Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Ngôi nhà của Matriona - Aleksandr Solzhenitsyn (P 3)

Aleksandr Solzhenitsyn

Ngôi nhà của Matriona

Phần 3

Matriona đã quen có tôi, tôi cũng đã quen có bà, và chúng tôi sống với nhau một cách thật thà dung dị. Bà không gây trở ngại gì cho công việc buổi tối kéo dài dằng dặc của tôi, không căn vặn thế này thế khác. Cho đến thời điểm đó, tôi không thấy ở bà cái thói tò mò tọc mạch thường thấy ở phụ nữ, cụ thể là cho đến thời điểm đó, bà tỏ ra tế nhị tới mức chưa hề hỏi thăm tôi đã có vợ hay chưa, lấy vợ từ bao giờ. Các bà các chị ở Talvono cứ xoắn lấy bà mà hỏi thăm về tôi. Bà bảo họ:
- Ai muốn biết thì đi mà hỏi người ta. Tôi chỉ biết anh ấy là người nơi khác đến thôi.
Ít lâu sau, khi tôi thổ lộ với bà rằng tôi đã ở tù khá lâu thì bà chỉ gật đầu, ý như bà đã ngờ ngợ như thế từ trước.
Cũng như bà, tôi chỉ nhìn thấy một Matriona của hôm nay, một bà già lẻ loi cô quạnh. Tôi cũng không khơi dậy quá khứ của bà, cũng không hi vọng tìm được chút gì trong đó.
Tôi biết rằng Matriona lấy chồng từ trước Cách mạng, rồi ở luôn trong ngôi nhà chúng tôi đang ở, bắt tay ngay vào quán xuyến công việc gia đình vì mẹ chồng và người chị gái ở vậy của chồng đều đã mất, và ngay buổi sáng đầu tiên sau ngày cưới, Matriona đã phải đâm đầu vào bếp. Tôi biết rằng bà đã sinh được sáu người con nhưng đều chết yểu nên chưa bao giờ có được hai con còn sống. Về sau bà có một cô con gái nuôi tên là Kira. Chồng Matriona đã ra trận không về. Giấy báo tử cũng không. Các chiến hữu đồng hương cùng đại đội nói rằng ông hoặc đã bị bắt làm tù binh hoặc đã hi sinh nhưng không tìm thấy thi hài. Mười một năm sau chiến tranh, Matriona đã tự nhủ lòng là hãy cứ coi ông như người đã mất. Thà như vậy còn hơn. Chứ giả dụ bây giờ ông vẫn sống thì cũng phải là người có vợ ở đâu đó tận Brazil hoặc Australia. Và làng Talnovo lẫn tiếng Nga ông cũng quên dần...
Một lần ở trường về, tôi thấy trong nhà có khách. Một ông già cao lớn, tóc vẫn còn xanh, mũ lông để trên đầu gối, đang ngồi ở chiếc ghế tựa mà Matriona đẩy ra giữa phòng, về phía chiếc bếp lò Hà Lan, mời khách ngồi chơi. Râu tóc đen dày, hầu như chưa có sợi bạc, trùm kín gương mặt ông: bộ ria mép rậm rạp màu đen nhập làm một với bộ râu cằm to bự cũng màu đen, thành thử mồm miệng chỉ còn hiện ra thấp thoáng; hai vạt râu quai nón rậm rịt màu đen chạy từ dưới lên đón lấy những mớ tóc đen buông từ trên xuống, che gần kín cả hai tai; cặp lông mày sâu róm cong chụm vào nhau. Chỉ có trán là hiện ra như một mái vòm nhẵn thín nối liền với cả khoang đầu hói rộng bên trên. Trước mắt tôi, toàn bộ dung mạo của ông già toát lên vẻ thông minh và đĩnh đạc. Ông ta ngồi với vẻ rụt rè, hai tay đặt trên đốc cây gậy đang chống thẳng xuống sàn, ông ngồi trong tư thế nóng lòng chờ đợi và rõ ràng là không nói chuyện nhiều với Matriona lúc này đang lúi húi bên kia vách bếp.
Khi tôi bước vào nhà, ông nhẹ nhàng quay cái đầu oai vệ về phía tôi và cất tiếng chào, gọi đúng tên tôi:
- Thầy giáo!... Tôi nhìn thầy không được rõ. Thằng con tôi học với thầy đấy. Nó là Grigoriev Antoxka...
Không cần ông phải nói thêm gì nữa. Đang nóng lòng muốn được giúp đỡ ông già đáng kính này, tôi không để ông phải nói những lời vô ích nữa, tôi biết cả rồi. Grigoriev Antoxka là một cậu bé trắng trẻo ục ịch, hai má ửng hồng, học sinh lớp 8G. Nó đến trường như đi nghỉ mát, ngồi trong lớp mỉm cười nhạt nhẽo. Về nhà, nó chẳng bao giờ ngó đến sách vở. Tuy nhiên, với mục tiêu phấn đấu đạt thành tích cao về dạy và học, giữ vững danh hiệu vinh quang mà các trường trong huyện trong tỉnh chúng tôi và các tỉnh bạn đã giành được, hết năm này sang năm khác, nhà trường vẫn cho nó lên lớp. Nó đã hiểu rõ rằng cho dù các thầy có dọa dẫm thế nào đi nữa thì cuối năm nó vẫn được lên lớp như thường, học làm gì cho nhọc xác! Học lớp 8 rồi mà nó vẫn chẳng biết gì về phân số, không phân biệt được các kiểu tam giác. Trong hai quý đầu của năm học nó bị toàn điểm hai ở môn tôi dạy, sang quý ba chắc cũng vậy thôi.
Nhưng với ông già mù dở, người bố, người lại đáng tuổi ông thằng Antoxka, người đang cầu cạnh tôi đây, liệu tôi có thể nói được rằng nhà trường đã lừa dối ông hết năm này sang năm khác, tôi không thể lừa dối ông được nữa, nếu không tôi sẽ làm hỏng hết lớp học, tôi sẽ biến thành kẻ ba hoa và tôi sẽ phải nhổ toẹt vào toàn bộ lao động và danh hiệu của chính mình?
Song tôi lại đành nhẫn nhục giải thích với ông rằng con ông quá xao nhãng học hành, đến trường hay về nhà đều nói dối quanh, phải kiểm tra sổ điểm của nó thường xuyên hơn và cả hai bên phải thực sự nghiêm khắc với nó.
- Còn nghiêm khắc thế nào nữa, thưa thầy, - ông khách đoan chắc với tôi. - Tuần nào tôi cũng đánh đòn nó cả. Đánh đau.
Qua câu chuyện tôi bỗng nhớ ra là có lần Matriona không hiểu vì lý do gì cũng đã đề nghị giải quyết việc gì đó cho thằng Antoxka Grigoriev, nhưng tôi đã không hỏi là nó có họ như thế nào với bà, và tôi đã từ chối. Còn bây giờ Matriona cũng ra đứng trong khung cửa bếp với vẻ khẩn cầu nhưng chẳng nói gì. Và khi Faddeia Mironovitr đã từ biệt tôi với lời đề nghị được gặp lại tôi để được biết tin tức, tôi liền hỏi Matriona:
- Matriona Vaxilievna này, tôi chưa hiểu, Antoxka nó là thế nào với bà nhỉ?
- Con của anh chồng, - Matriona trả lời cụt lủn rồi đi vắt sữa dê.
Hiểu rồi, ông già tóc đen kiên nhẫn đó là anh ruột chồng bà, một quân nhân mất tích.
Suốt buổi tối, Matriona không đề cập gì đến chuyện đó nữa. Mãi tới khuya, khi tôi đã quên bẵng về ông già, đang làm việc trong ngôi nhà yên tĩnh, chỉ còn lạo xạo tiếng gián và tiếng tích tắc của đồng hồ, Matriona bỗng nói vọng ra từ trong góc tối của bà:
- Ignatitr này, ngày xưa tôi suýt lấy ông ấy đấy.
Tôi thậm chí đã quên khuấy đi sự hiện diện của bà, không nghe thấy bà nói gì, nhưng giọng nói của bà vẳng ra từ chỗ tối nghe hồi hộp cứ như ông già kia đang tình tự với bà.
Rõ ràng là cả buổi tối hôm nay Matriona chỉ nghĩ về chuyện đó.
Bà bước ra khỏi chiếc giường lót giẻ tồi tàn, chậm rãi đến bên tôi, chừng như đang nhịp bước với những lời tâm sự. Tôi ngả người vào lưng ghế và lần đầu tiên tôi nhìn thấy Matriona khác hẳn mọi ngày.
Trong căn phòng lớn, um tùm cây cảnh này thì phía trên bị tối. Ngọn đèn bàn chỉ chiếu sáng những quyển vở của tôi, nên khi tôi đưa mắt từ chỗ sáng nhìn ra thì cả căn phòng chìm trong ánh hồng hồng. Matriona từ trong đó hiện ra. Tôi thấy hình như đôi má của bà không còn vàng vọt nữa, mà cũng ửng hồng lên.
- Ông ấy là người đầu tiên dạm hỏi tôi... trước Efim... Ông ấy là anh. Năm ấy tôi mười chín tuổi, Faddeia thì hai mươi ba. Ngày ấy nhà họ ở ngay trong ngôi nhà này đấy. Nhà của họ đấy. Ông cụ thân sinh ra họ cất lên đấy.
Tôi bất giác đưa mắt nhìn quanh. Trước mắt tôi, xuyên qua lớp áo màu xanh nhạt thếch bằng giấy bồi tường, bên trong có chuột chạy, ngôi nhà mục nát xám xịt bỗng hiện ra mới mẻ, thuở ấy vẫn tươi màu, gỗ súc nhẵn nhụi, thơm phức mùi nhựa cây.
- Thế bà với ông ấy thì thế nào?...
- Mùa hè năm ấy... chúng tôi vào rừng ngồi, - bà thì thầm. - Cánh rừng nhỏ ấy bây giờ là khu chuồng ngựa đấy, người ta chặt cây đi... Tôi sắp lấy ông ấy thì chiến tranh chống Đức nổ ra, Ignatitr ạ. Faddeia được lệnh lên đường ra trận.
Matriona bỏ lửng câu chuyện - trước mắt tôi sáng rực lên cái tháng bảy xanh, trắng và vàng của năm một ngàn chín trăm mười bốn: bầu trời vẫn thanh bình, mây nhởn nhơ bay và không khí làm việc sôi nổi trên đồng lúa chín. Tôi mường tượng thấy hai người đang sánh vai nhau: chàng trai vạm vỡ, tóc đen nhánh, vai vác liềm bên cô thôn nữ má hồng, tay ôm bó lúa. Và họ cất lên tiếng hát, hát mãi dưới trời xanh, những bài hát từ lâu làng quê không hát nữa, những bài hát không thể hát cùng máy móc.
- Ông ấy ra trận rồi biệt tăm luôn... Suốt ba năm tôi đã sống khép kín, dốc lòng chờ đợi. Vẫn cứ là bặt vô âm tín...
Trong khoảng mờ tối, đối diện với tôi là gương mặt bầu bầu của Matriona quấn trong tấm khăn trùm bạc phếch. Gương mặt ấy dường như không còn những nếp nhăn, không còn lộ ra giữa tấm khăn xoàng xĩnh thường ngày mà là một gương mặt thanh xuân thảng thốt trước một sự lựa chọn đáng sợ.
Vâng. Vâng... Tôi hiểu... Lá rụng, tuyết rơi, rồi tuyết lại tan. Người ta lại cày, lại gieo, lại gặt. Và lá lại rụng, và tuyết lại rơi. Và một cuộc cách mạng. Và một cuộc cách mạng khác.
Và cả thế giới đảo lộn.
- Mẹ họ mất, thế là Efim đặt vấn đề với tôi. Ông ấy bảo: Trước đây cậu đã muốn đến làm người nhà này, thì bây giờ hãy đến đi! Efim kém tôi một tuổi. Các cụ ở đây thường nói: “Thuận rồi thì cưới cho nhanh, chớ để tròng trành gió giật thuyền nghiêng”. Gia đình họ cũng đang thiếu người trông nom quán xuyến. Tôi đã lấy ông ấy... Chúng tôi làm lễ thành hôn vào ngày lễ Thánh Petrov thì đến ngày lễ Thánh Mikol vào mùa đông... Faddeia trở về... từ trại tù binh ở Hunggari.
Matriona nhắm mắt lại.
Tôi ngồi lặng thinh.
Bà quay người về phía cửa cứ như đó là một nhân chứng sống:
- Ông ấy dừng lại bên ngưỡng cửa. Tôi hét toáng lên. Suýt nữa thì tôi đã nhào ra phủ phục dưới chân ông!... Không thể được... Ông ấy nói: Nó mà không phải là em ruột ta thì ta đã băm chết cả hai đứa rồi!
Tôi rùng mình. Từ sự xúc động hay sợ hãi của bà, tôi đã hình dung ra một cách sống động cái giây phút ông đang đứng giữa những cánh cửa sẫm màu, râu tóc đen nhánh, tay vung chiếc rìu lên trước mặt Matriona.
Nhưng bà đã bình tâm trở lại, đứng tì người vào lưng tựa của chiếc ghế trước mặt và kể bằng một giọng du dương:
- Khổ thân ông ấy! Gái làng có thiếu gì đâu nhưng nhất định ông ấy không lấy. Ông ấy nói: Tôi sẽ đi tìm cái tên em, tìm một Matriona khác. Và ông ấy cũng đã mang từ Lipovka về một Matriona, cất một ngôi nhà riêng mà bây giờ họ vẫn đang ở đấy, hôm nào anh chả đi qua nhà họ để đến trường.
À ra thế! Bây giờ tôi mới hiểu là tôi đã nhiều lần nhìn thấy bà Matriona thứ hai. Tôi không thích bà ta: bà ta cứ đến với Matriona của tôi để than phiền về việc bị chồng đánh, rồi chồng keo kiệt, hành hạ bà ta. Bà ta khóc đến lâu, lúc nào cũng nghẹn ngào, thổn thức.
Hóa ra Matriona của tôi cũng chẳng bận tâm đến việc Faddeia đánh vợ, ức hiếp cả nhà.
- Ông nhà tôi thì chẳng bao giờ đánh tôi, - bà nói về Efim. - Ra ngoài thì ông ấy vẫn choảng nhau với bọn đàn ông, nhưng với tôi thì quả chưa từng... Riêng cái lần tôi cãi nhau với bà chị ông ấy thì ông ấy có cầm cái thìa cộp một cái vào trán tôi. Đang ăn tôi bỗng đứng phắt dậy, hét toáng mấy câu rồi bỏ vào rừng. Từ đó về sau, ông ấy không bao giờ động đến tôi nữa.
Xem chừng Faddeia cũng có gì đáng hối tiếc đâu: Matriona thứ hai của ông cũng sinh cho ông được sáu đứa (Antoxka là út, một đứa lì lợm), cả sáu đứa đều đậu cả. Còn vợ chồng Matriona - Efim thì tất cả mấy đứa con đều chết yểu hết, không chứng bệnh gì mà chẳng đứa nào đậu được đến ba tháng tuổi.
- Một đứa con gái, nó là Elena, lọt lòng ra vẫn khóc, vậy mà tắm rửa xong là nó đi luôn, không còn phải tắm rửa cho thi hài nữa. Đám cưới của tôi nhằm vào ngày lễ Thánh Petrov thì lễ an táng đứa thứ sáu là thằng Alekxander cũng lại nhằm vào ngày lễ Thánh Petrov.
Và cả làng đều nhất mực cho rằng Matriona đã bị phù phép.
- Tôi bị phù phép đấy! - Đến nay Matriona vẫn gật gù xác nhận. - Người ta chở tôi đến nhà một cựu nữ tu để chữa bệnh, bà ta làm cho tôi phát ho lên, bắt ọc ra bằng được con nhái đang bị yểm trong bụng. Chán! Chẳng ăn thua gì cả!
Năm tháng trôi đi như nước chảy qua cầu... Năm bốn mươi mốt Faddeia không trúng tuyển vì mắt kém, còn Efim trúng tuyển. Và cũng giống người anh trai hồi Thế chiến thứ nhất, người em lại biệt tích vào Thế chiến thứ hai. Nhưng người em thì đã không bao giờ trở lại.
Ngôi nhà trước đây lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp mà nay hoang vắng tiêu điều, và bà Matriona cô quạnh cũng đang héo tàn trong đó.
Và bà đã xin của bà Matriona thứ hai tội nghiệp một khúc ruột của bà ta (hay là một giọt máu của Faddeia?): đứa con gái bé của họ, Kira.
Suốt mười năm, bà đã nuôi dạy cô gái như con đẻ, thay cho những đứa con xấu số của mình.
Trước khi tôi đến đây ít lâu, bà đã gả cô cho một chàng tài xế xe lửa ở Trerusti. Đối với bà, nguồn trợ giúp nhỏ nhoi duy nhất hiện nay là thỉnh thoảng họ mang đường, nếu giết lợn thì mang mỡ cho bà.
Lúc đang khốn khổ vì bệnh tật và nghĩ mình sắp chết, Matriona đã dặn lại rằng sau khi bà mất, Kira sẽ được thừa hưởng căn nhà phụ. Còn nhà chính thì bà không đả động đến. Ba bà em của bà đã nhắm nhe rồi.
Tối hôm đó, Matriona đã bộc bạch với tôi tất cả nỗi lòng. Và, như thường lệ, mối dây ràng buộc và ý nghĩa cuộc đời bà, những điều mà tôi vừa loáng thoáng nhận ra, đã hiện dần ra trong thực tế vào chính những ngày này. Kira đã từ Trerusti về, ông già Faddeia đang lo: muốn xin và giữ được lô đất ở Trerusti thì vợ chồng nhà nó phải cất cho được một căn nhà.
Căn nhà phụ của Matriona hoàn toàn phù hợp. Không còn cách nào khác vì biết đào đâu ra gỗ nữa. Trong việc chiếm lĩnh lô đất ở Trerusti thì chính Kira lẫn chồng cô đều không sốt ruột bằng bố, ông sốt ruột thay cho họ.
Ông Faddeia từ đó thường xuyên đến chỗ chúng tôi, ra công cố sức khuyên bảo rồi ép buộc Matriona phải cho chúng căn nhà ngay bây giờ, ngay lúc bà còn sống. Những lần ông đến, tôi thấy ông không còn là một lão già chống gậy hom hem, chỉ cần một va chạm nhỏ hay một lời nói nặng thôi là đủ để lăn kềnh. Tuy đã hơi còng vì đau ở eo lưng nhưng nom lão vẫn gọn gàng cân đối, ngoài sáu mươi mà râu tóc hãy còn xanh, nhiệt huyết có thừa.
Hai đêm liền Matriona không chợp mắt được. Thật khó nghĩ quá. Bản thân căn nhà để không thì bà không tiếc, cũng như nói chung thì công sức, của cải của mình bà chẳng tiếc xót gì bao giờ. Mà căn nhà phụ thì bà cũng đã cho Kira được thừa kế rồi. Nhưng bảo bây giờ đem tháo dỡ cái căn nhà bà đã ở bốn chục năm nay thì bà cũng hãi. Thậm chí như tôi, một người khách trọ, cũng thấy đau lòng một khi những tấm ván, những súc gỗ kia bị cạy bật, tháo rời. Và như thế thì toàn bộ cuộc đời Matriona cũng coi như hết.
Nhưng những người đang nằng nặc đòi nhà thì vẫn bảo rằng có thể tháo dỡ căn nhà ngay khi bà còn sống.
Thế là vào một sáng tháng hai, Faddeia kéo cả tốp năm tay rìu gồm toàn con trai con rể đến cậy vách ken két, phang nện ầm ầm. Mắt Faddeia lấp lánh vẻ tinh anh của một người thạo việc. Tuy không thẳng lưng lên được, lão vẫn khéo léo đu lên tận vì kèo và làm việc luôn tay, quát gọi người nọ người kia phụ giúp. Căn nhà này do lão cùng với bố lão tự tay cất dựng từ ngày lão còn là một gã thiếu niên. Căn nhà này làm ra chính là dành cho lão, cậu con trai cả, sau này lấy vợ ra riêng. Còn bây giờ lão đang hùng hổ tháo tung ra để chuyển đi nơi khác.
Họ đánh số các súc gỗ vách và ván lát trần rồi tháo dỡ căn nhà phụ với buồng kho, còn nhà chính với các giải nhà cầu vừa bị cắt ngắn thì họ thưng tạm bằng ván mỏng. Họ bỏ qua những khe hở còn lộ ra trên vách, mọi sự đều cho thấy kẻ phá hoại không phải là người xây dựng. Vả chăng họ cũng chẳng nghĩ rằng Matriona còn sống ở đây lâu.
Trong lúc đàn ông dỡ nhà thì đàn bà con gái xúm vào cất rượu cho bữa tiệc khởi hành chứ tiền đâu mà uống vodka. Kira mang từ tỉnh Mátxcơva về cho Matriona một put đường kính, ban đêm bà thường lén lút mang đường và chai đi kiếm rượu ngang.
Gỗ súc đã được mang ra xếp ngay ngắn trước cổng, anh con rể lái tàu đã về Trerusti gọi máy kéo.
Nhưng ngay hôm đó bão tuyết đã tràn về. Bão tuyết quay cuồng suốt hai ngày đêm, đường sá ngập trong những đống tuyết lớn. Rồi khi đường vừa được dọn, xe tải bắt đầu chạy được vài chuyến thì trời bỗng ấm lên, mây mù ẩm ướt kéo đến, và chỉ trong một ngày, tuyết tan chảy thành suối kêu róc rách, nước dây lép nhép cả vào trong ống ủng.
-------------
Còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét