Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022

Đời Ảo - Phần IV

Đời Ảo
(Nguyên tác: Paranoia)

Tác giả: Joseph Finder
Dịch giả: Tâm Thủy
Nhà xuất bản Lao Động - Năm xuất bản: 2011

Phần 4 - Vạch Trần

Vạch trần: Sự phát giác một mật vụ, trạm an toàn hay một kỹ thuật tình báo do người từ phía bên kia tiết lộ. - Từ điển tình báo.

35

Văn phòng của Jock Goddard không lớn hơn văn phòng của Tom Lundgren hay Nora Sommers. Điều này thật sự khiến tôi kinh ngạc. Nơi làm việc chết tiệt của Tổng Giám đốc Điều hành có lẽ chỉ lớn hơn khoang làm việc thảm hại của tôi vài mét. Tôi bước qua nó một lần, cứ ngỡ mình đi nhầm chỗ. Nhưng tên ghi ở đó - AUGUSTINE GODDARD - ở tấm bảng đồng trên cửa, và ông ta thực ra còn đang đứng ngay ở bên ngoài văn phòng của mình, nói chuyện với nhân viên hành chính, ông mặc áo cổ cao đen; không áo khoác và đeo cặp kính đọc màu đen. Người đang nói chuyện cùng ông ta là một phụ nữ da đen to lớn, mặc đồ xám bạc rất đẹp, tôi đoán đó là Florence. Chị ta có những dải màu xám xen qua tóc ở cả hai bên đầu và trông thật ghê gớm.
Họ đều nhìn lên khi tôi lại gần. Flo không biết tôi là ai, và Goddard phải mất một phút, nhưng rồi ông nhận ra tôi - hôm nay là ngay sau buổi họp lớn kia - ông ta nói:
- Ồ, anh Cassidy, hay lắm, cảm ơn anh đã tới. Tôi lấy gì cho anh uống nhé?
- Không sao đâu, cảm ơn, - tôi nói. Tôi nhớ ra lời khuyên của tiến sĩ Bolton và nói thêm, - À, có lẽ là ít nước lọc.
Ở gần ông trông còn nhỏ con hơn nữa, vai càng khom xuống. Bộ mặt yêu tinh nổi tiếng của ông, đôi môi mỏng, mắt lấp lánh - những thứ đó trông giống hệt mặt nạ Jock Goddard mà một đơn vị kinh doanh đã làm cho bữa tiệc Halloween toàn công ty vào năm ngoái. Tôi từng thấy một cái treo trên đinh ghim vào tường khoang làm việc của ai đó. Tất cả mọi người trong bộ phận kia đều đeo nó và đọc một cái gì đó kiểu như bài thơ trào phúng thì phải.
Flo trao cho ông một cặp hồ sơ bìa cứng - tôi có thể thấy đó là hồ sơ nhân sự của tôi - và ông bảo Flo chặn tất cả các cuộc gọi rồi dẫn tôi vào văn phòng. Tôi không biết ông muốn gì, vì vậy lương tâm tội lỗi của tôi căng ra hết cỡ. Ý tôi là tôi đang lén lút trong tập đoàn của ông, làm mấy trò gián điệp-chống-gián điệp này. Dĩ nhiên tôi đã cẩn thận, nhưng cũng có vài chỗ sơ hở.
Nhưng liệu nó có thật là chuyện xấu không? Tổng Giám đốc Điều hành không bao giờ tự vung rìu, hắn luôn để tay sai làm điều đó. Nhưng tôi không thể không tự hỏi. Tôi căng thẳng đến buồn cười, và tôi không giỏi che giấu điều này cho lắm.
Ông mở một cái tủ lạnh nhỏ ẩn trong tủ đồ và đưa cho tôi một chai Aquafina. Rồi ông ngồi xuống đằng sau bàn và ngay lập tức dựa vào chiếc ghế da cao của mình. Tôi ngồi xuống một trong hai cái ghế ở phía bên kia bàn. Tôi nhìn quanh và thấy bức ảnh của một người phụ nữ không đẹp lắm, có lẽ là vợ ông ta vì người này cùng trạc tuổi. Bà bạc tóc, trông bình thường, nhiều nếp nhăn đến ngạc nhiên, (Mordden từng gọi bà là chó nhăn shar-pei) và đeo chuỗi vòng cổ ngọc trai ba lớp theo phong cách của Barbara Bush, có lẽ là để che đi những ngấn mỡ dưới cằm. Tôi tự hỏi liệu Nick Wyatt trong sự ghen tị giận dữ với Jock Goddard có biết Augustine Goddard về nhà với ai hàng đêm không. Bọn gái điếm của Wyatt luôn bị thay thế hoặc xáo đổi vài đêm một lần, và họ đều có ngực như của người mẫu trên trang giữa tạp chí vậy; đó là yêu cầu công việc.
Có cả một giá sách đầy những mô hình ô tô nhỏ kiểu cũ, ô tô mui trần với đuôi xe to và những đường lượn xuống, vài xe tải chở sữa Divco cổ. Đó là những mẫu từ thập niên bốn mươi và năm mươi, có lẽ khi Jock Goddard mới là một đứa nhóc, một thiếu niên.
Ông thấy tôi nhìn chúng và hỏi:
- Anh đi bằng gì?
- Đi? - Trong một thoáng tôi không hiểu được ông đang nói về cái gì. - À, một chiếc Audi A6.
- Audi, - ông lặp lại cứ như thể đó là một từ nước ngoài. Được rồi, có lẽ đúng thế thật. - Anh thích nó à?
- Nó cũng ổn.
- Tôi cứ nghĩ anh đi một con Porsche 911, hay ít nhất cũng là Boxster hoặc cùng loại như thế chứ. Những gã như các anh.
- Tôi không thật sự mê xe lắm, - tôi nói. Đó là một phản ứng có tính toán, tôi sẽ thừa nhận như vậy, trái ngược một cách cố ý. Cố vấn của Wyatt, Judith Bolton thậm chí đã dành cả nửa buổi nói chuyện về xe để tôi có thể hòa nhập vào văn hóa của tập đoàn Trion. Nhưng lòng tôi lúc này lại bảo mặt đối mặt thì tôi sẽ không qua được. Tốt nhất là tránh nó hoàn toàn.
- Tôi tưởng ai trong Trion cũng thích xe, - Goddard nói. Tôi thấy ông có vẻ tinh quái, ông đang châm chọc sự mù quáng của những người theo mình. Tôi thích điều đó.
- Dầu sao thì họ cũng là những người có tham vọng, - tôi vừa nói vừa cười.
- Chà, anh biết đấy, xe là sự phung phí duy nhất của tôi, và cũng có lý do cho điều đó. Nhớ lại hồi đầu những năm bảy mươi, sau khi Trion được cổ phần hóa và tôi bắt đầu kiếm được nhiều tiền đến mức chẳng biết phải làm gì với chúng, một hôm tôi ra ngoài mua một cái thuyền, một chiếc du thuyền dài mười tám mét. Tôi hài lòng với nó vô cùng cho tới khi tôi thấy một chiếc dài hai mươi mốt mét chết tiệt ở bến. Dài hơn tới tận ba mét. Và tôi cảm thấy đau nhói, anh hiểu không. Bản năng cạnh tranh của tôi dâng lên. Đột nhiên tôi thấy - ồ, tôi biết thế là trẻ con, nhưng tôi nhịn không được, tôi cần phải có cái thuyền to hơn. Vậy anh biết tôi đã làm gì không?
- Mua một cái thuyền to hơn.
- Không. Tôi đã có thể mua cái thuyền to hơn dễ như trở bàn tay, nhưng sẽ luôn có thằng đần nào đó với cái thuyền to hơn nữa. Rồi ai sẽ thực sự là thằng đần? Chính tôi. Không thắng theo cách đó được.
Tôi gật đầu.
- Vì vậy tôi bán của nợ đó đi. Ngay ngày hôm sau. Thứ duy nhất giữ cho nó nổi là sợi thủy tinh và lòng ghen tị. - Ông ta cười lặng lẽ. - Vì thế nên mới có văn phòng nhỏ này đây. Tôi cho là nếu văn phòng của ông chủ cũng bằng với tất cả những người quản lý khác, ít nhất chúng ta sẽ không có nhiều sự ghen tị về văn phòng ở trong công ty. Con người luôn cạnh tranh để xem của ai to hơn - cứ để họ chú ý vào thứ khác. Vậy Elijah, anh là người mới được tuyển vào.
- Thực ra là Adam.
- Chết thật, tôi cứ như thế thôi. Xin lỗi. Adam, Adam. Nhớ rồi. - Ông ta rướn lên phía trước ghế, đeo kính đọc sách lên và nhìn lướt qua hồ sơ nhân sự của tôi. - Chúng tôi tuyển anh từ Wyatt, nơi anh đã cứu Lucid.
- Tôi không “cứu” Lucid, thưa ngài.
- Không cần phải giả bộ khiêm tốn ở đây.
- Tôi không khiêm tốn. Tôi muốn nói cho chính xác.
Ông cười như thể tôi làm trò khôi hài:
- Trion so với Wyatt thì thế nào? Ồ, quên chuyện tôi hỏi đi. Đằng nào tôi cũng không muốn anh trả lời.
- Không sao. Tôi rất vui được trả lời, - tôi nói, hoàn toàn thẳng thắn. - Tôi thích ở đây. Rất thú vị. Tôi thích mọi người. - Tôi nghĩ trong một giây, nhận ra nó quỵ lụy như thế nào, hoàn toàn nhảm nhí. - Chà, phần lớn mọi người.
Đôi mắt tinh quái nheo lại.
- Anh chấp nhận gói lương đầu tiên chúng tôi đề nghị, - ông nói. - Những người trẻ tuổi với phẩm chất, thành tích như anh, lẽ ra đã có thể đàm phán thêm khá nhiều.
Tôi nhún vai.
- Cơ hội này hấp dẫn tôi.
- Có lẽ, nhưng nó khiến tôi thấy anh nóng lòng muốn thoát ra khỏi chỗ đó đến phát điên.
Điều này khiến tôi căng thẳng, nhưng dù sao thì tôi cũng biết Goddard muốn tôi thận trọng. - - Tôi nghĩ là Trion là nơi phù hợp với mình hơn.
- Anh nhận được cơ hội như mình muốn chứ?
- Chắc chắn rồi.
- Paul, Giám đốc Tài chính cho tôi biết về chuyện anh xen vào vụ GoldDust. Rõ ràng là anh có nguồn cho mình.
- Tôi giữ liên lạc với bạn bè.
- Adam, tôi thích ý tưởng của anh về việc trang bị lại cho Maestro, nhưng tôi lo về thời gian phát sinh khi bổ sung giao thức mã hóa bảo mật. Hôm qua Lầu Năm Góc đã muốn có mẫu dùng thử rồi.
- Không thành vấn đề, - tôi nói. Chi tiết vẫn rõ ràng trong đầu tôi như thể tôi đang nhồi sọ cho bài thi hóa học hữu cơ cuối kỳ. - Kasten Chase đã phát triển xong giao thức RASP, truy cập bảo mật an toàn dữ liệu. Họ đã có thẻ bảo mật Fortezza Crypto, modem bảo mật Palladium - phần cứng và giải pháp phần mềm đã được phát triển rồi. Có thể sẽ mất hai tháng để tích hợp vào Maestro. Còn lâu trước khi chúng ta nhận được hợp đồng, chúng ta vẫn thoải mái.
Goddard lắc đầu, trông mụ đi:
- Cả cái thị trường đáng nguyền rủa này đã thay đổi. Mọi thứ đều e-cái này và i-cái kia, và tất cả công nghệ đều quy về một mối. Giờ là thời đại tất-cả-trong-một. Người tiêu dùng không muốn ti vi và đầu VCR và máy fax và máy tính để bàn và dàn âm thanh stereo và điện thoại và tương-tự-như-thế. - Ông liếc mắt nhìn tôi, rõ ràng đang thả ý tưởng này để xem tôi nghĩ gì. - Tích hợp chính là tương lai. Anh nghĩ vậy không?
Tôi nhìn nghi hoặc, hít sâu và nói.
- Câu trả lời đầy đủ là... Không.
Sau vài giây im lặng, ông cười. Tôi tìm hiểu kỹ rồi. Tôi đã đọc bản sao chép một số nhận xét không chính thức mà Goddard từng phát biểu tại một trong những hội nghị công-nghệ-của-tương-lai ở Palo Alto một năm trước, ông đã thao thao phê phán cái mà ông gọi là sự “sùng bái tính năng”, và tôi đã ghi nó vào trong bộ nhớ, nghĩ mình có thể lôi nó ra trong cuộc họp nào đó ở Trion.
- Tại sao?
- Đó chỉ là sùng bái tính năng. Chạy trên nền chrome nhưng phải hy sinh sự dễ sử dụng, sự đơn giản và tính tao nhã. Tôi cho rằng chúng ta đều phát ngấy với việc phải bấm lần lượt ba mươi sáu nút ở trên hai mươi hai cái điều khiển từ xa chỉ để xem bản tin chiều. Tôi nghĩ khối người đã bực cả mình vì cái đèn KIỂM TRA ĐỘNG CƠ trong ô tô và ta không thể chỉ nhấc nắp xe lên để kiểm tra - ta phải đưa nó tới một tay thợ máy chuyên sâu nào đó có máy tính chẩn đoán và bằng kỹ sư từ MIT.
- Thậm chí ngay cả khi anh là tay mê xe. - Goddard cười nhạo báng.
- Thậm chí là như vậy. Hơn nữa toàn bộ việc tích hợp này chỉ là chuyện hoang đường, một từ cao siêu sẽ trở nên nguy hại nếu ta tin vào nó quá. Không tốt cho kinh doanh. Máy điện thoại kiêm máy fax của Canon là một sự thất bại - máy fax tầm thường với điện thoại còn thảm hại hơn. Ta không muốn thấy máy giặt tích hợp với máy sấy, hay lò vi sóng tích hợp với bếp ga. Tôi sẽ không cần một thứ đồ kết hợp tủ lạnh - lò vi sóng - bếp điện - ti vi nếu tôi chỉ muốn giữ lạnh mấy lon Côca. Năm mươi năm sau khi máy tính được phát minh, nó được tích hợp với cái gì? Không gì cả. Như tôi thấy thì trò tích hợp nhảm nhí này chỉ là một con jackalope nữa mà thôi.
- Con gì kia?
- Con jackalope - sáng chế theo thần thoại của một tay thuộc nhồi tiêu bản động vật quẫn trí nào đó, mang hình dáng nửa thỏ nửa linh dương. Ông sẽ thấy nó trên bưu thiếp ở khắp miền Tây.
- Anh không nhẹ lời nhỉ?
- Khi tôi tin là mình đúng thì không, thưa giám đốc.
Ông đặt hồ sơ nhân sự xuống rồi lại ngả lưng vào ghế.
- Về góc nhìn bao quát thì sao?
- Ý ông là?
- Nhìn tổng thể về Trion. Có đánh giá rõ ràng nào không?
- Dĩ nhiên là có một vài.
- Nghe xem nào.
Wyatt luôn cho thực hiện phân tích cạnh tranh về Trion, và tôi đã ghi nhớ chúng.
- Xem nào, Hệ thống Y tế Trion có danh mục rất tốt, kỹ thuật thực sự tiên tiến nhất về cộng hưởng từ, y học hạt nhân và siêu âm, nhưng hơi yếu về khoản dịch vụ như quản lý thông tin bệnh nhân và quản lý tài sản.
Ông cười, gật đầu.
- Đồng ý. Tiếp đi.
- Bộ phận Giải pháp Kinh doanh Trion rõ ràng là tệ hại - tôi không muốn nói với ông điều đó - nhưng ông đã có hầu hết mọi thứ trong tay để thâm nhập thị trường rất tốt, đặc biệt là về dịch vụ dữ liệu ethernet và giọng nói dựa trên IP và chuyển mạch. Phải, tôi biết vấn đề sợi quang hiện không tốt, nhưng dịch vụ băng thông rộng là tương lai, vì vậy chúng ta phải bám trụ lại. Tổ chức Aerospace đã mất vài năm khó khăn, nhưng nó vẫn có danh mục sản phẩm tin học nhúng xuất sắc.
- Nhưng còn điện tử tiêu dùng thì sao?
- Rõ ràng đó là mũi cạnh tranh chính của chúng ta, chính vì nó mà tôi chuyển tới đây. Ý tôi là đầu DVD cao cấp của chúng ta đánh bại cả Sony. Điện thoại không dây rất mạnh, vẫn luôn luôn mạnh. Điện thoại di động bán chạy như tôm tươi - chúng ta làm chủ cả thị trường. Chúng ta có tên tuổi - chúng ta có thể đặt giá đắt hơn ba mươi phần trăm cho sản phẩm của mình, chỉ vì nó có ghi Trion trên nhãn. Nhưng vẫn còn quá nhiều điểm yếu.
- Ví dụ như?
- Ừm, thật điên khi chúng ta không có sản phẩm nào thực sự hạ gục được con Blackberry. Thiết bị truyền thông không dây lẽ ra là sân chơi của chúng ta. Thay vì thế, chúng ta lại nhượng lại đất cho RIM, Handspring và Plam. Chúng ta cần những thiết bị không dây mạnh.
- Chúng ta đang làm điều đó. Chúng ta đã có một sản phẩm khá thú vị sắp ra lò.
- Vậy thì tốt quá, - tôi nói. - Tôi thực sự nghĩ là chúng ta bị lỡ chuyến về công nghệ và sản phẩm có thể truyền tải nhạc và phim số trên mạng Internet. Chúng ta rất nên chú trọng vào Nghiên cứu Phát triển sản phẩm ở đây, tìm đối tác cũng được. Đó là tiềm năng lớn để tạo ra doanh thu.
- Tôi cho là anh nói đúng.
- Và thứ lỗi cho tôi khi nói điều này, nhưng tôi nghĩ thật tệ rằng chúng ta không có dòng sản phẩm nào thực sự nhắm tới đối tượng trẻ em. Nhìn Sony xem - hệ máy chơi Playstation của họ có thể tạo sự khác biệt ra ngô ra khoai trong vài năm. Nhu cầu dành cho máy tính và đồ điện gia dụng cứ vài năm lại giảm một lần đúng không? Chúng ta đang đấu với những nhà chế tạo đồ điện ở Hàn Quốc và Đài Loan, chúng ta cạnh tranh về giá đối với màn hình LCD, đầu video số và điện thoại - đây là thực tế. Vì vậy chúng ta nên bán cho cả trẻ em - vì trẻ em không quan tâm tới sự suy thoái. Sony có Playstation, Microsoft có Xbox, Nintendo có GameCube, còn chúng ta có gì cho trò chơi trên ti vi? Chút xíu cỏn con. Đó là điểm yếu lớn cho một dòng sản phẩm hướng tới người tiêu dùng.
Tôi để ý thấy ông lại ngồi thẳng lên, nhìn tôi với một nụ cười khó hiểu trên gương mặt nhăn nheo.
- Anh cảm thấy thế nào nếu được giao chuẩn bị cho việc trang bị lại Maestro?
- Đó là việc của Nora. Nói thẳng thì tôi không thấy thoải mái lắm về việc đó.
- Anh sẽ báo cáo cho cô ta.
- Tôi không chắc bà ấy sẽ thích thế.
Nụ cười của ông cong lên.
- Cô ta sẽ vượt qua thôi. Nora biết tiền trong túi mình đến từ đâu.
- Dĩ nhiên tôi sẽ không chống lại lệnh ông, nhưng tôi nghĩ như thế có thể sẽ không tốt cho tinh thần chung.
- À, vậy anh có muốn sang làm cho tôi không?
- Không phải tôi đang làm cho ông sao?
- Ý tôi là ở đây, trên tầng bảy. Trợ lý đặc biệt cho chủ tịch về chiến lược sản phẩm mới. Đồng trách nhiệm với bộ phận Công nghệ cao. Tôi sẽ cho anh một văn phòng, chỉ ngay phía cuối hành lang này. Nhưng không lớn hơn tôi, anh hiểu chứ. Có muốn không?
Tôi không tin nổi mình đang nghe thấy cái gì. Tôi như muốn nổ tung vì kích động và căng thẳng.
- Chà, dĩ nhiên. Báo cáo trực tiếp với ông?
- Đúng vậy. Chúng ta thỏa thuận thế chứ?
Tôi cười chậm rãi. Trót thì trét, tôi nghĩ, và cứ thế.
- Tôi nghĩ nhiều trách nhiệm hơn cần nhiều tiền hơn, giám đốc nghĩ vậy không?
Ông ta cười phá lên.
- À, thế à?
- Tôi muốn thêm năm mươi nghìn đô mà lẽ ra tôi nên yêu cầu khi bắt đầu ở đây. Và tôi cũng muốn thêm bốn mươi nghìn đô vào quyền chọn cổ phiếu.
Ông lại cười phá lên, nụ cười mạnh mẽ, gần giống như của ông già Noel, hô hô hô.
- Anh can đảm lắm, anh bạn trẻ.
- Cảm ơn ông.
- Tôi sẽ nói với anh gì nhỉ. Tôi không cho anh thêm năm mươi nghìn đô. Tôi không tin vào tiệm tiến. Tôi sẽ nhân lương anh lên gấp đôi. Thêm vào cho anh bốn mươi nghìn đô quyền lựa chọn. Như thế anh sẽ cảm thấy đủ loại áp lực để chổng mông lên làm cho tôi.
Để ngăn không há hốc miệng, tôi cắn môi trong. Trời ạ.
- Anh sống ở đâu? - ông hỏi.
Tôi nói cho ông biết.
Ông lắc đầu.
- Không phù hợp lắm với một người ở tầm cỡ của anh. Hơn nữa với số giờ anh sẽ làm việc, tôi không muốn anh đi trên đường bốn mươi lăm phút vào buổi sáng và rồi lại thêm bốn mươi lăm phút nữa vào buổi tối. Anh sẽ có những đêm làm việc muộn, vì vậy tôi muốn anh ở gần đây. Sao anh không tìm lấy một căn hộ cao cấp ở Harbor Suites nhỉ? Giờ anh đủ tiền rồi. Chúng tôi có một người giải quyết mọi chuyện liên quan đến nhân viên của Trion, chuyên về vấn đề nhà cửa cho tập đoàn. Cô ta sẽ sắp xếp cho anh cái gì đó thoải mái.
Tôi nuốt nước bọt.
- Nghe được đấy, - tôi nói, cố kiềm chế không cười căng thẳng.
- Giờ, tôi biết anh nói mình không phải là một tay mê xe, nhưng con Audi này... tôi tin nó không có tỳ vết gì, nhưng sao anh không kiếm cho mình cái gì đó thú vị? Tôi nghĩ người ta nên yêu xe của mình. Cứ thử xem, sao lại không nhỉ? Ý tôi là đừng đi quá đà, nhưng cái gì đó thú vị. Flo có thể sắp xếp chuyện này.
Ông đang nói họ sẽ cho tôi một chiếc xe sao? Trời đất ơi.
Ông đứng dậy.
- Vậy anh theo chứ? - Ông chìa tay ra.
Tôi bắt tay.
- Tôi không phải kẻ ngốc, - tôi thành thật.
- Không, rõ ràng rồi. Nào, xin chào đến với đội, Adam. Tôi trông chờ được làm việc với anh.
Tôi loạng choạng đi ra khỏi văn phòng của ông và hướng tới dãy thang máy, đầu óc lơ lửng trên mây. Tôi cố lắm mới đi bình thường được.
Và rồi tôi chợt nhớ ra tại sao mình lại ở đây, công việc thực sự của mình là gì - làm thế nào mình đến được chỗ này, thậm chí vào tận văn phòng của Goddard. Tôi vừa mới được thăng chức cao hơn năng lực của mình rất rất nhiều.
Dù rằng thậm chí tôi còn không biết năng lực của mình là gì nữa.

36

Tôi không cần phải thông báo tin cho ai biết: sự kỳ diệu của thư điện tử và tin nhắn tức thời đã làm điều đó thay cho tôi. Tới lúc tôi quay trở lại khoang của mình, tin đã lan ra toàn bộ phận. Rõ ràng Goddard luôn hành động nhanh chóng.

Tôi vừa tới phòng vệ sinh nam vì buồn tè lắm rồi thì Chad xông vào và kéo khóa quần ở bồn tiểu cạnh tôi.
- Vậy tin đồn là đúng à, anh bạn?
Tôi sốt ruột nhìn gạch lát tường. Tôi thực sự cần giải quyết.
- Tin đồn nào?
- Như vậy tớ hiểu là phải chúc mừng cậu rồi.
- Ồ, chuyện đó. Không. Chúc mừng bây giờ còn quá sớm. Nhưng dù sao cũng cảm ơn.
Tôi nhìn cái cần giật tự động nhỏ gắn vào bồn tiểu American Standard. Tôi tự hỏi ai đã phát minh ra nó, liệu họ có giàu lên không, và gia đình họ có nói đùa rằng gia sản của mình là ở trong nhà cầu không. Tôi chỉ muốn Chad biến đi cho khuất mắt.
- Tớ đã đánh giá thấp cậu, - hắn nói, bắn một tia mạnh. Trong lúc đó sông Colorado bên trong tôi đang đe dọa phá đập Hoover.
- Vậy à?
- Vậy đấy. Tớ biết cậu giỏi, nhưng không biết giỏi đến thế nào. Tớ đã không công nhận cậu.
- Tớ chỉ may thôi, - tôi nói. - Hoặc có lẽ là tớ giỏi ba hoa, và không biết vì sao Goddard lại thích điều đó.
- Không, tớ không nghĩ vậy. Giữa cậu và ông ấy có thứ thần giao cách cảm như Vulcan vậy. Dường như cậu biết đúng điểm cần tác động. Tớ cá là hai người thậm chí không cần nói bằng lời. Cậu giỏi đến thế đấy. Tớ ấn tượng lắm, anh bạn. Tớ không biết cậu làm như thế nào, nhưng tớ rất ấn tượng.
Hắn kéo khóa và vỗ vai tôi.
- Nói cho tớ biết bí quyết nhé? - hắn nói mà không chờ trả lời.

Khi tôi quay về khoang của mình, Noah Mordden đang đứng ở đó, xem xét những cuốn sách ở trên đỉnh tủ hồ sơ. Gã cầm một gói quà, trông giống như quyển sách.
- Cassidy, - gã nói. - Anh chàng Widmerpool quá-đỉnh-để-đến-trường của chúng ta.
- Xin lỗi?
Trời ạ, gã này mê dẫn chiếu toàn những điều khó hiểu sao?
- Anh muốn cho cậu cái này, - gã nói.
Tôi cảm ơn gã và mở gói ra. Đó là một quyển sách, một cuốn sách cũ bốc mùi nấm mốc. Dòng Binh pháp Tôn Tử được dập vào bìa vải trước.
- Đó là bản dịch năm 1910 của Lionel Giles, - gã nói. - Theo anh là bản tốt nhất. Không phải bản in đầu tiên, không kiếm nổi đâu, nhưng ít nhất cũng là một bản in sớm.
Tôi cảm động.
- Anh lấy đâu ra thời gian mua cái này.
- Tuần trước, thực ra là mua trực tuyến. Anh không định đem nó làm quà chia tay, nhưng thành ra đúng thế rồi. Ít nhất giờ thì cậu không còn cớ nào nữa.
- Cảm ơn anh, - tôi nói. - Tôi sẽ đọc nó.
- Đọc đi. Anh nghĩ giờ cậu sẽ càng cần nó hơn nữa đấy. Nhớ lại câu kotowaza của người Nhật, “Cứng quá dễ gãy”. Cậu may mắn nên mới thoát ra khỏi quỹ đạo của Nora, nhưng lên cao quá nhanh trong bất cứ tổ chức nào thì cũng đều mang lại những hiểm họa lớn. Diều hâu có thể sải cánh, nhưng sóc chuột thì không bị hút vào động cơ phản lực.
Tôi gật đầu.
- Tôi sẽ nhớ điều đó.
- Tham vọng là phẩm chất hữu ích, nhưng cậu lúc nào cũng phải xóa dấu vết của mình.
Chắc chắn gã đang ám chỉ điều gì đó - gã hẳn đã thấy tôi bước ra khỏi văn phòng của Nora - và điều đó dọa tôi sợ chết khiếp. Gã đang vờn tôi tàn ác như mèo vờn chuột.

Nora gọi tôi tới văn phòng mụ bằng thư điện tử, và tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận bão tố.
- Adam, - mụ gọi khi tôi bước vào. - Tôi vừa nghe tin xong.
Mụ đang cười.
- Ngồi xuống đi, ngồi xuống đi. Tôi thấy mừng cho anh quá. Và có lẽ tôi không nên tiết lộ điều này, nhưng tôi rất vui rằng họ đã nhìn nhận nghiêm chỉnh sự nhiệt tình của tôi dành cho anh. Vì như anh biết đấy, họ không phải lúc nào cũng lắng nghe.
- Tôi biết.
- Nhưng tôi cam đoan với họ, nếu các anh làm điều này, các anh sẽ không hối tiếc đâu. Adam phù hợp lắm, tôi bảo họ như vậy, cậu ta sẽ vượt quá sự mong đợi của các anh. Các anh cứ tin lời tôi, tôi biết cậu ta.
Phải, tôi nghĩ, bà nghĩ bà biết tôi. Bà không ngờ nổi đâu.
- Tôi thấy anh lo lắng về việc chuyển vị trí, vì vậy tôi đã gọi vài cuộc điện thoại, - mụ nói. - Tôi rất vui rằng mọi chuyện xảy ra tốt đẹp với anh.
Tôi không trả lời, tôi quá bận nghĩ xem Wyatt sẽ nói gì khi nghe tin này.

37

- Trời đất, - Nicholas Wyatt nói.
Trong nửa giây, cái vỏ bọc bóng loáng, hoàn chỉnh và rám nắng chứa đầy sự ngạo mạn của lão bị nứt ra. Lão nhìn tôi bằng ánh mắt gần như là khâm phục. Gần như thôi. Dù sao thì đây cũng là một Wyatt hoàn toàn mới, và tôi thích được thấy điều đó.
- Mày đang đùa tao đấy à? - lão tiếp tục trân trối. - Tốt nhất đây không nên là chuyện đùa.
Cuối cùng lão quay đi, và tôi nhẹ cả người.
- Đúng là không thể tin-cái-chết-mẹ-gì.
Chúng tôi đang ngồi trong máy bay riêng của lão, nhưng nó không đi đâu cả. Chúng tôi đang đợi con bồ lẳng lơ mới nhất của lão đến để cả hai cùng bay đi Đảo Lớn ở Hawaii, ở đó lão có một biệt thự trong khu nghỉ mát Hualalai. Chỉ có tôi, Wyatt và Arnold Meacham. Tôi chưa bao giờ ở trong một chiếc máy bay riêng nào, và chiếc này thật khá, một chiếc Gulfstream G-IV, khoang trong rộng bốn mét, dài khoảng hai chục mét gì đó. Tôi chưa bao giờ thấy khoảng trống nào rộng như thế này trong một chiếc máy bay. Gần như có thể chơi bóng đá trong này được. Chỉ có không quá chục ghế, một phòng họp tách riêng, hai phòng tắm vòi hoa sen lớn.
Tin tôi đi, tôi chẳng bay tới Đảo Lớn đâu. Đây chỉ là trò đùa cợt thôi. Meacham và tôi sẽ xuống trước khi máy bay cất cánh đi bất cứ đâu. Wyatt đang mặc áo sơ mi lụa đen gì đó. Tôi mong lão bị mắc ung thư da đi cho rồi.
Meacham cười với Wyatt và nói nhỏ.
- Ý tưởng rất hay, Nick.
- Tao phải nhường lời khen đó cho Judith, - Wyatt nói. - Cô ta mới là người nghĩ ra đầu tiên. - Lão chậm rãi lắc đầu. - Nhưng tao nghĩ chính cô ta cũng khó ngờ được chuyện này. - Lão cầm điện thoại lên và bấm hai nút.
- Judith, - lão nói. - Anh chàng của chúng ta giờ làm trực tiếp dưới quyền Ngài Lớn rồi. Kahuna Vĩ Đại ấy. Trợ lý điều hành đặc biệt cho Tổng giám đốc. - Lão ngừng lời, cười với Meacham. - Anh không đùa em. - Lại dừng lại. - Judith, em yêu, anh muốn em sắp xếp một khóa học cấp tốc với chàng trai của chúng ta. - Ngừng lại. - Phải, đúng rồi, dĩ nhiên đây là chuyện ưu tiên hàng đầu. Anh muốn Adam hiểu hắn rõ như lòng bàn tay. Anh muốn thằng nhóc trở thành trợ lý đặc biệt tốt nhất mà hắn từng tuyển được. Phải.
Và lão chấm dứt cuộc gọi với một tiếng bíp. Quay lại tôi, lão nói.
- Mày vừa tự cứu được mình đấy, anh bạn. Arnie?
Meacham trông như thể đã đợi lời nhắc này từ lâu.
- Bọn tao đã kiểm tra tất cả những tên trong AURORA mày đưa, - hắn cay độc nói. - Không một cái tên chết tiệt nào dẫn ra được điều gì.
- Như thế là sao? - tôi hỏi. Trời ạ, tôi mới ghét gã này làm sao.
- Không có số An sinh Xã hội, không có gì cả. Đừng đùa với bọn tao, anh bạn.
- Anh nói gì vậy? Tôi đã tải chúng xuống trực tiếp từ danh mục của Trion ở trên website.
- Ờ, thế đấy, chúng không phải tên thật, thằng khốn. Tên nhân viên hành chính là thật, nhưng tên ở bộ phận nghiên cứu rõ ràng là tên giả. Chúng chôn sâu giữ kỹ như thế đấy - chúng thậm chí không liệt kê tên thật trên website. Chưa bao giờ nghe chuyện thế này cả.
- Nghe không đúng lắm, - tôi lắc đầu nói.
- Mày thành thật với bọn tao đấy chứ? - Meacham nói. - Vì nếu mày không thành thật, thì trông đấy, bọn tao sẽ bóp chết mày. - Hắn nhìn Wyatt. - Nó làm lộn tung những hồ sơ nhân sự - rồi chẳng thu được gì mấy.
- Các hồ sơ đó biến mất, Arnold, - tôi phản bác. - Bị dời đi rồi. Họ cực kỳ cẩn thận.
- Mày có gì về con đĩ đó rồi? - Wyatt xen vào.
Tôi cười.
- Tôi hẹn “con đĩ đó” vào tuần sau.
- Hẹn kiểu trai gái hả?
Tôi nhún vai:
- Cô nàng để ý tôi. Cô ta ở trong AURORA. Cô ta là liên hệ trực tiếp với sản phẩm bí mật.
Thật ngạc nhiên, Wyatt chỉ gật đầu.
- Hay lắm.
Meacham dường như nhận ra giờ gió thổi chiều nào. Hắn đã thao thao về cách tôi làm hỏng vụ ở Nhân sự, và việc những cái tên trong AURORA ở website của Trion không biết tại sao lại là giả, nhưng sếp hắn lại chỉ chú tâm vào cái gì đúng, về sự biến chuyển tình thế đáng kinh ngạc, và Meacham không muốn bị lạc nhịp.
- Mày giờ sẽ tiếp cận được với văn phòng của Goddard, - hắn nói. - Có không biết bao nhiêu thiết bị mày có thể cài vào.
- Thật đúng là không thể tin được, - Wyatt nói.
- Tôi không nghĩ chúng ta cần phải trả nó lương cũ ở Wyatt nữa, - Meacham nói. - Với những gì nó đang kiếm được ở Trion thì thôi đi. Trời ạ, con diều chết tiệt này kiếm được nhiều hơn cả tôi.
Wyatt có vẻ thích thú.
- Không, chúng ta đã giao kèo rồi.
- Anh vừa gọi tôi là gì? - tôi hỏi Meacham.
- Có rủi ro về mặt an ninh khi chúng ta chuyển tiền từ quỹ của tập đoàn vào tài khoản cho thằng nhóc này, dù có qua bao nhiêu vỏ bọc đi nữa, - Meacham nói với Wyatt.
- Anh gọi tôi là “con diều”, - tôi khăng khăng. - Ý anh là gì?
- Tao tưởng nó không thể lần ra được, - Wyatt nói với Meacham.
- “Con diều” là sao? - tôi hỏi. Giống như con chó vớ được khúc xương, tôi không chịu buông chuyện này, dù có làm Meacham bực mình thế nào.
Meacham thậm chí không thèm nghe, nhưng Wyatt nhìn tôi và nói khẽ.
- Đó là cách nói về gián điệp tập đoàn. Một con diều là một “cố vấn đặc biệt” ra bên ngoài để thu thập thông tin tình báo bằng bất cứ giá nào, làm công chuyện.
- Diều là sao? - tôi hỏi.
- Mày thả một con diều, và nếu như nó vướng vào cây, mày chỉ cần cắt dây đi, - Wyatt nói. - Chối bay chối biến, mày từng nghe từ này rồi chứ?
- Cắt dây, - tôi thẫn thờ lặp lại. Một mặt, tôi chẳng quan tâm đến chuyện đó chút nào, bởi cái dây đó thực sự là dây xích cổ. Nhưng tôi biết khi chúng nói về việc cắt dây, ý chúng là bỏ mặc tôi mắc kẹt.
- Nếu chuyện trở nên tồi tệ, - Wyatt nói. - Chỉ cần đừng để chuyện trở nên tồi tệ thì sẽ không ai phải cắt dây. Nào, con chó cái đó biến đi đâu rồi? Nếu nó không tới đây trong hai phút nữa, tao sẽ cất cánh mà không có nó.

38

Và rồi tôi làm một điều hoàn toàn điên rồ nhưng thật tuyệt vời. Tôi ra ngoài và tậu cho mình một chiếc Porsche chín mươi nghìn đô.
Từng có lúc tôi hẳn sẽ ăn mừng tin tốt theo kiểu say bí tỉ, có lẽ là phung phí tiền vào ít sâm panh hoặc vài chiếc CD. Nhưng đây là cả một tầm cỡ khác. Tôi thích ý nghĩ cắt dây cái tạp dề khâu nhãn Wyatt bằng cách đổi xe Audi lấy Porsche, ưu đãi của Trion.
Bạn từng bao giờ mua bán xe Porsche chưa? Không giống như mua một chiếc Honda Accord đâu, hiểu chứ? Không đơn giản chỉ là đi từ ngoài phố vào và yêu cầu lái thử. Bạn phải qua nhiều trò trước đó. Bạn phải điền vào mẫu, họ muốn biết tại sao bạn lại ở đây, bạn làm gì, dấu hiệu của bạn là gì.
Rồi cũng có nhiều lựa chọn tới mức có thể làm bạn phát rồ. Bạn muốn đèn pha bi-xenon không? Bảng tín hiệu Arctic Silver thì sao? Bạn thích da thuộc hay da thuộc mềm? Bạn muốn bánh xe Thiết kế Thể thao hay Thể thao cổ điển II hay Turbo-Look I?
Cái tôi muốn là một chiếc Porsche, và tôi không muốn mất bốn đến sáu tháng đợi người ta chế tạo tùy biến ở Stuttgart-Zuffenhausen. Tôi muốn lái nó ra khỏi lô. Tôi muốn nó ngay bây giờ. Họ chỉ có hai chiếc ô tô hai chỗ loại 911 Carrera trong tay, một chiếc màu đỏ Hồng quân và một chiếc màu đen kim loại bazan. Cuối cùng phải xét đến đường khâu trên da. Chiếc màu đỏ dùng da đen như đồ giả, và tệ nhất là chỉ khâu lại màu đỏ, khiến nó mang hơi hướng cao bồi miền Tây thô thiển. Trong khi đó, mẫu màu đen bazan có nội thất đồ da mềm màu nâu tự nhiên tuyệt vời, với cần số và bánh lái bọc da. Tôi quay lại ngay sau khi lái thử và bảo chọn thôi. Có lẽ tay bán xe nghĩ tôi là loại khách chỉ xem hàng, hoặc đến cuối cùng lại không thể bóp cò được, nhưng tôi đã làm, và hắn cam đoan với tôi rằng tôi đã lựa chọn đúng. Hắn thậm chí còn đề nghị cho người trả chiếc Audi tôi thuê cho nhà cung cấp - hết sức chóng vánh.
Giống như bay bằng phản lực vậy; khi bạn đạp chân ga, nó thậm chí còn nghe như một chiếc Boeing 767. Ba trăm hai mươi mã lực, tăng tốc từ không lên sáu mươi dặm một giờ trong năm giây chẵn, mạnh không tin nổi. Nó rung và gầm lên. Tôi đẩy vào đĩa CD tự ghi mới nhất mình thích và cho nổ tung nhạc Clash, Pearl Jam và Guns N' Roses trong khi phóng tẹt ga đến chỗ làm. Nó khiến tôi cảm thấy như thể mọi chuyện đều ổn cả.

Thậm chí trước khi tôi chuyển sang văn phòng mới, Goddard muốn tôi tìm chỗ ở mới, thuận tiện hơn để tới tòa nhà Trion. Tôi cũng chẳng định bàn cãi; đã đến lúc lắm rồi.
Lính của ông giúp tôi dễ dàng bỏ lại đống rác nơi tôi đã sống rất lâu và chuyển sang căn hộ mới ở trên tầng hai mươi chín của tháp Nam Harbor Suites. Tháp nào trong hai tháp cũng có khoảng trăm rưỡi căn hộ cao cấp trên ba mươi tám tầng, đủ loại từ phòng làm việc tới phòng có ba buồng ngủ. Khu tháp được xây trên nóc khách sạn phô trương nhất trong khu vực, nhà hàng của nó đứng đầu trong bảng xếp hạng Zagat.
Căn hộ trông giống như từ trong ảnh chụp của tờ Phong Cách đi ra. Nó rộng khoảng sáu trăm mét vuông, trần cao gần bốn mét, sàn lát đá và gỗ cứng. Có một “phòng chính” và một “thư viện” cũng có thể dùng làm phòng ngủ phụ, rồi một phòng ăn trang trọng và một phòng khách khổng lồ.
Cửa sổ từ sàn tới trần nhìn ra quang cảnh ngất ngây nhất mà tôi từng thấy. Một phía phòng khách là thành phố, trải rộng phía dưới hút tầm mắt, phía kia là cảnh biển.
Bếp kiêm phòng ăn trông giống như phòng trưng bày ở một công ty thiết kế đồ bếp cao cấp với đủ loại tên nổi tiếng: tủ lạnh Sub-Zero, máy rửa bát Miele, bếp kiêm lò nướng lưỡng nhiên liệu hiệu Viking, tủ của Poggenpohl, quầy mặt đá granit, thậm chí có cả “hang” rượu âm tường.
Chẳng phải là tôi sẽ cần tới bếp. Nếu bạn muốn “ăn tối trong nhà”, tất cả những gì bạn phải làm là nhấc điện thoại trên tường bếp lên và bấm một nút, rồi bạn sẽ được khách sạn phục vụ ăn uống tại phòng, thậm chí nếu báo trước thì sẽ có cả đầu bếp của nhà hàng trong khách sạn lên để nấu nướng cho bạn và khách khứa.
Có một câu lạc bộ thể dục thể thao hiện đại, rộng mênh mông, phải đến mấy chục nghìn mét vuông, nhiều người giàu có không sống tại đây vẫn đến tập thể dục, chơi quần vợt hay tập thái cực quyền, rồi tắm hơi và qua quán cà phê uống sinh tố giàu đạm.
Bạn thậm chí không cần tự cho xe vào bãi. Chỉ cần lái nó tới trước tòa nhà, rồi người phục vụ khách sạn sẽ tới nhanh chóng đưa nó đi đâu đó đỗ cho bạn, rồi bạn gọi xuống để yêu cầu đưa xe tới.
Thang máy đi với tốc độ siêu âm, nhanh tới mức tai bạn muốn nổ đốp ra. Tường thang màu gỗ gụ, sàn lát đá cẩm thạch, rộng bằng căn hộ cũ của tôi.
An ninh cũng tốt hơn rất nhiều. Đám tay chân của Wyatt sẽ không dễ gì đột nhập được vào đây để lục lọi đồ của tôi. Tôi thích thế.
Không căn hộ nào ở khu Harbor Suites tốn dưới một triệu, và cậu nhóc này hơn hai triệu đô, nhưng tất cả đều miễn phí - thêm đồ nội thất nữa - ưu đãi của Hệ thống Trion, một khoản bổng lộc.

Chuyển nhà không vất vả chút nào, vì tôi hầu như không giữ lại gì ở căn hộ cũ. Tổ chức Từ tâm và Đội quân Cứu tế tới lấy đi cái ghế bành sọc ô to và xấu xí, cái bàn bếp formica, giường lò xo và đệm, đủ loại đồ đồng nát, thậm chí cả cái bàn thô cũ kỹ. Rác rơi ra khỏi chiếc ghế bành khi họ lôi nó đi - giấy nhàu nát, gián, đủ thứ thuốc men linh tinh. Tôi giữ lại máy tính, quần áo và cái chảo rán bằng sắt đen của mẹ (vì lý do tình cảm thôi - không phải tôi dùng nó đâu). Tôi đóng gói tất cả đồ vào xe Porsche, thế là bạn biết ít đồ như thế nào rồi đấy, bởi hầu như không có tí chỗ nào để đồ trong một cái xe Porsche. Tất cả đồ đạc tôi đặt từ cửa hàng nội thất đẹp đẽ Domicile (theo lời khuyên của đại lý) - những chiếc ghế bành to phồng, bọc quá dày đến mức bạn có thể bị chúng nuốt chửng, với ghế đồng bộ, rồi bộ bàn ăn trông giống như lấy từ cung điện Versailles ra, một cái giường khổng lồ với thành sắt, cả thảm trải sàn Ba Tư. Còn có nệm hãng Dux siêu đắt nữa. Mọi thứ. Cả đống bộn tiền, nhưng này - tôi chẳng phải trả tiền cho một thứ gì.

Thật ra, lúc Domicile đang giao đồ đạc thì người giữ cửa, Carlos, gọi lên bảo tôi có khách ở dưới nhà, một Ngài Seth Marcus nào đấy. Tôi bảo anh ta để Seth lên ngay.
Cửa chính đã mở sẵn cho người chuyển đồ, nhưng Seth vẫn bấm chuông và đứng ngoài hành lang. Cậu ta mặc áo phông Sonic Youth và quần bò Diesel rách. Đôi mắt nâu vốn sống động, thậm chí tới mức hưng cảm, giờ trông đờ đẫn. Seth trông như đang kìm nén - tôi không rõ đó là vì cảm thấy bị đe dọa, hay ghen tị, hay tức giận vì tôi đã biến mất khỏi màn hình ra đa của cậu ta, hay kết hợp cả ba điều đó.
- Chà, - Seth nói. - Tao lần ra được mày rồi.
- Chà, - tôi nói và ôm cậu ta. - Chào mừng đến với nơi ở xoàng xĩnh của tao.
Tôi không biết nói gì hơn. Không biết tại sao tôi thấy xấu hổ. Tôi không muốn Seth thấy chỗ này.
Seth vẫn đứng nguyên một chỗ ở hành lang.
- Mày không định bảo tao mày chuyển nhà à?
- Chuyện hơi đột ngột, - tôi nói. - Tao đang định gọi mày.
Seth lôi ra một chai sâm banh New York rẻ tiền từ cái túi vải bạt kiểu người đưa thư và đưa cho tôi.
- Tao đến ăn mừng. Tao đoán giờ thì một thùng bia không còn xứng với mày nữa.
- Hay quá! - tôi nhận chai rượu và lờ đi lời chỉ trích. - Vào đi.
- Thằng chó này. Hay thật, - Seth nói bằng giọng ỉu xìu, không hào hứng mấy. - To nhỉ?
- Sáu trăm mét vuông. Xem nhé.
Tôi dẫn Seth đi xem. Cậu ta nói toàn những câu buồn cười kiểu “Nếu đó là thư viện, thì mày hẳn phải cần sách chứ?” và “Giờ tất cả những gì mày cần để trang bị cho phòng ngủ là một cô nàng.” Cậu ta bảo căn hộ của tôi là “gai mắt” và “tồi tệ”, cũng là cách nói giả găngxtơ để nói rằng cậu ta thích nó.
Seth giúp tôi tháo vải và băng nhựa ra khỏi một trong những cái ghế bành to tướng để chúng tôi có chỗ ngồi. Cái ghế được đặt ở giữa phòng khách, gần như trôi ở đó, đối diện biển.
- Được đấy, - Seth nói, thả mình xuống ghế. Cậu ta trông như thể muốn đặt chân lên đâu đó, nhưng họ chưa mang bàn cà phê tới, may quá, bởi tôi không muốn cậu ta gác đôi giày Doc Martens lấm bùn lên đó.
- Giờ mày cắt sửa móng tay à? - Seth hỏi ngờ vực.
- Thỉnh thoảng, - tôi khẽ thừa nhận. Tôi không tin nổi cậu ta chú ý tới tiểu tiết như là móng tay tôi. Trời ạ. - Phải trông cho ra dáng một người quản trị, mày biết đấy.
- Kiểu tóc làm sao thế? Hỏi thật đấy.
- Nó làm sao?
- Mày không nghĩ là, tao không biết nữa, nó hơi đồng bóng sao ấy?
- Đồng bóng?
- Ý là trông hơi bị bảnh chọe. Mày trát phân vào tóc mày à, như keo xịt hay kem gì đó?
- Một ít keo, - tôi trả lời một cách phòng thủ. - Thế thì sao?
Seth liếc mắt, lắc đầu.
- Mày xịt nước hoa?
Tôi muốn đổi chủ đề.
- Tao tưởng tối nay mày làm việc, - tôi nói.
- À, mày nói về trò làm phục vụ ở quầy rượu hả? Không, tao bỏ rồi. Việc đó hóa ra lại hoàn toàn chán ngấy.
- Nơi đó có vẻ rất hay.
- Nếu mày làm ở đó thì không. Chúng đối xử với mày như mày là thằng bồi bàn chết giẫm vậy.
Suýt nữa thì tôi cười phá lên.
- Tao có trò này khá hơn nhiều, - cậu ta nói. - Tao vào “Đội năng lượng di động” của Red Bull. Họ cho mày cái xe khá được để lái loanh quanh, và về cơ bản thì mày phân phát mẫu, nói chuyện với mọi người và mấy trò như thế. Thời gian hoàn toàn linh động. Tao có thể làm nó sau trò trợ lý luật sư.
- Nghe tuyệt đấy.
- Trăm phần trăm luôn. Nó cho tao nhiều thời gian rỗi để sáng tác ca khúc tập đoàn.
- Ca khúc tập đoàn?
- Công ty lớn nào cũng có một bài - loại rock hay rap hạng bét gì đó. - Cậu ta hát váng lên dở tệ: - Trion! - Thay đổi thế giới của bạn! Như thể đó. Nếu Trion chưa có bài nào, biết đâu mày có thể có lời với đúng người giúp tao. Tao cá là tao sẽ có tiền bản quyền mỗi khi bọn chúng mày hát nó ở buổi picnic của tập đoàn hay gì đó.
- Tao sẽ xem thử xem, - tôi nói. - Này, tao không có cái ly nào. Tao đang đợi chuyển đồ, nhưng đồ còn chưa tới. Người ta bảo thủy tinh này được thổi bằng mồm ở Italy - không biết như thế liệu có còn dính mùi tỏi không.
- Đừng nghĩ ngợi nhiều về chuyện đó. Đằng nào sâm panh có lẽ cũng tệ thôi.
- Mày vẫn làm ở công ty luật chứ?
Cậu ta trông xấu hổ.
- Đó là khoản kiếm đều đặn duy nhất của tao.
- Này, nó quan trọng đấy.
- Tin tao đi, tao làm ít nhất có thể. Tao chỉ làm vừa đủ để giữ Shapiro xa mình thôi - fax, sao chép, tìm kiếm, gì cũng được - và tao vẫn còn nhiều thời gian để lướt web.
- Hay thế.
- Tao được trả khoảng hai mươi đô một giờ để chơi trò chơi trên web, ghi đĩa CD nhạc và giả vờ làm việc.
- Tuyệt, - tôi nói. - Mày thực sự thắng được bọn chúng đấy. - Thật ra phải gọi là thảm hại.
- Đúng rồi.
Và rồi tôi không biết tại sao lại buột miệng, nhưng tôi lên tiếng:
- Vậy mày nghĩ mày đang lừa ai nhiều nhất, bọn chúng hay chính mày?
Seth nhìn tôi buồn cười.
- Mày đang nói về chuyện gì vậy?
- Ý tao là mày lãng phí thời gian ở nơi làm việc, mày gian lận để sống, làm càng ít càng tốt - đã bao giờ mày tự hỏi vì sao mày làm thế chưa? Như là để làm gì ấy?
Seth nheo mắt lại thù địch.
- Mày làm sao vậy?
- Rồi có lúc mày cũng phải ràng buộc mình với điều gì đó, mày biết đấy.
Cậu ta dừng lời.
- Kệ. Này, mày muốn ra khỏi đây, đi đâu đó không? Chuyện này hơi quá người lớn với tao, nó khiến tao thấy ong ong.
- Được thôi.
Tôi đã cân nhắc gọi xuống khách sạn yêu cầu gửi lên một đầu bếp nấu cho chúng tôi, vì tôi nghĩ Seth có thể sẽ thấy ấn tượng, nhưng rồi tôi tỉnh táo lại. Đó sẽ không phải là một ý kiến hay. Với Seth nó sẽ là giọt nước làm tràn ly. Nhẹ cả người, tôi gọi xuống cho người làm ở khách sạn và bảo họ mang xe đến.
Xe đã đợi sẵn khi chúng tôi xuống tới nơi.
- Của mày đấy à? - Seth thở hắt ra. - Không đời nào.
- Thế đấy, - tôi nói.
Sự điềm tĩnh cay độc và xa cách của cậu ta cuối cùng đã rạn nứt.
- Thằng nhóc này phải tốn cả trăm nghìn đô ấy chứ!
- Ít hơn thế, - tôi nói. - Ít hơn thế nhiều. Dù sao thì công ty thuê nó cho tao.
Seth chầm chậm tiến tới chiếc Porsche, đầy kinh sợ, theo cái cách mà bọn khỉ nhân hình tới gần khối đá monolit trong phim Hành trình vào không gian năm 2001, và cậu ta vuốt ve cánh cửa màu đen bazan bóng loáng.
- Được rồi, anh bạn, - cậu ta hỏi. - Vụ gian lận của mày là gì thế? Tao cũng muốn có phần.
- Không phải là gian lận. - Tôi nói không thoải mái khi chúng tôi vào xe. - Tao vô tình vào được vụ này thôi.
- Ồ, thôi nào. Mày đang nói chuyện với tao - với Seth đấy. Còn nhớ tao không? Mày buôn bán thuốc phiện hay sao thế? Bởi vì nếu như vậy, tốt nhất mày nên cho tao vào với.
Tôi cười uể oải. Khi chúng tôi rồ ga đi, tôi thấy một chiếc xe trông ngu xuẩn đỗ ở trên phố, nó hẳn là của cậu ta. Một lon Red Bull to đùng màu xanh-bạc-lẫn-đỏ chễm chệ trên đỉnh chiếc xe nhỏ bé. Đúng là trò đùa.
- Của mày đấy à?
- Ờ. Xịn đấy nhỉ? - Seth nghe không hào hứng lắm.
- Được lắm, - tôi nói. Thật lố bịch.
- Mày biết tao tốn bao nhiêu cho nó không? Chẳng gì cả. Tao chỉ lái nó loanh quanh thôi.
- Một vụ tốt đấy.
Cậu ta dựa vào ghế da mềm.
- Đi hay quá. - Seth hít sâu mùi xe mới. - Chà, tuyệt thật. Tao nghĩ tao muốn cuộc sống của mày. Muốn đổi không?

39

Dĩ nhiên không đời nào có chuyện tôi gặp Tiến sĩ Judith Bolton ở trụ sở Wyatt, ở đó tôi có thể sẽ bị bắt gặp lúc đến hoặc lúc về. Nhưng giờ tôi đang đi săn với loài thú lớn họ mèo, và tôi cần một buổi phụ đạo sâu. Wyatt nhất định bắt tôi làm thế, và tôi không phản đối.
Vì vậy tôi gặp ả ở khách sạn Marriott vào thứ Bảy tiếp theo, trong một phòng chuyên dành cho họp công việc. Họ đã gửi thư điện tử thông báo cho tôi số phòng cần tới. Ả đã ở đó khi tôi đến, laptop cắm vào máy chiếu. Thật buồn cười, quý bà này vẫn làm tôi căng thẳng. Trên đường đi, tôi đã rẽ ngang làm lại tóc mất trăm đô, và tôi ăn mặc tươm tất thay cho mấy thứ lộn xộn thường mặc vào cuối tuần.
Tôi đã quên mất ả trông dữ dội như thế nào - đôi mắt xanh lạnh như băng, mái tóc đồng đỏ, đôi môi mọng đỏ và móng tay bóng đỏ - và trông cũng vẫn cứng rắn. Tôi bắt tay ả thật chặt.
- Anh đến vừa đúng giờ, - ả vừa cười vừa nói.
Tôi nhún vai, hờ hững cười đáp trả để bảo tôi biết rồi, nhưng tôi không hẳn thấy thích thú lắm.
- Anh trông khá đấy. Thành công dường như gật đầu với anh.
Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn họp đẹp đẽ trông giống như thuộc về phòng ăn của nhà ai đó - nhà tôi, có lẽ thế - và ả hỏi tôi mọi chuyện như thế nào. Tôi kể hết với ả những chuyện tốt chuyện xấu, kể cả về Chad và Nora.
- Anh sẽ có kẻ thù, - ả nói. - Cũng hợp tình thôi. Nhưng họ là mối đe dọa - anh đã bỏ lại mẩu thuốc lá âm ỉ trong đám cây, và nếu không dập chúng đi anh sẽ gặp phải cháy rừng.
- Tôi phải dập chúng đi như thế nào?
- Chúng ta sẽ nói về điều đó. Nhưng ngay lúc này tôi muốn anh tập trung vào Jock Goddard. Và nếu ngày hôm nay anh chỉ ghi nhớ được một điều duy nhất, tôi muốn anh nhớ điều này: ông ta trung thực đến bệnh hoạn.
Tôi không thể nhịn cười nổi. Điều này được cố vấn chính của Nick Wyatt nói ra, lão là một kẻ quanh co tới mức hẳn đi khám tuyến tiền liệt cũng cố mà gian lận.
Mắt ả ánh lên vẻ bực bội, và ả rướn người về phía tôi.
- Tôi không nói đùa. Ông ta chọn anh không phải chỉ vì ông ta thích tư duy hay ý tưởng của anh - mà dĩ nhiên chúng hoàn toàn chẳng phải ý tưởng của anh - mà vì ông ta thấy sự trung thực của anh dễ chịu. Anh nói ra suy nghĩ của mình, ông ta thích điều đó.
- Thế là “bệnh hoạn”?
- Trung thực gần như là chứng cuồng với ông ta. Anh càng thẳng thừng, càng tỏ ra ít tính toán, anh chơi sẽ càng hay. - Tôi thoáng tự hỏi liệu Judith có nhận thấy sự trớ trêu trong những gì mình đang làm không - tư vấn cho tôi làm thế nào để lừa Jock Goddard bằng cách giả vờ trung thực. Sự trung thực một trăm phần trăm nhân tạo, không có chút sợi tự nhiên nào. - Nếu ông ta bắt đầu phát hiện ra bất cứ điều gì gian giảo, lươn lẹo hay tính toán trong phong cách của anh - nếu Goddard nghĩ anh đang cố nịnh bợ hay chơi ông ta - ông ta sẽ hết hứng với anh rất nhanh. Và một khi mất đi sự tin tưởng đó, anh sẽ không bao giờ tìm lại được nữa.
- Hiểu rồi, - tôi sốt ruột nói. - Vậy từ giờ trở đi không lừa gã này nữa.
- Cưng ơi, cưng đang sống trên hành tinh nào vậy? - ả bật lại. - Dĩ nhiên chúng ta lừa lão già đó. Đấy là bài thứ hai trong nghệ thuật “xoay xở”, thôi nào. Anh sẽ làm rối tung đầu ông ta, nhưng anh phải vô cùng khéo léo khi làm điều đó. Không gì rõ rệt cả, không gì mà ông ta có thể đánh hơi ra. Cũng giống như chó có thể ngửi ra sự sợ hãi, Goddard có thể ngửi ra trò nhảm nhí. Vì vậy anh phải ra vẻ như là người trung thực tuyệt đối. Anh nói cho ông ta biết tin xấu mà người khác cố tìm cách bọc đường. Anh cho ông ta thấy một kế hoạch mà ông ta thích - rồi anh lại làm người chỉ ra khuyết điểm. Liêm chính là một món hàng khá hiếm trong thế giới của chúng ta - một khi anh biết làm giả nó, anh sẽ ở trên con tàu Kẹo Que đẹp đẽ.
- Đúng là nơi tôi muốn đến, - tôi lạnh nhạt nói.
Ả không có thời gian nghe sự mỉa mai của tôi.
- Người ta luôn nói rằng không ai thích kẻ nịnh bợ, nhưng sự thật thì phần lớn các lãnh đạo cao cấp yêu lũ nịnh bợ, thậm chí ngay cả khi họ biết lũ kia đang nịnh bợ. Điều đó khiến họ thấy mình đầy quyền lực, trấn an họ, củng cố cho bản ngã mỏng manh của họ. Jock Goddard lại khác, ông ta không cần điều đó. Tin tôi đi, ông ta vốn đã nghĩ rất tốt về bản thân rồi. ông ta không mù quáng trước nhu cầu hay những sự hão huyền, ông ta không phải là một Mussolini cần phải ở giữa những kẻ chỉ biết nói vâng. - Tôi muốn hỏi có thấy giống ai chúng ta cùng biết không. Cô ta tiếp tục, - Nhìn những người ông ta đem bao quanh mình xem, xán lạn, nhanh trí, có thể gay gắt và thẳng thắn.
Tôi gật đầu.
- Theo như cô nói thì ông ta không thích tâng bốc.
- Không, tôi không nói thế. Ai cũng thích tâng bốc, nhưng nó phải khiến ông ta cảm thấy chân thật. Một câu chuyện nhỏ: Napoleon một lần đi săn trong rừng Bois de Boulonge với Talleyrand, người cực kỳ muốn gây ấn tượng với vị tướng vĩ đại. Khu rừng nhung nhúc đầy thỏ, và Napoleon rất vui khi giết được năm mươi con. Nhưng rồi sau này khi phát hiện ra đó không phải là thỏ hoang - mà là do Talleyrand đã cho một người hầu ra chợ mua mấy chục con và thả vào rừng - thế đấy, Napoleon nổi giận, ông không bao giờ còn tin Talleyrand nữa.
- Tôi sẽ nhớ điều đó nếu lần sau Goddard mời tôi đi săn thỏ.
- Điểm mấu chốt là, - ả gắt, - khi anh tâng bốc, hãy tâng bốc gián tiếp thôi.
- Chà, tôi không chạy với thỏ, Judith. Với sói thì đúng hơn.
- Anh nói đúng rồi đấy. Biết nhiều về sói không?
Tôi thở dài.
- Cứ nói đi.
- Tất cả đều rõ ràng. Dĩ nhiên luôn luôn có con đực đầu đàn, nhưng cũng có điều thú vị cần nhớ là tôn ti luôn luôn bị thử thách. Nó rất bấp bênh. Đôi khi anh sẽ thấy con sói đực đầu đàn thả một miếng thịt tươi xuống mặt đất ngay trước mắt những con khác rồi đi xa ra vài bước và chỉ quan sát. Nó thẳng thừng thách thức những con khác thậm chí chỉ là ngửi miếng mồi.
- Và nếu chúng làm thế, chúng thành bữa lót dạ.
- Sai rồi. Con đực đầu đàn thường không phải làm gì nhiều hơn trừng mắt. Có lẽ làm chút điệu bộ. Vểnh đuôi và tai lên, gầm gừ, khiến nó trông to lớn và dữ tợn. Và nếu trận chiến có nổ ra, con đực đầu đàn sẽ tấn công phần khó bị thương tổn nhất trên cơ thể của con phạm lỗi. Nó không muốn làm thương tật nghiêm trọng một thành viên trong bầy của chính nó, và chắc chắn là không muốn giết ai. Anh thấy đấy, con sói đầu đàn cần những con khác. Sói là động vật nhỏ, và không con sói nào có thể đơn độc hạ nai sừng tấm, hươu hay tuần lộc mà không có sự trợ giúp của bầy. Điểm mấu chốt là chúng luôn luôn thử thách.
- Có nghĩa là tôi sẽ luôn luôn bị thử thách.
Ờ, tôi không cần bằng cử nhân quản trị kinh doanh để làm cho Goddard. Tôi cần bằng thú y.
Ả liếc xéo tôi.
- Điểm mấu chốt, Adam, là thử thách luôn luôn kín đáo. Nhưng đồng thời, con dẫn đầu bầy sói muốn bầy mình mạnh. Vì thế thỉnh thoảng thể hiện sự hung hăng là chấp nhận được - chúng minh chứng cho khả năng chịu đựng, sức mạnh và sinh lực của cả bầy. Đây là tầm quan trọng của sự trung thực, của tính bộc trực có chiến lược. Khi anh tâng bốc, hãy kín đáo và gián tiếp, và chắc chắn rằng Goddard nghĩ ông ta luôn có thể tìm được sự thật không tô vẽ ở anh. Jock Goddard nhận ra điều mà nhiều Giám đốc Điều hành khác không nhận ra, rằng tính bộc trực ở những người phụ tá là tối quan trọng nếu ông ta muốn biết trong công ty mình đang diễn ra những gì. Vì nếu ông ta không nắm bắt được điều đang thực sự xảy ra, ông ta tiêu đời rồi. Và tôi sẽ nói cho anh một điều khác anh cần phải biết. Ở trong bất cứ mối quan hệ nam-nam giữa người thầy và kẻ được bảo trợ nào cũng có yếu tố cha-con, nhưng tôi cho là nó thậm chí còn phù hợp hơn trong trường hợp này. Anh rất có khả năng khiến ông ta nhớ tới con trai của mình, Elijah.
Tôi nhớ là Goddard đã gọi nhầm tôi như thế vài lần.
- Bằng tuổi tôi à?
- Hẳn đã là như thế. Cậu ta chết vài năm trước ở tuổi hai mươi mốt. Vài người nghĩ rằng từ sau bi kịch đó, Goddard không còn như trước nữa, rằng ông ta mềm tính đi nhiều, vấn đề là, anh cũng có thể sẽ lý tưởng hóa Goddard như một người cha mà anh có thể hy vọng mình đã có. - Ả cười, không hiểu tại sao ả lại biết về bố tôi. - Anh có thể gợi ông ta nhớ về đứa con trai mà ông ta ước mình vẫn còn. Anh nên nhận thức được điều này, vì nó là chuyện anh có thể sẽ sử dụng được. Và cũng là chuyện phải cẩn thận trông chừng - ông ta đôi khi có thể thiên vị thả lỏng anh, nhưng vào lúc khác lại có thể đòi hỏi thái quá.
Ả bật laptop lên gõ vài chữ.
- Bây giờ, tôi muốn anh toàn tâm chú ý. Chúng ta sẽ xem vài buổi phỏng vấn trên truyền hình Goddard đã tham gia mấy năm về trước - một cuộc khá lâu rồi từ chương trình Tuần phố Wall với Louis Rukeyser, vài cuộc từ CNBC, một cuộc ông ta thực hiện với Katie Couric trên Chương trình Ngày nay.
Một hình ảnh trên phim của Jock Goddard trẻ hơn rất nhiều, dù vẫn tinh quái như một lão tiểu yêu - đông cứng trên màn hình. Judith quay ghế lại đối diện với tôi.
- Adam, anh đã được trao cho một cơ hội phi thường. Nhưng đây cũng là tình thế nguy hiểm hơn rất nhiều những gì anh đã trải qua ở Trion, bởi anh sẽ phải chế ngự mình nhiều hơn nữa, ít có thể đi lại trong công ty mà không bị chú ý hay chỉ là “tụm năm tụm ba” với những người bình thường và lập quan hệ với họ hơn. Ngược đời là nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo của anh lại trở nên cực kỳ khó khăn. Anh sẽ cần tới tất cả đạn dược anh tìm được. Vậy trước khi chúng ta kết thúc ngày hôm nay, tôi muốn anh hiểu người này tường tận từ trong ra ngoài, anh hiểu ý tôi chứ?
- Tôi hiểu.
- Tốt, - ả nói và ném cho tôi một nụ cười mỉm đáng sợ. - Tôi biết anh mà.
Rồi ả hạ giọng gần như thì thầm.
- Nghe này, Adam, tôi phải nói với anh - vì lợi ích của chính anh - rằng Nick đang rất thiếu kiên nhẫn với kết quả. Anh đã ở Trion được bao nhiêu tuần rồi? - và ông ấy vẫn chưa biết được cái gì đang diễn ra trong vụ bí mật đó.
- Hung hăng thế nào, - tôi lên tiếng, - cũng có giới hạn thôi chứ...
- Adam, - ả nói khẽ, nhưng với giọng điệu đe dọa không lẫn đi đâu được. - Đây không phải là người anh muốn giỡn mặt đâu.

40

Alana Jennings sống ở một căn hộ hai tầng trong khu nhà xây gạch đỏ không xa trụ sở Trion lắm. Tôi nhận ra ngay nhờ đã xem ảnh.
Hẳn bạn cũng biết khi mới bắt đầu hẹn hò với một cô gái, bạn để ý đến mọi thứ, nơi nàng sống, cách nàng mặc, nước hoa của nàng, và tất cả dường như đều thật mới mẻ và khác biệt? Chà, điều lạ lùng là tôi biết quá rõ về cô ta, có lẽ còn hơn một vài ông chồng hiểu về vợ mình, thế mà tôi mới ở cạnh cô ta không được hơn một, hai giờ.
Tôi tới khu nhà bằng xe Porsche - chẳng phải lấy le với bọn con gái là một phần tác dụng của Porsche đó sao? - rồi bước lên bậc thềm bấm chuông cửa. Giọng cô ta thỏ thẻ qua loa cửa bảo sẽ xuống ngay.
Alana mặc áo cánh kiểu tá điền thêu màu trắng, quần bó đen và tóc buộc cao, cô ta không đeo cặp kính đen đáng sợ. Tôi tự hỏi thực ra tá điền có bao giờ mặc áo cánh kiểu tá điền không, bây giờ trên thế giới này có thực còn người tá điền nào không, và nếu có, liệu họ có nghĩ mình là tá điền hay không. Cô ta đẹp kiều diễm. Mùi hương tuyệt vời, khác với phần lớn bọn con gái tôi thường hẹn hò. Nước hoa cây cỏ tên gọi Fleurissimo; tôi nhớ đã đọc được rằng cô ta mua nó ở một nơi tên là House of Creed bất cứ khi nào tới Paris.
- Chào em, - tôi nói.
- Chào Adam. - Alana tô son môi bóng đỏ và vắt một chiếc túi xách tay hình vuông màu đen bé tí xíu qua vai.
- Xe của anh ở ngay kia, - tôi nói, cố không tỏ ra phô trương về chiếc Porsche đen mới tinh bóng loáng ro ro ở ngay trước chúng tôi. Alana liếc nó tán thưởng nhưng không nói gì. Cô ta có lẽ đã hiểu ra trong đầu về bộ quần áo vét Zegna, áo sơ mi cổ mở màu đen, có lẽ cả cái đồng hồ hải quân năm-nghìn-đô của Ý nữa. Và nghĩ rằng hoặc tôi là kẻ khoe khoang, hoặc đang nỗ lực quá sức. Cô ta mặc áo cánh kiểu tá điền; tôi mặc đồ Ermenegildo Zegna. Tuyệt thật. Cô ta đang giả vờ thanh đạm, còn tôi đang cố tỏ ra giàu sang và có lẽ đã làm hơi thái quá.
Tôi mở cửa ở phía hông xe cho cô ta. Tôi đã kéo ghế lại phía sau trước khi tới đây, vì vậy có nhiều chỗ để chân. Ở bên trong, không khí ngập mùi da mới. Có nhãn dán đỗ xe của Trion ở hông bên trái, Alana vẫn chưa nhận ra. Cô ta cũng không thấy được nó từ bên trong, nhưng rồi sẽ để ý thấy ngay khi chúng tôi rời xe vào nhà hàng thôi. Dù bằng cách nào, cô ta cũng sẽ sớm nhận ra rằng tôi cũng làm ở Trion, và tôi đã được tuyển vào vị trí cũ mình từng làm. Sự trùng hợp ngẫu nhiên sẽ hơi kỳ cục, vì rằng chúng tôi chưa từng gặp nhau ở nơi làm việc, và nó được đề cập tới càng sớm càng tốt. Thực ra, tôi đã chuẩn bị sẵn mấy lời ba hoa ngu ngốc. Như là: “Em cứ đùa. Em làm ở đó thật à? Anh cũng vậy! Kỳ lạ quá!
Đôi lúc chúng tôi im lặng ngượng nghịu khi tôi lái tới nhà hàng Thái cô ta yêu thích. Alana liếc lên nhìn đồng hồ tốc độ, rồi lại nhìn đường.
- Anh nên cẩn thận ở khu này, - cô ta nói. - Đây là một cái bẫy tốc độ. Bọn cảnh sát chỉ đợi anh đi quá năm mươi dặm là sẽ dần anh nhừ tử ngay.
Tôi cười, gật đầu, rồi nhớ đoạn ngắn trong một phim cô ta yêu thích, Bồi thường gấp đôi, tôi vừa thuê xem ngay đêm trước.
- Anh đi nhanh bao nhiêu, sĩ quan? - tôi nói bằng giọng thẳng thừng như trong phim đen, giống Fred MacMurray.
Alana hiểu ngay. Thông minh lắm. Cô ta cười.
- Em sẽ nói là khoảng chín mươi. - Cô ta bắt chước giọng mồi chài của Barbara Stanwyck một cách hoàn hảo.
- Cứ cho là em xuống xe máy và cho anh vé phạt.
- Cứ cho là em thả anh đi lần này với một lời cảnh cáo, - Alana trả miếng, nhập trò chơi, mắt sáng lên tinh nghịch.
Tôi chỉ nao núng vài giây rồi lại nhớ ra câu tiếp theo.
- Cứ cho là nó không thành công.
- Cứ cho là em phải cho anh nếm một nắm tay.
Tôi cười. Cô ta khá lắm, và rất nhập vai.
- Cứ cho là anh bật khóc và ngả đầu vào vai em.
- Cứ cho là anh thử ngả vào vai chồng em.
- Thế là quá đủ, - tôi nói. Hết cảnh. Cắt, in, xong một cảnh quay.
Alana cười vui vẻ.
- Sao anh biết nó?
- Lãng phí quá nhiều thời gian xem các phim đen trắng cũ.
- Em cũng thế! Và Bồi thường gấp đôi có lẽ là phim em thích nhất.
- Với anh thì ngoài nó ra còn có cả Đại lộ hoàng hôn.
Lại một bộ phim cô ta thích nhất.
- Chuẩn quá! “Tôi vẫn lớn. Chỉ có màn ảnh là nhỏ đi”.
Tôi muốn dừng lại khi vẫn còn dẫn trước, bởi tôi đã gần kiệt quệ kho chuyện vặt vãnh ghi nhớ từ phim đen. Tôi chuyển chủ đề sang quần vợt, an toàn hơn. Tôi đỗ lại trước cửa nhà hàng, và mắt cô ta lại sáng lên.
- Anh biết nơi này à? Chỗ tốt nhất đấy.
- Về đồ ăn Thái, đây là chỗ duy nhất, ít nhất là theo như anh biết.
Một người phục vụ đưa xe đi đỗ - tôi không tin nổi tôi đang đưa chìa khóa chiếc Porsche mới tinh cho một thằng nhóc mười tám tuổi, một đứa dám lấy nó đi dạo quanh khi nhà hàng rỗi việc lắm - và thế là Alana sẽ không bao giờ thấy miếng dán của Trion nữa.
Cuộc hẹn hò tốt đẹp được một thời gian. Chuyện về phim Bồi thường gấp đôi dường như đã khiến Alana thư giãn, làm cô ta cảm thấy mình như đang ở cùng một người đồng cảm. Hơn nữa một gã đàn ông thích Ani DiFranco, cô ta còn đòi hỏi gì hơn được chứ? Có lẽ một chút sâu sắc - phụ nữ luôn tỏ ra thích sự sâu sắc của đàn ông, hay ít nhất là thỉnh thoảng có khoảnh khắc tự ngẫm về mình, nhưng tôi đã đủ chuyện đó rồi.
Chúng tôi gọi xa lát đu đủ xanh và gỏi cuốn cho người ăn chay. Tôi đã định nói rằng tôi cũng là một người ăn chay như cô ta, nhưng rồi tôi quyết định thế sẽ là quá đà, hơn nữa tôi không biết liệu mình có thể chịu được trò bịp đó quá một bữa ăn không. Vì vậy tôi gọi ca ri gà Masaman và cô ta gọi ca ri chay không có sữa dừa - tôi nhớ đã đọc rằng cô ta bị dị ứng tôm - và chúng tôi đều uống bia Thái.
Chúng tôi chuyện trò từ quần vợt sang Câu lạc bộ Tennis và Quần vợt sân tường, nhưng tôi nhanh chóng lái cả hai ra khỏi bãi cát ngầm nguy hiểm đó, nó hẳn sẽ làm phát sinh câu hỏi vì sao và làm thế nào tôi lại ở đó ngày hôm ấy, rồi đổi đề tài sang gôn và các kỳ nghỉ hè. Alana dùng từ “hè” như một động từ. Cô ta nhanh chóng nhận ra chúng tôi có gốc gác khác biệt, nhưng như thế cũng được. Cô ta sẽ không lấy tôi hay giới thiệu tôi với bố mình, và tôi không muốn phải giả tạo cả gia cảnh nữa, như thế quá nhọc công. Và thêm vào đó, nó có vẻ không cần thiết - đằng nào cô ta dường như cũng đã ưng tôi lắm rồi. Tôi kể với Alana vài chuyện về khi làm việc ở câu lạc bộ quần vợt và làm ca đêm ở trạm xăng. Thực ra cô ta hẳn phải cảm thấy có phần không thoải mái vì sự nuôi dạy đầy đặc quyền mình được hưởng, bởi cô ta có mấy lời nói dối vô hại về việc bố mẹ buộc mình bỏ ra ít thời gian trong hè làm việc vặt vãnh “ở công ty nơi bố em làm việc”, quên không kể rằng bố cô ta là Giám đốc Điều hành. Mà tôi cũng biết là Alana chẳng bao giờ làm việc ở công ty của bố mình cả. Những mùa hè của cô ta là ở nông trại du lịch miền Tây ở Wyoming, đi săn ở Tanzania, ở với vài cô nàng khác trong căn hộ được bố trả tiền ở quận 6 Paris, thực tập nội trú tại bảo tàng Peggy Guggenheim ở Kênh Lớn Venice. Cô ta không bơm xăng.
Khi Alana nhắc tới công ty nơi bố mình “làm việc,” tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận chủ đề không tránh khỏi về anh-làm-gì, anh-làm-ở-đâu. Nhưng nó không xảy ra, cho đến mãi một lúc lâu sau. Tôi thấy ngạc nhiên khi cô ta đề cập tới nó một cách lạ lùng, gần như là biến nó thành trò chơi. Alana thở dài.
- Chà, em đoán giờ chúng ta phải nói về công việc, đúng không?
- À...
- Như thế để chúng ta có thể miên man bất tận về những gì chúng ta làm ban ngày, đúng không? Em trong ngành công nghệ cao, rồi đấy. Còn anh - đợi đã, em biết rồi, đừng nói với em là thế nhé.
Bụng tôi thắt lại.
- Anh là nông dân nuôi gà.
Tôi bật cười.
- Sao em đoán được?
- Phải rồi. Một nông dân nuôi gà lái xe Porsche và mặc đồ hiệu Fendi.
- Thực ra là Zegna.
- Cái gì cũng được. Em xin lỗi, anh là đàn ông, vậy công việc có lẽ là chủ đề duy nhất anh muốn nói.
- Thực ra là không. - Tôi uốn giọng mình thành vẻ chân thật rụt rè. - Anh thực sự thích sống trong khoảnh khắc hiện tại, biết tỉnh thức hết sức có thể. Em biết không, có một nhà sư người Việt Nam sống ở Pháp, tên là Thích Nhất Hạnh, ông ta nói...
- Ôi Chúa ơi, - Alana lên tiếng. - Thật là kỳ lạ! Em không tin được anh lại biết Thích Nhất Hạnh.
Tôi chưa thực sự đọc bất cứ cái gì nhà sư này viết, nhưng sau khi thấy cô ta đặt mua bao nhiêu sách của ông từ Amazon, tôi đã tìm hiểu ông trên một vài website về Phật giáo.
- Chắc chắn rồi, - tôi nói cứ như thể ai cũng đã từng đọc đầy đủ các tác phẩm của Thích Nhất Hạnh. - Điều thần kỳ không phải là đi được trên mặt nước, điều thần kỳ là được đi trên mặt đất xanh tươi.
Tôi chắc chắn mình đã nói đúng câu đó, nhưng ngay lúc ấy điện thoại di động rung lên trong túi áo vét.
- Xin lỗi, - tôi nói, lấy nó ra và liếc nhìn mã người gọi. - Một giây nhanh thôi, - tôi xin lỗi và trả lời điện thoại.
- Adam, - Giọng trầm của Antwoine vang lên. - Cậu tốt nhất nên đến đây đi. Là chuyện bố cậu.

41

Chúng tôi chưa ăn được một nửa bữa tối. Tôi lái xe đưa Alana về nhà, xin lỗi rối rít suốt cả đường đi. Cô ấy thông cảm đến mức không thể hơn được nữa. Thậm chí còn đề nghị tới bệnh viện với tôi, nhưng tôi không thể cho bố thấy cô ấy, không sớm như thế: sẽ quá kinh khủng.
Sau khi thả Alana xuống, tôi phóng chiếc Porsche đi tám mươi dặm một giờ và đến bệnh viện trong mười lăm phút - thật may mắn, không bị cảnh sát tóm. Tôi lao tới phòng cấp cứu mà suy nghĩ biến đổi liên tục: cực kỳ cảnh giác, sợ hãi, hạn chế tầm nhìn. Tôi chỉ muốn tới chỗ bố và gặp ông trước khi ông mất. Mỗi một giây chết tiệt phải đợi ở bàn tiếp phòng cấp cứu, tôi lại đoán chắc rằng đó là giây bố tôi mất, và tôi không có cơ hội được nói lời vĩnh biệt. Tôi gần như gào tên ông lên với y tá sàng lọc ưu tiên thứ tự bệnh nhân, và rồi khi bà ta bảo nơi ông nằm, tôi chạy vội đi. Tôi nhớ đã nghĩ rằng nếu ông mất rồi thì bà sẽ phải nói thêm gì đó, vậy ông hẳn phải còn sống.
Tôi nhìn thấy Antwoine đầu tiên, đứng ở bên ngoài cái rèm xanh. Mặt anh ta không biết vì sao mà trầy xước và rướm máu, và anh trông sợ hãi.
- Sao rồi? - tôi gọi. - Ông ấy đâu?
Antwoine chỉ vào tấm rèm xanh, phía sau tôi nghe được giọng nói.
- Đột nhiên ông ấy thở rất vất vả. Rồi mặt ông ấy tím tái lại, hơi xanh. Ngón tay xanh mét ra. Thế là tôi gọi cấp cứu. - Anh nghe như tự bào chữa.
- Ông vẫn...?
- Phải, ông ấy vẫn sống. Trời ạ, với tư cách một ông già què quặt thì ông vẫn còn chống đỡ được tốt lắm.
- Ông làm anh như thế à? - tôi hỏi, chỉ khuôn mặt anh.
Antwoine gật đầu, cười ngượng nghịu.
- Ông từ chối vào xe cấp cứu. Ông bảo mình vẫn ổn. Tôi mất phải đến nửa giờ xoay xở với ông ấy khi mà lẽ ra phải cứ thế nhấc ông lên và ném vào xe. Tôi hy vọng tôi không chờ quá lâu mới gọi xe cấp cứu.
Một thanh niên dáng người nhỏ nhắn, da sẫm màu mặc áo y tá xanh bước lại chỗ tôi.
- Anh là con của ông ấy à?
- Phải! - tôi nói.
- Tôi là bác sĩ Patel, - anh ta nói. Anh có lẽ trạc tuổi tôi, bác sĩ nội trú hay thực tập nội trú gì đó.
- A, xin chào. - Tôi ngừng lại. - Ừm, ông sẽ qua được chứ?
- Có vẻ như vậy. Bố anh chỉ bị cảm thôi. Nhưng phổi của ông ấy không thể trữ khí. Vì vậy với ông thì cảm mạo bình thường cũng nguy hiểm chết người.
- Tôi gặp ông được chứ?
- Dĩ nhiên, - anh ta vừa nói vừa bước tới kéo tấm rèm ra. Một y tá đang cắm túi truyền tĩnh mạch vào tay bố tôi. Ông đeo mặt nạ nhựa trong trên miệng và mũi, và trân trối nhìn tôi. Về cơ bản thì ông trông vẫn thế, chỉ nhỏ bé hơn, mặt nhợt nhạt hơn thường lệ. Ông được nối vào cả đống máy theo dõi.
Ông với tay kéo mặt nạ ra khỏi mặt.
- Nhìn đống lộn xộn này xem. - Giọng ông yếu ớt.
- Ông thế nào rồi, ông Cassidy? - bác sĩ Patel hỏi.
- Ờ, tốt lắm, - bố đáp, giọng đầy mỉa mai. - Anh không tự thấy à?
- Tôi nghĩ tình trạng của ông khá hơn người chăm sóc đấy.
Antwoine đang khẽ khàng lại bên giường xem ông thế nào. Bố đột nhiên trông áy náy.
- Ồ, vụ đó à. Xin lỗi vì cái mặt nhé, Antwoine.
Antwoine hẳn đã nhận ra lời xin lỗi anh có thể nhận được từ bố tôi cũng chỉ trau chuốt đến thế là cùng, trông anh nhẹ hẳn người đi.
- Tôi học được bài học rồi. Lần sau tôi sẽ chống lại dữ hơn.
Bố cười như nhà vô địch hạng cân nặng.
- Quý ông này đã cứu mạng ông đấy, - bác sĩ Patel nói.
- Thật à? - bố hỏi.
- Chắc chắn vậy.
Bố hơi nghiêng đầu nhìn Antwoine.
- Mày làm thế làm gì chứ?
- Tôi không muốn phải sớm đi tìm việc khác thế, - Antwoine đáp trả ngay.
Bác sĩ Patel nói khẽ với tôi.
- X-quang chụp ngực ông bình thường, với ông là thế, và lượng bạch cầu trong máu là tám phẩy năm, cũng bình thường. Khí máu lại quay lại, cho thấy ông đang tiềm ẩn suy hô hấp, nhưng giờ ông chắc đã ổn định lại. Chúng tôi đã cho ông truyền kháng sinh, ô xy và steroid.
- Còn mặt nạ? - tôi nói. - Ô xy à?
- Đó là máy bơm thuốc. Albuteral và Atrovent, đều là thuốc trợ thở. - Anh rướn người qua bố tôi và đặt lại mặt nạ. - Ông đúng là một chiến sĩ cừ, ông Cassidy.
Bố chỉ chớp mắt.
- Đánh giá thế là thấp đấy, - Antwoine nói, cười khàn khàn.
- Tôi xin phép. - Bác sĩ Patel kéo rèm lại và đi vài bước. Tôi đi theo, còn Antwoine ở lại với bố.
- Ông vẫn hút thuốc à? - bác sĩ Patel thẳng thắn hỏi.
Tôi nhún vai.
- Có vết lấm nicotine trên ngón tay. Thật điên rồ, anh biết vậy mà.
- Tôi biết.
- Như thế là tự sát.
- Đằng nào ông cũng đang chết dần.
- Chà, ông đang đẩy nhanh tiến trình đấy.
- Có lẽ ông muốn vậy, - tôi nói.

42

Tôi bắt đầu ngày đầu tiên chính thức làm cho Jock Goddard sau khi đã thức cả đêm.
Tôi rời bệnh viện quay về căn hộ mới vào khoảng bốn giờ sáng, cân nhắc muốn ngủ khoảng một tiếng, rồi từ bỏ ý tưởng đó vì tôi biết tôi sẽ ngủ quá giờ. Đó có lẽ không phải là cách tốt nhất để bắt đầu với Goddard. Vậy nên tôi đi tắm, cạo râu, bỏ chút thời gian lên mạng và đọc về những đối thủ cạnh tranh của Trion, mải mê trên trang News.com và Slashdot đọc tin công nghệ mới nhất. Tôi mặc áo chui đầu vải nhẹ màu đen (thứ gần với một chiếc áo cổ lọ đen điển hình của Jock Goddard nhất), quần kaki và áo vét kẻ ô vuông màu nâu, loại quần áo “thông thường” mà nhân viên hành chính người nước ngoài của Wyatt đã chọn cho tôi. Giờ tôi trông giống như một thành viên đủ lông đủ cánh trong đội ngũ thân cận của Goddard. Rồi tôi gọi xuống cho người phục vụ và bảo họ đưa chiếc Porsche tới.
Người giữ cửa thường có mặt vào sáng sớm và buổi chiều, thời gian tôi hay đi và về, là một gã người Tây Ban Nha khoảng hơn bốn mươi tên là Carlos Avila. Anh ta có giọng nói nghèn nghẹn kỳ quặc như thể đã nuốt một vật sắc và không thể ực nó xuống. Anh ta ưa tôi - tôi nghĩ là gần như thế, bởi tôi không lờ anh ta đi như tất cả những người khác sống ở đó.
- Làm việc vất vả nhỉ, Carlos? - tôi nói khi đi qua. Thông thường thì đây là câu anh ta hay nói với tôi khi tôi về rất muộn, trông mệt lả.
- Cũng vất vả, ông Cassidy, - anh ta cười nói rồi quay lại bản tin trên ti vi.
Tôi lái xe đi qua vài khu tới quán Starbucks, nó chỉ vừa mở cửa, và mua một tách cà phê latte cỡ lớn, và trong khi đang đợi thằng nhóc muốn-hát-nhạc-grunge-Seattle nạn-nhân-bị-xỏ-khuyên-quá-nhiều đun nóng cả một lít sữa hai phần trăm, tôi cầm tờ Nhật báo phố Wall lên và bụng tôi thắt lại.
Đấy, ngay ở trang đâu là một bài báo nói về Trion. Hay như họ viết, “Tai ương Trion”. Có một bức vẽ Goddard trông giống như tượng điêu khắc, với vẻ hoạt bát không phù hợp, cứ như thể hoàn toàn mê mụ hay ngấm thuốc. Một trong những dòng tít nhỏ nói “Có phải thời kỳ của nhà sáng lập Augustine Goddard sắp chấm dứt hay không?”. Tôi phải đọc nó lại tới hai lần. Óc tôi không hoạt động ở hiệu suất cao nhất, và tôi cần tách cà phê latte cỡ lớn mà thằng nhóc mê nhạc grunge vẫn còn đang vật lộn. Bài báo là một bản tường thuật sắc sảo và mạnh mẽ do một nhà báo kỳ cựu của tờ Nhật báo là William Bulkeley viết, hắn rõ ràng phải có các mối quen biết tốt ở Trion. Ý chính của nó đại khái là giá cổ phiếu của Trion đang sụt giảm, sản phẩm đã cổ lỗ sĩ, công ty (“được rộng rãi cho rằng là nhà dẫn đầu trong lĩnh vực đồ điện tử tiêu dùng trên nền tảng truyền thông”) gặp rắc rối, và Jock Goddard, người sáng lập của Trion, dường như lại không còn liên hệ. Nhiệt huyết không còn đặt vào đó nữa. Có cả đoạn nhạc nền “truyền thống lâu đời” về những nhà sáng lập của các công ty công nghệ cao đã bị thay thế khi công ty của họ phát triển tới một tầm cỡ nào đó. Nó nêu câu hỏi rằng liệu có nhầm người không khi để ông lãnh đạo thời kỳ ổn định diễn ra sau thời kỳ bùng nổ tăng trưởng. Bài báo nhắc nhiều tới những chuyện về lòng bác ái của Goddard, những nỗ lực từ thiện, thú vui sưu tầm và phục chế xe ô tô Mỹ cổ, việc ông tái tạo lại hoàn toàn chiếc ô tô mui trần Buick Roadmaster sáng giá năm 1949. Goddard, theo như bài báo nói, đang tiến thẳng tới bờ thất thế.
Hay thật, tôi nghĩ. Nếu Goddard thất thế, thử đoán xem ai sẽ thất thế cùng ông ta.
Rồi tôi nhớ ra: Đợi chút nào, Goddard không phải ông chủ thực sự của tôi. Ông ta là mục tiêu, sếp thực sự của tôi là Nick Wyatt. Thật dễ quên mất lòng trung thành thực sự của tôi nên nằm ở đâu, với tất cả những chuyện như sự hào hứng của ngày đầu tiên.
Cuối cùng thì cốc cà phê latte của tôi cũng xong, tôi khuấy vào vài gói đường Turbinado, uống một ngụm lớn khiến cổ họng bỏng rát, và ấn lên cái nắp nhựa. Tôi tìm bàn ngồi xuống để đọc nốt bài viết. Tay nhà báo có vẻ có nhiều thông tin về Goddard. Người ở Trion có nói chuyện với hắn. Mũi dùi chĩa vào ông ta rồi.
Trên đường lái xe, tôi cố nghe đĩa CD của Ani DiFranco tôi mua tại Tháp như một phần trong cuộc nghiên cứu Alana, nhưng chỉ sau vài bài tôi đã phải bật đĩa ra. Tôi chịu không nổi. Một vài bài hoàn toàn chẳng phải là bài hát mà chỉ là những đoạn phát biểu. Nếu tôi thích thế, tôi đã nghe nhạc rap của Jay-Z hoặc Eminem rồi. Thôi, xin cảm ơn.
Tôi nghĩ về bài trên tờ Nhật báo và cố gắng nặn óc ra một quan điểm phòng trường hợp có ai đó hỏi tôi về nó. Tôi có nên nói rằng đó là mớ rác một đối thủ cạnh tranh tung ra để ngầm phá hoại không? Tôi có nên bảo là tay nhà báo không hiểu thực chất vấn đề (dù cái thực chất đó có là gì đi nữa)? Hay tôi nên bảo hắn đã đưa ra một số câu hỏi hay cần phải giải quyết? Tôi quyết định theo bản chỉnh sửa của phương án cuối cùng này - rằng cho dù sự thật của luận điệu đó thế nào, điều quan trọng là các cổ đông của chúng ta nghĩ gì, và tất cả bọn họ hầu như đều đọc Nhật báo phố Wall, vì vậy chúng ta phải coi bài báo là vấn đề nghiêm chỉnh, dù có phải sự thật hay không.
Và thầm trong lòng tôi tự hỏi kẻ địch của Goddard có phải là những kẻ đang gây chuyện không - liệu Jock Goddard có thật sự đang gặp rắc rối không, và phải chăng tôi đã lên một con tàu đang chìm. Hay đúng hơn, liệu có phải Nick Wyatt đã ném tôi lên một con tàu đang chìm. Tôi nghĩ: ông ta hẳn phải trong tình trạng tệ lắm - ông ta thuê tôi cơ mà, không phải sao?
Tôi uống một ngụm cà phê, nhưng cái nắp không đóng chặt lắm, thế là chất lỏng nâu đục màu sữa ấm áp hắt lên lòng tôi. Trông như thể tôi vừa có “sự cố” vậy. Cách bắt đầu công việc mới thật hay làm sao. Đáng ra tôi nên coi nó là lời cảnh báo.

43

Trên đường rời khỏi phòng vệ sinh nam ở tiền sảnh, nơi tôi cố hết sức để tẩy sạch vết loang cà phê, khiến quần kaki ẩm và nhàu nhĩ, tôi đi qua một quầy báo nhỏ trong tiền sảnh của Cánh A, tòa nhà chính, ở đó có bán báo địa phương cùng tờ Nước Mỹ Ngày nay, Thời báo New York, Thời báo Tài chính màu hồng cam và tờ Nhật báo. Đống Nhật báo phố Wall mọi khi vẫn chất chồng giờ đã vơi một nửa, mà mới chỉ chớm bảy giờ sáng. Rõ ràng là mọi người ở Trion đều đang đọc nó. Tôi đoán các mẩu tin sao từ website của tờ Nhật báo giờ đã đến thư điện tử của tất cả mọi người. Tôi chào đại sứ hành lang và đi thang máy lên tầng bảy.
Trưởng nhân viên hành chính của Goddard, Flo, đã gửi thư cho tôi thông tin chi tiết về văn phòng mới. Đúng vậy, không phải một khoang làm việc mà là một văn phòng thứ thiệt, cùng cỡ với phòng của Jock Goddard (và nhân tiện nói luôn, cùng cỡ với phòng Nora và Tom Lundgren). Nó ở cuối hành lang đi từ văn phòng của Goddard, cũng tối như tất cả các văn phòng khác trên hành lang dành cho cấp điều hành. Tuy nhiên văn phòng của tôi sáng điện.
Ngồi ở bàn bên ngoài văn phòng là trợ lý hành chính mới của tôi, Jocelyn Chang, một phụ nữ Mỹ gốc Trung Quốc khoảng bốn mươi tuổi, trông độc đoán, mặc đồ thuần xanh. Chị ta có cặp lông mày cong hoàn hảo, tóc đen ngắn và đôi môi hình cánh cung nhỏ xíu được tô son màu hồng đào ướt mọng. Chị đang dán nhãn bản sắp xếp thư từ. Khi tôi tới gần, chị mím môi nhìn lên và chìa tay ra.
- Anh hẳn là Cassidy.
- Cứ gọi tôi là Adam, - tôi nói. Tôi không biết nữa, liệu đó có phải lỗi đầu tiên của tôi không? Tôi có phải giữ khoảng cách, tỏ ra nghi thức? Như thế dường như thật nực cười và không cần thiết. Rốt cuộc thì hầu hết tất cả mọi người ở đây có vẻ đều gọi Tổng Giám đốc Điều hành là “Jock”. Và tôi chỉ khoảng bằng nửa tuổi chị.
- Tôi là Jocelyn, - chị nói. Chị nói kiểu giọng mũi đều đều của vùng Boston, làm tôi không ngờ tới. - Rất vui được gặp anh.
- Tôi cũng vậy. Flo bảo chị đã ở đây rất lâu, tôi rất mừng nghe tin đó.
Ối. Phụ nữ không thích bị nói thế đâu.
- Mười lăm năm, - chị thận trọng. - Ba năm cuối là cho Michael Gilmore. Người tiền nhiệm của anh. Ông ấy đã được giao nhiệm vụ khác vài tuần trước, vậy nên tôi trống việc.
- Mười lăm năm. Tuyệt vời. Tôi sẽ cần mọi sự trợ giúp có thể được.
Chị gật đầu, không cười, không gì cả. Rồi chị có vẻ nhận ra tờ Nhật báo dưới cánh tay tôi.
- Anh không định kể nó với ông Goddard chứ?
- Thật ra tôi định bảo chị viền và đóng khung nó rồi gửi làm quà cho ông ấy. Cho văn phòng của ông ấy.
Chị trân trối nhìn tôi kinh hãi một lúc lâu. Rồi chầm chậm cười.
- Đấy là đùa, - chị nói. - Đúng không?
- Đúng vậy.
- Xin lỗi. Ông Gilmore cũng không hẳn là có tính hài hước lắm.
- Không sao. Tôi cũng thế.
Chị gật đầu, không chắc phải phản ứng thế nào.
- Được rồi. - Chị liếc mắt sang đồng hồ đeo tay. - Anh có cuộc họp lúc bảy giờ ba mươi với ông Goddard.
- Ông ấy vẫn chưa tới.
Chị lại nhìn đồng hồ.
- Ông ấy sẽ tới. Thực ra tôi cá là ông ấy vừa mới đến. Ông ấy giữ một thời gian biểu rất đều đặn. Ồ, chờ đã.
Chị trao cho tôi một tài liệu nhìn rất hoành tráng, phải dài đến cả trăm trang, bọc trong da giả gì đó, trên đề BAIN & CÔNG TY.
- Flo bảo ông Goddard muốn anh đọc cái này trước buổi họp.
- Buổi họp là... hai phút rưỡi nữa.
Chị nhún vai.

Đây có phải bài kiểm tra đầu tiên cho tôi không? Tôi không đời nào lại đọc được dù chỉ một trang của cái mớ lảm nhảm không thể hiểu nổi này trước khi họp, và tôi chắc chắn sẽ không đến muộn. BAIN & CÔNG TY là một hãng tư vấn quản lý toàn cầu cao giá, hay nhận những gã trạc tuổi tôi, những gã hiểu biết thậm chí còn ít hơn tôi, và vắt kiệt sức lao động của họ cho tới khi họ biến thành lũ ngu xuẩn chảy dãi, bắt họ tới các công ty và viết báo cáo, và thu hàng trăm nghìn đô cho sự thông thái giả tạo của mình. Tài liệu này có nhãn BÍ MẬT CỦA TRION. Tôi đọc lướt nó thật nhanh, và tất cả những câu rập khuôn và từ thông dụng nhảy ngay ra phía trước - “tổ chức lại quản trị tri thức”, “lợi thế cạnh tranh”, “tối ưu hóa hoạt động”, “chi phí không hiệu quả”, “những điểm không kinh tế về quy mô”, “giảm thiểu những việc không-gia-tăng-giá-trị”, vân vân - và tôi biết tôi thậm chí không cần phải đọc để biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Cắt giảm nhân sự. Gặt đầu người trên cánh đồng đầy những lô làm việc.
Hấp dẫn ghê, tôi nghĩ. Hoan nghênh đến với cuộc sống ở tầng cao.

44

Goddard đã ngồi sẵn ở bàn tròn trong văn phòng phía sau của mình với Paul Camilletti và một người khác khi Flo dẫn tôi vào. Người thứ ba vào khoảng nửa cuối ngũ tuần, hói chỉ còn một dải tóc bạc, mặc một bộ đồ vét, sơ mi, cà vạt xám đơn điệu không hợp thời trang moi ra từ hiệu quần áo nam trong khu mua sắm nào đó, tay phải đeo một cái nhẫn lớn đồ sộ. Tôi nhận ra ông ta: Jim Colvin, Giám đốc Điều hành của Trion.
Căn phòng này cùng cỡ với văn phòng phía trước của Goddard, mỗi bề ba mét, và chỉ có bốn người ở đây mà cái bàn tròn rộng đã thấy chật chội. Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi không họp ở phòng hội nghị nào đó, một nơi lớn hơn đôi chút, phù hợp hơn cho những lãnh đạo quyền cao chức trọng này. Tôi chào, cười căng thẳng, ngồi vào ghế cạnh Goddard, đặt xuống văn bản của hãng Bain và tách cà phê in chữ Trion Flo đã đưa cho tôi. Tôi lấy ra tập giấy màu vàng và bút, sẵn sàng ghi chép. Goddard và Camilletti đều mặc mỗi sơ mi, không áo khoác, - và không áo cổ lọ đen. Goddard trông thậm chí còn già nua và mệt mỏi hơn lần trước tôi nhìn thấy ông ta. Ông đeo một cặp kính gọng đen ngoắc vào sợi dây qua cổ. Trải trên bàn là vài bản sao chép bài báo trên tờ Nhật báo phố Wall, một bài được đánh dấu bằng mực vàng và xanh.
Camilletti cau có nhìn tôi khi tôi ngồi xuống. “Ai đây?”, hắn hỏi. Không hẳn là “Rất mừng có anh cùng tham gia”.
- Anh vẫn nhớ anh Cassidy đây chứ?
- Không.
- Từ buổi họp về Maestro? Chuyện về quân sự ấy?
- Trợ lý mới của anh, - hắn nói không nhiệt tình. - Phải rồi. Xin chào đến với trung tâm kiểm soát thiệt hại, Cassidy.
- Jim, đây là Adam Cassidy, - Goddard nói. - Adam, còn đây là Jim Colvin, Giám đốc Điều hành của chúng ta.
Colvin gật đầu.
- Chào Adam. Chúng tôi vừa mới nói về cái bài chết tiệt trên tờ Nhật báo này, và làm thế nào để giải quyết nó.
- Chà, - tôi nói vẻ từng trải, - chỉ là một bài báo thôi mà. Nó sẽ chóng qua trong vài ngày tới, chắc chắn vậy.
- Vớ vẩn, - Camilletti gắt, trừng mắt nhìn tôi với biểu cảm đáng sợ tới mức tôi nghĩ mình sẽ hóa đá. - Đây là tờ Nhật báo. Nó ở ngay trang đầu. Ai cũng đọc nó. Thành viên hội đồng, nhà đầu tư mang danh nghĩa tổ chức, các nhà phân tích, tất cả mọi người. Đây đúng là một vụ lật tàu chết tiệt.
- Không tốt chút nào, - tôi đồng ý. Tôi tự bảo mình từ giờ phải ngậm miệng lại.
Goddard thở ra thành tiếng.
- Điều rất không nên làm là xoay quá đà, - Colvin lên tiếng. - Chúng ta không muốn làm bốc lên tín hiệu khói hốt hoảng trong ngành.
Tôi thích từ “xoay quá đà”. Jim Colvin rõ ràng là dân chơi gôn.
- Tôi muốn có bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư ở đây ngay, cả Truyền thông Tập đoàn nữa, và thảo phản hồi, một lá thư cho biên tập viên, - Camilletti nói.
- Quên tờ Nhật báo đi, - Goddard bảo. - Tôi nghĩ tôi sẽ đề nghị một bài phỏng vấn trực tiếp độc quyền với tờ Thời báo New York. Một cơ hội để đề cập những vấn đề quan ngại nổi cộm tới toàn ngành, tôi sẽ nói vậy. Họ sẽ cắn câu thôi.
- Thế nào cũng được, - Camilletti nói.
- Dù thế nào chúng ta cũng đừng phản đối ầm ĩ quá. Chúng ta không muốn buộc tờ Nhật báo viết một bài tiếp theo, càng khuấy bùn đục thêm nữa.
- Tôi nghe cứ như là phóng viên tờ Nhật báo hẳn có nói chuyện với người ở trong nội bộ này, - tôi nói, quên mất là phải ngậm miệng lại. - Chúng ta có manh mối nào xem ai có thể đã để lộ thông tin không?
- Tôi có nhận được thư thoại từ tay phóng viên vài ngày trước, nhưng tôi đang ra nước ngoài, - Goddard nói. - Vì vậy tôi không thể có ý kiến.
- Tay này có thể đã gọi tôi - tôi không biết nữa, tôi có thể kiểm tra hộp thư thoại của mình - nhưng tôi chắc chắn không trả lời cuộc gọi của anh ta, - Camiletti nói.
- Tôi không thể tưởng tượng nổi có ai ở Trion lại cố ý có phần trong chuyện này, - Goddard nói.
- Một trong những đối thủ cạnh tranh của chúng ta, - Camilletti nói, - Wyatt, có thể lắm.
Không ai nhìn tôi. Tôi tự hỏi liệu hai người kia có biết tôi từ Wyatt đến không.
Camilletti tiếp tục.
- Có rất nhiều đoạn ở đây trích dẫn lời những đại lý phân phối của chúng ta - British Tel, Vodafone, DoCoMo - về việc điện thoại di động mới không bán chạy. Bụt chùa nhà không thiêng. Vậy làm thế nào mà một phóng viên với dòng ghi tên tác giả có địa chỉ ở New York lại biết mà gọi cho DoCoMo ở Nhật Bản? Hẳn Motorola, Wyatt hay Nokia đã chỉ điểm.
- Dù sao đi nữa, - Goddard nói, - đó cũng là chuyện đã qua rồi. Việc của tôi không phải là quản lý báo chí, mà là quản lý cái công ty đáng nguyền rủa. Và mẩu tin ngu xuẩn này nữa, dù có xuyên tạc và không đúng thế nào - chà, nó thì tệ được đến thế nào? Ngoại trừ dòng tít tử thần ra, trong này có bao nhiều điều mới mẻ chứ? Quý nào chúng ta cũng luôn đạt được đúng chỉ tiêu, không bao giờ trượt cả, có lẽ còn vượt qua một hai đồng gì đó. Chúng ta được phố Wall yêu quý. Rồi, tăng trưởng doanh thu hơi lẹt đẹt, nhưng trời ạ, cả ngành này đang lao đao! Tôi không thể không phát hiện ra một chút cái sự cười trên nỗi đau khổ của người khác trong mẩu tin này. Ngài Homer vĩ đại đã gật đầu.
- Homer? - Colvin hỏi lại, bối rối.
- Nhưng tất cả mớ nhảm nhí này về việc chúng ta có thể phải đối diện với quý thất thu đầu tiên trong mười lăm năm, - Goddard nói, - hoàn toàn là bịa đặt...
Camilletti lắc đầu.
- Không, - hắn nói khẽ. - Thậm chí còn tệ hơn nữa.
- Anh đang nói gì vậy? - Goddard hỏi. - Tôi vừa quay về từ hội nghị bán hàng của chúng ta ở Nhật, mọi chuyện đều tuyệt cú mèo!
- Đêm qua khi nhận được thư điện tử thông báo về bài viết này, - Camilletti nói, - tôi đã gửi thư tới Phó Chủ tịch Tài chính khu vực châu Âu và châu Á/Thái Bình Dương, bảo họ tôi muốn xem tất cả số liệu doanh thu cho tới tuần này, số liệu doanh thu bán hàng của quý này cho tới ngày hiện tại, phân ra theo khách hàng.
- Và? - Goddard thúc.
- Covington ở Brussels vừa trả lời tôi cách đây một giờ, Brody ở Singapore vào nửa đêm, và các con số nhìn rất thảm hại. Con số bán hàng cho đại lý khá tốt, nhưng con số bán thực thì kinh khủng. Châu Á/Thái Bình Dương và châu Âu, Trung Đông, châu Phi, đó là sáu mươi phần trăm doanh thu của chúng ta, và chúng ta đang rơi khỏi vách núi. Jock, sự thật thì chúng ta sẽ không đạt chỉ tiêu quý này, thậm chí còn cách một khoảng rất lớn. Đây thực sự là một thảm họa.
Goddard liếc sang tôi.
- Rõ ràng là anh đang nghe một số thông tin mật, không được công bố, Adam, hãy rõ ràng về chuyện đó, không một lời...
- Dĩ nhiên rồi.
- Chúng ta có, - Goddard lên tiếng, ngập ngừng rồi nói, - vì Chúa, chúng ta có AURORA...
- Phải vài quý nữa mới bắt đầu có doanh thu từ AURORA, - Camilletti nói. - Lúc này chúng ta phải xoay xở. Cho những hoạt động hiện tại. Và tôi phải nói với ông là khi những con số này được công bố, cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, - Camilletti tiếp tục. Hắn nói nhỏ. - Doanh thu của chúng ta trong quý bốn sẽ dưới chỉ tiêu vào khoảng hai mươi lăm phần trăm. Chúng ta sẽ phải chịu gánh nặng lớn vì hàng tồn kho.
Camilletti ngừng lời, nhìn Goddard đầy hàm ý.
- Tôi ước tính lỗ trước thuế vào khoảng gần nửa tỷ đô.
Goddard nhăn mặt.
- Chúa ơi.
Camilletti tiếp tục.
- Tôi được biết ngân hàng CS First Boston đã muốn hạ chúng ta từ “mua nhiều hơn bình thường” xuống “mua ở mức thị trường” rồi. Thế là chuyển từ “mua” về “giữ”. Và đó còn là trước khi có chuyện này xảy ra.
- Ôi Chúa ơi, - Goddard nói, rên lên và lắc đầu. - Thật lố bịch khi chúng ta biết mình đang có thứ gì chờ ra lò.
- Vì vậy chúng ta cần phải nhìn vào cái này, - Camilletti nói, trỏ ngón tay vào bản sao của tài liệu Bain màu xanh.
Goddard gõ gõ ngón tay lên bản nghiên cứu của Bain. Tôi để ý thấy những ngón tay đó mập mạp, mu bàn tay đầy những đốm đồi mồi.
- Và là một bản báo cáo được bọc khá đẹp nữa, - ông nói. - Anh chưa bao giờ nói với tôi chúng ta phải tốn cho nó bao nhiêu.
- Ông không biết thì tốt hơn, - Camilletti nói.
- Tôi không biết à? - ông nhăn mặt như thể hắn đã nói đúng vấn đề. - Paul, tôi đã thề tôi sẽ không bao giờ làm điều này. Tôi đã hứa.
- Trời ạ, Jock, nếu đây là về lòng tự trọng, hư danh của ông thì...
- Đây là về việc giữ lời. Nó cũng là về sự tín nhiệm của tôi.
- Chà, ông lẽ ra không bao giờ nên hứa như thế. Không bao giờ nói không bao giờ. Dù sao đi nữa thì ông cũng đang nói về một nền kinh tế khác - thời kỳ tiền sử. Đại Trung Sinh, vì Chúa. Tàu phản lực Trion, gia tăng với tốc độ nhanh hơn ánh sáng. Chúng ta là một trong số ít các công ty công nghệ cao vẫn chưa đụng tới cắt giảm nhân sự.
- Adam, - Goddard nói, quay lại tôi và nhướn mắt nhìn trên gọng kính. - Anh đã có cơ hội cày qua mớ vô nghĩa này chưa?
Tôi lắc đầu.
- Tôi chỉ vừa mới nhận được nó vài phút trước. Tôi đã đọc lướt.
- Tôi muốn anh nhìn kỹ vào những dự đoán về điện tử tiêu dùng. Trang tám mươi gì đó. Anh có hiểu biết về nó.
- Ngay bây giờ? - tôi hỏi.
- Ngay bây giờ. Và cho tôi biết anh có thấy chúng thực tế không?
- Jock, - Jim Colvin nói, - đơn thuần là không thể lấy dự đoán trung thực từ bất cứ người lãnh đạo bộ phận nào. Họ đều bảo vệ số đầu nhân sự của họ, canh giữ địa phận của mình.
- Vì thế nên Adam ở đây, - Goddard trả lời. - Cậu ta không có địa phận để canh giữ.
Tôi vội vã giở qua bản báo cáo của Bain, cố làm ra vẻ như tôi biết mình đang làm gì.
- Paul, - Goddard nói, - chúng ta đã trải qua tất cả những điều này trước đây. Anh sẽ bảo tôi chúng ta phải cắt giảm tám nghìn lao động nếu chúng ta muốn tinh gọn hiệu quả.
- Không, Jock, nếu chúng ta muốn vẫn có khả năng thanh toán. Và là khoảng mười nghìn lao động thì đúng hơn.
- Phải rồi. Vậy nói cho tôi biết một vài điều. Không đâu trong bản chuyên luận đáng nguyền rủa này cho biết một công ty giảm hay điều chỉnh kích cỡ, hay anh muốn gọi nó như thế nào cũng được, sẽ còn khá hơn về lâu dài. Tất cả những gì được nói tới là ngắn hạn. - Camilletti trông như thể muốn đáp lại, nhưng Goddard cứ nói tiếp, - Ồ, tôi biết, ai cũng làm thế. Đó là một phản ứng tự nhiên như gõ khớp gối. Kinh doanh sa sút? Loại bỏ vài người đi. Vứt vật nặng ra khỏi tàu. Nhưng cắt giảm nhân sự liệu có thể thực sự dẫn tới tăng trưởng bền vững về giá cổ phiếu hay thị phần không? Quỷ tha ma bắt, Paul, cả anh và tôi đều biết là ngay khi trời quang trở lại, chúng ta rồi sẽ tái tuyển dụng phần lớn bọn họ. Thực sự thì có đáng cả vụ hỗn độn chết tiệt này không?
- Jock, - Jim Colvin nói, - điều này được gọi là Luật Tám mươi - Hai mươi, hai mươi phần trăm người làm tám mươi phần trăm công việc. Chúng ta chỉ loại bỏ phần mỡ thừa thôi.
- Phần “mỡ thừa” đó là những nhân viên Trion tận tụy, - Goddard phản bác. - Những người mà chúng ta đã trao những huy hiệu văn hóa nho nhỏ về lòng trung thành và sự cống hiến. Chà, có đi có lại, không phải sao? Chúng ta mong chờ sự trung thành ở họ, nhưng họ không nhận được lại từ chúng ta sao? Theo tôi thấy, nếu các anh cứ tiếp tục đi xuống con đường này, các anh sẽ không chỉ mất số đầu nhân sự đâu. Các anh sẽ để mất cốt lõi của lòng tin. Nếu các nhân viên của chúng ta đã làm trọn vẹn nửa hợp đồng của họ, sao chúng ta lại không phải làm như vậy? Như thế là vi phạm niềm tin quá lắm.
- Jock, - Colvin nói, - sự thật là ông đã làm cho nhiều nhân viên Trion trở nên giàu có trong mười năm qua.
Trong khi đó tôi phi nhanh qua những biểu đồ về doanh thu dự kiến, cố so sánh chúng với những con số tôi đã thấy trong vài tuần qua.
- Đây không phải là lúc để suy nghĩ cao thượng, Jock, - Camilletti nói. - Chúng ta không có sự xa xỉ đó.
- Ồ, tôi không suy nghĩ cao thượng, - Goddard nói, lại gõ tiếp ngón tay lên mặt bàn. - Tôi đang thực tế đến thô bạo. Tôi không khó khăn gì mà không loại bỏ nổi những kẻ lười biếng, những kẻ xuống dốc hay nhẩn nhơ chờ nghỉ hưu sớm. Cứ thẳng tay với bọn họ đi. Nhưng cắt giảm nhân sự ở quy mô này chỉ dẫn tới tình trạng vắng mặt không lý do chính đáng, nghỉ ốm, rồi người ta đứng quanh máy làm lạnh nước hỏi nhau về tin đồn mới nhất. Chứng tê liệt. Để tôi nói theo cách anh có thể hiểu được, Paul, thì đó gọi là giảm năng suất.
- Jock... - Colvin lên tiếng.
- Tôi sẽ cho anh luật tám mươi - hai mươi, - Goddard nói. - Nếu chúng ta làm điều này, tám mươi phần trăm trong số những nhân viên còn ở lại sẽ không thể tập trung quá hai mươi phần trăm tâm lực vào công việc. Adam, anh thấy các dự đoán như thế nào?
- Ông Goddard.
- Tôi đã sa thải người cuối cùng gọi tôi như thế.
Tôi cười.
- Jock. Xem nào, tôi sẽ không quanh co. Tôi không biết phần lớn các số liệu, và tôi sẽ không nói thiếu suy xét. Không phải về một điều quan trọng như thế này. Nhưng tôi biết về số liệu của Maestro, và tôi có thể nói thẳng với ông là nó lạc quan quá mức. Cho tới khi chúng ta chuyển hàng tới Lầu Năm Góc - cứ cho là chúng ta nhận được vụ đó - thì những con số này vẫn còn quá cao.
- Cũng có nghĩa là tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn những gì mà các nhà tư vấn trăm-nghìn-đô của chúng ta nói.
- Phải, thưa giám đốc. Ít nhất nếu như những con số Maestro nói lên điều gì.
Ông gật đầu.
Camilletti nói:
- Jock, để tôi nói với ông theo khái niệm của con người. Bố tôi chỉ là một giáo viên khốn khổ, được chứ? Cho sáu đứa con đi học đại học bằng tiền lương của giáo viên, đừng hỏi tôi làm thế nào, nhưng ông ấy đã làm được. Giờ ông ấy và mẹ tôi đang sống bằng khoản tiết kiệm cả đời ít ỏi, phần lớn trong số đó đã đổ vào cổ phiếu của Trion, bởi tôi nói với ông ấy đây là một công ty rất tuyệt vời. Theo chuẩn mực của chúng ta thì số tiền đó không nhiều, nhưng ông ấy đã mất đi hai mươi sáu phần trăm tiền dự trữ, và ông ấy sắp mất đi còn nhiều hơn thế nhiều. Quên quỹ tài chính Fidelity và TIAACREF đi. Phần đông những cổ đông của chúng ta là những người như bố tôi, Tony Camilletti, và chúng ta phải nói gì với họ?
Bản năng mách bảo tôi rằng Camilletti đang dựng lên chuyện này, rằng trên thực tế thì ông bố chủ ngân hàng đầu tư của hắn sống trong một khu nhà có cổng gác ở Boca và rất hay chơi golf, nhưng mắt Goddard dường như ngân ngấn.
- Adam, - Goddard nói, - anh hiểu quan điểm của tôi chứ, phải không?
Trong một khoảnh khắc tôi cảm thấy như con nai cứng người lại dưới ánh đèn pha. Điều Goddard muốn nghe được từ tôi đã rõ ràng. Nhưng sau vài giây, tôi lắc đầu.
- Theo tôi, - tôi chậm rãi nói, - tình hình có vẻ là nếu ông không làm thế bây giờ, một năm sau có thể ông sẽ phải cắt giảm thậm chí còn nhiều lao động hơn nữa. Vậy tôi phải nói là tôi đồng ý với ông... à, với Paul.
Camilletti đưa tay ra vỗ vào vai tôi. Tôi hơi co người lại. Tôi không muốn tỏ ra như tôi đang lựa chọn bên chống lại sếp của mình. Không phải cách hay để bắt đầu một công việc mới.
- Anh đề xuất những điều khoản như thế nào? - Goddard thở dài nói.
Camilletti cười.
- Bốn tuần trợ cấp mất việc.
- Dù họ có làm với chúng ta bao lâu chăng nữa? Không. Hai tuần trợ cấp mất việc cho mỗi năm làm với chúng ta, cộng với hai tuần phụ thêm cho mỗi năm sau mười năm.
- Như thế thật điên rồ, Jock! Trong vài trường hợp, chúng ta có thể sẽ trả một năm trợ cấp mất việc, có thể là hơn.
- Đấy không phải là bồi thường nữa, - Jim Colvin lẩm bẩm. - Đấy là phúc lợi.
Goddard nhún vai.
- Hoặc chúng ta cắt giảm với những điều khoản đó, hoặc không cắt giảm gì hết. - ông ta nhìn tôi buồn rầu. - Adam, nếu anh có bao giờ ra ngoài ăn tối với Paul, đừng để anh ta chọn rượu.
Rồi ông quay lại Giám đốc Tài chính của mình.
- Anh muốn đợt cắt giảm này có hiệu lực vào mùng một tháng Sáu đúng không?
Camilletti gật đầu thận trọng.
- Đâu đó trong thâm tâm, - Goddard nói, - tôi lờ mờ nhớ là chúng ta đã ký một hợp đồng thôi việc có thời hạn một năm với bộ phận CableSign chúng ta mua được từ năm ngoái, nó sẽ hết hạn vào ba mươi mốt tháng Năm. Một ngày trước đó.
Camilletti nhún vai.
- Chà, Paul, như vậy là gần một nghìn nhân viên sẽ có một tháng lương cộng thêm một tháng tiền trợ cấp cho mỗi năm làm việc - nếu chúng ta cho họ thôi việc một ngày trước đó. Một gói trợ cấp mất việc tươm tất. Một ngày này làm nên cả sự khác biệt với những người đó. Giờ họ sẽ chỉ nhận được vẻn vẹn hai tuần.
- Mùng một tháng Sáu là bắt đầu quý mới...
- Tôi sẽ không làm như vậy. Xin lỗi. Đặt vào ngày ba mươi tháng Năm đi. Và với những người đang bị thiệt vì cổ phiếu họ có quyền chọn mua đang mất giá, chúng ta sẽ cho họ mười hai tháng để giải quyết. Và tôi sẽ tự nguyện giảm lương - xuống còn một đô thôi. Anh thì sao, Paul?
Camilletti cười căng thẳng:
- Ông có nhiều quyền chọn cổ phiếu hơn tôi.
- Chúng ta sẽ làm điều này một lần, - Goddard nói. - Làm một lần, và làm cho đúng. Tôi sẽ không cắt giảm hai lần đâu.
- Hiểu rồi, - Camilletti nói.
- Được rồi, - Goddard thở dài. - Như tôi lúc nào cũng bảo các anh, đôi khi các anh phải vào xe, thực hiện chương trình. Nhưng đầu tiên tôi muốn công bố điều này cho toàn bộ đội ngũ quản lý, tập trung họ vào hội nghị càng đông càng tốt. Tôi cũng muốn gọi điện thoại cho các ngân hàng đầu tư của chúng ta. Nếu chuyện này được chấp thuận, như tôi sợ rằng sẽ như vậy, tôi sẽ thu một thông báo đăng trên web cho toàn công ty, - Goddard nói, - và chúng ta sẽ công bố nó vào ngày mai, sau khi đóng phiên giao dịch. Và thông báo với công chúng cùng lúc đó. Tôi không muốn một lời nào của chuyện này bị tiết lộ ra ngoài trước khi đó - nó sẽ gây mất tinh thần.
- Nếu ông thích, tôi sẽ thông báo, - Camilletti nói. - Như thế tay ông vẫn sạch sẽ.
Goddard trừng mắt nhìn Camilletti.
- Tôi sẽ không đổ chuyện này cho anh. Tôi không làm thế. Đây là quyết định của tôi - tôi đã nhận công, nhận vinh quang, có mặt trên bìa tạp chí, và tôi cũng sẽ nhận cả lời trách móc. Cũng phải thôi.
- Tôi chỉ nói vậy vì ông đã tuyên bố quá nhiều điều trước đây. Ông sẽ hứng chịu mũi rìu...
Goddard nhún vai, nhưng trông khổ sở.
- Giờ tôi đoán tất cả mọi người sẽ đều gọi tôi là Goddard Lưỡi Cưa hay gì đó.
- Tôi nghĩ “Jock Neutron” nghe khá hơn. - Tôi nói, và lần đầu tiên Goddard thực sự đã mỉm cười.

45

Tôi rời văn phòng của Goddard vừa thấy nhẹ nhõm, vừa thấy nặng nề.
Tôi đã qua được cuộc họp đầu tiên với ông ta, không tự biến mình thành trò hề. Nhưng tôi cũng biết được một bí mật lớn của công ty, một tin nội bộ xác thực sẽ làm thay đổi cuộc sống của nhiều người.
Vấn đề là thế này: tôi đã quyết định rằng mình sẽ không chuyển thông tin này cho Wyatt và công ty của lão. Nó không nằm trong nhiệm vụ của tôi, không ở trong mô tả công việc. Nó chẳng có liên quan gì tới dự án bí mật cả. Cứ để bọn họ biết về vụ cắt giảm nhân sự của Trion khi tất cả những người khác biết.
Khi tôi vừa lơ đãng bước ra khỏi thang máy trên tầng ba của Cánh A để ăn trưa muộn trong phòng ăn thì tôi thấy một khuôn mặt quen thuộc tới gần. Một gã thanh niên cao, gầy, gần ba mươi, tóc cắt xấu xí, gọi với lên, “Này, Adam!” khi bước vào thang máy.
Thậm chí trong một tích tắc trước khi tôi có thể nhớ ra cái tên của khuôn mặt đó, bụng tôi đã thắt lại. Não sau bản năng đã nhận thấy nguy hiểm khi não trước còn chưa kịp nhận ra.
Tôi gật đầu, tiếp tục đi. Mặt đỏ bừng.
Tên hắn là Kevin Griffin, một anh chàng nhã nhặn, nếu không nói là trông ngốc nghếch, và là một tay bóng rổ khá được. Tôi thường chơi bóng rổ với hắn ở hãng Viễn thông Wyatt. Hắn là nhân viên bán hàng ở Bộ phận Kinh doanh, về thiết bị định tuyến. Tôi còn nhớ hắn rất sắc sảo, rất tham vọng đằng sau cách hành xử thoải mái đó. Hắn luôn làm vượt doanh số của mình, và hắn thường đùa với tôi, theo kiểu tử tế, về thái độ thiếu trách nhiệm của tôi trong công việc.
Nói cách khác, hắn biết tôi thực sự là ai.
- Adam! - hắn kiên trì. - Adam Cassidy! Này, ông làm gì ở đây thế?
Tôi không thể cứ tảng lờ hắn đi mãi, nên tôi quay lại. Hắn để một tay ở cánh cửa thang máy để giữ nó không đóng lại.
- Ồ, chào Kevin, - tôi nói. - Ông giờ làm ở đây à?
- Phải, về kinh doanh. - Hắn trông rất vui sướng, như thể đây là một cuộc họp lớp trung học hay gì đó. Hắn hạ giọng. - Không phải bọn họ đá ông khỏi Wyatt vì bữa tiệc đó à?
Hắn phát ra âm thanh như là cười thầm, không phải tính xấu gì đâu, chỉ theo kiểu bí bí mật mật thôi.
- Đâu có, - tôi nói, ấp úng một giây, cố tỏ ra vô tư lự và vui vẻ. - Chỉ là một sự hiểu lầm lớn thôi.
- Ờ, - hắn nói với vẻ hoài nghi, - Ông làm chỗ nào ở đây?
- Vẫn như thế, vẫn như thế, - tôi nói. - Này, rất vui gặp ông. Xin lỗi, tôi phải chạy đi đây.
Hắn nhìn theo tôi tò mò khi cửa thang máy đóng lại.
Không hay chút nào.
------------
Còn tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét