Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Ba gã cùng thuyền - Jord. J. Clapka (Ch 10 - Ch 14)

Chương Mười

Đêm nghỉ đầu tiên - Tấm vải tuồn xỏ lá - Cái ấm quỉ quyệt và cách sử lý - Bữa tối - Mọi chuyện đều phải đi qua con đường của dạ dày - Chuyện xảy ra với ông bố Jord - Đêm mất ngủ.

Tôi và Hari đã nghĩ đến việc lịch sử lặp lại của câu chuyện xảy ra ở âu thuyền U-nin-rơ-pho. Jord lôi con thuyền tới âu Xơ-ten-da, ở đó chúng tôi đổi ca, tên nào cũng có cảm giác rằng mình đã phải đi bộ đến bốn chục dặm, phải lôi con thuyền nặng dăm chục tấn. Mãi rồi cũng tới nơi dự định nghỉ đêm vào tám giờ rưỡi, dạt thuyền vào bờ trái rồi bắt đầu ngó nghiêng tìm chỗ neo đậu. Thoạt đầu cả bọn định cố chèo đến đảo Ha-chi Vĩ đại, một hòn đảo có phong cảnh đẹp, nơi con sông rẽ nhánh tạo ra một thung lũng xanh tuyệt vời. Chỗ đó có vô số các cù lao và vịnh nhỏ nhưng chẳng hiểu sao không tên nào tỏ ra mặn mà với phong cảnh như hồi sáng nay, để ngủ đêm đầu tiên cả bọn sẵn sàng thỏa mãn với lô đất nhỏ nằm giữa bến phà và nhà máy lọc hơi ga. Lúc này chúng tôi chỉ muốn ăn tối và lên chuồng ngay tắp lự. Thuyền được cập vào mũi đất có tên là “mũi pich-nich”, cả bọn đổ bộ lên một miếng đất xinh xẻo nằm dưới bóng một cây du to như cây dương xỉ của thời tiền sử.
Tôi và Hari mong chóng được xực bữa tối, (bỏ qua món trà để thao tác cho nhanh), nhưng Jord phản đối: hắn bảo việc cần thiết là phải căng ngay tấm bạt trong khi trời chưa tối để tránh cảnh xẩm sờ nhầm gậy, sau đó mới có thể yên tâm ăn uống.
Ai cũng nghĩ rằng việc dựng tấm bạt lên trên con thuyền bằng bộ khung chế tạo sẵn là chuyện trở bàn tay, chỉ cần mươi phút là xong nhưng chúng tôi đã nhấm cái bè.
Tôi và Hari cầm những thanh cọc khung nhét vào lỗ chế tạo sẵn ở mạn thuyền. Không tên nào nghĩ rằng có thể xảy ra điều gì nguy hiểm, thế mà đến nay tôi còn ngạc nhiên về chuyện sao mà mình còn sống sót nổi qua vụ ấy. Đó không phải là các thanh cọc mà là bọn quỉ dữ, đầu tiên chúng không muốn chui vào lỗ khiến chúng tôi phải lấy toàn bộ trọng lượng thịt mình đè cổ từng thanh bắt chui vào bằng được, nhưng sau đó hóa ra chúng cố tình đánh lộn sòng vị trí để bọn tôi phải mắm môi mắm lợi kéo chúng ra ngoài. Bọn khốn kiếp đâu có chịu ra ngay, có một thanh ra công cưỡng lại, đến năm phút sau đó bất thình lình tung lên định hất bọn tôi xuống sông, rồi dìm cho chết thẳng cổ. Đoạn giữa của nó có bản lề nên chỉ sơ ý xoay mặt đi, là nó đã tinh quái kẹp ngay vào chỗ nào mà bạn cảm thấy đau nhất ở đằng lưng. Còn trong lúc bạn bắt một đầu của nó chui vào lỗ thì đầu kia thế nào cũng tìm cách gõ vào sọ của bạn.
Sau một hồi chống cự kịch liệt cuối cùng thanh nào cũng phải chui vào ổ của thanh ấy, chỉ còn việc căng bạt là xong. Jord dỡ đống bạt, ghim một đầu dây vào mũi thuyền. Hari đứng ở giữa gỡ bạt chuyển một đầu cho Jord và đầu kia chuyển về phía tôi. Mất khá nhiều thời gian để dỡ và di chuyển đống vải bùng nhùng. Jord hoàn toàn có thể đảm đương công việc nhưng Hari là tay mới tò te trong việc này nên lóng ngóng như thợ vụng với cây kim sào cong. Chẳng hiểu bằng cách nào, mà sau mấy phút vật nhau hắn lại để cho tấm vải bố quấn lấy người mình, hắn vướng cẳng ngã lăn quay, càng cố dẫy dụa để thoát ra càng bị quấn chặt thêm. Bản chất đấu tranh sinh tồn mạnh mẽ của người Bri-tơn khiến Hari quay lộn một cách điên khùng, làm cho đầu kia của tấm vải tuồn cùng với đoạn dây buộc cũng trở thành bẫy nhền nhện đối với tay Jord.
Vì trời đã nhá nhem nên vào thời điểm đó tôi chẳng hiểu có chuyện gì đã xảy ra. Hai tên bảo tôi đứng yên ở một đầu đợi bọn chúng chuyền dây và bạt tới, nên tôi với con Mon-mo-ran-xi cứ đứng như bụt mọc. Tôi chỉ thấy tấm bạt cứ giật đùng đùng, nghĩ rằng công việc cũng không dễ dàng, bọn chúng phải giũ như vậy mới gỡ được nó ra nên không can thiệp.
Tôi và Mon-mo-ran-xi chờ khá lâu nhưng công việc không có vẻ gì tiến triển. Bỗng từ duới lòng thuyền ló ra cái đầu của Jord. Cái đầu bảo tôi:
- Tay mày bị teo cơ rồi à, thằng thộn?! Mày đứng như cây gỗ mục trong khi tao với Hari tí nữa thì chết ngạt. Đồ chết dẫm!
Khi nguời ta đã gọi, tôi có bao giờ lại né tránh bất cứ việc gì! Tôi lao vào trợ giúp cho chúng ngay, tiếc rằng không kịp thời cho lắm bởi lẽ mặt tên Hari đã tím lại vì nghẹt thở.
Cả ba tên phải làm việc chối chết thêm nửa tiếng nữa mới hoàn tất việc dựng mái cho con thuyền, sau đấy là dọn chỗ trong thuyền và chuẩn bị bữa tối. Chúng tôi đặt ấm nước lên bếp cồn, đưa ra một phía của con thuyền rồi lảng hết về đằng lái, làm ra vẻ không hề để ý đến nó và đang quan tâm đến công việc khác.
Đó là cách tốt nhất để bắt ấm nước phải sôi cho nhanh. Chỉ cần ngài để lộ rằng mình đang sốt ruột, thì tôi cam đoan ngay đến chuyện khẽ reo cái ấm nhà các ngài cũng sẽ không thèm mở miệng. Nhưng nếu các ngài cứ làm như còn vội đi ăn, chẳng ai nghĩ đến chuyện trà lá chi hết, không cặp mắt nào thèm liếc về phía nó thế thì tự nhiên nó sẽ réo lên ngay, sẽ tốc chiếc vung bần bật để mời các ngài chiếu cố cho!
Trong trường hợp vội hơn các ngài có thể thêm vào một màn kịch nho nhỏ: Các ngài say sưa trò chuyện về món ăn (nói to to để cái ấm có thể nghe thấy), một người trong các ngài nói rằng lúc này mà uống trà thì cồn ruột lắm, tốt nhất là khai vị bằng vài li rượu... Tôi đảm bảo với các ngài là chiếc ấm sẽ lập tức đẩy nắp văng xuống đất, làm tung tóe nước sôi và dập tắt bếp cồn tắp lự.
Nhờ mẹo nhỏ kể trên nên khi mọi thức ăn của bữa tối dọn ra thì trà cũng đã sẵn sàng. Cả hội chúng tôi đã chờ đợi giây phút này biết bao!
Trong khoảng thời gian ba muơi nhăm phút suốt không gian từ mũi đến lái, từ mạn nọ sang mạn kia không hề có một ai ho he, nếu không kể đến tiếng bát đĩa va nhau và tiếng của bốn bộ hàm đang làm việc hết công suất. Sau hai nghìn một trăm giây, Hari thốt lên: “phừ!”, rồi hắn đổi tư thế, duỗi chân trái, quặp chân phải vào dưới đùi.
Năm phút sau đó Jord cũng phừ một tiếng rồi lia chiếc đĩa lên bờ cỏ. Thêm ba phút nữa con Mon-mo-ran-xi lần đầu tiên tỏ thái độ hòa hoãn với quyết định đi chơi bằng thuyền của ba ông hai chân, nó nằm nghiêng một bên sườn, chân duỗi dài về phía trước, không quan tâm đến chiếc đĩa của mình nữa. Đến lượt tôi phừ rồi ngả người ra sau, đập đầu đánh bộp vào một trong những cây cột sắt căng bạt nhưng không hề hấn gì đến tâm trạng vui vẻ, thậm chí không có tiếng chửi thề nào phát ra.
Khi dạ dày đã được lèn chặt con nguời ta cảm thấy thật là dễ chịu! Mọi tư tưởng và ý định tốt đẹp nhất trên đời đều sẵn sàng phát tiết, cảm thấy tự hào vì mình và trở nên dễ tính bất ngờ, sẵn sàng tha thứ mọi chuyện và tăng tiến tình yêu với mọi bà con cô bác.
Dẫu sao chúng ta cũng cảm thấy lạ lùng, vì trí thông minh và cảm tính của con người lại tùy thuộc vào bộ máy tiêu hóa đến như vậy. Bạn không thể nào làm việc, suy nghĩ nếu dạ dày không ưng ý. Dạ dày định hướng cho các loại cảm xúc, trạng thái, khát khao của chúng ta.
Sau một đĩa trứng tráng với thịt băm nó ra lệnh: “Làm việc đi!”. Sau món bit-tết và chả giò nó bảo: “Ngủ đi! ”. Sau một cốc trà (hai thìa trà cho một cốc, hãm không lâu hơn ba phút) nó ra lệnh cho bộ não: “Nào, hãy tỉnh táo và chứng tỏ rằng anh là người có năng lực đi! Hãy là nhà hùng biện, nhà tư tưỏng thâm thúy, ngó sâu vào các bí mật của thiên nhiên và khám phá đi, hãy mở đường cho con người lên các tinh tú trên bầu trời đi xem nào!”.
Sau mấy cốc uýt-sờ-ki nó rỉ vào tai bạn: “Bây giờ làm thằng ngố đi, cười hi hi, hô hô đi! Hãy khua chân múa tay, đi loạng choạng, chào một anh cớm thành hai ông sĩ quan để cho bạn bè và người thân của mi thấy được việc một con người tử tế có thể biến thái đến mức nào, trở thành những con lợn con tranh nhau lội vào máng cám ra sao!”.
Tất cả chúng ta đều là bọn nô lệ đáng thương của chính dạ dày mình mà thôi. Hỡi các bạn bè thân quí của tôi! Tôi xin các người đừng hùng hổ đứng lên mở cuộc đấu tranh vì đạo đức và lẽ công bằng làm chi! Hãy quan tâm đến dạ dày của chính mình, hãy thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu cho nó.
Khi đó chẳng cần cố gắng lớn lao gì bạn cũng có thể đăng quang trong sự bình yên và độ lượng, sẽ là một công dân tốt, là đức ông chồng đáng quí của mẹ đĩ nhà mình, là máu mủ đáng mến của bà con họ hàng - nói tóm lại đủ để trở thành con nguời (viết bằng chữ hoa như người ta vẫn nói!).
Trước bữa ăn Jord, Hari và tôi đều cáu bẳn, dễ gây sự, đay nghiến nhau. Sau bữa tối chúng tôi nói cười với nhau và với con Mon-mo-ran-xi rất thân ái. Chúng tôi yêu mến nhau, yêu quí toàn thể nhân loại. Hari vô ý dẫm lên chỗ chai chân của Jord, nếu việc đó xảy ra truớc bữa ăn chắc hẳn tên Jord sẽ ra lời miêu tả tương lai tiền đồ của Hari không hơn gì một thằng ăn mày, bây giờ hắn chỉ nói rất nhã nhặn :
- Nhẹ nhàng tí nào, bố cu! Đấy là vết chai quí hóa của tớ đấy.
Còn Hari, thay cho việc càu nhàu rằng chẳng ai có mắt ở chân để tránh được thứ đặt vừa đúng tầm bước của mình, thay cho việc nói rằng những thằng cha mượn chân cẳng của loài giang sếu thì phải biết thu gọn kích thước trên con thuyền chật hẹp, hoặc giả dạng hai chân sang hai bên be cho người ta đi lại, thay cho tất cả những câu nói khó nghe đó hắn đã trả lời ngọt như đường phèn:
- Ối, bạn thân mến, thứ lỗi nhá! Hy vọng cậu không bị đau.
- Không một chút nào. - Jord cười rất chi là tươi tắn và lịch sự.
Gớm, nghe hai tên phát biểu mà mát rượi cả lòng ruột!
Jord nêu ý kiến sao chúng ta không vứt bỏ mãi mãi cái thế giới cám dỗ đầy tội ác này để sống một cuộc đời khiêm tốn, giản dị, điều độ và làm việc thiện. Tôi bảo mình cũng có ý đó và cả bọn đều suy nghĩ, liệu có nên lập nhóm bốn mạng đến sống ở một hòn đảo tốt lành nào đó, giữa cây rừng cách xa hẳn thế giới văn minh hay không.
Hari phát biểu rằng những hòn đảo như vậy thường ẩm ướt lắm, Jord phản biện rằng có thể làm khô chúng để không lo bị ướt chân. Lại có ý kiến cho rằng tốt hơn chịu để ẩm họng hơn là để ẩm chân, nhân đó Jord sực nhớ đến một câu chuyện hài xẩy ra với bố hắn. Jord kể rằng ngày đó bố hắn đi du lịch xứ Uay-lơ cùng một anh bạn, cả hai trọ lại trong một khách sạn, nơi đó đã có một nhóm nam thanh nữ tú và họ (bố Jord cùng anh bạn) nhập hội, cùng nhau nhốn nháo ồn ào “ba say chưa chai” suốt một buổi tối.
Hội này rất vui vẻ, cùng ngồi rốn đến tận nửa đêm. Đến lúc đi ngủ thì cả hai (bố Jord khi đó còn là một trai tơ chưa lập gia đình) đã chân nam đá chân chiêu. Hai người phải ngủ chung trong một phòng có hai giường, họ cầm cây nến đi lên phòng mình. Khi lên đến phòng ngủ thì cây nến va vào tường tắt ngấm nên cả hai phải mò mẫm tìm vào giường. Trong bóng tối hai chàng bợm nhậu tình cờ mò vào nằm trên cùng một chiếc giưòng, một anh thì đầu đặt đúng vào gối, anh kia nằm theo chiều ngược lại nhưng chả ai để tâm đến chuyện đó.
Khoảng một phút họ nằm im lặng, sau đó bố Jord nói:
- Doi-e!
- Có việc gì vậy, Tôm? - Giọng của Doi-e trả lời từ phía cuối giừơng.
- Nghe này! Có kẻ nào đó đã nằm ở giuờng. - Bố Jord nói. - chân hắn ta để lên gối của tớ.
- Cậu thử nghĩ xem, Tôm, sao lại có chuyện trùng hợp thế nhỉ. - Doi-e đáp. - Thánh cứ vật tớ tại chỗ nếu không đúng là có thằng cha nào cũng đang nằm trên giường tớ!
- Cậu định làm thế nào?
- Tớ à, tớ định hê hắn xuống đất.- Doi-e nói.
- Tớ cũng định vậy. - bố Jord can đảm không kém.
Một cuộc vật lộn ngắn xâỷ ra với kết thúc là có hai tiếng bịch của thân người rơi xuống nền nhà. Sau đó là tiếng gọi khá thảm hại.
- Tôm, Tôm à!
- Sao cơ?
- Cậu thế nào ?
- Cậu biết không, thằng cha hất tớ xuống nền rồi.
- Còn thằng bên tớ thì hất tớ. Cái khách sạn đểu, đến thánh cũng phải mếu.
- Tên cái khách sạn ấy là gì? - Hari cất tiếng hỏi.
- “Con lợn và chiếc tu huýt”.- Jord đáp. - Sao cơ?
- Không, nghĩa là không phải cái khách sạn ấy.
- Sao cậu lại hỏi thế? - Jord cố căn vặn.
- Cậu thấy có lạ không, chính bố tớ cũng kể cho nghe câu chuyện như vậy, có điều tên khách sạn không phải thế. Hay chính là hai vị ấy nhỉ?
Chúng tôi đi ngủ vào lúc mười giờ, nghĩ rằng do mệt mỏi nên sẽ ngủ ngay nhưng không phải vậy. Thông thường tôi cởi quần áo rồi đặt đầu vào gối, sau đó phải có ai đó đập trống ở cửa quát rằng đã đến giờ phải dậy, nhưng hôm nay tất cả mọi chuyện đều chống lại việc tôi khò. Khung cảnh lạ hơ lạ hoắc, đáy thuyền dưới lưng cứng như đá tảng, chân co chân duỗi (một bên đặt trên chiếc ghế dài, chân kia đặt trên một chiếc khác), sóng vỗ lạch bạch, cành lá lao xao trước gió - tất cả đồng mưu không cho tôi ngủ. Dẫu sao bọn chúng cũng chỉ dàn trận tuyến chống lại được chừng vài ba chục phút rồi phải chào thua, vì lẽ tôi đã không còn biết đến bất cứ chuyện gì trên đời, tuy nhiên có lẽ tôi cũng chỉ ngủ được vài ba tiếng, nằm mê toàn những chuyện đầu cua tai ếch.

Chương Mườì một

Lần đầu Jord ta dậy sớm - Jord, Hari, Mon-mo-ran-xi không chịu nổi nước lạnh - Tôi thể hiện tính cả quyết và lòng dũng cảm - Chiếc áo sơ mi của Jord - Hari trổ tài đầu bếp - Chuyện cổ xưa.

Sáng hôm sau tôi thức giấc vào lúc sáu giờ sáng, thấy rằng tên Jord cũng đã mở mắt thao láo. Chúng tôi xoay xở sườn nọ sang sườn kia cố gắng để ngủ tiếp nhưng không thể được. Giá như vì một lí do đặc biệt nào đó tôi và hắn bắt buộc phải dậy sớm mặc quần mặc áo thế nào hai tên cũng sẽ ngủ như chết, đến khi có thể liếc vào đồng hồ thì đã mười giờ. Nhưng lẽ vì chúng tôi còn hai tiếng tự do ngả ngốn nữa, không có việc gì để làm và dậy sớm như thế này thực là vô lý, thì cả hai đều thấy rằng nếu bắt nằm rốn thêm dăm phút nữa thôi cũng không thể nào chịu đựng nổi.
Jord nói rằng đã có chuyện tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn xảy ra với hắn một năm ruỡi trước khi hắn ở nhà của một bà Gip-ping nào đó. Một buổi tối đồng hồ của hắn đứng lại ở chín giờ kém mười lăm, hắn không để ý thấy vì hôm đó quên không lên dây cót, (việc đó hiếm khi xảy ra với Jord), chỉ treo chiếc đồng hồ lên đầu giường, không nhìn vào mặt số.
Hồi đó vào mùa đông, ngày ngắn củn, hơn nữa cả tuần lễ liền sương mù bao phủ thành phố nên khi thức giấc vào buổi sáng Jord thấy xung quanh tối thui, chẳng hiểu trời đã sáng chưa. Hắn nhỏm dậy với chiếc đồng hồ thấy đã chín giờ kém mười lăm.
- Chết cha rồi! - Jord thốt lên. - Mười giờ mình đã phải có mặt ở Xi-ty. Sao không ma nào đánh thức mình nhỉ? Quái thật!
Hắn cuống quít tít mù quăng chiếc đồng hồ, nhỏm dậy vào phòng tắm xối nước, mặc quần áo, cạo râu với nước lạnh vì không kịp đun nóng nước rồi lại nhòm đồng hồ.
Có thể do bị xóc khi ném xuống giuờng hay một lí do nào khác chiếc đồng hồ lúc nãy dừng ở chín giờ kém mười lăm lúc này đã chỉ con số chín giờ mưòi. Jord chộp vội nó rồi ba chân bốn cẳng lao xuống thang gác. Phòng khách bên duới tối đen và lặng như tờ: không lửa trong bếp lò, không có bữa sáng bầy sẵn trên bàn. Thực là chuyện quá quắt đối với trách nhiệm của bà chủ nhà và Jord quyết định, tối nay khi đi làm về sẽ tính sổ chuyện này với bà ta. Giờ thì hắn chui vào áo bành tô, chụp lên đầu chiếc mũ, nhét ô vào nách rồi bổ ra cửa. Cửa vẫn còn cài móc, Jord đe sẽ rút phép thông công tất cả bọn lười nhác sống trong ngôi nhà và ngạc nhiên tại sao giờ này mà bọn chúng vẫn còn ngủ, hắn hất chiếc móc mở toang cửa rồi đi ra phố.
Jord chạy gằn quãng một phần tư dặm, đến cự li đó hắn mới có cảm giác lạ lùng khó hiểu về chuyện tại sao phố vắng nguời như vậy, các cửa hàng vẫn còn đóng. Tuy phố xá phủ trong sương mù dày đặc nhưng chẳng lẽ vì thế mà mọi hoạt động vẫn chưa bắt đầu, hắn đang phải đi nhanh đến nơi làm việc cho kịp giờ tại sao những người khác vẫn còn ườn xác trên giường chỉ vì lí do có sương mù nhỉ?
Khi Jord tới Hon-bo-re hắn không thấy xe ngựa, chẳng có quầy hàng nào mở cửa. Không một ai đi lại nếu không tính đến ba nhân vật: một viên cảnh sát, một chị hàng rau và chiếc xe một ngựa vừa ló ra. Jord lôi từ túi ra chiếc đồng hồ, nhìn chăm chăm vào mặt số: chín giờ hai mươi phút! Hắn dừng lại đếm mạch đập của mình, sau đó cúi xuống bấu vào bắp chân rồi cầm chiếc đồng hồ trên tay cả quyết tới gặp viên cảnh sát hỏi xem mấy giờ rồi.
- Mấy giờ à? - Viên cảnh sát hỏi lại, nhìn hắn bằng cặp mắt đầy ngờ vực:
- Dỏng tai lên chuẩn bị nghe đi, xem nó gõ mấy tiếng.
Jord lắng nghe và chiếc đồng hồ tháp nhà ai cạnh đó chẳng để hắn phải đợi lâu.
- Thế nào, mới gõ ba tiếng thôi à? - Jord bối rối khi những tiếng chuông đã tắt.
- Còn sao nữa? Anh muốn nó gõ mấy tiếng? - Viên hạ sĩ hỏi.
- Chín... mưòi.. mười tiếng.
- Anh có nhớ được anh sinh sống ở phố nào không? - Người đại diện trật tự công cộng hỏi một cách nghiêm khắc.
Jord nghĩ một tẹo rồi nói số nhà mình ở.
- Té ra là thế. - viên cảnh sát nói. - Bây giờ anh nghe tôi khuyên anh đây: nhét chiếc đồng hồ thịt bò của anh vào túi đi và về nhà cho thật yên lành. Đừng có giở trò ngố gì ra đấy nhá!
Jord thất thểu đi về nhà như kẻ mộng du.
Về tới nhà Jord định cởi quần áo ngủ tiếp nhưng nghĩ tới việc lại phải mặc chúng vào, cạo râu, lại phải rửa ráy nên cứ để nguyên dạng ngồi vào ghế bành gà gật.
Nhưng không sao thiếp đi được: hắn chưa bao giờ thấy tỉnh táo như lúc này. Jord thắp đèn, với bàn cờ tướng chơi một mình, nhưng chơi trò này thời gian kéo dài như vô tận, hắn bỏ bàn cờ quay sang đọc sách nhưng thấy chả muốn đọc chút nào nên lại khoác áo bành tô ra ngoài đi dạo.
Phố xá ảm đạm và vắng như bãi tha ma. Một vài viên cảnh sát đi ngược chiều nhìn hắn chằm chằm ngờ vực, ánh đèn pin của họ còn rọi theo vết hắn mãi làm Jord đâm ra ngờ vực chính mình, có cảm giác mình đang làm chuyện gì đó không hay, nên cứ tự nhiên nấp vào các góc khuất hoặc chỗ tối, mỗi khi nghe thấy tiếng giày xăng-đá gõ lốp cốp của những người thừa hành công vụ.
Hẳn là hành vi của Jord quả thực gây nỗi nghi ngờ cho nên một viên cảnh sát vẫy anh chàng lại hỏi đang làm gì. Hắn đáp là chỉ đơn giản dạo chơi (vào lúc bốn giờ sáng!) ngoài phố, vị này không tin nên cuối cùng một nhóm hai người đã dẫn độ anh chàng về tận nhà để xem có đúng là nhân vật đáng ngờ này sống ở đấy không. Họ đứng quan sát anh chàng dùng chìa khóa mở cửa vào nhà, đợi cho hắn vào hẳn trong nhà êm thấm rồi mới tản ra hai đầu phố tiếp tục theo dõi tình hình ngôi nhà có nhân vật khả nghi này.
Trong lúc đi về nhà Jord định bụng sẽ nhóm bếp lò, tự chuẩn bị bữa sáng để giết thời gian nhưng tay chân hắn tự nhiên trở thành hậu đậu, động vào cái gì là làm rơi hoặc đánh đổ, khi một tiếng choang vang lên do chiếc đĩa rớt xuống nền nhà, Jord ta tự nhiên rúm người lại với nỗi lo bà chủ nhà thức giấc, biết đâu trong lúc hốt hoảng bà ta gào lên “Trộm, có kẻ trộm!”, chắc chắn mấy tên cớm sẽ xộc vào lôi hắn về đồn. Chờ được vạ thì má đã sưng hơn mắc bệnh quai bị là cái chắc!
Thế là anh chàng đành phải từ bỏ ý định. Hắn chui vào chiếc áo choàng ngồi im trên ghế bành như mụ phù thủy bị trói cứng trên dàn thiêu cho đến bảy giờ rưỡi, khi bà chủ nhà xuất hiện ở ngưỡng cửa.
Từ ngày đó Jord ta thực hiện câu châm ngôn “thà ngủ muộn còn hơn dậy sớm”, bài học của một lần dậy sớm đã là quá đủ.
Trong khi Jord kể chuyện đời cho tôi nghe, cả hai tên quấn khăn choàng ngồi trên thuyền. Khi hắn chấm dứt câu chuyện tôi bắt tay vào việc: vũ trang bằng bơi chèo và bắt đầu đánh thức Hari.
Tôi thọc vào thằng cha ba lần nhưng tỏ ra chưa đủ độ, hắn chỉ ngọ ngoạy xoay người sang phía khác, làu bàu rằng hắn sẽ xuống nhà ăn ngay đây, chỉ bảo họ mang đến hộ hắn đôi giày cao cổ. Phải dùng đến câu liêm để nhắc nhở việc hắn đang ở đâu, lúc đó tên Hari này mới vùng dậy làm con Mon-mo-ran-xi đang ngủ vùi trên ngực hắn văng ra phía mũi thuyền.
Ba tên vén bạt ló bốn chiếc mũi ra ngoài, cả bọn nhìn xuống sông mà nổi da gà. Chiều hôm truớc chúng tôi dự định rạng sáng là tung ngay chăn, tháo bạt mui, lao xuống nước bơi thật hăng say và tận hưởng vẻ đẹp của bầu trời, mặt nước. Buổi sáng ước ao đã đến nhưng khung cảnh sao chẳng quyến rũ chút nào. Con sông ẩm xì và lạnh lẽo, gió cứ hun hút thổi.
- Sao, ai xuống trước đây? - Hari cố lên gân.
Không thấy xuất hiện kẻ hăng say tự nguyện. Jord xử xự rất đơn giản: hắn tụt vào trong khoang, cho chân chui vào tất cao cổ. Mon-mo-ran-xi khẽ kêu ư ử chứng tỏ cu cậu rất hãi khi nhìn thấy nuớc. Hari bàn lùi rằng từ dưới sông khó mà trèo được lên thuyền, sau đó hắn tụt vào trong khoang bận rộn với việc tìm chiếc quần xà lỏn.
Nói chung tôi cũng không hay bám chằng lấy một ý định nhưng rụt đầu rụt cổ lại như bọn nó thì cũng khá ươn, vậy nên tôi có một quyết định thỏa hiệp: Rời thuyền lên bờ lau mình bằng nước lạnh. Tôi lượm khăn mặt, leo ra ngoài thuyền tới một gốc cây lớn, lập cập theo một cành khô vươn ra sông.
Gió như thổi từ Bắc cực về, lạnh sun vòi làm tôi hết hứng lau người bằng nước sông, nên đã tính quay về thuyền mặc quần áo. Vừa định thực hiện như vậy thì cành cây chết tiệt tôi đang đứng bỗng kêu rắc một tiếng, rồi mời tôi cùng xuống sông với nó. Với vô khối nước sông ộc vào bụng, tôi cùng chiếc khăn mặt thấy mình đã ở giữa con sông Thêm trước khi hiểu ra mọi diễn biến.
- Chu cha! Bố cu Jem thế mà hăng ra phết! - Hari thốt ra khâm phục. Đó là câu đầu tiên tôi nghe thấy khi ngóc được đầu lên khỏi mặt nước. - Tớ đã nghĩ rằng hắn co vòi rồi, còn cậu thế nào Jord?
-Ở đấy thế nào, không sao chứ ? - Jord hỏi với ra chỗ tôi.
- Khoái không tả được! - Tôi vừa phì bong bóng vừa trả lời. - Bọn bay đụt thật đấy, không tên nào dám tắm. Thử tí xem, dốc hết can đảm trong hầu bao ra đi!
Tuy nhiên không thể nào khích được hai thằng cha này nhập hội bơi.
Trong lúc tôi mặc quần áo lại có chuyện hài xảy ra. Khi cuối cùng tôi đã leo được lên thuyền, răng gõ như đàn đá, vội vàng giật chiếc áo sơ mi để mặc cho ấm nhưng nó lại rớt xuống nước. Tôi thực sự phát điên, nhất là khi tên Jord cười hô hố.
“Có cái chó gì mà cười”, tôi bảo hắn thế nhưng thằng cha này càng hô hô to hơn, thật không thể gặp được một thằng khốn nào ngu như hắn. Nhưng khi vớt chiếc áo lên khỏi mặt nước thì chợt phát hiện ra đấy không phải của tôi, mà chính là cái của hắn, do vội vàng tôi đã chộp nhầm.
Bây giờ đến lượt tôi cười, không thể nào nén được cười. Càng nhìn vẻ mặt tên Jord đang cười muốn chết tôi càng khoái chí đến mức cũng hô hô ha ha, cười đến nỗi chiếc áo lại rơi tõm xuống sông.
- Sao thế... sao mi... không vớt nó lên? - Jord cố nén cười hỏi tôi.
Tôi đang cười đến nỗi đầu tiên không sao trả lời được, mãi mới thốt ra:
- Nhưng đó không phải áo của ta. Chính cái sơ mi của nhà ngươi đấy!
Thật tiếc cho những ai không được chứng kiến sự thay đổi nhanh đến như thế trên nét mặt của thằng cha này, đang từ nét cười ngoại cỡ chuyển ngay sang cáu kỉnh và rầu rĩ.
- Sao?! Thằng mặt nạc. Không thể cẩn thận hơn tí nữa à? - Hắn quát tôi. - Sợ cọp vồ hay sao mà không lên bờ để mặc áo? Đồ thộn như mi không có chỗ ở dưới thuyền đâu! Đưa câu liêm đây!
Tôi phải cố gắng hết sức để lái vấn đề sang chuyện khôi hài vì Jord là tên dễ cáu và không biết tếu là gì.
Hari đề nghị làm món trứng rán để ăn sáng, hắn bảo chính tay hắn sẽ thao tác món ăn đặc biệt này. Xét theo lời của Hari thì hắn là chuyên gia năm-bơ -oăn, hắn đã quá nhiều lần làm món này trong những buổi pich-ních và đi chơi trên du thuyền. Vô địch về tráng trứng. Hắn diễn tả để chúng tôi hiểu rằng người nào đã ăn món trứng của hắn sẽ không bao giờ thấy ngon khi ăn thứ khác, thậm chí còn nghiện đến phát ốm phát đau nếu lâu lâu không được một lần sực lại.
Hắn làm bọn tôi thèm nhỏ dãi, hai tên hăng hái lấy đèn cồn, chảo, có bao nhiêu trứng chưa bị vỡ ở trong làn đều bê tất ra, khẩn khoản yêu cầu hắn vào việc ngay cho.
Hari xem chừng khá vất vả với việc đập trứng, nói cho đúng cái khó không phải là đập vỡ vỏ trứng mà là giữ nguyên được quả trứng đã đập sao cho nó khỏi chảy vào quần để đưa tới vị trí đặt chảo, rồi rót vào đấy chứ đừng rót vào cổ tay áo ba-đờ-xuy của mình. Dẫu sao thì cũng có non chục quả trứng trong số đó được rót vào đúng chỗ và Hari ngồi xổm xuống bắt đầu dùng dĩa ngoáy cho tan đều.
Do vướng tầm nhìn, tôi và Jord phải nghển đầu, đẩy cổ nhau để xem bí quyết công nghệ của bậc thầy tráng trứng. Theo những gì nhìn thấy, tôi và Jord đều cho rằng tráng trứng là một công việc khổ sai: mỗi lần Hari lại gần chiếc chảo hắn lại bị bỏng, đánh rơi những gì mang trên tay.
Tay thợ tráng trứng cứ nhảy dựng vòng tròn quanh bếp cồn, thổi thổi vào ngón tay và văng ra những câu lạ tai. Lần nào cũng vậy nên lúc đầu chúng tôi cho rằng đó là thủ thuật cần phải tiến hành, chỉ những bậc thầy mới biết cách.
Quả thực tôi và Jord dốt đặc cán mai táu về nghệ thuật nấu ăn, nên cho rằng Hari đã học được bí quyết của thổ dân da đỏ hoặc cư dân của hòn đảo bí hiểm Xan-nhi-côp và đó là nghi lễ cần thiết trong khi thao tác. Con Mon-mo-ran-xi cũng khoái cảnh tượng này nên thử thò mũi vào chảo. Cu cậu bị bỏng mỡ sôi nên đến lượt nó cũng nhảy múa và ăng ẳng chửi bới xung quanh cái bếp cồn. Cảnh tượng hết sức bắt mắt, bọn chúng tôi chưa bao giờ được thấy nên rất tiếc vì nó kéo dài không lâu.
Sự trông chờ đối với món ăn của Hari đã không được đền đáp đúng mức. Thành quả lao động của hắn rất thiểu não, không đáng nói tới: từ chục quả trứng rơi đúng chảo chỉ đổi được vài thìa chất sền sệt bị cháy dở dang!
Hari cho biết mọi sai sót đều do chiếc chảo gánh chịu. Hắn quả quyết rằng món trứng sẽ đúng như mong đợi, nếu có được chiếc bếp nướng dùng hơi ga và một cái xanh để rán cho ra trò. Vậy nên chúng tôi quyết định sẽ không tiến hành món trứng đó nữa chừng nào chưa có đủ đồ dùng nhà bếp thiết yếu.

Chương Mười hai

Già kén kẹn hom - Không nhà không cả mái che - Hari muốn từ giã cõi đời - Thiên thần chân đất - Bữa tối gọn nhẹ - Ăn sáng - Kho báu và lọ mù tạc - Cuộc đấu sống chết - Ba lão ngư.

Sau bữa sáng tôi ngồi trên bờ sông nghĩ ngợi về lịch sử miền đất chúng tôi đang đi qua nhưng Jord không để cho tôi yên, hắn bảo nếu như tôi thấy nghỉ đã đủ rồi, thì liệu có sẵn lòng tham gia vào việc rửa bát đĩa chăng, tôi đành phải bò vào thuyền rửa chảo bằng bàn chải với một dúm cỏ, cuối cùng thì đánh bóng bằng cái áo sơ mi ướt của Jord.
Đoạn sông tiếp theo ít hấp dẫn hơn, chỉ khi gần đến Bo-ven mới đẹp trở lại. Tôi cùng Jord kéo thuyền bằng dây chão ngang qua công viên Ho-um, công viên này kéo dài theo bờ phải sông từ cầu An-be-rơ đến cầu Vich-to-ri. Khi qua Đet-tre-rơ, Jord hỏi tôi có nhớ chuyến du hành theo sông Thêm lần đầu, cái lần chúng tôi đổ bộ lên Đet-tre-rơ vào quãng mười giờ tối và khốn khổ khốn nạn vì chuyện ngủ đêm hay không.
Tôi đáp là vẫn nhớ. Chuyện như vậy sao có thể quên được!
Lần đó là vào hôm thứ bảy truớc kì nghỉ hè tháng tám. Chúng tôi - vẫn bộ ba như hiện giờ - đến được Đet-tre-rơ thì đã đói và mệt. Ba tên kéo từ lòng thuyền ra các thứ rương, làn, khăn, khố… chia nhau lôi xách đi tìm chỗ nghỉ đêm. Chúng tôi tìm thấy một khách sạn nhỏ tuyệt đẹp, giàn cây phủ đầy trường xuân và tơ hồng, chỉ không có hoa kim ngân nhưng không hiểu sao tự dưng tôi lại thích có cây kim ngân nên nói với tụi chúng:
- Không, không dừng ở đây các câụ ạ! Bọn mình đi thêm tí nữa tìm xem có khách sạn nào có giàn kim ngân thì hơn.
Chúng tôi đi mãi cho đến khi gặp một khách sạn trông cũng rất xinh xắn và có giàn hoa kim ngân. Nhưng Hari không ưa dáng vẻ của cái tay đang đứng tựa cửa ra vào. Hắn bảo tay này có cái đầu trông rất tởm, hắn không thích tí nào, vậy nên chúng tôi tiếp tục hành trình. Cả bọn đi rạc cẳng nhưng không thấy thêm một khách sạn nào, gặp một người đi đường liền hỏi thăm. Nguời này nói :
- Xin thứ lỗi, nhưng tôi e rằng các vị đi sai hướng rồi. Các vị hãy quay lại, cứ đi thẳng là tới “Con Hươu Đực ” ngay!
- Chúng tôi đã đến đấy rồi và không ưng ý khách sạn đó, không có giàn kim ngân nào cả.
- Thế ư? - người này nói. - Vậy thì còn “Me-no-hay” đối diện “Hươu đực”. Các vị đã tới đó chưa?
Hari đáp rằng bọn tôi không muốn tới đó - không thích cái tay đứng ở đó, trông cái sọ trọc với mấy sợi tóc hoe của hắn mất cảm tình lắm.
- Vậy thì tôi chịu không biết các vị ưng thứ gì. ở đây chả còn khách sạn nào nữa đâu.
- Không còn khách sạn nào?! - Hari kinh ngạc.
- Vâng. Thưa quí vị. Nhẵn rồi đấy!
- Mình đi đâu bây giờ? - Hari băn khoăn.
Đến lúc này Jord giành quyền phát biểu. Hắn bảo tôi với Hari tự xây lấy khách sạn mà ở cho thật vừa ý, còn hắn thì quay về với hươu đực hươu cái gì cũng được.
Ngay những thiên tài của nhân loại cũng chẳng phải luôn luôn thực hiện được điều mình muốn, vậy nên tôi và Hari đành lếch thếch đi theo sau tay Jord. Chúng tôi kéo lê ba lô hành lý tới “ Hươu Đực” đặt một đống ở nền hiên.
Chủ khách sạn ra gặp và nói:
- Chào các quí ông.
- Chào ông. - Jord đáp lời. - Tôi hy vọng có thể tìm được ba giường trống ở khách sạn của ông.
- Tôi rất lấy làm tiếc, thưa quí ông, nhưng tôi e rằng không tìm được đâu ạ.
- Biết làm sao nhỉ? - Jor đáp. - Thôi hai giường cũng được, hai trong số bọn tôi sẽ nằm chung một giuờng… có phải không? - Hắn hướng cái nhìn sang hỏi Hari và tôi.
- Hẳn thế. - Hari tán thành với tính toán là một giuờng cũng đủ cho tôi và Jord.
- Rất là tiếc thưa quí ông. - tay chủ khách sạn nhắc lại. - Nhưng khách sạn của tôi không còn một giường trống nào. Nếu các vị muốn biết thì tôi phải nói thật là mỗi giuờng giờ đã nằm hai người, có giường ba người…
Việc đó đầu tiên làm cả ba tên hoang mang, nhưng Hari tỏ ra là một du khách từng trải, dễ dàng vượt qua tình thế, hắn cười vui vẻ, nói:
- Được rồi, ông cũng chẳng có cách nào khác. Đành chịu đựng với nhau vậy thôi. Có thể thu xếp cho chúng tôi trong phòng bi-a được chăng?
- Tôi thực sự lấy làm tiếc, thưa quí ông. Đã có ba ông ngủ trong phòng bi-a, hai ông khác nằm ở phòng khách. Không còn khả năng nào để thu xếp chỗ nghỉ cho các quí ông đêm nay.
Ba tên nhặt nhạnh đồ đạc lếch thếch kéo sang Me-no-hay. Lúc nãy khách sạn này trông rất hay, tôi bảo là mình ưng nó hơn Con Hươu, Hari nói :
- Lại còn thế nữa! - Hắn nói thêm, lúc này chẳng cần quan tâm đến chuyện nọ chuyện chai làm chi,- Đầu thằng cha ấy hói thì việc quái gì đến cánh ta, hơn nữa thằng gù đâu có lỗi vì cái bướu nó mang trên lưng!
Hắn gói ghém vấn đề khá gọn và có lý ra phết!
Ở Me-no-hay người ta không để chúng tôi kịp mở miệng. Nữ chủ đón chúng tôi ở ngưỡng cửa thông báo rằng chúng tôi là nhóm thứ mười bốn mà bà ta bắt buộc phải từ chối tính từ một tiếng rưỡi trước đây. Nhắc nhở rụt rè của chúng tôi về gầm cầu thang, chuồng ngựa, phòng bi-a được bà chủ đáp trong tiếng cười như nắc nẻ: tất cả những chỗ có thể ngả lưng đã được người ta chiếm cứ từ lâu rồi.
- Liệu nữ chủ có thể gợi ý một hướng giải quyết nào cho đêm nay được chăng?
Không, bà ta không nghĩ ra cách nào… nhưng cách đây một dặm rưỡi nghe đâu còn có một khách điếm…
Không kịp nghe hết câu nói của bà chủ khách sạn Me-no-hay, ba tên đã chộp đồ lề rương, làn, bị, gậy biến nhanh như chớp. Cự ly có thể còn hơn con số một dặm rưỡi nhưng bọn tôi đã nhanh chóng lướt qua, thở hổn hển khi ập vào tửu quán.
Ở đây chúng tôi không được ai đón chào niềm nở. Chủ quán đang bận, còn những người quanh đấy cười diễu nói rằng quán có ba chiếc giuờng nhưng đã thu xếp cho bảy người đàn ông độc thân và một cặp vợ chồng, chỉ có một người khuyên chúng tôi nên vào tìm chỗ trú ở quầy thực phẩm bên cạnh “Con Hươu Đực” xem sao. Chúng tôi đành lộn ngược hành trình.
Quầy thực phẩm cũng đã lèn cứng như cá hộp. Có một bà cụ nhận dẫn chúng tôi đến nhà người quen ở cách đó một phần tư dặm, nhà này đôi khi cũng nhường giường cho khách.
Ba tên lếch thếch đến hai mươi phút mới đến được ngôi nhà đó vì bà cụ đi đứng rất khó nhọc, dọc đường cụ bà giải khuây cho cả bọn bằng câu chuyện kể về những tật bệnh của cụ, đặc biệt là những cơn đau nhói ở thắt lưng. Căn hộ bà cụ đưa chúng tôi đến đã chặt cứng người ở nhờ qua đêm. Họ dẫn chúng tôi sang số nhà No. 27, nhà này cũng đông như nêm cối nên lại sang nhà No. 32 và nhà này cũng chẳng khác gì những nhà kia.
Ba tên đành quay ra đường cái, Hari ngồi phịch xuống một chiếc rương nói rằng sẽ không đi đâu nữa. Hắn bảo hắn muốn được chết trong cái góc nhỏ yên tĩnh này và nhờ tôi với Jord chuyển cái hôn vĩnh biệt đến bà già hắn, nhờ nói với tất cả bà con họ hàng tha thứ những lỗi lầm và nói với họ rằng hắn rất sung sướng được chết đi, để khỏi phải hành hạ thân xác thêm ít năm tháng nữa!
Đúng vào giây phút đó thiên thần đã xuất hiện trong lốt của một thằng cu con (tôi không hề có chút phóng tác lãng mạn nào trong khi nói câu này). Một tay giữ bình bia, tay kia có một đoạn dây, đầu chót của nó buộc một thứ kì quái gì đó.
Thằng bé cứ thả vật đó xuống mỗi hòn đá phẳng phiu gặp được trên đường đi rồi lập tức giật phắt lên tạo ra những âm thanh thống thiết làm máu chúng tôi muốn đông thành cục trong huyết quản.
Chúng tôi hỏi vị sứ giả của bầu trời đó (cả ba không nhận ra được ngay đó đích thực là sứ giả của tiên ông tiên bà nào đó) xem cậu ta có biết ở quanh đâu đây có một ngôi nhà khuất nẻo nào ít người (chỉ có một bà lão móm mém hoặc một cụ già bại liệt chẳng hạn, những người chẳng có gì phải sợ sệt người lạ) có thể cho chúng tôi trú ngụ một đêm, hay có thể chỉ cho chúng tôi một chiếc chuồng lợn hoặc lò vôi bỏ hoang nào đó. Cậu bé không biết một thứ nào chúng tôi vừa hỏi nhưng bảo nếu chúng tôi muốn thì cứ đi theo cậu ta, bầm của cậu có một căn nhà trống sẽ cho chúng tôi nghỉ đêm.
Chúng tôi nhảy bổ đến ôm cổ cậu ta cám ơn, mặt trăng tròn vành vạnh đang sáng chiếu, thật là một cảnh tượng hết sức cảm động, nếu như những thứ đồ đạc đeo trên vai chúng tôi không làm cậu bé sụm chân ngồi phệt xuống đất. Hari vừa từ cõi chết quay về mừng quá tí nữa thì chết thật, phải mượn bình nước cam lồ-bia của cậu bé để giúp cho hắn hồi tỉnh kịp thời. Sau đó hắn nhảy nước kiệu nhỏ đi trước để mặc tôi và Jord tha lôi tất cả rương hòm bị gậy.
Cậu bé sống trong một ngôi nhà nhỏ có bốn buồng, mẹ cậu - một bà tiên quí hóa - cho chúng tôi ăn bữa tối với thịt sấy rán. Ba tên vét nhẵn đĩa - tất cả hơn hai kí lô! - lại còn bánh nhân mứt, hai ấm trà đầy có ngọn, sau đấy đi ngủ. Có hai chiếc giưòng, chiếc to tôi và Jord cùng nằm sát nhau để chống lạnh, chiếc giường trẻ con giành cho Hari độc quyền khò một mình. Sáng hôm sau chúng tôi nhìn thấy hai cẳng chân dài hàng mét của thằng cha thò ra ngoài liền dùng ngay chúng làm chỗ phơi khăn mặt.
Sau có lần chúng tôi lại qua Đet-tre-rơ, lần này thì chúng tôi không ngước mắt lên nhìn xem khách sạn có cây cỏ hoa hoét gì ráo trọi.
* * *
Quay về với cuộc đi hiện tại: chúng tôi dong thuyền bình yên không có sự cố nhỏ nào, gần đến đảo Khỉ thì ghé vào bờ chuẩn bị bữa trưa. Bọn tôi có thịt bò lạnh nhưng mù tạc thì té ra đã để quên ở nhà. Cả đời tôi, trước kia và sau này, chưa bao giờ quan tâm đến mù tạc như lúc này. Nói cho chính xác tôi không khoái cái trò cay mũi đó, chẳng bao giờ dùng đến mù tạc nhưng lúc này dù có mất cả kho vàng, tôi cũng sẵn sàng đổi lấy lọ nhỏ tương hạt cải vì không chịu đựng được vẻ mặt thảm hại của hai tên kia, khi nghe tin sét đánh về vấn đề quên không mang nó theo.
Tôi không tưởng tượng được trên thế gian này có bao nhiêu kho báu, nhưng vào thời điểm gay cấn này giá ai cho tôi một thìa mù tạc tôi sẵn sàng cho họ quyền sở hữu tất cả các kho báu đó ngay. Khi cần đạt được thứ mình mong muốn thì cũng chẳng nên điều độ làm gì.
Hari cũng nhất trí với tôi, giả sử có tay buôn mù tạc nào gặp được chúng tôi lúc này thì hắn đã có được vụ kinh doanh một vốn bốn… lời… Không, phải bốn tỷ lời là ít.
Nhưng những vụ kinh doanh như vậy chắc chắn phải chấp nhận mạo hiểm lớn. Tôi sợ rằng sau khi đã có mù tạc để chế biến món thịt bò rồi thì tôi và Hari lại xoay xở để vô hiệu hóa thương vụ. Thông thường con người ta trong lúc bốc đồng dễ dàng đánh đổi tất cả mọi thứ nhưng sau đó, khi đã có thời gian suy nghĩ lại hối tiếc ngay. Tôi được nghe kể về một tay leo núi trong lúc khát nước đã tuyên bố đổi cả kho báu lấy một cốc bia. Nhưng khi lên đến đỉnh núi, sau khi uống thoải mái bia trong một căn nhà nhỏ, hắn giẫy nẩy lên kêu đắt vì người ta tính giá năm phơ-răng một chai. Tay này đã gọi người chủ nhà là quân trấn lột, còn định kiện đến hội đồng hàng tỉnh!
Sự thiếu vắng tương hạt cải đã phủ bức màn ảm đạm lên bữa ăn. Chúng tôi im lặng nhá thịt bò, cảm thấy cuộc đời này sao mà tẻ nhạt. Tuy nhiên khi chuyển sang món bánh nhân trứng đã thấy tinh thần được nâng lên ít nhiều, đến khi Jord lục lọi moi được từ giữa chiếc rương bự ra một hộp dứa thì nhân sinh quan thay đổi hẳn.
Chúng tôi - cả ba tên - thích món dứa kinh khủng. Ngắm nghía mãi nhãn bọc ngoài vỏ hộp, tưởng tưọng ra vị chua ngọt quyến rũ của nước quả, cười toét với nhau, tay Hari đã cầm sẵn chiếc thìa.
Chỉ còn việc đi tìm con dao mở đồ hộp. Ba tên moi tung các thứ trong rương làn, lộn trái chiếc bị da, lật ván la-canh để xem nó có rơi xuống đáy thuyền không. Chúng tôi quăng những thứ đã tìm rồi lên bờ để đỡ lẫn lộn nhưng con dao mở đồ hộp chả thấy đâu cả.
Thế là Hari đành dùng con dao nhíp để thử mở hộp, hắn làm gẫy mũi dao và chảy khá nhiều máu tay. Đến lượt Jord dùng kéo để tham gia cuộc chiến, chiếc kéo bị oằn một bên lưỡi nên lưỡi kia tí nữa thì chọc mù mắt Jord để trả thù. Trong khi hai tên đang băng bó, tôi dùng mũi nhọn của câu liêm bổ thử xem sao: chiếc câu liêm cán dài trượt đi làm tôi loạng choạng phải nhảy khỏi thuyền rơi vào lớp bùn ngập đến đầu gối, còn hộp dứa vẫn nguyên lành lăn long lóc tông vào ấm sứ pha trà khiến chiếc ấm vô can bị vỡ làm đôi.
Lúc này thì cả hội đã điên tiết lắm. Chúng tôi đưa hộp dứa lên bờ, Hari đi vào bãi tìm được một hòn đá có mũi nhọn, tôi quay lại thuyền lấy cây cột căng buồm. Jord giữ hộp dứa, Hari kê đầu nhọn hòn đá vào nắp hộp để tôi giương thẳng cánh cột buồm nện xuống.
Mãi sau này Jord vẫn giữ chiếc mũ rơm rách để ghi nhận công lao, trong lần nó đã dũng cảm đỡ chiếc gậy của tôi đập trượt, vì vậy mạng sống của hắn vẫn được duy trì. Chiếc mũ được truyền tay nhau như một chứng nhân lịch sử và sau mỗi lần kể các chi tiết càng được bổ xung, sống động hơn lên.
Hari thoát thân, chỉ bị một vết xây sát nhẹ.
Sau cú đó tôi lên cơn điên, chộp chiếc gậy nện vào hộp dứa mất dạy liên hồi kì trận, mãi đến lúc phải buông cây cột buồm thở như con cá khốn khổ bị quăng lên bờ cát.
Trải qua kiếp nạn, cái hộp ngoan cố lúc thì bẹt như chiếc bánh bèo, lúc ra hình vuông, nó được chúng tôi cho mang đủ các kiểu dạng hình học nhưng không hề thủng lỗ nào! Hiện giờ nó nằm đó, những vết nhăn tạo thành khuôn của người đàn ông mang bộ mặt cười, nhăn nhở khốn kiếp đến mức tên Jord phải chộp lấy nó, lấy hết sức bình sinh quăng ra giữa sông Thêm. Ba tên gửi theo không biết bao nhiêu câu nguyền rủa, sau đó đẩy thuyền chèo một mạch đến tận vũng sông gần Cu-ke-mơ mới dừng lại uống trà.
Lúc đó trời đã ngả chiều. Gió mạnh nổi lên - thật lạ là cùng chiều với hướng đi của chúng tôi. Thường thì gió trên sông bao giờ cũng thổi táp vào mặt người ta, dù các ngài có chèo theo hướng nào cũng vậy. Nó thổi ngược hướng vào lúc sáng tinh mơ khi các ngài vừa tách bến, cả ngày phải cong lưng mà chèo, tuy vậy vẫn hy vọng lúc về sẽ có gió thuận chiều. Nhưng tới chiều khi quay về gió thế nào cũng đổi hướng, vậy là không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục hành hạ cơ vai nếu các ngài muốn trở về nhà.
Nhưng khi mà ngài quên không mang theo buồm thế nào nó cũng sẽ thổi thuận cả lúc đi, lúc về. Tôi cam đoan là thế! Biết làm sao đuợc. Thế gian này là miền đất đọa đày, con người ta sinh ra là để chịu khổ hạnh cũng như mặt trời sinh ra để mà chiếu sáng.
Tuy vậy lần này rõ ràng gió có suy tính điều gì đó không bình thường, nên nó thổi vào lưng thay cho việc thốc vào mặt chúng tôi như mọi khi. Không hề bối rối, chúng tôi giương buồm tắp lự trước khi thiên nhiên nhận ra sai lầm của nó, sau đấy ba tên nằm dài thoải mái, buồm reo phần phật, cột buồm cót két, con thuyền cứ thế lao đi.
Tôi ngồi giữ lái. Theo tôi không có cảm giác gì thú vị hơn khi thuyền chúng ta đi bằng cánh buồm căng gió. Chỉ khi ngồi trên con thuyền như vậy - và còn ở trong mơ nữa - ta mới có cảm giác được bay bổng. Cảm giác đó tạo cho các bạn thấy mình không phải là ngọn cỏ yếu đuối bất lực truớc ngọn gió đùa. Ta cảm thấy mình là đứa con kiêu hãnh của thiên nhiên, là ông Con Trời không cần phải mất mát chút sức lực gì mà thuyền cứ đi vùn vụt!
Hầu như chỉ có mỗi con thuyền của chúng tôi trên dòng sông Thêm. Tít tắp mãi đằng xa mới có một con thuyền đáy bằng thả neo mà thôi. Gần hơn chút nữa tôi thấy có ba người ngồi câu trên thuyền đáy bằng, ba lão ngư đáng kính, họ đang chăm chú vào việc thả câu.
Tôi vẫn ngồi giữ lái, con thuyền của chúng tôi hiện rõ nét trên nền trời đang ngả chiều khá nhanh, hoàng hôn mặc áo đen đang xà xuống bờ sông phủ cây rừng xanh thẫm, chúng tôi có cảm giác mình là những hiệp sĩ trong câu chuyện thần thoại cổ xưa, đang bơi trên mặt hồ huyền bí tới vương quốc của bà tiên Hoàng Hôn.
Nhưng ba tên không tới vương quốc Hoàng Hôn mà tông vào chiếc thuyền đáy bằng của ba lão ngư. Đầu tiên chúng tôi không biết xảy ra chuyện gì vì cánh buồm tụt xuống che hết cả mặt mũi, khi Hari nâng được nó lên tôi thấy thuyền mình đã hất ba ông lão vào thành một cụm, cùng với mảnh lưới túm mấy con cá mắc câu, hai chiếc ghế dài đổ chỏng trơ.
Ba ông câu cá trút sang thuyền chúng tôi những câu chửi có ngành có ngọn, rất cổ kim bài bản, liên quan từ quá khứ đến mai hậu, từ họ hàng gần đến họ hàng xa, thân bằng cố hữu.
May mà con thuyền tiếp tục được gió thổi đi càng lúc càng xa. Jord giành lấy tay lái, hắn tiếp tục rủa xả tôi thay cho ba ông lão câu cá, hắn bảo một thằng cha thơ thẩn thẩn thơ như tôi không thể nào giao cho nhiệm vụ cầm lái, chỉ được phép kéo dây chão lôi con thuyền đi như con bò kéo cối xay mía mà thôi. Hắn đưa thuyền tới Ma-rơ-lo. Chúng tôi dừng thuyền ở chân cầu rồi vào nghỉ trọ ở khách sạn “Vương miện”.

Chương Mười ba

Ma-rơ-lo - Tu viện Bi-sen - Mon-mo-ran-xi mưu sát con mèo - Đối thủ khó chơi - Con chó Phốc hiền lành - Đoàn diễu hành trang trọng - Kẻ phá hoại cảnh quan  Không xài được nước sông Thêm - Hari biến mất cùng chiếc bánh put-đinh.

Sáng sớm hôm thứ hai, ở Ma-rơ-lo chúng tôi dậy sớm đi tắm sông cho đến giờ ăn sáng. Trên đường về con Mon-mo-ran-xi đã có một vụ nhấm cái bè - bé cái nhầm rất mất uy tín. Có một chỗ khác biệt căn bản giữa tôi và con cún này, là ở chỗ thái độ đối xử với loài mèo của tôi và nó hoàn toàn không giống nhau. Tôi cưng lũ mèo còn Mon-mo-ran-xi thì ghét bọn mãn như đào đất đổ đi.
Hễ thấy một con mèo là tôi ngồi xổm xuống vuốt đầu vuốt cổ cu cậu, dỗ dành “chú miu tội nghiệp”. Cậu miu cũng rất cảm thán, cong lưng lên như bướu lạc đà, đuôi dựng như cần câu (lúc đó đuôi loài mèo bỗng dưng cứng như sắt nguội!) cọ cái mũi ướt vào quần tôi, cảnh tượng thật hòa bình, thân hữu. Còn Mon-mo-ran-xi mà thoáng thấy một con ngoeo ngoeo thì cả làng cả phố biết ngay.
Tôi không lên án bọn chó trong chuyện này (chính xác hơn thi thoảng cũng can thiệp bằng một cú đạp hoặc tương cho mấy hòn đá), vì tôi cho đó là bản tính tự nhiên của đám gâu gâu. Loài chó phốc mới thực là lũ cẩu trệ, chả biết bao nhiêu trăm năm nữa các ông chủ bà chủ mới có thể thuần hóa đuợc ít nhiều cho nòi chó này.
Một lần tôi đã chứng kiến hành vi của chúng ở tiền sảnh của một cửa hàng bách hóa tổng hợp. Nơi đây có bao nhiêu là chó lớn chó con đứng chờ chủ nhân của chúng đang mua hàng. Đủ mọi nòi giống: lài, ngao, pun-đen, bun-đo, bông, khoang, trắng, đen, vằn, vện… Chúng đứng ngồi một cách kiên nhẫn, trầm ngâm, trông ra vẻ có giáo dục ra phết. Khu tiền sảnh rất thanh bình và yên tĩnh, thậm chí hơi buồn tẻ.
Một thiếu phụ rất xinh đẹp bước vào, tay cầm xích dắt theo một con chó phốc. Chị ta để nó lại giữa hai con pun-đen và bun-đo. Chú cún nhỏ ngồi xuống nhìn quanh quẩn vài phút, rồi ngửa cổ nhìn trần sảnh, cặp mắt rất là xa vắng như đang nhớ tí mẹ. Sau đó ngáp một cái, quay đầu nhìn một lượt các bác chó khổng lồ - những ông cả bà lớn đang đứng xung quanh.
Nó nhìn con bun-đo đang lơ mơ ngủ ở bên phải, nhìn con pun-đen ngồi im như phỗng ở bên trái rồi chẳng hề có một động thái báo truớc tợp luôn vào chân con pun-đen gây nên một tiếng rít vang động cả khu tiền sảnh.
Thấy trò đầu tiên gây được hiệu quả đáng kể, nó nhảy qua con pun-đen tợp một phát vào bác lài rồi lủi ngay về vị trí cũ, quay sang đớp tai con bun-đo. Thế là cả bọn chó nổi cơn điên, bất cần biết thiện, ác, nhân, quả ra sao cứ con nào gần mình là tợp, đớp, nhay, dứt gây nên một truờng ác chiến náo loạn cả cửa hàng Bách hóa tổng hợp. Người ta tốn bao nhiêu gậy gộc, dây thừng để dẹp bạo loạn, thậm chí có người còn chạy vội đi tìm lính cứu hỏa để cầu viện xe vòi rồng…
Trong cảnh lông lá máu me bê bết khắp tiền sảnh, bà chủ trẻ chạy vội chạy vàng ra ôm con chó tí tẹo, quí hóa ghì vào ngực để xem nó có bị vết thương nào không, con cún con ngoan ngoãn nép vào bà chủ như muốn nói: “Ôi, nếu bà không ra thì chúng xé con thành món nộm rồi”.
Đấy là tư cách bẩm sinh của loài chó phốc, nên tôi không luận tội con Mon-mo-ran-xi về việc nó gây sự với lũ mèo, hơn nữa buổi sáng nay cu cậu cũng được một bài học nhớ đời.
Như tôi đã kể ở trên, chúng tôi đi tắm về, được nửa đường thì một con mèo từ cổng nhà nào đó nhảy ra và định vượt qua đường phố. Mon-mo-ran-xi sủa một tiếng đắc thắng - đó là tiếng sủa của loài sói khi thấy con mồi, là tiếng hô “sát” của người chỉ huy quân kị đang mai phục chợt thấy bộ binh địch lọt vào trận địa - rồi hùng hổ đuổi theo.
Vật hiến tế cho Mon-mo-ran-xi là một con mèo đực đen như thổ phỉ. Tôi chưa trông thấy con mèo nào to như ông miu này, hơn nữa trông rất ra vẻ đạo tặc. Lão miu này thiếu một bên tai, một mẩu đuôi, mũi vẹo, trông rất nhơn nhơn lâng láo.
Mon-mo-ran-xi đuổi theo con mồi với tốc độ bốn mươi cây số giờ nhưng con mèo vẫn chạy thong thả, không hề biết rằng tính mạng đang bị đe dọa. Cuộc đua theo hai tốc độ như vậy diễn ra cho đến khi khoảng cách giữa Mon-mo-ran-xi và nó chỉ còn khoảng vài ba mét. Con mèo chợt quay lại, ngồi một cách từ tốn xuống giữa đường, liếc Mon-mo-ran-xi như muốn hỏi: “Thế nào, có công chuyện chi dậy?”
Mon-mo-ran-xi không phải là một con gâu nhát gan, nhưng trong cái nhìn của ông mèo thánh vật này, có cái gì làm rủn gối ngay đến cụ bẹc-giê nòi Đức bự nhất. Vậy nên thành viên thứ tư trong nhóm chúng tôi đứng chết cứng tại chỗ, chỉ nhìn chăm chăm vào đối thủ.
Hai con đều im lặng nhưng rõ ràng chúng đang có cuộc hội thoại sau:
Mèo: Anh bạn thân, tôi có thể hầu anh việc gì?
Mon-mo-ran-xi: Không, không có gì đâu, rất cám ơn anh!
Mèo: Nếu có việc gì, xin đừng ngại, cứ trình bày đi.
Mon-mo-ran-xi (lùi lại): À, không, anh nói sao cơ. Không có gì đâu ạ. Xin đừng bận tâm… Tôi… tôi nhầm… nghĩ là người quen. Xin lỗi, đã làm phiền anh.
Mèo: Thế ư. Tôi rất phấn khởi. Quả thực không có việc gì chứ?
Mon-mo-ran-xi (tiếp tục lùi): Không, không, cám ơn, không có gì đâu ạ, anh thật quí hóa. Tạm biệt !
Mèo: Bái bai nhá!
Sau đấy mèo đứng lên tiếp tục đi đường của mình còn Mon-mo-ran-xi thảm hại cúp cái gọi là đuôi, lùi về chỗ bọn tôi thui thủi đi đoạn hậu.
Từ lần ấy về sau mỗi khi tôi suỵt “Miu kìa!”, là cậu chàng lại cụp mặt ra vẻ hối lỗi như muốn nói “kệ bọn chúng!”.
Sau khi ăn sáng chúng tôi ra chợ mua binh lương dự trữ cho ba ngày hành trình. Jord nói cần sực nhiều rau, thiếu rau sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hắn nói thêm rằng rau rất dễ xào xáo và hắn sẽ phụ trách khâu này, vậy nên chúng tôi mua năm cân khoai tây, hai chục lít đậu và mấy cây cải bắp. Ba tên mua ở quầy tổng hợp bánh put-đinh nhân thịt, hai chiếc bánh ngọt phúc bồn tử, đùi cừu, hoa quả, bánh mì, mứt, bánh qui, trứng và đủ thứ cần dùng ở khắp các phố chợ.
Cuộc mã hồi về thuyền của chúng tôi trang trọng như của một đoàn quân chiến thắng. Rất ấn tượng, khá vênh vang, có điều không lộng lẫy cờ hoa mà thôi. Tại mỗi quầy hàng bọn tôi yêu cầu cử người mang hàng đi theo chúng tôi ngay tắp lự. Không chơi cái kiểu “Vâng, thưa ngài, chúng sẽ mang tới chỗ ngài trong vài phút nữa, thằng bé sẽ mang hàng về chỗ các ngài truớc khi ngài về đến nơi…” để rồi đứng mỏi mắt đợi chúng, có khi phải vài lần quay lại cửa hàng để cãi vã với mụ hàng thịt!
Không, bọn này tự hào là đã có đủ kinh nghiệm chợ búa rồi, cứ mang đi theo ngay cho gọn chuyện.
Chúng tôi qua khá nhiều quầy, mua đủ thứ theo nguyên tắc đã nêu trên nên đoàn diễu hành càng lúc càng dài thêm, quân vận tải binh lương đi giữa đường phố chính kéo nhau ra bờ sông, tạo thành một sự kiện đáng ghi nhớ đến mấy năm sau cho cư dân thị trấn Ma-rơ-lo.
Trật tự của đoàn diễu hành như sau:

• Mon-mo-ran-xi ngậm cây gậy ngang mõm
• Hai con cẩu tạp chủng, rất có dáng trộm cắp, bạn mới quen của Mon-mo-ran-xi.
• Jord, tẩu trong mồm, vác toàn bộ áo bành-tô và khăn choàng của cả hội.
• Hari, một tay xách chiếc va li căng đầy, tay kia là chai nước chanh ép, tuy thế vẫn cố giữ vẻ bệ vệ và tao nhã.
• Thằng cu con nhà hàng thịt và thằng nhỏ nhà hàng rau, xách lẵng.
• Người mang hàng của khách sạn, vác một bó to khó phân loại.
• Đứa bé cửa hàng bánh kẹo, xách làn.
• Người của cửa hàng thực phẩm, một bị tổ bố.
• Một con chó xù.
• Ông lỏi nhâng nháo nhà hàng sữa, túi xách.
• Một phu khuân vác, xắc da của người khổng lồ.
• Chiến hữu của phu khuân vác, tay đút túi quần, mồm ngậm tẩu.
• Thằng nhỏ nhà hàng hoa quả, mang ruơng.
• Chính là tôi, một anh chàng vô tư, tự do, ra vẻ tay phải mang ba chiếc mũ và hai đôi giày là chuyện vặt.
• Sáu thằng nhóc bụi đời và bốn con chó hoang.,.

Khi chúng tôi đến bến, một người hỏi :
- Xin vui lòng cho biết các ngài định thuê ca nô hay xà lan?
Khi nghe chúng tôi nói đã có một chiếc thuyền gỗ bốn mái chèo, người này há hốc mồm kinh ngạc.
Vô thiên lủng những con quái vật chạy bằng máy hơi nước đã làm chúng tôi khốn khổ vào sáng hôm đó. Chúng kéo bày kéo lũ trên sông đi về hướng Hen-li, nơi sẽ có cuộc đua thuyền vào ngày mai. Một số lục bục độc hành, số khác kéo lẵng nhẵng xà lan. Những người yêu môn chèo thuyền truyền thống trên sông như bọn tôi ghét cay ghét đắng lũ ca nô của thời cách tân này, hễ nhìn thấy một chiếc loại đó, là tôi nẩy sinh ý muốn dụ nó vào một nơi vắng vẻ yên tĩnh nào đó để làm cho nó chìm xuống đáy sông mãi mãi.
Thói kênh kiệu của bọn chủ tàu, xuồng máy này kích động rất mạnh vào những bản năng không lấy gì làm hay ho của bọn tôi. Chúng đứng ở đằng mũi con tàu, tay đút túi quần, mồm phì phèo ngậm tẩu, trông thấy thuyền của ai là tuyên chiến: “Tránh ra! Tránh chỗ khác mau!”. Chúng xả dầu ra sông, phụt khói vào những hàng liễu ven bờ, làm hỏng tất cả những gì yêu quí của dòng sông Thêm.
Vậy nên bọn người-sắt ấy đã phải rú rít đến vỡ còi tàu và rách cổ họng của bọn chủ tầu khi gặp thuyền của bọn tôi. Các ngài cứ cho là tôi nói khoác đi cũng chẳng sao, nhưng buổi sáng hôm nay riêng chiếc thuyền của bốn mạng này đủ làm cho bọn chúng phải trả giá cho sự bạo ngược mà bọn chúng đã đối xử với những con thuyền truyền thống của khách du trên sông trong cả tuần qua.
- Ca nô đấy. - Ai đó trong bọn phát hiện khi một chiếc mới lấp ló từ rất xa, tất cả lập tức chuyển sang tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tôi buộc dây vào cần lái để điều khiển từ xa, cả nhóm túm tụm lại ở giữa thuyền, xoay lưng lại phía chúng, mặc cho con thuyền trôi theo dòng chính.
Chiếc ca nô lách hướng nào là chúng tôi nhẹ nhàng chặn theo hướng đó, khi còn cách khoảng ba bốn chục mét nó rú còi như điên, khách trên tầu túa ra hai bên mạn la ó nhưng tất nhiên là bọn tôi không nghe thấy. Hari đang kể một câu chuyện rất mùi mẫn và cả thuyền đang dỏng tai lên nghe!
Cuối cùng thì con tầu ré lên một tiềng còi tưỏng muốn vỡ nồi hơi rồi chuyển sang chạy lùi, hơi nước tỏa ra cuồn cuộn, nó cố xoay xở nhưng vẫn chúi một đầu lên bãi cạn. Dân trên tầu đổ xô ra đằng mũi, họ chửi chúng tôi bằng mọi thứ từ ngữ hiếm khi dùng của mọi thứ tiếng, dân trên cạn cũng nhốn nháo kéo ra bờ sông, khen chê đủ kiểu trong khi đó các thuyền tầu khác đều dừng lại làm nghẽn cả khúc sông.
Mãi đến lúc đó Hari mới dừng câu chuyện ở đoạn gay cấn nhất, hắn ngẩng đầu lên ngơ ngác hỏi: “Có ca nô đấy à? Trời đất ơi!”. Jord cũng hốt hoảng: “Đúng vậy, thảo nào tớ hình như có nghe thấy tiếng còi!”.
Cả ba tên bắt đầu cuống quít xoay xở, tên này chèo phải, tên kia gạt trái làm con thuyền quay như chong chóng. Hành khách trên ca nô đua nhau đưa ra chỉ dẫn:
- Chèo mạnh bên phải vào!. Tao bảo mày cơ mà, thằng ngốc!.. Gạt trái đi! Không phải mày, thằng kia cơ mà!... Để nguyên tay lái đấy, không nghe thấy à, thằng điếc kia!... Cả hai cùng chèo đồng loạt vào!.. Không phải thế, ngu ạ! Sao mà bọn chúng bay không...  Sau đấy tay chủ tầu cho thả xuồng nhỏ đến giúp chúng tôi, sau mười lăm phút nữa bọn chúng mới dẹp được con thuyền của hội này sang một bên. Tôi và hai tên đồng bọn không hề tiếc lời cám ơn, còn đề nghị chúng cho buộc nhờ dây vào ca nô để chạy cọp đến Hen-li nhưng đời nào bọn chúng đồng ý!
Đến gần âu thuyền Hem-bơ-đơn chúng tôi thấy đã cạn nước ngọt liền xách bình lên xin nước của người gác âu thuyền. Jord cười rất tươi khi hỏi ông ta:
- Ông có thể rộng lòng cho chúng tôi xin ít nước được không ạ?
- Xin cứ tự nhiên. - ông già đáp. - Ngài cứ lấy bao nhiêu tùy thích. Ở đây có đủ nước cho tất cả mọi người và thuyền bè qua lại.
- Rất cám ơn ông. - Jord vừa nói vừa nhìn quanh. - Nhưng ông để… để nước ở đâu ạ?
- Luôn luôn chỉ có một chỗ thôi mà. - ông già đáp tỉnh bơ. - Sau lưng ngài ấy.
- Tôi không thấy đâu cả. - Jord quay đầu như con sâu đông-tây-nam-bắc.
- Trời ơi, mắt ngài để đâu? - Ông già phát bực, xoay người Jord rồi chỉ xuống sông. - Có ít ỏi gì đâu mà ngài không thấy nhỉ ?!
- Ồ! - đến lúc này Jord ta mới hiểu ra vấn đề. - Nhưng chúng tôi không xài được nước sông!
- Quí ngài ạ, uống dăm ngụm cũng chẳng sao đâu. - ông già góp ý. - Tôi vẫn uống nước đó hơn mười lăm năm nay rồi.
Jord phản biện rằng bụng hắn không chịu được nước sông và hắn ưng nước giếng hơn.
Chúng tôi lấy được một ít nước ở một dã thự xa hơn chỗ đó một chút. Tôi cho rằng nếu hỏi cho cặn kẽ có thể nước đó cũng múc ở sông về mà thôi, tuy nhiên chúng tôi không hỏi và mọi sự ổn cả. Mắt không hay dạ dày cóc sợ!
Cũng trong mùa hè năm đó nhưng mãi về sau chúng tôi cũng có một lần phải thử dùng nước sông nhưng không được khoái khẩu cho lắm. Chúng tôi vừa chèo một thôi một hồi tới thị trấn Vindorơ, đang khoái uống trà thì phát hiện thấy vại nuớc đã cạn khô.
Chỉ có hai cách để lựa chọn: nhịn trà hoặc là xơi tạm nước sông. Hari bàn cứ uống liều đi, chỉ cần đun sôi là được, theo hắn khi đã đun sôi thì bọn vi trùng từ to như con lôi long còi, đến bé như kiến gió cũng sẽ ngoẻo hết, vậy nên chúng tôi múc nước sông và đun cho thật sôi để pha trà.
Ba đại nhân ngồi chĩnh chện, ấm chén đàng hoàng, nhưng khi Jord đưa chén trà lên chạm môi thì dừng lại đột ngột, thốt ra:
- Cái gì thế nhỉ?
- Cái gì làm sao? - Cả tôi và Hari cùng hỏi lại.
- Kia kìa! - Jord phát hiện ra nguyên nhân, hắn chí về hướng tây.
Trên mặt nước lờ đờ của khu vũng sông có một đồng loại của Mon-mo-ran-xi đang bơi. Về mặt khối tích thì bốn con Mon-mo-ran-xi chập lại cũng chưa nước non gì với chàng cẩu này, có điều cậu chàng đã giã từ thế gian này mấy ngày rồi thì phải, cho nên chân chỏng lên trời, vẫn đang từ từ tiếp cận con thuyền của chúng tôi.
Jord đổ mọi thứ trong ấm chè xuống sông, Hari cũng hắt vội cốc trà định uống, còn tôi thì đã tợp đuợc vài ngụm vào bụng và rất băn khoăn về chuyện đó. Tôi hỏi Jord liệu có bị mắc bệnh thương hàn hay không, hắn an ủi rằng không sao đâu, cứ yên chí lớn đi, nếu sau hai tuần mà không phải vào bệnh viện thì còn sống dai dẳng đến thế kỉ sau mới ngoẻo được!
Chúng tôi theo kênh đào để qua âu thuyền, được nửa đường thì cập bờ ăn nhẹ. Tất cả lên một bãi cỏ, cách sông khoảng ba chục mét để chuẩn bị ăn sáng. Hari đặt chiếc bánh put-đinh nhân thịt lên đầu gối để chuẩn bị chia, còn tôi và Jord nhăm nhăm thìa đĩa để nhận phần.
- Lấy gì để san nước sốt đây? - Hari nói. - Cái muỗng đâu nhỉ?
Chiếc rương ở sau lưng chúng tôi, tôi và Jord quay ngoắt lại để lục tìm, chỉ mất khoảng vài ba giây nhưng khi quay lại thì Hari đã mất tăm mất tích.
Ba tên đang ngồi trên đồng trống, cách vài chục mét xung quanh không có cây cối bụi rậm gì, Hari cũng không thể xuống sông vì muốn thế hắn ắt phải nhẩy qua chúng tôi. Tôi và Jord ngồi đờ người, há hốc mồm vì kinh ngạc.
- Chẳng lẽ vị thánh nào đã đưa sống hắn lên trời rồi ư?! - Tôi đặt giả thiết.
- Nhưng sao lại đem luôn cả chiếc bánh put-đinh đi cùng?! - Jord không tin.
Vậy thì không đúng rồi, tay Jord nói có lý, tôi cũng nghĩ như vậy.
- Hay là vừa có động đất? - Jord đảo ngược hướng chuyển động có thể có của Hari. Sau đó hắn nói thêm, giọng tiếc rẻ :
- Lại đúng vào lúc hắn đang chia bánh!
Hai tên quay ra tìm dấu vết chứng minh cho giả thiết của mình tại chỗ Hari vừa ngồi, bỗng chúng tôi giật nẩy người, máu đông lại trong huyết quản, tóc tai dựng đứng: bỗng nhiên chúng tôi thấy cái đầu Hari - chỉ mỗi cái đầu - ngọ ngoạy dưới đám cỏ.
Jord tỉnh hồn đầu tiên:
- Trả lời chúng tao xem nào. - Jord gào to. - Mày còn sống hay đã chết, thân của mày đâu rồi?
- Đừng sủa bậy thêm nữa. - cái đầu Hari đáp lời. - tao biết bọn bay rồi, tất cả là do bọn bay bố trí.
- Bố trí cái gì? - Cả tôi và Jord cùng kinh ngạc.
- Chúng mày đẩy tao xuống cái hố này, thế đấy. Kết quả trò xuẩn của bọn bay đây. Giữ lấy cái bánh.
Từ dưới đất - chính xác hơn là từ dưới đám cỏ rậm ló ra chiếc bánh put-đinh méo mó bẩn thỉu, sau đó là bản thân tên phệ Hari lập cập leo lên - bẩn như ma lem, ướt như chuột lột, đầu bù tóc rối.
Té ra chúng tôi ngồi ngay sát mép một con mương nhỏ bị cỏ mọc dày che khuất, nên khi tên Hari bị con kiến càng xỏ lá cắn vào chỗ nhạy cảm, hắn chỉ hơi lui lại một chút là thụt luôn xuống mương cùng chiếc bánh đang chia.
Tên phệ nói là sự việc xảy ra đột ngột đến nỗi hắn không hiểu đã xảy ra chuyện gì, mình bị rơi đi đâu. Đầu tiên hắn nghĩ là ngày tận thế mà kinh thánh đã nói bắt đầu xảy ra.
Nhưng hắn vẫn nghĩ rằng chúng tôi đã biết việc có con mương và cố ý để hắn ngồi về phía đó. Than ôi, đến tượng đá còn bị nghi oan ăn vụng bánh đúc nữa là hai thằng tôi người trần mắt thịt!

Chương Mười bốn

Món ra-gu - Đóng góp của con Mon-mo-ran-xi - Cuộc chiến với chiếc ấm đun nước - Jord định trở thành nhạc công - Đi phố cùng với Jord - Trở về dưới mưa với cái bụng rỗng - Hành vi lạ lùng của Hari.

Chiều hôm đó khi thấy không thể đến đựơc Re-din-gơ trước lúc tối trời nên tốt hơn là dừng lại ngủ đêm trên một trong vô số hòn đảo của khu Sin-lây-kơ. Thu xếp xong thì vẫn còn sớm nên Jord nói rằng đây là cơ hội để tổ chức một bữa ăn cho ra trò. Hắn tuyên bố sẽ cho chúng tôi nếm thử một món ăn tuyệt vời của dân sông nước - món ra-gu với rất nhiều loại thực phẩm đầu thừa đuôi thẹo còn tàng trữ trên thuyền.
Hăng hái trổ tài nên Jord bắt tay ngay vào việc thu lượm củi cành nhóm bếp còn tôi và Hari gọt khoai tây. Tôi không hề nghĩ rằng việc gọt khoai tây lại phức tạp đến như vậy, thực sự là một nhiệm vụ khó khăn lần đầu tiên tôi phải thực hiện. Thoạt đầu hai tên rất phấn khởi bắt tay vào công việc nhưng bao nhiêu nhuệ khí biến đi đâu hết khi gọt xong được củ khoai đầu tiên. Càng gọt thì các chỗ sần sùi càng xuất hiện, đến khi moi móc được hết các hốc lỗ và mắt mầm, thì củ khoai tây chỉ còn bằng hạt đậu răng ngựa. Jord đến xem kết quả của bọn tôi, hắn nói:
- Hỏng rồi, gọt như thế thì củ khoai tiêu tùng. Khoai tây phải cạo các tướng ạ!
Hai tên quay sang cạo nhưng hóa ra cạo vỏ còn khó hơn gọt nhiều lần bởi lẽ bọn khoai này rất vô tổ chức, chúng mang đủ mọi thể lõm, lồi, vặn vẹo. Sau hai mươi phút chúng tôi cạo được bốn củ thì đồng loạt bãi công, bọn tôi nói với Jord rằng thời gian còn lại chưa chắc đã đủ để cho hai tên cạo sạch chính mình: vỏ khoai văng ra bám dính vào người đã biến tôi và Hari thành hai tên hề được hóa trang từ đầu đến chân!
Jord thấy rằng cho vào món ra-gu có bốn củ khoai thì chẳng nuớc non gì nên bắt chúng tôi rửa sạch dăm củ nữa, cho thẳng vào nồi miễn khâu gọt vỏ. Bổ xung thêm một cây cải bắp với ba cân đậu. Bếp trưởng Jord tay ngoáy liên hồi, nói rằng nồi còn quá vơi nên tôi và Hari nhặt nhạnh trong các rương làn mọi thứ thực phẩm đầu thừa đuôi thẹo để bổ xung, còn nửa chiếc bánh put-đinh nhân thịt và một cục thịt lợn muối đều được lệnh trưng dụng để Jord thi thố tài năng. Lát sau chính Jord moi đâu ra nửa hộp cá hồi và cũng được tổng động viên luôn thể.
Tôi thực sự không thể nhớ được hết thành phần dinh dưỡng của món long-hổ-lộn mà Jord gọi là ra-gu này nhưng có một việc không thể nào quên: công cuộc huy động lực lượng do đại tướng Jord cầm quân tác chiến này được con Mon-mo-ran-xi thích thú theo dõi từ đầu, đến gần cuối nó chợt bỏ đi đâu đó với vẻ suy tính rõ ràng, sau đấy ít phút cu cậu hớn hở chạy về với một con chuột trong mõm. Rõ ràng là Mon-mo-ran-xi cũng muốn đóng góp công sức cho bữa tiệc, có điều tôi không thể hiểu là con cún này có hành động thực lòng hay nó muốn diễu các ông chủ hai chân.
Giữa ba ông hai chân đã có cuộc tranh luận về việc có nên cho con chuột nước này vào nồi ra-gu hay không. Hari cho là có thể cho vào vì thịt chuột cũng thích hợp với món ra-gu của thổ dân da đỏ (không hiểu thằng cha nghe được ở đâu!) nhưng Jord không nghe, nói rằng việc đó chưa có tiền lệ. Hắn bảo ra-gu của hắn nấu theo kiểu Ý-Đại-Lợi, thành phần ghi trong sách về món này không hề nhắc tới thịt chuột vậy nên không thể tùy tiện làm hỏng phong vị của món ăn cầu kì này!
Món ra-gu theo kiểu Ý của chúng tôi đã thành công mĩ mãn! Chưa bao giờ tôi được nếm một món gì tương tự. Món này có đủ mùi vị lạ lùng, giật gân, ấn tượng, khác hẳn những thứ chúng tôi vẫn ăn hàng ngày đã trở nên nhàm chán. Ngoài ra nó còn quá dư thừa bổ béo, có nhiều thứ lủng củng để các hàm răng tha hồ thi đấu (phát biểu của Jord!). Nói cho đúng thì đậu hạt chưa được mềm lắm, nhưng độ cứng của nó làm sao có thể so sánh với những cặp hàm của ba ông hai chân và một tên bốn chân.
Bữa đại tiệc sẽ kết thúc bằng nước trà nhâm nhi với bánh nướng nhân hạnh đào. Trong thời gian đó con Mon-mo-ran-xi mở cuộc chiến với chiếc ấm đun nước, nhưng chiến bại lại thuộc về kẻ chạy nhanh hơn.
Trong suốt thời gian hành trình trên sông con cún của chúng tôi luôn luôn hầm hè với chiếc ấm đun nước pha trà. Nó thường ngồi hết sức chăm chú theo dõi khi chiếc ấm bắt đầu reo, gầm gừ khe khẽ vẻ dọa nạt nhưng kẻ ngoan cố không hề run sợ, càng lúc càng reo to hơn rồi phì hơi, nhổ nước bọt về phía nó. Đến nước đó thì Mon-mo-ran-xi chịu hết nổi, nó lao vào cuộc chiến nhưng lần nào cũng bị chúng tôi can thiệp, kẻ ngoan cố bị nhấc đi chỗ khác trước khi tên bốn chân có thể ra tay trừng trị!
Hôm nay Mon-mo-ran-xi quyết định ra tay trước chúng tôi. Chiếc ấm vừa reo nó đã nhảy dựng lên đe dọa nhưng kẻ thù của nó tuy bé mà gan cùng mình, tiếp tục nhổ nước bọt về phía nó, thế là Mon-mo-ran-xi lao xổ tới ngoạm vào mũi tên lếu láo. Ngay sau đợt công kích đầu tiên là tiếng rít ăng ẳng chói tai, chiến binh bốn chân nhảy tõm xuống sông rồi lập cập leo lên chạy vòng quanh hòn đảo, thỉnh thoảng lại dừng để thọc mũi vào bùn nhão cho đỡ bỏng rát.
Sau lần thử sức trên, con Mon-mo-ran-xi đâm ra khiếp chiếc ấm nhãi ranh, thù ghét nhưng luôn luôn cảnh giác, mỗi khi thấy nó được đặt lên trên bếp cồn là cu cậu chuồn thật xa, tốt nhất là ra khỏi thuyền đợi cho đến khi phi vụ trà lá của chúng tôi kết thúc.
Hôm đó ăn tối xong Jord hứng chí đem cây đàn băng-giô ra chơi nhưng Hari phản đối, hắn bảo đang bị đau đầu nên không thể nào chịu được thử thách lớn như thế. Jord có quan điểm ngược lại, theo hắn thì âm nhạc chỉ có lợi cho sức khỏe mà thôi, âm nhạc sẽ làm chùng các dây thần kinh, làm giảm đau ở mọi chỗ, để minh chứng hắn bật mấy hòa âm cho chúng tôi nghe thử, tuy nhiên do Hari vẫn phản đối quyết liệt nên hứng chơi đàn của Jord xẹp đi như quả te te thủng.
Chưa bao giờ Jord thành công trong việc tập chơi đàn trong chuyến đi này, mấy lần hắn tập đàn vào ban đêm nhưng Hari đều đưa ra những lời bình, khiến bậc thiên tài như Lê-ô-na-đơ-vanh-xi cũng phải nản lòng, thêm vào đó con Mon-mo-ran-xi cứ sủa nhặng lên như muốn tham gia hòa tấu, thử hỏi các ngài trong hoàn cảnh như vậy làm sao tay Jord có thể thành tài cho được?!
Tối đó Hari thấy khó ở, có lẽ món ra-gu long-hổ-lộn hành hạ dạ dày anh chàng, vậy nên tôi và Jord quyết định để hắn ở lại trông thuyền còn chúng tôi đi lang thang đến Hen-li. Hari nói hắn sẽ làm một cốc uyt-ki, rít vài tẩu thuốc rồi mọi chuyện sẽ ổn, thỏa thuận với nhau là khi chúng tôi quay về hắn sẽ đem thuyền vào bờ để đón.
- Có điều bố cu đừng khò một giấc trọn đêm đấy nhá! - Hai đứa tôi nhắc nhở khi chia tay.
- Lo cái con khỉ, chừng nào món ra-gu còn lưu trữ trong bao tử, thần khò sẽ không thăm hỏi được đâu. - hắn vừa lầu bầu vừa hướng mũi con thuyền ra đảo.
Hen-li đang tưng bừng không khí hội hè vì có cuộc đua thuyền, chúng tôi gặp vô khối bản mặt quen thuộc, rất đỗi thân thiện và vui vẻ nên thời gian trôi đi mau chóng, mãi đến mười một giờ đêm hai tên mới tính chuyện quay về. Dự tính sẽ phải vượt qua quãng đường cỡ bốn dặm mới về đến “nhà” - đó là cách chúng tôi gọi con thuyền bé nhỏ trong thời gian du ngoạn.
Đêm lạnh như ma, thi thoảng có mưa rơi lất phất nên trong lúc lọ mọ trên đoạn đường tối tăm giữa đồng không mông quạnh, chỉ có vài câu rời rạc trao đổi giữa hai tên về chuyện liệu có lạc đường hay không. Nghĩ tới con thuyền sáng đèn ấm áp, được che phủ kín đáo dưới lớp vải tuồn, nơi có tên Hari và con gâu mất dạy Mon-mo-ran-xi cùng mấy chai uyt-ki chờ đợi thì hai cặp giò chỉ mong sao chóng đến được “nhà”.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng tới bến thuyền, mừng đến phát điên vì nãy giờ thực lòng cả hai tên đều hoang mang, không biết mình đang đi về phía sông hay theo hướng ngược lại. Trong lúc diều đã vơi, mắt vòi ngủ, quả thực nỗi lo lạc đường cứ như con dao cùn dí sát tận tim. Lúc này là mười hai giờ mười lăm, tên Jord chợt hỏi với vẻ băn khoăn:
- Này, cậu có tình cờ biết tên hòn đảo ấy không nhỉ?
- Ô, không. - tôi đáp và cũng băn khoăn không kém. - Tớ không nhớ. Có bao nhiêu đảo cả thẩy ở đây nhỉ?
- Chỉ có bốn hòn thôi. - Jord an ủi tôi. - Nếu thằng cha Hari không làm một cơn ngủ vùi thì mọi sự sẽ ổn cả.
- Nhưng nếu hắn ngủ thì sao nhỉ? - Tôi chợt hoảng nhưng vội xua ngay ý nghĩ xui xẻo đó.
Đến ngang hòn đảo thứ nhất, bọn tôi gào lên nhưng không có đáp từ, đành đi đến đảo thứ hai và kết quả cũng như trên .
- Ồ, tớ nhớ ra rồi, thuyền bọn mình ở hòn đảo thứ ba! - Jord thốt ra.
Hai tên ngập tràn hy vọng vội vàng chạy đến hòn đảo thứ ba la gọi với hết công suất của hai chiếc họng.
Chẳng có tiếng chó hoang mèo lạc nào đáp lại!
Công chuyện đâm ra nghiêm trọng. Đã quá nửa đêm từ tám hoánh nào rồi. Các khách sạn ở Hen-li người chèn như nêm cối, giờ này mà len lỏi vào các lều trọ, quán xá để tìm một chỗ ngả lưng thật chẳng khôn ngoan chút nào, không kể sẽ gặp chuyện chẳng hay với mấy anh cớm như trường hợp Jord đã dậy sớm ngày nào, lơ mơ có thể phải ngồi sau song sắt hàng tuần để đợi kết quả điều tra thì toi cuộc chu du.
Trong bối cảnh hết sức bối rối hai tên cố mò mẫm qua sương mù để tới vị trí mà chúng tôi cho rằng ngang với hòn đảo thứ tư. Thật uổng công vô ích vì mưa trở nên nặng hạt hơn và tỏ vẻ sẽ không bao giờ ngớt cơn, hai tên ướt như chuột và tinh thần lúc này cũng nhẽo như chiếc bánh đa dưới nước mưa. Nẩy ra ý nghĩ không biết có đúng là chỉ có bốn hòn đảo ở đây, hay nhiều hơn thế và liệu mình đã đi đến đúng cụm đảo này, hay ma đưa lối quỉ dẫn đường đã vượt sang cụm đảo nào khác?
Trong đêm tối trông cái gì cũng kinh và lạ, lúc này chúng tôi mới thấu hiểu nỗi khiếp hãi của bọn trẻ nít khi bị quẳng vào rừng.
Khi giọt hy vọng cuối cùng đã cạn, bất ngờ tôi thấy một ánh lửa lạnh lùng bí ẩn thấp thoáng đâu đó qua hàng cây ở phía bờ đối diện. Ánh sáng yếu ớt và lập lòe đến mức lúc đầu tôi nghĩ là ma trơi, nhưng ngay sau đấy tôi hiểu đó là con thuyền của mình và cất tiếng gào, to đến mức chính Thần Đêm cũng phải giật mình bò ra khỏi giường của hắn.
Tôi và Jord nín thở chờ chừng nửa phút, rồi - lạy Chúa lòng lành, Người đã cho một khúc nhạc Nghê Thường đáp lại lòng mong mỏi của chúng tôi - đó chính là tiếng sủa đối đáp của con Mon-mo-ran-xi.
Hai đứa tôi cùng rống lên như sư tử, một tiếng rống làm người chết cũng phải nhảy ra khỏi quan tài, (lúc đó tôi bỗng chợt nghĩ sao người ta không dùng biện pháp này làm lai tỉnh người bị ngất để giảm bớt phí tổn thuốc thang nhỉ?). Chừng một giờ sau - là do chúng tôi tưởng thế chứ tên Hari sau đó chứng minh rằng hắn chỉ mất năm phút để đưa con thuyền qua sông - tôi và Jord nhìn thấy một con thuyền hoàn toàn không phải trong mơ đang trôi một cách ngái ngủ đến chỗ mình và tiếng thằng cha Hari hỏi bọn tôi đang đứng ở xó xỉnh nào vậy.
Hành vi của thằng cha có gì đó bất thường rất lạ lùng, không giống chút gì với vẻ mệt mỏi thường ngày. Hắn đưa con thuyền cập vào một chỗ mà hai thằng tôi không thể nào bước xuống được rồi lập tức lăn quay ra ngủ, tôi và Jord tiếp tục phải thực hiện một kì tích, tương đương của Hec-quyn trong việc làm hắn tỉnh lại nhưng cuối cùng thì cũng thành công và đặt được cả bốn chiếc cẳng lên con thuyền quí hóa.
Thằng cha Hari trông như một tử thi chưa kịp ướp lạnh của một người vừa phải chịu đựng cơn động đất. Điều này đập ngay vào mắt bọn tôi khi vừa bước xuống thuyền - Chúng tôi hỏi hắn đã xảy ra chuyện gì. Hắn bảo:
- Lũ thiên nga!
Rõ ràng là chúng tôi đã thu xếp chỗ đậu thuyền gần tổ của những con thiên nga, sau khi tôi và Jord rời thuyền đi Hen-li, con thiên nga cái quay về tổ và làm om xòm lên. Hari đuổi cổ đi nhưng lát sau nó đã quay lại cùng với con đực. Hari kể rằng hắn đã phải dùng hết sức bình sinh cho cuộc chiến sống mái với hai con quái điểu nhưng cuối cùng hắn là người giành được chiến thắng vẻ vang.
Nửa giờ sau đó hai vợ chồng con chim quay lại, dẫn theo một đàn phải hơn mười tám con. Lũ thiên nga dốc sức lôi cổ hắn và con Mon-mo-ran-xi, định tống xuống sông nhưng chó và chủ đã chiến đấu như những con mãnh sư, làm tử thương vô khối kẻ gây rối, không hiểu chúng nó kéo nhau đi chết ở đâu đó…
- Bao nhiêu, cậu bảo có bao nhiêu con thiên nga?
- Ba mươi hai con. - Hari đáp một cách ngái ngủ.
- Nhưng chính cậu vừa rồi đã bảo có mười tám con thôi mà! - Jord ngạc nhiên.
- Ai bảo thế? - Hari làu bàu. - Tớ bảo có mười hai con chứ. Tưởng không biết đếm à?
Chẳng bao giờ chúng tôi rõ được mọi chuyện về cuộc công kích của bày thiên nga. Sáng hôm sau khi tôi và Jord hỏi lại Hari, hắn ngơ ngác “thiên nga nào?”, rõ ràng hắn cho rằng tôi và Jord ngủ mơ thấy chuyện đó!!
Nhưng tuyệt vời biết bao khi quay về được căn nhà ấm cúng của mình sau bao nhiêu giờ lận đận và lo lắng, hai tên (tôi và Jord) ngon lành ngồi xực bữa đêm, không bỏ cơ hội làm một vại cốc-tai thiếu uyt-ki vì không thấy những chai rượu này đâu cả, bọn tôi vặn hỏi Hari nhưng bỗng dưng thằng cha tỏ ra không nhớ, không nghe, không hiểu gì cả. Con Mon-mo-ran-xi chắc chắn biết rõ mọi chuyện nhưng cũng im như thóc.
Tôi ngủ ngon lành, không hề vẫy tai, vẫy chân trong đêm đó và còn có thể ngủ ngon hơn, nếu thằng cha Hari không ba lần bẩy lượt, cùng chiếc đèn lồng chơi trò đèn kéo quân về phía toa-let.
Chắc hẳn món ra-gu còn phát huy hiệu lực!
----------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét