Đôi móng giò
Tác giả: Nam Cao
NXB Văn Học - 1986
Ngay cái tên cũng khó nghe rồi. Thà cứ là
Kèo, là Cột, là Hạ, là Đông. Là gì cũng còn dễ nghe. Nhưng hắn ta lại là Trạch
Văn Đoành. Nghe như súng thần công. Nó chọc vào lỗ tai.
Đã thế cái mặt hắn lại vênh vênh, ngậu xị
thế nào... đôi lưỡng quyền nhô ra như gây sự với người ta. Hai má thóp vào để
tiếp sức cho hai cái lưỡng quyền. Cái mũi bóp lại ở trên để cho dưới được banh
ra. Nó phệ bụng ngồi trên một cái vành trăng khuyết màu đen giống như hai cái sừng
trâu chắp liền lại với nhau: ấy là những cái ria ngoắt hẳn lên. Cái hàm răng vổ
làm môi trật hẳn ra. Những cái răng dọa nạt ai; y như một con chó khi nó gừ gừ
với một con chó khác. Nhưng tất cả những cái ấy còn có thể tha thứ được. Lỗi ở
tay bà mụ nặn. Song những con mắt, những con mắt nó là tấm gương của linh hồn.
mới đáng ghét vô cùng. Chúng chỉ bé thôi nhưng chúng lăn tăn, chúng lấp lánh
như nhạo, như cười, như khinh khỉnh với người ta. Chúng chẳng nhìn xuống bao giờ.
Chúng nhìn thẳng, chúng nhìn nghiêng. Cái nhìn tự đắc như cái nhìn của một kẻ
có thể nhắc người ta lên như nhắc một cái lông. Ghét lắm!
Cái đầu Trạch Văn Đoành không húi như đầu của
chúng ta. Một lối riêng. Hắn gọi là mốt tiền văn minh, hậu nhà sư. Đằng trước
có mấy món tóc dài để chải lật lên. Đằng sau cạo nhẵn thín như quả bưởi. Cho nó
sạch. Hắn tặc lưỡi và bảo thế những khi vui miệng. Bởi vì nếu hắn không vui miệng
thì hắn không nói thế. Hắn không thích cắt nghĩa những việc làm của hắn. Ai nói
gì, mặc họ. Hắn cứ làm theo ý hắn và không cần nói để tự bênh vực mình.
Ngay những cái ăn, cái mặc của hắn cũng
khác người. Cái ăn bất tất nói làm gì. Người ta ăn ở trong nhà. Vậy thì ai muốn
ăn thế nào tùy thích. Ông cũng vậy mà tôi cũng vậy. Ít ra chúng ta cũng có có một
xó để tự do. Khi cửa nhà chúng ta khép kín. Ta có thể lố lăng mà không bận gì đến
ai. Nhưng chúng ta mặc áo chỉnh tề để ra đường. Vậy thì quần áo sở dĩ có, một
phần lớn không phải vì ta, mà lại vì những con mắt nhìn ta. Đã vì chúng, thì
chiều chúng một tí kể cũng là phải lẽ. Muốn chiều chúng thật nhiều thì cũng được.
Trạch Văn Đoành không thế. Nghĩ đến cách mặc của hắn bao giờ người ta cũng nghĩ
đến mùa đông. Bởi mùa đông mới thật có những người mặc chẳng vì ai, nhưng chỉ
vì sự dễ chịu của mình. Đoành thuộc vào hạng ấy. Suốt một mùa, hắn chỉ mặc một
cái ba-đơ-xuy sắc chó gio. Hắn mua hồi đi lính sang Tây. Có bảy mươi quan. Thế
mà bền. Đến nay, tất cả, có đến ngót ba chục năm rồi đấy. Lần lót rách bươm tự
bao giờ. Nhưng còn cái lần ngoài. Mặc nguyên nó cũng còn ấm bằng mười áo kép. Hắn
mặc suốt ngày suốt đêm, khi ăn, khi ngủ, khi làm, khi chơi. Cái áo ba-đơ-xuy mất
hết cúc rồi. Hắn đơm hai cái dải thật to hình cái bơi chèo. Những khi hắn đi
cày, hai cái giải được bắt giao nhau để thắt lại ở sau lưng. Chặt chẽ và gọn gàng
không kém một cái đai. Những lúc hắn đi chơi hoặc ra đình thì hai dải lại cởi
ra buông xuôi cho lẩn vào hai mép áo trong. Hắn lại có vẻ ung dung lắm. Ai dám
bảo cáo áo ba-đơ-xuy này là cái áo ba-đơ-xuy đi cày? Mà có bảo nữa thì đã sao?
Theo lời mấy ông già bà lão trong làng thì
Trạch Văn Đoành là con một ông lão dở hơi. Lão đi câu. Được đồng nào, rượu tất.
Bởi vì lão không có vợ, nghĩa là có nhưng vợ chết. Vợ lão để lại cho lão một thằng
con trai. Nó giống cha, nghĩa là lớn lên cũng đi câu và cũng rượu bét nhè. Hai
bố con ở với nhau trong một cái lều ở bờ sông. Mỗi buổi tối, những người phải
đi qua, nghe thấy chúng cười như những thằng điên. Bởi chúng say. Mà khi người
ta say, người ta quên cả những sự lầm than của kiếp người, nghĩa là người ta sướng
lắm.
Nhưng một đêm mùa đông rét mướt kia, chẳng
biết run rẩy thế nào, lão già ngã xuống sông và chết ở dưới sông. Cái xác trôi
theo nước. Từ hôm ấy, trong cái lều nhỏ bên sông, người ta không nghe thấy những
tiếng cười như điên nữa. Thằng con sinh ra buồn.
Hắn bỏ làng đi đó đi đây. Đi khắp nước Nam.
Rừng xanh, núi đỏ hắn cũng không biết sợ. Hắn
sang cả Lào, sang cả Cao Miên. Rồi sang cả nước Xiêm. Những nước ấy cũng gần. Hắn
muốn đi một chuyến xa xa. Một hôm hắn xin đi lính chào mào để sang Tây. Năm ấy
là năm “min-nớp xăng cát-tó”. [Năm 1914]
Đình chiến rồi, người ta lại đưa hắn xuống
tàu về nước. Hắn lành mạnh như xưa. Bom đạn không làm hắn xước da. Một hôm người
bạn ắc-ê của hắn trước kia vốn là một nhà nho, kể cho hắn nghe tích Trình Giảo
Kim ở đời Đường. Anh chàng lỗ mãng này mấy mươi lần tính chết mà đều chết hụt.
Hắn cười khanh khách, bởi hắn thấy hắn giống anh chàng ấy. Hình như hắn không
thể nào chết được. Hắn bắt đầu tin ở cung mệnh hắn. Cái cung mệnh của hắn là tốt
lắm, ấy thế là hắn cứ bừa. Chẳng cần gì ai.
Hắn về làng với một con vợ theo, rất nhiều
tiền (hồi ấy bạc trăm đã là to) và phẩm hàm. Hắn bỏ tiền ra, mổ bò, mổ lợn làm
khao. Làng đến ăn rồi làng gọi hắn là ông. Một thằng bạch đinh, con một lão đi
câu chết mất xác dưới sông, bỏ làng đi chán đi chê, rồi đột nhiên trở về nhảy
tót lên bao lan ngồi làm một ông kì mục. Thế thì ai chẳng tức? Ai ở đây là những
ông kỳ mục bỗng bị hắn đè đầu đè cổ. Đó chỉ là một lối nói, thực ra thì các ông
chỉ phải nhường hắn ngồi chiếu trên. Nhường một thằng không chôn nổi bố ngồi
chiếu trên. Như vậy thì nhục quá. Các ông không chịu được. Các ông về hùa với
nhau để chành chẻ hắn, để động hắn mở miệng ra là chèn. Hắn đã khổ với các ông
khá nhiều. Hơi thấy bóng hắn ra đình là các ông nói móc ngay. Các ông bình phẩm
từ cái đầu của hắn rũ rượi như đầu đứa chết trôi (ấy là các ông móc đến cái chết
của bố hắn), đến cái áo ba-đơ-xuy của hắn tã như cái áo thằng đánh giậm (ấy là
các ông móc đến cái nghề đi câu). Các ông nói cạnh cả đến hàm răng của hắn, cái
bộ ria của hắn, cái mặt vác lên trời của hắn. Nhưng vốn bướng bỉnh, hắn không lấy
thế làm nao núng. Hắn chỉ mỉm cười chế nhạo hay khinh bỉ. Đôi mắt soi mói của hắn
không thèm soi mói đến cái mũi, cái mồm hay cái áo the có mùi chua của các ông.
Hắn ngấm ngầm theo dõi đến những việc của các ông làm ám muội. Một hôm, đùng một
cái, hắn đưa bốn ông lên huyện vì việc bao chiếm công điền. Đùng một cái nữa, hắn
đưa mấy ông khác lên huyện vì việc lạm tiêu công quỹ. Rồi đùng một cái nữa...,
và cái nữa... và cái nữa. Luôn năm sáu cái đùng như vậy hắn làm các ông liểng
xiểng. Bởi tội của các ông nhiều như lá trên rừng. Con em chúng nó mù, nhưng hắn
không mù. Hắn bới ra từng tội một, và nhất định sẽ bới ra đến hết. Các ông đâm
hoảng. Các ông đành phải dàn với hắn. Các ông đấm mõm hắn một vài mối lợi. Hắn
không thèm nhận, bởi hắn thừa biết nuốt vào thì há miệng mắc quai. Nhưng hắn bằng
lòng thôi không kiện nữa. Các ông bắt đầu sợ hắn mà hắn cũng bắt đầu khinh nhờn
các ông. Hắn coi các ông như những đồ trẻ con. Để những khi say rượu đùa...
Năm ngoái làng vào đám. Hôm giã đám, có mổ
một con lợn tế thần rồi đồng dân hội ẩm. Đồng dân đây có nghĩa là các cụ. Bởi nếu
trai em cũng thấy có hứng muốn cùng nhau hội ẩm thì đã có các hàng rượu dựng
chung quanh đình.
Lúc tế, ông Cửu Đoành còn ngủ ở nhà. Ông ấy
không biết tế, và cũng không nỡ cởi cái áo ba-đơ-xuy ra để khoác cái áo thụng
xanh vào mà tế. Các cụ miễn đi cho ông vậy! Điều ấy thì ông không phải nài: các
cụ chẳng mong gì có ông; ông cứ ở nhà đến hết đám cho quan viên mừng!
Nhưng ông không ở nhà. Tế xong người ta thấy
ông hai tay thọc vào trong túi áo ba-đơ-xuy sắc chó gio, vênh vênh cái mặt lên
trời đi ra đình. Trông từ đằng xa đã ghét rồi! Nhưng không thể đuổi ông về, các
cụ đành cố tươi cười chào mời ông vồn vã:
- Kìa! Ông Cửu!... Mời ông vào trong này.
Chúng tôi ngồi đợi mãi. Mời ông ngồi thưởng trống.
Ông xua xua cái tay trong túi áo. Cái áo
thùng thình làm hai cái dải bơi chèo thỉnh thoảng lại thè lè ra. Ấy là ông từ
chối...
- Mời các cụ, mời các cụ....Các cụ cho mặc
ý. Con nhà binh, thích chạy nhảy hơn tĩnh tọa.
Ông nháy mắt người ta mấy cái, một ông ra ý
hiểu:
- Vâng! Tôi biết!... Tính ông Cửu nhà tôi
nhân lão nhưng tâm bất lão! Ông còn muốn đi nhìn con gái làng.
- Bẩm vâng!
Nhưng ông Cửu không đi nhìn con gái làng.
Ông đứng chỗ này một lát, đứng chỗ kia một lát. Rồi ông đến chỗ hai bàn làm cỗ
và đứng xem. Ông xem, rồi bàn tán, rồi chia cỗ hộ. Ông nhắc cỗ trên bù cỗ dưới,
vặt đống nọ, bỏ đống kia. Thấy ông lanh chanh như vậy người ta cười thầm ông.
Làm cỗ là việc của hai bàn. Việc của ông không ở đây. Mân mó vào làm gì cho bẩn
tay?
Một thoáng sau là đã lại thấy ông đang nói
gì toang toáng ở gốc đa. Rồi một thoáng sau lại thấy ông cười hô hố giữa một
đám trẻ con xúm xít xem ống nhòm. Nhưng hai bàn đã bưng mâm. Các cụ sai một ông
phó đi tìm ông Cửu. Bấy giờ ông Cửu mới lẹt đẹt kéo lê đôi giày đi vào đình.
Trong đình huyên náo lắm. Các cụ đang hạch hai bàn làm sao lại thiếu hai cái
móng giò? Móng giò có bốn ông to nhất. Lệ làng từ cổ đến giờ vẫn thế. Tuy trong
số bốn ông to nhất chẳng ông nào còn khỏe răng để có thể gặm nổi cái móng giò
nhưng cũng chẳng ông nào chịu mất. Một miếng giữa làng... Đừng có tưởng... Bây
giờ còn có hai cái, thì ông nào ăn ông nào đừng?... Các cụ quát hai bàn như vậy.
Và hai bàn xanh mắt. Họ cãi nhau chí chóe. Anh nọ rằng anh kia để mất. Anh nào,
mặc! Cứ biết là hai bàn sơ ý là hai bàn phải bắt mua can rượu tạ!... Ông Cửu
Đoành không nói gì. Ông chỉ cười. Bởi ông đã đi nhiều, từng trải nhiều nên thấy
nhiều cái to tát hơn cái móng giò nhiều lắm. Hai cái móng giò không đáng kể. Ra
quái gì mà ngậu lên!
Các cụ uống rượu cũng xong rồi, hai bàn đã
giải mâm. Lại hát nhà tơ. Ông Cửu ngồi thưởng trống. Ông bảo đào, bảo kép:
- Hát cho thật hay vào mới được. Tôi nghe
hát, nếu vừa ý, bao giờ cũng có thưởng.
Cô đầu tủm tỉm cười:
- Bẩm vâng!
Hai cô đầu rượu tưởng ông Cửu sộp, đến kèm
sẵn hai bên... Khúc hát xong kép buông đàn, đào buông phách. Ông Cửu đứng lên để
thọc hai tay vào túi áo ba-đơ-xuy màu chó gio. Ông bảo:
- Tớ đã hứa tất cả là phải có. Nhưng tiền
thì thật hết. Tớ đãi cho cái này, có lẽ còn quý hơn tiền nhiều...
Ông rút một tay áo ra, quẳng một cái móng
giò cho anh kép. Ông rút nốt tay kia ra, quẳng một cái móng giò nữa cho cô đào.
Rồi ông quay lại:
- Chào các cụ! Tôi xin vô phép!...
Ông lẹp kẹp kéo lê đôi giày đi qua bọn trai
em, hoan hô ông bằng những tiếng cười nổ như xe phành phành.
Đăng
trong Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số
442, ngày 5-12-1942
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét