10.
Không được trả lời, tôi buộc phải rút lui. Suốt cả buổi nói
chuyện, người - cầm - kéo không hề nhìn tôi lần nào. Hắn đã nhận ra tôi qua
giọng nói. “Ở đây mày đã bị khinh ghét
thế đấy, - tôi tự bảo mình, - đến mức
mày hỏi, người ta không thèm trả lời”. Lẽ nào ông chủ bút ra lệnh cho hắn
đối xử với mình như vậy? Thật ra mà nói, sau cái bài báo nổi tiếng mang lại cho
tôi mười curon ấy, tôi đã đổ lên đầu ông ta hàng đống các bài khác. Tôi tới đây
gần như hàng ngày, mang theo những trang viết nhảm nhí mà ông ta buộc phải đọc
và trả lại cho tôi. Có lẽ ông ta muốn kết thúc chuyện này, và đã ra lệnh cho
hắn... Tôi đi tới trung tâm thành phố.
Hanx Pauli là một sinh viên từ vùng nông thôn tới, ở tầng
mái của một ngôi nhà năm tầng, có nghĩa Hanx Pauli là một người rất nghèo.
Nhưng nếu có một đồng curon, anh chàng sẽ chẳng ngần ngại gì mà không cho tôi.
Tôi có thể tin chắc rằng nó đã nằm trong tay tôi. Vừa đi tới chỗ anh ta, tôi
vừa mừng thầm vì đồng curon ấy. Cửa vào ngôi nhà đóng kín, tôi buộc phải rung
chuông.
- Tôi muốn gặp sinh viên Peterxơn, - tôi nói rồi định bước
vào. - Tôi biết anh ấy ở đâu.
- Sinh viên Peterxơn à? - Người hầu gái hỏi. - Có phải sống
ở tầng mái không? Anh ấy dọn đi chỗ khác rồi.
Đi đâu thì cô hầu không biết; nhưng trước khi đi, có nhờ
chuyển thư đến cho ông Hermanxen ở Tunbutgaten, nhà số...
Vẫn còn hi vọng, tôi lại đến Tunbutgaten tìm địa chỉ của
Hanx Pauli. Chẳng biết trông chờ vào đâu nữa, đành phải bám lấy những gì có thể
bám được. Tôi đi ngang qua một công trường xây dựng, nơi một tốp thợ mộc đang
bào các tấm gỗ. Trong đống vỏ bào, tôi chọn hai miếng sạch nhất, cho vào miệng
một miếng, còn miếng kia đút túi dự trữ, rồi đi tiếp. Tôi phải rên lên vì đói.
Trong cửa kính một hiệu bánh, tôi nhìn thấy một chiếc bánh mì khổng lồ, giá
những mười ere, nghĩa là chiếc bánh to nhất có thể mua được với số tiền ấy...
- Tôi muốn biết địa chỉ anh sinh viên Peterxơn.
- Phố Bert Anker, nhà số mười, tầng sát mái... Ông tới chỗ
ấy à? Nếu vậy có thể nhờ ông chuyển hộ cho mấy bức thư này được không?
Thế là tôi lại quay vào trung tâm thành phố, bằng chính con
đường mà tôi đã tới đây, lại đi ngang tốp thợ mộc lúc này đang ăn bữa ăn trưa
nóng, ngon lành; ngang qua hiệu bánh vẫn với chiếc bánh mì vĩ đại ấy.
Cuối cùng, khi đến được phố Bert Anker, tôi mệt quá, suýt
gục xuống. Cửa vào nhà không đóng, tôi đi lên theo một chiếc cầu thang dài và thẳng
đứng cho đến tận mái nhà. Tôi rút các bức thư khỏi túi, cầm tay, định bước vào
và sẽ làm Pauli ngạc nhiên sung sướng. Tất nhiên, anh chàng sẽ không từ chối
giúp đỡ tôi, khi tôi trình bày hết hoàn cảnh của mình, tất nhiên không, Pauli
là người tốt bụng, tôi biết thế, và bao giờ cũng...
Trên cửa phòng Pauli có mảnh giấy ghi hàng chữ: “H.P. Peterxơn, sinh viên khoa thần học đã
về quê thăm nhà”.
Tôi ngồi phịch xuống, ngồi ngay trên nền sàn trần trụi,
không đủ sức làm một cử động nhỏ vì yếu mệt và thất vọng. Như cái máy, tôi nhắc
đi nhắc lại mấy lần: “Về quê thăm nhà! Về
quê thăm nhà!”. Sau đó tôi im lặng. Hai mắt tôi khô khốc, trong đầu không
một ý nghĩ, một tình cảm nào. Tôi thờ thẫn nhìn những bức thư và ngồi yên bất
động.
Mười phút trôi qua, cũng có thể nhiều hơn, hai mươi hoặc ba
mươi phút, nhưng tôi vẫn tiếp tục ngồi yên, không một cử động nhỏ. Trạng thái
đờ đẫn ấy giống một cơn mơ ngủ. Bỗng tôi nghe có tiếng bước chân trên cầu
thang.
- Anh sinh viên Peterxơn trước sống ở đây, tôi mang thư đến cho
anh ấy, - tôi nói.
- Anh ấy đi rồi, - người đàn bà đáp. - Nhưng sau hè sẽ quay
lại. Còn thư thì nếu muốn, ông có thể gửi lại tôi.
- Cảm ơn, bà thật tốt bụng, - tôi nói. - Khi quay lại, anh
ấy sẽ nhận chúng từ tay bà. Những bức thư này chắc quan trọng lắm. Chào bà.
Bước ra khỏi phố, tôi dừng lại chính giữa phố, rồi bóp chặt
nắm đấm nói to:
- Được, thưa Đức Chúa từ tâm, tôi sẽ cho Ngài biết tay! Bây
giờ thì tôi rõ Ngài là người thế nào! - Và rồi trong cơn giận dữ tột độ, tôi
nghiến răng, giơ tay lên trời dọa: - Quỷ tha ma bắt tôi đi, nếu tôi không làm
được điều đã nói!
Đi thêm mấy bước, tôi lại dừng lại. Bỗng nhiên, thay đổi
giọng, tôi nhẫn nhục khoanh hai tay trước ngực rồi khẽ hỏi bằng giọng hết sức
dịu dàng, thành kính:
- Thế con đã cầu xin Ngài chưa, con trai của ta?
Nhưng câu này vang lên thật giả dối.
- Chữ Ngài viết hoa đấy, - tôi nói tiếp. - N viết to, to như
chiếc tháp chuông vậy. Con đã cầu xin Ngài chưa, con trai của ta? - Rồi cúi
đầu, tôi buồn bã đáp: - Chưa!
Cả câu này nghe cũng không thật.
Mày không biết giả vờ, đồ ngốc ạ! Đáng lẽ mày phải nói: “Vâng,
con đã cầu xin Đức Chúa của con!”. Và phải nói câu này sao cho thật não lòng
càng tốt. Nào, thử làm lại lần nữa nào! Đấy, bây giờ tốt hơn rồi đấy. Nhưng khi
nói, mày đừng quên thở dài, thở dài thật to vào, như con ngựa kiệt sức vậy.
Thế, thế được đấy!
Tôi vừa đi vừa tự dạy mình cách giả vờ, và khi điều này làm
tôi chán, tôi giận dữ giậm mạnh chân xuống đất, mắng mình là thằng ngốc, làm ai
đi ngang cũng ngạc nhiên, lấm lét nhìn tôi.
Trong suốt thời gian ấy, tôi vẫn nhai miếng vỏ bào và đi
liên tục không dừng lại lần nào. Thậm chí tôi không nhận thấy tôi đã ở sân ga
từ bao giờ. Kim đồng hồ trên đỉnh tháp Đấng cứu thế chỉ một giờ rưỡi. Tôi dừng
lại lưỡng lự trong chốc lát. Trán tôi nhễ nhại mồ hôi, chảy xuống cả mắt.
- Có nên đi ra bến tàu không? - Tôi tự hỏi mình. - Tất nhiên
là nên, nếu có thời gian.
Tôi cúi đầu tự chào mình rồi đi ra cảng.
Tàu vẫn đậu trong cảng, biển gợn sóng lấp lánh dưới ánh mặt
trời. ở đây không khí nhộn nhịp, còi tàu vang to, phu khuân vác luôn đi lại
khắp nơi, lưng cõng những chiếc hòm bằng gỗ, còn từ những chiếc phà có tiếng
hát vui vẻ bay lại. Cách tôi không xa, có một người đàn bà bán bánh rán, bà ta
gí chiếc mũi đen nhẻm của mình sát những chiếc bánh. Chiếc bàn nhỏ trước mặt bà
ta chất đầy thứ bánh ngon lành, nhưng tôi quay mặt đi với vẻ khinh bỉ. Cái mùi
bánh bẩn thỉu ấy đang bay khắp bến cảng! Phải có gió mạnh xua đi mới được! Tôi
quay sang một người ngồi cạnh, tìm cách chứng minh rằng không thể để ai muốn
bán bánh rán ở đâu thì bán... Ông không nghĩ thế à? Được, nhưng chắc ông sẽ
đồng ý với tôi rằng... Nhưng ông kia hình như đã nhận thấy có điều gì không
bình thường nên không để tôi nói hết, vội đứng dậy bỏ đi. Tôi đứng dậy đi theo,
quyết làm cho ông ta thấy rằng ông ta không đồng ý với tôi là sai.
- Về phương diện vệ sinh mà nói, điều này không thể chấp
nhận được, - tôi vừa nói vừa vỗ vai ông ta.
- Xin lỗi, tôi là khách xa mới tới, tôi không hiểu gì về vệ
sinh cả, - ông ta nói, trợn tròn mắt vì hoảng sợ.
- A, nếu ông là khách từ xa mới đến thì lại là chuyện
khác... Tôi có thể giúp được gì cho ông không? Dẫn ông đi xem thành phố nhé?
Không à? Tôi sẵn sàng giúp ông điều ấy mà không cần được đền bù gì cả...
Nhưng rõ ràng là ông ta muốn nhanh chóng thoát khỏi tôi, nên
vội vàng bước sang bên kia phố.
Tôi quay lại chiếc ghế, ngồi xuống. Tôi hoàn toàn thất vọng.
Tiếng đàn phong cầm quay tay của ai đó đang vang đến từ xa càng làm tôi khó
chịu thêm. Nấc lên từng tiếng, nó chơi một điệu nhạc của Vebe, và với điệu nhạc
ấy làm nền, một cô bé đang hát một bài hát thật buồn... Tiếng nấc não lòng của
chiếc đàn thấm qua người tôi, các dây thần kinh của tôi rung lên như hòa cùng
tiếng nhạc, và rồi tôi ngả người xuống ghế, khe khẽ hát theo bài hát buồn bã
ấy.
Chao, một người đói như tôi thật chẳng có tình cảm nào mà
không trải qua! Các âm thanh ấy xâm chiếm tôi, tôi hòa tan vào chúng, chảy
thành dòng như suối. Tôi hình dung rất rõ thấy mình là một dòng nước chảy ngược
lên cao, cao quá cả những ngọn núi cao nhất, thành một điệu vũ giữa khoảng
không bao la xanh biếc...
- Xin ông cho con một xu! - Con bé vừa hát kia chìa chiếc
đĩa sắt xin tôi. - Chỉ một xu thôi ạ.
- Được, có ngay! - Tôi mơ màng đáp rồi đứng bật dậy, đưa tay
sờ các túi.
Nhưng cô bé kia lại nghĩ là tôi định giễu nó, liền bỏ đi,
không nói thêm một lời nào nữa. Tôi không thể chịu nổi sự rút lui lặng lẽ và
nhẫn nhục ấy. Nếu bị nó mắng, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Tôi đau đớn
gọi theo nó.
- Hiện giờ chú không có một đồng xu nào cả, nhưng chú không
quên cháu đâu, chẳng bao lâu nữa, có thể ngày mai, chú sẽ có tiền. Tên cháu là
gì? Một cái tên rất đẹp, chú sẽ nhớ. Thôi, ngày mai nhé...
Nhưng tôi thừa hiểu rằng nó không tin tôi, mặc dù nó đứng im
không nói gì. Rồi tôi òa lên khóc, khóc vì cả một đứa bé ăn mày ngoài phố cũng
không tin tôi. Tôi gọi nó lần nữa, nhanh chóng cởi cúc áo ngoài, định cho nó
chiếc áo gilê của tôi.
- Chờ chú một phút, - tôi nói. - Cháu cầm lấy chiếc áo gilê
này làm tin...
Nhưng thật tiếc, từ lâu tôi chẳng còn chiếc áo ấy nữa.
Tại sao tôi lại nghĩ tới chiếc áo chết tiệt ấy nhỉ? Đã hơn
tuần nay tôi có được mặc nó trên người đâu. Chuyện gì đang xảy ra với tôi? Cô
bé kia vì hoảng sợ đã lùi xa. Tôi không thể giữ nó thêm được nữa. Mọi người kéo
đến khá đông, cười nói rất to. Một nhân viên cảnh sát rẽ đám đông đi tới, hỏi
chuyện gì đã xảy ra.
- Chẳng có chuyện gì cả, - tôi đáp. - Hoàn toàn không! Chỉ
đơn giản là tôi muốn đem chiếc áo gilê của tôi cho đứa bé, hay đúng hơn là cho
bố nó... Chẳng có gì đáng để các ông cười. ở nhà tôi còn một chiếc nữa.
- Không được gây lộn xộn ngoài phố! - Người cảnh sát nói. -
Bước khỏi đây ngay! - Và rồi anh ta ẩy tôi đi, nhưng một phút sau lại gọi theo:
- Khoan, đây có phải là giấy tờ của anh không?
- Vâng! Quỷ tha ma bắt tôi đi! Đó là một bài báo rất quan
trọng của tôi. Làm sao tôi lơ đãng thế nhỉ?
Tôi nhặt tập giấy lên, kiểm tra xem có mất tờ nào không, rồi
ngay lập tức đi tới tòa soạn, thậm chí không ngoái đầu nhìn lại lần nào... Đồng
hồ trên tháp Đấng cứu thế chỉ bốn giờ.
Cửa tòa soạn đóng chặt. Tôi đi xuống theo cầu thang, run lên
như một tên trộm thực sự rồi rụt rè đứng trước cổng ra vào. Biết làm gì bây
giờ? Tôi tựa lưng vào tường, đưa mắt nhìn xuống chân, xuống những viên đá và
suy nghĩ. Ngay sát chân tôi là một chiếc kim băng lấp lánh, tôi cúi xuống nhặt
nó lên. Hay mình thử cắt hàng cúc trên áo khoác đem vào hiệu cầm đồ? Liệu người
ta mua bao nhiêu? Không, vô ích thôi. Suy cho cùng, cúc vẫn là cúc. Tuy vậy,
nhìn kĩ, tôi thấy chúng hầu như còn mới. ít ra thì đó cũng là một ý nghĩ tốt.
Tôi sẽ cắt chúng khỏi áo và mang tới hiệu cầm đồ. Hi vọng sẽ kiếm được ít tiền
nhờ năm chiếc cúc kia làm tôi vui hẳn lên, tôi tự bảo mình: “Thấy không, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy cả”.
Liền sau đó, tôi hăng hái lấy dao cắt chúng ra, từng chiếc một. Vừa làm điều
ấy, tôi vừa nói không thành tiếng: “Vâng,
xin lỗi, quả là tôi đang gặp khó khăn, tạm thời thôi... Ông nói sao, cúc quá
sờn à? ồ không! Xin ông tin rằng trên đời này không ai giữ cúc cẩn thận hơn tôi
đâu! Báo ông biết chiếc áo khoác của tôi bao giờ cũng để hở không cài cúc, ấy
là cái tính của tôi như thế, tôi quen thế... Còn nếu ông không muốn thì thôi...
chẳng sao cả... Tôi chỉ cần đổi chúng lấy mười xu thôi... Không, lạy Chúa, có
ai nói về ông đâu? Buông tôi ra, ôi, làm ơn buông tôi ra... Thôi được, ông cứ
đi gọi cảnh sát đi! Tôi sẽ đứng đây chờ ông gọi cảnh sát tới. Tôi không ăn trộm
cái gì của ông cả... Tốt, tốt lắm, chào ông, chào ông! À, tên tôi là Tangen,
tôi ngồi quá lâu ở quán cà phê...”.
11.
Trên cầu thang có tiếng chân người bước. Lập tức tôi quay
lại với thực tế. Đó là “Người cầm kéo”. Thấy hắn, tôi vội vã cho nắm cúc vào
túi. Hắn muốn đi ngang, thậm chí không thèm đáp lại cái chào của tôi. Bỗng
nhiên hắn chăm chú ngắm nghía các móng tay của hắn. Tôi chặn đường hắn và hỏi
về ông chủ bút.
- Ông ấy chưa đến.
- Ông nói dối! - Tôi đáp. Và với một sự trâng tráo đến tôi
cũng phải ngạc nhiên, tôi nói tiếp: - Tôi nhất thiết phải gặp ông ấy. Chuyện
rất quan trọng. Có tin tức đặc biệt.
- Ông có thể nói qua tôi được không?
- Không! - Tôi cắt ngang và nhìn hắn một lượt từ đầu đến
chân.
Điều này đã mang lại hiệu quả. Hắn liền mời tôi lên gác và
mở cửa phòng. Tôi hồi hộp đến ngạt thở. Để lấy lại bình tĩnh, tôi nghiến chặt
răng, gõ cửa, rồi bước vào phòng ông chủ bút.
- Ông đấy à? Chào ông, - ông chủ bút nói. - Mời ông ngồi.
Nếu ông ta thẳng tay đuổi tôi ra khỏi cửa, tôi còn cảm thấy
dễ chịu hơn. Tôi thấy nước mắt rưng rưng sắp trào ra. Tôi nói:
- Xin lỗi...
- Mời ông ngồi, - ông chủ bút nhắc lại.
Tôi ngồi xuống và bắt đầu giải thích rằng tôi đã viết xong
một bài báo mới mà tôi rất muốn được đăng ở báo ông. Tôi viết rất lâu và mất
khá nhiều công sức vì nó.
- Tôi sẽ đọc, - ông chủ bút nói rồi cầm bài báo. - Tôi biết
những bài ông viết đều rất công phu, có điều ông quá say sưa. Nếu ông bình tĩnh
chút nữa thì tốt hơn. Nhưng dù sao tôi cũng sẽ đọc bài này.
Nói rồi, ông lại cúi xuống bàn làm việc của mình.
Còn tôi thì vẫn ngồi yên. Hay hỏi vay ông một curon chăng?
Hay giải thích cho ông biết vì sao khi viết, tôi quá bốc như vậy? Tất nhiên ông
sẽ giúp tôi, vì đây có phải là lần đầu ông ta giúp tôi đâu!
Tôi đứng dậy. Hừm! Tôi nhớ lần cuối cùng gặp ông, ông có kêu
về khó khăn tài chính, thậm chí còn cho bà thủ quỹ đi đâu đấy kiếm ít đồng tiền
lẻ cho tôi. Có lẽ bây giờ cũng vậy. Không, tôi không thể làm thế được. Lẽ nào
tôi không thấy ông ta đang bận?
- Ông cần điều gì nữa chăng? - Ông chủ bút hỏi.
- Không, - tôi đáp, cố sao để giọng nói có vẻ dứt khoát. -
Bao giờ thì tôi có thể đến gặp ông ạ?
- À, lúc nào tiện thì đến thôi, cứ cho là hai ngày nữa chẳng
hạn.
Tôi không thể nói nên lời cái yêu cầu bức thiết của tôi.
Hình như vẻ lịch sự của con người này là vô cùng vô tận, và tôi không thể không
kính trọng nó. Thà chết đói còn hơn hỏi vay tiền ông ấy. Và rồi tôi bước ra
khỏi phòng.
Tôi không lấy làm tiếc rằng đã rời tòa soạn mà chưa hỏi vay
được một curon, thậm chí cả khi ra đến cửa, cơn đói lại thức dậy cắn xé tôi.
Tôi moi từ túi ra chiếc vỏ bào thứ hai rồi cho vào miệng. Tôi lại cảm thấy dễ
chịu. Tại sao tôi không làm điều này sớm hơn nhỉ?
- Thật xấu hổ! - Tôi nói to. - Không lẽ mày có thể nghĩ tới
việc ngửa tay xin con người ấy một curon, và bằng cách ấy đặt ông ta vào tình
thế khó xử? - Rồi tôi bắt đầu nguyền rủa mình vì ý nghĩ trâng tráo, nhục nhã
ấy. - Lăn xả vào người ta, xuýt làm người ta ngã, chỉ vì mày, một kẻ đáng khinh
bỉ, cần một đồng curon nào đó! Hãy cút khỏi đây ngay, nhanh lên! Nhanh lên, đồ
ngốc! Được, ta sẽ cho mày biết tay!
Và để trừng phạt mình, tôi bắt đầu chạy, chạy hết phố này
đến phố khác, chạy đuổi theo chính bản thân mình. Và mỗi lần chạy chậm, tôi lại
quát lên giận dữ. Một chốc sau tôi có mặt ở Pilestredet. Cuối cùng, tôi dừng
lại, suýt òa lên khóc vì không đủ sức chạy tiếp. Toàn thân tôi run lên bần bật.
Tôi ngồi xuống một bậc đá nào đó.
- Không, hãy đợi đấy! - Tôi nói. Và để trừng phạt mình đến
nơi đến chốn, tôi lại đứng dậy, không cho phép ngồi tiếp. Tôi cười giễu và lấy
làm sung sướng trước sự bất lực của chính mình. Cuối cùng, sau mấy phút đứng
như thế, tôi gật đầu cho phép mình ngồi xuống, nhưng không phải ngồi ở chỗ gồ
ghề nhất trên bậc đá.
Ôi lạy Chúa, được ngồi nghỉ mới thích làm sao! Tôi lau mồ
hôi trên trán và hít thật sâu không khí trong lành vào ngực. Tôi đã phải chạy
quá nhiều! Nhưng tôi không hề vì thế mà thương hại mình. Đáng đời tôi lắm! Sao
tôi dám nghĩ tới việc vay tiền? Thì đấy, nhận lấy! Sau đó tôi dịu dần và nói
chuyện với mình cũng dịu dàng hơn, thậm chí còn dỗ dành như bà mẹ dỗ dành đứa
trẻ. Điều này làm tôi cảm động, chả là vì tôi quá mệt, quá bất lực. Rồi tôi khóc.
Đó là những tiếng khóc lặng lẽ, bị nén sâu trong lòng, khóc không nước mắt...
Tôi ngồi yên một chỗ độ mười lăm phút hay còn hơn thế. Nhiều
người đi ngang, nhưng không ai để ý đến tôi. Trẻ con chơi quanh tôi, còn trên
ngọn cây bên kia phố, một con chim nhỏ nào đấy đang hót.
Một người cảnh sát tiến lại gần tôi.
- Anh ngồi ở đây làm gì? - Ông ta hỏi.
- Tôi ngồi làm gì ư? - Tôi hỏi lại. - Chỉ ngồi thế thôi,
ngồi cho thích.
- Tôi đã theo dõi anh suốt nửa giờ liền. - Ông ta nói. - Có
đúng là anh đã ngồi đây nửa giờ không?
- Khoảng chừng ấy, - tôi đáp. - Thì sao ạ?
Tôi đứng dậy rồi bỏ đi.
Đến quảng trường, tôi dừng lại nhìn hai bên phố. Ngồi cho
thích! Thế mà cũng gọi là trả lời! Đáng lẽ phải nói cách nào đó cho thật cảm
động, thí dụ tôi ngồi đây vì mệt quá. Ngốc, mày đúng là một thằng ngốc, chẳng
bao giờ học được cách giả vờ! Vì tôi quá mệt! Và thở cũng phải thở hổn hển vào,
như con ngựa kiệt sức ấy!
Tới trạm cứu hỏa, tôi lại dừng lại vì một ý nghĩ điên rồ lại
xuất hiện trong đầu tôi. Tôi bật ngón tay cười to, làm những người đi ngang rất
ngạc nhiên. Tôi nói:
- Không, mày phải đến gặp ngay mục sư Lêvinxơn. Đến ngay lập
tức! Cứ thử đi, chẳng còn gì mà sợ mất. Vả lại, thời tiết đang rất đẹp.
Tôi rẽ vào hiệu sách Pasa, hỏi mượn cuốn danh bạ địa chỉ để
xem mục sư Lêvinxơn sống ở đâu, rồi đi thẳng đến nhà ông ta.
- Nào, bây giờ thì mày phải dũng cảm lên mới được, - tôi
nói. - Đùa thế đủ rồi! Mày nói sao, lương tâm à? Nhảm nhí, nghèo như mày thì
nói đến lương tâm làm gì? Mày đang đói, mày có một việc quan trọng, mày chỉ yêu
cầu cái tối cần thiết. Mày phải cúi đầu thật thấp và nói bằng giọng thật tha
thiết. Không muốn à? Thế thì ta chẳng còn là bạn của mày nữa, nhớ lấy. Hãy nghe
đây: Mày đã bị giày vò đau khổ bởi lo lắng, mày phải đêm đêm vật lộn với các
quyền lực của bóng tối, với những con quái vật khổng lồ lặng lẽ, mày đang chết
đói, đang thèm rượu và sữa, thế mà mày chẳng có gì cả. Công việc của mày tồi tệ
lắm. Đấy, mày đang đứng dậy với hai bàn tay trắng. Nhưng cũng may là mày còn
tin vào lòng từ thiện, mày sẽ phải khoanh tay nhẫn nhục và trở nên ranh ma hơn
cả quỷ Sa-tăng. Không thích thú gì đâu, nhưng mày sẽ nhận được một cuốn sách
Kinh và hai curon gọi là để kỉ niệm...
Tôi dừng lại trước cửa nhà mục sư và đọc: “Tiếp khách từ
mười hai giờ đến bốn giờ chiều”.
- Nào, bây giờ thì dẹp mọi trò ngốc nghếch sang một bên, -
tôi nói. - Đây không phải chuyện đùa. Nào, cúi đầu xuống, thấp nữa...
Tôi rung chuông.
- Tôi có thể gặp mục sư được không ạ? - Tôi nói với cô hầu
gái; nhưng không thể nói thêm câu: “nhân danh Chúa”.
- Mục sư đi vắng, - cô gái trả lời.
Đi vắng. Đi vắng. Thế là toàn bộ kế hoạch của tôi sụp đổ!
Tất cả những lời nói tôi chuẩn bị sẵn đều vô ích! Vậy thì cần quái gì tôi phải
đi xa thế này? Tôi không còn đủ sức bước thêm một bước nào nữa.
- Ông có việc quan trọng lắm à? - Cô hầu gái hỏi.
- Ồ không, - tôi đáp. - Chuyện vặt vãnh thôi mà! Chỉ đơn
giản là hôm nay trời rất đẹp, tôi quyết định đi dạo một chốc và ghé vào đây
thăm mục sư để tỏ lòng tôn kính đối với ông.
Tôi vẫn đứng yên, cô kia cũng vậy. Tôi cố tình ưỡn ngực để
cô ta chú ý tới chiếc kim băng sáng loáng đang cài áo khoác của tôi thay cúc
áo. Tôi nhìn cô ta với vẻ van xin để cô ta hiểu được lí do thật sự đưa tôi đến
đây là gì, nhưng cô gái tội nghiệp ấy đã không hiểu gì cả.
- Vâng, hôm nay là một ngày đẹp trời. Thế bà mục sư có ở nhà
không ạ?
- Có, nhưng bà bị bệnh thấp khớp, phải nằm một chỗ, không
dậy nổi... Hay ông để lại mảnh giấy chăng?
- Ồ không! Chỉ đơn giản là thỉnh thoảng tôi thích đi dạo,
thích được hít thở không khí trong lành. Mà hôm nay thời tiết lại quá đẹp.
Nói rồi tôi bỏ đi. Tán dóc thêm làm gì? Vả lại đầu tôi đã
bắt đầu quay cuồng. Không phải chuyện đùa, tôi có thể ngã gục. Tiếp khách từ
mười hai giờ đến bốn giờ! Tôi đến chậm những một tiếng đồng hồ. Giờ ban phát
lòng từ thiện đã hết!
Tới quảng trường, tôi ngồi xuống một chiếc ghế đá cạnh nhà
thờ. Trời ơi, sao tương lai đời tôi u tối thế này? Tôi không khóc. Tôi không đủ
sức làm điều ấy. Mệt mỏi đến cùng cực, tôi ngồi yên bất động, ngồi để cái đói
thả sức giày vò tôi. Từ bên trong, cả người tôi đang bốc lửa, đặc biệt là ngực.
Tôi lại nhá mẩu vỏ bào, nhưng bây giờ nó không còn làm dịu cơn đói như trước.
Đôi hàm của tôi đã quá mỏi do nhai một cách vô ích, vì vậy bây giờ tôi không
bắt chúng làm việc nữa. Tôi đầu hàng. Thêm vào đó, miếng vỏ cam héo khô mà tôi
nhặt được từ mặt đường đưa lên miệng nhai đang làm tôi muốn nôn. Tôi đang ốm,
hai tay nổi những đường gân xanh.
Mà thử hỏi tôi chờ cái gì nhỉ? Suốt ngày tôi tìm mọi cách có
được một đồng curon, cái có thể giúp kéo dài sự sống trong tôi thêm mấy ngày
nữa. Suy cho cùng có khác gì nhau khi phải chết sớm hoặc muộn hơn một ngày? Ở
địa vị tôi, người tử tế chắc từ lâu đã về nhà nằm chờ chết, thế có hơn không?
Các ý nghĩ của tôi bỗng trở nên sáng sủa hơn. Bây giờ tôi phải chết! Lúc này là
mùa thu, cả thế giới đang chìm trong giấc ngủ uể oải. Tôi đã thử hết mọi phương
tiện, tìm hết cách để cố sống, nhưng vô ích. Giờ tôi mang ý nghĩ về cái chết
trong lòng, và mỗi lần có tia hi vọng may mắn nào đó, tôi vội dẹp đi, buồn bã
tự bảo mình: “Đồ ngốc, mày là người đang
chết”. Chỉ cần viết một vài bức thư để lại, thu dọn mọi thứ rồi chuẩn bị
đón cái chết. Cũng cần tắm rửa sạch sẽ và xếp lại chăn giường. Tôi sẽ lót dưới
đầu hai tờ giấy chưa viết, hai tờ sạch nhất mà tôi có. Còn chiếc chăn xanh thì
có thể...
Chiếc chăn xanh! Tôi bỗng giật mình, máu dồn lên đầu, tim
đập mạnh. Tôi đứng dậy, vội vàng đi tiếp. Sự sống trỗi dậy trong tôi, chốc chốc
tôi lại nhắc: “Chiếc chăn xanh! Chiếc
chăn xanh!”. Tôi đi mỗi lúc một nhanh như sợ ai đó đuổi theo, và một chốc
sau đã ở nhà mình, tức là phòng làm việc của người thợ gò thùng.
Không một phút chậm trễ, không một chút do dự, tôi lại
giường, cuộn chiếc chăn của Hanx Pauli lại. Một ý nghĩ tuyệt vời làm sao! Bây
giờ thì tôi sẽ được cứu thoát. Tôi đã vượt qua được tính xấu hổ rụt rè của
mình, tôi đã quyết định bất chấp tất cả. Nào tôi có là thần thánh gì đâu, cũng
chẳng phải là một thằng ngốc nào đó. Tôi đang là người tỉnh táo...
Kẹp chiếc chăn dưới nách, tôi hăm hở đi đến phố Stenexgaten,
nhà số năm.
Tôi gõ cửa rồi bước vào một gian phòng rộng, xa lạ. Chiếc
chuông cửa treo ngay trên đầu tôi kêu rất to và dồn dập. Từ phòng bên, một
người nào đó miệng đang ngậm đầy thức ăn bước ra đứng sau quầy.
- Xin ông cho tôi nửa curon để lấy chiếc kính này! - Tôi
nói. - Mấy ngày nữa thế nào tôi cũng chuộc lại nó.
- Sao? Nhưng gọng kính của ông chỉ là kim loại bình thường,
phải không?
- Vâng.
- Thế thì tôi không nhận nó đâu.
- Tất nhiên. Tôi nói đùa đó thôi. Còn chiếc chăn này thì quả
thật tôi không cần tới nữa, tôi muốn thoát khỏi nó.
- Rất tiếc là tôi đang có cả một kho chăn cũ, - người chủ
hiệu cầm đồ đáp, và khi tôi giở chăn ra, ông ta chỉ liếc qua và nói: - Xin lỗi,
tôi không cần.
- Tôi cố tình cho ông xem mặt sau của nó đấy. Mặt trước
trông còn mới lắm.
- Dù sao tôi cũng không thể nhận nó được, vì rõ ràng là
không ai muốn bỏ ra mười ere để mua nó.
- Đúng vậy, nó chẳng đáng giá chút nào, - tôi đồng ý với ông
ta. - Nhưng tôi nghĩ cùng một chiếc chăn cũ khác, cũng có thể bán nó được.
- Không, không, vô ích thôi.
- Hay có thể ông cho tôi hai mươi lăm ere cũng được? - Tôi
hỏi.
- Không, quả thật tôi không thể nhận nó, ông bạn thân mến ạ.
Tôi chẳng cần nó làm gì cả.
12.
Tôi lại cắp chiếc chăn dưới nách đi về nhà.
Như không hề có chuyện gì xảy ra, tôi trải chiếc chăn xuống
giường, vuốt phẳng, như thể vừa rồi tôi chẳng mang nó đi đâu cả. Khi quyết định
làm cái việc phiêu lưu kia, có lẽ lúc ấy tôi không còn tỉnh táo. Và càng nghĩ,
tôi càng thấy việc tôi đem chăn đi bán quả là ngốc nghếch. Chắc chắn đó là kết
quả của một sự yếu đuối, một sự thoái hóa nội tâm nào đó. Tôi hiểu đó là một
cái bẫy, tôi cũng hiểu rằng tôi đang mất trí nên đã đề nghị bán chiếc kính của
tôi trước. Bây giờ tôi lấy làm mừng rằng đã không làm cái hành động tội lỗi ấy.
Nếu không, những giờ phút cuối cùng của đời tôi sẽ bị đầu độc, trở thành đau
khổ vì ăn năn hối lỗi.
Tôi lại đi lang thang khắp các phố.
Đến nhà thờ Đấng Cứu Thế, tôi lại ngồi xuống một chiếc ghế
dài, đầu gục xuống ngực, bộ ngực bị dằn vặt bởi những lo lắng, hồi hộp vừa rồi,
bộ ngực đau đớn vì đói. Trong khi đó thời gian cứ trôi.
Tôi ngồi như thế suốt một giờ ngoài trời. ở đây sáng hơn
trong nhà. Vả lại, tôi thấy hình như ngoài trời, giữa không khí trong lành, tôi
đỡ đau ngực hơn. Mà tôi cũng chẳng việc gì phải vội về nhà.
Tôi suy nghĩ, thiu thiu ngủ. Tình cảnh của tôi thật bi đát.
Tôi cúi xuống nhặt một viên đá, lấy tay xoa sạch rồi cho vào miệng mút, và khi
làm việc này, tôi ngồi yên bất động, thậm chí đến nháy mắt cũng không. Xung quanh
có nhiều người đi ngang, tôi nghe có tiếng xe ngựa lăn, tiếng móng ngựa nện lên
lòng đường và tiếng cười nói.
Tại sao lại không thử vận may với những chiếc cúc nhỉ? Ồ,
không, chắc sẽ chẳng mang lại cái gì đâu, mà tôi thì đang ốm, ốm ra trò. Nhưng
nếu cân nhắc kĩ, có lẽ có thử cũng chẳng sao, vì dù sao thì hiệu cầm đồ cũng
nằm trên đường về nhà, cái cửa hiệu mà tôi thường ghé mắt nhìn vào.
Cuối cùng tôi đứng dậy, thong thả kéo lê chân đi dọc các
phố. Trán tôi nóng bừng, cơn sốt đã bắt đầu và tôi cố bước thật nhanh. Tôi đi
ngang một hiệu bánh mì với những ổ bánh ngon lành sau tủ kính.
- Nào, ta dừng lại đây đã, - tôi nói với vẻ rắn rỏi giả tạo.
- Hay thử vào xin một mẩu bánh mì? - ý nghĩ này vụt lên rất nhanh rồi bùng to
như ngọn lửa. Có thể nói là tự nó xuất hiện, ngoài ý muốn của tôi. - Thôi đi! -
Tôi khẽ nói và lắc đầu đi tiếp, vừa đi vừa cười giễu mình. Tôi thừa biết rằng
vào hiệu bánh với mục đích ấy chỉ là việc làm vô ích.
Một đôi uyên ương đang thì thầm với nhau bên cổng ở một góc
phố nhỏ. Xa hơn chút ít có một cô gái ló đầu qua cửa sổ vẻ lẳng lơ. Tôi đi chậm
và thận trọng đến mức có thể nghĩ tôi đang muốn tìm kiếm cái gì đó, - cô gái
lẳng lơ kia bước ra phố.
- Công việc thế nào, ông anh? Sao thế, anh ốm à? Trời ơi,
anh ốm thật rồi! Như người mất hồn ấy!
Và cô ta vội vã chạy vào nhà. Như người mất hồn nghĩa là thế
nào nhỉ? Không lẽ tôi sắp chết? Tôi đưa tay sờ vào má - đúng, tôi gầy quá! Hai
má tôi hõm vào như hai chiếc hố. Khiếp thật! Rồi tôi đi tiếp.
Sau đó tôi lại dừng lại. Có lẽ tôi gầy thế này trông đáng sợ
lắm. Đôi mắt thì chui sâu vào sọ. Không hiểu bây giờ tôi giống cái gì nhỉ? Thật
là một số phận không chê vào đâu được, nó đã biến tôi, một người sống, thành
một bộ xương chết! Tôi lại bừng bừng tức giận. Nghĩa là tôi như một người mất
hồn? Tôi có một cái đầu đáng giá, khắp đất nước này không thể tìm đâu một cái
đầu thứ hai như thế, và tôi có hai nắm đấm - lạy Chúa - có thể đập vỡ sọ bất kì
người nào, thế mà tôi phải chết đói ở chính trung tâm của thành phố Christiania
nổi tiếng này! Lẽ nào có thể tưởng tượng nổi điều ấy? Tôi phải sống trong
chuồng nuôi ngựa, làm việc quần quật từ sáng đến tối như con trâu đen. Vì đọc
quá nhiều, mắt tôi gần thành mù, óc tôi teo lại vì quá đói, thế mà thử hỏi tôi
được đền bù cái gì? Thậm chí cả những cô gái làm tiền ngoài phố thấy tôi cũng
phải ôm mặt kêu lên: “Lạy Chúa!”.
Nhưng bây giờ thì không thể như thế được nữa, hiểu chưa? Không thể! Đồ chó
chết!... Tôi nghiến chặt răng, toàn thân run lên vì tức giận. Tôi cảm thấy vô
cùng mệt mỏi, mắt rưng rưng, miệng luôn trút ra những tràng nguyền rủa. Cứ thế
tôi lê chân đi tiếp, không thèm để ý những người xung quanh. Lại lần nữa tôi
bắt đầu tự hành hạ mình. Tôi cố tình đập mạnh đầu vào cột đèn, bấm móng tay
thật sâu vào đùi, cắn lưỡi thật đau mỗi lần tôi nói rời rạc không thành lời, và
phá lên cười mỗi lần tôi thấy đau.
- Nhưng dù sao, ta phải làm gì bây giờ? - Cuối cùng tôi tự
hỏi mình. Và giẫm mạnh chân mấy cái xuống đất, tôi nhắc lại: - Phải làm gì bây
giờ?
Một người nào đó đi ngang mỉm cười bảo tôi:
- Anh phải yêu cầu để người ta bắt anh đi!
Tôi nhìn theo người ấy. Đó là một bác sĩ sản khoa nổi tiếng
có biệt danh là “Quận công”. Thậm chí ông ta cũng không hiểu tình cảnh của tôi
lúc này, mặc dù chúng tôi quen nhau và thường bắt tay nhau mỗi lần gặp. Tôi cụt
hứng. Yêu cầu để người ta bắt tôi ư? Vâng, ông ta nói đúng, tôi đã hóa điên.
Tôi nhận thấy sự điên rồ ấy trong máu và trong óc tôi. Hóa ra một cái kết cục
như thế đang chờ tôi đấy! Vâng! Vâng! Và tôi đi tiếp bằng những bước chân chậm
chạp của người đưa đám. Nghĩa là một số phận như thế đang chờ tôi!
Bỗng nhiên tôi dừng lại.
- Không, gì thì gì nhưng không để bị bắt, - tôi kêu to. -
Không để bị bắt!
Vì quá sợ hãi, tôi lạc cả giọng. Tôi cầu nguyện, tôi van xin
tất cả thánh thần để tôi không bị bắt. Vì nếu bị bắt, tôi lại sẽ bị giam trong
phòng tối, nơi không có chút ánh sáng nào. Gì thì gì, nhưng không thể bị bắt!
Chắc còn nhiều lối thoát nữa mà tôi chưa biết, chưa thử, nhưng tôi sẽ thử. Tôi
sẽ có đủ kiên nhẫn, tôi không tiếc thời gian, tôi sẽ đi hết nhà này đến nhà
khác không chút mệt mỏi. Thí dụ còn có cửa hàng âm nhạc Xixlê mà tôi chưa thử.
Có thể ở đó tôi sẽ tìm được lối thoát... Tôi vừa đi vừa lẩm bẩm. Sau đó tôi lại
thút thít khóc vì thương hại mình. Gì thì gì, nhưng không được để người khác bắt!
Xixlê! Biết đâu hạnh phúc đời tôi lại chính là ở đây? Tự
nhiên cái tên ấy chui vào đầu tôi. Ông ta sống khá xa, nhưng tôi sẽ tới được.
Tôi sẽ đi một cách thong thả, thỉnh thoảng mệt sẽ ngồi xuống nghỉ. Tôi biết khá
rõ cửa hàng này. Trước đây, khi đang ở vào thời kì thịnh vượng nhất, tôi thường
lại đây mua các bản nhạc. Sẽ thế nào nếu ta hỏi vay ông ta nửa curon? Không, ít
thế có thể làm ông ta bất tiện. Tốt nhất cứ hỏi vay luôn một curon.
Tôi bước vào cửa hàng, nói là muốn gặp ông chủ. Người ta chỉ
đường tôi đi tới phòng Xixlê. Trong phòng có một người đang ngồi, ăn mặc theo
mốt mới nhất và đang lật lật những thứ giấy tờ gì đó.
Tôi ấp úng xin lỗi và trình bày hoàn cảnh của mình. Rằng do
quá quẫn bách, tôi phải nhờ đến ông ta... rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trả
lại... Ngay sau khi tôi nhận được tiền nhuận bút bài báo... Rằng ông ta sẽ cứu
tôi, nếu..
Tôi chưa nói hết câu thì ông ta đã cúi xuống bàn làm tiếp
công việc bỏ dở. Khi tôi im lặng, ông ta liếc nhìn tôi, khẽ lắc lắc cái đầu
xinh đẹp và nói:
- Không!
Chỉ đơn giản “không”. Không thêm một lời nào. Không giải
thích.
Hai đầu gối tôi run run, tôi phải tựa vào một chiếc tủ nhỏ
đánh vécni bóng nhoáng. Tôi quyết định thử một lần nữa. Tại sao tôi lại nghĩ
đến ông ta, vì tôi sống ở Waterlan, cách đây rất xa cơ mà? Hông trái tôi nóng
hừng hực, cả người tôi đầm đìa mồ hôi.
- Hừm... Xin ông hiểu cho, tôi rất yếu, - tôi nói. - Tôi ốm
lắm. Chỉ vài ngày nữa tôi sẽ có tiền trả lại ông. Ông hãy làm ơn giúp tôi...
- Này anh bạn thân mến, sao anh lại chọn đúng tôi mới được
chứ? - Ông ta nói. - Tôi chưa bao giờ thấy anh, có thể nói anh là người hoàn
toàn xa lạ với tôi. Hãy đến tòa soạn mà vay. Ở đấy người ta biết anh mà.
- Nhưng tôi chỉ vay một hôm thôi ạ, - tôi nói. - Hôm nay tòa
soạn đóng cửa, mà tôi thì rất đói.
Nhưng ông ta vẫn nhất quyết lắc đầu, thậm chí cả khi tôi ra
đến cửa, ông ta còn tiếp tục lắc đầu.
- Chào ông! - Tôi nói.
Tôi lại đi tiếp, hết khu phố này đến khu phố khác, chốc chốc
lại ngồi xuống bậc đá nghỉ. Có điều, không được để bị bắt! Nỗi kinh hoàng trước
phòng giam tối om luôn ám ảnh tôi, không chịu để tôi yên, dù chỉ một phút. Hễ
thấy có bóng cảnh sát là tôi vội rẽ ngang để tránh gặp họ.
- Nào, bây giờ ta thử đếm bước chân cho đến một trăm, - tôi
nói, - và thử tìm vận may lần nữa! Thử vào cửa hàng này xem sao.
Rồi thế nào cũng có lúc thành công...
Đó là một cửa hiệu nhỏ mà tôi chưa hề đặt chân tới. Đứng sau
quầy hàng là một người có vẻ ngoài giản dị. Sau lưng anh ta là cánh cửa có cái
bảng treo bằng sứ. Hàng hóa được bày trên các giá. Tôi chờ cho đến lúc bà khách
cuối cùng ra khỏi cửa hiệu. Bà ta là một phụ nữ sang trọng, còn trẻ, với hai
lúm đồng tiền trên má. Mặt rạng rỡ hạnh phúc! Không muốn bị bà ta chú ý, tôi
quay sang hướng khác.
- Ông cần gì ạ? - Người bán hàng hỏi.
- Tôi có thể gặp ông chủ được không?
- Ông ấy vào vùng núi Iotunhen rồi, - anh kia đáp. - Ông có
chuyện quan trọng à?
- Tôi cần mấy ere để mua bánh mì, - tôi nói với nụ cười giả
tạo. - Tôi đang đói, mà trong túi chẳng có gì cả.
- Nếu vậy thì tôi cũng không giàu hơn chút nào, - anh ta nói
rồi bắt đầu trải các cuộn len lên quầy.
- Ôi, đừng bỏ rơi tôi trong giờ phút khó khăn này! - Tôi
nói, toát mồ hôi lạnh. - Ông biết không, tôi sắp chết đói, đã mấy ngày nay tôi
chưa được ăn gì vào bụng.
Với vẻ vô cùng nghiêm túc, anh ta lặng lẽ lộn ngược các túi
áo của mình cho tôi xem.
Hóa ra tôi không tin lời anh ta nói?
- Tôi chỉ cần năm ere thôi, - tôi nói. - Hai ngày nữa tôi sẽ
trả ông mười ere.
- Này anh bạn, anh muốn tôi ăn cắp tiền cửa hàng cho anh hả?
- Người bán hàng giận dữ hỏi.
- Vâng, - tôi đáp. - Hãy lấy cắp cho tôi năm ere.
- Tôi không quen ăn cắp, - anh ta đáp rồi nói thêm: - Mà đến
giờ tôi đóng cửa rồi đấy!
Tôi đi ra, đỏ bừng mặt vì xấu hổ và kiệt sức vì đói. Thôi,
thế là đủ! Quá đủ! Suốt chừng ấy năm, cả những năm gian khó nhất, tôi đã chống
đỡ được để giữ vững lòng tự trọng, thế mà bây giờ, tôi bỗng lăn nhanh xuống dốc
và trở thành một kẻ ăn mày sơ đẳng nhất. Chỉ trong một ngày, tôi đã kịp làm bẩn
tâm hồn tôi, thui chột các ý nghĩ cao đẹp trong tôi bằng sự trơ trẽn bần tiện
của chính mình. Không chút ngượng ngập, tôi đã rên rỉ vòi tiền một anh bán hàng
hạ đẳng. Mà rồi tôi được cái gì? Lẽ nào chẳng phải trước không bánh, bây giờ
vẫn không đó sao? Chính tôi cũng tự thấy mình đáng khinh bỉ. Vâng, phải kết
thúc mọi chuyện ngay lập tức! Chắc lúc này là lúc cổng vào sân nhà tôi sắp
đóng, phải vội mới kịp, nếu không muốn nằm một đêm nữa ở đồn cảnh sát...
Điều này làm tôi tăng thêm sức. Tôi không muốn ngủ ở đồn
cảnh sát một chút nào. Cúi gập người, tay ôm hông bên trái để dịu bớt cơn đau,
tôi vật vờ đi tiếp, mắt luôn để ý nhìn lên hè phố để nếu gặp người quen thì lẩn
tránh cho họ khỏi phải cúi chào tôi. Tôi đi tới trạm cứu hỏa. May quá đồng hồ
nhà thờ Đấng Cứu Thế mới chỉ bảy giờ, nghĩa là còn những ba giờ nữa cổng mới
đóng. Thế mà tôi đã hoảng sợ vô ích!
13.
Vâng, tôi đã thử hết cách, đã làm những gì có thể làm được. “Thật là một ngày rủi ro, từ sáng đến giờ
chưa gặp may lần nào”, - tôi nghĩ. Nếu đem chuyện này kể người khác nghe,
chắc sẽ không ai tin, còn nếu viết thành chuyện thì mọi người thế nào cũng cho
là tôi phịa ra. Không, tôi không phịa một chút nào! Nghĩa là tôi không thể viết
chuyện mình lên giấy được, nhất là với cái giọng sầu não này! Chà! Tởm quá!
Đừng quên rằng mày đang làm ta ngấy đến tận cổ? Một khi không còn chút hi vọng
nào nữa, thì nghĩa là chẳng có gì để chờ đợi. À mà có thể ăn cắp của con ngựa
một nhúm mạch được không nhỉ? ý nghĩ ấy lóe lên như một tia sáng nhỏ, tuy tôi
biết cửa chuồng ngựa đã đóng chặt.
Điều này không làm tôi buồn lắm, tôi tiếp tục lê chân về
nhà. Cũng may rằng chỉ bây giờ tôi mới thấy khát, và đây là lần đầu tiên trong
ngày tôi tìm chỗ nào có thể uống no nước. Từ đây đến chợ quá xa, mà vào nhà
riêng người khác thì tôi không muốn. Có lẽ tôi sẽ gắng được cho tới khi về nhà.
Chỉ cần mười lăm phút nữa thôi. Mà thôi chưa biết có thể tôi sẽ phản ứng thế
nào khi uống nước vào. Dạ dày tôi đã từ chối không chịu nhận bất kì cái gì,
thậm chí nuốt nước bọt, tôi cũng thấy buồn nôn.
Còn những chiếc cúc thì sao? Tôi chưa thử vận may với những
chiếc cúc ấy. Nghĩ thế, tôi mỉm cười. Biết đâu có thể lại tìm ra lối thoát ở
đây? Không phải mọi hi vọng đã mất! Chắc chắn tôi sẽ bán được chúng để lấy mười
ere, ngày mai tôi kiếm đâu đó mười ere nữa, còn ngày kia, thứ năm, tôi đã có
tiền nhuận bút bài báo. Chỉ cần nghị lực và dũng cảm, rồi mọi việc sẽ đâu vào
đấy! Làm sao tôi có thể quên không nghĩ tới những chiếc cúc này nhỉ? Tôi rút
chúng từ túi ra, vừa đi vừa ngắm. Vì quá sung sướng, mắt tôi như mờ hẳn lại,
chẳng còn nhìn rõ con đường đang đi.
Tôi biết rất rõ tầng hầm rộng này, nơi tôi thường tìm đến ẩn
náu những đêm tối trời. Nó là bạn, nhưng đồng thời cũng là kẻ hút máu tôi! Tất
cả tài sản của tôi đã lần lượt kéo nhau đến đây, tất cả các vật dụng gia đình
bé nhỏ, tất cả các cuốn sách, không chừa cuốn nào! Những ngày bán đấu giá, tôi
đều tới đây xem và rất sung sướng khi thấy các cuốn sách của tôi rơi vào tay
những người tử tế. Nghệ sĩ Magenxen đã mua chiếc đồng hồ của tôi, và tôi hầu
như lấy làm tự hào về điều ấy. Cuốn lịch với bài thơ đầu tiên của tôi được in
do một người quen của tôi mua, còn một ông thợ chụp ảnh thì mua chiếc áo bành
tô của tôi mà bây giờ ông ta cho thuê trong hiệu ảnh của mình. Tất cả đã được
thu xếp khá tốt đẹp.
Tôi bước vào phòng, tay cầm nắm cúc. Lão chủ hiệu ngồi sau quầy
hàng, đang viết gì đó.
- Tôi có thể chờ, tôi không vội, - tôi nói, sợ làm lão tức
giận vì sự có mặt của mình. Giọng tôi nghe khản đặc, đến mức chính tôi cũng
không nhận ra, còn tim thì đập thình thịch.
Lão lại gần tôi với nụ cười quen thuộc, đặt cả hai tay lên
quầy rồi nhìn vào mặt tôi, không nói lời nào.
- Tôi có mang tới đây một vài thứ vặt vãnh, muốn nhờ ông
xem, ở nhà chúng chỉ là những vật thừa vô ích... quả đúng thế... đây, những
chiếc cúc này.
- Những chiếc cúc này thì sao? - Lão hỏi sau khi nhìn vào
lòng tay tôi.
- Ông có thể nhận chúng và cho tôi vài ere được không ạ? Bao
nhiêu tùy ông...
- Ông bảo tôi mua cúc? - Lão ngạc nhiên nhìn tôi. - Mua
những chiếc cúc này?
- Vâng, với số tiền đủ cho một điếu xì gà hay ít hơn cũng
được. Tôi đi ngang và rẽ vào đây...
Lão chủ hiệu cầm đồ già phá lên cười, rồi không nói thêm một
lời nào nữa, lão quay lại chỗ làm việc của mình. Tôi đứng yên tại chỗ. Nói
chung, trước đấy tôi đã không tin rằng lão sẽ mua, tuy vậy tôi vẫn mơ hồ hi
vọng. Bây giờ tiếng cười to ấy đang vang lên như lời kết án tử hình đối với
tôi... Hay thử đưa thêm cho lão cả chiếc kính nữa?
- Tôi có thể đưa thêm cả chiếc kính này, tất nhiên... - Tôi
nói rồi cởi kính khỏi mắt. - Tôi chỉ cần mười ere, hay năm cũng được.
- Nhưng ông biết rằng tôi không thể lấy kính của ông được.
Tôi đã nói với ông rồi cơ mà!
- Nhưng tôi cần tiền mua một chiếc tem, - tôi nói không
thành tiếng. - Tôi không thể gửi thư mà không dán tem. Một bức thư cần gửi. Hãy
cho tôi một chiếc tem mười hay năm ere cũng được!
- Ông đi khỏi đây ngay! - Lão chủ hiệu nói rồi lấy tay xua
tôi.
“Thôi, bây giờ muốn ra
sao thì ra!” - Tôi tự bảo mình. Như cái máy, tôi đeo kính lên mắt, cầm lấy
mấy chiếc cúc rồi ra đi, sau khi chúc lão kia ngủ ngon và khép chặt cửa sau
lưng như thường lệ. Bây giờ thì chẳng còn biết làm gì! Đến chân cầu thang, tôi
dừng lại và ngắm nhìn mấy chiếc cúc lần nữa.
- Ông ấy hoàn toàn không muốn nhận chúng! - Tôi nói. - Dù
chúng hầu như còn mới. Thật khó hiểu.
Trong khi tôi đứng suy nghĩ như thế thì một người nào đó đi
tới rồi theo cầu thang bước xuống tầng hầm. Do vội vàng, người ấy khẽ chạm vào
tôi. Cả hai chúng tôi cùng xin lỗi nhau, tôi ngoái lại nhìn theo.
- À , cậu đấy à? - Bỗng người ấy từ phía dưới gọi lên.
Rồi anh ta lại bước lên, và tôi đã nhận ra anh ta.
- Trời ơi, sao cậu thế này? Cậu làm gì ở đây?
- À, có chút việc. Còn anh, tôi thấy hình như anh cũng tới
đấy.
- Vâng. Cậu mang gì đến?
Hai đầu gối tôi run run, tôi tựa lưng vào tường và ngửa tay
cho anh ta xem mấy chiếc cúc.
- Trời đất ơi, - anh ta kêu lên. - Không, thế này thì quá
lắm!
- Chào anh. - Tôi nói rồi định bỏ đi, vì nước mắt sắp trào
ra.
- Khoan, gượm đã!
Chờ à? Tôi còn phải chờ gì? Chính bản thân anh ta chẳng phải
đến hiệu cầm đồ đó sao? Có thể vì nhịn đói đã mấy ngày hoặc nợ tiền nhà, hôm
nay anh ta phải mang nhẫn cưới của mình đến đây.
- Thôi được, nếu anh không bắt tôi chờ quá lâu... - Tôi đáp.
- Tất nhiên, - anh ta vừa nói vừa cầm tay tôi dắt đi. - Thú
thật là tớ không tin cậu lắm, cậu ngốc nghếch và khác thường thế nào ấy. Cậu
hãy đi cùng tớ!
Tôi hiểu anh ta muốn nói gì. Tôi đáp, cảm thấy ít nhiều bị
xúc phạm.
- Không! Tôi không đi được! Tôi đã hứa là bảy giờ rưỡi sẽ có
mặt ở phố Bert Anker, và...
- Bảy giờ rưỡi? Nhưng bây giờ đã tám giờ rồi! Cậu không thấy
tớ đang cầm đồng hồ trên tay đấy à? Tớ mang nó xuống tầng hầm đây. Đi theo tớ,
con chó đói lang thang kia! Tớ sẽ kiếm cho cậu ít nhất là năm curon!
Nói đoạn, anh ta xô tôi tới cửa hiệu cầm đồ.
14.
Cả một tuần trôi qua trong no đủ và vui sướng.
Tôi đã vượt qua tai nạn, được ăn trưa hàng ngày, sự sảng
khoái mỗi lúc một tăng và tôi luôn nghĩ ra hết trò này đến trò khác. Tôi viết
cùng một lúc cả ba hoặc bốn bài báo, đưa lên giấy tất cả các cảm hứng và ý nghĩ
xuất hiện trong cái đầu tội nghiệp của tôi. Tôi có cảm giác rằng việc viết lách
của tôi khá hơn trước rất nhiều. Bài báo cuối cùng mà tôi viết rất công phu và
đặt nhiều hi vọng ấy đã bị ông chủ bút trả lại. Lập tức tôi xé tan nó ngay, vô
cùng giận dữ và với cảm giác bị xúc phạm, xé mà không thèm đọc lại. Bây giờ tôi
sẽ cố cộng tác với một tờ báo khác để có thể dễ được in hơn. Trường hợp xấu
nhất, nếu cả điều này cũng không giúp được gì, tôi sẽ đăng kí xin làm thủy thủ.
Tàu “Monach” đang đậu ở cảng, sắp rời bến, có lẽ tôi sẽ thu xếp được để làm
việc cho nó và nó sẽ đưa tôi đến Arkhanghenxkơ hay một nơi nào đó. Nghĩa là tôi
vẫn còn khối hi vọng.
Các bất hạnh tôi vừa trải qua không phải không để lại dấu
vết gì. Tóc tôi bắt đầu rụng, thần kinh rệu rã, đầu đau nhức nhối. Ban ngày tôi
ngồi viết, tay quấn đầy giẻ, chỉ đơn giản vì tôi không thể chịu nổi khi hơi thở
của chính mình phả lên tay. Mỗi lần phía dưới Ienx Olai dập cửa chuồng ngựa quá
mạnh hay ngoài sân có chó sủa, bỗng dưng tôi thấy lạnh buốt óc, và sau đó cái
lạnh ấy chạy khắp cơ thể. Sức khỏe của tôi đã suy sụp một cách đáng kể.
Tôi làm việc căng thẳng hết ngày này đến ngày khác, tiết
kiệm cả thời gian ăn trưa, và ăn xong lại cúi đầu xuống bàn viết ngay. Không
chỉ cái bàn ọp ẹp mà cả giường tôi đều ngổn ngang những trang giấy viết kín chữ
được tôi chữa đi chữa lại nhiều lần và ghép thành các bài báo. Tôi xoá chỗ này,
thêm chỗ kia, các đoạn lủng củng cũng được chữa lại bằng những từ rất kêu. Cứ
thế tôi viết, viết một cách khó nhọc hết câu này đến câu khác. Một chiều nọ,
cuối cùng bài báo đã được viết xong hoàn toàn. Sung sướng và hạnh phúc, tôi nhét
nó vào túi và vội đến gặp “Huân tước”. Đã đến lúc phải nghĩ tới việc kiếm tiền,
vì túi tôi hầu như đã trống rỗng.
“Huân tước” yêu cầu tôi chờ một phút... Rồi ông lại cắm cúi
viết tiếp cái gì đó.
Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng chật hẹp: những bức tượng
bán thân, những tờ tranh khắc gỗ, các mẩu báo cắt rời, một chiếc sọt rác thật
lớn, tưởng có thể chứa nổi cả một người. Tôi cảm thấy buồn bã khi nhìn con rồng
khủng khiếp ấy há to miệng, suốt đời há to miệng sẵn sàng nuốt vào cái bụng
không đáy của nó tất cả các bài báo bị gạt bỏ, tất cả hi vọng của người khác.
- Hôm nay là ngày mấy nhỉ? - “Huân tước” bỗng hỏi tôi, vẫn
không ngước đầu khỏi bàn.
- Hai mươi tám, - tôi đáp, thầm lấy làm mừng vì đã có thể
giúp được ông điều gì đó.
- Hai mươi tám! - Ông lại viết tiếp. Cuối cùng, ông dán mấy
phong thư, vứt vào sọt rác một số giấy tờ nào đó và đặt bút xuống. Chỉ sau đó
ông mới quay ghế nhìn tôi. Thấy tôi vẫn đứng bên cửa, với vẻ nửa nghiêm túc,
nửa đùa cợt, ông đưa tay chỉ vào một chiếc ghế, mời tôi ngồi.
Để ông khỏi thấy tôi không có áo gilê, tôi quay người, hé áo
ngoài và rút tập bản thảo từ ngực ra.
- Đây là bài báo không lớn lắm về Correggio (1), - tôi nói.
- Nhưng rất tiếc nó được viết hơi khác thường...
“Huân tước” lấy từ tay tôi tập giấy rồi bắt đầu đọc. Ông
quay mặt về phía tôi. Từ ngày còn trẻ, tôi đã được nghe tên tuổi con người này,
và trong suốt nhiều năm qua, tờ báo của ông đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với
tôi. Còn bây giờ, trước tôi là con người bằng xương bằng thịt của ông. Tóc ông
xoăn, đôi mắt xám có vẻ gì đấy như không chịu yên. Ông có thói quen chốc chốc
lại khẽ khịt mũi. Bề ngoài ông giống một mục sư, có chiếc bút rất sắc có thể
dùng để đánh người ta đến chảy máu. Nhìn ông, tôi cảm thấy ngạc nhiên và sợ
hãi; và suýt khóc, tôi tiến thêm một bước lại gần ông, muốn bày tỏ lòng biết ơn
của tôi đối với tất cả những gì tôi học được ở ông. Tôi muốn ông chiếu cố, vì
tôi chỉ là một người nghèo đáng thương rất cần được giúp đỡ...
Ông nhìn tôi, rồi với vẻ lưỡng lự, đặt bài báo của tôi xuống
bàn.
Để ông từ chối mà không cảm thấy bất tiện, tôi chìa tay về
phía trước, nói:
- Chắc bài này không phù hợp với báo ông?
Rồi tôi mỉm cười, làm ra vẻ tôi xem việc này chẳng có gì
quan trọng.
- Chúng tôi chỉ có thể đăng các bài có tính chất đại chúng,
- ông đáp, - ông biết độc giả của chúng tôi rồi đấy. Ông có thể viết đơn giản
hơn một chút được không? Hay viết về đề tài khác, dễ hiểu hơn chẳng hạn?
Sự thận trọng của ông làm tôi ngạc nhiên. Tôi hiểu bài báo
của tôi đã bị từ chối, nhưng đây là một sự từ chối hết sức lịch sự. Để không
quấy rầy ông thêm, tôi vội nói:
- Vâng, tất nhiên, tôi có thể viết như thế.
Tôi đi về phía cửa khẽ ho và xin lỗi rằng đã làm phiền
ông... Khi tôi cúi chào từ biệt, tay đã cầm quả đấm cánh cửa, ông nói:
- Nếu ông muốn, tôi có thể trả trước cho ông một ít, sau này
có bài in sẽ trừ.
Tôi thấy đề nghị của ông ít nhiều có tính chất xúc phạm, nên
vội đáp:
- Không, cảm ơn ông, hiện tôi vẫn có thể sống tàm tạm. Tôi
rất biết ơn ông. Tạm biệt.
- Chào ông! - “Huân tước” đáp rồi quay ngang sang bàn làm
việc của mình.
Suy cho cùng, tôi không đáng được cư xử một cách nhã nhặn
như thế; tôi rất biết ơn ông điều đó. Tôi sẽ không tới gặp ông cho đến khi viết
xong một bài báo mà chính tôi cũng rất hài lòng. Lúc ấy “Huân tước” sẽ ngạc
nhiên và trả cho tôi mười curon. Tôi về nhà và lại bắt tay vào viết.
Những ngày tiếp theo, vào khoảng tám giờ, khi đèn hơi ngoài
phố được thắp sáng, tôi thường ra khỏi nhà đi dạo quanh các phố để nghỉ ngơi
chút ít sau một ngày làm việc căng thẳng. Tôi nhận thấy một điều lạ là cạnh cốt
đèn gần cổng vào sân nhà tôi nhất bao giờ cũng có một người đàn bà mặc áo quần
màu đen đang đứng, và khi tôi đi ngang người ấy thường nhìn theo tôi rất lâu.
Tôi chú ý thấy cô ta hôm nào cũng mặc bộ quần áo ấy, vẫn chiếc khăn che mặt dày
dài tới ngực ấy, và tay luôn cầm một chiếc ô nhỏ đầu cán có một vòng bằng ngà
voi.
Đêm này là đêm thứ ba tôi nhìn thấy cô gái ấy, vẫn ở chỗ cũ.
Tôi vừa đi ngang, cô thong thả quay người và đi theo hướng ngược lại.
Trong đầu tôi liền nảy ra đủ các điều tưởng tượng. Tôi có ý
nghĩ ngu ngốc rằng cô ta đến đây là vì tôi. Tôi muốn bắt chuyện với cô, hỏi cô
định tìm ai chăng, cô có cần tôi giúp đỡ gì không, tôi có thể tiễn cô về nhà
được không, dù rất tiếc, tôi ăn mặc hơi xoàng xĩnh. Biết đâu đi một mình giữa
phố tối, cô chẳng cần người bảo vệ? Nhưng liền lúc ấy tôi bỗng băn khoăn, lo sợ
rằng điều đó có thể kéo theo những chi phí tốn kém, như mời cô uống rượu, mời
đi xe ngựa, vân vân, mà tiền thì tôi chẳng có đồng nào. Túi tôi trống rỗng,
điều này đè nén tôi, khiến tôi không dám nhìn thẳng vào cô khi đi ngang. Cơn
đói lại bắt đầu hành hạ tôi; từ hôm qua tới nay tôi chưa được ăn gì. Tất nhiên
như thế là ít, vì trước đó tôi từng nhịn hàng mấy ngày liền. Nhưng bây giờ sức
khỏe tôi đang suy sút một cách đáng nghi ngờ, và tôi không còn có thể chịu đói
lâu như trước. Mới chỉ một ngày, một ngày không ăn thôi, tôi đã khổ lắm rồi, và
hễ uống nước vào là buồn nôn không sao chịu nổi. Thêm vào đó ban đêm tôi rất
lạnh. Tôi mặc cả quần áo khi ngủ, thế mà vẫn lạnh cóng, cả khi ngủ thiếp vẫn
thấy lạnh. Chiếc chăn cũ không còn đủ che cho tôi khỏi những cơn gió lùa, và cứ
mỗi sáng dậy, gặp gió lạnh thổi từ sân vào, mũi tôi lại chảy nước ròng ròng.
Tôi vừa đi giữa phố vừa sợ có thể tôi sẽ gục trước khi kịp
viết xong bài báo đang viết dở dang. Nếu có nến, tôi sẽ làm việc cả ban đêm,
thêm hai giờ nữa, nếu đủ sức, và sáng mai tôi đã có thể tới gặp “Huân tước”.
Không suy nghĩ dài dòng thêm nữa, tôi bước vào quán cà phê
tìm gặp một người quen để hỏi vay mười ere mua nến. Tôi được phép đi khắp các
phòng, các bàn, nơi đang có người ăn uống và nói chuyện vui vẻ. Tôi đi tận cuối
cửa hàng, tới “phòng đỏ”, nhưng không thấy người tôi muốn gặp. Bực mình và buồn
bã, tôi ra phố, đi về phía lâu đài.
Quỷ quái thật, không lẽ những điều bất hạnh của tôi không
bao giờ kết thúc? Tôi bước những bước dài, giận dữ, dựng ngược cổ áo khoác, bóp
chặt nắm đấm trong túi quần và vừa đi vừa nguyền rủa số phận hẩm hiu của mình.
Suốt tám tháng qua, tôi chưa có được một phút nào hạnh phúc thực sự, tuần nào
tôi cũng nhịn đói, ốm đau và mất dần sức lực. Tuy thế, nghèo nhưng tôi vẫn là
người tử tế, bao giờ cũng tử tế, tử tế trong mọi chuyện, ha ha! Ôi lạy Chúa,
tôi mới đáng buồn cười làm sao! Rồi tôi lẩm bẩm nhắc lại chuyện tôi bị lương
tâm giày vò thế nào khi lần nọ tôi đem chiếc chăn của Hanx Pauli tới hiệu cầm
đồ. Tôi đã cười giễu một cách khinh bỉ cái lương tâm bệnh hoạn của tôi, tôi ghê
tởm nhổ xuống đất, không ngớt tìm đủ từ xấu xa để mắng mỏ sự ngu ngốc của mình.
Nhưng bây giờ thì khác rồi! Nếu đúng lúc này nhìn thấy chiếc ví nhỏ của một cô
bé học sinh nào đó đánh rơi giữa phố, hay đồng xu của một bà quả phụ, chắc chắn
tôi sẽ cúi xuống nhặt lên, vội vàng cho vào túi. Tôi sẽ làm điều đó không chút
cắn dứt lương tâm, và suốt đêm sẽ ngủ một cách ngon lành. Không phải vô ích khi
tôi chịu chừng ấy đau khổ, bây giờ lòng kiên trì đã cạn và tôi sẵn sàng làm tất
cả.
Tôi đi mấy vòng quanh lâu đài rồi quyết định trở về nhà. Sau
khi nấn ná một chốc trong công viên, cuối cùng tôi bước đi theo phố Carlơ
Juhan.
Lúc này đã gần mười một giờ. Xung quanh là bóng tối nhờ nhờ,
đâu cũng thấy người đi dạo, từng đôi hoặc từng tốp lớn ồn ào. Giờ phút vĩ đại,
giờ phút của tình yêu đã đến, khi các tâm hồn hoà nhập với nhau, còn cuộc đời
thì lâng lâng như trong câu chuyện cổ tích. Tiếng váy đàn bà kêu xột xoạt,
tiếng cười ngây ngất, những bộ ngực nhô cao, những hơi thở nóng hổi, vồ vập.
Phía xa, gần Grand, có ai đó khẽ gọi: “Emma!”. Cả phố như một đầm lầy đang bốc
hơi nóng hầm hập.
Vô tình tôi cho tay vào túi xem có tìm được trong đó vài
curon không. Sự đam mê đang ngự trị xung quanh, thậm chí cả ánh đèn mờ đục và
đêm yên tĩnh mơ mộng cũng bắt đầu tác động lên tôi. Khắp nơi đầy những tiếng
thầm thì yêu đương, những vòng tay ôm nhau, những lời tỏ tình say đắm, những
câu nói giữa chừng, những tiếng kêu nho nhỏ. Một vài con mèo giở trò với nhau,
gào rất to trong ngõ phố Blumquizt. Thế mà tôi không có nổi hai curon trong
túi! Thật nhục nhã, thật bất hạnh, rằng tôi đã trở nên nghèo đến thế! Rồi tôi
lại nghĩ tới đồng xu cuối cùng của người đàn bà góa tội nghiệp mà tôi sẵn sàng
ăn cắp, và chiếc mũ hay chiếc khăn lau mũi mà tôi không ngần ngại mang đến hiệu
cầm đồ để đổi lấy mấy ere. Để tự an ủi và ban thưởng cho mình, tôi bắt đầu tìm
những khuyết tật có thể có ở những con người hạnh phúc kia. Tôi giận dữ nhún
vai, khinh bỉ nhìn theo những cặp trai gái đang lần lượt đi qua tôi. Đó là
những cậu sinh viên bụ sữa và hợm mình, cứ tưởng như chúng là những công tử
châu Âu thực sự khi chúng chạm được cái tay vào vú một cô gái lẳng lơ nào đó.
Cái bọn người trẻ tuổi ấy, bọn chủ nhà băng, thương gia hay bọn đĩ đực mạt hạng
ấy không chừa cả vợ con của đám thủy thủ, cả những con búp bê béo quay từ các
khu chợ bán lợn, những mụ mà chỉ cần một cốc bia là ai cũng có thể dẫn vào ngõ
tối. Thật là những nàng tiên tuyệt trần! Giường ngủ của chúng chắc còn chưa
sạch hơi một thằng cha làm nghề chữa cháy hay một gã trông ngựa nào đó vừa tới “thăm”
chúng... Ngai vàng của chúng luôn để trống, ai cũng có thể lại gần, bất kì ai,
xin mời!... Tôi phùng má nhổ nước bọt, không thèm nghĩ tới việc có thể té vào
người khác. Tôi vô cùng khó chịu, vô cùng khinh bỉ những con người đang quyện
vào nhau trước mắt tôi kia. Tôi ngẩng cao đầu, lấy làm hạnh phúc vì còn chưa để
mình vấy bẩn.
Cạnh một gốc cây, thấy một cô gái nhìn tôi chăm chăm, tôi
bước lại gần.
- Chào cô. - Tôi nói.
- Chào anh!
Cô ả đứng lại.
- Hừm... Cô làm gì ở đây muộn thế? Lẽ nào một cô gái trẻ như
cô đi dạo một mình giữa phố vào giờ này không nguy hiểm? Không à? Vâng, nhưng
chẳng nhẽ từ trước tới nay chưa có ai tìm cách bắt chuyện với cô, xúc phạm cô
hay rủ cô về nhà.
Cô ả ngạc nhiên, cố nhìn mặt tôi để đoán tôi muốn gì. Rồi
bỗng nhiên ả nắm tay tôi, nói:
- Nào, thì ta đi!
Tôi đi theo. Khi đi xa những tay đánh xe ngựa, tôi đứng lại,
rút tay ra và nói:
- Này cô em thân mến ơi, anh chẳng có đồng xu nào cả, có lẽ
để anh đi đường anh thì hơn.
Lúc đầu ả không muốn tin tôi, nhưng sau khi nắn hết các túi
của tôi mà không thấy gì, ả liền hất đầu, bĩu môi gọi tôi là “chàng rách”.
- Chào cô em! - Tôi nói.
- Gượm đã! - ả gọi theo. - Thế gọng kính của anh mạ vàng đấy
chứ?
- Không.
- Thế thì mời ông anh đi đi!
Tôi đi.
Nhưng ả vội chạy theo, nói to:
- Thôi được, không có gì cũng đi!
Lời đề nghị này của một cô gái làm tiền khiến tôi cảm thấy
bị sỉ nhục, và tôi từ chối. Vả lại, đêm đã khuya, tôi còn phải đến nơi khác. Cô
ả cũng chẳng là người đáng để tôi phải hạ mình như thế.
- Nhưng em muốn đi với anh!
- Còn tôi thì không thể đi với cô trong hoàn cảnh thế này
được.
- Chắc anh muốn đi với cô khác chứ gì?
- Không, - tôi đáp.
Vâng, tôi chẳng có tí thích thú nào đối với việc này. Với
tôi, các cô nàng này cũng gần như là đàn ông vậy. Sự nghèo đói đã làm tôi kiệt
sức. Nhưng tôi vẫn hiểu rằng tôi là một thằng thảm hại dưới con mắt của ả kia.
Tôi quyết định phải giữ thể diện.
- Tên cô là gì? - Tôi hỏi. - Mary à? Thế này nhé, Many, cô
hãy nghe tôi nói đây! - Rồi tôi bắt đầu trình bày hoàn cảnh của mình. Ả mỗi lúc
một ngạc nhiên hơn.
Không lẽ ả nghĩ tôi là một trong những người đêm đêm lùng
gái khắp các phố? Không lẽ tôi đã nói với ả điều gì bất nhã? Một người có ý
định xấu trong đầu lẽ nào lại cư xử như tôi? Tóm lại, tôi đứng nói chuyện với ả
rồi tiễn ả đi một quãng, cốt để xem sau đó ả sẽ làm gì. Tôi bảo ả rằng tôi là
một mục sư, tên thế này, thế này... - Chúc cô ngủ ngon! Cô đi đi, và đừng phạm
tội thêm nữa!
15.
Cả tôi cũng bỏ đi.
Tôi thích thú xoa xoa hai tay, thầm cảm phục mình đã nghĩ
được một lối thoát tuyệt vời như thế. Vừa đi, tôi vừa nói to thành tiếng với
chính mình. Thật hạnh phúc khi được đi giữa phố để làm những điều thiện! Rất có
thể tôi đã cứu được cô gái tội lỗi kia trở lại con đường đứng đắn. Sau này nhớ
lại, cô ta sẽ hiểu hết lòng cao thượng của tôi, và sẽ luôn nhớ tới tôi với lòng
biết ơn chân thành, thậm chí cả trong giờ hấp hối. Đúng, dù sao cũng phải cố
giữ để thành người tử tế! Đáng lắm!
Tôi đang ở trong trạng thái vui vẻ, tôi thấy tôi là người khỏe
mạnh, dũng cảm và sẵn sàng làm tất cả. Có điều, giá có ngọn nến, chắc tôi sẽ
viết xong bài báo. Tôi vừa đi, vừa tung tẩy chiếc chìa khoá mở cổng mới làm.
Tôi huýt sáo, khe khẽ hát và nghĩ cách làm sao có được một cây nến. Nhưng cuối
cùng tôi chỉ nghĩ được một cách là ngồi viết dưới cột đèn thắp hơi ngoài phố.
Tôi mở cổng sân nhà tôi rồi vào phòng lấy giấy.
Quay lại đường phố, tôi lặng lẽ khóa cổng và ngồi xuống cột
đèn. Xung quanh thật yên tĩnh, tôi chỉ nghe tiếng chân nặng nề, thong thả của
người cảnh sát đang đi ở phố hẹp bên cạnh, và tiếng chó sủa đâu đó từ đồi Thánh
Henry vọng lại. Chẳng có gì quấy rầy tôi. Tôi bẻ ngược cổ áo, bắt đầu tập trung
suy nghĩ. Tôi sẽ vô cùng hạnh phúc nếu đêm nay viết xong bài báo nhỏ này. Tôi
đang dừng lại ở đoạn khó nhất, cần khôn khéo chuyển sang đoạn mới rồi dần dần tiến
đến đoạn kết một cách nhẹ nhàng, thong thả, cảm động, nhưng câu cuối phải thật
đột ngột, mạnh mẽ, như phát súng giữa đêm khuya hay như tiếng ào ào của núi
tuyết lở. Chấm hết.
Nhưng tôi vẫn không nghĩ thêm được chữ nào. Tôi đọc lại toàn
bộ từ đầu, đọc to từng chữ một nhưng vẫn không sao tập trung nổi ý nghĩ để viết
tiếp một câu thích hợp. Trong khi ấy, một nhân viên cảnh sát đi tới, đứng chính
giữa phố cách tôi một quãng và làm hỏng hết trạng thái làm việc của tôi. Hắn
thì liên quan gì tới việc bây giờ tôi đang vắt óc cố nghĩ một câu thật hay cho
bài báo sắp gửi “Huân tước”? Tôi ở dưới cột đèn suốt một giờ, người cảnh sát đã
bỏ đi, cái lạnh châm vào da thịt tôi, tôi không thể tiếp tục ở đây thêm được
nữa. Buồn bã và chán nản vì viết không được, tôi lại mở cổng đi vào phòng mình.
Trong phòng khá lạnh, vất vả lắm tôi mới nhìn thấy cửa sổ
trong bóng tối dày đặc. Tôi dò dẫm đi đến giường, cởi giày và bắt đầu xoa mạnh
hai chân cho ấm. Sau đó, tôi nằm xuống, vẫn để nguyên cả quần áo như mọi ngày.
Hôm sau, trời vừa hửng, tôi đã dậy, làm việc. Tôi ngồi đến
tận trưa và viết được khoảng hai chục dòng. Nhưng vẫn không kết thúc nổi bài
báo.
Tôi đứng dậy xỏ giày, và để chống rét, bắt đầu đi đi lại lại
trong phòng. Cửa sổ phủ đầy sương. Tôi nhìn ra ngoài: tuyết rơi, cả sân và
giếng bị che kín bởi tuyết trắng.
Như cái máy, tôi luôn chân đi lại khắp phòng, cào móng tay
vào tường, cẩn thận áp trán vào cửa, gõ gõ ngón tay trỏ xuống sàn rồi chăm chú
lắng nghe - tôi làm tất cả những điều ấy không vì một mục đích nào cả, làm một
cách lặng lẽ, tập trung, như thể tôi vừa đánh mất một cái gì đấy rất quan
trọng. Liền sau đó tôi cố tình nói to để chính mình có thể nghe thấy: “Ôi, lạy Chúa, ta điên, ta điên thật rồi!”.
Nhưng tôi vẫn tiếp tục làm những việc đã làm trước đó. Một thời gian sau - có
lẽ phải đến hai tiếng đồng hồ - tôi làm chủ được bản thân mình, cắn môi và cố
lấy lại bình tĩnh. Không thể kéo dài như thế này được! Tôi lục tìm chiếc vỏ
bào, đưa miệng nhá và cương quyết cầm lấy bút chì.
Với một sự vất vả kinh khủng, tôi cố viết tiếp được hai câu
ngắn, mỗi câu độ chục từ mà tôi cố rặn ra bằng được, cốt để chứng tỏ rằng công
việc đang tiến triển. Đầu tôi trống rỗng, sức lực rời bỏ tôi dần. Tôi ngồi yên,
không làm nổi một cử động nhỏ, mắt mở to, trân trân vào những chữ mới viết, vào
trang giấy đang viết dở, vào những chữ cái nguệch ngoạc, xiêu vẹo đang bò lổm
ngổm trên giấy như những con thú bé nhỏ. Tôi nhìn, không đủ sức hiểu một điều
gì, không một ý nghĩ trong đầu.
Thời gian cứ trôi. Tôi đã nghe tiếng ồn của đường phố, tiếng
bánh xe lăn, tiếng vó ngựa và tiếng Ienx Olai đang nói chuyện với những con
ngựa ngoài chuồng. Tôi hoàn toàn kiệt sức, và cử động duy nhất tôi làm được là
khẽ mấp máy môi. Ngực mỗi lúc một đau thắt.
Hai mắt tối sầm, mệt quá, tôi lại ngả xuống giường. Để tay
đỡ lạnh, tôi vuốt tóc từ trán và hai thái dương ra gáy. Trong khi vuốt, tôi
thấy nhiều túm tóc bị nhổ, rơi xuống gối. Điều này không làm tôi lo lắng vì tóc
trên đâu còn khá nhiều. Tôi cố giũ khỏi mình cơn ngái ngủ đang phủ kín người
tôi như một đám mây mù, nhỏm dậy, vỗ tay xuống đầu gối, ôm ngực ho sặc sụa, và
lại ngã xuống giường. Không đỡ hơn chút nào! Tôi bất lực nằm yên với đôi mắt mở
to nhìn lên trần nhà. Tôi cảm thấy mình sắp chết. Sau đó tôi đút ngón tay trỏ
vào miệng và bắt đầu mút. Có cái gì đấy đang cọ quậy trong đầu tôi - một ý nghĩ
ngu ngốc, điên rồ xuất hiện. Có nên cắn không nhỉ? Không suy nghĩ lâu, tôi nhắm
mắt và từ từ nghiến răng.
Tôi bỗng chồm dậy. Cuối cùng tôi chợt tỉnh. Một dòng máu từ
ngón tay chảy ra, tôi thè lưỡi liếm sạch. Tôi không đau, mà rồi vết thương cũng
vào loại vặt vãnh, nhưng nó đã làm tôi tỉnh lại. Tôi lắc đầu đi đến cửa sổ, tìm
miếng giẻ băng vết thương. Mắt tôi rưng rưng, và không kìm được, tôi đã lặng lẽ
khóc thương mình. Cái ngón tay gầy gò bị cắn ấy bây giờ trông mới thảm hại làm
sao. Trời ơi, tôi đã đến nông nỗi này ư?
Trời tối dần. Rất có thể đêm nay tôi viết xong bài báo, nếu
có nến. Đầu tôi lại sáng, các ý nghĩ bắt đầu hoạt động như thường ngày, tôi
cũng chẳng thấy đau lắm. Thậm chí cái đói không còn cào xé tôi dữ dội như cách
đây mấy giờ, tôi có thể chịu đựng được cho đến sáng hôm sau. Nếu vào hiệu nói
rõ hoàn cảnh mình, có thể người ta sẽ bán chịu nến cho tôi. Tất nhiên, nếu tôi
đem danh dự ra hứa, người ta sẽ đưa nến cho tôi. ở đấy người ta biết tôi khá
rõ. Vào thời hoàng kim, khi chưa lâm vào cảnh khốn cùng này, tôi vẫn thường tới
đó mua bánh mì. Và rồi, lần đầu tiên trong suốt một thời gian dài, tôi sờ
soạng, vuốt sạch quần áo mình trong bóng tối, giũ các túm tóc rụng khỏi cổ áo.
Sau đó tôi đi xuống thang gác.
Tới cổng, tôi nghĩ bụng hay hỏi mua chịu bánh mì hơn? Tôi
đứng lại suy nghĩ.
- Không, không bao giờ! - Tôi quyết định.
Không, với tình trạng cơ thể như bây giờ, tôi không được
phép ăn bất kì cái gì, nếu không, tôi sẽ lại mơ thấy những giấc mơ kinh khủng,
sẽ nói nhảm, cảm giác sẽ lẫn lộn; tôi sẽ không viết xong bài báo, trong khi rất
cần đến gặp “Huân tước” chừng nào ông ta chưa quên tôi. Không, không bao giờ!
Chỉ hỏi mua nến thôi! Với ý nghĩ ấy, tôi bước vào hiệu.
Một người đàn bà nào đó đang đứng mua hàng bên quầy. Tôi
nhìn thấy rất nhiều các gói nhỏ đủ màu khác nhau. Người bán hàng biết tôi vẫn
thường tới đây mua bánh mì, liền bỏ người đàn bà, lặng lẽ lấy báo gói một chiếc
đặt trước mặt tôi, không hề hỏi một câu nào.
- Không, tôi chỉ cần một cây nến để thắp đêm nay, - tôi nói
một cách nhỏ nhẹ và lịch sự vì sợ ông tức giận, không bán nến cho tôi.
Hình như những lời tôi vừa nói làm ông ngạc nhiên, - đây là
lần đầu tôi hỏi mua không phải bánh mì mà là một thứ khác.
- Thế thì hãy chờ tôi một chút, - ông nói rồi quay lại với
người đàn bà. Bà kia nhận hàng, đưa cho người bán năm curon, cầm tiền thừa rồi
đi ra.
Chỉ còn lại mình tôi và ông bán hàng.
- Nghĩa là ông cần nến, phải không? - Ông nói.
Rồi ông mở hộp nến, lấy ra một cây. Ông nhìn tôi, tôi cũng
nhìn ông, không đủ sức nhắc lại yêu cầu của mình.
- Vâng, tất nhiên, ông đã đưa tiền cho tôi rồi, - ông bỗng
nói.
Nói một cách đơn giản rằng tôi đã trả tiền. Tôi nghe rất rõ
từng lời. Sau đó ông bắt đầu lấy từ hòm ra từng đồng tiền bằng bạc to nặng, lấp
lánh, hết đồng này đến đồng khác, rồi đưa cho tôi - ông trả lại tiền thừa, tiền
thừa cho tôi từ năm curon của người đàn bà kia.
- Mời ông! - Ông nói.
Tôi nhìn những đồng tiền và hiểu ngay rằng người bán hàng đã
nhầm, nhưng tôi vẫn đứng im, không phản ứng, không động não một chút nào. Bị
choáng ngợp trước số tiền khổng lồ ấy, tôi ngớ người ra, và như cái máy, tôi
đưa tay cầm lấy.
Tôi đứng bên quầy hàng, ngạc nhiên, đờ đẫn và thảm hại. Sau
đó, tôi bước một bước về phía cửa, rồi đứng lại. Tôi nhìn trân trân vào bức
tường trước mặt, - ở đấy có chiếc chuông nhỏ treo trên một sợi dây da, còn dưới
chuông là mẩu dây thừng. Tôi cứ đứng thế và nhìn nó.
Thấy tôi nấn ná khá lâu, người bán hàng tưởng tôi muốn bắt
chuyện, nên vừa xếp lại một tập giấy cứng trên mặt quầy, ông vừa nói:
- Thế là mùa đông sắp tới rồi.
- Hừm... Vâng... - tôi đáp. - Có vẻ như mùa đông sắp tới
thật... ừ, mùa đông. - Một chốc sau, tôi nói thêm. - Cũng đúng thôi, đã đến lúc
mùa đông phải đến. Vâng, đã đến lúc. Hình như thế...
Tôi lắng nghe những gì tôi đang nói, như thể người nói không
phải tôi, mà là người khác.
- Ông nghĩ thế à? - Người bán hàng hỏi.
Cho tiền vào túi, tôi mở cửa bước ra ngoài. Tôi nghe rõ
tiếng tôi chúc người bán hàng ngủ ngon và cả tiếng ông cũng chúc tôi như thế.
Tôi đi chưa được hai bước thì cánh cửa mở toang, và người
bán hàng ló đầu ra gọi tôi. Tôi ngoái lại, không chút ngạc nhiên, không chút sợ
hãi: tôi cầm gọn những đồng tiền trong tay chuẩn bị trả lại cho ông.
- Ông quên chưa lấy nến, - ông nói.
- À, cám ơn ông! - Tôi bình tĩnh đáp. Lần nữa, xin cám ơn
ông!
Rồi tôi đi, với cây nến trong tay.
Ý nghĩ tỉnh táo đầu tiên của tôi là về tiền. Tôi đi tới chân
cột đèn, đếm lại, nâng nâng những đồng tiền trong tay rồi mỉm cười. Đây là cả
một gia tài lớn, đủ để tôi sống lâu, rất lâu! Tôi lại cho tiền vào túi và đi
tiếp.
Đến hiệu ăn ở phố Sturgaten, tôi dừng lại, cẩn thận và tỉnh
táo cân nhắc xem có nên vào ăn chút gì không? Từ phía trong vọng ra tiếng bát
đĩa và tiếng dao nĩa va vào nhau. Sự cám dỗ quá lớn và tôi đã bước vào hiệu.
- Một đĩa bít tết! - Tôi nói.
- Một đĩa bít tết! - Cô hầu bàn đứng bên cửa sổ gọi vào nhà.
Tôi ngồi xuống một chiếc bàn nhỏ cạnh cửa ra vào, bắt đầu
đợi. Cái góc tôi đang ngồi mờ mờ tối, ở đây tôi thấy yên tâm hơn và thả sức suy
nghĩ tản mạn. Chốc chốc cô hầu bàn lại nhìn tôi với vẻ tò mò.
Vâng, thế là tôi đã làm cái hành động tội lỗi đầu tiên ấy,
so với nó, những việc khác trước đó chỉ là điều vặt vãnh. Đây là sự sa ngã đầu
tiên, nhỏ bé thôi, nhưng cũng vô cùng to lớn... Vâng, quả thế, nhưng bây giờ
thì không thể làm gì được nữa. Tất nhiên, tất cả phụ thuộc vào tôi, vì sau này
có thể tôi sẽ hoàn lại tiền cho ông chủ hiệu. Nhưng như thế không có nghĩa tôi
phải đi tiếp theo con đường ấy. Vả lại, tôi không bị bắt buộc phải sống trung
thực hơn người khác, tôi chưa bao giờ có một lời thề như vậy...
- Sao, bít tết của tôi sắp được chưa?
- Vâng, có ngay bây giờ ạ!
Cô hầu bàn mở cửa nhìn vào bếp.
Nhưng nếu chuyện này bị phát giác thì sao? Nếu người bán hàng
nghi ngờ, nếu ông ta nhớ lại chuyện tôi mua bánh mì, chuyện năm curon và số
tiền thừa mà bà khách kia nhận lại? Chắc chắn ông ta sẽ nhớ ra ngay, khi lần
đầu tôi lại đặt chân vào cửa hiệu. Lạy Chúa, lúc ấy rồi sẽ thế nào?... Tôi khẽ
rụt vai lại.
- Mời ông, - cô hầu bàn lịch sự nói rồi đặt đĩa bít tết
xuống. - Ông sang phòng bên có tốt hơn không? Ở đây tối quá.
- Không, cảm ơn, tôi ngồi ở đây cũng được, - tôi đáp.
Thái độ lịch sự của cô hầu bàn làm tôi cảm động. Tôi lập tức
thanh toán tiền bít tết, cứ cho tay vào túi, lấy được bao nhiêu đưa bấy nhiêu.
Tôi bắt tay cô ta. Cô ta mỉm cười, còn tôi thì hai mắt rưng rưng, vừa cười vừa
nói:
- Cô hãy dùng số tiền puốcboa này mua cho mình một điền
trang nho nhỏ... ồ không, không cần cảm ơn!
Tôi bắt đầu ăn món bít tết, càng ăn càng thấy ngon miệng.
Tôi nuốt từng miếng to, không kịp nhai, và dùng răng xé thịt như một người
hoang dã.
Cô hầu bàn lại đến.
- Ông có muốn uống chút gì không ạ? - Cô ta hỏi, cúi thấp
xuống người tôi.
Tôi ngước nhìn cô ta: cô ta nói rất khẽ, hầu như với vẻ bẽn
lẽn, dưới cái nhìn của tôi, cô ta cúi đầu xuống.
- Nửa chai bia hay một cái gì đó... của tôi chẳng hạn...
ngoài ra... nếu ông muốn...
- Không, cám ơn! - Tôi đáp. - Để dịp khác. Tôi còn tới đây
nữa.
Cô hầu bàn bỏ đi, đến ngồi sau quầy. Bây giờ tôi chỉ nhìn
thấy đầu cô ta. Một cô gái lạ lùng!
Ăn xong, tôi liền đi ra cửa. Tôi cảm thấy buồn nôn. Cô hầu
bàn đứng dậy. Tôi sợ ra ánh sáng, sợ lại gần cô gái trẻ ấy, cô gái không biết
chút gì về sự nghèo đói của tôi. Vì vậy, tôi vội vàng chào cô ta rồi đi ra.
16.
Thức ăn bắt đầu có phản ứng. Tôi buồn nôn không chịu nổi. Hễ
gặp góc tối nào là tôi vội vào, nôn thốc nôn tháo, và dạ dày lần nữa lại trống
rỗng. Tôi bóp chặt nắm đấm, dẫm mạnh chân xuống đất cố chống lại và giận giữ cố
nuốt lại vào bụng những gì sắp trào ra, nhưng mọi cố gắng của tôi đều vô ích...
Vô cùng tuyệt vọng, tôi đi giữa phố, vừa đi vừa nguyền rủa
những kẻ độc ác - dù chúng là ai chăng nữa - đã nhẫn tâm hành hạ tôi như vậy.
Tôi cầu cho chúng phải xuống địa ngục, phải suốt đời chịu đau khổ vì sự độc ác
của chúng. Vâng, những kẻ ấy không hào hiệp một chút nào, đó là điều chắc
chắn!... Tôi lại gần một người nào đó đang đứng nhìn vào tủ kính, yêu cầu cho
tôi biết ngay rằng theo ông ta, cần phải cho một người đã nhịn đói lâu ngày ăn
gì để không bị nôn.
- Đây là vấn đề rất, rất quan trọng, - tôi nói. - như bít
tết thì dứt khoát không được rồi!
- Tôi nghe nói nên cho uống sữa nóng, người kia đáp, không
hiểu chuyện gì đang xảy ra. - Ông nói về ai thế?
- Cám ơn! Cám ơn! - Tôi đáp. - Có thể ông nói đúng. Uống sữa
đun nóng là tốt nhất.
Rồi tôi bỏ đi.
Rẽ vào một quán cà phê gần nhất, tôi yêu cầu cho tôi sữa
nóng. Người ta mang sữa nóng tới, tôi uống ừng ực từng ngụm lớn rồi trả tiền,
đi về nhà.
Và lúc ấy đã xảy ra một chuyện hết sức lạ lùng. Tôi nhận
thấy ngay sát cổng nhà tôi, dưới ánh sáng lờ mờ một người nào đó đang đứng tựa
vào cột đèn - lại người đàn bà trẻ mặc quần áo đen! Không thể nhầm được. Đây là
lần thứ tư nàng tới đây. Nàng đang đứng yên bất động.
Điều này làm tôi ngạc nhiên, đến mức vô tình bước chậm lại.
Đầu óc tỉnh táo, nhưng tôi đang rất hồi hộp, các dây thần bị kinh kích thích
mạnh. Như mọi lần, tôi đi ngang đến tận cổng và đang định đi vào nhà thì chợt
đứng lại. Tôi bỗng cảm thấy táo bạo hẳn lên, rồi như cái máy, tôi bước lại gần,
nhìn thẳng vào mặt nàng và cúi chào, nói:
- Chào cô!
- Chào anh, - nàng đáp.
- Xin lỗi, hình như cô đang chờ ai đó. Tôi biết cô từ lâu.
Tôi có thể giúp được gì cô chăng? Nếu không, tôi xin lỗi.
- Vâng, quả tình tôi cũng chẳng biết.
- Trong sân này chẳng có ai ngoài tôi và mấy con ngựa. Đây
là xưởng làm việc của một người gò thùng. Nếu cô định tìm ai ở đây thì e cô đã
nhầm.
Nàng quay người lại và đáp:
- Tôi không tìm ai cả. Chỉ đứng đây thế thôi.
Hoá ra nàng chỉ đứng chơi thế thôi, mà không phải một lần.
Lạ đấy! Càng nghĩ, tôi càng thấy lạ. Cuối cùng tôi quyết định phải mạnh dạn hơn
nữa. Tôi cho tay vào túi sờ tiền, rồi không nghĩ lâu, tôi đề nghị cùng nàng đi
đâu đấy uống cốc rượu chẳng hạn... Mùa đông rồi mà, trời lạnh lắm... Chỉ một
chốc thôi, tất nhiên nếu nàng đồng ý.
Ồ không, cảm ơn, không thể được. Không được! Nhưng nếu tôi
vui lòng tiễn nàng một quãng thì lại là chuyện khác... Trời tối, vào cái giờ
muộn mằn này đi một mình giữa phố Carlơ Juhan e không tiện.
- Rất vui lòng.
Rồi chúng tôi cùng đi. Nàng bên phải, tôi bên trái. Một cảm
giác dễ chịu, khác lạ xâm chiếm lòng tôi, cảm giác có người đàn bà trẻ bên
cạnh. Tôi nhìn nàng không chớp mắt. Mùi nước hoa thoang thoảng từ mái tóc, mùi
ấm áp dễ chịu của cơ thể phụ nữ, hơi thở nhẹ thoáng qua khi nàng quay mặt về
phía tôi - tất cả những cái ấy thấm vào tôi đến tận đáy sâu của tâm hồn. Tôi
chỉ thấy mờ mờ dưới màng che một khuôn mặt trắng, đầy đặn và tuyệt đẹp, còn
dưới áo khoác là bộ ngực nhô cao. Sự cám dỗ kì diệu đang được che đậy ấy làm
tôi bối rối, đồng thời tôi cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc một cách khó tả. Không
kìm được nữa, tôi khẽ chạm tay nàng, rồi ngực, và mỉm cười một cách ngốc
nghếch. Tôi nghe rõ tiếng tim tôi đập mạnh.
- Cô là người lạ lùng, - tôi nói.
- Vì sao?
- Vì trước hết cô có thói quen tối tối đứng yên bất động
cạnh chuồng ngựa, chỉ đơn giản vì cô thích thế chứ không có một lí do nào đặc
biệt...
- Nhưng cũng có thể tôi có lí do để làm thế! Và lại, đêm
khuya đi dạo thật thích. Bao giờ tôi cũng thích đi dạo vào ban đêm. Không lẽ
anh ngủ trước mười hai giờ?
- Tôi ấy à? Trên đời này tôi không ghét gì bằng phải ngủ
trước cái giờ ấy. Ha, ha!
- Đấy, anh thấy chưa? Còn hôm nay tôi đi dạo thế này vì một
lí do đơn giản là tôi chẳng có việc gì khác để làm. Tôi sống ở quảng trường
Thánh Ulaf...
- Ilaialy! - Tôi khẽ thốt lên.
- Anh bảo gì cơ?
- Tôi chỉ nói: Ilaialy!... Cô kể tiếp đi!
- Tôi sống ở quảng trường Thánh Ulaf cùng mẹ tôi, nhưng bà
bị điếc, nên mẹ con chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Không lẽ tôi thích đi
dạo là điều lạ lùng?
- Hoàn toàn không, - tôi vội đáp.
- Nếu vậy vì sao?
Nghe giọng nói, tôi biết nàng đang mỉm cười.
- Chắc cô có chị em gái?
- Có, tôi có chị gái, nhưng sao anh đoán được điều ấy? Chị
tôi đi Hămbuốc rồi.
- Lâu chưa?
- Cách đây năm tuần. Sao anh biết tôi có chị gái?
- Tôi chẳng biết gì cả, chỉ hỏi chừng thế thôi.
Chúng tôi cùng im lặng. Một người nào đó đi ngang, cặp đôi
giày dưới nách, còn thì phố hoàn toàn vắng người. ở Tivôli, phía xa xa có một
dãy đèn nhiều màu. Tuyết đã ngừng rơi, trời sáng.
- Ôi, lạy Chúa, không mặc bành tô, anh không lạnh ạ? - Nàng
bỗng nhìn tôi, hỏi to.
Nói thật với nàng rằng tôi không có áo bành tô? Ngay từ đầu
cho nàng biết mọi chuyện hay để sau này? Nhưng bây giờ tôi rất thích được đi
bên nàng và không muốn nàng biết gì về mình. Vì vậy tôi nói dối:
- Không, không lạnh một chút nào! - Và để chuyển sang đề tài
khác, tôi hỏi: - Thế cô đã bao giờ tới vườn thú Tivôli chưa?
- Chưa, - nàng đáp. - Hay lắm à?
Nếu nàng đồng ý tới đấy thì hay quá! ở đấy vừa sáng, lại vừa
đông người. Nhưng không, chắc nàng sẽ phải xấu hổ vì bộ quần áo nhàu nát, và
cái mặt mệt mỏi của tôi đã hai ngày nay chưa rửa. Thêm vào đó, nàng có thể phát
hiện thấy tôi không có áo gilê. Nghĩ thế, tôi bèn đáp.
- Ồ không, ở đấy hoàn toàn chẳng có gì đáng xem. - Thật may
là tôi cũng còn lại chút ít khả năng hùng biện.
- Có gì đáng xem trong cái vườn thú bé nhỏ ấy? Mà nói chung
tôi không thích xem thú khi chúng bị nhốt trong chuồng. Những con thú tội
nghiệp ấy biết hàng trăm con mắt tò mò đang nhìn chúng nên chúng sợ, mất tự
nhiên. Không, tôi thích xem những con thú trong trạng thái bình thường của
chúng, khi chúng ở trong hang, không bị ai quan sát, giương đôi mắt xanh uể oải
nhìn quanh. Chúng liếm chân và suy nghĩ. ý kiến cô thế nào?
- Vâng, tất nhiên anh nói đúng.
- Chỉ những con thú hoang dã, hung tợn mới đáng chú ý. Khi
chúng lặng lẽ mò đi trong bóng đêm, vượt qua rừng rậm huyền bí, nơi có tiếng
chim hót, tiếng gió thổi, tiếng rú rợn người, tiếng ầm ầm dữ dội, nơi có mùi
tanh của máu... Tóm lại, khi con thú cảm thấy hơi thở của thiên nhiên hoang
dã...
Tôi không nói tiếp vì sợ làm nàng chán. Tôi lại thấy tôi chỉ
là một thằng nghèo đáng thương, và cảm giác này làm tôi rất buồn. Nếu có được
một bộ quần áo tử tế, tôi sẽ mời nàng đi Tivôli ngay! Kể cũng lạ, sao người đàn
bà trẻ đẹp này lại có thể đồng ý đi dạo giữa phố Carlơ Juhan cùng một gã ăn mày
rách rưới như tôi? Nàng đang nghĩ gì? Tôi đi theo nàng xa thế này để làm gì?
Tôi không thấy mệt sao? Lẽ nào tôi không lạnh thấu xương mỗi lần có gió mạnh
quất vào mặt? Lẽ nào không phải trong đầu tôi chẳng còn một chút đam mê nào
nữa, chỉ vì suốt nhiều tháng nay tôi không được ăn no? Chính vì nàng mà tôi
không được về nhà để uống sữa nóng, cái có lẽ phù hợp với dạ dày tôi lúc này.
Tại sao nàng không quay lưng lại với tôi, không đuổi tôi đi?
Tôi đang ở tình thế tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng ấy đẩy tôi đến
cực đoan. Tôi nói:
- Đáng lẽ ta không nên đi với nhau mới đúng. Chỉ riêng bộ
quần áo tôi đang mặc cũng đủ làm cô xấu hổ trước mọi người. Đúng thế đấy, tôi
không đùa đâu.
Nàng ngạc nhiên nhìn tôi, rồi im lặng một chốc, nàng nói:
- Lạy Chúa!
Nàng không nói gì nữa.
- Tôi không hiểu ý cô thế nào? - Tôi hỏi.
- Ồ không, - nàng rảo bước đi nhanh.
Chúng tôi rẽ sang phố Đại học, từ đấy đã có thể nhìn thấy
các ngọn đèn trên quảng trường Thánh Ulaf. Nàng bắt đầu bước chậm hơn.
- Xin lỗi vì tôi hỏi quá sỗ sàng: trước khi chia tay, tôi có
thể biết tên cô là gì không? Và nếu được, xin cô bỏ mạng che, cho tôi nhìn mặt
một chút. Tôi sẽ rất biết ơn cô.
Im lặng. Tôi kiên nhẫn chờ.
- Anh nhìn thấy tôi rồi cơ mà! - Nàng nói.
- Ilaialy! - Tôi kêu lên.
- Anh đã đi theo tôi trong suốt nửa ngày, cho đến khi tôi về
tận nhà. Lúc ấy anh say rượu,
đúng không?
Qua giọng nói, lại lần nữa tôi biết nàng đang cười.
- Vâng, - tôi đáp. - Vâng, rất tiếc là lúc ấy tôi say.
- Ôi, say rượu thật đáng sợ và đáng kinh tởm.
17.
Tôi buồn bã thú nhận rằng điều ấy quả đúng đáng kinh tởm.
Chúng tôi tới gần đài phun nước đứng lại nhìn những ô cửa sổ
còn sáng ở ngôi nhà số hai.
- Anh không đi tiếp được nữa đâu, - nàng nói. - Cảm ơn anh
đã tiễn tôi.
Tôi cúi đầu, không dám nói lời nào. Tôi cởi mũ và cứ đầu
trần đứng thế. Nàng có chìa tay cho tôi bắt không?
- Sao anh không hỏi tôi có thích đi dạo với anh một chốc nữa
không? - Nàng nói, vẻ đùa cợt, mắt nhìn xuống đôi tất của mình.
- Ôi, lạy Chúa, - tôi kêu lên. - Nếu cô đồng ý thì còn gì
bằng.
- Được, nhưng chỉ một chốc thôi nhé!
Rồi chúng tôi cùng đi ngược lại.
Tôi không biết phải làm gì, nên đi tiếp hay đứng lại. Người
đàn bà này đã làm đầu tôi rối tung. Tôi đang ở trạng thái ngất ngây, say đắm,
tưởng có thể chết ngất vì hạnh phúc. Tôi liếc nhìn nàng và cảm thấy mạnh dạn
hơn nhiều. Bằng từng lời nói, nàng đang cuốn hút tôi.
Trong chốc lát tôi quên về sự nghèo khó, sự bần tiện và tất
cả hoàn cảnh thảm hại của mình. Tôi thấy máu chảy mạnh trong cơ thể như những
ngày sung túc trước kia, khi còn tràn đầy sức lực.
- Nghĩa là hôm ấy tôi đi theo cô chứ không phải chị cô? -
Tôi hỏi.
- Chị tôi? - Nàng ngạc nhiên hỏi lại.
Nàng đứng nhìn tôi, chờ trả lời. Đấy không phải là một câu
hỏi vô ích.
- Vâng, - tôi đáp. Hừm! Tôi muốn nói tới người trẻ hơn trong
hai người đàn bà đi trước tôi lúc ấy.
- Trẻ hơn? Ha, ha! - Nàng bỗng phá lên cười to, cười một
cách tự nhiên như đứa trẻ. - Anh ranh ma lắm! Anh nói như thế để bắt tôi nâng
khăn che mặt lên chứ gì? Không được đâu, sẽ phải chờ lâu đấy. Anh phải bị trừng
phạt.
Cả hai chúng tôi cùng cười đùa luôn miệng. Tôi chẳng biết
lúc ấy tôi nói những gì, chả là vì tôi vui quá. Nàng nói một lần nọ, lâu lắm
rồi, nàng nhìn thấy tôi trong rạp hát. Tôi đi cùng ba người bạn nữa, và đã cư
xử như một người điên. Chắc hôm ấy tôi cũng say.
- Sao cô nghĩ thế?
- Vì anh cười quá to.
- Thế à? Dạo ấy tôi rất hay cười.
- Còn bây giờ?
- Bây giờ cũng thế, nhưng lúc đó cuộc sống của tôi thật đẹp.
Tới phố Carlơ Juhan, nàng nói:
- Thôi kệ!
Chúng tôi quay lại và lần nữa đi theo phố Đại học. Khi tới
gần đài phun nước, tôi bước chậm lại, không biết có được tiễn nàng xa hơn
không.
- Bây giờ đến lúc anh phải về, - nàng nói rồi đứng lại.
- Vâng, đã đến lúc, - tôi đáp.
Khi cùng nàng đứng cạnh cổng, tôi lại ý thức một cách sâu
sắc sự nghèo đói của mình. Làm sao một người không đồng xu dính túi như tôi có
thể giữ được tâm hồn sảng khoái? Bẩn thỉu, mệt mỏi, tiều tụy vì đói ăn, rách
rưới, tôi đứng trước người đàn bà trẻ đẹp này mà xấu hổ muốn chui xuống đất.
Tôi co rúm người lại, vô tình còng lưng xuống, và nói:
- Tôi còn được gặp cô nữa không?
Tôi không chút hi vọng rằng nàng sẽ đồng ý cho gặp nữa. Thậm
chí hầu như tôi mong nàng cương quyết từ chối để tôi bắt mình bình tĩnh trở lại
và lại thành người lãnh đạm như trước.
- Có, - nàng đáp.
- Bao giờ?
- Tôi không biết.
Im lặng.
- Cô thử nâng khăn che mặt chỉ một giây, một giây thôi, được
không? - Tôi nói. - Hãy cho tôi nhìn mặt cô. Một giây thôi. Nhìn mặt cô.
Im lặng.
- Ta có thể gặp nhau ở đây vào tối thứ ba tuần sau?
- Vâng, nếu được.
- Vào tám giờ.
- Vâng.
Tôi đưa tay phủi tuyết trên vai nàng, cốt để được chạm vào
người nàng. Sự gần gũi ấy làm tôi sung sướng.
- Nghĩa là anh không nghĩ về tôi quá xấu, - nàng nói, và lại
mỉm cười.
- Không...
Bỗng nhiên, bằng một động tác cương quyết, nàng nâng khăn
che mặt, và trong giây lát, chúng tôi đứng nhìn nhau.
- Ilaialy! - Tôi nói.
Nàng nhón chân quàng tay ôm cổ tôi rồi hôn tôi vào môi. Hôn
một lần, chỉ một lần duy nhất, hôn thật nhanh vào môi tôi. Tôi cảm thấy ngực
nàng nhô cao do thở mạnh và hồi hộp.
Nhưng liền lúc ấy nàng buông tôi ra, hổn hển nói:
- Chúc anh ngủ ngon!
Nàng quay người chạy lên theo cầu thang, không nói thêm một
lời nào nữa...
Cửa vào nhà nàng đóng sập.
Hôm sau tuyết rơi nhiều hơn, từng bông to và ẩm. Xuống đất,
chúng tan thành nước bẩn. Trời ẩm và lạnh.
Tôi tỉnh dậy rất sớm. ý nghĩ trong đầu tôi trở nên hoàn toàn
lẫn lộn sau những xúc động đêm qua, nhưng tâm hồn tôi thì đang vô cùng phấn
chấn. Như một người đang say, tôi nằm yên hồi lâu với đôi mắt mở to, hình dung
Ilaialy đang bên cạnh. Tôi ôm chính bản thân mình và chìa môi hôn không khí.
Cuối cùng tôi ngồi dậy, uống bát sữa, chốc sau ăn một đĩa bít tết. Tôi không
thấy đói, nhưng thần kinh lại lần nữa bị kích thích cao độ.
Tôi đi tới cửa hàng bán quần áo may sẵn. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ
rằng tôi có thể mua với giá rẻ một chiếc gilê cũ, để có cái mặc trong áo khoác.
Theo cầu thang, tôi bước lên chợ chọn một chiếc gilê rồi bắt đầu ngắm nghía nó.
Một người quen đi ngang gật đầu, lên tiếng gọi tôi. Tôi treo áo đi lại. Đó là
một anh thợ cơ khí đang trên đường đi làm.
- Nào, đi uống bia cùng tớ, - anh ta đề nghị. - Có điều phải
nhanh nhanh mới được. Tớ vội lắm... à mà hôm qua cậu đi dạo với con bé nào thế?
- Anh không biết à? - Tôi đáp, thậm chí ghen vì anh ta dám
nghĩ tới nàng. - Người yêu tôi đấy.
- Trời đất ơi! Khá lắm!
- Vâng, đêm qua chúng tôi đi dạo với nhau.
Anh chàng đớ người, tin tôi ngay.
Tôi nói dối để sớm kết thúc câu chuyện. Uống bia xong, chúng
tôi bước ra phố.
- Tạm biệt!... à mà khoan, - anh ta nói. - Trước tớ có vay
cậu mấy curon và lấy làm xấu hổ rằng đến giờ vẫn chưa trả được. Nhưng sắp tới
mình sẽ trả.
- Cảm ơn, - tôi nói. Tôi không tin có lúc nào đó anh ta sẽ
hoàn lại tôi số tiền ấy.
Thật là tiếc là ngay lập tức bia làm tôi chóng mặt, những
đợt sóng nóng nào đó đang tràn qua khắp người tôi. Tôi bắt đầu nghĩ về cuộc gặp
gỡ đêm qua và bỗng cảm thấy lo lắng. Ngộ nhỡ thứ ba tới nàng không đến thì sao?
Biết đâu nàng sẽ nghĩ lại và nghi ngờ! Nhưng nghi ngờ gì mới được chứ?... Ý
nghĩ tôi bây giờ lại tập trung quanh những đồng curon. Tôi hoảng sợ, sợ cho
chính mình. Tôi nhớ lại mọi chi tiết hành động tội lỗi mà tôi đã phạm trước đó.
Tôi hình dung thấy cửa hiệu, quầy hàng và cánh tay gầy gò của tôi đang đút tiền
vào túi. Rồi tôi tưởng tượng thấy cảnh sát đến bắt tôi. Hai chân và hai tay tôi
phải đeo xích. Không, không thể cả hai, chỉ một tay thôi. Sau đó là phòng giam,
người trực ban ghi biên bản, ngòi bút lia trên giấy sột soạt và cái nhìn chết
người của ông ta. Thế nào, ông Tangen? Tiếp đến là buồng giam biệt lập, là bóng
tối vĩnh cửu...
Hừm! Tôi bóp chặt nắm đấm, cố lấy lại dũng cảm và rảo bước
đi nhanh; một chốc sau đã ở Sturtuvét. Tôi ngồi xuống.
Thôi, thôi đi, tôi không phải trẻ con, đừng lòe tôi nữa! Ai
có thể chứng minh được điều ấy? Vả lại, nếu muốn, ông bán hàng cũng không dám
làm ầm lên vì ông ta còn quý chỗ làm của mình. Hãy làm ơn thôi đi cho, đừng gây
ồn ào vô ích!
Nhưng dù sao số tiền này vẫn làm tôi cảm thấy nặng nề và
không chịu để tôi yên. Tôi bới lục trong đầu, tìm mọi cớ để thuyết phục mình rằng
bây giờ tôi hạnh phúc hơn nhiều so với những ngày đói ăn với lương tâm trong
sạch. Còn Ilaialy nữa! Chẳng phải tôi đã kéo nàng xuống bùn lầy bằng đôi tay
tội lỗi của tôi đó sao? Ôi, lạy Chúa! Ilaialy!
Bây giờ tôi thấy mình thật đáng kinh tởm. Rồi bỗng nhiên tôi
đứng bật dậy đi thẳng đến bà bán bánh rán đang ngồi bên hiệu thuốc. Còn kịp
trút bỏ sự nhục nhã khỏi mình và cho mọi người biết mình là ai! Vừa đi, tôi vừa
vơ nắm tiền, cầm chặt trong tay, không sót đồng nào. Tôi cúi xuống như thể muốn
mua bánh rồi chẳng nghĩ ngợi gì thêm, tôi giúi nắm tiền vào tay bà bán bánh, và
bỏ đi ngay, không nói một lời nào.
18.
Sung sướng biết bao khi lại được làm người trung thực! Cái
túi trống rỗng cho tôi cảm giác nhẹ nhõm. Vâng, thật hạnh phúc khi biết mình
trong sạch. Phải nói rằng những đồng tiền kia đã làm tôi băn khoăn, khổ sở. Mỗi
lần nghĩ tới chúng, tôi lại rùng mình. Gì thì gì, xưa nay tâm hồn tôi chưa bị
vấy bẩn lần nào, chính hành động thấp hèn ấy đã làm danh dự của tôi hoen ố.
Vâng, vâng, đúng thế! Lạy Chúa, thế là tôi đã thanh minh được với chính bản
thân mình.
- Xin mọi người hãy noi gương tôi! - Tôi khẽ nói, đưa mắt
bao quát cả quảng trường đang chật ních những người là người. - Hãy làm theo
tôi! Tôi đã biến một bà lão bán bánh nghèo khổ thành người hạnh phúc! Một việc
đáng làm đấy chứ? Đúng lúc bà đang ở trong tình cảnh không lối thoát. Đêm nay
bầy con của bà không còn phải ôm bụng đói đi ngủ...
Tôi tự an ủi bằng những ý như vậy, và thấy cách xử sự của
mình là không chê vào đâu được. Lạy Chúa, cuối cùng tôi đã thoát khỏi những
đồng tiền bẩn thỉu ấy.
Ngất ngây và xúc động, tôi bước đi giữa phố, kiêu hãnh ngẩng
cao đầu. Tôi run lên vì sung sướng khi nghĩ rằng tôi sẽ tới gặp nàng với tư
cách là người trong sạch, và có thể mạnh dạn nhìn thẳng vào mắt nàng. Từ nay
lương tâm tôi không còn bị cắn rứt, các ý nghĩ thoáng rộng, đầu óc nhẹ nhõm và
tràn đầy ánh sáng rực rỡ. Tôi bỗng muốn đùa, muốn nghĩ ra vài trò ngu ngốc nào
đó, như lật ngược cả thành phố đầu lộn xuống đất, hoặc gây nên một sự hỗn loạn
khủng khiếp chẳng hạn. Như một người điên thực sự, tôi đi qua Grenxơn, hai tai
tôi ù ù, niềm vui làm tôi ngây ngất. Và trong cơn vui ngây ngất ấy, tôi túm lấy
một thằng bé sai vặt mà tôi gặp dọc đường, rồi báo cho nó biết tôi là ai, bao
nhiêu tuổi. Nhưng thằng bé không nói lời nào. Tôi lại cầm chặt tay nó, nhìn
thẳng vào mặt nó rồi bỏ đi, không thèm giải thích vì sao tôi làm thế. Tôi lắng
nghe giọng nói và tiếng cười của những người đi ngang, nhìn mấy con chim đang
nhún nhảy trên hè phố, quan sát những viên đá lát đường và thấy chúng xếp lại
với nhau thành những hình rất kì lạ. Cuối cùng, tối tới quảng trường, nơi có tòa
nhà nghị viện.
Tôi đứng sững lại, nhìn những người đánh xe ngựa. Họ đi lại
giữa quảng trường, trò chuyện với nhau, còn ngựa của họ thì đứng cúi đầu, khó
chịu vì thời tiết xấu.
“Nào, đi thôi!” -
Tôi khẽ nói rồi lấy tay tự đẩy mình về phía trước. Tôi bước nhanh đến chiếc xe
đầu tiên và leo lên ngồi.
- Phố Ullevônxvâyen, nhà ba mươi bảy! - Tôi quát.
Chiếc xe lăn bánh.
Dọc đường, người đánh xe bắt đầu ngoái lại nhìn tôi đang
ngồi dưới mái che bằng vải bạt. Không lẽ hắn cảm thấy có điều gì không bình
thường? Không nghi ngờ gì nữa, bộ quần áo sờn cũ của tôi đã làm hắn chú ý.
- Tôi có việc phải đến gặp một người ở đấy, - tôi nói để
người đánh xe khỏi hỏi lôi thôi. - Một việc rất cần.
Xe dừng lại bên nhà số ba mươi bảy. Tôi nhảy xuống, chạy
theo cầu thang lên tầng ba rồi giật mạnh dây chuông, làm chiếc chuông rung lên
rền rĩ.
Người hầu gái mở cửa. Tôi để ý thấy tai cô ta mang khuyên
vàng, còn chiếc váy màu xám có những chiếc cúc đen. Cô ta nhìn tôi hoảng sợ.
- Tôi hỏi ông Hierunf, Joahim Hierunf có nhà không, cái ông
làm nghề buôn len ấy mà, ai chẳng biết ông ấy!...
Cô hầu gái lắc đầu:
- Ở đây không có ai là Hierunf cả.
Rồi cô ta nhìn tôi, vẻ muốn đóng cửa lại. Cô ta nói cái tên
ấy thật dễ dàng, không một chút mắc mớ, như thể biết con người tôi đang tìm kia
là ai, có điều không muốn giúp tôi mà thôi. Vô cùng giận dữ, tôi quay người
chạy xuống thang gác.
- Ông ấy không ở đây! - Tôi nói với người đánh xe ngựa.
- Không ở đây?
- Không! Cho xe tới phố Tômtegaten, nhà số mười một.
Sự lo lắng của tôi chuyển sang cả người đánh xe. Ông ta vội
cho xe phóng đi ngay, chắc nghĩ bằng cách ấy có thể cứu được tôi thoát chết.
Ông ta luôn quát to, thúc ngựa chạy nhanh hơn.
- Người ông cần tìm tên là gì? - Ông ta ngoái lại hỏi.
- Hierunf, làm nghề buôn len. Hierunf!
Ông đánh xe ngựa cũng có cảm giác như có biết người này. Có
phải ông ấy hay mặc quần áo màu sáng không?
- Ông nói sao? - Tôi hỏi lại. - Mặc quần áo màu sáng à? Ông
không điên đấy chứ? Ông tưởng tôi đùa chắc?
Cái bộ quần áo màu trắng ấy đã làm hỏng hết mọi chuyện. Tôi
tưởng tượng Hierunf là người khác hẳn.
- Ông nói tên ông ấy là Hierunf?
- Vâng, đúng thế, - tôi đáp. - Thì sao, có gì đáng ngạc
nhiên. Nó chẳng xấu hơn bất kì cái tên
nào khác.
- Có phải tóc ông ấy màu hung không?
Rất có thể tóc ông ta màu hung, và khi người đánh xe nói lên
điều ấy, lập tức tôi cho rằng quả đúng như thế. Tôi thấy phải cảm ơn người đánh
xe, vì ông ta thông minh đoán ra ngay người tôi đang tìm là ai?
- Nếu tóc Hierunf không phải màu hung thì mới là điều đáng
lạ, - tôi nói.
- Hoá ra tôi đã chở ông ấy hai lần rồi đấy, - người lái xe
nói. - Tay ông ấy cầm chiếc gậy bằng gỗ.
Lập tức tôi hình dung thấy Hierunf đang đứng trước mặt tôi,
tôi nói:
- Ha, ha! Chưa bao giờ có ai thấy ông ta không cầm chiếc gậy
ấy trong tay cả! Đúng thế, ông cứ yên tâm rằng đúng như thế.
Vâng, tất nhiên đó chính là Hierunf mà người đánh xe này đã
chở đi hai lần. Ông ta nhớ ngay mà...
Chúng tôi đi nhanh tới mức các đốm lửa tóe lên dưới móng
ngựa.
Dù đang rất hồi hộp, tôi vẫn tỉnh táo để ý hết mọi chuyện.
Khi xe đi ngang một người lính gác, tôi nhận thấy anh ta đeo tấm biển nhỏ trên
ngực có con số 69. Con số ấy làm tôi sửng sốt và cắm vào óc tôi như một cái
dăm.
69, vâng, chỉ 69, chắc chắn tôi không quên!
Tôi ngả người xuống lưng ghế, để mặc trí tưởng tượng kì quặc
của tôi tha hồ bay bổng. Tôi co người dưới tấm bạt che để không ai thấy tôi
đang bĩu môi và bắt đầu nói chuyện với chính mình một cách ngu ngốc nhất. Sự
điên rồ đang sôi sục trong đầu tôi. Tôi để nó tự do trào ra, biết trước tôi sẽ
là nạn nhân của nó, cái mà tôi không đủ sức chống đỡ lại. Tôi bắt đầu cười,
cười ngặt nghẽo không thành tiếng, dù hoàn toàn không có lí do gì để cười. Tôi
là người đang vui, là thằng say khi uống hai cốc bia. Nhưng cuối cùng, dần dần
cơn say ấy cũng qua và tôi bình tĩnh trở lại. Tôi thấy ngón tay bị cắn đau nhức
nhối. Tôi cho nó vào nách để đỡ lạnh.
Xe tới Tômtegaten. Người đánh xe cho ngựa dừng lại.
Tôi thong thả bước xuỗng, không hề suy nghĩ điều gì, đầu tôi
nặng trình trịch. Tôi đi qua cổng, vào sân rồi đến trước một cánh cửa. Tôi bước
vào và thấy một lối đi có hai cửa sổ. Trong góc có hai chiếc hòm chồng lên
nhau, cạnh tường là chiếc giường nhỏ không sơn có phủ thảm. Phía bên phải,
trong phòng cạnh có tiếng ai đang nói về tiếng trẻ kêu, còn ngay trên đầu tôi,
ở tầng hai, là tiếng búa gõ vào sắt chan chát. Vừa bước vào, tôi đã chú ý ngay
tới tất cả những điều ấy.
Tôi thản nhiên đi khắp căn hộ tới một cánh cửa khác, rồi
thong thả, không hề nghĩ tới việc chạy trốn, tôi mở nó và bước ra phố cạnh. Tôi
ngước nhìn ngôi nhà mà tôi vừa đi xuyên qua, và đọc tấm bảng treo trên tường: “Nhà
nghỉ cho khách vãng lai”.
Không hề có ý định chạy trốn khỏi người đánh xe đang chờ tôi
ở phía bên kia, tôi bình thản bước đi không chút lo sợ, không nghĩ rằng mình đã
làm một việc gì đó không tốt. Hierunf, cái ông buôn len mà tôi tin là có thật
và bỏ công tìm kiếm ấy, bỗng nhiên biến mất. Ông ta đã hóa thành hơi và tan đi
cùng các ý nghĩ điên rồ khác. Bây giờ ông ta chỉ lởn vởn trước tôi như cái bóng
mờ ảo, như một hồi ức xa xăm nào đó.
Càng đi, tôi càng trở nên tỉnh táo, tôi cảm thấy nặng nề và
mệt mỏi, vất vả lắm mới lê nổi chân. Trong khi đó, tuyết vẫn rơi từng cụm lớn
rất to và ướt. Cuối cùng, tôi tới Grơnlen, tới tận nhà thờ và ngồi xuống một
chiếc ghế dài nghỉ lấy hơi. Những người đi ngang ngạc nhiên đưa mắt nhìn tôi.
Tôi ngồi, chìm sâu trong trầm tư suy nghĩ.
Trời ơi, sao tôi phải khổ thế này? Cái cuộc sống khốn kiếp
này đã làm tôi kiệt sức; tôi mệt mỏi đến tột độ, đến mức không còn đáng để đấu
tranh kéo dài nó thêm nữa. Các tai hoạ kinh khủng dồn dập đổ lên đầu tôi, tôi
bị đè bẹp và hiện chỉ là cái bóng của chính mình. Vai tôi nhô lên cao, khi đi
tôi phải còng xuống để ghìm bớt cái đau trong ngực. Cách đây hai ngày, ngồi ở
nhà mình, tôi quan sát kĩ cơ thể tôi và đã không cầm được nước mắt. Đã mấy tuần
nay tôi không thay áo sơ mi, cổ áo dày cộm, đen xỉn vì mồ hôi và cọ vào cổ tôi
đến chảy máu, làm thành cái u nhỏ và dù không đau, tôi vẫn thấy thật buồn khi
phải mang cái vết thương ấy trên người. Tôi không có gì để chữa nó, mà rồi tự
nó sẽ lành. Tôi chỉ dùng nước rửa sạch, cẩn thận xoa xoa nó vài cái rồi lại mặc
chiếc áo bẩn vào. Biết làm thế nào được...
Tôi ngồi trên ghế, lan man suy nghĩ đủ điều, lòng nặng trĩu.
Tôi chán chính bản thân mình, thậm chí cả đôi tay tôi, tôi cũng thật kinh tởm.
Đôi tay yếu đuối, vô tích sự đến mức không thể chấp nhận nổi. Tôi bực bội nhìn
những ngón tay thon gầy của tôi, tôi căm ghét cơ thể rệu rã của tôi. Tôi rùng
mình khi nghĩ tới việc suốt đời phải nuôi sống, chăm bẵm cái cơ thể trần tục
đáng ghét ấy. Trời ơi, mong sao tất cả những điều này nhanh chóng kết thúc! Tôi
muốn chết làm sao!
Hoàn toàn bị chà đạp, khinh bỉ và lăng nhục trong con mắt
của chính mình, tôi thẫn thờ đứng dậy, đi về nhà.
Dọc đường tôi lại nhìn thấy tấm biển quen thuộc treo trước
cổng: “Hiệu Iomfru Anđerxơn, có bán những tấm vải liệm”. Tôi nhớ tới căn gác
xép tôi sống ở Hammerxborg, nhớ chiếc ghế xích đu nhỏ, những tời báo cũ dán bên
cửa, tin quảng cáo của người coi đèn biển và mùi bánh mì mới của hiệu bánh
Fabian Onxen. Chao, những ngày ấy sống còn sướng hơn bây giờ hàng chục lần. Có
lần trong một đêm tôi viết xong một bài báo và được trả những mười curon. Còn
bây giờ thì không! Hễ tôi cầm bút vào tay là lập tức các ý nghĩ chui ra hết
khỏi đầu. Vâng, đã đến lúc phải chấm dứt mọi chuyện. Cứ thế tôi vừa suy nghĩ
vừa đi, không dừng lại một lần nào.
Càng đến gần cửa hiệu tạp hoá, tôi càng cảm thấy lo sợ một
cách mơ hồ. Rồi tôi quyết định dứt khoát rằng tự tôi sẽ thú nhận mọi chuyện.
Đây, tôi đang bước lên cầu thang, đến cửa tôi gặp một cô bé tay đang bê chiếc
bát. Tôi chờ nó đi xa rồi bước vào cửa hiệu, khép chặt cửa lại. Tôi và ông bán
hàng lại mặt đối mặt nhìn nhau.
- Hôm nay thời tiết chẳng ra gì, - ông ta nói.
Ông ta nói thế làm quái gì? - Sao không bắt tôi ngay? Vô
cùng tức giận, tôi nói:
- Tôi tới đây không phải để tán với ông về thời tiết.
Thái độ của tôi làm người bán hàng tội nghiệp bối rối. Ông
ta không biết phải cư xử thế nào, và tất nhiên không thể nghĩ rằng tôi đã ăn
cắp của ông ta năm curon.
- Chẳng nhẽ ông không biết rằng tôi ăn cắp tiền của ông? -
Tôi bực bội quát to, thở hổn hển và sẵn sàng dùng sức bắt ông ta phải có phản
ứng, nếu còn chần chừ nghi hoặc.
Thế mà ông ta, cái ông già tội nghiệp ấy, vẫn đứng ngây
người không chịu hiểu.
19.
Ôi, lạy Chúa, ta phải sống giữa những thằng ngốc thế đấy!
Tôi trút lên đầu ông ta những câu chửi độc địa rồi giải thích một cách tỉ mỉ
những gì đã xảy ra. Tôi chỉ chỗ hôm ấy tôi và ông ta đứng, tiền nằm ở đâu và
tôi cầm lấy, bóp chặt trong tay thế nào. Cuối cùng ông ta hiểu, nhưng không hề
có phản ứng gì. Ông ta chỉ lắc lắc đầu, lắng nghe tiếng bước chân bên kia
tường, ra hiệu cho tôi khẽ hơn, và nói:
- Vâng, ông đã có một hành động không tốt!
- Khoan, gượm đã! - Tôi quát to, cốt để ông ta cũng tức giận
như tôi. - Ông là một kẻ bán hàng hạ đẳng, làm sao ông biết được tôi hành động
tốt hay xấu! Đừng nghĩ tôi lấy số tiền ấy cho mình, tôi không định đem chúng ra
tiêu, tôi là người trung thực, tôi không thể...
- Thế thì ông đã dùng số tiền ấy làm gì?
- Báo ông biết rằng tôi đã đem cho một bà già nghèo khổ, cho
hết, không sót xu nào. Tôi là người thế đấy, trái tim tôi không là hòn đá, tôi
thương những người nghèo khổ...
Người bán hàng có vẻ lưỡng lự. Ông ta không thật tin lắm
rằng tôi là người tử tế. Cuối cùng
ông hỏi:
- Tại sao ông không trả lại cho tôi?
- Nhưng xin ông hiểu cho: tôi không muốn gây cho ông những
điều phiền toái vô ích. Tôi thương ông, và quyết định tha cho ông, - tôi trâng
tráo đáp. - Thế mà ông đền ơn cho tôi thế này đây! Tôi tới đây, bỏ ra chừng ấy
thời gian giải thích ông hiểu mọi chuyện, còn ông thì không chút xấu hổ, đã
chẳng chịu làm gì tôi cả. Thế thì thôi, xong nhé! Quỷ tha ma bắt ông đi! Chào
ông!
Tôi bước ra, đóng sập cửa thật mạnh.
Nhưng khi về tới nhà mình, về cái hang chuột tối om ấy, bị
ướt từ đầu đến chân, sự hùng hổ tự nhiên biến đâu mất. Và tôi lại thiểu não như
trước. Tôi lấy làm tiếc đã xử sự như thế với ông già tội nghiệp. Tôi oà lên
khóc, tay bóp chặt cuống họng để tự trừng phạt mình đã có một hành động bỉ ổi
như vậy, và để tự hối lỗi nữa. Tất nhiên ông lão rất sợ bị mất việc làm, nên
chắc sẽ không dám làm ầm lên vì năm đồng curon ấy. Tôi lợi dụng điểm yếu ấy để
quát tháo, sỉ nhục ông ta; trong khi có lẽ ông chủ hiệu đang ở bên kia tường và
có thể bước vào bất kì lúc nào để xem chuyện gì đang xảy ra. Đúng là một hành
động đê tiện hiếm có!
Chà, sao người ta không giữ tôi lại nhỉ? Nếu thế, mọi chuyện
sẽ được kết thúc. Tôi sẵn sàng tự nguyện chìa tay cho người ta xích lại, không
một cử chỉ nào chống đối, ngược lại tôi còn tạo điều kiện để bị bắt nhanh chóng
hơn. Lạy Chúa, con xin đem đổi toàn bộ đời con để lấy một giây hạnh phúc! Cả
cuộc đời con để lấy một mẩu bánh mì khô cứng! Hãy nghe lời cầu của con, dù chỉ
một lần này!...
Tôi để cả quần áo ướt nằm ngủ. Tôi có ý nghĩ mơ hồ rằng đêm
nay tôi sẽ chết, vì vậy tôi đem hết sức lực còn lại thu xếp lại giường nằm để
sáng hôm sau nó không đến nỗi bừa bộn lắm. Rồi tôi nằm xuống, khoanh hai tay
trên ngực.
Bỗng nhiên tôi nhớ tới Ilaialy. Làm sao suốt cả buổi chiều
tôi không nhớ tới nàng lần nào nhỉ? Tâm hồn tôi lần nữa lại loé sáng, chỉ một
tia nắng nhỏ bé thôi, nhưng cũng đủ làm tôi cảm thấy ấm áp. Mặt trời mỗi lúc
một rực rỡ hơn. Đó là thứ ánh sáng dịu dàng, âu yếm và ngọt ngào, làm tôi ngây
ngất. Sau đó mặt trời nóng dần, nó đốt hai má tôi, thiêu cháy óc tôi bằng ngọn
lửa giận dữ. Bây giờ trước mắt tôi là một ngọn lửa khổng lồ, cả đất cả trời đều
bốc cháy. Rồi người, thú vật, sông núi, sa mạc và quỷ dữ - cả thế giới đang bốc
cháy, rừng rực cháy trong ngọn lửa của ngày tận thế.
Sau đó tôi chẳng nghe hay thấy gì nữa...
Hôm sau tôi tỉnh dậy, người đầy mồ hôi. Tôi bị sốt nặng, run
lên bần bật. Lúc đầu, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi đưa mắt nhìn quanh
và cảm thấy có cái gì đấy đang gãy vỡ trong tôi. Tôi sờ tay chân mình, rồi lấy
làm ngạc nhiên vì cửa sổ ở tường này chứ không phải ở tường đối diện. Có tiếng
móng ngựa từ dưới sân vọng lên, thế mà tôi cứ tưởng như từ trên xuống. Ngoài
ra, tôi còn buồn nôn...
Mái tóc ướt và lạnh xõa lên trán. Tôi chống tay nhỏm dậy,
nhìn xuống gối: trên gối cũng có các túm tóc ướt. Đôi chân vẫn nguyên giày chưa
cởi sau một đêm đã phồng to, vất vả lắm tôi mới cọ quậy nổi các ngón.
Lúc này đã xế chiều, có lẽ mặt trời sắp lặn, tôi dậy khỏi
giường và bắt đầu đi lại trong phòng. Tôi bước từng bước nhỏ, thận trọng để
khỏi ngã và để chân không đau. Tôi không cảm thấy quá đau khổ, không muốn khóc
và nói chung chẳng buồn chút nào. Ngược lại, tôi thấy vui và không muốn một số
phận nào khác.
Sau đó tôi đi ra khỏi nhà.
Một điều duy nhất làm tôi khó chịu là cái đói, mặc dù tôi
ghê tởm thức ăn. Lần nữa tôi lại cảm thấy sự háu ăn thấp hèn đang cào cấu trong
bụng, mà mỗi lúc một dữ dội hơn. Ngực tôi đau nhức nhối, không sao chịu nổi,
như thể trong đó đang có một cuộc đâm chém âm thầm nào đó. Hình như có hàng
chục con thú nhỏ thi nhau cắn xé ngực tôi, lúc bên này, lúc bên kia, sau đó
chúng tạm nghỉ, rồi lại cắn xé tiếp một cách lặng lẽ, rứt từng miếng thịt
lớn...
Tôi không ốm, nhưng kiệt sức và người đầm đìa mồ hôi. Tôi hi
vọng sẽ nghỉ ngơi ở quảng trường, nhưng đường tới đó khá dài và vất vả. Thế mà
tôi vẫn tới được. Tôi đứng giữa đường phố dẫn tới quảng trường. Nước mắt chảy
cả vào mắt, kính mờ, làm tôi không nhìn thấy gì phải dừng lại để lau kính. Tôi
không biết tôi đang đứng ở đâu, và cũng chẳng nghĩ tới điều ấy. Có tiếng ồn nào
đó rất to nổi lên quanh tôi.
Bỗng ai đó kêu thất thanh: “Cẩn thận!”. Tôi nghe tiếng kêu ấy, nghe rất rõ nên đứng né sang
bên và bước nhanh về phía trước trong chừng mực đôi chân yếu ớt của tôi cho
phép. Một chiếc xe chở bánh mì phóng qua, giận dữ như con quái vật trong cơn
điên, bánh xe va vào vạt áo khoác của tôi. Nếu tôi nhanh hơn một chút, chắc mọi
việc đã kết thúc một cách tốt đẹp. Vâng, lẽ ra tôi phải nhanh hơn, chỉ cần cố
thêm một tí nữa thôi. Nhưng bây giờ thì quá muộn, chiếc xe đã lăn qua và chỉ đè
dập các ngón chân của tôi. Tôi có cảm giác hai ngón vẹo hẳn sang một bên. Người
đánh xe cho ngựa dừng lại, nhảy xuống, hốt hoảng hỏi tôi có sao không. Ô, may
quá, chưa nặng lắm!... Có trời mới biết được, đáng sợ thật... Tôi tin là xương
không gãy... Ôi, hãy làm ơn...
Tôi cố lê chân thật nhanh về phía chiếc ghế gần đó. Một đám
đông tập trung lại nhìn, làm tôi rất khó chịu. Xe có chịu nghiến tôi chết đâu,
dù tôi đang muốn từ giã cuộc đời này. Tệ hại nhất là chiếc giày của tôi đã bị
hỏng, đế hầu như bong hẳn, còn mõm thì há ra như miệng cá sấu. Tôi giơ chân lên
và thấy trong chiếc miệng cá sấu ấy có máu. Không sao, không ai có lỗi cả. Ông
đánh xe chắc không hề muốn làm tồi tệ hơn cái hoàn cảnh vốn đã tồi tệ của tôi.
Tôi có thể yêu cầu ông ta quẳng cho tôi một chiếc bánh, tất nhiên ông ta sẽ vui
lòng làm cái điều nhỏ nhặt ấy.
Cái đói lại giày vò tôi hết sức khổ sở, tôi quả không biết
phải làm gì để thoát khỏi sự háu ăn đáng xấu hổ ấy của mình. Tôi ngồi vặn vẹo
trên ghế, co chân rụt cổ vào hai đầu gối. Khi trời tối, tôi lê bước tới Toà thị
chính - có trời mới biết được tôi đã đến đấy bằng cách nào - và ngồi xuống trên
bậc đá chân cầu thang của nó. Tôi xé chiếc túi khỏi áo khoác và đưa lên miệng
nhá, một cách hoàn toàn vô ý thức, mắt nhìn trân trân vào chỗ trống. Tôi nghe
tiếng trẻ cười đùa bên cạnh, chốc chốc lại đoán người nào đang đi ngang. Ngoài ra
tôi không làm được gì khác.
Sau đó tôi bỗng nảy ra ý nghĩ đến chợ kiếm một miếng thịt
sống. Tôi đứng dậy đi ra phía cuối chợ. Đứng chờ một chốc bên dãy hàng thịt,
tôi quay lại nhìn và giả vờ như mắng một con chó tưởng tượng nào đó, ra lệnh
cho nó phải đứng yên tại chỗ, rồi mạnh dạn nói với người bán thịt đầu tiên tôi
gặp.
- Xin ông làm ơn cho con chó của tôi một miếng xương! - Tôi
nói. - Chỉ xương thôi, không cần thịt; chả là nó phải ngậm một cái gì đó trong
miệng mà.
Người ta cho tôi một khúc xương, một khúc xương tuyệt vời,
trên đó còn dính ít thịt. Tôi vội giấu nó vào ngực rồi cảm ơn người bán thịt
nhiều và nhiệt tình đến mức ông ta phải ngạc nhiên nhìn tôi.
- Ồ, chẳng có gì phải cảm ơn, - ông ta nói.
- Ấy, ông đừng nói thế, - tôi lẩm bẩm đáp. - Ông thật tốt!
Rồi tôi bước đi, tim đập mạnh trong lồng ngực.
Tôi rẽ vào một ngõ hẻm và dừng lại cạnh một cổng ra vào nào
đó đã gần sụp đổ. ở đây rất tối, tôi mừng thầm và lấy khúc xương ra, bắt đầu
gặm.
Chẳng ngon chút nào. Nó bốc mùi máu đông khó chịu. Một chốc
sau tôi thấy buồn nôn. Nôn xong, tôi thử gặm lần nữa. Nhưng lại nôn. Tôi giận
dữ dùng răng bóc thịt ra và bắt mình phải nuốt vào bụng. Than ôi, tôi làm thế
cũng chỉ vô ích. Vì vừa nuốt khỏi họng, lập tức những miếng thịt sống ấy bị
tống ra ngoài. Bất lực và tuyệt vọng, tôi nắm chặt hai tay, khóc to và lại giận
dữ gặm tiếp. Mặt tôi dàn dụa nước mắt, khúc xương trở nên bẩn và ướt vì những
giọt nước mắt ấy. Vẫn nôn. Tôi kêu lên những tiếng nguyền rủa, rồi lại gặm, lại
khóc và lại nôn.
Im lặng, xung quanh không một bóng người, đâu cũng chỉ bóng
tối và sự yên tĩnh. Tâm hồn tôi đang ở trạng thái xúc động đáng sợ. Tôi thở một
cách nặng nhọc, hổn hển. Nước mắt chảy dàn dụa, miệng nôn hết miếng thịt này
đến miếng thịt khác, những miếng thịt lẽ ra có thể giúp tôi đỡ đói ít nhiều. Cố
hết mọi cách vẫn không kết quả gì, tôi giận dữ và tuyệt vọng vứt khúc xương vào
ngõ tối rồi kêu to một cách man dại bằng giọng khàn khàn đứt quảng, tôi không
ngớt lời nguyền rủa Chúa trời, giơ cao hai cánh tay gầy gò, còng queo với những
ngón tay như móng chim ác... , Vaal, trên đời này chẳng làm quái gì có ngài,
nhưng nếu có, tôi sẽ nguyền rủa ngài luôn miệng và trên cái thiên đường ấy của
ngài, ngài sẽ bị thiêu cháy bằng chính ngọn lửa địa ngục. Tôi sẵn sàng phục vụ
ngài, nhưng ngài đã ruồng rẫy tôi và từ nay tôi sẽ thù địch với ngài suốt đời.
, Apis, tôi biết tôi sắp chết, nhưng lúc này, đứng bên quan tài, tôi vẫn khinh
bỉ nhổ vào mặt ngài!...
Im lặng.
Toàn thân tôi run lên vì hồi hộp và đau khổ; tôi vẫn đứng
yên, không ngớt lẩm bẩm những lời nguyền rủa, khóc một cách cay đắng vì bất
lực, đau khổ và vì cuồng giận tuyệt vọng. Cứ thế, tôi đứng cạnh cổng suốt nửa
giờ, vừa khóc vừa tựa vào tường để khỏi ngã. Bỗng nhiên tôi nghe có tiếng người
nói - có hai người đang lại gần tôi và trao đổi với nhau điều gì đó. Tôi vội
rời cổng, lê chân đi dọc dãy nhà và lần nữa bước ra những đường phố được đèn
chiếu sáng. Khi đi từ Yungxbaken xuống, trong đầu tôi bỗng xảy ra những điều
hết sức kì lạ. Tôi có cảm giác như những căn lều tồi tàn ở cuối quảng trường và
những nhà kho xiêu vẹo gần đó làm hỏng hết bức tranh chung. Chúng làm hỏng
quảng trường, làm hỏng toàn bộ thành phố. Chà, phải hót những thứ đổ nát ấy đi
mới được! Rồi tôi nhẩm tính trong đầu cần bao nhiêu tiền để chuyển về đây ngôi
nhà đẹp đẽ của trường Đại học Địa lý mà lần nào đi ngang tôi cũng đứng lại
ngưỡng mộ. Có lẽ để làm được việc ấy, phải có bảy mươi hai hay thậm chí tám
mươi hai nghìn curon mới đủ - một số tiền kha khá đấy, hề hề, một số tiền nho
nhỏ để bắt đầu một công việc nho nhỏ! Khi gật đầu khẳng định số tiền nho nhỏ
ấy, tôi thấy đầu tôi trống không và nhẹ tênh. Người tôi còn run, và thỉnh
thoảng tôi vẫn khóc.
Tôi có cảm giác như sự sống rời bỏ tôi, bài hát đời tôi đã
chấm dứt. Nhưng đối với tôi, điều ấy chẳng có gì quan trọng và tôi không hề
quan tâm tới nó. Ngược lại, tôi còn đi tắt qua cả thành phố để tới cảng, nghĩa
là mỗi lúc một xa chỗ ở của mình. Tôi hoàn toàn có thể nằm xuống mặt phố rồi
chết. Quá đau khổ, tôi trở nên hững hờ với tất cả. Các ngón chân bị xe nghiến
đau nhức nhối, cái đau ấy chạy ngược lên tận đùi, nhưng cả điều này cũng không
làm tôi lo lắng. Tôi đã từng chịu những cái còn ghê gớm hơn nhiều.
Cuối cùng tôi ra tới cầu đường sắt. ở đây không tàu xe nào
đi lại, không cả tiếng ồn, thỉnh thoảng mới có một vài người xuất hiện - một
ngư dân hay một thủy thủ nào đó vừa dạo chơi, vừa đút tay vào túi quần. Tôi chú
ý một ông già thọt chân khi đi ngang đã quay sang nhìn tôi rất chăm chú. Vô
tình tôi chặn lão lại, ngả mũ chào và hỏi có biết tàu “Monach” đã rời bến chưa.
Hỏi xong, không kìm được, tôi còn bật móng tay ngay trước mũi lão và nói thêm:
- “Monach”! Quỷ quái thật! Thế mà tôi quên nó mất!
Nghĩa là dù sao, ý nghĩ về con tàu ấy vẫn bám riết lấy óc
tôi.
- Rất tiếc là tàu “Monach” đã rời bến.
- Ông có biết nó đi đâu không?
Lão nghĩ ngợi chốc lát, khẽ nhấc chân thọt lên, lắc lắc và
nói:
- Không. Ông không biết nó chở gì à?
- Không, - tôi đáp.
Nhưng lúc ấy tôi đã kịp quên con tàu “Monach” và hỏi ông
thọt kia từ đây tới Hommextran bao xa, theo cách tính của người xưa, tức là mấy
dặm địa lí?
- Đến Hommextran? Có lẽ...
- Hay đến Veblungxnes cũng được?
- Vâng, vâng: nghĩa là đến Hommextran, có lẽ..
- À mà này, để khỏi quên, xin ông cho tôi nhúm thuốc, - tôi
lại ngắt lời lão. - Chỉ một nhúm nhỏ thôi.
Nhận được thuốc, tôi rối rít cảm ơn rồi bỏ đi. Tôi chẳng
dùng nhúm thuốc ấy, mà nhét ngay vào túi. Ông già thọt chân đứng nhìn theo - có
lẽ tôi đã có cái gì đó làm lão nghi ngờ. Lúc nào tôi cũng cảm thấy cái nhìn
nghi ngờ ấy của lão. Tôi không thích như thế, và quay lại gần, nhìn thẳng vào
mắt lão, nói:
- Đồ rác rưởi!
Đồ rác rưởi! Chỉ một chữ ấy thôi, ngoài ra không thêm một
lời nào. Vừa nói, tôi vừa nhìn lão chăm chắm. Chắc cái nhìn của tôi phải đáng
sợ lắm, cái nhìn của một người đã chết.
Nói xong, tôi đứng thêm chốc nữa rồi lê chân đi về phía nhà
ga. Ông già thọt không hé miệng lần nào, chỉ đứng im đưa mắt nhìn theo.
Đồ rác rưởi à? Tôi bỗng đứng sững lại. Làm sao tôi không
nhận ra ngay nhỉ? Tôi đã gặp ông già thọt này rồi. ở Grenxơn, một buổi sáng đẹp
trời. Hôm ấy tôi đem chiếc áo gilê tới hiệu cầm đồ. Tôi có cảm giác như từ ấy
đến nay là cả một thế kỉ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét