Quên điều độ
Tác giả: Nam Cao
NXB Văn Học - 1986
Đây không phải là một người điều độ vì điều
độ. Hài điều độ vì bắt buộc. Hắn không có sức dư để bứa bừa. Hắn cũng không có
tiền. Hài mới hăm nhăm. Cái tuổi đương xuân, cái mạch máu đầy căng, đôi môi chẳng
chán cười. Bắp thịt dẻo nên chân đi không biết mỏi. Dạ dày có thể giãn ra như một
cái túi cao su. Đôi mắt nhìn khoái trá như ăn. Ham muốn là cái phễu chẳng đặt
vào đâu. Tin tưởng mạnh ngay với đôi tay cứng cáp. Bởi vậy chẳng có cái gì có
thể gọi là thái quá. Ấy là nói cái lúc đương xuân của những thanh niên khác.
Không kể Hài.
Hài đương xuân mà không biết cái sướng của
người lúc đương xuân. Hắn có bệnh tim. Hắn lại đau phổi nữa. Ông bố hắn là một
người nghiện rượu. Bà mẹ hắn chết non vì bệnh sản hậu lao. Hắn yếu ngay từ lúc
chửa sinh ra. Đã thế nuôi nấng lại sơ sài. Hắn không chết yểu cũng là may đấy.
Năm hắn lên sáu, thấy hắn hiền, người ta đoán: thằng này học được đấy, nó không
ham chạy nhảy như con nhà khác. Người ta nhốt hắn vào lớp. Ông thầy quát mắng.
Ông thầy đánh đập. Hắn nhát nên chăm chỉ. Học chẳng có gì là lanh lợi nhưng hay
thuộc bài.
Năm hai mươi, hắn đậu bằng tốt nghiệp thành
chung. Năm hăm mốt hắn trúng tuyển kì thi thư ký vô tuyến điện, bao hơi sức đã
phí đi để tranh một việc làm. Còn sức đâu mà làm việc? Chưa qua được thời kỳ tập
sự Hài đã ốm. Hắn xin thôi việc. Không có tiền để nằm ở các bệnh viện, hắn về
nhà quê để chạy chữa. Ở nhà quê có đủ cơm đã là may. Tiền đâu thuốc thang? Hắn
chỉ chữa bệnh bằng nghệ sống, bằng nước rau má tía, bằng nước tiểu trẻ con. Ba
món ấy của ba người. Mỗi người mách một món, chẳng biết ai hay. Hắn dùng cả ba
món cùng một lúc. Được cái những vị ấy không đắt lắm. Nghệ có sẵn ở trong vườn.
Rau má tía mọc hàng rừng ở vệ đường, trẻ con thì nhà nào cũng có, trẻ nhà nào
cũng biết đi tiểu cả. Được đi vào một cái cốc thì thú lắm. Chúng không đòi tiền...
Cũng nhờ vậy mà Hài dùng ba món thuốc trên này được khá lâu. Đến ba năm. Ấy thế
rồi hắn khỏi. Tự nhiên mà khỏi. Hay không khỏi thì cũng vậy. Bởi có những cơ thể
lâu ngày quen với bệnh. Bệnh vẫn còn ở đấy nhưng người vẫn không chết gì.
Có lẽ Hài cũng thế chăng? Hắn đợi chết mà
không chết. Ấy thế mà Hài có cái bằng tốt nghiệp thành chung. Hài có quyền mở một
cái trường tư. Hắn xin phép mở. Mở trường tư cũng phải là một người đủ sức. Người
ta đòi một giấy chứng nhận của đốc-tờ. Hài phải đến phòng khám bệnh của một y
sĩ xin một tờ chứng chỉ.
Viên y sĩ nghe tim, ông đã lắc đầu rồi.
Nhưng bởi tò mò nên ông nghe thêm phổi nữa. Ông trố đôi mắt thật to nhìn Hài.
Nhìn một lúc khá lâu ông mới bảo:
- Ông có bệnh.
Hài thốt nhiên lại thấy mình ốm yếu. Hắn
tái mặt. Viên y sĩ tiếp:
- Ông đau tim nặng. Phổi cũng không được
lành.
Hài đứng ngay người không nói được, hắn gần
muốn khóc. Viên y sĩ phải nói cho hắn hiểu:
- Thế nghĩa là tôi không thể chứng nhận rằng
ông khỏe, ông đừng dạy học.
Hài hoảng hốt. Đừng dạy học! Thế thì hắn
làm nghề gì để kiếm ăn? Hắn năn nỉ:
- Ngài thương tôi, tôi nghèo lắm. Tôi cần
phải kiếm tiền để sống.
- Tôi biết. Nhưng còn lương tâm nghề nghiệp...
ông mà dạy học thì ông chết mau lắm đấy!
Hài cười gượng.
- Chết mau nghĩa là chưa chết. Nếu tôi
không dạy học thì chết ngay, bởi không ai có thể sống mà không ăn.
Lý luận cũng hay hay. Nhưng viên y sĩ không
thể để cho mình bị cám dỗ. Ông khăng khăng từ chối. Hài phát khóc. Hắn đành nói
dối:
- Ngài thương cho. Tôi xin hứa chỉ đứng làm
hiệu trưởng trông coi chứ không dạy học.
- Không có lý!
- Tôi xin hứa... Ngài thương cho!...
Mặt Hài lúc ấy chắc là thảm lắm. Bởi viên y
sĩ đã thành ra do dự, sau cùng, ông tặc lưỡi ngồi vào bàn giấy.
- Tôi nể quá. Nhưng thật là tôi giết người.
- Ngài đừng lo.
Tờ chứng chỉ xong rồi. Viên y sĩ đưa cho
Hài và bảo:
- Ông nghe tôi. Đừng làm việc lắm. Nếu làm
việc ông không sống lâu được.
Hài muốn cảm ơn. Nhưng ông đã vội xua Hài
ra như xua một điều hối hận. Ra đường phố, Hài buồn rầu rĩ. Hắn đau tim. Hắn
đau phổi. Hắn không thể làm một việc gì nặng nhọc... Cái đời hắn chỉ là một cái
đời vất đi. Thà chết ngay đi cho rồi!
Phải, thà chết ngay! Hài nghĩ thế để có can
đảm mà dạy học, thật ra cũng chẳng cần can đảm. Hắn không dạy thì chết đói. Thiếu
gì kẻ chẳng lấy gì làm can đảm vẫn phải bán dần dần sự sống đi để cho mình khỏi
chết. Có lẽ chết đói là một cách chết mà chúng ta sợ nhất trong bao nhiêu cách
chết. Ta có thể liều chết mà kiếm ăn.
Hài cũng vậy. Hắn tự nhủ: sống như mình vô
ích quá! Thà cứ làm việc cho chết quách. Nhưng đồng thời lại nghĩ ta cần vệ
sinh. Có như vậy thật, Hài thật là một con người vệ sinh. Hắn ăn có chừng thôi.
Và chỉ ăn rau. Rau đã lành lại rẻ. Không bao giờ uống rượu. Chỉ uống toàn nước
lã. Uống nước lã đun sôi vừa lành vừa thanh đạm lại không tốn một đồng xu nhỏ.
Hắn không hút thuốc lào, thuốc lá. Hắn không đi xem hát, xem chớp bóng để dành
thì giờ mà ngủ. Hắn không đi xe để dùng cách đi bộ làm thể thao. Sự vệ sinh ra
cũng rẻ. Thật hợp với một người không có tiền. Người điều độ chính là một người
khôn ngoan.
*
Vậy Hài sống dè sẻn lắm. Trong khi dè tiền
hắn dè luôn sức khỏe. Hoặc hắn dè sức khỏe đề dè tiền, hai đằng cùng thế cả.
Cái kết quả thật tốt đẹp. Cái lối sống chắt bóp chịu mãi cũng quen đi. Cũng như
bệnh phổi và bệnh tim.
Nhưng một buổi tối, Hài đã gặp lại một người
bạn cũ. Lúc ấy đèn phố vừa mới bật. Người tấp nập, các màu áo rộn ràng. Hài thật
là một vật tối giữa đám đông tươi vui ấy. Hắn đi lủi thủi. Đầu hắn cúi. Đôi vai
cụp xuống. Hôm ấy là đầu tháng. Cũng như tất cả những buổi tối đầu tháng khác,
hắn đang đi thẳng đến một hàng tạp hóa để mua một lạng phẩm tím về pha mực. Đấy
là mực của học trò trước kia. Mực học trò viết, học trò phải đem ở nhà đi. Như
thế rất lôi thôi. Bởi vì chúng đánh đổ luôn. Thành thử có đứa mỗi tháng mất đến
năm xu mực. Hài bèn bảo chúng góp cho thầy mỗi tháng một xu. Thầy đi mua phẩm lạng
về pha tiện cho chúng mà thầy cũng có lợi đôi chút nữa. Lợi dăm, sáu hào gì đó,
Hài đã tính. Nhưng hắn hay quên lắm. Hắn không còn nhớ rõ hắn lợi được sáu hào
mấy hay năm hào mấy. Và bởi vì hắn không lúc nào chịu rỗi, nên hắn lại đang nhẩm
tính lại xem cái số lợi ấy là mấy hào, mấy xu... Bỗng hắn bị một người nắm lấy
vai. Hắn giật mình. Một thứ tiếng trọ trẹ Sài Gòn đã kêu lên:
- Ủa! Anh Hài!
Hài ấp úng:
- Trời đất ơi! Trời đất ơi!
Thư vừa nói vừa đập vào vai Hài bồm bộp.
Tính anh như vậy. Anh bồng bột. Trong lúc mừng rỡ quá, mặt anh đỏ bừng lên. Mắt
anh loang loáng. Hài thì bình tĩnh hơn một chút. Nói là chậm chạp thì cũng được.
Hắn có vẻ như mệt mỏi. Bởi hắn đã già hơn một chút. Cái nghề dạy học làm người
ta chóng già. Thư nắm lấy cánh tay hắn kéo đi như đội xếp kéo một thằng móc
túi:
- Vào đây! Trời đất ơi! Tôi không ngờ lại
được gặp anh Hài ở đây. Thế nào?
Họ bước vào một tiệm ăn. Đèn sáng trưng.
Các bàn ăn phủ khăn rất phẳng. Thư kéo ghế ngồi ngay ở cái bàn nghênh ngang giữa
hiệu và bảo Hài ngồi xuống. Một anh bồi chạy đến. Thư hỏi Hài:
- Anh uống gì?
Hài lúng túng, Thư vụt nhớ:
- À, hình như anh cữ rượu.
Hài vội vàng chộp lấy:
- Vâng, chính thế. Đốc-tờ bắt kiêng.
Hắn có vẻ tự kiêu. Hình như được đi hỏi đốc-tờ
là một cái gì đáng để cho người ta kiêu lắm. Nhưng Thư không để ý. Hắn thản
nhiên bảo bồi:
- Lấy bia vậy. Bia nó nhẹ.
Trong khi ấy, Hài đã có thì giờ nhìn kỹ
Thư. Thư khác trước. Chẳng còn có vẻ gì của một anh chàng thất nghiệp đến ăn
báo Hài, hồi Hài còn làm vô tuyến điện. Quần áo Thư sang lắm, thứ thuốc lá y
hút là thứ thuốc Ăng-lê rất đắt tiền. Hài tự hỏi: “Thư làm gì mà có vẻ như giàu
vậy?”.
- Anh đổi về đây bao giờ?
- À...
Hài ầm ừ không trả lời. Hắn chưa biết có
nên nói rõ cho Thư biết hắn đã thôi làm việc ở vô tuyến điện rồi hay không. Hắn
hỏi:
- Bây giờ anh làm gì?
- Tôi buôn bán. Tôi có một cái nhà máy làm
đường ở Hiệp Hòa.
Hài choáng người. Thư làm chủ một cái nhà
máy! Và Hài nghĩ đến thân phận mình... Nhưng Hài không kịp buồn, Thư đã bảo:
- Tôi kiếm anh hoài. Hỏi chỗ cũ người ta bảo
anh bị đau xin nghỉ. Tôi đoán anh về Bắc. Lớp này ra Bắc tôi định về thăm nhà
xong lên Hà Nội chơi ít bữa rồi đi các đài vô tuyến điện tìm anh. Không ngờ được
gặp ngay anh ở đây. Tôi sướng quá. Chúng mình phải đi chơi suốt đêm nay mới được.
Ăn xong chúng mình đi hát. Anh về Bắc đã lâu chắc là thạo trống.
Hài mỉm cười và lại ừ hữ để không trả lời.
*
Tiệm ăn ra, Hài thấy đầu nặng mà chân thì
nhẹ. Ánh đèn phố nhập nhòe, những cửa hàng, những cột đèn, những cái cây, những
người đi, những xe cộ trên đường đều chập chờn, chập chờn. Những tiếng xôn xao
bên tai Hài không nghe rõ nữa. Hài thấy vui lắm, buồn cười lắm. Môi Hài mấp máy
chực cười luôn. Chân Hài bước mạnh dạn tuy có hơi chập chững. Hài say rượu, bởi
vì đến lúc ăn, Thư đã gọi bồi lấy rượu vang, Thư bảo Hài uống một chút cho vui.
Hơi men của cốc bia đã ngấm rồi. Hài nhận uống, Hài uống hết một cốc thì Thư lại
bảo: làm chút nữa. Hài tặc lưỡi: “Ừ, thì uống!”. Uống thêm một cốc cũng không
thể chết. Mà có chết thì cũng được. Ấy thế là sau cốc ấy, Hài lại uống thêm cốc
thứ ba. Giá có uống một cốc thứ tư nữa thì cũng được. Nhưng Hài không uống nữa.
Bởi vì Thư đã không mời uống nữa. Thư biết bạn đã say lắm lắm. Mặt Hài đỏ gay.
Mắt Hài đã lừ đừ. Hài bắt đầu nói to và hai bên mép thỉnh thoảng lại xếch lên
mang tai vô cớ. Thôi đủ rồi, Thư trả tiền và dắt Hài đi ra.
Thư hỏi Hài:
- Đi hát chứ?
Hài nói to như thét:
- Đi chứ. Cố nhiên là phải đi.
Rồi Hài vịn vào vai Thư cười khanh khách. Mặt
Hài co rúm lại một cách vừa buồn cười vừa thiểu não. Mấy người đi phố nhìn Hài
với con mắt khó chịu hoặc ngạc nhiên. Thư uống rượu đã quen nên còn đủ tỉnh táo
để mà nhận thấy. Anh hơi ngượng. Anh gọi hai cái xe. Hài lảo đảo bước lên một
cái ngả hẳn người về đằng sau. Thư cẩn thận bảo xe Hài đi trước.
Rượu ngấm dần. Bây giờ thì Hài thật đã say
mềm, cái xe hạ xuống suýt làm hắn ngã. Thư phải khoác một tay mà đỡ bạn. Bọn
con em trong nhà hát chạy ra, xoa xuýt cười. Hai người vào. Vừa ngồi xuống, Hài
đã gục luôn xuống bàn. Họ chẳng trống phách gì. Bởi vì Hài đã say quá mà Thư
không biết trống. Cũng may cho Hài vậy. Bởi vì thật ra thì Hài cũng không biết
trống. Người ta mời Thư uống nước. Hài nghe tiếng nhưng không cất đầu lên được.
Hài thấy người ta đỡ Hài đi vào trong giường...
Khi Hài tỉnh cơn say thì một chiếc đồng hồ
rè rè đánh ba giờ. Mấy chiếc khác gần hoặc xa xa nhắc lại. Chẳng hiểu sao, Hài
hơi buồn buồn. Hắn mở mắt ra. Chỉ còn một ngọn đèn xanh vẫn thức. Ánh sáng rất
thanh nhẹ tỏa xuống, rây qua lần vải màn lớt phớt, vào giường. Cái giường đượm
hương thơm. Đấy là nghĩ của Hài. Bởi vì một đôi khi Hài có đọc một cái truyện
ngắn hoặc một bài thơ đăng trên một tờ báo hằng ngày hắn mượn được của một người
hàng xóm. Thật ra thì cái hương thơm ấy chỉ là một mùi nước hoa hạng rẻ tiền.
Nhưng Hài có biết gì về cái thứ nước hoa. Hắn đã cho là tuyệt lắm. Tuyệt nhất
là hắn lại thấy cạnh mình một người thiếu nữ.
*
Sáng hôm sau ở nhà hát ra, Thư hỏi:
- Bây giờ chúng ta đi về nhà anh chứ?
- Ừ, cũng được.
Cũng được, nhưng có lẽ Hài không thích lắm.
Vẻ mặt hắn ngập ngừng. Hắn không muốn cho Thư nhìn rõ cái thực cảnh của hắn hôm
nay. Thư đoán ra chăng? Hay anh chợt nhớ ra một việc gì khác? Anh lại bảo:
- A, nhưng mà không được. Tôi còn phải lại
đằng này một chút. Anh cho tôi biết số nhà...
- Nhà tôi không có số. Chỗ tôi ở khá xa mà
hơi khó tìm. Có lẽ cứ để tôi tìm anh lại tiện. Rồi tôi sẽ đưa anh về.
- Vậy càng tốt lắm. Tôi ở 26 Fouqueton, bao
giờ anh sẽ tới?
- Chiều hôm nay.
- Thiệt nhớ? Vậy chiều hôm nay...
Hài gọi một cái xe về nhà. Sự hoang phí ấy
sở dĩ có là bởi vì hắn đã mệt rã rời.
Nhưng cũng bởi hắn đã được hưởng một cuộc
ăn chơi tốn hàng mấy chục đồng mà chẳng phải bỏ ra một đồng xu. Vậy thì bây giờ
có bỏ ra vài hào chỉ cũng còn lợi chán. Đến nhà thì học trò đã đầy trước cửa. Đứa
ăn quà, đứa trêu chọc bạn. Hài nghĩ đến tám giờ đồng hồ, quát tháo, chấm bài, đập
thước xuống giường chan chát. Hắn thấy trong ngực cuồn cuộn buồn mửa. Làm việc
quả thật chẳng có gì vui vẻ. Hôm ấy hắn cắt nghĩa bài uể oải. Đôi mắt đỏ ngầu mệt
mỏi. Chốc chốc hình ảnh người thiếu nữ lại trở về, dắt theo hình ảnh những phút
vui đêm trước. Hắn lại thừ người ra một lúc rồi hắn lại tự bảo: “Những cuộc vui
hại người”.
Tuy vậy vừa tan buổi học chiều, hắn lại đi.
Hắn nhịn cơm. Và cái đầu, quần áo chải chuốt hơn mọi bữa. Hắn nhấp nhỏm chỉ sợ
Thư sai hẹn. Nhưng may quá! Thư vẫn đợi. Hai người dắt nhau đi. Buổi tối bắt đầu
bằng một cốc bia như bữa trước. Hài đã quen nên làm việc ấy thản nhiên. Nghĩa
là cái sự ngồi ở một bàn nghênh ngang chẳng còn làm Hài cảm động. Lát nữa, khi
bước vào nhà hát, Hài cũng sẽ cố thản nhiên như vậy. Như một người ăn chơi. Muốn
làm dáng từ giờ hắn hếch cái cằm lên mỉm cười khẽ hỏi Thư:
- Thế nào?
Thư không hiểu. Bởi vì Thư quên cái việc đi
hát ngay từ lúc mới ra khỏi nhà hát. Hài ngượng nghịu nhưng vẫn cố giữ nụ cười,
hỏi lại:
- Buổi hát tối hôm qua thế nào?
Thư nhấc bàn tay lên khỏi vế đùi, hơi ngả
người về đằng sau trợn mắt bĩu môi. Đây là điệu bộ của một người thất vọng. Anh
kêu luôn bằng tiếng Pháp.
- Ồ, chán chết... chúng nó hắc như thuốc thụt
muỗi và bẩn như một cái chân sâu quảng.
Hài cúi mặt. Hắn thấy Thư làm bộ và đáng
ghét. Mới có tiền một chút mà đã kênh kiệu thế. Hắn nhìn một người đang chúi mặt
xuống một đĩa đồ ăn ở mãi một bàn xa để khỏi phải nhìn Thư. Hắn hơi buồn buồn.
Câu chuyện giữa đôi bạn thành rời rạc. Hai cốc bia đã cạn, Thư hỏi:
- Ta có ăn không?
- Tùy đấy
- Tôi thì không thấy đói.
- Tôi cũng vậy.
Và Hài lại càng bực mình thêm lên. Thư gọi
bồi lại đưa cái giấy năm đồng cho hắn ra quầy trả. Người bồi đem tiền thừa lại.
Thư ừ hữ cầm lấy. Hai người đi ra.
- Đi đâu bây giờ?
- Tùy đấy!
- Hay lại đi hát?
Thư hỏi thế với một cái cười chế nhạo. Hắn
tặc lưỡi.
- Đi làm quái gì.
Bỗng Thư reo lên:
- Kìa Bình!
Lại là một người bạn nữa. Người phốp pháp, da
sáng sủa, áo quần sang trọng. Họ có vẻ mừng rỡ lắm. Họ tranh nhau nói cười vồ lấy
nhau. Hài có vẻ bị quên. Hắn lấy làm khó chịu. Ba người cùng đi một quãng. Hài
chợt bảo:
- Thư này.
- Gì vậy?
- Hai anh đi nhé, tôi phải đi đằng này có
tí việc.
- Vậy hả? Có cần không?
- Cũng hơi cần.
Thư chìa tay ra.
- Vậy để chút nữa. Chúng tôi chờ anh ở chỗ
nào?
- Đừng đợi nữa.
- Sao vậy?
- Có lẽ tôi không đủ thì giờ.
- Đáng tiếc! Vậy thì mai nhé?
- Ừ, ngày mai.
Hài trả lời rất khẽ. Bởi vì Hài định chẳng
bao giờ còn tìm Thư nữa, Hài đi lộn lại. Được mười bước chân, hắn quay lại nhìn
Thư và Bình. Hai người vẫn nói toang toang như quên hẳn hắn. Hắn cúi đầu, cụp
hai vai, đi lủi thủi...
Hắn đến hàng tạp hóa như mọi khi, mua một lạng
phẩm tím. Rồi hắn lại đi bộ về. Chiều hôm sau, hắn ăn cơm xong, đi nghỉ sớm. Và
tự bảo:
- Người điều độ thật là một người khôn
ngoan.
Đăng
trên Tiểu thuyết thứ Bảy
Số
478, ngày 11-9-1943
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét