Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Đói - Knut Hamsun (Chương 20 - Chương cuối)

20.


Tôi đứng yên, suy nghĩ về điều này, lưng tựa vào tường của một ngôi nhà nơi quảng trường và phố Cảng giao nhau. Bỗng nhiên tôi rùng mình, định lẩn trốn. Nhưng tôi không kịp làm điều đó. Tôi trâng tráo ngước đầu lên - thực ra tôi chẳng còn cách nào khác - và thấy trước mình là “Huân tước”.
Tôi cũng không hiểu vì sao tôi mạnh dạn như thế - thậm chí tôi còn bước lên phía trước một bước để “Huân tước” nhìn tôi rõ hơn. Tôi làm điều ấy không phải để ông thấy và thương hại tôi. Không, đó là cách tôi tự trừng phạt mình. Tôi muốn làm nhục mình, bắt mình phải giơ đầu chịu nhục. Tôi sẵn sàng nằm xuống đất, yêu cầu “Huân tước” dẫm lên mặt tôi, đè nát tôi ra. Thậm chí tôi còn không chào ông.
Hình như “Huân tước” đoán hiểu có chuyện gì đấy không ổn đã xảy ra với tôi. Ông đi chậm lại. Để ông dừng hẳn, tôi nói:
- Tôi muốn mang tới cho ông một cái gì đó, thế mà vẫn chưa viết xong.
- Thế à? - Ông hỏi lại, vẻ không tin lắm. - Nghĩa là ông viết chưa xong?
- Vâng, mãi vẫn chưa xong.
Tôi cảm thấy “Huân tước” đang thương hại tôi. Hai mắt rưng rưng, tôi khẽ ho để giữ bình tĩnh. “Huân tước” khịt khịt mũi, nhìn tôi không chớp.
- Thế ông có cái để sống chứ? - Ông hỏi.
- Không, - tôi đáp. - Tôi không có gì cả. Mấy ngày nay tôi nhịn đói, nhưng...
- Trời ơi, ông bạn thân mến, có thể để ông chết đói được chăng? - Nói rồi ông cho tay vào túi lục lọi.
Nhưng lúc ấy sự xấu hổ lại thức dậy trong tôi. Tôi lảo đảo quay lại bức tường, bám vào nó rồi im lặng nhìn “Huân tước” mở ví. Ông chìa cho tôi mười curon. Ông cho tôi mười curon một cách thật đơn giản, không nghĩ ngợi nhiều. Vừa đưa tiền cho tôi, ông vừa nhắc lại rằng không thể để tôi chết đói được.
Tôi lắp bắp định từ chối và không nhận ngay tờ giấy bạc.
- Tôi, quả thật, tôi xấu hổ... Vả lại, chừng này quá nhiều...
- Cầm lấy, nhanh lên, - ông nói và liếc nhìn đồng hồ. - Tôi phải lên tàu bây giờ, kìa hình như nó đang tới.
Tôi cầm tiền, lặng đi vì sung sướng và chẳng nói thêm được lời nào nữa, thậm chí cả cảm ơn cũng không.
- Đừng ngại, - “Huân tước” nói trước khi bỏ đi. - Ông sẽ viết bài cho tôi mà!
Rồi ông đi.
Đứng nhìn theo, tôi sực nhớ rằng quên chưa cảm ơn ông. Tôi muốn đuổi theo nhưng đôi chân quá yếu không bước nổi. Chắc tôi sẽ ngã dọc đường. Còn ông thì đi mỗi lúc một xa. Tôi muốn gọi theo nhưng không dám. Cuối cùng, tôi thu hết dũng cảm gọi to một hai lần; ông không nghe vì lúc ấy đã ở xa, vả lại giọng tôi quá yếu.
Tôi đứng giữa phố, chỉ biết nhìn theo và lặng lẽ khóc.
Một việc hiếm có! - tôi thầm nghĩ. - Ông ấy cho mình những mười curon!”.
Tôi đến đứng ở chỗ tôi vừa đứng và bắt đầu bắt chước từng động tác của ông. Tôi đưa tờ giấy bạc sát đôi mắt đẫm nước của tôi, xem kĩ cả hai mặt, rồi nói thật to rằng quả tôi đang có mười curon trên tay.
Một thời gian sau - có thể lâu, rất lâu sau đó, vì lúc ấy quanh tôi hoàn toàn vắng vẻ và yên lặng - tôi có mặt ở phố Tômtegaten, nhà số mười một. Chính ở đây tôi lừa người đánh xe ngựa, và ở đây, không bị ai nhìn thấy, tôi đã chui qua nhà này để sang phố khác. Tôi đứng một chốc, chợt tỉnh lại, tự lấy làm ngạc nhiên, rồi đi qua cổng, vào thẳng “Nhà nghỉ cho khách vãng lai”. Tôi yêu cầu được ngủ lại đây, và lập tức được nhận một chiếc giường.
Thứ ba.
Nắng và yên tĩnh, một ngày tuyệt đẹp.
Tuyết đang tan. Khắp nơi cuộc sống diễn ra sôi động, đâu cũng thấy những khuôn mặt vui vẻ, những nụ cười. Những dòng nước mảnh phun cao trên đài phun nước, vàng rực vì nắng và xanh biếc vì màu xanh của bầu trời...
Gần trưa, tôi đi khỏi nhà số mười một phố Tômtegaten, nơi bây giờ tôi sống một cách khá sung túc nhờ mười curon của “Huân tước”. Tôi đi vào trung tâm thành phố. Tôi đang trong trạng thái phấn chấn, vui vẻ, và từ trưa cho đến tận chiều, tôi dạo chơi giữa các phố nhộn nhịp nhất, vừa đi vừa quan sát những đám đông sặc sỡ. Còn lâu mới đến bảy giờ, tôi đã có mặt ở quảng trường Thánh Ulaf, và đưa mắt nhìn lên dãy cửa sổ ngôi nhà số hai. Một giờ nữa tôi sẽ gặp nàng! Tôi vô cùng hồi hộp. Chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ nói gì với nàng khi nàng đi từ cầu thang xuống? Chào cô? Hay chỉ mỉm cười thôi? Tôi quyết định sẽ mỉm cười thay cho lời chào. Tất nhiên tôi sẽ cúi chào nàng một cách lịch sự.
Sau đó tôi đi khỏi quảng trường, thầm xấu hổ vì đến quá sớm. Tôi bắt đầu đi theo phố Carlơ Juhan, hầu như mắt lúc nào cũng nhìn chiếc đồng hồ trên tòa nhà trường Đại học Tổng hợp. Tám giờ, tôi lại rẽ sang phố Đại học. Dọc đường, không hiểu sao tôi cứ nghĩ là đã muộn, nên rảo bước đi nhanh hơn. Chân tôi vẫn đau, rất đau. Nếu không, tôi đã cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc.
Đến đài phun nước, tôi dừng lại nghỉ lấy hơi, đứng rất lâu ở đấy và nhìn lên cửa sổ nhà số hai. Không thấy nàng xuất hiện. Không sao, tôi sẽ chờ, chẳng có gì phải vội. Rất có thể nàng bị giữ lại chút ít. Và tôi đứng chờ. Nhưng có phải tất cả những điều này là do tôi tưởng tượng ra không? Rất có thể tôi đã mơ thấy cuộc gặp gỡ vừa rồi với nàng, vì suốt đêm ấy tôi sốt nằm mê man bất tỉnh mà. Tôi phân vân suy nghĩ về điều này; mỗi lúc một thêm nghi ngờ.
- Hừm!
Có người nào đó ho sau lưng tôi.
Tôi nghe rõ tiếng ho ấy, nghe cả tiếng chân bước nhẹ, nhưng không ngoái lại mà vẫn nhìn chăm chắm vào chiếc cầu thang lớn.
- Chào anh!
Tôi quên cả cười, thậm chí không ngả mũ chào ngay do quá ngạc nhiên vì nàng đi từ phía ấy lại.
- Anh chờ lâu chưa? - Nàng hỏi, hơi thở dồn dập.
- Không, tôi vừa tới đây thôi, - tôi đáp. - Vả lại, nếu phải chờ chút ít cũng chẳng sao. Tôi cứ tưởng cô sẽ đi từ phía kia lại.
- Tôi vừa tiễn mẹ tôi xong. Hôm nay bà được mời ăn cơm khách.
- Thế à? - Tôi nói.
Chúng tôi cùng đi. Một người cảnh sát đứng ở góc phố nhìn chúng tôi.
- Bây giờ ta đi đâu? - Nàng hỏi và đứng lại.
- Đi đâu tùy cô.
- Chà, tự tôi phải chọn thì chán quá!
Im lặng.
Sau đó tôi nói, chỉ cốt để khỏi im lặng:
- Tôi thấy cửa sổ nhà cô tắt đèn.
- Vâng, tất nhiên! - Nàng sôi nổi đáp. - Cô hầu gái xin phép đi vắng. ở nhà chẳng có ai.
Chúng tôi dừng lại, cùng nhìn lên cửa sổ nhà số hai, như thể từ trước tới nay chưa hề nhìn thế bao giờ.
- Nếu vậy, về nhà cô có được không? - Tôi nói. - Nếu được, tôi sẽ ngồi ở bậc cửa.
Người tôi run lên, tôi lấy làm tiếc là đã cho phép mình nói một câu bạo dạn như thế. Nếu nàng giận, bỏ đi thì sao? Và mình sẽ chẳng bao giờ được gặp nàng nữa? Ôi, bộ quần áo rách rưới của tôi? Tôi chờ nàng một cách tuyệt vọng.
- Việc gì anh phải ngồi ở bậc cửa? - Cuối cùng nàng đáp.
Chúng tôi đi lên thang gác.
Hành lang khá tối, nàng nắm tay tôi, dắt đi. Không nhất thiết lúc nào cũng im lặng, nàng nói, có thể trò chuyện với nhau mà không sợ gì cả. Chúng tôi vào phòng. Nàng vừa thắp nến - không phải đèn mà là nến - vừa nói, pha chút đùa cợt:
- Có điều anh không được nhìn tôi đâu nhé. Tôi ngượng lắm. Tôi sẽ không bao giờ làm điều này nữa.
- Không làm điều gì cơ?
- Không bao giờ... Không, ôi lạy Chúa... Tôi sẽ không bao giờ hôn anh nữa.
- Không à? - Tôi nói và cả hai chúng tôi cùng cười.
Tôi chìa tay về phía nàng, nàng né tránh, chạy sang bên kia bàn. Chúng tôi đứng nhìn nhau, ngọn nến ở giữa.
Sau đó, nàng cởi khăn che mặt và mũ. Đôi mắt sáng của nàng nhìn tôi không chớp, theo dõi từng cử động nhỏ của tôi, nàng sợ tôi không giơ tay đỡ khi nàng ngồi ngả người vào hôn tôi. Tôi lại định bắt nàng lần nữa, nhưng vấp chiếc thảm, ngã xuống. Tôi ngượng ngập bò dậy.
- Trời ơi, sao mặt anh đỏ bừng thế kia? - Nàng nói. - Đau lắm à?
- Vâng, rất đau.
Rồi chúng tôi lại đuổi bắt nhau quanh bàn.
- Hình như anh đi cà nhắc?
- Vâng, một chân tôi bị đau, đau chút ít thôi.
- Lần trước anh đau ngón tay, bây giờ đau chân. Anh toàn gặp chuyện không may.
- Cách đây mấy ngày suýt nữa tôi bị một chiếc xe hòm chẹt chết.
- Suýt chẹt chết? Chắc anh lại say chứ gì? Lạy Chúa, anh sống buông thả quá, anh bạn ạ! - Nàng giơ một ngón tay lên dọa rồi trở nên nghiêm túc ngay.
- Ta ngồi xuống đi! - Nàng nói. - Không, không phải bên bậc cửa đâu. Anh là người quá rụt rè, anh hãy ngồi kia. Còn tôi ngồi đây, được, như thế... Ôi, thật buồn khi đàn ông quá rụt rè! Tự tôi phải nói và làm mọi chuyện. Không trông chờ gì được ở anh cả. Thí dụ anh hoàn toàn có thể tựa lên tay ghế của tôi. Đáng lẽ tự anh phải đoán ra điều ấy. Nếu tôi nhắc, chắc anh sẽ không tin. Vâng, vâng, tôi đã nhiều lần nhận thấy như thế, cả bây giờ cũng vậy. Nhưng anh đừng nói với tôi rằng lúc nào anh cũng bẽn lẽn như vậy, nhiều khi anh cũng ghê lắm. Thí dụ hôm anh say rượu, theo chúng tôi về tận nhà, lại còn trêu thế này nữa: “Thưa tiểu thư, tiểu thư đánh rơi cuốn sách. Chắc chắn tiểu thư đã đánh rơi cuốn sách!”. Ha, ha! Hôm ấy trông anh thật đáng sợ!

21.


Tôi lúng túng nhìn nàng, tim đập thình thịch, máu dồn mạnh trong huyết quản. Thật hạnh phúc khi lại được ngồi trong căn phòng xứng đáng gọi là chỗ ở của con người, được nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc, được nói chuyện với một cô gái trẻ, yêu đời, chứ không phải một mình lẩm bẩm điều gì đó.
- Sao anh im lặng?
- Cô thật đẹp! - Tôi nói. - Cô đã chinh phục, hoàn toàn chinh phục tôi. Tôi bị đánh gục ngay tại chỗ. Không chạy đâu cho thoát. Cô là người đàn bà kì diệu nhất trong tất cả những người đàn bà... Đôi khi đôi mắt cô tỏa sáng, tôi chưa bao giờ thấy cái gì toả sáng như vậy... như những bông hoa. Sao? ồ không, thậm chí tôi không thể ví nó với hoa, nhưng... Tôi yêu cô, rất, rất yêu cô, yêu và đau khổ. Tên cô là gì? Nhất định phải cho tôi biết tên cô là gì!...
- Thế còn tên anh? Lạy Chúa, suýt nữa tôi quên mất! Suốt cả ngày hôm qua tôi nghĩ tới việc phải hỏi tên anh là gì? Không, không phải suốt ngày, không phải suốt ngày tôi nghĩ về anh đâu.
- Cô muốn biết tôi gọi cô là gì không? Ilaialy! Cô thích cái tên này chứ? Nghe nó có cái gì đấy rất hay...
- Ilaialy?
- Vâng.
- Một cái tên nước ngoài à?
- Hừm... Không, hoàn toàn không.
- Vâng, nó cũng chẳng đến nỗi tồi lắm.
Sau hồi lâu trò chuyện, chúng tôi cho nhau biết tên thật của mỗi người. Nàng ngồi cạnh tôi trên đi-văng, lấy chân ẩy ghế ra xa. Rồi chúng tôi lại tiếp tục tán chuyện.
- Thậm chí hôm nay anh cạo râu, - nàng nói. - Nói chung trông anh khá hơn lần trước rất nhiều. Kể ra người anh hơi thấp một tí, nhưng đừng nghĩ rằng... Vâng, lần trước anh ốm yếu lắm, ngón tay lại buộc thứ giẻ gì đó rất bẩn. Thế mà anh còn nhất định đòi mời tôi đi uống rượu đâu đó nữa chứ! Không, chịu thôi, cám ơn.
- Nghĩa là cô không muốn đi chỉ vì vẻ ngoài tôi quá tiều tuỵ?
- Không, - nàng đáp và cúi đầu xuống đất. - Không, có Chúa chứng giám, không phải vì thế. Thậm chí tôi không nghĩ tới điều đó.
- Tất nhiên cô nghĩ tôi có thể sống và ăn mặc như cô tưởng chứ gì? - Tôi hỏi. - Lạy Chúa, nhưng tôi nghèo, rất, rất nghèo.
Nàng ngước lên nhìn tôi:
- Anh nghèo à?
- Vâng, rất nghèo.
Im lặng.
- Nhưng lạy Chúa, tôi cũng nghèo, - nàng nói và kiêu hãnh ngẩng cao đầu.
Mỗi lời của nàng làm tôi ngây ngất và thấm vào lòng tôi như những giọt rượu, dù nàng chỉ là một cô gái bình thường, khá đỏng đảnh và lắm lời. Nàng hấp dẫn tôi bằng mỗi lần tôi nói. Hơi thở nàng phả nhẹ vào mặt tôi.
- Cô biết không, chuyện là thế này... nhưng không được giận tôi đâu nhé... Đêm qua nằm ngủ, tôi đã với tay về phía cô... vì tưởng có cô nằm bên cạnh. Sau đó tôi lại ngủ thiếp.
- Thật thế à? Hay nhỉ... - Im lặng. - Nhưng anh chỉ làm được điều ấy khi ở xa tôi, nếu không...
- Cô nghĩ khi ở gần tôi không dám sao?
- Vâng.
- Được! Chờ đấy. Tôi là người có thể làm mọi chuyện.
Nói rồi tôi vòng tay ôm lưng nàng.
- Chỉ thế thôi à?
Nàng cho tôi là người quá ư rụt rè, quá ư tử tế. Điều này làm tôi tức giận và cảm thấy bị xúc phạm. Tôi ưỡn ngực, rồi thu hết dũng, cầm tay nàng. Nhưng nàng đã bình tĩnh gỡ tay tôi và ngồi nhích xa một chút. Tôi lại hết dũng cảm, xấu hổ đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Dù sao thì tôi cũng chỉ là một gã đàn ông đáng thương và không nên ngộ nhận về mình. Sẽ là chuyện khác nếu gặp nàng sớm hơn, khi tình cảnh của tôi chưa đến nỗi quá tồi tệ. Tôi cảm thấy chán nản.
- Đấy, thấy chưa! - Nàng nói. - Anh đã thấy rằng chống lại anh rất dễ không? Chỉ cần nhíu mày một cái là anh tỏ ra bối rối, hốt hoảng rụt tay lại.
Nàng ranh mãnh mỉm cười và nhắm chặt mắt, như thể không chịu nổi khi bị người khác nhìn...
- Ôi, lạy Chúa! - Tôi kêu lên. - Được, bây giờ cô sẽ biết!
Rồi tôi ôm chặt hai vai nàng. Nàng điên chắc? Nàng tưởng tôi là một thằng nhãi chưa biết mùi đời chắc? Được, rồi xem!... Không ai có quyền nói trong những việc như thế này tôi thua kém người khác! Tôi còn hơn khối đứa! Đã thế thì...
Nàng vẫn ngồi yên, nhắm mắt, và cả hai chúng tôi cùng im lặng. Tôi kéo mạnh nàng về phía mình, ôm chặt vào ngực, nàng vẫn không nói lời nào. Tôi nghe rõ tiếng tim tôi đập mạnh trong ngực.
Tôi hôn nàng.
Sau đó tôi mất hết tự chủ và lảm nhảm nói những lời ngốc nghếch nào đó, làm nàng bật cười. Tôi gọi nàng bằng những tên âu yếm, môi áp chặt môi, vuốt ve mặt nàng và hôn, hôn mãi. Tôi lần cởi một cúc trên áo nàng rồi cúc thứ hai, để lộ đôi vú, một đôi vú tròn, trắng, tuyệt trần dưới làn áo sơ mi mỏng.
- Ôi, cho anh ngắm cơ thể em nhé? - Tôi vừa nói vừa tìm cách cởi những chiếc cúc khác, nhưng vì quá luống cuống, tôi không cởi được, mà coócxê lại quá chật. - Anh chỉ nhìn một tí, một tí thôi...
Nàng quàng tay ôm cổ tôi, một cách từ từ và âu yếm. Hơi thở nàng phả vào mặt tôi dồn dập. Một tay nàng tự cởi nốt những chiếc cúc còn lại. Nàng có vẻ bối rối, cười to từng tiếng ngắn và nhìn tôi, muốn biết tôi có nhận thấy nàng sợ hãi không. Nàng tự cởi coócxê, người mềm nhũn và e lệ. Đôi tay thô thiển của tôi cũng chạm vào dây đeo coócxê và những chiếc cúc ấy...
Để giảm bớt sự chú ý của tôi, nàng đưa tay trái vuốt ve vai tôi và nói:
- Tóc anh rụng nhiều quá!
- Vâng, - tôi đáp, định cúi xuống hôn ngực nàng.
Nàng đã nằm cạnh tôi, áo cởi toang. Nhưng bỗng nhiên nàng nhỏm dậy, khép áo lại như chợt tỉnh và hiểu rằng mình đã đi quá xa. Để che giấu sự xấu hổ của mình, nàng quay sang nói về việc trên vai tôi có nhiều tóc rụng.
- Sao tóc anh rụng nhiều thế?
- Tôi không biết.
- À, vì anh uống nhiều rượu quá đấy mà, chắc thế... Đáng sợ thật. Anh xấu hổ à? Tôi không ngờ anh là người như vậy. Còn trẻ mà đầu đã hói!... Hãy làm ơn nói tôi nghe anh sống thế nào? Tôi tin là phải kinh khủng lắm. Nói đi, có điều phải nói thật, anh hiểu chứ! Mà rồi có giấu điều gì, nhìn mặt anh tôi sẽ hiểu ngay. Nào, anh nói tôi nghe đi!
Chao, tôi mệt làm sao! Ước gì được ngồi yên bên nàng, ngắm nhìn nàng, chứ không phải tốn công vô ích chơi cái trò chơi này. Bây giờ tôi chỉ là một người vô dụng, chỉ là miếng giẻ rách.
- Nào, anh kể đi, - nàng nhắc lại.
Nhân dịp này tôi đã kể nàng nghe tất cả về đời tôi, kể đúng như có thật. Tôi không cố tô vẽ cho thêm phần ảm đạm để nàng thương tôi. Không giấu cả việc tôi đã lấy năm đồng curon kia như thế nào.
Nàng ngồi nghe, mở to miệng, mặt tái nhợt hoảng sợ, mắt nàng lộ vẻ bối rối. Tôi muốn chữa lại lỗi lầm của mình, muốn xua đi cái ấn tượng nặng nề mà câu chuyện của tôi đã tác động lên nàng.
- Nhưng tất cả những chuyện ấy qua rồi và sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Bây giờ tôi đã được cứu thoát!...
Nhưng nàng vẫn ở trong tình trạng sững sờ kinh ngạc, không biết phải làm gì.
- Lạy Chúa! - Cuối cùng nàng nói rồi im lặng. Sau đó nàng nhắc lại mấy lần nữa: Lạy Chúa!Lạy Chúa!
Tôi tìm cách cười đùa để nàng chú ý tới mình. Nàng đã kịp cài cúc áo lại, và điều ấy làm tôi khó chịu. Nàng cài cúc áo lại làm gì? Lẽ nào bây giờ trước mắt nàng, tôi trở nên xấu hơn, nếu tôi nói dối rằng tóc tôi rụng là do sống trác táng? Không lẽ nàng thích hơn nếu tôi là một thằng nát rượu?... Thôi, tán tỉnh như thế đủ rồi! Phải hành động cương quyết! Vâng, lúc đáng lẽ phải hành động cương quyết thì tôi lại rúc mặt xuống bùn bẩn.
Đã đến lúc tấn công trở lại.
Và rồi không nói thêm lời nào nữa, tôi vật nàng xuống đi-văng. Nàng chống cự lại, nhưng không mạnh lắm, và có vẻ ngạc nhiên.
- Anh làm gì thế?... Đừng!... - Nàng nói.
- Tôi làm gì ư?
- Đừng... Đừng anh!... Đừng làm thế!
- Ồ không, không...
- Đừng làm thế, anh nghe chứ? - Nàng kêu lên. Và để tôi cụt hứng, nàng nói thêm: - Anh biết không, tôi thấy anh như một người điên vậy.
Vô tình tôi dừng lại:
- Không đúng, cô không nghĩ như thế!
- Nhưng trông anh lạ lắm! Buổi sáng nọ, khi bám theo tôi, anh cũng say, đúng không?
- Không, lúc ấy tôi quá no. Tôi vừa ăn xong.
- Vâng, nhưng thế thì lại càng tồi tệ hơn.
- Thế cô thích tôi nghiện rượu hơn nghèo chăng?
- Vâng... Tôi sợ anh lắm! Hãy vì Chúa, bỏ tôi ra!

22.


Tôi lưỡng lự. Không, không thể dừng lại được, tôi đã để mất quá nhiều. Làm trò ngốc trên đi-văng giữa đêm khuya thế này đủ lắm rồi! Tôi có phải là một thằng nhãi mới lớn đâu! Bình tĩnh nào! Không được tán dài dòng thêm nữa!
Nàng chống lại khá cương quyết, cương quyết đến mức không thể nghĩ đó là vì do nàng ngượng ngùng, xấu hổ. Như thể vô tình, tôi xô đổ cây nến. Tất cả chìm trong bóng tối. Nàng chống cự một cách quyết liệt, tuyệt vọng, thậm chí còn khẽ kêu lên.
- Không, không được! Không được! Nếu muốn, anh hôn vào vú tôi cũng được. Thôi, thôi đi anh!
Lập tức tôi dừng lại. Những lời nàng vừa nói vang lên với vẻ hoảng sợ và bất lực làm tôi ngạc nhiên thực sự. Nàng muốn đền bù bằng cách cho phép tôi hôn vú nàng! Thật cảm động! Cảm động và thơ ngây! Tôi sẵn sàng quỳ trước nàng vì điều ấy.
- Nhưng tôi không hiểu... Không hiểu vì sao phải thế? - Tôi lúng túng nói.
- Tất cả cái trò chơi này nghĩa là gì?...
Nàng nhỏm dậy và bằng đôi tay run run thắp lại ngọn nến. Tôi lại ngồi xuống đi-văng, ngồi yên bất động. Bây giờ sẽ thế nào đây? Tôi cảm thấy thật buồn bã.
Nàng ngước nhìn chiếc đồng hồ trên tường và giật mình.
- Ôi, cô hầu gái sắp về bây giờ! - Nàng nói.
Đó là điều đầu tiên nàng nghĩ tới.
Tôi hiểu ý nàng, liền đứng dậy.
Nàng vớ chiếc áo choàng, như sắp khoác lên người, nhưng rồi nghĩ lại, nàng bỏ nó xuống và lại gần lò sưởi. Mặt nàng nhợt nhạt, mỗi lúc một lộ vẻ lo lắng. Để nàng không buộc phải đuổi tôi ra khỏi cửa, tôi hỏi:
- Bố cô là quân nhân à?
Vừa nói, tôi vừa đứng dậy, chuẩn bị đi ra.
- Vâng. Làm sao anh biết?
- Tôi không biết. Bất chợt chỉ hỏi chừng thế thôi.  
- Lạ thật đấy.
- Ồ vâng. Cảm tính của tôi rất nhạy. Cô chẳng gọi tôi điên là gì?...
Nàng liếc nhìn tôi rất nhanh, nhưng không nói gì. Cảm thấy sự có mặt của tôi làm nàng khó chịu, tôi muốn kết thúc cảnh này càng sớm càng tối, và đi về phía cửa. Không lẽ nàng không bao giờ hôn tôi nữa? Thậm chí cả bắt tay cũng không? Tôi đứng lại, chờ đợi.
- Anh đã về rồi à? - Nàng hỏi, vẫn đứng yên bên lò sưởi.
Tôi không đáp. Bối rối và tự ái, tôi lặng yên nhìn nàng. Trời ơi, thế là tôi làm hỏng hết mọi chuyện! Có vẻ như nàng hoàn toàn không quan tâm gì tới việc tôi sắp rời nhà nàng, như đối với nàng, tôi không tồn tại nữa. Trước khi chia tay, tôi muốn nói một điều gì đấy thật quan trọng, thật sâu sắc có thể nâng tôi lên trước mặt nàng. Thế mà, đáng lẽ phải chia tay nàng một cách lạnh nhạt và kiêu hãnh như đã quyết định dứt khoát, tôi lại lần nữa nói những lời nhảm nhí không đâu vào đâu. Những lời cần nói không chịu đến; tôi cứ cư xử như một anh chàng rỗng tuếch, hời hợt. Trong đầu lại xuất hiện những từ hoa mĩ mòn sáo, sách vở.
Tại sao nàng không nói thẳng và rõ ràng để đuổi tôi đi? - Tôi tự hỏi. Vâng, tại sao? Chẳng việc gì phải giữ ý tứ. Thay cho việc nhắc khéo rằng cô hầu gái sắp về, nàng có thể nói một cách đơn giản là: “Thôi, bây giờ anh về đi vì đã đến lúc tôi phải đón mẹ tôi. Tôi không muốn anh tiễn đâu”. Nàng không nghĩ đến điều ấy à? Chà, đó chính là cái nàng phải nghĩ tới mà làm theo. Tôi tự bảo mình như vậy. Tôi hiểu hết. Chỉ cần nàng cầm chiếc áo rồi lại bỏ xuống, là tôi hiểu ngay. Thì tôi đã nói là cảm tính của tôi rất nhạy, mà, không nhất thiết phải thành người điên mới hiểu được điều ấy...
- Ôi, hãy vì Chúa mà tha lỗi cho tôi đã gọi anh như vậy! Tôi chỉ buột miệng nói thế thôi! - Nàng khẽ kêu lên.
Nhưng nàng vẫn đứng xa, không lại gần tôi.
Tôi thì bướng bỉnh không chịu thua. Tôi cứ nói liến thoắng, tuy hiểu rất rõ rằng tôi đang làm nàng rất chán, và rằng không một lời nào tôi nói đạt được mục đích. Thế mà vẫn không sao dừng lại nổi. Tôi cho rằng không chỉ người điên mới có trái tim nhạy cảm; rằng có những người nhạy cảm cả với những điều nhỏ nhất, và chỉ cần một câu nói thô lỗ hay gay gắt nào đó cũng có thể giết chết họ. Tôi để lộ cho nàng biết tôi là một người như vậy. Vấn đề ở chỗ gần đây cái đói đã khêu dậy trong tôi một số tình cảm thái quá và tôi rất lấy làm tiếc, vâng, tôi rất lấy làm tiếc rằng... Nhưng cả việc này cũng có mặt tốt của nó, và nhiều lần nó đã giúp tôi không ít. Một anh trí thức nghèo có đầu óc quan sát nhanh nhạy hơn rất nhiều so với một anh trí thức giàu. Anh nghèo bao giờ cũng cần thận trọng mỗi bước đi và luôn có thái độ nghi ngờ đối với mỗi lời nói anh ta nghe được. Anh ta bắt lí trí và tình cảm của mình làm việc tích cực. Anh ta tinh tế, giàu kinh nghiệm, tâm hồn bị chấn thương nhiều lần...
Tôi nói khá lâu về tâm hồn bị chấn thương của tôi. Nhưng càng nghe, nàng càng có vẻ lo lắng hơn. Cuối cùng, nàng bẻ ngón tay một cách tuyệt vọng và nói:
- Ôi, lạy Chúa! Lạy Chúa!
Tôi thừa biết cái gì đang làm nàng sốt ruột. Tôi hoàn toàn không muốn làm nàng đau khổ, ấy thế mà tôi vẫn làm nàng đau khổ. Cuối cùng, nghĩ là những điều cần nói đã được nói, lại cảm động trước cái nhìn tuyệt vọng của nàng, tôi kêu lên:
- Còn bây giờ tôi đi! Đi ngay lập tức! Cô thấy tay tôi đang mở cửa đấy chứ? Vĩnh biệt! Cô nghe rõ không - Vĩnh biệt! Cô phải trả lời tôi chứ, một khi tôi chào từ biệt cô hai lần và có ý định ra về thật! Thậm chí tôi không yêu cầu cô cho biết bao giờ ta gặp lại, vì điều ấy làm cô khó chịu. Nhưng xin cho biết: Cô làm khổ tôi thế để làm gì? Tôi đã làm gì xấu đối với cô? Tôi có bao giờ cản đường cô đâu? Tại sao bỗng dưng cô ngoảnh mặt, như thể tôi và cô chưa hề quen nhau? Chính vì cô mà tôi mất ăn mất ngủ, còn bây giờ thì đang hoàn toàn tuyệt vọng. Có Chúa làm chứng, tôi không điên chút nào. Nếu chịu suy nghĩ một tí, cô sẽ thấy ngay rằng tôi là người bình thường, khoẻ mạnh. Nào, hãy chìa tay cho tôi! Hay cho tôi lại gần cô, được không? Tôi không làm gì đâu, đừng sợ! Tôi chỉ muốn được quỳ trước cô một giây, một giây thôi, cô cho phép chứ? Thôi được, tôi sẽ không làm điều ấy, cô nghe chứ, tôi sẽ không làm điều ấy. Nhưng hãy vì Chúa, xin cho biết cô sợ cái gì mới được chứ? Cô không thấy tôi đang đứng yên đây à, thậm chí không dám làm một cử động nhỏ nào! Chỉ đơn giản là tôi muốn quỳ xuống thảm, chỗ cái hoa văn màu đỏ cạnh chân cô. Nhưng cô hoảng sợ, nhìn mắt cô, tôi biết ngay cô hoảng sợ, vì vậy tôi vẫn đứng yên. Có đúng là khi xin phép cô, tôi đứng yên không? Tôi đã đứng yên và nói cô biết chỗ tôi quỳ xuống, kia, nó kia, chỗ có bông hồng màu đỏ. Thậm chí tôi chẳng lấy tay chỉ để làm cô sợ. Tôi chỉ hất đầu, đưa mắt nhìn vào chỗ ấy, nhìn như thế này này! Cô biết rất rõ tôi muốn nói tới bông hồng nào, có điều cô không cho tôi quỳ trước cô. Cô sợ tôi, không dám lại gần. Tôi không hiểu sao cô tàn ác đến mức có thể gọi tôi là người điên. Nhưng thực tâm cô không nghĩ như thế chứ? Chỉ một lần vào mùa hè, lâu lắm rồi, tôi quả có điên thật, nhưng lúc ấy vì tôi làm việc nhiều quá, quên cả ăn, hết ngày này đến ngày khác, đáng lẽ phải nhắc tôi mới được. Có Chúa làm chứng, đúng thế đấy! Nếu nói dối, tôi sẽ không cất nổi chân bước khỏi nơi này. Thế mà cô làm tôi phải lòng, cô hiểu chứ! Không phải vì nghèo đói mà tôi phải làm việc đâu. Tôi được phép vay tiền trả dần, một khoản vay rất lớn của ông Inghebret và Gravexơn. Không ít khi tôi có khá nhiều tiền, thế mà tôi vẫn không mua thức ăn. Tôi quên mà. Cô đang nghe tôi nói đấy chứ? Cô im lặng, cô không trả lời, cô không rời khỏi lò sưởi, mà chỉ đứng chờ tôi đi khỏi đây...
Nàng vội vàng lại gần tôi và chìa một tay. Tôi nhìn nàng, vẻ không tin. Nàng làm điều này có chân thành không? Hay chỉ cốt để thoát khỏi tôi càng sớm càng tốt? Nàng quàng hai tay quanh cổ tôi, hai mắt rưng rưng. Còn tôi thì cứ đứng thế và nhìn nàng. Nàng chìa môi cho tôi hôn nhưng tôi không tin. Đó là chỉ một sự hi sinh, cốt để mọi chuyện nhanh chóng kết thúc.
Nàng nói điều gì đó, tôi nghe hình như là: “Nhưng dù sao tôi cũng yêu anh!”. Nàng nói câu này rất khẽ và rời rạc. Cũng có thể tôi nghe không rõ, cũng có thể nàng nói câu gì khác hẳn. Cuối cùng nàng sôi nổi nhảy tới ôm cổ tôi, thậm chí còn nhún chân lên chờ tôi hôn và cứ đứng như thế gần một phút.
Tôi sợ chỉ đơn giản là nàng đã bắt mình phải tỏ ra dịu dàng với tôi chứ chẳng có tình cảm gì, nên tôi chỉ nói:
- Cô đẹp lắm!
Ngoài ra, tôi chẳng nói gì nữa. Tôi lùi lại, vấp vào bậc cửa và rồi cứ thế đi giật lùi ra khỏi phòng. Còn nàng thì ở lại.

23.


Mùa đông đến, lạnh, ẩm và hầu như không có tuyết. Mùa đông đến, kéo theo đêm sương mù vĩnh cửu, hàng tuần liền không một ngọn gió nhỏ. Trên đường phố đèn được thắp liên tục ngày này sang ngày khác, thế mà người đi đường vẫn cứ va vào nhau. Tất cả các âm thanh - tiếng chuông nhà thờ, tiếng lục lạc xe ngựa, tiếng người nói - như bị chôn vùi trong lớp không khí dày đặc. Một tuần, rồi hai tuần trôi qua mà thời tiết vẫn không thay đổi.
Tôi vẫn chưa chuyển chỗ ở.
Càng ngày tôi càng gắn bó hơn với những căn phòng có sẵn đồ gỗ của “Nhà nghỉ dành cho khách vãng lai”, nơi tôi đang ở tạm, dù nghèo đói đến thế. Từ lâu tôi chẳng còn đồng tiền nào, nhưng vẫn cứ tiếp tục đến đây, như thể tôi có quyền làm thế, như thể nó là nhà riêng của tôi. Bà chủ tạm thời chưa nói gì, nhưng tôi vẫn cảm thấy khổ sở vì chưa trả được tiền cho bà ta.
Ba tuần trôi qua trong tình trạng ấy.
Đã mấy ngày nay tôi bắt đầu viết trở lại, nhưng những cái viết xong tôi đều không thích. Tôi kiên nhẫn viết, viết từ sáng đến tối mà chẳng mang lại kết quả gì. Tôi bắt tay vào viết đề tài nào là đề tài ấy hóa ra nhạt nhẽo, trục trặc, và tất nhiên viết không thành.
Tôi thử viết cả trong căn phòng ở tầng hai, phòng tốt nhất của “Nhà nghỉ”. Từ đêm đầu tiên đến đây, khi tôi có tiền và có thể thanh toán mọi khoản, không người nào quấy rầy tôi. Lúc nào tôi cũng hi vọng sẽ viết được cái gì đó, sẽ có tiền trả tiền phòng và các nợ nần khác. Đó là nguyên nhân vì sao tôi làm việc tích cực như vậy. Đặc biệt tôi bị lôi cuốn bởi một bài báo viết dở mà tôi đặt rất nhiều hi vọng. Đó là một bài có tính chất cách ngôn về đám cháy ở một cửa hàng sách. ở đây có một vài ý rất sâu sắc, mà tôi muốn phát triển thật hay, thật cẩn thận rồi đem những gì viết được gửi cho “Huân tước” để trừ nợ. Để ông biết ông đã giúp đỡ một người thực sự có tài. Tôi không chút nghi ngờ rằng ông sẽ nghĩ đúng như thế. Có điều phải chờ lúc nào tôi có cảm hứng. Nhất định cảm hứng sẽ đến với tôi, tại sao lại không? Mà cũng không lâu nữa đâu. Bây giờ chẳng có gì cản trở tôi. Bà chủ nhà vẫn cho tôi ăn hàng ngày, mấy miếng bánh mì cặp thịt vào buổi sáng và buổi tối. Tôi đã bình tĩnh hơn nhiều. Khi viết, tôi không cần quấn giẻ vào tay như trước, và có thể từ tầng hai nhìn xuống mà không sợ chóng mặt. Về tất cả mọi phương tiện tôi khá hơn trước rất nhiều, và tôi lấy làm ngạc nhiên rằng không hiểu sao mãi vẫn không viết xong bài báo đó. Tôi không thể nào giải thích nổi điều ấy.
Nhưng rồi cuối cùng tôi đã gặp dịp để biết sức khỏe tôi sút yếu và đầu óc tôi làm việc uể oải, kém hiệu quả thế nào. Hôm ấy bà chủ nhà mang đến một hóa đơn thanh toán nào đó và nhờ tôi kiểm tra lại. Hình như các phép trong đó không đúng, không phù hợp với sổ ghi chép của bà, nhưng bà không biết sai chỗ nào.
Tôi bắt tay vào tính toán. Bà chủ nhà ngồi đối diện nhìn tôi. Tôi cộng tất cả hai mươi con số với nhau, lúc đầu từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, và thấy tổng số đúng như đã ghi. Tôi nhìn bà chủ. Bà ta đang chờ tôi trả lời. Bà ta đang có chửa, điều ấy không qua nổi đôi mắt tinh nhạy của tôi, dù tôi hoàn toàn không hề có ý định xoi mói việc riêng của người khác.
- Mọi cái đều đúng cả, - tôi đáp.
- Không, xin ông kiểm tra lại từng con số riêng biệt, - bà chủ nói. - Tôi tin chắc rằng tổng số chừng ấy là quá nhiều.
Và tôi bắt đầu rà lại từng con số: 2 bánh mì mỗi bánh 25 ere, bóng đèn - 18, xà phòng - 20, dầu - 32... Chẳng cần phải thông minh đặc biệt mới làm nổi những con tính đơn giản này của một cửa hiệu tạp hóa; thế mà dù rất cố gắng, tôi vẫn không tìm ra được chỗ sai bà chủ nói. Thêm vào đó hí hoáy tính toán mới mấy phút, tôi đã cảm thấy đầu óc quay cuồng, chẳng còn phân biệt nổi đâu là các khoản thu, đâu là chi; tất cả đều lẫn lộn. Cuối cùng, tôi quyết tâm tập trung tính bằng được phép tính: 35/16 pound  phó mát, mỗi pound giá 16 ere. Nhưng não tôi nhất định không chịu làm việc. Tôi ngồi yên đờ đẫn nhìn chữ “phó mát” trên trang giấy.
- Quỷ tha ma bắt nó đi, viết chẳng rõ ràng gì cả! - Tôi nói một cách tuyệt vọng. - Lạy Chúa! ở đây người ta viết: năm phần mười sáu pound phó mát! Ha, ha! Viết quái gì mà phức tạp thế! Đây, bà nhìn xem!
- Vâng, - bà chủ nhà đáp. - Họ có thói quen viết như thế đấy. Đây là thứ phó mát xanh ấy mà. Nghĩa là họ tính đúng à? Năm phần mười sáu - tức là năm phần của...
Tôi lại chúi đầu vào bảng thanh toán với những phép tính mà một tháng trước đây tôi chỉ giải một phút là xong. Người tôi đầm đìa mồ hôi. Tôi đem hết sức cố hiểu bằng được những con số bí hiểm kia. Tôi nhắm mắt với vẻ trầm ngâm suy nghĩ, nhưng chẳng ăn thua gì. Cái món phó mát chết tiệt kia đã làm tôi kiệt sức. Hình như có cái gì đấy nổ tung trong óc.
Tuy vậy tôi vẫn tiếp tục hí hoáy tính toán để giữ thể diện với bà chủ. Tôi mím môi, chốc chốc lại nói to một con số nào đó và đưa mắt nhìn lại một lượt các phép tính từ trên xuống dưới, như thể tôi phải làm việc rất căng và cuối cùng đã kiểm tra xong tất cả. Bà chủ vẫn ngồi chờ trả lời. Tôi nói:
- Tôi đã tính lại từ đầu chí cuối, và thấy tất cả đều đúng!
- Không lẽ lại thế? - Bà chủ hỏi. - Ông tin chắc chứ?
Nhưng tôi thấy rất rõ rằng bà ta không tin tôi. Bỗng nhiên tôi có cảm giác như trong giọng nói của bà xuất hiện một vẻ mỉa mai, xem thường đối với tôi mà trước đấy không thấy. Bà ta nói chắc tôi không quen làm các con tính có phần mười sáu, rồi chua thêm một câu rằng bà ta sẽ phải nhờ ai đó giỏi hơn kiểm tra lại hộ. Bà ta nói tất cả những lời này không chút giận dỗi, cũng không định làm nhục tôi. Bà ta nói một cách nghiêm túc và có cân nhắc. Khi ra tới cửa, không ngoái nhìn tôi, bà ta còn nói:
- Xin lỗi vì đã làm phiền ông.
Rồi bỏ đi.
Một chốc sau cửa bỗng mở và bà chủ nhà lại xuất hiện, chắc mới đi một quãng dọc hành lang.
- Có chuyện thế này, - bà ta nói. - Xin ông thông cảm, tôi muốn phải thanh toán với ông đôi việc. Hình như đến hôm qua là vừa trọn ba tuần ông dọn đến đây. Vâng, đúng ba tuần. Ông biết đấy, nuôi một gia đình lớn như gia đình tôi không phải dễ, vì vậy tôi không thể cho khách trọ chịu tiền lâu được...
Tôi ngắt lời bà ta:
- Thì tôi đã nói với bà rằng tôi đang viết một bài báo. Viết xong tôi sẽ có ngay tiền đưa bà. Xin bà yên tâm.
- Thế nhỡ ông không bao giờ viết xong thì sao?
- Bà nghĩ thế à? Ngay ngày mai hay thậm chí đêm nay cảm hứng sẽ đến với tôi. Vâng, rất có thể đêm nay; lúc ấy chỉ cần mười lăm phút là tôi viết xong. Tôi làm việc khác hẳn mọi người. Tôi không thể bắt mình một ngày viết được một số trang nào đó, mà tôi phải chờ cảm hứng. Và không một ai biết trước ngày giờ cái cảm hứng ấy đến. Nó đến bao giờ là tùy nó.
Bà chủ nhà bỏ đi. Nhưng hình như lòng tin của bà ta đối với tôi đã bị sứt mẻ tợn.
Còn lại một mình, tôi nhảy chồm dậy, vò đầu bứt tóc một cách tuyệt vọng. Không, đúng là không còn lối thoát nào nữa, hoàn toàn không! Đầu óc tôi không chịu phục vụ tôi thêm nữa. Chẳng phải tôi đã thành thằng ngốc đó sao, một khi không còn làm nổi một phép trừ đơn giản về giá mấy lạng phó mát nào đó? Nhưng thử hỏi, nếu tôi biết tự đặt cho mình những câu hỏi thế này, lẽ nào tôi là một người điên thực sự? Lẽ nào không phải tôi, dù đang bận tính toán, vẫn nhận thấy một cách rất chính xác rằng bà chủ có chửa? Trước đây, tôi không biết gì về điều ấy, cũng chẳng nghe ai nói. Tự nó đến, ngoài ý muốn của tôi; tôi nhìn thấy bằng chính đôi mắt của mình và lập tức hiểu ngay mọi chuyện, mà lại đúng vào cái lúc tôi bất lực không làm nổi phép tính phần mười sáu kia. Làm sao có thể giải thích nổi tất cả những điều này?
Tôi đến bên cửa sổ, nhìn ra phố. Cửa sổ ngoảnh ra đường Vogmansgaten. Trẻ con đang chơi trên hè phố, những đứa trẻ nghèo của một đường phố nghèo. Chúng ném cho nhau bắt một chiếc chai không và kêu ré lên vui thích. Một chiếc xe ngựa chậm chạp đi ngang, chở đầy các đồ đạc gia đình. Chắc ai đó đã bị quẳng ra phố, nên mới phải dọn đi vào cái thời gian rất không thích hợp thế này. Tôi hiểu ngay mà. Trên xe chất đống chăn màn, gối và đồ gỗ, gồm những chiếc giường tủ mọt, những chiếc ghế ba chân, chiếu gai và các đồ lặt vặt khác bằng sắt. Một cô bé, còn bé tí, xấu xí, với chiếc mũi thâm bầm vì lạnh ngồi trên xe, đưa hai tay trần bám chặt càng xe để khỏi ngã. Dưới nó là một đống nệm trải giường ẩm ướt, đen xỉn mà ở nhà anh em nó đã từng nằm ngủ. Nó nhìn những đứa trẻ đang ném chai cho nhau trên hè phố...
Tôi nhìn xuống phố và hiểu một cách dễ dàng những gì đang xảy ra. Đứng bên cửa sổ, tôi nghe rõ cô nấu bếp của bà chủ nhà đang khe khẽ hát trong bếp, ngay sát phòng tôi. Tôi biết bài cô ta đang hát, và lắng nghe xem cô ta có hát sai điệu không. Rồi tôi tự bảo mình rằng một người ngớ ngẩn không thể có những nhận xét như thế được. Nghĩa là, lạy Chúa, tôi vẫn bình thường, bình thường như bất kì ai khác.
Bỗng nhiên tôi nhìn thấy ngoài phố hai cậu bé đang cãi nhau. Tôi biết một đứa, đó là con trai bà chủ. Tôi mở cửa sổ lắng nghe chúng cãi nhau điều gì; lúc ấy dưới phố bọn trẻ tập trung lại rất đông, và chúng đang ngước nhìn lên một cách chăm chú. Chúng chờ gì thế nhỉ? Chờ được cho gì chăng? Một bông hoa khô, những chiếc xương, những mẩu thừa xì gà, hay những cái gì đấy có thể ăn hoặc dùng để chơi được? Chúng nhìn rất lâu lên cửa sổ phòng tôi, mặt tím bầm vì lạnh... Còn hai đứa kia vẫn cãi nhau. Từ miệng chúng tuôn ra những lời lăng mạ, những tiếng lóng và những câu chửi tục tĩu của thủy thủ có lẽ do chúng học được ở cảng. Cả hai chửi nhau say sưa tới mức không nhận thấy bà chủ nhà đang chạy đến xem chuyện gì xảy ra.
- Mẹ ơi, - cậu con bà chủ mách. - Nó bóp cổ con, suýt nữa làm con chết ngạt! - Rồi quay sang đối thủ lúc này đang thích thú cười một cách độc ác, nó giận dữ kêu to: - Cút đi! Đồ chó chết! Mày dám bóp cổ tao hả? Được, tao sẽ cho mày biết tay...
Nhưng bà mẹ chửa của cậu, với cái bụng chửa to tướng choán hết cả đường phố hẹp, đã túm tay cậu con mười tuổi của mình, định lôi đi.
- Câm! Câm ngay! Không được chửi như thế! Mày văng tục như bọn chuyên quan hệ với đĩ điếm không bằng! Đi về!
- Con không về!
- Về ngay!
- Không!
Tôi đứng bên cửa sổ và nhìn thấy bà chủ nhà của tôi đang vô cùng tức giận. Cái cảnh đáng kinh tởm kia làm tôi rất bực mình. Không đủ sức chịu thêm được nữa, tôi gọi to xuống, bảo đứa bé lên với tôi một chốc. Tôi gọi hai lần, để ngăn cái cảnh kia lại. Lần thứ hai tôi gọi rất to, bà chủ nhà nghe thấy, bối rối ngước lên. Nhưng liền lúc đó vẻ bối rối liền biến mất, và bà ta nhìn tôi một cách trâng tráo, với vẻ của một người thắng thế. Sau đó bà ta mắng con trai thêm mấy câu rồi bỏ đi. Bà ta nói với nó to đủ để tôi nghe thấy:
- Đồ không biết xấu hổ, cứ đi mà cho người khác biết mày là một đứa đáng ghét thế nào!
Khi quan sát tất cả những cảnh trên, tôi không bỏ qua điều gì, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Khả năng quan sát của tôi rất tốt, tôi nhận thấy từng chi tiết nhỏ, và rồi sau đó lần lượt nghiền ngẫm suy nghĩ về chúng. Nghĩa là bộ não của tôi chưa bị tổn thương. ừ mà làm sao bị tổn thương được?
- Này, nghe đây, - tôi tự bảo mình. - Mày lo lắng khá lâu về đầu óc của mình, bây giờ thì đủ rồi chứ? Lẽ nào điên được khi mày có thể nhận thấy tất cả, kể cả những cái nhỏ nhặt nhất? Mày buồn cười lắm, ta có thể cam đoan như vậy. Vâng, ngộ thật. Tóm lại, ai cũng có lúc lầm lẫn, nhất là với những việc bình thương, đơn giản. Chẳng có gì quan trọng, đó chỉ là một sự ngẫu nhiên không đáng kể. Ta nói thật đấy, mày ngốc lắm. Còn về tờ hoá đơn thanh toán kia, cái khoản năm phần mười sáu phó mát thối ấy mà - ha, ha, ha, phó mát có hạnh nhân và hạt tiêu! - thì ta dám cam đoan rằng thứ phó mát ấy có thể dễ dàng làm người ta trở nên đần độn, và chỉ riêng cái mùi thối của nó cũng đủ đưa mày sang thế giới bên kia!... - Rồi tôi phá lên cười giễu tất cả các loại phó mát trên đời. - Nào, mày phải cho ta cái gì ăn được chứ! - Tôi nói. - Nếu muốn, cho ta năm phần mười sáu cân bơ ôliu tươi cũng được. Đó lại là chuyện khác.
Tôi sặc sụa cười vì chính những trò đùa của mình, và tự thấy chúng khá độc đáo. Rõ ràng là tôi không có một chút khuyết tật nào. Tôi hoàn toàn khỏe mạnh.
Tôi đi lại trong phòng, vừa đi vừa nói chuyện với mình và mỗi lúc một thêm vui vẻ. Tôi cười to, ngất ngây như đang say. Có thể nghĩ rằng tôi chỉ chờ cái giây phút vui sướng ngắn ngủi và lạ lùng này để khả năng làm việc quay lại với tôi. Tôi ngồi xuống bàn, cầm bút viết tiếp. Công việc khá trôi chảy, trôi chảy hơn rất nhiều so với trước, tuy không thật nhanh lắm. Nhưng những gì mới viết được, tôi thấy thật tuyệt. Thêm vào đó, tôi đã làm việc suốt một giờ liền vẫn không thấy mệt.

24.


Cuối cùng tôi đã viết đến đoạn quan trọng nhất trong bài báo có tính cách ngôn nói về đám cháy trong hiệu sách. Tôi thấy đoạn này quan trọng đến mức, tất cả những đoạn đã viết đều chẳng là gì so với nó. Tôi muốn nói tới một điều khác sâu sắc hơn, rằng cái bị cháy không phải là những cuốn sách, mà là những bộ óc người. Tôi muốn biến đám cháy ấy thành một đêm Varphôlômê thật sự.
Bỗng nhiên cửa phòng mở toang và bà chủ nhà xuất hiện. Bà ta xồng xộc chạy thẳng vào phòng, không đứng chờ bên cửa như mọi khi.
Tôi khẽ thốt lên như bất ngờ bị ai đánh.
- Sao? - Bà ta nói. - Tôi tưởng ông muốn nói gì với tôi, phải không? Có một người đến đây xin thuê phòng ở thường xuyên, tôi định giao căn phòng này cho ông ta. Còn ông đêm nay xuống tầng dưới ở với chúng tôi, có điều ông phải tự tìm lấy giường ngủ. - Và rồi không đếm xỉa gì đến tôi, cũng chẳng dài dòng thêm nữa, bà ta đưa tay thô lỗ gạt các tờ giấy của tôi từ trên bàn xuống.
Trạng thái phấn chấn của tôi lập tức biến mất. Tôi bừng bừng nổi giận và vội đứng dậy trong tuyệt vọng. Tôi lặng lẽ để bà ta thu dọn giấy tờ của tôi khỏi bàn. Tôi không nói một lời nào. Rồi bà ta cầm tập giấy giúi vào tay tôi. Không còn cách nào khác ngoài việc phải nhanh chóng rời khỏi phòng. Và cái giây phút cảm hứng quý báu kia đã mất đi vĩnh viễn. Tôi gặp người thuê nhà mới ở cầu thang. Đó là một người còn trẻ, với hình một chiếc neo lớn màu xanh chạm trên cánh tay. Một người khuân đồ vác chiếc hòm lớn theo sau anh ta. Hình như anh ta là thuỷ thủ, nghĩa là khách ngẫu nhiên chỉ dừng lại một đêm. Tất nhiên anh ta sẽ không giữ phòng tôi lâu. Có thể sáng mai, khi anh ta đi khỏi đây, cảm hứng lại đến với tôi, năm phút cũng được - chừng ấy đủ để tôi kết thúc bài báo. Còn tạm thời bây giờ phải quy phục số phận...
Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ đặt chân tới căn phòng của gia đình bà chủ, gồm ông chồng, bà vợ, bố vợ và bốn đứa con. Cô nấu bếp sống ở bếp, ăn ngủ luôn ở đó. Tôi miễn cưỡng lại gần, gõ cửa nhưng chẳng ai trả lời, dù tôi nghe bên trong có tiếng nói.
Khi tôi bước vào, ông chủ nhà không nói lời nào, thậm chí không đáp lại lời chào của tôi. Ông ta chỉ hờ hững nhìn tôi, như tôi hoàn toàn chẳng liên quan gì đến ông ta. Lúc ấy ông ta đang chơi bài với một người có lần tôi đã gặp ở cảng và với một người khuân đồ có biệt danh là “Mảnh kính”. Một đứa trẻ còn bú đang bi bô trên giường, còn ông già, bố đẻ bà chủ thì ngồi trên chiếc ghế dài, hai tay ôm đầu như đang đau bụng hay đau ngực. Tóc ông bạc gần hết, ông ngồi, co rúm người như con rắn rình mồi.
- Xin ông cho tôi được ngủ qua đêm ở đây, - tôi nói với ông ta.
- Vợ tôi bảo thế à?
- Vâng. Phòng của tôi đã được giao cho một người mới đến.
Ông ta không nói gì thêm, lại quay sang chơi bài tiếp.
Hết ngày này sang ngày khác, ông ta cứ ngồi ở đây chơi bài với khách, không phải chơi ăn tiền, mà chỉ để giết thời gian, để tay chân đỡ buồn. Ngoài ra, ông ta chẳng làm một việc gì khác. Ông ta cử động một cách lười biếng và uể oải, trong khi bà vợ phải luôn chân chạy ngược chạy xuôi trên thang gác, chăm lo việc nhà và tìm khách. Bà ta thỏa thuận trước với đám thủy thủ và phu khuân vác ngoài cảng, rằng cứ giới thiệu một khách trọ, họ sẽ được nhận một số tiền nào đó. Mà rồi, bản thân họ cũng thường ngủ qua đêm tại đây. Lần này chính “Mảnh kính” dẫn người khách kia tới.
Có hai đứa trẻ bước vào, hai cô bé mặt đầy tàn hương và tiều tụy, quần áo rách nát. Một chốc sau bà chủ nhà xuất hiện.
Tôi hỏi bà ta định cho tôi ngủ ở đâu. Bà ta đáp tôi có thể nằm ở đây cùng mọi người hay ra ngủ trên chiếc ghế ngoài hành lang, tùy tôi quyết định. Vừa nói, bà ta vừa đi lại trong phòng, thu xếp đồ đạc, và không quay sang nhìn tôi lần nào.
Nghe thế, tôi cúi đầu cam chịu, lặng lẽ đến đứng bên cửa, làm ra vẻ thậm chí tôi còn lấy làm thích khi được nhường phòng cho người khác. Tôi cố làm bộ vui vẻ để bà ta khỏi giận và không đuổi tôi ra đường. Tôi nói:
- Không sao, tôi sẽ tự thu xếp được thôi.
Rồi im lặng.
Bà ta vẫn tiếp tục đi lại trong phòng.
- Nói chung, tôi phải báo ông biết rằng tôi không thể cho khách chịu tiền thuê nhà và tiền ăn lâu được, - bà ta nhắc lại. - Tôi đã nói với ông điều đó.
- Vâng, thưa bà, nhưng chỉ hai ngày nữa là tôi viết xong bài báo, - tôi đáp. - Lúc ấy tôi sẵn sàng trả thêm cho bà năm curon nữa. Xin bà cứ tin như vậy.
Nhưng tôi thấy bà ta không tin tôi một chút nào. Còn tôi thì không đủ dũng cảm để tự ái bỏ nhà bà ta đi nơi khác. Tôi biết rất rõ cái gì sẽ chờ tôi, nếu đi khỏi đây.
Hai ngày nữa trôi qua.
Tôi vẫn ở chung với gia đình bà chủ trong căn phòng chật chội. Tôi nằm ngay trên sàn nhà, vì không thể ngủ ngoài hành lang - ở đấy không có lò sưởi nên rất lạnh. Gã thủy thủ mới đến vẫn ở phòng tôi và hình như trong thời gian tới chưa có ý định đi đâu cả. Trước bữa ăn trưa, bà chủ nhà tới bảo tôi rằng hắn đã trả tiền trước cả tháng. Hắn tới đây để thi ngành hoa tiêu; thi xong hắn mới đi. Nghe thế, tôi hiểu ngay rằng tôi chẳng còn hi vọng được trở về phòng cũ nữa.
Tôi bước ra hành lang, ngồi xuống ghế. Nếu nói chung tôi viết được cái gì đấy, thì chỉ viết được ở chỗ yên tĩnh này mà thôi. Bài báo có tính cách ngôn kia chẳng còn làm tôi quan tâm. Trong đầu xuất hiện một tư tưởng mới, một kế hoạch tuyệt vời: tôi quyết định sẽ viết một vở kịch một hồi, gọi là “Điềm báo trước của cây thánh giá”, cốt truyện lấy từ thời trung cổ. Tôi đã tìm được nữ nhân vật chính thích hợp, đó là hình ảnh lý tưởng của một cô gái tội lỗi cuồng tín, phạm tội ngay trong nhà thờ, không phải vì yếu đuối hay ham mê tình dục, mà vì căm ghét Đức Chúa Trời. Vâng, cô ta phạm tội ngay trước bàn thờ Chúa! Ha! Ha!
Cùng với thời gian, cô gái ấy mỗi lúc một ám ảnh óc tưởng tượng của tôi. Cuối cùng cô ta hiện lên trước mắt tôi như một người sống thật và đúng như tôi mong muốn. Vẻ ngoài của cô gái tội lỗi này phải làm người khác kinh sợ: cao, rất gày, da hơi đen, và khi đi, đôi chân dài phải lộ ra khỏi váy. Ngoài ra, cô ta phải có một đôi tai to, vểnh hẳn ra ngoài. Tôi quan tâm tới sự trâng tráo đáng kinh ngạc của cô ta, cũng như cái quyết tâm sắt đá mà cô ta có trước khi thực hiện cái tội lỗi có mưu tính kia của mình. Vâng, cô ta thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi. Đầu óc tôi hình như to phình ra vì hình tượng xấu xí và lạ thường này. Tôi ngồi viết vở kịch ấy suốt hai giờ liền.
Sau khi viết được mười, hay có thể mười hai trang, viết một cách khó nhọc, có khi phải nghỉ rất lâu, hết xóa lại viết, tôi bắt đầu cảm thấy mệt, chân tay cứng đờ vì lạnh. Tôi đứng dậy đi ra phố. Thêm vào đó, suốt nửa giờ cuối cùng, đứa con bà chủ nhà khóc không dứt, làm tôi có ngồi thêm cũng chẳng viết được dòng nào. Vì vậy, tôi quyết định đi xa về phía Đrammen và sẽ không quay lại trước khi trời tối. Tôi sẽ vừa đi dạo, vừa suy nghĩ thêm về vở kịch của mình. Trong buổi dạo lần ấy đã xảy ra một chuyện thế này.
Tôi dừng lại cạnh xưởng đóng ủng cuối phố Carlơ Juhan, gần Quảng trường nhà ga. Có trời mới biết vì sao tôi dừng lại cạnh xưởng đóng ủng ấy chứ không phải nơi khác. ý nghĩ tôi đang bay đâu đó rất xa, có lẽ ở phía tận cùng thế giới. Phía sau tôi có nhiều người qua lại, nói chuyện với nhau, nhưng tôi không nghe rõ họ nói gì. Bỗng nhiên có ai nói to với tôi:
- Chào cậu!
Đó là một người quen cũ của tôi, biệt hiệu là “Cô gái đỏ”.
- Chào cậu! - Tôi lơ đãng đáp lại.
Tôi không nhận ngay ra anh ta.
- Công việc thế nào? - “Cô gái” hỏi.
- Không sao... vẫn như cũ.
- Mà này, cậu vẫn ở chỗ Crixti đấy chứ?
- Crixti nào?
- Cậu không nhớ có lần nói với tớ là cậu làm kế toán cho hiệu buôn Crixti à?
- À... Vâng. Nhưng tớ thôi không làm ở chỗ ấy rồi. Không thể làm việc nổi với con người ấy. Chẳng bao lâu sau mình chia tay ông ta.
- Nhưng vì sao?
- Một lần tớ ghi chép sai, và thế là...
- Cố tình hả?
Cố tình?
“Cô gái đỏ” công khai hỏi có phải tôi cố tình gian lận không? Anh ta hỏi điều ấy một cách nhanh chóng và với vẻ tò mò, không giấu giếm. Tôi nhìn anh ta, cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, nhưng không nói gì.
- Ồ quái gì phải tỏ ra này nọ. Chuyện ấy thì ai mà chẳng có, - anh ta nói, cốt để an ủi tôi.
Anh ta vẫn nghĩ tôi cố tình gian lận.
- Ai chẳng có... nghĩa là thế nào? - Tôi hỏi. - Anh muốn nói rằng ai cũng gian lận phải không? Này, anh bạn, nói thật đi, anh nghĩ tôi có thể làm cái điều bẩn thỉu ấy hả? Tôi mà thế hả?
- Nhưng tớ thấy hình như chính cậu nói...
Tôi hất đầu, quay lưng với “Cô gái” và nhìn về hướng khác. Bỗng nhiên tôi thấy một phụ nữ mặc quần áo đỏ đi cạnh một người đàn ông. Nếu không nói chuyện với “Cô gái”, không tự ái vì sự nghi ngờ bần tiện của anh ta, không hất đầu quay sang hướng khác, có lẽ tôi đã không nhìn thấy bộ quần áo đỏ này. À mà nó thì liên quan gì đến tôi nhỉ? Nó có là áo của công chúa Naghen thì tôi cũng chẳng cần quan tâm tới.
Trong khi đó “Cô gái” vẫn tiếp tục nói để chữa lại sự hớ hênh kia của mình. Tôi hoàn toàn không nghe anh ta mà chăm chú nhìn người đàn bà mặc áo đỏ đang lại gần. Sự hồi hộp làm tôi thấy rạo rực, râm ran trong ngực như bị ai châm những mũi kim rất sắc. Tôi khẽ mấp máy đôi môi.
- Ilaialy!
Lúc này cả “Cô gái” cũng quay lại và nhìn thấy hai người kia đi ngang. Anh ta cúi đầu chào họ rồi đưa mắt nhìn theo. Tôi không cúi chào, cũng có thể cúi chào mà không biết. Chiếc áo đỏ đi tiếp theo phố Carlơ Juhan và cuối cùng biến mất.
- Người đàn ông kia là ai đấy nhỉ? - “Cô gái” hỏi.
- “Quận công” đấy, không nhận ra à? Ông ấy có biệt danh “Quận công”. Cậu biết người đàn bà ấy không?
- Có, biết sơ sơ. Còn cậu?
- Không, - tôi đáp.
- Tớ thấy cậu cúi chào cô ta rất thấp.
- Thật ư?
- Cậu định nói cậu không cúi chào? - “Cô gái” vặn. - Lạ đấy! Cô ta lúc nào cũng nhìn cậu, chỉ nhìn cậu mà thôi.
- Sao cậu biết cô ấy?
Có thể nói anh ta hầu như không biết nàng. Một đêm thu nọ, khi đã rất muộn, có ba chàng trẻ tuổi bước ra từ quán ăn “Grand”, không phải không chuếnh choáng hơi men. Họ gặp người đàn bà này ở Cammereyer và tìm cách bắt chuyện với nàng. Lúc đầu nàng không muốn đáp lại. Một người trong bọn họ, vốn coi trời bằng vung, đề nghị được tiễn nàng về nhà. Anh chàng hứa sẽ không chạm đến một sợi tóc của nàng, và chỉ muốn tiễn nàng về tận cửa để biết chắc nàng đã về tới nhà an toàn, nếu không, suốt đêm anh chàng sẽ trằn trọc không sao ngủ được. Vừa đi, anh chàng vừa nói luôn miệng, nói đủ các chuyện hươu cuội, tự nhận mình là Vondemar, Atterdac, thợ nhiếp ảnh. Dần dần, những câu chuyện nhảm nhí vui vẻ ấy làm nàng thấy buồn cười, còn anh kia thì vẫn không hề nản chí trước sự lạnh lùng của nàng. Cuối cùng nàng đã đồng ý cho tiễn về nhà.
- Sau đó rồi sao? - Tôi hỏi, suýt nghẹt thở vì hồi hộp.
- Sau đó à? À mà thôi, cần gì phải biết chuyện ấy. Dù sao thì cô ta cũng chỉ là một người đàn bà.
Cả hai chúng tôi cùng im lặng trong chốc lát.
- Quỷ quái thật, người kia lại chính là “Quận công” à? Thì ra hắn là người thế đấy! - “Cô gái” nói thêm, vẻ trầm ngâm. - Một khi cô ta đi với hắn thì cô ta sẽ không thuộc loại đắt giá lắm.
Tôi im lặng không nói gì. Tất nhiên “Quận công” sẽ quyến rũ được nàng. Tốt, tốt lắm. Việc quái gì ta phải buồn? Ta chúc cho cô nàng xinh đẹp ấy vui vẻ, thật vui vẻ! Và rồi tôi bắt đầu tự an ủi mình bằng cách nghĩ xấu về nàng, giẫm nàng xuống bùn đen một cách không thương tiếc. Tôi chỉ lấy làm khó chịu rằng trước đó đã ngả mũ chào đôi uyên ương ấy, nếu quả đúng tôi có làm như thế. Tại sao tôi lại ngả mũ chào những con người ấy? Tôi không thương tiếc nàng nữa, hoàn toàn không! Nàng không còn là một phụ nữ xinh đẹp, nàng đã sa ngã - Ôi, lạy Chúa, nàng sa ngã tới mức ấy ư? Rất có thể rằng vừa rồi nàng chỉ nhìn một mình tôi. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Có thể nàng thực sự hối hận... Nhưng không vì thế mà tôi quỳ xuống trước nàng, chào nàng như một thằng điên si tình, nhất là thời gian gần đây nàng sa ngã đến thế. Được, cứ để “Quận công” nhặt lấy nàng! Xin mời! Sẽ có ngày ta đi ngang mà không thèm liếc mắt, có thể ta vẫn không thèm nhìn nàng cả khi nàng nhìn ta chằm chằm, với vẻ cầu khẩn, và trên người mặc bộ quần áo đỏ như hôm nay. Có thể như thế lắm! Ha, ha! Lúc ấy sẽ biết tay nhau nhé! Chắc đêm nay tôi viết xong vở kịch, và khoảng tám ngày nữa nàng tiểu thư xinh đẹp kia sẽ phải quỳ gối trước tôi! Cùng tất cả vẻ đẹp mà nàng có, ha ha, cùng tất cả!...

25.


- Tạm biệt! - Tôi nói một cách dứt khoát.
Nhưng “Cô gái” nắm tay tôi, hỏi:
- Bây giờ cậu đang làm gì?
- Làm gì à? Tất nhiên là tớ viết. Tớ còn có thể làm gì nữa? Tớ sống bằng nghề viết mà! Hiện giờ tớ đang viết một vở kịch lớn, gọi là “Điềm báo trước của cây thánh giá”, về đề tài trung cổ.
- Thế cơ à? - “Cô gái” cảm phục một cách chân thành. - Cậu mà viết xong thì chắc chắn...
- Tớ chẳng quan tâm tới điều ấy! - Tôi đáp. - Tớ hi vọng tám ngày nữa các cậu sẽ được nghe tên tớ.
Nói rồi tôi bỏ đi.
Về tới nhà, lập tức tôi tìm bà chủ, hỏi mượn chiếc đèn. Tôi rất cần có đèn. Tôi định đêm nay không ngủ. Vở kịch đang sôi sục trong đầu, và tôi nghĩ chắc chắn đến sáng mai tôi có thể viết xong một phần khá lớn. Tôi trình bày yêu cầu của mình với bà chủ hết sức nhã nhặn, vì đã kịp thấy vẻ mặt bà lộ vẻ không hài lòng khi biết tôi lại về nhà bà. Tôi viết gần xong một vở kịch tuyệt vời, tôi nói, còn hai cảnh nữa là kết thúc. Tôi cho bà ta biết chắc sẽ có nhà hát nào đấy tự xin tôi cho phép diễn nó trước khi tôi đặt vấn đề với họ, và rằng bây giờ nếu giúp tôi, sau này tôi sẽ...
Nhưng bà chủ nhà không có đèn. Hồi lâu bà ta cố nhớ xem chiếc đèn cũ của bà ta ở đâu, nhưng không sao nhớ nổi. Nếu chờ đến mười hai giờ, có thể tôi sẽ được mượn chiếc đèn từ nhà bếp. Nhưng tại sao tôi không mua nến mà thắp?
Tôi im. Tôi không có nổi mười ere để mua nến, và bà ta thừa hiểu điều đó. Than ôi, thế là kế hoạch của tôi lại sụp đổ. Cô hầu bếp ngồi với chúng tôi trong phòng, dưới bếp chẳng có ai, nghĩa là thậm chí người ta không thắp đèn trong bếp. Tôi nghĩ thế, nhưng không nói thêm lời nào.
Bỗng cô hầu bếp nói:
- Hình như vừa rồi tôi thấy ông từ lâu đài Quốc hội đi ra. Ông dự tiệc ở đấy à? - Rồi cô ả phá lên cười ngặt nghẽo vì câu pha trò của mình.
Tôi ngồi xuống, lấy giấy bút ra định làm việc ngay ở đây. Tôi giữ tờ giấy trên gối rồi nhìn chằm chằm xuống sàn nhà để khỏi phân tán tư tưởng. Nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô ích, tôi vẫn không nặn ra được dòng nào. Hai cô bé con bà chủ bước vào và bắt đầu chơi đùa ầm ĩ với con mèo. Con mèo ấy to một cách lạ lùng và hầu như không có lông. Khi chúng thổi vào mắt nó, nước mắt nó chảy ra, lăn cả xuống mũi. Ông chủ và hai người khách nữa chơi bài trên bàn. Như thường lệ, chỉ một mình bà chủ làm việc - bà ta đang ngồi khâu. Bà ta biết chắc tôi không thể viết nổi ở một nơi ồn thế này, nhưng bà ta đã chẳng cần quan tâm gì tới tôi, thậm chí còn mỉm cười khi cô đầu bếp giễu tôi về việc dự tiệc trong lâu đài. Ở nhà này ai cũng thù địch với tôi; hình như việc tôi phải nhục nhã nhường phòng mình cho người khác đã cho phép họ coi tôi như một người thừa. Cả đến cô đầu bếp, một cô gái xấu xí, bé nhỏ, mắt đen, trán thấp, ngực lép mà cũng bĩu môi cười giễu tôi khi mỗi tối tôi cầm bánh mì cho vào miệng. Cô ả thường hay hỏi tôi ăn trưa ở đâu, và vì sao không bao giờ ả thấy tôi xỉa răng khi ra khỏi hiệu “Grand”. Rõ ràng ả biết về tình cảnh khốn cùng của tôi, và lấy làm thích thú khi nhắc tôi điều đó.
Tất cả những ý nghĩ ấy cứ chui vào đầu làm tôi không viết nổi một dòng nào cho vở kịch. Mọi cố gắng đều không mang lại kết quả. Đầu tôi lại bắt đầu kêu ong ong, cuối cùng tôi phải bỏ không viết nữa. Tôi nhét giấy vào túi, ngước nhìn lên. Cô đầu bếp ngồi ngay trước mặt, tôi nhìn ả, nhìn đôi vai so và cái lưng hẹp của ả. Tại sao ả phải trêu chọc tôi nhỉ? Cứ cho như tôi được mời tới lâu đài thì đã sao? Việc gì ả phải bận tâm điều đó? Những ngày gần đây ả trêu chọc tôi càng trâng tráo hơn trước, nhất là khi tôi vấp ngã trên cầu thang, hay áo khoác vướng vào đinh bị rách. Như hôm qua chẳng hạn, ả đã nhặt những trang nháp tôi vứt ở hành lang rồi đem vào phòng đọc to cho mọi người nghe, vừa đọc vừa mỉa mai bình luận. Tôi nhớ tôi chưa bao giờ làm ả phật lòng, cũng chẳng hề nhờ vả ả điều gì. Ngược lại, đêm đêm, để khỏi phiền ả, tôi tự trải chăn đệm xuống sàn làm giường ngủ. Ả còn cười giễu cả việc tóc tôi rụng nhiều. Sáng dậy, thấy tóc rụng đầy chậu rửa mặt, ả lại cười ré lên thích thú. Đôi giày của tôi mòn vẹt, đặc biệt là bị chiếc xe đè nát, cũng là đề tài cho ả cười giễu tôi. “Ôi, lạy Chúa, thế này mà gọi là giày ư? - ả nói. - Chiếc nào cũng như cái ổ chó ấy!”. Vâng, giày của tôi quả đúng đã hỏng, nhưng tạm thời tôi chưa có tiền thay đôi khác.
Tôi nhớ lại tất cả những điều này và lấy làm ngạc nhiên vì sao cô đầu bếp lại thù ghét tôi đến vậy. Trong khi đó các cô bé con bà chủ bắt đầu trêu chọc ông già đang nằm trên giường. Chúng chạy nhanh quanh ông lão rồi lấy cọng rơm chọc vào tai ông. Lúc đầu tôi không muốn can thiệp vào chuyện này. Ông lão không cử động được để thoát khỏi những trò chơi độc ác của chúng. Ông chỉ biết nhìn những kẻ hành hạ mình, những đứa cháu ngoại của ông, bằng con mắt giận dữ khi chúng cù ông và lắc đầu một cách bất lực để giũ các cọng rơm bị nhét vào tai rơi ra.
Đối với tôi, cảnh ấy dần dần trở nên không sao chịu nổi, nhưng tôi không thể rời mắt khỏi nó. Ông chủ chốc chốc lại ngước đầu khỏi những quân bài, cười khen trò chơi của hai cô con, thậm chí còn lưu ý khách khứa cùng thưởng thức. Nhưng sao ông già cứ nằm yên? Sao không dậy đánh cho hai con bé mấy cái? Tôi bước một bước về phía giường.
- Kệ chúng! Kệ chúng! Lão già bị bại liệt! - Ông chủ kêu to với tôi.
Và tôi, sợ làm ông ta tức giận, sợ bị tống ra đường đang đêm, đành lặng lẽ quay về chỗ cũ và ngồi xuống. Sao tôi cứ phải xen vào việc gia đình người khác để có thể bị đe dọa tước mất chỗ ngủ và những miếng bánh mì? Chẳng việc gì phải vất vả với ông già nửa sống nửa chết ấy! Nghĩ thế, tôi cảm thấy cứng rắn hẳn lên, cứng rắn như đá vậy.
Hai con bé vẫn tiếp tục tra tấn ông già. Chúng lấy làm thích thú vì ông ngoại chúng không cọ quậy đầu được, chúng cứ việc chọc cọng rơm vào mắt, vào mũi ông. Ông già nhìn chúng với sự căm thù vô hạn, nhưng không thể nói một lời hay làm bất kì một cử động nào. Bất chợt ông đem hết sức nhỏm dậy, nhổ nước bọt vào mặt một đứa. Sau đó ông lại nhỏm dậy, nhổ vào đứa kia nhưng không trúng. Tôi thấy chủ nhà vội vứt bài xuống, chạy tới giường, mặt đỏ bừng vì tức giận. Ông ta quát:
- Con chó già kia, sao mày dám nhổ vào mặt con tao, hả?
- Vì chúng không chịu để ông ấy yên! - Không nhịn thêm được nữa, tôi nói xen vào.
Nhưng do lúc nào cũng sợ bị đuổi ra đường, tôi nói không cương quyết lắm. Toàn người tôi run lẩy bẩy.
Ông chủ nhà quay sang nhìn tôi:
- Giỏi đấy! Ai khiến anh xỏ mũi vào việc người khác? Câm ngay, nghe không? Biết điều thì câm đi, kẻo phiền đấy!
- Sao, ông mà cũng dám tỏ ra bất bình, hả? - Bà ta rít lên. - Xin mời cả hai im đi cho, kẻo tôi lại vứt ra đường hết bây giờ, hiểu chứ? Hừ, thế mà tôi lại còn uổng công sưởi ấm và nuôi béo con chó này nữa, mà thử hỏi để làm gì? Tôi không chịu thế đâu, nghe không?! Câm mồm, đồ rác rưởi! Mà lau mũi đi, kẻo tôi đến vặn đi bây giờ! Lạ lùng thật đấy! Từ ngoài phố mò vào, không đồng xu dính túi, đến mua hộp thuốc mỡ chống rận cũng không mua nổi, thế mà giữa đêm khuya dám làm ầm ĩ lên, dám cãi lại người khác. Tôi không cho phép thế đâu! Ai là người ngoài phải ra khỏi nhà này ngay! Trong nhà này phải được yên tĩnh! Tôi muốn thế đấy!
Tôi không đáp gì, thậm chí không dám mở miệng, chỉ lặng lẽ đến ngồi bên cửa và nghe chửi. Mà chửi thì ai cũng chửi, kể cả bọn trẻ con và cô đầu bếp. Cô ả cứ nhất định muốn biết do ai mà xảy ra cuộc cãi cọ này. Nếu vừa rồi tôi im lặng, chắc mọi chuyện đã kết thúc tốt đẹp. Ừ mà đáng lẽ tôi không nên nói mới phải, nếu thế chắc sẽ không đến nỗi. Nhưng suy kĩ, thì tôi chẳng đã im lặng mãi đó sao? Bên ngoài trời rất lạnh, lại khuya khoắt thế này. Nào tôi có dám đấm bàn đấm ghế tự bào chữa cho mình đâu? Không, tôi không ngốc đến thế? Vì vậy tôi ngồi yên, và mặc dù người ta không cho ở nữa, nhưng tôi vẫn không rời khỏi căn nhà này. Tôi nhìn dán mắt vào tường, nơi có bức tranh vẽ Đấng Cứu Thế; tôi nhẫn nhục im lặng, coi như không có những lời chửi rủa cay độc của bà chủ.
- Nếu bà muốn tôi đi khỏi nơi này, thì thưa bà, tôi đi ngay bây giờ! - Một trong số những người chơi bài nói.
Và ông ta đứng dậy. Người thứ hai cũng làm theo.
- Không, tôi không nói ông. Cả ông nữa. - bà chủ nhà vội thanh minh. - Đã đến nước này thì tôi sẽ nói thẳng tôi muốn đuổi ai. Các vị thừa biết người ấy...
Bà ta cố tình dừng lại để tôi biết người đó chính là tôi. “Bình tĩnh! - Tôi thầm bảo mình. - Phải bình tĩnh mới được!”. Bà ta chưa đuổi tôi, chưa nói thẳng cái từ ấy ra miệng. Mong sao tôi đừng tỏ ra quá kiêu, phải dẹp cái tự trọng kia đi, giờ không phải lúc! Hãy bịt tai lại... Chà, Chúa Giêsu trên tranh có mái tóc màu xanh lạ lùng quá... Rất giống một đám cỏ xanh... Hay nói chính xác hơn - giống một đám cỏ xanh dày bò mới gặm! Lập tức các ý nghĩ liên tiếp xuất hiện trong đầu tôi: cỏ xanh làm tôi nhớ đến một đoạn trong Kinh Thánh, nói rằng ngày tháng của con người giống cỏ xanh, bị cháy trụi. Sau đó tôi bắt đầu nghĩ về ngày tận thế, là khi vạn vật sẽ bị thiêu cháy trong lửa. Rồi tôi nghĩ tới trận động đất ở Lixabon, và thấy rõ mồn một trước mặt một ống nhổ nước bọt bằng gang kiểu Tây Ban Nha và một bộ đồ viết bằng gỗ đen như ở nhà Ilaialy. Chà, mọi thứ đều nhảm nhí cả! Cả đám cỏ xanh bị thiêu cháy! Ai cũng có một phần kết giống nhau là chiếc quan tài bốn tấm và miếng vải liệm của hiệu Anđerxơn, lối vào bên phải...
Tất cả những điều kiện trên hiện nhanh trong đầu tôi vào cái giây phút nguy kịch nhất, khi bà chủ nhà chuẩn bị đuổi tôi ra đường.
- Trời ơi, thậm chí đến nghe hắn cũng chẳng thèm nghe! - Bà ta lại rít to. - Tôi nói với ông đấy: Xéo khỏi đây ngay, xéo ngay, hiểu chưa? Hắn hóa điên rồi! Có đúng trời bắt tội tôi không? Cút đi! Muốn đi đâu thì đi, không dài dòng gì nữa!
Tôi nhìn về phía cửa, nhưng không phải để bước ra khỏi nhà, hoàn toàn không phải thế. Trong đầu tôi nẩy ra một ý nghĩ táo bạo: nếu trong ổ có chìa khóa, tôi sẽ khóa trái cửa lại rồi vứt chìa, thà chịu giam chung với mọi người, nhưng được ở lại trong phòng. ý nghĩ rằng bây giờ lại phải ra ngoài trời lạnh làm tôi khiếp sợ. Tiếc thay, trong ổ không có chìa khóa, nên tôi phải đứng dậy. Chẳng còn gì để chờ thêm nữa.
Bỗng nhiên, xen vào giữa những câu chửi của bà chủ nhà, tôi nghe có tiếng chồng bà ta. Tôi chững lại, ngơ ngác. Con người vừa đe dọa tôi lúc nãy bây giờ lại lên tiếng bênh tôi. Ông ta nói:
- Không được đuổi người ta ra đường giữa đêm hôm khuya khoắt thế này! Bà không biết điều đó sao? Làm thế sẽ bị luật pháp trừng trị đấy!
Tôi không biết luật pháp có trừng trị hay không, chắc là không, mà cũng có thể có, ai biết đấy, nhưng vừa nghe nói vậy, lập tức bà chủ nhà chững lại ngay. Bà ta nguôi dần và cuối cùng để tôi yên. Thậm chí bà ta còn mời tôi hai miếng bánh mì kẹp thịt, nhưng tôi không ăn - để tỏ lòng biết ơn với ông chủ nhà, tôi không ăn, nói là đã ăn ngoài phố.
Cuối cùng, tôi ra hành lang chuẩn bị chỗ nằm, bà chủ nhà đi theo, đứng bên bậc cửa, che hết ánh sáng bằng cái bụng to đến quái dị của mình. Bà ta nói to:
- Nhưng đừng quên đêm nay là đêm cuối cùng ông ngủ ở nhà tôi đấy!
- Vâng, - tôi đáp.
Ngày mai, nếu chịu khó, tôi sẽ tìm được chỗ ngủ đâu đó. Không chỗ này thì chỗ khác. Còn tạm thời tôi lấy làm mừng rằng đêm nay vẫn có mái nhà che đầu.
Tôi tỉnh dậy vào lúc năm hoặc sáu giờ sáng. Trời còn tối, nhưng dù sao tôi vẫn dậy ngay. Vì lạnh, tôi đã để cả quần áo mà ngủ. Uống xong ít nước, tôi lặng lẽ mở cửa, và cũng lặng lẽ như thế, tôi bước ra ngoài, thầm mong không phải chạm trán với bà chủ nhà.
Ngoài phố vắng tanh, thỉnh thoảng mới gặp một người cảnh sát trực qua đêm. Một chốc sau xuất hiện hai nhân viên đèn đường, họ lần lượt tắt tất cả các ngọn đèn đốt bằng hơi hai bên phố. Tôi đi lang thang không mục đích, ra tới phố Nhà Thờ rồi đi về phía pháo đài. Tôi muốn ngủ, run lên vì lạnh. Do đi nhiều, lưng và hai chân đau nhức nhối. Cảm thấy rất đói, tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài và bắt đầu ngủ gật. Suốt ba tuần liền tôi chỉ sống bằng những miếng bánh mì bà chủ nhà cho vào buổi sáng và buổi tối, còn một ngày một đêm nay tôi chưa có gì vào bụng, và cái đói lại bắt đầu hành hạ tôi. Phải nhanh chóng tìm một lối thoát nào đó. Tôi ngồi ngủ gật trên ghế với ý nghĩ ấy...
Tôi chợt tỉnh vì nghe có giọng nói của ai đó. Tôi đưa mắt nhìn quanh trời sáng hẳn, thành phố đã tỉnh dậy. Tôi đứng lên rồi đi. Mặt trời nhô lên khỏi ngọn đồi, cả khoảng không bao la được nhuốm một lớp hồng màu sáng. Một buổi sáng tuyệt đẹp sau nhiều tuần ảm đạm. Nó làm tôi vui lên và tạm quên những phiền muộn của mình. Bây giờ tôi cảm thấy hoàn cảnh của tôi chưa đến nỗi nào, nhiều lần trước đó tôi thấy còn tồi tệ hơn gấp bội. Tôi vỗ mạnh vào ngực rồi khe khẽ hát. Giọng tôi nghe thật buồn, thật yếu, đến mức tự tôi cũng cảm thấy muốn chảy nước mắt. Vả lại, hôm nay trời đẹp, bầu trời trong xanh rực rỡ tác động lên tôi quá mạnh, và rồi tôi òa lên khóc.
- Chuyện gì xảy ra với ông thế? - Một người đi ngang hỏi tôi.
Tôi vội bỏ đi ngay không đáp, hai tay che mặt.
Tôi ra tới cảng. Người ta đang bốc than lên từ một chiếc tàu lớn mang cờ nước Nga; tàu “Kôpegôrô”. Hồi lâu tôi giải trí bằng cách đứng nhìn con tàu ngoại quốc ấy.
Có lẽ nó bốc hàng sắp xong vì bảng đo mực nước trên mạn tàu đã chỉ con số ba mét chiều nổi. Dưới chân ủng nặng nề của đám phu khuân vác, boong tàu kêu lên rền rĩ.
Mặt trời, ánh sáng, không khí có mùi mặn của biển - tất cả cái cuộc sống vui vẻ và thú vị này đã kích thích tôi, làm máu trong người tôi chảy mạnh. Bỗng tôi chợt có ý nghĩ rằng có thể ngồi ngay ở đây để viết thêm vài cảnh nữa cho vở kịch của mình. Rồi tôi rút giấy ra khỏi túi.
Tôi bắt đầu vắt óc tìm các câu từ để đặt lên môi cha tu sĩ - những câu từ giận dữ, thiếu kiên nhẫn. Thất bại! Tôi gác cha tu sĩ sang một bên để nghĩ lời cho quan chánh án khi ông ta nói với cô gái tội lỗi đã làm nhơ bẩn nhà thờ. Viết được nửa trang, tôi bỏ giấy bút xuống. Không được! Không có chất hào hùng tôi muốn có. Xung quanh tôi mọi người đang làm việc sôi nổi với đủ trăm thứ tiếng động khác nhau, chẳng ăn nhập chút nào với không khí ảm đạm, ngột ngạt của thời trung cổ mà vở kịch của tôi phải có. Thu dọn giấy tờ xong, tôi đứng dậy.

26.


Nhưng dù sao, tôi đã vượt qua điểm chết ấy, và tôi tin chắc từ bây giờ, công việc sẽ tiến triển tốt đẹp. Chỉ cần tìm được một chỗ nào đó yên tĩnh! Nghĩ thế, tôi dừng lại chính giữa đường phố, nhưng cố mãi vẫn không nhớ ra được một chỗ nào yên tĩnh trong cả cái thành phố to lớn này, một chỗ cho tôi ngồi tạm. Chẳng còn biết đi đâu, ngoài quay về “Nhà nghỉ cho khách vãng lai”. Vừa nghĩ tới điều ấy, tôi đã co rúm người lại. Không, không thể thế được! Tôi tự bảo mình như vậy, nhưng chân vẫn bước về phía trước, theo con đường duy nhất còn lại. Tất nhiên là xấu hổ, là nhục nhã, tôi biết. Biết mà vẫn không sao làm khác. Công bằng mà nói, tôi cũng chẳng là anh cao đạo gì lắm. Tôi dám chắc trên đời này không ai nhẫn nhục hơn tôi. Và rồi tôi cứ thế đi tiếp.
Đến cổng, tôi dừng lại cân nhắc lần nữa. Kệ, phải liều thôi, muốn ra sao thì ra! Suy cho cùng, bản thân việc đắn đo suy nghĩ cũng là điều đáng khinh rồi! Trước hết, tôi chỉ cần một chỗ ngồi tạm trong mấy giờ thôi. Sau nữa, thề có Chúa chứng giám, tôi sẽ không bao giờ đặt chân vào ngưỡng cửa nhà này nữa. Tôi bước vào sân, bước lên những hòn đá lát gồ ghề, lòng vẫn chưa hết do dự, và khi tới sát cửa, tôi suýt quay lại. Tôi nghiến chặt răng. Thôi đi, đừng sĩ diện hão! Trong trường hợp xấu nhất, có thể xin lỗi, nói quay lại để từ biệt - phép lịch sự bắt thế - và thống nhất ngày tôi sẽ trả món tiền còn nợ. Tôi mở cửa bước vào hành lang và đứng sững lại vì ngạc nhiên. Ông chủ nhà đầu không mũ, người không khoác áo đang đứng ghé mắt nhìn vào phòng qua ổ khoá trên cửa. Ông ta đưa tay ra hiệu tôi im lặng, rồi lại nhìn qua ổ khóa để xem cái gì đang xảy ra bên trong. Vừa nhìn, vừa cười. Rồi ông ta khẽ gọi tôi:
- Lại đây! Lại đây mà xem!
Tôi rón rén đi lại.
- Thấy gì không? - Ông ta nói, người rung lên vì không nén được cười to. - Nhìn lại, nhĩn kĩ vào! Hi, hi! Chúng đang vật nhau. Nhìn ông già nữa! Có thấy ông già chứ?
Trong phòng, trên chiếc giường ngay trước mặt tôi, dưới bức tranh vẽ Chúa Giêsu, tôi thấy bà chủ nhà và gã thủy thủ đang ôm nhau. Đôi chân bà ta trắng hếu trên nền chiếc chăn màu sẫm. Còn trên một chiếc giường khác gần đó là bố bà ta đang ngồi tựa lưng vào tường. Ông già bại liệt tựa lên hai tay, nhìn trân trân, co rúm người vì đau khổ, và như thường ngày, không thể làm một cử động nào, dù nhỏ...
Tôi quay về phía ông chủ nhà. Tay bóp chặt mũi, vất vả lắm ông ta mới giữ được để không phá lên cười to.
- Nhìn thấy ông già chứ? - Ông ta thì thầm nói. - Ôi, lạy Chúa, anh nhìn thấy ông già chứ? Lão cứ phải ngồi để nhìn chúng làm tình với nhau! - Rồi ông ta lại cúi xuống nhìn qua ổ khóa.
Tôi lại gần cửa sổ, ngồi xuống. Cái cảnh độc ác kia lập tức làm mọi ý nghĩ của tôi chùng xuống, và giết chết mọi cảm hứng. Nhưng thử hỏi tất cả những chuyện này có quan hệ gì với tôi? Một khi chính ông chồng đã chấp nhận điều đó và thậm chí còn lấy làm thích thú, thì tôi chẳng có một lí do nào để phẫn nộ. Còn về ông già thì chắc chắn cũng không bận tâm tới. Chắc đây không phải là lần đầu ông già chứng kiến cảnh này, cũng chẳng rõ ông đang ngồi ngủ hay đã chết - chỉ trời mới biết. Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào, nếu ai đó báo tin rằng quả là ông đã chết. Mà lương tâm tôi cũng không hề cắn rứt.
Tôi lại lấy giấy bút ra và cố tập trung suy nghĩ. Câu nói của quan tòa bị đứt giữa chừng: “Ta làm theo lời dạy của Chúa và pháp luật, ta làm theo lời khuyên của các nhà thông thái, ta làm theo lương tâm...”. Tôi nhìn ra cửa sổ và nghĩ làm theo lương tâm cụ thể là làm gì. Từ phòng có tiếng ồn khe khẽ vọng ra. Ồ không, nó không liên quan gì tới tôi, hoàn toàn không. Có thể ông già đã chết, chết vào lúc bốn giờ sáng hôm nay. Nghĩa là tôi không mảy may quan tâm tới những gì đang xảy ra ở phòng bên. Nhưng quỷ quái thật, thế thì sao tôi cứ nghĩ tới nó? Không được! Phải bình tĩnh lại!
“Ta làm theo lương tâm...”.
Nhưng hình như tất cả đang cố tình chống lại tôi. Ông chủ nhà vẫn không rời mắt khỏi lỗ khóa; chốc chốc lại bịt miệng cười thích thú. Tôi nhìn thấy người ông ta rung lên vì cười. Cả những gì xảy ra ngoài phố cũng làm tôi mất tập trung. Ở bên kia phố, một đứa bé đang chơi ngoài nắng. Nó bình thản ngồi chắp các mẩu giấy lại với nhau. Bỗng nó đứng bật dậy, giận dữ kêu to điều gì đó. Nó lùi lại, đến đứng chính giữa phố, ngước nhìn lên một người có bộ râu màu hung vừa ló ra ở cửa sổ và từ tầng hai nhổ nước bọt xuống đầu nó. Tức quá không làm gì được, nó òa khóc rồi lên tiếng chửi rủa. Còn người râu hung thì đứng bên cửa sổ nhìn xuống và cười hô hố; cứ thế kéo dài trong năm phút. Tôi quay đi để khỏi phải nhìn nước mắt của thằng bé.
“Ta làm theo lương tâm...”
Tôi không sao viết nổi câu tiếp. Cuối cùng mọi thứ bắt đầu lẫn lộn. Tôi có cảm giác rằng cả những đoạn đã viết xong cũng chẳng có chút giá trị nào, và rằng toàn bộ dự định của tôi chỉ là một chuyện nhảm nhí. Vào cái thời trung cổ ấy làm gì có lương tâm. Người đầu tiên nói tới lương tâm là ông thày dạy múa trong kịch Sếchxpia. Nghĩa là toàn bộ bài nói của ông quan tòa của tôi là không đúng. Nghĩa là có thể đem vứt những tờ đã viết? Tôi đọc lại toàn bộ một lần nữa và mọi nghi ngờ đều biến mất. Tôi tự thấy có nhiều đoạn rất hay, nhiều chỗ có giá trị cao về nghệ thuật. Và lần nữa tôi lại rạo rực muốn cầm bút viết tiếp để kết thúc vở kịch.
Tôi đứng dậy, đi tới cửa, không để ý ông chủ nhà đang ra hiệu tôi im lặng. Với quyết tâm không gì thay đổi được, tôi đi ra hành lang, theo thang gác lên tầng hai rồi bước vào phòng mình. Gã thủy thủ còn ở dưới kia mà, ngồi ở đây một chốc đã sao? Tôi sẽ không động đến các đồ vật trong phòng, thậm chí không lại gần chiếc bàn, mà chỉ ngồi trên ghế cạnh cửa. Đối với tôi như thế là đủ... Tôi nhanh chóng lấy giấy đặt lên gối.
Mấy phút trôi qua thật tuyệt. Tôi viết liên tục không nghỉ. Các câu hoàn chỉnh, được nghiền ngẫm từ lâu cứ thế nối đuôi nhau xuất hiện. Tôi viết hết trang này đến trang khác, công việc tiến rất nhanh về phía trước. Chốc chốc tôi khẽ kêu lên sung sướng, ngây ngất với cảm hứng kì diệu của mình và hầu như chẳng biết gì khác. Lúc ấy tôi chỉ nghe tiếng kêu thán phục của chính tôi. Tôi bỗng nẩy ra một ý rất hay về chiếc chuông nhà thờ, nó sẽ phải vang lên ở một đoạn trong vở kịch. Ôi, thật kì diệu!
Bỗng có tiếng chân trên cầu thang. Tôi run lên vì sợ, khó khăn lắm mới giữ được để không ngã xuống. Tôi luôn trong tình trạng hốt hoảng, rụt rè, chờ đón mọi chuyện. Cái gì cũng làm tôi sợ. Các dây thần kinh rối tung vì đói. Tôi hồi hộp lắng nghe, bóp chặt bút chì trong tay và không thể viết thêm chữ nào nữa. Cửa mở. Hai người bước vào. Họ là những người tôi vừa nhìn thấy qua ổ khóa.
Tôi chưa kịp xin lỗi thì bà chủ nhà đã kêu lên, kinh ngạc như vừa từ mặt trăng rơi xuống.
- Trời đất ơi, lại gặp hắn ở đây!
- Xin lỗi! - Tôi nói và định giải thích thêm, nhưng người ta không cho tôi nói tiếp.
- Cút khỏi đây ngay! Thề có trời làm chứng, tôi sẽ gọi cảnh sát tới bây giờ!
Tôi đứng dậy.
- Tôi chỉ đến đây từ biệt bà, - tôi lẩm bẩm. - Tôi buộc phải chờ ở đây. Tôi không hề đụng đến các đồ vật, tôi chỉ ngồi ở cái ghế này thôi...
- Thôi cũng chẳng sao, - gã thủy thủ lên tiếng, - ầm lên làm quái gì! Để hắn yên!
Khi đi xuống cầu thang, tôi bỗng cảm thấy vô cùng căm ghét người đàn bà to béo đang đi phía sau để nhanh chóng tống tôi khỏi nhà. Tôi dừng lại trong giây lát, trong đầu sẵn sàng những câu chửi cay độc nhất mà tôi sắp sửa ném vào mặt mụ. Nhưng tôi đã kịp thời bình tĩnh trở lại và im lặng, im lặng vì biết ơn người đàn ông lạ mặt đang đi theo mụ và có thể nghe thấy hết cả. Mụ chủ nhà cứ bám chân tôi, miệng không ngớt nguyền rủa, làm tôi mỗi lúc một thêm tức giận.
Chúng tôi bước nhanh ra sân. Tôi đi chậm chạp, vẫn băn khoăn không biết có nên dính với mụ chủ nhà này không. Sự tức giận làm tôi nghẹt thở. Trong đầu tôi xuất hiện những ý nghĩ đẫm máu nhất. Tôi sẵn sàng giết mụ ngay lập tức, hoặc đạp vào cái bụng chửa của mụ. Tới cổng, tôi gặp người đưa thư, anh ta cúi chào nhưng tôi không đáp. Rồi anh ta quay sang mụ chủ nhà, hỏi điều gì đó về tôi, nhưng tôi vẫn không ngoái lại.
Tôi vừa bước ra phố, anh ta liền chạy theo, lại cúi chào và yêu cầu tôi chờ một chút. Anh ta đưa cho tôi một bức thư. Tôi lơ đãng bóc thư và từ đó rơi ra một tờ giấy mười curon, nhưng không có thư nào cả.
Tôi nhìn anh ta, hỏi:
- Chuyện gì thế này? Ai gửi cho tôi?
- Thú thật, tôi không biết, - người đưa thư đáp. - Một bà nào đấy nhờ tôi đưa hộ ông.
Tôi ngạc nhiên đến sững sờ. Người đưa thư đã bỏ đi. Tôi cho tờ giấy bạc vào bì thư, vò nát rồi quay lại đi về phía mụ chủ lúc này vẫn đứng nhìn theo tôi bên bậc cửa. Tôi ném cục giấy vào mặt mụ rồi quay người bước đi. Tôi không nói lời nào, không gây tiếng động nào, chỉ một lần ngoái lại nhìn và thấy mụ đang giở tờ giấy bạc nhàu nát...
Thế, thế mới gọi là biết cư xử một cách xứng đáng! Không chuyện trò, không thèm nói một câu với mụ đàn bà bẩn thỉu kia, mà bình thản vò nát một tờ mười curon rồ ném thẳng vào mặt mụ. Thế mới gọi là một người biết tự trọng! Đáng đời chúng lắm, đồ chó má!...
Khi tôi đi tới góc quảng trường nhà ga và phố Tômtegaten giao nhau, tôi bỗng thấy đầu óc quay cuồng, tai ù ù, suýt nữa thì ngã xuống đất, và tôi phải tựa vào tường mới đứng vững. Tôi không thể đi tiếp, thậm chí không đứng thẳng lưng được. Tôi cảm thấy tôi đang từ từ ngất xỉu. Trạng thái bất lực này chỉ làm cơn giận điên cuồng của tôi tăng thêm. Tôi liên tiếp giẫm mạnh chân xuống đất. Tôi tìm mọi cách cố bắt mình tỉnh lại - tôi nghiến răng, nhíu trán, trợn mắt... và hình như có kết quả. ý nghĩ trong đầu sáng dần. Tôi hiểu cái chết không còn xa nữa. Tôi rút hai tay khỏi bức tường. Đường phố vẫn nhảy múa trước mặt. Tôi bắt đầu thút thít khóc vì bất lực và cuồng giận, đem hết sức chống đỡ lại, cố đứng vững trên đôi chân của mình. Tôi không muốn ngã. Tôi muốn được chết đứng. Một chiếc xe ngựa chạy qua. Tôi thấy nó chở khoai tây, nhưng vì bướng bỉnh, tôi cứ bắt mình nghĩ rằng đó không phải khoai tây, mà là cải bắp, và tôi đã tự thề một cách độc địa rằng đó là cải bắp. Tôi nghe rất rõ tiếng nói của chính mình, biết mình sai nhưng vẫn cố tình xem cái điều ngốc nghếch kia là sự thật. Tôi còn giơ ba ngón tay lên cao và lóng ngóng nhân danh đức Chúa Cha, đức Chúa Con và Thánh Thần, thề rằng trong xe là những bắp cải.
Thời gian trôi. Tôi ngồi phịch xuống bậc đá gần nhất, lau mồ hôi trán và cổ, hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh. Mặt trời đã lặn, đêm đến dần. Tôi lại bắt đầu suy ngẫm về hoàn cảnh của mình. Cái đói giày vò tôi không thương tiếc, mà chỉ vài tiếng nữa đêm băng giá sẽ đến. Phải nghĩ ngay lối thoát, chừng nào chưa muộn. ý nghĩ tôi lần nữa lại quay về với những căn phòng có đồ gỗ nơi tôi vừa bị đuổi đi. Tôi hoàn toàn không muốn tới đó, thế nhưng vẫn không sao thoát khỏi ý nghĩ ấy. Thật ra mà nói, mụ chủ nhà tống tôi ra đường là đúng. Làm sao tôi có thể trông chờ người ta cho chỗ ngủ khi không có tiền để trả? Thêm vào đó, tôi lại còn được ăn nữa. Đêm qua, cả khi đang tức giận, mụ vẫn mời tôi hai miếng bánh mì kẹp thịt - mụ mời vì thương hại tôi, biết tôi đang rất đói. Vì vậy, tôi cứ ngồi ở bậc đá này mà oán trách mụ là không đúng. Và rồi tôi lặng lẽ cầu xin mụ tha thứ cho tôi đã cư xử thô lỗ với mụ. Đặc biệt tôi lấy làm buồn về việc tôi đã tỏ ra vô ơn và ném tiền vào mặt mụ...
Mười curon! Tôi khẽ huýt sáo vì kinh ngạc. Ai nhờ người đưa thư trao cho tôi nhỉ? Chỉ bây giờ tôi mới thực sự nghĩ tới điều đó và lập tức hiểu hết mọi chuyện. Tôi co rúm người vì buồn và xấu hổ rồi khẽ nói mấy lần: “Ilaialy!”, vừa nói vừa khẽ lắc đầu. Có phải chính tôi mới đêm qua còn quyết định kiêu hãnh lờ ngang khi gặp nàng và sẽ không thèm mảy may chú ý tới nàng không? Thế mà thay cho điều ấy, tôi chỉ làm nàng thêm thương hại và bố thí cho cái này! Không! Không! Không! Lẽ nào tôi có thể nhục nhã đến thế? Thậm chí trong mắt nàng tôi vẫn không tỏ ra được rằng mình là người tử tế. Tôi đã ngập sâu trong đê tiện, ngập đến gối, đến lưng, đến cổ, và chẳng đủ sức thoát ra nữa. Chẳng bao giờ! Thế là hết! Nhận mười curon như nhận của bố thí và không có điều kiện để quẳng chúng vào mặt con người từ thiện bí hiểm kia. Tôi đã vồ lấy số tiền ấy bằng cả hai tay, thế mà không dùng chúng để trả tiền nhà, dù đang vì nó mà đau khổ!...
Có cách nào lấy lại được mười đồng curon ấy không nhỉ? Đến gặp mụ chủ nhà xin lại là điều vô ích. Phải tìm cách khác thôi. Sẽ tìm được, chỉ cần suy nghĩ, suy nghĩ thật nhiều. Có Chúa làm chứng, chỉ nghĩ bằng đầu thôi chưa đủ, mà phải bằng cả cơ thể mình. Và rồi tôi bắt đầu nghĩ một cách nghiêm túc.
Có lẽ đã gần bốn giờ chiều, nghĩa là hai giờ nữa tôi có thể đến gặp ông giám đốc nhà hát, nếu vở kịch viết xong. Tôi lấy tập bản thảo ra và quyết tâm bằng bất kì giá nào cũng phải viết nốt mấy cảnh còn lại. Tôi vắt óc suy nghĩ, người toát mồ hôi, đọc lại một lượt từ đầu, nhưng vẫn không viết thêm được một chữ nào. “Ngu ngốc thế đủ rồi, - tôi tự bảo mình. - Đừng bướng bỉnh thế nữa!”. Và rồi tôi bắt đầu nghĩ gì viết ấy, cốt để nhanh chóng kết thúc cho thoát nợ. Tôi cố thuyết phục mình rằng cảm hứng đã đến; tôi lừa dối tôi chẳng phải vất vả chút nào trong việc tìm từ. “Tuyệt! Một ý tưởng thật hay! - Chốc chốc tôi lại lẩm bẩm nói. - Chỉ còn việc chép lên giấy!”
Cuối cùng đoạn kết của vở kịch bắt đầu làm tôi nghi ngờ. Nó khác xa những cảnh đầu. Ngoài ra, lời cha tu sĩ không có gì là trung cổ cả. Tôi cắn bút chì, nhảy chồm dậy, cầm tập bản thảo và xé nhỏ từng tờ một, sau đó tôi vứt mũ xuống đất và lấy chân giẫm nát. “Thế là ta đã chết, - tôi khẽ bảo mình. - Thưa quý ông, quý bà, thế là tôi đã chết!”. Ngoài câu này, tôi chẳng nói thêm được gì nữa và chỉ còn biết giẫm chân lên chiếc mũ.
Cách mấy bước có một người cảnh sát đang đứng theo dõi tôi. Anh ta đứng chính giữa phố và nhìn tôi không chớp mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên, mắt chúng tôi gặp nhau. Có thể anh ta đứng đấy từ lâu và luôn theo dõi tôi trong suốt thời gian ấy. Tôi nhặt chiếc mũ, đội lên đầu rồi đi lại gần người cảnh sát.
- Anh có biết bây giờ mấy giờ không? - Tôi hỏi.
Suy nghĩ một chốc, anh ta cho tay vào túi lấy đồng hồ, mắt vẫn chăm chắm nhìn tôi.
- Bốn giờ, - anh ta đáp.
- Đúng! - Tôi nói. - Bốn giờ, đúng thế. Tôi thấy anh biết công việc của anh đấy. Sau này tôi sẽ để ý cất nhắc anh.
Rồi tôi bỏ đi. Anh kia đứng ngẩn người vì ngạc nhiên, há to miệng nhìn theo, tay vẫn cầm chiếc đồng hồ. Tới “Royal” tôi ngoái đầu nhìn lại: anh ta vẫn đứng như thế.

27.


Ha, ha, với lũ chó ấy thì phải thế mới được! Đồ vô lương tâm! Đó là cách dạy cho chúng kính trọng người khác, bắt chúng phải run sợ... Tôi rất hài lòng với mình và lại bắt đầu khe khẽ hát. Trong trạng thái bị kích thích mạnh, quên cả đau, thậm chí không cảm thấy khó chịu chút nào và với lòng lâng lâng, tôi đi hết quảng trường đến chợ, rẽ sang nhà thờ Đấng Cứu Thế và ngồi xuống một chiếc ghế dài ở đó.
Suy cho cùng thì trả lại mười curon kia hay không cũng đều thế cả. Người ta gửi cho tôi, có nghĩa chúng là của tôi, ai gửi hoàn toàn không quan trọng. Người đưa thư được lệnh đưa cho tôi, vậy thì tôi phải nhận. Chẳng nhẽ lại cho anh ta? Và quả là ngu ngốc nếu bây giờ tôi hoàn lại cho người gửi mười đồng curon khác chứ không phải mười đồng tôi đã nhận. Nếu vậy thì chẳng còn biết làm gì nữa.
Tôi cố gắng tập trung nhìn quảng trường sôi động đầy những người là người và nghĩ về những việc không liên quan gì đến tôi, nhưng điều này không mang lại mấy kết quả - mười đồng curon kia vẫn chẳng chịu chui ra khỏi đầu. Cuối cùng tôi bừng bừng tức giận, bóp chặt nắm đấm. “Nếu ta trả lại số tiền đó, nàng sẽ cảm thấy bị xúc phạm, - tôi tự bảo mình. - Thế thì còn gì nữa phải suy nghĩ?”. Bao giờ tôi cũng rất cao đạo, không chịu nhận quà cáp. Trong những trường hợp ấy, tôi chỉ kiêu hãnh lắc đầu và nói: “Ồ, không, cảm ơn, rất cảm ơn”. Và kết quả là gì? Tôi lại lang thang ngoài phố. Tôi không ở lại căn phòng ấm cúng của mình, mặc dù tôi có đầy đủ khả năng làm điều ấy. Tôi là người tự trọng, nên chỉ cần nghe một câu nào đấy khiếm nhã, là không chịu nổi và sẽ quẳng ngay những đồng mười curon vào mặt người nói rồi bỏ đi hẳn... Tôi tự trừng phạt mình, tự rời bỏ căn phòng của mình và lại lần nữa rơi vào tình cảnh khó khăn này.
Nhưng thôi, quỷ tha ma bắt chúng đi! Tôi không ngửa tay xin những đồng curon ấy, và chúng cũng chẳng ở trong tay tôi lâu. Liền sau đó tôi đưa chúng cho người khác, tôi trả tiền nhà cho những người xa lạ mà tôi sẽ chẳng bao giờ thấy lại. Tôi là người thế đấy, khi cần, có thể cho tới đồng xu cuối cùng. Nếu Ilaialy đúng là người như tôi tưởng, nàng sẽ không hối hận rằng đã gửi tiền cho tôi. Thế thì còn băn khoăn gì nữa? Điều ít nhất nàng có thể làm được là thỉnh thoảng gửi cho tôi mười curon. Vì cô gái tội nghiệp này yêu tôi mà, thậm chí yêu một cách tuyệt vọng. Hồi lâu tôi tự an ủi mình bằng ý nghĩ này. Không nghi ngờ gì nữa - nàng yêu tôi, tội nghiệp...
Năm giờ. Cơn kích thích thần kinh đã lắng, đầu tôi lại bắt đầu trống rỗng, chỉ còn tiếng ù ù trong đó. Tôi nhìn vào khoảng không bằng đôi mắt đờ đẫn và không hiểu sao lại nhìn thấy một hiệu thuốc trước mặt. Cơn đói tiếp tục cấu xé, làm tôi vô cùng khổ sở. Tôi cứ ngồi như thế, trân trân nhìn phía trước. Dần dần tôi nhìn thấy một hình người. Hình người ấy cứ rõ dần và cuối cùng tôi nhận ra đó là người đàn bà bán bánh rán bên hiệu thuốc.
Tôi hít thở thật sâu, ưỡn thẳng lưng trên ghế và bắt đầu nhớ lại. Vâng, tất nhiên đó chính là bà bán bánh rán lần trước, với cái bàn bánh ấy và vẫn ngồi ở chỗ ấy. Tôi huýt sáo mấy lần, bật ngón tay rồi đứng dậy khỏi ghế, đi về phía hiệu thuốc.
Khi lại gần, tôi nhìn bà ta một chốc rồi ngồi xuống cạnh. Tôi mỉm cười, gật đầu với bà ta như người quen.
- Chào bà, - tôi nói. - Chắc bà không nhận ra tôi nhỉ?
- Không, - bà bán bánh thong thả đáp rồi đưa mắt nhìn tôi.
Tôi mỉm cười còn niềm nở hơn, như thể bà ta đang đùa, giả vờ không nhận ra tôi. Rồi tôi lại nói:
- Chẳng nhẽ bà không nhớ tôi, người cách đây không lâu đã đưa cho bà mấy curon. Hình như hôm ấy tôi chẳng nói gì cả, chẳng nói một lời nào, tôi vẫn có thói quen như vậy. Khi tiếp xúc với người tử tế, chẳng cần đặt điều kiện hay mặc cả với nhau những điều vặt vãnh làm gì. Hề, hề! Tôi đúng là người đưa tiền cho bà đấy.
- Vâng, chính ông! Bây giờ thì tôi nhận ra...
Trước khi bà ta kịp cảm ơn, tôi đưa mắt chọn một chiếc ngon nhất và nói:
- Hôm nay tôi tới đây để lấy bánh.
Bà ta tỏ vẻ không hiểu.
- Để lấy bánh, - tôi nhắc lại. - Hôm nay tôi tới lấy bánh. Lúc đầu tôi chỉ lấy một ít thôi. Lấy cả một lúc không hết.
- Ông đến đây lấy bánh?
- Vâng, đúng thế! - Tôi vừa nói vừa cười to, như thể đáng lẽ ngay từ đầu bà ta phải hiểu ra điều đó.
Tôi đưa tay lấy một chiếc bánh rán to như bánh mì và bắt đầu ăn.
Thấy thế, bà kia nhảy chồm ra định cướp lại chiếc bánh, muốn tỏ cho tôi thấy rằng bà ta không cần biết gì đến việc hôm nay tôi đến đây, và nhất là với ý định lấy bánh của bà ta.
- Bà không đồng ý ư? - Tôi hỏi. - Thật bà không đồng ý ư? Thế thì buồn cười thật đấy! Không lẽ xưa nay từng có người cho bà một đống tiền mà không đòi lại cái gì? Không à? Bà thấy chưa? Mà bà thì biết đâu lại chẳng nghĩ rằng đó là tiền ăn cắp nên tôi mới cho bà một cách dễ dàng như vậy! Không? Bà không nghĩ? Thế thì tốt. Bà xem tôi là người tử tế như thế là rất tốt. Ha, ha! Đúng bà là một người tốt thật!
- Nhưng sao ông lại đưa số tiền ấy cho tôi? - Bà ta kêu to phẫn nộ.
Tôi giải thích vì sao tôi đưa tiền cho bà ta, giải thích một cách bình tĩnh và có sức thuyết phục: rằng tôi vẫn có cái thói quen ấy, rằng tôi rất tin người... Rằng nếu ai đấy chìa cho tôi một tấm kì phiếu hay một tờ giấy biên nhận, bao giờ tôi cũng lắc đầu nói: “Thôi, thôi, không cần”. Thề có Chúa làm chứng, tôi là người thế đấy.
Nhưng bà bán hàng không chịu hiểu tôi.
Tôi bèn quay sang giải thích theo cách khác. Tôi nói một cách nghiêm túc, không đùa cợt chút nào: Lẽ nào từ trước tới nay chưa ai trả tiền trước cho bà như tôi? - Tôi hỏi. - Ấy là tôi muốn nói tới những người giàu có, như quan tổng lãnh sự chẳng hạn. Chưa à? Thôi được, một khi bà chưa quen với lối trả tiền trước ấy thì cũng đành chịu. Nhưng ở nước ngoài người ta hay làm thế. Chắc bà chưa ra nước ngoài bao giờ chứ gì? Chưa? Đấy, tôi biết ngay mà! Vậy thì khó nói chuyện với bà lắm.
Tôi lại nhón tay lấy mấy chiếc bánh nữa. Bà ta lồng lên tức giận, không chịu nhường cho tôi dù chỉ một phần nhỏ số bánh bà ta đang có, thậm chí còn cướp lại của tôi một chiếc, đặt vào chỗ cũ. Tôi cáu quá, đấm mạnh xuống bàn và dọa gọi cảnh sát. Đấy là tôi còn thương bà, tôi nói, vì nếu muốn, tôi có thể làm bà mất vốn bằng cách lấy hết chỗ bánh này để trừ số tiền lớn trước đấy tôi đưa cho bà. Nhưng hôm nay tôi không định lấy hết, chỉ lấy một nửa thôi. Sau đó bà sẽ không bao giờ nhìn thấy tôi nữa. Thề có Chúa làm chứng, bà là người thế này thì tôi không muốn gặp lại chút nào...
Cuối cùng, bà ta chọn cho tôi mấy chiếc bánh, bốn hay năm chiếc gì đó, với cái giá còn hơn cắt cổ, bắt tôi cầm lấy và đi cho khuất mắt. Nhưng tôi vẫn tiếp tục tranh cãi, cố chứng minh rằng bà ta vẫn còn nợ tôi ít nhất một curon, đấy là chưa kể việc bắt tôi phải trả theo cái giá ăn cướp như vậy.
- Bà không biết những việc thế này có thể bị trừng trị theo pháp luật à? - Tôi nói. - Lạy Chúa, có thể bị tù chung thân đấy, bà già ngu ngốc ạ.
Bà ta ném thêm cho tôi một chiếc nữa rồi nghiến răng yêu cầu để bà ta yên.
Tôi bỏ đi.
Chà, một mụ lá mặt lá trái hiếm có! Tôi đi tắt qua quảng trường, vừa đi vừa to tiếng chửi bới bà bán hàng cùng sự trâng tráo của bà ta. Nhớ lại cuộc nói chuyện vừa rồi tôi thấy tôi tốt hơn bà ta rất nhiều. Trước con mắt của tất cả mọi người, tôi nhồm nhoàm nhai bánh và không ngớt nói to thành tiếng với chính mình.
Những chiếc bánh rán ngon lành thi nhau biến mất. Bao nhiêu vẫn thấy thèm. Quả là tôi bị đói ghê gớm. Ôi, lạy Chúa, sao tôi ăn mãi không sao? Đang cơn háu ăn ghê gớm, suýt nữa tôi ăn nốt chiếc bánh cuối cùng mà ngay từ đầu tôi quyết định để dành cho cậu bé ở phố Vogmansgaten, cái cậu bị lão râu hung từ tầng hai nhổ nước bọt xuống đầu. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến nó. Tôi không sao quên được khuôn mặt nó khi nó nhảy chồm dậy, ngước nhìn lên, khóc và nguyền rủa. Khi bị nhổ nước bọt vào đầu, nó quay sang nhìn cửa sổ phòng tôi, xem tôi có cười không. Tội nghiệp. Không hiểu tôi có tìm thấy nó không. Tôi vội vàng đi tới Vogmansgaten, ngang qua chỗ trước đấy tôi xé vở kịch, bây giờ vẫn còn các mẩu giấy vụn. Tôi cố tình né tránh người cảnh sát cách đây không lâu đã phải ngạc nhiên vì cách cư xử của tôi. Cuối cùng, tôi đến bên cánh cửa nơi buổi sáng đứa bé ngồi chơi.
Không thấy nó đâu. Cả phố hầu như vắng tanh. Đã nhập nhoạng tối mà tôi vẫn không tìm được thằng bé. Chắc nó ở trong nhà. Tôi cẩn thận đặt chiếc bánh xuống bậc cửa, gõ mạnh vào cửa rồi bỏ chạy. “Tất nhiên nó sẽ nhìn thấy chiếc bánh, - tôi nghĩ. - Mở cửa ra, nó sẽ thấy ngay!”. Rồi vui mừng với ý nghĩ rằng thằng bé có bánh ăn, nước mắt tôi chảy ra, giàn giụa trên má.
Tôi ra cảng.
Bây giờ không đói nữa, nhưng vị ngọt của bánh rán làm tôi buồn nôn. Trong đầu tôi lại lởn vởn đủ các ý nghĩ kì quái nhất: hay mình thử cắt các dây đang buộc những con tàu kia vào bờ xem sao? Sẽ thế nào nếu mình kêu to: “Cháy! Cháy!”. Tôi đi tiếp theo bờ cảng, tìm thấy một chiếc hòm, ngồi xuống bắt chéo hai tay trước ngực và cảm thấy đầu óc mỗi lúc một lẫn lộn. Tôi ngồi yên, không dám động đậy vì sợ ngã xuống biển.
Đưa mắt nhìn con tàu “Kôpegôrô” mang cờ nước Nga, tôi thấy có người nào đó đang ngồi cạnh tay vịn. Những chiếc đèn đỏ mạn trái tàu soi rõ mặt ông ta. Tôi đứng dậy, bắt chuyện. Nói chung tôi không hề có ý định bắt chuyện với người này, cũng chẳng muốn ông ta cho biết điều gì, ấy thế mà tôi vẫn hỏi:
- Tàu ông đêm nay rời bến phải không, ông thuyền trưởng?
- Vâng, chốc nữa thôi, - ông ta đáp.
Ông ta nói bằng tiếng Thụy Điển.
“Một người Phần Lan!” - tôi nghĩ.
- Hừm, thế ông có cần thủy thủ không?
Lúc ấy tôi hoàn toàn thờ ơ với việc ông ta đáp có hay không. Câu trả lời của ông ta không liên quan gì tới tôi. Nhưng tôi vẫn chờ được trả lời.
- Không. Thủy thủ thì không, nhưng một cậu thiếu niên giúp việc thì có thể.
Người giúp việc! Tôi rùng mình, vô tình cởi kính giấu vào túi rồi theo cầu thang bước lên boong tàu.
- Tôi chưa có dịp đi biển, nhưng có thể làm bất kì việc gì ông muốn, - tôi nói. - Tàu của ông đi đâu?
- Lúc đầu tới Lids, ở đó chúng tôi lấy than và sẽ đi tiếp tới Cadix.
- Không sao, - tôi nói và bắt đầu năn nỉ ông ta nhận tôi lên tàu. - Đối với tôi, đi đâu cũng được. Tôi sẽ làm việc một cách tích cực.
Ông ta nhìn tôi một lúc, vẻ cân nhắc điều gì.
- Anh nói anh chưa bao giờ đi biển?
- Vâng. Nhưng xin ông cứ giao việc cho tôi, bất cứ việc gì, tôi sẽ làm được hết. Tôi chịu khổ và vất vả quen rồi.
Ông ta lại tỏ ra lưỡng lự. Mà tôi thì đã quen với ý nghĩ sẽ được nhận nên rất sợ bị từ chối.
- Thế nào, ông thuyền trưởng? - Cuối cùng tôi hỏi. - Xin hãy tin tôi, tôi sẵn sàng làm mọi việc. Vâng, chắc chắn như thế ạ. Tôi chỉ là thằng khốn nạn nếu không cố làm việc tốt để chiều ông. Nếu cần, tôi có thể làm hai ca liên tục. Làm việc nhiều chỉ có lợi cho tôi, vả lại tôi thích các công việc nặng nhọc.
- Thôi được, tôi nhận, - ông thuyền trưởng mỉm cười khi nghe tôi nói câu cuối cùng. - Nếu có chuyện gì, tới nước Anh ta chia tay nhau cũng chưa muộn.
- Tất nhiên! Tất nhiên! - Tôi sung sướng kêu lên, rồi nhắc lại lời ông, rằng nếu có chuyện gì, tới nước Anh chúng tôi sẽ chia tay nhau.
Và ông thuyền trưởng nhận tôi lên tàu...
Khi tàu rời bến, tôi đứng thẳng lưng, người ướt đẫm mồ hôi vì yếu mệt và hồi hộp. Tôi nhìn lên bờ, và thế là cuối cùng tôi từ biệt thành phố Christiania với trăm nghìn ô cửa sổ đã được thắp sáng.

                                                           Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét