Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Rình trộm


Rình trộm

Tác giả: Nam Cao

NXB Văn Học - 1986


Anh Tẻ cầm cái chai cho vợ, gật gật đầu. Chị vợ trông thấy thừa rồi, nhưng chị tảng lờ. Đàn bà họ có những cách tảng lờ hay lắm! Nhưng tảng lờ cũng không xong. Anh vẫn chìa, vẫn gật, một thứ gật có thể nói là khẩn khoản. Bởi vì anh gật cả bằng môi, bằng mắt. A, như thế thì phải nói là anh nháy. Hơn nữa, anh còn gọi:
- Bu mày! Bu mày!... Nhoanh!...
Tiếng gọi nhỏ nhẹ và nũng nịu - Anh Tẻ làm nũng vợ thì tài nhất! - Chị vợ giả vờ khoặm mặt lại. Chị gắt lên:
- Cái gì?
Anh bẹp mồm cười và gật gật. Như thế thì ai mà giận được? Chị toét môi cười, nguýt anh:
- Nợ lắm!
Chị giật phắt lấy cái chai. Nhưng làm cái bộ vùng vằng ấy để chữa thẹn đấy thôi. Thật ra thì cô ả thấy buồn cười. Cái vẻ phụng phịu của cô là cái vẻ phụng phịu của một cô gái mười sáu, khi có người vuốt má, trêu: Chồng nhé!... Anh Tẻ cười. Anh sờ cái cằm chị vợ:
- Chóng ngoan!... Rồi tôi thương!
Chị Tẻ hất mạnh bàn tay chồng một cái. Chị quắc mắt và chúm mỏ. Làm như thị thích đùa cợt thế!...
Nhưng anh Tẻ đâu còn lạ? Cái môi rung rung của thị lại sắp sửa cười rồi đấy! Cười! Cười nào! Cười đi!... Và quả nhiên chị cười. Chị cười và mắng chồng:
- Trẻ con!
Rồi chị quát lên mà hỏi:
- Mua mấy hào?
Anh tắc lưỡi:
- Mấy hào thì mấy... Độ nửa chai thôi mà.
Chị ngửa cổ, cười hơ hớ:
- Mới có nửa chai thôi mà?
- Mua cả nửa chai cho nó tiện. Uống không hết thì còn đấy, mất đi đâu mà sợ?
Chị dí một ngón tay vào má anh:
- Uống không hết! Đã không hết đấy! Cái hũ giột này thì biết mấy nửa chai cho vừa? Một nửa chai mà còn?....
Anh nhe răng ra, khì khì.... Chị đi...
Ấy là một gia đình mà chúng ta, những người đã ba con, trông thấy phải thèm. Chồng hăm hai. Vợ hai mươi. Nhà không giàu nhưng cũng chẳng nghèo: không dám nói đến chuyện có tiền nghìn bỏ ra sinh lợi rồi ngồi đấy ăn; nhưng nếu chịu làm, đừng cờ bạc, rượu chè thì miếng cơm tẻ, không mấy khi phải đói. Ở nhà quê, được như thế, đã là hạng phong lưu đấy.
Chị Tẻ còn sướng được điều này: không phải ở với mẹ chồng. Ông thân sinh ra anh Tẻ là một ông già khá lạ đời - lạ đời đối với những người ở làng này. Ông nghĩ rằng: sống mỗi người một nhà, già mỗi người một mồ thì không hay rắc rối; mỗi tuổi một tính; đụng chạm với nhau lắm, những sự bất hợp trồi ra, và những kẻ đáng nhẽ phải yêu nhau lại thành ra những kẻ làm khổ nhau... Vì vậy, nội con ông, bất cứ anh nào, ông mua sẵn cho năm sào vườn, làm cho một cái nhà tre, rồi mới cưới vợ cho. Cưới hôm trước là hôm sau đôi vợ chồng đã ra ở riêng. Làm lấy mà ăn! Anh nào cũng có chân, cũng có tay. Vốn liếng có tí chút đấy rồi. Vợ chồng bảo nhau, khôn sống dại chết. Khổ thì cố mà chịu vậy. Mỗi kẻ có thân phải liệu cách mà cư xử lấy. Con trai có vợ rồi, đâu phải còn là con nít? Họ có quyền tự lập, tự do và tránh sự ỷ lại vào cha mẹ...
Vậy vợ chồng anh Tẻ chỉ có hai người. Họ chửa có con. Tuy vậy họ vẫn bắt chước người ta, gọi nhau bằng “thầy nó”, “bu mày”, cho nó ngộ chơi. Mới đầu là sự nhại đùa. Mãi mãi thành quen. Bây giờ muốn bỏ không bỏ được. Vả lại bỏ, thì gọi nhau bằng gì được? Ở nhà quê, vợ chồng chưa có con, khó có tiếng mà gọi nhau lắm nhé. Cậu cậu, mợ mợ... thì ra lối tỉnh. Mặc màn tà lồng ộp nghĩa là cái váy mà gọi nhau thế thì người ta cười đến chết! Mình mình, tôi tôi là lối Sài Gòn, mấy thằng cha đi cao su về, cố nhập cảng, nhưng chẳng ai theo. Còn anh ơi! Với em ơi! Thì chỉ khi nào hờ nhau người ta mới dùng đến cho văn vẻ. Vậy thì gọi nhau bằng gì được? Hạng mày mày, tao tao là nhiều nhất; nhưng đó là những cặp vợ chồng ngày nào cũng phải chửi nhau một lần...
Vợ chồng Tẻ, trái lại, rất quý nhau. Chồng hiền, vợ cũng hiền. Cả hai đều chăm chỉ làm ăn. Vợ sẻn so. Chồng không đánh bạc, không nghiện ngập, không hay họp hành, đánh bạc. Nói cho thật, thì một đôi khi anh Tẻ cũng thèm uống rượu. Uống rượu rồi nói khoác là thú nhất. Còn gì khoái cho bằng giết con gà nấu cháo rồi mua độ nửa cây Văn-Điển? Cháo được rồi, gà gỡ ra bỏ vào một cái đĩa tây to. Rót rượu ra! Múc cháo ra. Bê cái mâm hẳn lên giường. Chồng ngồi xếp bằng, uống rượu, rung đùi. Vợ ngồi tiếp một bên. Uống được độ ba chén rồi bắt đầu vừa uống vừa nói chuyện cổ kim để vợ nghe. Vợ nghe và tủm tỉm cười. Lúc bấy giờ thì... ôi thôi! Ông tiên chỉ là ta! Ông trời cũng là ta! Đứa nào bảo một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp, dốt như bò. Vất ra ba trăm đồng bạc làm một ông quan viên, thà để mua một trăm rưởi con gà. Tiên chỉ mình, rồi thứ chỉ vợ mình; việc gì đem tiền cho chúng nó ăn? Nghĩa là anh Tẻ đá lắm, đá ghê gớm lắm, và khôn róc, sống theo cái kiểu cơm nhà ma vợ. Còn chị vợ thì chỉ biết phục và chiều chồng thôi...
Vì thế chị đem về đủ nửa chai. Lại còn kèm thêm một cái đùi gà. Anh chồng sướng quá, reo lên:
- Ái chà! Thế này thì nhất bu mày! Nhất vợ nhì giời!
Anh co chân nhảy tót lên giường, ngồi chồm chỗm như một anh cóc rình mồi. Chị Tẻ tủm tỉm cười đặt rượu và cái đùi gà trước mặt chồng. Rồi chị đi lấy mâm bát dọn cơm. Anh Tẻ rót rượu uống ngay. Bởi vậy khi chị rềnh rang đem được nồi cơm lên, thì mắt anh đã lừ đừ. Anh vừa ngồm ngoàm nhai một miếng thịt gà, vừa giơ cái xương còn lại lên, chỉ vào mặt vợ, lè nhè:
- Tôi bảo thật! Đêm nay thì có thằng chết với tôi. Mẹ kiếp! Lại chuột gặm chân mèo à? Mình đã không trêu chúng nó thì thôi; chúng nó lại dám trêu mình à?...
Chị vợ bĩu môi ra:
- Ối chào! Ông tướng vừa vừa chứ! Nếu nó sợ nó đã không dám lấy.
Anh trợn mắt lên:
- Ừ! Không sợ? Không sợ! Thế nào tôi cũng đánh què cẳng nó.
- Biết đứa nào mà đánh?
- Sao chả biết? Làng này có những thằng nào đi ăn trộm, còn ai mà chả biết? Tôi cứ vác gậy ra nằm dưới vệ đê, chỗ chúng nó hay qua lại. Vô phúc thằng nào gặp tôi...
Chị vợ không nói nữa. Nhưng chị có vẻ không tin anh lắm. Bởi thế cho nên anh vẫn còn hục hặc, hục hặc rất vu vơ như thế. Nhưng cái gì đã làm anh hậm hực uống rượu để tức chứ không phải để vui vẻ như mọi bận? Có gì đâu, đêm qua chẳng biết thằng trộm nào xẻo mất của anh ba buồng chuối tiêu.
Rượu xong, cơm xong, anh Tẻ vẫn lải nhải nói mãi. Chị vợ nghe đã chán tai, vả đêm đã khá khuya rồi, nên đứng dậy đi nằm. Anh ngồi một mình, nói cho cái cột nghe. Chị vợ mặc chồng. Chị đoán rằng anh nói mỏi miệng rồi tất cũng phải đi nằm. Nhưng anh lại không nằm, anh vác gậy ra đi. Chị ngủ mệt rồi, nên không biết để can. Anh lùi lũi ra đường cái. Anh nhất định xuống vệ tre ngồi. Anh nhất định rình ở đấy suốt đêm. Anh định thấy thằng trộm nào khệ nệ gánh chuối hay gánh tay nải đi qua là đánh.
Nhưng chẳng có ma nào! Làng xóm ngủ im lìm. Cả đến những con chó cũng im. Không có lẽ bọn trộm khiếp vía anh mà đêm nay không thằng nào dám bước chân ra khỏi ngõ? Không có lẽ! Cứ ngồi gan, thế nào rồi cũng gặp. Anh cố ngồi. Ngồi lắm mỏi lưng. Anh nghĩ rằng: có tìm một chỗ sạch sẽ mà nằm thì cũng chẳng sao. Đã gọi là thằng kẻ trộm, thằng nào đi chẳng vội vàng. Nó lại mang những thức nặng nề. Cố nhiên là nó không thể kiễng gót chân, nín thở mà đi. Nó đi bình bịch ở trên đường, thì dẫu anh có nằm, nhưng nằm ngay ở vệ đường, tất lúc nó đến gần phải biết. Biết là nhỏm dậy. Cái gậy sẵn sàng bên cạnh đó, anh cầm lấy. Đợi nó đến tận nơi, anh nhảy bổ lên, chặn lại. Cứ vậy, có thằng lại không van bằng cốc! Ba buồng chuối của anh đêm qua, mửa ra mà trả. Rồi kiềng cái mặt anh ra, từ đây đừng có dại, trêu vào mà được chết. Tử tế thì như vậy. Và nếu bướng thì... a-lê! Cái gậy phang vào đầu!...
Anh vừa nghĩ thế, vừa men ra một chỗ phẳng phiu toàn cỏ. Đưa tay ra là qua một lượt để chắc chắn không có gai hay thức gì bẩn thỉu rồi, anh ngả lưng nằm xuống. Anh nằm ngửa, hai bàn tay chít lại ở dưới đầu; một chân co lại, chống lên; một chân gác lên đầu gối chân kia. Cứ vậy, anh nhìn trời... Trời lấp lánh những sao. Kia là mũ Thần Nông... Kia là con vịt. Kia là cái đó... Chà! Mà nằm ngủ ở vệ đường mát thật!... Anh ngáp... Rồi ngáp... Rồi lại ngáp... “Kia là sao cái đó... Kia là sao cái đó...”. Anh nhắc thầm trong trí như vậy. Sao cái đó cứ mờ rồi lại sáng, rồi lại mờ, lại sáng... và mờ nữa. Anh ngáp... rồi lại ngáp... rồi lại ngáp... Chỉ một lúc sau, anh đã không còn biết có anh trên đời nữa; bởi vì anh đã ngủ say như chết rồi...
Sáng hôm sau, một người đi qua đã giật mình: họ tưởng anh là một cái xác chết đường. Họ lay anh. Anh choàng dậy và bẽn lẽn...
- À, anh Tẻ... Sao nằm đấy?
- Cho mát! Với lại...
Anh ấp úng. Người kia cũng chẳng cần hỏi cho biết nữa. Hắn đoán anh câu trộm ở ao một nhà nào gần đây.
Anh mải mốt xách gậy, đi về nhà. Vừa về đến đầu ngõ, đã thấy vợ tất tưởi chạy ra. Mặt chị tái mét. Chị như người hốt hoảng. Chị suýt húc đầu vào ngực anh.
- Gì thế?
Anh Tẻ trố mắt lên, và hỏi. Chị Tẻ líu lưỡi, không đáp được. Chị chỉ quay ngoắt lại, lụt cụt chạy trước chồng. Anh Tẻ chạy theo. Vợ trước chồng sau, họ chạy về phía sau nhà. Bấy giờ vợ mới run run, bảo chồng:
- Kia kìa!
Chị nghẹn lời. Anh cũng nghẹn lời. Vợ nhìn chồng và chồng nhìn trân trân vào một cái lỗ ngạch to đến một con bò chui lọt. Anh đỏ bừng mặt mũi. Mồ hôi trán toát ra. Họ ngây người như tượng gỗ...
Một lúc như thế. Rồi bỗng anh chồng hùng hổ cởi áo ra. Anh bện quần lên cho đến tận mông. Anh chửi lầm bầm chui qua lỗ ngạch vào buồng. Chị nghe tiếng anh rít lên ở trong buồng:
- Mất sạch rồi! Mất sạch rồi! Chó! Chó! Chó!...
Rồi anh lại chui ra. Mặt mũi, mình mẩy lấm lem, anh lại chui ra. Rồi anh lại chui vào. Chị vợ điếng người đi cũng phải bật cười:
- Ô hay, điên đấy à?
Nhưng anh nghiến răng, trợn mắt lên:
- Điên! Điên à? Chẳng điên cuồng gì cả! đêm nay tôi sẽ đào ngạch chui vào buồng nhà nó, có cái gì lấy tất. Một cái chổi cùn tôi cũng không để nhé!.... À! Láo thật! Chuột lại cứ đòi gậm chân mèo à?
Anh lại chui vào buồng.

Đăng trong Tiểu thuyết thứ Bảy
Số 487, ngày 13-11-1943

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét