Chương Mười lăm
Tôi ưa thích công việc - Phương pháp làm việc của tay và
lưỡi - Những bước đầu trong môn bơi thuyền - Đi bè - Tay
mơ - Nhấm cái bè - Kinh nghiệm đầy mình trong môn thể thao thuyền buồm.
Sáng hôm sau ba tên dậy muộn. Chúng tôi quan tâm đến tình
trạng xấu bụng của Hari nên ăn sáng rất khiêm tốn (quyết không để chút gì
thừa!). Sau đó rửa bát, thu dọn đồ đạc (thật là những công việc quỉ tha ma bắt,
nó giải đáp cho tôi được phần nào cho câu hỏi, không hiểu các bà phù nù chẳng
phải làm công ăn lương chi hết, mà cứ ra vẻ bận bịu suốt ngày là cớ làm sao!).
Đến mười giờ thì cả thuyền đã tụ hội đủ quyết tâm để bắt đầu
một ngày dài cày kéo trên dòng sông. Để đa dạng hóa cuộc viễn du, sáng hôm đó
chúng tôi không kéo thuyền bằng dây chão mà đi bằng chèo. Hari cho rằng muốn
phân phối sức lực một cách hợp lý nhất thì tôi và Jord sẽ chèo còn hắn ngồi ở
đằng lái.
Tôi không khoái chút nào với ý kiến đó, vì luôn luôn thấy
rằng trong cuộc du ngoạn này suất lao động của tôi bao giờ cũng là suất của sư
tử, trong khi của bọn chúng chỉ là suất của chuột nhắt, nên phát biểu rằng giá
Hari nói hắn và Jord chèo và để tôi ngồi đằng lái, thì tầm vóc của hắn chí ít
cũng cao thêm một bậc.
Tôi luôn luôn có cảm giác rằng mình phải làm việc nhiều hơn
định lượng. Điều đó không có nghĩa là tôi ngại lao động, có Chúa chứng giám!
Tôi cực yêu lao động. Công việc luôn làm tôi quan tâm, tôi có khả năng ngồi xem
người ta làm việc hàng giờ liền và phải rời xa lao động là ý nghĩ kinh khủng
nhất trên đời.
Tuy nhiên chúng không thể chất liều lượng quá tải lên người
tôi. Khi có nhiều công việc, thì việc tuyển chọn chúng làm cho tôi rất hăng
say. Ở phòng làm việc của tôi các tác phẩm lèn chặt đến mức không còn một phân
vuông nào trống, thế nên tôi đành phải làm thêm một chái hồi để lưu giữ. Đồng
thời tôi có thái độ rất cẩn trọng đối với công việc, có những thứ tôi cẩn thận
để ra một nơi, hàng vài năm liền không đụng một ngón tay vào nhưng tôi tự hào
với tác phẩm của mình, đôi khi lại chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia và chùi bụi.
Không ai có thể bảo trọng tác phẩm của họ hơn tôi.
Mặc dù thích thú với công việc như vậy, tôi vẫn cứ coi trọng
lẽ công bằng hơn tất cả, không đòi hỏi phần của mình nhiều hơn ai bao giờ.
Nhưng có điều lạ thế này: tôi để ý thấy rằng thành viên của bất cứ con thuyền
nào cũng thường thấy mình phải làm việc nhiều hơn kẻ khác, Hari tin chắc rằng
chỉ có mình hắn lao động còn tôi và Jord là những tên dựa dẫm, Jord cho rằng
Hari không có khả năng làm việc gì, ngoại trừ hai môn ăn và ngủ vậy nên mọi
việc khổ sai là do hắn cáng đáng, hắn bảo chưa bao giờ phải đi thuyền với những
tên hậu đậu và lẩn việc như tôi và Hari.
Nhưng cuối cùng ba tên cũng đi đến thống nhất trong việc
Jord và Hari sẽ chèo thuyền tớỉ Re-din-gơ, sau đó đến lượt tôi kéo thuyền bằng
dây chão. Tôi cho rằng việc chúng hài lòng chèo một con thuyền nặng ngược dòng
nước xiết rất là đáng ngờ. Đã qua rồi cái thời tôi hăng hái nhận những công
việc nặng, giờ tôi cho rằng nghĩa vụ của mình là khẩn trương nhường đường cho
lớp trẻ.
Tôi để ý thấy rằng hầu như những “tay chèo thượng thặng”
kinh nghiệm đầy mình, chợt tự mờ nhạt đi rất nhanh khi có công chuyện cần người
đứng mũi chịu sào. Các ngài chỉ hay thấy những tay chèo thượng thặng này lên
tiếng khi anh ta đang kê đầu lên gối bông, gác chân thoải mái trong khoang,
hăng hái động viên bọn trẻ chèo cật lực để đạt được kì tích mà anh ta đã từng
thực hiện mùa hè năm ngoái, năm xưa.
- Thế mà các cậu đã gọi là chèo thuyền đấy à? - Hắn dài
giọng, khoan khoái thả một cuộn khói vắt vẻo qua dọc tẩu, khi nói vọng ra chỗ
hai tên chíp hôi đã gò lưng chèo con thuyền một cách cần mẫn hơn nửa giờ đồng
hồ. - Năm ngoái tớ cùng Jim Bi-ly và Jack chèo nửa ngày không nghỉ chút nào,
đưa con thuyền từ Ma-rơ-lo một lèo tới tận Go-rin-gu. Cậu còn nhớ không Jack?
Anh chàng tên là Jack chiếm chiếc giường thoải mái đằng mũi
thuyền đã ngủ như chết từ hai tiếng trước, lúc này hé ra một mắt và lập tức nhớ
lại, bổ xung thêm rằng hôm đó chèo vừa ngược nước vừa ngược gió ra gió.
Sau khi truyền đạt kinh nghiệm và những câu khích lệ quí giá
như trên, cả hai tay chèo sừng sỏ lại tiếp tục ngủ, để cho hai chíp hôi sung
sướng được các đàn anh tin cậy giao phó tay chèo, tiếp tục công việc một cách
cần mẫn.
Khi tôi còn trẻ đã không ít lần được các tay chèo đàn anh
khích lệ tương tự như vậy, đã phổng mũi chèo thuyền bán sống bán chết và còn
dỏng tai đòi nghe thêm những trước tác khác nữa.
Tuy nhiên bọn nhãi bây giờ khôn như rận, mùa hè năm ngoái
Hari, Jord và tôi có đưa một tay thanh niên đi cùng, chúng tôi truyền cho hắn
vô khối kinh nghiệm và kể lại bao nhiêu chiến công, hắn lắng nghe rất khiêm tốn
nhưng khi bảo ngồi vào cạnh tay chèo thì hắn muốn được tận mắt nhìn thấy các
đàn anh chèo trước, thậm chí hắn còn để chiếc đồng hồ quả quít lên đầu gối để
theo dõi kì tích dẻo dai của bọn tôi!
Kết thúc xong việc phân công chèo kéo, ngồi trên thuyền bọn
tôi hồi tưởng lại những cuộc phiêu lưu đã qua, tên nào cũng nhớ đến bước đi đầu
tiên của mình trong lĩnh vực chèo thuyền thể thao. Về phần mình, tôi làm quen
lần đầu với một con thuyền là ở hồ nước trong công viên Ri-zen-to, bọn tôi năm
tên cóp nhặt mỗi đứa ba xu để thuê một cái chậu to, hình dáng kì cục cho một
tên ngồi vào đó giữ quần áo, những đứa còn lại vừa bơi vừa đẩy “tuần dương hạm”
vượt hồ vào khu vực biểu diễn xiếc, nhờ thế mà cả bọn có quần áo khô ráo lẻn
vào xem biểu diễn miễn phí.
Sau lần đó tôi bị sông nước hấp dẫn, không ít lần bơi trên
bè mảng do chính tay tôi tạo ra bằng những tấm ván của một nhà máy cưa ở ven hồ
thị trấn, những cuộc bơi rất khoái trí với bao nhiêu căng thẳng hồi hộp, đặc
biệt là khi đang lênh đênh ở giữa hồ, mà ông chủ của những tấm ván đột nhiên
xuất hiện ở trên bờ với cây gậy tổ bố trong tay.
Trong trường hợp đó mong muốn của bạn sẽ là tránh được chiếc
gậy càng xa càng tốt, không gì hay hơn là giả vờ không thấy ông ta và mau chóng
cặp bờ đối diện để đánh bài tẩu mã cho nhanh.
Sau gần ba tháng hè luyện tập trên bè mảng gỗ, trở thành thợ
to trong lĩnh vực điều khiển những miếng nổi có hình dạng bất kì, tôi quyết
định chuyển sang bơi thuyền thực thụ và gia nhập một trong những câu lạc bộ bơi
thuyền trên sông Li.
Bơi trên con sông Li, đều đặn nhất là các buổi chiều thứ
bảy, chẳng bao lâu bọn tôi đã biết sử dụng bơi chèo một cách khéo léo, biết
tránh các ngọn sóng do tầu kéo gây nên, biết nằm ép bụng nhanh như loài gián
xuống đáy thuyền để thừng chão của các phương tiện thủy vãng lai không gạt
ngang người, nhất là do những thằng cha vui tính, chỉ thích cho bọn tôi có cơ
hội lật úp thuyền và tham gia cuộc tuyển chọn điếu đóm viên cho Hà Bá.
Tuy nhiên phong cách thì không thể có được qua những cuộc
luyện tập trên, phong cách phải qua khổ luyện trên sông Thêm. Bây giờ bọn chúng
đứa nào cũng lác mắt khi tôi biểu diễn phong cách hiếm thấy của mình.
Trước tuổi mười sáu Jord không hề lai vãng ra bờ sông, rồi
một buổi chiều thứ bảy hắn cùng tám đứa anh em họ nữa kéo nhau ra sông với
quyết định thuê thuyền bơi đến Rich-mond rồi quay về. Một tay tóc xoăn trong
bọn chúng, tên là Giooc-kin, đã vài ba lần đi chơi trên thuyền cả quyết rằng
bơi thuyền sướng không tả được.
Khi cả bọn kéo nhau tới bến thuyền, thấy rằng nước sông chẩy
khá xiết lại còn có gió ngang nhưng chúng chẳng chút nề hà, xúm lại chọn
thuyền. Tại bến lúc đó có chiếc thuyền đua tám tay chèo. “Cái này, chọn cái
này!” - cả lũ tranh nhau phát biểu. Hôm đó chủ thuyền ở nhà, thằng nhỏ con ông
ta trực ở bến cố làm nguội cơn bốc đồng của đám thanh niên hoi nên khuyên bọn
chúng chọn chiếc du thuyền xinh xẻo giành cho gia đình đi chơi, nhưng các vị
quái khách này không thay đổi quan điểm, chúng thấy cưỡi thuyền đua oách hơn
nhiều!
Đám anh em Jord cho con thuyền đua tám mái chèo xuống nước,
rối rít cởi áo khoác và tranh nhau chỗ. Thằng nhỏ nhà thuyền khuyên bọn chúng
bố trí Giooc-kin ở vị trí số bốn, vì thằng cha này trông to khỏe như một con hà
mã sinh thiếu tháng, nhưng Jord khoái vị trí này nên nhất định không chịu
nhường, chúng xoay xở một lúc rồi cuối cùng cũng đã ngồi yên chỗ. Một tên còm
nhom ngồi ở vị trí lái được Giooc-kin chỉ dẫn dăm câu ba điều cơ bản còn bản
thân Giooc-kin ngồi ở vị trí chèo mẫu, hắn bảo những đứa khác không có gì phải
lo, cứ i xì làm theo động tác của hắn là ổn.
Chúng ra hiệu mọi việc đã xong nên thằng bé nhà thuyền lấy
câu liêm đẩy con thuyền rời khỏi bến.
Jord không thể nào miêu tả lại những gì đã đột ngột xảy ra
sau đó, chỉ lơ mơ nhớ được rằng con thuyền đua vừa rời khỏi bến thì đầu bơi
chèo của tay số năm đã thúc đánh hự vào mạng sườn hắn, ngay trong giây đó ghế
ngồi của hắn bật lên và hắn đổ phịch xuống đáy thuyền, tuy nhiên hắn còn kịp
thấy là tên số hai cũng đang chổng vó lên trời!
Con thuyền nằm ngang trôi qua bên dưới chiếc cầu với tốc độ
khoảng tám dặm một giờ, chỉ có mỗi mình tay chèo Giooc-kin loay hoay xoay xở.
Jord cố ngồi lên ghế, tính hỗ trợ cho Giooc-kin nhưng chưa kịp thọc mái chèo
xuống nước thì hắn đần mặt ra kinh ngạc khi thấy nó chuội như lươn xuống sông,
tí nữa lôi cả hắn theo. Đến thời điểm đó “tay cầm lái vĩ đại” đánh tụt đâu mất
cả hai chạc tay lái và bưng mặt khóc hu hu.
Bằng cách nào con thuyền quay về được bến thì Jord không nhớ
nữa, chỉ biết là mất khoảng bốn mươi phút gì đó. Bên trên cầu là cả một đám đông
cười đùa nhộn nhạo, họ gào hét, đưa ra những chỉ dẫn trái ngược nhau. Ba lần
con thuyền chui ngược được ra ngoài vòm cầu rồi ba lần lại bị nước đẩy vào, mỗi
lần như vậy “tay lái vĩ đại” lại ôm đầu khóc rống lên. Jord nói rằng ngày hôm
ấy đã khiến hắn nghĩ không bao giờ có thể say mê được môn thể thao quỉ tha ma
bắt này!
Hari quen với biển hơn sông. Hắn khẳng định là rất coi trọng
môn thể thao chèo thuyền trên biển. Tôi thì không, mới mùa hè năm ngoái tôi có
thuê một chiếc thuyền nhỏ, vì ngày xưa đã có lần bơi ở biển nên nghĩ là sẽ
không tự bôi bùn vào mặt, nhưng té ra tôi đã quên mất cách sử dụng hai mái chèo
đồng thời: khi một chiếc ngoáy vào nước chiếc kia tự dưng cứ vẽ một đường cong
khá bay bướm ở trên không khí.
Tôi chỉ có thể chèo cả hai mái chèo ở tư thế đứng mà thôi.
Trên bờ biển lúc đó lại đầy những trai thanh gái lịch thế mà tôi phải diễu qua
trước mặt họ trong tư thế chẳng nghệ tí nào, vậy nên cố chèo được nửa đoạn
đường rồi đành phải cập bờ, nhờ một bố già lão luyện sông nước đưa tôi và con
thuyền về với bến xưa!
Thật thú vị khi theo dõi một lão ông chèo thuyền - đặc biệt
khi thuê chèo theo giờ - một vẻ bình tĩnh hòa hoãn đáng kinh ngạc trong mỗi
chuyển động của ông ta! Không mảy may vội vàng, nôn nóng, không hùng hổ khát
khao lao về phía trước, như bất kì sinh vật hai chân nào được sinh ra trong thế
kỉ tân tiến này. Chẳng bao giờ ông ta rầu lòng vì có ai đó vượt qua thuyền mình
(mà hầu hết đều vượt qua nếu đi cùng hướng). Thật là một minh họa tuyệt vời cho
câu thành ngữ: “Người thong thả đi được xa”.
Jord nói rằng hắn đôi khi thích đa dạng hóa các hoạt động bằng
việc chèo chống thuyền đáy bằng. Việc đó không nhẹ nhàng như người ta tưởng.
Luyện để điều khiển thành thạo chiếc thuyền đáy bằng với một cây sào không khó
bằng việc học sử dụng mái chèo, nhưng để không bị biến thành trò cười của thiên
hạ cũng tốn cơm, hại xì dầu ra phết.
Một anh bạn tôi, hồi còn trẻ đã bị nếm quả đắng trong lần
đầu tiên chơi nghịch con thuyền đáy bằng. Những thước đầu tiên con thuyền nghe
theo sự điều khiển khá tốt, anh chàng trở nên bạo dạn nên hứng chí vừa chống
thuyền vừa đi tiến lui từ đầu nọ đến đầu kia với những bước nhún nhẩy như vũ
điệu măm-bô. Hắn tiến đến mũi thuyền, chọc cây sào xuống nước rồi vừa đẩy vừa
chạy dọc mạn thuyền như một tay sào chính cống. Ai trông thấy cũng phải lác
mắt!
Thiên hạ chắc sẽ phải đi chữa mắt lác hết lượt, nhưng thật
may, do hắn ta mải ngoái nhìn lên bờ xem ấn tượng gây ra với mọi người như thế
nào, nên đã bước thừa một bước so với kích thước con thuyền, nên thuyền đi còn
người với cây sào thì ở lại! Ngưòi hùng bíu lấy đầu cây sào đang mắc cứng trong
bùn dẻo trong khi thuyền của hắn thản nhiên trôi theo dòng chảy. Dù vui tính
đến đâu cũng không thể nói rằng tư thế của hắn ta lúc đó trông rất được, và
ngay lập tức một ông lỏi hết sức mất dạy đã chạy ra hô hoán đồng bọn:
- Chúng bay ơi, lại đây. Có con khỉ đang leo sào đây này!
Tôi không thể ứng cứu gì cho hắn vì thật chẳng may đã quên
không mang theo cây sào dự trữ. Chỉ có thể ngồi yên nhìn người hùng lúc sa cơ,
thấy rằng vẻ mặt của hắn lúc sắp rơi tõm xuống nước còn thống thiết hơn tội
nhân trên giá treo cổ. Tôi nhìn cảnh hắn ướt như chuột và lấm bùn be bét lập
cập leo lên bờ, khốn khổ và hài hước đến mức không sao nhịn nổi phải cười phá
lên. Tôi cứ hi hi ha ha mãi cho đến lúc chợt thấy rằng tình thế chẳng có gì
đáng cười: tôi đang ngồi trên thuyền một mình, không có sào, còn con thuyền
đang trôi một cách thích thú về hướng thác nước của đập tràn sập xuống, không
cách gì có thể ngăn trở ý định này của nó.
Lúc này tôi bắt đầu nổi quạu với việc thằng bạn vênh vang tự
nhiên bước tõm xuống sông để mặc tôi một mình tùy nghi sống chết. Giá nó bước
ra mà để lại cây sào có hơn không?
Dòng nước đẩy con thuyền đi khoảng một phần tư dặm rồi tôi
nhìn thấy một chiếc lán gỗ của những người đánh cá đang neo ở giữa sông, trong
đó có hai ngư dân luống tuổi. Họ thấy tôi trôi thẳng vào lán nên gọi to để tôi
tránh ngôi nhà của họ.
- Tôi không làm gì được đâu! - Tôi cố gào lên để trả lời.
- Nhưng không được để thuyền trôi như thế, liệu đấy!
Khoảng cách đã gần lại nên tôi vội giải thích cho họ rõ tình
thế, hai vị ngư-tiên ông quí hóa đã chặn con thuyền lại rồi cho tôi mượn một
chiếc sào. Tới chỗ đập tràn chỉ còn khoảng vài chục mét, may hết chỗ nói!
Trong cuộc bơi đầu tiên trên thuyền đáy bằng tôi quyết định
kết nạp ba tay bạn nữa vào hội, hy vọng bọn chúng sẽ huấn luyện cho mình cách
sử dụng cây sào. Vì không thể cùng nhau xuất phát nên tôi bảo chúng là sẽ đến
bến thuyền trước, thuê thuyền, tập xoay trở ở quanh bến một lúc và đợi chúng nó
đến đấy đông đủ.
Ngày hôm ấy tôi không thuê được thuyền, có mấy chiếc ở đó đã
bị đội nào thuê hết, tôi chỉ còn mỗi việc ngồi ở bờ sông ngắm rác trôi và ngóng
bọn chúng. Ngồi được một lát tôi chú ý đến một tay đang loay hoay trên con
thuyền đáy bằng, ngạc nhiên thấy hắn cũng mặc chiếc áo bu-dông và đội mũ mềm
giống như của mình.
Chẳng bao lâu sau hắn đã trở thành trung tâm chú ý của mọi
người, những tay có gien đổ bác lập tức đánh cuộc ăn tiền với nhau, trong việc
dự đoán hành vi tiếp theo của hắn sẽ là động thái gì. Lúc đó mấy tên bạn của
tôi chợt xuất hiện ở bờ bên kia, chúng dừng lại rồi cũng ngó xem “tay sào vĩ
đại”. Tay sào này đứng quay lưng lại phía chúng, nên qua chiếc áo bu-dông và mũ
mềm chúng đoán ngay nhân vật trung tâm đang thu hút sự thích thú của mọi khán
thính giả đó chính là tôi, cả lũ nhao nhao lên trêu ghẹo và bêu diếu vì mấy khi
có được dịp như vậy!
Đầu tiên tôi không hiểu là bọn chúng đã “nhấm cái bè-bé cái
nhầm” nên nghĩ bụng “mấy thằng chết toi này sao lại thế, trêu người lạ như vậy
thì quá là bọn mất dạy”. Tôi đã định ới bọn chúng để ngăn chặn nhưng chợt hiểu
ra tình thế nên nấp ngay vào sau gốc cây.
Chà chà! Tụi chúng thả sức mà reo hò, chòng ghẹo anh lái tay
mơ tội nghiệp. Cả bọn tung ra đủ mọi câu cười cợt, trêu ghẹo, khích bác, dịch
sằng dịch bậy những dòng chữ nước ngoài trên chiếc bu-dông giống như của tôi,
mà xưa nay cả lũ đều mù tịt chẳng hiểu ý nghĩa gì. Phải nói một số câu dịch của
bọn chúng cũng hóm hỉnh ra phết, thích ứng cả với việc hoa tiêu cho một con tàu
xuyên đại dương có thể vào nằm cạn trong ao bèo tấm! Đến lúc đó thì tay chèo
thuyền khốn khổ hết mức chịu đựng, hắn quay phắt người lại nhìn trừng trừng vào
lũ bạn cánh hẩu của tôi.
Tôi hài lòng khi thấy lũ quỉ tha ma bắt này cũng còn có
lương tri, cũng biết tẽn tò xấu hổ khi nhận ra đã “nhấm cái bè”. Chúng xin lỗi
anh chàng chèo đò vì đã nhận nhầm thành người quen nên mới đùa cợt như vậy. Tất
nhiên khi chúng đã nhận nhầm như vậy thì cũng chẳng còn ai để tâm mãi đến trò
lếu láo vừa qua.
Hari cũng đã kể cho tôi nghe câu chuyện xảy ra với hắn khi
tắm ở Bu-lon. Hắn đang bơi không xa bờ lắm thì có kẻ nào đó túm gáy hắn dìm
xuống nước, hắn cố sức bình sinh để ngoi lên nhưng kẻ kia vâm như con trâu
chọi, nên hắn không sao ngóc được đầu ra khỏi mặt nước. Đến lúc đã lờ mờ nhìn
thấy sừng của con quỉ gác cửa địa ngục, thì kẻ ác độc đó bỗng dưng thả hắn ra.
Hari đứng được chân xuống nền bùn, ngoái đầu tìm kẻ suýt
giết chết mình. Thằng khốn đó đang đứng ngay cạnh hắn cười sằng sặc, nhưng nhìn
thấy mặt Hari hắn bỗng hoảng hốt đứng ngẩn tò te.
- Lạy Chúa, xin tha lỗi cho tớ. - hắn nói lắp bắp. - Tớ cứ
tưởng cậu là thằng Mít bạn tớ cơ!
Hari thêm lời bình, rằng như thế hắn vẫn còn may thậm tệ:
nếu thằng cha đó nhận nhầm là người nhà, thì chắc chắn hắn đã làm chân sai vặt
cho Hà Bá rồi!
Để bơi được với cánh buồm cũng yêu cầu phải có không ít sự
luyện tập và kinh nghiệm. Tuy nhiên hồi còn nhỏ tôi lại có ý kiến khác, tôi cho
rằng sự khéo léo là do “thiên tích thong manh thánh phù công dụng”, cứ xem bọn
tôi chơi trò đuổi bắt hoặc bóng ném thì biết, đứa nào đã khéo tay thì nó làm
xôm trò lên ngay. Mấy thằng bạn của tôi hồi đó cũng có cùng ý kiến. Vậy nên một
hôm trời gió, muốn thử khả năng của mình trong môn thể thao thuyền buồm, tôi và
một tên nữa thuê luôn một chiếc ở bến thuyền gần cầu.
- Gió khá mạnh đấy. - chủ thuyền căn dặn. - Tốt hơn là cuốn
mép buồm vào, khi nào ngớt hãy xoay ra hứng gió!
Chúng tôi hứa sẽ làm đúng như vậy, leo lên thuyền cùng gào
lên chào “Bác ở nhà may mắn nhé!”, chả hề băn khoăn với chuyện “xoay ra hứng
gió” là như thế nào và vị trí nào là “mép buồm” để cuốn ra sao.
Trong khi chưa ra khỏi thành phố, chúng tôi chèo tay. Khi đã
ra ngoài không gian thoáng đãng, gió nổi gần như bão hai tên cảm thấy đã đến
lúc dùng buồm được rồi.
Hec-to - hình như lần ấy thằng Hec-to đi cùng với tôi thì
phải - tiếp tục chèo còn tôi bắt đầu rỡ buồm ra. Công việc không lấy gì làm nhẹ
nhàng nhưng cũng một mình xoay xở được nhưng tôi chợt đứng sững vì không biết
đâu là phía trên, đâu là mép dưới của miếng vải làm buồm này. Theo bản năng tự
nhiên của một tay chưa từng học nghề tôi đã đặt ngược chiều và bắt đầu gá buộc
vào cột buồm. Công chuyện đơn giản này thế mà làm tôi toát mồ hôi hột: miếng
buồm chết toi có lẽ cho rằng nó đang được mời chơi trò khâm liệm mà tôi đóng
vai tử thi, nên đã tự động quấn lấy tôi rất gọn và chặt, không thể nào cựa
quậy. Sau đó hình như tẽn tò vì đã nhận nhầm, nó hợp sức với gió thả tôi ra
nhưng quật đầu tôi vào cây cột buồm, cho tha hồ xem hoa cà hoa cải!
- Nhúng ướt đi cơ! - Hec-to bảo. - Cho nó xuống nước nhúng
ướt đi!
Hắn giải thích rằng những thủy thủ vào loại sói biển thường
làm như vậy trước khi gá buồm, nên tôi vội vàng làm theo nhưng chỉ làm cho tình
hình xấu hơn mà thôi. Cánh buồm khô quấn lấy chân và đầu người ta thật chẳng
hay ho gì nhưng lúc nó ướt mà vẫn quyến luyến mình như vậy thì thật hết chịu
nổi.
Cuối cùng thì hai tên hợp lực cũng trị được nó. Chúng tôi
dùng chân đưa cánh buồm lên cao, nó chéo sang một phía rồi một cơn gió giật đã
biến cánh buồm cùng với dây nhợ bám thành một cục ở thân cột khiến chúng tôi
phải cắt mới gỡ ra nổi. Hú vía vì con thuyền đã không bị gió lật úp.
Tại sao lần ấy chúng tôi lại không bị lật thuyền thì ngay cả
bây giờ bọn tôi cũng mít đặc. Có lẽ do trời xui đất khiến hoặc giả chính con
thuyền nghĩ rằng chúng tôi có ý định tự sát nên đã phá hỏng kế hoạch này chăng?
Gió thổi như bão nên hai tên không còn dám nghĩ đến chuyện
dựng căng buồm, tôi mới hơi xoay sợi dây lèo một tẹo, miếng vải buồm đã phồng
ra méo mó và con thuyền phóng như ngựa điên, qua bãi lau thấp vào trong một
vũng nước cạn ven bờ.
Bãi cạn lầy bùn này đã cứu mạng chúng tôi. Con thuyền ở vào
gần giữa vũng nước đọng và nằm chết dí ở đó. Khiếp hãi và xấu hổ với cơn bốc
đồng nông nổi của mình khi chọn phương án đi thuyền buồm, khi hoàn hồn tôi và
thằng bạn vội vàng tháo buồm gấp gọn rồi dùng mái chèo đẩy thuyền ra khỏi bãi
cạn. Vừa mới đẩy, chiếc mái chèo thứ nhất đã gẫy, tôi và Hec-to hết sức thận
trọng khi dùng chiếc mái chèo thứ hai nhưng nó cũng gãy luôn sau đó. Hai tên
chỉ còn cách ngồi đợi một cơ may nào đó xuất hiện mà thôi, mãi ba giờ sau mới
có một quí nhân phù trợ xuất hiện trong bộ dạng lão già đánh cá, cố hết sức lôi
được chúng tôi ra khỏi bãi cạn và hộ tống bọn tôi đưa thuyền về bến.
Bốn giờ thuê thuyền, công kéo thuyền về bến và việc đền hai
mái chèo gẫy đã khiến hai đứa phải vét nhẵn túi ra mới thanh toán đủ. Cuộc đi
chơi bằng thuyền buồm thật không rẻ chút nào. Tuy nhiên học được một sàng khôn
mà trí khôn thì vẫn được coi là vô giá! Hai tên tự an ủi với ý nghĩ đó, có điều
giấu biệt lũ bạn bè về chuyến đi này và từ đấy đóng vai ngậm hột thị, mỗi khi
tụi chúng nhắc nhở gì đó về môn thể thao thuyền buồm.
Vào lúc 11 giờ chúng tôi tới Re-ding, một thành phố cổ khá
nổi tiếng với nhân vật lịch sử mà nó mang tên cùng với những người hùng khác.
Tại âu thuyền Re-ding chúng tôi gặp chiếc ca nô chạy máy hơi
nước của mấy người bạn. Đám này buộc dây kéo thuyền bọn tôi tới tận Xơ-trit-li.
Được ca nô kéo đi khoái thật! Tôi nghĩ rằng đi như thế này khoái hơn chèo bằng
tay nhiều. Tôi sẽ còn thấy khoái hơn nếu những chiếc thuyền gỗ rách nát không
thường xuyên cản mũi kì đà làm ca nô cứ phải xả hơi giảm tốc để khỏi tông phải
chúng, ở thời điểm này tôi bắt đầu thấy rằng việc xuất hiện thuyền máy trên
sông Thêm cũng có cái hay của nó và nên cho lũ thuyền gỗ thủng nát kia chìm bớt
xuống đáy sông thì hơn!
Qua khu vực có nhiều hang động một chút, đám bạn trên ca nô
từ biệt bọn tôi rẽ đi ngả khác. Tay Hari chợt như từ hang cáo chui ra nói rằng
đến lượt tôi phải chèo thuyền. Tên này thật vô lí bất lẽ một cách quá quắt,
ngay từ sáng đã thỏa thuận với chúng rằng tôi sẽ phải kéo thuyền đến một địa
điểm còn cách Re-ding ba dặm, thế mà bây giờ con thuyền đã đi qua Re-ding đến
mười dặm có dư!
Rõ ràng bây giờ lại đến lượt hai tên phải chèo thuyền! Tuy
nhiên bọn chúng dứt khoát không chịu, nên tôi đành phải miễn cưỡng ngồi vào vị
trí ấy vậy.
Chương Mười sáu
Các bộ cánh bất hủ - Cá và người bắt cá - Nghệ thuật câu -
Người đi câu trung thực - Câu chuyện về con cá nhồi bông.
Bọn tôi lưu lại ở Xơ-trit-li hai ngày để giao quần áo cho
thợ giặt. Đầu tiên đã định tự giặt lấy ở sông dưới sự chỉ dẫn kĩ thuật của Jord
nhưng không thành công. Không thành công - đó là cách nói rất chi dịu dàng, bởi
lẽ trước khi giặt, các bộ quần áo của cả hội trông còn dễ coi hơn nhiều. Trước
khi giặt chúng bẩn, phải nói là bẩn kinh khủng mới đúng, tuy nhiên nếu mặc vào
người vẫn còn khả dĩ. Sau khi giặt thì… không thể nhận ra áo của tên nào với
tên nào, tất cả các hoa văn bị thay đổi, thêm bớt, đấy là không kể việc chúng
tôi đã làm đục nước sông Thêm chí ít cũng phải trong phạm vi vài hải lí.
Chị thợ giặt ở Xơ-trit-li nói với bọn tôi rằng chị ta có
nghĩa vụ phải lấy giá tăng gấp ba để đảm bảo lẽ công bằng trong lĩnh vực dịch
vụ có liên quan đến bảo vệ môi trường và mĩ cảnh. Không tên nào dám có ý kiến
gì.
Vùng Xơ-trit-li và phụ cận tỏ ra là khu nghề cá đáng kính
nể. Nghề cá nơi đây thịnh vượng hết nói, dưới sông nhung nhúc cá măng, cá rô,
bống, chình và cá dầy. Du khách có thể ngồi câu từ sáng sớm đến tối mịt.
Nhiều người ngồi như thế, có điều họ không thể nào bắt được cá.
Tôi chưa lần nào nhìn thấy một du khách lôi được một con cá lên từ dưới sông
Thêm - nếu không kể đến lũ đòng đong cân cấn hay nòng nọc, tất nhiên là thế.
Rất nhiều các biển hiệu mời gọi: “Nơi câu cá lý tưởng”, “Có xà phòng miễn phí
cho khách rửa tay sau khi gỡ cá”… Có lẽ nghề cá ở đây thịnh vượng là nhờ những
biển hiệu này!
“Phòng hướng dẫn cách đánh cá sông Thêm” thông báo rằng “câu
ở đây có thể được cá măng và cá rô nhỏ” nhưng có lẽ họ nhầm. Cá măng và cá rô ở
đây đúng là “có”, không thể phủ nhận sự thực này, tôi biết rõ như vậy. Chúng
xục xạo bơi lội từng đàn lớn đàn nhỏ khi các ngài đi dạo dọc theo bờ sông nhìn
xuống, nổi nửa mình lên trên mặt nước, ngáp nữa, liếc mắt ngó nghiêng các ngài
chờ đợi mẩu bánh mì ném xuống.
Khi các ngài tắm chúng nhào lộn xung quanh, lách qua háng
làm các ngài thấy nhột nhưng muốn bắt chúng bằng mồi giun hoặc thứ gì đó thì
đừng có hòng. Đúng là những con cá mất dạy, quỉ tha ma bắt!
Tất nhiên tôi là một tay câu hạng xoàng. Vào thời ham câu
cũng đã bỏ vô khối thời giờ để định thành thợ to trong lĩnh vực này, có điều
các vị bô lão trong làng câu nói rằng tôi không thể nào trở thành một tay câu
có hạng, họ khuyên nên xếp cần câu lên gác bếp. Theo họ tôi có thể quăng mồi
câu nhanh và chuẩn xác vào vị trí, trông dáng vẻ cũng không đến nỗi ngù ngờ,
nhưng là tay lười chảy thây và không có trí tưởng tượng phong phú về những con
cá mà mình có thể câu được.
Các vị này nói rằng tôi có thể trở thành một nhà thơ không
đến nỗi tồi, sẽ là tác giả của những tiểu thuyết tầm tầm, làm phóng viên phóng
hòn cho mấy tờ lá cải hoặc gì đó đại loại thế, nhưng đừng hòng có tên tuổi gì
trong lĩnh vực bắt cá sông Thêm. Để được như vậy phải có đầu óc tưởng tượng
phong phú, có tính lãng mạn cao và phải không biết ngượng về những sáng tạo của
chính mình!
Có lẽ đúng như thế thật. Bởi lẽ nếu như có tay câu nào đó đi
vào nơi tụ họp và nói: “Này, chiều hôm qua tớ câu được phải đến trăm rưởi con
cá rô”, hoặc giả “Hôm thứ hai tuần trước tớ tóm được con bống nặng gần tám cân,
dài đến hơn mét ấy”…
Thiên hạ sẽ đánh giá ngay thằng cha này bất tài, vô nghệ.
Chỉ là thằng nói phét không hơn không kém.
Không, một tay mả cá tầm cỡ không bao giờ xử sự như vậy, hắn
có nghệ thuật lôi cuốn lỗ tai khán thính giả: rất thong thả đi vào phòng, không
bỏ mũ ngả miếc gì cả, chọn một chỗ ngồi thuận lợi, thong thả nhồi tẩu rồi nhả
khói, mồm miệng còn câm hơn cá chết cóng.
Sau khi khiêm tốn nghe đủ các thứ chuyện ba láp, đợi lúc
thiên hạ đã cạn đề tài mới dỗ tàn vào chấn song bếp lò và tham gia tí chút.
- Ờ, còn chuyện xảy ra với mình vào chiều hôm thứ hai, tốt
nhất là chẳng kể làm gì.
- Sao lại thế? - Có đôi người tò mò.
- Vì có kể cũng chẳng ai tin được, chính mình còn phải kinh
ngạc nữa là. - Giọng ra vẻ tiếc rồi lại tiếp tục nhồi tẩu thuốc mới và gọi chủ
quán cho một cốc vại ba suất uyt-ki có đá.
Sau đấy là khoảng im lặng trong hội quán, chẳng ai có ý kiến
gì trước một nhân vật đáng nể như vậy. Giờ thì anh chàng có thể kể đủ thứ
chuyện mà chẳng ngại một thằng cha nào ngắt lời mình.
- Đúng thế đấy, - người kể chuyện trầm ngâm. - ngay tôi cũng
không tin được nếu như người khác kể cho nghe, nhưng đây chính là điều xảy ra với
tôi hôm đó. Tôi ngồi suốt từ trưa đến chiều tối mà chẳng được con khỉ gì đáng
kể. Cũng như các vị tôi chẳng bao gìơ lưu tâm đến vài ba chục con măng nhép
hoặc rô ron. Tôi đã cho rằng mồi câu hôm nay không thích hợp, đang tính quăng
hộp mồi xuống sông nhưng bỗng con gì đó giằng dây câu, nghĩ là lại lũ đòng đong
cân cấn nên tức mình giật phăng một cái.
Các ngài cứ treo cổ tôi lên nếu lúc đó tôi làm nhúc nhích
được con quái vật ở bên dưới. Phải đến một tiếng rưỡi đồng hồ - một tiếng rưỡi
nhé! - tôi mới đưa được con thủy quái vào khuôn phép, mà từng giây một tôi cứ
chờ đợi sợi giây câu đứt phựt!
Cuối cùng thì kéo lên được. Con cá chiên bốn chục kí các vị
ạ! Thế mà cu cậu mắc vào lưỡi câu của tôi mới kinh khủng chứ! Ai mà chẳng phải
kinh ngạc đến lồi mắt ra. Chủ quán, cho suất đúp uyt-ki nữa nhá!
Về sau tôi hỏi chủ quán là có khi nào ông ta phải nổi xung
vì những câu chuyện kể của các thợ cả trong làng câu cá hay không. Ông ta đáp:
- Không, thưa quí nhân, giờ thì quả thực là không rồi. Tất
nhiên lúc đầu mắt tôi đã nhiều lần lòi ra ngoài trán… Lạy thánh mớ bái, tôi và
bà xã nhà tôi phải nghe không biết bao nhiêu lần nên quen rồi. Ai cũng phải
quen cả thôi, quí nhân ạ!
Tôi có biết một tay câu cá trẻ vào loại trung thực, một tay
câu khá đấy. Hắn giữ chắc một nguyên tắc, đó là chỉ tăng lượng cá câu được lên
hai mươi phần trăm trong các câu chuyện kể, nhưng về sau hình như hắn cũng phải
xét lại nguyên tắc của mình vì không thể chịu nổi ánh mắt coi thường của thiên
hạ, thì đành vậy, nhưng cũng may là nói phét không ai bị mù mồm bao giờ!!
Ngày thứ hai lưu lại Xơ-trit-li, tôi, Jord và con
Mon-mo-ran-xi cứ thong dong mặc sự đời, (tay Hari có hành tung rất lạ, hắn
thường biến đi đâu mất. Vào giữa buổi anh chàng ra ngoài cạo râu, sau đó quay
về, sau đó mất đến bốn mươi phút là ủi quần áo rồi lủi mất tăm), vậy nên chỉ
hai tên với con chó đi dạo chơi, trên đường về bầu đoàn ghé vào một khách sạn
nhỏ để ngơi đôi chút, rít vài tẩu thuốc và kiếm chút gì làm mát họng.
Chúng tôi ngồi ở một gian lớn. ở đó có một ông già đang rít
thuốc bằng chiếc tẩu đất dài ngoằng ngoẵng và chúng tôi bắt đầu nói chuyện tầm
phào.
Ông già nói hôm nay là một ngày đẹp trời, chúng tôi nói với
ông ta rằng hôm qua trời cũng đẹp, rồi tất cả đoan chắc rằng ngày mai cũng sẽ
là một ngày hay ho. Jord còn nói thêm rằng mùa màng rồi sẽ hết xảy.
Sau đó ông lão biết rằng chúng tôi là khách qua đường, ngày
mai sẽ lại tiếp tục cuộc viễn du. Câu chuyện tạm đứt đoạn trong khi chúng tôi
ngó nghiêng khắp chốn, cuối cùng dừng mắt ở chiếc tủ kính nhỏ cổ lỗ sĩ đầy bụi
treo cao phía trên bếp lò. Trong tủ trưng bày một con cá hồi nhồi trấu. Con cá
này đã thôi miên tôi vì nó to kinh khủng, lúc đầu tôi cứ nghĩ là con cá tuyết.
- Ồ, - ông già nhìn theo hướng mắt chúng tôi thốt lên. -
Cũng đáng trưng bày đấy chứ, phải không các ngài?
- Thực sự đáng nể đấy. - tôi thốt lên còn Jord thì hỏi ông
già con cá này cỡ bao nhiêu cân theo ý kiến của ông ta.
- Quãng bảy cân rưỡi, có thể là hơn đấy. - ông già đáp lời
trong khi đứng lên với chiếc áo choàng trên giá áo. - đã mười sáu năm trôi qua
kể từ ngày tôi lôi con cá này lên bờ. Tôi tóm được nó ở vũng sông gần cầu. Mọi
người nói với tôi rằng nó vẫn ngự trị ở quãng sông này và tôi tuyên bố sẽ tóm
cổ nó. Quả là tôi đã thực hiện được! Lạy trời, ngay vào hồi đó cũng đã hiếm khi
thấy được một con cá hồi kì vĩ như thế. Chúc ngủ ngon nhá, các quí ông! Chúc
ngủ ngon!
Ông ta đi ra, còn lại mỗi bọn chúng tôi. Sau đó tôi và Jord
không sao rời được mắt khỏi con cá hồi voi đó - quả là một hậu duệ của loài ngư
long! - cho đến khi có một chiếc xe ngựa dừng lại ở cửa khách sạn. Lát sau tay
đánh xe đi vào phòng với một cốc bia bự trên tay, hắn cũng nhìn con cá nhồi
bông.
- Một con cá hồi kếch sù, có phải không? - Jord trao đổi với
tay đánh xe.
- Còn phải nói, thưa quí ngài, dứt khoát không phải loại tép
riu. - tay đánh xe đáp, sau đó anh ta tợp một ngụm bia và hỏi:
- Có lẽ hai ngài không có mặt ở đây lúc nó bị điệu từ dưới
sông lên?
- Không. Chúng tôi là khách du lịch ngang qua đây mà. - Tôi
đáp.
- Ra vậy, thảo nào. -Tay
đánh xe trở nên rất hồ hởi. - Thế thì các ngài không có mặt thực rồi. Tôi tóm
được nó khoảng năm năm trước đấy.
- Nghĩa là chính anh câu được à? - Tôi hỏi .
- Vâng, thưa ngài. Tôi bắt được nó vào hôm thứ năm, bên dưới
âu thuyền một chút, chính xác hơn phải nói là bên dưới chỗ bây giờ là âu
thuyền. Đúng là chó ngáp được nhặng, bởi lẽ hôm đó tôi định câu mấy con măng
nhép chứ nào có mơ tưởng gì đến cá hồi. Tôi đã chửi thề váng lên khi nhìn thấy
thằng khổng lồ này và chút nữa thì quị gối xuống đất. Quỉ thật đấy! Nó nặng đến
hơn mười kí ấy chứ! Ngủ ngon nhá, xin chúc các quí ngài ngủ thật ngon nhá!
Mấy phút sau có tay khách thứ ba ghé vào sảnh khách sạn,
nhân vật này miêu tả khá cặn kẽ trường hợp đã bắt được con cá mà chúng tôi quan
tâm vào một buổi sớm sương mù nào đó. Thay chỗ cho nhân vật này ít phút sau đó
là một ông khách đứng tuổi khá chững chạc, bệ vệ ngồi xuống cạnh chiếc bàn bên
cửa sổ.
Đầu tiên tất cả đều im như thóc, sau đó Jord lại gần vị
khách vừa vào và yêu cầu hết sức khiêm tốn:
- Xin ngài thứ lỗi vì câu hỏi đường đột của chúng tôi, nhưng
tôi và anh bạn tôi đây là người hoàn toàn lạ lẫm ở địa phương này, chúng tôi
rất biết ơn nếu như ngài vui lòng kể cho nghe việc ngài đã bắt được con cá hồi
này như thế nào.
- Thế ai nói với các ngài rằng con cá hồi này là do tôi bắt
được? - Ông khách tỏ vẻ ngạc nhiên.
Chúng tôi nói rằng không ai bảo cả nhưng linh tính cho thấy
ông ta chính là người bắt được nó.
- Thật là một trường hợp lạ lùng hi hữu. - vị khách lãnh đạm
này bật cười. - Thật sự đáng kinh ngạc vì linh tính các ngài đã dẫn đường chuẩn
xác! Đúng là tôi đã bắt được nó. Chỉ ngạc nhiên là làm sao các ngài lại đoán ra
được!
Ông ta trở nên mau mắn, kể lại chuyện mình đã mất nửa giờ
đồng hồ vật lộn để lôi con cá lên bờ, chuyện nó đã làm gẫy cần câu của ông ta
ra sao, rồi ông ta phải cuốn sợi dây câu mấy vòng vào cổ tay đến nỗi bác sĩ
tiên đoán có thể sẽ bị hoại thư cánh tay phải… Trên đường đưa con ngư long này
về nhà người ta đã cân thử ở mấy chỗ, chắc chắn trọng lượng của nó là mười bốn
kí lô.
Đến lúc vị khách này cũng rời quán, chúng tôi tìm ông chủ kể
lại cho ông ta nghe bốn dị bản của câu chuyện li kì xoay quanh việc ai là người
đã câu con cá. Ông chủ cười ha ha, ngật ngưỡng đến mức tí nữa thì đập đầu vào
cột nhà.
- Té ra Zim Bay-xơ, cả Giô-mac-dơ, ngài Giôn-xơ lẫn bố già
Bin-mon đều khẳng định với các ngài là họ đã bắt được con cá này à? Ha, ha, ha!
- Ông chủ hồn hậu cười toang toác với chúng tôi. - Nhưng giả dụ có ai đó trong
số họ đã bắt được mà lại chịu bày nó để trang hoàng cho khách sảnh của tôi à?
Thật là chuyện đầu cua tai ếch. Vô lí không có lẽ! Ha, ha, ha!
Thế rồi ông ta kể cho chúng tôi nghe câu chuyện nguyên bản
về con cá hồi này. Té ra chính ông ta là người bắt được nó nhiều năm về trước,
khi còn là một thanh niên hoi. Cũng chẳng có tài nghệ chi hết, đơn giản chỉ là
chuyện gặp may như bất cứ thằng nhãi nào trốn học ra câu ở bờ sông. Cần câu hôm
đó là một cành cây dài được buộc vào một cây gỗ của chiếc bè nổi bên sông.
Ông chủ kể chuyện tha lôi con cá về nhà như thế nào, nhờ nó
mà thoát được vụ ăn lươn vì đã trốn học, chính thày giáo khi nhìn thấy con cá
cũng nói vui rằng, nó xứng đáng với ba bài toán về cấp số cộng mà tên học trò
đã bỏ không chịu học vào hôm đó.
Có ai đó gọi và ông chủ ra khỏi sảnh, tôi và Jord còn đứng
nhìn mãi con cá khác thường, càng nhìn càng thấy nể. Jord bị quyến rũ đến mức
hắn leo lên lưng chiếc ghế tựa để nhìn cho rõ. Bỗng ghế chung chiêng, Jord vội
vàng chộp tay vào chiếc tủ kính để giữ thăng bằng nhưng cả nó lẫn Jord cùng với
chiếc ghế đều lăn chiêng ra sàn nhà.
- Con cá có việc gì không? - Tôi hoảng kinh chạy vội lại.
- Hỏng thế nào được. - hắn thận trọng ngồi dậy ngó cổ để
nhìn vật trưng bày.
Nhưng Jord đã nhầm. Con cá hồi nằm trên sàn, vỡ thành hàng
nghìn mảnh là ít. Tôi nói thế nhưng thực ra cũng phải đến chín trăm, sức mấy mà
đếm cho hết được!
Hai thằng tôi kinh hoảng đến nhợt mặt vì biểu tượng chiến
công của người ta đã bị chúng tôi phá hoại. Nhưng tại sao mẫu vật nhồi rơm lại
có thể vỡ vụn ra như vậy?!
Hóa ra con ngư long - hồi này được nặn bằng thạch cao!!!
Chương Mười bẩy
Cái thú khi sông có âu thuyền - Trước ống kính của tay phó
nháy - Cú ngã cứu nguy - Tôi và Jord chụp ảnh - Đảo và sông ruột lợn.
Mới bảnh mắt chúng tôi đã rời Xờ-trit-li, chèo cho đến
Ka-lem, đưa thuyền vào khu nước nông, căng bạt che rồi bỏ mặc sự đời bên ngoài
mi mắt đã khép chặt.
Dòng sông đoạn giữa Xờ-trit-li và Uôn-ling-pho-đơ không có
gì đặc biệt, có một đoạn dài đến hơn sáu hải lí là lạch sâu không có một chiếc
âu thuyền nào, câu lạc bộ chèo thuyền Oc-xơ-pho-đơ thường tổ chức những cuộc
đua truyền thống theo kiểu thắt hình số tám ở đoạn sông này. Tuy nhiên nó chỉ
được những tay đua thuyền ưng ý còn khách đi du ngoạn thường hay tỏ ra rầu rĩ
khi không gặp chíêc âu thuyền nào.
Như tôi chẳng hạn, rất khoái âu thuyền. Nó làm cho cuộc dạo
chơi trên sông không bị đơn điệu. Tôi thích thú ngồi trên con thuyền trong lúc
nó đang ở dưới vùng nước thấp lạnh lẽo, được từ từ nâng lên cao tới một chân
trời mới với những phong cảnh mới, hoặc ngược lại từ từ tụt sâu xuống rồi được
giải phóng khỏi âu để đón gặp dòng sông quanh co diễm lệ với những hàng cây
liễu xanh, đang vẫy những cánh tay mềm mại đón chào du khách.
Nhìn chúng thật là khoái - những chiếc âu thuyền trên sông
Thêm! Quả là thú vị khi trao đổi dăm ba câu với ông bạn luống tuổi to béo -
khách tham quan âu thuyền cùng với bà vợ tính tình vui vẻ và đứa bé gái mắt
sáng như sao. Ở đây luôn luôn có thể gặp các con thuyền khác để trao đổi những
câu chuyện ngồi lê mách lẻo khi người ta thích, thiếu những chiếc âu thuyền sặc
sỡ này chắc hẳn sông Thêm mất đứt đi vẻ đẹp lạ lùng của nó.
Chuyện trò về những chiếc âu thuyền làm tôi nhớ lại một thảm
họa tí nữa đã xảy ra với tôi và Jord vào một buổi sáng mùa hè tuyệt vời ở
Hem-ton-Kooc-tơ. Ngày hôm đó thật là hết ý, thuyền bè lèn chặt trong âu và như
thường thấy ở sông Thêm, một tay phó nháy nào đó sẽ bám theo các vị để chụp
hình vào thời điểm âu thuyền bắt đầu đông đúc.
Thoạt kì thủy tôi chả biết gì hết nên gần như đã há mồm ngạc
nhiên khi thấy chàng Jord hăm hở vuốt xuôi vuốt ngược chiếc quần hắn ta đang
mặc, ra sức đàn áp chỏm tóc bất trị cứ ngóc lên trời như cụm măng tre sau cơn
mưa, rồi hất chiếc mũ vải ra sau gáy. Sau đó hắn còn cố tạo vẻ hài hòa cho bộ
mặt thộn trông rất ngố, sang sửa thế ngồi và định giấu cặp giò dài ngoằng đi
đâu đó.
Đầu tiên tôi nghĩ anh chàng nhìn thấy cô bạn gái nào đó nên
cứ ngoáy cần cổ để xem đâu là Nàng. Chợt tôi thấy mọi người xung quanh tự dưng
hóa đá, bàn dân thiên hạ đứng hoặc ngồi trong những tư thế rất thiếu tự nhiên,
như ta thấy được trong những hình vẽ trang trí trên những chiếc quạt giấy của
người Nhật Bổn. Các bà các cô đều mang bộ mặt cười, trông họ thật khoái con
mắt! Còn bộ mặt các chàng thì thuồn thuỗn ra vẻ nghiêm nghị nhưng rất tạo dáng.
Đến lúc đó tôi mới hiểu ra tình thế và đâm ra hốt hoảng vì không còn thời gian
để mà chuẩn bị. Con thuyền của chúng tôi đang tiến lên mà tôi thấy sẽ rất bất
nhã nếu như làm hỏng pô ảnh của người ta.
Tôi quay phắt lại phía máy ảnh và chuyển sang tư thế đang
chèo mũi, tựa rất nghệ lên chiếc câu liêm, cố tạo dáng để toàn thân như toát ra
sức mạnh thể thao và khéo léo. Tôi vuốt tóc, quăng một dẻ ra trước trán, mặt
giữ vẻ trầm tư trơ tráo (bọn chúng vẫn thường bảo tư thế này rất hợp với tôi!).
Trong khi cả bọn đang nghệt mặt như ngỗng ị để chờ đợi phút
giây hành động của tay phó nháy thì từ đằng sau có ai đó la lên:
- Ê, các vị, hãy nhìn vào mũi mình ấy!
Tôi không muốn quay lại để xem thằng cha nào nói chuyện gì,
chỉ khẽ liếc nhìn sang mũi tay Jord. Mũi vẫn là mũi, chả thấy có gì đáng phải
sang sửa ở hắn cả, thế là tôi cố vẹo mắt để liếc vào mũi của mình nhưng xem
chừng cũng không có sự cố gì.
- Nhìn vào mũi mình đi kìa, bọn lừa ạ! - Giọng nói đó lại
vang lên nhưng to hơn nhiều.
Sau đó có người khác kêu tiếp theo:
- Chỉnh mũi ngay đi. Ê, hai anh chàng với con chó kia!
Cả tôi với Jord đều không muốn quay đầu lại vì tay phó nháy
đã mở nắp kính và chuẩn bị giật giây để thu hình. Tại sao họ lại rống cò ke lên
thế? Chỉnh đi đâu và để làm gì?
Nhưng ngay đó hầu như cả âu thuyền đều gào lên, một cái cổ
bò tót rống lên át tất cả:
- Nhìn ngay vào mũi thuyền đi, các vị kia! Vị đội chiếc mũ
vải đen-đỏ kia kìa! Ngọ ngoạy đi không thì ảnh sẽ chụp được thây của các ngài
thôi đấy!
Tôi quay phắt lại và thấy rằng mũi thuyền mình đang hướng
vào giữa hai cây xà dầm bê tông của âu thuyền, nước đang đẩy con thuyền chui
vào đó khá nhanh, chỉ vài giây nữa là chúng tôi sẽ bị gạt lăn xuống nước. Nhanh
như chớp chảo tôi chộp lấy mái chèo dùng hết sức thục mạnh vào tường âu. Con
thuyền thoát được ra ngoài nhưng cả tôi và Jord cùng lộn tùng phèo.
Chúng tôi đã không tô điểm được cho bức hình khổ rộng - cả
tôi lẫn tên Jord - vì lẽ đúng vào thời điểm đó thì tay phó nháy hậu đậu bấm
hình - lúc mà hai thánh nhân nằm chỏng gọng tênh hênh ở đáy thuyền, chân tay
ngó ngáy loạn xị và mặt mũi thì chắc là rất ấn tượng.
Hóa ra tám cẳng bốn tay của bọn tôi che gần hết khuôn hình,
đặc biệt là chiếc du thuyền mà người chủ đặt hàng chính sẽ rửa nhiều ảnh nhất
chỉ còn lờ mờ vài đường nét, vậy nên chẳng có thuyền nào chịu trả tiền mua ảnh.
Tay phó nháy yêu cầu chúng tôi phải nhận một
nửa số ảnh để bù lỗ cho hắn, nhưng cả tôi và Jord đều không chấp nhận thương vụ
với lí do là xưa nay chưa có ai chụp ảnh ở tư thế như vậy cả!
Vực sâu cạnh đập chắn nước Xen-pho-đơ, ngay sau âu thuyền là
một vị trí cực lì lý tưởng cho bất kì ai đang muốn tìm một chỗ để giã từ cuộc
sống trên bờ. Vực này có một dòng nước ngầm mạnh kinh khủng, bạn chỉ cần rớt
xuống là lập tức dính đến chuyện gậy tre mũ rơm ngay. Người ta dựng ở đấy cột
bia đánh dấu vị trí hai tay bơi bất hạnh đã một đi không trở lại, để làm nguội
bầu máu nóng của các tay bơi liều lĩnh.
Tôi chưa thấy ở đâu có khu luồng lạch rắc rối khó khăn như
phần sông dài cỡ một dặm ở giữa I-pho-li và Oc-xơ-pho-đơ. Để có thể định hướng
bơi thuyền một cách không nhầm nhọt sang trồng trọt ở khu vực này, bạn phải là
thổ dân với núm rốn được bà mụ chôn quanh quẩn đâu đây! Tôi đã vượt qua đoạn
sông này vô khối lần nhưng không sao nhớ được.
Đầu tiên dòng chảy đưa thuyền bạn tấp sang bờ phải, sau đó
quẹo sang bờ trái, rồi đẩy cho trôi ở giữa sông, bắt con thuyền cuộn mấy vòng
rộng gần như khép kín quanh những gò đảo để cuối cùng cố sức mời bạn tông vào
mạn một chiếc xà lan nào đó cho con thuyền thành hình chiếc bánh xèo.
Đó là nguyên nhân của việc trong dặm sông này, thỉnh thoảng
thuyền chúng tôi cắt chéo qua mũi thuyền người ta và ngược lại thuyền của họ
quật lái vào thuyền của bọn này. Kết quả dễ đoán là những câu chửi thề và văng
nọ văng kia được thiên hạ đem ra sử dụng khá thoải mái.
Tôi nhận thấy ở trên sông đôi khi người ta dễ sinh cáu bẳn hơn
là ở trên bờ. Đi qua đoạn sông này việc cỏn con cũng dễ làm bạn nổi điên, chẳng
hạn khi hai tên Jord và Hari có bày những trò ngố ở trên bờ, tôi chỉ mỉm cười
rất đỗi khoan dung. Nhưng khi bọn chúng ba hoa những điều ngu ngốc ở đây, tôi
phải cố kìm hết mức để không nhấc bơi chèo, vạng cho bọn chúng què giò.
Chương Mười tám
Thiên đường theo sự tưởng tượng của Mon-mo-ran-xi - Niềm
kiêu hãnh của sông Thêm - Nắng mưa là việc của trời - Lên gân với gió mùa - Hồi
ức về mưa - Lần đầu cây đàn băng-giô được hoan nghênh - Cuộc trốn chạy vĩ đại.
Chúng tôi có hai ngày khoan khoái ở Oc-xơ-pho-đơ. Nơi đây
nhung nhúc những chó, con Mon-mo-ran-xi ghi công ngày thứ nhất bằng mười một
cuộc ẩu đả, ngày thứ hai xẩy ra mười bốn trận kịch chiến. Cu cậu rõ ràng là
đang lạc đến thiên đường!
Giữa bàn dân thiên hạ, có những người rất chi là yếu (hoặc
lười) nên khó mà tìm thấy hứng thú trong việc chèo ngược dòng nước, họ thường
thuê một con thuyền ở Oc-xơ-pho-đơ và thả cho trôi xuôi dòng. Tuy nhiên những
người đầy năng lượng thì khoái chèo ngược dòng sông. Các ngài sẽ thấy khoan
khoái không thể tả nổi khi cho các cơ bắp được căng thả sức, chiến đấu với dòng
sông, gập người để đưa con thuyền tiến lên phía trước. Ít nhất thì tôi thường
có được cảm giác đó, đặc biệt khi ngồi giữ lái để cho tên Hari và tên Jord trổ
tài!
Những con thuyền để chèo ngược dòng sông ở Oc-xơ-pho-đơ có
thể thuê được ở bến, chúng không hề có khuyết tật gì trong việc chèo lái, có
thể bơi cực nhanh ngoại trừ trường hợp hãn hữu vì lí do sao đó phải chìm xuống
đáy sông hoặc vỡ ra từng mảnh, nhưng khá nhếch nhác bẩn thỉu, sẵn sàng tung bụi
vào mắt ngưòi khác. Trên thuyền có tất cả mọi thứ cho việc chèo và lái nhưng
ngoài ra không còn gì thêm.
Một lần vào mùa hè nhóm chúng tôi thuê một con thuyền đi dạo
vài ngày ở thượng lưu sông Thêm. Trước đó bọn này chưa bao giờ thuê thuyền đua
nên khi trông thấy cái vật nổi do người chủ bến đưa ra, không tên nào trong bọn
đoán ra đó là cái gì.
Vốn là chúng tôi đặt thuê một chiếc thuyền thể thao bốn chỗ
ngồi nên khi mang đủ bị gậy đồ lề ra bến người chủ thuyền bảo :
- Thế chứ gì, các vị thuê con thuyền bốn vị trí chèo phải
không? Ổn cả, đâu vào đấy cả rồi. Thằng Jim đâu, đưa chiếc “Kiêu hãnh của sông
Thêm” ra đây!
Thằng cu chạy đi, năm phút sau nó quay lại, gân cổ kéo theo
một chiếc máng gỗ nhà quê rõ to, theo phán đoán của chúng tôi cái máng này mới
đào được từ dưới đất lên, được khai quật một cách cẩu thả nên có nhiều chỗ hư
hại nặng. Tôi chợt nghĩ chắc bọn này đào được một vật thời cổ La Mã, không
chừng là chiếc quan tài. Không hề có chút phóng đại nào trong tưởng tượng vì
miền thượng lưu sông Thêm có khá nhiều cổ vật do quân La Mã ngày xưa để lại.
Một tay thanh niên có vẻ nghiêm túc trong nhóm - nghe chừng có biết đôi chút về
khảo cổ - phản đối luận thuyết của tôi, hắn cười to chỉ ra một số đặc điểm để
bảo rằng đây chắc chắn là xương của một con cá voi thời hồng hoang!
Mặc cho chúng tôi nhao nhao phản đối thằng bé vẫn kiên quyết
khẳng định đây là chiếc thuyền “Kiêu hãnh sông Thêm” của cha con nhà hắn. Bố
thằng cu còn lấy làm bực mình vì sự chê bai của bọn tôi, ông ta bảo đã bao
nhiêu người thắng cuộc trong môn bơi chèo nhờ có chiếc thuyền này. Cuối cùng vì
chẳng lẽ lại quay về, bọn này đành phải bằng lòng nhận mấy miếng giấy bồi tường
để dán vào vị trí nào quá nhếch nhác của cái “Niềm kiêu hãnh” này.
Đến ngày thứ ba ở Oc-xơ-pho-đơ thì trời giở chứng. Chúng tôi
quay thuyền trở về trong cảnh gió thảm mưa sầu.
Trong những ngày nắng ráo dòng sông ngập đầy ánh mặt trời,
sóng nước lấp lánh nhấp nhô lang thang chạy dọc ven bờ sông, đong đưa những cây
dẻ gai, quẩn vào bánh xe những chiếc cối xay. Ánh mặt trời nhảy từ trên đập
xuống mặt nước sông, rải vàng lên toàn bộ cây cỏ núi rừng. Trong những ngày này
con sông Thêm thật là trên mức tuyệt vời.
Nhưng vào ngày thời tiết giở chứng nó trở nên u ám, sóng
mang bọt lạnh cứ nhẩy cẫng vào mặt khách du. Mưa rơi lộp bộp như tất thẩy các
vị Thần vị Thánh đều đang xổ mũi hắt hơi xuống trần gian. Gió thì rền rĩ lượn
quanh những hàng cây mặc đồ khâm liệm dệt bằng sương mù, xa trông như những hồn
ma câm lặng - Một dòng sông chết, u ám, rầu rĩ, có thể tóm lại là vậy!
Suốt cả ngày chúng tôi chèo thuyền dưới trời mưa - một công
việc tẻ như bánh đúc nát! - Đầu tiên cả bọn còn tỏ ra rất đỗi hài lòng, tranh
nhau nói là rất lấy làm khoái khi được thay đổi trạng thái, được dịp làm quen
với mọi điều kiện của con sông Thêm yêu dấu. Hari nói hắn đã chán ngấy nắng mặt
trời và đang mong có được một ngày mưa, tên nọ làm cho tên kia tin tưởng rằng
thời tiết thế này mới là hết ý, và nếu các vị Thần Thánh trên kia có bị cảm cúm
dài dài đi chăng nữa thì họ cũng chẳng chết hết đâu mà ngại.
Mấy giờ đầu tôi và Hari rất khoái vì chèo thuyền dưới mưa
rất mát, thậm chí còn huy động mấy cái cổ ễnh ương hát váng lên bài ca của
những người Di-gan du lãng, những con người đầu đội trời chân đạp cỏ (và phóng
ngựa khụ), luôn luôn hồn nhiên thoải mái dưới mọi loại gió mùa. Jord cũng rất
vui vẻ nhưng tay không rời cây ô.
Trước khi ăn sáng chúng tôi căng vải tuồn lên, chỉ để lại
một khoảng hở nhỏ ở đằng mũi để sử dụng bơi chèo và quan sát cảnh quan, cứ như
thế bơi cho đến chiều tối. Sau một ngày chúng tôi đi được cỡ chín dặm và ngủ
đêm ở phía dưới âu thuyền Day-xơ-kơ một chút.
Mặc dù rất muốn lên gân lên cốt nhưng tôi cũng thấy ngường
ngượng khi khẳng định là đã có một buổi tối vui vẻ. Mưa vẫn rơi một cách ngoan
cố, mọi thứ đồ lề, quần áo đều dính ướt, chỉ còn hy vọng vào một bữa tối tử tế
nhưng khi chưa thấy đói thì món bánh nướng nhân thịt bê nguội khó mà chui lọt
cổ họng.
Tự dưng tên Hari lại ước ao có sốt cá, hắn vất mẩu bánh cho
con Mon-mo-ran-xi nhưng tên gâu mất dạy này không thèm xực, lại còn ra vẻ bất
mãn với món thết đãi của Hari và tỏ thái độ bằng cách lẳng lặng đi ra chỗ bánh
lái ngồi một mình, chổng đuôi lại chỗ các ông chủ đang ướt át.
Sau bữa tối cả bọn bày trò chơi bài, ngồi lê đến một tiếng
rưỡi, điểm lại thấy Jord thắng được bốn pen-xơ (thằng cha này luôn gặp may khi
đánh bài), tôi và Hari mỗi tên thua mất hai pen-xơ. Đến lúc này Jord tự dưng kể
rằng hai năm trước đây một người quen của hắn đi ngược dòng Thêm, cũng gặp cơn
mưa hệt như thế này, cả đêm nằm lạnh và ướt rồi mắc bệnh thấp khớp, căn bệnh
hành hạ anh ta đến mười ngày rồi mới cho phép đi gặp ông bà ông vải, theo Jord
thì tay này còn rất trẻ khỏe, lại đang chuẩn bị lấy vợ nữa, thế mới đau chứ!
Thế là Hari nhớ lại một tay bạn thân vốn ở đội hướng đạo
tình nguyện, sau một đêm ngủ ở trong lều bạt ướt nước mưa ở On-de-so, hệt như
cảnh bọn tôi lúc này - sáng hôm sau thức dậy đã thành người tàn phế cho đến hết
đời. Hari nói là sau chuyến đi này sẽ dẫn chúng tôi đến thăm tay đó. Câu chuyện
tự dưng mắc míu đến các chứng bệnh đau lưng, cảm thương hàn, viêm phế quản,
viêm phổi và Hari nói rằng nếu bỗng dưng một tên nào trong bọn bị ốm nặng thì
sẽ rất gay go bởi lẽ gần đây chả có tay bác sĩ cóc khô nào.
Tình cảnh thật hết sức thiểu não, tôi phải đề nghị Jord lấy
đàn băng-giô ra gẩy một bài nào khí thế để lấy lại tinh thần. Jord đáp ứng ngay
lập tức, anh chàng lôi cây đàn từ đâu đó ra như một trò ảo thuật và chơi bài
“Cặp mắt huyền kì diệu”.
Từ trước đến nay tôi vẫn cho rằng bài hát này chỉ là bài ca
tầm tầm nhưng hôm nay tay Jord đã thổi được linh hồn hắn vào đó, hắn chơi phải
nói là hay khiến tôi kinh ngạc. Hari cất giọng hát theo và đến đoạn điệp khúc
thì cả tôi cũng lên tiếng bò gào:
Cặp mắt huyền kì diệu
Nàng ơi sao mà điệu
Tim anh vỡ vụn rồi
Nàng cười khi anh mếu!...
Đến đây thằng cha Hari bỗng dưng nức nở, chắc hẳn hắn nhớ
lại kỉ niệm về một cú đá vào mông, bằng chiếc guốc mộc của một nàng nào đó, con
Mon-mo-ran-xi cũng rít lên ư ử khiến tôi tự dưng thấy cứng cả quai hàm.
Chẳng còn biết làm gì hơn nên đành phải tìm chỗ nào khô ráo
nhất, cuộn tròn lại để chuyển sang công việc ngáy nhưng nghe chừng việc thuyên
chuyển công tác này thực hiện cũng không mấy dễ dàng.
Ngày hôm sau cũng hệt như hôm trước đó, không nhớ là ai đó,
(mà hình như tôi thì phải), cũng cố thử gại giọng bằng mấy bài ca vui vẻ của
người Di-gan, để lên dây cót tinh thần cho cả hội, nhưng lập tức đã phải ngừng
ngay vì thấy quá ế ẩm, tuy vậy bàu đoàn vẫn ngoan cố ở một điểm: đã quyết định
tiến hành cuộc du ngoạn thì phải tiến hành đến cùng. Chả nhẽ lại chịu thua các loại
gió mùa?
- Chỉ còn hai ngày nữa thôi, toàn là những bô lão trai trẻ,
chưa có đoạn gân nào chùng, Diêm Vương nghe chừng cũng chưa có ý định thu xếp
chỗ ở cho tên nào cả đâu. - Hari nói thế.
Quãng bốn giờ chiều chúng tôi nhóm họp, bàn về chương trình buổi
tối. Lúc đó con thuyền ở vào quãng dưới Go-rin-gu một chút, dự kiến sẽ đến được
Pen-bo-rơn và ngủ đêm ở nơi ấy.
- Sẽ có được một buổi tối hay ho đây! - Jord lầm bầm.
Ba tên ngồi im như cá ướp đá. Hẳn là tới được Pen-bo-rơn
cũng phải năm giờ chiều, bảy rưỡi tối mới có cái mà xực, sau đấy phải lựa chọn
giữa hai phương án trước giờ có thể leo lên chuồng là hoặc đội mưa đi dạo phố,
hoặc ngồi ở một quán ba âm u nào đó mà nghiên cứu lịch vạn sự.
- Nhưng thực sự là ngu khi quyết định làm cái gì cũng phải làm
đến cùng. - không nhớ đó là tên nào chợt nói ra câu này.
- Mà cái thuyền mục này càng lúc càng bẩn. - Đúng là tên
Jord phụ họa. - Tàu hỏa đi Luân-đôn dừng ở ga Pen-bo-rơn đúng vào sáu giờ tối
đấy, về đến đất thánh vừa vặn lúc thiên hạ bắt đầu dùng đến bộ hàm và cổ họng…
Không ai thêm câu nào, kể cả con Mon-mo-ran-xi nhưng chẳng
ai bảo ai mà đồ đạc cứ tự động được xếp đến phồng căng vào chiếc túi da to bự,
chuyện bám con thuyền đến cùng bị các người hùng quên đi trong vẻ ngượng ngùng
của cả ba, lục tục tay xách nách mang chuồn hết lên bờ.
Hai mươi phút sau đó toán người lôi thôi lếch thếch, có một
con chó với vẻ rất xấu hổ tháp tùng ở một quãng xa xa, tiến về phía ga đường
sắt. Con thuyền đã được gửi lại nhờ người ta chăm sóc hộ cho đến sáng hôm sau
(nhưng kèm thêm câu lưu ý là nếu có vấn đề gì đặc biệt sẽ có thông tin đến sau,
cùng với chi phí cần thiết cho việc thuê coi giữ).
Lại một lần nữa bộ ba hai chân (không kể một tên bốn chân)
được tôi luyện qua thử thách của mọi sự quan chiêm và phẩm bình xã hội, hệt như
lúc rời khỏi nhà dưới sự quan sát của đám đông với thủ lĩnh là ông lỏi con bà
hàng rau.
Cuối cùng thì hội chèo thuyền vĩ đại có được một bữa ăn khá
đàng hoàng trong một nhà hàng tầm tầm. Đầu tiên mấy bộ hàm ra vẻ uể oải nhưng
chẳng cần ai nhấn ga, chúng cũng chuyển động với gia tốc tăng dần đều. Món ăn
nóng sốt tỏ ra có hiệu quả trông thấy.
Chúng tôi ngồi ở bàn cạnh cửa sổ, ngoài trời mưa đang tiếp tục, lác đác
mấy người lúc lắc cây ô chạy gằn trên đường nhựa lấp loáng nước, hai cô tiểu
thư đang cố vén váy lên thật cao trông khá hài hước nên bỗng dưng chàng Hari
vươn tay nâng chiếc cốc vại:
- Nào! chúc mừng thành công rực rỡ của công cuộc viễn du!
Nào! Hãy tri ân bà bủ Sông Thêm hay cằn nhằn nhưng tốt bụng! Chúc mừng ba quí
nhân cùng hội cùng thuyền đã có được hành động thông thái cuối cùng là rời bỏ
con thuyền mục đúng lúc!
Cả con Mon-mo-ran-xi cũng tham gia vào cuộc chạm cốc vĩ đại
của chúng tôi bằng động thái gác hai chân trước lên cửa sổ gửi mấy tiếng gâu
gâu ra đường phố.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét