Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Ngôi nhà của Matriona - Aleksandr Solzhenitsyn (P 5)

Aleksandr Solzhenitsyn

Ngôi nhà của Matriona

Phần 5

Trời vừa rạng sáng, các bà các chị đã đưa từ hiện trường về tất cả những phần thi thể còn lại của Matriona trên một chiếc xe trượt tuyết, bên trên đậy tạm một chiếc bao bẩn thỉu. Người ta bỏ cái bao ra, rửa sạch thi hài. Cả đôi chân, một nửa thân mình và toàn bộ tay trái lẫn hết vào nhau trong một đống bèo nhèo. Một phụ nữ làm dấu thánh giá và nói:
- Chúa đã để lại tay phải cho bà. Lên trên ấy bà cầu tụng Chúa...
Và rồi tất cả đám cây cảnh mà Matriona yêu quý đến nỗi có lần vào ban đêm bị khói làm tỉnh giấc, bà đã không sợ cháy nhà mà lại lao ra bê hết chậu cảnh xuống sàn nhà vì sợ cây chết ngạt, tất cả các chậu cây được mọi người bỏ hết ra ngoài. Tấm gương đã mờ của Matriona được phủ kín bằng một chiếc khăn dệt bằng máy gia đình cổ lỗ. Những tấm áp phích hội hè dán trên vách được gỡ ra. Chiếc bàn của tôi được đẩy gọn vào trong. Bên dãy cửa sổ, dưới ảnh thánh, cỗ áo quan đóng sơ sài đã được đặt lên những chiếc ghế đẩu.
Trong cỗ áo là Matriona. Thi thể hao khuyết và đầy thương tích của bà được đậy bằng một tấm ga sạch, đầu phủ một vuông khăn trắng, còn khuôn mặt vẫn gọn gàng, bình thản, cứ như mặt người còn sống.
Người làng lần lượt đến bên linh cữu để vĩnh biệt bà. Chị em dắt cả con thơ đến vĩnh biệt bà.
Và nếu có tiếng khóc cất lên thì tất cả đàn bà con gái, kể cả những người chỉ ghé qua vì tò mò, đều nhất thiết khóc theo như hát đồng ca. Nam giới thì bỏ mũ đứng im.
Bản thân việc khóc, người nhà cũng phải canh chừng. Tôi nhận ra trong chuyện khóc than này một tập tục lâu đời, nghiêm ngặt. Người họ xa thì chỉ đến bên linh cữu trong chốc lát, lầm rầm khấn nguyện đôi câu. Người tự cho mình là họ hàng ruột thịt thì khóc ngay từ ngưỡng cửa, rồi cúi sát mặt người quá cố để kêu than.
Nhạc điệu khúc bi ca thì tùy ý mỗi người, tự biên tự diễn. Miễn sao giãi bày được hết khúc nhôi.
Có dịp này tôi mới biết việc khóc trong đám ma không hề đơn giản, nó là một hoạt động chính trị đặc biệt. Ba bà em của Matriona kéo nhau về chiếm lĩnh ngôi nhà, con dê và cái bếp lò, khóa trái cái rương của bà chị lại, lôi trong lớp lót áo bành tô ra hai trăm rup tiền tang lễ, chỉ có họ là người gần gũi của Matriona. Và họ khóc trên linh cữu:
- Ối chị ơi, chị yêu quý ơi! Chúng em chỉ có chị thôi, còn ai đâu hở chị! Chị hiền lành như thế mà lại bỏ mà đi! Chị ở lại với đời bao giờ chả có chúng em bên chị! Căn nhà phụ của chị nó giết chị rồi! Căn nhà phụ khốn nạn kia nó hại chị rồi! Chị dỡ nó ra làm gì cơ chứ? Mà sao chị lại không nghe lời chúng em hở chị?
Lời than khóc của ba bà là bản luận tội cánh họ hàng nhà chồng Matriona: họ ép buộc Matriona tháo dỡ căn nhà mới nên nông nỗi này đây! Và còn ngụ ý: nhà phụ có lấy thì lấy chứ nhà chính thì đừng hòng!
Họ hàng nhà chồng gồm các chị em gái của Efim và Faddeia cùng các cháu gái cũng kéo đến khóc:
- Mợ ơi! Thím ơi! Bác ơi! Mợ thật là không biết giữ lấy thân! Bây giờ thế nào người ta chả oán chúng tôi! Mợ thân yêu ơi, việc này chỉ tại mợ thôi! Chứ căn nhà nó có tội tình gì đâu hở mợ! Mà sao mợ lại mò ra đúng cái nơi thần chết đang rình rập mợ? Có ai khiến mợ ra đấy đâu cơ chứ! Sao lại chết oan chết uổng thế này! Sao mợ lại không nghe lời chúng tôi hở mợ?
(Bài khóc đã toát lên lời giải đáp: chúng tôi không có lỗi gì trong cái chết của bà ấy cả, còn việc ngôi nhà sẽ nói chuyện sau!)
Nhưng Matriona “thứ hai”, một phụ nữ cục mịch, mặt to bự, người từng được Faddeia rước về làm vợ chỉ vì mỗi cái tên, thì đã đi chệch hướng, chỉ biết gào lên đau đớn, thật thà:
- Chị gái ơi là chị gái ơi! Chị giận gì em mà đến nông nỗi này hả chị? Ối giời đất ôi!... Chị em mình đã phơi bày hết ruột gan ra với nhau rồi! Chị thứ lỗi cho em, đứa em khốn khổ này! Ối giời đất ôi! Chị đã về với mẹ chị rồi... nhưng rồi cũng có ngày quay lại đón em! Ối giời đất ôi!
Mỗi lần “ối giời” là bà lại rũ ra và hẩy ngực thình thình vào vách áo quan. Và khi sự khóc than đã vượt qua giới hạn nghi lễ thì các bà các chị đồng thanh lên tiếng như cùng nhất trí công nhận việc khóc than đã đạt yêu cầu:
- Thôi! Thôi!
Matriona lui ra nhưng sau đó lại quay lại và còn kêu khóc dữ hơn. Một bà già lụ khụ từ trong góc nhà bước ra, đặt tay lên vai Matriona, nói với giọng nghiêm khắc:
- Chuyện sinh tử trên đời là bí hiểm lắm thay, biết làm sao được!
Matriona nín ngay và mọi người đều lặng phắc.
Nhưng chỉ một lát sau, chính bà già lụ khụ này cũng khóc. Cụ là người cao tuổi hơn nhiều so với tất cả các bà già có mặt ở đây và dường như chẳng có quan hệ gì với Matriona. Cụ than:
- Ôi em ơi, đau lòng chị lắm em ơi! Vaxilievna của chị ơi! Tao chán tiễn đưa chúng mày lắm rồi!
Và hoàn toàn không còn mang tính nghi thức nữa, mà bằng tiếng khóc thực lòng của thời đại chúng ta, một thời đại không thiếu gì tiếng khóc, người con gái nuôi bất hạnh của Matriona đã khóc thương bà, cô chính là Kira ở Trerusti, người có căn nhà được mọi người vận chuyển và phá hủy như ta đã biết. Đầu bù tóc rối, cặp mắt đỏ hoe. Cô chẳng còn biết khăn quàng trên cổ đã rơi mất lúc nào giữa tiết trời lạnh giá, mặc bành tô thì quên cả xỏ tay. Cô đi như người mất hồn từ linh cữu mẹ nuôi ở bên này sang linh cữu anh trai ở bên kia, mọi người còn sợ cô không khéo loạn thần kinh mất vì chồng cô chắc chắn phải ra tòa.
Chồng cô đã phạm hai tội cùng một lúc: anh không những đã vận chuyển căn nhà, mà còn là một tài xế xe lửa, nắm được quy tắc chạy tàu khi vượt qua những giao điểm không có cảnh giới, lẽ ra anh phải đến nhà ga để báo trước về chuyến máy kéo. Đêm đó, trên chuyến tàu tốc hành từ Ural, một ngàn mạng sống đang yên giấc trên hai tầng giường dưới ánh đèn êm dịu ấy có thể đã tiêu vong, chỉ vì lòng tham của mấy người muốn kiếm một mảnh đất, hoặc không muốn mất thêm một chuyến máy kéo.
Duyên do là ở căn nhà đã bị nguyền rủa từ khi Faddeia ra tay tháo dỡ nó.
Tuy nhiên, gã lái máy kéo thì đã thoát tội chốn trần gian. Còn chính Cục giao thông thì vừa có lỗi ở chỗ một giao điểm giữa đường sắt và đường bộ nhộn nhịp như thế mà không có cảnh giới, vừa có lỗi trong việc hai cái đầu máy lôi nhau chạy không đèn. Chính vì thế mà lúc đầu người ta đã tìm cách đổ vạ cho rượu, còn bây giờ thì không muốn đưa vụ việc ra tòa.
Đường bị hư hại nặng đến nỗi ba ngày liền, khi các linh cữu đang quàn tại nhà, xe lửa phải vòng theo nhánh khác. Trong suốt mấy ngày thứ sáu, thứ bẩy và chủ nhật, từ lúc kết thúc điều tra cho đến lúc cử hành mai táng, đoạn đường được sửa chữa suốt ngày đêm. Thợ sửa đường bị rét cóng; để sưởi ấm và thắp sáng vào ban đêm, họ cứ việc lấy không chỗ gỗ ván mà chiếc xe trượt thứ hai trút ra ngang đường, đốt vô tội vạ.
Còn chiếc xe trượt thứ nhất vẫn ăm ắp gỗ, nguyên lành, đứng lù lù cách đó không xa.
Suốt hai ngày thứ sáu và thứ bảy, lão râu đen Faddeia cứ lấy làm bứt rứt về nỗi một chiếc xe trượt tuyết thì cứ như cố ì ra đấy để trêu ngươi, còn chiếc kia thì vẫn còn có cách giải cứu khỏi ngọn lửa. Con gái lão đã bắt đầu lẩn thẩn, con rể có nguy cơ phải ra tòa, con trai bị chính lão đưa đến chỗ chết đang nằm trong nhà, người đàn bà mà lão đã từng yêu và vừa bị sát hại cũng đang nằm đó, ngay trong xóm phố này thôi, vậy nhưng Faddeia chỉ đến đứng chốc lát bên các linh cữu, tay giữ chòm râu. Vầng trán cao của lão như trĩu nặng buồn thương nhưng đầu óc lão lúc này thì chỉ chăm chăm vào việc giải cứu những súc gỗ khỏi ngọn lửa hung tàn và những mưu mô của bọn em gái Matriona.
Quan sát dân làng Talnovo, tôi hiểu ra rằng ở nông thôn không phải chỉ có duy nhất một Faddeia.
Người ta hay dùng chữ của chúng tôi hay của tôi một cách lạ lùng. Và trước mắt mọi người, cứ mất của là đáng xấu hổ, là ngu.
Faddeia cứ thế chạy long sòng sọc, hết lên khu lại lên cục, hết ban nọ đến phòng kia. Với tấm lưng còng và cây gậy chống, lão khẩn khoản van xin từng cán bộ chiếu cố cho tuổi già của lão mà cho lão xin lại căn nhà gỗ.
Cuối cùng lão cũng được cấp giấp phép. Lão tập hợp đám con trai, con rể, cháu trai vẫn còn may mắn lại, mượn mấy con ngựa của nông trang về, và rồi từ phía bên kia đoạn đường tàu đang được thi công bừa bộn, bằng đường vòng xuyên qua ba làng, lão áp tải phần còn lại của căn nhà phụ về nhà. Lão hoàn thành việc đó vào đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật.
Lễ an táng cử hành vào chủ nhật. Hai linh cữu gặp nhau đúng giữa làng. Họ hàng bàn tính nên để cái nào đi trước. Rồi người ta đặt hai cô cháu nằm cạnh nhau trên một cái xe trượt lớn. Dưới trời u ám, trên mặt băng ẩm ướt của tháng hai, người ta đưa hai kẻ xấu số vào nghĩa địa nhà thờ cách làng chúng tôi hai làng. Thời tiết xấu, lộng gió nên linh mục và thầy trợ tế chờ trong nhà thờ chứ không sang Talnovo đón.
Từ ngoài vào đến cổng, đoàn người đi chậm và hát thánh ca. Rồi dừng lại.
Đêm hôm trước, các bà các chị còn bận tíu tít trong ngôi nhà của chúng tôi: một bà già lầm rầm khẽ hát thánh ca bên linh cữu, các bà em của Matriona loay hoay nấu nướng bên chiếc bếp lò Nga hừng hực hơi nóng tỏa ra từ khối than bùn đỏ rực, đây là than do Matriona vác từng bao tải từ một đầm than cách xa làng. Họ làm những chiếc bánh nướng nhạt nhẽo bằng loại bột xấu.
Sang ngày chủ nhật, từ lúc đi đưa đám về cho đến tối, mọi người tập trung vào dự tiệc tưởng niệm. Bàn kê một dãy dài đúng vào chỗ kê linh cữu lúc sáng. Thoạt tiên mọi người đứng xung quanh bàn và ông anh rể ông Efim đọc kinh “Lạy Cha”. Rồi mỗi người được một tẹo nước mật pha rót vào đáy bát. Để tưởng niệm vong linh, chúng tôi dùng thìa vét nước mật uống không. Rồi chúng tôi ăn các thứ và uống vodca, chuyện trò rôm rả dần lên. Trước khi uống nước trái cây, tất cả đứng lên hát “Kỷ niệm muôn đời” (mọi người cho biết là nhất thiết phải hát bài này trước khi uống nước trái cây). Rồi lại uống rượu. Mọi người nói mỗi lúc một to, không đả động gì đến Matriona nữa. Ông anh rể ông Efim ba hoa:
- Thưa chư vị tín đồ Chính thống giáo, chư vị có thấy hôm nay chúng ta hát kinh Cầu Siêu từ tốn không nào? Được như vậy là vì cha Mikhail đã để mắt đến tôi. Cha biết là tôi biết việc kinh bổn mà. Không thì cũng đến nhao nhao một lúc là chuồn, kính lạy các thánh!
Cuối cùng tiệc cũng đã tàn.
Mọi người nhất loạt đứng lên hát bài “Tâm khúc tôn vinh”. Rồi hô vang ba lần để ghi sâu:
- Kỷ niệm muôn đời! Kỷ niệm muôn đời! Kỷ niệm muôn đời!
Nhưng ai nấy giọng cũng đã khàn, lạc điệu mỗi người một phách, mặt đần ra vì rượu, và chẳng ai còn vấn vương gì đến những kỷ niệm muôn đời đó nữa.
Các vị khách quý lần lượt ra về, chỉ còn lại người nhà, thế là cả bọn thoải mái dỡ thuốc lá ra đốt, cười đùa ầm ĩ. Câu chuyện bỗng lái sang việc ông chồng bà Matriona mất tích, ông anh rể nói trên liền đấm ngực thùm thụp, quả quyết với tôi và bác thợ giày, chồng của một bà em của Matriona:
- Chết rồi, ông Efim ấy, ông ấy chết rồi! Không chết sao lại không về? Cứ như tôi thì dù có biết mười mươi là về quê sẽ bị treo cổ, tôi cũng cứ về!
Ông thợ giày gật đầu tán thưởng. Thì ông vốn là lính đào ngũ và quả thật chưa bao giờ rời bỏ quê hương: suốt mấy năm chiến tranh ông được mẹ giấu kĩ dưới nhà hầm.
Bà lão già nhất làng, nghiêm nghị, ít nói, đêm nay nghỉ lại đây, đang ngồi ở một chỗ cao, trên bệ lò sưởi. Bà lẳng lặng nhìn xuống đám người ít tuổi toàn năm sáu chục xuân xanh đang nhao nhao hết cả lên, nom rõ ngứa mắt.
Chỉ có người con gái nuôi bất hạnh, người đã lớn lên ở chính nơi này, là lủi thủi bỏ ra sau dãy hàng rào, đứng khóc.
Faddeia không đến dự tiệc tưởng niệm Matriona, có thể vì lão cũng đang phải ở nhà tưởng niệm con trai. Nhưng ngay những ngày sau đó, với thái độ thù địch, lão đã hai lần đến ngôi nhà đó để thương lượng với ba người em gái của Matriona và gã thợ giày, quân nhân đào ngũ.
Họ tranh cãi về việc ai là người được quyền thừa kế căn nhà: em gái hay con nuôi. Việc đáng lý phải đưa ra tòa, nhưng họ đành đấu dịu với nhau vì đã ngộ ra rằng tòa sẽ không xử cho ai cả, mà sẽ sung vào quỹ của Xô viết xã. Họ kí giao ước với nhau. Con dê thuộc về một người em gái, ngôi nhà thuộc về vợ chồng ông thợ giày, còn phần của Faddeia, “người đã tự tay đẽo từng súc gỗ”, là căn nhà phụ đã lấy rồi, nhưng mấy chị em còn nhường nốt cho lão cái chuồng dê và toàn bộ dãy rào trong, ngăn sân với nương vườn.
Một lần nữa, vượt qua bệnh tật cùng những cơn nhức mỏi, lão già tham lam lại hoạt bát hẳn lên và trẻ hẳn ra. Lão lại tập hợp những đứa con trai con rể vẫn còn may mắn lại, bắt tháo dỡ chuồng dê và hàng rào, còn lão thì tự tay vận chuyển những súc gỗ bằng chiếc xe trượt tuyết con con, hết chuyến này đến chuyến khác, mãi gần xong việc thằng Antoxca lớp 8G của lão mới sang phụ giúp, hăng say đáo để.
Ngôi nhà Matriona được khóa trái lại cho đến tận mùa xuân. Tôi chuyển sang nhà một bà chị gái Efim, cách đấy không xa. Về sau, vào những dịp khác nhau, bà chị chồng có hồi tưởng lại ít nhiều về Matriona và dường như từ một góc độ khác đã giúp tôi nhận rõ được chân dung của người quá cố.
- Efim không yêu cô ấy. Cậu ấy nói: Em thích ăn mặc một cách văn minh, còn cô ấy độc một lối quê mùa. Một lần tôi với cậu ấy ra thành phố làm thuê, cậu ấy bắt được một em, thế là không muốn về với Matriona nữa.
Mọi lời bình phẩm của bà về Matriona đều có ý chê bai: nào là người ngợm bẩn thỉu, nào là không lo mua sắm, nào là không biết dành dụm, thậm chí lợn cũng không nuôi, (không thích chăn nuôi chứ lị!) Rồi thì ngu ngốc, độc đi làm đầy tớ không công cho thiên hạ (bà nhắc chuyện này vào dịp không gọi được người cày nương). Ngay cả sự tốt bụng và tính thật thà chất phác của Matriona mà bà không phủ nhận, bà cũng nói đến với vẻ thương hại mà thôi.
Và mãi đến lúc này, từ những ý chê bai của bà chị chồng, tôi mới thấy hiện rõ trước mắt mình một Matriona mà tôi chưa từng thấu hiểu, dù vẫn ở ngay bên bà.
Người ta nói không sai! Nhà nào cũng nuôi lợn cả. Nhưng bà lại không nuôi. Còn gì dễ bằng nuôi một chú lợn con háu ăn, chỉ biết có ăn! Ngày ba lần nấu bữa cho nó, sống vì nó để rồi giết thịt và lấy mỡ.
Vậy mà bà không có...
Không lo sắm sửa trong nhà... Không lăn lộn kiếm tiền để tậu đồ đạc và giữ cho nó được bền lâu hơn cả cuộc đời mình.
Không chạy theo quần nọ áo kia. Không chạy theo những bộ cánh vẫn tô vẽ cho cái vỏ bề ngoài của những kẻ xấu xa, độc ác.
Không được chính chồng mình hiểu, bị chồng ruồng bỏ, từng chôn sáu đứa con nhưng không chôn vùi đức hạnh - lòng vị tha hào hiệp của mình, xa lạ với chị em ruột, chị em chồng, ngớ ngẩn đến buồn cười, độc đi làm đầy tớ không công cho thiên hạ một cách ngu ngốc, bà đã không dành dụm được gì cho cái ngày nhắm mắt xuôi tay.
Con dê có bộ lông màu trắng đục, con mèo thọt chân, những chậu cây cảnh...
Tất cả chúng tôi đều đã sống bên cạnh bà mà không hiểu rằng bà là một tín đồ mộ đạo trang nghiêm mà không có họ, nói như tục ngữ Nga là:
Không có thôn làng.
Không có thành phố.
Không có cả trái đất này của chúng ta.

                  Hết

1959-1960, Ac-Metset - Riazan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét