Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Hủ Nho - Nguyễn Thế Duyên

Lão đi lại phía cô lễ tân đang ngồi trực tại sảnh ngoài tòa soạn.
- Tôi vào gặp anh Nhân tổng biên tâp.
Lão nói với một giọng bình thản. Cô lễ tân nhìn lão với ánh mắt đầy nghi ngại.
- Dạ! Thưa bác bác vào gặp bác Nhân có việc gì ạ?
Lão ngạc nhiên nhìn cô gái hỏi lại.
- Cô không biết tôi là ai à?
Cái giọng đầy tự tin của lão khiễn cho cô gái sợ đến tái cả mặt. Nhìn cái mặt tái mét vì hoảng sợ của cô gái lão cảm thấy thích thú. Có thế chứ! Mình vẫn còn là người “Nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ”.
- Tôi là Chu Văn giáo sư, tiến sỹ. - Lão nhấn mạnh vào bốn từ “giáo sư, tiến sỹ”.- Trường đại học tổng hợp.
Nghe lão xưng danh, cô gái thở phào nhẹ nhõm. Cô liếc nhanh xuống cuốn sổ để trên mặt bàn rồi nói với lão giọng rất lễ độ.
- Dạ! cháu xin lỗi. Hôm nay bác tổng biên tập có cuộc họp đột xuất trên ban tư tưởng văn hóa trung ương. Có việc gì xin bác cứ nói, cháu sẽ thưa lại với bác tổng biên tập.
Mặt lão cau lại vì bực bội:
- Tôi đã gọi điện hẹn trước với anh Nhân rồi cơ mà!
Cô gái tươi tỉnh.
- Vâng! cháu biết. Bác Nhân có bảo cháu xin lỗi bác. Hay là bác vào làm việc với anh Thắng thư kí tòa soạn?
Lão ngần ngừ. Tầm cỡ như lão chẳng lẽ lại phải làm việc với thằng cha thư kí tòa soạn vô danh tiểu tốt sao? Lão hỏi lại cô lễ tân:
- Thế bao giờ thì anh Nhân về?
Cô bé lễ tân lắc đầu.
- Dạ cháu cũng không biết. Họp ở tận Đà Lạt cháu chắc là cũng phải vài ngày.
- Thôi vậy! để tôi vào làm việc với cậu thư kí tòa soạn.
Nói rồi lão xách cái cặp nhỏ đi thẳng vào bên trong. Đợi lão đi khuất cô bé lễ tân nhấc vội điện thoại gọi lên tầng trên.
- Dạ thưa bác, ông Chu Văn đang vào làm việc với anh Thắng rồi ạ.
Tiếng nói từ ống nghe vọng ra rất rõ.
- Kệ lão! Thế sáng nay cô có nhớ bảo với anh Thắng những điều tôi dặn chưa?
- Dạ! cháu đã bảo với anh Thắng rồi.
* * *
Lão tiến thẳng đến chỗ cái bàn có cái biển mi ca đề một dòng chữ “Nguyễn Thắng thư kí tòa soạn”.
Một người trung niên đang cắm mặt vào chồng bản thảo ngước lên nhìn lão.
- Chào bác! Bác có việc gì đấy ạ?
Một vẻ mặt lãnh đạm, với một câu hỏi lãnh đạm. Lão cảm thấy bực bội. Con bé lễ tân không biết lão đã đành vì nó còn trẻ, có khi chưa học đại học. Còn thằng này còn trẻ gì nữa đâu mà sao cũng không biết đến mình?
Lão xưng danh.
- Tôi là Chu Văn!
- Dạ vâng! Thì sao ạ?
Lão lộn ruột! Không thể kìm nén được lão hất hàm hỏi lại tay thư kí tòa soạn:
- Hồi học đại học cậu học ở trường nào?
- Dạ em học khoa ngữ văn trường Tổng Hợp.
- Thế không nghe cái tên giáo sư tiến sỹ Chu Văn à?
Lão lại nhấn mạnh vào bốn từ “Giáo sư tiến sỹ”. Tay thư kí tòa soạn nhìn lên trời, lấy tay vỗ vỗ vào đầu cố nhớ nhưng không ra. Gã lắc đầu.
- Chưa từng nghe qua!
Hành động, lời nói của gã làm lão tức nghẹn cổ. “Đúng là đồ vô học”, lão thầm nghĩ. “Những nhà báo không đọc như mày làm gì mà báo chí chẳng trở thành lá cải”. Lão nuốt khan một cái cố gắng nuốt cục tức xuống bụng nhưng không hết nó lại buột ra mồm.
- Chắc chẳng bao giờ cậu đọc sách nhỉ?
Tay thư kí tỉnh như không.
- Ối giời! thời gian đâu mà đọc những thứ vô bổ của mấy tay giáo sư dởm ấy hả bác. Mà bác đến đây có việc gì đấy ạ?
Lão cắn môi. Phải làm việc với những người như gã thư kí tòa soạn này lão cảm thấy như mình bị sỉ nhục. Nhưng biết làm sao! Tận vài ngày nữa tay tổng biên tập mới về. Lão đành mở chiếc cặp nhỏ vẫn cầm ở tay rút ra một tập bản thảo.
- Tôi có một bài viết muốn gửi đăng trên báo nhà.
Tay thư kí tòa soạn liếc nhanh vào cái tiêu đề bài viết: “Bàn về sự tiếp nối chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn học đương đại”. Gã bật cười nhưng rồi sực nhớ ra, anh ta vội vàng nín bặt, lễ độ đưa hai tay ra cầm lấy tập bản thảo.
- Vâng! Bác cứ để đây chúng tôi sẽ nghiên cứu.
- Không phải nghiên cứu! - Lão gằn giọng.- Tôi muốn bài báo được đăng trong số sớm nhất. Tôi đã làm việc với anh Nhân về vấn đề này.
- Vâng ạ. Tôi sẽ gọi điện xin ý kiến của tổng biên tập.
Đợi cho lão đi khuất, tay thư kí tòa soạn cầm lấy tập bản thảo của lão ném tọt ngay vào thùng rác rồi nhấc điện thoại gọi lên tầng trên.
- Anh Nhân ạ! Lão ta đi rồi.
Một lúc sau, ông tổng biên tập từ tầng trên đi xuống hỏi tay thư kí.
- Bài viết của lão ấy viết gì?
Tay thư kí tòa soạn cười.
- Em có thèm đọc đâu. Hình như là chủ nghĩa anh hùng cách mạng gì đấy.
Ông tổng biên tập mặt nhăn tít lại như khỉ dính phải mắm tôm.
- Mẹ kiếp! Bây giờ là thời buổi nào rồi mà vẫn còn “Anh hùng cách mạng”.
- Thế có đăng không anh?
Tay thư kí tòa soạn hỏi. Ông tổng biên tập trầm ngâm nghĩ một lúc rồi thở dài đến thượt một cái.
- Thôi! Thí cho lão ấy năm trăm nghìn. Cho đăng ở trang cuối của tờ báo.
- Thì mình cứ lờ đi không đăng có sao đâu. Đỡ mất mấy trăm.
- Không được! - Ông tổng biên tập xua tay.- Những thằng như lão này thù dai lắm. Nhỡ sau này báo mình có điều gì sơ xẩy bọn khốn ấy xúm vào đánh hội đồng thì mình chết.
* * *
Hôm sau bài viết của lão được đăng. Lão cầm tờ báo về đưa cho vợ. Vợ lão cầm lấy tờ báo rồi ném toẹt ngay xuống gầm bàn thậm chí còn chẳng thèm liếc xem bài viết của chồng mình đăng ở trang nào.
- Ơ!
Lão “ơ” một tiếng rồi im bặt. Vợ lão nhìn lão một thoáng rồi thủng thẳng.
- Có gì mà đọc. Chắc nếu chẳng chủ nghĩa anh hùng cách mạng thì cũng là tính đảng trong văn chương chứ gì.
Lão thấy cổ mình nghèn nghẹn.
Thời xa xưa, thời lão còn là sinh viên văn khoa, lão đã từng mơ ước trở thành một nhà văn. Một trăm thằng sinh viên ngữ văn thì một trăm linh một thằng đều nghĩ mình sẽ là một nhà thơ hay nhà văn nổi tiếng. Lão cũng không ngoài cái lệ ấy. Thời ấy, lão đã từng viết dăm ba cái truyện ngắn gửi đi để rồi hồi hộp từng ngày chờ cái truyện ngắn của mình xuất hiện trên mặt báo. Từng ngày mòn mỏi chờ đợi nhưng cái truyện ngắn của lão thì cứ chìm nghỉm chẳng thấy tăm đâu. Là một người tỉnh táo, lão nhận ra ngay cái điều mà không phải kẻ nào cũng dám đối mặt với nó. Lão không có khả năng viết! Và thế là lão xoay ngay sang mảng lý luận phê bình. Lão nghĩ: Viết văn thì khó. Nó cần những năng khiếu bẩm sinh chứ lý luận phê bình, một ngành tầm chương, trích cú thì chỉ cần chăm chỉ, và thế là trong lúc các bạn lão tâm hồn lơ ngơ trên tận mây xanh với những tứ thơ thì lão cúi mặt vào học. Lão có biết đâu rằng cả một thời thơ mới có hàng trăm nhà thơ nhưng chỉ có một Hoài Thanh của phê bình văn học. Nhưng cần gì! Cái bóng của Hoài Thanh quá lớn. Lão chẳng dám mơ đến. Mà dẫu “Thi nhân Việt Nam” hay thì hay thật nhưng chẳng phải tác giả của nó đã phải tự cầm cuốn sách của mình vả vào miệng mình đôm đốp đó sao? Sáng tạo! hay ăn theo nói leo? Cái óc thực dụng còn hơn cả người Mĩ đã chỉ cho lão một con đường mới. Và, trời cũng không phụ công lão. Lão được giữ lại ở trường làm cán bộ giảng dạy.
Con đường “Khoa học” của lão cứ thế mà thẳng tiến. Lão trở thành một vị giáo sư, tiến sỹ hàng đầu tên tuổi nổi như sóng cồn trong lúc bạn bè cũng có một vài người thành đạt trong văn chương nhưng vẫn xơ xác vì nghèo còn tất cả đều chìm nghỉm. Thế mới biết: Vấn đề không phải ở tài năng. Vấn đề là ở phương pháp. Cái phương pháp ăn theo, nói leo của lão thật là “Number one”.
Lão cúi xuống gầm bàn nhặt tờ báo mà vợ vừa ném xuống, dở bài viết của mình đăng trên báo ngồi đọc. Lão có thói quen ngồi nhâm nhi lại những dòng chữ của chính mình. Vừa đọc lão vừa gật gù tự tán thưởng. Đọc xong bài mình viết, lão lật sang trang đầu tiên của tờ báo. Vợ lão thấy cái bộ mặt vừa tươi tỉnh đầy thỏa mãn của chồng mình bỗng nhiên cau lại. Lão chìa tờ báo sang cho vợ.
- Bà xem này! Con mụ Bình vừa được phong giáo sư.
- Đâu! Đưa tôi xem nào.
Vợ lão giật ngay lấy tờ báo. Một tấm hình chụp một đám sinh viên đang xúm quanh một cô giáo với nụ cười tươi rói. Một cánh tay cô ôm đầy những bó hoa, còn tay kia đang choàng ôm một cô bé sinh viên. Dòng chữ trên tấm phông hiện lên rất rõ “Lễ đón nhận danh hiệu giáo sư khoa học trường đại học Sư Phạm Hà Nội”. Bà gọi với lên trên gác.
- Hòa ơi xuống mà xem! Cô giáo mày vừa được phong giáo sư đây này!
Có một tiếng reo của con gái lão. Cô gái lao ngay từ trên gác xuống, giật phăng lấy tờ báo trong tay mẹ rồi nghiêng đầu ngắm nghía mãi bức ảnh.
- Con biết ngay mà! Thế nào cô con cũng trở thành giáo sư.
Những lời vô tình của cô con gái như một mũi kim chích vào lòng lão khiến mặt lão sầm lại. Bà mẹ tinh ý khẽ bấm váo tay cô con gái. Cô gái sực nhớ ra, cô liếc nhanh về phía bố mình rồi thè lưỡi cười cùng mẹ.
Con gái lão là thạc sỹ ngữ văn. Hồi cô viết luận văn thạc sỹ thì lão đang làm trưởng khoa ngữ văn trường đại học tổng hợp. Lão bảo con gái.
- Mày về trường bố mà làm luận án.
- Có đề tài gì mới hả bố?
Cô con gái háo hức hỏi.
- Thiếu gì!
- Như?
Cô gái hỏi rồi nhìn chằm chằm vào bố đợi câu trả lời. Lão phải suy nghĩ một lúc rồi mới từ từ bảo:
- Như “Từ Chí phèo đến đôi mắt! Khát vọng tự do của những người nghèo khổ”.
- Lại Nam Cao!
Con gái lão thất vọng kêu lên.
Thế rồi con gái lão không chịu về trường Tổng Hợp làm luận văn. Cô sang trường Sư Phạm đề nghị cô giáo Bình của nó huớng dẫn. Và đề tài con gái lão chọn đã làm lão sửng sốt.
“Sự vô nghĩa của chiến tranh, khát vọng hòa bình trong “Chuông nguyện hồn ai” của Hemingway và “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh phải chăng chính là nguồn cảm hứng cho ý tưởng bất bạo động hiện nay trên thế giới?”.
- Ai gợi ý cho mày đề tài này?
Đọc xong cái tiêu đề của luận văn, lão đã hỏi con gái.
- Cô Bình!
Con gái lão trả lời với đôi mắt sáng rực.
- Đồ ngu! - Lão gầm lên! - Làm gì có chiến tranh vô nghĩa. Chỉ có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa thôi.
- Không đúng! - Con gái lão mạnh mẽ bác lại. - Chính nghĩa hay phi nghĩa chỉ dành cho những người lãnh đạo. Còn với những người dân, những người buộc phải cầm súng, thì dù ở phía bên nào chiến tranh cũng đều là vô nghĩa.
- Mày không biết câu “chỉ có thể giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng” à?
- Có! Con biết đấy là câu của Các Mác. Nhưng con còn biết đến Găng Đi của Ấn Độ.
Lão thở dài lắc đầu ngán ngẩm.
- Tao báo cho mày biết! Nếu mày cứ theo đuổi đề tài này chắc chắn là mày sẽ bị đánh trượt.
- Trượt thì thôi! Con chả cần. Thà trượt mà kiến thức của mình được nâng lên một bậc còn hơn cầm một mảnh bằng cao hơn nhưng kiến thức của mình lại tụt đi mất vài bậc thì cầm mảnh bằng làm gì?
Nghe con nói, Lão lặng đi một lúc rồi đột nhiên lão hỏi:
- Mày biết kiến thức đo bằng gì không?- Con lão lắc đầu. - Bằng tiền con ạ.
Con gái lão bị đánh trượt thật. Và từ đấy lão ghét cay ghét đắng cô giáo của con gái lão còn con gái lão thì lại luôn nhắc đến cô Bình của nó như một thần tượng.
- Này ông! - Vợ lão khéo léo chuyển đề tài để làm giảm sự căng thẳng giữa hai bố con. - Sắp tới ngày giỗ của Nam Cao rồi đấy. Năm nay ông có định về Lý Nhân, Nam Hà không?
-Có chứ! - Lão vội vàng nói. - Tôi đã hẹn với bọn học sinh rồi.
Nhắc đến Nam Cao, lão hồ hởi hẳn lên. Vợ lão hơi mỉm cười đưa mắt nhìn cô con gái. Con gái lão cũng lắc đầu cười.
- Mà bà có nhớ lão Tiến làm luận văn năm kia không nhỉ?
Lão hỏi vợ, bà vợ ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu.
- Tiến nào nhỉ?
- Cái tay mà bà bảo “Sắp về hưu rồi còn làm luận văn tiến sỹ làm cái gì” ấy.
- À! - Vợ lão à lên một tiếng. - Tôi nhớ ra rồi. Cái tay trưởng phòng giáo dục tỉnh H ấy phải không?
Lão gật đầu.
- Đúng rồi. Năm nay tay ấy lên phó chủ tịch tỉnh. - Lão nhìn con gái đắc ý. - Đấy là nhờ vào cái luận văn tiến sỹ của bố đấy. Năm nay tay ấy bao toàn bộ chuyến đi.
Hôm 30 tháng 10, ngày giỗ của Nam Cao, một đoàn ô tô con đen bóng đỗ thành dẫy trước cửa nhà lão khiến cả xóm lác hết cả mắt. Một đoàn mười ông tiến sỹ về Nam Cao, người trẻ nhất cái đầu cũng đã muối tiêu gần hết trịnh trọng đưa lão lên chiếc xe Mẹc đỗ ở đầu đoàn xe. Lão đi, đầu ngẩng cao, cố tạo ra cái vẻ oai vệ, đĩnh đạc. Mắt lão liếc nhìn những người hiếu kì tụ tập thành đám bên đường. Một người đi xe máy ngang qua, thấy lạ dừng xe lại hỏi một người trong đám đông đang tụ tập.
- Ai đấy?
- Không biết à? Đấy là giáo sư Chu Văn.
Môi lão nở một nụ cười mãn nguyện.
Đoàn xe đi rồi, chỉ còn lại hai mẹ con ở nhà, cô con gái mới thỏ thẻ cùng mẹ.
- Mẹ ạ! Phòng khách nhà mình phải mua thêm một bể cá cảnh. Nó vừa làm phòng khách thêm sang trọng lại vừa hợp với phong thủy của nhà mình nhưng chẳng biết đặt nó ở đâu.
- Đặt nó ở chỗ cái kệ sách để luận văn của bố mày ấy.
- Thế chồng luận văn ấy thì để vào đâu?
- Cho ra đồng nát. Để chỉ tổ chật nhà.
Nói rồi vợ lão đi ra cửa vẫy cô đồng nát vẫn ngồi bên kia đường. Cô đồng nát gánh đôi thúng toòng teng đi vào. Từ sáng đến giờ cô chưa mua được cái gì. Vợ lão chỉ vào chồng luận văn trên cái kệ gỗ.
- Chị cân thử xem chồng luận văn kia được bao nhiêu tiền?
Cô đồng nát ôm chồng luận văn đặt lên bàn cân.
- Được hai chục nghìn bà ạ.
- Sao rẻ thế? - Vợ lão ngạc nhiên hỏi lại. - Những mười tập luận văn tiến sỹ của tôi đấy. Chẳng lẽ mỗi luận văn chỉ mua được một mớ rau muống thôi sao?
Cô hàng đồng nát cười.
- Thế là được giá lắm rồi đấy bà ạ. Bây giờ tiến sỹ nhiều như lợn con. Ông xã trưởng xã con hiện nay đang ở Hà Nội. Nghe đâu ông ấy cũng đang làm luận văn tiến sỹ.
----------

Hà Nội 10 - 8 - 2013
Nguồn: Việt Nam thư quán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét