Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Ba gã cùng thuyền - Jord. J. Clapka (Ch 5 - Ch 9)

Chương Năm

Bà Pa-pi-sơ đánh thức - Dự báo thời tiết - Chuyến phà - Thằng lỏi con bà bán rau - Đám đông tụ tập - Trang trọng tiến vào ga Oa-téc-lô - Đường sắt Đông-Nam - Bơi đi, hỡi con thuyền.

Bà Pa-pi-sơ phải đánh thức chúng tôi vào sáng hôm sau. Bà ta gõ cửa và hỏi:
- Các ngài có biết bây giờ đã gần chín giờ rồi không?
- Chín giờ? - Ngồi ở trên giuờng tôi thốt lên.
- Chín giờ rồi. - Bà chủ nhà đáp qua ổ khóa cửa. - Tôi sợ rằng các ngài đã quá giấc chăng?
Tôi lay Hari nói cho hắn biết việc gì đã xảy ra. Hắn bảo:
- Mi hình như định dậy vào sáu giờ cơ mà?
- Tất nhiên rồi, sao mi không đánh thức ta dậy?
- Làm sao có thể đánh thức mi khi mà mi không đánh thức ta dậy truớc? -Hắn phản bác. - Giờ thì không thể nào đến chỗ hẹn trước mười hai giờ trưa. Thật lạ vì cậu đã lãnh trách nhiệm báo thức đấy nhé!
- May cho nhà ngươi đấy. - tôi cấm cảu. - Nếu ta mà không đánh thức thì mi có thể ngủ thông suốt hai tuần lễ ở đây.
Hai tên vặc nhau chừng mươi phút cho đến khi bị tiếng ngáy của Jord làm gián đoạn. Từ lúc bị đánh thức đến giờ chúng tôi mới nhớ đến sự có mặt của tên này. A ha, đây rồi, chính là tên đã hỏi bao giờ thì phải đánh thức bọn tôi dậy: hắn đang nằm ngửa với cái mồm há to, đầu gối chòi lên dưới lớp chăn.
Không hiểu sao mỗi khi nhìn thấy ai đó còn ngủ trong lúc tôi đã tỉnh táo sẵn sàng cho công việc là tôi muốn nổi cáu ngay. Thật đáng bực với việc mình là người chứng kiến những giờ phút vàng ngọc đang nhanh chóng mất đi không bao giờ còn quay lại, mà một tên đàn ông dùng phung phí cho giấc ngủ của loài heo.
Nhìn tên Jord này mà xem, hắn đang khò như chết, bỏ mặc mọi nghĩa vụ cuộc đời. Đáng ra hắn phải đang tỉnh táo, tràn trề sinh lực ngốn lấy ngốn để món trứng với dăm-bông, chòng ghẹo con Mon-mo-ran-xi hoặc bỡn cợt cô sen thay cho việc nằm há miệng ra ngáy ở đây, trông rất mất tư thế của một đấng trượng phu sức dài vai rộng.
Hành vi không thể nào tha thứ!
Cùng lúc cả tôi lẫn Hari đều nghĩ như vậy, phải tận tình lôi cổ hắn khỏi thảm cảnh. Hai chúng tôi quên cả chuyện cãi cọ, xô đến lôi tuột chiếc chăn hắn ta đang đắp, Hari lấy chiếc dép đập hắn phành phạch còn tôi thì ra sức véo tai.
- Ối, chuyện gì thế? - Hắn ngồi dậy bàng hoàng nửa tỉnh nửa mê.
- Dậy ngay, đồ mặt nạc! - Hari rít lên. - Mười giờ kém mười lăm rồi.
- Sao cơ! - Jord hốt hoảng nhảy vội khỏi giường lôi theo cả chăn gối. - Của nợ gì thế này?
Chúng tôi bảo rằng chỉ có con lừa mới nhảy ra ngoài quên việc truớc đó phải chui ra khỏi chăn.
Ba tên mặc vội quần áo nhưng đến việc tiếp theo mới nhớ ra rằng bàn chải, thuốc đánh răng, lược đều đã đóng gói rồi (tôi đã thừa nhận với các ngài rằng thứ của nợ ấy luôn luôn hành hạ tôi mà), đành phải nghiến răng bới tìm chúng một cách từ tốn nếu không muốn va vào những sự cố phức tạp hơn. Xong việc đánh răng rửa mặt tên Jord mới nhớ ra vừa rồi đã không tìm chiếc bàn cạo râu luôn thể. Tôi và Hari giải thích với hắn rằng hôm nay đành phải cho qua chuyện râu ria đi thôi, chúng tôi sẽ không bao giờ bới móc chiếc xắc da một lần nữa cho vì bất cứ lí do gì hoặc cho một vị Thánh nào.
Jord phản đối ra mặt:
- Bọn bay đừng giở trò khỉ nữa. Làm sao tao có thể xuất hiện ở Xi-ty với bộ dạng như thế này?
Lạy Đức Mẹ đồng trinh, quả thật hắn khó có thể xuất hiện ở Xi-ty trong bộ dạng đó nhưng hai đứa tôi cũng không thích phải lo bò trắng răng, hơn nữa tay Hari với cái thói nói năng chan tương đổ mẻ liền từ chối Jord một cách thẳng thừng với câu nói cụt lủn “Chợ ở Xi-ty không bán thịt người!”.
Cả bọn bắt đầu ăn sáng. Mon-mo-ran-xi mời hai tên bạn cánh hẩu đến chơi, có lẽ để tham dự buổi tiễn đưa. Trong lúc chờ đợi, chúng ngồi gặm cầu thang gỗ để giết thời gian, chúng tôi phải bình định bọn giặc cỏ này với sự trợ giúp của cái cán ô rồi quay sang tấn công vào món giò nghiền và thịt bò nguội.
Hari không được phấn khởi cho lắm :
- Bữa sáng vĩ đại đấy nhỉ!
Rồi hắn bắt đầu với hai khoanh giò nghiền khi nhận thấy rằng không ăn nhanh chúng sẽ nguội đi còn món thịt bò lạnh thì cứ để đấy đã.
Jord cầm tờ báo đọc thành tiếng những thông báo về tai nạn đắm đò và dự báo thời tiết:
“Khí áp tụt, trời trở lạnh, mây thay đổi (mà đó là tin tồi tệ nhất về thời tiết mà người ta có thể thông báo trong mục dự báo thời tiết), một vài nơi có thể có giông, gió đông từ vừa phải tới tương đối mạnh, vùng trung tâm (Luân-đôn và eo biển Măng-xơ) khí áp giảm, khí áp kế tiếp tục tụt”.
Tôi có ý nghĩ rằng trong tất cả những chuyện nhảm nhí, ngốc nghếch làm phiền hà khó chịu cho mọi người ở thế kỉ 19 này phải chăng chính là trò lừa bịp mang tên Dự báo thời tiết. Dự báo cho ngày hôm nay thường là thời tiết của ngày hôm qua hoặc hôm kia nhưng thực ra việc xảy ra ngày hôm nay sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì mà họ tiên đoán.
Tôi còn nhớ một kì nghỉ mùa thu của chúng tôi đã từng bị phí phạm vì tin vào những lời dự báo thời tiết của một tờ báo lá cải địa phưong: “Hôm nay có mưa rào và giông”. Hôm đó là chủ nhật và chúng tôi phải hoãn cuộc pich-nich, ngồi ở nhà đợi mưa suốt ngày.
Trong khi đó nhìn qua cửa sổ xuống dưới đường là hàng đàn hàng lũ các nhóm bạn bè đang vui vẻ diễu qua, mặt trời chói chang và không tìm thấy một nhúm mây nào.
- Rồi, rồi, lúc bọn bay quay về mới thật hay ho! - Chúng tôi bảo nhau khi nhìn họ lũ lượt đi qua dưới cửa sổ.
Cười khoái chí với cảnh cả lũ sẽ quay về ướt như chuột lột chúng tôi rời cửa sổ, quay vào phòng nhóm lò sưởi và giết thời gian bằng cách sắp xếp phân loại đám vỏ sò vỏ hến cùng rong biển. Đến giữa trưa ánh mặt trời rực sáng căn phòng, nóng vã mồ hôi hột, chúng tôi có hơi mất lòng tin vào việc trời sẽ có mưa giông.
- Hãy đợi đấy, mọi chuyện sẽ khởi sự vào đầu buổi chiều. - bọn tôi bảo nhau. - bọn ngốc rồi sẽ vắt ra nước, sẽ là trò khoái con mắt phải biết.
Lúc một gìơ chiều bà chủ nhà nhìn vào phòng và hỏi chúng tôi có định đi dạo không, hôm nay trời thật đẹp.
- Không, không. - Chúng tôi liếc nhìn nhau cười, đồng loạt trả lời.- Bọn này không định đi dạo bà chủ ạ, chả tên nào muốn tắm nước mưa, hôm nay không đi được đâu.
Trời đã ngả chiều mà mưa chưa thấy đâu, chúng tôi vẫn nhủ lòng rằng nó sẽ xẩy ra một cách bất thình lình, đúng vào lúc bọn ngốc kia quay về, kiểu ấy thì bọn chúng sẽ không có chỗ nào mà trú, chuột lột cũng phải chào thua. Nhưng một ngày đã qua, lão trời già không rặn xuống một giọt nào, cả đêm hôm đó vẫn sáng như có trăng rằm!
Sáng hôm sau chúng tôi đọc trong báo thấy “trời nóng, nắng cả ngày”, cả hội liền mặc quần áo mỏng sáng màu ra đường làm cuộc dạo chơi, nhưng mới nửa giờ sau trời đã sụt sùi rồi gió không biết ở đâu chui ra thổi như thụt bễ, mưa trút xuống như thác đổ suốt ngày không lúc nào ngừng. Lũ chúng tôi lập cập quay về, chui vào chăn rồi mà vẫn còn run.
Thời tiết, đó là một hiện tượng nằm ngoài hiểu biết của tôi, chẳng bao giờ biết truớc nó sẽ ra sao. Khí áp kế cũng chẳng giúp gì hơn, chỉ gây nhầm lẫn không kém gì tin dự báo thời tiết của mấy tờ lá cải (tôi đã từng thử nghiệm với cái gọi là khí áp kế của một khách sạn mấy lần và sẵn sàng đánh cuộc với các ngài về điều đó).
Buổi sáng hôm chúng tôi lên đường trời nắng và ấm áp nên tôi không hề ngã lòng với những câu sấm truyền mà tay Jord vừa đọc “Khí áp tụt, trời trở lạnh, mây thay đổi…), chẳng nên bận tâm, mất thời giờ với chúng làm gì. Jord cuỗm điếu thuốc của tôi vừa quấn rồi lỏn ra ngoài.
Tôi với Hari kết thúc những gì còn lại trên bàn rồi mang mọi thứ đồ lề ra bậc thềm đợi xe ngựa đi qua.
Khi khuân đủ các thứ xuống thềm, đống hành lí của chúng tôi khá là vĩ đại. Một chiếc rương to bằng da có quai xách, một xắc nhỏ, hai chiếc làn, một kiện khăn choàng, bốn chiếc bành tô và áo mưa, những chiếc ô, dưa bở để trong một bao tải riêng (nó thực sự kềnh càng, không thể nhồi vào đâu khác), một gói hai cân nho tươi, một chiếc dù Nhật và cái chảo - những thứ nhét vào đâu cũng thòi cán ra ngoài nên phải dùng giấy quấn thành những bọc riêng.
Đống binh lương đồ đạc khá đồ sộ đến nỗi làm tôi và Hari có cảm giác ngượng nghịu thế nào đó, cũng chẳng rõ tại sao. Vẫn chưa thấy một chiếc xe vắng khách nào chạy qua tuy nhiên bọn nhãi đường phố thì đã xuất hiện. Trong thấy bầu đoàn bọn tôi chúng xúm xít lại ngay. Đầu tiên tất nhiên là thằng lỏi nhà Bixơ-mẹ mướp bán hàng rau ở chợ phường. Ông nhãi này có biệt tài thám thính nhanh nhậy hơn tất cả bọn bụi đời lỏi con, con đẻ của nền văn minh đường phố. Nếu như hàng xóm quanh nhà chúng tôi có xẩy ra vụ nghịch tinh quậy phá nào đó thì không còn gì phải nghi ngờ, chắc chắn đã có bàn tay của thằng lỏi trứ danh con bà hàng rau này.
Ông tướng con xuất hiện ở góc phố, có vẻ đang vội vàng chăm chú chuyện gì vào thời điểm đó nhưng khi thấy Hari, tôi và con Mon-mo-ran-xi liền chậm bước lại dán mẳt nhìn. Tôi và Hari cùng đưa cặp mắt răn đe về phía thằng ôn con, trong trường hợp khác đối tác chắc phải chùn ngay nhưng đây là kiệt tác của mẹ mướp Bi-xơ nên nó chẳng tỏ vẻ gì khó xử. Ông nhãi chọn một cục rùa neo bê tông ở cách chỗ bọn này khoảng ba bước làm tọa độ trụ chân. Nó đứng tựa rào, cấu một nhánh cỏ cho vào miệng vừa nhai vừa nhìn ngắm, tỏ ra rằng sẽ đóng vai trò quan sát viên cho đến giờ phút chót.
Vừa lúc đó ở đầu phố đằng kia xuất hiện ông lỏi, con me-xừ bán thực phẩm. Nhãi - hàng rau gọi nó:
- Ê! Đám tầng dưới nhà số 42 chuyển đi nơi khác chúng bay ơi!
Nhãi - thực phẩm chạy như chó cún ngang qua đường tới chiếm vị trí đối diện bên kia bực thềm. Sau đó bên cạnh Bi-xơ xuất hiện me-xừ bán giày, cùng lúc với nhân vật này là anh chàng bán đồ chai lọ nhấp nhỏm ở bên kia hè đường.
- Nhìn kìa, nhìn kìa, bọn họ nghe chừng không sợ chết đói đâu nhỉ.- Me-xừ hàng giày đưa ra cao đàm.
- Liệu chừng cậu không định mang theo chừng ấy thực phẩm hay sao? - Hàng chai phản bác. - Nếu cậu cũng định đi thuyền vượt qua Bắc-băng-dương.
- Ê, chúng bay ơi, hội ba quái nhân chuẩn bị vượt Bắc-băng-dương! - Nhãi hàng rau tham gia ý kiến. - Họ định đi tìm nhà thám hiểm mất tích Xơ-ten-li.
Đến lúc đó thì vây quanh bọn tôi đã là cả một đám đông gồm một phần ba dân số đường phố, họ nhao nhao hỏi nhau xem có việc gì đã xảy ra và hội nghị đường phố chia thành hai viện: Hạ viện gồm đa số là cánh trẻ cho rằng có đám cưới mà Hari là chú rể, Thượng viện gồm các lão nhân và cận lão nhân nghiêng về ý kiến có đám ma mà tôi có thể là em của người quá cố.
Cuối cùng chúng tôi cũng thấy có một chiếc xe không khách đi qua (khi chưa cần đến thì bạn có thể gặp hàng chục chiếc xe đói khách một lúc, bọn chúng làm tắc đường và mời bạn cứ tự nhiên leo qua hàng rào lách theo lối mòn nếu muồn về nhà cho mau!). Hai chúng tôi chất đồ, chất người lên xe một cách khá nhanh nhảu, tống ra khỏi xe hai ba tên cánh hẩu của con Mon-mo-ran-xi. - Lũ này rõ ràng đã thề là không bao giờ xa rời thủ lĩnh - và hối chiếc xe chuyển bánh, tiễn đưa là những tiếng hoan hô của đám dân chúng hân hoan cùng một củ cà rốt của thằng nhãi - hàng rau ném theo với lời chúc mừng “chân cứng đá mềm nhá!”.
Lúc mười một giờ chúng tôi có mặt tại ga Oa-tec-lô, bắt đầu tìm hỏi xem chuyến tàu mười một giờ năm phút đậu ở đường sắt số mấy. Tất nhiên cũng như mọi lần khác ở sân ga, không ai biết tàu nào chạy đi mô, tàu nào từ tê đến và các thông tin mần răng chi rứa khác. Tay xách hàng thuê cho chúng tôi nói là ở đường sắt số hai, có người bảo tàu đó đỗ ở đường số một. Trưởng ga có ý kiến khác hẳn, ông ta bảo tầu đó phải đỗ ở đường ray ngoại biên.
Để nắm bắt tin tức đến tận cùng, chúng tôi tìm gặp trưởng xa vận, ông này cho biết là một phút trước đây có người nói là trông thấy con tàu của chúng tôi đứng ở đường ray số bốn. Một số người khác nói là có người nhìn thấy con tàu đi King-xơ-ton quanh quẩn ở đây nhưng lúc này không biết nó biến đi đâu rồi. Vào phút cuối cùng chúng tôi đành lên tàu hỏa tuyến Đông-nam để ghé qua King-xơ-ton, sau này mới biết rằng con tàu chúng tôi mua vé trước là tàu bưu điện tốc hành, nhưng người ta đã tìm nó ở ga Oa-tec-lo đến mấy giờ đồng hồ mà chẳng hiểu nó biến đi đâu.
Con thuyền chúng tôi đặt thuê đang đợi ở hạ lưu cầu Kin-xơ-ton, chúng tôi đi đến nơi, xếp đủ thứ thúng mủng tùng phèng xuống sạp thuyền rồi cả người cũng sụp xuống theo.
- Sao, các quí ngài, mọi việc ổn cả chứ? - Chủ thuyền hỏi.
- Ổn cả. - bọn tôi hồ hởi.
Hari ngồi ở cọc chèo, tôi bên bánh lái còn con cún gày còm xấu tính Mon-mo-ran-xi ngồi ở mũi thuyền. Thuyền bắt đầu nhổ neo trôi theo dòng nước, trong hai tuần tới đây nó sẽ là nhà của ba tên cùng hội (nếu không kể đến một con chó).

Chương Sáu

Thị trấn Kin-xơ-ton - Bàn luận về lịch sử - Cây sồi và đồ điêu khắc - Cổ kim suy ngẫm - Tôi quên việc mình đang cầm lái - Hậu quả của việc đó - Mê cung Hem-pơ-ton - Hari, người hướng đạo.

Đang là một buổi sáng đẹp tuyệt cú mèo thường gặp vào cuối xuân hoặc đầu hè khi những ngọn cỏ và cành lá xanh non trở nên mòng mọng và rực rỡ, thiên nhiên như một cô nàng chân quê xinh đẹp đầy vẻ dịu dàng quyến rũ.
Làng chài ở mạn dưới Kin-xơ-ton chạy dài ra mép nước sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời sống động. Dòng sông lấp lánh với những con thuyền, bè mảng và xà lan không ngừng qua lại uốn lượn theo bờ sông phủ cây rừng điểm xen những vi-la xinh xắn ở phía bờ đối diện. Hari bừng bừng khí thế trong bộ đồ thể thao xọc vằn màu đỏ và da cam đang hăm hở chèo thuyền, nổi bật lên trên phông nền là khu lâu đài cổ của dòng họ Tiu-đo ẩn hiện xa xa. Toàn cảnh thật sự là hay ho khiến tôi bỗng nổi cơn thi hứng.
Trước mắt tôi đang là thị trấn Kin-xơ-ton hay “Ken-ning-ghen-xtun” như tên người ta gọi nó vào cái thời dòng vua Ăng-gờ-lô Xắc-xông Ken-ning đăng quang. Xê-da vĩ đại đã vượt sông Thêm ở đoạn này và các binh đoàn quân lê dương La Mã đã từng ngả ngốn trên những sườn đồi sườn núi kia. Hoàng đế Xê-da cũng như Nữ Hoàng dòng E-li-da-bet đã từng dừng chân ngủ trọ nhiều lần trong mọi ngóc ngách của địa hạt này. Bà rất thích các tửu quán - Nữ Hoàng xinh đẹp người Ăng-gờ-lâu Xăc-xông này - có lẽ không một tửu điếm nào trong phạm vi mươi cây số quanh Luân-đôn lại không có dấu vết của vị Nữ Hoàng ngồi lại hay đã từng đi qua thăm thú.
Tôi tò mò suy nghĩ: sẽ ra sao nhỉ nếu như Hari của chúng tôi bỗng dưng đổi kiếp, trở thành vĩ nhân như một vị thủ tướng chẳng hạn, sau này khi hắn chết đi chắc sẽ có la liệt những tửu quán với biển hiệu có đề: “Nơi đây Hari đã uống một cốc vôt-ka”; “Ở đây vào mùa hè năm 1888 Hari đã quá vội không kịp uống cạn hai cốc vại Scôt-len ướp lạnh”; “Từ quán này Hari đã xuống thuyền ra đi”…v.v
Chắc là biển hiệu ghi nhớ di tích của Hari sẽ mọc lên như nấm sau những trận mưa rào và thiên hạ sẽ chẳng mấy quan tâm đến chúng, thế nhưng nếu như có quán nào đề “Tửu quán duy nhất ở miền nam Luân-đôn, nơi Hari không uống một ngụm rượu nào!”, thì hẳn là người ta sẽ đổ xô đến ngắm nhìn điều kì diệu đã từng xảy ra dưới thời ngài Hari phệ bụng!
Ở đời này người ta thường thích những gì hiếm hoi hoặc những thứ mà người ta không có. Đàn ông có vợ thấy rằng đáng ra chẳng nên lấy vợ làm gì trong khi bọn chưa vợ than van rằng chúng chẳng có người đàn bà nào để lấy. Các ông bố bà mẹ vặn mũi không đủ đút miệng thường có hàng đàn hàng lũ tàu há mồm gào khóc vì tranh nhau miếng cơm cháy trong khi mấy lão nhà giàu nứt đố đổ vách chui vào áo quan rồi còn chưa nhắm được mắt vì không có ai nối dõi.
Cũng xảy ra tương tự với các cô gái có nhiều đấng mày râu săn đón, các nàng chẳng muốn nhìn mặt đám đàn ông quị lụy quanh mình chút nào, các nàng nghĩ sao bọn này không đến mà ve vãn cô Bi, chị Lọ, những người đàn bà hơi kém nhan sắc và đã sang đầu ba đầu bốn mà vẫn chưa có ma nào đến chạm ngõ, các nàng tuyên bố với những chàng theo đuổi mình là sẽ không bao giờ lấy chồng!
Hồi còn học ở trường, lớp tôi có một đứa con nhà giàu, bố mẹ và bản thân nó đều muốn nó muốn trở thành đứa học sinh giỏi giang nhưng một tuần cu cậu ốm đến vài lần, vào mùa hè cậu chàng có thể dễ dàng lây ai đó thứ bệnh mà chỉ mùa đông mới dễ mắc phải, vào mùa đông thì ngược lại: sẵn sàng lây thứ bệnh mùa hè của một thằng cu nào đó ở cách xa hắn đến vài xã. Còn chúng tôi thì sao? Chúng tôi chỉ mong có một lần bị ngứa cổ hay mẩn da để được nằm ườn ở nhà không phải đến trường lấy một ngày trong cả học kì. Bọn này thò thụt chơi ở chỗ gió lùa, nhưng chẳng đứa nào bị ốm, chúng tôi ăn bậy ăn bạ mà chẳng bao giờ đau bụng mà hình như càng được tôi luyện để ăn khỏe ngủ khỏe hơn mà thôi.
Chẳng ai có thể làm gì khác được. Cuộc đời như vậy đấy, nhân sinh trên thế gian chỉ là những cọng cỏ bị ngọn gió đời đùa cợt tùy hứng vặn bẻ mà thôi!
Rất nhiều những tòa nhà cổ xưa trưng bày vẻ đẹp của thời mà Kin-xơ-ton là lâu đài trụ sở của Hoàng gia. Thời đó, bên cạnh Nữ hoàng là các vương công quyền quí, là tiếng vó ngựa và giáp sắt của chiến binh tuần tra, là nhung lụa và vẻ quí phái yêu kiều của các công nương, mệnh phụ. Lâu dài to rộng với những cửa sổ gỗ sồi chạm khắc, những lò sưởi khổng lồ với những chóp mái nhọn nhô ra khắp phía.
Tôi thấy cần phải bày tỏ rằng cha ông chúng ta đã có những tri thức thật đáng nể về vẻ đẹp và sự tài tình khéo léo. Vì lẽ tất cả những kho tàng nghệ thuật mà chúng ta trân quí hôm nay đều là di sản của thời các vị cao tằng tổ tỷ ngày xưa, có điều tôi cũng không hiểu là những chiếc đồ sứ cổ, những chén tống, lộc bình, chai lọ ngày nay chúng ta trưng bày trân trọng liệu có được các cụ tổ coi là đẹp đẽ và có giá trị như chúng ta đang nghĩ hay không. Rất có thể những chiếc đĩa cũ có quầng hào quang màu xanh ngọc chúng ta bày quanh tường các khách sạn với tư cách là vật trang trí hiếm hoi độc đáo một vài trăm năm trước đây chỉ là những đồ dùng bình thường trong một khu nhà bếp xoàng xĩnh. Chàng mục đồng màu hồng cùng với cô nàng chăn gia súc màu xanh mà chúng ta tự hào đem ra khoe với bạn bè khách khứa để đón nhận những lời chiêm ngưỡng đầy ghen tị, ngày xửa ngày xưa đã từng là đồ vật của một bà bủ nào đó đưa ra cho đứa bé nằm nôi lấm lem mút mát để nó khỏi khóc ré lên.
Thế còn về đời sau thì sao nhỉ? Chẳng lẽ mọi thứ đồ tầm tầm chúng ta đang dùng bây giờ sẽ được đánh giá như những kho tàng quí hóa? Chẳng lẽ vào năm hai nghìn bao nhiêu nào đó người ta sẽ xúm đông xúm đỏ quanh chiếc đĩa sành có hoa văn xanh với những vòng lá liễu tết bện mà tôi với Hari dùng để chén bữa trưa?
Tôi lấy một ví dụ cỏn con như sau: Con chó sứ đang bày trong phòng ngủ của tôi chẳng hạn. Đó là một con chó trắng, mắt màu xanh da trời. Mũi nó màu đỏ có những đốm đen, cổ thì vươn ra dài ngoẵng, mõm với tai trông rất ngố. Chẳng bao giờ tôi thấy thích thú khi ngắm nhìn nó, ngay cả bà chủ nhà cũng không mấy khi chạm giẻ vào con vật bằng sứ tội nghiệp này mỗi khi bà ta lau chùi đồ đạc. Nhưng độ hai trăm năm sau, vào năm 2088 chẳng hạn, khi người ta đào bới đất đai làm chuyện gì đó có thể sẽ tìm thấy chính con chó này thiếu một cẳng và cụt mất đuôi. Nó sẽ được đưa vào viện bảo tàng như một di tích quí giá của đồ sứ cổ rồi dòng người từ khắp nơi sẽ kéo đến chiêm ngưỡng ngợi khen sự phối màu của cái mũi ngố và khối học giả hói đầu sẽ tranh biện về chuyện cái đuôi của con chó theo lo-gic của người nghệ nhân cổ xưa phải có hình thù và mầu sắc ra sao. Biết đâu con cháu chúng ta lại không gọi thời đại chúng ta là Thế kỉ mười chín của nền điêu khắc vĩ đại và là những nghệ nhân lịch sử của thời đại Chó Đồ Gốm!
Đến thời điểm này thì Hari làm gián đoạn suy tưởng của tôi: hắn quăng mái chèo, rời khỏi ghế nằm ngửa ra thuyền vung chân đập tay. Con Mon-mo-ran-xi rít lên như còi, nhào lộn, còn phần trên của chiếc làn bự thì nhảy văng ra ngoài hất tung tóe mọi thứ chứa đựng ở bên trong.
Tôi hơi bị bất thần nhưng không thấy tức giận chỉ hỏi hắn :
- Ê, chuyện gì vậy?
- Còn việc gì à? Mày…
Nhưng tôi không dám nhắc lại ngôn ngữ của tên Hari dùng trong lúc này. Cũng có thể do tôi đáng bị hắn rủa xả nhưng nói chung không nên miêu tả ngôn từ cũng như cử chỉ của một tên có căn cơ học vấn như trình độ của tay Hari trong lúc hắn ta cáu kỉnh. Trong lúc mải mê nghĩ ngợi tôi đã quên mất vai trò cầm lái của mình, kết quả là con thuyền đã cắt chéo lạch hàng và đâm vào lối mòn của người đi bộ trên bờ sông. Do bị các nhành liễu rậm rạp che phủ trong phút giây đầu tiên tôi không thể nào hiểu được đâu là dòng chính của con sông Thêm, đâu là bờ sông ngoắt nghoéo của nó nhưng cuối cùng cũng xác định được vị trí hiện tại của con thuyền.
Lúc đó Hari tuyên bố với hắn thế là đủ rồi, rằng hắn đã lao động đến phờ râu trê và bây giờ đến lượt tôi. Vì lẽ đã đâm thuyền vào bờ nên tôi lội xuống nắm sợi dây thừng kéo con thuyền qua lâu dài Kem-tơn Kort. Đáng khâm phục biết bao bức tường của tòa lâu đài cổ xưa đang chạy dài theo bờ sông! Mỗi lần có dịp qua đây tôi đều phải ngẩn người trầm trồ thán phục. Nếu bàn tay tôi biết cầm cây bút vẽ cho đúng chiều chắc chắn tôi sẽ tốn khá nhiều mực màu và vải lụa vì bức tường rêu phong này. Tôi thường nghĩ họ thật sướng biết bao, những người được sống trong lâu đài này. Nơi đây tràn đầy bình yên thanh nhã, khoan khoái mê li nếu vào lúc bình minh ta được quyền đi lang thang qua những con đường ngóc ngách ở bên trong lâu đài kia khi mọi người còn đang yên giấc.
Tuy nhiên xét đến cùng thì chưa chắc tôi đã thực sự mong được sống ở đây. Có lẽ trong lâu đài Kem-tơn Kort sẽ rất tĩnh mịch và buồn tẻ vào buổi chiều hôm khi những ngọn đèn chiếu sáng lập lòe các mảng tường gỗ cổ, còn ở mấy góc xa tối tăm có tiếng chân ai lúc bước lúc dừng, sau đấy là sự im lặng của mộ địa mà bạn chỉ còn nghe thấy tiếng tim mình thảng thốt.
Chúng ta - tôi và các vị - là con cái của mặt trời. Chúng ta yêu ánh sáng và cuộc sống, đó là lí do vì sao ta chen chúc nhau ở thành phố trong khi nhà quê cứ mỗi ngày một thưa đi. Ban ngày khi mặt trời rót lửa vào gáy, khi quanh ta là các kiểu loạn xì ngầu ồn ào nhốn nháo của cuộc sống đô thành, chúng ta thèm muốn một khu đồng cỏ với những gốc sồi già rậm bóng. Nhưng trong màn đêm ảm đạm, khi bà mẹ Tối Trời ngự trị, khi xung quanh là quạnh hiu và bóng đêm, đám dân chúng thị thành sẽ nhút nhát như những đứa trẻ bị cha mẹ để quên trong căn nhà hoang, có vị sẽ nức nở trong cổ họng, sẽ hốt hoảng với mỗi tiếng lá rơi và nhìn con mèo hoang thành Ma Mèo hiện hình. Thôi tốt hơn là tôi và các vị cứ chen chúc nhau ngửi bụi và mùi thơm tho của các cống ngầm nhưng có được ánh sáng của đèn đường, có các vòi hơi ga để có thể cùng nhau thét lác, nói phét, đồng ca ở quán bia và không ai bị ai đánh thuế, khi tự nghĩ rằng mình là những anh hùng.
Hari hỏi tôi đã bao giờ vào mê cung Kem-tơn Kort chưa. Hắn bảo một lần đã ghé vào để dẫn đường cho một người họ hàng. Tôi đã được nghe kể về kì tích của hắn trong lần đó như sau: Hari đã nghiên cứu bản đồ tường tận và thấy rằng mê cung này thật đơn giản đến tức cười, thậm chí tiếc việc phải trả hai xu tiền vào cửa. Theo ý kiến của hắn thì hình như người ta đã cố tình bố trí mặt bằng chỉ để trêu mấy anh ngố mà thôi chứ nó chẳng có gì phức tạp như các mê cung khác. Lần ấy hắn dẫn ông anh cọc chèo ở quê vào tham quan. Hắn giải thích với ông anh:
- Cái trò mê cung vớ vẩn này chẳng đáng giá một quả trứng lộn gặm dở nhưng chúng ta cứ ghé vào để anh có thể nói là đã từng biết mê cung là thế nào. Nói đúng ra đó không phải là mê cung, chỉ có cái tên cho oai vậy thôi. Chỉ cần ở mỗi chỗ ngoặt cứ quẹo phải là xong - chỉ có thế thôi. Chúng ta qua đó chừng mưòi phút rồi tìm chỗ chén.
Khi hai anh em vào đó họ gặp một toán ngưòi, những người này cho biết họ đã quanh quẩn đi lạc trong đó hàng tiếng đồng hồ và chán đến tận cổ trò chơi này rồi. Hari bảo với họ rằng mình chỉ ghé vào chừng mươi phút, đi qua nó rồi lại ra ngay. Đám đông phục anh chàng sát đất vội vàng đi theo sau hắn như bày ngỗng chạy theo con đầu đàn. Trên đường đi họ kết nạp thêm những người khác đã lang thang quá lâu trong mê cung và đang khao khát tìm được đường ra ngoài, cuối cùng thì tất cả những người có mặt trong mê cung lúc đó đã nhập hết vào đoàn của hướng đạo viên trưởng Hari. Đang lúc tuyệt vọng, trông thấy vẻ tự tin và khí thế của người dẫn đường, đoàn người đã lấy lại được tinh thần, theo như Hari đánh giá một cách khiêm tốn thì chí ít cũng phải đến gần ba chục nhân mạng trông cậy vào y lúc đó, có một chị phụ nữ bế đứa bé trên tay đi rạc cẳng trong mê cung từ sáng đến giờ sợ bị lạc mất hướng đạo viên trưởng cứ bám chặt lấy khuỷu tay của hắn.
Hari đã thực hiện đúng kế hoạch là rẽ phải tại mỗi chỗ có ngã rẽ nhưng vẫn chưa thấy đoạn cuối con đường xuất hiện, ông anh cọc chèo phát biểu rằng mê cung này rộng quá sức tưởng tượng.
- Một trong những mê cung rộng nhất của châu Âu. - Hari khẳng định.
- Có thể là thế. - ông anh rể nói, - Vì tụi mình đã đi qua đoạn đường đến hai cây số.
Bản thân Hari cũng thấy công chuyện không được suôn sẻ lắm nhưng hắn vẫn tiếp tục đi, kiên trì giữ đường lối rẽ phải tại mỗi chỗ ngoặt cho đến khi đoàn diễu hành nhìn thấy một miếng bánh qui trên mặt đất và ông anh rể thề rằng đã trông thấy miếng bánh này cách đấy bảy phút.
- Không thể thế được!
Nhưng chị phụ nữ bế con la lên:
- Sao lại không thể được!- Chính chị ta đã lấy miếng bánh này khỏi tay đứa bé và quẳng đi không lâu trước khi găp Hari. Chị ta hối hận vì đã tin Hari và gọi hắn là kẻ lừa gạt thô bỉ. Điều đó làm tổn thương sâu sắc đến tính tự ái của anh chàng, hắn đành dừng lại trình bày kế hoạch và luận thuyết của mình cho mọi người nghe.
- Kế hoạch có lẽ cũng giúp đỡ ta được ít nhiều, - có ai đó nói. - nếu như ta biết được một cách gần đúng ta đang ở vào chỗ nào của mê cung.
Điều đó Hari không mường tượng được nên đề nghị đi ngược lại chỗ cửa vào để đi lại từ đầu.
Đề nghị không được hưởng ứng cho lắm nhưng chẳng còn cách nào hay hơn nên đoàn rồng rắn lên mây cũng đành theo đuôi Hari quay lại chỗ gặp nhau đầu tiên. Mười phút trôi qua và họ lại ở vào trung tâm của mê cung. Đầu tiên Hari định nói là hắn cố tình tìm đến đây nhưng nhìn vẻ bực tức của cánh đàn ông hắn đành phải nói hết tình hình thực tế. Ít nhất thì giờ đây cũng biết rõ được mình đang ở đâu, cả đoàn dừng lại xem xét kế hoạch rồi tiến hành cuộc vượt mê cung lần thứ ba.
Ba phút sau họ lại ở vào trung tâm mê cung, giờ thì đoàn người không thể nào đi xa ra ngoài khu vực này. Dù chọn hướng nào đi nữa con đường rắc rối cũng dẫn họ trở lại trung tâm, việc này lặp đi lặp lại nhiều lần nên một số người không thèm đi nữa, họ đứng tại chỗ chờ khi đoàn lữ hành quay lại chỗ mình và Hari thấy rằng lúc này đoàn quân coi hắn còn tồi tệ hơn một viên tướng đã bán đứng quân sĩ.
Cuối cùng mọi người nghĩ đến chuyện cầu cứu nhân viên của mê cung. Người gác cửa nghe thấy tiếng gọi liền leo lên cao từ phía ngoài mê cung hướng dẫn đường đi cho họ nhưng đầu óc của đoàn quân khốn khổ đã mụ mẫm đến nỗi không sao làm theo đúng được lời chỉ dẫn. Người gác cổng thấy vậy liền quát gọi hãy đứng yên tại chỗ đợi khi anh ta đến chỗ họ. Toán người dồn lại thành một cục còn viên gác cổng tụt xuống thang đi vào trong mê cung.
Khốn thay anh ta hóa ra là nhân viên mới, nên khi vào bên trong chính anh chàng cũng bị lạc. Mọi người có thể thấy vị cứu tinh lúc ở chỗ này lúc chỗ nọ thấp thoáng qua đám cành lá của bờ rào ngăn đường, anh ta cũng nhìn thấy họ và cố gắng tìm đến nhưng mấy phút sau mọi người thấy anh chàng lại hiện ra đúng ở chỗ cũ.
Đoàn người tham quan đành phải chờ đến hết giờ ăn trưa, khi đó mới có một nhân viên lão thành của mê cung vào trong đón họ ra ngoài. Hari thừa nhận đây là một mê cung hết sức rối rắm và hai đứa chúng tôi dự định trên đường về sẽ dẫn Jord vào trong cho hắn được nếm mùi.

Chương Bảy

Sông Thêm ngày chúa nhựt - Màu quần sắc áo Luân-đôn - Phục trang của các thành viên - Các quý cô trong buổi pich-nich - Tay chèo thanh lịch - Nơi mộ địa - Hari nổi cáu.

Hari kể cho tôi nghe những gì hắn biết về mê cung cho đến khi con thuyền tới âu thuyền Mau-xay. Sẽ mất vô khối thời gian đợi chờ vì âu thuyền này rộng mà chỉ có một con thuyền nhỏ của bọn tôi. Tôi không nhớ đã có bao giờ tới âu thuyền này một mình như hôm nay hay không, chỉ biết đây là âu thuyền sôi động nhất trên sông Thêm, kể cả so với âu Boi-tơ.
Không ít lần tôi đã qua âu thuyền khi không thể nào nhìn thấy được nước trong âu: thay cho mặt nước là tấm thảm sặc sỡ của các loại áo bu-dông, áo thể thao, các loại ô dù đủ mọi màu, phất phới áo choàng, áo khoác, váy trắng váy đen. Đứng trên bờ âu nhìn xuống có thể nghĩ rằng đây là chiếc hòm khổng lồ mà Chúa trời đang pha màu trong ngày tạo ra trái đất.
Vào những ngày chủ nhật đẹp trời thì bức tranh này quí vị có thể nhìn thấy từ sáng đến tối. Sông Thêm mở ra khả năng vô hạn để mọi cư dân phô truơng đủ loại phục trang có ở trên đời. Cánh đàn ông chúng ta có dịp để trình diễn năng khiếu chọn lựa sắc màu của mỗi người. Ví dụ như tôi, rất khoái trí khi mặc bộ áo khoác đỏ đen kết hợp. Cần phải nói để các vị biết rằng tóc tôi màu vàng, người ta khen là đẹp nên màu đen-đỏ tôi cho là hòa hợp, tôi bổ xung cho toàn cảnh bằng chiếc ca-vát xanh lam, giày màu mận chín với chiếc khăn phô-la bằng lụa đỏ quấn quanh eo lưng - một chiếc khăn quàng quanh eo trông hay ho hơn nhiều so với một chiếc thắt lưng bình thường.
Hari khoái những gam màu khác nhau và thứ hỗn hống của màu da cam với màu vàng, tuy nhiên màu vàng rất khó coi đối với nước da của hắn. Nếu tôi là hắn hẳn tôi sẽ trang bị thêm chiếc khăn phô-la xanh có điểm thêm thứ gì đó màu trắng hoặc màu kem sữa. Nhưng có Chúa chứng giám, con người ta càng dùng ít màu sắc thì càng cứng đầu cứng cổ giữ nguyên thứ màu đó, tôi rất tiếc rằng hắn không có ai nâng khăn xẻ túi cho, vì lẽ trong thiên nhiên còn một vài màu sắc khác có thể giúp hắn nâng cấp vẻ ngoài một cách hữu hiệu, tỷ dụ như lúc này nếu hắn ấn chiếc mũ vành sâu xuống tí nữa thì trông cũng khí thế ra phết!
Giành riêng cho chuyến đi này Jord đã đặc biệt mua thêm những bộ đồ mới toe, nhưng tôi rất muốn nổi cáu với sự lựa chọn của hắn. Chiếc bu-dông thể thao của tên này thực sự là hoa hoét, tôi không muốn hắn biết tôi nghĩ như thế nhưng quả thực chả còn cách diễn đạt nào khác. Vào chiều hôm thứ tư hắn mang chiếc áo về khoe. Chúng tôi hỏi đây là màu gì, hắn bảo hắn không biết. Người bán hàng nói với hắn rằng đó là những họa tiết phương đông. Jord mặc chiếc áo mới mua hỏi chúng tôi có ưng ý không. Hari nói rất sẵn sàng ban phát lời khen, nếu như vào đầu xuân treo nó ra hàng rào để đuổi bọn quạ, còn nói thêm rằng có lẽ người bán hàng rút nhầm nên đã gói cho hắn chiếc áo của thằng hề rạp xiếc.
Jord ta rất tức tối nhưng Hari tỉnh khô bảo rằng nếu hắn không muốn nghe ý kiến cởi mở của người khác thì mở cuộc trưng cầu dân ý làm chi?
Tôi và Hari quan tâm đến vấn đề này hơi nhiều vì lẽ chiếc bu-dông của Jord hẳn sẽ làm cho bàn dân thiên hạ phải quan chiêm đến con thuyền của bọn này.
Trang phục của các bà các cô ở trên thuyền cũng không xoàng chút nào.
Nghĩ rằng không còn gì đã mắt hơn khi ngắm nhìn trang phục của đám chiếm hơn nửa thế giới này khi ở trên thuyền. Nhưng theo tôi “trang phục đi thuyền” là loại quần áo để mặc khi ngồi trên một con thuyền - mong các quí bà quí cô hiểu tôi cho đúng - quyết không phải loại quần áo mặc khi ngồi trong nhà kính.
Nếu quí vị đưa theo thuyền của mình những nhân vật chỉ chuyên tâm đến việc ăn mặc điểm trang hơn là việc đi chơi thì không còn gì phải nghi ngờ rằng mọi hứng khởi của cuộc dạo chơi sẽ đi đời nhà ma. Một lần tôi đã có dịp được đi chơi thuyền với hai tiểu thư như vậy và kết cục vui vẻ ra sao xin mời các vị nghe phần dưới đây và cho lời phân xử:
Hai nàng diện ngất trời, lụa là, đăng ten, băng dải, găng tay mỏng như không có, măng-set mĩ miều và hoa cài khắp chỗ. Họ mặc để chụp ảnh chứ không phải để đi pich-nich. Của đáng tội, họ mặc theo đúng mô-đen đi thuyền của các tiểu thư Pa-ri chính hiệu. Nhưng với thói quen của dân Ăng-gờ-lê Xăc-xông tôi không sao hiểu nổi những bộ quần áo như vậy sẽ va chạm với đất đai, không khí và nước nôi trần tục như thế nào?!
Khởi đầu bằng việc họ cảm thấy con thuyền không được sạch sẽ cho lắm. Chúng tôi đã lau chùi thật kĩ càng chiếc ghế dài và cam đoan rằng thuyền rất sạch nhưng vẻ nghi ngờ vẫn còn đó. Một trong hai nàng đưa ngón tay đi găng trắng quệt vào chỗ ngồi rồi trưng bày kết quả khảo sát cho bạn gái. Hai nàng thở dài rồi đành ngồi xuống chiếc ghế, như các tội đồ ngồi trên đống củi của dàn hỏa thiêu trong thời sơ khai Thiên chúa giáo.
Việc chèo thuyền dù cố gắng cách nào cũng khó tránh được có những giọt nước văng ra, nhưng lúc đó chúng tôi mới biết rằng một giọt nước có thể để lại dấu vết vĩnh hằng và làm tiêu đời bộ cánh của một mỹ nhân.
Tôi chèo ở đằng lái và đã cố gắng chèo một cách thận trọng mang tính viễn tưởng: ghì mái chèo vào sát mạn thuyền, sau mỗi nhát chèo lại dừng đợi cho nước chảy xuôi hết xuống sông mới tiếp tục nhát chèo tiếp theo và đặt nó xuống nước nhẹ nhàng đến mức mấy con gọng vó bơi theo không thèm né tránh. Anh bạn tôi chèo ở đằng mũi sau mấy nhịp đã buông xuống nói rằng không thể nào có đủ nghệ thuật chèo thuyền, để có thể làm thành một cặp chèo cỡ thần tiên như tôi, nên đành xin một suất khiêm tốn ngồi ngắm và học tập cách thức tôi đưa đẩy.
Nhưng mọi nỗ lực của tôi vẫn không đủ để tránh khỏi sơ suất nên một vài giọt nước vẫn cứ rớt vào áo các cô nàng. Hai tiểu thư không trách cứ, nhưng họ ngồi nép vào nhau như những con gián tội nghiệp và môi thì mím chặt, họ giật tanh tách và ngọ nguậy như con sâu đông-tây-nam-bắc mỗi khi có những giọt nước tóe lên từ mái chèo. Khi nhìn thấy các tiểu thư xinh đẹp phải chịu đựng sự hành xác một cách can đảm như vậy tôi bỗng nẩy sinh lòng kính phục. Bản chất tôi vốn nhậy cảm, do hồi hộp nên các nhát chèo bỗng trở nên cứng nhắc và đôi khi nhảy cẫng lên trên mặt nước, và hậu quả là càng cố gắng bao nhiêu nước từ mái chèo càng bắn lên tung tóe bấy nhiêu.
Cuối cùng đành phải đầu hàng. Tôi xin chuyển lên chèo đằng mũi. Anh bạn tôi bằng lòng cho rằng có lẽ như vậy sẽ tốt hơn khi cả hai đổi chỗ cho nhau. Hai cô gái không nén được tiếng thở dài nhẹ nhõm khi thấy tôi chuyển ra vị trí xa hơn, thậm chí còn trở nên hoạt bát. Thật khốn khổ! Giả dụ họ chấp nhận tôi lại hóa hay! Bây giờ ở vị trí cũ của tôi là một anh chàng vô tâm, thẳng tuột ruột ngựa, mặt bọc da tê giác, cảm giác biết lỗi với người khác của hắn chắc chỉ lớn hơn hạt vừng!
Quí vị có thể nghiêm nghị nhìn chằm chằm vào hắn hàng mươi mười lăm phút, hắn cũng chẳng lưu tâm mà giả dụ có thấy thì hắn cũng chẳng biết ngượng nghịu luống cuống là gì. Hắn bắt đầu vung mái chèo quên chết, tạo thành vòi rồng trên mặt nước sông và con thuyền, khiến hai tiểu thư vội vàng co cụm lại trong một tư thế khó tả. Mỗi lần tóe nước vào áo hai cô, tay chèo mẫu mực lại hì hì nói lời xin lỗi và đưa khăn mùi-xoa của hắn cho hai cô thấm nước.
- Xin anh cứ tự nhiên, không phải lo gì đâu!
Hai nàng khốn khổ cố gắng khẽ đáp lời, họ xoay tư thế, rụt cổ né vai, cố dùng chiếc ô để che chắn các tia nước bắn.
Hai nữ khách còn phải chịu nhiều khổ sở trong lúc cả hội ngồi ăn sáng. Hai tiểu thư được mời ngồi lên thảm cỏ nhưng đám cỏ quá là bụi đối với hai cô nường, còn thân cây mà chúng tôi mời họ tựa lưng thì không ai biết được có bao nhiêu gió trời đã thổi qua đây từ ngày chúng được nhát chổi quét qua lần cuối! Họ đành trải khăn mùi xoa lên cỏ để ngồi xuống đó.
Một tên trong bọn tôi bưng chiếc đĩa đựng thịt và bánh nướng chợt vấp phải rễ cây làm các chiếc bánh văng tứ tóe, may là không có chiếc nào rớt vào người hai tiểu thư, nhưng dù sao cũng báo hiệu về một nguy hiểm mới và họ lại tiếp tục cảnh giác. Sau vụ việc nếu có ai trong chúng tôi đứng lên, cầm trên tay chén đĩa gì có thể gây hiểm họa là cả hai lại dõi mắt theo lo lắng, cho đến khi mối nguy đã ngồi yên vị mới thôi.
- Nào, các bạn gái. - anh bạn vui tính của tôi nói khi bữa sáng đã xong. - Bây giờ chúng ta rửa chén đĩa đi nhỉ!
Thoạt kì thủy hai tiểu thư không hiểu hắn nói gì, đến khi hiểu ra sự việc họ nói rằng cả hai làm việc đó chắc là rất vụng vì chưa hề có khái niệm gì.
- Ồ, tôi sẽ chỉ cho các cô thấy ngay, - tay bạn tôi nói rất vô tâm hồn nhiên. - dễ như trở bàn tay ấy mà! Cần phải nằm rạp, à tôi định nói là cúi người xuống bờ sông và xúc tráng chén bát trong nước sông.
Cô lớn hơn trong hai nàng nói rằng để làm việc đó phải có quần áo thích hợp và rất lấy làm tiếc…
- Không sao, không sao đâu, áo ấy cũng được mà. - Anh bạn tôi đáp hết sức vô tư. - Chỉ cần vén gấu lên tí chút thôi!
Và anh chàng cứ đưa ra lời chỉ dẫn để hai nàng luống cuống thực hiện theo. Hắn bô bô rằng việc này là thú vị nhất trong một buổi pich-nich. Hai tiểu thư cũng đỏ mặt thừa nhận rằng công việc thật là thú vị.
Giờ đây khi nhớ lại vụ việc tôi đâm ra ngờ vực: thực chất thì tay bạn tôi có phải là thằng cha mặt thịt vô tư dốt nát như hắn đã thể hiện? Nếu như đó chỉ là… Không, không thể được, vì lẽ mặt hắn lúc đó trông thực sự hồn nhiên chất phác như đúa trẻ ngây ngô mới lớn!
* * *
Hari muốn ghé vào bờ ở tu viện Hemp-ton để xem lăng mộ của cô To-mac.
- Thế cái cô To-mac là ai nhỉ? - Tôi hỏi để biết.
- Sao mà tớ biết được! - Hari đáp. - Đó là người phụ nữ có ngôi mộ được nhiều người biết nên tớ cũng muốn đến xem.
Tôi phản đối. Có lẽ tính nết tôi có đôi chút dở người nhưng quả thực tôi chả ham thăm xem các loại mồ mả một chút nào. Tôi biết rằng khi du khách tới thăm một thành phố hoặc miền quê nào đó người ta thường ba chân bốn cẳng chạy tới nghĩa địa để tận mắt xem các lăng mộ, nhưng tôi không có khả năng tiêu khiển thời gian kiểu ấy. Tôi không có chút hứng thú nào với việc kéo bè đoàn đi theo một tay nào đó quanh các khu nghĩa địa hay lăng mộ phủ đầy rêu để sờ đọc những tấm văn bia.
Một lần vào buổi sáng đẹp trời ấm áp tôi đứng tựa lưng vào bờ đá làm thành bức tường rào của một nhà thờ nhỏ miền quê, rít thuốc và tận hưởng cảm giác khoan khoái mát lành của thiên nhiên, đưa mắt ngắm nhìn bức tranh thanh bình đẹp tuyệt: Ngôi nhà thờ nhỏ cổ kính phủ những dải trường xuân mượt mà với cánh cửa tiền bằng gỗ sồi chạm khắc, con đường uốn như dải lụa trắng quanh khu gò có hai hàng cây du sóng theo hai bên, những ngôi nhà mái rạ ló ra sau dãy tường rào xén tỉa ngăn nắp, nhìn con suối bạc lấp lánh dưới thung lũng và núi đồi phủ cây xanh ngát mắt chạy dài tận tới chân trời.
Thật là một khung cảnh tuyệt vời. Rất mộng và rất thơ. Nó làm cho con người cảm thấy mình như trở nên tốt lành hơn, muốn tránh xa điều xấu và cái ác, muốn thực hiện điều gì đó hay ho cho những người ruột thịt và bà con họ hàng, thật là những giây phút thần tiên bay bổng. Nhưng đúng vào phút đó một giọng nói the thé chói tai làm tôi rơi phịch xuống nền đất mộ:
- Quí ngài! Quí ngài! Xin một phút, quí ngài!
Tôi ngoái cổ nhìn lại thấy một ông già đầu hói bé nhỏ đang chạy vội chạy vàng băng qua các ngôi mộ đễn chỗ mình đứng, vừa chạy lão vừa rít lên the thé:
- Tôi tới đây, tới đây, thưa quí ngài! Tôi bị thọt mà, ngài thấy không. Tuổi già đâu phải niềm vui, xin ngài quá bộ lại đây. Mời ngài, xin mời ngài!
- Đi chỗ khác đi, bố già! - Tôi làu bàu.
- Tôi tới ngay đây mà, không uổng công ngài đâu. Mời đại nhân đi theo tôi!
- Đi chỗ khác. - Tôi lặp lại hết sức cương quyết. - Để cho ta yên, nếu không ta nhảy qua tường cho lão một trận đấy.
Lão già dừng lại.
- Ngài không muốn xem các di tích ạ? - Lão hỏi
- Không. - tôi đáp. - Ta chỉ muốn đứng yên một mình ở cạnh bức tường này, lão đi chỗ khác đi, nếu lão tiếp tục quấy rầy, ta sẽ cho linh hồn lão sớm về thế giới bên kia cùng với các di tích của lão.
Lão già hói bối rối trong khoảng khắc, lão trố mắt nhìn rất lấy làm kinh ngạc nhưng thấy tôi vẫn đủ hai chân hai tay và có đầu như mọi người khác. Lão hỏi :
- Ngài ở nơi khác đến đây? Ngài không phải người ở đây à?
- Không, - tôi đáp. - Nếu ta mà ở đây thì lão đã không còn sống đến giờ đâu.
- Thế có nghĩa là ngài muốn xem các di tích, lăng mộ ấy mà, ngài có hiểu không? Quan quách, di hài…
- Lão là tên đại bịp! - Tôi phát cáu. - Ta không muốn xem di tích chi hết, ta cần gì đến các thứ ấy. Gia đình ta đã có vô khối các di tích. Mộ bác Polin ở nghĩa trang Ken-xen Grin là niềm tự hào cho những người ở đấy. Phần mộ của ông nội ta ở Bay có đủ chỗ đứng cho mười tên bịp như lão, còn ở Phần Lan mộ bà ngoại ta đã làm thiên hạ tròn mắt, nếu ta muốn ngắm nghía các mộ phần thì chỉ đến những nơi đó là quá đủ, tuy nhiên ta sẵn lòng đến nhòm phần mộ của lão, nếu lão chịu khó chết sớm để không bao giờ còn đến quấy rầy ta như hôm nay.
Tay hói già đáng ghét vẫn cứ bám theo lải nhải về văn bia chưa ai đọc được, về di thể hóa thạch, cuối cùng hắn tiến đến sát tôi thì thầm:
- Ở quan tài trong tu viện tôi có hai chiếc sọ người, ngài có muốn xem không. Ngài đang nghỉ hè mà, phải tìm thứ gì độc đáo tiêu khiển tí chút đi chứ. Tôi sẽ cho ngài xem ngay.
Đến đây thì tôi đành co giò tháo chạy mà mãi vẫn còn nghe tiếng lão ở phía sau :
- Quay lại đi quí ngài, chiếc hộp sọ hay lắm cơ!...
Nhưng tay Hari lại khoái những thứ đó. Hắn nói hắn đã mơ ước được tới xem lăng mộ cô To-mac ngay từ giờ phút đầu khi bàn tính đến chuyến đi này. Tôi cố thuyết phục hắn rằng còn phải đón Jord ở Sep-pe-tơn vào lúc năm giờ, thế là hắn quay sang nhiếc móc tên Jord.
- Quỉ tha ma bắt thằng cha ấy đi, hắn làm cái quái gì ở đấy cả ngày để mình phải lôi ngược lôi xuôi con thuyền thổ tả này theo những khúc ruột lợn thối của con sông Thêm quái quỉ, chỉ cốt để đón nó ở chỗ nào đó?! Sao hắn không chịu góp công góp sức cùng kéo thuyền với bọn mình? Tớ cầu cho cái nhà băng của nó rỉ hết các loại két sắt đi! Mà hắn sủa gâu gâu gì ở nhà băng ấy nhỉ?
- Bao nhiêu lần tớ đã ghé vào chỗ nó làm việc. - Hari nói thêm. - Chưa bao giờ tớ gặp nó làm cái gì ra công ra chuyện. Nó chỉ ngồi như tượng gỗ ở sau các vách kính ra vẻ mình đang làm việc. Một thằng cha chỉ ngồi suốt ngày như ông phỗng giữa các vách kính thì có lợi ích gì nhỉ? Như tớ chẳng hạn, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để kiếm miếng bánh mì. Nếu lúc này hắn ở trên thuyền này có phải mình đã có thể ghé vào xem lăng mộ cô To-mac. Này, tớ phải ghé vào bờ để kiếm chút gì làm mát cổ họng đây.
Tôi bảo rằng trong phạm vi mấy dặm quanh đây chẳng có quán ma nào mà hy vọng làm mát cổ, đến lúc này Hari quay sang rủa con sông Thêm. Hắn bảo một con sông sẽ có ích lợi gì, nếu như để một người ở giữa dòng của nó phải khát đến khô cổ. Trong trường hợp này biện pháp tốt nhất là không nên trái ý tên dở người ngồi cùng thuyền với mình làm gì, phải kiếm cái gì cho hắn mát cổ họng, sau đó hắn sẽ thuần lại ngay như một con bò Tây-Ban-Nha không còn nhìn thấy tấm vải đỏ của đấu sĩ nữa.
Tôi gợi ý rằng trong làn có bình nước chanh cô đặc và ở đằng mũi có bi đông đầy nước, chỉ cần bạo tay đổ hai loại đó vào nhau, ngó ngoáy một tý là có thứ chất lỏng tuyệt vời làm mát cổ ngay lập tức.
Hari còn đang trong cơn hăng rủa xả, hắn moi ra đủ thứ xấu xa của cái gọi là nước chanh nhưng cuối cùng cũng đi ra đằng mũi, tìm chiếc giỏ bự có chai nước chanh. Cái chai ở tận dưới đáy, tìm được nó không phải dễ, tên bò mộng cứ cúi mãi cúi mãi sang một bên mạn làm con thuyền đập vào bờ, Hari mất thăng bằng ngã chúi vào bên trong chiếc giành, hai chân chổng lên trời như tên hề trồng cây chuối. Hắn không dám cựa quậy thêm, sợ rằng cả người cả làn sẽ được uống no nước sông Thêm nên đành giữ nguyên tư thế đó chịu trận, cho đến khi tôi chạy lại gần cầm cẳng hắn lôi ngược trở ra.
Khỏi phải nói vụ việc đã bắt cổ họng của tên này phải phập phồng thêm bao lâu nữa!

Chương Tám

Xử lý ra sao trong trường hợp như vậy - Tính ích kỉ của bọn chủ đất - Tấm ván đáng nguyền rủa - Cơn phẫn nộ của Hari - Hari hát khúc bi hài - Buổi dạ hội của những người thượng lưu -.Jord mua đàn băng-giô.

Chúng tôi cặp bờ dưới rặng liễu ở công viên Hem-tơn để ăn sáng. Một vị trí thật xinh xẻo. Bờ sông xanh thoai thoải cao ở đây kéo dài tới tận mép nước nơi có những cây liễu rủ. Chúng tôi vừa chạm đến món thứ ba - bánh mì và mứt - thì xuất hiện một quí ông mặc áo ji-lê với chiếc tẩu ngắn ngủn ngậm giữa hai hàm răng, hỏi chúng tôi có biết rằng mình đang vi phạm lãnh thổ của người khác hay không. Bọn tôi đáp rằng chưa có đủ thời gian nghiên cứu nghiêm túc vấn đề nói trên, nhưng nếu lời của ông ta đúng là của một chính nhân quân tử thì chúng tôi sẵn sàng tin như vậy không hề mảy may ngờ vực.
Ông ta đưa lời cam đoan rằng đó đúng là sự thực, chúng tôi liền cảm ơn nhưng tay này vẫn cứ nhấp nhổm ở đó và có vẻ gì không hài lòng, nên tôi hỏi rằng liệu chúng tôi có thể làm gì hữu ích hơn cho ông ta hay không, còn Hari vốn là một tay có phong thái hết sức quần chúng liền mời ông ta xơi một khúc bánh mì cùng với mứt.
Tôi đồ rằng tay này theo trường phái kiêng kị bánh mì và mứt, vì lẽ thấy hắn ta nổi cáu lên với thứ Hari đem ra mời như thể bị chúng tôi xúc phạm đến phẩm hạnh hay đạo đức của hắn, hắn bảo nhiệm vụ của hắn là đuổi cổ chúng tôi ra khỏi chỗ này.
Hari bảo nếu nhiệm vụ của hắn đúng là như vậy thì không nghi ngờ gì việc hắn sẽ phải hoàn thành công việc, nhưng rất tò mò muốn biết hắn sẽ làm cách nào để thực hiện được điều hắn nói. Các vị chắc cũng đã biết Hari thuộc loại “vai năm tấc rộng thân mười thước cao - lù lù một đống anh hào…”, bò mộng gặp hắn có lẽ cũng phải vẫy đuôi chào thân thiện, vậy nên tay mặc áo ji-lê thấy khó nhá, hắn bảo sẽ về hỏi thêm ý kiến của ông chủ rồi sau đó sẽ quay lại tống cả người lẫn chó của bọn tôi xuống sông Thêm.
Tất nhiên là chẳng bao giờ còn có hân hạnh gặp lại nhau và thứ hắn cần là một đồng si-ling. Có những tên ba bị như thế, chuyên môn quanh quẩn ở dọc sông vào mùa pich-ních để dọa dẫm đòi tiền của mấy người yếu bóng vía. Trong trường hợp gặp loại ba bị chín quai như vậy, tôi nghĩ các ngài nên bảo hắn mời chủ nhân đích thực đến gặp để hỏi xem du khách đã gây thiệt hại gì cho ông ta, khi họ ngồi trong mảnh đất chỉ bằng chiếc nón ở ven sông. Nhưng đa số khách du thường ngại việc và nhút nhát nên hay xì tiền ra cho xong chuyện, làm như vậy chỉ tổ khuyến khích bọn chúng phát triển đông đúc mà thôi.
Khi đích thực là chủ đất đến gây chuyện, quí ngài cũng nên cho hắn thấy thế nào là phải quấy. Lòng tham và tính ích kỉ của bọn chủ đất mỗi năm một lớn. Nếu để tự do chắc chúng sẽ rào luôn con sông Thêm. Hiện nay chúng mới đang rào chắn các chi lưu và vịnh sông, bọn chúng đóng cọc cừ, giăng lưới xích có biển cấm không cho ai đổ bộ lên bờ. Những tấm ván làm tôi hết sức điên tiết, tự dưng bắp tay tôi muốn nổi gân, muốn giật ra đập vào đầu những kẻ đã treo nó cho đến khi chúng củ ngoẻo, và tôi rất vui lòng được dùng những tấm gỗ đó để làm bia mộ cho bọn chủ đất tham lam ích kỉ.
Tôi chia xẻ cơn tức với Hari, hắn bảo đối với vấn đề ấy hắn còn mẫn cảm hơn tôi, nguyện vọng của hắn không chỉ muốn đập bẹp sọ tên đã đặt ván mà còn cả họ hàng hang hốc nhà nó, cả lũ bạn bè thối tha, cần phải đốt hết nhà chúng nó. Tôi cảm thấy Hari hơi quá khích nhưng hắn càng bốc đồng hơn:
- Không quá đáng chút nào! Mà khi nhà chúng cháy bừng bừng tớ còn đặt mấy khổ thơ bi hài để ngâm ca nữa cơ.
Tôi thấy rầu lòng vì thằng cha Hari lại khát máu đến vậy. Không nên để cho bản năng thèm khát trả thù như của người nguyên thủy hoành hành. Tôi phải cố nhắc nhở Hari về tính thiện phải có của người Cơ đốc giáo, nên cuối cùng hắn cũng đồng ý tha cho đám bạn bè và họ hàng hang hốc của thằng cha giăng biển cấm, cũng không tấu mấy khổ thơ bi hài nữa!
Nếu các ngài đã từng được nghe Hari tấu khúc bi hài lấy một lần, các ngài sẽ hiểu ngay tôi đã cản được một chuyện đáng sợ như thế nào cho nhân loại. Ý nghĩ rằng mình biết tấu khúc bi hài chẳng hiểu từ bao giờ đã bám chằng vào đầu con bò mộng này như loài đỉa đói, còn bạn bè hắn thì quá sợ cơn đau đẻ khi hắn rặn ra những bài thơ, nên luôn luôn tìm cách ngăn cản thi hứng của hắn một cách kịp thời.
Thường khi có mặt trong buổi tiếp tân nếu có ai đó gợi ý hắn góp vui một vài tiết mục, Hari không bao giờ để người ta phải mời mọc quá nhiều :
- Sẵn sàng thôi, tôi vừa mới sáng tác một độc tấu hài.
Qua cách nói, mọi người có thể nghĩ là ai đã hân hạnh được nghe hắn hát một lần thì có từ biệt thế giới này cũng chẳng còn gì phải tiếc nuối.
- Ôi chao. - Nữ chủ nhân mặt tươi như hoa. - Mit-xờ-tơ Hari cho chúng tôi thưởng thức một bài đi nào.
Hari đứng lên đi tới cây đàn pi-a-nô với nụ cười làm rạng ngời mọi khuôn mặt tân khách.
- Xin quí vị im lặng cho. - Nữ chủ quay sang yêu cầu khách khứa. - Mit-xờ-tơ Hari sẽ trình diễn một trích đoạn hài.
- Ôi chao, hay nhỉ! - các tân khách thầm thì với nhau, một số vội vàng rời nhà kính chạy đi thông báo cho bạn bè. Khách khứa bỏ dở câu chuyện của họ, dồn hết vào phòng chính để thưởng thức tiết mục có lẽ là rôm rả nhất.
Hari bắt đầu. Tất nhiên là để trình diễn một khúc hài, tân khách cũng không chờ đợi một giọng ca danh tiếng, không đòi hỏi kĩ thuật cao về thanh nhạc hay tư thế biểu diễn. Không phải điều quan trọng khi ca sĩ bỗng dưng hẫng giọng phải ngừng lại để chọn nốt khởi đầu trầm hơn, cũng không xầm xì khi người biểu diễn chạy trước hoặc tụt sau nhạc đệm vài ba nhịp, nhưng Hari đã vượt qua sức tưởng tượng thông thường của mọi người.
Lúc này diễn viên đứng cạnh cây đàn dương cầm hướng mặt về phía các thính giả đang chờ đợi:
“- Nói chung, trích đoạn này, hơi cũ rồi... Các vị…, hừm, tất cả… chắc đều đã nghe. Nhưng tôi không biết bài nào khác.. đó là bài “Cái tạp dề”. Xin..., xin các quí vị… sẽ hát đồng ca… cho phần điệp... điệp khúc…”
Tiếng xì xào lan nhanh trong đám tân khách, người thất vọng, người thì hân hoan vì khởi đầu ca sĩ đã có vẻ rất hài. Người đệm dương cầm bắt đầu sốt ruột liền thực hiện rất tốt phần dạo đầu nhưng anh ta chưa kịp về đến hợp âm chủ để nhường lời cho Hari, thì vị ca sĩ sáng giá này đã bắt vào bài hát trước đó hai nhịp. Anh ta cố gắng đuổi theo nhưng việc rượt đuổi này hoàn toàn thất bại vì nó giống như chiếc đèn kéo quân bị hỏng trục xoay, nên nhạc công đành dừng lại một cách bất ngờ.
Hari cười cổ vũ hết sức dễ thương:
- Thật tuyệt vời, anh đệm nhạc thật là tuyệt vời. Ta tiếp tục đi nhỉ!
Vị nhạc công khốn khổ đã mất hết tính bình tĩnh thường ngày:
- Ở đây hình như có sự lầm lẫn thì phải. Ngài vừa hát bài gì đấy ạ?
Hari trả lời nhanh như một con vẹt:
- Sao anh lại hỏi thế nhỉ?! Đó chính là bài “Chiếc khăn choàng của mẹ tôi”. Chẳng lẽ anh chưa đệm cho bài đó bao giờ à?
Một anh bạn của Hari ngồi tít hàng ghế sau chót kêu lên:
- Ông tướng ơi, ông bảo ông hát bài “Cái tạp dề” cơ mà!
Sau một hồi tranh luận về tên bài hát, tay bạn cùng đi với Hari đành nhượng bộ, chỉ yêu cầu Hari đã hát bài gì thi cứ hát một bài cho đến hết. Tuy nhiên việc đột ngột dừng lại rồi nhảy cách quãng từ giọng te-no sang giọng bat-xơ, từ lời bài này sang lời bài khác, làm cho bài ca trở thành đầu Ngô mình Sở và gây khốn đốn cho người đệm đàn, vốn là năng khiếu bẩm sinh của ca sĩ Hari. Hắn sẽ không chịu lui khỏi khán đài nếu như không có một quí bà đáng kính đột ngột lên cơn thần kinh vì quá sức chịu đựng, khiến mấy cô tiểu thư xinh đẹp và nữ chủ nhân phải xúm lại dìu bà ta ra ngoài.
Tuy nhiên con bò mộng của chúng tôi vẫn rất hồn nhiên trong chuyện trình diễn các khúc bi hài mỗi khi có dịp.
Bản thân tôi cũng đã một lần được thưởng thức khúc bi hài độc đáo đến nỗi về sau cứ mỗi lần nhắc đến tôi lại thấy nhột như có con rắn mối đang bò ở sống lưng.
Lần đó là trong một buổi tiếp tân tập hợp một số người danh giá và có học. Tất cả đều mặc đẹp, cố gắng nói những lời có cánh và cảm thấy mình thật là tuyệt vời - phải nói là tất cả chỉ trừ có hai sinh viên kiết xác nghe nói ở Đức mới về - Hai tay này ngồi một cách khiêm tốn, nhút nhát như cô dâu nhà quê mới về nhà chồng ở phố Nhớn.
Chúng tôi chơi những bản giao hưởng của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức. Chúng tôi bàn luận về triết học và luân lý, ai cũng cố đưa ra những cao đàm, cố gắng tỏ ra thông minh, nhã nhặn và đáng yêu với các tiểu thư xinh đẹp. Sau bữa ăn tối người ta còn đọc thơ tiếng Pháp làm mọi người hết sức thích thú, một ma-đam hát bài ca trữ tình bằng tiếng Ý khiến mấy bà mấy cô cảm động đến rưng rưng nước mắt.
Tới lúc đó thì hai chàng sinh viên trẻ tuổi trở nên bạo dạn, họ hỏi chúng tôi có muốn được nghe giáo sư Xlo-xen Bo-xen người Đức hát một khúc ca hài hước hay không? (Ông giáo sư này vừa mới tới và ngồi ở cuối phòng ăn).
Trong chừng mực mà tôi nhớ được thì ban đầu có một số người tỏ ra không hưởng ứng lời đề nghị nhưng hai chàng sinh viên cả quyết rằng, đó là bài ca vui nhộn nhất trên thế gian và nếu chúng tôi muốn, họ có thể mời vị giáo sư người Đức này biểu diễn (họ nói là rất quen biết ông ta). Bài hát khôi hài đến mức khi giáo sư hát nó trong hoàng cung nước Đức, đức vua đã buồn cười đến nỗi phải khiêng hoàng thượng vào trong giuờng.
Hai sinh viên nói rằng chưa ai hát được bài này hay như giáo sư Xlo-xen Bo-xen. Trong khi trình bày giáo sư giữ một vẻ nghiêm trang, khiến người ta có thể nghĩ rằng ông đang hát một khúc tưởng niệm đau buồn nhưng chính vì thế mà bài hát càng vui nhộn hơn. Họ lưu ý các tân khách rằng đừng vì thấy vẻ mặt ông nghiêm trang khác với nội dung hài hước mà tỏ vẻ ngạc nhiên, nếu không khéo sẽ phá mất cái hay của bài hát.
Chúng tôi đồng thanh nói rằng rất khao khát được nghe giáo sư trình diễn và sẽ biết cách thưởng thức tài nghệ của nhà hài hước, hai sinh viên liền xuống đón giáo sư lên bục sân khấu. Rõ ràng là giáo sư không có vẻ gì thiếu thoải mái đối với yêu cầu của mọi người vì thấy ông chầm chậm đi lên và ngồi ngay vào đàn dương cầm.
- Giáo sư sẽ làm các ngài vỡ bụng vì cười! - Hai sinh viên nói rồi đi chéo qua căn phòng, chiếm một chỗ ngồi khiêm tốn đằng sau vị giáo sư tài hoa.
Giáo sư Bo-xen tự mình đệm đàn. Không nên nghĩ rằng khúc dạo đầu không phù hợp cho lắm với một bài ca vui nhộn vì nó có vẻ ảm đạm và buồn bã làm người nghe muốn nổi da gà, thính giả chỉ thầm thì với nhau rằng phong cách biểu diễn và sáng tác của người Đức thật là độc đáo.
Tôi không biết đến nửa câu tiếng Đức. Nguời ta có dạy môn này trong truờng phổ thông nhưng tôi đã quên sạch sẽ từ hai năm nay, tuy nhiên tôi không hề muốn tỏ ra đặc cán mai táu trước mặt mọi người ở đây nên nghĩ ngay ra một kế hoạch - theo tôi thì phải hết sức thông minh mới nghĩ ra được - Tôi không rời mắt khỏi hai anh chàng sinh viên và làm theo những gì họ làm. Họ phì cuời, tôi cũng phì cười, họ ha ha tôi phải ha ha to hơn, ngoài ra tôi luôn luôn giữ nụ cười thường trực trên môi, thỉnh thoảng lại gật gù toe toét với vị khách ngồi bên cạnh.
Tôi để ý thấy rằng trong khi giáo sư hát những người có mặt ở đó cũng làm như tôi, nghĩa là không rời mắt khỏi hai anh chàng sinh viên, cũng theo gương họ để phì cười, hô hô ha ha.
Hai tay này hết sức khoái trí, họ cười liên tục nên khán thính giả trong phòng cũng cười thả phanh.
Mặc dù khán giả cổ vũ như vậy nhưng không hiểu sao vị giáo sư có vẻ như không bằng lòng. Lần đầu tiên chúng tôi cười, ông ta tỏ ra hết sức ngạc nhiên, vẻ như người biểu diễn có thể chờ đợi mọi điều chỉ có tiếng cười là không mà thôi. Điều ấy khiễn chúng tôi thấy giáo sư hết sức ngộ nghĩnh, mọi tân khách nghĩ rằng chỉ những nhà hài hước đại tài, mới có thể giữ được nét mặt nghiêm trang thậm chí đau buồn khi đang cù người khác.
Chúng tôi cứ tiếp tục cười to để cổ vũ, chợt vị giáo sư tỏ vẻ hết bực tức, ông ta ngửng lên phẫn nộ nhìn tất cả chúng tôi (ngoại trừ hai tay sinh viên vì họ ngồi ở sau lưng ông ta), đến đây thì chúng tôi tưởng sắp nứt bụng, nếu không được giới thiệu truớc về phong cách trình bày khúc ca hài hước kiểu Đức, chắc có người đã hoảng sợ trước cái nhìn giận dữ của người biểu diễn.
Khúc ca kết thúc trong tiếng cười đến vỡ nhà. Chúng tôi nói rằng từ bé đến giờ chưa được thưởng thức điều gì vui vẻ như hôm nay. Có tân khách ngạc nhiên rằng sao người Đức có những bài ca buồn cười đến vậy, mà họ thường ít khi tỏ ra hài hước trong giao tiếp, có người hỏi vị giáo sư sao ông ta không dịch sang tiếng Anh để chúng tôi có thể hiểu tường tận nội dung của bài ca hài hước mà ông vừa biểu diễn.
Nhưng giáo sư Bo-xen hình như đã hết sức chịu đựng, ông ta bật ra hàng tràng chửi rủa bằng tiếng Đức (theo tôi không có ngôn ngữ nào thích hợp hơn với người ta trong hoàn cảnh tương tự như thứ tiếng mà vị giáo sư đang dùng), ông ta nhảy cẫng lên, vung nắm đấm, rủa xả cả bằng một số từ tiếng Anh ít ỏi, ông ta quát mọi người rằng trong đời chưa từng bao giờ bị xúc phạm như ở đây!
Té ra bài mà ông ta hát không phải là khúc ca hài hước, đó là bài ca kể về một cô gái trẻ ở miền núi Hat-sa, đã hy sinh cuộc sống để cứu rỗi linh hồn cho người mà cô ta yêu dấu.
Chàng trai chết, linh hồn họ gặp nhau trên cầu mây nhưng chả được mấy nỗi hắn lại lừa dối cô gái để chạy theo linh hồn một cô ả khác.
Tôi không hiểu hết mọi chi tiết nhưng đó là một bài ca rất buồn thảm. Ông Bo-xen nói rằng một lần khi ông ta hát bài này, đức vua nước Đức có mặt đã khóc nức nở như một đứa bé. Bài ca này, theo lời vị giáo sư, là bài hát buồn và xúc động nhất trong các bài ca của người Đức.
Mọi người trong bữa tiệc rơi vào một tình cảnh thật sự khủng khiếp nhưng còn biết nói sao? Chúng tôi đưa mắt tìm hai tay sinh viên, những kẻ đã chơi xỏ cả chủ lẫn khách ở đây nhưng bọn chúng đã mất hút con mẹ hàng lươn từ lúc bài ca chưa kết thúc.
Buổi tiếp tân hôm đó đã hạ màn thật là rầu rĩ.
Lần đầu tiên tôi gặp truờng hợp vào cuối bữa tiệc mọi người lại chia tay nhau ỉu xìu và vội vã đến vậy, có vị còn để quên cả áo khoác ngoài không bao giờ dám đến lấy lại.
Và cũng từ đó tôi cứ giật mình thon thót khi nghe thấy có ai đó hát bằng tiếng Đức!
Chúng tôi đến âu thuyền Xan-be-rin vào lúc bốn ruỡi. Khúc sông ở đây rất đẹp, trên kênh dẫn cũng hết sức nhộn nhịp nhưng đừng nên nghĩ chuyện chèo tay để vượt qua âu thuyền theo con kênh này.
Đã một lần tôi thử làm chuyện đó. Tôi ngồi ở vị trí chèo và hỏi các bạn ngồi ở đằng mũi rằng liệu mình có vượt qua được dòng chảy ngược này hay không. Bọn chúng bảo rất có thể nếu tôi biết cách chèo cho ra trò. Lúc đó cả bọn đang ở dưói cầu vượt giành cho người đi bộ vắt từ bờ này sang bờ kia.
Tôi lấy hết sức bình sinh ra chèo. Tôi mà chèo thì chỉ có từ tuyệt cú mèo trở lên, qua mấy lần đẩy đã đưa con thuyền vào nhịp điệu thép. Tất cả: chân, tay, vai, bụng, mạng sườn, bạng mỡ đều dồn cho mái chèo. Tôi làm việc một cách hăng say, mạnh mẽ, năng động, chắc chắn là hai tên ngồi đằng mũi phải phục sát đất. Qua năm phút chèo chối chết tôi ngửng đầu lên nhìn, chắc rằng mình đã ở ngang với cửa âu nhưng hóa ra vẫn đang ở dưới cầu vượt, đúng ở vị trí tôi đã bắt tay vào công việc, còn hai thằng khốn ngồi ở mũi thuyền thì cất tiếng cười ha ha hi hi rất lộn tiết. Không, lần này thì xin đủ, tên nào muốn thử sức với dòng chảy xin cứ tùy ý!
Gần cầu Uay, sông Uay (một con sông tiếng tăm, có thể theo dòng của nó đi đến tận Gin-pho-đơ, một trong những con sông tôi vẫn thường ao ước được viếng thăm mà chưa có dịp), sông Bơn và sông Be-din-xơ-to-kơ hợp lưu rồi cùng đổ vào sông Thêm. Âu thuyền nằm gần như đối diện thành phố và vật đầu tiên mà chúng tôi để mắt tới khi đến chỗ nó là cái áo dệt của Jord. Đến gần hơn thì thấy chính tên Jord hiện diện ở bên trong chiếc áo.
Con Mon-mo-ran-xi sủa như điên. Tôi quát lên. Hari rống như bò tót. Jord vẫy chiếc mũ rộng vành cũng gào váng lên để đáp lời. Người gác âu thuyền chạy ra với chiếc câu liêm trên tay, tin chắc rằng có ai đó rơi xuống nước nhưng ông ta tỏ ra thất vọng khi thấy mọi chuyện đều ngon lành cả.
Trong tay Jord có một vật lạ lùng bọc trong túi vải sơn, thòi ra một khúc cần dài.
- Cậu có cái gì thế. - Hari hỏi. - Chảo rang cám à?
- Không. -Jord đáp, trong mắt hắn có ánh lấp lánh rất lạ. - Đó là... đây là mốt mới nhất của thời đại. Tất cả mọi người đi nghỉ trên sông đều mang nó theo. Cây đàn băng-giô ấy mà!
- Bọn này không hề nghĩ rằng cậu biết chơi băng-giô! - Tôi và Hari cùng lúc thốt lên.
- Mà tớ cũng chưa chơi. - Jord đáp. - Nhưng người ta nói rằng chơi nó dễ lắm. Với lại khả năng tự học của tớ rất cực kì!..

Chương Chín

Jord buộc phải làm việc - Cố tật của các loại dây thừng - Con thuyền phản bội - Liên lạc thủy bộ - Khi phù nù kéo thuyền - Thằng nhãi và con nghẽo - Bà dì của tôi đâu? - Chiếc âu thuyền đã ngoẻo.

Bây giờ khi Jord đã thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi thì phải bắt hắn đổ mồ hôi tí chút, thằng cha này cứ để tự nhiên thì chẳng bao giờ hắn chịu động chân động tay. Hắn bảo các cậu không thấy tớ đã làm việc kiệt lực ở Xi-ty rồi hay sao nhưng Hari vốn là con người máu lạnh không biết thương hại là gì liền bảo:
- Thế thì làm sao! Bây giờ là lúc cần phải đa dạng hóa cho hoạt động của cậu bằng các công việc trên sông. Đa dạng hóa là thứ tối cần, rất lợi cho toàn thể nhân loại. Nào, vào việc đi!
Theo danh dự, (cứ cho rằng Jord cũng có thứ đó đi), thì hắn không thể chối từ công việc, nhưng hắn hoãn binh bằng cách nói rằng có lẽ tốt hơn cứ để hắn ở trên thuyền chuẩn bị pha chè, trong khi tôi và Hari kéo thuyền vì lẽ chuẩn bị món trà cho thật chu đáo là một công việc nặng nhọc, mà tôi với Hari thì xem chừng đã mệt rồi. Tuy nhiên chúng tôi không phải là thành phần ham tranh biện nên cứ giúi dây thừng vào tay hắn và Jord ta đành leo ra khỏi thuyền.
Dây thừng - đó là thứ đồ vật lạ lùng, không sao hiểu nổi . Các ngài cứ để hai đầu của nó một cách hết sức cẩn thận như thể xếp chiếc quần xịn vừa là xong, chỉ chừng năm phút sau khi ngài lại cầm đến thì nó đã biến thành một cục xù xì đáng sợ.
Tôi không muốn chịu tiếng là kẻ vu khống nhưng thực sự tin rằng, nếu cầm một sợi dây thừng bình thường đặt nó nằm thẳng thớm theo một tuyến, chỉ cần quay đi chừng ba mươi giây, đến khi quay lại thì nó đã tinh quái biến thành một cục lộn tùng phèo đầu đuôi, tạo ra vô số nút thắt, thế là ngài lại phải bỏ ra quãng nửa giờ đồng hồ, ngồi bệt trên bãi cỏ để chửi bới và cố gắng tháo gỡ nó ra cho tử tế.
Không lâu cho lắm trước khi chúng tôi tới âu thuyền, chính tôi đã đối phó với sợi giây kéo thuyền. Hari là thằng cha vô ý vô tứ nên tôi không dám cho hắn động chạm đến thứ quái quỉ này. Tôi tháo cuộn thừng một cách thận trọng và thong thả, tóm đoạn giữa gấp làm đôi rồi đặt rất tử tế vào đáy thuyền. Hari khéo léo nhấc nó lên đưa cho Jord. Jord giữ chặt sợi dây lui ra xa, rồi thận trọng xoay đỡ như với chiếc tã của đứa trẻ sơ sinh nhưng chưa được mươi mét thứ hắn cầm trong tay đã vặn vẹo, biến dạng trở thành hình thể như của chiếc thảm cỏ chùi chân.
Đó là chuyện thường gặp, bao giờ cũng vậy. Kẻ ở trên bờ tháo dây cho rằng lỗi là do tên gỡ đầu kia gây ra, khi thấy tên ở trên thuyền lơ đãng một chút liền quát tướng lên:
- Ngươi định bày trò gì với sợi dây thế? Đan lưới bắt cá à?! Biến nó thành một cục hay ho nhỉ! Chẳng lẽ ngươi không thể tháo nó một cách cẩn thận à, tên mặt thịt! - Hắn quát và xoay xở một cách tuyệt vọng với sợi dây, đặt nó xuống đường mòn để tìm đầu mối.
Nguợc lại kẻ gỡ dây ở dưới thuyền nghĩ rằng lỗi là do người ở trên bờ:
- Khi tao đưa nó cho mày thì nó là đoạn dây hoàn toàn tử tế. Mày thì suốt đời không làm được chuyện gì ra hồn. Quân hậu đậu!
Hai tên cùng nổi cáu vặc nhau, dễ có cuộc chiến xảy ra như chơi. Mươi phút sau thì tên tháo đầu dây chịu hết nổi, hắn văng tục thật to, đưa chân đạp mấy cú vào sợi dây rồi tóm lấy một đoạn thừng giật văng mạng, sợi dây mất dạy chỉ đợi có vậy để uốn éo xoay trở thành một cục rối ghê gớm hơn, trong lúc đó con thuyền đã lẻn đến gần chỗ thác đổ nguy hiểm của đập nước.
Một lần tôi đã chứng kiến cảnh tượng tương tự. Lần đó là vào buổi sớm, ở thượng lưu một chút so với Bo-ven. Gió thổi khá mạnh, chúng tôi chèo xuôi theo dòng sông. Vừa qua một khúc quanh tôi thấy có hai người ở trên bờ, họ nhìn nhau với vẻ mặt ngớ ngẩn và tuyệt vọng đến mức tôi chưa từng nhìn thấy ở trên mặt một ai đó. Hai người nắm trong tay một đầu của cuộn thừng dài, rõ ràng là đã có chuyện gì không hay xẩy ra, nên chúng tôi chèo lại gần và hỏi họ xem đó là chuyện gì.
- Thuyền của chúng tôi trôi đi mất rồi. - một người trả lời hết sức căm phẫn. - Bọn tôi leo lên bờ để gỡ rối sợi dây đến khi quay lại thì đã không thấy nó đâu.
Rõ ràng họ rất bất bình với con thuyền đã chọn lọc kỹ của mình và coi hành vi của nó là hành động phản chủ không thể ngờ tới.
Chúng tôi tìm thấy con thuyền phản bội ở dưới đó nửa dặm. Nó mắc trong đám sậy và bị chúng tôi lôi về giao cho chủ nhân. Tôi dám cuộc rằng từ đó trở đi hai ông chủ đố dám rời mắt khỏi nó lấy một giây, tôi không bao giờ quên được vẻ mặt của hai kẻ mất thuyền ngơ ngác: tay nắm dây thừng, mắt nhìn ra khoảng không như vừa hay tin cô vợ yêu quí bỏ mình đi với tình nhân.
Khi kéo thuyền bằng dây chão rất hay xẩy ra những chuyện nực cười. Hoạt cảnh hay gặp nhất như sau: hai người ra sức kéo con thuyền đi khá nhanh theo bờ sông, họ mải mê chuyện trò trong khi người thứ ba ở trên thuyền cách đó khoảng ba chục mét cố gọi để họ dừng thuyền lại, cố gắng đưa mái chèo lên khua vẫy báo hiệu có chuyện xẩy ra - có thể là chiếc mũ chán ngự trên đầu ông chủ nhảy xuống bơi theo dòng sông, chiếc câu liêm thích lặn xuống đáy nước hoặc bánh lái khước từ công việc. Mới đầu người dưới thuyền còn gọi với lên một cách từ tốn :
- Này, dừng lại một phút đã nào. - giọng khá là vui vẻ. - Mũ tớ rơi xuống sông rồi!
Sau đó tiếng gọi đã kém nhã nhặn hơn:
- Ê, Tôm; Đích, các cậu điếc đấy à?
Cuối cùng là câu chửi thề:
- Này, quỉ bắt bọn bay, đóng mõm lại, dỏng tai lên! Cầu cho chúng bay...
Sau đó nhân vật trên thuyền chạy tới chạy lui, hét gọi váng dòng sông trong khi một thằng lỏi ở trên bờ thè dài lưỡi ra trêu chọc, nhặt đá ném theo con thuyền đang trôi. Ông chủ khốn khổ ức hơn bị bò đá, vẫn không có cách nào leo lên bờ để trị cho thằng mương con một trận đã đời.
Đoạn phim hài trên có thể tránh được, nếu như những người kéo thuyền đừng quên là mình đang kéo cái gì và thường xuyên ngoái lại để xem tình thế con thuyền ra sao.
Tốt hơn hết là để một người kéo vì khi có hai người họ thường mải mê nói chuyện trên trời dưới bể, với họ lúc đó chỉ đoạn đường trước mặt còn có đôi chút ý nghĩa, vì nếu không cẩn thận có thể dẫm phải thứ gì đó không được hay ho. Việc sau lưng ra sao thì đã có con mắt thứ ba ở gáy!
Sau lúc ăn chiều hôm đó, khi chúng tôi nói về đề tài này, Jord kể cho cả bọn nghe một câu chuyện về hai người kéo thuyền, tôi nghĩ khéo tượng phật Di Lặc cũng phải phì cười .
- Một lần cũng vào buổi chiều. - Jord kể. - Hắn và ba người bạn có việc phải ngược lên Mai-den-đe-rơ trên một chiếc thuyền chất tải hơi bị nặng. Lên quá phía trên âu thuyền Ku-kem họ trông thấy một chàng và một nàng đang đi theo đường mòn ven bờ sông, rõ ràng là rất say sưa trong câu chuyện gì thú vị lắm.
Họ cùng nắm chiếc câu liêm, đằng sau là một đoạn chão dài lê thê, một đầu chão chìm trong nước sông. Không có chiếc thuyền nào khác trên sông trong phạm vi tầm nhìn của đường chân trời. Rõ ràng là truớc đó đoạn chão có buộc vào một con thuyền nào đó nhưng chuyện phiêu lưu gì đã xảy ra với nó, số phận của những người ngồi trên thuyền ra sao vẫn còn là điều bí ẩn.
Nhưng chuyện đó không hề được những người kéo thuyền - chàng và nàng - quan tâm, họ vẫn có chiếc câu liêm trong tay, vẫn có đoạn dây chão phải kéo, vẫn rôm rả trong cuộc chuyện trò thú vị, những việc còn lại trên đời đối với họ lúc này không tồn tại.
Jord định gọi cho họ lai tỉnh nhưng hắn chợt nghĩ ra một chuyện cắc cớ nên vội ngậm miệng trở lại. Hắn vớ câu liêm cúi xuống quàng lấy đầu đoạn chão đang lê thê duới nước rồi cùng một tay bạn buộc đầu chão vào cột buồm của thuyền mình, sau đó cả bọn buông tay chèo, thoải mái ngồi chơi xơi nước - chính xác hơn là châm tẩu thuốc nhả khói lên trời.
Đôi bạn tình tang cứ vô tư kéo bốn con voi còi cùng với chiếc thuyền của chúng tới tận Ma-rơ-lo.
Jord nói hắn không đủ tài để miêu tả vẻ mặt của cặp trai gái, lúc họ đến âu thuyền ngửng đầu lên và nhận ra chiếc thuyền đang kéo không phải là của họ. Lúc đó đôi tình nhân hiểu rằng, chí ít thì họ cũng đã kéo một chiếc thuyền lạ đi quãng đường tới hơn hai dặm. Jord tin rằng nếu không có cô bạn gái ở đó, thế nào tay thanh niên cũng văng ra mọi thứ phải tốn vải để che giấu ở trên đời.
Cô gái là người tỉnh hồn truớc, cô ta vặn vẹo đôi bàn tay, thốt lên:
- Ôi, Henri, thế này thì dì đâu rồi?
- Sau thế nào, họ có tìm thấy bà lão tội nghiệp ấy không? - Hari hỏi.
Jord đáp rằng hắn chẳng làm sao biết được.
Trường hợp nguy hiểm thứ hai do thiếu hòa đồng giữa người trên bờ và người dưới thuyền do chính tôi với Jord cùng chứng kiến xảy ra gần Ju-tơn. Chỗ đó do đường mòn sát bờ sông nên dây kéo thuyền rất gần với thuyền. Chúng tôi dừng lại nghỉ ở phía bờ đối diện và đang ngắm nhìn cảnh vật thì một con thuyền xuất hiện. Nó được kéo bởi một sợi chão bự với một con ngọ khá lực lưỡng, cưỡi trên lưng nó là một thằng nhóc, còn năm ông tướng to xác nằm hết sức vô tư ngả ngớn trên thuyền, đặc biệt vô tâm lại là tay đang ngồi giữ hờ cần lái.
- Sẽ có tiết mục hay nếu lúc này tên cầm lái để ngược hướng quẹo. - Jord nói thầm với tôi khi con thuyền của họ lướt qua. Ngay lập tức điều dự đoán trên đã xảy ra, con thuyền đâm thốc vào bờ với những tiếng lắc rắc, lật phật như thể cùng lúc có bốn mươi nghìn cánh buồm đang vỗ gió. Hai vị khách, một chiếc rương đựng những thứ cần cho việc nhét vào bao tử, cùng với ba mái chèo bay qua be bên trái rồi tiếp đất ở trên bờ sông. Tiếp theo là hai vị khách nữa bay qua be bên phải cùng với đám câu liêm, buồm, xắc và chai lọ. Hành khách cuối cùng đi được thêm quãng sáu mét rồi mới thăng thiên lên bờ trong tư thế trồng cây chuối.
Việc đó rõ ràng đã giảm tải cho con thuyền nên nó trôi càng nhanh hơn. Thằng nhãi đang thích chí với việc cưỡi trên lưng nghẽo nên hét to, bỏ lỏng dây cương cho con ngọ phi nước đại. Đám nạn nhân mụ mẫm cả người, loạng choạng đứng lên nhìn nhau, đến khi hoàn hồn cả bọn ra sức quát gọi thằng bé cho ngựa dừng lại. Tuy nhiên thằng cu con đang hào hứng với việc cưỡi trên lưng chú nghẽo, chẳng hiểu có chuyện đã xảy ra nên vẫn tiếp tục bám chặt lấy cổ con vật đang phi nước đại, thế là cả đàn cả lũ rối rít phi trên hai chân để đuổi theo con vật bốn chân. Bọn tôi khoái trá nhìn màn bi hài kịch cho đến khi cả người cả vật biến mất sau khúc quanh.
Thực lòng mà nói, chúng tôi không chút thương hại bọn lười biếng dùng ngựa kéo thuyền cũng như những tên đi chơi bằng xà-lúp, bọn chúng phá hủy thiên nhiên, môi truờng, xả dầu xả khí ra dòng sông xanh, chúng thường xuyên gây tai họa cho khách du lịch theo kiểu truyền thống như chúng tôi. Đi với tàu kéo bọn chúng không tránh đường cho ai, chỉ có chúng tôi phải tìm cách tránh cho nhanh, nếu không muốn bị dây cáp của chúng hất xuống sông hay xẻ rách mặt mày, gặp truờng hợp như vậy tốt nhất là phải nhanh tay lẹ chân, khéo léo dùng câu liêm hất dây chão của chúng ra khỏi thuyền mình một cách kịp thời.
Cảnh khôi hài gây ấn tượng mạnh mẽ nhất phải nói là khi các cô tiểu thư giành lấy việc kéo thuyền. Cần ít nhất ba nàng mới có thể kéo được sợi thừng: hai nàng kéo còn nàng thứ ba nhảy quanh cười như nắc nẻ. Các nàng bị dây quấn chân phải ngồi xuống cỏ để gỡ hộ nhau, rồi thì dây quấn vào cổ tí nữa làm một nàng chết ngạt, tuy vậy sau đó họ cũng túm được sợi dây bất trị và ra sức vừa kéo vừa chạy, nhanh đến nỗi người ngồi giữ lái cuống cả chân tay. Nhưng chưa được ba chục mét thì mồm mũi các nàng đã tranh nhau thở, sợi chão bị quăng xuống đất, ba nàng cười rũ rượi trong khi con thuyền xoay như chong chóng.
- Nhìn kìa, thuyền trôi ra giữa sông rồi. - Lúc này họ mới nhìn thấy con thuyền và người lái đã phải chuyển sang vị trí cầm chèo để cố xoay xở với dòng nước một mình!
Còn vô khối chuyện xảy ra do các nàng cần phải cài buộc lại khuy áo, bỏ dây kéo chạy ngược lại thuyền để đổi chiếc mũ lấy khăn voan, đến nỗi con thuyền phát bực chạy thẳng vào bãi cạn nằm ườn lên đó. Bạn sẽ phải lội xuống bãi bùn xoay xở mãi mới đưa được con thuyền ra dòng nước, nhưng chỉ kéo trôi ngon lành được ít phút thì một con khủng long lai bò sữa bỗng xuất hiện, nhất định không chịu nhường đường cho các cô, thế là bạn lại phải nhảy lên bờ can thiệp…
Tóm lại một câu, khi các tiểu thư kéo thuyền thì tử thi trong dàn hỏa táng cũng phải nhếch mép.
* * *
Cuốí cùng Jord cũng đã xoay xở được với sợi dây và kéo chúng tôi tới Pen-tơn-huc không xảy ra chuyện gì. Ở đó chúng tôi thảo luận một vấn đề quan trọng là việc ngủ đêm, ba tên quyết định sẽ ngủ trên thuyền. Có thể dừng thuyền ngủ lại ở đây hay đâu đó gần Xơ-ten-da, tuy nhiên nghĩ đến chuyện đó là hơi sớm trong khi mặt trời còn lâu mới định đi khò, nên cuối cùng cả bọn đồng lòng bơi đến Ran-ni-mi, ở khoảng cách ba dặm rưỡi phía thượng lưu, đó là một xóm rừng nhỏ yên tĩnh có bến cặp thuyền tiện lợi.
Vậy nhưng sau đó cả ba đều ăn hận vì đã không ngủ lại ở Pen-tơ-huc. Kéo thuyền một chặng hơn ba dặm vào buổi sớm chỉ là chuyện vặt nhưng vào chiều muộn không phải là điều dễ chịu. Suốt đoạn đường này chẳng tên nào thèm nhìn phong cảnh, tự động đóng phec-ma-tuya miệng và không biết cười là gì. Trong trường hợp tương tự các ngài sẽ thấy hai dặm bị người ta đo nhầm thành một, sẽ không tin rằng lúc này mình mới đang ở chỗ này, khẳng định rằng bản đồ vẽ sai, thậm chí còn nghĩ rằng con sông có hai nhánh và cả bọn đã sơ ý rẽ nhầm sang nhánh khác.
Một lần tôi đã bị tẽn tò khi đi thuyền trên sông. Tôi đi chơi với người đẹp - cô em họ về đằng mẹ. Chúng tôi chèo xuôi tới Go-rin-gu, thấy đã muộn liền vội vàng quay về (cô em họ tôi bao giờ cũng vội vàng). Khi chúng tôi tới âu thuyền Ben-kơn thì đã bảy giờ rưỡi tối nên cô bắt đầu nôn nóng. Nàng nói là bằng bất cứ giá nào cũng phải về kịp bữa tối, tôi bảo cũng đang cố chèo thuyền để về đến nhà vào quãng thời gian đó. Tôi có mang theo tấm bản đồ nên giở ra để ước lượng xem còn phải chèo bao xa, thấy rằng tới âu thuyền U-nin-rơ-pho còn một dặm rưỡi. Từ đó tới Cơ-li-vơ là năm dặm nữa.
- Rõ rồi. - tôi nói. - chúng mình tới âu U-nin-rơ-pho vào khoảng tám giờ, sau đó chỉ còn phải qua một âu nữa thôi.
Tôi bắt đầu chèo thục mạng. Thuyền vượt qua một chiếc cầu, lát sau tôi hỏi cô em đã nhìn thấy âu thuyền chưa. Cô đáp là không hề thấy âu thuyền nào cả. Hừm một tiếng rồi tôi lại cắm cúi chèo, năm phút sau bảo nàng nhìn xem đã thấy gì chưa
- Không, em chẳng nhìn thấy một dấu hiệu nào của âu thuyền cả.
Tôi dừng tay chèo nhìn ra tít xa, tuy trời tối nhưng cũng có thể nhìn thấy ở khoảng cách một dặm nhưng chiếc âu thuyền cần tìm không có ý định trình diện.
- Chúng ta liệu có bị lạc không nhỉ? - Cô em tôi hỏi.
Tôi nghĩ rằng việc đó không thể xảy ra nhưng cũng đùa rằng, có thể bằng cách nào đó mình đã đi vào dòng chảy qua đập và đang tiến thẳng tới thác. Nàng hoảng sợ với ý nghĩ rằng cả hai sẽ bị dìm chết và tỏ ra hết sức ăn năn, nói rằng đó là do Chúa trừng phạt vì đã đi chơi thuyền với tôi.
Đến lúc này chính tôi cũng hốt. Lại nhìn vào bản đồ. Trên đó người ta đánh dấu âu thuyền bằng hai màu đen trắng rất rõ. Bản đồ này tốt, đáng tin và tôi cũng đã vài lần vượt qua âu thuyền U-nin-rơ-pho. Thế thì chúng tôi đang ở đâu? Tôi bắt đầu có ý nghĩ rằng mình đang nằm mơ, hiện đang nằm trên giường mình, chỉ ít phút nữa sẽ thức dậy thấy rằng đã mười một giờ. Nhưng nếu như thế thì trong hai người ai là kẻ đang nằm mơ, ai là người được mơ thấy?!
Trời càng lúc càng tối, xung quanh trở nên bí ẩn và đáng ngại. Mọi thứ ma quái đang rình rập, ma trơi, ma xó, thủy thần, tiên cá đang ngồi đâu đây trên vách đá cất tiếng ca ru đẩy chúng tôi vào vực thẳm. Quả thật vào giờ phút đó tôi ân hận vì có lúc đã chơi xấu kẻ khác, đã ít chịu cầu nguyện vào các sáng chủ nhật…
Chợt tôi nghe thấy tiếng hát vui nhộn cùng tiếng kèn ac-mô-ni-ca “Hôm nay thằng cha diện ngất - hắn nào có gì để mất…”
Bình thường tôi không khoái nghe tên nào phùng mồm trợn mắt ra thổi ac-mô-ni-ca nhưng lúc này sao tiếng kèn quyến rũ đến thế, nghe sướng tai như thần A-pơ-lông đang hòa tấu với giọng ca của O-rơ-phây trong thần thoại Hy-La vì biết chắc rằng mình đã được cứu thoát.
Tiếng kèn ngọt ngào càng lúc càng rõ, rồi chẳng bao lâu chiếc thuyền chở toán người vui vẻ đó tiến đến ngang thuyền chúng tôi. Chưa bao giờ chúng tôi thấy những anh chường và những cô nường đáng mến đến thế. Tôi gọi và hỏi họ có thể chỉ giùm đường tới âu thuyền U-nin-rơ-pho được không, tôi nói với họ là đã tìm chiếc âu đó hơn hai tiếng rồi.
- U-nin-rơ-pho à! - Họ ngạc nhiên - Chúa phù hộ các vị, nhưng người ta đã phá cái âu đó hơn năm nay rồi. Cái âu đó ngoẻo rồi, thưa các vị. Giờ các vị đang ở gần âu Cơ-li-vơ. Này Tôm ơi, người ta vẫn còn hỏi thăm âu thuyền U-nin-rơ-pho đây này!
Tiếc rằng thuyền lướt qua nhau quá nhanh nên tôi không thể ôm hôn bộ râu xồm của tay vừa nói chuyện, chỉ biết cám ơn và chúc với theo họ một buổi tối tốt lành. Chúng tôi về đến nhà kịp bữa tối và cô em họ cứ tiếc là không mời được những chàng trai cô gái quí hóa đó về nhà mình chơi dăm bữa nửa tháng để tỏ lòng cám ơn.
----------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét