Đứa trẻ mồ côi
Tác giả: Móricz Zsigmond
Dịch giả: Trương Đăng Dung
Nhà xuất bản Văn Học - 1987
Dịch giả: Trương Đăng Dung
Nhà xuất bản Văn Học - 1987
Thánh ca thứ sáu
Ông già ở trong chuồng bò, ông cũng không ra khỏi nơi đó,
trừ khi có công việc, nhưng hễ có thể là ông lại quay vào.
- Trước đây bác ta to lớn lắm. - Dôphi cười hô hố, và nói
cho cô bé nghe buổi tối, khi em chui vào giường, nằm cạnh nó. Những lúc như thế
này nó thường kể cho em:
- Những người này không trả tiền cho ai cả, mày đừng lo, họ
là những người giàu có, những người giàu có thì không trả tiền. Họ cũng không
trả tiền cho tao, tao cũng không biết là tại sao tao điên mà hành hạ mình ở đây
vì họ. Bác ta trước đây là thợ dệt, nhưng bị phá sản. Bác ấy từng có nhà to
lắm. Ồ, người ta đã mang đến cho bác bao nhiêu là len, sợi, bác ấy làm việc đêm
ngày, thế mà rồi cũng bị phá sản, phải tới đây. Bây giờ thì bác ấy sẽ chẳng là
cái gì nữa, những người này đã lấy hết đất của bác ấy để nuôi bác lúc về già,
thế nhưng họ không cho bác ấy ăn, bác ấy phải tự nấu ăn bên cạnh phân chuồng.
Bác ấy chỉ làm việc, và làm việc.
Nếu người ta kể chuyện cho em nghe, thì em luôn cảm thấy
mình cũng biết kể một điều gì đó. Em chỉ nói cái mà em nhớ được:
- Cuối nhà có hầm rượu. Lúc đó mẹ em không cất chìa khóa đi,
bố em tìm được chìa khóa, xau đó bố
em lấy chìa khóa, xau đó bố em đi
xuống hầm rượu, xau đó bố em thọc cần
uống rượu vào bụng thùng rượu, xau đó
bố em uống rượu, xau đó bụng bố em to
như bụng con bò Bôrisơ, bụng của Bôrisơ thì to như một thùng rượu, xau đó bố em cầm con dao đi lên, nói:
Nào, bây giờ tao tính chuyện với chúng mày, xau
đó bọn em chạy ra đống rơm…
Dôphi lắng nghe, nó ngạc nhiên nhìn em, nhưng nó không hiểu
cô bé nói gì. Từ trước đến nay em chưa từng nói trước mặt nó, và nó cũng chưa
nói gì với em.
Nó hơi tò mò, nhưng dù sao cũng khó mà hiểu được những điều
em vừa nói lắp bắp đó, nó giãy một cái suýt nữa đổ giường:
- Ôi, quỷ tha ma bắt, chúng mình ngủ đi thôi, sắp phải dậy
rồi.
Dù còn nhỏ đến đâu, cô bé vẫn hiểu rằng em đang sống với
những loại người khác với những người ở chỗ mẹ tôi.
Ở đây những người chủ béo và gia súc cũng béo. Người ta
quẳng cho bò, ngựa, gà, cho tất cả một lượng thức ăn thoải mái, vì họ luôn tính
toán xem được gì, cần phải cho bao nhiêu để lấy lại cái giá của nó. Ở đằng nhà
Đuđasơ, ai cũng gầy, từ ông chồng, bà vợ, các con, đến đàn súc vật. Họ đi chân
đất, ông bố Đuđasơ bị sứt mất một cái móng chân to và đen, như con ngựa bị long
móng vậy. Bà Đuđasơ thì không bao giờ dùng dép, nếu bà lồng vào chân thứ xa lạ
đó thì tức là phải có băng giá lớn xảy ra. Chỉ có một điều giống nhau là: Ở đó
em không được nói và ở đây cũng vậy.
Dobo Mari đi giày, dùng cả bít tất dài, và luôn mặc áo
choàng mới, sạch sẽ, nhất là từ khi chị ta có con. Chồng chị ta, Xennhesơ
Pherenxơ, thì đi giày thể thao, không đi ủng, và mặc quần ngắn như những ông
lớn thật sự. Trên đầu gã luôn có cái mũ đội lệch sang bên.
Ở đây người ta không tiết kiệm gì cả, chỉ tiết kiệm với
những người làm thuê. Ông già thợ dệt, cái bác to lớn, chỉ được lấy khoai tây
sống từ hố lên, họ không cho bác thức ăn chín, bác phải tự nuôi mình bằng hai
bàn tay trắng, đến bác cũng phải than thở. Dôphi thì ăn cái gì có được, nó đã nhiều
lần chửi Dobo Mari rằng chị ta giữ hết chìa khóa, xuống lỗ chị ta cũng muốn
mang theo. Xem ra thì nó cũng không được ăn tất cả, Trơre để ý thấy những thức
ăn ngon, các thứ bánh nướng đều được chị ta giấu ở trong phòng sạch sẽ mà không
một ai trong bọn họ nhìn thấy. Người ta ăn hết, nhất là táo. Hoa quả khi còn ở
trên cây thì một quả cũng không được hái xuống. Ví dụ như ở sau nhà có một cây
mận trắng. Trơre rất muốn nếm thử, nhưng có Chúa chứng giám, có lẽ người ta sẽ
xé em ra nếu em nuốt một quả mận. Đến gần cái cây cũng không được. Họ luôn luôn
mang tất cả ra chợ. Nếu sau khi mận đã hái hết ở trên cây rồi, không có gì trên
đó nữa ngoài quả héo thì được phép trèo lên. Nhưng bác thợ dệt gọi cô bé đến và
bảo em đừng ăn những quả mận ấy, vì em sẽ ốm, bởi đó là những quả bị bệnh.
Người làm việc cho họ là thứ không thể mang đi bán, nên
không được họ cho ăn. Có một con chó to, nó cũng không được ăn. Con chó to và
gầy quá, nó thường buồn bã đi lang thang, Trơre bé bỏng thương hại nó, và nhiều
lần em cho nó một ít bánh mì. Một lần em mang suất xúp của mình ra cho nó. Dobo
Mari nhìn thấy và cơn tam bành lớn đã nổ ra. Chị ta chửi em một cách mai mỉa
như chửi bụi cây, đến nỗi đứa trẻ cũng phải xấu hổ, vậy mà em đâu có phải là
đứa trẻ được chiều chuộng. Bởi vì trên dải đất miền xuôi này, thời đó người
Hung không biết nói năng một cách khác ngoài những lời thô lỗ.
Một lần em nhìn thấy bà lớn từ xa. Lúc đó em cũng đang chăn
lợn. Bà lớn có thể trông thấy em chân đất đứng cạnh đàn lợn, trong bùn lạnh,
nhưng bà không gọi em đến, bà lớn chỉ nói chuyện với Dobo Mari. Chắc chắn bây
giờ bà lớn hỏi xem mình có đi học không đấy - Cô bé nghĩ. Đến trưa, khi người
ta gọi em vào ăn cơm, cô Mari nói:
- Bà lớn đến đây, bà ấy hỏi mày có ngoan không?
- Cô nói gì?
- Tao nói là mày ngoan.
Cô bé không còn cởi mở và hay nói như ở nhà Đuđasơ. Ở đó em
nói năng với người mẹ nuôi giống như những đứa trẻ khác trong nhà. Ở đây em
không còn biết trở nên người đáng tin cậy nữa, ở đây em như đứa ở thù địch.
- Bà lớn còn hỏi gì nữa?
- Không hỏi gì cả. À, với lại mày học hành ra sao?
- Cháu có đi học đâu.
- Mày khỏi lo, rồi mày sẽ đi học. Đằng nào mày cũng quá tuổi
rồi, sang năm mày đi học luôn một thể.
Chẳng bao lâu chị ta cũng gửi em đến trường. Em phải đến
trường với cái sọt, trong sọt có pho mát chua, trên cánh tay em là một đôi gà
con đẹp.
Cô giáo nhận gà, pho mát và nói rằng vì rất kính trọng bác
Xennhesơ nên cho phép em được đứng một lúc ở trường. Em thấy nhiều trẻ con,
nhưng không thấy bọn trẻ nhà Đuđasơ đâu cả.
Trong năm ấy em không được đến trường một lần nào nữa.
Nhưng năm tháng trôi đi, tháng chín lại đến, lúc đó Dobo
Mari lại bảo em tới trường cùng với cái sọt để gặp cô giáo. Lần này em cũng
mang một đôi gà đẹp, nhưng trong sọt không phải sữa chua mà có nhiều trứng gà,
tới năm mươi quả.
Và trong năm nay em cũng không được đi học. Em đã tám tuổi
rồi mà họ vẫn chưa cho đi học. Trong khi những đứa trẻ khác đã học lớp ba thì
em vẫn chăn bò ngoài đồng. Lúa mì đã tốt, không được bước xuống ruộng, suốt
ngày em phải đứng dưới cây keo bên lề đường, em mặc áo nhưng đi chân đất. Em
mặc cái áo khoác của trại trẻ mồ côi, nhưng em chưa có giày, người ta chưa cho
em, bà lớn chỉ cho em một đôi. Dobo Mari cũng đã chửi bà lớn vì mất đôi giày
mùa hè, nên phải để dành đôi này, vì đến mùa đông sẽ không còn đôi giày nào cả.
Nhưng chị ta không nghĩ rằng trời sẽ không sụp xuống nếu chị
ta mua cho cô bé một đôi giày.
* * *
- Mày vừa rúc ở đâu đấy?
- Cháu muốn đi đến chỗ mẹ cháu, nhưng cháu không gặp.
Dobo Mari nhìn em:
- Con bé này tìm mẹ nó. Nếu ai đó muốn sống ở thảo nguyên
thì ngày nào cũng phải dậy trước bình minh. Cỏ đã bạc trắng.
- Dép của Dôphi đây, mày hãy đuổi theo mấy con gà mái Tây.
Trơre vui vẻ nhận dép và em chạy trong đôi dép đó. Đôi dép
rộng quá em vấp ngã. Em phải đi vào ruộng lúa mì, ở đó bỗng nhiên em gặp những
con gà mái tây, và em quên luôn đôi dép. Em chỉ nhớ ra đôi dép khi em đã lùa
được đàn gà trở lại. Không còn dép nữa.
Hoảng quá, em vừa khóc vừa tìm, tìm đến tận trưa thì thì
thấy được một chiếc, nhưng rồi chiếc dép ấy em cũng đánh mất. Đồ con chó, mày
sẽ không được ăn!
Em không thấy dép, em tìm mãi, vẫn không thấy.
Bà chủ gọi theo em:
- Thả lợn ra!
Em phải chăn lợn nhưng không được ăn.
Thời gian này lúa mì đã mọc. Sáng hôm sau, những con gà đưa
em tới nơi chúng đã quen, và em thấy ngay một chiếc dép, nhưng em không xỏ chân
vào mà cầm trong tay khỏi bỏ quên lần nữa. Như vậy cũng tốt, em có thể dùng
chiếc dép đó ném theo đàn gà, chiếc dép giúp em lùa gà. Có lần em ném trúng một
con gà, trong nỗi lo sợ, em ôm con gà tội nghiệp đó vào lòng, em chữa chạy cho
nó nhưng vẫn không quên cầm chiếc dép để khỏi đánh mất.
- Pơxe, cho củi vào lửa?
Dobo Mari liên tục giặt giũ, dưới cái chảo lớn lửa luôn
cháy, từ sáng đến tối chị ta luôn gào:
- Pơxe, cho củi vào lửa!
Em phải bỏ đàn lợn để chạy đến, vì chị ta luôn miệng chửi em
không cho đủ củi vào lửa. Chị ta giận em, trong khi em ngồi xổm trước cái nồi
hơi thì chị ta túm lấy em, giật tóc em và tát em thật là dễ. Thời gian này chị
ta bắt đầu đánh em, trước đây thì không, nhưng từ khi có con chị ta trở nên dữ
tợn hơn.
- Pơxe, cho củi vào lửa.
Nhưng Trơre giận chị ta, vì Dobo Mari đã đánh vào đầu em,
rồi đánh vào lưng em bằng thanh gỗ khều quần áo mạnh đến nỗi thanh gỗ bị toác
ra.
- Rồi cháu sẽ đến chỗ mẹ cô, cháu mách bà rằng cô hay đánh
cháu.
Ý nghĩ thật hay, hôm sau em trốn khỏi nhà, em đi đi mãi cho
đến khi tới nhà bà mẹ Dobo Mari. Mẹ chị ta tên là Dobo Phônko. Santo Dobo
Phônko. Bà hơi bị thọt, nhưng là một bà già phúc hậu.
- Cháu toàn bị con gái bà đánh, thật đấy. - Em nói với bà.
- Nó làm gì cháu?
- Đánh.
Bà Santo Dobo Phônko rất thương hại cô bé, bà cho em những
thức ăn ngon, và tối đến cũng không đuổi em về nhà. Sáng dậy em trông lợn cho
nhà bà, con lợn màu đen và nhiều chú lợn nữa.
Nhà Dobo Mari ở không xa chỗ họ. Suốt ngày cô bé hát, suýt
nữa khản cả cổ. Em hát một cách hạnh phúc như con chim trước mùa xuân, em tưởng
không phải quay về nhà nữa, Nhưng lão già Dobo Phônko là một kẻ hà tiện và ki
cóp như con gái của lão. Buổi sáng, lão bảo em đi chăn lợn, còn bây giờ lão lại
nhắn con gái đến mang đứa ăn hại về. Hôm nay, cơm trưa có món khoai tây tẩm ớt
bột rất hợp với khẩu vị của Trơre, em không bao giờ quên được, ngon quá. Nhưng
em chưa kịp nuốt hết miếng thì ai đang đến kia? Dobo Mari đã đến.
- Về nhà đi, con gái của mẹ. Con cứ ăn trưa đi, rồi về nhà.
- Nó đã ăn đủ rồi. - Lão già Dobo Phônko nói.
Con gái lão nói năng thì rất tử tế nhưng lại nhìn em khó
chịu. Ngay lập tức chị ta nắm lấy tay em lôi về nhà. Trên đường đi, chị ta dặn
em: “Mày đừng nói gì với chú Pherenxơ của mày, tao móc ruột mày ra đấy!” Đây là
câu nói nhẹ nhàng nhất của chị ta, giống như câu người ta thường nói: “Xin hôn
tay bà”.
Làm gì có chuyện ở đây người ta chào nhau, chúc nhau một
ngày tốt đẹp, hay một đêm tốt lành: ở đây không có ai chúc người khác ngày tốt
đẹp, nhiều nhất họ chỉ nói “Hãy ngợi ca công đức Chúa Trời”.
Về đến nhà, em lùa lợn ra đồng. Đến tối - Pherenxơ không có
nhà - khi em vừa cùng với đàn lợn về tới nhà thì liền bị chị ta dùng cái trục
lăn bằng gỗ đánh: “Mày còn trốn nữa không? Mày không ăn gì ở đây hả?”. Trơre
khóc: “Không, không, không, cháu sẽ ngoan, xin cô tha lỗi, trời ơi, cô đừng
đánh cháu, đau lắm”. Nhưng em lại nói thầm: “Mụ ta đáng ghét thế này đây, mụ ta
lừa mình, bảo mình nhóm lửa, mình lại cười hề hề. Mong cho mụ ta hư hỏng hết
đi, lúc nào cũng chỉ cho củi vào lửa. Mụ nghĩ gì nếu tôi là Dobo Mari, và tôi
quát mụ hãy lại đây cho củi vào lửa? Pơxe…e…e…”.
Em thè cả lưỡi ra.
* * *
Hạt sương băng ngày một to hơn. Sáng nào em cũng phải cho bò
ăn trên lề đườ ng ở cuối làng, dưới những cây keo bên bờ mương. Nhiều loại
người đi qua lối đó và họ đều nói: “Mẹ kiếp cái nhà Dobo Mari, chị ta thử đi
chân đất ra đây mà chăn bò trong sương giá!”. Em không đi dép một lần nào nữa,
em không muốn thêm một lần bị chửi mắng vì đôi dép. Nhưng như vậy thì em lại
rét, gót chân em lạnh cóng lên. “Chị ta ra đây mà giữ bò, để con bé này nó ngủ
một tý, đừng chết rấp ở trong giường như vậy”. Quả thật chị ta ngủ, tất nhiên
là đồ chết tiệt ấy ngủ. Khi cần phải vắt sữa thì em cho bò về, lúc đó Dobo Mari
mới tỉnh giấc trong giường êm đệm ấm. Còn cô bé tội nghiệp thì xoa bóp chân
mình. Bác thợ dệt già nói: “Cháu hãy cẩn thận, nếu lúc cháu nhỏ mà người ta làm
hỏng chân cháu, thì đến lúc cháu già người ta cũng không bao giờ bồi thường cho
cháu đâu”.
Chỉ một việc hoàn toàn nhỏ nhặt cũng khiến chị ta nổi giận:
“Đồ bẩn thỉu, đồ con lợn, mẹ kiếp, đồ hỗn láo, mày cầm chổi thế nào đấy? Bảy
tuổi đầu mà mày cũng không biết từng ấy sao? Trường học lại cần cho loại này à?
Của nợ, không phải trường học cần cho loại này mà là roi vọt”.
Lúc đó, Xennhesơ Pherenxơ cũng nghe thấy, gã nói:
- Bà đừng ăn nói như vậy với con bé.
Bây giờ đến lượt gã bị chị ta cho một bài.
Bác thợ già nói: “Lại đây cháu, bác đưa đi nhà thờ”.
Lúc ấy là ngày lễ phục sinh.
Cô bé vứt cái chổi xuống: “Ôi, Chúa tôi! Cháu sẽ thấy nhà
thờ từ trong ra ngoài”. Em thường hớn hở như vậy nếu được nhận quà. Em kêu lên
như con thằn lằn vậy.
- Cút mẹ mày đi, đừng để tao nhìn thấy mày, - Dobo Mari nói
một cách trang trọng!
Trơre sung sướng chạy đến cái chậu to, em cho chân vào đó để
rửa. Nhưng hồn thiêng đã đột ngột nhập vào Dobo Mari một cách mau chóng, chị ta
nói:
- Nào, lại đây để mẹ mặc quần áo cho tử tế.
Khi mặc quần áo cho em, chị ta hỏi:
- Con có mừng không?
- I… hi-hi, đúng thế, cháu mừng lắm.
Bác thợ già cầm tay em, họ đi trên con đường dài dẫn đến nhà
thờ. Trơre mải mê nhìn những người đi trên đường, ai cũng đi giày, em thì rửa
chân sạch cũng vô ích, bụi lại dính đầy chân em. Ngày lễ phục sinh trời nắng
đẹp, đôi giày cũ không thể đi được nữa vì các ngón chân của em đều thò ra
ngoài. Lẽ ra có thể chữa lại nhưng Dobo Mari không nghĩ tới điều đó.
May sao hôm nay trời nắng, nếu trời xấu thì bác thợ già
không thể đưa cô bé đáng thương đến nhà thờ được.
Bác thợ già dẫn em đến chỗ ban đồng ca, và Trơre đã thấy tất
cả. Em thấy hết nhà thờ là gì, người ta đang làm gì ở đó. Em nhìn thấy cha cố,
thánh lễ cùng nhiều người, em thấy cả các thánh và thân thể đầy những vết
thương của Chúa Giêxu Krixt. Em rất ngạc nhiên là một ông lớn như Giêxu, vua
của các vua, mà phải nằm với những vết thương như thế. Cho nên thật đáng xấu hổ
vì em không có vết thương nào mà cũng kêu ca, em cũng không kêu ca, em chỉ một
mình âm thầm than thở nỗi buồn của em.
- Con bò kia xẽ
nói đến bao giờ? - Em hỏi bác thợ già và em chỉ vào Cha cố.
Bác thợ già lắc lắc cánh tay em: Cháu đừng nói to và thô lỗ
như thế.
Em giật mình, im lặng. Em không biết rằng gọi cái bác mặc áo
trắng là con bò thì thô lỗ, bác ấy sẽ nghĩ gì nếu em nói tất cả những điều mà
Dobo Mari thường dùng để nói em nhỉ?
Bỗng nhiên đám đông chuyển động, người ta đi ra ngoài, em và
bác thợ dệt cũng rời ban đồng ca, nhưng bác thợ dệt vẫn đưa em trở lại chỗ cũ,
họ lại xem và chờ đợi. Trong khi xem và chờ nhiều người, em cảm thấy tim mình
như muốn vỡ ra vì hạnh phúc, em là người hạnh phúc nhất thế giới. Em thấy cả
Dobo Mari giữa bao nhiêu người, em nhận ra qua cái khăn của chị ta. Em nói to:
Kìa, cô Dobo Mari kia kìa.
- Cháu im đi, không được nói chuyện?
Nhưng mà cái khăn sọc màu sáng của cô ấy làm em nhận ra
ngay.
Sau đó, em muốn xem những vết thương của bác Giêxu. Bác thợ
dệt cũng đưa em đến đó, em có thể hôn lên bàn tay và khuôn mặt dịu dàng cùng
những vết thương của Chúa Giêxu. Khi họ đã chậm rãi đi trên đường, em nói:
- Bác yêu quý, cháu cũng như Chúa Giêxu, vì Nhà nước cũng cho
cháu những vết thương ở tay và ở mông, vì Nhà nước trao cháu cho Dobo Mari để
cô ấy đánh.
- Cháu ạ, - ông già nói, - ai mà có người bảo mẫu là Nhà
nước thì kẻ đó phải nghĩ hai lần trước khi muốn ra đời. Cháu cũng sinh ra làm
gánh nặng cho Nhà nước mà làm gì, hỡi cô bé điên.
Con đường dài đối với ông, ông ngồi lên hòn đá làm cột mốc
để nghỉ một lát. Ông kể cho cô bé nghe mà không để ý xem em có hiểu hay không.
- Cháu thấy đấy, bác cũng đã phải để Nhà nước nuôi, nhưng
rồi kẻ bảo mẫu tốt bụng đã lột hết của bác. Cháu biết không, khi người Rumani
đến, họ ném bom vào làng, và nhà bác đã bị bom đốt cháy. Vì nhà bác to, trong
phòng đầu tiên của ngôi nhà lúc ấy lại có những sĩ quan đỏ đang ở, nên chúng
muốn nhằm vào. Sáu quả bom chui qua cửa sổ trông ra đường, quả thứ bảy là bom
cháy. Quả bom cháy này trong chốc lát đã thiêu hủy cả nhà, chuồng gia súc, lẫn
đống rơm, tất cả đều bị cháy. Không thể nào dập tắt được lửa, vì người Rumani
đốt không phải để chúng ta dập tắt đi.
Ông già lau trán, thở mạnh. Ông kể chuyện cho cô bé nghe
cũng là để bộc bạch những phiền muộn và bực dọc của lòng mình, dù chỉ là kể cho
một đứa trẻ.
- Vậy là nhà của bác bị cháy đến tận nền, tới ngày thứ ba mà
cái xà lớn giữa nhà vẫn còn cháy ở trong đó. Hội bảo hiểm không cho bác gì cả,
vậy mà suốt ba mươi bảy năm bác đã đóng tiền bảo hiểm đều đặn. Một xu họ cũng
không cho, vì họ nói rằng họ không trả tiền bảo hiểm cho những vụ cháy mà họ
chủ định gây ra. Cháu biết đấy, chiến tranh nằm trong lợi ích của Nhà nước, vì
thế theo lẽ phải, thì Nhà nước phải bồi thường cho bác chứ, mà cả xã không có
nhà ai bị cháy nữa ngoài nhà bác và hai hay ba nhà khác. Chủ nhân của những
ngôi nhà bị cháy đó cũng không được nhận tiền bồi thường, nhưng còn bác thì, ôi
thôi, Nhà nước đã phạt bác, trời ơi… Bấy giờ người ta đang ban hành thuế lưu
thông, bác đâu biết thuế ấy cũng liên quan đến mình, vì bác là thợ dệt, có bao
giờ bác sờ tới giấy má sách vở gì đâu. Thế rồi bỗng nhiên một chủ hiệu buôn nói
với bác rằng bác Trômôrơ, bác lên ủy ban xã đi, có chuyện lôi thôi với thuế lưu
thông đấy. Bác đến ủy ban xã, bác nói với người thư ký rằng thưa ông thư ký,
tôi cũng liên quan đến thuế lưu thông ạ? Người thư ký nói, bác Trômôrơ, ở đây
có nhân viên thanh tra, bác hỏi anh ta nhé. Thế là bác đến chỗ viên thanh tra
thuế lưu thông, bác hỏi và người đó bảo bác đợi một tý để anh ta ghi biên bản…
Anh ta đã làm xong biên bản, bác yên tâm ra về. Một vài ngày sau, bác gặp tay
chủ hiệu buôn, lúc ấy các bác nghèo như những người mới lập gia đình, trong nhà
không có lấy một cái khay hay một cái bàn. Những gì mà bằng cách nào đó bác gây
dựng lại được là do đích thân bác phải đến cửa hiệu, vì lúc đó không có đầy tớ,
đã từ lâu không có đầy tớ làm việc đó, mà vợ bác cũng không đi được do bà ấy
quá khiếp đảm hôm nhà bị ném bom đâm ra ốm nằm liệt giường từ đó, tội nghiệp.
Ông chủ hiệu hỏi họ nói gì, bác bảo là họ lập biên bản. Trời ơi, ông ta nói,
thế thì nguy rồi, vì họ sẽ phạt ít ra là bảy mươi nghìn cuaron… Hoảng quá, bác
lại đến ủy ban xã, may thay, viên thanh tra thuế lưu thông cũng ở đó. Bác nói
với anh ta là các ông dừng phạt tôi, vì lửa và nước đã trừng phạt tôi rồi -
Cháu biết không, ồ, mà làm sao cháu biết được, năm mười chín có một trận lụt
lớn, cây cối của bác ở ngoài đồng cũng hỏng hết - Thế là viên thanh tra nói: Họ
sẽ không phạt bác nhiều lắm đâu. Sau đó mới biết là họ phạt bác một trăm bốn
mươi nghìn cuaron.
Ông già quá xúc động với câu chuyện của chính mình. Mọi kỷ
niệm sống dậy trong ông. Cô bé nhìn khuôn mặt của ông, khuôn mặt trắng bợt như
tấm vải được tẩy trắng. Ông hay bị đau đầu. Ria mép của ông cũng đã bạc trắng,
để chẳng ra để mà cạo cũng không ra cạo, ông chỉ tỉa qua loa. Mũi của ông gồ
lên là lạ, đôi mắt xanh của ông ướt đẫm, trong khóe mắt đỏ nhăn nheo ấy có giọt
nước mắt rưng rưng…
- Nhưng như thế còn chưa đủ, Nhà nước còn tìm hình phạt mới
hơn chống lại bác. Họ đòi bác giấy phép sản xuất. Vì cháu biết đấy, bác cũng đã
là đứa trẻ mồ côi như cháu, bác không cha, không mẹ, bác được một ông thợ dệt
già đem về nuôi, lúc đó ông thợ dệt ấy già nhất làng. Rồi một thời gian dài bác
lại là người trẻ nhất, bây giờ đến lượt bác là người già nhất. Bác đã học tốt
nghề dệt và bốn mươi sáu năm liền bác làm nghề đó, bằng nghề dệt bác đã tậu
được ngôi nhà và một mảnh đất nhỏ. Khi nước lụt tràn về, mảnh đất ấy bị hủy
hoại, còn nhà thì bị bom tàn phá. Lúc đó, để có thể xây lại nhà bác đã phải bán
đất, số tiền bán đất bác dùng để xây nhà. Vậy nên bác không có cái giấy phép mà
lúc bấy giờ Nhà nước đòi hỏi ở bác. Ở phòng thuế lưu thông người ta bảo bác
phải nộp lại tất cả số tiền mà bác kiếm được từ đầu, và họ tính rằng bác kiếm
được mỗi tháng là ba triệu, trong khi giá thử bác có làm việc cật lực chăng
nữa, cũng không kiếm được một nửa số tiền đó. Cháu ơi, đêm nào bác cũng ngồi
trên ghế dệt tới nửa đêm và bác làm việc đến nỗi lắm khi cứ ngồi bên khung cửi
mà ăn. Họ bảo rằng nếu không có giấy phép sản xuất tức là bác ăn gian, làm dối
từ đầu, rằng bác không được làm gì hết từ khi bác sống ở trên đời này… Nhà nước
nói như vậy. Bác mới đi gặp ông chánh án huyện, bác hỏi: Tôi phải bỏ dở tất cả
hay sao? Ông ta nói: Không cần bỏ dở nghề mà bác phải giải quyết việc đó với
các chuyên gia. Không có chuyên gia, thưa ngài chánh án, tôi là thợ dệt có
chuyên môn cuối cùng trong xã. Có hai người nữa, nhưng họ không phải là chuyên
gia, bây giờ họ mới bắt đầu, các ông không thể bắt tôi phải học ở họ. Ông ta
nói có một người thợ dệt già ở Abônhơ. Ôi dào, tôi biết người thợ ở Abônhơ rồi,
những người ở vùng đó đến chỗ tôi nhiều lần và họ nói rằng họ không muốn đưa
len, sợi tốt cho ông thợ dệt của họ làm hỏng đi. Bây giờ tôi lại phải đến ông
thợ đó làm học trò ư?
Trơre thấy giọt nước mắt đầu tiên rơi khỏi mắt bác thợ già.
Em không làm được gì khác hơn, bởi vì với cái đầu bé bỏng của mình em không
hiểu được những điều bác thợ già kể, em chỉ biết áp sát vào người bác ấm áp, và
bóp chặt tay bác, em gối đầu lên tay bác như một đứa trẻ ngoan.
- Vì thế mà bác nói với cháu rằng ai có bảo mẫu là Nhà nước
thì người đó hãy nghĩ hai lần nếu muốn sinh ra giữa trần gian này, bởi vì Nhà
nước muốn điều tốt nhưng miệng Nhà nước thì lại câm, phải cần đến các trạng sư,
Nhà nước mạnh nhưng tay Nhà nước không vuốt ve, ôi thôi cho ai phải rơi vào tay
của các viên chức, vì sẽ không gặp điều tốt mà chỉ gặp khó khăn, oán thù và
thiệt hại.
Bác thợ dệt già ngồi cúi đầu, bác ngồi lặng đi, dường như
bác không muốn chuyển động nữa.
Tim cô bé se lại trước niềm thương cảm, em những muốn nói
một điều gì đẹp đẽ và dữ dội như bác, em nói:
- Bố cháu luôn vuốt ve, xờ
cháu.
Bác thợ già lúc đầu chỉ để ý đến tiếng đớt, không thể hiểu
em nói gì.
- Không xờ mà: Sờ…
s… sss.... sss...
- Xxx… xxx… sss.
- Như là gió thổi: sss… sss.
- Xxx… xxx…sss.
Bác dạy em như vậy cả những lúc khác nữa.
Em lại tiếp tục kể, và bác thợ già khiếp đảm đến mức mắt bác
cứ trợn ngược lên, nước dãi trào ra quanh lợi bác, máu dồn lên khuôn mặt nhợt
nhạt của bác rồi rút xuống, lại dồn lên, mặt bác cứ xanh xám trước những điều
cô bé kể. Bác đứng dậy, nói:
- Đi cháu.
Cô bé đi ngay, nếu người ta bảo em. Họ trở về làng, nhưng họ
vừa quay lại thì gặp Dobo Mari: Họ đứng lại.
- Ô hay, những con lợn này vẫn còn ngất ngưởng ở đây à?
Chị ta bước đi một cách vui vẻ, hai cái chân cứng, thô kệch
khệ nệ mang cái bụng phệ đi như con ong vàng, nếu con ong vàng cũng biết đi
thụt lùi như con tôm với cái bụng to.
- Thật xấu hổ thay, bác cần phải ở nhà từ lâu rồi. Bác nghĩ
sao, để những con vật ấy chết đói à? Ai chuyển phân ra? Quỷ tha ma bắt cái đồ
già nua chậm chạp.
Xennhesơ Pherenxơ im lặng đứng sau vợ. Gã không muốn làm cho
vợ gã thêm nhiều lời, dù rằng Dobo Mari đúng. Điều ngu xuẩn là đã để lão già đi
nhà thờ. Cứ làm như có thể bỏ mặc đàn gia súc ở nhà nửa ngày không bằng. Có
nhiều người đi lại trên đường, gã biết rằng vợ gã không để ý là có người nghe
thấy lời chị ta hay không, nhưng gã không bảo vợ: Bà đừng sủa lên thế. Tuy vậy,
ít ra gã cũng còn tý chút lòng tự trọng nên đã không khích thêm cơn tam bành
của chị vợ. Khi những con người trẻ tuổi, khỏe mạnh đó đã rời xa, ông lão và cô
bé vẫn đứng ở cột mốc cây số. Ông đứng cúi về phía trước, ông đứng như bị ngộ
gió, đầu ông lắc lư như quả lắc đồng hồ và gật gật liên hồi không muốn đứng
yên.
- Thằng đê tiện. - Sau đó ông nói. - Con đê tiện…
Rồi ông lại đứng hồi lâu, những người đi đường đã ở xa và
khuất hẳn.
- Trời lạnh rồi, ta đi về nhà thôi… Cháu đừng sợ, dù cháu
phải gian khổ như thế nào thì cháu cũng chịu được, vì cháu còn trẻ. Tuổi trẻ
chịu đựng được tất cả. Còn có nhiều điều đến với cháu, kể cả điều tốt. Bác cũng
mồ côi như cháu, bác không cha, không mẹ, không có ai thân thích ở trên đời
này. Nhưng bác đã có may mắn là thời đó Nhà nước không quan tâm đến trẻ em, ai
yêu trẻ con thì nhận trẻ mồ côi về mà nuôi, người ta không trả tiền, tức là
nuôi trẻ mồ côi thì không có công… Nó là em họ bác, cái con có trái tim đá này.
Không có gì lạ là nó giàu có, nó có tất cả, người giàu chỉ nghĩ làm sao có
nhiều tiền, tiền và tiền. Nó còn muốn làm thế nào để tỏ rõ quyền uy của mình.
Nó cần cháu để có một đứa trẻ xa lạ giúp việc, vì chúng nó có thể thuê sáu đứa
đầy tớ cũng được, nhưng như vậy thì phải trả công cho đầy tớ, còn nuôi cháu nó
được nhận ít nhiều. Nó cũng nhận của bác, vì nó nói là bác thừa hưởng gia tài
của bác nó, điều đó không đúng, vì cái gì bác có là do chính bác gom góp bằng
số tiền kiếm được cùng với bà vợ tội nghiệp của bác. Nếu có gì của bác để lại
thì bố mẹ nó, Dobo Morôcơ, Tunkac và những người khác đã vơ vét sạch tới đồng
xu cuối cùng, đến nỗi bác không còn chỗ mà chui nữa. Sau đó bác lập gia đình,
và bác bắt đầu từng bước. Bác có một người vợ tốt vô chừng, bà ấy không chịu
ăn, chỉ dành dụm tất cả cho tuổi già của hai vợ chồng. Bọn bác không nghĩ rằng
Nhà nước sẽ đến và đớp hết những gì còn lại của vợ chồng bác sau chiến tranh.
Thế rồi những người “tốt bụng” này nói rằng: Thôi, bác đến ở với chúng tôi, bác
có thể sống hết tuổi già với chúng tôi, còn đất của bác để chúng tôi cày cho bác.
Vâng, bây giờ đất của bác chúng nó cày thật đấy, nhưng còn bác thì như thế nào?
Cũng lạ là hôm nay chúng cho bác ra khỏi sân, bác cứ nghĩ là chừng nào còn sống
mình không được bước qua cái cổng. Vì dù sao chúng nó cũng sợ Chúa, sợ nhỡ có
ai biết rằng chúng nó đối xử với bác như thế này thì gậy sẽ giáng xuống lưng
chúng… Này có hai quân cảnh đến kia kìa. Bác nghĩ là những người này từ làng
khác trở về nhà, họ về nhà, ăn cơm trưa, họ đi xa thế chắc là họ đi gác, họ
cũng phải đi bộ nhiều, cháu thấy không…
Nhưng do nói chậm nên mỗi khi bác nói xong được một lời, đến
lời thứ hai thì bác đã quên rằng mình vừa nói gì trong khi đi.
- Xin các ông quân cảnh dừng lại cho. - Bác khẩn khoản nói.
- Tôi vừa định nếu có đủ sức thì đến chỗ các ông.
- Nào, có gì thế ông già?
- Cháu hãy đi đến đằng kia. Nào, đi đi, các ông quân cảnh
không làm gì bác đâu, với cháu cũng thế. Bác muốn nói cho họ một việc mà trẻ
con không được nghe. Tên bố cháu là gì nhỉ?
Cô bé đứng, nghi hoặc, em nhìn một cách thù địch. Em rời
chân đi chỗ khác, em cảm thấy nếu nán lại đó em sẽ phải chịu một cú đá hoặc một
cái tát, em sẽ phải thét lên, nhất định thế. Nhưng em cũng không dám chạy, em
không biết cần phải chạy hướng nào để về đến nhà…
- Tên của lão ta là Còi hay là một loại nhạc cụ như thế. A,
Đuđasơ… Thưa các ông… Đến đằng kia đi cháu…
Quân cảnh sửng sốt lắng nghe chuyện của ông già, rồi họ gọi
cô bé lại, nhưng em không muốn tới. Một người trong bọn họ đuổi theo em và tóm
được cô bé ngay trong khi chạy, y nắm cánh tay em, lôi em đến. Người quân cảnh
khác thò tay vào túi tìm kẹo cho đứa trẻ, nhưng em không dám nhận.
- Nó như thế đấy, các ngài quân cảnh đã thấy người ta dạy nó
trên đường nếu nhặt được hột táo là ăn ngay không biết tởm. Đối với nó, con bé
tội nghiệp, tốt nhất là những thứ vứt vào phân. Chưa bao giờ có ai quan tâm đến
nó. Nó luôn sống trong nanh vuốt của những kẻ dã man.
- Tốt nhất là các người đến doanh trại, chúng tôi ghi biên
bản.
- Ôi, thưa các ông, tôi sẵn sàng đi nhưng tôi không đi được.
Tôi mừng nếu về được đến nhà một lần nữa mà chết, thế là Chúa đã để các ông đi
qua đây, thưa các ông quân cảnh, vì không thể để cho những kẻ vô thần và kinh
tởm như vậy sống ở trên trái đất này. Họ nhận tiền của Nhà nước mà lợi dụng một
đứa trẻ mồ côi không cha, không mẹ, không có ai bảo vệ trên đời… Có thể lợi
dụng…
Quân cảnh thấy bác đã yếu, nên họ chỉ ghi chép vào sổ tay để
rồi sẽ làm báo cáo ở nhà, họ nói thế. Cô bé chỉ nhìn họ và cười. Em bắt đầu
thấy thích thích vì ai cũng bận tâm tới em. Tuy vậy em cũng cố lánh sang một
bên ở dưới chân họ để nhìn trộm, em thấy lúc thì người quân cảnh này lúc thì
người quân cảnh kia liếc trộm em, và điều đó làm em thích thú.
- Mọi người chỉ nhìn cháu. - Em nói mà không biết rằng em
nói điều đó vì tự hào và làm dáng. Em cũng đã quên, vì từ khi em biết nhận
thức, người đàn ông nào cũng cứ nhìn em, không biết tại sao. Họ hỏi em những
điều buồn cười. Người ta còn lắc vai em và nháy mắt, còn em thì bĩu môi: Cô bé
dù bé bỏng thế nào thì cũng là cô gái, em cảm thấy có những điều chỉ liên quan
đến em, nếu muốn thì em nói, nếu không muốn thì em không nói.
- Nào, chúng ta đi thôi. - Bác thợ già bảo.
Họ đi và bác lại tiếp tục nói một cách âm thầm kỳ quặc:
- Xennhesơ Pherenxơ là thằng Đê tiện Pherenxơ. Hắn để con bé
đi chân đất chăn bò ở ngoài đồng, vì Nhà nước không phát giày, mà hắn thì không
muốn mua giày cho con bé. Vậy mà con bé quét dọn, giữ bò, đổ nước bẩn, làm
việc, con bé đã làm tất cả theo sức của nó. Hẳn là chúng nó không chết nếu cho
con bé một đôi giày cũ. Lẽ ra lúc nào cũng phải trả cho cô bé mục đồng bảy, tám
phorint, rồi cơm ăn, ủng đi hoặc ít ra là giày, thế nhưng bây giờ hắn tiết kiệm
hết, lại còn nói nếu phải trả tiền thì hắn tha trẻ mồ côi Nhà nước về mà làm
gì? Chúng nó như thế đấy.
- Chúng mày muốn gì bọn quân cảnh, đồ chó. Mày nói đi, chúng
mày muốn gì bọn quân cảnh, đồ chó!
Và em bị đấm hết cú này đến cú khác.
Cô bé giơ cánh tay bé nhỏ và yếu ớt lên ngang mặt, ngang
đầu, nhưng dù làm thế em cũng không bảo vệ được mình. Dobo Mari vẫn cứ đấm.
Nhưng chị ta cũng không muốn đấm nữa cho mệt, bèn kiếm một cái gậy, và chị ta
đã tìm thấy thanh gỗ khều quần áo mà Pơxe đã có lần được nếm mùi. Lần trước em
cũng bị đánh bằng thanh gỗ đó khi em không cho củi vào lửa.
- Mày sẽ chết rấp ở trước chân tao nếu mày không nói là
chúng mày muốn gì bọn quân cảnh. - Không phải cháu, mà bác thợ già. - Cô bé gào
lên với cái miệng đã nứt nẻ.
Nghe vậy, Dobo Mari yên tâm.
Chị ta tưởng - do một lẽ gì đó mà chị ta có ý nghĩ điên rồ
này - rằng cô bé đã than thở với quân cảnh khi họ thấy em và hỏi em tại sao lại
đi chân đất, vì từ xa chị ra đã mục kích thấy quân cảnh truy hỏi cô bé. Nhưng
cho đến lúc này chị ta cũng không ngờ rằng chính lão già đã than vãn với họ.
Chắc chắn lão già đã kể lể về ruộng đất và về thân phận của lão ta. Nghĩ thế,
chị ta quên ngay cô bé, bỏ mặc em ở đó chị ta đi vào phòng, và mưu tính xem cần
phải làm gì đối với con quỷ già kia.
- Đừng để tao phải nhìn thấy ruồi bâu trên người đứa bé, -
chị ta quát ra, ngay lập tức em đã đứng ở cạnh chiếc nôi và chăm chỉ đuổi ruồi.
- Oa, oa… - Đứa bé khóc trong nôi và liên tục thét lên.
“Chắc là nó bú sữa không tốt của mẹ nó, mẹ nó luôn cáu kỉnh nên sữa cũng độc
hại cho đứa bé”, Dôphi nói khi nó đi qua hàng hiên. Rồi đứa bé này cũng sẽ có
sữa xấu, vì nó cũng luôn luôn như là một khối ung nhọt. Trong nhà này ai cũng
có sữa xấu, vì ở đây từ sáng đến tối ai cũng cau có. Thế mà lẽ ra ở đây Dobo
Mari phải là người vui vẻ, vì chị ta có làm gì đâu, chị ta liên tục đan cho đứa
bé. Mọi việc đã có chồng chị ta làm, cái ông chồng đó là người - có quỷ mới
thấy loại người như vậy - làm việc không nghỉ, thích cả những công việc của đàn
bà, gã cũng nấu nướng. Đến việc của Dôphi gã cũng làm tất, nếu gã thấy. Vợ gã
đang ngồi đan ở trong phòng và tức giận nhìn ra trước mặt. Bà ấy đừng ra khỏi
đó. Còn cô bé Pơxe chỉ đuổi ruồi. Nghe tiếng cười của Dôphi từ nhà bếp - nó
cười ông chủ nó - em bỗng nhớ hồi hè, hôm cả nhà ra sân đập lúa nhưng bà chủ
phải về trước, lúc chỉ còn lại ba người trên tấm vải bạt - em, Dôphi và ông chủ
- thì ông chủ bảo: “Mày đẩy Dôphi đến đây”. “Tại sao? - em nói, - chắc chú muốn
tẩm quất cho chị ấy?”.
Bây giờ em mỉm cười nhớ lại chuyện đó. Mà quân cảnh họ hỏi
gì nhỉ, họ chẳng hỏi những chuyện như vậy bao giờ.
Và kia, Dobo Mari mở cửa, trên cổ chị ta là vòng tràng hạt.
Cái gì vậy, thì ra chị ta không đan ở trong đó mà đeo tràng hạt chăng?
Dobo Mari nhìn đứa con, trên trán nó có một con ruồi, chắc
là con ruồi sót lại từ mùa thu, vì nó yếu sắp chết, không bay được nữa mà rơi
xuống đứa bé.
- Mày giữ con tao như thế này hả? Mày giữ con tao như thế
này hả? - Chị ta tháo vòng tràng hạt ra, và bắt đầu dùng nó đánh vào đầu em -
Trời đất ơi, mày chết đi, đồ con lợn đểu giả.
Chị ta cứ như vậy quật vào đầu Trơre, nhưng vì máu em không
chịu chảy trước vòng tràng hạt nên chị ta rút dép xăng đan khỏi chân và dùng
gót dép đập bôm bốp vào đầu em. Chị ta đánh em cật lực:
- Mày giữ con tao như vậy hả, đồ con chó?
Chị ta chưa ngừng đánh chừng nào đầu em chưa toạc ra.
Máu em chảy lênh láng, Xennhesơ Pherenxơ đứng nhìn từ nhà
bếp, trước bụng gã là cái tạp dề lớn, gã nói:
- Vậy ra bà đi nhà thờ để làm thế à?
Máu khô cứng cả lại trong tóc của Trơre, Dobo Mari nhốt em
trong phòng đầy tớ, chỉ đến tối mới gọi ra và ấn vào tay em một cái cốc:
- Hãy mang cái này cho đồ chó chết kia, ông bạn mày ấy, lão
ta sẽ không còn than thở được gì nữa cho bọn quân cảnh nếu lão ta uống cái này.
Trơre cầm cái cốc, mang đi. Giữa đường suýt nữa em bị ngã,
nhưng em chỉ mới vấp nên một ít nước trong cốc bị sánh ra ngoài.
- Bác ơi, bác ơi, Dobo Mari gửi bác cái này, bác xẽ không than thở được gì nữa cho quân
cảnh nếu bác uống cái này.
Bác thợ già sửng sốt, mặt tái nhợt nhìn cô bé:
- Có thức ăn trong ấy hở cháu?
- Cô Dobo Mari nói là bác xẽ không than thở được gì nữa cho quân cảnh nếu bác uống cái này…
Ông già thở khò khè:
- Bác sẽ không than thở nữa… bác cũng không muốn… Chúa đã
ban cho Dobo Mari sáng kiến này đây. Bác cũng đã than thở đủ rồi, bác sẽ không
bao giờ than thở nữa…
Ông nhận cái cốc rồi để sang một bên ở vị trí chắc chắn.
- Bác sẽ uống, cháu ạ, nhưng bác còn một ít công việc, trước
hết bác phải chuyển phân chuồng ra đã.
Sau đó bác thợ già trở nên buồn bã, bác đi ra sau để lấy cái
sào sắt rồi bác làm việc tiếp tục.
Trơre còn đứng loay hoay một lúc với bác:
- Cái gì làm cháu chảy máu thế?
- Cô Dobo Mari đã làm dách
đầu cháu bằng tràng hạt và dép xăng đan của cô ấy.
- R… rrr…rrr. - Bác thợ già nhắc cho em.
- Rrr…drr rrr… - Tr ơre trả lời, đến lúc này chữ r đã được
phát ra từ miệng em rất chuẩn: Raa… rách… rr.
* * *
Hôm sau có cuộc tắm rửa lớn. Từ trước bình minh người ta đã
đun nước nóng và cô bé cũng phải chui khỏi hang.
- Lại đây.
Em đi đến đó và Dobo Mari đã rửa đầu em trong nước tẩy. Chị
ta cào cấu đến nỗi toàn bộ đầu em lở loét, đầy những vết thương. Chị ta cứ thế
mà nhổ bật tận gốc tóc của em ra khỏi đầu, chị ta kêu:
- Ôi, Chúa đã hại tôi bằng con bệnh còi bẩn thỉu này đây.
Do nước tẩy quá xót, cô bé thét lên, em nhắm mắt lại trong
bọt xà phòng. Dobo Mari đang bực tức: Lão già vẫn còn sống, không có gì thay
đổi, cả thế giới đang chọc tức chị ta. Thế là bằng nắm đấm chị ta lau miệng cho
cái máy đang khóc, không may làm cho hai cái răng của nó bị gãy.
Bây giờ miệng em cũng trào máu.
Con người đừng bị ngộ gió bởi cảnh cơ cực đầy rẫy những kẻ
khốn nạn, đê tiện này!
Cần phải nói cho bác sĩ là em bị bò húc mà gẫy răng.
- Tên cháu là gì?
- Mồ côi.
Dobo Mari căm tức nhìn cô bé: Chị ta không thể chịu được một
đứa trẻ lại có cái tên: Mồ côi.
Bác sĩ cũng không hiểu, cần giải thích cho ông ta.
- Con bé này không có tên gì cả, người ta viết cái tên ngu
xuẩn đó cho nó, gọi nó là Mồ côi. - Mồ côi. - bác sĩ cười. - Cái tên đễ thương
đấy. Quả là cô bé này mồ côi thật. Nào, há miệng ra, bé mồ côi của tôi…
Bác sĩ tiêm cho em và chữa cái gì đó trong miệng em. Sau đó,
ông cho một loại thuốc màu đỏ dùng để súc miệng và đánh răng. Nhưng vị thuốc
chữa tốt nhất là bác sĩ luôn cười nói âu yếm với em. Bằng bàn tay mềm, thơm,
bác sĩ luôn vuốt ve khuôn mặt em, giật giật cái mũi nấm bé tẻo teo của em.
- Xong rồi đấy, bé mồ côi của bác ạ, cháu nhớ súc miệng sạch
sẽ nhé.
Vâng, nhưng vừa về đến nhà Dobo Mari đã giành lấy số thuốc
đỏ, chị ta sử dụng thứ nước súc miệng màu đỏ ấy đơn giản là vì nó cũng có ích
cho chị ta.
Nhưng cô bé Pơxe nói:
- Cháu cũng súc miệng với!
- Mày không cần cái đó. Mày không cần thuốc nữa.
Chị ta dùng hết, cô bé không được súc miệng bằng thứ thuốc
đó, chỉ được một lần mà thôi.
- Mày im đi, nếu không tao đập nó vào mõm mày đấy.
Chị ta đập, đấm, cắn, con người ngu xuẩn ấy thường làm những
việc đó.
Bác thợ dệt hai hay ba hôm sau thì chết.
Cô bé đã biết cái chết là gì, em đã thấy xác cái con ma
Kođorơtrơ mà bố tôi bắn chết. Thế mà bây giờ em không dám nhìn xác ông già.
Nhưng bắt buộc em phải nhìn, vì Dobo Mari cũng không dám đi ra đấy. Vậy mà chị
ta lại rất muốn biết điều gì đó: Cái cốc làm sao rồi?
Chị ta quát lên:
- Pơxe, chạy ra chuồng bò lấy cái cốc mang vào đây.
- Cái cốc nào?
- Cái cốc nào à? Cái cốc mà mày mang cho ông thượng đế già
hôm lễ phục sinh ấy.
A! Trơre nhớ ra cái cốc nào rồi, em chạy đi ngay. Em cũng
không nghĩ đến người chết, em chỉ nghĩ đến cái cốc thôi. Nếu người ta có việc
gì đó phải làm thì sẽ hết sợ.
Khi em bước vào chuồng bò thì ông già đã nằm như đang ngủ
trên cái giường lót rơm ở trong đó. Em không nhìn ông, em chỉ tìm cái cốc, vì
cái cốc không có ở trên gờ tường, nơi mà tối hôm đó ông đã cất. Em lại phải tìm
khắp một lượt, thì kìa, em thấy cái cốc nằm cạnh người chết.
Em chạy vào nhà nói:
- Có cái cốc rồi, có cái cốc rồi, bác đã uống.
Em phải nói hai, ba lần cho tới khi Dobo Mari hiểu ra. Chị
ta thét lên:
- Không phải tao đã bảo là lấy cái cốc vào à? Mang cái cốc
vào ngay!
Em phải lê từng bước trở lại, nhưng bây giờ lấy cái cốc ra
khỏi giường như thế nào đây? Bác thợ già không biết đưa cốc cho em nữa, nếu bác
đã chết.
Em tìm cái ghế ngồi vắt sữa và đặt nó cạnh chiếc giường,
đoạn em đứng lên đó thò tay vào giường qua người chết. Em cầm cái cốc, lấy ra,
rồi tụt xuống khỏi ghế. Em lại mang cái ghế vắt sữa ra phía sau để vào vị trí
của nó, xong xuôi em chạy vào nhà đưa cốc cho Dobo Mari.
- Cái cốc của cô đây.
Nhưng Dobo Mari bỗng tái nhợt, chị ta thấy người khó chịu,
muốn quát lên mà có ai lại đang ở trong nhà bếp, chị ta đập cái cốc vào góc nhà
bếp, nó vỡ thành từng mảnh nhỏ.
- Cái con bò này mang về đây mọi thứ bẩn thỉu.
Thiên hạ rất công phẫn về việc vợ chồng Dobo Mari làm lễ cho
người chết ngay trong chuồng bò, vậy mà họ sẽ được hưởng nhà của bác thợ dệt
cùng với đất của bác ở biên giới cơ đấy. Nhưng thiên hạ không hiểu rằng để tích
lũy của cải không thể làm cách nào khác, phải tích lũy nó bằng mọi cách. Kẻ nào
hiến đời mình cho việc làm giàu, kẻ đó yêu từng đồng xu nhỏ nhất và dành dụm
từng xu, không cho ai hết. Làm giàu là gánh nặng và là cuộc giành giật lớn. Để
làm giàu cần phải mặt dạn mày dày nhiều lần. Để làm giàu cần phải là người mặt
trơ trán bóng không thèm đếm xỉa đến những lời khen tiếng chê của kẻ khác: Anh
ta được miễn tất cả, anh ta tích lũy… anh ta tằn tiện, người ta nói anh ta như
vậy và họ cũng không chờ đợi gì anh ta cả. Không đợi tặng phẩm, của bố thí, và
lẽ phải. Ông chủ tằn tiện hứa với thợ gặt 3kg mỡ súc (trong khi bố ông ta là
người không tằn tiện đã cho họ những 5kg), nhưng chỉ cho 2kg, và ông ta biện
bạch rằng cả cái rổ nữa là đúng 3kg. Ông chủ tằn tiện nói: Tôi cày đất của các
anh, vì vậy các anh phải làm việc sáu ngày, chừng nào gác chứa ngô làm chưa
xong. Họ nai lưng ra làm, sau đó mới rõ là ông chủ muốn chừng nào gác chứa ngô
làm chưa xong thì chừng đó mọi công việc ở trại phải được làm không công. Ở
ruộng củ cải và ở ruộng ngô mất chín ngày, ở gác chứa ngô mất sáu ngày và ba
ngày rưỡi bắt buộc của ông chủ đối với họ… Còn ông chủ bắt họ làm việc ra sao?
Ông chủ bảo: Nào, các người, tối nay trời đầy mây, chúng ta không thể bỏ dở
việc thu hoạch trong khi sản phẩm chưa được đưa vào nhà có mái che cẩn thận.
Nhưng có làm suốt đêm thì ông chủ tằn tiện vẫn không cho họ gì cả. Nhiều lắm
thì chỉ là chửi rủa, nếu họ không biết khiêm nhường.
Ông chủ giàu có cũng rất biết cách lợi dụng trẻ con Nhà
nước, dù ông chửi Trơre ông vẫn xin bà lớn một trẻ mồ côi nữa, một cậu bé người
Pest : “Con kia không hợp pháp, thằng này cũng
không hợp pháp”, làm kẻ chăn lợn đều tốt cả. Và Xennhesơ Pherenxơ cũng giàu lên
thật. Bố mẹ và ông bà gã đều là những người giàu có, ai cũng lập gia đình bằng
cách cưới về một cô vợ vui vẻ, tốt bụng, vì cuộc đời kẻ tằn tiện chua chát lắm.
Người tốt nhất cũng nhắm mắt làm ngơ nếu vợ mình thu vén, huống chi gã. Cần
quái gì, ở đâu thì con chó hãy cứ làm kẻ giữ nhà cho tốt. Người đàn ông tinh tế
nhất cũng chẳng giận nếu anh ta không được tham dự vào những việc ki cóp nhỏ
nhen cho thêm bẩn mình: Cứ mặc cho mụ vợ làm những việc ti tiện. Và gã cũng để
mặc cho vợ yên tâm ngủ trong giường, khi cô bé mồ côi đi chân đất lùa bò trong
sương sớm trước cả bình minh.
Gã cũng không biết được rằng thỉnh thoảng có con ma đến doạ
cô bé.
Có lần vào một đêm mùa đông lạnh lẽo, cô bé đang cho bò
uống, khi ngẩng lên em bỗng thấy con ma trong tấm vải trải giường trắng, nó vẫy
em, và nỗi sợ khủng khiếp đến với em. Em chỉ có một mình, bác thợ già thì đã
chết, thế là em lao vào nhà bếp thét lên. Ma, ma!
Ở trong đó ai cũng thất kinh, vì bọn họ đều là những kẻ vô
học, sự giàu sang nhất cũng không che chở họ, họ đều nhảy ra ngoài, hốt hoảng.
Nhưng họ không thấy gì hết. Cô bé Trơre liền được mấy cái
tát.
* * *
Và một hôm em đang chăn bò thì thấy quân cảnh đi đến. Em
cười với họ, vì quân cảnh chưa xúc phạm đến em, em chỉ cười những điều mà họ
chưa hỏi lần trước. Rồi em trốn để họ không nhìn thấy mình.
Quân cảnh đi vào trại, họ đã làm gì, và không làm gì ở đó?
Hồi lâu, họ lại đi. Cô bé cười thầm là họ đã không nhìn về phía em đang đứng.
Đến trưa, khi em lùa bò về nhà, Dobo Mari nói:
- Tao không chịu được mày nữa đâu, đồ chó, tao trả mày lại
cho người đã gán mày cho tao.
- Cô thấy chưa, quân cảnh nói rằng tại sao cô không đưa cháu
đến chường học?
Nhưng Dobo Mari không trả lời, chỉ hằn học, nhìn em:
- Họ nói là Đuđasơ đã treo cổ tự tử.
Cô bé Trơre bắt đầu cười:
- Lúc nào bố cháu cũng nói tao treo cổ mình lên: tao sẽ tính
chuyện với chúng mày, tao tính chuyện với chúng mày và với tao.
Nhưng Dobo Mari giờ đây không trả lời.
- Này, mày giận tao hả?
- Cháu giận đấy!
- Tại sao?
Và chị ta thảng thốt nhìn em.
- Vì cô lấy tràng hạt đập vào đầu cháu.
- Thế thì đến đây tao chữa cho.
Chị vợ suốt ngày đi lại, lẩm bẩm một mình, thâm độc. Không
thể hiểu được chị ta muốn gì, Chị ta không nói gì với ai cả mà chỉ làu bàu một
mình.
Đứa trẻ mồ côi đi ra sân, em chạy nhảy như con cừu non và
những con gà. Trong em còn chưa có ý thức trách nhiệm, em chưa biết tự tìm lấy
việc mà làm. Em chạy vào đập cái gậy xuống đất; mày, không được, này! Nếu họ
bảo mày làm việc này, em làm; nếu họ bảo mày làm việc kia thì em cũng làm việc
kia, nhưng tự em thì em không biết được mình cần phải làm gì.
Xem ra thì đối với em ở ngoài sân thích hơn ở trong nhà.
Cây dâu lớn đã bắt đầu có những quả dâu con màu đỏ nhưng còn
chưa ăn được. Loại hoa quả khác cũng chưa đến mùa, chỉ có cây phúc bồn tử là có
quả chín đỏ trong vườn. Nhưng không được động tới cây đó. Với lại quả phúc bồn
tử có việc riêng của nó, đâu phải để chơi ú tim vào bụng cô bé nói đớt: Người
ta đang đợi nó ở ngoài chợ, nó chưa kịp chín người ta đã mang đi. Có những con
gà mái không đếm xỉa tới điều đó, ngay lúc này đây cũng đang có một cái mào
nghển lên để tỉa những quả gì chìa ra.
Em phải dùng que để dạy cho nó khỏi quên.
- Pơxe!
Cô bé đang đứng trước chuồng gia súc, em nhìn vào đó. Những
chú chim sẻ bay khỏi chuồng, chúng thật đáng xấu hổ, dám mò vào chuồng của kẻ
khác. Em chửi những con chim sẻ như em đã được nghe người khác chửi em. Có thể
chửi những con chim sẻ bất cứ lúc nào cũng được, vì chim sẻ không được tích sự
gì cả, chúng chỉ nhặt hết những hạt thức ăn của gia súc.
- Pơxe!
Đứa trẻ mồ côi biết rõ là bà chủ gọi mình, nhưng em không
muốn nghe, vì nếu bà chủ gọi thì bao giờ cũng sẽ xảy ra điều xấu. Cứ để bà ta
quát lên. Dôphi đã dạy em như vậy, nó cũng đã nói: “Bà cứ gọi cho nứt cuống
họng bà ra!”. Nhưng em chỉ tính thầm là còn lâu bà ta mới đến đây được mà nắm
lấy chòm tóc của em, vì thế không việc gì phải vội. Em làm như em không nghe
thấy, em làm như em không vội vàng nghe lời.
- Pơxe, mẹ kiếp, mày không nghe hả, đồ phải gió, mày để tao
gọi đến bao giờ?
Thế này là bắt đầu rồi đấy, có thể hiểu rằng khi mà điệu
nhạc cất lên như vậy thì cần phải nhanh chóng vâng lời, vì: “Mày đừng đợi cho
đến khi tao phải đuổi theo mày”.
Em uể oải đi về phía ngôi nhà, đầu cúi xuống, ngón tay cho
vào miệng đang phụng phịu.
- Lại đây con. - Dobo Mari nói. - Trông con mà xem, cứ như
là đứa mồ côi không ai nhòm ngó đến ấy.
Pơxe hé mắt nhìn trộm chị ta. Chị ta đứng đó, đẫy đà, rực rỡ
trong ánh mặt trời như một bụi hoa hồng. Nhưng mà bụi hoa hồng đầy gai. Pơxe
chỉ chờ xem lúc nào thì cái tát vung lên sau những lời ngọt ngào. Chị ta gỡ
khỏi đầu cái lược nhỏ màu vàng, đoạn ngồi xuống cái ghế dài ở trước nhà. Trên
cái ghế dài này thường vẫn có hoa, nhưng lúc này nó trống không vì người ta đã
đặt hoa xuống đất.
- Nào lại dây, lại đây nào, tao không cắn mất tai mày đâu.
Cuối cùng, như thế nào đó, em đã tiến đến gần chị ta. Em
nhích một tý về phía đó, chị ta với tay túm lấy em, giật em về phía mình, rồi
chải mớ tóc bẩn của em. Tóc em luôn được cắt hình tròn theo đường vành tai. Họ
không để cho em nuôi tóc dài như các cô gái thôn quê. Cô bé cũng chẳng tiếc, em
thích như thế để mình càng được chú ý hơn.
- Này, con nói mẹ nghe, con đã nói chuyện gì với ông già cái
hôm mà con và ông già đi khỏi nhà thờ ấy?
Cô bé im lặng.
- Chúng mày chửi tao à? Nói đi, lão già liến thoắng cái gì
mà nhiều thế. Lão già nói là chúng tao lấy đất của lão à?
Cô bé ra hiệu bằng cái gật đầu. Phải rồi, bác ta có nói,
nhưng em không hiểu điều đó là gì.
- Đúng là lão ta nói vậy hả? Thế thì lão hãy thối rữa ở nơi
lão đang nằm. Lão còn nói gì nữa? Phúc cho lão là lão đã biến khỏi nơi này, nếu
không thì đời lão còn tiếp tục cay đắng trong tay tao… Lão nói những điều như
thế cho một con bé mà đến tên của nó nó cũng không biết… Lão ta còn nói gì? Lão
ta nói là lão ta có một cái nhà to ở trong làng à? Và tao đã đốt ngôi nhà đó,
lão ta nói thế phải không?
Cô bé lắc đầu, không, bác ấy không nói thế. Bác ấy không nói
gì về việc đốt nhà cả.
- Cái nhà đó đã bị đốt khi chiến tranh xảy ra, nhưng lão già
tứ cố vô thân ấy cũng có thể đổ cho tao đốt. Mày thấy chưa, con người dù tốt
như thế nào thì cũng luôn luôn muốn điều tai tiếng cho kẻ khác. Tao đã đưa cái
đồ đểu giả, đồ rác rưởi ấy về đây nuôi, ở đây chúng tao đã giặt giũ áo quần bẩn
thỉu, hôi hám, kể cả quần lót cho lão ta, vậy mà lão ta nỡ nói những điều như
vậy cho một con bé.
Chị ta giật tóc đứa trẻ, vì tóc em rất rối.
- Thế lão ta còn nói gì nữa? Tại sao mày không nói, mày
tưởng là tao đoán được mày đang nghĩ gì chắc?
- Gông nói chì nữa.
- Gông nói chì nữa là cái gì? Bao giờ thì mày mới học nói
hả. Quỷ tha ma bắt mày đi cùng với con mẹ mày. Ở đây tôi phải chịu đựng con
nhãi ranh của kẻ khác trong khi nó cũng có mẹ. Nó cũng không ra đời trong rác
bẩn như con bọ chó. Nhưng mà có thể mày là con chó, con bọ chó cũng sinh ra
trong cát bụi, rồi từ cát bụi rúc ra, người ta bảo thế. Mày cũng chỉ mọc lên
như nấm. Để làm gì cái loại người như thế này trên mặt đất? Thế lão ta còn nói
gì nữa nào? Lão ta không nói là tao đã giết vợ lão ta à?
- Cháu nói với bác ấy là bố cháu nôi cháu xát vào người và
bố cháu nuôn nuôn bảo không được nói
với mẹ cháu rằng bố cháu chơi với cháu.
- Bố mày làm gì?
Cô bé không biết nói lại việc bác thợ dệt đã kể gì cho em
nghe, nhưng em lại biết nói rất nhiều về việc ông bố Đuđasơ đã làm gì với em.
Dobo Mari lúc đầu còn mở to mắt mà nghe, chị ta cười khoái
trá, cuối cùng thì chị ta lại bực tức hất cô bé ra khỏi người mình.
- Hừ, vậy ra mày đã trở thành đồ ghẻ lở kinh tởm! Thế mà
chẳng ai nói cho tao điều này. Hừ, cái thằng cha Đuđasơ thật là đồ con lợn,
chính vì vậy mà lão ta đã treo cổ tự tử. Quân cảnh nói rằng lão ta bị tình nghi
cái gì đó nên lão sợ, nhưng tao lại nghĩ là lão ta ăn cắp hoặc giết người, hay
là làm cái gì đó tương tự. Hừ, giá mà lão ta treo mày chân chổng ngược lên cùng
với lão. Mày là đồ con lợn. Mới nứt mắt mà đã ngứa đến thế, tởm!
Chị ta khạc nhổ, kinh tởm bao nhiêu cũng không đủ.
Sau khi mai táng ông già xong, khó mà nhận ra Dobo Mari.
Suốt mùa hè chị ta trở nên lạ lùng. Thật kỳ, trước đây chị ta rất ít khi ngồi ở
trong phòng, nhưng bây giờ thì lại không muốn rời khỏi đó, ít ra thì người ta
cũng không nhìn thấy chị ta.
Đối với Pơxe thì thế nào cũng được. Em chỉ cho bò gặm cỏ.
Mùa hè đã trôi qua.
- Cần phải đi đến chường.
Nhưng Dobo Mari không nghe thấy, chị ta cũng chẳng để ý đến
em, dường như chị ta luôn nghĩ đến việc gì khác.
Một lần bỗng dưng chị ta hỏi:
- Mày đã nói cho quân cảnh hả?
Đứa trẻ mồ côi ngơ ngác nhìn.
- Tao th ấy họ cũng hỏi mày. Mày ngu à? Mày không hiểu à? Ở
trên đường quốc lộ, mày không nhớ sao? Chúng mày đứng bên mốc cột cây số bằng
đá. Chúng mày đã ton hót cho bọn quân cảnh. Nào, mày đã kể gì cho họ?
Em đã hiểu, em nhớ ra điều mà Dobo Mari đang nói, nhưng em
không để ý đến chị ta. Ở ngoài kia đêm đã xuống sương, em làu bàu nói một cách
giận dỗi:
- Khoảng này là cần phải đến chường.
Dobo Mari nhìn em với những mối lo.
- Người ta đã cắt mất lưỡi mày rồi, mày chưa biết nói, nhưng
mày đã biết gây tai họa cho người khác. Tao biết mày là ai rồi.
Chị ta đột ngột túm lấy em với giọng cười chó sói, rồi giật
em lại gần:
- Hè hè, tao đã động gì đến mày chưa? Chỉ vì mày bị một cái
tát?... Mày nhe răng ra xem tao đã nhờ người làm răng cho mày, tao đã đưa mày
đến bác sĩ, đến bác sĩ răng, mày…
Chị ta kéo em sát lại, và cô bé ngạc nhiên chịu để cho chị
ta vuốt ve bằng những ngón tay cái đầu mới lên da non của em. Chị ta còn gại
gại đầu em bằng móng tay, nhưng không làm em đau.
Với một giọng hoàn toàn khác, chị ta đột ngột nói:
- Không được giận cô, vì cô đã có con.
- Nhưng cháu không có mẹ, mà con của cô thì hợp pháp.
Dobo Mari bắt đầu khóc.
- Không được nói xấu về cô, cháu ạ. Nếu người ta hỏi đầu
cháu làm sao, cháu hãy nói là do đầu bẩn mà có da non, nói rằng cô đã chữa cho
cháu.
- Bằng nước tẩy.
- Không phải bằng nước tẩy mà bằng sự tắm gội. Cháu chỉ cần
nói là cô đã chữa cho cháu. Thế cô tồi với cháu sao? Đến mẹ đẻ của cháu cũng
không thể tốt hơn đâu.
Chị ta ôm hôn em và khóc.
Chị ta nâng hai cái má nhỏ của đứa trẻ trong hai lòng bàn
tay, bây giờ mắt chị ta lồi lên và ngỡ như chị ta đột ngột bóp cổ em.
Nhưng chỉ có cánh tay và những ngón tay của chị ta cứng lại.
Hai ngón tay của chị ta buốt lạnh trên khuôn mặt đứa trẻ,
chị ta run rẩy; nhưng chị ta không bóp đến mức làm em đau, chị ta không biết
phải làm gì với đứa trẻ.
Sau đó chị ta bỏ em ở đấy. Pơxe có thể đi đến chỗ em thích,
và em cũng đã đi, nhưng chỉ đi lang thang, thỉnh thoảng cúi liếc nhìn về phía
mà chị ta đang vội vã đi tới. Chị ta đi hết cái sân một cách vội vã như người
đang tìm một cái gì đó, hoặc đã bỏ quên một cái gì đó. Chị ta đi đến cái cổng
nhỏ của vườn nhà bếp, có lẽ chị ta muốn hái mận màu xanh để mang vào thành phố,
nhưng chị ta quay ngay lại, trở vào nhà bếp rất nhanh.
Pơxe chỉ nheo mắt nhìn. Dường như vì em mà chị ta hấp tấp
như vậy.
Nhưng cơm trưa đã dọn xong.
Dôphi đứng cạnh ngôi nhà, nó bắt đầu gọi:
- Hê, ông chủ, hê.
Ông chủ im lặng. Ông chủ đang làm việc ở sau chuồng bò. Ông
ta đào cái gì đó, người để trần.
- Cơm trưa… ưa… a.
Từ hàng rào, Pơxe nhìn thấy ông chủ đặt cái mai xuống, ấn nó
vào đất, đoạn ông quay lại, người ông đỏ, đổ mồ hôi. Ông lau người rồi đi.
Bây giờ em cũng chạy, vì em cần phải lấy nước cho ông chủ
rửa.
Trong nhà bếp khăn bàn đã trải xong.
Nhưng Pơxe được ăn ở ngưỡng cửa. Em ngồi cạnh con chó, em
đợi đĩa cơm.
Bỗng nhiên chị vợ đi ra từ nhà bếp và đưa cho em một cái
cốc.
- Đừng.
Pơxe ngạc nhiên nhìn vào cốc: Sữa có trong đó.
Em lại buồn nôn vì người ta cho em sữa.
Em mím môi và cầm cốc sữa.
Nhưng bà vợ vẫn không nhìn em, mà chỉ nói:
- Đừng.
Lúc đó bà vợ lại đi vào nhà bếp lấy thức ăn cho chồng. Chị
ta đi ra, không nhìn em, chị ta đi lên nhà, nơi có tiếng khóc trẻ con vọng ra.
Đứa bé đang làm ầm ĩ trong nôi, nó đòi mẹ.
Khi chị vợ đi ra - không phải nhiều, chỉ một lời thôi chị ta
cũng đã không nói với đứa con ở trong đó và trở lại nhà bếp chị ta vẫn không
nhìn Pơxe.
Em ăn hay không ăn thì bà ta cũng chẳng cần - Pơxe nghĩ - Bà
ta chỉ vứt sữa cho em và bảo uống đi.
Nhưng nhất định em không uống, dù chỉ là một ngụm cũng
không, em cứ để cốc sữa dưới mũi, em ghét mùi sữa hơn bao giờ hết.
Sau một phút, bà vợ lại đi ra, rồi lại đi vào với con bà ta,
đoạn bà ta đi ra sân, cũng chẳng nhìn xem Pơxe có uống sữa hay không.
- Cái bà này đi đâu mà như người mất hồn ấy? - Ông chủ nói ở
trong nhà bếp.
- Cô ấy tìm cái gì đó. - cô bé âm thầm nói.
- Bà ấy tìm trí khôn mà không thấy. - Ông chồng nói tiếp.
Khi trở vào bà ta đứng ở phía trên cô bé.
- Ăn đi cháu, - bà ta thân mật nói với em như thể người ta
vừa nhổ răng em, bà ta đột ngột cầm cái thìa con ở trong cốc sữa rồi khuấy
khuấy. - Nào, uống đi.
Rồi bà ta lại đi vào nhà bếp. Có thể nghe thấy bà ta ngồi
xuống bên bàn, cái ghế kêu kọt kẹt.
Đĩa và thìa cũng kêu lách cách, và ông chồng bắt đầu nói
chuyện.
- Bọ đất đã ăn hết hạt, vì thế cần phải gieo lại. Lúc nào
cũng có chuyện, lúc nào cũng có con gì đó ăn hạt đang gieo. Có Chúa mới sáng
tạo ra nổi loài bọ đất, không có gì lý thú hơn việc đó nữa hay sao ấy.
Dôphi cười thân mật, nhưng bà vợ thì không.
- Bà nhìn gì hằm hằm thế kia?
Nhưng bà vợ không nói, bà ta đi ra, bà ta lại ở đây rồi. Cô
bé giật mình làm sữa bị lắc ra đầu gối, nhưng bà ta không nhìn em, bà ta đi vào
phòng dường như bà ta hốt hoảng. Bà ta quay đầu và đi thẳng.
Lúc này bà ta không ở trong đó lâu nhưng bà ta đã làm cho
đứa bé tỉnh giấc và nó bắt đầu khóc ré lên.
Nhưng bà ta không quan tâm đến nó, vì bà ta bỏ nó ở đây, bà
ta không nói gì với nó mà đi vào nhà bếp, im lặng.
Đứa bé khóc hồi lâu. Nó khóc ghê quá.
Pơxe thương nó, em rón rén men theo tường để vào với nó, mặc
dù em không được phép vào với đứa bé. Em đi như vẫn thường đi - sát vào tường,
và rón rén bước đến cái nôi như con mèo vừa bị đòn đến sau cái đĩa. Bây giờ cô
bé Mồ côi vừa nghĩ ra một điều: Em cầm bánh mì và dúng vào cốc sữa, rồi cho sữa
nhỏ giọt vào miệng đứa bé. Vì đứa bé cần sữa chứ không phải em. Bọn trẻ con
thường rất thích sữa mà.
Nhưng em làm lâu quá, những ngón tay vụng về của em dúng
bánh mì vào sữa để sữa chảy trở lại cốc nhiều. Khi em đã đưa miếng bánh mỳ tẩm
sữa đến gần miệng đứa bé thì Dobo Mari bước vào. Chị ta rống lên một tiếng như
con thú bị người ta đâm từ trên xuống.
- Nó giết, nó giết! - Chị ta thở khò khè và thét lên, - nó
giết con tôi!
Một tay chị ta túm lấy cô bé lăng ra, em ngã xô vào cánh
cửa, sữa bắn tung tóe hết ra đất, cái cốc bị vỡ, tay kia chị ta ôm đứa bé ra
khỏi cái nôi và áp sát nó vào người mình.
Khi đã cảm thấy con mình an toàn trong vòng tay, chị ta liền
đạp vào cô bé Mồ côi đang ở dưới đất để cho tòi ruột em ra.
Nhưng ông chủ đã vào đến bậu cửa. Ông ta không hiểu vợ tại
sao lại đạp, đá vào người đứa trẻ Mồ côi.
Nếu ông ta không đẩy vợ ra - chị ta còn đá thêm một cái nữa
- có lẽ chị ta sẽ đạp cho đến khi em hết thở.
- Nó làm gì vậy?
- Nó giết, nó giết. - Chị ta chỉ kêu lên câu đó.
- Nó giết gì, quỷ tha ma bắt, ai cũng giết cả.
- Nó muốn đổ sữa vào.
- Thế thì sao, nó giết bằng sữa chắc?
- Nó định đổ thuốc độc vào! - Chị ta thét lên, và không làm
chủ được mình nữa, chị ta vật vã, lặp đi lặp lại. - Nó muốn đổ thuốc độc. Đồ
đáng nguyền rủa. Trời ơi, hãy để mặc tôi, để tôi bóp cổ nó đi, trời ơi, thế là
hết! Ôi, may mà Chúa đã để tôi vào và tôi đã ngăn cản được vụ giết người này.
- Bà nói gì lung tung thế? - Ông chủ ôm vợ, lắc mạnh. - Bà
điên thật rồi.
Bây giờ chị vợ đã hơi bình tĩnh, nhưng do cơn xúc động khủng
khiếp vừa rồi mà toàn bộ cơ thể chị ta co giật như là xe ngựa lắc, mọi đốt
xương của chị ta đều rung chuyển. Phải lấy đứa bé ra khỏi người chị ta, đặt nó
vào nôi, vì đứa bé bây giờ khóc thét lên như bị động kinh. Chị vợ không biết
giúp gì, chỉ biết lao vào Pơxe, chị ta muốn giết em. Cuối cùng thì ông chồng đã
tống em ra khỏi phòng, em ngã xuống hàng hiên, em khóc ở dưới đất, các bộ phận
trong người em đau nhói. Ông chồng khóa cửa lại, nhốt vợ ở trong phòng.
Phải xô xát với chị ta một hồi lâu cho đến khi thấm mệt thì
chị ta mới dịu dịu đi. Chị ta không ngớt mồm kêu thuốc độc, thuốc độc, rằng
người ra định đầu độc con chị ta.
- Dôphi, - đến tối ông chủ đi ra. - mày đưa con bé bệnh hoạn
này lên xã, trả nó về nơi nó đã đến đây. Tao thấy bà xã này phát điên lên mất,
nếu bà ấy gặp nó một lần nữa. Mày mang theo một miếng giăm bông, miếng bả vai
ấy. Đối với bà lớn thì miếng bả vai cũng tốt chán, hê.
Họ cười với nhau.
Đến tối thì cô bé mồ côi đã lại ở bên bà lớn.
Em ngạc nhiên nhìn ra trước mặt. Thật đặc biệt đối với em là
em nhận ra cái mùi ở đây, mùi như thế này không ở đâu có cả. Em đã biết tất cả.
Em không nhận ra từng thứ một, tất cả đều khác so với những cái em từng trông
thấy, nhưng em hiểu hết.
Ở đây có cái gì đó to lớn, vững chãi, ở đây người ta không
làm hại em. Đối với em đây là chỗ tốt. Và em bắt đầu tin tưởng rằng có cái gì
đó tốt đẹp.
Đến nỗi lo sợ cũng qua đi, đau đớn cũng hết. Em đã cảm thấy
mình thuộc về nơi đây. Đối với em ở đây thích hơn nơi em đã ra đi, nơi em đã ở.
Ở đây có cái gì đó uy nghi nhất ngự trị. Em cảm thấy an toàn: Chỉ cần đến đây
thôi. Mặc dù em luôn sợ sự mới mẻ và xa lạ, nhưng em đã gắn bó với chốn này.
Em tin tưởng.
Giá mà em biết được là em tin ở cái gì. Em tin ở cái mùi
này. Em biết rằng nơi nào em ngửi thấy cái mùi tốt đẹp này thì ở nơi đó người
ta không đấm em.
- Thưa bà lớn, con bé ốm yếu này chúng tôi không dùng được
nữa. - Dôphi nói.
Bà lớn nghi hoặc nhìn cô gái đẫy đà đó.
- Tại sao không phải bà chủ mang nó đến? Bà ấy tên gì?
- Bà chủ ạ? Bà Xennhesơ?
- Phải, phải, bà Xennhesơ.
- Từ khi có con bà ấy ốm… Bà ấy cứ ốm luôn. Bà ấy có bệnh
thần kinh.
- A ha.
- Bà chủ gửi bà lớn một khúc giăm bông ạ.
- Phải rồi, bà ấy là người tốt… cô để nó ở đây… không sao cả
đâu, đang có một người, bà Veruê muốn có một con bé. Ở đó sẽ tốt cho nó, vì nó
sẽ ở cạnh trường học, ít ra thì nó đi học cũng dễ dàng hơn.
Trơre sửng sốt, cái từ Veruê (bà đánh đập) làm em hoảng sợ.
Đến cái tên mà cũng đã… Họ lại muốn nhét em vào đâu thế này… Lại phải đi khỏi
sự tốt lành ở đây… ở đó sẽ có mùi như thế nào nhỉ?... Mùi của gậy, hay của roi
da?... Veruê…
Bà lớn đặt bàn tay trắng trẻo của mình lên đầu cô bé:
- Cháu tên gì?
- Mồ côi.
- A, phải rồi, cháu là cô bé Mồ côi… Mồ côi Nhà nước.
Bà ta làm ra vẻ nghĩ ngợi, bà ta mỉm cười, lúc thì với em,
lúc thì với khúc giăm bông.
- Đầu cháu làm sao thế?
Cô bé nhìn một cách giận dỗi, em nói chậm rãi và lâu:
- Da… a… lon… on…n.
-------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét