Aleksandr Solzhenitsyn
Ngôi nhà của Matriona
Phần 2
Vâng, đúng là như vậy. Hơi thở dữ dằn của mùa đông đang phả
đến khiến lòng người hoảng sợ. Xung quanh những rừng là rừng, nhưng chất đốt vẫn
chẳng kiếm đâu ra được. Cần cẩu vẫn quay tròn trên các đầm than nhưng than bùn
thì không bán cho dân mà chỉ chở về cho thượng cấp cùng cánh ăn theo: nhà giáo,
thầy thuốc, công nhân nhà máy thì được cấp phát từng ô tô một. Chẳng có quy định
gì về nhiên liệu cả, mà cũng không nên hỏi về chuyện đó.
Chủ tịch nông trang đi lại trong làng đôn đốc kiểm tra, trao
đổi, nói đủ thứ chuyện, riêng chuyện chất đốt thì chẳng bao giờ đề cập đến. Thì
chính ông ta cũng tích trữ mà. Trước sau mùa đông cũng sẽ về, dù chẳng có ai
mong đợi.
Trước đây mọi người ăn cắp gỗ của lãnh chúa, bây giờ thì ăn
cắp than bùn của liên hiệp xí nghiệp, thế thôi. Phụ nữ kéo nhau từng tốp năm
người, mười người cho đỡ sợ. Họ đi ngay giữa ban ngày. Mùa hè than bùn được
khai thác khắp nơi trong vùng mỏ, được dồn lại thành từng đám để phơi. Than
cháy tốt còn có nguyên nhân là liên hiệp không thể vận chuyển đi ngay được.
Than khô dần cho đến tận mùa thu, có khi còn phải chờ tuyết nếu đường vẫn còn
nát, xe chưa chạy được hoặc liên hiệp vẫn còn bí về phương tiện. Đây sẽ là thời
cơ cho các bà các chị. Than mà ẩm thì bao tải than vơi, than khô thì đầy, gần gấp
đôi than ẩm. Mỗi bao tải cỡ 2 put (1 put = 16,38 kg) với hành trình có lúc đến
3 km vừa đủ cho một bận nhóm lò.
Mùa đông thì những hai trăm ngày. Đốt lò thì sáng nhóm lò
Nga, tối nhóm lò Hà Lan. Lò Nga thì chỉ được nhóm buổi sáng, lò Hà Lan buổi tối.
- Chỉ nói nhăng nói cuội! - Matriona nổi xung với một người
nào đó trong tưởng tượng. - Ngựa không có mà không è cổ ra mà kéo thì hỏi lấy
đâu ra! Tớ không quen sõng lưng! Mùa đông thì kéo xe trượt tuyết, mùa hè thì
vác củi, đúng thế đấy giời ạ!
Các bà các chị mỗi ngày đi mấy chuyến liền. Những ngày đẹp
trời Matriona vác về đến sáu bao tải. Than của tôi thì bà để phơi ra đấy, còn
than của mình thì cất kỹ dưới gậm nhà cầu, tối tối mang ván xuống che che đậy đậy.
- Chúng nó đoán già đoán non kệ nó, - bà mỉm cười, đưa tay
quệt mồ hôi trán, - mình cất thế này thì có mà tìm vào mắt!
Liên hiệp xí nghiệp đã hành động ra sao? Họ không đủ biên chế
cho phép rải quân ra canh giữ tất cả các đầm than. Về phần thể hiện trên sổ
sách, sản lượng khai thác lớn buộc phải khấu trừ phần thất thoát, phần hao hụt
do mưa. Thi thoảng, đội tuần tra tập trung ra quân và chộp được một “đối tượng”
bên cổng làng. Các bà các chị vứt hết bao tải chạy tán loạn. Thi thoảng, theo
tin cáo giác, họ cho người đến nhà dân khám xét, lập biên bản ghi rõ khối lượng
than phi pháp và dọa đưa ra tòa. Các bà các chị đành tạm nghỉ, nhưng mùa đông rục
rịch đến gần buộc họ đêm đêm lại phải lên đường cùng những chiếc xe trượt tuyết.
Để ý quan sát Matriona, tôi nhận thấy ngoài công việc nội trợ,
hàng ngày bà còn phải giải quyết khá nhiều việc khác. Vì đã sắp xếp sẵn trong đầu
nên cứ sáng ra vừa ngủ dậy bà đã biết hôm ấy phải làm gì. Ngoài việc kiếm than
bùn, ngoài việc thu gom những gốc cây cổ thụ đã được máy kéo đánh bật lên trên
đầm, ngoài món việt quất dầm trong những chiếc thùng lớn (Nếm thử cho nó ê răng
một cái xem nào, Ignatitr! - Bà thường mời tôi), ngoài việc dỡ khoai tây, ngoài
việc chạy tiền tuất, bà còn phải đi kiếm ở đâu đó một ít cỏ khô cho con dê duy
nhất có bộ lông màu trắng đục của mình nữa.
- Sao bà không nuôi lấy một con bò cái, Matriona Vaxilievna?
- Ờ, ờ, Ignatitr, - Matriona giải thích, bà đang đứng trong
cửa bếp, người quay về phía chiếc bàn viết của tôi, trước ngực đeo chiếc tạp dề
hơi bẩn. - Tôi dùng sữa con dê cũng tạm đủ rồi. Tôi mà nuôi bò thì có mà chẻ
xác ra cho nó ăn! Hai bên nền đường sắt cũng có chủ cả đấy, ra đấy mà cắt cỏ! Cỏ
trong rừng cũng miễn cắt, lâm nghiệp quản hết rồi. Còn ở nông trang thì người
ta chẳng khiến tôi đi cắt cỏ, người ta bảo tôi bây giờ không còn là nông trang
viên nữa. Mà ngay cả nông trang viên cũng phải cắt bằng hết về cho nông trang,
muốn có cỏ thì đục xuống tuyết mà lấy, còn cỏ giả quái gì nữa?... Giữa vụ hè đã
từng sôi lên về cỏ đấy rồi còn gì, từ Petrov đến Ilits. Cỏ mà cứ như Sâm Cao
Ly...
Vậy là đối với Matriona, riêng việc lo cỏ cho mỗi mống dê
còm cũng đủ hết hơi.
Ngay từ sáng bà đã tay tải tay liềm đi đến những nơi mà bà
nhớ là có cỏ mọc bên mép đường, bờ ruộng, quanh những hồ nước nhỏ trong đầm.
Lèn chặt một bao tải cỏ tươi nặng trịch, bà tha về đổ một đống tướng ở sân. Rồi
bà gẩy cỏ khô dần bằng nạng gẩy rơm.
Ông chủ tịch nông trang mới, một cán bộ mới được điều động từ
thành phố xuống, đã triển khai công việc đầu tiên là giao đất trồng rau cho tất
cả những người mất sức. Matriona được nhận mười lăm xotka (1 xotka bằng 100 m2)
đất cát, trong đó có mười xotka hoang hóa vì chưa có kênh mương.
Tuy nhiên, với bằng ấy đất, Matriona đã được thu dụng, lại
là quân của nông trang. Những lúc thiếu người, các bà các chị cứ kiếm cớ để vắng
mặt thì bà vợ ông chủ tịch lại đến gặp Matriona. Bà ta cũng là người thành thị,
tác phong cương quyết. Với chiếc bành tô ngắn và ánh mắt gườm gườm, trông bà ta
như một nữ quân nhân.
Bà ta bước thẳng vào nhà, không chào, đưa mắt nghiêm nghị
nhìn Matriona khiến bà chột dạ.
- Thế-ế! - Vợ ông chủ tịch nói rành rọt. - Đồng chí
Grigorievna nhỉ? Phải giúp đỡ nông trang! Mai phải ra đồng rải phân!
Matriona nở một nụ cười ngượng ngùng như đang ngượng thay
cho vợ ông chủ tịch khi bà này không có tiền để trả công cho bà.
- Vâng, đấy, - Matriona rề rà. - Tôi đang ốm, đúng thế.
Thành thử lúc này không tham gia được.
Nhưng bà lại vội vàng nói chữa:
- Mai mấy giờ hở bà?
- Nhớ mang theo cái cào răng! - Chủ tịch phu nhân dặn xong bỏ
đi, chiếc váy vải cứng quèo kêu sột soạt.
- Thế cơ đấy! - Matriona nói với theo người vừa đi khỏi. -
Mang cào đi nữa đấy! Nông trang chỉ thế thôi: xẻng không, cào chẳng có. Thế nhà
tôi không có đàn ông thì ai tra cán cho tôi đây?
Rồi bà ngẫm nghĩ suốt cả buổi tối:
- Chán hết chỗ nói, Ignatitr ạ! Làm ăn cái kiểu như thế thì
phỏng nước non gì? Cứ việc đứng chống xẻng mà ngóng còi nhà máy mười hai giờ
trưa. Thế mà còn lôi thôi đủ thứ, những là tập hợp, điểm danh. Chứ như ngày trước
cứ việc ai người ấy làm thì đúng là cắm đầu cắm cổ mà làm, loáng cái đã trưa,
vèo cái đã tối.
Dù sao sáng hôm sau bà cũng vác cào đi làm.
Có điều là khi có việc thì không chỉ người của nông trang mà
bất cứ chị em nào, dù chỉ là người có họ xa hay đơn giản là hàng xóm, cũng đến
gặp Matriona từ tối và nói:
- Matriona, mai sang giúp tôi với nhé. Dỡ nốt khoai tây ấy
mà.
Và Matriona không thể từ chối được. Bà đành gác việc nhà lại
để đi giúp hàng xóm và khi về đến nhà còn khoe rất vô tư, không hề ghen tị với
ai:
- Ignatitr này, khoai nhà cô ấy to củ thế chứ lị! Dỡ sướng cả
tay, không muốn về nữa, đúng thế đấy, giời ạ!
Không một buổi cày nương nào là thiếu mặt Matriona. Phụ nữ
Talnovo đã xác định được rằng làm đất nương mà cứ một mình một xẻng mà bao giờ
cũng tốn công mất sức nhiều hơn so với việc sáu người cùng kéo một lưỡi cày,
cày cả sáu nương. Việc này người ta cũng gọi Matriona đến giúp.
- Thế các bà có trả tiền công cho bà ấy không?
Về sau tôi buộc lòng phải hỏi mọi người.
- Bà ấy không lấy đâu. Bà ấy không cần ai phải băn khoăn.
Matriona còn rất mệt mỗi lần đến lượt phải lo chuyện ăn uống
cho hai cậu chăn dê: một cậu thì to khỏe, vừa câm vừa điếc, cậu kia thì mới lớn,
môi lúc nào cũng đưa đẩy một mẩu xì gà ướt nhoét. Một tháng rưỡi một ngày thôi,
nhưng Matriona cũng phải chi tiêu tốn kém. Bà đến cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ
mua nào cá hộp, nào đường, nào bơ, những thứ mà bà chẳng dám ăn. Thì ra các bà
thường sĩ diện với nhau, ai cũng muốn cho các cậu chăn dê ăn uống tươm tất trên
tài thiên hạ.
- Phải biết sợ gã thợ may với thằng chăn gia súc, - bà giải
thích. - Mình mà có gì trái ý bọn này là chúng nó rêu rao khắp làng trên xóm dưới
ngay thôi.
Vậy mà trong cuộc sống lao đao lận đận của bà, thỉnh thoảng
Matriona còn ốm nặng, nằm liệt giường đến hai ngày hai đêm. Bà không rên rỉ kêu
ca, thậm chí hầu như không nhúc nhích. Những ngày đó thì bà Masa, bạn thân của
Matriona từ hồi trẻ thường đến chăm sóc con dê và nhóm hộ lò. Bản thân Matriona
thì không ăn không uống, không đòi hỏi tí gì. Ở Talvono mà mời bác sĩ trạm xá
khu đến nhà thì bị coi là cao ngạo, coi khinh hàng xóm. Có lần người ta đã mời
được một bà bác sĩ đến khám cho Matriona. Bà này tỏ ra quái ác, lệnh cho
Matriona bao giờ dậy được thì phải tự dẫn xác lên trạm xá. Matriona buộc phải
lên trạm xá, người ta lấy mẫu xét nghiệm của bà gửi lên bệnh viện quận rồi mất
hút luôn, chẳng có tin tức gì nữa. Cũng tại Matriona cả.
Công việc vẫy gọi con người trở lại với cuộc sống. Matriona
nhanh chóng gượng dậy được, lúc đầu cử động chậm chạp, sau hoạt bát dần.
- Anh chưa được thấy tôi ngày trước đấy, Ignatitr ạ, - Matriona
tự hào kể lại. - Bao tải than của tôi toàn năm put hết, không là cái đinh gì! Bố
chồng tôi quát: “Matriona! Sụm lưng con bây giờ!” Rồi thì chở gỗ súc... Con
Voltsok của chúng tôi là một con ngựa chiến, khỏe...
- Sao lại là ngựa chiến?
- Người ta đổi con ngựa bị thương này lấy con ngựa của chúng
tôi để lên đường ra trận. Hóa ra con này là con ngựa đốc chứng. Có lần nó tự
nhiên phát hoảng, kéo thẳng chiếc xe trượt tuyết xuống hồ, cánh đàn ông nhảy hết
ra ngoài thế mà tôi chộp lấy dây cương ghì lại được, đúng thế đấy. Con ngựa được
ăn thóc kiều mạch. Ngựa ăn kiều mạch ấy à, không biết nặng là gì đâu nhé.
Nhưng Matriona cũng chẳng gan góc gì cho lắm. Bà sợ đám
cháy, sợ chớp, sợ nhất là xe lửa, không rõ vì sao.
- Tôi đang muốn đi Treruxti thì đoàn tàu từ Netxaevka trờ tới,
trố hai con mắt to thô lố ra, đường ray rên xiết, khiếp, người tôi nóng ran,
hai đầu gối run bần bật. Đúng thế đấy, giời ạ!
Matriona tự lấy làm ngạc nhiên và nhún vai.
- Tại người ta không bán vé chăng, Matriona Vaxilievna?
- Ở quầy vé ư? Chỉ bán vé ghế mềm thôi. Mà tàu thì sắp chuyển
bánh rồi! Chúng tôi bắt gặp một cánh cửa không khóa, thế là nhảy đại lên, chẳng
vé vung gì cả, cũng may là toàn toa hạng bét, cứ việc nằm dài ra ghế. Vì thế
chúng nó mới không bán vé, quân ăn hại ấy mà, chúng nó thì cần biết đến ai...
Vậy mà đến mùa đông năm ấy, cuộc sống của Matriona đã trở
nên dễ thở hơn bao giờ hết.
Bà bắt đầu được hưởng trợ cấp lâu dài tám mươi rup/tháng.
Nhà trường và tôi trả cho bà hơn một trăm.
- Hừm! Bây giờ thì Matriona không nên chết một tí nào! - Một
số người hàng xóm đã bắt đầu ghen tị. - Già rồi, tiền vào nữa để đâu cho hết.
- Cái gì, trợ cấp lâu dài ư? - Những người khác phản bác. -
Nhà nước thì có gì là chắc chắn đâu. Nay thế này mai thế khác.
Matriona đặt đóng một đôi ủng dạ, mua một cái áo khoác mới.
Bà còn chữa một cái áo capốt cũ thành một chiếc bành tô. Chiếc áo capốt đó, đồ
đồng phục của nhân viên ngành đường sắt, là của chồng Kira, con gái nuôi của
bà, tặng cho bà. Anh ta là tài xế xe lửa ở Treruxti.
Ông thợ may gù trong làng đã lót vào chiếc áo dạ đó một lớp
bông để có một chiếc bành tô tuyệt hảo mà sáu mươi tuổi đầu bà mới được xỏ tay.
Đến giữa mùa đông Matriona đã khâu vào trong lớp lót bành tô
hai trăm rup dành cho tang lễ. Bà vui vẻ nói:
- Từ nay tôi cũng được yên lòng một chút, Ignatitr ạ.
Tháng chạp trôi qua, tháng giêng trôi qua - hai tháng liền
bà không bị ốm. Càng ngày bà càng hay sang nhà bà Masa vào buổi tối, ngồi cắn hạt
quì với nhau. Bà không rủ ai đến nhà vào buổi tối, sợ ảnh hưởng đến công việc của
tôi. Mãi đến Lễ Ba Vua, về đến nhà tôi thấy mọi người đang nhảy múa. Tôi làm
quen với ba bà em ruột của Matriona. Thời gian qua ở đây tôi rất ít nghe nói về
các bà em của bà, hay họ sợ Matriona nhờ vả họ?
Lễ hội năm đó, có mỗi chuyện không hay làm phiền lòng
Matriona: bà đã đi năm dặm (1 verxta (dặm Nga) = 1,06 km) đến nhà thờ để xin nước
thánh, đã đặt bình nước xin ban phép của mình giữa những bình nước khác. Lễ ban
phép kết thúc, các bà các chị xúm vào tranh nhau lấy nước. Matriona chậm chân tụt
lại, cuối cùng chẳng thấy bình nước của mình đâu nữa. Cũng chả thấy bình nước
nào để lại. Mất thế này hẳn là ác quỷ đã lấy đi.
- Chị em ơi! - Matriona đi giữa những người đang cầu nguyện.
- Có ai lấy nhầm nước thánh của tôi không? Bình nước thánh ấy?
Không ai nhận là đã lấy nhầm. Hay là trẻ con nó nghịch?
Trong nhà thờ lúc này cũng có mấy đứa con trai nhỏ tuổi. Matriona về nhà mà
lòng buồn rười rượi: năm nào cũng xin được nước thánh, năm nay thì không.
Tuy nhiên cũng không thể nói rằng Matriona là một con chiên
ngoan đạo. Thậm chí bà còn mang màu sắc một tín đồ Ngẫu tượng giáo nhiều hơn:
bà một mực tin rằng cứ vào lễ Thánh Ivan Poxny mà bước vào nương vườn thì năm
sau sẽ bị mất mùa; bão tuyết mà cuộn lên thì ắt là đâu đó có người đã thắt cổ
chết; va chân vào cửa là nhà sắp có khách, ở với bà bao nhiêu lâu mà tôi vẫn
chưa thấy bà cầu nguyện, làm dấu thánh bao giờ. Nhưng bắt tay vào việc gì bà
cũng “Lạy Chúa”, lần nào tôi đi đến trường bà cũng “Cầu Chúa phù hộ cho anh!”.
Có thể là bà vẫn cầu nguyện nhưng không muốn để lộ ra vì ngượng
với tôi hoặc không muốn làm tôi mất tự nhiên. Khám thờ thì ở nhà trên, tượng
thánh Nikolai Ugotnik đặt trong bếp. Ngày thường thì những nơi đó không để đèn,
vào kì lễ nguyện thì có, các ngày lễ thánh thì Matriona bật đèn lên ngay từ
sáng.
Tuy nhiên, bà vẫn ít tội hơn con mèo thọt của bà. Nó còn bắt
chuột.
Matriona càng ngày càng cố gắng tranh thủ thời gian để chăm
chú lắng nghe các chương trình phát thanh qua máy thu thanh của tôi (tôi không
quên lắp riêng cho mình một ổ phát hiện - Matriona gọi các ổ cắm điện như thế!
Cái máy thu thanh nhỏ bé không quấy rầy tôi được vì tôi có thể đưa tay tắt máy
vào bất cứ lúc nào, nhưng quả thật đối với tôi, từ chốn xa xôi hẻo lánh này, nó
đã trở thành một dụng cụ thăm dò, phát hiện). Năm ấy, mỗi tuần người ta tiếp
đón, tiễn đưa hai ba đoàn đại biểu nước ngoài, đưa đại biểu đến nhiều thành phố,
tổ chức meetting. Ngày nào cũng đầy rẫy những thông báo quan trọng về chiêu
đãi, tiệc tùng.
Matriona chau mày, thở dài đánh thượt:
- Ăn uống suốt, miệng ăn núi lở thôi mà!
Nghe tin về những loại máy mới vừa được phát minh, Matriona
cất tiếng lầu bầu trong bếp:
- Lúc nào cũng máy mới, máy mới, thế máy cũ không làm thì vứt
đi đâu?
Người ta còn dự báo trong năm đó vệ tinh nhân tạo của trái đất
sẽ được phóng lên quỹ đạo.
Matriona lắc đầu nhún vai:
- Khiếp thật, thế thì người ta sẽ làm biến đổi mùa đông hay
mùa hè mất thôi.
Saliapin hát những bài hát Nga. Matriona đứng nghe một lúc
lâu rồi nói dứt khoát:
- Hát kiểu gì ấy, không như dân mình hát.
- Bà nói thế nào ấy chứ, Matriona Vaxilievna, bà nghe lại
đi!
Bà lại nghe, mắm chặt môi, rồi nói:
- Không. Không chuẩn. Không phải lối hát của chúng ta. Ca sĩ
lại còn khoe giọng nữa.
Bù lại, Matriona cũng đã làm tôi cảm thấy mát ruột. Đài phát
lại một chương trình hòa nhạc một số bản tình khúc của Glinka. Đột nhiên sau
năm bản tình khúc thính phòng, Matriona co ro đi từ phía sau vách bếp lên, tay
giữ chặt tạp dề, cặp mắt mờ rớm lệ:
- Đây này, đây mới là hồn của chúng ta... - bà thì thầm.
Còn tiếp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét