Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Giọt máu đào - Nodar Dumbadze

Người dịch: Hiếu Tân

Cái đầu cắt trụi cúi thấp, thằng bé đứng dưới gốc cây đoan chán ngán nhìn đôi chân trần bê bết bùn của nó. Tay nó cầm một túm cá bống biển tòn teng trên đầu sợi dây câu, bụng nghĩ sao ông già kia giống cha mình thế. Cũng mái đầu hoa râm, cũng đôi lông mày đen rậm, cái mũi to, đôi mắt sắc có nét cười buồn bã, rồi cả đến cái giọng nói khàn khàn. Bây giờ mình nhắm chặt mắt lại và tưởng tượng xem nào, ông ấy đúng là giống cha mình như lột. Và thằng bé nhắm tịt mắt lại.
- Chính vì nó mà tôi phải cho mời ông đến, thưa batono [từ Georgia để tôn xưng người mà mình yêu mến và quý trọng] Kishvardi. Thằng này đúng là không dạy nổi. Đấy, ông cứ nhìn nó mà xem. Trẻ con đứa nào cũng ở nhà học bài, chỉ có nó suốt ngày đi câu mấy con cá bống ranh ấy, hết ngày này sang ngày khác. Mấy hôm trước nó còn ném cả quả dưa hấu xuống giếng, cái giếng chung với nhà Gopadzes. Quả dưa vỡ tan, thế là hai nhà mấy hôm nay cứ phải ăn salat trái cây thay cho nước uống.
 - Chà, thật quá quắt, có đúng thế không, thằng nhóc? Thôi, bà đừng bực bội thế, bà Julia thân mến ạ. Cứ để về đến Guria là tôi treo ngược nó lên cây tiêu huyền, tẩn cho nó một trận.
- Ông làm gì với nó là việc của ông, không can gì đến tôi, batono Kishvardi ạ, nhưng mẹ nó có phúc không phải nhìn thấy nó hư đốn thế này... Cả mẹ và bố nó, ông biết đấy…
- Bà nghĩ sao, bà Julia, liệu có thể đưa thằng ranh con này về con đường tử tế được không?
- Ông làm thế nào được, batono Kishvardi? Mới hôm kia nó lấy 16 ký ngô đến nhà xay của Kopadze, rồi chỉ mang 2 ký bột về nhà. Số còn lại nó mang đến cho lũ trẻ còm nhom, láo như ranh nhà Kukhalashvili. Nó muốn ra tay nghĩa hiệp đấy. “Chúng nó đói, mà nhà chúng nó lại đông”. Nó bảo thế đấy.
- Chà, thật quá quắt, có đúng thế không, thằng nhóc?
- Nhưng thế đã hết đâu, batono Kishvardi! Tối hôm kia nó cùng với một thằng bạn thân, Kukuria Ugulava, cũng là một thằng nhãi lêu lổng như nó, vào ăn trộm đào trong vườn nhà thày giáo địa lý Datiko Tsverava, rồi đem đổi lấy thuốc lá nhà Lava Bakhtadze ở Matkhoji.
- Chà, thật quá quắt, có đúng thế không, thằng nhóc?
- Sao ông cứ luôn miệng hỏi “có đúng thế không? có đúng thế không”. Bộ ông nghĩ ngần này tuổi đầu tôi lại đi nói dối ông à?
- Tất nhiên là không, bà Julia thân mến. Tôi chỉ muốn nói rằng, nếu đúng như thế, thì còn cái gì mà thằng này không dám làm nữa hở trời.
- Thật đúng vậy, còn cái gì nữa? Nó cần có một bàn tay đàn ông cai quản nó, thế thôi. Tôi chịu không trị nổi nó nữa rồi. Tôi không còn hơi sức đâu nữa, mà tôi cũng không phải chỉ lo có mình nó. Còn hai đứa con trai của thằng Kolya nhà tôi, Zurab và Vakhtang, hai đứa này còn hư hơn nữa cơ - thật là hai thằng quỷ sứ. Chúng nó chơi ở ngoài đồng sắp về đấy, và ông sẽ được nhìn chúng nó tận mắt.
- Khi bố mẹ thằng này còn sống, chúng nó có để tôi gần gũi thằng bé đâu, vậy nên làm thế nào tôi gây được cảm tình với nó, và khiến nó gắn bó với tôi, đúng như tình máu mủ ruột rà.
- Ôi, xin ông đừng có lo lắng quá, ông Kishvardi. Nó là con trai nên phải được một người đàn ông dạy dỗ, dù sao thì nó cũng là kẻ nối dõi tông đường bên họ nhà ông…
- Ở trường nó học hành thế nào?
- Khi một đứa đã hư hỏng đến mức dám ăn trộm cả đào nhà thày giáo, dám lấy trộm cả thìa bạc của bà nó để đổi lấy quyển sách Decameron khủng khiếp ấy, thì thử hỏi một thằng như thế ở trường học hành như thế nào?
- Có đúng thế không, thằng nhóc? Được, bà cứ để tôi đưa nó về Guria, bà Julia thân mến ạ, rồi tôi treo ngược nó lên cành cây tiêu huyền.
 - Đó, nó đang đứng trước mặt ông đó, Kishvardi ạ, ông cứ ngắm nhìn nó đi. Trong lúc tôi với ông nói chuyện, nó đứng đó không thèm chớp mắt. Những gì tôi với ông nói nãy giờ nó bỏ ngoài tai hết.
 Nhưng thằng bé đang đứng dưới gốc cây đoan với đôi mắt nhắm nghiền, và nghĩ: tội nghiệp bà ngoại Julia mệt mỏi lắm rồi. Trước đây giọng nói của bà mới dịu ngọt làm sao, còn bây giờ nó trở nên gắt gỏng. Có lẽ chỉ cần so sánh giọng của bà với giọng nói nhẹ nhàng và hiền từ của ông. Giờ chỉ cần bà đừng tống mình đi với ông cụ này, hình như là ông nội ấy, sao giống bố mình thế, mình sẽ không bao giờ làm cho bà bực mình nữa. Bà đã mệt mỏi lắm rồi. Chỉ cần bà đừng tống cổ mình đi…
- Nó là một đứa trẻ mồ côi, bà Julia thân mến ạ. Nó cần cả tình thương lẫn roi vọt.
- Trẻ mồ côi mỗi đứa một tính, ông Kishvardi ạ, và nếu tình thương không dạy nổi nó, thì lúc ấy ông làm gì?
- Đúng thế không, thằng nhóc? Được, nếu nó không cần tình thương, tôi sẽ đưa nó về Guria, treo ngược chân nó lên cây tiêu huyền. Vậy khi nào tôi có thể đưa nó đi được, bà Julia thân mến?
- Đó nó đang đứng trước mặt ông đó, Kishvardi, vậy ông muốn đưa nó đi lúc nào thì đi. Nó chẳng mất nhiều thì giờ sửa soạn gì đâu, tôi xin nói với ông thế.
- Nhưng bà Julia, làm sao tôi có thể đưa nó đi mà chẳng có một thứ gì thế này?
- Năm ngoái tôi đưa nó từ Ovchal về cũng chẳng có một thứ gì, ông bảo tôi lấy đâu ra quần áo đẹp cho nó bây giờ?”
- Thôi được rồi, được rồi. Chà có vẻ như tôi có khối chuyện phải làm với nó đây.
- Mời ông ăn tạm chút gì trước khi lên đường…
- Không, cám ơn bà. Đến Samtredia gần nhà chúng tôi ăn uống qua loa cũng được.
- Vậy Chúa phù hộ cho ông lên đường bình an, và cầu Thánh George che chở cho ông.
- Và Chúa không lấy đi niềm hy vọng của bà.
- Ông nên cầm theo cả cái này.
- Cái gì thế, bà Julia?
- Học bạ của nó. Có lẽ tháng Chín này nó sẽ vào học ở trường chỗ ông. Lúc đó nó sẽ cần đến. Trong này người ta bảo nó được lên lớp bốn, nhưng người ta lại viết sai tên của nó. Đáng lẽ là Nodari, thì họ viết là Nadiri [tiếng Georgia, có nghĩa là kẻ mọi rợ], nhưng nếu ông hỏi tôi thì cái tên ấy là đúng với nó đấy.
- Đúng vậy không, thằng nhóc? Được, nếu thế thì, tôi sẽ đưa nó về Guria, treo ngược chân nó lên cây tiêu huyền.
- Treo chân hay tay nó lên đâu mặc ông, miễn là từ nay tôi không phải nghe thấy tên nó nữa.
- Tôi treo ngược chân nó lên, bà Julia thân mến ạ, tôi sẽ treo ngược chân nó lên.
- May ra Chúa nghe ông và làm cho nó tỉnh ra.
- Và nếu Chúa không nghe tôi, tôi sẽ bẻ gẫy cả chân với tay nó đi, để đến đá cũng phải khóc vì thương xót!
- Tạm biệt ông, batono Kishvardi.
- Chúc bà bình an, bà Julia thân mến.
* * *
Cuộc thỏa thuận này đạt được vào lúc giữa trưa một ngày thu 1938, tại làng Khoni, giữa bà ngoại của Nodari Lomdjaria, (tức là bà Julia Mikeladze, mẹ của mẹ nó) người vùng Imeretia, và ông nội nó từ Guria đến (tức là ông Kishvardi Lomdjaria, bố của bố nó). Một giờ sau đó, thằng Nodari Lomdjaria, sinh ngày 14 tháng sáu 1928, ở Tbilisi, con của một viên thư ký, thất thểu bước theo sau ông nó, như một con bê con bị người ta dắt đi bằng một sợi dây thừng, còn ông già thì ủ rũ lê bước nặng nề trên con đường đầy cát bụi dưới cái nắng như thiêu như đốt.
Ông già và thằng bé đi nhờ xe tải từ Khoni đến Kulashi. Rồi họ đi từ đó đến Samtredia trên một chiếc xe ngựa. Hai ông cháu không ăn qua quéo ở Samtredia, mà lên một chiếc xe tải của nhà máy chè, chạy thẳng về Chokhatauri, từ đó cuốc bộ về nhà theo con đường Intabueti.
Ông già đi trước thằng bé theo sau. Ông già không được khỏe lắm, ông rên khe khẽ. Nhưng bất cứ khi nào trông thấy có người đến gần, thì ông lập tức ngừng rên và chào hỏi thật thân thiện. Rồi ông chờ cho người ấy đi khá xa, và chắc chắn con đường phía trước không một bóng người, ông mới lại tiếp tục rên khe khẽ. Đôi khi ông liếc lại thằng bé theo cái cách một con lừa cái già nua âu yếm nhìn con lừa non tụt lại đằng sau để xem nó có tung tăng chạy theo không, rồi mới tiếp tục vừa đi vừa rên như cũ. Đó là tất cả những gì xảy ra giữa ông và cháu. Trong suốt quãng đường, hai ông cháu chẳng ai nói với ai một lời.
Thằng bé bước đi sau ông già và nghĩ: Ông già ốm yếu này đang bước đi trước mặt mình với chiếc mũ phớt màu nâu trùm xuống tận mắt, ông ấy hứa treo ngược chân mình lên cành cây tiêu huyền và bẻ gãy tay chân mình ngay khi về đến nhà hóa ra là ông nội, bố của bố mình. Có một sức mạnh huyền bí nào đó đẩy vào lưng mình và bắt mình phải chạy theo ông cụ này giống như một người nô lệ bị cắt tai. Cái gì ngăn không cho mình chạy đi hướng khác? Dù sao, con đường cũng mở ra mọi nẻo trên mặt đất! Nhưng cái sức mạnh huyền bí này không cho mình chạy trốn; có cái gì đó giữ chân mình. Vì lý do gì mà mình, mệt phờ người dưới nắng, đôi bàn chân đau nhức vì phải đi đôi dép mòn vẹt, cứ phải lẽo đẽo đi theo ông già này? Cái gì làm cho mình đi theo ông sau khi bà ngoại tống khứ mình đi cho thật nhanh, không để cho mình kịp từ giã mấy đứa em con cậu? Cái sức mạnh ấy là gì, tên nó là gì?
Đó là những gì thằng bé nghĩ khi nó bước đi sau ông nó trên con đường đến Intabueti. Và những ý nghĩ ấy làm nó nhức đầu.
- Mày đang nghĩ gì đấy, thằng cu? - Ông già bỗng nhiên quay sang thằng cháu.
- Không nghĩ gì cả.- Thằng bé giật mình thốt lên. Đây là câu hỏi cuối cùng mà nó chờ đợi để nghe.
Hoàn toàn kiệt sức, ông già gục xuống bên vệ đường. Khi ông đã hơi lấy lại được hơi sức, và làm cho trái tim nhẹ bớt bằng cách rên lên, ông liếc nhìn thằng cháu lúc này đã ngồi xuống một tảng đá hơi xa một chút. Lúc đầu ông già chỉ lặng lẽ nhin thằng bé, rồi ông bắt đầu đếm từ hai mươi tám trở đi: 28, 29, 30, 31… ông gập từng ngón tay lại để đếm. Ông dừng lại ở ba mươi tám, ngắm nhìn ngón tay gập xuống, nói:
- Cháu đẻ năm hăm tám, cu ạ, năm nay là băm tám, thế nghĩa là cháu sắp được mười một tuổi. Thật không hay tí nào khi một người đàn ông vào tuổi của cháu mà còn chưa biết nghĩ ngợi gì. Hay là cháu có nghĩ điều gì đó mà lại giấu nó đi?
- Không ông ạ. Cháu chẳng nghĩ ngợi gì sất.
Ông già lại im lặng.
- Bây giờ là lúc cháu bắt đầu nghĩ được rồi đấy, cu ạ. Đúng lúc đấy.
Ông nói và đứng dậy tiếp tục đi trên con đường về làng, vừa đi vừa rên như trước. Còn thằng bé lại lê bước theo sau, như con bê có sợi dây thừng buộc quanh cổ.
* * *
Thằng bé tóc tai bù xù da cháy nắng đứng dưới gốc cây đoan tựa người lên một chiếc cuốc như người lớn. Mệt nhoài sau một ngày làm lụng, nó ngán ngẩm nhìn xuống đôi chân trần lấm láp, và nghĩ: Mới có một năm trôi qua mà bà trông già đi nhiều quá, sao giọng nói của bà khô khan gắt gỏng và sao lưng bà còng đi và mặt nhăn nheo thế, tuy vậy trông bà rất giống mẹ mình - cũng mái tóc ấy, cũng giọng nói ấy, cũng dáng đi ấy - giống như người mẹ của mình, trẻ, đẹp như tượng với mái tóc quăn óng ả, với đôi mắt màu mật ong và giọng nói mềm mại ngân vang và nụ cười hiền dịu… Nếu mình nhắm chặt mắt lại, bà cụ già này chắc giống như mẹ mình. Nhưng lần này thằng bé không nhắm mắt lại, nó sợ phải làm thế.
- Ông Kishvardi, linh hồn người mẹ bất hạnh của thằng bé đã bắt đầu ám ảnh tôi, nó không cho tôi yên ngày cũng như đêm, dù sao chăng nữa, làm sao ta có thể lẩn trốn khỏi lương tâm và trái tim ta, hở ông? Tôi không thể nào sống thiếu nó, tôi mang cả một tảng đá trong lòng từ khi ông dẫn nó đi. Xin ông trả thằng bé lại cho tôi, ông Kishvardi…
- Khi tôi dẫn nó đi thì nó còn là một thằng bé, bà Julia thân mến ạ, nhưng bây giờ nó là một người đàn ông rồi. Nó đây này, nó có thể đi với bà nếu nó muốn. Tôi sẽ không cản nó…
- Nó oán tôi, ông ạ. Bây giờ chỉ có một người thông minh hiểu biết như ông mới làm cho nó thiện cảm với tôi.
- Bà đã có hai đứa con của Kolya ở nhà rồi, bà để thằng bé này cho tôi!
- Bây giờ tôi nhận ra rằng không có thước nào đo nổi tình thương của chúng ta với đàn cháu, cho dù chúng ta có một trăm đứa!
- Bà hoàn toàn đúng, bà Julia thân mến ạ, bà không thể đo tình thương các cháu bằng số lượng của chúng, nhưng bà không thể hiểu rằng khi tôi chết đi nó sẽ là đứa cháu duy nhất nối dõi dòng họ Lomdjaria hay sao?
- Không phải là tôi sẽ đổi họ thằng bé đi. Nếu ông muốn tôi sẽ đăng ký cả hai đứa kia theo họ của ông, chỉ cần bây giờ ông cho tôi xin thằng bé này.
- Bà muốn lấy đi đứa bé của tôi và cho tôi những đứa của bà ư, Julia thân mến?
- Đừng để tôi phải rời khỏi cuộc đời này với tội lỗi trong linh hồn, Kishvardi. Làm sao tôi dám đối mặt mẹ nó ở thế giới bên kia?
- Bà với tôi cùng thi nhau trong cuộc chạy đua này, Julia thân mến ạ, và không ai biết ai trong chúng ta sẽ đến đó trước. Nhưng nếu tôi chết trước bà, làm thế nào tôi đối diện với mẹ nó hay bố nó?
- Chúa tha cho tôi khỏi phải nghe cái tin ông chết, ông Kishvardi thân mến!
- Nó là cánh đồng của tôi, cối xay của tôi, xưởng máy của tôi. Nó là vườn nho của tôi, là tay chân của tôi, mộ của tôi, bia của tôi. Tôi không để bà đưa nó đi đâu, thà bà giết chết tôi đi còn hơn.
- Tôi sẽ chết trước mặt ông đây, Kishvardi!
- Bình tĩnh nào, bà thân mến, bà nói cái gì lạ lùng thế. Cháu có đi với bà ấy không, cu?
- Nó ngại ông đấy, nếu không nó đã…
- Phải vậy không, thằng nhóc?
- Nó cần tình cảm dịu dàng âu yếm của một người mẹ, Kishvardi ạ. Nó cần được chăm sóc, được vuốt ve, được tắm rửa, được có người kỳ lưng cho nó, chải tóc cho nó... Ông không thể thay thế được mẹ nó, ông Kishvardi thân mến ạ.
- Từ trước đến giờ tôi vẫn cố gắng chăm sóc nó, Julia thân mến, và chưa lần nào tôi phải gọi bà đến để giúp tôi làm việc đó.
- Đúng rồi, nhưng chân nó cần được rửa trước khi lên giường đi ngủ, và nó cần có một người để mắt đến nó khi nó học ở trường.
- Nhà trường ở đây không phàn nàn gì về nó, Julia ạ. Trường ở chỗ bà đã cho nó một cái tên là thằng mất dạy, và lúc ấy bà đã không ngần ngại gì tuyên bố rằng cái tên ấy hợp với nó. Chỉ có điều là cái ấy đã không được chứng minh là đúng…
- Lạy Chúa lòng lành, Kishvardi, sao Chúa không vặn lưỡi tôi đi khi tôi thốt ra những lời như thế…
- Bà Julia, bà tưởng rằng trong tay tôi nó đã trở thành thiên thần và đã bỏ hẳn cái thói xấu ăn trộm đào trong vườn nhà người ta rồi phải không?
- Cầu cho những cây nào mà quả của nó làm hại thằng bé thì héo khô đi.
- Nó cũng chưa thôi mang ngô đi...
- Tất cả cái gì của tôi là của nó, cho dù nó có đốt cả nhà đi thì cũng sẽ không có ai nói nó một lời nào!
- Nó vẫn chưa bỏ hút thuốc.
- Có đúng thế không, cháu?
- Sao bà lại hỏi nó, hỏi tôi đây này! Tôi vừa mới quay đi một giây là đã không còn mẩu thuốc nào trong gói.
- Nếu nó không bỏ được, thì cứ để cho nó hút, Kishvardi ạ. Dù sao, như chính ông đã nói, nó đã thành người lớn rồi mà.
- Bà cho tôi một tháng, bà Julia. Để tôi nhận được tiền lứa tằm này, tôi sẽ mua cho nó bộ quần áo mới. Bà không thể để nó thế này mà dẫn đi được, ăn mặc như thằng ăn mày.
- Nếu ông cho nó đi với tôi ngay bây giờ, tôi sẽ cởi ngay áo tôi ra để mặc cho nó!
- Cái gì? Áo của bà chắc hợp với nó lắm đấy! Cầu Chúa tránh cho tôi khỏi phải nhìn cái cảnh ấy.
- Ông xem, Kishvardi, ông lúc nào cũng đùa được, còn lòng tôi thì quặn đau về những chuyện sắp xảy đến với tôi, một người đàn bà bất hạnh như tôi.
- Tôi đã bảo bà rồi, Julia thân mến ạ. Nó không còn là một đứa trẻ con nữa. Nếu nó muốn đi với bà, tôi sẽ không ngăn nó đâu.
- Nó chỉ cần liếc nhìn là hiểu ý ông, và nó tôn sùng ông như thần tượng, Kishvardi ạ, và mỗi lời ông nói ra đối với nó như là mệnh lệnh phát ra từ Chúa Cứu thế, nên nếu ông bảo nó…
- Lạy trời, đừng, Julia mến thân. Làm sao tôi có thể bảo thằng cháu tôi bỏ tôi để đi với người khác?
- Tôi không phải là “người khác” đối với nó, Kishvardi ạ. Tôi cũng là máu mủ ruột rà với nó. Có lẽ tôi cũng chỉ còn sống thêm được một năm nữa thôi, đừng rút ngắn nó thêm nữa. Tôi quỳ xuống đây lạy ông đấy.
- Kìa, Julia, sao bà làm thế?
- Tôi hôn đất bụi dưới chân ông!
- Đứng dậy, Julia, bà làm cái gì thế này?
- Cầu Chúa phù hộ cho con người thánh thiện này!
- Có lẽ kẻ thù của bà đang vui mừng như tôi bây giờ đấy!
- Lạy Đức Mẹ rất thánh…
- Đi, con.
Cuộc nói chuyện giữa ông của thằng bé, người vùng Guria, và bà nó, người vùng Imeretia, diễn ra đúng một năm sau ngày câu chuyện này bắt đầu. Nhưng đây không phải là cuộc thỏa thuận lạnh lùng, mà là một cuộc tranh chấp não lòng, một trận chiến trong đó một dòng máu này giằng co với dòng máu kia. Khi thằng bé đứng nhìn, trái tim nó đập dồn dập, rồi một cục gì nghèn nghẹn dâng lên cổ họng nó. Rồi nó toát mồ hôi lạnh, lên cơn sốt và cảm thấy một nỗi đau đớn mà nó không biết gọi là gì. Một sức mạnh vô hình lúc thì lôi nó về phía bà, lúc thì đẩy nó về phía ông, như thể có một ai đang đẩy nó lúc về phía này lúc sang phía khác. Một cảm giác hoang mang lo sợ và không thể tả buộc nó câm lặng.
Bà nó đứng dậy, đi về phía nó và ôm ghì nó vào lòng.
- Cháu là thiên thần của bà, là mặt trời là ánh sáng của bà, là cục cưng của bà. Đi với bà, cháu ơi, để cho bà sống thêm vài ngày nữa!
Bà khóc, những giọt nước mắt nóng hổi nhỏ xuống đầu thằng bé. Sau khi khóc cho vợi bớt nỗi lòng, bà già dịu dàng dắt tay thằng cháu đi theo bà, nhưng thằng bé cứ đứng bất động, như một cái cọc sắt đóng chặt xuống đất, như một cái cây đã ăn rễ sâu xuống đấy.
- Đi đi, con, đi đi, thằng nhóc, đi với bà mày đi, và khi trái tim bà ấy đã no nê, chán chê tình thương rồi thì về đây với ông. Trong lúc ấy tao sẽ nhớ mày, sẽ ngóng dài cổ chờ mày quay trở lại, và sự thể có lẽ sẽ là thế. Cháu mong chờ điều gì? Cháu tưởng rằng làm cháu là dễ lắm sao? Khó đấy, nhóc ạ. Làm cháu khó lắm, nhất là lại làm cháu của hai linh hồn già cô đơn đau khổ như bà cháu với ông đây. Đi đi, con. Những rìu, cuốc, máy ép nho, rổ, với bò, dê, lợn... của mày không mất đi đâu cả đâu. Hãy nhớ rằng chúng nó đang đợi cháu đấy.
Thằng bé đứng sững sờ: cái rìu của nó nằm ở một góc nào đó trong sân, cái máy ép ở góc khác, rổ nho ở góc thứ ba, cái cuốc ở chỗ thứ tư. Con bò cái buộc ở một góc, con dê ở góc khác, con bê ở góc thứ ba, con lợn ở góc thứ tư. Vậy làm sao mà ông nó chỉ liếc mắt một cái mà nhìn thấy tất cả và chỉ ra đúng hướng của tất cả các đồ vật và con vật mà không phải quay đầu nhìn xung quanh?
- Đây là cái cặp và sách của cháu: văn học Georgia này, lịch sử này, rồi còn cái gì đây nữa? Chỉ có thế thôi. Đây đôi dép của cháu này, áo sơ mi này, quần thì cháu đang mặc trên người rồi. Tốt nhất cháu hãy đi chân đất đến Samtredia nếu không đế dép bong ra mất. Đeo nó lên vai thế này này. Thôi, đi đi…
Kishvardi Lomdjaria nhận thấy thằng cháu của ông lúc này là một cái cọc sắt, một cái cây đã đâm rễ sâu trong đất đến nỗi những câu chuyện tầm phào, hiền lành và hài hước mà ông nói nãy giờ không nhổ nổi nó lên. Phải có một cái gì mạnh hơn là những lời nói ân cần mới làm nó nhúc nhích, nhưng đó là cái gì?
Kishvardi Lomdjaria còn nhận thấy thằng cháu của ông lúc này đang đứng giữa một cái vòng, hai dòng máu đang lôi kéo nó lúc về bên này lúc về bên kia, chắc chắn cuối cùng bên nào mạnh hơn sẽ thắng. Nhưng bên nào mạnh hơn? Bởi vậy không muốn đứng đợi xem kết quả của cuộc giằng co, thì một trong hai bên - ông hay bà nó - phải làm cái gì đó. Và Kishvardi Lomdjaria lại một lần nữa hành động quả quyết hơn bà thằng bé.
- Đi thôi, con. Tao chán ngấy phải lải nhải mãi với mày rồi.
Thằng bé liếc nhìn sợ hãi về phía ông nó.
- Đi luôn và đừng ngoái cổ lại.- Ông nói và quay người bước vào trong nhà.
 Thằng bé vừa cảm thấy giận ông nó, nó lập tức thấy thương cho bà nó. Nước mắt ứa ra trong mắt, cằm nó run run, nó cúi đầu bước đi như con bê con được dắt bằng một sợi thừng dài buộc quanh cổ. Nó bước đi trong ánh sáng mờ mờ lung linh của một ngày tháng tám nóng bức, trên con đường Chokhatauri đầy bụi, đằng sau bà cụ già mỏi mệt, lưng còng, da mặt nhăn nheo khủng khiếp và trên mình mặc bộ đồ đen rách rưới tả tơi .
* * *
Kishvardi Lomdjaria ngồi bên bếp lò chờ cho nước nóng lên trong chiếc ấm đồng treo trên ngọn lửa. Ông đăm đăm nhìn ngọn lửa và nghĩ, những ý nghĩ về ngọn lửa thiêng này mới dai dẳng làm sao. Khi ông nghĩ điều này, ông cũng cố cách nào đó thoát khỏi những ý nghĩ của chính mình. Nhưng làm sao con người có thể thoát khỏi những ý nghĩ của chính mình. Dù sao con người đâu phải là Chúa. Mình không nên để thằng bé đi, nhưng mình không chịu nổi nhìn bà già đau khổ. Bây giờ mình lại rơi vào tình cảnh của bà ấy. Đúng một tuần nữa mình sẽ sang quỳ dưới chân bà ấy, cầu xin bà ấy cho mình đưa thằng bé về, và nếu bà ấy không thuận lòng, mình sẽ bắt nó đi và nói: “Trả lại tôi hòn máu của tôi đây, bà già. Ngoài Chúa ra ai có quyền dứt nó ra khỏi tôi”. Rồi bà ấy cũng nói với mình như thế, rằng mình không phải là Chúa, mình là con người, sao mình có thể lấy đi thằng cháu của bà, nó thuộc về bà cũng đúng như nó thuộc về mình. Trời, ước gì mình là Chúa... Là một con người khó lắm, rất khó, khó hơn là Chúa nhiều. Lạy Giêxu Đấng Cứu chuộc, Người cũng tin như vậy mà. Làm một con người bình thường có sinh có tử trên trần gian này khó lắm, vô cùng khó.
Trong vòng một tuần nữa mình sẽ sang quỳ dưới chân bà ấy, nhưng mình làm thế nào cho qua hết một tuần. Ngày kia mình sẽ đi, không, ngày mai… Mình sẽ dậy trước khi trời sáng. Cầu Chúa cho đêm chóng qua, ngày chóng tới..
Kishvardi Lomdjaria ngồi bên bếp lò chờ cho nước nóng lên trong chiếc ấm đồng và nghĩ về điều đó thì cửa mở ra, thằng bé chạy vào trong phòng với đôi dép đeo trên vai.
- Ôi Chúa cao cả thiêng liêng!
- Cháu đã về đây rồi ông ơi.
- Ông biết cháu sẽ về mà.- Ông cụ nói. Rồi Kishvardi lấy ấm nước nóng xuống khỏi bếp lửa, tự tay mình ông rửa đôi chân mỏi nhừ của thằng cháu. Ông để nó ngủ trên ghế sofa còn mình vào ngủ trong căn buồng nhỏ.
Nửa đêm ông già nghe tiếng thằng cháu:
- Ông ơi, cháu vào ngủ với ông được không?
- Được, nhóc ạ.- Ông già trả lời.
Thằng bé chui vào, trườn lên giường và nằm áp sát vào lưng ông nó.
- Sao người ông lạnh thế không biết.- Nó nghĩ.
- Sao người thằng ranh con ấm thế không biết.- ông già nghĩ. Và sau một hồi ông hỏi cháu.- Cháu có biết cái gì đưa cháu trở lại đây không, cu?
- Không.- Thằng bé trả lời.
- Vậy ông nói cho cháu biết, đó là dòng máu trong người cháu, nhóc ạ, đã đưa cháu trở lại đây. Một dòng máu có thể làm nên điều kỳ diệu.
Đêm đó cả ông và cháu không nói hay nghĩ thêm điều gì khác nữa, và cả hai ông cháu ngủ ngon lành.
Chỉ có dòng máu trong người ông và cháu nói và nghĩ, nhưng nó nói và nghĩ gì đố ai biết được.
---------------
N. Dumbadze là một trong số tác gia Xô Viết tôi yêu thích. Tác phẩm “Quy luật của muôn đời” của ông tôi đọc từ năm 1986 đến nay không biết bao nhiều lần mà không thấy chán. Đã nhiều lần định type đưa lên mạng mà bệnh “gan” nặng quá nên vẫn chỉ là ý định!

2 nhận xét:

  1. Chờ đọc Quy luật của muôn đời.
    Chờ một ngày đẹp hay xấu trời, lạnh hay nóng gặp bố con Đốm không ba bị( ai đời gọi con thế)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ra Giêng tôi cố gắng type và đưa "Quy luật..." lên. Cô Đốm nhà tôi cô ấy ba bị thật mà. Nick này chính xác lắm đấy. Rất vui nếu một ngày nào đó được gặp bạn Ong.

      Xóa