Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Đứa trẻ mồ côi - Móricz Zsigmond (P 3)

Đứa trẻ mồ côi

Tác giả: Móricz Zsigmond
Dịch giả: Trương Đăng Dung

Nhà xuất bản Văn Học - 1987

Thánh ca thứ ba

Những ban mai ngày một lạnh, nhưng rồi người ta cũng quen đi, phải không Trơre? Ngày lại ngày cô bé trần truồng, run rẩy ra đồng với con bò.
Cái điều lạ lùng là trước đây không ai nhìn thấy em, còn bây giờ bất kỳ lúc nào đi sau con bò em đều bắt gặp mắt đàn ông. Nơi thì xe ngựa đi qua em, chủ xe từ chỗ ngồi quất cái roi về phía em; nơi lại có người cưỡi ngựa hay đi bằng xe ngựa đến đối mặt với em, và ngay từ xa em đã phải lánh sang bên bờ bùn lầy của con mương, rồi giữa những cây keo khẳng khiu em ngó xem có ai làm hại em không?
Những buổi sáng và buổi tối mùa thu đều bị bao phủ bằng những cặp mắt đàn ông. Bây giờ thì em cười, em xem thường tất cả, họ muốn gì em cơ chứ? Em căm thù nhìn lại họ một cách chống đối và giận dữ, cái miệng nhỏ của em phồng lên, em như con mèo rừng xù lông phản đối.
Cái nhìn của họ chiếu thấu tận đất, nó đâm, nó cấu, nếu em quay lưng lại thì em cũng biết là có kẻ mồm đầy râu ria đang dán mắt vào em. Nhưng chỉ khi nào em kịp thời trông thấy, vì những lúc khác em không nhớ đến, em chỉ chơi và hát, hát thật to chừng nào cổ họng em còn chịu được. Em hát tất cả những gì đã lọt được vào tai em và trở thành của em.
Bọn trẻ có mặt nhiều ở ngoài đồng, mẹ tôi đuổi chúng nó ra nếu chúng từ trường về, hoặc nếu chúng không đi học, để chúng chơi quanh con bò, khỏi quấy rầy bà ở nhà. Mỗi khi có mặt bọn trẻ, Trơre đứng lại, cái miệng em dẩu lên, em nhìn chúng, em ghen tức vì chúng bảo em: mày hãy giữ bò. Em luôn luôn phải giữ bò, đi theo bò, em chưa được một phút quên rằng em phải giữ Bôrixo.
Bọn trẻ chơi bằng cách trói Trơre vào cái xe con rồi chúng ngồi lên đó bắt em kéo:
- Trơre-e-e… Trơre-e-e… - chúng gõ gõ lên đầu em bằng cái roi con.
Và Trơre bắt đầu khóc:
- Chúng mày nặng lắm, tao không phải là ngựa.
Thỉnh thoảng em cũng muốn ngồi vào xe, nhưng bọn trẻ không cho phép làm điều đó, không bao giờ em được ngồi vào xe, ai nghe chuyện ngựa ngồi vào xe, hay đứa trẻ mồ côi ngồi vào đu quay bao giờ.
Nhưng mà xe quá nặng bởi vì cả sáu đứa ngồi vào.
Người đánh xe ngồi đầu, nếu xe đi chậm là chúng gõ, đập roi vào người em, nhưng không nên khóc. Tất nhiên nếu mẹ tôi mà đánh như thế thì em khóc mãi không đủ, vì đó là sự trừng phạt.
Một lần chúng chơi bằng cái giếng có cần vọt.
Trò chơi này diễn ra khi mẹ tôi không ở nhà.
Chúng nó đến bên giếng và lần lượt đưa nhau xuống tận mặt nước.
Chỉ cô bé Rodi là chúng không cho xuống, và buổi tối hôm đó Rodi đã nói lộ ra hết. Trời ơi, chúng nó mới bị một trận ra trò.
Mọi trò của chúng đều kết thúc bằng sự chửi mắng.
Vậy mà cái trò chơi ấy mới thích làm sao. Chỉ có điều là đứa nào được chúng cẩu lên đều phải lăn khỏi cái gầu.
Mẹ tôi yêu Rodi vì cô bé nói hết cho bà mọi chuyện. Bà vẫn thường nói Trơre: “Con này láu lỉnh lắm, nó không nói lại cái gì”.
Em không nói ra cả cái chuyện chúng nó vắt sữa bò ở ngoài đồng, trong ruộng lúa mỳ mới. Vậy mà trong chuyện này em là công cụ lớn nhất. Cả ngày em cho bò ăn cạnh ruộng lúa mỳ, nhưng luôn phải giữ cho nó khỏi ăn và xéo lên hạt mới gieo. Thế rồi bọn trẻ đến, một đứa trong bọn bảo là phải vắt sữa bò.
- Mày khoan đã, để tao chỉ cho cách mẹ tao thường làm như thế nào.
Đầu tiên chúng tìm một cái nồi hỏng mà ai đó đã vứt trên bờ ruộng, cái nồi mà người ta dùng để mang cơm cho những người gặt lúa, đã bị vỡ mà vẫn luôn có ở đây.
Chúng rửa qua cái nồi đó ở hồ, rồi cả bốn đứa đứng dưới bụng Bôrixo, cùng lắc lắc cái bầu vú của nó.
- Đừng, đừng làm như thế, để tao bày cho cách mẹ tao vẫn thường làm.
Bôrixo cuối cùng cũng phát chán cái niềm vinh dự đó. Khi sữa chảy khoảng được nửa cốc, nó đá một phát, nhảy lồng lên làm bật tung cả bốn đứa trẻ, cái nồi cũng bị đá khỏi tay chúng.
- Trơ re, con bò làm sao thế này? - mẹ tôi hỏi khi bà vắt sữa tối hôm đó.
- Cái gì xảy ra mới được chứ?
- Chắc là có kẻ đã vắt mất sữa, vì nó cho ít sữa quá.
- Dễ thường con vắt sữa chăng? Mẹ cũng biết là con không thích sữa, chỉ cần ngửi mùi sữa là con đã buồn nôn.
- Thế thì mày không cho bò ăn tử tế. Mày đã buộc bò lại, tội nghiệp con bò phải nhịn đói.
- Con buộc lại để làm gì?
- Mày tạt sang vườn nho để ăn cắp, chắc chắn như vậy. Bố mày bỏ than lên ngón tay mày là phải thôi, ngón tay mày dễ lây lắm rồi đấy.
Lúc đó Misơco, cậu con trai lớn nhất đứng xoạc cẳng ra và cười như nắc nẻ. Trơre không dám nói gì vì Misơco đã lớn, đã là chàng trai có cái đầu tròn. Thỉnh thoảng nó lại đứng im, nhìn chằm chằm vào Trơre, miệng há ra, rồi cười ré lên như ngựa hí, nó nói:
- Mẹ nó chứ!
Nó lắc đầu, lại cười ré lên, sau đó nó đi làm việc của nó và quên em. Nhưng nếu thấy em, nó lại há miệng như để hí, lại lắc đầu và cười ré lên. Nó phát hiện ra casigif ở em chăng? Nó luôn luôn cười ré lên như thể lần dầu tiên nhìn thấy em, và trông thấy cái gì đó trên người em, vậy mà em đã lớn lên trước mặt nó ở đây.
Trơ re cố gắng để mọi người vui vẻ với em, vì em muốn giống như mọi người. Tất nhiên điều đó không thể được, vì những người đó có quần áo và giầy dép, còn em thì đi đứng như lợn con, hoặc con chó trong bộ da của mình. Em tìm mọi dịp để tỏ ra rằng giữa em và những người khác không có sự khác biệt. Cũng như bọn trẻ trong nhà em không được ăn thoải mái bánh xốp, mặc dù bánh vẫn còn. Đến đêm em mò đậy và bí mật rút ngăn kéo của cái tủ thấp để lấy bánh xốp chia cho bọn trẻ. Rodi không mách mẹ về việc này, vì nó cũng ăn, nhưng những chuyện khác thì nó nói ra.
Khi có trò chơi xuống giếng, lúc đó chúng cũng bảo em: Giuda, có cần trứng màu đỏ không?
- Mày cũng ở đó, Giuda, có cần trứng màu đỏ không? Nó không cần trứng màu đỏ, chỉ cần một cái đá đít!
Chúng không đá Rodi, mà đá em, như thể chính em mách chuyện đó với mẹ tôi. Nếu mẹ tôi không nhìn thấy, là chúng đá em, thằng Misoco và thằng Giôsơco chạy theo em để đá em bằng chân đất.
- Nào.
Bọn con trai vẫn tốt hơn, bọn chúng không muốn xúc phạm mà đá em, chúng đá để mà đá và chúng cười ha hả.
- Nó trêu, nó trêu con.- em theo mẹ tôi, đi về hướng bà đang đi như con bê con đi sau bò mẹ, dù bò mẹ đi hướng nào nó cũng lẽo đẽo theo sau.
- Nghe đấy, chúng mày trêu gì thế?
Những trò chơi không thể quên, cũng như không thể quên những trận đòn.
Và càng không thể quên những nỗi chịu đựng.
Nhưng những niềm vui cũng được con người gìn giữ.
- Bọn con trai vẫn thường bảo vệ tao hơn, lại đây Trơre.
Em không bao giờ quên cảnh đẹp đó. Những ruộng lúa mỳ. Ở đó không có nhà cửa gì hết, có một cái trại nhỏ mà thôi. Dù nhìn về phía nào, người ta cũng không thấy gì khác ngoài lúa mỳ.
Đứa trẻ trần truồng trong ruộng lúa mỳ.
Và ở đây cũng có đứa con trai cười em, ở kia cũng thế. Chúng đều cười ha hả một cách châm chọc.
* * *
Khi mẹ tôi vào thành phố để mua bán thì em không phải đi chăn bò. Lúc đó bò ở lại trong chuồng, chỉ cần cho nó thức ăn. Có cả một đống cỏ khô dành cho nó.
Còn Trơre thì lúc ấy một mình hì hụi quét dọn nhà cửa. Đôi bàn tay bé nhỏ mới cố gắng làm sao. Em chùi quét tất cả mọi xó xỉnh, và em lau lại nền đất trong phòng. Em miết bàn tay một cách đều đặn lớp bùn màu vàng sao cho không để lại vết gợn nào. Ôi, chúa phù hộ để không có vết bàn tay nổi lên.
Em lau lại các thứ trên cái tủ thấp có nhiều ngăn kéo. Nhưng lúc đầu em bị trách mắng, do em không hiểu cần phải để các đồ sứ trở lại các vị trí cũ như thế nào sau khi đã lấy chúng xuống. Khi mẹ tôi trở về, bà hỏi: “Mày làm gì thế? Đứng lên ghế chứ, con bé mới ngốc làm sao”. Em còn chưa đứng được lên ghế. Từ đó trở đi em bắt đầu biết lấy xuống và cất lên từng thứ một, khi thì em lấy xuống, khi thì em cất lên. Thế rồi bà mẹ trở về, bà nhìn quanh, và hoàn toàn nghiêm túc, bà nói: “Vậy là tôi có một đứa con gái biết quét dọn sạch sẽ”. Và bà hôn đứa trẻ người Nhà Nước.
Nhưng khi em lau đĩa, em không biết để vào vị trí cho đúng.
- Đồ khốn nạn, đồ thối thây, mày có để cái đĩa đó lên không, nhìn gì nữa, mày muốn trở thành bà quan đại thần à?
Nào Trơre có muốn trở thành bà quan đại thần. Em khóc vì người ta làm nhục em bằng những điều như thế này. Em chỉ muốn trở thành thợ may, em liên tục may, và em biển thủ tất cả các kim may rơi vào tay em. Điều cần biết là ở ngoài làng người ta cần phải giữ một cây kim trong nhà. Nếu không tìm thấy thì không có cái nào khác, nhất là ở trại, ở đó mua cũng không được. Nhưng Trơre đã lấy cắp và em luôn may quần áo búp bê theo mốt mới. Em toàn bị rủa xả vì cái kim, hễ cái kim biến mất là người ta lại chửi em.
- Con cũng không thấy.
Em không nói ra cái kim ở đâu, vì nếu em trả lại thì suốt đời em không bao giờ thấy kim nữa.
Em trần truồng may những bộ quần áo mốt.
- Sở dĩ mày không có quần áo vì người ta cho mày quần áo giấy và Rodi nó lột ngay đấy.
Quỷ tha ma bắt bà mẹ chúng đi, sao họ lại cho nó giẻ rách thế kia?
Em sợ phải mặc những đồ giẻ rách đó. Những thứ mà em vẫn lót ổ để ngủ ở xó nhà.
Toàn là đồ chổi cùn rế rách đã hỏng của bọn trẻ con. Ngủ trên đó cũng đã kinh tởm lắm rồi huống chi là đắp lên người.
* * *
Em chưa bao giờ đi đâu ra khỏi trại, giống như chú lợn con vậy.
Đến bảy tuổi mà em vẫn chưa được nhìn thấy tháp nhà thờ.
Một lần có những người bà con đến bằng xe ngựa. Em rất ngạc nhiên: có bà con trên đời này ư?
Em không cha, không mẹ, không có gì hết, bà con cũng không, thế mà bọn trẻ con này có bố, có mẹ lại có cả bà con họ hàng nữa. Em thấy thật bất công.
Em không tin, em nghĩ rằng họ nói dối em. Họ sẽ lấy đi cái gì đó của nhà em. Thế nhưng em thấy người bà con tốt bụng, em liền nép vào người bác ta.
- Cháu con ai? - người bà con hỏi.
- Cháu không có ai cả, thưa bác.
- Cháu không có mẹ à?
- Cháu không có, cháu chỉ có mẹ nuôi.
- Vậy cháu sinh ở đâu?
- Cháu là trẻ mồ côi của Nhà Nước.
Người bà con tốt bụng cười, ông ta nhìn đứa trẻ trong mớ giẻ rách. Nhưng ông chẳng quan tâm, ông chỉ biết rằng có điều đó.
- Nhà Đuđasơ này thích thật, họ nhặt một đứa mồ côi từ bùn đất, cho nó ăn ba tháng, rồi họ lĩnh một món tiền bằng giá tiền một con lợn con, sau đó thì với số tiền nuôi dưỡng đứa trẻ này cũng đủ vỗ béo lợn… Cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Cháu không biết.
- Đến tuổi mà cháu cũng không biết à? Cháu đã ở tuổi đi học rồi đấy… Vậy ra bao nhiêu lợn có trong sân nhà này đều sinh sôi nảy nở từ con bé.
- Thế cũng còn tốt hơn là họ bóp muối nó như nhà Tôtarêc, - người bà con khác kể. - như thế nào ư? Khi mọi người đi vắng cả, chỉ còn một đứa trẻ chín tuổi ở nhà với đứa trẻ mồ côi. Đứa trẻ chín tuổi nói với đứa trẻ mồ côi lúc chỉ còn hai đứa với nhau: “Lại đây, tao bóp muối cho”. Rồi nó đâm đứa trẻ mồ côi như bố nó chọc tiết lợn. Nó đâm, sau đó nó chặt tay, chặt chân rồi nó mổ bụng con người ta, và để nguyên như vậy nó bóp muối.
Đến tối bố mẹ nó về, họ hỏi đứa trẻ mồ côi đâu? Đứa trẻ chín tuổi kia nói: “Ở trong chậu, con đã bóp muối rồi”.
Nhưng một đứa trẻ chín tuổi mà không có ngần ấy trí khôn để hiểu đứa trẻ mồ côi thét lên đau đớn, và nó không đau khi đứa trẻ kia đau hay sao?
Trơre lắng nghe chăm chú. Cũng có thể là người ta bóp muối em mất?
Tuy vậy, em an tâm, vì em đâu có để cho mình bị bóp muối. Tốt nhất là em bóp muối một đứa nào đó, con Rodi chẳng hạn, nó đang mặc áo của em. Nhưng em không để nó bị đau đâu. Đúng là em chỉ có một chiếc áo, vì bà thanh tra không cho nhiều, mà cái áo đó cũng làm bằng giấy, hai đứa không thể mặc một áo được, đó là điều chắc chắn.
- Mày có áo đẹp nhất, - các bà ở ngoài đồng nói. - áo của mày đẹp nhất, phải không?
Đêm thật là thích. Mùa đông cả bốn đứa nằm trong xó nhà, hoặc cạnh lò sưởi - nếu lò sưởi nóng - nhưng nếu lò sưởi lạnh thì chúng nằm cạnh cái tủ thấp có nhiều ngăn kéo, trên chiếc giường gỗ rộng. Chừng nào còn chưa ngủ chúng nó còn đùa giỡn nhau, người đàn bà ốm yếu lại lẩm bẩm chửi rủa, đánh đập.
- Chúng mày làm gì thế, bao giờ thì hết cái trò đó hả?
Có lần một quả táo rơi từ trên tủ xuống và lăn vào giường, thế là cả tổ kiến đó bắt đầu chuyển động. Như những con sâu, chúng nhộn nhạo hẳn lên. Giống những chú gà con, mỗi khi có một chú tìm được miếng mồi ngon thì chú không ăn ngay, mà chạy cho tới khi chú khác cướp mất, rồi lại đến lượt chú đó chạy và bỏ rơi miếng mồi, bấy giờ chú thứ ba cướp chạy, bọn trẻ con cũng nhộn nhạo  quên cả trời đất để xem ai là người giành được quả táo.
- Chúng nó điên rồi, chúng nó điên rồi, cầu cho quỷ xé chúng mày ra thành từng miếng, những con chó.
Đứa nào đó bắt được quả táo, nhưng đứa khác giật lấy và cắn luôn một miếng, cùng một lúc chúng nó nhai táo lóp bóp trong đêm tối, chúng cười suýt tắc thở. Ôi thôi, quả táo ấy không được ăn, nó bầy trên tủ là để trang trí, không một ai dám đụng đến, dù có đổi tất cả châu báu của thế giới cũng không. Nhưng bây giờ quả táo tự nhiên rơi xuống chỗ chúng nằm, đó lại là chuyện khác.
Mẹ tôi nhỏm dậy, bà nhìn xem chúng nó làm cái trò khỉ gió gì, nhưng bà chẳng thấy cái gì cả, không thể nhìn vào bụng được. Bà đánh tất cả chúng nó, và để bắt chúng nó ngủ thật sự, bà lấy hết sức quật mạnh vào những cái mông căng tròn của chúng đến nỗi hai mươi năm nữa nếu nhớ lại chúng vẫn còn thấy đau ê ẩm.
Sau đó, bọn trẻ yên lặng và từ từ ngủ say. Nếu đứa nào còn rúc rích là lập tức bà than thở:
- Mày làm gì thế? Cái lược của tao ở đâu, mày thấy không?
- Sao lại không thấy, thưa mẹ, cái lược nó đang chạy vào chuồng bò, ở chỗ Bôrixơ ấy.
Ấy là lúc Môrisơ đang chải tóc bằng chính cái lược đó.
- Quỷ tha ma bắt bọn nhãi ranh thối thây này đi, chúng mày làm gì cả đêm thế? Chúng mày nhai gì hả?
Bà đi đến chỗ cái tủ và kêu lên:
- Ở đây mất một quả táo. Chúng mày ăn rồi hả? Chúng mày không ăn chứ? Đứa nào lấy xuống để tao chặt ngón tay nó đi. Mày phải không, đồ ăn cắp?
Trơre cười, tự bào chữa:
- Tự nó xuống đấy, mẹ ạ, đúng là không ai đụng đến mà nó tự xuống đấy.
- Ai là nó? Đứa nào xuống?
- Quả táo.
- Nghĩa là mày làm hả? Đợi đấy, tao tính chuyện với mày.
Có những con gà đẻ nên phải bới tìm trứng ở các đống rơm, đống rạ. Thế mà có lần vào mùa xuân bỗng xuất hiện một con gà mái với đàn con tí hon.
- Ôi, quỷ tha ma bắt chúng mày đi, chúng mày nhặt trứng thế đấy hả? Quân mất dạy, số trứng ấy mà đem bán có phải hơn không. Bây giờ tao phải làm gì những con gà chết tiệt này, lại phải cho chúng ăn.
Nhưng rồi những chú gà con lớn lên, kêu chiêm chiếp, đẹp tuyệt vời. Khi chúng lớn lên, mẹ tôi mang ra chợ bán thật là thích, nhưng bà không nghĩ rằng nên để làm thịt. Chúa phù hộ cho bà, giết gà cũng như giết người, sao lại giết nó, gà phải đem bán ở chợ.
Chẳng bù cho lúc bà phàn nàn về chúng, vì đến thức ăn cho gà, bà cũng không mất gì cả.
Còn Bôrixo một buổi tối nói rằng nó sẽ đẻ.
Thôi thì cả một sự hồi hộp lớn xảy ra. Không ai đi ngủ, ai cũng thức, bọn trẻ con thì túm tụm ở cửa chuồng bò, không đứa nào muốn ngủ.
- Chúng mày chạy đến bác Magotrec bảo là có ai tới giúp một tay, vì Bôrixo đẻ. Không thể chờ đến ông bố của chúng mày, ma quỷ mới biết được ông ấy nằm ở đâu.
Bà chưa bao giờ nói điều gì xấu đối với chồng, vì trong lòng bà vẫn sợ chồng bỏ. Từ khi bị ốm, bà trở nên xấu tính hơn, bà chỉ muốn chết. Khi còn trẻ, bà là một phụ nữ đẹp, lúc đó bà chỉ làm sinh sôi nảy nở một lũ con, bây giờ thì chạm vào người bà cũng không thể được. Trời ơi, chắc bà không định thủ tiêu ai trong đám các con của bà. Tuy thế, bà không bao giờ nói gì ông, dù ông xử tệ với bà đến thế nào, nếu ông đánh, ông xẻ đôi bà ra cũng vậy, vì bà rất sợ rằng chồng bà sẽ có lúc chán ngấy cái cảnh hậm hực, xung khắc này mà đi với người khác, trong cái thảo nguyên này thiếu gì đàn bà góa, dễ rước. Ôi, nếu phải sống thiếu chồng bà, thiếu người đàn ông súc sinh ấy thì con đông cũng để mà làm gì, vô nghĩa, không nên sống, cần phải chết, cần phải sa đọa, tất cả sẽ trở thành mục nát mà thôi. Nhưng dù bà gầy yếu thế nào đi nữa thì bà vẫn còn đủ sức, vì bà vẫn còn sự ham muốn. Thôi thì bà sẽ có cách gì đó cho con bò Bôrixơ đẻ, dù cho chồng bà còn đang uống rượu trong nhà, đang say mèm nằm như cái xác, thì Bôrixơ cũng phải làm xong bổn phận.
Kodorơtrơ Istvan đến.
- Nào, cái gì thế? Chúa phù hộ cho.
- Trời ơi, Istvan, ông đến giúp cho, sắp sửa rồi đấy, tội nghiệp Bôrixơ, nó mong lắm.
Bọn trẻ con tò mò nhìn trộm, sợ hãi, cái gì sẽ xảy ra? Trơre cũng lo lắng đứng giữa bọn trẻ.
Kodorơtrơ Istvan nhìn em và mắt gã bắt đầu sáng lên trước cô bé trần truồng.
- Đứa nào đã ở chỗ con bò? Cô bé này hả?
Mẹ tôi nhìn gã một cách tức giận, chính Kodorơtrơ Istvan là Rudi hồi hè, kẻ đã hành hạ con bé đến tóe máu, con bé đã phải cần đến tay bà chăm sóc, chuyện như thế người tử tế không thể nói ra, thôi, bà đánh trống lảng, quát cô bé:
- Quỷ tha ma bắt mày đi, vào nhà ngay, đừng làm quẩn chân.
Bọn trẻ không nghĩ gì hết: Bò mẹ đến và sẽ có bò con. Con bê con đã ra đời, cả một sự kỳ lạ, nhưng nó xấu xí.
Con bê mới lần này không nhắng như con bê năm ngoái mà Bôrixơ, để đùa cho vui, đã sinh ra.
Chú be ấy đã trở thành trò tiêu khiển lớn. Không thể nào chịu nổi nó, phải buộc dây thừng vào cổ nó, nếu không nó chạy ra khỏi thế gian. “Chúng mày biết không, con bê nhảy mới ghê chứ, tha hồ cười”.
Nhưng bây giờ bọn trẻ chỉ trố mắt mà nhìn Kodorơtrơ Istvan thay quần áo, rồi gã lau qua người con vật mới bằng giẻ ướt khi nó thò ra như chiếc bánh mỳ thơm ngon nhô lên từ trong cái sọt.
Trơre nhìn đăm đăm xem cái gì xảy ra, mặt em nhăn nhó. Khi con bê con đã đứng được rồi, mẹ tôi hắt một ít nước vào giữa mặt nó, bà nói:
- Nào, nhờ Chúa, tên nó là con bê.
Trơre liếc qua, và em cảm thấy ghê tởm Kodorơtrơ, người gã cũng vấy đầy máu, trông thật khiếp.
Sáng hôm sau, con bê trở nên đẹp đẽ, bọn trẻ trước khi đi học đã xem chú bê ở trong chuồng. Lúc ấy Bôrixơ còn đang liếm liếm đứa con của mình. Bọn trẻ túm lấy chân chú bê và nghịch với nó, con bê đá mới ghê, và Bôrixơ thì muốn làm đứt dây thừng.
- Chúng mày lại làm cái trò gì với nó thế kia, thôi ngay đi, nó mà chết thì lôi thôi cho chúng mày, ông bố sẽ đè đầu chúng mày xuống gốc cây. Tao sẽ mách với ông ấy là chúng mày đã làm gì.
Ban ngày Trơre không sợ chú bê, và đến giờ em cũng cứ tin là mẹ tôi sẽ mách bố tôi như bà đã từng mách cho ông khi em ăn trộm quả dưa hấu. Em cũng mường tượng trong óc việc bố tôi sẽ đè đầu em xuống gốc cây và chặt cổ em.
* * *
Giôsơco, đứa con trai lớn nói:
- Mẹ cũng sẽ lại có một con bê.
Bọn trẻ cười rất khoái chí.
Trơre không hiểu.
- Mày không thấy gì trên người mẹ à?
Nhưng Trơre nhìn mãi mà không thấy gì trên người bà.
- Mẹ ơi, con có thể cho Bôrixo con một tí xúp khoai tây được không?
Bà mẹ không trả lới, vì bà đang bận thuần phục con bò mẹ bằng nhưng lời thân mật, động viên: “Đừng, nào, báu vật của tôi. Bôrixo đẹp của tôi, tâm hồn của tôi, mày hãy yên lặng, rồi tao sẽ đánh cho bọn nhãi ranh một trận để chúng khỏi đụng đến đứa con đẹp của mày một lần nữa, tội nghiệp mày, con vật đáng thương, phải chịu đựng nhiều vì cái của không đâu này, lại còn có kẻ làm cho bực tức… Nào, nào Bôrixo của tôi, nào…”.
Giôsơco đã mang đến món xúp khoai tây trong cái đĩa, đây là thức ăn sáng nhưng nó không thích. Bọn trẻ nín cười nhìn xem cái gì sẽ xảy ra, liệu chú bê nói gì, nó có thích xúp không?
Bà mẹ đấm đá xua đuổi chúng. Trơ re nhìn vết máu hôm qua còn lại giữa đám lá khô, và em bị chóng mặt.
Con bê không ăn được rau dền, trông thật chẳng khác gì những sợi rau được làm ra từ con bê. Vì sau đấy rau dền tuồn ra từ miệng nó. Cho nên, khi mẹ tôi nấu món đó, bọn trẻ nói: “Không cần rau dền con bê. Rau dền tươi của con bê.
Từng ngụm, từng ngụm, từng ngụm
Chú bê chạy rồi mày húp đi”.
Không có cãi lộn thì buổi tối không qua đi. Thỉnh thoảng mẹ tôi không bị đánh, nhưng tối nào cũng mở đầu với câu: “Nào, bây giờ tôi tính chuyện với bà” của ông bố.
Một tối nọ ông bố trở về nhà mệt mỏi và giận dữ, vì suốt ngày ông làm việc ngoài đồng. Họ bẻ ngô và chở ngô về bằng xe ngựa. Giôsơco cũng làm việc với bố, và Misơco hôm ấy không phải đến trường. Những lúc có nhiều việc ông bố Đuđasơ rất cáu kỉnh, vì họ không thuê người làm bao giờ, dù có phải chết vì công việc quá nhiều.
- Nào, bây giờ tôi tính chuyện với bà.
Đúng lúc đó bọn trẻ đi vào nhà để cắt một miếng bánh mỳ, mẹ tôi không dám vào. Bố tôi nhìn chúng và ông thét to: “Chúng mày muốn gì ở đây, chỉ biết hốc thôi, hả?”.
Ông cầm con dao lớn, dọa: “Tao thì chém chết cả lũ”. Bọn trẻ hoảng hốt chạy ra khỏi phòng. Những chuyện như thế xảy ra luôn, mùa đông cũng vậy, mẹ tôi phải chịu rét ở ngoài đống rơm, từ ấy đến nay bà bị ho và ốm yếu. Bọn trẻ chạy thục mạng, chúng sợ ông bố giết. Chúng chạy ra gốc đống rơm, và chúng nghĩ rằng cần phải ngủ đêm ở đó.
- Mẹ lên đi, mẹ lên đi. - Trơre thì thầm, khi họ nghe tiếng ông bố quát tháo ở trong nhà. Bà mẹ hoảng quá đã trèo lên đỉnh của đống rơm bằng cái thang, cái thang cũng do bọn trẻ lấy cạnh đống rơm.
Họ chờ đợi trong sự hồi hộp. Đuđasơ không vội, ông chỉ gầm lên như ông vẫn quen làm, trong khi đó ông lấy rượu vang ở dưới hầm lên và uống. Sau đó, ông lại quát tháo: “Mẹ chúng mày ở đâu?” - và bằng những lời mỉa mai, ông đe dọa đủ thứ.
Cùng lúc đó, một nỗi kinh hoàng mới đến với bọn trẻ: Có một con ma xuất hiện trong tấm vải trải giường màu trắng, nó gầm gừ, hậm hự và hướng về phía chúng mà rú lên làm cho bọn trẻ hết hồn, hết vía. Con ma gọi: “Trơre, Trơre…”.
Đêm đã khuya, trời lại tối, không một ánh sao.
- Bố ơi, bố ơi, có ma ở đây!
Tội nghiệp bọn trẻ, chúng nó thét lên. Bà Đuđasơ không dám rời khỏi đống rơm, vì bà sợ chồng hơn sợ cả ma. Bà chỉ ngồi trên đó và khuyến khích chúng: “Chúng mày cứ vào nhà và nói với bố”.
Chúng lại đẩy Trơre vào nhà, vì chúng thấy rằng chỉ có Trơre là ông bố chịu được, kể cả khi ông say rượu. Nhưng chúng không nghĩ rằng Trơre cũng cũng sợ ông hơn cả sợ ma. Tuy vậy cô bé vẫn đi vào nhà và thét vào tai ông bố rành rọt rằng ngoài sân có con ma, nó mặc vải trải giường màu trắng và gọi: “Trơre”.
Ông Đuđasơ rút ngăn kéo lấy khẩu súng ngắn, đoạn ông đi ra và bắn ngay vào con ma mặc vải trải giường màu trắng. Con ma ngã xuống, nằm ở ngoài sân. Sau khi con ma chết, ông thản nhiên chửi đổng rồi quay vào nhà nằm xuống, ông ngủ ngay. Trong khi sự việc trên xảy ra, bọn trẻ chạy trốn hết vào nhà, bây giờ ông đuổi chúng nó: “Chúng mày đi ra kia, quân chó chết, tao không cần chúng mày, chúng mày đi đi, hết ma rồi, đi ra, nhưng bà ấy vào đây, nếu không vào thì tao đập vỡ đầu bằng cái vồ đấy”.
Nhưng bọn trẻ chạy ra bảo với mẹ là đừng vào, chúng trèo lên chỗ bà, phủ lên người bà một lớp rơm để bà khỏi chết cóng, còn chúng thì nép ở góc nhà bếp và ngủ đến sáng hôm sau. Chúng rúc vào nhau, ngủ quá giờ trước cái bếp lò. Riêng Trơre phút nào cũng hoảng hốt sợ ma đến. Vậy mà con ma đó đã chết chắc chắn rồi, nó nằm ngoài sân đến sáng hôm sau, cho tới khi bố tôi ngủ dậy, ra sân và nhìn thấy nó:
- Cái gì ở đây thế này?
Bọn trẻ kể lại cho ông hay rằng đây là con ma mà đêm qua ông đã bắn vì nó đã làm chúng hoảng sợ.
Đuđasơ lật tấm vải trắng trải giường lên:
- Hu, trời đất ơi, mẹ chúng mày đâu rồi? Rodi, mày có nghe không, trời ơi là trời!
Nhưng bọn trẻ không nói cho ông biết vợ ông ở đâu. Hơn nữa mẹ tôi cũng không muốn chuyển động.
- Nếu vợ tôi không đến, - Đuđasơ kêu lên. - tôi tự sát ngay lập tức. - và ông đưa khẩu súng ngắn lên đầu.
Bọn trẻ sợ quá, chúng bắt đầu kêu khóc: “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ xuống đi, bố sẽ tự bắn vào mình”.
Chỉ có Trơre là không kêu khóc, em nhìn run rẩy, răng em va vào nhau lập cập, bụng em cũng tái xanh. Do đấy Đuđasơ biết được cô bé này lo cho mẹ tôi nhất. Bọn trẻ cũng nói: “Trơre nghĩ ra đỉnh đống rơm. Trơre bảo mẹ lên đó”.
Nhưng khi mẹ tôi rời đống rơm xuống, bố tôi không làm gì bà cả, ông chỉ nói:
- Bây giờ tôi đi đến trụ sở xã, ở nhà chú ý cái xác nhục nhã này.
Khi ông đi rồi, bọn trẻ phải ở lại bên cái xác chết, nhất là Trơre, vì bọn nó bị rét, chỉ có em là không bao giờ được rét, cũng như không bao giờ được đói, được sợ.
Những cái gì không tốt, em đều phải chịu đựng. Bây giờ em phải túc trực bên cái xác chết cho đến trưa, vì những con chó sẽ không để xác của con ma tội nghiệp kia yên. Như vậy là không có ai đi chăn bò, vì bọn trẻ phải đi học, chỉ có Rodi ở nhà, nhưng không thể để Rodi chăn bò được nên mẹ tôi rất tức giận. Những con vật đáng thương kia phải ở trong chuồng cả ngày là vì con người tồi tệ này. Lão Kodorơtrơ Istvan đến đây dọa trẻ con trong bộ quần áo ma để làm cái của khỉ gì, giờ thì lão ta đã nhận phần của mình. Dù sao thì mẹ tôi cũng rất lo là người ta sẽ trừng phạt bố tôi. Nhưng may cho bố tôi vì ông đã nói với ngài thẩm phán là kẻ bị bắn đã làm các con tôi hoảng sợ, tôi chỉ bảo vệ các con tôi.
Ở trụ sở xã về, bố tôi nói to:
- Nếu bọn trẻ không ở đó thì người ta bỏ tù tôi rồi. Sấm sét hãy giáng xuống cái xác chết khốn nạn này. Nhưng bây giờ, mẹ nó ạ, chúng ta phải chôn hắn đi.
Ông phấn chấn hẳn lên, Trông ông dễ mến như khi ông tỉnh táo tự cho phép mình nói lè nhè. Lúc này có thể yêu ông được.
Họ mang người chết trên xe ngựa đến nhà xác trong làng, rồi từ chỗ đó họ mang đi chôn. Không có chuyện gì xảy ra cả. Họ cũng chẳng bao giờ nói cho bọn trẻ biết con ma ấy là ai, chỉ nói rằng đó là con ma… Nhưng Trơ re biết con ma ấy là bác Kodorơtrơ. Từ nay bác ấy không đập em xuống cái cọc được nữa. Bố tôi sở dĩ bắn vào con ma trong cơn giận vì ông đã nhận ra nó là ai.
Mọi người ở trại đến và ai cũng cười:
- Đáng đời cái đồ chết tiệt ấy!
Điều lý thú là họ lo cho đứa trẻ mồ côi. Những người đàn ông to lớn ngây ra nhìn theo em: cái thằng vô lại ấy chết là đáng lắm!
Từ đó cô bé Trơre trở nên sợ hãi đến mức em không dám ở đâu một mình, em luôn nhìn thấy ma ở khắp mọi nơi, vì em phải canh giữ con ma ngay cả khi nó đã chết. khi trời tối, ôi, sau lưng em đã xuất hiện con ma, nó cắn vào lưng em. Nếu lùa bò về muộn mà không có ai ra với em - em thường đợi người nhà đến để giúp lùa bò về, vì bây giờ có thêm con bê, không thể để em lùa bò một mình, nhưng ở nhà lúc nào cũng nhiều việc, không ai nhớ đến chuyện lùa bò - cô bé Trơre run lên và em co rúm người lại, em cảm thấy có con ma nào đấy đang ngoạm vào lưng.
Không ai biết gì về những con ma, nhưng ai cũng sợ, phải không?
Đêm đó em bỗng tỉnh dậy vì tiếng mẹ tôi kêu, bà khóc sụt sịt và rên rỉ. Nhưng lúc này bố tôi lại không chửi tục, ông mang cái xô đầy máu đi ra ngoài. Bọn trẻ cũng thức giấc, chúng đứng nghe ngóng và nhòm trộm qua vách, qua giường, qua cửa.
Đây là con ma thực. Có lẽ nó đã trở về để hại người đàn bà đáng thương này.
Cô bé Trơre không nghĩ gì cả, em chỉ ngạc nhiên rằng em phải chịu đựng.
----------
Tiếp: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/01/ua-tre-mo-coi-gicmon-p-4.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét