Đứa trẻ mồ côi
Tác giả: Móricz Zsigmond
Dịch giả: Trương Đăng Dung
Nhà xuất bản Văn Học - 1987
Dịch giả: Trương Đăng Dung
Nhà xuất bản Văn Học - 1987
Thánh ca thứ năm
Cô bé liếc trộm người đàn bà xa lạ, em ngạc nhiên thấy một
người còn trẻ, mặt như quả táo thế này mà lại muốn có người nhà nước. Từ trước
đến nay em vẫn tin là người ta không trao trẻ mồ côi cho những người già nhăn
nheo, nhưng người này hãy còn có hai cái má tròn mà quả táo mùa đông cũng không
rắn và đỏ hơn được. Chị ta có mái tóc vàng dưới tấm khăn thưa và đôi mắt xanh.
Nhưng giọng chị ta sắc như thể người ta cắt bằng cỏ lác, vì chị ta nói oang
oang:
- Nào, bây giờ hãy hôn tay bà lớn đi con, chúng ta đi thôi,
vì sẽ muộn mất, phải đi thôi.
Chị ta nói năng kỳ lạ như thể chị ta tạo ra các từ và cách
nói chúng.
Cô bé đã thấp thỏm chờ đợi, em lặng lẽ cúi xuống hôn lên tay
bà lớn. Tay bà lớn không giống tay mẹ tôi, tay
bà thơm mùi xà phòng và trắng. Hôn tay bà xong, em còn tiếp tục nghe nhiều lời
khuyên bảo em phải cư xử cho tốt.
- Nhà cô Xenhesơ đây sẽ là chỗ tốt của cháu. Cháu sẽ sống
với những người giàu có, cháu sẽ có quần áo đẹp, có cơm ăn, mọi thứ đều tốt cả.
Cháu sẽ đi học, sẽ có những cuốn sách, cháu học viết, học đọc, mọi việc sẽ tốt
đẹp, chỉ có điều là cháu phải cư xử cho tốt. Phải cư xử cho thật tốt, đừng để
bác nghe những điều xấu về cháu. Cháu đừng xé quần áo vứt đi, cháu không được ở
trần, cháu hiểu chưa?
- Cái đồ quỷ quái gì vậy? Nó thường ở trần à?
Dobo Mali
ngạc nhiên. Nhưng bà lớn cười cái từ “quỷ quái”, sau đó bà giật mình vì đã nói
không có lợi cho đứa trẻ, nên bà chữa lại:
- Mẹ nuôi cũ của nó trong khi giận vì chúng tôi mang nó đi
khỏi đó, đã than phiền là nó không chịu được quần áo.
- Không sao, thưa bà lớn, xin cảm ơn bà. Tôi có thể mang cái
sọt không đi được chứ? Con gái của mẹ, con chạy vào nhà bếp mang cái sọt ra
đây.
Ai biết được trong cái sọt đã đựng gì, sao nó lại rơi vào
nhà bếp, nhưng điều chắc chắn là em đã mang cái sọt to, rỗng đó về nhà, về nơi
mà em chưa bao giờ đến.
Dobo Mari có lối đi kênh kiệu làm cho cái mông to, béo của
chị ta hết vắt sang phải lại vắt sang trái. Khi ra khỏi làng, họ đi trên đường
quốc lộ rộng, dưới những cây keo to lớn ở hai bên đường. Mồ côi nghĩ bụng: Giá
mà cho Bôrisơ gặm cỏ ở đây thì thích biết mấy. Cỏ rất tốt ở dưới…
Em không nghĩ rằng việc đó có thể xảy ra nhanh chóng.
Em không nghĩ đến điều đó, bởi vì em sẽ đi học, em hơi lo
lắng một tý và hy vọng. Cái trường như thế nào nhỉ? Em đã nghe rất nhiều qua
bọn trẻ nhưng chưa một lần em đến trường. Thật là thích, em sẽ đến trường như
đến với thiên đường nho nhỏ nào đó. Cũng chỉ vì vậy mà em mang cái sọt to một
cách hạnh phúc, và đi cạnh người đàn bà xa lạ. Người đàn bà này là người mà em
chưa bao giờ nhìn gần. Dường như chị ta hoàn toàn là một phụ nữ thượng lưu. Em
cũng không thể tưởng tượng được người đàn bà này sẽ làm giàu ra sao ở trại. Cơ
thể béo tốt của chị ta mẩy lên phía trước phía sau, mọi phía trong chiếc áo
choàng chật kiểu áo các ông lớn như quả dưa hấu nằm trong túi vậy. Cuối cùng họ
đã đến vườn nho.
Ồ , nho này không phải của mẹ tôi, cần phải nếm thử.
- Thưa cô… ăn một ít nho thì thích lắm… cháu hái vào sọt.
Em nói thêm điều đó là ngụ ý Dobo Mari cũng có phần, em cho
chị ta nữa.
- Còn có trò quỷ quái gì vậy, sao mày lại nghĩ thế, không
được đâu, người gác vườn đến, ông ấy bắt đấy.
Cô bé im lặng. Những chùm nho to, mập, mọng nước từ gốc cây
nhìn em, cười: Này, cô bé, có nho mà ăn nhỉ? Hi… hi…
Họ chưa đi khỏi vườn nho, Dobo Mari đã nói:
- Mày đi đâu đấy? Chúng ta về đến nhà rồi.
Một cái sân trại to, những ngôi nhà lớn nối theo nhau. Cô bé
tưởng như cả làng này là của nhà Dobo Mari.
- Này, cơm tối có gì đấy?
Dôphi nói:
- Cơm tối ở trên bệ lò sưởi.
Dôphi nói tưng tửng như thể nó không phải là đầy tớ, nó nhìn
đứa trẻ mồ côi tỏ vẻ căm giận lắm.
- Nào, Pơxe, đây là phần mày. - Chị ta nói.
- Cháu không phải là Pơxe.
- Thế thì mày là gì?
- Mồ côi, bà lớn gọi là: Mồ côi.
- Thế mẹ mày gọi như thế nào?
- Trơre.
- Thì Trơre, đồ nói đớt, đến nói cũng không biết.
- Không ai dạy cháu nói, ít nữa cháu sẽ học nói ở trường, -
Trơre lắp bắp nói ngọng. Chỉ bây giờ em mới biết là em nói không chuẩn, em nói
đớt.
- Ăn đi.
Nhà bếp tối om, không thể biết là trong nồi có gì. Em đã ăn
cả số ruồi dày đặc ở trong bát nước chấm mà em nghĩ là tóp mỡ.
Dobo Mari dẫn em vào căn phòng nhỏ, nơi chị ta vẫn ngủ và
chỉ cho em: Mày sẽ ngủ ở đây với tao. Pherenxơ hôm nay không có ở nhà, nếu ông
ấy về thì cũng không ngủ ở đây, mà ở ngoài kia với bò.
Điều này được thôi, vì bố tôi cũng thường ngủ ở chuồng bò
mùa đông cho chí mùa hè.
Em bỗng nghe Dôphi nói:
- Con bé này không thuộc loại kén ăn, nó ăn cả ruồi.
Rồi nó cười.
Vì rất mệt mỏi trước sự thay đổi tình cảnh nên chỉ lát sau
em đã ngủ thiếp đi. Nhưng bỗng nhiên em tỉnh dậy, em đã hiểu Dôphi nói gì: Em
ăn cả ruồi!
Thế ra không phải tóp mỡ mà là ruồi! Một sự kinh tởm dâng
lên, ngay lập tức em bắt đầu nôn mửa.
Dobo Mari thức giấc:
- Hê, nó làm trò khỉ gì thế này? Hê, cái gì đây, mày làm gì
tao thế?
Chị ta thắp đèn và thấy tất cả, mọi thứ cứ tung tóe ra từ
đứa trẻ mồ côi, cả nước chấm nữa, ở trên cũng như ở dưới…
- Ôi trời ơi, mày là đồ chó chết, mày sẽ không được ngủ với
tao nữa, đồ chó chết, mày làm bẩn hết giường tao rồi.
Chị ta túm lấy em tống ra khỏi phòng, chị ta gọi Dôphi mang
em đi, mang đi ngay:
- Nó đã làm gì cái giường của tôi thế này, đồ chó chết, ăn
đi, hốc đi cho hết. Dôphi, từ nay cái xác chết này sẽ ngủ với mày, nó không
được đặt chân đến phòng của tao nữa.
Dôphi khẽ đụng vào người em, làm như thể ngay lập tức em
cắn, hoặc truyền nhiễm sang nó. Cùng một lúc em trở nên đáng sợ đối với người
lớn to béo, và em trở thành con quái vật, cần phải sợ.
- Cháu đã nói mà, toàn là ruồi, - Dôphi làu bàu, - nó mửa ra
toàn ruồi là ruồi!
Sáng hôm sau, em còn đang ngủ người ta đã lay dậy lúc ba
giờ, họ bắt em lùa lợn ra đồng.
Em đứng thẩn thơ cho đến tận trưa ở ngoài ruộng mới gặt, em
không muốn hát hò gì cả.
Lúc đó anh chăn lợn của nhà hàng xóm đến chỗ em, anh ta cũng
trẻ, khoảng độ mười tám tuổi.
- Dobo Mari đi vào phố kể cho bà lớn nghe là em đã làm bẩn
giường bà ta. Nhưng mà em cũng đi khỏi đây, em không ở lại chỗ bà ấy để ăn
ruồi, anh trông hộ lợn của bà ấy, em về với mẹ em.
Nói xong em ra đi, cuối cánh đồng bắt đầu cánh rừng, em đi
vào rừng, đi sâu, thật sâu vào trong đó. Em lang thang hồi lâu dưới những cái
cây. Rừng rậm quá, không thể nhìn thấy gì cả, chỉ thấy các ngọn cây, nhưng trên
ngọn cây thì chẳng có gì mà nhìn. Cũng không thể đi được nữa trong rừng rậm,
thấy một cây nấm màu sắc sặc sỡ, em nếm thử, nhưng ngay lập tức em cảm thấy nó
cay, em vứt cây nấm đi. Lưỡi em bị xót một lúc lâu vì tí nấm mà nó chạm vào.
Đến chiều em quay trở lại, vì em không biết đi đâu trong rừng lớn.
- Mày quay về, hả? - Cậu chăn lợn hỏi.
- Quay về, vì em chẳng thấy gì cả.
Cũng ngay lúc đó, Dôphi mang cơm trưa đến.
- Nào, đồ bẩn thỉu - nó nói và vứt thức ăn đến cho em như
thể em là kẻ thù lớn nhất của nó. - Mày sẽ ngủ ở đâu?
- Ở trong phòng Dobo Mari.
- Cút mẹ mày đi, bà ấy không chịu được loại tào tháo đuổi
như mày.
- Em chưa bao giờ như thế, đấy là tại vì ruồi.
- Ruồi cái con mẹ mày, ruồi cái gì.
Đến tối, khi về nhà em ngủ chung với Dôphi, và em ngủ ngon
lành, không cựa mình cho đến sáng.
- Cô biết không, nó không cựa mình cho đến sáng, ngủ như một
súc gỗ.
- Ma quỷ cắt ruột nó đi, thế là do ruồi mà nó nôn thốc, nôn
tháo như vậy. Đồ chó chết khó chiều, một đứa mồ côi mà cũng kén ăn, cũng õng
ẹo. Sữa đây, uống đi.
- Không cần.
- Không cần cái gì?
- Sữa.
- Mày xem kìa, lại còn thế nữa đấy. Tao không chịu được cái
đồ chó chết này đâu. Quỷ quái gì vậy, mày không uống sữa à?
- Không.
- Tại sao không?
- Vì cháu không thích.
- Mày không thích, hử, giá mà quỷ tha ma bắt mày đi trước
khi tao gặp mày. Tao không đưa mày về đây để mày thích hay không thích thức ăn,
mà để mày xéo đi chăn lợn. Nếu mày không ăn thì càng còn.
- Cháu đi đến chường.
- Đi đâu cơ?
- Đi đến chường…
- Đến chường cái con mẹ mày. Thả lợn ra!
Sự giặt giũ đã được chuẩn bị, vì Dobo Mari rất thích giặt,
cần phải làm quen với điều đó. Ở đây lúc nào người ta cũng giặt giũ, kỳ cọ.
- Thà tao phải giặt mười lần còn hơn một lần nướng bánh mỳ.
Cô bé vẫn còn thơ thẩn với những con lợn.
- Lại đây!
Chị ta dúi đầu em vào nước tẩy quần áo, và gội đầu cho em
không có xà phòng.
- Không có hại gì cả, chắc chắn không có hại gì cả.
Cô bé thét lên.
Nước đó không phải là nước tẩy bình thường, mà là loại kiềm
ăn da thời ấy.
- Bây giờ mày có thể đi được. Rồi tao sẽ làm cho mày mất
thói khó chiều đi. Thế đã uống sữa chưa?
- Cháu gông uống.
- Đồ ngựa, đến nói cũng không biết. Hãy gội qua đầu trong
chậu, rồi lùa lợn đi đi.
* * *
Cánh đồng vừa gặt, cánh đồng vừa gặt, đẹp biết bao cánh đồng
lúa mỳ vừa gặt. Nó cũng giống như ở đằng nhà Đuđasơ, thật ngạc nhiên là trại
của Đuđasơ xa là thế mà sao cũng có những ngọn cỏ y hệt như cỏ trên trại nhà
Xennhesơ. Con bò thì có khác, nhưng tiếng nó gặm cỏ thì như nhau, đáng yêu sao tiếng
gặm cỏ soàn soạt, ngon lành ấy. Ở đây cũng có thể hát, lời hát bay xa, và em
nghe từ miệng mình những lời hát mà em đã nghe ở đó. Vậy là không có gì khác
cả, có chăng là ở đây em không còn phải trần truồng nữa, em luôn mặc quần áo,
chiếc áo khoác ngắn, và trong áo khoác ấy là áo sơ mi. Thế ra ở đây vẫn thích
hơn.
Chỉ trong khoảng thời gian em ở nhà là khác, bởi vì nếu bây
giờ em lùa bò về thì phải lùa qua sân nhà Xennhesơ nằm giữa hai ngôi nhà, vào
cái chuồng ở trong một ngôi nhà to sạch sẽ được một ông già thường xuyên quét
dọn. Nhưng ở đằng nhà Đuđasơ thì đến cái nhà đó em cũng phải khuân đi nếu em
khuân được. Vắng trẻ con, ở đây yên tĩnh, chỉ còn nghe tiếng của Dobo Mari chửi
tục điều này, điều kia.
Chủ nhật cũng phải lùa bò đi, vì chủ nhật bò cũng muốn ăn.
Chủ nhật người ta cũng vắt sữa, con bò tội nghiệp, họ lấy sữa nên nó không thể
nhịn ăn ngày chủ nhật vì đó là ngày thiêng của Chúa.
Thế là ngày cứ trôi đi, trôi đi, ngày chủ nhật đẹp trời. Em
bỗng thấy Dobo Mari đi đến.
Ôi, trước đây mẹ tôi chẳng bao giờ mang cơm trưa ra cho em,
chủ nhật cũng không. Em phải ăn miếng bánh mỳ mang theo người, ở đây thế mà tốt
hơn. Mùi xúp thịt thơm phức phả vào mũi em lúc sáng sớm, khi ra đi em đã ngửi
thấy mùi xúp thịt, trong đó có cà rốt chín dừ, cái món em rất thích. Em bắt đầu
nhảy nhót, reo vui, vì nếu em được nhận cái gì thì hạnh phúc cứ bừng lên, em
làm ầm ĩ: Đây rồi xúp thịt ngon ngày chủ nhật!
Dobo Mari đi đến nơi, chào em cẩn thận:
- Chào con gái của mẹ, Pơxe. - Chị ta ngồi ngay xuống vạt cỏ
dày, chị ta không thích đi bộ.
Pơxe ngạc nhiên, em nheo mắt nhìn trộm, em cảm thấy nghi
ngờ.
- Lại đây, con gái của mẹ, mẹ mang cơm trưa cho con đây này.
Nhưng Pơxe ngửi mà chẳng nghe mùi thơm gì cả. Dobo Mari mở
cái khăn đẹp, màu trắng có thêu vạch sọc ở ngoài mép, rồi chị ta lấy ra một
chiếc bình có hông tròn. Không biết trong này có cái gì đây?
Chị ta lấy bánh mỳ trắng ra, không phải miếng to, nhưng là
bánh mỳ trắng. Trong bình có sữa chua. Cô bé không nói, không trách móc, mà chỉ
cúi đầu. Cái món sữa chua này còn có thể ăn được, em không chán món này như sữa
bò tươi, hôi hám, nhưng giá mà cũng được xúp thịt.
- Thế con có khỏe không? - Dobo Mari nói với em.
Nhưng em chỉ nhún vai, không trả lời, em cũng không biết
phải nói gì nữa. Em nhấm nháp sữa chua màu trắng, nó giống như mỡ ngỗng mềm và
béo, em cũng không thích thức ăn béo.
- Con có vui và thích ở với mẹ không? Con có thấy những
chiếc lá hoa hồng mùa hè không? Con thích chứ?
- Thích.
- Con không muốn về với mẹ con nữa chứ?
- Cháu muốn về, đúng thế.
- Mày xéo đi cho rảnh mắt. Mày không đi đến đó nữa, ở đây
mày thích hơn. Không có ai xúc phạm tới mày, công việc thì thoải mái thế, không
có ai xúc phạm, có phải thế không?
- Ruồi cũng không còn nhiều nữa.
Dobo Mari cười. Em đã ăn xong. Em cười phải chăng em muốn
gì?
- Thế con bò có trêu tức không? Nếu nó hỗn, mày nhớ giữ lấy
dây thừng, đừng cho nó chạy.
Chị ta vẫn cứ ngồi, cô bé nhìn trộm chị ta từ xa một cách
ngờ vực. Hôm nay là chủ nhật, chị ta có mang bánh ngọt cho em không? Hôm nay có
bánh nhân pho mát chua, sáng nay chị ta đã trộn rau mùi tây vào pho mát chua.
Nhưng bánh không muốn xuất hiện.
Dobo Mari đã nghỉ ngơi xong. Chị ta với tay kéo em lại gần,
chị ta hôn em rồi đứng dậy đi.
- Chúa phù hộ cho con gái của mẹ.
Nhưng Trơre gục cằm vào cổ nhìn theo chị ta, em thầm nói: Bà
hôn tôi vì bà không mang xúp thịt cho tôi!
Không thể nằm cả ngày trong cỏ, dù mặt trời có chiếu nóng
thì mặt đất cũng cứ lạnh, vừa mới mưa nước chưa khô hẳn. Kẻ mục đồng luôn phải
đứng, và đi bộ nhìn con bò gặm cỏ không nghỉ. Con bò thè cái lưỡi to, màu đen
để khua những lá cỏ vào cái miệng tối tăm của nó.
- Mày đã lùa bò về rồi đấy à?
Nhưng cô bé đang giận. Suốt ngày em chỉ nghĩ đến món xúp
thịt, em bị thiệt thòi, giờ thì em hờn dỗi, mặt xạm đen em lúng búng:
- Tất nhiên là cháu lùa về, cô nghĩ rằng cháu sẽ chăn bò cho
cô suốt đêm đấy chắc?
Hu, Dobo Mari mới kinh ngạc làm sao:
- Mẹ kiếp, mày nói sao?
- Buổi trưa có xúp thịt, - cô bé làm ầm ĩ lên, - cà rốt cũng
có trong xúp.
Hai cái má đỏ, tròn căng của Dobo Mari cũng phải tóp lại
trước sự ngạc nhiên.
- Cô không cho cháu xúp, - cô bé nói.
Điều này không thể nghe được, con nhãi ranh dám nói năng như
vậy với chị ta. Nhưng mà Xennhesơ Pherenxơ đã nghe hết, gã bước ra khỏi hiên
nhà từ bóng tối:
- Cái gì vậy, thế bà không cho con bé xúp thịt à? Bà khoe là
bà đã mang cơm trưa cho nó cơ mà.
- Tôi cũng đã mang cơm cho nó thật, ông chõ mũi vào mà làm
gì? Nó ăn đủ rồi, nó không chết đói trong tay tôi đâu. Nó đã nhận một cái ấm
đầy sữa chua với bánh mỳ trắng, Tôi sẽ không rẩy xúp thịt xuống con đường dài
ấy đâu.
- Ma quỷ gặm hết đi, - Xennhesơ Pherenxơ quát lên, - tôi
không chịu được việc đứa trẻ bị đánh lừa. Hàng xóm láng giềng họ nghe được, họ
nói cho mọi người biết là ngày chủ nhật mà con bé cũng không được ăn uống cho
tử tế.
Họ cãi nhau như những con chó. Cả hai người ngay lập tức lấy
giọng cao nhất và thét ầm lên bằng cái giọng đó như những kẻ mục đồng khi quất
cái roi da.
Dobo Mari quay vào nhà bếp mang ra một miếng thịt ngon đã
được luộc chín lấy từ nồi xúp, cùng với món rau trong cái đĩa sành.
- Cô thấy chưa, có xúp thịt đấy chứ? - Trơre nói, - miếng
thịt này lấy từ xúp ra.
- Quỷ tha cái mõm mày đi, đồ ghê tởm. Thế là nó đã thấy
trước rồi.
Nhưng giờ đây cô bé chỉ cười thầm: Em ăn hết số thịt đó và
thức ăn. Em hát.
- Cút đi ngủ !
Em vui vẻ đi vào chỗ
đứa đầy tớ, vào phòng em, và em rửa chân trong nước chậu, vừa rửa em vừa hát
to: “Một pu-pu, hai pu-pu…”
Em rất vui vì tuy thế em cũng được ăn xúp thịt.
Buổi tối, khi cô bé ở ngoài đồng về thì bà chủ tự tách làm
hai: Bà vừa sinh em bé.
Chính vì vậy mà trước đấy người bà cứ căng tròn như cái gối.
Nhưng từ trên giường bà còn gây sự với đứa trẻ mồ côi:
- Trời ơi, tôi rủi ro làm sao, ôi, giá mà chân tôi lìa khỏi
người khi tôi đi bộ đến chỗ nó. - Chị ta khóc. - Tôi nghĩ là mình kiếm một con
bé vô tư, mai sau nó lớn, tôi sẽ có một cô giữ trẻ bên cạnh con tôi. Nhưng nó
chẳng được tích sự gì, chẳng được tích sự gì cái đồ háu ăn này. Chúa đã trừng
phạt tôi như vậy đấy.
Bây giờ cô bé mới nghe tiếng ông chủ:
- Bà hãy quan tâm đến bà ấy. Bà cũng đã có đủ cái mà lo rồi.
Đến giờ mà bà còn chửi con bé mồ côi à? Bà phải mừng là bà cũng có một đứa con
chứ!
Em đứng cạnh cửa, cho ngón tay vào miệng, em thấy mình đã rơi vào một chốn tồi tệ. Em rất thương nhớ mẹ tôi, em không tin rằng người đàn bà ốm yếu, tội nghiệp ấy lại không phải là mẹ của em… Hay là người đàn bà này bây giờ làm mẹ thì cũng sẽ như mẹ tôi?
-----------
Tiếp: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/01/ua-tre-mo-coi-gicmon-p-6.html
Em đứng cạnh cửa, cho ngón tay vào miệng, em thấy mình đã rơi vào một chốn tồi tệ. Em rất thương nhớ mẹ tôi, em không tin rằng người đàn bà ốm yếu, tội nghiệp ấy lại không phải là mẹ của em… Hay là người đàn bà này bây giờ làm mẹ thì cũng sẽ như mẹ tôi?
-----------
Tiếp: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2014/01/ua-tre-mo-coi-gicmon-p-6.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét