Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Đứa trẻ mồ côi - Móricz Zsigmond (P 1)

Đứa trẻ mồ côi

Tác giả: Móricz Zsigmond
Dịch giả: Trương Đăng Dung

Nhà xuất bản Văn Học - 1987

Thánh ca thứ nhất

Mặt trời gay gắt và muôn thuở mọc giữa trời và đất như quả trứng non của con gà đần độn. Ánh sáng đỏ và vàng ồ ạt tràn vào sương mù xanh lúc bình minh. Còn chưa có chất vôi trong vỏ, mặt trời giãn ra một cách bấp bênh, rồi hầu như chảy loang khắp: quả trứng đã đập ở trong lòng chảo màu nâu.
Cái trại nhỏ trên thảo nguyên mênh mông.
Ngôi nhà nhỏ như trong truyện cổ tích: rêu mọc phủ lên mái nhà lợp bằng lau sậy đã đen, nóc nhà bị cò và gió bão hất lên, bức tường đất dù có dầy như thế nào vẫn nghiêng như cây nấm mã bột đàm, chực đè lên những người sống trong đó. Nhưng điều đó hãy còn lâu, vào một đêm gió bão nào đấy.
Hôm nay cái trại còn hạnh phúc. Ở đây tất cả chỉ có thể tốt đẹp và mãn nguyện. Trại là nơi ở lâu đời của người và gia súc. Trại không có bờ rào ở đâu cả, đến dấu vết của nó cũng không có, mà bờ rào để làm gì? Trại gần đây nhất cũng nằm trong khoảng cách vô định. Thậm chí không cần phải ngăn gia cầm. Không có gì để đào bới, gà vừa nhảy từ hai cây dâu cong xuống đã sang ruộng mới gặt để kiếm ăn.
Sống và yên nghỉ ở đây tốt biết bao! Làm trẻ con ở đây thích biết bao!
Cô bé nhỏ xíu đứng giữa đồng dưới bầu trời bao la. Bằng mu hai bàn tay con con, em vừa xua giấc ngủ khỏi mắt mình. Em đứng đó như thượng đế đã sáng tạo nên, em đứng đó không manh áo che thân dưới mặt trời lên cao, ngơ ngác.
Đến những con chim cũng bây giờ mới tỉnh giấc, chúng sắp sửa hót líu lo, vui nhộn, riêng cô bé - gà con vẫn đứng phụng phịu. Sương rơi xuống thân thể nhỏ bé, gầy yếu màu nâu như một con chim nhỏ của em.
Em không nghĩ gì cả, em cũng chẳng biết là em đã đến đây ra sao. Em buồn ngủ. Em như chú mèo con, nhưng mèo còn biết kêu rên và tắm rửa, còn em bé bỏng chỉ đứng một cách tuyệt vọng. Có chăng niềm hy vọng ở bông hoa cát cánh thảo nguyên khi nó đứng trong bình minh, rung rinh nở dưới mặt trời?
* * *
Một người đàn bà gầy gò, khô quắt bước ra sân. Thoắt cái, mặt trời đã ở trên cao trong tầm hai gang tay như quả cầu màu trắng nóng bỏng, bạn chớ nhìn vào nó.
Dường như người đàn bà vừa nuốt một quả dưa hấu Hy Lạp to nhất cánh đồng, tạp dề của bà nhô ra một cách kỳ quặc, bà muốn che kín đi chăng? Bà đã ăn cắp dưa hấu? Sáu đứa con ríu rít chạy qua cái cửa thấp ra ngoài, mẹ chúng cùng một lúc săn sóc đến tất cả. Sự quan tâm của bà trong phút đầu tiên là rít lên bằng cái giọng than thở, mệt mỏi. Bà lên lớp về đạo đức:
- Giá mà quỷ tha, ma bắt chúng mày đi!
Mặt trời không có việc gì khác là nhích lên từng gang xem con người làm gì trên mặt đất. Từ trên ngọn cây nhiều cành mặt trời đã nhìn thấy ở cổ hai đứa con trai lớn có đeo túi dết, và trong túi dết có thức ăn. Chúng đi đến vườn nho với ông bố - con người lạnh lùng có đôi mắt đỏ đang lê bước trong đám gia súc. Ông bận việc ở trại, nơi nào có gia súc thì nơi ấy chẳng bao giờ thiếu việc. Gia súc cần cây cỏ, cây cỏ lại cần đến cái cuốc, còn ở cuối cái cuốc là con người.
Cái trại hạnh phúc là vì ở đây ai cũng bận từ sáng đến tối, người nào muốn, người đó có việc làm ở trại. Mà ai có việc làm thì kẻ đó có bánh mỳ, rượu vang, và vui thú, thế là hạnh phúc.
Những đứa trẻ nhỏ hơn đi học ở bốn trường. Cả bốn đứa con đều đã đi học. Rô đi, cô bé nhỏ nhất vừa được mẹ cho chiếc áo sơ mi, nó mặc chiếc áo một cách tự hào. Chiếc áo được may bằng một loại vải thô, bền, trên hai cầu vai đều có in con dấu to như hai bàn tay một đứa trẻ, và các con dấu được in đậm thành một vòng tròn. Người mẹ hiền, tốt bụng ngắm nhìn đứa con trong chiếc áo mới. Trời hãy còn sớm, bà cũng không muốn nói, bà chỉ ngắm nhìn mà không dặn rằng con hãy giữ gìn chiếc áo. Bà hài lòng là con bà mặc chiếc áo sơ mi mới. Cả bốn đứa đều đã mặc xong quần áo, chúng nó có thể đi được rồi. Chỉ mới sáng sớm, nhưng cứ để chúng đi vì trường học ở xa bốn km rưỡi trên thảo nguyên. Cần phải đi, vì nếu chúng không đi thì người ta phạt bố mẹ. Đẹp biết bao khi đầy trại là những sinh vật sống. Đàn gà bới tìm giữa khóm cây cẩm quỳ, những con gà phi màu đen luôn nép vào nhau, con nào cũng muốn ăn cùng một miếng mồi. Lũ vịt, ngỗng thì cứ làm ầm ĩ, ở đầu kia con bò đang rống lên, còn bé Rô đi thì chuẩn bị đến trường trong chiếc áo mới.
Nhưng từ sau trại đang đi về phía trước đứa con thứ bẩy, đứa trẻ ở trần của Nhà Nước.
Bà mẹ quý hóa bên cạnh việc nuôi gà, nuôi lợn con còn nuôi thêm một đứa trẻ mồ côi của Nhà Nước để kiếm lợi cho mình. Nuôi đứa trẻ này thì hàng tháng Nhà Nước trả cho bà tám pengue (tiền Hungary từ năm 1927 - 1946), ngoài ra vào mùa xuân, mùa thu Nhà Nước còn cấp cho một chiếc áo, một đôi tất dài, một áo khoác ngắn; mùa đông Nhà Nước cấp cho một chiếc khăn to, bền làm bằng len và một đôi giầy trẻ con. Những thứ này thật cần thiết cho các con của bà. Giữa thời buổi khó khăn thóc cao gạo kém này thì mọi thứ đều quý, cần phải biết coi trọng. “Đừng làm rách áo, con!”. Đúng là không nhiều, lẽ ra bà lớn phải đưa hai chiếc áo sơmi, hai đôi tất, hai cái áo khoác, nhưng bà ta chỉ đưa mỗi thứ một chiếc. Số còn lại có trời biết bà ta cất ở đâu, bà ta đem cho kẻ nào đó vốn cũng có lần biếu xén bà ta. Nhưng cứ thử chất vấn bà ta mà xem: “Chị đừng nói dối, tôi đã đưa cho nó cả hai chiếc”. Bà ta còn dọa một cách dễ dàng: “Chị cứ nói nhiều vào, tôi sẽ lấy lại đứa trẻ khỏi nhà chị”. Đến nước ấy thì các bà mẹ tốt bụng đều phải đành lòng, vì thật ra nếu có mỗi thứ hai chiếc càng tốt, nhưng thế này cũng được rồi. Đã là nhà đông con thì phải biết quý trọng tất cả mọi thứ dù nhỏ nhặt nhất.
Đứa trẻ mồ côi không quần áo đứng nhìn một lúc cảnh chuẩn bị nhộn nhịp của lũ trẻ, rồi em bắt đầu nói:
- Cái áo kia là của con, thưa mẹ, áo sơmi của con. Mẹ đã mặc áo sơmi của con cho Rôđi.
- Mày có im đi không? Xem kìa, con lợn con đã về, lẽ ra nó phải đi làm. Lá củ cải đâu? Mày có câm mồm lại không?
Những đứa trẻ chuẩn bị đến trường cười to, nhìn con bé mồ côi đang đứng trần truồng trước hiên nhà. Khuôn mặt em méo xệch đi, em nhìn đăm đăm vào cái áo của mình, cái áo mà giờ đây em không thể thấy bởi trên người Rôđi còn có thêm chiếc áo khoác nữa. Em không nhận ra chiếc áo khoác, em hãy còn bé, nhưng chiếc áo sơmi thì em nhận ra, trời biết là do đâu, do con dấu in trên áo. Nhưng ai đã dạy em rằng con dấu ấy là của Trại nuôi trẻ mồ côi, vẫn chưa giặt sạch đi được.
* * *
Bọn trẻ lấy sữa từ cái bình hình nón cụt. Con bò đứng một cách nhàn rỗi, thoải mái và cô đơn giữa sân để bà mẹ có cái bụng dưa hấu vắt sữa lên lá của cải mà đứa trẻ mồ côi mang về từ ruộng củ cải sau nhà. Sữa có ở đây, trong bình. Bọn trẻ đứa nào cũng cầm cốc và lấy sữa, chúng uống không cần lọc, húp soàn soạt, nuốt lấy nuốt để. Chúng thích sữa bò. Chỉ có cô bé chết tiệt người Nhà Nước này là không thích. Cái ruột nhục nhã này không cần sữa, tôi không biết được em muốn ăn gì, cần phải nghĩ ra thức ăn gì cho em:
- Mày hãy mang cốc lại đây !
Nhưng đứa trẻ mồ côi chỉ im lặng một cách chống đối, em vẫn luôn luôn để ý đến cái áo của em trên người Rôđi. Do những nguyên nhân không biết được, em rất ghét sữa. Bọn trẻ cười em sao ngốc thế, em không cần đến sữ tươi. Dù chúng nó có nài ép, em cũng không cần, trông chúng nó dứ ca sữa dưới mũi em mà em vẫn đẩy ra, đến tức cười.
- Nó cần cái áo của Rôđi.- đứa con gái lớn nhất nháy mắt nói với giọng bí mật như thể nó đã đồng lõa trong việc ăn cắp chiếc áo sơmi của đứa trẻ mồ côi, vì dù sao đứa trẻ mồ côi cũng không phải là anh em ruột thịt như chúng, em chỉ là người Nhà Nước.
- Mày hãy coi chừng ! – bà mẹ rít lên, đấm vào cổ con gái, bà giận nó đã tỏ ra cho bà biết rằng nó hiểu điều bí ẩn kia, và vì cái đồ khốn kiếp đó đã làm vấy sữa lên chiếc áo khoác của nó. Bà mẹ tội nghiệp mất hết cả kiên nhẫn, bà hét một cách hoang dại vào mặt đứa con mình, như thể nó vừa giết chết bố mẹ bà:
- Mắt mày để đâu, đồ thối thây ! Mày không biết giữ gìn hả ? Tao vặn cổ mày bây giờ !
Nhưng sở dĩ bà quát to lên như vậy là để làm cho đứa trẻ người Nhà Nước sợ, để em đừng có mà mở miệng ra một lời nào, vì cái sự thật đó đặc biệt đến nỗi nếu đứa trẻ người Nhà Nước chỉ có ý nghĩ nhắc lại một lần nữa thôi chiếc áo có in con dấu thì cũng chết với bà. Mà nó cần gì cái áo đó ? Dễ thường nó phải chịu rét giữa mùa hè, khi mà nó đã quen ở trần sao ? Vì có bao giờ nó mặc quần áo đâu. Mà như vậy cũng là tốt thôi đối với một đứa bé bị mẹ bỏ rơi thế này. Nhưng mới nứt mắt mà nó đã có tính tham lam, đã để ý xem mình có cái gì !
Bà vội quấy nước gạo với một ít cám cho lợn con, đến cám bà cũng cho như là không cho, như thể bà ăn cắp cám của lợn. Đã nuôi lợn thì phải cho nó ăn, nhưng cám cũng đắt, thậm chí không có cám, vì thế bà chỉ rắc qua một ít cám như rắc muối khiến mặt nước có mầu tí chút.
- Trơre.
Bà chỉ gọi như vậy, đấy là tên của cô bé không tên này, cái tên Trơre như thế nào đó đã khắc sâu trong óc bà, khi bà gọi đến đứa trẻ mồ côi của Nhà Nước: Trơre !
Cô bé đến giờ vẫn còn đứng sưng sỉa ở đó, em vẫn buồn tiếc cái áo? Em thật nhạy cảm. Cô bé nom mới giận dữ làm sao.
- Mày còn đứng đực ra đấy đến bao giờ? Thả Bôrisơ ra không?
Mọi ý nghĩ của đứa trẻ cô đơn đều theo bọn trẻ đến trường, bởi vì em cũng muốn lớn nhanh để có thể đi trên con đường dài qua cánh đồng với những người anh em về phía ngôi trường xa, trong chiếc áo sơmi, áo khoác và với cái khăn mới có gói bánh mỳ của nhà trường. Em cũng đã lớn như Rôđi, vậy mà em vẫn ở đây. Giá mà chúng nó trả lại em cái áo… Nhưng em vui sướng hơn nếu em được đến trường. Dù em chưa biết khái niệm áo sơmi của em nghĩa là gì, thế nhưng em đau khổ vì người ta đã lấy áo của em cho Roodi. Em chỉ đứng và ngoáy mũi.
Bà mẹ đi vào nhà kho lấy một ít cám, thế ra bà cũng cảm thấy xấu hổ trước những chú lợn con. Với bàn tay ướt nước cám, bà cắt bánh mỳ thành từng miếng. Lúc đầu bà cắt từng miếng to, nhưng bà nghĩ lại, và bà chỉ cắt từng miếng nhỏ.
- Nào, bánh mỳ của mày đây. Nhưng đừng có ăn ngay, vì sau đó mày phải nhịn đói đến trưa đấy.
Cô bé cầm lấy bánh mỳ, em vẫn đứng.
- Cái roi của mày ở kia, xéo đi. Con Bôrixơ muốn gặm cỏ rồi đấy. Nhưng mày đừng có đi lang thang, cứ theo đường mòn mà đi. Chắc mày nhận ra đất nhà ta chứ? Mày không ngu ngốc đến mức bây giờ cũng vẫn chưa nhận ra. Mày nhận ra chứ?
Cô bé không nói một lời nào, em vẫn còn cúi đầu và nhìn miếng bánh mỳ trong tay. Miệng em phụng phịu, em nhìn miếng bánh mỳ không to quá cũng không nhỏ quá, nó chỉ là một miếng bánh mỳ, miếng bánh mỳ nhỏ, dầy. Nhìn bánh mỳ em bắt đầu thấy đói. Nhưng em không ăn ngay, vì em muốn ăn chậm rãi bên cạnh con Borixo đang gặm cỏ.
- Borixo, đừng… không được đi lối đó.
Trong tay em là cái roi, đầu roi tõe ra làm ba, em dùng cái roi ấy để quất bò, con bò rảo bước còn em lon ton chạy theo nó.
Mắt em đầy nước mắt, nhưng em cũng không biết vì sao, do đâu mà có.
Khó mà nhận ra con đường ngoài đồng. Cỏ đã mọc cao nhưng không ai cắt đi. Cỏ trên đường được bánh xe cắt và móng của gia súc xén gọn. Nhưng ít khi có xe ngựa qua đây, trừ những người có đất ở vùng này. Tuần trước, Kodorơtrơ Istvan có đi qua, gã ta dừng lại, khi ấy em còn trông bò. Gã ta cười và nhìn em đứng trần truồng bên đuôi con bò. Gã ta buông vài lời phỉnh nịnh, nhưng em đã chạy xa. Em không biết là tại sao em chạy, nhưng em thường quen lẩn tránh nếu thấy người lạ. Em có thói quen của con chó là lẩn tránh khỏi cái mà nó không quen biết. Có thể em chạy vì trên người em không có quần áo, điều này em không dám nói một cách chắc chắn. Đối với em, việc không có quần áo trên người chẳng có gì lạ, nhưng thỉnh thoảng người ta cứ chế giễu em, bảo em trần như nhộng, và đồ digan, đồ chim sẻ trụi lông. Nhưng hãy hóa rồ những ai còn ngạc nhiên về điều này, vì em chưa bao giờ có áo quần, chỉ mùa đông khi trời thật lạnh mà em phải đi ra ngoài thì người ta mới quẳng cho em những thứ giẻ rách mà bọn trẻ thải ra. Nhưng em không mừng vì những giẻ rách hôi hám, em xấu hổ phải mặc chúng lên người.
Lúc này em không thể lẩn tránh dễ dàng, vì con bò đã đâm thẳng vào xe gã Kodorơtrơ, trên xe là thức ăn cho gia súc. Gã ta trở về nhà lúc sáng sớm thế này, vì gã mang thức ăn cho con bò của gã.
Trơre chạy chân đất vào thửa ruộng vừa gặt mà cỏ xạ hương và các loại cỏ dại đã phủ lên. Các chân rạ bây giờ không đâm em đau lắm, qua vài trận mưa những cuống rạ đã mục ở nơi mà lưỡi hái cắt ngang chúng.
- Lại đây, Trơre, lại đây, miếng thịt chim bé bỏng!
Trơre không trả lời, em chạy, em cười, và ngoái lại nhìn Kodorơrơ Istvan, gã cũng vừa cười vừa nháy mắt với em.
- Hôm nay bác còn trở lại, bác sẽ mang bánh mỳ tẩm mật cho cháu, được không?
Cô bé mở to mắt. Em không biết bánh mỳ tẩm mật là gì, nhưng chỉ mới nghĩ đến vị ngọt nước miếng đã tứa ra trong miệng em. Miếng bánh mỳ, khẩu phần của em vẫn còn đây. Em cầm chặt và giữ gìn, cương quyết chưa ăn. Miếng bánh mỳ đã được rắc muối, em rất thích người ta rắc muối vào bánh cho mình. Miếng bánh mỳ này còn dính cả nước cám lợn, vì khi cắt bánh tay mẹ tôi dính cám lợn.
- Bác đuổi nó đi, - em gọi Kodotrơrơ Istvan.- đuổi đi, đuổi điii…
- Đuổi bò à?
- Bác đuổi nó đi iii..
Cô bé như những con chim thảo nguyên, chỉ nói được từng lời và lặp đi lặp lại lời vừa nói nhiều lần…
Thực ra em vẫn còn chưa biết nói, vì em chưa được nói với ai cả. Ở nhà em đâu được nói, chỉ những đứa trẻ khác có quyền chửi em, riêng em phải im lặng, nếu em nói lại thì lập tức có chuyện ngay…
- Này, không được… - Kodotrơrơ Istvan nói, và gã quất cái roi da vào mông con bò đang thò mõm ăn ngấu nghiến thức ăn trên xe của gã. Con bò nhảy cẫng lên và đá ra sau khi bị roi da quất đau nhói. Nó không quen với roi da, cái roi của cô bé không làm nó đau thế, cái roi đó như chỉ vuốt ve nó mà thôi.
Nó yêu Trơre bé bỏng và luôn luôn nhận ra em mỗi khi cô bé lùa nó đi.
Con bò bắt đầu chạy vòng vào cánh đồng. Nó nhận ra đất của chủ nó, ở đây ngày nào nó cũng được gặm cỏ và vật lộn với ruồi, nhặng.
Kodorơtrơ Istvan không nói gì thêm với cô bé nữa. Gã thấy rằng phải đuổi theo rất xa mới mong bắt được em. Đợi đến chiều, trong nắng nóng cô bé sẽ mệt nhoài ra…
Trơre đã quên rằng em đang nhìn theo xe, em chỉ nhìn theo hướng mà chiếc xe ngựa vừa đi. Em đang nhìn về phía làng, nơi những đứa trẻ đi vào trường học. Làng ở xa đến nỗi cái tháp của nó không thể thấy được từ nơi này. Trông xa cái làng bé tẹo, cây cối che kín hết.
Em cũng chưa bao giờ biết là em nhìn gì về phía ấy. Em cứ nhìn như thể chờ đợi một điều gì từ phía đó, vậy mà cô bé bị bỏ rơi này chưa từng đợi điều gì từ đâu cả.
- Bôrixo, đừng… Không được đi ra lối đó…
Con bò vừa chạy một vòng lớn đến với em. Em muốn nó đi ngược lại, vì em luôn có ý nghĩ rằng sở dĩ người ta bắt em chăn bò là để bảo con bò đi ngược lại với hướng nó đang đi.
- Bôrixo, đừng…
Con bò Boorrixo như muốn mơn trớn em, nó dũi dũi cái mũi ẩm ướt hình chiếc dũa từ chân lên đầu em. Cô bé còn chưa nói hết câu “đừng đi lối này” thì con bò đã thò cái lưỡi nhám cuốn lấy và cứ thế ăn ngấu nghiến miếng bánh mỳ mặn, dính đầy cám lợn.
- Boorrixo, đư-ư-ừng…
Nhưng cô bé đã nằm dưới đất mà thút thít, vì con bò rồ dại đã hất em ngã, dường như nó giải trí và cười theo cách của nó: nó ăn bánh mỳ của em.
- Không đi lối đó, bò-ò-ò…
Nước mắt em rơi lã chã. Con bò đã nuốt hết miếng bánh, những mẩu vụn rơi dính cả hai bên mép nó, con vật ngờ nghệch bây giờ mới để rơi một mẩu bánh mỳ xuống cỏ.
Cánh đồng vừa gặt xong, đẹp tuyệt. Cánh đồng lúa mỳ mênh mông bao quanh trại, có trời biết là của ai, trải rộng đến tận bãi sậy phía xa. Một cánh đồng hoa đẹp, sạch với những bông hoa nhỏ nở trên đó. Những bông hoa thơm. Cô bé ở gần những bông hoa như chú ong con để ngửi hương thơm của hoa.
Trên cánh đồng vừa gặt ấy có đóng một cái cọc.
Khắp nơi đều có những cái cọc. Người ta dùng cọc để buộc bò lại, nhưng cô bé không biết buộc, chỉ có những người lớn buộc nếu họ đến đây. Những người lớn thường lùa bò Bôrixo bằng cái côn. Bôrixo yêu cô bé Trơre vì em chỉ lùa Bôrixo bằng cái roi con. Bôrixo nghĩ thầm, ái chà, hôm nay sẽ là ngày tốt đẹp của ta, cô bé Trơ e lùa ta bằng cái roi chứ không phải bọn thô bạo. Nghĩ thế nó đến để cho em xỏ mũi, ấy thế mà nó vẫn lấy khỏi tay Trơre miếng bánh mỳ mặn, dính cám.
Có một cây hạt dẻ ở đó, cây hạt dẻ đẹp và to, cành lá sum sê, chạm đất; nếu có ai ngồi dưới cây thì không thể nhìn thấy được.
Có đống rơm cũ ở nơi rất xa. Em không muốn đi đến đấy, vì phía ấy có ngô, và mỗi khi bố tôi rẫy cỏ cho ngô, em đều phải ra để bố tôi mang em vào đặt lên chiếc áo choàng cũ…
Vì vậy, nhìn ra phía ấy em cũng không thích.
Con Bôrixo đi vào vườn nho.
Trời ơi, nó vào vườn nho.
Bôrixo đi vào vườn nho. Nó đã ở trong vườn nho.
Tại vì Trơre đang ngẩn ngơ, khóc tiếc miếng bánh mỳ, em giận Bôrixo.
Con bò đã làm hỏng một gốc nho. Đối với bò gốc nho chẳng để làm gì, nó chỉ đạp lên thôi.
Ôi, chỉ có thế mà đã xảy ra chuyện lôi thôi, rắc rối lớn. Cả ngày họ không nhìn thấy con bò và đứa trẻ, thậm chí con bò ăn mất bánh mỳ của em họ cũng không biết, nhưng ngay lập tức họ nhìn thấy con bò làm đổ một gốc nho. Bố tôi đến, chửi ầm lên:
- Đứng lại, đồ khố rách áo ôm, mày ăn bánh mỳ của tao để như vậy đó, đợi đấy, hôm nay mày không có cơm tối.
Nhưng em cũng dám trả lời lại ông:
- Cũng không cần.
Suốt ngày, hễ trông thấy là họ chửi em vì chuyện con bò làm hỏng một gốc nho. Nhưng họ không nghe việc con Bôrixo ăn mất bánh mỳ của em.
- Mày cũng không có cơm tối!
- Cũng không cần.
Nhưng ngay cả cơm trưa em cũng không có. Mẹ tôi giận em đến nỗi không mang cơm trưa ra cho em.
* * *
Buổi tối em ngồi giữa bọn trẻ ở dưới đất. Mẹ tôi lia đến cho em một đĩa cơm:
- Nào, ăn đi.
Nhưng Trơre chỉ ngồi sưng sỉa. Mẹ tôi đã quên em từ lâu và chỉ thấy đĩa cơm vẫn còn dưới đất.
- Tại sao mày không ăn, ăn ngay đi.
- Không cần.
Họ đều nín lặng.
- Bố mẹ nói con không được ăn cơm tối, con không ăn của bố mẹ.
- Trơre, Trơre, quỷ tha ma bắt mày đi.
- Quỷ tha ma bắt, quỷ tha ma bắt con đi!
Người mẹ gầy yếu và bệnh tật của tôi trố mắt ngạc nhiên:
- Mày lí nhí cái gì thế, đồ con lừa! Mày yêu mẹ, người đã nuôi dạy và cho mày ăn như thế đấy. Lại đây ngay.
Cô bé đi đến đó một cách từ từ, cảnh giác, và em biết cái gì xảy ra. Em giấu hai bàn tay con con ra phía sau, ở dưới lưng. Khi em bước gần đến, bà mẹ liền túm lấy cánh tay em giật mạnh về phía bà, rồi bà bắt em nằm lên đầu gối bà và đánh em cho tới khi những cánh tay ốm yếu của bà không chịu được nữa.
Bà thở hổn hển và ngừng đánh em:
- Bây giờ thì mày hãy hôn tay mẹ mày đi.
Cô bé cúi đầu một cách bướng bỉnh.
- Hôn tay tao đi, đã bảo mà. Tao xé đôi mày ra bây giờ. Mày không kính trọng tao hả? Xin lỗi đi…
Cô bé lúng búng xin lỗi, nhưng chỉ có em và mẹ tôi biết là em nói gì.
- Bây giờ mày hãy hôn đi.
Bà đưa tay về phía em, đoạn bà úp lòng bàn tay xuống, em phải hôn lên mu bàn tay thô kệch, có những mạch máu đen đen.
Khi việc này đã được thực hiện xong đúng quy cách, bà bỗng kêu lên như người vừa sực nhớ ra một việc gấp rút:
- Mày lên trần nhà lấy ngô xuống đây.
Đứa trẻ vui vẻ chạy đi, em đã quên tất cả.
Từ chuồng gia súc em phải leo lên thùng đựng cỏ khô, để thay thang người ta dựng một cái cáng khiêng phân tựa vào trần nhà, nên em trèo lên đó rất khó khăn. Lúc quay trở lại cùng với cái sọt, em bị ngã, đầu dúi vào cỏ khô. Tai nạn không xảy ra, nhưng ngô thì đổ tung tóe khỏi sọt, em kêu thét lên.
- Đừng có gào lên, người ta tưởng tao giết mày đấy. Lại đây!
Cô bé bò ra khỏi thùng đựng cỏ khô, khóc thút thít đi đến chỗ mẹ tôi. Bà Đuđasơ khẽ bóp bóp lưng em rồi gõ nhẹ vào đầu em:
- Mày có thể đi được rồi.
Lúc ấy bà mới biết rằng ngô đã đổ lẫn vào cỏ khô, giờ thì bà phải bò vào đấy để nhặt từng bắp ngô một.
Bà chửi đổng và lầu bầu mà không sợ người ta nghĩ là mình đang giết con. Bà đã giết đấy thôi.
Có một lần, sau đó một tuần, bà phải đích thân lên trần. Khi quay xuống, cái cáng khiêng phân bị trượt và bà rơi vào thùng đựng cỏ khô, nhưng váy của bà thì mắc lại ở trên, bà bị lủng lẳng trần truồng như vậy.
Trơre cười ré lên, em nhảy nhót:
- Mẹ thấy chưa, khi con rơi, con đã bị đánh, vậy mà chính mẹ cũng làm đổ ngô.
- Mày có cút đi khỏi đây không, đồ bẩn thỉu, lại còn cười nữa.
Vừa chui khỏi thùng đựng cỏ khô, bà xả hơi bằng cách đấm túi bụi vào đứa trẻ.
- Mày còn cười nữa không? Nói theo tao: “Con xin lỗi mẹ vì đã cư xử không tốt, sẽ không bao giờ con xử sự như thế nữa”. Nào, bây giờ thì hãy hôn và đưa tay ra thề không bao giờ xử sự như thế nữa… Nào, có định hôn không? - Và bà tát vào mặt em bằng chính cánh tay bà chìa ra để trìu mến, vuốt ve, rồi bà lại giơ bàn tay đó về phía em chờ một cái hôn tay.- Mày có hôn ngay không thì bảo?
Trơre bé bỏng hôn lên mu bàn tay thô kệch, nổi đầy những mạch máu gớm ghiếc đó, em nói:
- Con thích đi ra đồng với Bôrixo hơn, vì Bôrixo không đánh con, nhưng mẹ thì đánh con.
- Quỷ tha ma bắt mày từ khi mày còn đang ở trong trứng! Đồ gà Pest. Mới bé tí mà đã là rắn độc.
- Con không phải là gà Pest.- Trơre dậm chân.- Thế thì Rôđi cũng là gà Pest, nhưng mẹ chẳng bao giờ nói Rôđi là gà Pest. Con sẽ nhảy xuống cái hồ tròn, rắn sẽ ăn thịt con, rồi mẹ phải khóc vì con đấy.
- Có quỷ khóc mày.- mẹ tôi lầm bầm, rồi bà đi vào với số ngô mà bà vừa nhặt. Họ còn nói với nhau qua vách gỗ rằng gà Pest là thế này, gà Pest là thế kia.
Ở vùng này có một cái hồ tròn, to, rất to và quả thật là tròn, nhưng cũng chỉ là một cái hồ.
Cạnh hồ có lau sậy, trong sậy thường có rắn ẩn nấp. Không được tắm ở đó, vì dạo hè rắn đã chui ra và quấn chân một đứa trẻ con. Trơre không biết là cái gì đã xảy ra với chân đứa trẻ, có phải rắn đã ăn mất không?
Trơre thường đi tới đó với mẹ tôi, vì ở đó có ngô và dưa hấu.
- Không được ra bãi sậy, rắn nó ăn thịt đấy.
Thế rồi khi Trơre chăn bò ở đấy, em không dám đến gần bãi sậy, mà em ra ruộng dưa hấu. Và ở đó em thấy một quả dưa hấu đẹp, em hái quả dưa, nhưng không có dao em không bổ quả dưa được. Chẳng vì thế mà chịu chết đói, em cầm quả dưa ném mạnh xuống đất, quả dưa nứt ra, em dùng tay moi phần ruột dưa đỏ ăn cho kỳ no. Con bò Bôrixo cũng mừng vì em cho nó vỏ dưa. Bôrixo nhai cái vỏ dưa dè xẻn đến nỗi khi mẹ tôi đến Trơ re còn có vỏ dưa mà khoe rằng em đã lấy ruột dưa gọn như thế nào.
- Mày lấy dưa ở đâu?
- Con thấy ở trên ruộng.
- Tự do hái dưa hả? Đồ tứ cố vô thân, tự do hái dưa trên ruộng hả? Đồ con lợn thô bỉ, mày không biết rằng dưa cần phải đem bán, mày dám hái đi à? Quả dưa ấy là của mày đấy chắc? Vậy ra tao nuôi mày thành kẻ ăn cắp? Mày sẽ là kẻ cắp hả?
Và bà đánh em.
Cô bé không hiểu sự việc ra sao, vì những người khác cũng thường hái dưa khi họ muốn ăn. Bố tôi cũng lấy, mẹ tôi cũng hái, bọn trẻ cũng bẻ dưa. Họ còn vỗ vỗ khắp lượt các quả dưa, quả nào khi vỗ đến mà phát ra tiếng trong, gọn thì quả ấy hái được. Bây giờ em không hiểu tại sao người ta lại đánh em cơ chứ. Người ta không đánh ai, mà chỉ đánh em thôi.
- Tao chả làm nhọc cái thân xác tao làm gì. - mẹ tôi nói. - Về nhà đi, rồi bố mày sẽ nói chuyện với mày.
Cô bé không tin là bà sẽ mách với bố tôi. Bởi lẽ không riêng gì bọn trẻ con, mà chính bà cũng sợ ông ta. Ông chưa đánh ai nhiều lần như đánh vợ. Ông đánh vợ bằng gậy, bằng côn. Kể cả những lúc bà bỏ chạy, ông cũng ném theo cái côn như người mục đồng ném theo con bò, và cái côn rơi trúng vào người bà. Lúc đó mẹ tôi ngã xuống đất, và ông chồng dẫm lên người bà, ông dùng chân đá và đạp mạnh lên thân thể bà.
Bây giờ mẹ tôi lại đi mách chuyện em cho ông bố như thế ư? Em không tin điều đó, dù chỉ là một phút, tuy vậy em vẫn lùa con bò về trong nỗi lo sợ.
Họ vắt sữa bò, bầu vú cực kỳ to của con bò căng phồng lên giữa hai chân sau như một cái túi đã đầy ắp, từ các núm vú những dòng sữa béo chảy ra. Khi bố tôi tới, hình như mẹ tôi sợ lại đến lượt bà bị đánh, nhưng bà nói:
- Thế đấy, ông nhìn xem, ông Đuđasơ, con bé ăn cắp. Nó ra ruộng dưa hấu và nó đã hái quả dưa đẹp nhất mà lẽ ra để đem bán.
Có thể bà mách chuyện đó với ông là để khi ông ra ruộng mà không thấy dưa thì đừng đánh bà, nhưng cô bé nhìn thấy ngay sự biến dạng trên nét mặt và cặp mắt của ông bố. Cái ông bố Đuđasơ này chưa bao giờ nhìn em như thế, cái ông bố thường vào ôm ấp, sờ soạng em và bảo em không được nói cho bà mẹ biết. Mà em có mách lại cho bà mẹ biết đâu, vậy sao bà mẹ lại nói chuyện em cho ông bố?
Ông bố đang tìm than đỏ cho vào tẩu thì vợ ông nói cho ông biết việc đó. Lập tức ông rống lên, tiếng còn to hơn cả tiếng con bò Bôrixo. Ông há miệng, bộ ria mép màu hung chõe ra dựng đứng như cái gai:
- Nó ăn cắp? A-ă-ă-n cắp? Đồ chó chết này ăn cắp dưa hấu à? Nào, lại đây, mày sẽ không bao giờ ăn cắp nữa, dù dưa hấu có dính vào tay mày. Bà đóng cửa lại, đừng để nó trốn.
Bọn trẻ vội đóng cửa, rồi xúm ở ngoài, vì chúng cũng muốn nhìn xem bố tôi làm gì Trơre. Chắc là ông chặt tay nó, xong tay này đến tay kia để nó khỏi ăn cắp. Tuy vậy, chúng thấy không nên ở lại trong nhà, vì chúng đã nếm mùi tay ông, chúng biết rằng ở con người ấy dễ dàng có đấm, đá, tát, đạp và tất cả.
Cô bé Trơ re vẫn còn chưa biết cái gì đang đợi em. Em không khóc mà chỉ đứng im, miệng mở to, nếu dám thì em đã cười, bố em giờ không muốn ôm em vào lòng bằng bàn tay thô kệch, lông lá và vuốt ve em như vuốt ve một con mèo nhỏ rồi bảo rằng không được nói điều đó cho ai cả. Em thấy Đuđasơ - những đứa trẻ gọi là bố Đuđasơ, còn những người khác không cùng chung sống thì gọi là Đuđasơ; bấy giờ em quả thật không gọi được là bố thân yêu của con, chỉ ông là Đuđasơ - lấy từ trong bếp lò ra một cục than hồng, ông nói:
- Bà giữ lấy tay nó!
Chính bà Đuđasơ cũng hoảng lên, bà hỏi như muốn khóc:
- Ông muốn làm gì nó thế?
- Bây giờ tôi dậy con lợn để nó không bao giờ ăn cắp nữa. Bà giữ lấy tay nó. Chụm các ngón tay nó lại, rồi giữ lấy tay nó.
Bà Đuđasơ đành tuân theo ý chồng, bà túm hai bàn tay em, chụm các ngón lại rồi giữ trong tay mình.
- Bây giờ để tôi bỏ cục than lên tay nó. Tôi biết chắc chắn là nó sẽ không bao giờ ăn cắp nữa, có Chúa tôi…
Bà Đuđasơ giữ hai bàn tay xinh xinh của em giữa các ngón tay cái và ngón tay trỏ của mình nhữ giữ một bông hoa nhỏ. Ông Đuđasơ đặt cục than lên tay em, nhưng bà Đuđasơ cảm thấy trước tiên trên da thịt mình sự thiêu đốt của lửa, bà vội buông tay em ra, và làm văng cục than hồng khỏi tay em.
- Trời ôi…
Cô bé Trơ re chỉ bây giờ mới cảm thấy bàn tay nho nhỏ của em bị cháy ở trên đầu các ngón, chỗ gần móng tay, em bắt đầu kêu thét lên.
- Mày còn ăn cắp nữa không? Mày còn ăn cắp nữa không? Mày còn để bò xéo hỏng nho nữa không? Hử?!
- Con xin lỗi bố, con sẽ không bao giờ ă-ă-ăn că-ắp nữa.
Toàn thân em run lên, và em ngã vào cánh tay lông lá xấu xí của ông bố Đuđasơ, em muốn hôn lên tay ông, em muốn hôn ông.
Ông bố Đuđasơ lấy chìa khóa của hầm rượu ở cái đinh, rồi bỏ mặc họ ở đó. Ông đi ra, để cánh cửa mở.
- Con gái của mẹ. - mẹ tôi mếu máo và cố thanh minh, - con không biết rằng không được ăn cắp sao? Sở dĩ mẹ mách bố con là vì mẹ yếu quá không dạy bảo được con. Nhưng bố con đâu ra đấy rồi. Lại đây con, để mẹ lấy giẻ tẩm tương sữa đắp lên tay cho con. Con thấy không, tay mẹ bị cháy hơn vì mẹ để ý khi thấy bố con định bỏ cục than lên thì mẹ liền giật bàn tay yếu ớt của con lại nên đầu các ngón tay của con ít bị than đụng đến, nhưng tay mẹ, con có thể xem, thịt bị cháy còn bốc khói đây. Nó bị cháy khi ông ấy dí cục than vào. Đừng ăn cắp nữa nghe con, vì ăn cắp là tội lớn nhất. Con đừng lấy của người khác, ở đây mọi thứ đôi với con đều là của người khác. Rođi, Juli, Mari được phép lấy bất cứ cái gì, vì chúng ở nhà của chúng, còn con dù ở bất cứ đâu trên thế gian cũng không được lấy gì cả, vì con không có gì hết. Da con là của con, những thứ khác con không có.
- Con có áo sơmi. - Trơre nói trong tiếng khóc.
Nghe vậy bà Đuđasơ tức điên lên, bà quên đi những lời đẹp đẽ vừa mới nói:
- Mày có cái gì? Mày có cái gì? - Bà túm lấy đầu em và lắc mạnh. - Mày có cái gì, đồ mất dạy?
- Áo sơmi. - Cô bé kêu lên.
- Hừ, đây là con rắn. Vì cái đồ gian giảo này mà ta đã lao mình vào lửa - chết hay sao? Đến giờ mà đầu óc nó vẫn nghĩ là nó có cái gì, đồ chó chết.
- Bố mẹ có dưa hấu, con có áo sơmi. - cô bé dậm chân. - Nhưng chính mẹ đã cho Rôđi mặc áo của con, cái áo mà bà lớn mang đến cho con.
------------
Tiếp: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/01/ua-tre-mo-coi-gicmon-p-2_3.html#more

2 nhận xét: