Thứ Hai, 8 tháng 7, 2019

Nửa Đêm


Nửa đêm

Tác giả: Nam Cao

NXB Văn Học - 1986


Tên thật hắn rất hiền lành: Rự, Lê Văn Rự. Hắn làm trương tuần nên người ta gọi hắn là trương Rự. Nhưng từ ngày hắn xoay sang nghề ăn cướp thì hắn thành ông Thiên lôi. Cái tên ghê gớm ấy nguyên do nó thế này: Những khi bọn anh em tụ tập lại bàn định tìm một nhà nào để đánh, Rự không bao giờ bàn một tiếng, hắn chỉ chúi đầu vào uống rượu, và ăn cơm; cơm rượu rồi, hắn lừ mắt ra, cầm cái tăm xiên vào từng kẽ răng rồi thỉnh thoảng lại rút hẳn ra mà mút; cứ như thế cho đến lúc người ta quyết định rồi, giao cho hắn việc gì là hắn vất tăm xuống đất, rũ quần đứng lên và theo lệnh của anh em. Người ta bảo, cái ông thiên tướng và tầm sét cũng hành động theo kiểu ấy; ông chẳng có quyền tự mình đánh chết ai; ông chỉ biết theo mệnh trời, chỉ đâu đánh đấy. Chỉ đâu đánh đấy thì chính là thái độ của thằng trương Rự. Bọn ăn cướp gọi đùa hắn là Thiên lôi. Từ đó; thành tên. Cái tên ấy lan đi, cả làng Vũ Đại không ai không biết. Nhưng không biết cái lai lịch trên kia, họ cắt nghĩa mỗi người một khác. Người thì bảo hắn hung tợn và nóng tính; người khác thì lại bảo bởi cái tiếng hắn choang choang. Thật ra, thì hắn ít nói: lúc hắn nói, người ta nghe như quát; khi hắn quát, người ta tưởng là sấm sét: thôi thì cứ sôi lên sùng sục như cơn nóng giận của Thiên lôi vậy.
Khi bắt đầu mang cái tên oai vệ ấy, hắn ngoài ba mươi tuổi. Da đen như cột nhà cháy, mặt rỗ tổ ong, trán thấp và bóp lại ở hai bên, tóc cờm cợp dở ngắn dở dài, mắt ti hí nhưng sáng như mắt vọ, đã thế lại còn được đôi lông mày rậm và dựng đứng như hai con sâu róm nằm trên trợ lực; tất cả những cái ấy vào hùa với cái mũi ngắn và to hếch lên như mũi hổ phù, đôi lưỡng quyền cao trên bờ những cái má trũng như hai cái hố, những cái xương hầm nổi lên, và bộ răng cải mả nhai xương rau ráu, cùng nhăn nhó, trừng trợn với nhau để tạo cho hắn bộ mặt làm những trẻ con trông thấy phải thét lên như bị ma bóp cổ. Thật ra thì những bà mẹ bực mình vẫn dùng hắn để dọa những đứa con hay khóc: “Im ngay! Mày có im ngay không? Tao đem mày cho ông Thiên lôi bây giờ!...”
Ông Thiên lôi là con cái nhà nào và quê quán ở đâu? Không ai biết. Bố mẹ hắn không ở làng này. Hắn làm con nuôi bà quản Thích từ khi còn bế ngửa.
Bà quản Thích là một người đàn bà nhân đức mà vùng này đều quen biết. Một hôm, một người ghé vào chơi nhà bà, đem làm quà cho bà một đứa trẻ thơ. Người ấy bảo: “Đây là con một kẻ khốn cùng, đi lang thang từ làng này sang làng khác để xin gạo thừa cơm nguội của những nhà phúc đức; không lấy gì nuôi con được, nó đem đến sân nhà tôi rồi bỏ đi. Bà chưa có trẻ nhỏ trong nhà, hãy nhận lấy nó mà nuôi như là con đẻ vậy”. Bà quản Thích nhận lấy. Bà nhận lấy như là một việc tốt lành. Bà nâng niu nó chẳng khác gì con của bà. Mặc dù có những người thóc mách hay là ác miệng bảo: nó là con của một kẻ giết người, cha nó đi ở tù, mẹ nó đi lấy chồng. Người ta bảo: quê hương nó cách đây những mấy ngày đường. Như thế sao biết được chắc rằng có thật hay không, những lời nói hàm hồ ấy? Bà quản Thích không dám tin.
Bà yêu thương nó lắm. Và nó lớn rất mau, mau như là tội ác, nhăn nhó, cạu nhạu, gắt gỏng, có lẽ chẳng bao giờ yêu thương lại bà. Còn bé thì nó khóc, khóc ngằn ngặt như giận dữ ai. Lớn lên một chút thì hắn suốt ngày cau có, như nghiền ngẫm một lát dao găm cắm vào ngực kẻ thù nào của hắn. Rồi hắn đòi làm trương tuần để đâm chém kẻ cướp. Rồi hắn lại làm kẻ cướp để chém lại trương tuần và những người cần có sự bảo vệ của những anh trương tuần. Nhưng đi tuần hay ăn cướp đều không thể được coi là nghề nghiệp, thật có như làm thơ, viết tiểu thuyết người ta chỉ coi như là nghề phụ, nếu lấy làm nghề chính, thì nghề không nuôi sống người, chưa ai giàu vì làm trương tuần hay đi ăn cướp; đó là cái sở thích của một số người, máu mê thì phải chơi cũng như ham cờ bạc, cũng có khi viết tiểu thuyết và làm thơ có khi mang vạ thêm vào mình! Vì thế hắn cũng cần phải có một nghề. Hắn làm nghề đồ tể. Cái nghề ác đức ấy cho hắn được cái khoái lạc thấy những con vật sống giãy đành đạch dưới mũi dao thọc vào cổ chúng, cho máu tươi vọt tóe ra, rồi chảy ồng ộc vào cái chậu. Vả lại, tiện cho hắn có đồ nhắm rượu: ngày nào hắn cũng muốn có một bát tiết canh đỏ lòm lòm và sừn sựt những miếng sụn ngon băm nát. Hắn thích làm chảy máu và ăn máu âu cũng là tính trời sinh ra.
Nhưng hắn cũng biết ham sắc đẹp. Cứ gì phải là một trái tim đa cảm! Hắn muốn có vợ như những kẻ hiền lành. Hắn muốn vợ hắn phải là người thật đẹp: cái ấy những kẻ hiền lành cũng muốn. Và hắn lấy. Nghĩa là cướp lấy. Vợ hắn là con gái yêu một người đàn bà góa buôn tơ. Hắn gặp nàng đi bán tơ với mẹ. Hắn đến nhà mẹ nàng, và cuộc điều đình chóng vánh như sau này:
- Ở đây có một con gà mái tơ rất đẹp, tôi muốn mua đem về nhà nuôi.
Người đàn bà run sợ và ngơ ngác. Hắn muốn nói cái gì của nhà bà đây? Chắc là tiền bạc. Thôi, cũng đành biếu hắn vài ba đồng uống rượu đi cho rồi. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Bà cởi dải yếm lấy ra hai đồng bạc giấy, vuốt cho phẳng, bỏ vào cái đĩa mà đặt lên giường, trước mắt hắn, xun xoe thưa rằng:
- Thưa ông trương, gà thì quả nhà cháu không nuôi; nhưng bây giờ mẹ góa con côi, ông làm công làm việc, mẹ con tôi cũng mong được cái oai của ông che chở. Vậy gọi là có chai rượu biếu ông để làm cái lễ mọn, mong rằng ông đừng chê ít...
Hắn cười ha hả. Rồi hắn vênh cái mặt lên, một tay xoa cái cằm nhẵn của hắn một lúc, rồi đột nhiên bảo rằng:
- Ai nỡ hạch tiền bà cụ. Tôi đến đây để xin gà mái chứ không xin tiền.
Bà cụ hình như hiểu. Nhưng bà không dám tỏ ra là đã hiểu. Bà chưa biết nói ra thế nào. Hắn lại cười ha hả.
- Bà cụ thật thà quá nhỉ! Thôi, tôi nói toạc cho bà cụ hiểu: tôi là con gà sống đi tìm gà mái đây!
Đến đây thì bà đành phải hiểu; bà thưa lại rằng:
- Chẳng may cho tôi, và cũng chẳng may cho cháu, không có phúc. Con gà mái ông định bắt, tôi đã nhận tiền bán cho người khác rồi.
Hắn trợn mắt lên:
- Mặc kệ! Tôi thích thì tôi cứ mua; mua không được thì bắt trộm; bắt trộm không xong thì đánh cướp. Bà muốn chọn đằng nào cũng được. Còn tôi thì tôi nhất định rồi, tôi đã nhất định rồi. Con gái bà phải vào tay tôi.
Nói xong hắn ra về. Bà mẹ không run nữa. Bà tuyệt vọng. Hung thần đã nói. Số phận con bà đã định, không còn xê dịch được. Hai mẹ con nhìn nhau, òa khóc lên. Ngày hôm sau, bà được tiếp bà quản Thích. Hai người cùng cảnh ngộ nên biết thương nhau. Nhưng một bên ép lòng mà hỏi, để nghe lời trách móc. Một bên cứ trách móc nhưng vẫn phải ép lòng mà gả. Hai người ruột cùng đau quằn quại. Họ kể lể để mà khóc với nhau, thương cho hai cuộc đời. Và cuộc đời của một kiếp sống mới lên măng, của một cô gái mơn mởn, đáng được những bàn tay lương thiện nâng niu, ve vuốt. Họ khóc đấy. Nhưng mặc kệ. Nước mắt của hai người đàn bà hiền đức không thể đổi được cái lòng khăng khít của một kẻ đàn ông hung tàn. Cô gái bạc mệnh mới hai mươi tuổi cứ phải đem cái xinh tươi của mình đặt vào những bàn tay gân guốc, cứng ráp và co quắp của anh trương đồ tể.
Bởi vậy đã xảy đến cho người thiếu phụ đương xuân là vợ hắn cái chết thê thảm.
Hôm ấy, nàng dọn cơm xong thì hắn cũng ở đâu xách một chai rượu về. Thật là vừa vặn. Nồi riêu cá trắm rất ngon đã múc ra làm ba bát cho ba người. Hắn chẳng đợi ai, xồng xộc chạy vào, ngồi sụp xuống, rót rượu ra bát uống. Bà quản Thích và con dâu vội vàng về ăn ngay: chậm một tí, hắn có thể quát tháo và đập phá om sòm, toang hoang cửa nhà. Hắn thò đũa vào bát riêu trước mặt gắp khúc cá. Nó răn rắn như cái đầu. Hắn lấy đũa xêu lên. Đích cái đầu ngờ gì nữa. Lòng hắn sôi sùng sục. Cái đầu lợn đã đành là dành phần ông tiên chỉ. Nhưng cái đầu cá thì chẳng ông tiên chỉ nào muốn xơi. Nói của đáng tội, nó chỉ toàn những xương. Sao vợ hắn lại nhè bỏ vào bát hắn? Thế này thì nó khinh mình thực! Thế này thì nó khinh mình thực!... Hắn hất cả cái đầu cá ra mặt đất, và bảo thằng vào mặt vợ:
- Cái đầu cá này thì chỉ có bố mày họa mới xơi được chăng chứ tao thì tao không phí mồm.
Bà quản Thích ngượng thay cho nó, vội vàng gắp lấy bỏ vào bát cơm của bà:
- Bố nó chết rồi, mày không xơi được thì tao xơi. Đây, mày ăn lấy khúc này cho ngon.
Bà vừa nói vừa đặt bát của bà vào lòng hắn. Hắn thấy bà bênh con dâu. Hắn thấy bà ra ý khinh hắn là con người tham tục. Hắn thấy... Ồ! Lòng hắn sôi sùng sục! Hắn ngứa ngáy chân tay quá! Con vợ khốn nạn kia ngồi cắm mặt xuống, mặt sưng lên, mắt rưng rưng chực khóc. Nó còn oan uổng lắm! Hừ, cái mặt! Cái mặt, hắn chỉ muốn tát vào cái má kia cho nó sướng.
Người vợ đỏ mũi lên. Nàng không còn nhịn được. Nước mắt trào ra má. Hắn thấy máu đưa lên cổ. Hắn đứng phắt lên, hung dữ như một con hổ đói, nhảy bổ lên người vợ, nghiến chặt răng, xoắn lấy tóc nàng. Nàng khóc òa lên. Hắn giúi đầu nàng xuống. Nàng kêu, nàng kêu:
“Hàng xóm ơi, nó giết người, nó giết người!”.
Hừ! Được lắm! Đã muốn thế thì được thế! Thì hắn giết! Bà quản Thích nắm lấy áo hắn mà co lại. Hắn đạp cho bà một cái, nằm còng queo xuống đất. Rồi đấm, đạp, tát túi bụi trên đầu, mặt, bụng, lưng người thiếu phụ. Hắn cào, hắn cấu, hắn bóp cổ, và lay và lắc, đấm bằng tay, đá bằng chân, hích bằng khuỷu tay, thúc bằng đầu gối, hắn lăn xả vào bằng đầu, bằng vai, bằng ngực, bằng đùi, bằng răng. Và đến lúc hắn ngừng lại thì người đàn bà khốn nạn đã rũ rượi, mềm như con bún, máu ộc ra bằng mồm, bằng mũi, bằng lỗ tai, bằng bao nhiêu vết thương. Máu lênh láng ra nhà. Người vợ ấy có thai: cái thai sẩy, người mẹ chết, nàng chết sau hai năm trời sống khổ cực bên một thằng chồng vũ phu. Nó đã mua nàng như mua con lợn, ái ân với nàng như người ta giết lợn. Khốn nạn thay cho những cái chân tay mềm! Quả có thế! Khốn nạn thay cho những cái chân tay mềm!
Cả làng Vũ Đại thì thầm kể cho nhau nghe chuyện ông Thiên lôi giết vợ, nhưng ông Thiên lôi vẫn ung dung bán thịt, uống rượu và thỉnh thoảng đi ăn cướp chơi như thường. Bởi vì chánh hội làng Vũ Đại là một thằng ăn cướp, nó cướp của, cướp người chưa thỏa chí, nó muốn cho nó làm chánh hội, để cho nó làm xuôi làm ngược trong cái việc cai trị chín thôn đông đúc của cái làng hơn ba ngàn suất đinh này. Phúc cho bọn con em, nó cai trị cũng không khác gì những ông kỳ mục cai trị họ. Nghĩa là cũng đục khoét đến thế thôi; kể thì cũng không còn cách gì đục khoét hơn thế được. Ăn cướp tựa ăn cướp. Cái lão chánh hội ăn cướp ấy cố nhiên tìm cách bưng bít cái án giết vợ kia, chỉ vì thủ phạm là một thằng ăn cướp. Bưng bít thì phải được. Bọn con em không hiếu sự: nó giết vợ nó chứ có giết vợ mình đâu? Còn bọn đàn anh hay bới móc thì lại sợ: sợ cái thằng chánh hội cũng như sợ Thiên lôi: hai sức phá hoại ấy chấp vào nhau thì phải đổ đình đổ chùa, đừng nói gì đến đổ nhà đổ cửa.
Lý lịch ông Thiên lôi thế là trong trắng. Nhưng còn đối với đời? Hỏi có còn ai dại dột đến đâm đầu vào lấy một thằng vừa giết vợ nữa? Thế mà có đấy. Một người trẻ, đẹp, dịu dàng không kém gì người vợ trước. Người ấy về nhà hắn như về thời nhân loại còn dã man, người ta nộp thân mình làm lễ hy sinh. Cũng bởi người ấy hèn nhát sợ chết ngay, mà cố muốn sống - sống đày đọa - mấy năm nữa rồi sẽ đến, đến bất cứ lúc nào, nhưng đừng bây giờ là được rồi! Đừng chê trách: con người ấy là con người muôn năm.
Nhưng tạo hóa có cái óc tưởng tượng vô cùng phong phú. Tạo hóa không thích lặp đi lặp lại cùng một chuyện, như những nhà tiểu thuyết tầm thường. Người vợ sau có phải chịu nạn cũng không đi cùng một đường chịu nạn như người trước. Người vợ sau không chết, tuy cũng có mang. Phen này lại chính ông Thiên lôi chết. Hắn không chết vì dao, vì mác, hắn không chết rũ tù, hắn không chết trên máy chém như những người tin quả báo thầm mong đợi. Hắn chết trên giường nhà hắn, trong tay vợ hắn, êm ái như một nhà hiền triết chết. Mà lại có cả người hờ khóc nữa. Làm sao được: nghĩa tử là nghĩa tận; những người chết đều đáng kính bởi những người chết không còn đủ sức mà hại ai. Kẻ giết người kia chẳng có ai giết mà cũng chết. Chao ôi cái chết! Chao ôi! Cái chết còn hung bạo hơn những thằng hung bạo chết cũng đáng lòng thương hại. Những kẻ hung bạo chết cũng chỉ là người chết, nạn nhân của một sức mạnh mù quáng và khốc liệt. Ông Thiên lôi đã chết! Người mẹ nuôi vẫn mong cho hắn chết, bây giờ muốn khóc và khóc thật. Có ai hiểu được nước mắt của loài người! Vợ kế đã run rẩy mà lấy nó, đã nguyền rủa nó, bây giờ cũng khóc. Chao ôi! Những giọt châu của loài người!...
Ba tháng sau, người vợ góa của Thiên lôi đẻ. Nàng đẻ con trai. Nàng đẻ như trút tội ác ra khỏi người. Nàng thấy lòng nàng trong trắng lại; nàng đang mong nàng trong trắng để mà yêu đương. Hoa lòng nàng tưởng như không nở được, bây giờ lại nở. Nó nở bởi nắng thiêu chợt tắt. Và trời lại mưa. Nàng mới có hăm hai; nàng còn trẻ quá; má nàng còn đỏ quá! Cuộc đời trước mặt nàng dài dằng dặc, đi một mình làm sao? Nàng còn đẹp, nàng chưa yêu dấu thật, nàng còn giữ được rất nhiều tình xuân. Cái anh trai tân bên hàng xóm vẫn ngấm ngầm thương nàng những khi nàng khóc lóc, bây giờ mới nói. Anh ta nói rằng anh ta vẫn muốn tháo cũi, xổ lồng cho nàng từ lâu. Chỉ còn đợi dịp. Nàng cũng hiểu cái dịp ấy chẳng bao giờ tới, nếu chồng nàng không chết. Nhưng nàng không nói thế. Nàng tin lòng chàng. Bởi vì lòng chàng còn nguyên vẹn. Còn nàng, dẫu sao nàng là cánh hoa rơi trên đường rồi. Cuộc tình duyên ấy có một nhịp văn chương lạ! Cũng bởi trước kia chàng là một người thợ nhà máy sợi rất ham tiểu thuyết - và nhiễm thêm một chút màu phóng đãng. Họ dắt nhau đến sở mộ phu lấy giấy đi Sài Gòn.
Thằng bé không cha, lại thành ra không mẹ. Nhưng nó chẳng bơ vơ. Bà quản Thích săn sóc nó. Một mầm tươi vui hy vọng lại nảy nở ra trong cõi lòng khô héo của người đàn bà khao khát một tình thương trọn đời. Bà yêu thương nó hơn đã yêu thương bố nó. Nó còn nguyên lành trong tay bà. Bà chỉ thật sung sướng từ hôm nay. Bà nhận thấy nó khác xa bố nó - Làm thế nào nhận thấy những nét mặt táo tợn của người bố bốn mươi trên cái mặt bụ bẫm của đứa con chưa đầy năm tháng? - Nó sẽ hiền lành, bà tin thế, và cầu khấn Đức Bà như thế. Nó sẽ làm cho bà vui cảnh già. Thực là cảm động! Bà già sáu mươi tuổi còn đợi đứa cháu lớn lên mới già!
Bây giờ bà đã nghèo rồi. Cái cơ nghiệp một con người giàu ở nhà quê có bao nhiêu! Một mình thằng con nuôi phá đã đi đứt ngay một nửa. Các bạn bè hắn phá một phần của cái nửa kia. Còn phần trót thì những kẻ thù của hắn phá nốt khi hắn chết. Bà quản Thích mới kịp nghĩ ra rằng: có một đứa con hung ác là một cái họa; nhưng mất một đứa con hung ác lại là một cái họa lớn hơn. Cũng hay, khi mất hết của cải rồi thì bà được yên thân; ở chốn thôn quê đầy bất công và nhũng nhiễu, một người đàn bà góa chỉ yên thân khi đã thật già và thật nghèo.
Còn lại cho bà mấy sào vườn. Nó cũng như cái xương để cho bà gặm. Chẳng ăn thua gì nhưng cũng có cái để cho vào dưới răng. Bà cặm cụi làm, làm như bà còn khỏe lắm. Không thiếu những người già khọm mà vẫn còn sức lực để làm. Họ làm để tiêu sức dai dẳng của họ đi, hay ông trời khéo an bài đã thu xếp cho họ chút sức dai dẳng để mà làm lụng? Những khi mệt mỏi quá, thấy tai ù, mắt lóa, xương sống lưng dường như muốn nhả nhau ra, bà nghĩ ngợi mà lo lắng: nếu một buổi chiều kia, hơi sức đã trút hết ra mảnh đất xác xơ này, bà gục xuống như một cây chuối ủng và không bao giờ đứng lên được nữa? Thế thì cháu của bà ra sao? Thế thì cái thằng Đức hiền lành như con chó này ra sao? - Bà đặt tên nó là Đức, có ý mong nó phúc đức hơn bố nó. - Có con người từ thiện nào đủ can đảm rước lấy cái giống Thiên lôi ấy? Ngày ngày bế cháu ra đường xin sữa những người mẹ trẻ vú mẫm và đầy căng, bà đã nhiều dịp thấy người ta ghê tởm thằng bé khốn nạn mang huyết quản cái máu ác ngược của quân giết người. Bà gặp nhiều người từ chối không cho sữa. Nhiều người khác nể hay thương hại, cho sữa rồi vội vàng lau, rửa vú cho thật kĩ càng, sạch sẽ. Chao ôi! Họ nghĩ rất có lý rằng cái nọc độc tiết ra từ trong mồm nó. Bà quản Thích rất cực lòng: con người nhân đức ấy đã oán đời. Có lúc bà tiếc rằng bố thằng bé vô tội ấy không còn sống để bắt những người khác phải nhận rằng thằng bé kia vô tội. Thì ra những người rất hiền lành cũng có thể là những người rất ác. Có điều họ không có cách để làm ác. Nếu ai cũng có thể thực hiện được những ước muốn của mình thì có lẽ nhân loại bị tiêu diệt từ lâu rồi.
Nhưng Đức khỏe mạnh và cứ lớn lên. Cái sữa của thập phương quả có tốt hơn cái sữa của một người chăng? Có thể nói nó lớn nhanh hơn những đứa trẻ được bú no sữa mẹ. Nó múp míp, nhẵn nhụi, kháu kháu lạ! Nó hiền như đất, hiền như con của những nhà thiếu ăn. Sáng ra, xin được sữa cho nó bú rồi, bà đặt nó vào một cái rổ sề đặt trên giường, rồi cứ đi làm. Nó ngọ nguậy như một con sâu chán rồi lại ngủ, ngủ rồi lại mở mắt ra mà ngọ nguậy. Đến trưa, đi làm về, bà thổi cơm ăn, bà mớm cho cháu một bát cơm thật chặt. Nó nuốt gọn ghẽ, ngon lành, bà nhai không kịp cho nó nuốt. Nuốt hết bát cơm, cái bụng nó tròn ra như điếu thuốc phiện lăn rồi; nó lại lờ đờ nhìn ngược, nhìn xuôi, nhìn mỏi mắt thì lại lim dim ngủ. Nó không hay khóc, mà có khóc thì cũng chỉ khóc vài tiếng lại thôi; hình như trẻ con khóc chỉ để cho người lớn phải xem đến nó; nó có khóc chán, cũng chẳng ai xem đến, khóc mà làm chi! Trời đã sinh voi, tất nhiên sinh cỏ, bà quản Thích cảm ơn Chúa đã phú tính cho cháu bà biết bao! Chưa thấy đứa nào dễ nuôi như thế ấy! Chẳng bao giờ nó ốm đau. Từ ngày lọt lòng ra đến bây giờ, bà nhớ như nó có ấm đầu mất vài ba bữa. Có lần cứ bỏ liều rồi tự nhiên nó cũng khỏi. Cùng lắm, ba xu thuốc tán của bà lang Lùn về uống với bông mã đề và nõn tre.
Cứ thế, nó lớn lên. Nó lớn lên như một cái mầm cây mạnh. Chỉ hôm nay đến ngày mai trông đã khác. Nhưng cũng chỉ như cái mầm cây mạnh, nó lớn xác mà không lớn hồn. Được ba năm, đi đã nhanh, nó vẫn không biết gọi “bà, bà”. Nó chỉ nghền nghện, không cười, không khóc, ăn rồi lại ngủ. Ngủ dậy lại lờ đờ nhìn ngược nhìn xuôi, ngáp vặt, rồi lại ngủ hay là lại ăn. Quả thật nó hiền hơn cha nó. Hiền đến quá, hiền hơn cả những con người hiền. Người ta bảo: bố ăn hết cả lộc của con. Trông mặt nó lì xì, sau này lớn lên chắc nó đần.
Thấm thoắt đã mười năm. Nó nhớn bằng con nhà người ta đã mười chín hay hai mươi tuổi nhưng mặt còn dại nghệch. Nó nói được nhưng chậm chạp, mà không hay nói. Một ngày nó chỉ nói đôi ba tiếng vào lúc ăn cơm với bà. Bà nó thì đã già lắm rồi. Cái lưng còng xuống người còm cõi, trông như một con mèo đi bằng hai chân. Tiếng bà cũng khàn khàn ra như là tiếng mèo. Cái mặt thì nhăn dúm như cái đèn xếp của một cậu học trò vụng làm thủ công. Bà đi thất thểu tựa ma trơi. Tuy vậy, bà chưa chống gậy. Bà vẫn còn đi lại làm lụng được, cũng như còn ăn được. Cái dạ dày nhà nghèo thường hay rỗi việc nên giữ được bền. Tiêu hóa tốt thì tay cũng còn phải tốt. Nếu không thế, lấy gì mà tiêu hóa? Có điều bà ăn đã chậm chạp. Bà không nhai nữa, bà nhấm từng hạt một. Bà làm cũng kém đi. Bà không cuốc đất; bà gãi đất, lắm lúc bà gãi mơn man như dân nghiện. Thế đã đủ để bà thấy gân xương rã rời.
Nhưng cháu bà đã đủ sức để thay cho bà. Nó ham việc hơn ham sống. Nó làm hì hục từ sáng đến chiều như một con trâu, cắm cúi không cười không nói. Cái vai nó chẳng bao lâu đã u lên, trông nó càng thêm ngớ ngẩn. Làm xong thì nó lăn ra ngủ. Không ngủ thì nó nhìn xuôi, nhìn ngược bằng những con mắt lờ đờ. Nó chẳng đi đâu. Kinh nghiệm dạy cho nó nên như vậy. Hồi lên mười, nó mon men đi ra, nó đến cửa nhà thờ hội họp với bọn trẻ con cùng xóm, nhưng chẳng bao lâu bạn nó lảng dần. Nếu không thế, có đứa bị cha mẹ đánh. Người ta vẫn sợ cái giống nhà thằng trương Rự: nó hiền lành hơn cha nó nhưng nó cục thì biết đâu? Nó có thể đánh què quặt con mình được. Có lần thấy Đức, bọn trẻ đứng dồn lại với nhau, rồi vừa nhẩy cẫng lên vừa kêu la ầm ỹ thành điệu hát:
- Con thằng Thiên lôi, đâm lòi bụng vợ! Con thằng Thiên lôi, đâm lòi bụng vợ! Thằng Thiên lôi...
Thoạt tiên, Đức muốn cười. Nhưng rồi nó ngớ ngẩn đưa một tay lên má. Cái mặt nó thêm xị xuống, chực rỏ giọt như làm bằng sáp gặp khi nóng quá. Rồi nó lẳng lặng quay trở về. Vừa thấy bà, nó ôm lấy bà mà khóc. Lần đầu tiên hắn ôm lấy bà mà khóc. Bà thương cháu nhưng cũng sung sướng nữa. Có mấy khi nó gần bà như bây giờ? Có mấy khi nó cần đến bà ra mặt như bây giờ? Bà được che chở và an ủi nó. Bà dặn nó đừng chơi với những trẻ kia. Từ đấy, Đức chỉ luẩn quẩn ở vườn nhà, chơi với những cái bẹ màn chuối, dùng làm thúng đong đất, đem bán cho những cây cam, cây khế. Cũng chẳng sao. Bà quản Thích nhân thế dạy cho hắn làm vườn rất sớm. Mười lăm tuổi hắn đã thành thạo công việc rồi. Nhờ thế, nhà bà quản Thích đỡ nghèo hơn. Chẳng được giàu như trước nhưng cũng dễ chịu. Ngày ngày cháu bà đã được bữa đói bữa no. Có khi tối đến còn được luộc củ khoai, củ ráy. Những ngày trời trở tráo làm bà buồn chân tay hay là đau lưng, bà đã có thể nằm nghỉ ngơi. Bà sẽ sung sướng nữa nếu cháu bà không thầm lặng mãi, nếu cháu bà không thầm lặng quá. Hắn có gì giấu kín ở trong lòng? Cũng có lẽ hắn chẳng có gì ở trong lòng cả! Lắm lúc, bà thấy buồn vắng quá. Bà cần nói để hắn nghe và cần nghe hắn nói. Hắn không hề bắt chuyện. Hắn chỉ im lặng hay thở dài. Trời ơi! Bà muốn bớt đời sống đi một vài năm cũng vui lòng nếu có thể biết hắn thở dài vì đâu?
Bây giờ Đức đã mười tám tuổi. Hắn lớn lắm nhưng vẫn lặng lẽ, ngờ nghệch và hay thở dài. Mắt hắn lờ đờ tựa mắt trâu. Lúc nào hắn cũng có vẻ ngậm một mối buồn xa xôi, vương lại từ kiếp trước. Lúc nào hắn cũng ngơ ngác như một người sáng dậy, còn ngồi thừ trên giường, nhớ tiếc một cơn mơ đã xóa nhòa mất hơn một nửa. Tuy vậy, hắn vẫn chăm chỉ làm. Hình như hắn làm vì quen tay, làm bằng tay thôi, không cần để vào đấy một chút mảy may ý tứ. Đó là một con người rỗng. Người ta có thể nói tất cả hắn phồng ra thành da, thành thịt. Ở trong cái xác to lớn ấy chỉ có một tí ti linh hồn.
Hàng xóm, láng giềng bắt đầu cho hắn là một thằng ngây ngô. Họ bảo hắn chẳng biết ghét thù ai nhưng cũng không nên trêu chọc hắn. Những con vật, chỉ vì thiếu trí khôn nên hay giận dữ, mà khi giận dữ thì vô cùng nguy hiểm. Thấy hắn làm khỏe, họ thuê hắn làm, đó là một dịp để hắn giao tiếp cùng người khác. Bà quản Thích lấy làm may mắn. Người ta biết rõ cháu bà hơn. Người ta sẽ hiểu rằng cháu bà hiền lành và chăm chỉ. Nhờ thế, chỉ nhờ thế cháu bà mới có thể có một con vợ được. Là vì bà đã băn khoăn nghĩ đến cái sự lập gia đình cho cháu rồi; chẳng qua chưa biết làm sao được, làng này khó có ai chịu gả con cho một thằng đã ngớ ngẩn thì chớ, lại là con thằng Thiên lôi; tìm những chốn xa xôi thì không có tiền. Chẳng lẽ cháu bà đành không có vợ? Xấu tốt gì, miễn là có người chịu lấy là bà tìm tiền lo cho nó rồi. Chết cái ai cũng tưởng hắn là một giống gì quái gở. Nếu hắn đi làm thuê cho người ta ít lâu biết đâu chẳng gặp người thương yêu? Vì thế, bà bảo Đức cứ nhận lời, ai thuê cũng làm. Chẳng tỏ ý tán thành hay phản đối, Đức thản nhiên nghe theo bà.
Như thế được ít lâu, Đức gặp gỡ một người con gái quả như lời bà đoán. Nhưng sự gặp ấy có một kết quả trái hẳn lòng bà mong đợi. Không phải sự sum họp nhưng lại là nát tan. Chao ôi! Khi người ta đã chẳng là một con người như bao nhiêu người khác thì chạm làm gì vào người đàn bà? Người đàn bà là sự bình thường; đó là một cái gì ngay ngắn. Người đàn bà chỉ có thể sống trong khuôn khổ. Họ như những cái toa tàu hỏa, họ cần theo những con đường đời đã vạch sẵn để mà đi. Trệch ra ngoài là ngả nghiêng, trệch ra ngoài là đổ vỡ. Hại cho chính họ và có khi thiệt lây người chung quanh.
Khốn nỗi, Đức lại bị đàn bà chạm đến. Người ấy tưởng chạm đến một hình nhân. Có ai ngờ một thằng ngớ ngẩn lại có thể là một thằng biết cảm xúc như một người lành vậy. Không những thế, cảm xúc lại làm sống lại. Đức tự nhiên biết tình.
Tên nó là Nhi. Nhi con nhà nghèo, làm con nuôi cho một nhà vẫn thuê Đức làm. Con nuôi hay con ở thì cũng thế: đều là những kẻ bán sức mình kiếm ăn, có điều con ở được nhận công năm, con nuôi bán thân ngay một lúc, cha mẹ đẻ nó lĩnh vài chục bạc và từ đấy nó đã trở nên hoàn toàn thuộc quyền người ta.
Nhi mười chín tuổi. Nó chẳng lấy gì làm đẹp, có thể nói thẳng ngay rằng xấu. Nhưng nó trắng lắm, trắng như con lợn cạo. Người nó phục phịch quá, giá có phải lợn, bán được đến hơn hai mươi đồng. Bàn chân to và đầy hùm hụp, nhấc được lên kể đã là khó nhọc. Cái mặt thì chỉ thịt rồi lại thịt, nẫn lên những thịt. Hai má phị, cái mũi to mà lỗ thì lại nhỏ, gần như đặc, mắt không còn chỗ để phô ra; cái mi mắt đủ đầy như một cái môi, và cái môi thì dày như... không có cái gì dầy đến thế. Nhưng mà nó lại rất hay cười và rất hay phải chửi! Đức thấy nó õng ẹo và đáng thương. Hắn dần dần thương hại và thích nó, thích nhiều hơn là thương hại. Làm quen nhau cũng chỉ vì trưa trưa, Nhi phải đem nước chè tươi và khoai lang ra vườn cho người làm. Mới đầu hai người chẳng nói gì. Nhi lẳng lặng đặt ấm nước và cái bát lên mặt đất, mấy củ khoai lên cái vung ấm nước, rồi cứ bỏ đấy về. Đức xoa tay nọ vào tay kia để phủi đất, quệt ống tay áo qua trán hai ba cái rồi rót nước uống một bát, ăn một củ khoai, uống thêm bát nữa, quệt mồm mấy cái rồi lại quay ra làm. Hắn chả dám nhìn Nhi. Ai chả vậy: nhìn trộm một người lắm thì không dám nhìn người ấy nữa. Nhưng một hôm, Nhi ngồi lại. Ý chừng người nhà đi vắng cả nên chị chàng len lén chơi, không mải mốt như mọi ngày. Đức bối rối không biết có nên vào uống nước không. Nhi nhăn nhở cười, nói bằng cái giọng khó nhọc - tiếng nói, chui qua nhiều lớp mỡ ở cổ, hình như hết hơi rồi:
- Anh dừng tay vào uống nước đã.
Đức thở dài rất to. Tiếng thở dài thoát ra như tiếng rên. Rồi hắn vừa nhìn trời vừa đi lại gần ấm nước để ngay trong lòng Nhi. Nhi ngồi xệp xuống đất, hai chân dạng ra hai bên, khum khum nửa duỗi nửa co như dùng làm bờ để che ấm nước. Đức ngần ngại không biết nên ngồi xuống hay cúi lặt một củ khoai rồi cứ đứng mà ăn thôi. Nhi bảo hắn:
- Anh ngồi xuống đây. Vừa uống nước, vừa nghỉ ngơi, đi đâu mà vội. Đi làm thuê, tiền nào của ấy, cũng chẳng tội gì tham việc lắm, khổ thân mình, mà lại ai thương.
Đức muốn trả lời mà chả biết trả lời sao được. Hắn lại thở dài như rên. Nhi buồn cười. Nó thấy cái mặt ngây ngây của Đức buồn cười quá. Hai cánh mũi anh ta cứ phập phồng, phập phồng như một anh nín cười. Nó muốn trêu anh chàng này chơi:
- Kìa sao anh không ngồi xuống?
Đức ngoẹo cái đầu về một bên, từ từ hạ người xuống, lom khom ngồi xổm, mắt không dám dời củ khoai. Nhi ranh mãnh nhìn thẳng vào mặt hắn, hai mắt Nhi cố hé ra lăn tăn cười. Mắt Đức rụt rè nhìn vội một cái rồi lại mải mốt lùi về, y như một con chuột nhắt chực ra khỏi lỗ. Nhi thấy thế, càng trêu thêm:
- Anh Đức này! Sao anh hiền quá nhỉ?
Đức nhe răng ra cười. Lần đầu tiên trong đời hắn chăng? Ít ra thì giờ Nhi mới thấy. Nhi thích chí:
- Sao anh không lấy vợ?
Đức lại nhe răng cười. Cái đầu hắn ngoẹo thêm đi. Hai cánh mũi phập phồng thêm nữa. Nhưng mắt hắn, sợ người ta trông thấy, chực lẩn đi. Con trai gì mà e lệ hơn con gái! Nhi cười đỏ mặt. Nó muốn ôm lấy đầu hắn mà bang, mà xoa, mà lay, mà lắc như người ta đùa một đứa trẻ con lừ đừ. Nó trơ tráo bảo:
- Tôi yêu anh hiền lành, muốn lấy anh làm chồng quá! Anh có lấy tôi không, anh Đức?
Đức không im lặng nữa. Hắn quay đầu ra bên phải. Tiếng cười bật ra: “hừ hừ”. Nhi cười lăn ra vườn.
Chưa bao giờ nó được cười đến chán như thế này. Khi thong thả, người ta hay vui vẻ.
Nhưng từ hôm ấy, Đức thay hẳn người. Hắn nhanh nhẹn hơn trước, mắt đỡ lờ đờ, hay tủm tỉm cười; bà quản Thích thấy cháu đột nhiên trở nên hay chuyện. Nó gở chết hay sao mà lại thế? Có hôm nó lẩn thẩn ngồi bàn với bà những cách làm giàu. Hắn sẽ cố dành dụm để lấy tiền thuê lấy một vài mẫu ruộng; thiếu gì người có ruộng muốn cho làm thuê? Chỉ cốt có một con bò; hắn sẽ làm ruộng nhà và nhận ngả ruộng cho người ta nữa. Mấy chốc mà lên ngay. Trời cho mạnh khỏe ta bỏ một vài con lợn; bà cụ bây giờ già yếu rồi, vườn ruộng không làm được thì cứ quanh quẩn ở nhà cố mà chăm lấy... Bà quản Thích mỉm cười, lườm cháu:
- Chăm cho nó béo lên để rồi cho anh cưới vợ có phải không? Gớm! Sao anh chẳng khôn tí nào?
Hắn cười, đáp lại:
- Cưới thì cưới, chẳng cưới thì bán đi, dễ không có tiền đấy phỏng?
- Nào ai bảo anh đừng cưới? Tôi bây giờ già rồi, lại chẳng mong anh có vợ, có con để lúc Chúa có bắt tôi nằm xuống đấy cũng được yên cái lòng đấy à? Vậy anh đã tìm được đám nào chưa?
Hắn cười híp lại nhưng vẫn không nói gì. Thật sự thì hắn đã đến cái thời kì mê cái Nhi lắm lắm. Những hôm làm “bên ấy” chẳng hôm nào là anh chị không tìm cách trao đổi cho nhau ít ra là một nụ cười.
Anh chị yêu nhau được khá lâu. Ấy cũng bởi không ai ngờ. Nhưng cũng chính vì thế mà đến lúc người ta đã ngờ thì thật là ầm ĩ. Người ta bảo: nếu thế thật thì đến trời cũng chết.
Rút cục chẳng có ai chết cả. Chỉ có Nhi là dần dần chết thôi. Việc xảy ra như thế này: cái câu chuyện mới ấy, khi đã đi khắp xóm, liền tót vào nhà ông bố nuôi của thị, ông cửu Hòa. Việc đời cứ vậy: ông trời muốn người trong nhà bao giờ cũng phải nghe chuyện nhà mình ở môi miệng một người ngoài ngõ. Có thế mới vui, nếu không, những cái miệng đàn bà chỉ dùng vào hai việc: ăn và uống.
Ông cửu Hòa ngày xưa đi lính đóng cai; tuy mãn hạn đã lâu rồi mà ông còn giữ được cái cốt cách nhà binh lắm. Sau khi nghe một người ưa chuốc chuyện, tố cáo cái việc con tiều kia cho ông biết, ông ưỡn ngực ra, vênh cái mặt, giơ một ngón tay lên ngang trán:
- Bồồng! [tốt!- tiếng Tây bồi]
Thế nghĩa là ông hiểu rồi. Mặt ông đỏ bừng bừng. Ông ngật ngưỡng bước về nhà, quăng cái khăn xếp lên giường, gãi gãi cái đầu một lúc. Ấy là ông nghĩ ngợi. Rồi tự nhiên như điện giật, ông ngồi ngay ngắn người lên. Ông cất tiếng rất vang, gọi:
- Cái Nhi đâu rồi?
Có tiếng Nhi thưa dưới bếp.
- Lên đây tao bảo.
Thị Nhi lên! Nó đã thấy trống ngực đập nhưng làm ra mạnh bạo: nào có tội vạ gì đâu mà cần! Bát đĩa lâu nay chẳng cái nào vỡ cả. Bàn ghế sạch sẽ, nhà cũng vừa quét xong. Ông còn định hạch lạc gì nữa mà làm oai vệ thế? Nó vừa nhô mặt lên, ông đứng phắt dậy, tát cho không còn biết bao nhiêu chiếc. Nó giúi về bên này; rồi lại giúi về bên kia. Cứ mỗi cái tát, ông lại đưa đà bằng một tiếng “bệt” hay “xà lù”.
- Bệt! Xà lù!... Bệt! Xà lù!... [Câu chửi bằng tiếng Tây bồi, merde = bệt; salaud = xà lù]
Cứ nhịp đôi như vậy, mới nghe như một người đánh điện tín chẳng cái nào sai cái nào. Nhi không kêu một tiếng. Nó đã biết tính bố nuôi từ lâu lắm: càng kêu lại càng làm ông hăng. Đánh chán tay, ông ngừng lại: nhờ trời Nhi khỏe mạnh nên không hộc máu mũi. Hai má nó đầy vệt trắng, vệt hồng. Nó xụt xịt. Cái ngực đồ sộ nhảy lên như cái đệm xe gặp khúc đường lồi lõm. Nó khóc không ra tiếng nhưng thịt khắp người rung lên. Ông cửu ngồi xuống ghế, đặt một tay lên bàn, xô người về phía nó, hất cái cằm lên - làm như mắt ông bên dưới cằm - và hỏi:
- Nhi! Mày đã biết cái tội của mày chưa?
- À! Đã vậy thì nghe cho rõ, ông không đánh oan bao giờ cả.
- Mày hư lắm lắm! Ai bảo mày? Ai bảo mày?
Ông hạ cho tiếng ông nhỏ lại. Rồi ông kể những lời vừa nghe. Nhi cứ câm như hến. Không phải nó biết tội mà không dám cãi. Nhưng sự kinh nghiệm bảo rằng: cãi chỉ thiệt, không lợi gì. Hình phạt chịu trước khi tuyên bản án. Bày tỏ được nỗi oan cũng không thể tát lại ông cửu được. Có khi ông muốn lấp miệng nó đánh thêm cho vài cái nữa hay giức toáng lên không biết chừng... Ông kết luận:
- Con gái như thế là đồ hư, có biết không? Giá mày ở nhà mày thì mặc mày. Nhưng tao nuôi mày trong nhà, trong cửa nhà tao, mày làm thế người ta cứ tao mà người ta chửi. Cái mặt tao còn ra cái gì? Mày trả ơn tao thế đấy!
Nghĩ một lúc để tìm huấn lệnh, ông bỗng nhiên lại hỏi:
- Sao mày hư thế hở?
Nó biết rằng làm sao! Giữa lúc ấy thì bà cửu ở đâu lần về. Bà nhìn ông rồi lại nhìn Nhi hỏi:
- Làm sao thế?
Ông thô tục:
- Làm sao! Đánh đĩ chứ còn làm sao!
Bà trợn mắt, như thấy một cái gì quái gở:
- Chết thật! Đầu đuôi làm sao thế cậu?
Tiếng “cậu” là tiếng ở thành phố người ta mới thải về cho những cặp vợ chồng học làm sang ở thôn quê. Ông cửu kể lại tội trạng của Nhi lần nữa. Bà cửu vừa nghe vừa kêu:
- Chết nỗi! Chết nỗi! Sao nó hư thế! Sao nó hư thế!
Chỉ nghe bà nói đã đủ lộn máu lên rồi. Huống hồ bà lại còn giề cái môi ra, thả tất cả những nỗi khinh bỉ vào mặt nó. Nó không còn nhịn được. Nó hu hu, vừa khóc vừa nói to tướng như thể cho cả hàng xóm biết:
- Con tưởng... thưa mợ, con tưởng thế gian như con cũng đầy!
Bà cửu nảy hẳn người lên như một cái lò xo. Bà xỉa xói vào mặt nó. Bà nhảy chồm lên nó. Tóc nó đã xổ ra từ lúc nãy. Bà xoắn lấy, bà cào, bà cấu, bà tát, mồm thì gào lên như chính bà bị đánh. Ông cửu nghiến răng lại:
- Thôi, hàng xóm người ta chửi chúng mày ngoài kia!
Rồi ông nằm dạng chân tay trên giường, mặt hầm hầm. Lòng ghen chợt thức dậy, cuồn cuộn đưa lên ngực, lên cổ. Ông giặng è è như thể khạc nó ra. Bà cửu thấy thế càng làm dữ. Nhưng om xòm mãi, ông nổi giận lại lôi thôi nên bà ngồi phịch xuống, vừa thở hổn hển vừa chỉ vào mặt Nhi:
- Bà không nuôi mày nữa! Cút ngay ra khỏi nhà bà từ hôm nay.
Ấy người ta mấy cần! Nhi có thiết cái nhà này đâu. Nó không đi là vì nó cũng nghĩ rằng chẳng còn bao lâu nữa nó đã có thể đi lấy chồng. Ở ngót mười năm trời còn được thì vài ba năm nữa cũng được. Đi làm gì cho mang tiếng. Nhưng bây giờ làm ra thế, ừ thì đi!... Nó vùng vằng xuống bếp và ngồi chúi vào một xó, gục đầu xuống đầu gối, khóc. Trên nhà, bà cửu len lén nhìn trộm ông cửu. Thấy ông hậm hực, bà chép miệng, chửi khe khẽ: “Quân trắng mắt!”.
Bà biết trước đêm nay thế nào ông cũng đay nghiến bà suốt đêm.

*

Bà quản Thích thấy Đức mấy hôm nay luôn luôn gắt gỏng. Thoạt tiên hắn gắt gỏng bằng nét mặt: nét mặt hắn luôn luôn gây sự; cái môi dưới cố hất lên, đôi lông mày nhích lại với nhau thì lại cố mà lấn xuống; những con mắt lúc thì khoằm khoằm, lúc thì lại cong lên như muốn nhảy tót ra vì tức quá. Im lặng là chứa chất. Cố nhiên phải có lúc cơn nóng giận rung ra bằng lời nói: hắn chửi con chó, con mèo và “chúng nó”. Sau cùng đến chân tay: tội nghiệp cho cái rổ, cái rá may hay cái cuốc! Tội nghiệp nhất là bà quản Thích! Mỗi lần thấy hắn đập phá, bà run lên cầm cập. Không khéo hắn lại có cái máu của cha hắn rồi. Chẳng biết làm thế nào, bà chỉ đành yên lặng. Ở với bố nó mãi, bà còn lạ gì! Khuyên can đều vô ích, mà cản trở thì thiệt vào thân ngay. Nhưng bà nghĩ mà lo lắng. Hắn đột nhiên vật mình vật mẩy như thế: không khéo thì chết mất. Cái triệu đã rành rành ra đấy, xưa nay hắn có như thế bao giờ đâu? Tự nhiên, đang câm như hến, đổi ra nói huyên thuyên như con khướu; rồi đang vui vẻ, bỗng dưng chẳng ai trêu, ai ghẹo cũng xoay ra vùng vằng như là dỗi ai.
Dỗi ai? Mà ai làm gì mà nó dỗi? Tội nghiệp cho bà già ấy! Bà còn ngây ngô hơn cháu bà! Bà không biết một tí gì ư? Bà không nghe người ta bàn tán nhao lên đấy à?
Cái Nhi bị ông cửu Hòa gọt đầu bôi vôi và đuổi đi đâu rồi. Nhưng cũng có người thì bảo ông không đuổi, nhưng nó chửa nên bỏ nhà trốn đi. Có mà trốn đường trời! Cái ông cửu ấy chẳng chỗ nào sót vết chân, còn đến nước gì mà để nó trốn đi? Vả lại, trốn đi thì người ta róc xương bố đẻ nó ra chứ: lấy tiền của người ta, nào phải chuyện đùa hay sao? Người khác, giàu tưởng tượng hơn, thì lại kể một câu chuyện có đầu có đuôi tử tế. Người ta bảo ông cửu Hòa gả nó cho tây đen rồi sợ bố mẹ nó lôi thôi nên ông giấu giếm đi như vậy.
Nhiều người cho câu chuyện này rất là lý thú. Chẳng thiếu gì người đã ao ước gả đứa con gái chắc nịch của mình cho một ông tây đen: được hai trăm bạc nhé, con mình sung sướng nhé. Nhưng anh binh Tảo thì cố chết cãi rằng nói thế là nói hoẹt. Ngay đến ngoài tỉnh thành, các cô thiếu nữ tân thời quần trắng lốp, môi son, má phấn, đẹp như tiên, nói tiếng Tây như đầm vậy mà chúng nó cũng không thiết lấy.
Thế thì ông biết tin ai được? Mỗi người nói một cách, rốt cục chẳng ai hiểu Nhi đi đâu. Có điều chắc chắn là nó không còn ở nhà: ông Cửu vừa thuê con ở rồi. Có hỏi ông hay bà ấy thì chỉ thấy trả lời: nó hư lắm, chúng tôi không nuôi nữa. Rồi thì ông hay bà nói lảng còn ai biết đầu đuôi ra thế nào? Đức băn khoăn lắm. Mà tức mình nữa là đằng khác. Ừ, thì cho rằng nó có đi đâu nữa, không há mồm ra mà bảo hắn lấy một vài lời hay sao? Chẳng qua là nó bạc, cái bụng dạ đàn bà biết đâu mà lường? Có khi nó thấy người ta cười, xấu hổ trốn đi không biết chừng!... Nghĩ thế thì hắn đau khổ lắm. Con thằng Thiên lôi! Con thằng Thiên lôi! Hắn sinh ra thì thằng Thiên lôi đã chết từ bao giờ rồi. Hắn chẳng biết cái thằng Thiên lôi ấy mặt mũi như thế nào mà sao hắn cứ phải đeo cái nhục của thằng hung ác ấy? Hắn còn nhớ có lần Nhi bảo hắn:
- Anh Đức ạ! Tôi mà lấy anh thì cũng chỉ vì mến cái nết anh hiền; chứ người khác mà bố mẹ như bố mẹ anh thì có các vàng tôi cũng chịu. Anh đừng giận: tôi dám chắc ế thì thôi chứ chẳng ai đâm đầu vào lấy con một thằng ăn cướp, giết người, một đứa chồng vừa chết chưa ráo mồ, con vừa sinh còn đỏ hon hỏn đã vội vã theo trai...
Đức buồn rầu. Nhi an ủi bảo:
- Nhưng mà tôi thì tôi mến cái nết của anh lắm! Anh không giống bố mẹ anh đâu.
Đức chẳng nói sao, thở dài, Nhi thương hại, mỉm cười bảo:
- Anh lo tôi không chịu lấy anh phải không? Đừng sợ: anh cứ thu xếp đi, nếu cậu mợ tôi gả thì thể nào tôi cũng lấy. Đứa nào nói gì tôi gang mồm nó ra. Anh cũng chẳng việc gì mà nhịn.
Đức nghe câu ấy mà hả dạ. Nhưng bây giờ! Có lẽ Nhi biết chẳng gang mồm ai được nên đành bỏ đi chăng? Hay chính Nhi cũng đồng ý cùng bao nhiêu người khác? Đức càng nghĩ ruột càng rối lên. Sau những ngày hung hăng đập phá, nỗi đau đớn lại ngấm vào bên trong. Đức lại trở lại thờ thẫn, không nói không cười và hay thở dài. Hắn chán nản công việc, không trông nom vườn đất nữa. Bữa ăn, bà quản thấy hắn nhai bã mồm ra cũng chưa nuốt; hắn ăn lâu lắm mới hết một bát cơm, vừa uể oải và cơm vào miệng vừa đờ đẫn nhìn khoảng không. Ăn xong, hắn xỉa răng uống nước, rồi thờ thẫn ra đi, chẳng biết đi đâu, có khi tận tối mịt mờ mới về. Nhiều lần, bà quản để cơm hắn cũng không buồn ăn nữa. Ban đêm, hắn sạo sục rất lâu mới ngủ. Chẳng bao lâu người hắn gầy hẳn đi.
Bây giờ bà quản Thích cũng biết nguyên do cái buồn của cháu bà rồi. Bà giận thiên hạ lắm. Cái thiên hạ rỗi mồm, và cứ hay húc đầu vào những việc chẳng liên can gì tới họ. Bà nghĩ đến ngày con nuôi bà còn sống. Hàng xóm cứ là len lét, hơi hé mồm nói lôi thôi là gãy răng. Nó xấu xí như ma, xấu đủ mọi nết, thế mà hai lần lấy hai con vợ cứ gọi là như hoa. Chẳng đứa nào ngoác mồm ra mà chê đi. Bà muốn cháu bà cũng hung ác được như bố nó, rồi mà xem: dù đứa nào có đẹp đến như tiên, hỏi đến mà không lấy thì cứ gọi là mượn cổ. Ở đời này, không tranh cướp thì nhiều khi đành tay không; giật lấy thì lắm người chịu đấy chứ xòe tay ra xin thì mấy người thí cho? Bà bảo Đức:
- Có phải con muốn lấy vợ thì để bà liệu cho. Gần không được thì xa...
Hắn không cho bà nói hết, hắn trợn mắt gắt lên với bà:
- Im đi! Đừng lôi thôi.
Bà tủi thân lắm, nhưng đành chịu, biết nói sao! Bà còn cố giấu nước mắt cứ chực rơm rớm ra mi nữa. Từ đấy bà mặc hắn với nỗi buồn của hắn. Bà chỉ biết cúi gò tấm thân tám mươi tuổi của bà trên mảnh vườn con để tìm cái sống cho hai người... Nhưng một hôm, vừa thức dậy bà thấy Đức lại gần bà. Hôm trước hắn đi suốt ngày, mãi khuya mới về; trông mặt hắn, bà biết hắn có điều gì muốn nói. Bà nhìn và đợi. Nhưng hắn không nói gì. Hắn chìa cho bà bốn cái giấy bạc, bốn đồng. Bà muốn hỏi. Hắn ra hiệu cho bà cầm lấy. Rồi ngoắt đi. Ngày hôm sau, có người bảo với bà rằng hắn xin sở mộ phu cho đi Sài Gòn.
Cả làng lại xôn xao. Kẻ thì bảo hắn đi với cái Nhi; hắn tìm thấy thị lẩn lút đâu ngoài tỉnh và bàn nhau cùng đi Sài Gòn; có người quả quyết rằng trông thấy hai đứa cùng vào sở mộ. Kẻ thì bảo hắn đi tìm mẹ hắn, mẹ hắn bây giờ giàu có lắm, tiền của có bạc vạn, nhắn người về tìm con. Họ kết luận: từ nay hết giống nhà Thiên lôi ở cái làng Vũ Đại này. Bà quản Thích bực mình, chửi:
- Cha mẹ chúng nó ngứa mồm! Chính bà còn chưa biết ra sao. Rõ những quân dông dài!
Bởi vì cái đức nhịn của bà đã kém rồi. Bà nghèo đi, trông trước, trông sau, không còn chỗ nào nương tựa, bà đành lại thắt lưng buộc bụng, để dành dăm bẩy đồng mua một cái áo quan về đợi ngày chui vào. Bà nghĩ đến cái chết của bà: cô quạnh giữa một khu vườn hoang, không có lấy một người lại gần mà vuốt mắt. Có lẽ cũng chẳng ai biết để mời cha xứ về cho bà được ăn mày các phép trước khi từ giã chốn khách đày. Cái chết của bà sẽ là một cái chết cheo leo. Ai sẽ đọc cho bà dăm ba kinh để cầu nguyện cho linh hồn bà phải giam nơi luyện ngục? Buồn thay cho đời tàn!...
Nhưng trời đã định cho bà quản Thích không phải cô độc cho tới lúc chết, cô độc trong lúc chết. Cho nên cỗ áo quan đã mua rồi, bà ốm nặng hai ba trận mà bà không chết. Cái kiếp sống vất vưởng ấy cứ bập bùng chực tắt mà không tắt. Nó cứ còn mãi, còn để sợ từng cơn gió, để run rẩy trước từng cơn gió. Như thế, thà chết quách đi cho rồi. Đã già nua, lại đau yếu, lại đói khát, lại bơ vơ thì khổ hơn là chết. Khốn nỗi bà cứ sống; dai dẳng như nỗi lầm than trên đời...

*

Rồi thì Đức lại về. Hắn về đột ngột, giữa lúc mọi người ta gần quên hắn. Hắn về với một con vợ và một cái hòm thật to. Thoạt trông không ai nhận được. Không còn phải là cái mặt ngờ nghệch và cái vai lù đù. Cái mặt gã gầy đen sạm lại; hai mắt sâu hoắm xuống, trông dữ dội nhưng tinh nhanh; má hõm vào làm lưỡng quyền nổi bật lên: như thế trông cứng cỏi và gân guốc; mấy chiếc răng vàng hắn nhe ra tỏ ra bây giờ hắn cũng là tay du côn. Cách ăn mặc cũng thay đổi hẳn. Cái áo trong của hắn, màu đỏ khè, có cái cổ cúp xuống như tai chó tây, phần dưới cái áo ấy đút vào bên trong cái quần bằng lĩnh đen; ngoài cùng là một cái áo tây vàng, cài một cúc. Hắn đội mũ dạ đen, lệch hẳn về một bên, và đi giày vải đế cao su. Vợ hắn mặc áo cánh trắng xát xi, quần lĩnh đen, đầu búi tóc. Chẳng có khăn, yếm, áo dài gì cả. Kể quần áo thì chẳng có gì nhưng tay đeo nhiều nhẫn lắm, chắc là có của. Có lẽ hắn tham của mà lấy chứ người thì vừa già vừa xấu. Có dễ xấu hơn cái Nhi nhiều, trông cái Nhi kể đã xấu nhưng còn mềm hơn. Con này thì người đét và cứng nhắc. Cái mặt thì câng câng, chẳng có tí nhân hậu nào. Da xấu quá, cứ tai tái, đen đen như người ngã nước; hai mắt to mà trắng dã, nhìn ai thì trân trân. Bà quản Thích mới trông đã thấy chán rồi.
Nhưng vợ chồng hắn chào hỏi bà rất vồn vã. Thằng chồng bảo:
- Con về thì về trong lòng vẫn áy náy, lo bà chết rồi. Thế mà lại còn được trông thấy bà, thật con mừng quá...
Bà sung sướng. Bà hỏi hắn đi những đâu? Hắn trả lời: hồi ấy bực trí quá, hắn liều lĩnh đi Sài Gòn. Hắn làm ở đồn điền cao su. Được ít lâu, hắn có tiền, chuộc công-ta ra ngoài buôn bán. Hai vợ chồng cố xoay xở nên cũng có chút tiền...
Vợ hắn bảo:
- Nhà con cứ đòi ở luôn trong ấy làm ăn; sợ có về, chả chắc bà còn sống. Nhưng con cố ép nhà con về. Cái nghề đồng đất nước người, tiền bạc nào biết còn lúc nào, hết lúc nào; mình cốt về nhà về cửa cho nó có nền nếp hẳn hoi, chắc chắn...
Bà khen cháu dâu nghĩ phải. Lân la trò truyện, bà biết nó cũng người ngoài này vào trong ấy làm ăn. Nó tỏ ra thạo lắm. Mà cũng biết đường ăn ở nữa: nó biếu bà quà bánh, quần áo khá nhiều. Rồi vợ chồng nó bàn định cách làm ăn: thằng chồng sẽ trông coi vườn đất như xưa; con vợ sắm một gánh hàng xén nho nhỏ ngày ngày đi chợ. Cứ thế, cảnh gia đình có thể vui vẻ được. Nhờ ơn Chúa thương, bà quản Thích may ra được yên cảnh già...
Tội nghiệp cho con người nhiều tin tưởng ấy! Chỉ năm, sáu hôm sau là bà hiểu bà ao ước hão huyền. Sáng hôm ấy, những tiếng quát tháo ầm ĩ làm bà thức giấc. Bà lắng tai nghe. Thì ra vợ chồng thằng Đức chửi nhau. Bà chán nản quá đến nỗi không buồn ra can chúng nữa. Bà biết cái thân bà sẽ khổ cho đến lúc xuống mồ thôi. Tiếng con vợ bỗng nhiên the thé:
- Quân ăn cướp! Quân giết người! Mày muốn rũ tù thì trêu vào bà!
Thằng chồng chửi:
- Đồ phản trắc! Đồ bất lương! Đồ giết chồng!
Tiếng đồ đạc đổ. Quần áo xé toàng toạc. Bát đĩa đập choang choang. Nước mắt bà quản Thích ứa ra đầm đìa.
Suốt ngày hôm ấy, mỗi người nằm một nơi. Cơm nước không ai nấu, cả nhà đành nhịn đói. Cả bà lão già đã ngoài tám mươi tuổi đầu! Bà nghĩ mà chua xót: thà chúng đừng về lại hơn. Nhưng đến gần tối thì con vợ lẳng lặng đi giết gà, mua rượu, nấu cơm, dọn lên và mời chồng ra ăn. Nó ngọt ngào xin lỗi chồng:
- Buổi sáng hôm nay, cậu nóng mà em cũng nóng. Trong lúc quá giận, em ăn nói có quá lời. Như thế là em không phải, bây giờ em biết hối, em xin cậu, cậu bỏ quá đi cho em.
Thằng chồng gật gù:
- Đã thế thì được. Chúng ta đều không phải, tôi cũng xin lỗi mợ.
- Em chả dám.
Rồi chúng nó ăn uống với nhau, vui vẻ lắm. Thỉnh thoảng chúng lại nhìn nhau mà cười. Có lúc chúng cố ý đụng chạm vào nhau nữa. Không khác gì một đôi vợ chồng mới cưới. Bà quản tủm tỉm cười, nghĩ bụng:
- Rõ thật là trẻ con.
Và bà tưởng chúng sẽ thân mật với nhau lâu dài. Nhưng chỉ sáng hôm sau là chúng lại chửi bới, đánh đập nhau được rồi! Cứ như thế, chúng ngấu nghiến nhau suốt cuộc đời trong địa ngục. Mà bao giờ cũng vậy, cứ sau khi xô xát là chúng lại làm lành với nhau ngay. Có khi chúng lại hối hận quá, nhìn nhau mà khóc. Nhưng rồi lại cứ phải chửi nhau luôn sau đấy. Có khi mâm rượu làm ra để xin lỗi, ăn chưa trọn bữa, chúng lại hắt cả nồi niêu bát đĩa đi, đánh nhau được rồi.
Một hôm, đi ra tỉnh cất hàng về, con vợ dắt theo một con bé độ mười một, mười hai tuổi, giống nó như mẹ với con, cũng da thiết bì, mắt trắng dã, người cứng như que rào. Nó hí hửng, vừa cười nhe cả lợi ra vừa nhăn nhó bảo chồng:
- Cậu ạ, con nuôi của chúng ta đây này!
Rồi nó kể lại lúc gặp con bé ấy:
- Tôi chẳng biết nó là con cái nhà ai. Nó cũng không biết cha mẹ nó. Nó bảo nó lạc tự còn bé. Mế nuôi nó đánh nó nên nó trốn đi. Nó lang thang hai ba hôm nay rồi. Sáng hôm nay, tôi giở đi, nó giở lại, tôi trông thấy nó, nó trông thấy tôi, thế là nó ôm choàng lấy tôi mà khóc đòi theo tôi về nhà.
Đức chẳng tin cho lắm nhưng hắn cũng không muốn hỏi lôi thôi. Hắn bằng lòng nuôi con bé. Từ đấy, trong nhà lại um thêm lên một bực. Bởi vì vợ rất nuông con bé, chồng hơi động đến thì vợ lại cong cớn, xỉ vả.
Từ hôm ấy, con vợ lăng loàn của hắn, đối với hắn, vụt thành ra quái gở. Hắn không còn nhận ra mặt nó. Mặt nó mỗi lúc một khác, một ngày đến một trăm thứ mặt. Lắm lúc, mắt nó long lên, trông sợ lắm. Có đêm, đang ngủ tự nhiên giật mình tỉnh dậy, Đức thấy trống ngực đập như đang sợ hãi; hắn mở mắt ra thì thấy vợ ngồi chống tay nhìn mặt hắn; tóc nó xõa xượi, mắt nó lấp lánh trong bóng tối. Đức lạnh toát người không dám giẫy, hắn nhắm mắt lại cố tĩnh tâm, chờ. Nhưng vợ hắn đã lại nhẹ nhàng nằm bên cạnh hắn: nó biết chồng nhìn thấy chăng?
Trời ơi! Nó là người hay là cái quái gì về đây báo oán? Đức càng ngày càng nghi ngờ và càng lo. Quả thật, tự nhiên đâm đầu về cái quê tối mò mò mà ở, người ta nhút nhát đi là phải lắm. Cảnh vật thì yên tĩnh quá; những giậu tre rậm như rừng, chiều đến, thở ra u ám; khu vườn hẻo lánh tựa bãi tha ma; đất này là đất hoa màu, nhiều vườn ít ruộng, vì thế nhà nọ cách nhà kia xa lắm. Cái nhà gianh của bà cháu Đức đứng chơ vơ giữa một cái vườn chuối, có giậu bao vây thành một khu riêng, trước mặt là cái nhà thờ, trừ hai tuần làm phúc còn quanh năm lặng lẽ như một nơi bí mật. Từ trong nhà thờ, thỉnh thoảng đưa ra những tiếng gỗ kêu; ai đã ở lâu ngày một nơi tĩnh mịch đều nhận rằng những cái kèo, cái cột, một đôi khi vô cớ kêu rền rĩ, hình như chúng tê mỏi mà vươn mình hay sốt ruột mà rên lên. Chốn này có vẻ như một nơi ma ở quá! Đức tiếc cái miền đất đỏ quanh năm nắng chói trong Nam Kỳ. Ở đấy, hắn có biết sợ là gì đâu? Hắn trông một người chết cũng như một con mèo chết. Mà chẳng có ma mãnh gì, ai cũng táo tợn và gan góc, không sợ tội cũng như không tin phúc; những cái uất ức và liều lĩnh của bốn phương đến tụ họp nơi này. Ở đấy chỉ có người nhát lại ma; những sự kì dị như Đức vừa nhận thấy làm gì có được? Thốt nhiên hắn muốn đưa vợ đi chỗ khác. Đến những chốn đông đúc như đến vùng mỏ để nhập bọn với những trai tứ chiếng, gái giang hồ; đời của hắn sẽ pha trộn với đời của bọn kia; hắn sẽ lại có đủ gan góc để đối phó với bất cứ một cái ghê gớm gì, người hay ma. Những tay anh chị đều luyện cái gan dạ của họ theo cách ấy: không ai cứ ngồi ở nhà mình mà thành du côn. Phải đến những chốn mà người ta gọi là “quân hồi vô phèng” để xem bọn cố cùng đem máu của mình ra mà tranh sống, để mà tập sự. Trước kia, nào Đức giỏi giang gì? Thế mà chỉ sống ít lâu ở nơi đồn điền, hắn đã học được những cách “chơi nhau” rất ngược. Cái nhà quê ủy mị và nhu nhược này quả có làm con người mềm yếu đi!...
Suy tính kĩ càng như thế rồi, nhân lúc vợ đi vắng, Đức bảo bà rằng:
- Con không ngờ nó lăng loàn đến thế. Con những tưởng đem nó về chốn nhà quê hiền lành này cho nó bắt chước người ta mà tu tỉnh lại. Ai ngờ nó vẫn cứ chứng nào tật ấy. Ở đây mà nó cứ giở cái giọng du côn ra với con thì con không thể cũng giở cái giọng du côn ra với nó. Chi bằng con lại đưa nó đến cái chốn du côn để trị cho nó biết tay, kẻo nó tưởng con sợ nó.
Bà quản Thích thở dài không nói gì: bà đã nhất định không dự vào công việc riêng của chúng.
Vợ Đức ở đâu xồng xộc vào:
- Cái giống nhà mày bạc! Cái giống nhà mày Thiên lôi!
Chà! Quá lắm! Đức không thích nghe nó nhắc đến dòng dõi hắn. Hắn nghiến răng lại. Chẳng qua cũng bởi cái con đĩ Nhi hớt cho nó biết. Hắn muốn băm vằm Nhi ra. Hắn quắc mắt lên, hai má hắn hõm vào để cái mũi phình hẳn ra. Trông cái mũi hắn như dọa nạt. Hắn muốn vồ lấy con dao nhảy bổ vào mà đâm, mà chém. Nó cứ nói lên tiếng nữa! Nó cứ nói lên tiếng nữa!
Nhưng nó ngồi phịch xuống đất, ôm mặt hu hu khóc. Bỗng nhiên nó làm như người hờ:
- Ối trời đất ơi! Sao mà cái kiếp tôi nó khổ như thế này? Tôi đã vất hết mọi cái đi vì người ta, mà người ta thì coi tôi như cái rơm, cái rác. Tôi giết người vì người ta mà người ta định giết tôi!
Mặt Đức tự nhiên chùng lại. Hắn tỏ ra mệt mỏi và chán nản trút tất cả nỗi hung hăng ra thành một tiếng thở dài. Con vợ vừa khóc, vừa rên rỉ, vừa đi về buồng. Trưa hôm ấy nó nhịn cơm. Đức thấy nó cứ nằm úp mặt vào tường mà khóc lóc, đứa con nuôi của nó chạy ra, chạy vào, buồn thiu. Đức thấy lòng băn khoăn, một cảm giác giông giống như là hối hận: có lúc hắn gần thương hại nó... Nhưng bỗng nhiên hắn nghe tiếng nó cười. Trời ơi! Tiếng cười sằng sặc, nức nở như tiếng khóc, tiếng cười của một kẻ vừa hóa điên. Hắn chạy vào! Không khéo thì điên thật! Nó đang đổ tất cả kim chỉ, xà phòng, lơ, bít tất, khăn tay... đủ mọi thứ hàng vào thùng nước mắm với muối, với mắm tôm... rồi lấy một cái gậy, ngồi trên giường mà ngoáy cho nháo nhào cả đi. Không đợi hắn quát mắng, nó nhe răng cười...
- Cậu ơi! Cậu vào đây em nói chuyện. Em đổ hết cả hàng đi đây!
Hắn lắc đầu. Nó vẫn cười tươi tỉnh:
- Chả để làm gì, cậu ạ! Để cũng không ai đi bán cho cậu nữa. Mà trông thấy cậu thêm đau lòng. Mẹ con em sắp bỏ nhà mà đi đấy!
Đột nhiên, nó lại hu hu khóc. Đứa con nuôi, đứng đấy cũng hơi sụt sịt. Tức khắc, nó lại quệt tay áo lau nước mắt, chỉ vào mặt con bé, quát:
- Việc gì mà mày khóc! Tao đi đâu, mày đi đấy. Tao có ăn, mày có ăn. Tao có chết tao đâm mày chết trước.
Con bé sợ hãi không dám khóc nữa. Đức vẫn ngẩn mặt ra, không hiểu gì. Con vợ trông thấy, nắm lấy tay hắn, dìu cho ngồi xuống bên cạnh:
- Mời cậu ngồi xuống em thưa chuyện. Em cũng tưởng về đây, xa cái “chốn ấy” đi thì em khuây khỏa quên đi được. Nhưng mà không cậu ạ... Em làm khổ cậu nhiều lắm rồi. Em còn ở nhà ngày nào, cậu còn khổ sở ngày ấy. Em đã nghĩ kỹ: em đi cho khuất là tốt hơn...
Đức thở dài. Nó nắm tay hắn, dịu giọng lại, mắt rơm rớm ướt:
- Thôi, cậu cũng chả nên buồn làm chi. Duyên kiếp đôi ta cũng chỉ đến đây là hết. Từ trước đến giờ, em làm cậu đau đớn không biết bao nhiêu mà kể, em biết lỗi lắm! Em xin cậu hết. Cậu cho em đi nhé!
Đức vẫn thẫn thờ như không nghe thấy gì. Nó thở dài rồi nói tiếp:
- Tiền bạc, đồ vàng ngọc trong hòm, em không lấy một ly. Cậu cũng không nên giữ. Em đi rồi, cậu đem ra sông mà vất hết đi.
Bấy giờ Đức mới nói:
- Thế mợ lấy gì mà đi bây giờ. Tay không làm gì mà ăn?
Nó lắc đầu:
- Em không sợ. Em làm ra tiền mà ăn. Không đi ăn mày.
Đức bảo nó:
- Thì tội gì mà khổ thân. Cứ ở nhà này.
- Không.
- Thế thì tôi đi với mợ.
Nó sợ hãi:
- Không!
Đức nghĩ ngợi. Nó bảo:
- Cậu đừng nghi ngại. Em chẳng đi theo đứa nào đâu. Em đi một mình.
Đức dỗi:
- Thì tùy mợ. Tôi cấm làm sao được?
Nó khuyên nhủ:
- Em đã nói hết nhẽ. Lòng em thực, cậu thương em, cứ vui vẻ cho em đi.
Nghĩ ngợi một lát, nó lại bảo:
- Nếu em quên được... Nếu em sửa được tính nết em. Em lại trở về với cậu...
Nó lại hu hu khóc:
- Nhưng cậu đừng mong... Em chắc... em chắc... không đời nào...
Bỗng nó lại nhớ đến thùng nước mắm trộn với bao nhiêu thứ khác. Nó lại lau mặt, cười rũ rượi. Nó đạp một cái, thùng đổ tung tóe ra nhà. Nó nhẩy cẫng lên, vừa múa may vừa reo:
- A ha! Phen này thì tan nát! A ha! Con thằng Thiên lôi! A ha! Con thằng Thiên lôi.
Rồi nó quay lại, với đứa con nuôi, the thé:
- Đi! Lại đây con! Lại đây đi với mẹ.
Thế là ngoe nguẩy, đứa trước đứa sau, chúng nó ra khỏi nhà, vênh vênh cái mặt lên, đi thẳng ra phía ngõ, Đức thẫn thờ nhìn theo.

*

- Con ông Thiên lôi, đâm lòi bụng vợ!... Con ông Thiên lôi, đâm lòi bụng vợ!... Con ông Thiên lôi...
Bọn trẻ vừa hát vừa vỗ tay đánh nhịp, chân nhẩy lẫng cẫng chỉ đợi hắn nổi hung là ùa nhau chạy. Đức quay lại ngớ ngẩn nhìn. Lũ trẻ sợ hãi, lùi thêm mấy bước. Nhưng thấy hắn cứ đứng ngây ra, chúng lại hát to thêm:
- Con ông Thiên lôi, đâm lòi bụng vợ!... Con ông Thiên lôi...
Đức trợn mắt, giơ một ngón tay lên trời. Lũ trẻ cười òa lên. Hắn cũng há hốc mồm ra cười thật to. Lũ trẻ con càng cười. Nhưng bỗng nhiên hắn lăn bò lên đường, lấy tay quờ chân chúng. Chúng thét lên, chạy toán loạn. Có đứa vấp ngã, đứa khác trượt chân lăn xuống vệ đường; đứa nào cũng vội vàng nhổm dậy, chạy tọt vào một cái ngõ nhỏ gần đấy, buông cổng xuống. Đức đứng lên, ngơ ngác nhìn. Quần áo hắn rách và xộc xệch. Từ cái đầu rũ rượi đến bàn chân, đất cát bám đầy như hắn vừa ra khỏi lỗ. Không còn thấy đứa nào, hắn lại lững thững đi, mặt đạo mạo, mồm lắp bắp, đúng như một nhà tư tưởng đi chơi mát.
Ấy, bây giờ hắn lang thang như thế. Hắn như thế từ sau ngày vợ đi. Có lúc hắn đứng lại nhìn trời, ngón tay giơ lên vạch những chữ tưởng tượng lên không khí. Có lúc hắn nắm tay, nghiến răng, dọa nạt một cái cây. Những lúc ấy hắn rít lên:
- Thằng Thiên lôi! Thằng Thiên lôi!
Có khi hắn níu lấy một người không quen, kể chuyện như thế này:
- Cái thằng Thiên lôi giết người như ngóe ấy bây giờ mả nó cháy ngùn ngụt ấy. Hôm nọ tôi đào lên tôi thấy có ba con rắn, hai con chúi đầu vào mắt, ngoáy đuôi vào hai lỗ mũi nó, còn con kia quấn cổ và phun vào mồm nó, trông ghê quá! (Hắn trợn mắt lên). Tôi bắt được hai trăm con đem về thả lúc nhúc trong hòm... Cái hòm của tôi khối tiền, có ba cái nhẫn vàng, năm hòn ngọc với nhiều kim cương lắm. Nhưng đố ai dám lấy, trong hòm có hai trăm con rắn cuộn quanh từng khúc như khúc giồi.
Rồi đột nhiên hắn nhảy sang chuyện khác:
- Cái con vợ tôi ấy mà, nó là cái yêu tinh đấy. Nó có cái đuôi dài một thước hai nhăm phân tây, nó cuốn vào đùi nó ấy. Hễ tôi hơi động vào mình nó, nó lại lè lưỡi ra y như thế này...
Hắn lè lưỡi ra kêu: “he-e” rồi cười rú lên. Lúc thôi cười, mặt hắn lại nghiêm nghị. Hắn lắc đầu và bĩu môi ra, hắn cuống quýt như sợ thật. Rồi đột nhiên, hắn bảo:
- Cái Nhi con nuôi của ông cửu Hòa ấy... này, nó trắng đáo để (hắn toét mồm cười, gật gật đầu ra vẻ thích chí). Này, nó là vợ thầy xu Tài... Xubagiăng coi phu ấy mà. Tôi lột da nó đấy.
Có người tò mò hỏi:
- Thế cái Nhi chết rồi à?
Hắn trợn mắt:
- Còn sống, chết ở đâu! Béo quá!
- Thế sao anh vừa bảo anh lột da nó?
Hắn ngẩn mặt một lúc rồi đáp:
- Ai bảo nó bảo tôi là con Thiên lôi, không chịu lấy? Nó lại xui thằng xu Tài đánh tôi...
Rồi đột nhiên hắn nhẩy cẫng, giơ tay lên múa máy, kêu cheo chéo bắt chước giọng đàn bà:
- Cho nó chết! Cho nó chết! A ha! Thật là tan nát! A ha! Thật là tan nát!
Nói xong, hắn ngoay ngoáy cái đít, ve vẩy hai tay, đi như một người đàn bà chanh chua.
Cái làng yên tĩnh là cái làng Vũ Đại lại được dịp xao lên lần nữa:
- Trời có mắt đấy các bà ạ!
- Đời cha ăn mặn, đời con khát nước thay đấy mà!
- Đấy, cứ ăn ở độc ác cho lắm vào!
Ai cũng tin rằng đó là một việc sờ sờ quả báo. Duy bà quản Thích, những đêm đau mình mẩy không ngủ được, nằm đấm lưng thùm thụp mà nghĩ đến người con, vừa rên rẩm vừa kêu lên rằng:
- Ối trời cao đất dầy ơi! Suốt đời tôi chả ăn ở độc ác với ai mà sao đến bây giờ thân đã gần kề miệng lỗ vẫn còn chưa hết tội?...

Nhà xuất bản Cộng lực - 1944

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét