Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Đứa trẻ mồ côi - Móricz Zsigmond (P 7)

Đứa trẻ mồ côi

Tác giả: Móricz Zsigmond
Dịch giả: Trương Đăng Dung

Nhà xuất bản Văn Học - 1987

Thánh ca thứ bẩy

Cô bé nhìn quanh một cách thù địch. Em cố nhìn như không để ý gì, nhưng trong tim mình em cảm thấy dường như trên thế gian này tất cả đều chống lại em. Em dự cảm một điều gì đó rất xấu trong việc người ta lại mang em đến với ông bố mới và bà mẹ mới, những người mà đối với em không phải là bố mẹ. Cái làng ngày một gần hơn, người ta sẽ nhốt em lại như nhốt một con lợn. Khi muốn vỗ béo, người ta không cho lợn ra đồng. Nó phải ở trong nhà kho chật chội, nếu cho ngô người ta cũng không để nó chạy ra ngoài. Cần phải đối xử như vậy đối với kẻ mà người ta định làm thịt. Khi ngày lễ Noel tốt đẹp của Chúa đến, chẳng có ai cứu kẻ vô tội, đáng thương đó khỏi bị thọc dao vào cổ như đứa trẻ mồ côi đã bị thằng bé chín tuổi đâm, và khỏi bị người bóp muối…
- Nhìn đây Fater. - Bà vợ ông thợ máy nói. - Tôi đã mang về một đứa trẻ mồ côi.
Fater là một người bụng to, béo và bẩn thỉu. Gã ngồi trong nhà bếp và ăn bánh mỳ rắc muối. Gã cau có nhìn vợ và liếc qua cô bé.
- Mười hai giờ thì bà phải có mặt ở nhà, tốt nhất là bà đã chuẩn bị xong cơm trưa, nhưng trong cái nhà thối tha này người ta quan tâm đến mọi thứ, chỉ trừ bữa ăn của tôi là không.
Nhưng vợ gã chẳng để tâm đến chồng, không như mẹ tôi - khi bố tôi - lúc còn sống - cũng với cái giọng này mà chửi bà. Đối với cô bé cái giọng này đã quen thuộc, lâu lắm rồi em không được nghe cuộc nói chuyện gia đình kiểu này, vì Xennhesơ Pherenxơ là loại người hoàn toàn khác. Thế mà em đã học được rằng trong gia đình ông bố thường nói năng với bà mẹ như vậy, đấy là tôn ti trật tự. Em cũng đã biết lúc này việc của em là gì: Nép nhanh vào cửa, nếu cần phải chạy trốn, hoặc nếu cần phải chạy đến giúp đỡ.
Nhưng mắt em cứ đảo quanh, em nhìn xem cái ông kia là gì mà bà lớn đã bảo đảm rằng cháu sẽ không còn sống giữa bọn nông dân, cháu sẽ ở giữa những người có học, cháu sẽ đi học.
Em không thấy sự có học ở đâu cả, nhà bếp ở đây cũng chỉ là nhà bếp, có điều mặt đất cứ rập rình khi người ta đi trên đó. Nền nhà cũng đen đen như ở nơi khác, có điều, sau đó em mới nhận ra, là nền nhà ở đây được làm bằng những tấm gỗ, nhưng không được cọ rửa nên bẩn thỉu. Cái tủ nhà bếp là thứ mà đến giờ em chưa từng thấy ở đâu cả. Nó cao và có hai hàng đầy những ngăn kéo, chắc là sự có học - cái mà bà lớn đã hứa - nằm trong những ngăn kéo này.
Bà Veruê đi đi, lại lại và kể lể bằng cái giọng liến láu đến rợn người rằng bà ta đã nói gì với bà lớn, rằng bà lớn hết lời ca ngợi con bé nhưng bà ta chỉ thấy em đầy chấy rận và ghẻ lở, đầu thì đầy những vết da non. Nhưng, Fater ạ, bà ta quyết định nhận một đứa trẻ mồ côi, mà đứa trẻ mồ côi phải nhỏ vì ở đây công việc nhiều, có nó rất lợi vì có đứa để mà sai bảo đến nơi mình cần, Fater ạ.
Trơre co rúm người lại, em đã hiểu rằng em sẽ không được đi học, lại sẽ chẳng có gì hết.
Đây là lần đầu tiên trong đời em nhận ra rằng em cần phải làm một cái gì đó, nếu em muốn sống. Nhưng làm gì thì em không biết, một cảm giác gì đấy đang thôi thúc trong em, em không chịu được nữa. Em cũng không biết là em không chịu được cái gì em chỉ nghĩ rằng em không để họ đối xử như vậy với mình. Cho đến nay, em cũng đã có một vài hành vi bướng bỉnh, nhưng bây giờ thì em đã sẵn sàng làm chuyện lớn hơn nữa.
Em muốn biết em đang ở đâu, những người có học này là ai. Con người bẩn thỉu, đầy dầu mỡ, hôi rình mà bà vợ luôn gọi là Fater ấy không để ý nhiều đến vợ, bất kể bà ta đang nói gì gã cũng nói chen vào một cách liến thoắng hơn những lời đã thuộc làu của gã, rằng cối xay thế này, cối xay thế nọ. Lúc nào cũng chỉ cối xay, cối xay. Em biết cối xay là gì rồi. Cối xay cũng thuộc về những vật mà ở những vùng em ở trước đấy hễ nhắc đến là người nông dân thường chửi tục. Em cảm thấy mình thù địch hơn đối với những người này nếu họ là những kẻ dính dáng tới cối xay, vì cùng với bố mẹ cũ, em căm thù bọn họ, bố mẹ cũ của em sao mà ghét họ đến thế. Thật trớ trêu là em gặp phải dân cối xay. Em che mắt bằng hai bàn tay bé nhỏ, em cũng không muốn nhìn thấy những kẻ mà người ta thường gọi là những con quỷ đen gớm ghiếc. Bây giờ họ là bố mẹ mới của em.
Hai người đều không quan tâm nhiều đến em, họ cùng nói một lúc, chẳng ai nghe ai. Trơre không hiểu lắm cuộc nói chuyện của những người lớn, em chỉ biết là thông thường người ta thay nhau mà nói, một lần bà vợ nói sau đó đến ông chồng, nhưng cả hai cùng nói một lúc thì em chưa từng thử bao giờ. Cũng giống như khi người ta xay ngô bằng bàn tay bé nhỏ thì chừng nào ở dưới cối đá còn ngô, chừng đó cối xay chạy chậm mà cũng phải nắm lấy cần quay, nhưng khi đã hết cái để xát rồi thì tấm đá của cối xay tự mình quay như điên như dại. Cái lưỡi của hai người này cũng nhạy như vậy, cho nên họ nói mới nhanh thế.
- Nào, lại đây, cho xem nào, - bà thợ xay nói. - đây là Fater!
Và bà ta nắm vai em, đẩy em về phía gã bụng to.
- Cần phải gọi là Fater. Mày hiểu chưa? Nào, nói đi, Fater.
Trơre hơi tỏ ra bướng bỉnh một tí, em im lặng, nhưng em không muốn gì cả, em chỉ không biết Fater là cái quái quỷ gì.
- Nào, mày hãy nói Fater, còn tao là Muter. Những người lạ chào Fater là ngài thợ máy, và chào tao là bà lớn, nhưng mày chỉ cần nói Fater, Muter.
Bây giờ cô bé đã hiểu chút ít! Vậy ra bọn họ không phải là thợ xay nếu gọi là ngài thợ máy. Em được biết là phải kính trọng ngài thợ máy, chẳng hạn khi tuốt lúa thì phải nấu những món ăn ngon như thế nào cho ngài thợ máy. Giờ đây nhìn con người đó em thấy rằng gã quả là người có học, vì cuối bộ ria của gã được cắt xén gọn ghẽ.
- Fater, - em nói chậm rãi và khóc sụt sịt.
- Đấy, thấy chưa, từ nay chúng tao là bố mẹ mày, phải không?
- Vâng, - cô bé nói càng nhỏ hơn, nhưng trong lòng em nghĩ điều hoàn toàn khác; Bây giờ bà ta thế nào cũng sẽ nói vậy thì phải yêu họ. Nhưng bà ta không nói điều đó, bà ta chỉ nói:
- Nào, mày thấy chưa, từ nay mày sẽ phải làm cái mà bố mẹ sai bảo.
Hai ngày liền họ không sai bảo gì cả, cô bé đã nghĩ bụng, không đến nỗi tồi, không đến nỗi tồi, ở đây chỉ việc chơi, ái chà cách gọi Fater, Muter là điều khôn ngoan.
Nhưng đến sáng thứ hai, Muter nói:
- Opphờ.
Em không biết đó là cái gì, chưa có ai nói với em rằng Opphờ.
- Mày không nghe Opphờ hả? Ra khỏi giường, nằm dài thế là đủ rồi, đi chăn lợn.
À ra thế, em đã hiểu Opphờ là gì rồi, em liền nhảy ra khỏi giường. Nhưng lạnh quá, hồi đêm em cũng bị lạnh. Đêm đến nhà bếp lạnh dần, những cái chăn rách, mỏng không cho một tí hơi ấm nào cả.
Ở ngoài kia mặt trời đã chiếu sáng, nhưng có gió thổi. Không rửa mặt, không chải tóc, em chịu rét đi về phía chuồng lợn như một người đầy tớ già lâu nay đã sao nhãng bổn phận của mình. Muter nhìn em: Con bé này không cần nhiều lời, nó biết bổn phận của nó. Em mở cửa của khu chuồng lợn, em dùng đá đập cái then cài sang một bên vì cái then chốt vào chặt quá, rồi em đi vào ngăn chuồng lợn mở cái cửa trong và thả con lợn đen, to ra. Con lợn có cái bụng đồ sộ, chắc chắn trong đó có những chú lợn con, chỉ cần nhìn qua một cái em cũng nhận ra điều đó.
- Nào, cút, cút, cút khỏi đây, mẹ mày.
Muter nhìn, bà ta cười:
- Mày biết phải lùa đi đâu không? Không được lùa vào ruộng lúa mỳ đã mọc, nếu lợn dũi ra thì người ta phạt cho, mà khi đó thì tao lột da mày đấy. Chỉ được chăn nó bên lề đường thôi. Mày đi lối này ra đồng, nhưng phải rất chú ý để lợn không gây thiệt hại.
Bà ta còn lải nhải nhiều, nhưng khỏi phải nói cho Trơre, việc này em còn biết rõ hơn bà ta. Em đã chăn bò, chăn lợn nhiều, con lợn chết tiệt bụng to này rồi em cũng sẽ trị được.
- Hượm đã, có cái khăn này quàng vào, gió thổi đấy.
Em nhận một cái khăn màu xám, cũ kỹ, nhưng có nó cũng tốt, Muter buộc cái khăn quàng sau lưng qua nách em, và em như một cái gói nhỏ đựng đồ đạc dày cộm đi bằng chân, chạy theo con lợn đen.
Em không có cơm, nhưng em tưởng ở đây cần phải như vậy, điều này không có gì là mới lạ.
Nhưng rồi bỗng nhiên Muter đi bộ đến bằng đôi chân dài, bà ta mang cho em một cái gì đó. 
- Sao mày lại bỏ bánh mỳ của mày ở nhà? Bánh mỳ đã được chuẩn bị để ở chỗ lò lạnh ấy, của mày đấy. Bây giờ tao mới thấy khi tao định đốt lò.
Và bà ta lại thở ra, thở ra bao nhiêu là những lời liến thoắng, rằng…
Sau đó cho đến tối chẳng ai nhìn ngó tới em. Trong cái gói có bánh mì và pho mát. Cả hai thứ đều nhiều. Em bằng lòng vì nhận nhiều thức ăn hơn so với suất ăn mà em vẫn thường nhận ở nơi khác. Vậy ra những người này không tồi hơn các vị bố mẹ khác của em. Em bắt đầu hát, em nhặt được một cái que cong còn rất tốt, em mừng lắm. Với cái que đó, em điều khiển một cách tuyệt vời những con lợn đen. Vì em chỉ được đi ở hai bên lề đường với con lợn, mà lợn có thể dũi vào gốc cây keo đến chỗ gieo hạt, nên những lúc đó em đứng ở phía trong, và em đi men chỗ gieo hạt để khỏi đạp lên đó.
Gió cũng đã lặng, hình như đây là trường học rồi.
Từ trước tới nay em chỉ chăn bò, giờ thì em sẽ đi chơi bên con lợn đen.
Gió cấu vào mặt em, thức ăn đã đủ, đến trưa em ăn nửa phần còn lại để khỏi mang theo cái giấy gói. Đầu bánh mì em cũng không gặm nổi nữa, em ném cho con lợn, con lợn mừng rỡ tợp ngay.
Nhưng lúc hoàng hôn xuống, dường như có ai nhắc vào tai con lợn, bỗng nhiên nó quay lại rồi bắt đầu chạy về nhà. Nó chạy như con quỷ, em không chạy theo nó được.
Khi về đến làng, Muter đã đứng ngoài đường. Bà ta nhìn em thấy con lợn chạy trước và em chạy sau nó. Em vừa thét lên vừa ném đất theo con lợn để nó dừng lại, nhưng Muter lại tưởng em đuổi cho nó chạy nhanh hơn về nhà, bà ta nổi giận một cách khủng khiếp:
- Mày làm gì con lợn thế hả, đồ đáng nguyền rủa?
Con lợn chạy vào cổng rồi vội vã vào chuồng của nó.
Còn Muter thì nắm lấy cái que, giật nó khỏi tay em và đánh em bằng cái que đó.
- Mày còn đuổi con lợn chạy nữa không? Đồ đáng nguyền rủa! Mày không biết rằng nếu chạy như thế thì con lợn chửa sẽ bị trụy thai à?
Cô bé đứng sững lại, ghê sợ nhìn vào mắt người đàn bà lớn, Hai con mắt to, tròn của bà ta ánh lên lạnh lùng, dường như chúng nó nhảy ra giống những hòn bi ve.
- Đợi đấy, tao không đánh bằng cái này, tao không muốn để các vết lằn trên người mày, cái đập bụi sẽ nói chuyện với mày.
Trong khi họ đi vào sân, người đàn bà nói huyên thuyên. Bà ta lên lớp về khoa vệ sinh của lợn, điều mà lẽ ra đúng với chức danh của một giáo viên kinh tế nữa. Cuối cùng bà đã dắt cô bé đến gần nhà, và bà đi vào bếp lấy cái đập bụi.
Trơre không biết đây là cái gì, từ thủa lọt lòng tới giờ em chưa từng nghe nói cái từ đó. Bây giờ thì em thấy trong tay Muter một dụng cụ lạ lùng được bện bằng những cái que mảnh, đoạn cuối như một chiếc bánh bột lớn. Với cái bánh bột đó bà ta bắt đầu đánh em. Và có một điều làm em an tâm là những vết lằn không thấy trên người em. Về khoản này, cô bé rất khó tính, em không muốn những vết lằn nổi lên.
Đây là điều xảy ra bởi sự có học. Chăn lợn ở dưới những cái cây.
Giá mà quỷ bắt con lợn đi, cô bé nghĩ: Vì trong cái sân không có một sự sống nào cả. Ở đó không có gà mái, gà trống; không có ngỗng vịt; không có chó mèo đến chuột cống và chuột nhắt cũng không có. Chim bồ câu không bay ra từ hiên nhà, chim én cũng không có ở đâu cả, đến chim sẻ cũng không có nốt, vì chim sẻ tội nghiệp biết ăn gì ở đó, chẳng nhẽ nó phải sang sân nhà hàng xóm mà kiếm ăn? Giá mà quỷ biết và tha đi con lợn chửa đen thui xấu xí đó, lúc ấy em mới thật sự sống yên ổn trong cái nhà này, có khi người ta còn đưa em đến trường để khỏi quẩn chân họ ở nhà cũng nên.
- Muter, khi nào đưa đến chường đấy.
- Trời ơi, sao mày ăn nói cục cằn như là nông dân ấy. Khi nào đưa đến trường đấy? Nói năng kiểu gì vậy? Bao giờ cho cháu đến trường ạ? Cần phải nói như vậy? Nếu mày nói như vậy thì tao sẽ nói. Rồi đây khi chúng tao thịt con lợn, mày sẽ bắt đầu học kì hai, với mày thì học kì một đằng nào cũng muộn rồi.
- Lúc nào cũng đã muộn, đã muộn, đã muộn.
- Xem kìa, nó đã học nói ra sao với cái lưỡi gớm ghiếc! Tại sao mày nói những ba lần đã muộn, đã muộn?
Nhưng cô bé không trả lời, em lùa lợn ra đường.
Em cũng đã học cách lùa lợn trở về nhà như thế nào.
Em phải đi lên trước để lợn theo mình, nhưng không được đập vào mũi nó, vì nó sẽ khùng lên, có nghĩa là nó sẽ đánh mất những chú lợn con, Chỉ cần vung vẩy tay trước mặt nó và giữ nó lại. Thế nhưng về chiều, con lợn trở nên sốt ruột, một cô bé tám tuổi như thế này không thể trị được nó. Nó xông lên, có lần em bị nó cắn. Trơre rất biết rằng nếu con lợn cắn trẻ con và nếm thử thịt trẻ con thì có đến mười người đàn ông cũng không lôi nổi đứa trẻ tội nghiệp ra khỏi hàm răng của nó. Bên hàng xóm cạnh nhà ông bà Đuđasơ có đứa con trai vẫn hay chăn lợn với em đã bị lợn của họ ăn thịt đấy thôi. Vậy mà nó là đứa con trai đã mười sáu tuổi cơ đấy. Khi đánh lợn không cho vào chỗ cấm, nó bị ngã vào giữa đàn lợn và con lợn đực to lớn đã cắn nó. Không thể cứu được. Sở dĩ lúc trưa em cho con lợn đen này ăn bánh mỳ - cái con vật mà đến tên cũng không có, chỉ là đồ lợn - là để làm cho nó quen với cái tay em, và để cho nó yêu thích em. Thế nhưng thỉnh thoảng em chỉ được ít bánh mang theo trong cái túi đựng cơm sáng, và ngay cả những lúc đó em cũng cho lợn ít nhất đủ một miếng ngoạm, vì em sợ con lợn chửa điên khùng này.
- Không có cỏ cho nó ăn nữa rồi, chỉ ở trên đường sắt. - Muter nói. - Mày hãy lùa lợn ra đường sắt, ở đó trên nền đường cỏ vẫn còn xanh tươi.
Từ đó Trơre ra đường sắt với con lợn đen. Con lợn to lắm rồi, cái bụng của nó đã chạm đất. Nó đi thủng thẳng trên phố đường sắt mới hừng sáng, còn em thì rảo bước theo nó. Đừng, cút, cút, cút, đừng.
Trên nền đường cạnh đường ray quả là cỏ mọc xanh tươi, và ở đó con lợn đã sống rất no đủ.
Nhưng chú lợn hỗn láo đã sớm phát hiện rằng ở trước nhà kho luôn có lúa mỳ hoặc lúa đại mạch hay là hạt gì đó, những thứ rơi vãi khi người ta chất chúng lên các toa xe như cám, lương thực. Hễ nhớ tới thì việc đầu tiên là nó chạy đến chỗ đó. Thỉnh thoảng nó cũng quên đi, chỉ sau đó nó mới nhớ, và lúc ấy không tài nào ngăn được nó lại, nó cứ đi nhặt hạt rơi.
Cũng có những người khác chăn lợn trên bãi cỏ ở đó, nhưng không ai chăn thường xuyên như em, vì không phải ai cũng có trẻ mồ côi, mà con đẻ của họ thì các bà mẹ lại xót, không muốn ngày nào cũng đày ải chúng ở đó giữa mùa đông gió thổi, hay dưới trời mưa. Họ không làm điều đó vì con đẻ dám không vâng lời mẹ, còn đứa trẻ mồ côi tội nghiệp thì không.
Thế rồi ngày hôm nay chú lợn bỗng dưng nghếch đầu lên vì một tiếng sột soạt nào đó, và nó bắt đầu chạy giữa những đường ray về phía nhà kho.
Nhưng con tàu ngay lúc đó đã kéo còi, Trơre phát hoảng, sợ rằng tàu sẽ nghiến phải con lợn; em cầm roi chạy theo nó giữa những đường ray, em quất vào con lợn để nó rời khỏi đường tàu.
Người lái tàu đã nhìn thấy trước mặt mình con lợn và đứa trẻ, nhưng anh ta không thể bắt đầu máy đứng lại được, anh ta chỉ kịp phanh, đầu máy kêu xì xì và kéo còi dữ dội.
Những hành khách đứng trước ga đều nhìn thấy chỉ một phút, một phút nữa là đứa trẻ hết đời, tóc họ dựng đứng cả lên, họ cũng không kêu lên được, không có thể làm gì được nữa.
Con lợn không muốn gặm cỏ, nó chỉ muốn ăn lúa mỳ, nó không đi khỏi đường ray.
Lúc đó con tàu hất em và con lợn trong đường ray sang bên.
Có Chúa mới biết là sự việc đã xảy ra như thế nào, nhưng đứa trẻ và con lợn cùng rơi sang trái về phía nhà ga, ngã sõng soài trên mặt đất. Mọi người đều thét lên, họ chạy tới nhìn xem cái gì đã xảy ra trước con tàu đang đứng thở phì phì. “Cô bé, cô bé”. Họ kêu lên, lúc đó mới té ra là cô bé đang nằm trong bụi, con lợn thì đang ăn vì nó đã tìm được hạt.
Không có điều gì nguy hiểm xảy ra, cô bé bị khiếp đảm, tất cả chỉ có thế. Quân cảnh kéo đến, họ cũng ghi tên em, các bà thì nâng em lên xem xét, người lái tàu cũng xuống và như vậy là vì vụ này tàu đã dừng lại hết ba phút trên sân ga.
- Cháu không bị làm sao cả chứ?
- Không, cháu sợ về nhà cháu sẽ bị mắng.
Sau đó con tàu đi, hành khách đi và quân cảnh cũng đi. Trơre thì tiếp tục chăn lợn. Khi con lợn đã ăn đến hạt cuối cùng mà nó tìm được, nó lại lên mặt đường và kiếm ăn ở đó.
Đến tối em lùa lợn về nhà. Em đi trước mặt nó và rất chú ý để đồ đểu ấy không chạy, nó đã không bị làm sao cả, nó không bị trụy thai.
Khi em đi vào sân, Muter có nhìn ra nhưng không nói gì cả. Chỉ sau khi em đã nhốt lợn ở trong chuồng và đi vào nhà bếp thì tai họa mới đến. Vừa bước vào, em lập tức được một cái tát trời giáng, sau đó là cái tát khác. Bằng cái đập bụi bà ta đánh em nhừ tử đến nỗi những bàn tay bé bỏng của em tím xanh, rồi bắp chân em cũng trở nên xanh lơ, xanh lục, mọi cú đấm đều hằn rõ trên người em. Bây giờ không phải roi quất vào không khí mà là những cú đấm hằn to, đen thẫm. Ngoài ra em còn phải quỳ lên hạt ngô, ở lại đó một giờ liền, và em không được ăn bữa tối ngày hôm ấy vì bị phạt.
Cô bé Trơre kêu khóc, khi đã mệt em không kêu nữa, chỉ còn Muter vẫn nói liên miên rằng cần phải trông lợn ra sao.
Nhưng đứa trẻ mồ côi đã được đẽo từ cái cây mà không thể nào đánh chết được. Em cũng đã sống sót, và có niềm vui lớn: Thế ra con lợn cũng gặp tai họa gì đó, vì ngày hôm sau em không phải lùa nó ra đường sắt, vậy mà em cũng không bị cảnh cáo bằng cái đập bụi và bài lên lớp. Ngày thứ ba cũng không. Có thể quân cảnh đã cấm, nhưng cũng có thể đó là lý do mà vài hôm sau, một buổi sáng khi họ đi vắng, con lợn đã đẻ.
Không có ai ở bên con lợn, không có ông thợ máy và cũng không có bà thợ máy. Họ không hiểu gì lợn cả, họ chỉ biết nói nhiều về lợn bất kể đêm ngày. Con lợn bụng to đùng đã có ba chú lợn con.
Trơre cười thầm, vì em biết rằng số lợn này đáng lẽ phải tới mười một con. Em không biết tại sao lại chỉ có ít thế, nhưng em nói rằng đấy là do Chúa trừng phạt vì em đã phải chạy theo nó nhiều. Chắc chắn con lợn đã ăn con của nó khi mới đẻ, vì không có ai ở cạnh nó.
Tuy thế con lợn vẫn sướng thật vì ông thợ máy cũng là một loại thợ xay gì đó và họ đã mang thức ăn về nhà từ cái máy xay. Nếu con lợn có ngần ấy thức ăn thì không thể hiểu tại sao người ta lại bắt em lùa lợn đi ăn. Ngay trong chuồng thôi người ta cũng đã cho nó nhiều ngô xát, ngô hạt và nước lắm rồi. Họ vỗ béo con lợn không thể chê được. Con lợn thì cứ việc ăn và ăn.
* * *
Đã tháng mười hai và Điti đến từ Pest. Cô Điti này không phải ai khác mà là con riêng của Muter, Trơre chẳng mấy chốc đã nghe nói rằng Fater không có liên quan gì đến cô con gái, ông ta cũng còn chưa nói chuyện với nó. Cô bé từng sống ở viện gì đó, chỉ mới mười hai tuổi, tóc vàng, cô bé tương đối xinh chỉ tội quá lòng khòng. Cô bé được chiều chuộng muốn gì được nấy.
- Nuôi con bé mồ côi bẩn thỉu như thế này để làm gì Muter của con?
Nó nói nh ư vậy, và khi cô bé này đến Trơre rất khó chịu. Nó không hành hạ em, nhưng nó luôn nói những điều xấu, và cái gì nó cũng nhận nhiều hơn. Không lần nào em ăn mà nó lại không nói rằng: “Mẹ cho con Mồ côi này hốc làm gì lắm thế. Nó có trả tiền đâu”.
Nhưng Trơre không làm gì cả, em chỉ nhìn nó một cách căm ghét. Nếu vì thế mà Điti buộc tội em, thì bà mẹ tìm đến cái đập bụi.
- Hôm mai là Miculasơ!
Miculasơ là cái gì nhỉ. Ở đây rặt những chuyện mà cho đến nay em chưa nghe tới bao giờ. Đấy là điều xấu, cô bé nghĩ thầm, luôn vì có chuyện mới mà em có thể bị đánh đập, nhiếc mắng. Tất cả các bậc bố mẹ đều đánh trẻ mồ côi vì những lý do khác nhau. Ở đằng nhà Đuđasơ thì vì thế này, ở nhà Xennhesơ thì vì thế kia. Ở đây thì lại vì sự phát âm không chuẩn của em, mà thực ra những người Đức này cũng không biết tiếng Hung, họ nói năng kỳ quặc, họ không hiểu hết bằng tiếng Hung. Tên của họ cũng mới mẻ: Slôgerôc. Em nghe một bà nào đó ở ngoài dường nói: Này bọn Slôgerôc ấy chúng nó lột da mày đấy, cháu ạ.
Em như đồ thừa ở đây. Em luôn tránh việc. Mà công việc thì chẳng có gì, cần phải quét sân liên tục, nếu có một con chim đánh rơi một hạt vừng thì phải quét cả sân.
- Để rồi xem Miculasơ có yêu con bé người nhà nước không? - Điti và mẹ nó đều cười.
- Yêu gì ở cái đồ chó chết đó. Miculasơ không cần cái xác đó.
- Be-e-e, cái xác… - Trơre nói sau lưng họ.
Buổi sáng, em thức dậy trong tiếng rú, tiếng cười to ha hả ở trong phòng. Trong nhà bếp lạnh lẽo, em không thể tưởng tượng nổi cái gì xảy ra ở nơi ấm áp đó. Vì em phải lần trong bóng tối khi mọi người đang ngủ, em phải đốt lò sưởi, nhưng trong giây lát mà lửa vừa bén thì em phải đi ra khỏi phòng. Em có thể ngồi trong bếp hoặc đi ra ngoài tuyết, nhưng em không được phép ở lại trong phòng, bên lò sưởi nóng. Em cũng không được đốt lò sưởi trước mười giờ, khi chưa cần lửa cho việc nấu nướng. Cần phải tiết kiệm. Đó là khẩu hiệu ở đây, từ sáng đến tối người ta chỉ tiết kiệm. Người ta còn chuẩn bị bỏ làng ra đi và liên tục nhắc đến Pest.
- Tôi không ở lại làng, - Fater chửi tục. - tiền lương đối với tôi chẳng thấm tháp gì, đã vậy lại chẳng hưu trí, chẳng biên chế gì sất.
Trơre thầm nghĩ, mẹ kiếp các người, các người còn muốn gì nữa. Ngày nào cũng có thịt, Fater không chịu ăn cơm nếu không có thịt, lúc nào ăn cũng phải có rượu vang, cơm trưa nửa lít, cơm tối nửa lít. Đấy cũng là việc của em, vì em đã biết lối đi đến quán rượu: “Mày chạy đi mua ít rượu, Fater về đấy”. Thế mà còn ít đối với họ, bọn người to ruột. Trơre cũng chưa từng thấy một cuộc sống no đủ như thế này. Không thể nói được Fater, vì hễ không thích cái gì là ông ta hất khỏi bàn xuống đất; ví như ông ta hất đổ nồi khoai tây tẩm bột ớt khi không thấy có lạp xưởng trong đó. Hoặc nếu cơm trưa chuẩn bị không xong đúng ngọ thì ông ta không thèm ăn nữa. Bây giờ giày của Điti chứa đầy kẹo, giày chứa được bao nhiêu thì có bấy nhiêu.
- Nào, có cái gì trong giày của mày? Có cái gì trong giày của mày? Thế Miculasơ không yêu mày à? Ôi dào, đồ con lợn, Miculasơ yêu làm gì cái đồ mồ côi thối thây như thế này. Đồ con hoang, ai mà cho loại này kẹo.
Rồi nó tự đắc đi vào căn phòng ấm áp. Còn đứa con hoang, đứa trẻ mồ côi tội nghiệp, thì mím căng cái miệng bé nhỏ để nén tiếng khóc.
* * *
Cái máy xay nhà Patcoi nổi tiếng lắm, Patcoi có hai cái máy xay. Người ta nói rằng gã ta viết tên mình bằng chữ Y. Các ngôi nhà ở đây đều là nhà xay của Patcoi; từ thợ máy, thợ đốt lò, đến thợ xay đều ở trong những cái nhà nhỏ như thế này. Gã Patcoi này biết cách cư xử với nhân viên, vì thế nhà Veruê cũng không nhận gì cả, chỉ nhận số tiền lương ít ỏi, những thứ khác đều phải lấy cắp. Nuôi một chú lợn con cũng không được, họ không được nhận vườn, không được nhận gì hết. Nhưng tối tối Fater Veruê và một người quần áo lấm bột khác đi lại thì thào. Người này mang đến nửa bì cám, nhưng họ đổ cám sao cho không có tiếng động phát ra. Họ mua một vài cân ngô ở ngoài chợ, vừa đủ để cô bé mang về nhà được. Nhưng với ngần ấy thôi thì không thể thoải mái vỗ béo con lợn đen, to vừa đẻ được. Cô bé Trơre còn hiểu tại sao cần phải mua ngô ở chợ, là để họ biết giá cả mà nhắc đến, rằng nó đắt đỏ ra sao, mẹ kiếp! Khi những kẻ áo quần lấm bột ấy trút từng nửa bì cám vào cái hòm thì việc đó chẳng có giá. Xưa nay em chưa từng thấy những chuyện như thế này, vì ông bố Đuđasơ của tôi hay Xennhesơ Phenrenxơ thì lấy cắp được của ai cơ chứ? Chỉ có lấy của chính họ thôi. Đuđasơ lấy trộm, nhưng là lấy của vợ, bằng cách giấu vợ mang từng túi lúa mì bằng xe ngựa lại đằng quán rượu. Đến em cũng ăn cắp dưa hấu và người ta đã bỏ than hồng vào tay em, nhưng Fater Veruê thời nhỏ chắc không bị ai bỏ than lên đầu ngón tay, vì gã khéo chỉ đạo người ta đổ vào đâu ngô, cám, bột và những thứ khác mà người ta mang đến.
Cô bé thấy rằng bổn phận thiêng liêng của em bây giờ là cùng với Muter lo lắng, trời ơi chỉ thành công một lần nữa thôi… Ôi, mong sao người ta đừng bắt được… Than đốt họ cũng mang về như vậy. Đặc biệt lúc Patcoi bị trúng chứng phong do bị gió vuốt qua một tý, cũng là lúc họ không phải giấu giấu diếm diếm đến thế, mà hoàn toàn có thể làm giàu.
Cứ như vậy, dần dần Trơre hòa mình vào cái cuộc sống mà trong đó con người luôn phải vắt óc ra nghĩ xem nhà còn thiếu thứ gì, cần phải xoáy cái gì ở chỗ máy xay.
Em đồng tình với bố mẹ nuôi, và em trở thành kẻ thù bền gan, cương quyết của ông chủ máy xay.
Chuyện này em lấy làm hệ trọng lắm, ấy thế mà nhiều lần rách việc em sang nhà hàng xóm há cái miệng trẻ con, ngơ ngác, nhưng cho dù vì cái gì đi nữa em cũng không bao giờ hé ra một lời về những điều mà em đã nhìn thấy trong bóng tối.
Bố mẹ của ông chủ máy xay đã già lắm rồi, cụ ông cụ bà đều chín mươi tuổi. Những người này rất quý em, họ luôn bảo em hát và nhảy, rồi họ cho em kẹo, cùng với bánh mì phết mứt hoa quả.
- Ôi cháu, cô bé vô tội. - Cụ bà nói, - thế con bé nhà Giôdi có khỏe không?
Trơre vừa ở đó đến, vì hàng xóm ở cuối phía sau là bác Giôdi, bác ta có một đứa con đang tuổi nằm nôi, nó là con gái và ốm yếu luôn.
- Nó bị ốm, - em nói, - nó ốm vàng mắt lên.
- Ôi đứa bé vô tội. - Cụ bà chín mươi tuổi thều thào nói. - Giá mà Chúa mang nó đi. Nếu nó chết thì tốt hơn cho nó, cũng như đối với bố mẹ nó.
Khi Trơre đi khỏi chỗ các cụ, em sang ngay nhà hàng xóm để xem đứa bé ốm nữa không.
- Các cụ nói gì?
- Nói rằng giá mà Chúa bắt nó đi, đằng nào nó cũng chết.
Thế là vợ bác Giôdi bắt đầu khóc, rồi bà ta sang chỗ vợ gã thợ máy và kể rằng những người già chín mươi tuổi rồi mới xấu bụng làm sao, họ muốn con bé sơ sinh chết đi.
Như vậy té ra Trơre ngồi lê mách lẻo.
Vì thế cơn tam bành nổi lên. Vợ chồng gã thợ máy rất sợ vì thấy cô bé ngồi lê đôi mách.
Khi gã về đến nhà, bà vợ đã kể cho gã nghe, Fater lộn tiết lên. Con người lấm lem dầu mỡ ấy trở nên đen nhẻm như chính quần áo của gã, và hôi kinh người.
Gã không dám nắm lấy đứa trẻ, vì sợ nó nát ra trong tay mình.
Nhưng Muter nói:
- Há miệng ra!
Trơre há miệng và Muter đã đập vào miệng em bằng cái thìa nấu canh làm nó rộp lên, sưng tấy đến nỗi ba ngày liền em không ăn uống gì được.
- Mày ngồi lê mách lẻo nữa không? Mày có mang chuyện đơm đặt không.
Bà ta cứ cái câu ấy mà rống lên. Còn Fater thì gầm gừ, nhưng với giọng đã nén lại lắm rồi:
- Bà hãy dạy, hãy dạy nó, cái lưỡi nó mà cứ khua lên như vậy thì rốt cuộc chúng ta cũng được đồn đại.
Trơre hét lên, sau đó em mới hiểu là họ sợ em mách lẻo chuyện chuyên chở thì thụt ban đêm. Việc này khiến lòng em rất tức giận vì em đã có thể nói ra điều đó một trăm lần rồi, nhưng em không nói, bởi em biết chuyện đó đâu phải để nói ra. Bây giờ thì em khóc thành thực vì những bậc cha mẹ này không biết là em đã gắn bó với họ bằng sự trung thành đến thế nào; rằng có đổi tất cả châu báu trên thế gian thì em cũng không hé ra một lời nào có thể gây thiệt hại cho họ.
Em xấu hổ lắm, chính cái cảm giác cao quý nhất của em đã bị xúc phạm: Bố mẹ nghĩ rằng em không đồng tình với họ trong chuyện ăn cắp.
Quả là em chưa bao giờ nói gì cả. Từ nay em sẽ không được đến chỗ cụ bà, em rất tiếc bánh mì phết mứt mỗi ngày. Muter còn đứng ra ngoài đường với em, và ở đó bà ta la lên để những người thợ xay biết rằng vì họ mà bà ta đánh cô bé.
- Ôi, trời ôi, ôi, - Trơre khóc như em vẫn thường khóc, vì em đã quen thói hễ bị đánh là bắt đầu thét lên, đến nỗi những người láng giềng túm tụm lại nhìn xem tại sao người ta lột da con bé.
- Trời ơi, giá mà tôi chết được! - Em gào lên, nhưng rồi em không khóc được nữa, vì lưỡi em không nhúc nhích khỏi chỗ của nó.
Những lúc như thế này đúng là thà chết đi còn tốt hơn, vì nếu mẹ đẻ em cắt một miếng thịt khỏi người em thì sẽ không làm em đau như vậy, nhưng đây là người lạ gây ra, nên em rất đau đớn, bởi em nghĩ rằng mẹ đẻ em có tát em thì cũng tát khác so với người lạ.
- Dậy đi, giữ lấy cái chậu!
Em phải vội vàng bật dậy, cái phút đó đã đến, người ta mổ lợn, em phải đi ra. Em vừa kinh tởm, vừa khiếp sợ, vì quả là em phải chịu đựng nhiều với con lợn, nhưng dù vậy em cũng không muốn giữ cái chậu khi người ta giết con lợn tội nghiệp.
Nhưng em không giữ nổi chậu vì em rất xót thương con lợn. Tội nghiệp, nó rất tốt bụng, vì với cái thân xác to lớn như con bò của nó thì việc húc hay nhai ngấu nghiến một cô bé đối với nó chẳng có nghĩa lý gì cả, thế mà nó chưa hề làm điều gì nguy hại cho em. Nó kêu ủn ỉn một cách dễ thương mỗi khi em lấy bánh mỳ của mình cho nó, và nó còn để cho em gãi gãi vào cổ và những cái lông cứng của nó. Khi nó nằm xuống nghỉ như loài lợn vẫn thường làm thì có thể nằm cạnh như nằm cạnh một con bò, lúc ấy nó chổng cả cái bụng mượt mà cùng bốn cái chân của nó lên trời, có thể gãi gãi vào bẹn nó.
Vì nó cũng là người đàn bà đáng thương, cô bé Trơre nghĩ vậy, nó cũng sinh ra những đứa con, giờ đây những đứa con của nó sẽ mồ côi như những đứa trẻ mồ côi tội nghiệp của Nhà nước cũng nên. Chúng sẽ khổ, chúng sẽ không có người mẹ đẻ tốt để an ủi chúng bằng tiếng của loài lợn nhỡ khi chúng bị đau bụng... Em phải giữ khay khi họ thọc dao vào cổ nó, vì Muter nói bằng bà ta không muốn chứng kiến cảnh ấy, còn lâu bà ta mới giữ chậu… Cũng không thích thú gì khi máu sủi bọt đẹp, màu đỏ tươi phọt ra, trước hết nó bắn lên quần áo của Trơre, nhưng em không hoảng sợ, em bạo dạn ấn cái chậu vào gần hơn ở vị trí dưới cái dao. Giờ thì máu đã chảy đều vào khay.
- Mày khuấy lên, - ông đồ tể lầm bầm - khuấy lên!
Em khuấy tiết lợn bằng cái thìa gỗ khi tiết đang chảy để nó khỏi đông lại. Nhưng sở dĩ em giữ cái chậu và khuấy tiết là vì em sợ bị đánh, em biết rằng - và em cũng đã hứa - em sẽ bị đánh nếu em làm không khéo léo. Khi em mang tiết vào, người ta cũng tẩy qua loa quần áo cho em, nhưng vì tiết lợn nóng bắn vào em đã thấm vào trong áo sơ mi nên em phải cởi ra thay áo khác. Trơre nghĩ, thật tiếc là không có Rôdi ở đây để nó mặc áo sơ mi của em, có thể thay đổi vì Điti không cần đến áo sơ mi Nhà nước, hơn nữa nó đã to lớn hơn em.
Sau đó em lại phải rửa chỗ ruột lợn mà người ta moi ra. Em phải rửa sạch cứt thối trong ruột lợn, em làm theo bà thợ máy đang cùng làm với em. Công việc này bà ta không thấy ghê như việc chọc tiết lợn.
Nhóm lửa cũng là công việc của em. Việc rửa ruột kéo dài khá lâu, nên trong khi dọn dẹp em phải liên tục chạy đến chỗ nhóm lửa, vì em nhớ đến cái chảo của nhà Xennhesơ: “Trơre, nhóm lửa!”. Cho đến tối mịt em không có thì giờ để thở nữa, em luôn có việc để làm vì chế biến thịt lợn là công việc to lớn lắm mà. Tất nhiên là Fater không có ở nhà, nhưng đến trưa thì gã mò về, gã đợi món thịt lợn mới rán, với món dưa chua gồm dưa chuột ngâm dấm và cải bắp chua mới muối.
- Đây là tất cả sao? - Gã thợ máy nói. - Món nước xúp luộc lòng lợn đâu rồi?
- Chúng ta còn có thì giờ cho món đó.
Nhưng lúc này Fater không sinh sự gì cả, gã bằng lòng, vì gã nói rằng gã rất thích vị tươi ngọt này của món thịt.
- Còn thiếu món nào thì đến tối chúng ta ăn bù trong bữa tiệc thịt lợn liên hoan - Gã nói thêm.
Bữa cơm thịt lợn liên hoan này cứ ám ảnh trong đầu Trơre. Em đã quen nghe cái từ đó, nhưng em chưa nhìn thấy cảnh đó, vì ở trại người ta không làm liên hoan. Ở trại người ta chỉ giết và chặt hết con lợn này đến con lợn khác, nhưng việc đó không phải là trò chơi tuyệt vời như ở đây, trong thành phố này.
- Ôi, thích quá, - em nói một cách vui sướng trong khi làm, - hôm nay cháu ăn thịt lợn liên hoan.
Nhưng đứa con gái bà thợ máy chỉ cười, nó lại không biết điều nữa. Nó liên tục chế giễu em rằng con này được ăn thịt lợn liên hoan. Và nó nói như thể là nó không được gì cả.
Khi trời chập choạng tối, gã thợ máy bảo:
- Đi lấy rượu vang.
Em hiểu đấy là gì, vì em luôn phải đến quán rượu. Dù họ đi đến cửa hàng, đến thợ đóng giày, hay đi bất cứ nơi nào em cũng phải đi theo. Lần nào đến cửa hàng, túi Điti cũng bỏ đầy kẹo, em phải đi bên nó. Trên đường, Điti nhá kẹo mềm, còn em thì rỏ nước dãi mà không được ăn.
- Cái gì, mày không có mẹ mà cũng muốn có kẹo à?
Giờ đây em cũng đi trên đường với cái hũ mười lít, phình bụng, bằng thủy tinh dày, cái hũ rỗng cũng đã nặng. Hũ được bọc trong một chiếc giỏ nan có hai quai nên có thể tha đi được. Khi em mải mốt trên đường thì có hai người lạ mặt đứng trước hiệu thuốc. Đó là hai người trẻ tuổi, người đàn ông thượng lưu và người đàn bà thượng lưu, trẻ tuổi. Em không quen họ, em cũng chẳng nhìn họ nếu người đàn ông trẻ tuổi không gọi:
- Lại đây, cô bé.
Em lo sợ đứng lại, nhưng em không dám đến gần.
Lúc đó những người lạ ấy nhìn em, rồi chính họ đi đến chỗ em.
- Nói đi, cô bé, em có mẹ không?
Cô bé chỉ nhìn họ, không nói.
Lúc này người đàn bà trẻ tuổi lên tiếng:
- Em cứ nói đi, chúng tôi không muốn điều gì xấu đâu.
Em nói là em không có mẹ.
Cả hai người lớn rất ngạc nhiên, vì họ không chờ đợi điều này.
- Sao lại không có?
- Không có, và chưa từng có.
Những người đó càng im lặng hơn.
- Mồ côi?
- Không phải mồ côi. Người Nhà nước.
- Cái gì cơ?
- Cháu không biết, người ta nói như vậy.
Họ nhìn em ngạc nhiên.
Họ không biết người Nhà nước có thể là cái gì vậy.
- Thế cô bé sống ở đâu?
- Ở nhà.
- Nếu không có mẹ thì em có ai? Có dì ghẻ, đúng không?
- Không.
- Vậy thì cái gì?
- Cháu không biết. Những người đánh đập cháu.
Nghe thế họ cũng hoảng lên. Họ sửng sốt trước sự ngây thơ, nhưng họ không dám cười, vì cô bé đi trong đêm lạnh giá, gió thổi với một cái hũ quá nặng là cảnh tượng thật đáng sợ và đau lòng.
- Tại sao người ta đánh em? Cô bé kể cái gì về mình đi! Cô bé xem này, có hai mươi xu mua kẹo đây, cô bé cứ nói đi.
Cô bé cầm lấy tiền, em mừng và bắt đầu cười.
- Đợi một chút, tôi có kẹo đây. - Người đàn bà trẻ tuổi, xinh đẹp nói, đoạn chị mở túi mua hàng lấy ra hai chiếc kẹo đưa cho em.
Đứa trẻ mồ côi cầm lấy và cho vào miệng cùng một lúc hai chiếc kẹo. Em ăn vội vàng như con mèo đè lên miếng ăn để người ta khỏi lấy mất của nó. Cứ cho ngay vào miệng là hơn.
- Nào, bây giờ em nói đi, vì những chuyện như thế này cô chưa được nghe. Ai chăm sóc em? - Cháu không biết. Bà lớn ở hội.
- À, ha. Hội, đây là Hội trẻ em mà những hộp quyên tiền của nó ta thường gặp ở ngoài đường. Họ vẫn thu thập. Thế ra cô bé thuộc về nơi đó.
Nhưng cô bé chỉ nhún vai, em không hiểu điều này.
- Thợ xay. Ông thợ máy.
- Ai cơ?
- Fater. Bây giờ cháu ở chỗ ông ấy. Cháu đến quán rượu mua rượu. Xẽ có liên hoan thịt lợn.
Em nói như vậy, người đàn ông trẻ tuổi cũng đoán được vài điều, anh giải thích cho người đàn bà đội mũ:
- Anh nghĩ là có lẽ gã thợ máy đã xin cho cô bé ra, rồi nhận làm con nuôi.
- Không có tin tức gì về bố mẹ em à?
Đứa trẻ mồ côi chỉ lắc đầu.
- Mẹ không hay đến thăm em sao?
Về điều này em cũng chỉ lắc đầu.
- Em chưa bao giờ thấy mẹ à?
Em cũng lại trả lời bằng sự chuyển động cái đầu.
Người đàn bà trẻ tuổi giờ đây rất ngượng ngùng. Ai biết được là nhớ tới điều gì.
Chị ta nhớ ra điều gì ư? Chị ta nhớ ra rằng mẹ của cô bé không đến thăm làng như chị ta, và thế là cô bé phải chịu đựng.
Người đàn ông trẻ tuổi cầm lấy cái hũ ở em, anh mang giúp em.
- Cháu mang thế nào được cái hũ này về đến nhà nếu nó đầy nước? - Người đàn bà xinh đẹp lo lắng hỏi.
Đứa trẻ mồ côi ngước lên liếc nhìn chị. Giọng chị ta đầy vẻ lo âu và tốt bụng đến nỗi em ngạc nhiên.
- Cô cũng có một đứa trẻ mồ côi à? - Em hỏi.
Trước câu hỏi này người đàn bà cũng như người đàn ông đều im lặng một lúc, sau đó người đàn ông mỉm cười, còn người đàn bà thì kêu to:
- Ôi, Chúa tôi! - Chị ta kêu - Ôi, Chúa tôi! - Chị ta kêu lên.
Họ đã ở trước quán rượu, người đàn ông đặt cái hũ thủy tinh lên bậc thềm của quán rượu và đi theo người đàn bà lúc đó đang chạy, dường như chị ta cần phải chạy. Nhưng chị ta còn ngoái lại nhìn một lần nữa, và khi thấy đứa trẻ mồ côi vẫn đứng đó mà nhìn theo họ, chị ta quay lại cho em một đồng năm pengguê.
- Đây cháu.
Lẽ ra chị ta đã chạy rồi, nhưng chị ta còn vuốt ve khuôn mặt em và nói:
- Cháu đừng đánh mất nhé.
Rồi chị ta đi sau em, và họ biến mất trong bóng tối, không thể nhìn thấy là họ đã đi về đâu.
Trơre đi vào quán rượu, em mua rượu vang. May cho em là quán rượu không xa, gần như đối diện với nhà em, cái cối xay cũng có ở đó ngay phía trên họ, nó xòe những ngón tay to ra như canh giữ.
- Nào, con chó chết này về đây. - Người ta nói ở trong nhà. - Mày còn kịp chết đấy. Mày rúc ở đâu suốt từ bấy tới giờ?
Nhưng cô bé đã đủ hết hơi, mười lít rượu vang tha về đến nhà nặng lắm chứ, tuy thế em vẫn cười và im lặng.
- Mày hãy đi ngủ.
- Cháu chưa.
- Cháu chưa là gì?
- Cháu mang rượu vang về, thế cháu không được ăn thịt lợn liên hoan à?
- Được rồi, mày cứ ở lại, quỷ bắt mày đi.
Điều này làm cô bé phấn khởi lắm, em bắt đầu nhảy nhót và ca hát.
- Có lẽ nó đã uống rượu vang. - Người ta cười em, vì nhà đầy những khách.
- Con bé này điên mà. - Bà Veruê phẩy tay, còn con gái bà ta thì bĩu môi:
- Nhưng tại sao mẹ lại để nó ở trong ấy. Tống nó xuống nhà bếp.
- Cho nó xem một tý. 
Cô bé còn hạnh phúc là Muter Veruê đã không đuổi em xuống nhà bếp mà chịu để em ở trong này.
Muter bỏ đầy lòng, xúc xích vào một cái đĩa sứ đẹp, bà ta cho nhiều đến nỗi Trơre cười to lên khi em nhìn thấy. Không thể nào ăn hết được từng ấy.
Nhưng em không cầm được đĩa vì trong lòng bàn tay có đồng năm pengguê.
Em đưa nó cho Muter.
- Cái gì đây? Mày ăn cắp ở đâu cái này?
Bà ta bắt đầu làm ầm ĩ:
- Các người nhìn xem, cái con khố rách áo ôm này ăn cắp một đồng năm pengguê trong quán rượu, nó lại còn đưa cho tôi. Mày có mang trả lại không?
Bà ta đánh vào cổ em.
- Thôi, bà vợ ông thợ máy, bà hãy hỏi nó lấy ở đâu?
- Nó lấy ở đâu nữa, con này là kẻ cắp, nó lấy cắp tất cả. Chúa phạt tôi đấy. Mày ăn cắp ở đâu?
- Cháu không ăn cắp… Cô ấy cho.
- Cô nào, quỷ bắt mày đi, cô nào?
- Ở ngoài đường.
- Ở ngoài đường nào vậy. Nói đi, tao xé xác mày ra đây. Tôi có bao nhiêu bực tức với nó rồi. - Chị đừng có cơn tức giận nào hơn thế. - người đàn ông mặt đỏ cười ha hả. - chỉ vì đứa kẻ cắp đã bất chợt mang tiền về nhà. Tôi cũng đã từng có một đứa kẻ cắp, một lần nó cũng mang về nhà một tờ tiền trắng. Trong thời kỳ có tiền trắng ấy. Nó là đứa duy nhất thích giấy bụng trắng.
Mọi người đều cười. Nhưng bà vợ ông thợ máy muốn xác minh ngay là bà ta không nuôi kẻ cắp.
Trơre rồi cũng đã lắp bắp được cái gì đã xảy ra, và xảy ra như thế nào. Bà ta không tin, tuy vậy bà ta cũng không lấy lại cái đĩa.
- Rồi hôm mai tao sẽ biết. Ngồi xuống, ăn đi.
Trơre ngồi xuống cái ghế con ở góc nhà, em ăn thong thả, từ tốn và em nhìn cuộc liên hoan thịt lợn.
Em rất thích, em cũng đã bằng lòng vì em cảm thấy người ta tin điều em vừa nói, em sẽ không còn bị trách mắng vì đồng tiền trắng tròn kia nữa.
Điều quan trọng là em đã ăn no, em không còn đói nữa.
Lúc đầu mọi người không làm gì cả, họ chỉ ăn và nói chuyện. Rằng con lợn mới đẹp làm sao, sở dĩ họ vỗ béo nó vì nó đẻ con và cả đám con đó đều chết dưới bụng nó.
- Không nên giữ làm gì nếu nó không biết nuôi con!
- Không, không nên. - Người có bộ mặt đỏ, béo cười hể hả. - Những con lợn con chết là do ông bà hay đánh con bé vì con lợn đấy! - Và ông ta cười ầm lên như thể vừa nói xong một chuyện tiếu lâm vậy.
Cô bé cũng cười ở góc nhà, và bao nhiêu lần nhớ lại điều ông mặt đỏ nói là bấy nhiêu lần em lại cười và cắn thêm một miếng lòng lợn, dường như em muốn có sự đền bù cho chính mình, do đã phải chịu chửi mắng vì con lợn.
Sau đó bà Veruê thu dọn ở trên bàn không còn cái gì nữa trên chiếc khăn trải bàn. Chỉ có những cái cốc đầy rượu vang. Người ta bắt đầu hát những bài dân ca cũ. Lão đồ tể - người đã làm thịt lợn, lão ta cũng được mời đến - bắt đầu hát rằng: “Ở Buđapet, ở Buđapet các cô gái tinh nghịch, dưới váy, dưới váy đùi hở ra”.
- Ôi, xin đừng hát như thế, con Trơre ngay sáng mai thôi sẽ gào lên câu đó.
Nhưng cho dù họ không muốn thì cô bé cũng đã để ý đến bài hát, và khi họ hát lần thứ hai thì em cũng lẩm nhẩm theo ở trong góc: “Ở Buđapet, ở Buđapet các cô gái tinh nghịch…”. Rồi chẳng bao lâu những người khách đi về nhà ngủ. Ông bà Veruê cũng bắt đầu cởi quần áo, Họ đuổi cô bé là “xéo cha mày đi, con cú đêm”, vì chuyện gì cô bé cũng chõ mũi vào. Lúc nửa đêm em mơ thấy mẹ đẻ em xuất hiện. Bà to lớn, béo khỏe, nhưng chính là cái cô xinh đẹp lúc tối, đi với người chồng cho em tiền. Mẹ em nói là bà đưa em đi, nhưng em không muốn đi, thế là mẹ em lấy dây trói em lại để đưa đi. Thấy vậy, em hoảng sợ quá, và em tỉnh dậy trong bóng tối em càng sợ hãi.
Sáng hôm sau người ta nói rằng có người thấy một đôi nam nữ trẻ tuổi tự tử ở mé rừng nhỏ trong một bụi cây. Khi người ta tìm thấy thì cả hai đều đã chết.
Đứa trẻ mồ côi cũng đi ra chỗ mà mọi người cùng đi để xem, nhưng em chỉ thấy quần áo của những người tự tử, và em nhận ra rằng em đã nói chuyện với những người này tối hôm qua, họ đã cho em năm pengguê.
Nhưng em chỉ muốn được nhìn thấy mẹ em một lần nữa, em biết rằng người này không phải là người em đã thấy trong mơ, vì cô ấy người mảnh khảnh, còn mẹ em thì to lớn, khỏe mạnh, và khi mẹ trói tay em em không bị đau. Em không hiểu tại sao em lại thức dậy lúc đó. Khi Điti nhìn em, em nói với nó: “Chị thấy chưa, em cũng có mẹ đấy, mẹ em vừa đến với em trong giấc mơ, mẹ em muốn đưa em đi nhưng em không đi”.
- Mày có gì cơ? - Và Điti cười hô hố. - Mẹ có nghe con bé khốn khổ này có cái gì không? Nhưng Trơre không lấy đó làm điều, khi người ta nói em là đồ khốn khổ, em đi ra sân và bắt đầu hát gào lên rằng ở Buđapet, ở Buđapet các cô gái tinh nghịch…
- Tao đã nói là nó sẽ gào lên. - Bà Venuê nói. - Con lợn này có cái tai mà chỉ cần nghe bài hát một lần thôi thì bài hát đã là của nó rồi. Còn mày thì tao cho người dạy pianô chỉ vô ích, mày ngu như bò, tao chỉ vứt tiền đi thôi.
- Nhưng con có kẹo. - Điti nói một cách kiêu ngạo, đoạn nó gọi cô bé đi với mình. Nó đưa em đi là để khoe với cả làng rằng nó ăn kẹo suốt dọc đường mà không thèm cho kẻ đang lê từng bước sau lưng nó, và đang liên hồi ngước nhìn nó như con chó con nhìn chủ, miệng há ra và để lưỡi thè lè.
Lúc đó, trong lớp bụi đường, cô bé thấy một cái lõi táo dính bụi đã bị cắn một nửa, em liền nhặt lên, lau bụi và ăn ngon lành.
- Tởm. - Điti nói. - mày còn tồi hơn cả loài chó.
Nó đi về nhà, và mách lại cho mẹ nó nghe rằng con cú bẩn thỉu này đã làm gì, rằng nó sẽ không đi với em nữa, em ăn những thứ mà con chó cũng bỏ lại.
- Nó không có mẹ. - Muter Veruê nói.
- Cháu có mẹ - Mồ côi thầm nghĩ. - Nhưng nếu mẹ đến một lần nữa là tao đi luôn với mẹ, tao không ở đây với các người đâu. Đi học các người cũng không cho.
Bây giờ em thấy mình ngày càng nghĩ nhiều đến mẹ. Tại sao em không có mẹ đẻ, nếu em có? Tại sao mẹ không đến với em? Tại sao mẹ không đưa em đi? Cũng chẳng có ai nhìn thấy mẹ bao giờ. Chỉ có mẹ tôi một lần nói rằng mẹ em có thể là loại người thượng lưu. Bà cũng nói rằng mẹ em to lớn, béo khỏe.
- Hãy đến đây với con, mẹ hiền tốt bụng của con. - em khóc thầm khi nép được vào góc nhà. - Mẹ hãy đưa con đi với mẹ, con sẽ không hoảng sợ nữa, vì mẹ thì được trói tay con, mẹ không làm con đau.
Em cũng không ngại nếu mẹ em đánh em bằng cái đập bụi, cái đập bụi cũng không làm em đau.
- Mình đã thấy là mình có các loại mẹ, và sẽ có nữa, chỉ mẹ đẻ là không có.
Lúc khác, nếu có chuyện không may là em bắt đầu khóc và em nổi cáu một mình, em chửi mẹ bằng những lời mà người ta dùng để chửi em: Đồ chết tiệt, sao mẹ bỏ con ở đây, mẹ hiền tốt bụng của con, sao mẹ không gặp được con gái bé bỏng của mẹ? Mẹ hãy mang dây đến đây, trói con lại và đưa con đi với mẹ, vì từ khi con sống đến nay, con chưa nói được với ai là mẹ hiền của con, con cũng chưa gục đầu vào lòng ai cả. Khi chúng con đi đến mộ người chết, ai cũng có mộ, chỉ riêng con là không có, thế mà con cũng thắp nến cho mẹ, nhưng con không biết để nến vào đâu, vì mẹ của con không có mộ, bởi vì con đã thấy mẹ vẫn đẹp và béo, khỏe, mẹ muốn đưa con đi. Bây giờ con cũng có nến, con đang giấu đi, diêm con cũng có, con thắp nến cho mẹ, mẹ ạ. Thật đấy.
Và em khum bàn tay bé nhỏ như thể em đang cầm nến trong đó, và ngọn lửa nhỏ của cái nến cũng lóe sáng, bập bùng trong gió như ngoài nghĩa địa khi em đến đó với mẹ tôi cùng bọn trẻ.
Nhưng bố tôi không còn nữa, bà Xennhesơ cũng không còn nữa. Bỗng nhiên Muter Veruê trở về nhà và nói lúc ăn trưa:
- Các người đã nghe là quân cảnh đang tìm con bé người Nhà nước của chúng ta chưa?
Và họ tìm em thật, quân cảnh đã đưa em đi và họ hỏi em là bác thợ già chết ở đâu trong chuồng bò. Em kể lại là Dobo Mari đưa cho em một cái cốc nhỏ để em mang ra cho bố già, bố già hỏi “có thức ăn trong ấy à”. Vì Dobo Mari nói là ông ta xẽ không than thở với ai được nữa nếu ông ta uống cái này.
Em nói khó nghe hơn những lúc khác, nhưng em nói đúng như sự việc đã xảy ra lúc đó. Quân cảnh đã hiểu rõ. Và sau đó có tin đến là người ta đào bác thợ già lên khỏi mộ, các bác sĩ đã xét nghiệm, người ta sẽ treo cổ Dobo Mari.
* * *
Lúc đó lễ Noel đã đến.
Điti nói rằng Chúa Giêsu mang cây thông Nôel đến chỉ cốt để cho nó.
Mồ côi chưa từng thấy cây thông Nôel, em rất muốn được nhìn thấy. Điti nói rằng Chúa Giêsu còn mang nhiều quà đến cho tất cả mọi người, chỉ những kẻ xấu xa, độc ác, khốn nạn thật sự là không được.
Mồ côi phải mang từ chợ về nhà cây thông to mà họ mua ở đó. Bà Vêruê trả tiền, nhưng cây thông thì em mang một mình, không có ai giúp em. Vì không được kéo lê dưới đất, em phải ôm cây mà mang đi, nhưng cây thông lại đâm, mẹ kiếp, lá nó cứ đâm không thể nắm được, nó đâm qua cả quần áo. Nhưng Mồ côi là đứa trẻ mà đã bắt tay vào việc gì thì cần phải làm xong việc đó. Còn lâu em mới vứt nó đi, thế nhưng em cũng chẳng biết cái cây này dùng để làm gì, không có ai nói cho em biết rằng cái cây này sẽ là cây thông Nôel đẹp có tiếng. Em lại cứ tưởng thật rằng Chúa Giêsu sẽ mang cây đến, giá mà người ta nói cho em biết, em cũng không hiểu được đây là cái gì.
Cái cây nằm hai ngày trong gian nhà kho nhỏ ở trước hầm chứa rượu vang. Nhà kho này làm bằng gỗ tấm, và trong đó chất đống đủ loại. Một dạo nhà có nuôi một chú cừu non, bộ lông của nó còn ở đây. Đến rêu cũng có, và cả cỏ khô mà người ta định nhồi vào đệm nữa. Mồ côi bé bỏng rất thích chui vào đây, vì ở đây chẳng có ai tìm cả. Em có cây nến giấu ở đây, để thắp cho mẹ em.
Khi em vào đây với cái cây, em cũng ngồi xuống, cần phải cất cái cây ở đâu để người lạ khỏi nhìn thấy. Muter bảo như vậy.
Ôi, trước ngày lễ mới lắm chuyện rắc rối, em phải liên tục đi chợ, và mang vác, nếu ở nhà thì toàn những nấu với nướng, đủ các loại công việc. Tay em đã bị nước tẩy ăn mòn hết do em phải rửa, giặt nhiều. Từ sáng đến tối em phải cọ sạch những cái bát, đĩa gỗ bằng bụi đá. Nhưng không sao, cô bé trở nên trang trọng: Tối hôm nay Chúa Giêsu mang quà đến.
Chưa có ai mang quà đến cho em như vậy, nhưng Chúa Giêsu là người hiền, tốt hơn kẻ khác. Chắc chắn mẹ em cũng biết ông, vì ông cũng ở trong mơ thế nào ấy. Hôm phục sinh em đã gặp ông, hôm đó ông bị thương nằm trong cái áo choàng sáng giữa cái hòm sang trọng bóng loáng, nhưng ngày lễ Nôel ông nhỏ người và tốt bụng. Em tin ở ông.
Chập choạng tối, gã thợ máy về và nói:
- Hê… ở đây có cái hũ mười lít và cái chai lít rưỡi, chạy đi. Nhưng không phải đi đến quán rượu, mày hãy đến nhà lão nông dân và lấy rượu mang về. Tiền đây. Mày biết là lấy ở đâu chứ. Đường Anđrasy. Khách người ta đến ngay đấy. Nhanh lên. Vắt chân lên cổ mà chạy.
Cô bé hơi hoảng, vì trời đã tối và lão nông dân thì lại ở rất xa. Thỉnh thoảng vào ngày chủ nhật, nếu họ mua nhiều rượu vang, những năm lít, thì em phải đi đến đó. Họ cho hai cái chai lớn vào giỏ, và em đã lên đường, đến tận nơi.
Trời tối, trăng không sáng, những ngôi sao cũng không có ở trên trời, trong làng thì không hề có cái gì chiếu sáng. Ngoài cái máy xay và gã thợ máy có điện, họ lấy điện từ máy xay, những người khác làm gì có điện. Cho nên khi em đi ra khỏi vùng sáng vào bóng tối, em cũng không nghĩ ra được là em đến ông chủ rượu vang như thế nào. Lúc em đi qua cổng, cái sọt chỉ với những chai rỗng mà đã nặng đến nỗi nó vặn vẹo, nghiêng ngả trong tay em rồi va phải cây keo bên vỉa hè. Em lo chai bị vỡ, vì nếu thế thì nguy khốn cho em.
Gã thợ máy nhìn theo em, gã đã nhìn thấy tất cả. Gã liền đi tới đó và hỏi chai có bị vỡ không?
- Không ạ.
Nhưng gã vẫn lấy chai ra xem, và không thấy vết gì trên đó cả.
- Thôi đi đi, mày biết ở đâu rồi chứ?
- Cháu không biết, làm sao cháu biết được.
- Quỷ tha ma bắt mày đi, đồ nhãi ranh thối thây, dễ thường mày chưa mua rượu ở đó hay sao? Liệu mà giữ chai, vì nếu mày va vào đó một lần nữa để nó vỡ thì đừng có về nhà nữa, tao không khuyên đâu. Ở cuối làng ấy, về phía mà người ta đi Ketrơkemet, ở đó không có nhà nào khác, mày sẽ thấy. Ở đó không tối lắm đâu.
- Bác đi đi. - cô bé lúng búng, nhưng chỉ khẽ thôi để Fater khỏi nghe thấy.
Gã cũng không nghe thấy, gã quay vào, không phải vì quan tâm đến em mà gã đứng ở cổng, gã ngóng xem khách đã đến chưa. Chưa có ai đến cả, vậy thì gã cũng không vui thú gì để đầu trần chịu rét cóng ở ngoài trời. Cô bé đặt cái sọt xuống em làm dấu thánh giá, rồi lại nhắc sọt lên đi về hướng Ketrơkemet. Em không gặp ai mà chỉ gặp những cây keo. Em còn đâm vào hai cây keo nữa, vì những cái cây đó được trồng một cách lộn xộn. Đứa trẻ mồ côi tội nghiệp toàn vấp vào cây, bởi em đi mua rượu vang trong bóng tối, bởi em bị quáng gà.
Thế rồi cuối cùng em cũng đi đến nơi, em không biết là chó thả rông, cứ như vậy em đi thẳng vào hiên nhà, tức thì hai con chó lớn hơn em nhảy xổ ra nhe răng gầm gừ, em vung sọt với những cái chai và bắt đầu kêu thét lên. Nghe tiếng chó sủa, chủ nhà nhìn ra ngay, ông ta gọi to: “Cút mẹ mày đi, chó!”. Ông ta đuổi chúng ra xa, chúng cũng chưa cắn em, chỉ có một con ngoạm lấy giày trên chân em và kéo xuống. “Ôi, cháu bị đau chân” - cô bé khóc. “Đừng để ý đến nó”, - Chủ nhà nói. Ông ta rót rượu vang, rồi tiễn đứa trẻ ra cổng. Ông ta chỉ hỏi: “Cháu mang rượu vang đi đâu?”, “Về nhà ông bà Veruê”. “Vậy ra cháu đến đây một mình? Cháu mang được những chai to này à? Đối với cháu nặng đấy”. Nhưng Trơre trả lời can đảm: “Cháu chịu được”. “Vậy thì cháu là cô gái cừ khôi, nhưng cháu phải cẩn thận kẻo ngã vì trời tối. Chúc cháu một lễ Nôel tốt đẹp”. “Cháu chúc bác ngủ ngon” - Cô bé nói, đoạn em nắm quai sọt bằng cả hai tay, lên đường một cách dũng cảm.
Thế nhưng cái sọt quá nặng vì phải đựng tới mười một lít rưỡi rượu. Cứ một phút em lại phải đặt sọt xuống thay đổi tay, em còn đang thử cầm cái quai bằng hai tay thì có người hỏi:
“Đi đâu, đi đâu cô bé?”. Trơre nhận ra đó là ông chủ sống cạnh gia đình em ở cuối dãy nhà. Em vui vẻ chào bác ta rằng chúc bác Môro buổi tối tốt lành. “Mày đấy hả, cháu bé bỏng, cháu mang gì thế?”. “Rượu vang”. “Rượu vang à? Đưa đây, để bác giúp cho”. Bác xách lấy sọt và nói: “Nặng, cháu ạ… Đây là Nôel của cháu sao?”.
Cô bé còn thở hổn hển một lát rồi em bắt đầu rảo bước bên bác. Như vậy khi trở về em không còn va mình vào những cây keo nữa, vì em đi một cách phấn khởi. Khi họ về đến cổng, bác hàng xóm đặt cái sọt xuống, nói: “Đừng nói là bác giúp nhá, cháu của bác, vì bọn Slôgerôc mắng cháu đấy. Cháu chỉ nói cháu rất mệt, thế là đủ”.
Em khéo léo mở cánh cửa nhỏ, mang sọt vào, nhưng cái sọt nặng đến nỗi từ cổng đến cửa em phải đặt xuống hai lần để nghỉ.
- Thế ra mày đã về rồi đấy?
- Về rồi.
- Chuyện lạ là mày đã về.
Nhưng em chỉ nhìn một cách sung sướng. Em không dám nói là em muốn biết Chúa Giêsu đã đến chưa? Vì em tưởng mình bị khiển trách nên em chỉ im lặng nhìn trộm xem Chúa đã đến chưa?
Bỗng dưng Muter Vêruê bảo: “Mày đi ra ngoài, tao không thích mày ở đây”.
Thế là em phải đi ra sân, em đứng thơ thẩn ở đó trong đêm tối.
Em rất buồn, gió lại thổi. Em từ từ mở cửa gian nhà kho nhỏ, em bước vào tránh làn gió. Ở đây em tìm cây nến nhỏ của mình, em đốt nến và cầu nguyện đến mẹ em:
“Mẹ hiền của con, mẹ nói với Giêsu gửi cho con một món quà đẹp gì đấy, vì không có ai cho con cả, vì con chỉ là một người Nhà nước bé nhỏ, và cái sọt nặng lắm, thế mà có một người tốt bụng đã mang giúp con”.
Em không biết nói điều gì khác, em chỉ nhìn ngọn nến nhỏ cháy, ngọn nến cứ bập bùng, bập bùng như trong nghĩa địa, nơi có gió đung đưa.
Em ở đây hồi lâu, nơi này cũng rất lạnh, em bị rét.
Em nghe có tiếng gọi:
- Hê, mày ở đâu, hê?
Em đi ngay khỏi gian nhà kho, rồi vội vào nhà bếp, và em để ngọn nến của mẹ cháy ở đó vì người ta đang gọi.
- Tại sao mày không lên tiếng? Phải gọi bao nhiêu lần nữa hả?
Em không trả lời mà chỉ đi vào.
- Bây giờ mày có thể ăn tối rồi đi ngủ.
Nghe thế em rất ngạc nhiên, lo lắng:
- Nhưng chúa Giêsu vẫn chưa đến với cháu.
Điti nghe thấy, nó bắt đầu cười hể hả:
- Giêsu mà thèm đến với một đứa ghẻ lở như thế à? Chúa Giêsu đã đến đây, mang cho tao hai bộ quần áo đẹp, một đôi giày, một cái áo khoác ngoài, ba bộ quần áo lót, dải băng, và nhiều kẹo, nhiều hơn Miculasơ. Ôi, cái mà Miculasơ biết làm chẳng thấm vào đâu. Chúa Giêsu mới là có thực và khéo tay.
- Chúa mang gì cho em?
- Mang cái gì cho một người Nhà nước vô dụng kia chứ!
Mồ côi bé bỏng tiu nghỉu. Lúc đó có ai mở cửa và mắt em phát hoa lên trước cảnh tượng em thấy ở trong phòng. Ở đó, giữa bàn có một cái cây bằng bạc kỳ lạ, toàn những thứ đẹp màu trắng và lấp lánh sặc sỡ. Những ngọn nến điện cũng cháy ở trên đó, vì gã thợ máy đã mắc nến điện, chả là họ không mất tiền điện mà.
- Mày kinh ngạc cái gì thế, đồ con bò, thế mày còn chưa thấy cái này hay sao?
Mồ côi bắt đầu khóc, em nói:
- Cháu chưa thấy.
Nghe thế mọi người đều cười hô hố, con bé mới ngu làm sao.
Nhưng lúc đó chính em cũng không biết tại sao em lại dám đi vào trong phòng, mặc dù không được gọi, và em đứng khóc ở dưới cái cây. Em chỉ cảm thấy là em sẽ không bao giờ có được cái cây như thế.
- Mày ra khỏi đây đi, không được khóc dưới cây thông nôel.
Muter nói:
- Đi ra ngủ!
- Nhưng cháu muốn đợi Giêsu, bác ấy cũng mang quà cho cháu.
- Chúa Giêsu đã ở đây nhưng không mang gì cho mày cả.
- Mày không có mẹ, xéo cha mày đi, đừng làm người khác bực mình. - Điti quát lên, và nó lại khoe là Chúa đã mang cho nó đủ mọi thứ.
Nhưng Trơre mải khóc nên em không nghe thấy.
Lúc ấy Muter lấy một chiếc kẹo ở cái cây.
- Nào, đây này, Giêsu gửi cho mày cái này đây.
Thấy vậy trái tim cô bé tràn ngập niềm biết ơn, em không nghe người ta đang cười mình. Em hoàn toàn thanh thản, em bắt đầu hạnh phúc vì Giêsu cũng mang quà cho em.
- Giờ thì mày ra sân, đi ba vòng quanh giếng rồi trở lại đây. Lúc đó điều mày mong ước sẽ được toại nguyện.
Đứa trẻ mồ côi mong ước mẹ em đến và đưa em đi vào cõi rực sáng bao la, vào bầu trời.
Nhưng người ta đuổi em ra là để đón khách. Bàn đã trải, có nhiều đĩa và thìa dĩa ở trên đó. Lúc này họ bày lên bàn bánh ngọt, bánh ga tô và tất cả các thứ khác, họ không muốn em làm quẩn chân ở đấy.
Mồ côi vâng lời, em ra ngoài và đi ba vòng quanh giếng, rồi em quay vào nhà. Em tưởng mẹ em đã xuất hiện trong cõi rực sáng bao la, em nhìn thấy hiên nhà rực cháy, bừng sáng và cũng lấp lánh như cây thông Nôel vậy. Nhưng em không nghĩ gì về lửa đang cháy, em cần phải đi vào - em nghĩ - và em cũng đã đi vào.
Lúc đó cả mái nhà đang cháy. Nhà kho thì đã bốc cháy hoàn toàn. Ở trong nhà cô bé muốn nói là ngoài kia có quầng sáng lớn trên nhà, nhưng người ta quát em không được nói những lời ngu xuẩn. Họ tưởng em chỉ nói thế vì em vừa mơ thấy gì đó dưới những ngôi sao.
Đến nửa đêm tuyết bắt đầu rơi. Lễ Nôel màu đen biến thành Nôel màu trắng đẹp.
Ba ngày sau các xà nhà bị cháy đều đã tắt lửa, và tuyết phủ dày lên những mảnh gỗ gãy vụn.
Dấu vết cũng không chứng tỏ ngôi nhà đã đứng ở đây, trong đó có những con người đã sống, và những con người đó đã hết đời dưới tuyết. Đã hết rồi tiếng nói và sự chuyển động của họ, đã hết rồi sự độc ác, đã hết rồi sự dã man. Tất cả đều thanh bình, toàn bộ cuộc sống trở thành một cái gì khác. Những cái lưỡi thành than bụi, và những sự xúc phạm thành khói và hơi nước.

                                                        Hết

3 nhận xét:

  1. Tác giả đã gọi tác phẩm Đứa trẻ mồ côi là “một cuốn tiểu thuyết khủng khiếp”. Tiểu thuyết này được viết thành bảy thánh ca, mỗi thánh ca là một đoạn đời của em bé mồ côi. Toàn bộ sự khủng hoảng của xã hội được thể hiện qua cuộc đời của cô bé Trơre bảy tuổi, trong mối quan hệ của em với thế giới xung quanh. Tác giả nhìn thế giới bằng con mắt của cô bé và nói về thế giới cũng bằng ngôn ngữ và tâm lý của em.

    Trả lờiXóa
  2. Cái thế giới độc ác, xấu xa, ti tiện... mà cô bé mồ côi Trơre phải sống trong nó cũng nên bị đốt cháy sạch đi để may ra từ đống tro ấy, những cái tốt đẹp hơn có chỗ nảy mầm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. V da doc xong, rat am anh, tac gia phan anh nhung mang toi cua hien thuc, nhung goc khuat trong tam li con nguoi- cai phan xau xa ma hau nhu ai cung co it nhieu, va ko quen nhac nho ve Nhan-Qua de canh tinh, thuc tinh. Cam on NXT nhieu a!

      Xóa