Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Đứa trẻ mồ côi - Móricz Zsigmond (P 4)

Đứa trẻ mồ côi

Tác giả: Móricz Zsigmond
Dịch giả: Trương Đăng Dung

Nhà xuất bản Văn Học - 1987

Thánh ca thứ tư

Sau đó ngày nào bọn trẻ cũng đi đến trường. Trường học là gì vậy? Trơre cũng muốn đến trường. Trường học có thể là cái gì thích lắm, nhưng em không biết đó là cái gì, vì chưa lúc nào em rời khỏi trại ra ngoài đó. Em cũng chưa biết đến cái trại nào khác, em nghĩ trại nào thì cũng giống trại này thôi. Em không ra đường, ngoài những lúc phải lùa bò Bôrixơ đi.
Nhiều lúc em ngồi một mình trong nhà bếp, bên đống tro, em chỉ ngồi và nhìn ra trước mặt. Em muốn được là người đầu tiên vào trong nhà, nhưng em không được vào, chỉ mẹ tôi có quyền đó. Vậy mà em muốn vào nhà để quét rửa, lau chùi tất cả, đối với em, đó là hạnh phúc lớn.
Em không được vào đó, cho nên em chỉ ngồi, em không muốn gặp ai, em ngồi co ro và nghĩ ngợi bên đống tro.
Ông bố Đuđasơ của tôi đi ra, ông càm ràm như một con chó lông hung:
- Này, đồ ma lem kia, đi vào chuồng bò, nằm xuống.
Nhưng em không nhúc nhích, không đi ra. Em không bao giờ đi ra. Em nheo mắt, miệng dẩu lên, em nhìn ra trước mặt mình cạnh đống tro.
Mẹ tôi đi lom khom từ chuồng bò vào thở hổn hển, trông bà gầy yếu, vàng vọt. Gò má bà đỏ, bà rên rỉ:
- Không có ai thương tôi nữa. - Bà nói một cách dịu dàng. - Chỉ còn có các con tôi và con bé mồ côi này là thương tôi.
Rồi bà trầm ngâm nói thêm:
- Nhưng giá mà chúng nó không hành hạ con Bôrixơ đến thế.
Lúc đó bọn trẻ đang nhồi rơm vào sọt. Trơre nhét rơm vào đáy sọt bằng thanh gỗ quấy mứt hoa quả, cái sọt cần phải đầy rơm và chắc như súc gỗ. Nếu các sọt đựng rơm không được nhét đầy thì thật lôi thôi.
Mùa thu nào mẹ tôi cũng thay rơm ở trong những sọt đựng rơm và trong các giường. Rơm cũ cũng còn tốt, nhưng đã bị bụi bám, hơn nữa rơm mới mùi của nó cũng khác hơn.
- Có rơm lúa mạch đen thì tốt, nhưng ở đây không trồng lúa mạch đen. Chỉ có lúa mì, mùa vừa rồi rơm lúa mì cũng tốt nhưng mẹ lại không nhận ra. Loại lúa đó cũng dở, vì nó rụng nhiều quá nên kết quả thu hoạch không được như ta mong đợi. Nếu có trận mưa thì ngô sẽ cho mỡ rán, rồi đâu sẽ vào đấy thôi. Này, Trơre, nhìn xem có ai đang đến kìa?
Cô bé mở to mắt, và ngay lập tức em chạy trốn. Em nhận ra bà lớn tay cầm ô đang đi đến. Em sợ tất cả mọi người, nhưng không sợ ai bằng sợ bà lớn, vì em biết mẹ tôi đặc biệt sợ bà lớn của em như thế nào.
- Chào bà Đuđasơ.
- Ôi, xin được hôn tay bà lớn, xin được hôn tay bà lớn.
- Tại sao con bé mồ côi lại chạy mất?
- Dạ, nó là đứa hay chạy, tội nghiệp con bé.
- Thế tại sao nó lại ở trần như vậy?
- Không sao, bản tính nó vẫn thế đấy ạ. Cứ mặc quần áo cho nó là nó bứt khỏi người. Ở đây không ai nhìn thấy, vả lại có lạnh đâu.
- Tôi đã nói với bà từ năm ngoái là đừng để tôi phải nhìn thấy nó trần truồng, vì tôi sẽ đưa nó đi khỏi đây.
- Không phải nó vẫn ở trần từ bấy đến nay đâu ạ, nó mới chỉ rơi cái áo khoác đây thôi. Nhưng xin mời bà vào trong phòng đã, xin mời bà, xin hôn tay bà.
Bà lớn đi trước. Bà thấy rằng khó mà bắt được đứa trẻ mồ côi, vì em đã chạy ra ngoài đồng, cái thân hình nhỏ bé, màu nâu của em thấp thoáng trong nắng mùa thu.
Bà lớn đi lên trước một cách quả quyết và nghiêm khắc. Bà Đuđasơ lúng túng đi theo sau, lòng đầy những dự cảm xấu.
Bà lớn ngồi xuống, nhìn quanh trong phòng. Cần phải thừa nhận là căn phòng sạch sẽ. Những bức tường màu trắng, cái lò được quét sơn chia thành từng ô với các màu trắng, xanh, đỏ và nâu một cách đỏm dáng, trông giống như cái lẵng gỗ, phần trên được quét vôi trắng xóa, phần dưới được quét nâu bằng sơn dầu. Các đồ gỗ màu nâu cổ; sàn đất thì đúng là đất, được quét cẩn thận bằng một lớp đất màu vàng, đên nỗi nếu ai không biết thì cứ tưởng là lát bằng ván. Cạnh cái bàn ăn sơn màu vàng đã cũ sờn, là những chiếc ghế làm bằng gỗ cứng màu nâu vàng, cạnh tường giữa những cửa sổ là chiếc ghế dài có thành cao.
Bà lớn không nói một lời nào, bà đi hết căn phòng một cách đạo mạo, rồi ngồi xuống cái ghế dài kê giữa hai cửa sổ, hay như ở trại người ta gọi là cái trường kỷ. Bà nghiêm khắc gọi bà Đuđasơ đến cạnh mình:
- Bà Đuđasơ, tôi cần phải buộc tội nặng cho bà. Kẻ được bà bảo lãnh lẽ ra phải được đi học từ một năm nay rồi, nhưng bà lại cứ trì hoãn thời gian đi học bắt buộc đó.
Bà mẹ im lặng.
- Bà trả lời thế nào về việc này?
- Dạ, xin hôn tay bà, tôi không biết điều đó.
- Nhưng bà biết rằng đứa trẻ này sinh cùng năm với con gái bà chứ ? Chính tôi đã nói với bà. Bà còn nhớ chúng ta đã nói rằng con Rodi của bà và đứa trẻ mồ côi này cùng một tuổi. bà nhớ chứ ? Thế mà con gái bà đã được đi học từ tháng chín năm ngoái, hiện nay nó học lớp hai, đúng không?
- Dạ, xin hôn tay bà lớn, người ta gọi nó vào trường đấy ạ.
Bà lớn muốn bằng cách nào đó làm êm chuyện này, vì thật ra bà là người chịu trách nhiệm về sự chậm trễ ấy. Bây giờ bà không còn cách thoái thác nào khác.
- Chắc con bé bị ốm hả?
- Dạ, vâng, xin hôn tay bà, nó ốm luôn, con bé còi lắm.
- Dù có thế cũng phải cho nó đi học trong năm nay, nhưng bà là kẻ vô tích sự, bà đã trì hoãn việc đó. May cho bà là hôm nay tôi đến đây trước khi chính quyền yêu cầu, bởi vì người ta phạt nặng lắm đấy.
Nhưng bà Đudasơ đã chột dạ ngay rằng nếu phải cho Trơre đi học thì nó cần quần áo, đồ lót và những thứ nhận của nhà nước mà bà đã sử dụng đến mảnh cuối cùng rồi.
- Sự phát triển trí tuệ của nó thế nào?
- Con bé ngu lắm ạ, nó không bao giờ nên người được đâu.
- Rồi tôi sẽ ghi vào biên bản điều này. - Bà lớn nói. - Tôi không hài lòng vì không thể chấp nhận được việc đến bây giờ mà tôi vẫn phải thấy nó ở truồng.
- Nó không chịu được các loại quần áo. Nó xé ngay khỏi người nó. Nó là con thú. Tôi cũng có tương đối nhiều con, nhưng con bé này không thể nào thuần phục được. Đã năm năm nay rồi tôi khổ sở vì nó, vậy mà đến hôm nay nó vẫn như con thú rừng.
- Thế bà không gọi được nó vào à?
- Ồ, xin hôn tay bà, không thể gọi được đâu.
Bà lớn lấy giấy, rồi bà viết gì lâu lắm, sau đó bà bảo vợ ông Đuđasơ ký vào:
- Tôi lưu ý bà, bà Đuđasơ, sáng mai trước chín giờ bà mang đứa trẻ này đến chỗ tôi. Tôi khuyên bà hãy nhốt nó vào phòng, đừng thả nó ra. Tôi không muốn các người đuổi nó ra thảo nguyên. Tóm lại, bằng mọi giá sáng mai bà hãy mang nó đến, và giao nó cho cho chị Moghơrit, người phụ việc của tôi.
Nói xong bà đứng dậy, bỏ giấy tờ vào cặp và đóng cặp lại.
- Mồ côi Nhà Nước. Đây là tên của nó. Cái tên tương đối ngớ ngẩn. Chắc hẳn ngài thư ký Kisêri đặt cho nó.
Khi ra khỏi cửa, bà nói thêm.
- Điều đó cũng tương đối đặc trưng đấy. Ngài thư kí rất nhân đạo. Công nhận là tôi cũng không biết đấy là tên con bé, và nó cũng không có tên nào khác. Bây giờ tôi mới thấy ở trong giấy tờ.
- Mẹ kiếp chúng mày. - Bà mẹ gấy yếu chửi khi bà lớn đã đi khỏi. - Chúng mày mang nó đi khi nó đã được việc cho người ta !
Rồi đi về cuối trại, bà nói:
- Trơre, Trơre, quỷ tha ma bắt mày đi. Trơre.-
- Thế mẹ muốn gì ?
- Về thôi, bà lớn đi rồi.
Trơre thấy bà lớn đã đi, nhưng vẫn sợ nếu em về thì bà lớn quay lại.
- Bà ấy quay lại !
- Không đâu. Tao cũng đi đây, tao bảo là về ngay, nếu không tao vặn gãy cổ mày đi, đừng làm tao phải cáu. Về đi, con gái của mẹ.
Dần dần bà cũng đã lừa được cô bé, nhưng em không muốn đi vào nhà, em nhìn trộm từ ngoài, em thấy mẹ tôi mặc quần áo đen, quấn cái khăn lốm đốm trắng lên đầu. Em ngạc nhiên vì em chỉ thấy bà ăn mặc như vậy nếu bà đi vào làng mua bán gì đó.
- Mua ?
- Mày làm sao thế ?
- Mua ?
- Phải, tao cần đi vào làng là vì mày đấy, bỏng hết da chúng nó đi, da các ông lớn ấy, chúng nó làm tình làm tội người ta thôi. Cần phải đi vì mày, con khốn nạn. Cần phải đi, vì mày tao phải đi đến trường xa xôi như thế này đây.
Điều này Trơre không hiểu nổi, tại sao mẹ tôi phải đến trường vì em nhỉ?
- khi tao chưa về, mày có thể quét dọn, rửa bát đĩa. Nhưng nếu mày làm vỡ cái gì thì tao xéo xuống chân và tao xé xác mày ra.
Trơre mở to mắt: em được rửa bát đĩa ư ? Hạnh phúc quá.
Ôi, thật là tuyệt với. Em đun nước sôi, rồi em đổ nước đun sôi vào chậu, sau đó em rửa từng chiếc nồi một, vì nhiều nồi lắm, nồi nào cũng bẩn, chưa rửa. Mẹ tôi không thích rửa nồi, vả lại bà cũng không ăn nên chỉ thỉnh thoảng bà mới rửa nếu bà có thời gian. Còn cô bé Trơre thì lại rất thích thò tay vào nước ấm, và cảm giác thích thú với em là được một mình mân mê những đồ vật dễ vỡ này. Những lúc khác họ không cho em cầm chiếc đĩa nào cả, em có riêng cái đĩa bằng sắt tây như của những con chó, em phải ăn bằng cái đĩa đó, cái đĩa sắt tây đã méo mó, không được rửa, để em khỏi làm vỡ đĩa gốm hoặc đĩa sứ. Còn bây giờ chỉ mình em là chủ trong ngôi nhà lớn, không có ai ngoài em, có chăng thì chỉ là con mèo đen Môrơxi đã già nua, lười biếng đang ngồi rên trên ngăn bếp dùng để nướng thịt. Nếu em muốn thì còn có con chó trắng ngoài kia, rồi thì đàn lợn, con bò Bôrisơ, đàn gà mái, gà trống và những chú chim sẻ đang nhâng nháo trước hiên nhà, chúng còn sà cả vào thềm nhà bếp, vậy mà bàn ăn đã trải sẵn cho chúng ngoài kia, cả một cánh đồng.
Ai cũng tìm, bới cho bản thân mình, chỉ có em là người làm việc ở thế gian này.
Khi đã lau xong một cái đĩa, em phải để vào khay trên cái tủ thấp có nhiều ngăn kéo ở trong phòng, nhưng em không với tới. Em đx có cách. Em tìm cái ghế ngồi vắt sữa, rồi để cái ghế cạnh tủ, và nhờ vậy êm đã đưa được đĩa, khay sứ, cốc, chén, âu đựng muối cùng tất cả các thứ lên.
Sau đó em xếp đặt lại nhà bếp, em để mọi vật vào vị trí của nó, rồi đổ nước sôi khỏi cái chậu, đặt chậu vào góc nhà, dưới cái thang như mẹ tôi vẫn thường làm.
Lúc đó vẫn chưa có ai về nhà. Vậy thì tiếp theo là căn nhà. Căn nhà, nơi mà trước đấy em không được đặt chân vào chỗ nào em muốn đặt chân, thì giờ đây là của em tất cả, em muốn làm gì thì làm. Em cầm chổi quét hết các góc nhà, xó xỉnh; em mang rác rưởi ra khỏi nhà, đổ theo chiều gió, gió vui vẻ đưa vào ánh nắng những hạt bụi cười khoái chí.
Nhưng bây giờ em mới nhớ một việc lớn: em sẽ lau lại nền nhà.
Vật liệu em lấy ở sau nhà, trong cái bọc, em pha cái đó với nước, em tìm một ít bồ hóng nữa cho vào rồi lấy tay khuấy đều. Nền nhà phải trơn tru, đẹp đẽ, đừng để lại vết chổi kéo ở trên mặt đất. Em chưa từng trát lại nhà, nhưng em đã nhìn xem mẹ tôi làm như thế nào. Bàn tay nhỏ xíu của em bắt đầu kéo cái giẻ lau từ đầu đến cuối phòng. Cái nền phải trông như là được lát gạch tráng men, như được làm bằng tấm kính cỡ lớn, phẳng phiu, một màu.
Em ngồi xổm, trần truồng trên mặt đất, nét mặt nghiêm túc, đầy sự hiến dâng, chăm chỉ. Em làm việc khiêm nhường như một thiên thần nhỏ: thiên thần nhỏ nhem nhuốc và đen nhẻm. Thay cho quần áo đã có một lớp nước màu đen loang lổ khắp thân thể em, đầu gối màu đen, bàn chân, khắp bụng và cả khuôn mặt nhỏ của em trông cũng đều như người thợ quét ống khói.
Nhưng em không nhìn thấy mình, em chỉ tiến lên phía trước, tiến lên phía trước một cách say sưa. Khi công việc đã xong xuôi thì cũng là lúc bọn trẻ ở trường về.
- Không được đi vào. - em gào to với chúng. - Không được đi vào, em vừa quét lại nền nhà.
- Mày á ?
Mấy đứa lớn cười hô hố, còn Rodi thì thè lưỡi ra- Em làm, đúng thế.
Em quét nền nhà, việc làm buồn cười đối với chúng, vì việc đó đến đứa lớn nhất là Dophi mà mẹ chúng cũng không cho làm.
Nhưng chúng không đi vào, vì chúng thấy nền nhà còn ướt, chúng đi tìm cái ăn, và đã tìm thấy. Trơre không đụng đến thức ăn, cả ngày em chưa ăn một miếng nào, em không dám ăn. Em sợ làm việc không tốt thì còn bị phạt, huống chi là ăn, bởi vì em không được ăn.
Chỉ khi nào người ta cho thì em ăn. Nhưng các cô bé không nghĩ đến việc mời em cùng ăn, vì thế em đứng đó, người đầy bùn, đen nhẻm như một chú lợn con.  Em nhìn chúng với khuôn mặt ngời sáng, hạnh phúc và tự hào, em cười để lộ những chiếc răng chuột nhỏ xíu. Đứa nào nhìn em cũng cười ha hả, thật lạ là chính em cũng bị quét đen đến thế!
- Rửa người đi, đồ con lợn. - Giôsơco quát lên và cười ngặt nghẽo.
- Đi ngay đây.
Em đi ra giếng, đứng vào chậu ăn của gia súc và rửa từ đầu đến chân một cách vụng về nhưng nhiệt tình cho tới lúc em không còn làm bong được một vảy bùn nhỏ nào nữa ở chân. Dù vậy thì chân và cả người em cũng còn đen, vì em không có xà phòng để rửa, da em đã bị thay mất rồi.
- Ai đã rửa nồi ? Đứa con gái nào của tôi ngoan thế chứ ? - mẹ tôi hỏi, vì bà nhìn thấy ngay khi bà bước chân vào cho dù căn phòng tối, những cái đĩa sạch sẽ được xếp đầy trên đỉnh cái tủ thấp nhiều ngăn kéo, có điều không phải xếp như bà vẫn làm, mà được xếp một cách khác hẳn.
Bây giờ bà mỉm cười, cái miệng kỳ lạ của bà nhếch lên khỏi sự buồn bã triền miên và kéo ra thành một nụ cười.
Trơre chỉ đứng ngoài nhà bếp, bên cánh cửa, em ranh mãnh nhìn trộm vào, chờ xem mẹ tôi có nhìn thấy em không, và đây…
- Trơre rửa đấy.
- Trơre à ? Thế mà mẹ tưởng chúng mày làm sau khi ở trường về, chúng mày là đồ vô tích sự, chúng mày không giúp được gì cho mẹ cả.
Bà không để ý đến gì nữa. Bà bỏ khăn xuống nhét vào ngăn kéo, đoạn bà cởi bộ quần áo đen cho vào tủ. Sau đó bà mặc bộ quần áo nhàu nát màu xanh bà vẫn mặc và đi ra.
- Nền nhà làm sao thế này ? Chúng mày đái lên để mèo bước vào đó, hả ? - bà cười.
Trơre chờ đợi sự khen ngợi, em cũng cười.
- Trơre làm đấy.
- Con lợn này đã làm gì cái nền nhà ? Mày đã làm gì thế, con kia?
- Con quét lại. - Trơre mạnh dạn lên tiếng.
- Đồ rác rưởi gì vậy ? Mày hả ?
Rồi bà nhìn kỹ hơn. Quả là đến các vết nứt cũng được chữa lại, dù khi bà nắn nó hãy còn mềm, nhưng toàn bộ đã được làm nhẵn một cách khéo léo đến lạ. Nền nhà quét lại cũng không dở, có thể để vậy cũng được. Ngoài kia còn có việc phải làm, nên bà chỉ lẩm bẩm do lòng trung thực.
- Ồ, ai bảo mày đụng đến làm gì cơ chứ.
Chỉ đến tối, khi bà ngồi xuống một lúc để ăn, bà nói với em:
- Mày… ăn chưa ? Này… ăn đi.
Khi thấy cô bé đã vui vẻ ăn ngon lành miếng bánh mì, lúc đó bà mới rên rỉ:
- Chúa trừng phạt họ, họ mang nó đi khi nó đã có thể giúp ích cho ta.
Sáng dậy, bà thở dài.
- Nào, lại đây.
Cô bé chạy đến nép vào lòng bà, em nằm trên đùi bà và ôm bà bằng những cánh tay bé nhỏ. Em có đủ công lao để mẹ tôi yêu. Bà cho phép em nép vào người, bà xoa đầu em, áp khuôn mặt em vào ngực mình, bà cảm thấy em đang vuốt vuốt, đập đập vào lưng bà
- Con bé này lẽ ra sẽ là đứa con gái ngoan bé bỏng của tôi, lẽ ra… nếu cái bọn vô lại ấy không cướp đi của tôi… Nào, lại đây.
Trơre nhìn mẹ tôi. Sao bà lại gọi em sáng sớm thế này.
- lại đậy, nào, mẹ đưa vào làng, ra chợ.
- Vào làng ư ?
Trơre như ngừng thở. Em chưa bao giờ vào làng. Mẹ tôi sẽ đưa em vào làng, ra chợ.
Ôi, những điều kỳ lạ xảy ra hôm nay. Mẹ tôi tìm quần áo. Bà tìm một bộ quần áo của Rodi, áo sơ mi và áo khoác của nó.
- Lại đây mẹ tắm cho.
Bà đổ nước nóng vào cái chậu giặt to, rồi đặt em vào trong đó và tắm cho em bằng xà phòng. Nước xà phòng ấm ấm thích quá, tay của mẹ tôi có những vết chai ráp đã rửa cho em như hôm qua em rửa nồi vậy.
Em cảm thấy là lạ, buồn cười, mặc dù em chưa mặc áo sơ mi và áo khoác. Chỉ còn thiếu giầy, vì Rodi đi giầy đến trường mất rồi.
Chúng nó đã đi từ lâu; có lẽ em cũng đi đến trường. Hôm qua mẹ tôi vào làng là để làm ra cái trường. Trơre không hề biết là cần phải làm gì với cái trường, vì em chưa từng ăn cái mà người ta gọi là “trường”, nhưng em cảm thấy có gì đó liên quan giữa con đường hôm qua mẹ tôi đi và con đường hôm nay.
Em lẽo dẽo đi chân đất bên mẹ tôi, trong lớp bụi lạnh.
Thỉnh thoảng em hỏi gì đó, nhưng em không nhận được câu trả lời, thay vào đó là một câu lẩm bẩm, hay một cái giật mà suýt nữa cánh tay bé con yếu ớt của em bật khỏi chỗ của nó.
Bông nhiên em rất khát nước.
- Mẹ ơi, con khát nước, mẹ ơi, con khát nước.
- Quỷ tha ma bắt mày đi, tại sao ở nhà mày không uống, tao lấy nước ở đâu cho mày bây giờ?
Nhưng em không quan tâm đến điều đó, em chỉ nói ngày một thôi thúc:
- Mẹ ơi con khát nước, mẹ ơi con khát nước, mẹ không nghe à, con khát nước…
- Tí nữa sẽ có giếng ở cuối làng, ở đấy mày sẽ được uống.
Nhưng cái giếng áy hãy còn xa. Vậy mà rồi họ cũng đi đến đó. Ở đấy mẹ tôi đưa em đến giếng, bà nhìn cái gầu và thấy ở dưới đáy gầu còn có một ít nước, thế là bà không cần phải kéo nước lên:
- Nào, uống đi.
Làng là một cái gì như không phải có thật. Em chưa bao giờ nhìn thấy nhiều nhà san sát nhau như vậy. Ở ngoài thảo nguyên không có nhiều nhà, chỉ có nhà của gia đình em, xa hơn một tí là nhà của Kodorơtrơ, và xa hơn nữa có thể nhìn thấy rải rác một vài nhà trại. Còn ở đây nhà xếp thành hàng bên nhau, nhà lại tiếp nhà, em tưởng mắt mình phải bật ra mất, vì em không thể phân biệt nhà này với nhà kia.
- Chúng ta không đi đến chỗ bà lớn mà đi đến chỗ người phụ việc của bà ta.
Em không biết là phải đi đến chỗ bà lớn, em cũng không biết là bà lớn có người phụ việc, em chỉ co người lại một cách hoảng sợ.
Họ đi đến một ngôi nhà lớn, đường dẫn vào nhà làm bằng gạch, gạch đã được xếp để có thể bước đi trên đó một cách thoải mái, hòn này thấp hơn hòn kia, những hòn gạch cạnh tròn.
Mẹ tôi lôi em qua một cái cửa lớn, sau đó họ bước vào một căn phòng trang trí diêm dúa. Nhưng em không nhìn đi đâu cả., em chỉ khép nép bên váy mẹ tôi và nhìn trộm.
- Tôi đã mang đứa bé đến, thưa bà lớn.
- Thế bà đã mang nó đến rồi đấy à, bà Đuđasơ? Bà có phải là bà Đuđasơ không?
- Thưa bà, chính là tôi đây ạ.
- Vậy thì bà có thể đi, còn con bé ở lại đây.
Nhưng nghe đến đó, hai tay em dính chặt vào váy mẹ tôi, rồi em kéo váy mẹ tôi, miệng em méo xệch đi, em quan sát trước mối nguy hiểm không quen biết. Khi bà lớn trẻ đẹp có khuôn mặt tròn đứng dậy và bước đến gần, em thét lên như thể bà đã đâm dao vào cổ em để chặt em ra từng khúc mà bóp muối.
Bà lớn và cả mẹ tôi nữa cũng đều hoảng lên vì em.
- Đừng khóc, con. - bà nâng tạp dề lau mũi, lau miệng cho đứa trẻ đang rú lên đó, và cũng là để che khuất bà lớn trẻ tuổi đang hoảng hốt. Bà nói và cười:
- Đừng khóc, nào, bé ngoan, thiên thần nhỏ của mẹ, con bồ câu của mẹ.
Nhưng Trơ re càng thét to hơn, em cảm thấy mẹ tôi cũng sợ, vì bà không nói như những lúc khác, dù là một lần câu: “quỷ tha ma bắt mày đi”, hoặc “thối thịt mày ra”, mà lại làm em rợn người bằng những “bé ngoan”, “bồ câu”, “thiên thần của mẹ”…
Bà lớn chạy vào phòng trong và lôi ở đó ra một con búp bê lớn. Con búp bê có tóc như một đứa trẻ. Con búp bê làm cô bé vùng thảo nguyên kinh hoàng đến nỗi em nín bặt một lúc và ngơ ngác nhìn cái con vật lạ lùng kia. Em chưa bao giờ có búp bê, em không thể tưởng tượng được nó là gì, có lẽ đây là cô bé đi học chăng? Hay là cái gì? Họ cũng muốn biến em thành thế này ư? Chính vì thế khi bà lớn lại gần em với con búp bê thì em kêu thét lên đến nỗi hai người đàn bà sợ em quá khiếp đảm.
Em không biết mẹ tôi đi từ bao giờ. Em cũng không biết là em đã rời tay và váy của bà ra sao, bỗng nhiên em đứng ở giữa phòng, hai tay che mặt, khóc nức nở. Em nhìn quanh, không còn ai ngoài bà lớn xing đẹp. Ngay trong khi khóc em cũng nhận thấy rằng từ bé đến giờ em chưa từng gặp người nào xinh đẹp và dễ mến như bà lớn xa lạ này.
- Lại đây, cháu. Bông hoa mồ côi, đừng sợ cô. Cháu biết đấy, cháu là bông hoa mồ côi nhỏ, loại hoa đẹp nhất vào mùa xuân, cháu cũng là bông hoa nhỏ xinh đẹp, nào lại đây, bông hoa mồ côi nhỏ.
- Cháu không phải là mồ côi.
Bà lớn mừng là em đã nói, bà phấn khởi hẳn lên vì ít ra bà cũng làm cho em dịu bớt.
- Vậy cháu tên gì?
Em im lặng hồi lâu.
Bà ta phải hỏi tới mười hai lần “cháu tên gì?”, lúc đó em mới lúng búng buột ra:
- Trơre.
- Cái gì?
- Trơre.
- Đâu phải, tên của cháu là Mồ Côi. Mồ Côi Nhà Nước. Đó là tên cháu đã được viết trong giấy tờ, cháu là Mồ côi Nhà Nước.
Em nhíu mày giận dỗi, và em căm thù đưa mắt nhìn quanh, chỉ bây giờ em mới thấy mình không ở trong phòng cũ mà đang ở trong phòng khác có nhiều búp bê.
Mọi việc khác cứ thế trôi đi.
Em làm kẻ chống đối và giận dỗi, em không trả lời, không để họ đặt mình nằm xuống chiếc đi văng đẹp. Em cảm thấy với đôi châm lấm lem của mình, em không được phép nằm xuống đi văng như những cô bé đang im lặng nằm ở đó. Một vài đứa trong bọn nó lớn độ một gang tay, em sợ chúng sẽ cào cấu em, em không muốn ở giữa bọn chúng, vì nếu bà lớn đi khỏi thì bọn này, dù bé bao nhiêu đi nữa, cũng sẽ lao đến, chúng nó đông thế kia, không biết trong ruột chúng làm bằng cái gì?...
Sau đó em cắn răng chịu để người ta đặt em nằm xuống và đắp chăn cho em. Em cố nhắm nghiền mắt chặt hết sức chịu đựng của mình, đến nỗi suýt nữa làm bật con ngươi ra khỏi chỗ của nó, và thế là họ tưởng rằng em đã ngủ, bà lớn bỏ em ở đó. Khi còn laik một mình giữa bọn câm, như con mèo bắt chuột, em rướn người lên túm lấy một đứa trong bọn, nhưng nó không khóc, không nói. Em nhận thấy những đứa trẻ này không sống, mà chúng được nặn ra thế nào ấy, em bẻ cổ nó mà máu cũng không chảy.
Em còn lôi cổ hai hay ba đứa nữa, bẻ đôi rồi ném đầu chúng vào tường, em thấy đầu chúng cũng chỉ là sứ thôi.
Ai đã để cửa mở?
Em chạy trốn, em chạy, em chạy trên đường, thỉnh thoảng em ngoái lại nhìn, rồi lại tiếp tục chạy. Em chạy đến nỗi sắp ngạt thở, nhưng em không dám dừng lại, vì em cảm thấy những con ma đang rượt sau lưng em, những con ma đầu bằng sứ, quấn khăn trải giường trắng, chúng đuổi bắt em.
Em đi, em đi trên đường, thỉnh thoảng một thiếu phụ hay một đứa trẻ hoặc một con chó nhìn thro em, nhưng không có ai quan tâm tới em, hỏi em đi đâu.
Em chỉ đi, đi mãi, những con ma đang đuổi theo em mà.
Trời đã tối hẳn, làng đã khuất từ lâu, vùng ngoại ô bắt đầu quen thuộc với em, dường như em đã cùng Bôrisơ đi ở đây, mặc dù đây không phải là con đường của em, nhưng nó cũng giống như vậy. Em vừa đi vừa thở hổn hển, đói và mệt vô cùng. Em đi trong đêm mùa thu, đi mãi cho kỳ đến lúc không gặp làng nữa thì thôi. Em ngạc nhiên là em đi mãi vậy mà sao cứ gặp lại làng. Em không biết rằng trên đời này lại có tới hai cái làng. Em chưa nghe ai nói có hai làng cả, em chỉ thấy bảo là đi vào làng.
Ở đây có những con chó hỗn xược. Bỗng nhiên em phải thét lên vì có hai con chó cực lớn đã từ một cái cổng nhảy xổ ra trước mặt em, và chúng sủa to hết cỡ. Em không biết rằng những con chó này sủa không phải vì muốn ăn thịt em, mà vì chúng động lòng thương cô bé mồ côi bị bỏ rơi, đói khát và mệt mỏi, đang tìm gì trên đường giữa đêm khuya thanh vắng?
- Đứa trẻ nào đây?
Một người đàn bà to lớn, khỏe mạnh bước ra khỏi sân, bà hỏi lại, giọng to hơn:
- Cháu là ai?
- Cháu sợ.
- Sao cháu đến đây?
- Mẹ cháu bỏ quên.
- Bỏ quên ở đâu? - Bà ta cúi xuống và nhìn chăm chú vào mặt em.
Nhưng mồ côi không dám nói sự thật. Em không dám nói điều mà em biết, em nói mẹ bỏ quên em ở ngoài chợ.
- Ở đâu?
- Ở ngoài chợ.
- Thế mẹ cháu là ai?
- Ứ!
- Mày ngốc lắm, cháu ạ. Thế cháu đã đi học chưa?
- Học là gì ạ?
- Học là gì, học là gì, trông đến tuổi đi học rồi mà ngốc như một đứa bé bốn tuổi. Lại đây nào.
Bà gọi vào sân. Lát sau một người đàn ông đi đôi ủng to bước ra đường.
- Ông xem này, đứa trẻ này bị lạc ! Mẹ nó là loại người gì không biết? Con bé bị lạc ở ngoài chợ. Chợ họp từ hôm nào nhỉ?
Bà nắm lấy em, em không sợ bà tí nào cả. Chẳng những em không sợ mà còn đi vào sân một cách thản nhiên theo bản năng. Những người lớn chỉ nhìn xem cô bé muốn gì.
Em thấy cái nhà này cũng như nhà của bố mẹ em. Nó không giống như nơi bà lớn ở, dường như em đang ở nhà, đây là mái nhà, trong có cái giường lót rơm, cuối chuồng bò cũng là chuồng lợn, ụ phân thì ở cạnh giếng, cái gầu vẫn còn đung đưa.
Những người lớn chỉ nhìn, họ chờ xem cái gì xẩy ra.
Nhưng rồi cô bé đứng lại.
- Thế họ không ở đây nữa à?
- Ai cơ?
- Bố mẹ cháu ấy.
- nghe thấy thế người đàn ông và người đàn bà to lớn đều cười.
- Lại đây cháu. Thế cháu có nhớ tên của mẹ cháu không? Xekerexơ? Kôvatrơ? Hay là Balint?
Cô bé chỉ biết lắc đầu, em phát bực lên vì sự ngốc nghếch đó:
- Đuđasơ.
Người đàn ông và người đàn bà cùng kêu lên phấn chấn:
- Đuđasơ?
- Này ông, con bé này là trẻ mồ côi nhà nước của họ. Thế quái nào mà nó lại lạc đến đây?
Trơre bắt đầu cảm thấy như ở nhà. Từ “Nhà nước” cũng đúng, bà lớn vẫn nói thế , khi giận em người ta cũng nói: “người nhà nước”. Có cái gì như sự bạo dạn bắt đầu trỗi dậy trong em, em không còn bị bỏ rơi.
- Nào, lại đây bác rửa cho, cháu sẽ không có gì đáng lo cả. Cháu có đói không?
- Hôm nay cháu chưa ăn.
- Sao lại chưa ăn? - bác gái chế giễu một cách vui vẻ.
- Vì mẹ cháu nói là mày không được ăn, mày không còn làm việc cho chúng tao nữa. Rồi người ta sẽ cho mày ăn ở nơi mày sẽ đến.
- À ra thế, cái bà Rodi này, bà ta vẫn là kẻ hà tiện bẩn thỉu đấy mà. Này bánh mì đây.
Em ngoạm ngay vào miếng bánh mì và ăn. Em chờ bác gái chuẩn bị nước vào cái chậu để bác tắm cho em. Nhưng điều đó cũng phải mất một lúc lâu, trong khi chờ đợi, em ngồi ở góc nhà. Người ta cũng không để ý đến em nhiều, em chỉ nghe họ liên tục chửi rủa nhà Đudas.
- Đây là con bé ở truồng ấy mà. - ông chồng nói như vậy.
Ông nói khi mà em đã ở trong chậu và vợ ông đang tắm cho em.
Em nhận ra đây là những bà con lần trước, chính em đã gọi ông chồng bà ta là bác họ.
Nhưng em không dám nhìn ra đó, vì em biết bác họ đang nhìn em như bố tôi và lão Kodorơtrơ Istvan và những người đàn ông khác thường nhìn. Em quay lưng về phía ông ta và không nhìn về phía đó.
- Này, sữa nóng đây, còn sủi bọt đấy. - bà vợ nói.
- Không cần.
- Sao vậy? Cháu không thích sữa à?
- Không cần.
- Vậy thì cháu ăn gì?
Em im lặng.
Sáng hôm sau em ngủ đậy một cách khỏe mạnh, khoan khoái. Em rất hạnh phúc vì được ngủ dậy trong một cái giường sạch, đẹp. màu trắng như thế. Em khao khát trở về nhà, em khao khát cái mùi mồ hôi quen thuộc, dễ chịu của mẹ tôi.
Em ăn sáng bằng bánh mì phết bơ. Bác gái còn cho phết cả mứt hoa quả lên bánh mì nữa.
Sau đó họ đặt em vào xe ngựa, rồi cả hai cùng ngồi lên, họ để em ngồi cạnh.
Xe đi mãi, đi mãi, đi hết cái làng thì bỗng nhiên cô bé reo lên hạnh phúc. Thế giới mở ra trước em như thể bây giờ mắt em mới bắt đầu nhìn thấy. Những cái cây và những ngôi nhà mà cho đến nay em đã thấy thì chỉ là cây và nhà, nhưng giờ đây trong giây lát em đã ở nhà, em cũng không kịp nhận thấy cây keo cong mà con bò Bôrisơ đang bị buộc ở đó.
- Các người bỏ rơi con bé này ở đâu?
- Ôi, quỷ tha ma bắt mày đi, sao mày lại quay về? Quỷ ăn thịt mày đi, không thể thoát khỏi mày hay sao?
Trơre cười một cách ngượng ngùng, em hạnh phúc vì đang ở nhà, em nghe những lời vàng ngọc mà trong suốt cuộc đời em đã nghe ấy. Em biết rằng đấy là sự chửi rủa và xúc phạm nhưng mà nó không đau, nó cho niềm vui và sự dễ chịu, đó không phải là những lời phỉnh nịnh mà ở nơi khác người ta nói với em.
Tuy thế trong em cũng có ít nhiều sự ranh mãnh là em không tỏ ra cho mọi người biết rằng đằng sau tai em đã có một cái gì đó, những điều gì liên quan đến em là em hiểu.
- Tôi không biết nó là loại người gì? - mẹ tôi nói. - Nó sẽ là mầm mống quan cách gì đó, trông nó gầy gò, vô dụng. Kể ra nó không phải là đứa trẻ xấu, nó cũng cố gắng, nhưng chả được tích sự gì, nó yếu lắm. Không được chiều con bé này, vì nó sẽ trở thành tiểu thư ngay.
Ngày hôm sau người đầy tớ đến.
Họ nói đây là đầy tớ của bà lớn. Cô ta to lớn, khỏe mạnh, hay cười.
- Bây giờ tôi phải đưa con ngựa này đi. - cô ta cười, nói. - Trói nó lại, cần phải trói nó bằng dây thừng, rồi tôi đưa nó đi.
Và cô ta cười nắc nẻ, đắc chí.
Quả thật họ lại mặc quần áo cho em, rồi họ lấy ra một đoạn dây thừng mà con Bôrisơ đã làm đứt, họ trói hai cánh tay nhỏ xíu của em bằng đoạn dây đó, và cô đầy tớ cầm ở cuối dây để đưa em đi.
Nhưng cô bé mặt trắng nhợt như vôi tường, em nói:
- Buông ra.
Cô đầy tớ không buông. Cô ta kéo em. Cô ta khỏe, em cần phải đi theo cô ta.
Đến mẹ tôi cũng mỉm cười. Bà thấy bây giờ con bé đã rơi vào tay kẻ mạnh. Nó sẽ không trở về nữa.
Lúc đó con bé mồ côi bỗng nhảy lên cắn vào tay cô đầy tớ. Cô ta khó khăn lắm mới dứt ra được. Nhưng cô ta chỉ cười, không cáu và cũng không tát em.
Cô đầy tớ đưa em đi bằng sợi dây thừng như đưa con bê đi làm thịt.
Suốt dọc đường “cuộc chiến” vẫn tiếp tục giữa hai người.
Đứa trẻ cứ nhảy lên và cắn liên tục vào cô đầy tớ.
Khi đến bên cái giếng, cô đầy tớ hay cười hỏi:
- Sao mày cứ thích ở lại với con mụ gớm ghiếc đó làm gì?
- Mẹ cháu. - cô bé thét lên không biết mệt.
- Mày ngốc lắm, mụ ta không phải là mẹ mày. Mụ ta nuôi mày để kiếm tiền. Người ta đã trả tiền cho mụ ta. Đồ ngốc. Mụ ta không yêu mày, mụ chỉ yêu tiền thôi. Nếu mụ ta là mẹ mày thật thì mụ ta đã không cho mày đi…
Cô bé im lặng.
- Rồi đây mày sẽ nhận một bà mẹ khác, bà ta cũng như thế này thôi, bà ta cũng nhận nuôi mày để kiếm tiền. Nhưng có lẽ bà ta không đáng bị nguyền rủa đến mức đó.
Dường như có cái gì đó đã len lỏi vào cái đầu bé nhỏ của em.
- Ai cũng muốn nhận trẻ mồ côi nhà nước, người khác cũng có trẻ mồ côi nhà nước như mày. Vì tiền ai cũng là mẹ của đứa trẻ mồ côi được, ngốc ạ.
Lúc này cô đầy tớ không còn phải kéo sợi dây thừng nữa.
Đứa trẻ mồ côi cúi đầu bước đi cạnh cô đầy tớ.
Em không hiểu điều cô đầy tớ vừa nói, nhưng có cái gì đó đã băng giá trong em, và em không còn tha thiết mẹ tôi như trước nữa.
------------
Tiếp theo: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/01/ua-tre-mo-coi-gicmon-p-5.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét