Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Đubrốpxki - A. Puskin (chương 10)

Đubrốpxki

Tác giả: Alecxandre Puskin            
Dịch giả: Cao Xuân Hạo

Chương 10

Đến khoảng bảy giờ tối vài người khách muốn về, nhưng chủ nhân cao hứng lên vì hơi rượu pun-sờ, ra lệnh đóng các cổng lại và tuyên bố không cho ai ra khỏi nhà từ giờ đến sáng mai. Một lúc sau âm nhạc nổi lên, các cửa ở phòng khách mở ra và cuộc khiêu vũ bắt đầu. Chủ nhân và các bạn thân ngồi ở góc phòng, chén tạc chén thù ngồi ngắm thanh niên vui chơi. Các bà già thì đánh bài. Cũng như ở bất cứ nơi nào không có một lữ đoàn kỵ binh đóng, hôm ấy số khách nhảy nam giới ít hơn là nữ giới, và hễ người đàn ông nào nhảy được là bị huy động ra cả. Người gia sư nhảy trội hơn hết, anh ta nhảy nhiều hơn mọi người khác, các tiểu thư đều thích chọn anh ta và cho rằng nhảy với anh ta rất dễ. Anh ta nhảy mấy bài van-xơ với Maria Kirilốpna, và các tiểu thư nhìn theo họ cười tủm tỉm.
Cuối cùng vào khoảng nửa đêm chủ nhân đã mệt bèn ra lệnh chấm dứt khiêu vũ, cho dọn bữa ăn khuya và cáo từ đi ngủ.
Kirila Pêtơrôvích đi khỏi rồi thì khách khứa thấy tự do hơn và không khí náo nhiệt hẳn lên - các khách nhảy nam giới dám đến ngồi bên cạnh các cô các bà - các tiểu thư cười khanh khách, nói chuyện thì thầm với những người ngồi cạnh; các bà lớn kháo chuyện rất to tiếng qua bàn ăn. Đàn ông thì uống rượu, cãi nhau và cười ha hả - nói tóm lại, buổi ăn khuya đặc biệt huyên náo vui vẻ và để lại nhiều kỷ niệm rất thú vị.
Chỉ có một người không hưởng ứng không khí vui vẻ chung: đó là Antôn Pápnutích. Lão im lặng ngồi thừ ra, mặt mày sa sầm xuống, ăn uống một cách lơ đãng và có vẻ hết sức lo lắng. Những câu chuyện cướp bóc đã kích động trí tưởng tượng của lão rất mạnh. Lát nữa ta sẽ thấy rằng lão lo lắng như vậy là có lý do.
Khi lấy Đức Chúa Trời làm chứng rằng cái tráp đỏ của lão không có gì, Antôn Pápnutích không hề mắc tội nói dối, - quả thật cái tráp đỏ rỗng tuếch: tiền bạc trước kia cất ở đấy bây giờ đã di chuyển sang một cái túi da mà lão nhét ở trong ngực, dưới lần áo sơ-mi. Chỉ có cách đề phòng cẩn mật như vậy lão mới yên tâm được một phần: lão vốn nghi ngờ hết thảy mọi người và không giây phút nào không lo ngay ngáy. Phải ngủ lại nhà người khác, lão sợ rằng người ta sẽ cho lão ngủ trong một căn phòng trơ trọi nào đó mà kẻ trộm có thể lọt vào. Lão đưa mắt quanh phòng kiếm một người bạn có thể tin cậy để ngủ cùng với lão. Và cuối cùng lão chọn Đêphoócgiơ. Dáng người cứng cáp của anh gia sư và nhất là lòng can đảm mà anh ta đã biểu lộ ra trong khi gặp con gấu (nhớ đến con gấu Antôn Pápnutích không khỏi rùng mình) đã quyết định việc chọn lựa này của lão.
Khi buổi ăn khuya đã xong và mọi người đứng dậy, ra khỏi bàn ăn, Antôn Pápnutích cứ lượn đi lượn lại quanh anh gia sư người Pháp, ho ho, đằng hắng mấy cái và cuối cùng nói với anh ta:
- Hừm, hừm, me-xừ có thể cho tôi ngủ trong phòng của me-xừ một tí, vì rằng thì, me-xừ cũng đã rõ là…
- Que désire monsieur? (Thưa ngài cần gì? - tiếng Pháp) - Đêphoócgiơ lễ phép nghiêng mình hỏi. 
- Chà, phiền quá, cái me-xừ này chưa học tiếng Nga. Giơ vơ, moa, sê vu cu-sê, (Tôi muốn ngủ ở phòng ông - tiếng Pháp bồi), hiểu không?
- Monsieur, très volontiers, - Đêphoócgiơ đáp. - Veuillez donner des ordres en conséquence. (Thưa ông, xin sẵn lòng, vậy xin ông cứ ra lệnh dọn buồng - tiếng Pháp).
Rất hài lòng về sự thông thạo tiếng Pháp của mình, Antôn Pápnutích lập tức sai người đi dọn buồng.
Khách khứa bắt đầu cáo từ nhau, và ai nấy đều về phòng riêng dành cho mình. Còn Antôn Pápnutích thì theo người gia sư về căn phòng ở dãy nhà dọc. Đêm hôm ấy trời tối như mực, Đêphoócgiơ cầm đèn soi đường, Antôn Pápnutích theo sau một cách khá mạnh bạo, thỉnh thoảng lại đưa tay lên sờ sờ cái bọc da giấu trong ngực để cho chắc bụng là tiền hãy còn.
Vào phòng, người gia sư thắp một cây đèn nến lên và hai người bắt đầu cởi quần áo ngoài; trong khi đó, Antôn Pápnutích đi đi lại lại trong phòng, xem xét các ổ khóa và các cửa sổ, lắc đầu có vẻ không yên tâm lắm về các thứ đó. Cửa ra vào thì chỉ cài một then, mà cửa sổ thì chưa lắp khung đôi. [Mùa đông ở Nga các nhà thường hay lắp hai khung cửa kính]. Lão muốn than phiền với Đêphoócgiơ, nhưng cái vốn tiếng Pháp của lão quá hạn chế, không đủ dùng để nói những điều phức tạp như vậy, cho nên anh người Pháp không hiểu lão nói gì và Antôn Pápnutích đành phải thôi. Giường của họ đặt cạnh nhau, cả hai đều nằm xuống và người gia sư tắt đèn.
- Puốc-qua vu tắt-tê, puốc-qua vu tắt-tê? (Tại sao ông lại tắt đèn? - tiếng Pháp bồi) - Antôn Pápnutích kêu lên như vậy: lão chia bừa động từ tắt theo kiểu Pháp. - Tôi không thể đoóc-mia (ngủ - tiếng Pháp bồi) trong bóng tối thế này được. 
Đêphoócgiơ không hiểu những lời ta thán đó và chúc lão ngủ ngon giấc. Antôn Pápnutích trùm chăn kín mít, miệng lẩm bẩm.
- Rõ đồ chết rấp! Hắn việc gì phải tắt đèn kia chứ. Mặc kệ hắn, ông nhất định không thể tối om thế này mà ngủ đựơc. Này me-xừ! Me-xừ! Giơ vơ a-véc vu pạc-lê! (tôi muốn nói với ông - tiếng Pháp bồi).
Nhưng người Pháp không trả lời, và được một lúc thì bắt đầu ngáy khò khò. Antôn Pápnutích tự nhủ: “Cái thằng Pháp chết tiệt này nó ngáy, thế mà mình thì chẳng nghĩ đến chuyện ngủ được nữa - không khéo bọn kẻ trộm sẽ mở được cửa lớn hay leo qua cửa sổ mà vào thì bỏ mẹ, còn cái đồ súc vật này thì súng thần công cũng không thức hắn dậy được”.
Me-xừ! Này me-xừ!… Đồ chết rấp! Antôn Pápnutích im bặt. Sự nhọc mệt và hơi rượu mạnh dần dần lấn át những nỗi lo sợ của lão: lão bắt đầu thiu thiu, rồi chẳng bao lâu thì ngủ say.
Một cuộc thức giấc kỳ dị đang chờ lão. Trong giấc mơ màng lão có cảm tưởng như có ai khẽ kéo cổ áo của lão. Antôn Pápnutích mở mắt ra - và trong ánh sáng lờ mờ của một buổi bình minh mùa thu nhợt nhạt, lão thấy Đêphoócgiơ đứng trước mặt: một tay tên Pháp cầm một khẩu súng ngắn và tay kia đang mở cái túi da quý báu của lão. Antôn Pápnutích choáng người đi.
Lão cất giọng run run hỏi: 
- Két-xơ cờ xê, me-xừ, két-xơ cờ xê? (Cái gì thế? - tiếng Pháp bồi).
- Im ngay! Không được nói! - người gia sư trả lời bằng một thứ tiếng Nga rất thuần túy. - Im ngay, không thì chết bây giờ! Ta là Đubrốpxki.
-------------
Còn nữa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét