Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Cuộc đời của Pi - Yann Martel (P 5)


Chương 54

Ngày rạng và mọi thứ càng tệ hơn. Vì bây giờ, ra khỏi bóng đêm, tôi nhìn thấy cả những gì mà trước đây chỉ có thể cảm thấy: Những màn mưa mênh mang từ các tầng trời cao thẳm đổ xuống như muốn nghiền nát tôi, và những con sóng thay nhau cuốn tôi lên cao rồi dìm tôi xuống thấp.
Mắt đờ đẫn, run lẩy bẩy và tê dại, một tay quắp cái hứng mưa, tay kia bám chặt vào bè, tôi tiếp tục chờ đợi.
Một lúc sau, với sự bất ngờ được nhấn mạnh hơn nữa bằng cái yên ắng tiếp theo, mưa ngừng rơi. Trời trong, và dường như các con sóng đã theo mây mà biến đi. Thay đổi thật nhanh và triệt để, như khi ta đi từ nước này sang nước kia trên đất liền. Bây giờ thì tôi đang ở trên một đại dương khác hẳn. Một lát sau, mặt trời ngự trị trên cái vòm xanh và biển cả là một làn da mịn phản chiếu ánh sáng với ức triệu mảnh gương lấp lánh.
Tôi tê cứng hết người, đau nhức và kiệt sức, chẳng biết có nên mừng vì còn sống hay không nữa. Những từ “Kế hoạch số sáu, kế hoạch số sáu, kế hoạch số sáu”, lặp đi lặp lại trong đầu tôi như một câu thần chú và đem lại một chút an ủi, mặc dù tôi không còn nhớ nội dung của kế hoạch số sáu là gì nữa. Xương cốt tôi bắt đầu ấm trở lại. Tôi gập cái hứng mưa. Tôi quấn chăn quanh người và nằm nghiêng, cuộn tròn sao cho không có chỗ nào chạm xuống đến nước, rồi ngủ thiếp đi.
Không biết tôi đã ngủ bao lâu. Tỉnh dậy thì thấy có vẻ đã gần trưa, nóng bức. Cái chăn đã gần như khô. Một giấc ngủ ngắn thật say. Tôi nghển cổ lên, chống một khuỷu tay.
Xung quanh tôi phẳng phiu vô tận, một toàn cảnh vô cùng tận của màu xanh nước biển. Không có gì cản tầm mắt. Cái mênh mang đập vào tôi như một cú đấm thúc vào bụng. Tôi nằm vật xuống, đầu óc quay tít. Cái bè này chỉ là một trò đùa. Nó chỉ là vài cái que và một mẩu nút chai buộc lại với nhau. Nước trào lên qua các kẽ hở. Đáy nước thăm thẳm bên dưới sẽ khiến cho ngay cả một con chim cũng phải chóng mặt. Tôi thấy cái xuồng nó chẳng hơn gì một nửa cái vỏ hạt dẻ. Nó nổi trên mặt nước cũng như mấy ngón tay đang bám víu lấy mép vực thẳm. Sớm muộn gì rồi trọng lực cũng kéo nó xuống mà thôi.
Kẻ cùng cảnh ngộ với tôi xuất hiện. Nó đứng hai chân trước lên mạn xuồng và nhìn về phía tôi. Cảnh tượng một con hổ thình lình xuất hiện thì bao giờ và ở đâu cũng choáng ngợp cả, nhưng nó càng choáng ngợp hơn trong khung cảnh lúc đó. Vẻ tương phản lạ lùng giữa bộ cánh da cam tươi có vằn đen của nó với màu trắng đục của vỏ xuồng thật mạnh mẽ và hấp dẫn không thể tưởng tượng được. Các giác quan mệt mỏi của tôi đột nhiên ngừng hết cả lại như một chiếc xe đang chạy hết tốc lực bị kéo hết phanh. Thái Bình Dương mênh mông là vậy, thế mà đột nhiên giữa chúng tôi, nó trở thành chật hẹp như thể chỉ là một hào nước hẹp, không rào không giậu.
“Kế hoạch số sáu, Kế hoạch số sáu, Kế hoạch số sáu”, tâm trí tôi thì thào khẩn cấp. Nhưng kế hoạch số sáu là cái gì? A, đúng rồi. Chiến tranh vây hãm và bỏ đói. Trò chơi chờ đợi. Trò thụ động. Kệ cho mọi việc tự nó xảy ra. Quy luật sắt của thiên nhiên. Cuộc hành quân không ngừng nghỉ của thời gian và việc tàng trữ lương thực. Đó là kế hoạch số sáu.
Một ý nghĩ réo lên trong đầu tôi như một tiếng thét giận dữ: “Đồ ngu ngốc! Thằng cả đần! Đồ khỉ! Kế hoạch số sáu là kế hoạch dở nhất! Richard Parker đang sợ hãi biển cả như một nấm mồ của chính mình. Nhưng đói khát sẽ làm cho nó hết sợ. Và nó sẽ làm đủ thứ để thoả mãn nhu cầu đó. Nó sẽ biến con hào nước hẹp thành một cái cầu. Nó sẽ bơi đến tận khi nào đến được bè để có thức ăn. Còn nước uống, chẳng nhẽ mi đã quên là ở Sundarbans người ta thấy hổ uống cả nước biển mặn đấy ư? Mi tưởng có thể thi gan với quả thận kiểu đó của nó hay sao? Ta nói cho mi biết, nếu mi phát động chiến tranh vây hãm và bỏ đói, mi sẽ thua! Mi sẽ chết! ĐÃ RÕ CHƯA?”.

 

Chương 55

Tôi phải có vài lời về sự sợ hãi. Sợ hãi là đối thủ thực sự duy nhất của cuộc sống. Chỉ có sợ hãi mới đánh bại được cuộc sống. Nó là một đối thủ khôn ngoan và xảo quyệt, tôi biết điều này quá rõ. Nó không có liêm sỉ, không tuân thủ bất cứ một luật lệ gì, không biết thương xót. Nó tấn công chỗ yếu nhất của ta, và bao giờ cũng tìm thấy chỗ đó một cách dễ dàng. Nó luôn tấn công trước hết vào tinh thần của ta. Ta đang bình tĩnh, chủ động, hạnh phúc. Đùng một cái, sợ hãi, ngụy trang dưới dạng một nghi ngờ nhẹ nhàng, lẻn vào tinh thần ta như một tên gián điệp. Nghi ngờ gặp phải Không tin và Không tin cố đánh bật nó ra. Nhưng Không tin là một anh lính quèn kém võ trang. Nghi ngờ loại anh này ra khỏi vòng chiến một cách dễ dàng. Ta bắt đầu lo lắng, bồn chồn. Lý lẽ liền xung trận bảo vệ ta. Ta thấy yên lòng lại. Lý lẽ được trang bị bằng một thứ vũ khí và công nghệ hiện đại nhất. Nhưng, trước sự kinh ngạc của ta, mặc dù đã có những chiến thuật siêu đẳng và một số chiến thắng không thể phủ nhận, Lý lẽ vẫn bị yếu thế. Ta lại thấy yếu lòng, hoang mang. Nỗi lo lắng và bồn chồn của ta trở thành kinh hoàng.
Lúc ấy, Sợ hãi dồn toàn lực sang cơ thể ta, vốn đã lờ mờ cảm thấy có chuyện chẳng lành đang xảy ra. Lập tức, hai lá phổi ta vỗ cánh bay mất như một con chim, còn ruột gan ta thì như bầy rắn hốt hoảng trườn đi. Rồi đến lưỡi ta cứng đơ lại, còn hàm thì bắt đầu phi nước kiệu tại chỗ. Tai ta điếc đặc, còn cơ bắp bắt đầu run rẩy như sốt rét còn hai đầu gối thì bắt đầu run rẩy. Tất cả những bộ phận khác cũng vậy. Bộ phận nào cũng hỏng theo kiểu riêng của chúng. Chỉ có hai con mắt là chạy tốt. Chúng luôn chú ý tới sợ hãi.
Và thế là ta nhanh chóng có những quyết định tai hại. Ta bỏ rơi những đồng minh cuối cùng của mình là Hy vọng và Tin tưởng. Đó là lúc ta tự đánh bại chính mình. Và sợ hãi, thực chất, chỉ là ấn tượng đã đánh bại ta.
Chuyện đó rất khó nói ra bằng lời, bởi vì sợ hãi, nỗi Sợ hãi thực sự hằn sâu vào tận cốt tủy như khi ta phải đối mặt với cái chết, sẽ làm tổ trong ký ức ta như một tổ thịt thối: nó tìm cách làm thối mọi thứ, kể cả những lời sẽ phải dùng để nói về chính nó. Cho nên ta phải đấu tranh kịch liệt để diễn đạt nó ra. Ta phải chiến đấu đến cùng để làm rõ rang ánh sáng của những lời dùng để nói về nó. Bởi lẽ nếu không thế, nếu nỗi sợ hãi của ta trở thành một cõi đen tối không lời mà ta lẩn tránh, thậm chí còn có thể lãng quên, ta sẽ bỏ ngỏ chính ta cho những cuộc tấn công khác nữa của Sợ hãi, vì ta đã chưa bao giờ thực sự kháng cự kẻ đã từng đánh bại ta.

Chương 56

Chính Richard Parker làm tôi bình tĩnh trở lại. Điều trớ trêu trong chuyện này là lúc đầu nó đã làm tôi sợ mất mật nhưng lại cũng chính nó đem lại cho tôi sự bình yên, mục đích, và tôi dám nói rằng cả lành mạnh nữa.
Nó đang nhìn tôi rất chăm chú. Một lúc sau thì tôi hiểu ra cái nhìn của nó. Tôi đã lớn lên với nó. Đó là cái nhìn của một con thú đang bằng lòng với cuộc đời của mình, kiểu như ta đang nhìn ra ngoài sau một bữa ăn ngon trong tiệm và đã đến lúc nhìn ngó mọi người và chuyện gẫu với nhau. Rõ ràng. Richard Parker đã ăn con linh cẩu đến căng bụng và uống đã nước mưa. Nó không hề nhe răng lợi, không gầm gừ lầu bầu gì hết. Nó chỉ giản dị nhìn tôi, quan sát tôi với dáng vẻ tỉnh táo nhưng không đe dọa. Nó vẫy tai, quay đầu sang hai bên với các góc độ khác nhau, hệt như loài mèo vẫn có thói như thế. Nó trông giống một con mèo to béo nuôi trong nhà, một con mèo cảnh nặng hơn hai tạ.
Nó khụt khịt, một tiếng khụt khịt từ trong mũi. Tôi dỏng tai. Nó khụt khịt lần nữa.
Tôi kinh ngạc. Chẳng lẽ thế?
Hổ phát ra nhiều âm thanh khác nhau. Chúng bao gồm một số tiếng gầm và tiếng gừ, to nhất trong số này có lẽ là tiếng aaoonh, rung hết các thanh đới, mà các con đực và cái thường phát ra trong mùa giao phối. Đó là tiếng kêu vang rất xa và rộng, nếu nghe gần thì cực kì khủng khiếp. Khi bị bất ngờ, hổ hộc lên một tiếng nghe như tiếng nổ gọn và sắc của một khối giận dữ, và ngay lúc ấy khiến chân ta bật lên tháo chạy nếu không phải bị rúm lại một chỗ. Khi chúng xông vào con mồi, hổ phát ra những tiếng gầm ngắn như tiếng ho tận cổ họng, còn để dọa thì tiếng gầm của nó lại mang âm sắc khác. Hổ còn có lối phì và gừ qua kẽ răng. Nghe có lúc như tiếng lá thu xào xạc trên đất, nhưng âm vang hơn một chút, hoặc nếu là một tiếng gừ giận dữ thì nghe như một cánh cửa khổng lồ đang từ từ mở ra trên những chiếc bàn lề gỉ sét, và cả hai loại âm thanh này đều làm ta buốt hết cả các đốt sống lưng. Hổ còn có nhiều âm thanh khác nữa. Khi chúng càu nhàu và rền rĩ. Chúng ư ử nhè nhẹ, mặc dù không có âm điệu và không thường xuyên như mèo, và chỉ ư ử khi thở ra. (Chỉ có mèo là ư ử cả khi thở ra và hít vào. Đặc tính này phân biệt rõ rệt mèo với hổ. Đặc tính phân biệt nữa là chỉ có hổ mới có thể gầm. Thế cũng là tốt. Giả dụ mèo nhà mà cũng biết gầm như hổ thì chắc là chẳng ai muốn nuôi chúng như hiện nay). Hổ thậm chí có lúc kêu meo meo như mèo nhà, nhưng tiếng to hơn và âm vực thấp hơn, không khuyến khích người nghe cúi xuống bế chúng lên. Và hổ có thể hoàn toàn im lặng một cách oai vệ, đúng thế.
Tôi đã từng nghe tất cả những âm thanh đó từ hồi còn nhỏ. Trừ cái tiếng khụt khịt này mà người ta gọi là prusten. Sở dĩ tôi biết prusten là vì cha đã kể cho tôi biết.
Trong sách cũng đã có những miêu tả về tiếng khụt khịt này của hổ. Nhưng cha đã một lần nghe thấy nó khi đến thăm và làm việc ở vườn thú Mysore, trong bệnh viện của bầy thú ở đó, từ một con hổ đực còn non đang được điều trị bệnh viêm phổi. Prusten là âm thanh im ắng nhất của loài hổ, một âm thanh phát ra qua lỗ mũi để biểu thị lòng thân thiện và những ý định vô hại.
Richard Parker lại khụt khịt nữa, lần này thì với một động tác quay đầu. Trông nó đúng là đang cất tiếng hỏi tôi điều gì.
Tôi nhìn nó, lòng tràn đầy một sự kì diệu đáng sợ. Không thấy bị đe dọa ngay lập tức nữa, hơi thở của tôi lại dịu lại, tim không còn đập loạn xạ, và tôi bắt đầu tỉnh táo trở lại.
Phải thuần phục nó. Tôi chợt nhận ra điều đó. Không còn là vấn đề nó hoặc tôi, mà là nó và tôi. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chúng tôi đang cùng hội cùng thuyền. Chúng tôi sẽ sống – hoặc sẽ chết – cùng với nhau. Nó có thể bị chết vì một tai biến nào đó, hoặc có thể chết nhanh chóng hơn vì các nguyên nhân tự nhiên, nhưng hy vọng một kết cục như vậy là một điều xuẩn ngốc. Điều ngược lại còn dễ xảy ra hơn, vì với thời gian, sức người yếu ớt nơi tôi sẽ không thể bền bỉ như sức vóc thú vật của nó. Chỉ khi tôi thuần phục được nó, may ra tôi mới có thể lừa nó vào cái chết trước, nếu chúng tôi bị dồn vào tính trạng đáng buồn ấy.
Còn nhiều chuyện nữa. Tôi sẽ nói hết. Tôi sẽ thú nhận một bí mật; một phần con người tôi thấy vui vì có Richard Parker. Một phần con người tôi không muốn Richard Parker chết một tí nào. Vì nếu nó chết, tôi chỉ có một mình với nỗi tuyệt vọng, một đối thủ còn ghê gớm hơn cả một con hổ. Nếu như tôi vẫn còn muốn sống, thì đó là vì Richard Parker. Nó khiến tôi không phải nghĩ quá nhiều đến gia đình tôi và hoàn cảnh bi thảm của tôi. Nó thúc tôi tiếp tục sống. Tôi căm ghét nó là vì thế, mà cũng biết ơn nó là vì thế. Đúng là tôi biết ơn nó. Sự thật hiển nhiên là: không có Richard Parker, tôi đã không còn sống để kể câu chuyện này.
Tôi nhìn ra chân trời khắp xung quanh. Chẳng phải tôi đang có một sân khấu xiếc hoàn hảo, tròn trịa, không thể đào tẩu đi đâu và cũng không có một ngóc ngách nào để lần trốn được hay sao? Tôi nhìn xuống biển. Chẳng phải đó là nguồn các món ăn có thể dùng để thưởng và dạy nó nghe lời hay sao? Tôi để ý thấy có một cái còi lủng lẳng ở một chiếc áo phao. Đó chẳng phải là chiếc roi tốt để cho nó đi đúng hàng đúng lối hay sao? Còn thiếu gì nữa để thuần phục Richard Parker? Thời gian ư? Phải hàng nhiều tuần lễ trước khi có chiếc tàu nào tình cờ phát hiện ra tôi. Quyết tâm ư? Không có gì khiến ta quyết tâm bằng nhu cầu sống còn. Kiến thức ư? Chẳng phải tôi là con trai của một người chủ vườn thú đấy sao? Phần thưởng ư? Có phần thưởng nào lớn hơn chính cuộc sống? Có hình phạt nào khủng khiếp hơn cái chết? Tôi nhìn Richard Parker. Tôi không còn hoảng loạn nữa. Tôi đã chế ngự được nỗi sợ hãi. Sống còn đã nằm trong tầm tay.
Hãy nổi kèn hiệu lên. Gióng trống lên. Hãy bắt đầu màn trình diễn. Tôi đứng hẳn lên. Richard Parker để ý ngay. Đứng cho vững trên bè không phải dễ. Tôi hít một hơi dài và gào lên: “Thưa quý bà và quí ông, quí cô và quí cậu, hãy mau về chỗ của mình! Mau lên, mau lên. Quí vị không muốn bị muộn trò đâu. Hãy ngồi xuống, hãy mở mắt ra, mở lòng và chuẩn bị để được kinh hoàng. Nó đây rồi, để mang lại cho quí vị những vui vẻ mới lạ và niềm hoan lạc tràn đầy, buổi diễn mà quí vị đã chờ đợi bấy lâu nay, buổi diễn vĩ đại nhất trên trái đất này đã đến đây rồi! Quí vị đã sẵn sang thưởng thức những điều kỳ diệu của nó chưa? Rồi phải không ạ? Vậy thì, những kì diệu này biến ảo vô cùng. Quí vị đã thấy chúng trong những khu rừng ôn đới phủ đầy tuyết trắng. Quí vị đã thấy chúng trong những khu rừng rậm nhiệt đới gió mùa. Quí vị đã thấy chúng trong những xứ sở hoang vu cây cối thưa thớt. Quí vị đã thấy chúng trên những đầm lầy nước lợ mọc đầy xoài và mãng cầu. Sự thực là buổi diễn này có thể làm ở bất cứ đâu. Nhưng chưa bao giờ quí vị được thấy buổi biểu diễn ấy tại một nơi như nơi này! Quí bà và quí ông, quí cô và quí cậu, không dám nhiều lời thêm nữa, tôi xin vinh hạnh giới thiệu:
“ĐOÀN XIẾC NỔI XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG, ẤN – CANAĐA, PI PATEL! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt!”
Tôi có tác động đến Richard Parker. Ngay tiếng còi đầu tiên, nó rùng mình và nhe nanh. Ha! Cứ việc nhảy xuống biển nếu máy muốn! Cứ thử đi xem nào!
“TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt!”
Nó gầm lên và cào hai chân trước vào không khí. Nhưng nó không nhẩy. Nó có khả năng không sợ hãi biển nữa khi bị đói khát giầy vò, nhưng bây giờ thì tôi phải tận dụng nỗi sợ hãi ấy của nó.
“TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt! TUYYÝYYt!”
Nó lùi lại và chúi xuống sàn. Buổi huấn luyện đầu tiên thế là xong. Một thành công vang dội. Tôi ngừng thổi còi, ngồi phịch xuống bè, hết hơi và mệt rũ người.
Và thế là ra đời:
Kế hoạch số bảy: Giữ cho nó sống.

Chương 57

Tôi lôi cuốn cẩm nang ra đọc. Các trang sách vẫn còn ướt. Tôi cẩn thận giở từng trang. Tác giả là một sĩ quan thủy quân hoàng gia Anh. Cuốn sách là một kho báu các thông tin thực dụng về việc làm sao để sống sót sau khi bị đắm tàu, bao gồm cả những mẹo nho nhỏ như sau:
* Luôn luôn đọc kỹ các hướng dẫn.
* Đừng uống nước giải. Hoặc nước biển. Hoặc máu chim.
* Đừng ăn sứa. Hoặc các loại cá có ngạnh. Hoặc cá có mồm như mỏ vẹt. Hoặc cá có thể phồng người lên như bóng thổi.
* Bóp mạnh hai mắt cá sẽ làm cho nó tê liệt.
* Cơ thể tự nó rất dai sức để sinh tồn. Nếu bị thương, phải cảnh giác với các phương pháp chữa trị tưởng là hay nhưng vô căn cứ. Phương pháp lang băm là nguy hiểm nhất. Không có hộ lý nào tốt hơn là nghỉ ngơi và giấc ngủ.
* Nhấc chân cao lên ít nhất năm phút một lần.
* Nên tránh gắng sức không cần thiết. Nhưng đầu óc nhàn rỗi sẽ sinh u mê, cho nên cần tận dụng mọi cơ hội để có hoạt động trí não. Đánh bài, chơi trò Hai mươi câu hỏi và trò Trinh thám bằng mắt là những hình thức giải trí đơn giản tuyệt vời. Cùng nhau hát cũng là một cách nâng cao tinh thần rất hữu hiệu. Kể chuyện cũng vậy.
* Nước có màu xanh lá cây thì nông hơn chỗ nước có màu xanh da trời.
* Phải cảnh giác khi thấy các đám mây ngoài xa có dáng dấp như các dãy núi. Hãy để mắt tìm màu xanh lá cây. Chỉ khi nào đặt chân lên mặt đất hãy nghĩ là mình đã lên bờ.
* Đừng bơi. Việc này tiêu hao năng lượng. Hơn nữa, xuồng cứu nạn thường trôi nhanh hơn bơi. Chưa kể các nguy hiểm khác trong khi bơi. Nếu thấy nóng, tốt nhất là dấp nước lên quần áo.
* Đừng đái vào quần, có thể thấy ấm một chút lúc đó những sẽ ngứa ngáy rất khó chịu sau này.
* Hãy tìm cách che nắng. Phơi nắng có thể chết nhanh hơn cả khi đói khát.
* Khi không bị mất quá nhiều nước qua đường mồ hôi và bài tiết, cơ thế có thể sống sót được tới mười bốn ngày mà không cần nước uống. Nếu thấy khát, hãy mút một cái khuy.
* Rùa vừa dễ bắt vừa ăn ngon. Máu rùa là đồ uống không có muối, rất bổ; thịt rùa thơm và chắc dạ; mỡ có nhiều công dụng khác nhau; và trứng rùa thì tuyệt hảo. Cẩn thận mỏ và móng rùa.
* Đừng để xuống tinh thần. Sờn lòng thì chấp nhận được, nhưng đừng bao giờ chịu đầu hàng. Hãy nhớ rằng: Tinh thần là quan trọng nhất. Nếu ta có ý chí sống, ta sẽ sống. Chúc may mắn!
Cũng có một vài dòng ngắn gọn chắt lọc từ nghệ thuật và khoa học hàng hải. Tôi học được rằng trong một ngày đẹp trời, lặng gió và với tầm mắt ở độ cao một thước sáu, thì đường chân trời cách ta khoảng hai dặm rưỡi.
Lời khuyên đừng uống nước giải là hoàn toàn không cần thiết. Chẳng có ai bị người ta gọi là “Pissing”,- nghĩa là đang đi đái - từ thời thơ ấu chịu phải chết với một cốc nước giải trên môi, ngay cả khi chỉ có một mình giữa Thái Bình Dương. Còn các lời khuyên liên quan đến các món ăn chỉ làm tôi thêm tin chắc rằng người Anh không biết được ý nghĩa của từ thực phẩm. Ngoài những chi tiết đó ra thì cuốn sách cẩm nang là một tài liệu tuyệt vời. Chỉ có một chủ đề quan trọng không thấy nói đến: việc thiết lập mối quan hệ alpha – omega, chủ và tớ, với mấy con vật nuôi trên xuồng cứu nạn.
Tôi phải thiết kế một chương trình huấn luyện cho Richard Parker. Tôi phải làm nó hiểu được rằng tôi là con hổ đầu đàn và rằng lãnh thổ của nó chỉ là dưới sàn xuồng, kể từ cái ghế đuôi đến cái ghế giữa mà thôi. Tôi phải ấn vào đầu nó một ý thức rõ ràng rằng phần mui bạt và khu vực mũi xuồng, kể cho đến cái ghế giữa, là lãnh thổ của tôi, và tuyệt đối nó không được xâm phạm.
Tôi phải bắt đầu nghĩ cách câu cá càng sớm càng tốt. Chẳng mấy chốc, Richard Parker sẽ ăn hết chỗ thịt chết kia ở trên xuồng. Trong vườn thú, một con hổ hoặc sư tử đã trưởng thành trung bình ăn hết khoảng năm cân thịt mỗi ngày.
Và còn nhiều việc khác phải làm. Tôi phải tìm phương tiện che chắn cho mình.
Nếu Richard Parker chúi dưới tấm mui bạt suốt ngày như thế là có lí do chính đáng lắm. Liên tục ở ngoài trời như thế này, nắng, mưa, gió, biển, sẽ làm kiệt quệ cả cơ thể lẫn tinh thần. Tôi đã chẳng đọc thấy rằng mưa nắng có thể đưa đến một cái chết rất nhanh đó hay sao? Tôi phải làm một cái mái che kiểu gì đó cho mình.
Tôi phải buộc cái bè vào với chiếc xuồng bằng một sợi dây nữa, đề phòng cái dây hiện nay bị đứt hoặc lỏng ra.
Tôi phải cải thiện bè. Hiện thời thì nó nổi đấy, nhưng khó lòng ở trên nó lâu được.
Tôi sẽ phải làm cho nó tiện nghi hơn để sống cho tới khi có thể dọn về và ổn định chỗ của mình trên xuồng. Chẳng hạn như phải làm sao vẫn ở trên bè mà không bị ướt. Da dẻ tôi nhăn nhúm và sưng tấy khắp người do liên tục bị ướt. Tình trạng đó phải chấm dứt. Và cũng phải tìm cách cất giấu đồ ngay trên bè nữa.
Tôi phải thôi đừng hi vọng quá nhiều vào chuyện một con tàu sẽ đến cứu tôi.
Không nên chờ đợi cái gì khác. Việc sống còn phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Theo kinh nghiệm của tôi, sai làm tệ hại nhất của một nạn nhân đắm tàu là hi vọng quá nhiều và hành động quá ít. Việc sống còn bắt đầu bằng ý thức để ý đến những gì sờ thấy lấy được. Trông chờ xa xôi với niềm hi vọng lười nhác cũng có nghĩa là mộng mị để cuộc sống của mình tuột đi dần dần.
Có biết bao nhiêu việc tôi phải làm.
Tôi phóng tầm mắt về phía chân trời trống rỗng. Sao mà nhiều nước đến thế. Còn tôi thì chỉ có một mình. Chỉ có một mình.
Tôi bật khóc. Nước mắt tôi nóng bỏng. Vùi mặt vào hai khoeo tay, tôi khóc tấm tức. Tình trạng của tôi chắc chắn là vô vọng rồi.

Chương 58

Một mình hay không, mất hay còn, tôi vẫn thấy đói và khát. Tôi kéo dây. Nó hơi căng. Lỏng tay kéo là nó tuột đi, và khoảng cách giữa cái bè và xuồng lại tăng lên. Có nghĩa là chiếc xuồng trôi nhanh hơn chiếc bè và đang kéo nó theo. Tôi để ý thấy hiện tượng đó nhưng không nghĩ gì về nó. Đầu óc tôi còn đang tập trung vào những hành động của Richard Parker.
Trông thì có vẻ như nó đang ở dưới tấm bạt.
Tôi kéo dây cho tới khi đến sát cạnh mũi xuồng. Tôi rướn lên mép xuồng. Và khi đang kéo xuống, chuẩn bị tấn công vào cái tủ đựng đồ, một loạt các con sóng ào đến khiến cho tôi phải nghĩ. Và tôi nhận ra rằng với cái bè ở ngay sát cạnh, chiếc xuồng đã đổi hướng trôi. Nó không còn đi vuông góc với các ngọn sóng nữa và quay ngang sườn về phía chúng và bắt đầu lắc ngang từ bên này sang bên kia, kiểu lắc làm cho nôn nao hết cả bụng. Tôi chợt hiểu ra: Cái bè, khi ở xa chiếc xuồng thì có tác dụng như một cái neo có lực kéo khiến cho xuồng trôi trực diện qua các con sóng. Sóng và gió ổn định thường có chiều vuông góc với nhau. Cho nên nếu một chiếc xuồng bị gió đẩy đi nhưng lại bị neo nổi kéo lại, nó sẽ quay đầu vào vị trí ít cản gió nhất, tức là nằm xuôi theo chiều gió và vuông góc với sóng. Lúc ấy, nó dập dềnh theo chiều mũi và đuôi xuồng, dễ chịu hơn nhiều so với tình trạng lắc lư theo chiều ngang. Khi cái bè đã ở sát cạnh xuồng thì tác dụng neo kéo của nó mất đi, không có gì giữ cho xuồng đi xuôi gió nữa, và nó liền quay ngang.
Một chi tiết nhỏ nhặt ấy thôi sẽ cứu mạng tôi và sẽ khiến cho Richard Parker phải hối hận.
Như thể khẳng định cho ý nghĩ thoáng qua ấy của tôi là đúng, tôi nghe thấy nó gừ lên một tiếng. Đó là một tiếng gừ bất an, có một âm hưởng khó chịu và sống sượng rất khó định nghĩa. Nó có thể là một tay bơi lội cừ, nhưng không phải một phù thủy ra trò.
Tôi còn có cơ hội.
Có vẻ như tôi đã quá tự phụ về khả năng chi phối nó, nên ngay lúc ấy trời gửi đến cho tôi một dấu hiệu cảnh cáo rất lạ. Hình như Richard Parker là một cây nam châm sống với sức hút mãnh liệt đến nỗi các sinh vật ở gần nó không thể chịu nổi. Tôi đang sắp trèo lên mũi xuồng thì chợt nghe có tiêng xoèn xoẹt nhè nhẹ. Có cái gì nho nhỏ rơi xuống nước ngay cạnh tôi.
Đó là một con gián. Nó nổi bập bềnh được một hai giây thì bị một cái miệng dưới nước nuốt chửng. Lại một con gián nữa rơi xuống nước, một phút sau đó, đã có khoảng chục con gián thi nhau nhẩy xuống nước lõm bõm cả hai bên mạn xuồng. Con nào cũng nhanh chóng bị cá nuốt chửng.
Những hình thức sống ngoại lai đang rời bỏ chiếc xuồng.
Tôi thận trọng nhìn qua mép xuồng. Vật đầu tiên lọt vào mắt tôi là một con gián thật to, chắc thủ lĩnh của cả bộ lạc gián trên xuồng, đang nằm trong một nếp gấp của tấm bạt phía trên cái ghế mũi xuồng. Tôi ngắm con gián, tự nhiên thấy rất lạ. Khi nó đã quyết định là đã đến lúc, con gián giương cánh bay lên không trung với một âm thanh thật tinh tế, dừng lại một tí trên cao như thể đang kiểm tra xem còn có con nào khác ở lại trên xuồng nữa không, rồi nhào xuống biển để đón nhận cái chết.
Bây giờ thì chỉ còn hai chúng tôi. Trong năm ngày, toàn bộ dân số gồm khỉ độc, ngựa vằn, linh cẩu, chuột, ruồi, và gián đã bị tiêu diệt. Không kể bọn vi trùng và ròi bọ có thể vẫn sống trong chỗ thịt chết của các con vật kia, trên xuồng không còn ai khác đang sống ngoài Richard Parker và tôi.
Ý nghĩa đó chẳng dễ chịu chút nào.
Tôi nhổm lên và nín thở mở nắp cái thùng. Tôi cố tình không nhìn xuống dưới tấm bạt vì sợ rằng nhìn sẽ giống như một tiếng kêu có thể sẽ đánh động Richard Parker. Chỉ khi cái nắp thùng đã dựa vào tấm bạt rồi, tôi mới dám để ý xem phía bên kia có những gì.
Mùi khai xộc vào mũi tôi, mùi khai khẳn rất choáng của nước đái hổ vẫn thường thấy trong vườn thú. Hổ là con vật rất có ý thức về lãnh thổ, và chúng đánh dấu lãnh thổ bằng nước đái của mình. Vậy là rất tốt, cho dù thật là khai, vì mùi nước đái này chỉ bốc ra từ bên dưới tấm bạt mà thôi. Richard Parker hình như chỉ chiếm lĩnh khu vực sàn xuồng. Có hy vọng rồi. Nếu tôi chiếm được khu vực mui bạt, nó với tôi sẽ có thể cùng chung sống được.
Tôi nín thở, cúi đầu xuống và nghó nghiêng qua mép cái nắp về phía bên kia. Dưới sàn xuồng có khoảng mươi phân nước mưa đọng lại và sóng sánh bên này bên kia. Đó là cái ao riêng của Richard Parker. Nó đang làm đúng điều mà tôi cũng sẽ làm trong hoàn cảnh của nó: trốn trong bóng mát. Ngày mỗi lúc một nóng bức rất khó chịu. Nó nằm bẹp, quay đuôi về phía tôi, hai chân sau duỗi dài và dang rộng, móng vuốt chổng ngược, bụng và bẹn sát tịt xuống sàn. Trông thì buồn cười nhưng rõ rang là một tư thế rất dễ chịu.
Tôi trở lại với việc sống còn của mình. Tôi mở một hộp đồ ăn cấp cứu và ăn đến căng bụng, hết khoảng một phần ba hộp. Rất lạ là chỉ một chút thế thôi cũng đã làm no bụng tôi rồi. Sắp sửa uống nước từ trong cái túi nước mưa vẫn quàng qua cổ thì tôi nhìn thấy mấy cái bình đong nước có chia độ. Nếu không nhúng mình xuống nước được như nó, liệu tôi có quyền nhấp một chút nước ấy không? Nguồn nước riêng của tôi không thể vô tận được. Tôi vớ một cái bình đong, cúi xuống, hạ cả cái nắp theo mình cho đến khi nhúng được cái bình vào nước ao của Richard Parker, chỉ cách hai bàn chân sau của nó độ hơn một thước. Hai bàn chân chổng ngược với đám lông ướt của nó giống như hòn đảo nhỏ nổi lên giữa đám rong biển.
Tôi múc được đến nửa lít nước. Không trong lắm. Đầy những bụi bẩn lửng lơ. Tôi có lo uống phải vi trùng không ư? Thậm chí tôi không hề nghĩ đến chuyện đó. Trong đầu tôi chỉ biết có cơn khát của mình. Tôi nốc cạn cả bình nước, rất thỏa mãn.
Thiên nhiên lúc nào cũng lo giữ quân bình, cho nên chẳng lạ gì ngay lập tức tôi thấy buồn đái. Tôi đái vào cái bình. Đúng đến mức nước mà tôi đã vừa uống. Và lập tức thấy thèm được uống nữa. Tôi do dự. Tự nhiên muốn nghiêng bình uống luôn. Tôi cố chống lại cơn thèm đó mà thật khó. Xấu hổ gì mặc kệ, tôi thấy nước đái ở trong bình thật ngon lành. Chưa bị mất nước nhiều, nên nước đái của tôi vẫn còn màu trong. Nó sáng lên dưới ánh mặt trời, trông như một bình nước táo. Và nó đảm bảo tươi nguyên, chứ không như thứ nước uống đóng hộp dự trữ của tôi. Nhưng tôi chế ngự được mình. Tôi tưới nước đái của mình lên tấm bạt và nắp thùng để khẳng định lãnh thổ của mình.
Tôi trộm được thêm hai bình nước nữa của Richard Parker, lần này thì không bị đi đái, và cảm thấy mình tươi tắn như một đóa hoa vừa được tưới.
Bây giờ là lúc phải cải thiện tình hình của mình. Tôi quay về với một nội dung của cái tủ và những hứa hẹn của nó.
Tôi lấy một sợi dây thứ hai và buộc thêm vào cái bè.
Tôi phát hiện ra công dụng của cái máy cất nước bằng ánh nắng mặt trời. Nó biến nước biển thành nước uống được. Cái máy bao gồm một bộ phận chất dẻo trong thổi lên thành hình chóp nón, chụp lên trên một hộp nổi có dạng như cái phao cứu nạn, trên mặt có căng một tấm vải bọc cao su đen. Nước biển chứa trên tấm vải đen được mặt trời đun nóng lên và bốc hơi, đọng lại dưới bộ phận chóp nón. Thứ nước cất này chảy xuống máng rồi được thu góp vào một cái túi. Trên xuồng có mười hai cái cất nước như vậy. Tôi đọc cái hướng dẫn sử dụng rất cẩn thận (như học được từ cuốn cẩm nang sống sót), rồi thổi căng cả mười hai cái chóp nón, đổ đầy mỗi thùng phao được tới mười lít nước biển. Tôi buộc các máy cất nước vào với nhau, chằng một đầu dây vào xuồng và đầu kia vào bè, vừa để giữ an toàn cả mười hai cái cất nước cho dù một đầu dây có bị tuột, vừa để có thêm một đầu dây nữa nối xuồng với bè. Các máy cất nước trông đẹp và có vẻ rất khoa học kĩ thuật khi chúng nổi trên mặt nước, nhưng trông chúng cũng có vẻ bấp bênh và không biết chúng có làm ra nước uống thật hay không.
Tôi quay sang cải thiện cái bè. Tôi rà lại từng nút buộc, không để cái nào lỏng lẻo. Sau một hồi suy tính, tôi quyết định biến cái chèo thứ năm, vẫn dùng để gác chân, thành một cái cột buồm. Tôi tháo nó ra. Dùng cạnh lưỡi cưa của con dao săn, tôi hì hục cắt một cái khấc vào mái chèo, quãng giữa thân, rồi dùng mũi dao khoét ba lỗ thủng qua phần bẹt của mái chèo. Việc thì chậm nhưng tốt. Tôi suy tính liên miên. Khi đã xong, tôi buộc cái chèo theo tư thế thẳng đứng vào phía trong một cái góc bè, phần bẹt lên trên, phần cán khấc để giữ cho mái chèo không bị tụt xuống. Tiếp theo, để đảm bảo cột buồm sẽ đứng thẳng, cũng như có được những đường dây qua ba cái lỗ đã khoét và buộc căng chúng xuống các đầu của những mái chèo nằm ngang của bè. Tôi buộc cái áo phao trước đây đã chằng vào cái chèo gác chân vào chân cột buồm. Nó sẽ có hai tác dụng: vừa tăng thêm độ nổi để bù vào sức nặng thẳng đứng của cột, vừa làm một cái chỗ hơi cao lên để ngồi.
Tôi ném một cái chăn lên trên dàn dây căng. Nó trôi tuột xuống. Góc chằng dây quá dốc. Tôi gập cái chăn theo chiều dài, cắt hai lỗ quãng giữa, cách nhau chừng ba mươi phân, rồi nối hai lỗ ấy bằng một đoạn dây ngắn. Tôi lại ném cái chăn lên, lần này thì có đoạn dây ở giữa chăn để buộc vào cột. Thế là có một cái dù che.
Tôi mất gần hết ngày hôm đó để sửa sang lại cái bè. Rất nhiều chi tiết phải để ý đến. Công việc chẳng dễ dàng gì vì lúc nào sóng cũng làm bè bập bềnh. Rồi lại phải dè chừng Richard Parker suốt ngày. Kết quả không có gì đáng gọi là mĩ mãn. Cái cột buồm, là tôi cứ gọi thế, chỉ cao hơn đầu tôi chừng năm bảy phân. Còn sàn bè thì chỉ đủ rộng để ngồi xếp bằng hoặc nằm co gần như là trong bụng mẹ. Nhưng tôi không phàn nàn gì cả. Cái bè chịu được biển cả, và nó giữ cho tôi cách xa Richard Parker.
Khi làm xong các việc đó thì đã gần hết chiều. Tôi lấy một hộp nước, một cái mở hộp, bốn cái bánh trong khẩu phần cấp cứu và bốn cái chăn. Tôi đóng cái tủ lại (lần này rất nhẹ nhàng), ngồi vào bè và thả dây. Chiếc xuồng trôi đi. Sợi dây chính căng ra, trong khi sợi dây bảo hiểm mà tôi đã cố tính buộc dài hơn thì chùng lại. Tôi trải hai cái chăn xuống dưới, gấp cẩn thận để chúng khỏi chạm xuống mặt nước. Tôi quấn hai cái chăn kia quanh vai và dựa lưng vào cột. Ngồi lên thêm một cái áo phao như thế rất thích, chỗ ngồi có cao hơn một chút. Thật ra cũng chẳng cao ráo gì nhiều, chỉ như người ngồi trên một cái gối dầy vứt dưới sàn nhà, nhưng dù sao thì tôi cũng hy vọng sẽ không bị ướt nhiều.
Bữa ăn thật ngon khi tôi vừa ăn vừa ngắm mặt trời lặn trên bầu trời không một gợn mây. Đó là một thoáng thư giãn. Vòm trời rộng lớn bao trùm thế giới với những sắc màu hùng tráng. Những vì sao háo hức hiện dần ra, và ngay khi bức màn màu sắc kia bị kéo xuống một chút thôi là chúng bắt đầu sáng rực lên trên nền xanh sẫm. Gió thổi thành những làn nhẹ nhàng và ấm áp, còn biển cả thì chuyển mình từ tốn, mặt nước nhấp nhô như thể có những đám người múa thành từng vòng tròn, giơ tay lên, tản ra rồi lại tụ lại với nhau, hết vòng này đến vòng khác.
Richard Parker đã ngồi dậy. Chỉ thấy cái đầu và một ít vai nhô lên khỏi mạn xuồng. Nó nhìn ra. Tôi hét lên, “Này Richard Parker!” và vẫy tay. Nó nhìn tôi. Nó hít hoặc khịt mũi, cả hai động từ này đều không tả chính xác được. Prusten rồi. Thật là một con thú tuyệt vời. Thật quí phái. Đúng là một con hổ hoàng gia Bengal. Tôi may mắn thật đấy chứ. Thử nghĩ xem nếu tôi phải ở với một con vật trông ngốc nghếch hoặc xấu xí, một con tapir hoặc đà điểu, hoặc một bầy gà tây chẳng hạn thì sao? Nhất định là quan hệ của chúng tôi sẽ khó khăn hơn nhiều.
Nghe có tiếng quấy nước, tôi nhìn xuống và há mồm vì kinh ngạc. Thế mà tôi cứ tưởng chỉ có một mình. Sự im ắng trong không trung, vẻ huy hoàng của ánh sáng, và cảm giác tương đối an toàn, những cái đó đã khiến tôi tưởng vậy. Bao giờ cũng có một yếu tố im ắng và cô đơn trong cảm giác bình yên. Có phải không nhỉ? Khó lòng tưởng tượng mình có thể thấy bình yên trong một ga tàu điện ngầm đông đúc, có đúng không nào? Vậy thì những nhộn nhạo này là cái gì đây?
Chỉ một cái liếc nhìn tôi đã phát hiện ra rằng biển là cả một thành phố. Ngay phía dưới tôi, khắp xung quanh, tôi bất ngờ nhận ra những đường cao tốc, đại lộ, phố xá và bùng bình chật nịch xe cộ ngầm dưới nước. Trong nước, chúng thật dầy đặc, trong như thủy tinh và lấm chấm hàng triệu triệu những li ti rêu tảo, những loài cá như những làn xe tải, xe buýt, xe con, xe đạp và người đi bộ đang chạy như điên, rõ ràng là đang bóp còi inh ỏi và gọi nhau í ới. Màu chủ đạo là xanh lá cây. Dưới các tầng nước sâu khác nhau, nơi mắt tôi có thể dõi đến, tôi thấy những vệt óng ánh của những bong bóng xanh lá cây có dạ quang mà các con cá bơi rất nhanh để lại đàng sau. Vệt này phai đi, lập tức lại xuất hiện. Chúng hiện theo đủ các hướng. Chúng giống như các bức ảnh chụp để mở ống kính thật lâu của các thành phố ban đêm, với những vệt đỏ kéo dài do đèn hậu của những chiếc xe hơi tạo ra trên phim. Chỉ có khác là ở đây có làn xe phóng đi chồng chéo lên nhau như thể dọc các mạng lưới đường vượt cao lên hàng chục tầng nhà. Và ở đây xe cộ có những màu sắc điên rồ nhất. Những con các dorado – có tới hơn năm chục con đang tuần tiễu ngay bên dưới bè – khoe ra màu vàng ròng sáng rỡ, màu xanh lục và xanh lam khi chúng lượn qua lượn lại. Những con cá khác mà tôi không thể nhận diện thì đủ cả vàng, nâu, xanh lơ, đỏ, hồng, xanh lá cây, trắng, kết hợp đủ kiểu, đơn sắc, sọc, vằn , chấm. Chỉ có bọn cá mập là nhất định không chịu có màu sắc gì hết. Nhưng cho dù xe cộ màu nào đi nữa thì tất cả chúng đều có chung một đặc tính là phóng như điên. Có nhiều vụ đụng xe – tất cả đều có tử vong, phải nói thế - và một số xe bị hất tung ra khỏi luồng, đâm lung tung và nhào vọt lên khỏi mặt nước để rồi lại rơi xuống trong một chùm bọt sáng lòa. Tôi ngây người ngắm nhìn cảnh đô thị hỗn độn đó như quan sát một thành phố từ trên kinh khí cầu. Đó thật là một cảnh tượng kì vĩ, choáng ngợp. Chắc chắn là Tokyo cũng có cảnh tương tự vào giờ cao điểm.
Tôi nhìn mãi cho tới khi các ngọn đèn lần lượt tắt đi trong thành phố đó.
Từ tàu Tsimtsum, tôi chỉ nhìn thấy những con cá heo. Tôi đã đồ rằng Thái Bình Dương, ngoài những đàn cá kéo nhau từng lũ đi qua, chỉ là một vùng nước thưa thớt sự sống và phí phạm. Từ bấy đến nay, tôi đã vỡ ra rằng tàu thủy chở hàng đi quá nhanh so với cá. Khả năng nhìn thấy sự sống dưới biển tử trên tàu thủy cũng chỉ như khả năng nhìn thấy các con thú hoang trong rừng từ trên một chiếc xe chạy ngoài xa lộ. Cá heo, là loài bơi rất nhanh, chơi đùa quanh tàu thuyền cũng như chó hay chạy đuổi theo xe: chúng chạy theo cho đến khi không thể theo kịp nữa. Nếu muốn nhìn thấy các con vật hoang dã, phải đi bộ, rón rén, và có ý thức thám hiểm khu rừng đó. Ngoài biển cả cũng vậy. Ta phải thả bộ qua Thái Bình Dương với những bước chân từ tốn, là nói vậy, thì mới có thể thấy được kho báu vô biên trong lòng nó.
Tôi nằm nghiêng. Lần đầu tiên sau năm ngày, tôi cảm thấy một chút thanh thản.
Một tia hy vọng – mà tôi đã xứng đáng được có sau bao công sức – sáng lên trong lòng tôi. Tôi ngủ thiếp đi.

Chương 59

Tôi thức dậy một lần trong đêm đó. Tôi gạt cái dù che sang một bên và nhìn ra ngoài. Vầng trăng lưỡi liềm có đường viền thật sắc nét và bầu trời trong vắt hoàn hảo. Những vì sao tỏa sáng thật mãnh liệt mà cũng rất kiềm chế, đến nỗi thật vô lý nếu gọi đó là đêm tối. Biển nằm yên, tắm trong thứ ánh sáng e ấp và lấp lánh, một màn khiêu vũ của màu đen và màu sáng bạc trải dài vô tận khắp xung quanh tôi. Cái gì cũng như có khối sâu và dầy – khối không trung bên trên tôi, khối nước xung quanh và bên dưới tôi. Tôi vừa cảm động vừa sợ hãi. Tôi cảm thấy mình giống như nhà hiền triết Markandeya, từ trong miệng thần Vishnu ngã ra ngoài khi thần đang ngủ và nhìn thấy toàn thể vũ trụ, tất thảy mọi thứ trong vũ trụ. Trước khi nhà hiền triết có thể chết vì sợ hãi, thần Vishnu tỉnh dậy và lại quẳng ông vào miệng mình. Lần đầu tiên tôi nhận thấy – và còn sẽ nhận thấy điều đó nhiều lần trong suốt cơn hoạn nạn của mình, giữa những cơn đau đớn và tuyệt vọng – rằng khổ nạn của tôi đang xảy ra trong một cảnh trí thật lớn lao. Tôi nhìn nhận khổ nạn của mình đúng như bản chất của nó, hữu hạn và chẳng có nghĩa lý gì, đến nay vẫn vậy. Sự khổ nạn của tôi chẳng vừa vào đâu cả, tôi biết thế. Và tôi có thể chấp nhận điều này. Chẳng sao cả. Chỉ có ban ngày là tôi phản đối: “Không! Không! Không! Khổ nạn của tôi có nghĩa lý của nó. Tôi muốn sống! Tôi không thể không hòa trộn cuộc sống của tôi với cuộc sống của vũ trụ. Cuộc sống là một cái lỗ nhìn trộm, một lối duy nhất và bé xíu để đi vào cõi vô cùng – làm sao tôi lại không thể tận hưởng thêm một chút cảnh tượng của muôn vật có thể thấy được qua cái lỗ ấy? Tôi chỉ có cái lỗ bé tí ấy thôi mà!”. Tôi lúng búng những lời cầu nguyện của đạo Hồi và nằm xuống ngủ tiếp.

Chương 60

Sáng hôm sau, tôi không đến nỗi ướt lắm và cảm thấy khỏe khoắn. Tôi nghĩ điều đó rất đáng nói, nếu xét đến những khó khăn lo lắng mà tôi đang phải chịu đựng lúc bấy giờ, cũng như việc tôi đã ăn rất ít trong nhiều ngày liền.
Hôm ấy trời đẹp. Tôi quyết định thử câu cá, lần đầu tiên trong đời. Sau bữa điểm tâm ba cái bánh qui và một hộp nước, tôi đọc những gì viết về chủ đề này trong cuốn sách cẩm nang sống còn. Vấn đề đầu tiên: mồi câu. Tôi suy tính chuyện đó. Có thịt chết, nhưng lấy trộm đồ ăn ngay dưới mũi hổ thì tôi không dám. Nó không thể hiểu được rằng đó là một khoản đầu tư sẽ đem lại cho nó những món lại quả tuyệt hảo. Tôi quyết định dùng da giầy. Tôi chỉ còn một chiếc. Chiếc kia đã tuột mất khi đắm tàu.
Tôi bò lên xuồng và lấy từ một thùng đồ lên một bộ đồ câu, con dao và một cái xô để cá câu được. Richard Parker đang nằm nghiêng một bên. Đuôi nó nhảy dựng lên khi tôi leo lên mũi xuồng nhưng đầu nó không động đậy. Tôi thả bè ra xa.
Tôi buộc lưỡi vào dây câu qua một đoạn thép dẫn mồi. Thêm mấy hòn chì. Tôi chọn ba hòn có hình giống như thủy lôi. Rồi cởi giầy và cắt nó thành từng mẩu nhỏ. Không phải dễ, vì da giầy rất dai và cứng. Tôi cẩn thận luồn mũi câu vào một mẩu da dẹt, không đâm xuyên qua mà cố gài nó vào trong sao cho đầu nhọn lưỡi câu không lộ ra ngoài. Tôi buông dây xuống thật sâu. Tối hôm trước tôi đã nhìn thấy biết bao nhiêu là cá và nghĩ rằng sẽ rất dễ cắn câu.
Thế mà chẳng được con nào. Cả chiếc giầy biến dần từng mẩu một. Dây cứ thấy động hết cái này đến cái khác, cá cứ thi nhau ăn mà không mắc câu, tôi cứ liên tục thay mồi, cho đến lúc chỉ còn một cái đế và dây giày. Khi thấy đoạn giây giầy không hấp dẫn như một con giun làm mồi câu, tôi suốt ruột quá liền móc vào cái lưỡi câu cả cái đế giầy to tướng. Thật là một ý tưởng không hay. Tôi thấy cái dây câu bị kéo nhẹ một cái, rồi căng ra rất hồi hộp, sau đột nhiên nhẹ bỗng. Tôi kéo lên, chỉ còn có dây mà thôi. Tôi đã mất cả chì lẫn chài.
Mất mát đó không làm tôi nản lòng nhiều lắm. Trong bộ đồ câu vẫn còn nhiều lưỡi thép dẫn mồi và các hòn chì khác, và ngoài ra còn cả một bộ đồ câu khác còn nguyên. Mà thực ra tôi câu cá đâu phải cho mình ăn. Tôi có rất nhiều đồ dự trữ mà.
Mặc dù vậy, một phần trí khôn của tôi, cái phần thường nói ra những điều ta không muốn nghe, la lối rầm rĩ.
“Ngu ngốc thì phải trả giá. Lần sau thì ngươi nên thận trọng và thông minh hơn”.
Gần hết buổi sáng hôm đó thì con rùa thứ hai xuất hiện. Nó bơi thẳng lên bè. Nếu muốn, nó đã có thể đâm lên và cắn vào đít tôi. Khi nó quay người bơi đi, tôi với xuống định tóm lấy hai chân sau của nó, nhưng vừa chạm tay vào nó tôi đã rụt ngay tay lại vì sợ. Con rùa bơi đi mất.
Vẫn cái phần trí khôn đã la lối tôi trong vụ câu cá thất bại kia lúc này lại lên tiếng.
“Ngươi định nuôi cái con hổ kia bằng gì, nói rõ xem nào? Ngươi nghĩ nó sẽ sống được bao lâu với cái xác mấy con vật kia? Ta có phải nhắc ngươi là hổ không phải là loài ăn thịt chết? Công nhận rằng lúc đói gần chết thì nó cũng sẽ bịt mũi nhắm mắt mà ăn. Nhưng ngươi có nghĩ rằng trước khi phải chén con ngựa vằn đã thối rữa kia, nó sẽ cố gắng ăn thịt thằng cu Ấn Độ vẫn còn tươi sống nguyên lành và chỉ cách nó vài sải bơi ngắn mà thôi không? Rồi còn tình hình nước uống thì sao? Ngươi biết là hổ không chịu được đói khát kéo dài. Ngươi có để ý mùi hôi từ mồm miệng nó phả ra không? Dấu hiệu xấu đấy. Chẳng nhẽ ngươi hy vọng nó sẽ uống cạn Thái Bình Dương để thỏa cơn khát và do vậy cho phép ngươi cứ thế đi bộ đến châu Mỹ hay sao? Phải công nhận khả năng uống nước biển đáng kinh ngạc của bầy hổ vùng Sandarbans. Có thể là vì chúng sống nhiều đời rồi trong các khu rừng tràm ngập mặn. Nhưng khả năng đó chỉ có hạn mà thôi. Người ta đã chẳng viết rằng hổ phải uống nhiều nước muối quá sẽ thèm thịt người hay sao? Chao ôi, hãy nhìn kìa. Nhắc đến quỷ thì quỷ xuất hiện. Nó kia kìa. Nó đang ngáp kìa. Kinh chưa, cả một cái hang khổng lồ. Hãy nhìn những cái răng dài như nhũ đá kia của nó. Biết đâu hôm nay ngươi sẽ có dịp vào đó chơi”.  
Lưỡi của Richard Parker, to và có mầu sắc như một cái túi cao su đựng nước nóng để chườm, lè ra rồi thụt vào sau khi nó ngáp. Nó nuốt khan.
Suốt ngày hôm ấy tôi lo lắng đến phát ốm. Tôi không dám đến gần chiếc xuồng.
Nhưng khác với nỗi lo lắng của tôi, Richard Parker yên lặng cả ngày hôm đó. Nó vẫn còn chỗ nước mưa và chưa lo gì đến chuyện đói. Nhưng nó cũng đánh động theo nhiều cách – gầm, gừ, gằn giọng, rên rẩm theo kiểu hổ - nghĩa là không muốn làm cho tôi yên lòng. Câu đố có vẻ như không có lời giải: muốn câu thì phải có mồi, mà muốn có mồi thì tôi phải câu được cá. Làm sao bây giờ. Lấy ngón chân ra làm mồi chăng? Hay cắt bớt một tai.
Rồi một giải pháp tự nó xuất hiện cuối buổi chiều hôm đó một cách bất ngờ. Tôi kéo dây bè và lần vào cạnh xuồng. Hơn nữa: tôi đã trèo hẳn lên xuồng và đang lục lọi cái tủ xem có tìm thấy ý tưởng gì có thể cứu mình được không. Tôi đã buộc cái bè cách xuồng chừng gần hai thước. Tôi tưởng tượng rằng nếu Richard Parker giở trò gì thì mình sẽ có thể thoát thân chỉ bằng một cú nhẩy và một cú giật tháo cái nút hờ của giây buộc bè. Tôi đã dám liều như thế chỉ vì chẳng còn cách nào khác.
Không tìm thây gì, không mồi, không một ý tưởng nào mới, tôi ngồi dậy và lập tức thấy mình đang ở giữa tâm điểm của cái nhìn soi mói của nó. Nó ở đầu kia của xuồng, chỗ trước đây con ngựa vằn nằm chết, quay về phía tôi, có vẻ như đã kiên nhẫn đợi để tôi để ý đến nó. Làm sao tôi lại không nghe thấy những chuyển động của nó? Làm sao tôi lại có thể tự huyễn hoặc mình rằng tôi có thể đánh lừa được nó? Bất thình lình, tôi bị tát thẳng vào mặt. Tôi rú lên và nhắm nghiềm mắt lại.
Với tốc độ của loài mèo nó đã nhảy vọt lên qua chiều dọc của xuồng và tát tôi.
Mặt tôi sắp bị cào nát, đầu tôi sẽ rụng theo, chết như vậy thật não nùng. Đau đớn quá nên tôi lại không cảm thấy gì. Bị choáng cũng may. Và may mắn thay cái khả năng tự điều chỉnh đã cứu ta không phải chịu đau đớn và buồn khổ quá lớn. Trung tâm điểm của sự sống là một cái ổ cầu chì. Tôi rên rỉ. “Làm tới đi, Richard Parker, kết thúc tao đi. Nhưng hãy làm ơn làm cho nhanh. Cầu chì đã đứt rồi, đừng thử nó thêm nữa”.
Nó chẳng vội gì. Nó ở ngay chân tôi, gầm gừ ầm ĩ. Chắc chắn nó đã phát hiện ra cái tủ và những của báu trong đó. Tôi kinh hoàng mở mắt.
Đó là một con cá. Có một con cá ở trong tủ. Nó đang quẫy ầm ĩ như bất kỳ một con cá nào khác khi mắc cạn. Một con cá bay. Nó thon thả và có màu xanh xám đậm, với cặp cánh khô ráo không có lông, và cặp mắt tròn mầu vàng không hề chớp. Chính con cá bay này đã đập vào mặt tôi, không phải Richard Parker. Con hổ vẫn ở cách tôi gần năm thước, rõ ràng là nó đang ngạc nhiên không biết tôi đang bận chuyện gì đây. Nhưng nó đã nhìn thấy con cá. Tôi có thể đọc được vẻ tò mò sâu sắc trên mặt nó. Có vẻ nó sắp sửa muốn điều tra việc này.
Tôi cúi xuống nhặt con cá và ném về phía nó. Đó là cách dạy nó phải thuần phục.
Hết chuột thì sẽ có cá bay. Chẳng may, con cá bay đi thật. Trên không trung, ngay trước mõm con Richard Parker, con cá lượn vù lên và nhào xuống nước. Nhanh như chớp. Richard Parker quay đầu theo và đớp một cái, những lớp da dưới cổ nó rung lên, nhưng con cá nhanh quá. Nó có vẻ rất ngạc nhiên và khó chịu. Nó lại quay về phía tôi. “Miếng ăn của tôi đâu?”, vẻ mặt nó có vẻ hỏi thế. Tôi vừa sợ vừa buồn. Rồi quay người lại với hy vọng mong manh là có thể nhẩy vội xuống bè trước khi nó nhào đến tôi.
Đúng lúc đó, không khí bỗng rung lên và chúng tôi bị cả một bầy cá bay tấn công.
Chúng nhào tới như một bầy châu chấu hung dữ. Không những do chúng đông, mà rõ ràng có cái gì rất giống với côn trùng trong những âm thanh cành cạch và vù vù của chúng. Chúng từ dưới nước phóng vụt lên, hàng chục con một lần, có những con vỗ cánh phành phạch trên không và bay được đến hàng trăm thước.
Nhiều con nhào xuống nước ngay cạnh xuồng. Nhiều con khác bay vù qua. Một số đâm nhào vào mạn xuồng, nghe như tiếng pháo tép nổ. Nhiều con may mắn vùng vẫy trên mui bạt và quẫy được xuống biển. Các con khác, ít may mắn hơn, rơi thẳng xuống lòng xuồng, quẫy ầm ĩ. Và còn nhiều con cứ thế đâm thẳng vào chúng tôi. Đứng trơ trọi không gì che chắn, tôi cảm thấy mình đang trải qua một cảnh tử vì đạo của thánh Sebastian (1). Mỗi con cá đâm vào tôi như một mũi tên xuyên vào da thịt. Tôi ôm chặt lấy một cái chăn để tự vệ, đồng thời cố bắt lấy vài con cá. Người tôi đầy những vết tím và sứt sẹo.
Lí do cuộc tấn công ấy lập tức lộ rõ: bọn cá bay bị bầy cá dorados rượt đuổi sát sạt. Bọn dorados to lớn hơn không thể nào lượn như cá bay, nhưng chúng bơi nhanh hơn nhiều và các cú vọt lên nhào xuống bất thần của chúng rất lợi hại.
Chúng có thể chộp được bọn cá bay nếu cả hai cùng từ một điểm vọt lên không và cùng rơi xuống nước theo một hướng. Và là cá mập, nên bọn dorados có khả năng vọt lên khỏi mặt nước rất mãnh liệt, mặc dù không bén giọt trơn tru như cá bay.
Trận chiến trên mặt nước đó diễn ra không lâu, nhưng khi đang tiếp diễn, mặt biển như sôi lên sùng sục, cá nhẩy loạn xạ và đớp nhau phầm phập.
Richard Parker đối mặt với bọn cá cứng cỏi và có hiệu quả hơn tôi. Nó rướn người, chạy quanh, ngăn chặn, với bắt và đớp cắn tất cả những con cá nào nhào về phía nó. Nó nuốt tươi nhiều con, những cặp cánh cá còn quẫy ngay trong miệng.
Một màn trình diễn sức mạnh và tốc độ thật đẹp mắt. Thực ra, không phải chỉ có tốc độ của nó, mà ấn tượng mạnh mẽ hơn là ở dáng vẻ tự tin thuần túy súc vật của nó, sự cuốn hút hoàn toàn của nó vào giây phút hành động. Sự hòa trộn của tập trung và thả lỏng, cái tinh thần tự cao đến thế, quả đáng là niềm ghen tị của những tín đồ Yoga cao đạo nhất.
Khi trận chiến đó qua đi thì kết quả là, ngoài một thân thể đau nhừ đối với tôi, có sáu con cá bay nằm lại trong tủ và rất nhiều con khác dưới sàn xuồng. Tôi vội bọc một con cá vào cái chăn, vớ lấy một cái rìu và trở lại bè.
Tôi tiếp tục rất thận trọng. Việc để mất cả bộ đồ câu sáng hôm ấy đã có tác dụng làm cho tôi tỉnh táo hơn. Tôi cẩn thận giở con cá ra, luôn giữ chặt nó xuống bằng một tay, bởi tôi thừa biết nó sẽ tìm cách nhẩy thoát thân. Càng nhìn thấy con cá, tôi càng cảm thấy khó chịu và sợ hãi. Cái đầu nó đã ló ra hết. Trong tư thế tôi giữ nó, con cá trông như một miếng kem cá bẩn thỉu lòi ra trên một cái vỏ cuốn bằng chăn len. Nó đang ngáp ngáp tìm nước, miệng và mang phồng lên dẹp xuống. Có thể cảm thấy cặp cánh nó đang đẩy mạnh vào tay tôi. Tôi lật úp cái xô và đè đầu con cá xuống đáy xô. Tôi cầm lấy cái rìu và nhấc rìu lên.
Tôi đã bắt đầu hạ rìu nhiều lần, mà không thể kết thúc được nhát chặt. Tình trạng tâm lý mềm yếu ấy có vẻ vô lý nếu xét đến những gì tôi đã chứng kiến trong những ngày vừa qua, nhưng đó là hành vi của những kẻ khác, của bọn thú vật ăn thịt lẫn nhau. Có thể coi là tôi có một phần trách nhiệm trong cái chết của con chuột, nhưng tôi chỉ ném nó đi, chứ Richard Parker mới là kẻ giết chết nó. Cả một đời chay tịnh bình yên đang ngăn không cho tôi dám chặt đầu một con cá.
Tôi lấy chăn phủ lên cái đầu cá và xoay cái rìu ngược lại. Một lần nữa tôi vung tay. Nhưng tôi không thể chịu nổi ý nghĩ mình đang lấy búa đập xuống một cái đầu mềm mại còn đang sống.
Tôi bỏ rìu xuống, quyết định sẽ bẻ cổ con cá mà không nhìn nó. Tôi cuốn chặt nó vào trong chăn rồi dùng cả hai tay bắt đầu bẻ cong nó. Càng bẻ, con cá càng giãy khỏe. Tưởng tượng cảnh chính mình bị quấn vào chăn và có ai cố bẻ gẫy mình như thế, tôi phát hoảng. Tôi dừng lại nhiều lần. Nhưng tôi vẫn biết rằng phải làm xong việc này, và càng lâu thì con cá càng phải chịu đau đớn nhiều hơn.
Nước mắt ròng ròng, tôi cố mãi cho tới lúc nghe thấy tiếng rắc và không còn thấy động cựa gì trong tay mình nữa. Tôi giở chăn ra. Con cá bay đã chết. Nó bị bẻ gẫy rời, đẫm máu ở một bên mang.
Tôi khóc lóc đắng cay cho linh hồn của một con vật nhỏ đáng thương. Đó là sinh linh đầu tiên đã bị tôi giết chết. Từ nay tôi đã thành kẻ sát sinh. Từ nay tôi đã mắc tội như Cain (2). Tôi mười sáu tuổi, một thằng bé vô hại, sách vở và tín ngưỡng, và giờ thì tay tôi đã vấy máu. Đó thật sự là một gánh nặng phải mang theo cho đến hết đời. Sinh linh nào cũng thiêng liêng cả. Tôi không bao giờ quên con cá đó trong những lời cầu nguyện của mình.
Sau đó thì dễ dàng hơn. Nó đã chết rồi. Con cá bây giờ chỉ còn như những con cá tôi đã thấy ngoài chợ Pondicherry. Nó thành một cái gì khác rồi, một cái gì đó bên ngoài quá trình sáng tạo của thế giới. Tôi dùng rìu chặt nó thành từng miếng nhỏ rồi bỏ cả vào trong xô.
Những giờ còn lại của ngày hôm đó, tôi lại thử câu cá. Lúc đầu cũng chẳng may mắn gì hơn buổi sáng. Nhưng có vẻ như sẽ dễ có kết quả hơn. Rõ ràng là chúng thích. Tôi nhận ra rằng đó là những con cá nhỏ, quá nhỏ đối với lưỡi câu. Tôi quăng dây ra xa hơn và thả cho chìm xuống sâu hơn, ra ngoài phạm vi của bọn cá nhỏ lăng quăng sát cạnh bè và xuồng.
Chỉ đến khi tôi dùng cả cái đầu con cá bay làm mồi, quăng dây ra xa rồi nhanh chóng kéo về, khiến cho cái đầu lướt nẩy trên mặt nước, tôi mới có được cú cắn đầu tiên. Một con dorado nhào lên và lăn xả vào đầu cá. Tôi thả chùng dây một chút để đảm bảo cho con cá nuốt chửng được mồi, rồi lập tức giật mạnh. Con dorada vọt hẳn lên mặt nước như một viên đạn, kéo cái dây mạnh đến nỗi tôi tưởng mình sẽ bị kéo ngã xuống biển. Cái dây câu rất chắc. Nó sẽ không đứt. Tôi bắt đầu kéo con dorado vào bè. Nó chống cự với tất cả sức mạnh của nó, nhẩy lên, nhào xuống, quẫy mạnh bên này, bên kia. Dây câu cứa vào tay tôi. Tôi phải lót tay bằng cái chăn. Tim tôi đập thình thịch. Con cá khỏe như một con bò đực. Không biết tôi có đủ sức kéo nó vào không.
Tôi để ý thấy tất cả những con cá khác xung quanh bè và xuồng đã biến mất. Rõ ràng là chúng đã biết tình trạng tuyệt vọng của con cá mắc câu. Tôi vội vã. Tình trạng này sẽ lôi kéo cá mập đến mất. Nhưng con cá chiến đấu hăng như quỉ. Hai cánh tay tôi đau nhừ. Mỗi lần tôi lôi được nó vào gần bè, nó lại vùng vẫy điên cuồng đến mức tôi đành phải nới dây ra một chút.
Cuối cùng thì tôi cũng kéo được nó lên. Con cá dài đến gần một thước. Cái xô thành vô dụng. Nó sẽ chỉ vừa bằng cái mũ đội đầu cho con cá. Tôi giữ con cá xuống bằng cách quỳ lên nó và dùng cả hai tay. Một khối nguyên những cơ bắp đang quẫy, đập thình thịnh lên bè. Cái đuôi thò ra ngoài, bên dưới tôi. Tôi cưỡi lên nó như một cao bồi cưỡi lên một con ngựa bất kham đang lồng lộn. Tâm trạng tôi thật đắc thắng và hoang dã. Một con dorado là một con cá lớn, hoành tráng, chắc nạc và thon thả, với một cái trán gồ biểu lộ một cá tính mạnh mẽ, một cái vây lưng rất dài và ngạo nghễ như cái mào của một con gà trống, và bộ vẩy mượt mà sáng trưng. Tôi cảm thấy như đang giáng cho số phận một đòn chí tử vì đã khuất phục được một đối thủ đẹp đẽ đến vậy. Với con cá này, tôi đã trả đũa lại biển cả, gió bão, nạn đắm tàu, trả đũa lại tất cả những nghịch cảnh mà tôi đã phải chịu. Tôi hét lên: “Hỡi thần Vishnu, con xin tạ ơn Người! Xưa kia Người đã cứu thế giới bằng cách hiện hình cá. Nay thì người đã cứu con cũng bằng cách hiện hình thành cá. Xin tạ ơn Người!”.
Giết nó không khó. Nếu không phải lấy cái lưỡi câu ra thì tôi sẽ dành việc ấy cho Richard Parker, là kẻ có quyền và sẽ ăn sống nuốt tươi ngay con cá. Câu được con dorado khiến cho tôi hỉ hả vô cùng, hơn cả như câu được một con hổ. Tôi tự tay giết nó. Tôi cầm rìu bằng cả hai tay và hết sức liên tiếp bổ đầu búa xuống con cá. Tôi vẫn không dám dùng lưỡi sắc của rìu. Con dorado làm một việc khác thường khi nó chết: nó bắt đầu phát ra đủ các loại ánh sáng mầu sắc khác nhau. Xanh da trời, xanh lá cây, đỏ, vàng, lửa và tím thi nhau lấp lánh như đèn neon trên tấm thân đang giẫy dụa của nó. Tôi tưởng như mình đang đập chết một dải cầu vồng. Sau này tôi mới biết loài dorado nổi tiếng vì cái chết sặc sỡ rỡ ràng của chúng. Cuối cùng, nó nằm im và không còn mầu gì nữa, tôi gỡ được cái lưỡi câu. Thậm chí tôi còn gỡ lại được một phần mồi.
Có thể kinh ngạc một điều là chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đến thế, tôi đã đi từ chỗ khóc lóc vì cái chết âm thầm của một con cá bay đến chỗ hăng hái đập chết một con dorado. Có thể biện hộ rằng tôi đã thấy e ngại và không nỡ giết một con cá bay chỉ vì trốn chạy và lầm đường rơi vào tay tôi, còn con dorado lớn lao kia thì tôi đã phải cố hết sức để bắt nó và sự phấn khích của chiến công ấy đã khiến tôi hăng máu, tự tin ở việc giết chết nó. Nhưng thực tế mà nói thì lí do không phải như vậy. Mà đơn giản và tàn khốc hơn nhiều: người ta có thể quen với bất kì việc gì, kể cả chết chóc.
Với lòng tự hào của một kẻ đi săn, tôi kéo cái bè vào gần xuồng. Tôi cho bè áp vào mạn xuồng, cúi người thất thấp, rồi vung tay ném con dorado vào trong xuồng. Nó rơi xuống với một tiếng thịch thật nặng, và tôi nghe thấy Richard Parker phát ra một âm thanh bật gió đầy ngạc nhiên. Sau một vài tiếng hít hà, tôi nghe rõ tiếng miệng hổ ngoạm nhai nhoàm nhoạp. Tôi đẩy bè ra, không quên thổi lên nhiều hồi còi để Richard Parker biết rằng ai đã cho nó suất thức ăn tươi sống đó. Tôi dừng lại nhặt một ít bánh quy và một hộp nước uống. Năm con cá bay rơi vào trong tủ đã chết cả. Tôi vặn hết cánh của chúng vứt đi, rồi quấn cả vào cái chăn nay đã thành thiêng liêng vì mạng cá.
Khi tôi đã rửa sạch các vết máu trên người, lau chùi bộ đồ câu, thu xếp gọn ghẽ mọi thứ và ăn xong bữa tối thì đêm đã buông xuống. Một màn mây mỏng che khuất các vì sao và vầng trăng. Trời rất tối. Tôi thấm mệt, nhưng vẫn còn phấn khích vì những sự kiện của những giờ trước đó. Cảm giác bận rộn khiến tôi thấy vô cùng sảng khoái. Tôi đã không nghĩ một tí gì đến tình trạng hoặc bản thân mình. Câu cá quả là cách dùng thời gian hay hơn kể chuyện hoặc chơi trò Gián điệp rất nhiều. Tôi quyết định sẽ lại câu cá ngay khi rạng ngày sáng hôm sau.
Tôi ngủ thiếp đi, đầu óc còn sáng rỡ những lấp lánh sặc sỡ của con dorado đang đi vào cõi chết. 
---------------
Chú thích :
1-  Người La Mã truyền giảng đạo Cơ Đốc, bị chính quyền bắt và giết năm 1887, sau được Giáo hội Cơ Đốc phong thánh. Sebastian bị trói đứng vào cọc, trần trụi, và bị lính dùng cung nỏ bắn tên vào người cho đến chết. ( ND ) 
2 - Nhân vật trong Kinh Thánh Cơ đốc: là kẻ sát nhân đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đã giết chết chính anh trai của mình. ( ND )

Chương 61

Đêm đó tôi ngủ chập chờn. Sắp sáng thì tôi không cố ngủ nữa mà chống tay nằm lên. Và cặp mắt nhỏ nhoi của tôi nhìn thấy một con hổ. Richard Parker đang không yên. Nó rên rỉ, gầm gào, và đi quanh quẩn vòng quanh xuồng. Lạ thật. Tôi thử đánh giá tình hình. Nó không thể đói được. Chí ít cũng không đến nỗi đói quá mà trở thành nguy hiểm. Nó khát chăng? Lưỡi nó thè lè thật, nhưng chỉ chốc lát thôi, và nó không hề hổn hển. Bụng và chân nó vẫn ướt, tuy không sũng nước như trước. Có thể là nước mưa đọng trong xuồng đã cạn bớt. Chẳng mấy chốc, nó sẽ khát.
Tôi nhìn lên trời. Màn mây mỏng đã tan đi. Trời trong vắt, chỉ có vài vẩn mây nhỏ phía chân trời. Sẽ là một ngày nóng bức không mưa nữa đây. Biển chuyển mình một cách lười nhác, như thể đã thấy mệt vì cái nóng sắp đến.
Tôi ngồi dựa cột buồm và suy nghĩ về vấn đề của chúng tôi. Bánh quy và bộ đồ câu sẽ đảm bảo phần cứng của khẩu phần hàng ngày của chúng tôi. Phần nước mới là cái lo. Nước thì đầy rẫy quanh chúng tôi, nhưng lại không uống được vì có muối. Tôi có thể trộn một ít nước biển vào nước uống của nó, nhưng đầu tiên là phải kiếm được phần nước uống ấy đã. Các hộp nước không thể đủ cho cả hai chúng tôi về lâu dài – thực sự là tôi không hề muốn chia thứ nước này cho Richard Parker một tí nào – còn trông chờ vào nước mưa không thôi thì thật là ngốc.
Chỉ còn có những cái máy cất nước bằng nắng kia mà thôi. Tôi nghi ngờ liếc nhìn chúng. Chúng đã ở dưới nắng được hai ngày rồi. Tôi thấy một cái đã có vẻ xịt hơi. Tôi kéo dây buộc nó vào và thổi phồng cái chóp nón trở lại. Không mong chờ gì, tôi thò tay xuống nước xem cái túi chứa bên dưới hộp phao nó ra sao. Những ngón tay tôi thấy cái túi căng tròn một cách bất ngờ. Tôi run hết cả người. Trấn tĩnh lại, nhỡ chỉ là nước biển đã lọt vào đó thì sao. Tôi gỡ cái túi ra, rồi theo đúng chỉ dẫn, hạ thấp nó xuống và nghiêng cái máy cất để bất kì chút nước nào còn đọng quanh đáy chóp nón sẽ chảy hết vào túi. Tôi đóng hai cái nắp nhỏ, tháo hẳn cái túi ra và kéo nó lên. Nó hình khối vuông, làm bằng nhựa dẻo dày, mềm và có màu vàng, với những vạch đo độ in ở một bên sườn. Tôi nếm nước chứa trong túi. Tôi nếm lại lần nữa. Không hề mặn chút nào.
“Con bò sữa biển ngọt ngào của ta ơi!” Tôi thốt lên với cái máy cất nước. “Mày đã ra sữa rồi, và mới ngon làm sao! Vẫn hơi có mùi cao su, nhưng tao không phàn nàn đâu. Đây này, hãy xem tao uống đây này!”
Tôi uống hết túi nước. Nó có dung tích một lít và đã chứa gần đầy. Sau một phút thở dài nhắm mắt tận hưởng sung sướng, tôi lắp lại cái túi. Tôi kiểm tra các máy cất khác. Cái nào cũng có một túi nặng tương tự. Tôi thu được hơn tám lít nước ngọt, phải nói như là sữa tươi, và chứa cả vào cái xô cá. Lập tức, những cái bẫy kĩ thuật đó trở thành quá quý giá với tôi như bầy gia súc đối với một trại chủ. Quả thật, dập dềnh lười nhác trên mặt nước thế kia, chúng cũng giống một đàn bò đang gặm cỏ trên cánh đồng. Tôi chăm chút vào chúng, đảm bảo để cái nào cũng đầy nước biển và chóp nón với hộp phao nào cũng được thổi căng vừa phải.
Sau khi thêm một ít nước biển vào xô, tôi đặt nó lên mặt ghế bên mạn xuồng ngay sát cạnh mép bạt. Không khí mát mẻ của buổi sáng đã hết. Richard Parker có vẻ đã yên vị ở phía dưới. Tôi buộc cái xô vào chỗ đó bằng dây và dùng thêm các móc của tấm bạt ở phía xuồng. Cẩn thận, tôi ngó trộm qua mạn xuồng. Nó đang nằm nghiêng. Hang ổ nó là một cảnh tượng bẩn thỉu. Các con thú chết chất thành một đống các bộ phận cơ thể thối tha rất lạ mắt. Tôi nhận ra một vài cẳng chân, nhiều mảnh da, mảnh đầu, rất nhiều xương. Cánh các con cá bay rải rác khắp nơi.
Tôi chặt một con cá bay và ném một khúc xương lên trên mặt ghế. Sau khi đã thu thập đủ những thứ cần thiết từ trong tủ đủ cho ngày hôm đó và sắp quay về bè, tôi ném thêm một khúc cá lên mui bạt ngay trước mũi Richard Parker. Nó có tác dụng như ý muốn. Khi bè đang trôi xa khỏi xuồng, tôi thấy nó ra khỏi chỗ ẩn náu để lượm khúc cá với món đồ lạ ngay cạnh. Nó đứng dậy nghiêng cái đầu khổng lồ vào xô nước. Tôi cứ sợ nó sẽ làm đổ cái xô. Nhưng không. Mặt nó biến hẳn vào trong xô, gần khít khịt, và nó bắt đầu uống. Chỉ một nhoáng cái xô bắt đầu lắc và kêu lạch cạch mỗi khi nó liếm xoàm xoạp vào đáy xô. Khi nó ngẩng lên, tôi nhìn chằm chằm một cách dữ tợn vào mắt nó và thổi một vài hồi còi. Nó biến mất vào bên dưới tấm bạt.
Tôi nảy ra ý nghĩ rằng cứ mỗi ngày qua đi, cái xuồng lại càng giống một vườn thú hơn. Richard Parker đã có khu vực nằm nghỉ và ngủ nghê của nó, rồi chỗ chứa thức ăn, chỗ nhìn ngó ra bên ngoài, và bây giờ thì cả một chỗ để uống nước.
Nhiệt độ mỗi lúc một cao. Nóng đến ngột ngạt. Suốt ngày hôm đó, tôi ngồi dưới dù che và câu cá. Có vẻ là tôi đã hết cái may mắn của người mới đi câu với con dorado đầu tiên ấy. Cả ngày hôm đó tôi chả câu được gì, kể cả buổi chiều tà, khi nước biển có vẻ đầy rẫy sự sống bên dưới. Một con rùa xuất hiện, lần này là loài khác, một con rùa biển xanh lá cây, cồng kềnh hơn và nhẵn nhụi hơn, nhưng cũng tò mò như con rùa mỏ diều lần trước. Tôi không phản ứng gì với nó, nhưng bắt đầu nghĩ mình phải làm gì đó với bọn rùa này.
Cái duy nhất có thể gọi là tốt đẹp của một ngày nóng nực như vậy là cảnh tượng dãy phao cất nước. Chóp nón nào cũng đầy những giọt và vệt nước đọng ngoằn ngoèo bên trong.
Cuối ngày hôm đó, tôi tính ra là sáng hôm sau sẽ là trọn một tuần kể từ hôm Tsimtsum chìm xuống đáy đại dương.

Chương 62

Gia đình Robertson sống sót được tám mươi tám ngày trên biển cả. Thuyền trưởng Blight của con tàu Bounty nổi tiếng đã bị thủy thủ nổi loạn và ông cùng những người cộng sự của ông bị ném ra khỏi tàu đã sống được bốn mươi bảy ngày. Steven Callahan sống được bảy mươi sáu ngày. Owen Chase, mà câu chuyện của ông về tàu đánh cá voi Essex đã bị một con cá voi đánh chìm ra sao đã là nguồn cảm hứng của Herrman Melville, đã sống được tám mươi ba ngày trên biển cả cùng với hai thủy thủ, trong đó có một tuần lễ trên một hòn đảo thù địch. Gia đình Bailey sống được một trăm mười tám ngày. Tôi nghe một thủy thủ thương gia Triều Tiên tên là Poon gì đó đã sống sót trên Thái Bình Dương trong một trăm bảy mươi ba ngày vào những năm 1950.
Tôi đã sống sót trên biển trong hai trăm hai mươi bảy ngày. Thử thách của tôi kéo dài như vậy đấy, hơn bảy tháng trời.
Tôi giữ cho mình luôn bận rộn. Đó là chìa khoá để sống còn. Trên một chiếc xuồng, thậm chí một cái bè, lúc nào cũng có những việc cần phải làm. Một ngày điển hình của tôi, nếu khái niệm đó có thể áp dụng cho một kẻ đắm tàu, đại khái diễn ra như sau:

Từ lúc mặt trời mọc cho đến giữa buổi sáng:
* thức dậy
* cầu nguyện
* cho Richard Parker ăn sáng
* kiểm tra chung tình trạng của bè, xuồng, đặc biệt chú ý đến tất cả các nút dây buộc
* chăm chút các máy cất nước (lau chùi, thổi căng, đổ nước)
* ăn sáng và kiểm tra kho đồ ăn
* câu cá và làm cá nếu cắn câu (mổ, rửa, phơi các rẻo thịt lên dây để phơi nắng cho chín)

Từ giữa sáng đến chiều muộn:
* cầu nguyện
* ăn nhẹ bữa trưa
* nghỉ ngơi và làm những việc nhẹ nhàng (viết nhật kí, xem xét các vết xây xát trên người, sửa sang các vật dụng, thu xếp tủ chứa cho gọn gàng, quan sát và nghiên cứu Richard Parker, vân vân)

Từ cuối chiều đến gần tối:
* cầu nguyện
* câu cá và làm cá
* chăm các rẻo thịt phơi (lật mặt, cắt bỏ các chỗ ươn)
* chuẩn bị bữa ăn tối
* ăn bữa tối cùng với Richard Parker

Mặt trời lặn:
* kiểm tra tình trạng chung của bè và xuồng (dây với nút buộc)
* thu trữ nước ngọt từ các máy cất
* cất giấu tất cả thức ăn và vật dụng
* sửa soạn cho ban đêm (soạn chỗ nằm, cất pháo sáng vào nơi an toàn trên bè để nhỡ có gặp tàu đi qua, và cái hứng mưa để nhỡ có mưa ban đêm)
* cầu nguyện

Đêm:
* ngủ từng giấc ngắn
* cầu nguyện

Các buổi sáng thường dễ chịu hơn những lúc chiều muộn, khi sự trống rỗng của thời gian có chiều hướng hiện ra trong lòng rõ rệt hơn.
Bất kỳ sự kiện gì cũng có ảnh hưởng đến nếp sống thường ngày đó. Trời mưa, bất cứ lúc nào, cũng dừng mọi việc khác đang làm, và trong lúc mưa, tôi giữ cái hứng nước, hăng hái tập trung vào việc thu trữ nước hứng được. Có con rùa xuất hiện cũng là một ngắt quãng lớn. Và tất nhiên, Richard Parker là một náo động thường xuyên. Điều gì làm cho nó yên được là tôi ưu tiên không dám lơi là một phút nào. Nó chẳng có một nếp công việc gì ngoài ăn, uống và ngủ, nhưng có những lúc nó bị khuấy đảo khỏi tình trạng ù lì và lồng lộn quanh lãnh thổ của mình, đánh động, trở nên khó hiểu. May sao, lần nào như vậy, nó cũng nhanh chóng bị nắng và nước biển bao la làm cho mệt mỏi và chỉ biết quay vào trong mui bạt, lại nằm nghiêng hoặc ép bụng xuống sàn xuồng, đầu dựa lên hai chân trước bắt chéo nhau.
Nhưng tôi không chỉ để ý đến nó vì cần thiết. Tôi qua hàng nhiều giờ liền chỉ quan sát nó vì đó cũng là một việc thu hút sự chú ý của tôi. Một con hổ lúc nào cũng là một con thú đầy thú vị, và càng như thế khi ta chỉ có nó là bạn đồng hành.
Lúc đầu, tôi luôn có ý thức nhìn quanh và trông chờ một con tàu xuất hiện, gần như là không nhìn được. Nhưng sau một vài tuần, năm sáu tuần gì đó, tôi hầu như hoàn toàn không có ý thức ấy nữa.
Và tôi đã sống sót bởi vì tôi đã quyết định phải lãng quên. Câu chuyện của tôi bắt đầu vào một ngày có trong lịch – ngày 2 tháng 7 năm 1977 – và kết thúc vào một ngày cũng có trong lịch – ngày 14 tháng 2 năm 1978 – nhưng khoảng thời gian giữa hai ngày đó thì không có lịch nào cả. Tôi không đếm ngày, đếm tuần, đếm tháng. Thời gian là một ảo giác chỉ làm cho ta phải thở dốc. Tôi đã sống vì tôi đã quên cả ý thức về thời gian.
Những gì tôi nhớ được là các sự kiện và các cuộc gặp gỡ, cùng các nếp quen thuộc hàng ngày, những dấu mốc tự chúng xuất hiện đây kia từ đại dương thời gian và in hằn vào kí ức tôi. Ví dụ như mùi của các vỏ pháo sáng đã phóng lên từ tay tôi, những lời cầu nguyện khi rạng ngày, việc giết rùa, và các đặc tính sinh học của các loài tảo. Và nhiều cái khác nữa. Nhưng tôi không biết có thể kể lại chúng theo trình tự hay không. Ký ức tôi trở lại thành từng mớ hỗn độn.

Chương 63

Quần áo tôi rữa nát, nạn nhân của nắng và muối. Lúc đầu, chúng cứ mỏng dần. Rồi chúng rách tơi ra cho đến lúc chỉ còn lại những đường chỉ. Cuối cùng, cả những đường chỉ đó cũng bục đi. Nhiều tháng trời, tối sống trần như nhộng, chì có cái còi lủng lẳng trên cổ bằng một sợi dây.
Bỏng rộp vì nước muối – những vết rộp khó chịu, đỏ loét và chẳng ra hình thù gì – là chứng bệnh cùi của biển khơi, do bị ngâm và sũng nước lâu ngày. Khi các vết rộp ấy vỡ, da tôi trở nên đặc biệt nhạy cảm. Nhỡ chạm phải một vết loét ấy là tôi phát khóc và nghẹt cả thở vì đau. Tất nhiên, các vết rộp này rộ lên tại những chỗ cơ thể tôi hay bị ướt nhất khi ở trên bè, tức là ở hai bên sườn. Biết bao ngày tôi đã không thể tìm được tư thế nào để nằm nghỉ được dễ chịu. Thời gian và ánh nắng làm lành được một vết rộp, nhưng rất lâu, và nếu tôi không giữ được khô người thì các vết rộp mới lại xuất hiện.

Chương 64

Tôi bỏ hàng nhiều giờ để cố tìm hiểu hết các ý nghĩa các dòng viết về kĩ thuật đi biển trong cuốn cẩm nang. Có rất nhiều cách giải thích rõ ràng và dễ hiểu về việc làm sao sống được trên mặt biển, nhưng các tác giả đã giả định rằng người đọc đều đã có những kiến thức cơ bản về hàng hải. Họ cho rằng nạn nhân đắm tàu đều là những thủy thủ có kinh nghiệm, với com-pa, bản đồ và máy ngắm trong tay, và đều biết phải tìm đường tránh nạn ra sao. Kết quả là những lời khuyên như: “Hãy nhớ rằng thời gian là khoảng cách. Đừng quên lên giây đồng hồ”, hoặc “Có thể dùng ngón tay để đo vĩ độ khi cần thiết”. Tôi có một cái đồng hồ, nhưng bây giờ nó đã nằm dưới đáy Thái Bình Dương. Tôi đã mất nó khi chìm tàu Tsimtsum. Còn với kinh độ, vĩ độ thì ôi thôi, kiến thức hải dương của tôi chỉ bó hẹp trong những gì cuộc sống trong nước biển và không được mở rộng sang những gì chạy đi chạy lại trên mặt biển.
Gió và dòng chảy là một bí hiểm đối với tôi. Các vì sao không có nghĩa lí gì với tôi. Tôi không thể gọi tên được một chòm sao nào hết. Gia đình tôi đã sống với chỉ một ngôi sao: mặt trời. Chúng tôi ngủ sớm và dậy sớm theo mặt trời. Trong đời tôi đã từng ngắm nhìn những đêm sao đẹp đẽ khi thiên nhiên vẽ nên bức những bức tranh vĩ đại nhất chỉ với hai màu và những phong cách giản dị nhất, và tôi cũng cảm được sự diệu kì, nhỏ bé mà tất cả chúng ta đều cảm thấy, và cũng nhận ra cảm giác rõ rệt về hướng đi của cuộc đời từ quang cảnh hùng vĩ đó, hầu như rõ rệt, nhưng là nói với nghĩa tâm linh mà thôi, chứ không phải với nghĩa địa lí. Tôi không có một chút ý niệm gì về việc có thể dùng bầu trời sao ấy làm một bản đồ chỉ đường. Làm sao những ngôi sao ấy, cho dù sáng đến đâu, lại có thể giúp tôi tìm đường cho mình nếu chúng cũng chuyển dịch không ngừng?
Tôi từ bỏ ý định tìm hiểu vấn đề đó. Có biết thêm được gì nữa thì cũng là vô bổ. Tôi chẳng có phương tiện gì để chủ động được hướng đi của mình – không chân vịt, không buồm, không động cơ, chỉ vài mái chèo nhưng không đủ sức điều khiển. Vạch ra một hướng đi chỉ là vô nghĩa nếu tôi không thể làm gì để thi hành việc đó? Ngay cả khi có thể làm được thế, làm sao tôi biết mình nên đi về đâu? Sang phía Đông, đến Mỹ? Lên Bắc, đến Châu Á? Xuống phía Nam, nơi có các luồng tàu? Lựa chọn nào cũng tốt xấu ngang nhau.
Thế nên tôi trôi dạt. Gió và dòng chảy quyết định nơi tôi sẽ đến. Thời gian trở thành khoảng cách đối với tôi cũng như mọi sinh vật có sinh tử khác ở đời – tôi du hành xuôi theo con đường đời – và tôi dùng ngón tay mình làm các việc khác chứ không cố đo vĩ độ với chúng.
Sau này, tôi tìm ra rằng tôi đã du hành dọc một con đường nhỏ hẹp, đó là dòng hải lưu ngược xích đạo của Thái Bình Dương.

Chương 65

Tôi câu với các loại lưỡi câu khác nhau, ở các độ sâu khác nhau và nhằm vào các loại cá khác nhau, từ lối câu cá dưới đáy biển với các lưỡi rất to cùng nhiều hòn chì nặng thả dây thật sâu đến những lưới nhỏ hơn với chỉ một hai hòn chì để nhử cá ăn nổi trên mặt nước.
Lâu lắm mới có cá cắn câu, khiến cho lần nào được cá tôi cũng rất mừng, nhưng kết quả có vẻ không tương xứng tí nào với nỗ lực đã bỏ ra của tôi. Chờ cá cắn câu quá lâu, cá câu được quá nhỏ, và Richard Parker luôn luôn bị đói.
Cuối cùng thì tôi thấy cái lao móc câu lại là vũ khí bắt cá rất lợi hại. Mỗi cây lao gồm có ba phần được vặn vào với nhau: hai đoạn gậy tròn tạo thành phần cán lao – một đoạn có tay nắm bằng nhựa ở một đầu và có vòng để nối cây lao vào dây bảo hiểm – và một phần nữa có một cái lưỡi móc câu có đường kính phần uốn cong rộng đến năm phân và một mũi nhọn sắc bén như kiểu dây thép gai. Lắp hết lên, một cái lao dài khoảng một thước rưỡi, cầm thấy nhẹ và chắc như một thanh gươm.
Lúc đầu tôi thường thọc lao xuống sâu độ hơn một thước, có khi móc cả một con cá vào mũi lao làm mồi, và ngồi đợi. Thường phải đợi lâu hàng giờ, thân thể tôi căng thẳng đến đau nhừ. Khi thấy một con cá đã bơi vào đúng chỗ, tôi lấy hết sức lực rút thật nhanh cái lao lên.
Đó là một quyết định phải thi hành lập tức chỉ trong một phần giây đồng hồ. Kinh nghiệm dạy tôi rằng chỉ nên rút lao khi tôi thực sự cảm thấy có cơ hội bắt được cá, không nên rút một cách hú hoạ, vì cá cũng rút kinh nghiệm rất nhanh, và không bao giờ rơi vào cùng một cái bẫy đến lần thứ hai.
Khi may mắn, lưỡi lao sẽ móc chắc vào con cá và tôi có thể bình tĩnh đem nó lên bè. Nhưng nếu tôi móc một con cá lớn vào đúng phần bụng hoặc đuôi, nó sẽ vặn người tuột khỏi lao và vuột đi mất với một tốc độ bất ngờ. Bị thương như vậy, con cá dễ dàng trở thành mồi ngon cho các con cá khác, một món quà mà tôi không hề muốn tặng cho chúng. Vì vậy mà khi thấy cá to, tôi luôn cố nhằm vào phần bên dưới mang và vây sườn của nó, vì phản ứng bản năng của cá khi bị tấn công là bơi lên trên để tránh lưỡi câu, theo đúng hướng tôi sẽ rút lao.
Có những lần, mũi lao chỉ gãi chứ không móc được vào người con cá và chúng cứ thế lao thẳng lên khỏi mặt nước, nhào vào tận mặt tôi. Tôi nhanh chóng mất cảm giác sợ hãi khi chạm vào các con vật dưới biển. Không còn những xúc động như lần giết con cá bay trong chăn nữa. Một con cá nhảy khỏi mặt nước bây giờ sẽ phải đương đầu với một thằng bé đói khát đang sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bắt nó. Nếu cảm thấy lưỡi lao móc vào cá có vẻ còn lỏng lẻo, tôi thường buông lao – vì đã buộc nó vào dây bảo hiểm – và dùng cả hai tay bắt lấy con cá. Ngón tay, mặc dù cùn, vẫn nhanh nhẹn và khéo léo hơn một cái móc rất nhiều. Cuộc chiến đấu sẽ rất dữ dội và nhanh chóng. Những con cá thì trơn tuột và tuyệt vọng, còn tôi thì chỉ tuyệt vọng mà thôi. Ước sao tôi có được nhiều tay như nữ thần Durga – hai tay giữ lao, bốn tay bắt cá và hai tay nữa sử dụng rìu. Tôi phải thu xếp mọi việc với hai tay. Tôi thọc ngón tay vào mắt, thọc cả bàn tay vào mang, dùng đầu gối ấn nát bụng, dùng răng cắn đuôi – làm đủ mọi thứ cần thiết để giữ được con cá trên bè cho đến lúc có thể với được rìu và chặt đầu nó.
Với thời gian và kinh nghiệm, tôi đã trở thành một thợ săn giỏi hơn. Tôi mạnh bạo hơn và lanh lẹ hơn. Tôi đã phát triển được một bản năng, một cảm giác rõ rệt về việc phải làm.
Tôi thành công lớn hơn khi bắt đầu dùng đến một phần của cái lưới đựng hàng. Với tư cách một cái lưới bắt cá thì nó hoàn toàn vô dụng – quá cứng, quá nặng, và mắt lưới không đủ mau. Nhưng nó là một cái nhử cá hoàn hảo. Buông thả và uốn lượn tự do dưới nước, nó là một hấp dẫn không cưỡng lại được đối với các con cá và càng hấp dẫn hơn khi rong biển bắt đầu mọc bám vào nó. Những con cá kiếm ăn gần bắt đầu quanh quẩn coi cái lưới như hàng xóm của mình, còn bọn ăn xa, trước chỉ hay đáo qua rất nhanh như bọn dorado, nay cũng phải lượn lờ chậm lại để xem xét cái khu phố mới mở ấy. Bọn sở tại cũng như bọn khách ghé qua có biết đâu rằng mắt lưới có cài lưỡi câu. Có những ngày, (chẳng may quá ít), tôi cứ rút lao lên cái nào là có cá cái ấy. Những lúc đó tôi săn được thật thừa thãi; trên xuồng không còn đủ chỗ mà dây căng trên bè cũng chật ních những rẻo thịt dorado, cá bay, cá ngừ, chim, nụ… chứ đừng nói gì đến cái bụng no kễnh của tôi. Tôi trữ tất cả những gì cần cho mình, còn lại thì cho Richard Parker. Trong những ngày no đủ ấy, tôi bắt được nhiều cá đến nỗi thân thể bắt đầu lấp lánh đầy những vẩy cá bám chặt vào da thịt. Tôi cứ để nguyên những chấm sáng ngời ánh bạc ấy trên người như một tín đồ Hinđu mang trên trán biểu tượng thần linh. Nếu có thủy thủ nào gặp tôi trên biển lúc đó, chắc hẳn họ phải nghĩ tôi là một vị thần cá đang đứng trên vương quốc của mình. Đó thật là những ngày tốt đẹp hiếm hoi.
Rùa quả thật dễ bắt, đúng như viết trong cẩm nang. Trong chương về “săn bắt và hái lượm”, rùa được nói đến trong phần “hái lượm”. Mặc dù chúng chắc nịch như xe tăng, rùa không phải là một loài bơi nhanh và khoẻ; chỉ cần một tay tóm lấy một cái chân sau là có thể bắt được chúng. Nhưng cuốn cẩm nang quên không nói rằng tóm được rùa chưa chắc đã là tóm được nó. Còn phải mang nó lên khỏi mặt nước nữa. Mà kéo một con rùa nặng hàng bảy mươi cân đang quẫy đạp lên được xuồng không phải dễ. Việc đó cần có sức khoẻ phi thường. Tôi đã phải làm như sau: lôi con rùa vào sát mạn xuồng, lấy dây buộc cổ, chân trước và cả chân sau, rồi kéo nó lên cho đến khi tay muốn gãy rời ra và mắt nổ đom đóm. Phải ghì dây thật chắc vào cái móc của mui bạt phía bên kia mũi xuồng, rồi mỗi khi sợi dây chùng ra một tí là phải kéo thêm lên rồi ghì lại ngay, từng phân một. Con rùa sẽ được kéo lên khỏi mặt nước cũng từng phân một như thế. Không thể sốt ruột được. Tôi còn nhớ một con rùa biển màu xanh lá cây đã bị treo bên cạnh xuồng như vậy trong hai ngày, và nó liên tục quẫy đạp như điên cuồng. May sao, vào lúc cuối thì rùa lại thường giúp tôi một tay mà không biết. Tức là khi nó đã bị kéo đến mép xuồng, rùa càng điên cuồng càng muốn thoát thân và nó cố rụt bốn chân bị trói vào thật mạnh, đúng lúc ấy, tôi cũng cố sức kéo dây thật mạnh, và hai lực ngược chiều như vậy bỗng hất con rùa bật lên qua mép xuồng và rơi trượt vào tấm bạt. Tôi sẽ ngã người ra sau, kiệt sức nhưng thật hỉ hả.
Rùa biển xanh lá cây cho nhiều thịt hơn rùa mỏ diều, và mai phía bụng của chúng cũng mỏng hơn. Nhưng chúng thường to hơn rùa mỏ diều, trong nhiều trường hợp là quá to đối với một kẻ đắm tàu đang ngày càng yếu đi như tôi.
Lạy Chúa, cứ nghĩ rằng tôi vốn là một kẻ ăn chay kiêng khem rất kĩ. Cứ nghĩ lại hồi trước chỉ cần nghe tiếng bẻ một quả chuối là tôi đã rùng mình vì tưởng tượng như tiếng một con vật bị bẻ gãy cổ. Tôi đã rơi vào tình trạng man rợ không thể tưởng tượng nổi mất rồi.

Chương 66

Đáy cái bè đã trở thành nơi trú ngụ của rất nhiều sinh vật biển, cũng giống như cái lưới, nhưng nhỏ hơn. Nó bắt đầu bằng một lớp tảo xanh rờn mềm mại bám vào cái áo phao. Rồi đến các loại tảo cứng hơn và có màu sẫm hơn. Chúng sinh sôi nảy nở và ngày càng dày ra. Các sinh vật khác bắt đầu tới. Đầu tiên là những con tôm nhỏ xíu, trong suốt, dài chỉ độ mươi phân. Theo sau đó là những con cá cũng nhỏ như thế và trông như thể suốt đời bị chiếu X quang; ruột gan chúng rõ mồn một dưới lần da thịt trong suốt. Sau đó, tôi để ý thấy những con giun màu đen có dây sống trắng ngần, bọn nhuyễn thể lầy nhầy màu xanh lá cây với đám chân tay chưa tiến hoá thành hình thù gì rõ rệt, những con cá màu sắc sặc sỡ chỉ dài độ ba mươi phân với những cái bụng phệ, và cuối cùng là cua, chỉ bé độ một hai phân và có màu nâu. Tôi đã ăn thử tất cả bọn chúng, kể cả rong tảo, chỉ chừa lũ giun đen. Chỉ có bọn cua là không có vị mặn đắng khó chịu ở trong miệng. Mỗi lần chúng đến, tôi lại ném vào miệng hết con này đến con khác. Tôi không thể kiềm chế được mình. Những đàn cua ngon lành ấy thỉnh thoảng mới kéo đến mà thôi.
Vỏ xuồng cũng trở nên đầy rẫy sự sống, dưới dạng những con hà cổ ngỗng. Tôi mút mát chúng. Thịt chúng làm mồi câu rất tốt.
Tôi trở nên gần gũi với những kẻ đi ở nhờ bè ngoài biển khơi của tôi, mặc dù chúng có làm cái bè nặng nề hơn đôi chút. Chúng thu hút sự chú ý của tôi làm tôi đỡ lo nghĩ, cũng như Richard Parker. Tôi để hàng giờ không làm gì hết, chỉ nằm nghiêng, đẩy một cái áo phao ra khỏi vị trí độ mươi phân, như thể mở một cái rèm cửa sổ, và nhìn qua đó xuống dưới nước. Những gì tôi thấy là cả một thị trấn lộn ngược, nhỏ bé, yên tĩnh và an bình, với những cư dân đi lại trong đó, lịch sự như thiên thần. Cảnh tượng ấy làm cho thần kinh mệt mỏi của tôi có được những giây phút thư giãn nghỉ ngơi.

Chương 67

Nếp ngủ của tôi thay đổi. Mặc dù nghỉ ngơi nhiều, tôi ít khi ngủ được liền một giờ, ngay cả ban đêm cũng vậy. Không phải bị sóng dập dềnh liên miên làm tôi khó ngủ, cũng không phải vì gió; người ta quen với mấy chỗ đó như quen với mấy chỗ lồi lõm trên đệm nằm của mình. Tôi cứ bị thức dậy như thế là vì sợ hãi và bồn chồn. Nghĩ lại tôi thấy quả thực mình đã ngủ rất ít.
Không như Richard Parker. Nó đã thành quán quân ngủ. Phần lớn thời gian nó nằm dưới tấm bạt. Nhưng trong những ngày dịu trời khi nắng không quá gắt và cả những đêm yên tĩnh, nó thường ra ngoài. Một trong những tư thế ưa thích khi ra ngoài trời của nó là nằm trên cái ghế đuôi xuồng, bụng chìa cả ra mép ghế, chân trước chân sau gác lên hai ghế bên. Một con hổ mà nằm được vào một chỗ chật hẹp như vậy là vì nó khôn khéo uốn lưng cong cho thật cong. Khi ngủ, nó gác đầu lên hai chân trước. Còn khi trong tâm trạng tương đối hưng phấn và có thể còn muốn nhìn quanh, nó gác hẳn đầu lên mép xuồng.
Một tư thế ưa thích nữa của nó là ngồi quay lưng lại phía tôi, nửa người dưới đặt trên sàn xuồng, hai chân trước ngay cạnh đầu, trông như thể chúng tôi đang chơi trốn tìm và nó là người đang nhắm mắt đếm. Trong tư thế này nó thường ngồi rất im lặng, chỉ thỉnh thoảng vẫy tai để chứng tỏ rằng nó không nhất thiết đang ngủ.

Chương 68

Với những ai có thể phải rơi vào tình trạng khó xử như tôi lúc ấy, tôi xin được khuyến cáo một chương trình như sau:
1. Chọn một ngày sóng thấp nhưng đều đặn. Ta cần một mặt nước để trình diễn thật tốt khi xuồng có thể quay ngang đón sóng mà không bị lật.
2. Thả hết dây neo biển để trên xuồng ổn định và thoải mái nhất. Chuẩn bị nơi ẩn náu bên ngoài xuồng phòng khi cần đến (rất dễ có khả năng phải như vậy). Nếu có thể, hãy tạo ra phương tiện gì đó để che chắn thân thể. Bất kì thứ gì cũng có thể dùng để che chắn được. Ví dụ như quấn chăn hoặc quấn áo vào tay chân cũng là một dạng áo giáp tối thiểu.
3. Rồi đến phần khó làm: phải khiêu khích con vật. Nó sẽ có thể tấn công mình. Hổ, tê giác, đà điểu, gấu rừng, gấu nuôi… con gì thì con, vẫn phải khiêu khích được nó. Cách tốt nhất có lẽ là lân la ra mép lãnh thổ của mình rồi làm bộ xâm phạm vào phần ranh giới trung lập một cách ầm ĩ. Tôi đã làm như vậy: tôi ra chỗ mép bạt rồi vừa giậm chân xuống mặt cái ghế giữa xuồng vừa thổi còi nhè nhẹ. Điều quan trọng là tạo ra được một tiếng động nhất quán và dễ nhận ra để báo hiệu việc lấn chiếm của ta. Nhưng phải rất quan trọng. Cần phải khiêu khích con thú, nhưng chỉ đến mức độ như vậy thôi, chứ đừng để nó khùng lên và tấn công ta ngay lập tức. Nếu xảy ra chuyện đó thì lạy Chúa tôi, ta sẽ bị xé thành từng mảnh, giẫm bẹp, lòi gan nát ruột, và chắc là sẽ bị ăn thịt. Ta không muốn thế. Ta muốn con thú bị đánh động, hoang mang, khó chịu, bứt rứt không yên, nhưng không nổi máu giết người. Trong trường hợp nào cũng không được bước chân vào lãnh thổ của con thú. Cuộc xâm phạm của ta chỉ hạn chế ở động tác nhìn thẳng vào mắt nó và thổi còi đánh mõ mà thôi.
4. Khi con thú đã bị kích động, hãy làm sao để gây ra được một hành động xâm phạm biên giới. Một cách hữu hiệu, theo kinh nghiệm của tôi, là từ từ lùi về trong khi liên tục gây ra tiếng động. Nhưng phải đảm bảo là không rời mắt khỏi mắt con thú. Đến khi thấy nó đặt chân vào lãnh thổ của ta, hoặc thậm chí chỉ tiến vào vùng giáp ranh trung lập thôi, là ta đã đạt được mục đích. Đừng so đo kiểu luật sư xem nó đã đặt chân vào đâu, có đúng là đã vào lãnh thổ của ta chưa, mà phải lập tức đối đầu ngay. Vấn đề ở đây là làm cho con thú hiểu rằng người hàng xóm trên gác của nó đặc biệt khó tính trong chuyện ai ở nhà người nấy.
5. Một khi con thú đã xâm phạm vào lãnh thổ của ta, hãy dồn hết sức để tỏ rõ sự phẫn nộ của mình. Dù đã chạy khỏi xuồng hoặc còn đang trên phần lãnh thổ của ta trên xuồng, hãy bắt đầu thổi còi thật to và lập tức kéo dây rút các neo biển về. Hai hành động nầy cực kì quan trọng. Phải tiến hành song song và điều khiển cho xuồng quay ngang với chiều sóng, ví dụ như một mái chèo, thì hãy dùng ngay lập tức. Xuồng phải quay ngang càng nhanh càng tốt.
6. Với một kẻ đắm tàu kiệt sức, thổi còi liên tục là một việc rất mệt, nhưng ta không được phép ngừng. Con thú phải liên hệ được cảm giác say sóng khó chịu của nó với tiếng còi đinh tai nhức óc của ta. Ta có thể trợ giúp việc nầy bằng cách đứng ở mũi xuồng, hai chân trên mép xuồng và đạp qua đạp lại để xuồng lắc mạnh hơn nữa theo chiều bị sóng tạt. Dù ta có nhỏ người đến đâu và xuồng có lớn đến mấy, tác dụng của việc đó thật đáng kinh ngạc. Tôi đảm bảo rằng chẳng mấy chốc chiếc xuồng sẽ lắc lư và tròng trành như Elvis Presley (1) vậy. Có điều phải thổi còi liên tục, và chớ làm quá để lật mất xuồng.
7. Ta phải làm việc đó liên tục cho tới khi con thú đã thực sự say sóng. Ta phải nghe được nó thở dốc và nôn khan. Ta phải thấy nó nằm bẹp dưới sàn xuồng, chân tay run rẩy, mắt trợn ngược, mồm miệng há hốc và lẩy bẩy. Trong suốt những giây phút đó, ta phải làm ù tai con thú bằng tiếng còi lanh lảnh chát chúa của ta. Nếu thấy mình cũng đã say sóng và buồn nôn, đừng phí phạm bãi nôn đó xuống biển. Đánh dấu lãnh thổ không gì tốt hơn một bãi nôn. Hãy nôn ra chỗ ranh giới lãnh thổ của mình.
8. Lúc con thú đã thực sự mệt mỏi và thuần lành, ta có thể dừng. Say sóng nhanh bị nhưng lại lâu tỉnh. Ta không nên làm quá. Không ai chết vì buồn nôn, nhưng nó làm nhụt ý chí sống. Lúc thấy đã đủ rồi, ta lại thả dây neo biển ra. Nếu con thú nằm vật ngay dưới nắng, hãy kiếm cái gì che cho nó, và làm sao để khi nó tỉnh lại sẽ thấy có nước uống ngay cạnh. Tốt hơn hết là khuấy vài viên thuốc chống nôn vào chỗ nước ấy nếu có. Tình trạng mất nước trong hoàn cảnh ấy có thể nguy hiểm đến tính mạng con thú. Còn không thì ta chỉ việc lẳng lặng rút về phần lãnh thổ của mình và để con thú nằm yên ở đó. Nước uống, nghỉ ngơi và thư giãn trên xuồng sẽ làm cho nó tỉnh táo trở lại. Nên để cho con thú đã hoàn toàn hồi phục trước khi tiến hành lại các bước từ một đến tám như vừa nói.
9. Phải huấn luyện cho đến khi con thú đã thiết lập được mối liên hệ khăng khít giữa tiếng còi và cảm giác buồn nôn chóng mặt rất mãnh liệt, và mối liên hệ ấy phải rõ ràng dứt khoát. Từ đó về sau, chỉ cần tiếng còi là đủ giải quyết các vụ xâm phạm và mọi hành vi không mong muốn khác của con thú. Chỉ cần một hồi còi chát chúa, ta sẽ thấy con thú run lên sợ hãi và nhanh chóng lui vào nơi kín đáo an toàn nhất trong lãnh thổ của nó. Một khi đã qua được giai đoạn huấn luyện nầy, việc dùng còi cần phải hạn chế và thận trọng.
-------------
Chú thích:
(1) Ngôi sao nhạc rock của Mỹ, thành danh vì động tác lắc người đánh hông của mình. (ND)

Chương 69

Giết rùa là một việc nặng nhọc. Con rùa đầu tiên của tôi là một con mỏ diều nhỏ. Cái mà tôi háo hức là máu nó, “món đồ uống ngon, bổ và không có muối”, như hứa hẹn trong cuốn cẩm nang. Cái khát của tôi cũng háo hức chẳng kém. Tôi đã giữ được mai nó và đang cố giữ chặt một chân sau. Khi đã chắc tay tôi lật ngửa nó ra dưới nước và định kéo nó lên bè. Con vật quẫy đạp dữ dội. Không thể trị nó ở trên bè được. Nếu không muốn thả nó đi thì phải làm sao kéo được nó lên xuồng. Tôi nhìn lên. Một ngày nóng bức và không một gợn mây.
Richard Parker có vẻ chấp nhận cho tôi hiện diện ở mũi xuồng trong những ngày như thế này, khi không khí giống như ở bên trong một cái lò nướng nó sẽ không ra khỏi tấm bạt che cho đến khi mặt trời lặn.
Một tay giữ chắc cái chân rùa, tôi dùng tay kia kéo bè về phía xuồng. Trèo lên xuồng không phải dễ. Khi đã trên xuồng, tôi kéo mạnh để hất con rùa lên không và cho nó rơi ngửa lưng lên tấm bạt. Đúng như tôi hi vọng, Richarker Parker chỉ gầm gừ một hai tiếng rồi thôi. Nó không hề có ý định làm bất cứ việc gì trong cái nóng như ngày hôm đó.
Quyết tâm của tôi nghiêm trọng và mù quáng. Tôi cảm thấy không thể để phí thời gian. Tôi mở cuốn cẩm nang như thể nó là một cuốn sách dạy nấu ăn. Sách nói trước hết phải lật ngửa con rùa. Việc đó đã xong. Rồi “thọc lưỡi dao vào cổ để cắt đứt các mạch máu chạy qua đó”. Tôi nhìn con rùa. Làm gì có cổ. Nó đã rụt hết vào trong mai. Chỉ còn thấy hai con mắt với cái mỏ ở giữa những vòng da gấp nếp xung quanh. Nó nhìn tôi nghiêm khắc. Tôi cầm dao chọc chọc vào một cái chân trước xem nó có thò cổ ra không. Nó chỉ rụt sâu thêm vào trong mai. Tôi quyết định tiếp cận trực tiếp hơn. Tự tin như thể đã từng làm việc đó hàng nghìn lần, tôi ấn lưỡi dao vào ngay bên phải và phía dưới cái đầu con rùa, nghiêng đi một chút. Tôi thọc lưỡi dao thật sâu qua các nếp da rồi xoay đi xoay lại. Con rùa rụt đầu vào sâu hơn nữa, nhất là phía bị đâm, rồi thình lình phóng hẳn đầu ra ngoài và dùng mỏ cắn tôi chí tử. Tôi nhảy lui. Nó thò cả bốn chân và bắt đầu cố thoát thân. Nó lắc lư rất mạnh trong tư thế bị nằm ngửa, tứ chi quẫy loạn xạ và đầu vươn ra tứ phía. Tôi vớ lấy rìu bổ mạnh xuống cổ nó. Máu đỏ vọt ra. Tôi vớ lấy cái bình đong và hứng được khoảng ba trăm mililít. Tôi đoán mình có thể còn hứng được nhiều hơn, có lẽ tới một lít, nhưng cái mỏ diều của nó sắc quá và hai chân trước vừa dài vừa khoẻ, lại có cả móng nhọn. Chỗ máu tôi hứng được không thấy có mùi gì đặc biệt. Tôi nhấp thử. Nếu tôi nhớ đúng thì nó có vị âm ấm rất súc vật. Khó lòng nhớ được những ấn tượng ban đầu kiểu đó. Tôi đã uống cạn chỗ máu ấy.
Đã tưởng phải dùng rìu để gỡ cái yếm bụng, nhưng rồi tôi thấy dùng cái cạnh có răng cưa của con dao dễ hơn. Tôi đè một chân lên giữa cái yếm, chân kia dạng ra hết cỡ để tránh không bị tứ chi nó cào phải. Phần da phía đầu thì dễ cắt, chỉ trừ những chỗ quanh bốn chân. Tuy nhiên, cưa phần vành đai, nơi mai với yếm gặp nhau thì rất mệt, đặc biệt vì con rùa vẫn không ngừng quẫy. Cưa đứt hết xung quanh nó thì tôi như tắm trong mồ hôi và cảm thấy kiệt sức. Tôi nhấc mãi cái yếm mới chịu rời lên, như thể miễn cưỡng, với một tiếng bụp ướt nhoét. Lục phủ ngũ tạng lộ ra, phập phà phập phồng – thịt mỡ, máu, ruột, gan, xương cốt.
Mà con rùa vẫn quẫy. Tôi cắt vào cổ nó cho đến tận xương sống. Chẳng ăn thua gì. Tứ chi nó tiếp tục đạp. Tôi chặt phăng đầu nó với hai nhát rìu. Tứ chi nó vẫn quẫy. Kinh khủng hơn là cái đầu bị chặt rời ra mà vẫn tiếp tục ngáp lên ngáp xuống với hai cặp mắt hấp háy. Tôi gạt nó xuống biển. Cái phần vẫn còn sống kia của con rùa thì tôi cố nhấc cả lên và thả xuống chỗ Richard Parker. Con hổ đang đánh động và có vẻ như sắp ngồi dậy. Có thể nó đã ngửi thấy mùi máu. Tôi bỏ chạy về bè.
Có thể nghe tiếng Richard Parker ăn và thưởng thức món rùa một cách ầm ĩ. Tôi buồn bã nhìn về phía nó. Tôi đã hoàn toàn kiệt sức. Chỗ máu uống được có vẻ chẳng bõ bèn gì so với bao nhiêu công sức tôi đã bỏ ra để làm thịt con rùa.
Tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm chỉnh về chuyện sẽ phải thu xếp thế nào với Richard Parker.
Tình trạng nó chỉ chịu để yên cho tôi lên xuồng trong những ngày nóng nực, nếu quả thật đó là lí do chứ không phải đơn thuần là vì nó lười nhác, không thể cứ kéo dài mãi được. Tôi không thể lúc nào cũng phải chạy trốn nó như thế. Tôi cần được tiếp cận an toàn cái tủ đồ và phần nóc mui bạt trên xuồng, bất kể lúc nào, bất kể thời tiết ra sao, bất kể cả tình trạng tâm lí của nó thế nào. Cái tôi cần là quyền hạn, thứ quyền hạn đi đôi với quyền hành.
Đã đến lúc phải ra tay chiếm lĩnh phần lãnh thổ của tôi ở trên xuồng.

Chương 70

Trong trường hợp của tôi, để tự vệ trong khi huấn luyện Richard Parker, tôi làm một cái khiên bằng mai rùa. Tôi cắt hai cái khấc hai bên và buộc một đoạn dây quanh chỗ đó. Cái khiên hơi nặng. Nhưng có người lính nào được lựa chọn vũ khí của mình?
Lần đầu tiên tôi thử làm những chuyện nói trên, Richard Parker nhe nanh, xoay hai tai một vòng, khạc ra một tiếng gầm gừ từ trong cổ họng và nhào vào tôi. Một bàn chân đầy móng vuốt giương ra của nó vung lên rồi tát vào cái khiên của tôi. Cú tát đó hất tôi văng ra khỏi xuồng. Tôi rơi xuống nước và lập tức thả cái khiên ra. Nó chìm nghỉm, sau khi đập bộp một cái vào ống đồng tôi. Tôi sợ hết hồn – sợ Richard Parker, lại sợ của ở dưới nước. Tôi tưởng tượng một con cá mập đang lao vào tôi ngay lúc ấy. Tôi cuống cuồng bơi về bè, chân tay đập loạn xạ, đúng kiểu đánh động nước thường hấp dẫn cá mập. May sao không có con nào lúc đó. Tôi đến bè, thả dây hết cỡ rồi ngồi bó gối, gục đầu, cố gắng dập tắt ngọn lửa hãi hùng vẫn đang cháy đùng đùng trong lòng. Rất lâu sau tôi mới thực sự hết run rẩy. Suốt ngày và đêm hôm đó tôi ở lì trên bè, không ăn uống gì.
Tôi chỉ tiếp tục khi đã bắt được một con rùa khác. Mai con này nhỏ và nhẹ hơn, làm khiên tốt hơn. Lại một lần nữa tôi tiến lên và giậm chân vào cái ghế giữa xuồng.
Không biết mọi người nghe câu chuyện này có hiểu cho tôi rằng hành vi đó của tôi không phải vì điên hoặc muốn tự tử, mà đơn thuần là chỉ vì cần thiết. Hoặc là tôi thuần phục nó, bắt nó phải thấy ai là Số Một, ai là Số Hai – hoặc là tôi sẽ chết vào một ngày xấu trời lúc muốn leo lên xuồng và bị nó phản đối.
Nếu tôi đã sống qua được giai đoạn thực tập huấn luyện thú ngoài biển, đó là vì Richard Parker thực sự không muốn tấn công tôi. Hổ, cũng như các con thú khác, không thích dùng bạo hành để giải quyết các vấn đề. Khi thú vật đánh nhau, chúng đều có ý thức phải giết và hiểu rõ rằng nếu không thế thì mình sẽ bị giết. Mỗi trận đánh nhau như vậy đều phải trả giá đắt. Do vậy mà thú vật có một hệ thống các tín hiệu cảnh báo được đặt ra để tránh phải đánh nhau, và chúng nhanh chóng nhượng bộ, lùi bước nếu thấy có thể được. Rất ít khi một con hổ tấn công một con hổ khác mà không báo trước. Thường thì nó sẽ xông vào đối thủ ngay với những tiếng gầm gừ dữ dội. Nhưng ngay trước khi quá muộn, con hổ dừng lại, tiếng gầm gào đầy mãnh lực đe doạ của nó vẫn rung bần bật trong cổ. Nó đánh giá tình hình. Nếu thấy không có đe dọa gì, nó sẽ quay đi, cảm thấy chính kiến của mình đã được mọi người hiểu rõ.
Richard Parker làm như vậy đối với tôi cả thảy bồn lần. Bốn lần, nó dùng chân phải tát tôi văng xuống biển, và bốn lần tôi mất khiên. Tôi bị hãi hùng trước khi, trong khi và sau khi tấn công như vậy, và tôi run lẩy bẩy rất lâu trên bè. Cuối cùng, tôi học được cách đọc những tín hiệu mà nó gửi đến tôi. Tôi nhận ra rằng với tai, mắt, râu, nanh, đuôi và cổ họng, nó đã nói một thứ ngôn ngữ đơn giản với những dấu ngắt rõ ràng để bảo cho tôi biết nó sẽ sắp làm gì. Tôi học được cách thoái bộ trước khi nó giương vuốt.
Rồi tôi cũng khẳng định được chính kiến của mình, hai chân trên mạn xuồng lắc lư, ngôn ngữ một nốt của tôi lảnh lót trong tiếng còi, và Richard Parker rên rỉ, thở dốc dưới sàn xuồng.
Cái khiên thứ năm của tôi tồn tại đến cuối khóa huấn luyện của nó.

Chương 71

Ước mong lớn nhất của tôi – ngoài việc được cứu – là có một cuốn sách. Một cuốn sách dài với một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Một cuốn sách tôi có thể đọc đi đọc lại, với những cách nhìn mới, những hiểu biết mới cho mỗi lần. Than ôi, trên xuồng chẳng có cuốn Kinh Thánh nào. Tôi là chàng Arjuna đơn độc trên chiếc chiến xa tơi tả mà không được những lời của thần Krishna an ủi. Lần đầu tiên tôi thấy một cuốn kinh thánh trong ngăn kéo chiếc bàn đầu giường tại một phòng khách sạn ở Canada, tôi đã bật khóc. Tôi gửi tiền đóng góp cho Nhà xuất bản Gideons ngay hôm sau, kèm theo một bức thư tha thiết đề nghị họ mở rộng phạm vi hoạt động tới tất cả những đâu có thể có những kẻ lữ hành mệt mỏi và kiệt sức, chứ không phải chỉ đến các khách sạn, và rằng họ nên có cả các kinh của những tín ngưỡng khác nữa chứ không phải chỉ Kinh Thánh Cơ đốc. Tôi cho đó là cách tốt nhất để rao giảng lòng tin. Không phải những đao to búa lớn từ trên bục giảng, không phải những lời lên án của giáo hội, không phải áp lực đồng đẳng, chỉ cần một cuốn sách thiêng lặng lẽ đợi ta để nói lời chào đón, nhẹ nhàng mà cũng mãnh liệt như nụ hôn của cô gái lên má ta.
Chẳng được thế thì có một cuốn tiểu thuyết cũng được! Nhưng chỉ có mỗi cuốn cẩm nang sống sót. Chắc hẳn tôi đã đọc nó hàng nghìn hàng vạn lần trong suốt thời gian khổ nạn của tôi.
Tôi có viết nhật kí. Khó lòng đọc được nó. Tôi viết chữ nhỏ hết sức vì sợ sẽ bị hết giấy. Cũng chẳng có chuyện gì nhiều trong đó. Chỉ là một vài chữ vạch lên giấy mong ghi lại một thực tại đã làm tôi choáng ngợp. Tôi bắt đầu viết độ một tuần gì đó sau ngày đắm tàu. Trước đó thì tôi quá bận bịu về quá nhiều thứ khác. Các đoạn nhật kí ấy không có đề ngày hoặc đánh số thứ tự. Điều làm tôi ngạc nhiên khi nhìn lại thời gian đã được ghi lại một cách lạ lùng. Nhiều ngày, nhiều tuần, tất cả chỉ tóm gọn vào một trang giấy. Tôi viết về những thứ mà ai cũng sẽ viết trong hoàn cảnh ấy: những việc xảy ra và cảm giác của tôi, những thứ tôi bắt được và không bắt được, biển cả và thời tiết, các vấn đề gặp phải và các giải pháp, rồi Richard Parker. Toàn những chuyện thực tế cả.

Chương 72

Tôi thực hành các nghi lễ tôn giáo mà tôi thích ứng được với hoàn cảnh của mình – những buổi lễ Mass (1) không có thầy tế, hoặc những buổi nguyện (2) không có thầy cả, những pujas (3) có thịt rùa làm vật tế, những hành động kính lễ Allah mà không biết Mecca ở hướng nào và với những câu kinh tiếng Ả rập sai bét của tôi. Chúng an ủi tôi, điều đó là chắc chắn. Nhưng thật cũng khó làm sao, ôi chao, thật cũng khó làm sao. Lòng tin vào Thượng đế là một hành động hỉ xả, thả lỏng, một niềm tin sâu xa, một cử chỉ yêu thương không phài trả giá – nhưng đôi khi ta thấy yêu được thật là khó khăn biết bao. Đôi khi lòng tôi nặng trĩu giận hờn, tuyệt vọng và mệt mỏi, đến nỗi tưởng chừng tôi sẽ chìm nghỉm xuống tận đáy Thái Bình Dương và không thể nào trỗi dậy nổi.
Trong những giờ phút đó tôi đã cố tự nâng đỡ lấy mình. Tôi sẽ chạm tay vào vành khăn Hồi giáo tự quấn lấy bằng những mảnh ảo còn sót lại và nói to, “Này là chiếc mũ của Thượng đế!”
Tôi sẽ vỗ tay vào chiếc quần của mình và nói to, “Này là áo quần của Thượng đế!”
Tôi sẽ chỉ sang Richard Parker và nói to, “Này là con mèo của Thượng đế!”
Tôi sẽ chỉ vào chiếc xuồng và nói to, “Này là chiếc bè cứu nạn của Thượng đế!”
Tôi sẽ xoè hai bàn tay thật rộng ra biển và nói to, “Này là những dải đất mênh mông của Thượng đế!”
Tôi sẽ chỉ lên trời và nói to, “Này là lỗ nhĩ của Thượng đế!”
Và như thế, tôi sẽ nhắc mình nhớ đến công việc sáng tạo thế giới và chỗ đứng của tôi ở trong đó.
Nhưng cái mũ của Thượng đế lúc nào cũng chực tuột ra. Áo quần của Thượng đế cứ rách nát dần. Con mèo của Thượng đế luôn là mối hiểm họa. Chiếc bè cứu nạn của Thượng đế là nhà tù. Dải đất mênh mông của Thượng đế đang giết dần giết mòn chính tôi. Và lỗ nhĩ của Thượng đế dường như không hề lắng nghe tôi.
Tuyệt vọng là một màn tối đen dày đặc không cho ánh sáng lọt vào hoặc thoát ra. Đó là chốn địa ngục không có lời nào tả xiết. Tôi tạ ơn Thượng đế vì những cơn tuyệt vọng ấy bao giờ cũng qua đi. Một đàn cá xuất hiện quanh cái lưới hoặc một cái nút phải buộc lại. Hoặc nghĩ đến gia đình tôi, đến việc mọi người đã không phải chịu cảnh khổ nạn như tôi. Cái tối đen ấy sẽ rung động và cuối cùng tan đi, và Thượng đế còn đó, một điểm sáng ngời trong lòng tôi. Tôi sẽ sống.
-----------
Chú thích:
(1) Lễ chịu mình Thánh của đạo Cơ đốc, trong đó cha đạo làm lễ rồi phân phát bánh thánh cho các con chiên để nhớ lại bữa ăn cuối cùng của Jesus với các tông đồ. Trong bữa ăn đó, Jesus đã nói “Này là mình ta, hãy ăn đi; và này là huyết ta, hãy uống đi.” (ND)
(2) Lễ cử hành trong các nhà nguyện Do Thái, trong đó các thầy cả giảng dạy những nội dung Aggadah hoặc Halakhah trong kinh sách. (ND)
(3) Nghi lễ thờ phụng một vị thần nào đó trong tín ngưỡng Hindu, thường có việc hiến tế con sinh. (ND)

Chương 73

Cái ngày tôi ước chừng là sinh nhật mẹ, tôi hát Happy Birthday rất to để mừng mẹ.

Chương 74

Tôi đã tập được thói quen dọn dẹp sạch sẽ cho Richard Parker. Ngay khi tôi biết nó vừa đi ngoài xong, tôi ra tay ngay, một việc làm nguy hiểm bao gồm động tác kều đống phân của nó ra bằng cái lao móc cá rồi từ mui bạt hót đống phân đó đi. Phân thú có thể nhiễm các loại kí sinh trùng. Điều này không sao đối với thú vật sống ngoài hoang dã vì chúng rất ít khi ở gần và không có quan hệ dính líu gì với phân của mình. Các loài sống trên cây hầu như không nhìn thấy phân của chúng. Các loài sống dưới đất thường phóng uế trên đường đi tiếp ngay. Nhưng trong khuôn viên nhỏ hẹp của một vườn thú thì khác. Nếu không dọn phân thú trong chuồng, chúng sẽ bị nhiễm trùng vì thế nào chúng cũng ăn hết số phân đó. Thú vật đói thường ăn tất cả những thứ gì giống thức ăn được. Cho nên chuồng thú được dọn sạch sẽ, không phải chỉ vì chiều mũi ngửi của thức ăn mà thôi. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi, việc duy trì danh tiếng sạch sẽ của gia đình Patel trong nghề vườn thú không phải là điều tôi quan tâm. Sau vài tuần Richard Parker táo bón và chỉ thấy nó đi ngoài mỗi tháng một lần, cho nên việc dọn vệ sinh của tôi chẳng đáng gì theo quan điểm vệ sinh. Nhưng có một lí do khác khiến tôi làm việc đó. Lần đầu tiên Richard Parker đi ngoài trên xuồng, tôi để ý thấy nó loay hoay cố giấu phân của mình đi. Tôi thấy ngay ý nghĩa quan trọng của hành vi đó. Trưng phân của mình ra công khai, bất kể hôi thối, là dấu hiệu của ý thức trên trướng và áp đảo trong xã hội loài vật. Còn ngược lại, cố giấu giếm phân là dấu hiệu thoái bộ và nhún nhường. Nó đã có thái độ ấy đối với tôi.
Có thể thấy là nó bồn chồn khi thấy tôi lấy phân của nó. Nó nằm, đầu ngửa ra sau và hai tai áp sát vào sọ, phát ra tiếng gầm gừ liên tục và âm thầm. Tôi tiến hành công việc rất công khai mà cũng rất thận trọng, không phải chỉ để phòng thân, mà còn muốn gửi đến nó những tín hiệu rõ ràng. Tín hiệu mạnh mẽ nhất là lúc tôi đã cầm cục phân nó trong tay. Tôi lăn cục phân trong tay mấy lần, đưa lên sát mũi và hít thành tiếng ầm ĩ, liếc nhìn nó vài ba lần một cách thách thức, mắt trợn tròn (ôi, giá nó biết là vì sợ) xoáy vào nó cho tới lúc nó đã nhận ra được quyết tâm của tôi, nhưng không quá lâu đến nỗi khích động nó. Và mỗi lần đưa mắt sang nó, tôi lại thổi lên một hồi còi đầy đe doạ. Làm như thế, tấn công nó bằng mắt kiểu ấy (bởi vì thực ra là loài vật cũng như chúng ta, nhìn chằm chằm vào một hành động tấn công) và rúc còi kiểu ấy, tôi đã làm cho Richard Parker thấy rõ ràng tôi có quyền, quyền hành của một đấng tiên chủ, muốn cầm nắn và ngửi hít phân của nó lúc nào cũng được. Cho nên, không phải là tôi định làm nhiệm vụ vệ sinh vườn thú, mà là đe dọa tâm lí. Và việc đó có hiệu quả tốt. Richard Parker không bao giờ dám nhìn lại vào mắt tôi; cái nhìn của nó bập bềnh trên không trung, không bao giờ đặt vào tôi hoặc liếc ngang qua tôi. Khi tôi cầm nắn cục phân nó trong tay, tôi cảm thấy như quyền uy của mình đang được hình thành. Việc đó luôn luôn làm tôi kiệt sức vì căng thẳng, nhưng cũng vô cùng phấn khích.
Vì ta đang trong chủ đề này, nên tôi cũng muốn kể luôn rằng bản thân tôi cũng đã táo bón chẳng kém gì Richard Parker. Đó là do thức ăn, có quá ít nước và quá nhiều đạm. Với tôi, việc đi ngoài mỗi tháng một lần thật chẳng dễ chịu chút nào. Đó là một sự kiện đau đớn, khổ sở và kéo dài lê thê cho đến lúc người tôi đẫm mồ hôi và mệt đến đứt hơi. Quả thật còn khổ hơn một cơn sốt cao nhiều.

Chương 75

Khi những hộp thức ăn ngày càng ít đi, tôi giảm khẩu phần cho đến lúc theo đúng như hướng dẫn trong cẩm nang: chỉ hai cái bánh quy cho mỗi lần tám tiếng đồng hồ. Tôi thấy đói thường xuyên. Tôi chỉ còn nghĩ đến các món ăn. Càng ăn ít đi thì tôi càng mơ thấy các món ăn nhiều hơn. Cả một dòng sông Hằng dào dạt súp rau. Bánh bột lọc nóng to như núi. Những bát cơm to bằng cả tiểu bang Uttar Pradesh. Cháo đậu chảy lút hết cả vùng Tamil Nadu. Những cây kem chất cao như núi Himalaya. Những giấc mơ của tôi trở nên rất có chuyên môn: các thành phần dùng để nấu những món ăn của tôi lúc nào cũng tươi tắn và ê hề, lò nướng, chảo rán luôn luôn ở đúng mức nhiệt, mọi thứ đều vừa vặn, không bao giờ cháy hoặc sượng, không bao giờ quá nóng quá lạnh. Bữa ăn nào cũng hoàn hảo – chỉ có điều không với tay tới được thôi.
Phạm vi khẩu vị của tôi ngày càng rộng ra. Trước đây tôi làm ruột và đánh vảy cá rất kĩ, giờ thì tôi chỉ rửa qua cho đỡ nhớt rồi ngoạm ngay vào chúng, sung sướng cảm thấy miếng ăn trong miệng mình. Tôi nhớ là cá bay rất ngon, thịt chúng trắng hồng và mềm mại. Dorado thì thịt chắc hơn và vị mạnh hơn. Tôi bắt đầu nhặt cả đầu cá chứ không ném chúng cho Richard Parker hoặc để làm mồi câu như trước. Một phát kiến lớn là tìm ra thứ nước có vị rất tươi mát mút được từ mắt những con cá lớn và từ xương sống của chúng. Rùa, mà trước đây tôi chỉ biết lấy dao nậy mai và ném sang cho Richard Parker như một bát súp nóng cho nó, đã trở thành món ăn thích khẩu của tôi.
Không thể tưởng tượng rằng đã có lúc tôi nhìn một con rùa biển còn sống như nhìn một bữa tiệc có hàng chục món nấu tuyệt hảo hơn hẳn các món cá. Nhưng là như vậy đấy. Trong tĩnh mạch rùa chảy một dòng sinh huyết ngọt ngào phải uống được ngay lập tức khi nó đang phụt ra từ cổ con vật, nếu không thì chỉ vài phút sau là nó đông đặc lại. Không có thứ gì trên đất liền có thể sánh với thịt rùa, dù là phơi, nướng qua cho tới lúc nó có màu nâu hay nướng kĩ cho đến màu đỏ sẫm. Không có gì sánh được với trứng rùa và mỡ rùa. Trộn lẫn tim, phổi, gan, thịt và ruột đã làm sạch, thêm vài miếng lòng cá, rồi khuấy cả vào nước sốt lòng đỏ trứng, ta sẽ có một món thập cẩm rùa tuyệt hảo khiến ta phải vét và mút tay cho thật sạch. Đến lúc kết thúc cuộc hành trình thì tôi đã ăn tất cả những gì mà một con rùa có thể hiến cho ta. Trong đám tảo bám trên mai một số con rùa mỏ diều, đôi khi tôi còn tìm được những con cua nhỏ. Còn thì tôi chén tất cả những gì có trong bụng một con rùa. Đã bao lần tôi khoái trá hàng giờ liền ngồi gậm gạp một khớp chân rùa hoặc đập vỡ những mẩu xương và mút tuỷ trong đó. Những ngón tay tôi đã quen thói lần mần nhặt nhạnh những mẩu thịt và mỡ khô còn dính dấp lại bên trong mai rùa, chẳng khác gì bọn khỉ hay tự động lần mò thức ăn.
Mai rùa rất tiện dụng. Không có chúng thì tôi cũng chẳng biết sẽ ra sao. Không phải chỉ dùng chúng làm khiên, tôi còn lấy chúng làm thớt chặt cá và bát trộn thức ăn. Và khi mưa gió đã xé nát những cái chăn đến mức không thể vá víu lại được nữa, tôi dùng mai rùa để che mưa che nắng, xếp chúng lại với nhau và nằm ngủ bên dưới.
Thật đáng sợ khi nhận ra thực tế rằng no bụng sẽ làm cho ta hồ hởi vui vẻ ra sao. Cái này theo sau cái kia từng mức độ một: càng no nê, càng vui vẻ. Tôi thấy chuyện đó thật gớm ghiếc. Muốn cười được, tôi cần có thịt rùa.
Đến lúc đã hết bánh quy, cái gì cũng thành ra ăn được, bất kể mùi vị ra sao. Tôi có thể tống mọi thứ vào mồm, nhai nhai, nuốt nuốt, ngon lành hay hôi hám hoặc chẳng có mùi vị gì cũng vậy, chỉ cần nó không có vị mặn là được. Cơ thể tôi đã tập nhiễm một phản ứng ghê tởm đối với muối và nó vẫn còn cho đến tận bây giờ.
Có một lần tôi đã định ăn cả phân của Richard Parker. Việc đó xảy ra từ sớm, khi cơ địa tôi còn chưa học được cách sống với cái đói và khi trí tưởng tượng của tôi vẫn còn điên cuồng tìm kiếm các giải pháp. Tôi đã đem cho nó nước ngọt từ cái máy cất nước đó không lâu. Sau khi uống một hơi hết chỗ nước ấy, nó đã biến dạng vào dưới tấm bạt và tôi đã quay ra với mấy việc vặt trong cái tủ. Như lệ thường hồi bấy giờ, cứ một chốc tôi lại liếc xuống bên dưới tấm bạt để xem nó sắp định giở trò gì không. Thế là, cái lần ấy, quả nhiên nó đang làm cái gì đó thật. Nó ngồi chúi người, lưng cong tròn, hai chân sau dạng ra. Đuôi nó dựng đứng, chạm lên cả cái bạt. Nhìn là tôi biết. Ngay lập tức tôi nghĩ đến món ăn, chứ không phải vệ sinh thú vật. Tôi quyết định rằng sẽ rất ít nguy hiểm. Nó ngồi quay sang phía khác và cái đầu che khuất hẳn. Nếu tôi tôn trọng sự im lặng của nó, có khi nó còn không để ý đến tôi nữa. Tôi vớ một cái cốc tát nước và với tay ra phía nó. Cái cốc của tôi đến vừa đúng lúc. Khi tôi đưa cái cốc vào đúng dưới khấu đuôi nó, lỗ đít Richard Parker giãn ra và một cục phân tròn trịa đen sì lòi ngay ra, trông như một quả bóng cao su. Cục phân rơi vào cái cốc đánh cách một cái, và chắc chắn sẽ có người coi tôi là mất hết nhân tính lẫn nhân phẩm, những người không hiểu được mức độ gian khổ của tôi, khi tôi nói rằng cái tiếng cục phân rơi vào cốc ấy đã vang trong tai tôi như âm nhạc của một đồng năm rupi người ta bỏ vào ống bơ của một kẻ ăn mày vậy. Một nụ cười vỡ rạn trên môi tôi và làm nó chảy máu. Tôi thấy biết ơn Richard Parker vô cùng. Tôi lôi cái cốc lại. Tôi cầm lấy cục phân. Nó thật ấm, nhưng mùi không nặng. Nó to bằng một trái bóng gulab jamun (1), nhưng không mềm như thế. Thực tế là nó cứng như một hòn đá. Nhồi nó vào khẩu súng kíp và ta có thể bắn chết một con tê giác.
Tôi để lại trái bóng đó vào cốc và thêm một ít nước. Tôi đậy cốc và để nó sang một bên. Mồm miệng tôi ứa nước dãi khi chờ đợi. Khi không thể chờ được nữa, tôi cho trái bóng vào miệng. Tôi không thể ăn được. Nó có vị rất gắt, nhưng không phải là vì thế. Có thể là mồm miệng tôi đã ra một quyết định ngay lúc đó, rất rõ ràng: không có gì ăn được ở trái bóng này. Nó chỉ là một thứ đáng vất đi, không có một dưỡng chất gì hết. Tôi nhổ nó ra, cảm thấy cay đắng như bị mất một bình nước quý giá. Tôi lấy cây lao rồi đi dọn hết chỗ phân của Richard Parker, quẳng xuống cho cá.
Sau chỉ một vài tuần, cơ thể tôi bắt đầu tan rã. Bàn chân, cổ chân bắt đầu sưng tấy và đứng lên rất khó khăn.
-----------
Chú thích:
(1) Chắc là một môn chơi nào đó của Ấn Độ, chúng tôi chưa tra cứu ra được, xin độc giả lượng thứ. (ND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét