một bước. Tôi như người bị bại liệt. Viên sĩ quan tức giận thấy tôi không chịu bỏ đi mà còn không cất mũ chào, gã liền nắm lấy cổ áo tôi, lắc thật mạnh. Không biết tôi đã nói gì với gã, gã liền rút gươm và tôi cũng tuốt kiếm. Mụ già nắm lấy cánh tay tôi, thế là viên trung úy đâm vào trán tôi một nhát đến bây giờ vẫn còn sẹo. Tôi lùi lại, lấy khuỷu tay huých một cái làm Đôrôtê ngã lăn ra; rồi, vì viên trung úy đuổi theo tôi, tôi đưa mũi kiếm vào người gã và gã lao ngập mình vào thanh kiếm của tôi. Thế là Carmen vội tắt đèn, bảo Đôrôtê trốn đi bằng tiếng Bô-hê-miêng. Còn tôi thì cũng trốn ra phố, chạy bạt mạng.
Tôi thấy hình như có người chạy theo tôi. Khi hoàn hồn, tôi thấy Carmen đã không rời bỏ tôi.
- Này con ca-na-ri đại ngu ngốc! - Nàng nói với tôi. - Anh chỉ biết làm những việc ngu độn. Vả lại, tôi vẫn nói với anh là tôi sẽ đem tai họa lại cho anh. Thôi được! Bệnh nào có thuốc nấy, khi người ta có bạn thân là một chị Bô-hê-miêng. Trước hết anh hãy lấy khăn tay này phủ lên đầu và vứt cái thắt lưng lính đi cho tôi. Anh chờ tôi ở lối này. Hai phút nữa, tôi sẽ trở lại.
Nàng biến mất và chẳng bao lâu nàng đem đến cho tôi một chiếc áo khoác ròng rọc chẳng biết nàng đào ở đâu ra. Nàng bảo tôi cởi bỏ quân phục, và quàng cái áo khoác ra ngoài sơ mi. Ăn vận như thế, lại thêm chiếc khăn tay của nàng dùng để băng vết thương trên đầu, tôi lúc đó trông khá giống một anh nông dân vùng Valăngxơ, thường thấy bán nước giải khát su-pha [một thứ rễ cây giống củ đậu] ở Xêvilơ. Đoạn, nàng dẫn tôi đến một căn nhà giống nhà Đôrôtê, ở trong cùng một ngõ con. Nàng và một người phụ nữ Bô-hê-miêng khác rửa và băng vết thương cho tôi, khéo hơn cả một y sĩ giải phẫu, cho tôi uống không biết cái gì; sau cùng đặt tôi nằm lên đệm và tôi ngủ thiếp đi.
Chắc những người đàn bà ấy đã pha vào nước uống của tôi một thứ thuốc ngủ bí truyền gì nên sáng hôm sau tôi dậy rất muộn. Tôi thấy nhức đầu dữ dội và hơi sốt. Phải mất một lúc tôi mới nhớ lại được cảnh tượng kinh khủng có tôi đóng một vai hôm trước. Sau khi băng vết thương cho tôi, Carmen cùng người bạn gái ngồi xổm gần tấm đệm của tôi, nói với nhau mấy câu bằng thứ tiếng si-pơ ca-li [tiếng Bô-hê-miêng] có vẻ như đang trao đổi ý kiến về bệnh tình của tôi. Rồi cả hai đều nói chắc chắn với tôi rằng chẳng bao lâu tôi sẽ lành, nhưng phải mau mau rời khỏi Xêvilơ, vì nếu tôi bị tóm, nhất định tôi sẽ bị bắn không có cách nào thoát khỏi.
- Này anh, - Carmen bảo tôi, - anh cũng cần phải làm cái gì chứ! Bây giờ nhà vua không nuôi anh nữa, vậy anh phải nghĩ đến việc sinh sống! Anh thộn quá không đi ăn trộm được đâu. Nhưng anh nhanh nhẹn và có sức khỏe, anh mà dũng cảm thì nên ra bờ biển làm nghề buôn lậu. Tôi chả hứa với anh là sẽ làm cho anh phải treo cổ là gì? Thế còn hơn là bị bắn. Vả lại, nếu biết cách làm ăn, anh sẽ sống như ông hoàng, cho đến khi nào bị bọn dân vệ và gác biển tóm được.
Chính bằng những lời bùi tai như thế mà người con gái yêu quái ấy đã chỉ cho tôi con đường sự nghiệp mới mà nàng định đưa tôi vào, thực ra đó cũng là con đường duy nhất còn lại cho tôi vì bây giờ tôi có cơ bị kết án tử hình. Tôi nghĩ chẳng cần nói ông cũng đoán được rằng nàng làm cho tôi quyết tâm chẳng khó khăn gì mấy. Tôi cảm thấy cuộc đời phiêu lưu phiến loạn đó sẽ làm cho tôi được hòa mình vào với nàng chặt chẽ hơn. Tôi tưởng rằng từ nay tôi nắm chắc được tình yêu của nàng. Tôi vẫn thường nghe chuyện mấy tay buôn lậu bôn ba khắp xứ Angđaludi, ngồi trên lưng một con ngựa tốt, súng nắm trong tay, bạn tình sau yên ngựa. Tôi đã hình dung thấy mình vượt núi trèo đèo trên mình ngựa cùng nàng Bô-hê-miêng đáng yêu sau lưng… Khi tôi nói với nàng như thế, nàng ôm bụng cười và bảo rằng không có gì thú bằng những đêm cắm trại giữa trời, lúc mỗi anh rôm cùng rô-mi của mình lui về trong chiếc lều xinh xắn của mình ghép bằng ba cái vòng có chăn trùm lên trên.
Tôi nói với Carmen:
- Nếu anh mang em vào núi, anh có thể yên tâm về em! Ở đó chẳng có tên trung úy nào chia sẻ với anh được.
- Chà! Anh hay ghen quá, - nàng đáp. - Mặc kệ anh. Sao anh lại ngốc thế nhỉ? Anh không thấy là em yêu anh ư, vì có bao giờ em đòi tiền anh đâu?
Lúc nàng nói thế, tôi chỉ muốn bóp cổ nàng cho chết.
Thưa ông, Carmen muốn cho tiện nên đã kiếm cho tôi một bộ quần áo thị dân phong lưu, với bộ quần áo đó tôi ra khỏi Xêvilơ mà không bị ai nhận ra cả. Tôi đi Giêrê, mang theo một bức thư của Paxtia gửi cho một tay bán rượu hồi. Nhà tay này là nơi tụ họp của bọn buôn lậu. Tôi được giới thiệu với bọn ấy và được tên thủ lĩnh biệt hiệu là Lơ Đăngkaia cho nhập bọn. Chúng tôi cùng đi Gôxanh. Đến đó tôi lại gặp Carmen, nàng đã hẹn tôi ở đó. Trong những chuyến làm ăn, nàng làm do thám cho chúng tôi, và thật không ai có thể tài hơn nàng. Nàng vừa từ Gibranta về và nàng đã thu xếp được với một thuyền trưởng về việc chở một số hàng Anh mà chúng tôi sẽ nhận được tại bờ biển. Chúng tôi bèn đến gần Extêpôna chờ nhận hàng, rồi chúng tôi giấu một phần hàng vào trong núi; số còn lại chúng tôi chở đi Rôngđa. Carmen đã đến đấy trước chúng tôi. Rồi cũng lại chính nàng chỉ cho chúng tôi nên vào thành phố lúc nào. Chuyến làm ăn thứ nhất ấy và mấy chuyến sau đều trót lọt. Tôi thấy cuộc đời buôn lậu lại thú vị hơn cuộc đời quân nhân. Tôi tặng nhiều quà cho Carmen. Tôi vừa có tiền, vừa có người yêu. Tôi chẳng thấy hối hận gì, đúng như người Bô-hê-miêng thường nói: “Đang vui thì ghẻ cũng  mất ngứa”. Đến đâu tôi cũng được đón tiếp tử tế. Đồng bọn đối với tôi tốt lắm, và còn tỏ ra kính nể tôi nữa. Là vì tôi đã có lần giết người, mà trong bọn còn có những người chưa ghi được thành tích như thế vào lương tâm. Nhưng trong cuộc đời mới, điều làm tôi xúc động nhất là tôi được gặp Carmen luôn luôn. Chưa bao giờ nàng tỏ ra âu yếm tôi đến thế; tuy nhiên, trước mặt đồng bọn, nàng không muốn nhận là người yêu của tôi; hơn nữa, nàng còn bắt tôi thề thật độc rằng tôi sẽ không hé môi kể với đồng bọn bất cứ điều gì về nàng cả. Trước con người ấy, tôi yếu đuối đến nỗi nàng đòi hỏi nhõng nhẽo điều đó tôi cũng tuân theo. Vả lại, đây là lần đầu tôi thấy nàng có cái vẻ dè dặt của người phụ nữ đứng đắn, còn tôi thì quá khờ khạo tưởng rằng nàng đã thực sự thay đổi tính rồi.
Bọn chúng tôi gồm độ chín mười người, thường chỉ tụ họp vào những lúc quyết định còn trong lúc bình thường thì phân ra thành từng nhóm hai, ba người một vào ngụ ở các thành phố, làng mạc. Mỗi người giả vờ làm một nghề: người giả làm thợ hàn nồi, người giả làm lái ngựa; còn tôi thì giả bán hàng xén, nhưng không ló mặt ra những nơi đông đúc vì cái vụ Xêvilơ trước kia. Một hôm, hay nói cho đúng hơn một đêm, chúng tôi hẹn gặp nhau ở mé dưới Vêgiê. Lơ Đăngkaia và tôi đến đấy trước các bạn khác. Gã có dáng rất vui.
-  Chúng ta sắp có thêm một bạn nữa, - gã nói với tôi. - Carmen vừa chơi được một trò khá nhất của ả. Ả vừa mới làm cho rôm của ả thoát khỏi nhà lao Toripha.
Tôi đã bắt đầu hiểu tiếng Bô-hê-miêng mà hầu hết các bạn tôi thường dùng, nên, tiếng rôm đó làm tôi hết sức choáng váng.
- Thế nào? Chồng cô ta ư? Thế ra cô ta đã có chồng à? - Tôi hỏi tên thủ lĩnh.
- Phải, - gã trả lời, - Carmen  lấy Garxia Chột, một cậu Bô-hê-miêng cũng tinh ranh chẳng thua gì ả. Thằng tội nghiệp ấy bị vào tù. Carmen đã khéo phỉnh thằng cha y sĩ nhà lao đến mức rôm của ả được thoát thân. Chà! Con bé ấy thật đáng giá nghìn vàng! Nó tìm cách cho rôm vượt ngục đã từ hai năm rồi đấy, nhưng chả có cách nào mãi cho đến khi người ta đổi viên y sĩ. Với anh y sĩ mới hình như ả đã tìm ngay được cách thông đồng.
Ông tưởng tượng cũng biết tôi nghe tin đó thì trong lòng vui buồn ra sao. Chẳng bao lâu tôi thấy tên Garxia Chột; hắn thật là con quái vật xấu xa nhất mà xứ Bôhêmơ đã sản sinh ra: da đen mà tâm hồn lại còn đen hơn, nó là thằng đểu cáng hoàn chỉnh nhất mà tôi gặp trong đời tôi. Carmen cùng đến với hắn. Phải trông thấy con mắt của nàng liếc tôi khi nàng gọi hắn là rôm trước mặt tôi, và cái mặt  nàng nhăn nhó khi Garxia quay đầu đi chỗ khác mới biết nó như thế nào. Tôi uất ức, và suốt tối ấy tôi không nói với nàng một câu.
Sáng dậy, chúng tôi đã sửa soạn hành lý và lên đường, thì chúng tôi thoáng thấy hơn chục lính kỵ mã đang sục tìm chúng tôi. Bọn Angđaludi khoác lác, thường ngày luôn mồm nói giết tất, bây giờ mặt mũi lập tức trở nên thiểu não. Chúng co cẳng chạy tán loạn hết cả. Lơ Đăngkaia, Garxia, một anh chàng xinh trai người Exiđa tên gọi là Rêmenđađô và Carmen vẫn giữ được bình tĩnh. Còn những thằng khác đã bỏ cả la và nhảy xuống khe núi là nơi mà ngựa không thể đuổi theo xuống được.
Chúng tôi không thể giữ la của chúng tôi được nữa, và phải vội vàng tháo những thứ hàng quý nhất vác lên vai, đoạn tìm cách băng qua những dốc núi đá cheo leo nhất để thoát thân. Chúng tôi ném ba lô về phía trước mặt, rồi chúng tôi cố hết sức trượt trên gót chân theo những ba lô đó. Trong lúc ấy, bọn địch nhằm chúng tôi mà bắn; đấy là lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng đạn réo, nhưng tôi chẳng sợ gì cả. Đứng trước phụ nữ, thì có coi thường cái chết cũng chẳng giỏi gì.
Chúng tôi thoát thân trừ cậu Rêmenđađô đáng thương bị trúng đạn vào hông. Tôi ném bọc đồ của tôi xuống và định cõng xác cậu ta.
- Đồ ngu! - Garxia hét lên với tôi. - Cái xác chết ấy thì còn dùng làm gì được nữa. Kết liễu hắn đi, và đừng để mất những đôi bít tất bông.
- Quẳng hắn xuống đi! - Carmen hét bảo tôi.
Tôi mệt quá, đành đặt Rêmenđađô xuống một lát, khuất sau một tảng đá. Garxia tiến đến và nhả đạn vào đầu cậu ta.
- Bây giờ thì đến thánh cũng chẳng nhận ra được mặt hắn, - Garxia vừa nói vừa nhìn vào mặt Rêmenđađô vừa bị mười hai phát đạn làm cho nát bét.
Thưa ông, cuộc đời đẹp đẽ mà tôi đã sống là như vậy. Tối đến, chúng tôi tập hợp trong một khu bụi rậm, người mệt nhoài vì không có miếng gì cho vào miệng, lại thêm bị phá sản vì mất hết la. Tên quỷ sứ Garxia làm gì? Hắn rút trong túi ra một cỗ bài rồi đánh bài với Lơ Đăngkaia, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn lửa mà chúng tôi vừa nhóm lên. Trong lúc ấy tôi nằm dài ngắm sao, nghĩ đến Rêmenđađô, thầm ước được ở vào địa vị cậu ta. Carmen ngồi xổm bên tôi, thỉnh thoảng nàng vừa gõ cát-xta-nhét vừa hát se sẽ. Rồi nàng đến sát bên tôi như để nói thầm với tôi, hôn tôi hai ba lần mặc dầu tôi gần như không đồng ý.
- Em là quỷ, - tôi bảo nàng.
- Đúng thế, - nàng đáp.
Nghỉ ngơi được vài giờ, nàng đi Gôxanh và sớm hôm sau một chú bé chăn dê mang bánh mì đến cho chúng tôi. Chúng tôi ở lại suốt ngày hôm ấy và đến đêm chúng tôi đến gần Gôxanh để chờ tin của Carmen. Biệt vô âm tín. Đến sáng, chúng tôi thấy một người cho thuê la dẫn một bà ăn mặc lịch sự che dù, đi cùng một em bé trông có vẻ là đầy tớ của bà ta.
Garxia nói với chúng tôi:
- Kìa hai con la và hai phụ nữ mà thánh Nicôla [ông thánh mà bọn trộm cướp coi như thánh hộ mệnh của mình] đưa đến cho chúng ta. Giá là bốn con la thì càng thích biết mấy. Nhưng thôi cũng được, tớ sẽ xơi bọn này để dùng có việc.
Hắn vớ cây súng ét-panh-gôn và lần xuống con đường hẻm, vừa đi vừa nấp vào bụi rậm. Lơ Đăngkaia và tôi xuống theo, cách xa hắn một chút. Khi đến vừa tầm, chúng tôi mới ló mặt ra và thét bảo người dắt la đứng lại. Trông thấy chúng tôi, người đàn bà đáng lẽ hoảng sợ - riêng cách ăn mặc của chúng tôi lẽ ra cũng đủ làm cho người đó phải kinh hoảng - thì lại cười phá lên.
- Chà! Bọn li-li-păng-đi [ngốc] này lại tưởng là một ê-ra-mi [phụ nữ lịch sự] kia chứ!
Đó là Carmen, nhưng nàng đã cải trang khéo đến nỗi tôi sẽ không nhận ra được, nếu nàng nói bằng một thứ tiếng khác. Nàng nhảy từ trên mình la xuống đất, thầm thì một lúc với Lơ Đăngkaia và Garxia, đoạn nàng bảo tôi:
- Này con ca-na-ri! Chúng ta sẽ còn gặp nhau trước khi anh bị treo cổ. Tôi đi Gibranta đây để giải quyết công việc Ai Cập. Chẳng bao lâu nữa anh sẽ được tin tôi.
Chúng tôi từ biệt nhau, sau khi nàng chỉ cho chúng tôi một nơi có thể nương náu được trong mấy hôm. Người con gái này thực là phúc thần cho cả bọn. Chẳng bao lâu chúng tôi nhận được ít tiền của nàng gửi cho và một tin còn quý giá hơn: đến một hôm nào đó, sẽ có hai nhà đại quý tộc Anh đi từ Gibranta đến Grơnađơ theo một con đường nào đó. Nói thế là đủ hiểu ngầm với nhau rồi! Hai người này có nhiều đồng ghi-nê, vừa đẹp vừa tốt. Garxia muốn giết phăng cả hai, nhưng Lơ Đăngkaia và tôi phản đối. Chúng tôi chỉ cướp tiền, đồng hồ, ngoài áo sơ-mi là cái mà chúng tôi đang rất cần.
Thưa ông, người ta trở thành lưu manh lúc nào không biết. Một cô gái xinh đẹp làm cho đầu óc người ta quay cuồng, người ta đánh nhau vì cô gái đó, một tai họa xảy tới, thế là phải sống trong núi, rồi từ buôn lậu chưa kịp suy nghĩ người ta đã thành trộm cướp rồi. Chúng tôi thấy không nên lởn vởn ở vùng Gibranta sau vụ cướp mấy nhà quý tộc Anh, cho nên chúng tôi lẩn sâu vào trong rặng núi Rôngđa.
Ông đã nói chuyện về Giôdê Maria với tôi. Ấy, chính tôi quen Giôdê ở đấy. Hắn ta đem người yêu đi theo trong các chuyến làm ăn. Cô ta là một cô gái xinh đẹp, khiêm tốn, đoan trang, chẳng bao giờ thốt ra một lời nói không đứng đắn, và vô cùng tận tâm… Ngược lại, hắn làm cho cô ta rất khổ, thấy cô nào hắn cũng chạy theo, hắn bạc đãi người yêu và có khi lại còn ghen tuông nữa. Có lần hắn đâm cô ta một nhát dao, thế mà cô ta lại càng yêu hắn thêm. Phụ nữ là như thế đấy, nhất là phụ nữ xứ Angđaludi. Cô ta lấy làm tự hào về vết sẹo ở cánh tay và thường đem ra khoe y như là vật báu nhất đời. Ngoài ra, Giôdê Maria còn  là thằng bạn xấu nhất. Trong một chuyến làm ăn chung với chúng tôi, hắn xoay xở thế nào thành ra bao nhiêu lợi lộc về phần hắn cả, còn toàn những sự đánh đấm, rắc rối về phần chúng tôi. Nhưng thôi, tôi xin kể tiếp câu chuyện của tôi:
Chúng tôi biệt vô âm tín về Carmen. Lơ Đăngkaia nói:
- Thế nào một người trong bọn chúng ta cũng phải đi Gibranta để nghe ngóng tin tức Carmen. Chắc Carmen đang sửa soạn một việc gì đó. Tớ muốn đi quá, nhưng phải cái tớ đã nhẵn mặt ở Gibranta rồi.
Tên chột lên tiếng:
- Tớ cũng thế, ở đấy người ta nhẵn mặt tớ, vì tớ đã từng chơi cho bọn tôm hùm nhiều vố buồn cười và tớ chỉ có mỗi một mắt nên khó cải trang lắm. [Người Tây Ban Nha hồi đó hay gọi người Anh là tôm hùm, vì màu binh phục Anh giống màu vỏ con tôm hùm (chú thích của tác giả)].
- Thế chắc tớ phải đi? - Đến lượt tôi nói thế, và chỉ nghĩ đến việc được gặp lại Carmen là lòng tôi mừng khấp khởi. - Nào, phải làm thế nào bây giờ?
Những tên kia bảo tôi:
- Cậu phải làm sao để có thể đáp tàu biển hay đi đường bộ vượt qua Xanh-rốc, cái đó tùy cậu. Và khi đến Gibranta, cậu phải ra bến tàu hỏi xem mụ bán sô-cô-la tên là Rôlôna ở đâu. Khi tìm được mụ đó, mụ sẽ cho cậu biết tình hình ở đấy ra sao.
Chúng tôi hẹn với nhau là cả ba chúng tôi sẽ đi đến rặng núi Gôxanh, đến đó tôi sẽ để hai thằng bạn ở lại còn tôi thì cải trang làm người buôn hoa quả để đi đến Gibranta. Đến Rôngđa, tôi được một người trong bọn tôi xoay cho cái giấy thông hành; đến Gôxanh tôi được một con lừa: tôi chất cam lên lưng lừa và tôi lên đường. Đến Gibranta, tôi thấy ngay là ở đấy có nhiều người biết mụ Rôlôna, nhưng mụ ta đã chết hoặc phiêu bạt đi đâu rồi. Theo ý tôi, sự mất tích của mụ cắt  nghĩa vì sao chúng tôi mất phương tiện liên lạc với Carmen. Tôi đem lừa gửi vào một cái chuồng, rồi tôi giả mang cam đi bán khắp các phố, thực ra là để dò la xem có mặt nào quen chăng.
Ở Gibranta có rất nhiều lưu manh thuộc đủ mọi nước trên thế giới: thật đúng là một cái tháp Baben [nơi hỗn độn có nhiều người nói tiếng khác nhau không hiểu nhau] vì không thể đi mười bước ngoài phố mà không nghe thấy bấy nhiêu thứ tiếng. Tôi thấy nhiều người Ai Cập, nhưng tôi không dám tin vào họ. Tôi dò họ và họ cũng dò tôi. Hai bên đều đoán biết rằng cùng là bọn vô lại cả; điều quan trọng là cần xem có cùng cánh không. Sau hai ngày toàn chạy lăng nhăng vô ích, tôi vẫn chưa được tin gì về mụ Rôlôna hoặc về Carmen. Tôi đã định quay về chỗ tụi bạn sau khi mua sắm ít đồ thì trong khi đang đi trong một phố vào lúc chập tối, tôi nghe có tiếng phụ nữ gọi tôi từ trên một cửa sổ: “Này anh bán cam!”. Tôi ngẩng đầu lên và thấy Carmen đang tỳ tay vào một ban công, bên một sĩ quan mặc binh phục đỏ ngù vai vàng, tóc uốn, trông rất ra dáng một nhà đại quý tộc Anh. Còn Carmen thì diện rất sang: khăn quàng vai, lược vàng, áo quần toàn bằng lụa; và con bé khá thật, lúc nào cũng vẫn thế! Cứ cười như nắc nẻ. Thằng cha người Anh bập bẹ mấy tiếng Tây Ban Nha, gọi tôi lên để bà lớn mua cam; Carmen thì nói với tôi bằng tiếng Baxcơ:
- Anh lên đây, đừng lấy làm lạ gì cả!
Thực ra, tôi không còn phải lạ gì về Carmen nữa. Tôi cũng không biết trong lòng mình vui hơn hay buồn hơn khi gặp lại nàng. Ở cửa ra vào có một tên đầy tớ cao lớn người Anh tóc rắc phấn. Hắn dẫn tôi vào một phòng khách tráng lệ.
Carmen nói ngay với tôi bằng tiếng Baxcơ:
- Anh không biết một tiếng Tây Ban Nha nào, và không quen em đấy.
Đoạn nàng quay về phía người Anh:
- Có phải em đã bảo với anh rồi không, em nhận ra ngay gã ta là người Baxcơ, anh sắp được nghe cái thứ tiếng buồn cười ấy. Gã ta trông thộn lắm, phải không anh? Thật y như mèo bị tóm trong chạn.
- Còn cô nữa, - tôi nói với Carmen bằng tiếng xứ tôi, - cô thì trông như một con đĩ trơ tráo, tôi chỉ muốn rạch mặt cô ra trước mặt thằng tình nhân của cô thôi.
-       Tình nhân của tôi! - Nàng nói. - Này anh tự đoán thế đấy chứ? Và anh ghen với cái thằng ngu độn này à? Anh còn ngốc nghếch hơn cả trước những đêm chúng ta đến phố Canđilơgiô kia đấy. Ngốc ơi là ngốc, anh không thấy rằng hiện giờ tôi đang tiến hành công việc Ai Cập à, và một cách xuất sắc nhất sao? Nhà này hiện nay là của tôi, những đồng ghi-nê của thằng tôm hùm này sẽ là của tôi; tôi xỏ mũi hắn lôi đi; tôi sẽ dẫn hắn tới một chỗ có đi mà không có về.
- Còn tôi thì tôi bảo thật cho cô biết rằng nếu cô còn tiến hành công việc Ai Cập theo cái kiểu ấy, tôi sẽ làm cho cô đến phải thôi.
- Úi dà! Gớm nhỉ! Anh có phải là rôm của tôi đâu mà điều khiển được tôi. Tên Chột thích như thế, anh có quyền gì mà can thiệp vào? Anh là người duy nhất có thể tự xưng là min-sô-rô [người tình] của tôi mà còn chưa vừa ý hay sao?
- Hắn nói gì thế? - Người Anh hỏi.
- Hắn nói là hắn khát nước, giá được uống một hớp thì thích lắm, - Carmen đáp. Rồi nàng nằm lăn xuống đi-văng, cười rũ ra về câu mình dịch.
Thưa ông, khi người con gái ấy cười lên, thì không còn cách nào nói phải trái với ả được nữa! Thế là mọi người cười theo. Cả thằng cha cao lớn người Anh cũng cười, cười đúng như một thằng ngốc; rồi hắn sai người mang nước đến cho tôi.
Trong lúc tôi uống, Carmen nói:
- Anh có trông thấy chiếc nhẫn hắn đeo ở ngón tay không? Nếu anh thích, em sẽ cho anh!
Nhưng tôi đáp:
- Tôi sẵn sàng cho một ngón tay nếu có thể kéo được tên quý tộc của cô vào rừng, mỗi người cầm một ma-ki-la[cây gậy bịt sắt nhọn] trong tay.
- Ma-ki-la nghĩa là cái gì thế? - Người Anh hỏi.
- Ma-ki-la là quả cam, - Carmen vẫn cười mà trả lời. - Quả cam mà gọi như thế có buồn cười không anh? Gã nói gã muốn mời anh xơi ma-ki-la đấy.
- Thế à? - Người Anh nói. - Vậy thì mai lại đem ma-ki-la đến nhé.
Trong lúc chúng tôi nói chuyện, người đầy tớ bước vào thưa rằng bữa ăn đã dọn xong. Thằng cha người Anh bèn đứng dậy, cho tôi một đồng bạc, rồi đưa tay cho Carmen vịn làm như cô ả không thể tự mình bước đi được. Carmen vẫn cười và nói với tôi:
- Anh yêu ơi, em không thể mời anh cùng ăn được. Nhưng đến mai, khi nào anh nghe thấy tiếng trống diễu binh thì anh mang cam đến đây ngay nhé. Anh sẽ thấy một căn phòng bày biện sang trọng hơn ở phố Canđilơgiô, và anh sẽ biết có phải em vẫn là Carmenxita của anh không? Và lúc ấy chúng ta sẽ bàn công việc Ai Cập.
Tôi không trả lời một tiếng, và lúc tôi đã xuống đến đường phố, thằng cha người Anh còn kêu to bảo tôi:
- Này, mai mang ma-ki-la đến nhé!
Tôi cũng nghe thấy cả những nhip cười ròn rã của Carmen.
Tôi ra về không biết sẽ làm thế nào. Tôi không ngủ được và đến sáng tôi tức giận con người phụ bạc đó đến nỗi tôi đã quyết định rời Gibranta không thèm gặp lại nữa. Nhưng khi hồi trống thứ nhất vừa vang lên, tất cả dũng khí của tôi vụt tiêu tan. Tôi vớ bị cam và chạy đến nhà Carmen.
Bức rèm ở nhà nàng lúc đó mở hé và tôi nhìn thấy con mắt đen to của nàng đang ngóng tôi. Tên đầy tớ tóc rắc phấn dẫn tôi vào ngay tức khắc. Carmen sai hắn đi có việc, rồi khi chỉ còn hai chúng tôi, nàng liền cất tiếng cười ha hả rồi ôm choàng lấy cổ tôi. Chưa bao giờ tôi thấy nàng đẹp đến thế! Lộng lẫy như một bà chúa, thơm nức; lại còn những đồ trang trí trong nhà bằng lụa là, những rèm cửa thêu… Chà! Còn tôi thì người ngợm đúng là một thằng ăn cướp.
- Min-sô-rô ơi! - Carmen bảo tôi, - em muốn đập phá tất tật ở đây, châm lửa đốt nhà đi rồi trốn vào núi.
Rồi thì… bao nhiêu âu yếm! … rồi những tiếng cười! … nàng còn múa và xé rách cả diềm áo. Không có con khỉ nào lại nhảy nhót, nhăn nhở và làm những trò quỷ quái hơn. Khi nàng đã nghiêm chỉnh lại, nàng nói:
- Anh nghe kỹ đây! Đây là công việc Ai Cập! Em định bảo hắn đưa em đến Rôngđa để thăm người chị đi tu… (Đến đây nàng lại phá lên cười). Em và hắn sẽ đi qua một nơi mà em sẽ cho người báo cho các anh biết. Các anh sẽ chụp lấy hắn, lao hẳn vào người hắn nhé! Tốt hơn hết là giết phăng hắn đi, nhưng, - nàng nói tiếp với một nụ cười yêu quái đôi lúc xuất hiện trên môi nàng, một nụ cười thật không ai muốn bắt chước. - anh có biết anh sẽ phải làm gì không? Phải làm sao cho tên Chột xông ra đầu tiên. Anh nên đứng lùi sau hắn một chút. Thằng Tôm hùm can đảm, khéo léo và có súng tốt đấy… anh hiểu chưa?
Nàng ngừng lại, cười vang một lần nữa khiến tôi phải rùng mình.
- Không! - Tôi bảo nàng, - anh ghét Garxia nhưng hắn là bạn anh! Một ngày kia, có lẽ anh phải giải thoát cho em khỏi tay nó, nhưng sẽ thanh toán với nó theo kiểu xứ anh. Chỉ tình cờ anh thành người Ai Cập thôi, còn về một số điểm bao giờ anh cũng sẽ là một người Navarơ chính cống, như câu phương ngôn đã nói.
Nàng nói tiếp:
- Anh thật là một con vật ngu ngốc lạ, đúng là một pay-ô. Anh chẳng khác nào một thằng lùn, mới nhổ được xa đã tưởng mình cao lớn lắm [phương ngôn Bô-hê-miêng: kỳ tích của anh lùn là nhổ được xa (chú thích của tác giả)]. Anh không yêu em rồi, anh cút đi.
Khi nàng bảo tôi “cút đi” tôi không sao đi được. Tôi bèn hứa là sẽ lên đường, trở về với đồng bọn và chờ thằng cha người Anh kia. Về phần nàng, nàng hứa sẽ giả vờ ốm cho đến lúc rời Gibranta đi Rôngđa.
Tôi ở lại Gibranta hai hôm nữa. Nàng đã táo bạo cải trang đến thăm tôi tại quán trọ. Tôi lên đường. Về phần tôi cũng có kế hoạch của tôi. Tôi trở về chỗ hẹn, sau khi biết rõ giờ giấc và địa điểm mà Carmen và người Anh kia sẽ đi qua. Tôi thấy Garxia và Lơ Đăngkaia đang chờ tôi ở đó. Chúng tôi ngủ đêm trong rừng, cạnh một đống lửa nhóm bằng quả thông cháy sáng rực. Tôi rủ Garxia chơi bài. Hắn nhận lời. Đến ván thứ hai, tôi bảo hắn chơi gian; hắn cười. Tôi bèn ném bài vào mặt hắn. Hắn vớ lấy cây súng ét-panh-gôn của hắn. Tôi dẫm chân lên trên và bảo hắn:
- Người ta nói rằng mày chơi dao găm cừ bằng những tay anh chị nhất ở Malaga, vậy mày có dám thử sức với tao không?
Lơ Đăngkaia định can chúng tôi. Nhưng tôi đã cho Garxia mấy quả tống. Tức giận làm cho hắn thành can đảm, hắn rút dao găm ra và tôi cũng tuốt dao. Tôi và hắn đều bảo Lơ Đăngkaia xê ra cho khỏi vướng, để chúng tôi chơi nhau được ngay thẳng. Lơ Đăngkaia thấy rõ không thể nào ngăn nổi, đành đứng ra xa. Garxia gập đôi người lại như mèo sắp vồ chuột. Hắn cầm mũ trong tay trái để che đỡ, còn dao găm thì chĩa ra phía trước. Đấy là thế thủ của người Angđaludi. Còn tôi thì thủ thế theo kiểu Navarơ, đứng thẳng trước mặt hắn, tay trái giơ lên, chân phải đưa ra phía trước, con dao găm để dọc theo đùi phải. Tôi cảm thấy mình dũng mãnh như thần. Hắn lao vào người tôi nhanh như mũi tên; tôi xoay mình trên chân trái, nên hắn đâm trượt. Nhưng tôi đã đâm trúng cổ họng hắn, con dao găm xuyên sâu đến nỗi bàn tay tôi nằm dưới cằm hắn. Tôi xoay mạnh lưỡi dao đến nỗi nó gãy. Thế là xong. Một dòng máu to như cánh tay vọt ra làm bật lưỡi dao ra ngoài vết thương. Hắn ngã sấp xuống, thẳng đơ như cây gỗ đổ.
- Cậu làm gì thế? - Lơ Đăngkaia hỏi tôi.
- Để tớ nói cho mà nghe, - tôi bảo gã. - Tớ với nó không thể đội trời chung được. Tớ yêu Carmen và tớ muốn chỉ có một mình tớ thôi. Vả lại Garxia là một thằng đểu giả, tớ còn nhớ cách hắn đối xử với cậu Rêmenđađô tội nghiệp kia. Bây giờ chúng ta chỉ còn hai đứa, nhưng chúng ta đều là những con người tốt. Nào, cậu có muốn tớ với cậu là bạn sinh tử với nhau không?
Lơ Đăngkaia chìa tay cho tôi bắt. Gã là một người đã năm mươi tuổi rồi.
- Trời đất ơi! Những chuyện tình ái lăng nhăng! - Hắn thốt lên. - Nếu cậu bảo hắn nhường Carmen cho cậu, hắn có thể bán lại một đồng bạc thôi. Bây giờ chúng ta chỉ còn hai đứa, thì ngày mai làm thế nào?
- Cứ để tớ làm một mình cho, - tôi đáp. - Bây giờ tớ bất chấp cả thiên hạ.
Chúng tôi chôn Garxia và cắm trại cách đó hai trăm bước. Hôm sau Carmen và thằng cha người Anh của nàng đi qua với hai người chăn la và một đầy tớ. Tôi bảo Lơ Đăngkaia:
- Để tớ đảm nhiệm thằng người Anh này. Còn cậu thì hãy dọa bọn kia, chúng không có vũ khí đâu.
Thằng cha người Anh quả là can đảm. Nếu Carmen không đẩy tay hắn, chắc hắn đã giết được tôi rồi. Tóm lại, ngày hôm ấy, tôi chiếm lại được Carmen, và câu đầu tiên của tôi là để báo cho nàng biết rằng nàng đã góa chồng. Sau khi biết việc ấy đã xảy ra thế nào, nàng bảo tôi:
- Anh thì còn suốt đời là một li-li-păng-đi! Lẽ ra Garxia giết được anh rồi. Cái miếng thế thủ kiểu Navarơ của anh chỉ là một trò khỉ, hắn đã từng hạ thủ nhiều tay cừ bằng mấy anh kia! Chẳng qua là hắn đến ngày tận số. Rồi sẽ có ngày đến lượt anh.
- Cả lượt em nữa, - tôi đáp lại Carmen, - nếu em đối xử với anh không thực là một rô-mi.
- May quá! - Nàng nói. - Đã nhiều lần em xem bói bằng bã cà phê, em biết thừa rằng rồi đây chúng ta sẽ phải cùng chết với nhau. Chà! Việc gì phải đến cứ đến!
Rồi nàng gõ cát-xta-nhét. Hễ bao giờ nàng muốn xua đuổi một ý nghĩ khó chịu là nàng lại làm như thế.
Người ta thường quên mình khi nói về mình. Tất cả những chi tiết ấy chắc làm ông chán lắm, nhưng thôi tôi kể sắp xong rồi. Chúng tôi sống như thế trong một thời gian khá lâu. Lơ Đăngkaia và tôi kết bọn với mấy thằng bạn mới đáng tin cậy hơn những thằng trước kia. Chúng tôi làm nghề buôn lậu, và xin thú thật rằng chúng tôi đôi lúc phải cướp đường, nhưng chỉ khi nào đến bước đường cùng, không còn cách nào khác. Vả lại chúng tôi không đối xử tàn ác với khách đi dường, chúng tôi chỉ lấy tiền bạc của họ thôi.
Trong vài tháng tôi rất hài lòng về Carmen, nàng vẫn giúp ích cho chúng tôi trong những chuyến làm ăn. Nàng báo cho chúng tôi biết những món bở có thể làm được.
Khi thì nàng ở Malaga, khi thì ở Corđu, khi thì ở Grơnađơ, nhưng hễ tôi nhắn một tiếng là nàng bỏ tất cả để đến gặp tôi trong một quán trọ hẻo lánh, hay có khi cả ở nơi cắm trại giữa trời. Chỉ có một lần ở Malaga là nàng làm cho tôi hơi lo ngại. Tôi biết nàng để ý đến một tay lái buôn rất giàu và chắc nàng định diễn lại câu chuyện khôi hài ở Gibranta với tên này. Mặc dầu Lơ Đăngkaia hết lời can ngăn, tôi lên đường đi Malaga giữa ban ngày, tìm Carmen rồi kéo nàng đi ngay tức khắc. Chúng tôi cãi nhau kịch liệt. Nàng bảo tôi:
- Anh có biết từ ngày anh thành rôm thực thụ của tôi, tôi không còn yêu anh bằng khi anh là min-sô-rô không? Tôi không muốn bị giày vò nhất là bị chỉ huy. Điều tôi muốn là được tự do, làm gì tùy thích. Anh hãy coi chừng, đừng đẩy tôi đến chỗ cùng đường. Nếu anh làm tôi phát chán, tôi sẽ tìm được một anh chàng nào tốt nó sẽ chơi cho anh y như anh đã chơi thằng Chột.
Lơ Đăngkaia giảng hòa cho chúng tôi, nhưng chúng tôi đã trót nói với nhau những lời không tài nào quên được. Chúng tôi đối với nhau không còn được như trước nữa. Ít lâu sau, chúng tôi gặp một tai họa. Chúng tôi bị lính đánh úp, Lơ Đăngkaia bị giết cùng hai thằng bạn nữa, ngoài ra có hai thằng bạn khác bị bắt. Riêng tôi bị thương nặng, và nếu không nhờ có con ngựa hay thì tôi đã rơi vào tay bọn lính rồi. Mệt nhoài lại mang một viên đạn trong người, tôi trốn vào rừng với thằng bạn duy nhất còn lại. Lúc xuống ngựa, tôi ngất đi, tưởng rồi đến chết gục trong bờ bụi như một con thỏ rừng trúng đạn. Thằng bạn cõng tôi vào một cái hang quen thuộc, rồi hắn chạy đi tìm Carmen. Lúc đó nàng đang ở Grơnađơ, nàng vội vã đến ngay. Trong nửa tháng trời, nàng không rời nửa bước, không hề chợp mắt, săn sóc tôi khéo léo và ân cần hơn bất cứ người phụ nữ nào săn sóc người đàn ông mà mình yêu thương nhất. Tôi vừa đứng lên được là nàng đưa tôi đến Grơnađơ hết sức bí mật. Ở đâu đâu người phụ nữ Bô-hê-miêng cũng tìm được nơi nương náu chắc chắn. Tôi sống sáu tuần lễ trong một căn nhà cách nhà dinh ông co-rê-gi-đo đang lùng tôi có hai nhà. Nhiều lần, tôi nhòm qua khe cửa thấy ông ta đi qua. Cuối cùng tôi bình phục. Nhưng tôi đã suy nghĩ nhiều trong khi nằm trên giường bệnh, và tôi dự định thay đổi cuộc sống. Tôi đề nghị với Carmen cùng rời bỏ Tây Ban Nha để sang Tân Thế giới [Châu Mỹ], tìm cách sinh sống lương thiện. Carmen chế giễu tôi.
- Chúng ta sinh ra không phải để trồng bắp cải, - nàng nói, - số kiếp chúng ta là sống trên lưng bọn pay-ô. Này, em đã thu xếp một số công việc với Natăng Ben Giôdép ở Gibranta rồi đấy. Hắn có hàng bông vải sợi còn chờ anh để đưa qua thôi. Hắn biết anh còn sống. Hắn trông cậy ở anh đấy. Nếu chúng ta không giữ lời hứa với các bạn cộng tác của chúng ta ở Gibranta thì họ còn coi chúng ta ra cái gì?
Tôi nghe theo lời dụ dỗ đó và lại tiếp tục cái nghề hèn hạ của tôi.
Trong thời gian tôi trốn tránh ở Gibranta, Carmen có đi xem những cuộc đấu bò mộng. Lúc về nhà, nàng nói nhiều đến một tên pi-ca-đo [kỵ sĩ đấu bò mộng bằng dáo] rất giỏi tên là Luyca. Nàng biết tên con ngựa của hắn và cả đến giá mua chiếc áo thêu của hắn. Tôi không chú ý đến việc đó. Bỗng mấy hôm sau Giuyanitô, thằng bạn còn sót lại của tôi, bảo rằng hắn thấy Carmen đi với Luyca đến một nhà hàng ở Zacatanh. Điều này làm tôi bắt đầu thấy lo ngại. Tôi hỏi Carmen đầu đuôi ra sao mà nàng lại quen thằng pi-ca-đo ấy.
Nàng nói: đó là một anh chàng mà chúng ta có thể cần đến. Con sông nào chảy ầm ầm, ắt có nhiều nước hoặc nhiều sỏi. Gã vừa được giải một nghìn hai trăm đồng rê-an trong các cuộc đấu bò mộng. Giữa hai điều sau đây chúng ta nên chọn lấy một: hoặc là chiếm lấy món tiền đó, hoặc là tuyển gã vào trong bọn vì gã cưỡi ngựa giỏi và có can đảm. Hết tay này đến tay khác chết mất rồi, anh cần có người thay thế họ. Anh hãy tuyển gã đi!
- Tiền của hắn cũng như con người của hắn, anh đều không muốn và anh cấm em nói chuyện với hắn đấy.
- Anh coi chừng, - nàng bảo tôi. - Hễ ai mà thách em làm điều gì, là em làm ngay điều đó!
Cũng may, gã pi-ca-đo đó đi Malaga còn tôi thì phải đi sửa soạn đưa chuyến hàng bông vải của thằng cha Do thái. Chuyến làm ăn đó làm cho tôi và cả Carmen khá vất vả, khiến tôi quên bẵng Luyca; có lẽ cả Carmen cũng quên hắn ít ra là trong lúc này. Thưa ông, chính vào dạo ấy tôi được gặp ông, lần đầu tiên ở gần Môngtila, lần sau ở Corđu. Tôi không kể lại câu chuyện gặp ông lần sau, có lẽ ông còn biết rõ hơn tôi. Carmen đã ăn cắp chiếc đồng hồ của ông, Carmen còn định lấy cả tiền của ông nữa, và nhất là chiếc nhẫn ông đang đeo. Theo lời nàng, đó là một chiếc nhẫn thần mà nàng cần phải lấy cho bằng được. Chúng tôi cãi nhau kịch liệt và tôi đánh nàng. Nàng tái mặt đi và khóc. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy nàng khóc, làm cho tôi xúc động ghê gớm. Tôi xin lỗi nàng nhưng nàng buồn dỗi suốt một ngày, và khi tôi lại khởi hành đi Môngtila, nàng không chịu hôn tôi. Tôi rất buồn, nhưng ba hôm sau nàng đến tìm tôi vui như sáo. Thế là quên tất, chúng tôi có vẻ như một cặp tình nhân mới. Lúc chia tay, nàng bảo tôi:
- Ở Corđu có đám hội, em đi xem đây và tiện thể dò la xem ai mang tiền thì em sẽ báo tin cho anh biết.
Tôi đồng ý để nàng đi. Còn lại một mình, tôi nghĩ đến đám hội này và đến sự thay đổi trạng thái của Carmen. Nhất định nàng đã báo thù được tôi rồi, tôi nghĩ thầm, nên nàng mới quay về trước với tôi như thế. Một bác nông dân bảo tôi rằng trong đám hội ở Corđu có đấu bò mộng. Ấy thế là máu tôi sôi lên, tôi như điên như cuồng lên đường và đến ngay trường đấu. Người ta chỉ cho tôi thằng Luyca và trên chiếc ghế dài kê sát hàng rào, tôi nhận thấy có Carmen. Tôi chỉ cần nhìn Carmen một phút là biết chắc việc này ra sao rồi. Đúng như tôi đã dự đoán, ngay từ con bò mộng đầu tiên, Luyca đã giở ngón nịnh gái của hắn ra. Hắn giật chiếc nơ màu gài trên con bò mộng rồi đem tặng Carmen và Carmen lập tức gài nơ đó lên mái tóc. Con vật đã trả thù cho tôi. Luyca bị húc ngã cùng với con ngựa đè lên ngực hắn, còn con bò mộng thì đè lên cả hai. Tôi nhìn vào chỗ ngồi của Carmen thì không thấy nàng ở đó nữa rồi. Lúc đó tôi không sao rời khỏi chỗ ngồi của tôi, và tôi phải chờ cho đến lúc cuộc đua chấm dứt. Tôi bèn về cái nhà mà ông đã tới và tôi nằm không nhúc nhích suốt buổi chiều và một phần đêm hôm ấy. Vào khoảng hai giờ sáng, Carmen về và hơi lấy làm lạ khi thấy tôi.
- Em đi đằng này với anh, - tôi bảo nàng.
- Được rồi, - nàng nói, - nào chúng ta đi.
Tôi dắt ngựa ra, đặt nàng lên mông ngựa rồi chúng tôi đi suốt đêm ấy, chẳng ai nói với ai một lời. Đến sáng, chúng tôi dừng lại ở một quán trọ hẻo lánh, gần một tu viện nhỏ. Đến đấy, tôi nói với Carmen:
- Em hãy lắng tai nghe anh nói. Anh sẽ quên hết mọi chuyện. Anh sẽ không nói em một tí gì cả. Nhưng em phải thề với anh, một điều: là em sẽ theo anh sang châu Mỹ và sống ngoan ngoãn ở đấy.
- Không, - Carmen nói với giọng hờn dỗi, - tôi không muốn sang Mỹ, tôi thấy ở đây rất vừa ý.
- Đó chính là vì em được ở gần thằng Luyca. Nhưng em nên nghĩ kỹ, nếu hắn có khỏi vết thương thì cũng không thể sống đến già đâu. Nhưng xét cho kỹ, anh gây chuyện với hắn làm quái gì? Giết mãi bọn tình nhân của em, anh đã chán rồi; lần này thì anh sẽ giết chính em kia.
Carmen chăm chăm nhìn tôi với khóe mắt man rợ rồi nói:
- Tôi vẫn biết rằng sẽ có lúc anh giết tôi. Lần đầu tiên tôi trông thấy anh, đúng là lúc tôi vừa gặp một thầy tu ở cửa nhà tôi. Và đêm qua lúc rời Corđu, anh không thấy gì ư? Một con thỏ chạy ngang đường, ngay dưới vó ngựa của anh. Đó là tiền định.
- Carmen, - tôi hỏi nàng, - em không yêu anh nữa à?
Nàng không đáp. Lúc đó nàng đang ngồi xếp bằng tròn trên chiếu lấy ngón tay vạch vạch trên mặt đất.
- Chúng ta hãy thay đổi lối sống đi, Carmen ạ, - tôi bảo nàng bằng giọng van nài; - chúng ta hãy đến ở một nơi nào mà không bao giờ chúng ta còn phải xa nhau nữa. Em cũng biết rằng chúng ta có một trăm hai mươi lạng vàng chôn gần đây, dưới gốc cây sồi… và, - tôi nói, - cha có thể cầu nguyên chúng ta lại còn vốn liếng gửi lão Do Thái Ben Giôdép.
Nàng mỉm cười bảo tôi:
- Trước tiên là tôi, rồi sau đến anh. Tôi biết thế nào cũng xảy ra như thế.
- Em nên suy nghĩ kỹ, - tôi nói tiếp, - anh không còn nhẫn nại, anh không còn gan được nữa rồi; em phải quyết định về phần em đi, nếu không về phần anh, anh sẽ phải quyết định.
Tôi để Carmen ngồi đấy, và đi dạo về phía tu viện. Tôi thấy vị ẩn sĩ ở tu viện đang cầu nguyện. Tôi chờ cho ông cầu nguyện xong. Tôi rất muốn cầu kinh, nhưng không sao cầu được. Khi tu sĩ đứng dậy, tôi tiến đến bên ông.
- Thưa cha, - tôi nói, - cha có thể cầu nguyện cho một người đang lâm nguy không?
- Cha cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ.
- Cha có thể làm lễ cho một linh hồn có lẽ sắp phải về chầu Chúa chăng?
- Được lắm chứ, - ẩn sĩ trả lời, mắt đăm đăm nhìn tôi và hình như trong khí sắc của tôi có cái gì lạ lùng lắm, nên ông định gợi cho tôi giãi bày tâm sự. - Hình như cha đã trông thấy con rồi thì phải.
Tôi đặt một đồng bạc lên chiếc ghế dài của ẩn sĩ.
- Bao giờ thì Cha sẽ làm lễ ấy?
- Nửa giờ nữa thôi. Con bác chủ quán ở đằng kia sẽ đến giúp lễ. Chàng trẻ tuổi ơi, con hãy nói cho cha biết con có điều gì đang giày vò lương tâm không? Con có muốn nghe lời khuyên của một người theo đạo Thiên chúa không?
Tôi cảm thấy sắp bật lên tiếng khóc. Tôi nói với ẩn sĩ là tôi sẽ quay lại, rồi tôi bỏ chạy. Tôi nằm lăn ra bãi cỏ cho đến lúc nghe thấy tiếng chuông. Thế là tôi mon men lại gần, nhưng dừng lại ở bên ngoài nhà nguyện. Lúc lễ Mi-sa chấm dứt tôi quay về quán trọ. Tôi hy vọng Carmen đã trốn đi, nàng có thể lấy ngựa của tôi để chạy trốn… Nhưng tôi vẫn thấy nàng ở đó. Nàng không muốn để cho người ta có thể bảo rằng tôi đã làm nàng sợ. Trong thời gian tôi vắng mặt, nàng đã tháo gấu áo để lấy hòn chì ra. Bây giờ nàng đang ngồi trước bàn, mắt nhìn một cái chậu đầy nước trong đó có hòn chì của nàng đúc ra và vừa ném vào. Nàng làm ma thuật một cách chăm chú đến nỗi thoạt tiên nàng không thấy tôi về. Lúc thì nàng cầm hòn chì xoay tứ phía, dáng điệu buồn bã, lúc thì nàng hát một bài phù chúa cầu khẩn Mari Pađila, người yêu của Đông Pêđrô và theo lời người ta kể chính là Bari Gralixa, bà Chúa Nhất của người Bô-hê-miêng.
- Carmen, - tôi bảo nàng, - em đi đằng này với tôi.
Nàng đứng dậy, ném chiếc chén gỗ đi rồi trùm khăn lên đầu, ra vẻ sẵn sàng khởi hành.
Người ta dắt ngựa đến cho tôi, nàng ngồi lên sau yên và chúng tôi ra đi.
- Thế em nhất định đi với anh chứ, em Carmen của anh?
Tôi nói với nàng sau một đoạn đường.
- Tôi theo anh đến chỗ chết, đúng thế, nhưng tôi không thể sống với anh được nữa.
Lúc đó chúng tôi đi đến một khe núi quạnh hiu: tôi dừng ngựa lại.
- Có phải chỗ này không? - Nàng nói. Và nàng nhảy vọt từ trên mình ngựa xuống đất. Nàng tháo khăn trùm đầu ném xuống chân và đứng chống nạnh không nhúc nhích, mắt nhìn tôi chằm chằm.
- Anh muốn giết tôi, tôi biết rõ lắm, - nàng nói; - chẳng qua số trời như thế! Nhưng anh không khuất phục được tôi đâu!
- Anh van em, - tôi nói với nàng, - em nên biết điều, em ạ. Em hãy nghe anh! Tất cả dĩ vãng quên đi hết. Nhưng em cũng biết đấy, chính em đã làm hại đời anh, chính vì em mà anh thành một tên trộm cướp, một kẻ sát nhân. Carmen! Em Carmen của anh! Em hãy để anh cứu vớt em, và đồng thời cứu vớt cả anh nữa!
- Giôdê! - Nàng đáp lại, - anh đòi hỏi tôi một điều mà tôi không thể nào nhận được! Tôi không yêu anh nữa, còn anh thì vẫn yêu tôi và chính vì thế mà anh muốn giết tôi. Tôi còn có thể nói dối anh, nhưng tôi chả muốn làm thế làm quái gì. Giữa hai chúng ta không còn gì nữa. Anh là rôm của tôi, anh có quyền giết rômi của anh; nhưng Carmen bao giờ cũng là một con người tự do. Sinh ra là người Bô-hê-miêng, Carmen chết đi vẫn sẽ là người Bô-hê-miêng.
- Vậy em yêu Luyca à? - Tôi hỏi nàng.
- Phải, tôi đã yêu Luyca cũng như đã yêu anh, trong một lúc, và có lẽ còn kém anh! Nhưng bây giờ tôi không yêu gì nữa hết, tôi còn tự giận vì đã yêu anh.
Tôi gục xuống chân nàng, tôi cầm lấy tay nàng, hai giòng nước mắt của tôi chảy đầm đìa lên đôi bàn tay ấy. tôi nhắc lại với nàng tất cả những giờ phút hạnh phúc mà chúng tôi đã sống với nhau. Tôi hứa sẽ vẫn đi ăn cướp cho nàng vui lòng. Thưa ông, tôi đã hứa tất cả mọi thứ, tất cả mọi thứ, miễn là nàng vẫn còn muốn yêu tôi.
Nàng nói:
- Không thể nào yêu anh được nữa. Tôi không muốn sống với anh.
Tôi đùng đùng nổi giận, rút dao ra. Tôi mong nàng sợ và xin tha mạng, nhưng con đàn bà ấy thật là một con quỷ.
Tôi bèn hét lên:
- Ta hỏi em lần cuối cùng, em có muốn ở lại với ta không?
- Không! Không! Không! - Nàng dậm chân kêu lên.
Và nàng rút khỏi ngón tay chiếc nhẫn của tôi tặng, ném nó vào bụi.
Tôi đâm nàng hai nhát. Bằng chính con dao mà tôi đã lấy của tên Chột, sau khi con dao của tôi bị gãy. Đến nhát thứ hai, nàng ngã xuống không kêu một tiếng. Ngày nay tôi vẫn như còn trông thấy con mắt đen to của nàng nhìn tôi chằm chằm rồi mờ đi và nhắm lại. Tôi đứng mê mẩn rụng rời trước xác nàng đến một tiếng đồng hồ. Rồi tôi nhớ lại rằng Carmen có lần bảo tôi rằng nàng muốn khi nào chết thì được chôn trong rừng. Tôi dùng con dao đào huyệt cho nàng rồi đặt nàng vào đó. Tôi tìm mãi mới thấy cái nhẫn. Tôi bỏ nó với một cây thánh giá nhỏ vào trong huyệt bên mình nàng. Có lẽ tôi đã sai lầm. Sau đó tôi nhẩy lên ngựa phóng mãi tới Corđu. Gặp đội lính gác đầu tiên, tôi xưng danh. Tôi khai rằng tôi đã giết Carmen, nhưng tôi không chịu nói xác nàng ở đâu. Vị tu sĩ ẩn dật là một bậc thánh. Ông đã cầu nguyện cho nàng. Ông đã làm lễ cho linh hồn nàng… Tội nghiệp con người bé bỏng đó! Chính bọn Ca-lê là thủ phạm vì đã nuôi dạy nàng thành như vậy.

                                                              Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét