Phần 2
Thái Bình Dương
Chương 37
Tầu đắm. Nó chìm trong một tiếng động giống như một tiếng ợ
kim loại ma quái.
Mọi vật sủi bong bóng trêm mặt nước, rồi tất cả biến mất.
Cái gì cũng đang gào thét: biển, gió, cõi lòng tôi. Từ trên xuồng cứu nạn, tôi
thấy có cái gì trên mặt nước.
Tôi kêu, “Richard Parker, có phải mày đấy không? Khó nhìn
quá. Ôi giá mà tạnh được mưa! Richard Parker? Richard Parker? Đúng mày rồi!”.
Tôi có thể nhìn thấy cái đầu. Nó đang vùng vẫy để khỏi chìm.
“Ôi hay quá, đúng là mày rồi, Richard Parker! Con xin đội ơn
tất cả các ngài Jesus, Mary, Muhammad và Vishnu! Nào cố lên, đừng bỏ cuộc. Đến
đây với tao. Mày có nghe thấy tiếng còi này hay không? Tuýyyyt! Tuýyyyt!
Tuýyyyy! Mày nghe thấy chứ hả? Bơi đi, bơi! Mày bơi khỏe lắm mà. Chưa đến ba mươi
mét đâu.”
Nó thấy tôi rồi. Trông nó hoảng hốt cực độ. Nó bắt đầu bơi
về phía tôi. Mặt nước xung quanh nó dạt từ bên này sang bên nọ. Trông nó bé nhỏ
và tuyệt vọng.
“Richard Parker, mày có tin được những gì vừa xảy ra với
chúng ta không? Hãy nói đây chỉ là cơn ác mộng. Hãy nói đây không phải là sự
thực. Hãy nói tao đang nằm trong cái giường tầng ấy trên tàu Tsimtsum, trằn
trọc bên này bên kia và sắp tỉnh dậy khỏi cơn các mộng này. Hãy nói tao vẫn
đang hạnh phúc. Mẹ, vị thiên thần thông sáng bảo hộ dịu dàng của con, mẹ đâu
rồi? Còn cha nữa, cha ơi, cha lúc nào cũng lo lắng vì chúng con? Anh nữa, anh Ravi , người hùng chói lọi thủơ thiếu thời của em? Xin
thần Vishnu phù hộ cho con, xin đấng Allah hãy bảo vệ con, xin đấng Christ hãy
cứu rỗi con, con không thể chịu đựng được nữa rồi. Tuýyyyyt! Tuýyyyyt!
Tuýyyyyt!”
Không có thương tích gì trên mình tôi, nhưng chưa bao giờ
tôi thấy đau đớn đến cực điểm như thế, một cảm giác bị cắn xé tơi bời cả trong
tâm trí và cõi lòng đến mức như thế.
Nó không thoát được mất. Nó sẽ chết chìm mất. Nó không bơi
lên được tí nào và các động tác của nó thật yếu ớt. Mũi mồm nó cứ chìm lên chìm
xuống. Chỉ có cặp mắt nó luôn gắn chặt vào tôi.
“Richard Parker, mày làm cái gì thế? Mà không muốn sống nữa
sao? Bơi đi, bơi tiếp đi! Tuýyyt! Tuýyyyt! Tuýyyyt! Đạp chân đi! Đạp! Đạp!
Đạp!”
Nó khuấy nước và bắt đầu bơi.
“Còn cả gia đình lớn của ta thì sao – chim chóc, thú vật và
bò sát? Chúng chết đuối hết rồi sao? Tất cả những gì quý giá nhất trên đời đều
bị huỷ diệt cả rồi. Và ta không được phép có một lời giải thích nào ư? Ta phải
chịu hỏa ngục mà không có lời kết tội nào của thiên đường hay sao? Nếu quả như
vậy, thì trí xét đoán còn ích gì, phải không hả Richard Parker? Nó chỉ soi sáng
những thực tế nôm na – giúp ta kiếm đồ ăn áo mặc và một nơi trú ẩn thôi sao?
Tại sao trí xét đoán không trả lời được những điều lớn lao hơn? Tại sao chúng
ta không thể quăng một câu hỏi ra xa hơn nơi chúng ta có thể kéo về được một
câu trả lời? Cần gì phải có một cái lưới rộng đến thế nếu như chỉ có vài con cá
quanh quẩn cho ta bắt?”
Đầu nó chìm lỉm hết rồi. Nó rướn lên, ngước mắt nhìn như thu
tóm cả bầu trời vào mình một lần cuối cùng. Có một cái phao buộc dây trên
xuồng. Tôi túm lấy nó và huơ huơ lên trên không.
“Mày có thấy cái phao này không hả Richard Parker? Có nhìn
thấy không? Bắt lấy nó! Um! Ta sẽ ném lại lần nữa. Um!”
Nó ở xa quá. Nhưng thấy cái phao bay về phía mình khiến nó
hy vọng trở lại. Nó lấy lại sức và bắt đầu quẫy đạp rất mạnh.
“Đúng rồi! Một, hai. Một, hai. Thở được là thở nhé. Cẩn thận
các ngọn sóng đấy. Tuýyyt! Tuýyyyt! Tuýyyyt!”
Lòng tôi cũng lạnh băng mất rồi. Tôi như ốm nặng vì đau
buồn. Nhưng không thể để mình rơi vào một cơn choáng cóng lạnh như vậy. Chỉ
được phép choáng trong hành động mà thôi. Có cái gì đó trong tôi không muốn tôi
nằm im chịu chết, không được bỏ cuộc, phải chiến đấu đến cùng. Tôi lấy đâu ra
cái đó, tôi cũng không biết nữa.
“Thật nực cười, phải không hả Richard Parker? Ta đã rơi vào
địa ngục rồi mà sao vẫn còn sợ chết. Mày đã gần rồi đấy! Tuýyyt! Tuýyyyt!
Tuýyyyt! Hoan hô, hoan hô! Được rồi đấy, Richard Parker, được rồi đấy. Bắt lấy
này! Um!”
Tôi lấy hết sức quăng cái phao. Nó rơi xuống nước ngay trước
mặt Richard Parker. Với chút sức lực cuối cùng, nó rướn lên và quặp lấy cái
phao.
“Giữ chặt lấy! Ta sẽ kéo mày lên. Đừng bỏ ra. Nhìn ta đây
này trong khi ta kéo mày. Ta kéo bằng tay, mày bằng mắt. Tí nữa thôi mày sẽ lên
xuồng cùng với ta. Gượm đã! Cùng với ta à? Ta với mày sẽ cùng nhau ở một chỗ à?
Mình điên rồi hay sao?”
Tôi tỉnh ngộ về việc mình đang làm. Tôi giật cái dây một
cái.
“Bỏ cái phao ra, Richard Parker! Ta bảo mày. Bỏ cái phao ra!
Ta không muốn mày lên dây, hiểu chưa? Đi chỗ khác. Để mặc ta. Biến đi. Chết
đuối đi! Chết đuối đi!”
Nó đang điên cuồng đạp nước bằng cả bốn chân. Tôi với lấy
cái chèo. Tôi chọc mạnh vào nó, muốn đẩy nó ra. Tôi trượt và để rơi mất mái
chèo.
Tôi vớ lấy cái chèo còn lại. Tôi lắp nó vào móc chèo và dồn
sức khua nó xuống nước, muốn chèo cái xuồng đi chỗ khác. Tất cả nỗ lực của tôi
chỉ đủ làm cho cái xuồng quay một chút, một đầu xuồng vào gần Richard Parker
hơn.
Tôi sẽ phải đánh vào đầu nó! Tôi giơ cái chèo lên cao.
Nó nhanh quá. Nó vươn lên và trèo vào xuồng.
“Ôi, lạy chúa tôi.”
Tôi quay quắt ra đằng sau, bước qua con ngựa vằn rồi nhẩy ào
xuống biển.
Chương 38
Tôi không hiểu được. Trong bao nhiêu ngày con tàu đã tuần tự
nhi tiến, ngạo nghễ phớt lờ mọi thứ xung quanh nó. Mặt trời chói lọi, mưa rơi,
gió thổi, nước dòng, sóng cao, vực sâu - con tầu Tsimtsum đều mặc kệ. Nó chạy
với một sự tự tin, chậm chạp và khổng lồ của một châu lục.
Tôi đã mua một tấm bản đồ thế giới cho chuyến đi; tôi treo
nó lên một cái bảng nút chai trong cabin của chúng tôi. Sáng sáng, tôi hỏi vị
trí của tầu ở cầu chỉ huy và đánh dấu lên tấm bản đồ bằng một cái đinh ghim đầu
tròn màu da cam. Chúng tôi đi từ Madras, ngang qua Vịnh Bengal, xuống dọc eo
biển Malacca, vòng Singapore rồi ngược lên Manila. Tôi không thấy chán một chút
nào trong suốt lộ trình ấy. Chúng tôi rất bận vì phải chăm sóc bầy thú. Đến
đêm, lên giường ngủ thì ai nấy đều ê ẩm tận xương. Chúng tôi dừng lại ở Manila hai hôm, vì chuyện thức ăn tươi cho bầy thú, lấy
thêm hàng, và như chúng tôi được thông báo, còn để kiểm tra bảo dưỡng máy tàu
nữa. Tôi chỉ để ý đến hai việc trước. Thức ăn tươi cho bầy thú có hàng tấn
chuối, còn hàng mới là một con đười ươi cái Congo, một phần kết quả của những
chạy vạy cho công việc của cha. Một tấn chuối và hai, ba kí lô những con nhện
to tướng đen xì. Một con đười ươi cũng giống như một con khỉ độc, nhỏ hơn, gầy
hơn, nhưng trông lưu manh hơn, ít vẻ u buồn hơn. Một con đười ươi rùng mình
nhăn mặt khi nó chạm vào một con nhện đen, cũng như anh và tôi, nhưng khác một
cái là ngay sau đó nó sẽ giận dữ nghiền nát con nhện bằng các khớp ngón tay của
nó. Tôi thấy chuối và một con đười ươi thú vị hơn nhiều cái cỗ máy cơ khí bẩn
thỉu dưới lòng tầu. Ravi thì suốt ngày này qua
ngày khác ở dưới đó, xem người ta chạy máy. Máy móc có cái gì đó không ổn, anh
bảo vậy. Hay là việc bảo dưỡng đã chữa lợn lành thành lợn què? Tôi không biết.
Chắc cũng chẳng ai biết. Câu trả lời là một bí ẩn đang nằm dưới hàng nghìn
thước nước.
Chúng tôi rời Manila và
tiến vào Thái Bình Dương. Đến ngày thứ tư, mới nửa đường đến Midway, thì tàu
đắm. Con tàu biến mất tăm vào cái lỗ đinh ghim của tôi trên bản đồ. Một trái
núi sụp đổ trước mắt tôi và mất dạng dưới chân tôi. Khắp xung quanh tôi là bãi
nôn mửa của con tàu chết vì rối loạn tiêu hóa. Tôi nôn mửa. Tôi choáng. Tôi
thấy trống rỗng lớn lao ở trong mình, rồi cái trống rỗng ấy lại bị sự im lặng
lấp đầy. Trong nhiều ngày sau đó, một nỗi đau đớn và sợ hãi luôn đè chặt lên
ngực tôi.
Hình như đã có một tiếng nổ. Nhưng tôi không chắc. Lúc đó
tôi đang ngủ. Và đã bật dậy. Con tàu không phải là một tàu khách hạng sang. Nó
là một tàu chở hàng hạng nặng thiết kế không phải để phục vụ khách có tiền và
đòi hỏi tiện nghi. Lúc nào và chỗ nào trên tàu cũng ầm ĩ các loại tiếng động.
Cũng chính vì mức độ ồn ào và ổn định ấy mà chúng tôi ngủ ngon như hài nhi. Đấy
là một dạng im lặng không có gì phá vỡ được, kể cả tiếng ngáy của Ravi hay những lời mê ngủ của tôi. Cho nên tiếng nổ ấy,
nếu có, cũng không phải là một tiếng động mới mẻ gì. Nó chỉ là một tiếng động
bất thường. Tôi giật mình tỉnh dậy, như thể Ravi
vừa bóp nổ một quả bóng hơi ngay tai tôi. Tôi nhìn đồng hồ. Mới quá bốn rưỡi
sáng một tí. Tôi cúi xuống giường bên dưới. Ravi
vẫn ngủ.
Tôi mặc quần áo và trèo xuống. Thường thì tôi ngủ rất say. Thường
thì tôi sẽ nằm lại và ngủ tiếp. Không biết tại sao đêm đó tôi lại thức dậy như
thế. Chính ra Ravi mới là người sẽ làm như
vậy. Anh thích từ vẫy gọi. Trong trường hợp ấy, Ravi
sẽ bảo Phiêu lưu đang vẫy gọi, và sẽ chạy ra thám thính khắp các nơi trên tàu.
Mức độ tiếng ồn lại trở lại như thường, nhưng hình như có khác về chất, có lẽ
hơi nghèn nghẹt khác trước.
Tôi lay Ravi . Tôi gọi, Ravi ! Có tiếng gì lạ lắm. Mình ra xem sao đi.
Anh ngái ngủ nhìn tôi. Anh lắc đầu và trở mình, kéo chăn lên
tận má. Ôi, Ravi !
Tôi mở cửa cabin.
Tôi còn nhớ mình đi dọc hành lang, nơi cảnh vật lúc nào cũng
thế cả ngày lẫn đêm. Nhưng tôi cảm thấy đêm tối ở trong mình lúc đó. Tôi dừng
lại trước cabin của cha mẹ và đã định gõ cửa. Tôi nhớ mình có nhìn đồng hồ và
quyết định thôi không gõ cửa nữa. Cha thích giấc ngủ của cha lắm. Tôi quyết
định sẽ lên boong đón bình minh. Có thể tôi sẽ thấy một ngôi sao đổi ngôi.Tôi
đã nghĩ đến điều đó, đến các ngôi sao đổi ngôi, khi trèo lên thang. Cabin của
chúng tôi ở cách boong hai tầng. Tôi quên hẳn cái tiếng động lạ kia rồi.
Chỉ khi đẩy mở cánh cửa nặng dẫn lên boong, tôi mới nhận
thấy thời tiết lúc ấy ra sao. Đã gọi được là bão chưa nhỉ? Đúng là đang mưa,
nhưng không đến nỗi to lắm. Rõ ràng chưa phải là mưa giật như trong những trận
bão gió mùa. Có gió. Những cơn gió giật cũng đủ mạnh để lật ô. Nhưng tôi vẫn đi
trong gió ấy không mấy khó khăn. Còn biển, trông dữ dội thật, nhưng với một kẻ
sống trong đất liền thì biển cả bao giờ chẳng ghê gớm, hùng vĩ và đầy nguy
hiểm. Những con sóng trào lên, và bọt trắng bị gió thổi quật tơi bời vào thành
tàu. Nhưng tôi đã từng thấy cảnh đấy và có con tàu nào đắm. Một con tàu hàng là
một cấu trúc bền vững khổng lồ, một chiến công của kỹ thuật. Nó được thiết kế
để nổi trên mặt nước trong những điều kiện tồi tệ nhất. Thời tiết kiểu này chắc
sẽ không thể làm đắm tàu được, có phải vậy không nhỉ? Lạ thật, chỉ cần đóng
cánh cửa và sẽ không thấy gió bão gì nữa. Tôi tiến hẳn lên boong. Tôi bíu chắc
lấy lan can và ngửa mặt đón bão. Thích thật, đây mới là phiêu lưu mạo hiểm.
Hỡi Canada ,
ta đã đến đây! Tôi gào lên, ướt sũng và lạnh cóng. Tôi thấy mình thật can đảm.
Vẫn còn tối, nhưng cũng đả đủ sáng để nhìn thấy xung quanh. Sáng để thấy hết
cảnh thiên nhiên gào thét. Một sân khấu khổng lồ, với ánh sáng thật kịch tính,
với vô vàn những phụ kiện, và một ngân sách không hạn chế cho những hiệu quả
đặc biệt. Trước mắt tôi là một khung cảnh hoành tráng của gió và nước, một trận
động đất của các giác quan mà ngay cả Hollywood
cũng không thể bầy đặt ra được. Nhưng trận động đất ấy ngưng lại ngay dưới chân
tôi. Tôi đang đứng trên một nền tảng vững chãi. Tôi như một khán giả ngồi yên
ổn trong ghế của mình.
Chỉ đến khi nhìn lên chỗ cái xuồng cứu nạn trên cầu tàu, tôi
mới bắt đầu thấy lo lắng. Cái xuồng không nằm ngay ngắn trong vị trí treo lơ
lửng của nó. Nó nghiêng hẳn vào phía trong của hai vòng giá treo. Các khớp ngón
tay tôi trắng bệch. Hóa ra, tôi phải bíu chặt lấy lan can như vậy không phải vì
gió bão, mà là nếu không thì tôi đã ngã về phía trong con tàu, lúc đó đang
nghiêng dần sang phía sườn bên trái. Chưa nghiêng nhiều lắm, nhưng đủ để tôi
kinh ngạc. Khi tôi nhìn sang phía bên kia, cảnh vật không còn bình thường nữa.
Tôi nhìn thấy cả sườn tàu đen sì.
Tôi run bắn lạnh hết cả người. Tôi nhất định nghĩ rằng chỉ
vì cơn bão mà thôi. Đã đến lúc về cabin. Tôi bỏ tay, bước vội về phía vách,
rướn người mở cửa.
Bên trong tàu có nhiều tiếng động. Những tiếng rền rĩ trầm
đặc của cấu trúc. Tôi vấp ngã. Không sao. Tôi vùng dậy. Vịn vào tay cầu thang,
tôi chạy xuống từng bốn bậc một. Mới xuống đến tầng thứ nhất ở dưới tôi đã thấy
nước. Nước tràn lan. Ngập hết lối đi. Nước dâng lên ào ạt từ bên dưới như một
đám đông nổi loạn, giận dữ, ngầu bọt và sôi sùng sục. Tôi không thể tin vào mắt
mình. Tại sao lại có nước ở đây? Nó ở đâu ra? Tôi đứng đóng đanh tại chỗ, hốt
hoảng, hoang mang, không biết phải làm gì tiếp. Cả gia đình tôi đang ở dưới
kia.
Tôi chạy trở lên boong. Thời tiết không còn làm trò mua vui
như trước nữa. Tôi sợ hãi lắm. Bây giờ thì rõ ràng quá rồi: con tàu đang lật
nghiêng một cách trầm trọng. Mà không phải chỉ về một phía. Nó đang nghiêng cả
từ phía mũi xuống phía đuôi tàu. Nhìn sang phía bên kia boong, tôi thấy nước
biển có vẻ cách mình chưa đến hai mươi mét. Tàu đang chìm. Tôi không thể chấp
nhận ý nghĩ đó. Nó khó tin như chuyện mặt trăng bốc cháy vậy.
Sỹ quan và thủy thủ đâu cả rồi? Họ đang làm gì vậy? Về phía
mũi tàu, tôi thấy lờ mờ có mấy bóng người đang chạy. Hình như tôi thấy cả mấy
con thú nhưng tôi gạt những hình ảnh ấy đi, coi chúng chỉ là ảo ảnh do mưa và
bóng tối gây ra. Chúng tôi có mở then các cửa khoang thú vật khi thời tiết tốt,
nhưng chúng luôn luôn được nhốt kín trong các chuồng riêng. Chúng tôi đang chở
các con thú hoang nguy hiểm chứ đâu phải gia súc. Phía trên cầu tàu, tôi nghĩ
tôi nghe thấy có tiếng người đang hò hét.
Con tàu lắc mạnh một cái rồi đến cái tiếng động ấy, cái
tiếng ợ kim loại ma quái.
Cái gì vậy? Có phải là một tiếng thét tập thể của người và
thú phản kháng cái chết đang đến với họ? Hay là tiếng thở dốc của chính con tàu
khi trút bỏ linh hồn? Tôi ngã lộn nhào. Tôi vùng đứng dậy. Tôi lại nhìn ngang
boong tàu và thấy biển dâng lên. Sóng gần lắm rồi. Chúng tôi đang chìm rất
nhanh.
Tôi nghe thấy rõ ràng tiếng khỉ kêu thét. Có cái gì đang làm
rung cả sàn tàu. một con bò tót Ấn Độ chạy đâm bổ từ trong mưa về phía tôi, ầm
ầm chạy qua tôi, hoảng sợ đến phát rồ. Tôi chỉ biết chết lặng nhìn nó. Lạy Chúa
tôi, không biết ai lại thả nó ra như thế?
Tôi chạy ra cầu thang dẫn lên cầu tàu. Trên đó sẽ có các sỹ
quan, những người nói được tiếng Anh duy nhất trên tàu, trong tay họ là vận
mệnh của chúng tôi, họ sẽ chỉnh đốn được tình hình. Họ sẽ giải thích mọi
chuyện. Họ sẽ bảo vệ được gia đình tôi và tôi. Tôi trèo lên cầu tàu giữa. Không
thấy có ai bên này, tôi chạy sang phía bên kia, thấy có hai người trong thủy
thủ đoàn. Tôi ngã. Tôi vùng dậy. Họ đang nhìn cả ra biển. Tôi hét lên. Họ quay
lại. Họ nhìn tôi rồi nhìn nhau. Họ nói cái gì đó. Họ chạy ù về phía tôi. Tôi
lập tức thấy yên tâm. Tôi nói: Ơn Chúa, tôi đã tìm thấy các anh. Có chuyện gì
vậy? Tôi sợ lắm. Dưới đáy tàu toàn là nước. Tôi lo cho gia đình tôi quá. Tôi
không thể xuống dưới tầng có cabin của chúng tôi. Bình thường có chuyện này
không? Các anh nghĩ...
Một người trong bọn họ ngắt lời tôi bằng cách ấn vào tay tôi
một cái áo phao cấp cứu và quát cái gì đó bằng tiếng Trung Quốc. Tôi để ý thấy
một cái còi màu da cam lủng lẳng ở cái túi phao. Họ đều gật đầu lia lịa về phía
tôi. Khi họ túm lấy tôi và nhấc bổng tôi lên, tôi chẳng phật ý gì hết. Tôi nghĩ
họ đang giúp tôi. Tôi thấy tin họ đến mức còn cảm thấy biết ơn họ khi họ nhấc
bổng tôi lên như vậy. Chỉ khi họ ném tôi xuống biển, tôi mới bắt đầu thấy nghi
ngờ.
Chương 39
Tôi rơi xuống, nảy bần bật trên tấm vải bạt căng che bọc một
cái xuồng cứu nạn, mới được tháo ra một nửa, hàng chục mét bên dưới cầu tàu. Rất
lạ là tôi không đau đớn gì. Cái áo phao rơi đâu mất, trong tay tôi còn lại cái
còi. Cái xuồng đã được hạ xuống nửa chừng, vẫn còn đang lơ lửng. Nó nghiêng
khỏi hai cái đà treo, đung đưa trong gió bão, cách mặt biển chừng sáu thước.
Tôi nhìn lên. Hai người trong bọn họ đang nhìn xuống tôi, lấy tay chỉ cuống
quýt vào cái xuồng và hò hét loạn xị. Tôi không hiểu họ muốn tôi làm gì. Tôi
tưởng họ sắp nhảy xuống cùng với tôi. Nhưng họ quay đi, trông rất hoảng sợ, rồi
một con vật bất thần nhảy vọt ra không trung với dáng điệu duyên dáng của một
con ngựa đua. Con ngựa vằn không rơi trúng tấm vải bạt. Nó là một con đực giống
Grant, nặng trên hai tạ rưỡi. Nó rơi ầm xuống cái ghế dài cuối xuồng, làm vỡ
tan cái ghế và khiến cả cái xuồng run lên bần bật. Con vật kêu lên. Nhẽ ra phải
là một tiếng hí rền rĩ như một con la hoặc con ngựa. Nhưng hoàn toàn không
phải. Chỉ có thể gọi đó là một tiếng sủa the thé đau đớn vô cùng; koga-ha-ha, koga-ha-ha,
koga-ha-ha... Cặp môi nó vén hết lên, run bần bật, để lộ những cái răng vàng và
hàng lợi màu hồng sẫm. Cái xuồng và chúng tôi cùng rơi xuống mặt nước đang sủi
sùng sục.
Chương 40
Richard Parker không nhảy xuống nước theo tôi. Cái chèo tôi
định dùng để đánh nó nổi bập bềnh. Tôi vớ lấy nó khi bơi về cái phao mà con hổ
vừa bỏ ra. Dưới nước thật khủng khiếp. Tôi có cảm tưởng như đang ở dưới đáy một
cái giếng đang sụt lở. Nước sôi lên giận dữ, đen ngòm, lạnh buốt. Các con sông
liên tiếp nhào xuống tôi. Chọc vào mắt tôi. Dìm tôi xuống. Khiến tôi ngạt thở.
Nếu không có cái phao, chắc chắn tôi đã không thể sống lấy một phút.
Tôi thấy một hình tam giác rẽ nước đi cách tôi khoảng 5
thước. Vây cá mập. Một nỗi sợ hãi rần rật chạy lên chạy xuống dọc sống lưng tôi
như một dòng nước lạnh toát. Tôi hết sức bơi thật nhanh về một đầu xuồng, phía vẫn
còn có tấm bạt che phủ. Tôi chống tay nghển lên xuồng. Không nhìn thấy Richard
Parker đâu cả.
Không ở trên tấm bạt, cùng không trên cái ghế dài nào. Nó
đang ở dưới đáy xuồng. Tôi rướn lên tí nữa. Tôi chỉ thoáng thấy ở đầu xuồng
đàng kia cái đầu con ngựa vằn vật vã tứ phía. Tôi để người ngã xuống nước trở
lại. Ngay trước mắt tôi, một cái vây cá mập lẳng lặng lướt qua.
Tấm bạt màu da cam sáng được buộc bằng dây nilông chắc luồn
qua các lỗ khuyết kim loại tán dọc mép bạt và những cái móc tròn bên mạn xuồng.
Tình cờ, tôi đang bơi ở phía mũi xuồng. Đoạn bạt phủ trên phần mũi - một cái
mũi rất ngắn, nếu ở trên mặt người thì là một cái mũi tẹt - không được buộc
chắc như ở các đoạn xung quanh xuồng. Đoạn dây luồn từ cái móc bên này sang cái
móc bên kia của mũi xuồng không được chặt lắm, khiến cho tấm bạt được phủ lỏng
ra một chút. Tôi lấy cán mái chèo chọc vào cái khe hở chỗ bạt lỏng ấy và hết
sức đẩy nó vào thật sâu, đến hết cỡ mới thôi. Cái mũi xuồng thế là mọc ra thêm
được một đoạn, cho dù hơi vẹo vọ một chút. Tôi đu lên cái chèo, hai chân quặp
lấy nó. Cán chèo thúc lên tấm bạt, nhưng cả bạt, dầy chằng và cái chèo đều
nguyên vị. Tôi không phải ngâm mình dưới nước nữa, mặc dù vẫn lửng lơ lắc lư
cách mặt nước chỉ hơn một thước.
Những ngọn sóng lớn vẫn quất vào người tôi.
Chỉ còn mình tôi, côi cút, giữa Thái Bình Dương, bám lửng lơ
vào một mái chèo, hổ dữ trước mặt, cá mập dưới lưng, xung quanh là bão tố. Nếu
tôi nhìn nhận tình trạng ấy của mình bằng lí trí tỉnh táo, chắc hẳn tôi đã bỏ
cuộc và buông khỏi mái chèo đó với hy vọng sẽ được chết chìm trước khi bị ăn
thịt. Nhưng tôi không thể nhớ mình có chút ý nghĩ gì trong vài phút đầu tương
đối an toàn đó. Tôi còn không thể thấy là trời đang rạng sáng. Tôi chỉ biết bám
chặt lấy mái chèo, chỉ vậy thôi, chỉ có Thượng đế mới biết tại sao.
Một lúc sau, tôi bắt đầu tận dụng được cái phao. Tôi nhấc nó
lên khỏi mặt nước và luồn nó vào cái chèo. Tôi dịch nó xuống dần cho đến khi
vòng phao quặp lấy cái chèo thôi. Nếu Richard Parker xuất hiện, nhẩy ra khỏi
mái chèo trong tư thế đó sẽ khó khăn hơn, nhưng hãy cứ lo từng thứ một, Thái
Bình Dương trước, hổ dữ sau.
Chương 41
Trời đất đã để tôi sống. Cái xuồng không chìm. Richard
Parker không thấy đâu. Bầy cá mập lượn lờ nhưng không tấn công. Sóng đánh vào
tôi tơi bời nhưng không cuốn tôi đi.
Tôi nhìn mãi con tàu lúc nó chìm xuống khối nước sủi sùng
sục. Những ánh đèn nhập nhoạng rồi tắt ngấm. Tôi cố tìm gia đình tôi, những ai
còn sống sót, một cái xuồng cứu nạn khác, bất cứ gì có thể làm tôi hy vọng.
Nhưng không có gì cả. Chỉ có mưa, những cơn sóng dữ dội của đại dương đen ngòm
và dư vị thảm họa.
Bóng tối đã tan đi trên bầu trời. Mưa đã tạnh.
Tôi không thể ở trong tư thế của mình mãi. Tôi rét. Cổ tôi
đau nhừ vì phải giữ cái đầu và phải nghển lên nghển xuống mãi cho đến lúc đó. Lưng
cũng đau vì dựa mãi vào cái phao. Và tôi cần phải ở cao hơn nữa mới có thể quan
sát xem có cái xuồng cứu nạn nào nữa không.
Tôi dịch xuống dọc cái chèo cho đến lúc hai bàn chân đặt lên
được mũi xuồng. Phải rất thận trọng. Tôi đoán Richard Parker đang nằm dưới tấm
bạt, quay lưng về phía tôi, quay mặt ra chỗ con ngựa vằn mà chắc chắn là nó đã
thịt mất rồi. Trong năm giác quan, hổ dùng nhiều đến mắt nhất. Nhãn lực của
chúng mạnh, nhất là phát hiện các chuyển động. Tai chúng cũng thính. Mũi chúng
thì thường. Tất nhiên tôi muốn nói là nếu so với các loài vật khác. Bên cạnh
Richard Parker thì tôi là thằng điếc, mù và tịt mũi đặc. Nhưng lúc ấy nó không
thể nhìn thấy tôi, và tôi ướt sũng như vậy thì nó cũng có thể không ngửi thấy,
còn với tiếng gió gào biển thét khi đó, nếu tôi cẩn thận thì chắc nó không thể
nghe thấy tôi. Một khi nó còn chưa biết đến tôi thì còn có cơ hội sống. Nếu
biết, nó sẽ giết tôi lập tức. Tôi băn khoăn không biết nó có thể vọt lên qua
tấm bạt không.
Sợ hãi và lí trí tranh nhau trả lời. Sợ hãi bảo được chứ, nó
là một con thú ăn thịt hung dữ và mạnh mẽ, nặng tới hơn hai tạ. Móng nào của nó
cũng sắc như dao. Lí trí lại nói không được đâu, tấm bạt rất chắc, không phải
là vách giấy Nhật Bản. Tôi đã từ tít trên cao rơi xuống nó. Richard Parker có
thể dùng móng cào xé tấm bạt dễ dàng và nhanh chóng, nhưng không thể nhảy chui
qua tấm bạt đến bốp một cái như thằng hề trong hộp đồ chơi. Và nó còn chưa thấy
tôi. Chưa thấy tôi thì nó chẳng có lí do gì phải cào xé tấm bạt để chui qua cả.
Tôi trườn dọc cái chèo. Tôi để cả hai chân sang một phía và
đặt chân lên mạn xuồng, cái mép trên của sườn xuồng, hay gọi là cái gọng trên
cũng được. Tôi dịch thêm chút nữa cho đến khi hai chân ở trong xuồng. Tôi không
rời mắt khỏi cái mép bên kia của tấm bạt. Bất kì giây phút nào Richard Parker
cũng có thể trỗi dậy nhào đến tôi. Người tôi phát ra những cơn sợ run bần bật
rất nhiều lần. Đúng cái chỗ cần phải im nhất là đôi chân thì lại là chỗ tôi bị
run mạnh nhất. Hai chân tôi run đùng đùng như gõ trống trên tấm bạt, đến gõ cửa
gọi Richard Parker thì cũng chỉ thế là cùng. Cơn run lan từ chân lên tay và tôi
chẳng thể nào cản nổi chúng. Rồi từng cơn run sợ cũng qua đi.
Khi người tôi đã phần lớn vào trong xuồng, tôi gượng đứng
dậy. Tôi nhìn sang qua tấm mép bạt, và ngạc nhiên thấy con ngựa vằn vẫn còn
sống. Nó nằm gần đuôi xuồng, chỗ nó đã rơi xuống, bất động, nhưng bụng vẫn phập
phồng thở dốc và mắt vẫn đảo điên đầy hoảng hốt. Nó nằm nghiêng, quay mặt về
phía tôi, đầu và cổ nghẹo trên cái ghế băng bên mạn xuồng một cách vụng về. Một
chân sau nó đã gãy thảm hại. Cái góc gập hoàn toàn không tự nhiên. Xương lòi
khỏi da và có máu chảy. Chỉ hai chân trước thanh mảnh là có vẻ vẫn còn trong tư
thế tự nhiên. Chúng gập lại và thu gọn xuống bên dưới phần thân thể đã vặn vẹo.
Thỉnh thoảng, con ngựa vằn lại ngúc ngắc đầu, kêu nấc lên và thở phì phò. Còn
thì nó nằm bất động.
Một con vật đáng yêu. Những cái vằn của nó ánh lên, sáng
trắng và đen tuyền. Đang cơn khắc khoải chết người, tôi không để ý nhiều, nhưng
vẫn kinh ngạc nhận thấy, dù chỉ thoáng qua, cái kiểu dáng thật lạ, thật sạch và
thật đẹp, cũng như cái đầu thanh tú của nó. Cái hệ trọng lớn hơn đối với tôi là
điều hiển nhiên lạ lùng rằng Richard Parker đã không giết nó.
Các loài thú ăn thịt chỉ biết: chúng phải giết con mồi.
Trong hoàn cảnh lúc ấy, Richard Parker, căng thẳng và sợ hãi đến thế, chắc chắn
sẽ càng hung dữ hơn nhiều. Nhẽ ra con ngựa vằn phải bị ăn thịt rồi mới phải.
Nguyên nhân của việc tha chết đó chỉ một lúc sau hiển hiện
ra trước mặt tôi. Nó làm máu tôi đông lại, rồi cũng làm cho tôi có một chút yên
tâm. Một cái đầu xuất hiện ở cuối tấm bạt. Nó nhìn thẳng vào tôi một cách sợ
hãi, thụt xuống, ngẩng lên, lại thụt xuống, lại ngẩng lên, rồi biến hẳn. Một
cái đầu hói hao hao giống gấu của một con linh cẩu lông chấm. Vườn thú của
chúng tôi có một bộ lạc linh cẩu gồm sáu con, hai con cái chỉ huy và bốn con
đực lâu la.
Chúng đang trên đường đến Minesota. Con này là một con đực.
Tôi nhận ra nó vì cái tai bên phải, bị rách bươm và vết sẹo lởm chởm vẫn làm
chứng cho những vụ bạo hành ngày trước của nó. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao
Richard Parker đã không giết con ngựa vằn: nó không còn ở trên xuồng nữa. Không
thể có một con linh cẩu và một con hổ trong cùng một nơi chật hẹp như vậy. Chắc
hẳn nó đã lăn từ tấm bạt xuống dưới biển và chết đuối rồi.
Thế còn tại sao lại có con linh cẩu này ở trên xuồng? Tôi
không tin linh cẩu có thể bơi ngoài biển khơi. Chỉ có thể kết luận rằng nó đã ở
trên xuồng từ trước, trốn lên tấm bạt, và tôi đã không thấy nó lúc rơi xuống
xuồng. Tôi nhận ra một điều nữa: con linh cẩu là lí do những thủy thủ kia đã
ném tôi xuống xuồng. Không phải họ định cứu tôi. May ra thì đó chỉ là ý định
cuối cùng của họ. Họ muốn dùng tôi làm vật thí mạng. Họ hy vọng con linh cẩu sẽ
tấn công tôi và may ra tôi sẽ trừ khử được nó và làm cho cái xuồng được an toàn
để họ xuống, tôi có chết cũng chẳng sao. Bây giờ thì tôi hiểu họ đã chỉ tay lia
lịa vào cái gì dưới xuồng trước khi con ngựa vằn xuất hiện.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng việc mình bị nhốt cùng với một
con linh cẩu ở một nơi chật hẹp như thế lại là một tin lành, nhưng biết làm sao
được. Mà thực ra tôi có những hai cái tin lành: nếu không có con linh cẩu thì
đám thủy thủ đã chẳng ném tôi xuống xuồng và nhất định tôi đã chết chìm theo
con tàu; còn việc phải chung cư với một con thú thì thà là với con chó dữ còn
hơn là con hổ hung bạo và nhanh như cắt kia. Để cho an toàn, tôi dịch trở lại
lên cái chèo. Dạng chân sang hai bên, tôi ngồi lên mép cái phao, bàn chân trái
đặt trên mỏm mũi xuồng, chân phải trên mép xuồng. Cũng đủ dễ chịu và cho phép
tôi quay mặt vào xuồng.
Tôi nhìn quanh. Chẳng có gì ngoài biển và trời. Giống hệt
như khi ta ở trên một đỉnh cao nào đó. Mặt biển thấp thoáng nhại lại các nét
đặc trưng của đất liền - những ngọn đồi, những thung lũng, những cánh đồng. Những
biến động địa chất được tăng tốc. Vòng quanh thế giới trong 80 ngọn sóng. Nhưng
tôi chẳng tìm thấy gia đình tôi ở nơi nào trong cái thế giới ấy.
Có những vật nổi bập bềnh trên mặt nước nhưng chẳng có cái
nào mang lại chút hy vọng. Tôi không thể tìm thấy một xuồng cứu nạn nào khác.
Thời tiết thay đổi nhanh chóng. Mặt biển, mênh mông là thế,
đến mức ngạt cả thở, đang dần dần trở lại ổn định trong một chuyển động đều đặn
và mượt mà, với những con sóng đuổi theo nhau. Gió đang dịu lại thành một làn
mơn man đầy âm hưởng. Những đám mây trắng lúp xúp tỏa sáng đang bắt đầu sáng
lên trên nền xanh nhạt tinh tế của vòm trời vô biên sâu thẳm. Đó là bình minh
của một ngày đẹp trời trên Thái Bình Dương. Chiếc áo trên người tôi đã bắt đầu
khô. Đêm tối biến đi nhanh chóng chẳng kém gì con tàu.
Tôi bắt đầu chờ đợi. Tâm trí tôi đảo điên. Hết tập trung vào
những chi tiết thực tế của việc sống còn trước mắt rồi lại ngây dại trong đau
đớn, khóc chẳng ra lời, miệng há, hai tay ôm đầu.
Chương 42
Nó tới, bập bềnh trên một hòn đảo chuối và trong một vầng
hào quang, đẹp không khác gì Mary Đồng Trinh. Mặt trời đang mọc lên sau lưng
nó. Lông tóc nó như bốc lửa trông thật sướng mắt.
Tôi kêu lên: Ôi chao! Hỡi Mẹ vĩ đại đầy ân điển, hỡi nữ thần
sinh thực của vùng Pondicherry, người mang lại sữa và tình yêu, vòng tay an ủi
tuyệt với, nỗi khủng khiếp của chấy rận, người ẵm bế những kẻ khóc lóc, chẳng
nhẽ người cũng phải chứng kiến tấn thảm kịch này ư? Dịu dàng phải gặp khủng
khiếp là không phải lẽ rồi. Sao người không chết ngay có hơn chăng? Gặp người
thế này thật vui mừng và cay đắng biết bao. Người đem lại phần đau đớn và vui
mừng ngang nhau. Vui mừng vì có người bên ta, nhưng đau đớn vì sẽ chẳng được
mấy chốc. Người biết gì về biển cả? Không biết gì hết. Ta biết gì về biển cả?
Cũng không biết gì hết. Không có tài xế, chiếc xe buýt này sẽ lạc mất thôi.
Chúng ta thế là hết đời rồi. Hãy lên xuồng nếu số phận người vẫn còn mờ mịt -
ta hãy cứ biết bến này đã. Ta có thể ngồi bên nhau. Người có thể lấy chỗ cạnh
cửa sổ, nếu người thích. Nhưng quang cảnh sẽ buồn đấy. Ôi chao, lẩm cẩm thế đủ
rồi. Để ta nói thẳng ra nhé: ta yêu người, ta yêu người, ta yêu người. Ta yêu
người, ta yêu người, ta yêu người.
Nhưng mà không được có bọn nhện đâu nhé.
Đó là con Nước Cam - gọi nó thế vì nó hay rớt rãi lòng thòng
- con khỉ độc cái vùng Borneo quí giá, minh
tinh của vườn thú và mẹ của hai thằng con xinh xắn, xung quanh là cả một đám
nhện đen lổm ngổm bò như một đám tín đồ hắc ám. Những quả chuối mà con khỉ độc
ngồi lên trên được ràng với nhau bởi cái lưới nylông đựng chúng mà người ta đã
cứ thế ròng xuống tàu. Khi con khỉ bước sang xuồng, đám chuối dập dềnh rồi lộn
ngửa. Cái lưới tuột ra.
Không suy nghĩ gì, chỉ vì thấy nó ngay gần và sắp chìm mất,
tôi với tay túm lấy cái lưới và kéo lên xuồng, một việc ngẫu nhiên sau này đã
cứu sống tôi nhiều lần. Cái lưới sẽ trở thành một trong những sở hữu quý giá
nhất của tôi.
Những quả chuối tản ra. Bầy nhện bò như điên, nhưng tình thế
của chúng là tuyệt vọng. Hòn đảo chuối tan rã dưới chân chúng. Chúng chết đuối
hết cả. Trong giây lát, cái xuồng như trôi trên một biển chuối.
Tôi đã nhặt lên cái lưới mà tôi nghĩ là vô tích sự, nhưng
lại không nghĩ đến việc nhặt những quả chuối kia. Thật vậy. Không một quả nào.
Đó là một cuộc chia chác chuối theo nghĩa sai lầm nhất: biển cũng giải tán đám
chuối ấy. Sự phí phạm khổng lồ ấy sau này khiến lòng tôi nặng trĩu. Tôi đã phải
vật vã sầu muộn vì sự ngu ngốc của mình.
Nước Cam còn đang mù mịt như trong sương. Dáng điệu nó chậm
chạp và dò dẫm. Mắt nó phản chiếu nỗi hoang mang tinh thần ghê gớm. Nó đang
trong cơn choáng rất mạnh. Nó nằm thẳng đờ trên tấm bạt trong nhiều phút, im
lìm, lặng lẽ, rồi rướn người lăn xuống lòng thuyền. Tôi nghe thấy con linh cẩu
kêu thét lên một tiếng.
Chương 43
Dấu vết cuối cùng mà tôi nhìn thấy của con tàu là một vệt
dầu loang lấp lánh trên mặt nước.
Tôi tin không phải chỉ có mình tôi. Không thể tưởng tượng
được rằng con tàu Tsimtsum bị đắm mà không gây nên một chút quan tâm nào. Ngay
lúc bấy giờ tại Tokyo, tại Panama City, Madras, Honolulu, và sao nữa, ngay cả ở
Winnipeg, đèn đỏ đang reo, những cặp mắt trợn trừng sợ hãi, những cái miệng hổn
hển thốt lên: Lạy Chúa! Tàu Tsimtsum đắm rồi! Và những bàn tay chộp vội lấy ống
nghe điện thoại. Thêm nhiều nữa đèn đỏ nhấp nháy và thêm nhiều nữa chuông báo
động réo lên. Phi công đang chạy đến máy bay, vội vã đến mức chưa kịp cả buộc
dây giày. Sỹ quan trên các con tàu thủy vặn tay lái đến chóng mặt. Cả những con
tàu ngầm cũng lượn vòng dưới nước để tham gia cuộc cứu nạn. Chúng tôi sắp được
cứu. Một con tàu sẽ xuất hiện trên đường chân trời. Một khẩu súng sẽ giết con
linh cẩu và đưa con ngựa vằn thoát khỏi tình trạng khốn khổ của nó. Có thể con
Nước Cam cũng sẽ được cứu thoát. Tôi sẽ trèo lên tàu và gặp lại gia đình tôi.
Họ đã được người ta vớt lên từ một cái xuồng khác. Chỉ cần tôi làm sao sống sót
được vài giờ nữa là tàu cứu nạn sẽ đến.
Tôi với xuống nhặt cái lưới, cuộn nó lại rồi ném nó xuống
giữa tấm bạt để làm vật cản, cho dù thật cỏn con. Nước Cam hình như liệt hoàn
toàn. Tôi đoán nó vẫn còn choáng. Chỉ có con linh cẩu làm tôi lo. Tôi có thể
nghe tiếng nó rên rỉ. Tôi bám lấy hy vọng rằng một con ngựa vằn, vốn là mồi
quen thuộc của nó, và một con khỉ độc, cũng có thể ăn được dù chưa quen, sẽ làm
cho nó không nghĩ nhiều đến tôi.
Tôi để một mắt về phía chân trời, mắt kia về phía đuôi
xuồng. Ngoài tiếng rền rĩ của con linh cẩu, tôi không nghe thấy gì nhiều từ
phía mấy con thú, chỉ có vài tiếng móng cào lên một cái gì cứng và thảng hoặc
có vài tiếng rên và tiếng kêu tắc nghẹn. Hình như không có đánh nhau gì giữa bọn
chúng.
Giữa buổi sáng thì con linh cẩu lại xuất hiện. Mấy phút
trước đó riếng rền rĩ của nó đã to hẳn lên thành một tiếng kêu thét thật sự. Nó
nhảy qua con ngựa vằn lên đuôi xuồng, nơi hai mặt ghế ở hai bên sườn xuồng liền
với nhau thành một hình tam giác. Đó là một vị trí khá lộ liễu, khoảng cách
giữa mặt ghế và mép xuồng chỉ độ 30 phân. Con vật lo lắng nhìn ra ngoài xuồng.
Nước biển mênh mông lên xuống có vẻ khiến nó khiếp đảm, vì nó lập tức thụt đầu
nhảy tọt xuống lòng xuồng ngay sau con ngựa vằn. Chỗ ấy rất hẹp, ép giữa cái
lưng rộng bè của con ngựa vằn và sườn các thùng phao chạy suốt quanh xuồng dưới
gầm ghế, cho nên con linh cẩu không thể nằm được. Nó vật vã một lúc rồi lại
trèo lên đuôi xuồng, nhẩy qua con ngựa vằn vào giữa xuồng, biến xuống dưới tấm
bạt. Những việc đó diễn ra chưa đến mười giây đồng hồ. Con linh cẩu đã chỉ cách
tôi chưa đầy năm mét. Phản ứng duy nhất của tôi là cứng người lại vì sợ. Con
ngựa vằn thì vội nghển đầu lên và sủa ầm ĩ.
Tôi hy vọng con linh cẩu sẽ ở lại dưới tấm bạt. Nhưng nào có
được. Gần như ngay lập tức, nó lại nhảy qua con ngựa vằn lên cái ghế ở đuôi
tàu. Nó đứng quay tròn trên mặt ghế, kêu ư ử, có vẻ chần chừ cái gì đó. Tôi
đang đoán nó sẽ giở trò gì tiếp theo thì nhoáng một cái, nó chúi đầu chạy vòng
quanh con ngựa vằn, biến cái ghế dài đuôi xuồng, ghế hai bên mạn và cái chạy
ngang xuồng ngay sát tấm bạt thành một vòng đua dài khoảng 6 mét. Nó chạy một
vòng - hai - ba - bốn - năm - và cứ thế chạy tiếp, không nghỉ, cho đến khi tôi
không đếm được nữa. Và trong suốt thời gian ấy, vòng này qua vòng khác, nó kêu
liên tục bằng một giọng the thé: yip yip yip yip yip. Một lần nữa, tôi phản ứng
rất chậm chạp. Tôi sững người vì sợ và chỉ có thể ngó trân trân con thú. Nó
chạy rất khỏe và đều. Nó chẳng bé nhỏ chút nào, nó đã là một con đực trưởng
thành, trông phải nặng đến 70 cân. Chân nó dậm trên mặt ghế làm cả xuồng rung
động, móng đập canh cách. Mỗi lần nó chạy khỏi phía đuôi xuồng là tôi lại căng
thẳng. Nhìn con thú chạy về phía mình đủ làm tôi dựng tóc gáy, nghĩ đến cảnh nó
cứ thế lao vào mình thì sợ vô cùng. Rõ ràng, Nước Cam, ở đâu thì ở, không thể
cản đường nó được. Còn tấm bạt đã quấn lên một chút và cái cuộn lưới tôi đã ném
lên đó thì còn là các vật phòng thủ thảm hại hơn. Nếu muốn là con thú có thể
vọt lên mũi xuồng ngay sát chân tôi. Nhưng có vẻ nó không có ý định ấy. Lần nào
chạy đến cái ghế ngang, nó cũng rẽ theo đó và tôi lại thấy cái lưng nó nhấp nhô
rất nhanh dọc theo mép tấm bạt. Tuy nhiên, trong tình trạng này, hành động của
con linh cẩu là không thể lường được và bất kì lúc nào nó cũng có thể bất ngờ
tấn công tôi.
Sau nhiều vòng chạy, nó đột ngột dừng lại trên mặt ghế đuôi
và phủ phục, đưa mắt nhìn chăm chăm xuống dưới gầm tấm bạt. Rồi nó ngước lên
nhìn thẳng vào tôi. Vẻ nhìn gần như điển hình của loài linh cẩu - trống rỗng và
thẳng thắn, rõ ràng là tò mò mà lại không để lộ một tâm trạng gì, hàm dưới trễ,
đôi tai to dựng đứng, mắt sáng và đen tuyền - một vẻ căng thẳng ứa ra từ từng
tế bào trên cơ thể, một nỗi khắc khoải khiến cho con thú bừng bừng lên như đang
cơn sốt. Tôi chuẩn bị cho kết cục của mình. Nhưng chẳng có gì cả. Nó lại bắt
đầu chạy vòng quanh.
Khi một con thú quyết định làm cái gì, nó có thể làm việc đó
rất lâu. Suốt sáng, con linh cẩu chạy vòng tròn và kêu yip yip yip yip yip.
Thỉnh thoảng nó dừng lại một tí trên cái ghế đuôi xuồng, còn thì vòng nào cũng
hệt như nhau, không có thay đổi gì trong cách chạy, tốc độ, cao độ và âm lượng
của những tiếng yip yip, hướng chạy ngược chiều kim đồng hồ. Tiếng yip yip của
nó chói tai và khó chịu vô cùng. Nhìn nó chạy như thế mãi cũng phát chán và mệt
mỏi, đến nỗi tôi phải quay đầu sang bên, chỉ hơi để mắt một chút đề phòng mà
thôi.
Ngay con ngựa vằn, lúc đầu cứ khịt lên ầm ĩ mỗi lần con linh
cẩu chạy qua đầu, sau cũng nằm im lìm.
Thế mà cứ mỗi lần con linh cẩu dừng lại ở cái ghế đuôi
xuồng, tôi lại thót tim. Cho dù đã cố chỉ để mắt về phía chân trời với hy vọng
nhìn thấy một con tàu cứu nạn, tôi vẫn không thể ngừng để ý đến con vật điên
khùng kia.
Tôi không có thành kiến với bất kỳ một con thú nào, nhưng rõ
ràng con linh cẩu lông chấm này đã không được chăm sóc cẩn thận. Trông nó xấu
đến mức không thể thương được. Cái cổ to và đôi vai so lại, chạy xuôi xuống
thân sau của nó trông như mẫu một con hươu cao cổ mà tạo hóa đã phải bỏ đi, còn
bộ lông thì tơi tả như chắp vá từ những phế thải của tạo vật.
Mầu nó là một hỗn tạp vàng xỉn, đen, vàng chanh, xám, với
những cái chấm không có chút gì như vẻ phô trương quý phái của bộ lông chấm xếp
thành hình hoa hồng ở loài báo; chúng giống như triệu chứng của một căn bệnh
ngoài da thì đúng hơn, như một chứng ghẻ lở ác tính của động vật. Cái đầu rộng
bè và quá khổ, cái trán cao như trán gấu nhưng lại bị một đường chân tóc thụt
lùi làm xấu mã, đôi tai giống tai chuột một cách nực cười, vừa to vừa tròn, mõm
lúc nào cũng há thở phì phò. Lỗ mũi quá to. Đuôi thì xơ xác và chẳng ve vẩy lúc
nào. Dáng điệu vụng về. Tất cả các bộ phận ấy lắp vào thành ra giống như chó,
nhưng là một con chó không ai muốn nuôi làm bạn.
Song tôi vẫn không quên lời cha tôi. Đây không phải là những
con thú hèn nhát chuyên ăn thịt chết. Nếu tạp chí National Geographic đã mô tả
chúng như vậy thì đó là họ chỉ quay phim chúng vào ban ngày. Còn khi trăng lên
thì ngày mới thực sự bắt đầu đối với linh cẩu, và chúng đã chứng tỏ là những
con thú săn mồi đáng sợ. Linh cẩu tấn công theo bầy, bất kì con thú gì chúng có
thể đuổi kịp, và xé xác con mồi ngay khi còn đang chạy. Chúng săn ngựa vằn, sơn
dương, trâu nước, không phải chỉ những con già yếu, mà cả những con cường tráng
trong bầy. Chúng tấn công dữ dội, luôn vùng dậy lập tức nếu bị con mồi đè hoặc
đá ngã, không bao giờ bỏ cuộc vì thoái chí. Và chúng tinh khôn, thích săn những
con thú vừa lọt lòng mẹ. Một con sơn dương mới được mười phút tuổi là món ăn ưa
thích nhất của chúng. Nhưng linh cẩu cũng ăn cả sư tử và tê giác non. Chúng chu
đáo hết sức khi đã bắt được con mồi. Chỉ sau mười phút là cả một con ngựa vằn
sẽ chỉ còn lại cái đầu lâu, cũng sẽ lại được lôi về hang để lũ con yên tâm gậm
gạp. Không có gì bỏ phí; chúng ăn cả những đám cỏ đã dây máu của con mồi. Bụng
linh cẩu phình ra rõ rệt khi chúng nuốt chửng những miếng mồi lớn. Nếu may mắn,
chúng sẽ ăn no đến độ lặc lè. Khi đã tiêu hóa, chúng ho ra những cục lông đặc
sệt, liếm láp sạch những gì còn sót lại trên đó, rồi lăn người ra trên những
cục lông ấy. Linh cẩu lỡ ăn thịt lẫn nhau khi mải mê cắn xé con mồi là chuyện
thường. Khi chen vào ăn một con ngựa vằn chẳng hạn, một con linh cẩu có thể
ngoạm đứt tai hoặc mũi một bạn bầy của nó, không hề có ý thù hằn gì. Linh cẩu
không ghê tởm một lầm lỡ như vậy. Chúng có quá nhiều vui thú, không còn chỗ cho
một cảm giác ghê tởm về bất cứ điều gì.
Trong thực tế, tính phóng khoáng trong thị hiếu ăn uống của
linh cẩu là bất tri kì vị đến độ gần như bắt buộc người ta phải khâm phục. Một
con linh cẩu sẽ uống ngay nước mà chính nó vừa đái vào. Nó còn dùng nước đái
một cách rất đặc biệt: khi trời khô nóng, nó tự làm mát bằng cách đái xuống
đất, lấy chân bới trộn thành một đám bùn rồi lăn mình nằm xuống đó. Linh cẩu ăn
phân của các loài ăn cỏ với những tiếng chép miệng ngon lành. Vấn đề ở đây là
linh cẩu sẽ tha không ăn cái gì? Chúng ăn thịt đồng loại (ăn nốt phần còn lại
của những con mà chúng đã khai vị bằng các mẩu tai và mũi) khi con kia đã chết
và để đó được một ngày. Chúng tấn công cả các loại xe cộ - đèn pha, ống xả,
gương chiếu hậu. Bụng dạ tiêu hóa không phải là hạn chế của chúng, mà là vấn đề
hàm răng chúng khỏe đến đâu mà thôi. Mà răng chúng thì thật đáng sợ.
Đó là con thú đang chạy vòng tròn ngay trước mặt tôi. Một
con thú khiến tôi đau mắt và lạnh ruột.
Mọi thứ kết thúc theo kiểu linh cẩu điển hình. Nó dừng lại ở
đuôi xuồng và bắt đầu phát ra những tiếng rên rỉ trầm đặc xen lẫn những cơn thở
dốc nặng nề. Tôi dịch người mãi lên cho đến lúc chỉ còn đầu ngón chân là chạm
vào xuồng. Con thú sặc sụa và ho khan. Rồi đột nhiên nôn thốc. Một bãi nôn rơi
toẹt xuống đằng sau con ngựa vằn. Con linh cẩu ngã người xuống bãi nôn của
mình. Nó ở đó, run bần bật, rên ư ử, xoay tròn tại chỗ, như khám phá cho hết
các ngõ ngách của cơn đau khổ thú vật của mình. Nó không ra khỏi cái chỗ chật
hẹp ấy nữa. Thỉnh thoảng, con ngựa vằn lại làm ầm lên một lúc vì con linh cẩu ở
ngay sau nó, còn phần lớn thời gian ngựa vằn chỉ tuyệt vọng nằm im thin thít.
Chương 44
Mặt trời leo lên đỉnh ngày rồi lại bắt đầu xuống. Suốt hôm
đó tôi vắt vẻo trên cái chèo, chỉ động cựa đủ để giữ thăng bằng. Toàn bộ con
người tôi chăm chú đợi một cái chấm sẽ xuất hiện ở chân trời và đến cứu tôi.
Một trạng thái chán chường căng thẳng, ngạt thở. Những giờ phút đầu tiên ấy
trong kí ức tôi gắn liền với một tiếng động, không phải như bạn đoán đâu, không
phải tiếng yip yip của con linh cẩu hoặc tiếng sóng biển gầm thét, mà là tiếng
ruồi bay vo ve. Có ruồi trên xuồng thật. Chúng chui ra và bay quanh quẩn theo
kiểu ruồi, nghĩa là thành từng quĩ đạo rộng lười nhác, trừ những khi chúng gặp
nhau và xoắn xuýt đến chóng mặt theo các đường xoáy trôn ốc với tiếng vù vù
phát thành từng cơn. Có những con ruồi dám bay cả về phía tôi. Chúng bay thành
vòng xung quanh tôi, nghe như tiếng máy bay một động cơ quay vè vè, rồi lại ù
té bay ra chỗ khác. Không biết chúng vẫn ở sẵn trên xuồng hay đã bám theo một
con thú nào tới, có thể nhất chỉ là con linh cẩu. Dù ở đâu ra, chúng cũng không
tồn tại lâu; chỉ hai ngày sau là không thấy con ruồi nào nữa. Con linh cẩu ở
đằng sau con ngựa vằn đã đớp và nuốt chửng một số. Những con khác có thể đã bị
gió thổi xuống biển. Biết đâu chẳng có một số ít may mắn được chết vì đã hưởng
trọn tuổi đời.
Càng gần đến tối tôi càng khắc khoải lo âu. Cái gì liên quan
đến đoạn ngày tàn cũng làm tôi sợ hãi. Một con tàu sẽ khó lòng nhìn thấy tôi
trong bóng tối. Đêm đến, con linh cẩu có thể hoạt bát trở lại và có khi cả con
Nước Cam nữa.
Màn đêm buông xuống. Không trăng. Mây che hết sao. Mọi vật
đều không phân biệt được rõ ràng nữa. tất cả đều biến mất, biển cả, chiếc
xuồng, cả đến thân thể tôi. Biển lặng và hầu như không có gió, nên tôi cũng
không thể neo mình vào âm thanh. Dường như tôi đang nổi trôi trong một vòm đen
ngòm tinh khiết và trừu tượng. Tôi đăm đắm nhìn về nơi mà tôi nghĩ là chân
trời, trong khi dỏng tai cảm giác dấu hiệu của các con thú. Tôi không thể tưởng
tượng đã sống qua được đêm đó.
Có những lần trong đêm, con linh cẩu bắt đầu gầm gừ và con
ngựa vằn vừa sủa vừa rên ư ử, rồi tôi nghe có tiếng gõ cành cạch liên hồi. Tôi
lẩy bẩy - và chẳng dám giấu nữa - vãi đái dầm dề cả ra quần. Nhưng những tiếng
động ấy là ở phía đằng kia của xuồng. tôi không thấy có tí lắc lư nào do chuyển
động gây nên. Con thú kinh hoàng kia rõ ràng có vẻ không mon men về phía tôi.
Gần hơn trong bóng tối, tôi bắt đầu nghe những tiếng thở hắt, rên rỉ, gầm gừ và
tiếng chép miệng nhoen nhoét. Tôi không dám nghĩ đến chuyện con Nước Cam đang
động cựa. Chỉ đành lờ nó đi. Cũng có cả những tiếng động phát ra từ bên dưới
tôi, ở dưới nước. Những tiếng đập nước và rẽ nước thoắt đến thoắt đi. Cuộc đấu
tranh sinh tồn diễn ra cả dưới đó nữa.
Từng phút giây chậm chạp, đêm đó rồi cũng qua.
Chương 45
Tôi rét. Đó chỉ là một quan sát lạc đề, như thể nó chẳng can
hệ gì tới tôi. Ngày rạng. Nó diễn ra nhanh chóng, nhưng vẫn theo từng mức độ
không nhận ra được. Một góc trời chuyển màu. Không trung bắt đầu tràn ngập ánh
sáng. Biển cả bình thản mở ra xung quanh tôi như một cuốn sách lớn lao. Nhưng
vẫn cảm thấy như còn trong đêm. Thế rồi thình lình ngày tới.
Cảm giác ấm áp chỉ đến khi mặt trời trông như một trái cam
có thắp đèn điện, nhô lên khỏi chân trời, nhưng tôi đã không phải chờ đến lúc
ấy mới cảm thấy được. Nó đã sống dậy cùng với những tia sáng đầu tiên: hy vọng.
Khi mọi vật dần hiện ra với đường viền và mầu sắc của chúng, niềm hy vọng đã
dâng lên cho đến lúc thành một bài ca ấy mới kỳ diệu làm sao! Mọi thứ rồi sẽ
đâu vào đấy. Cái tệ hại nhất đã qua rồi. Tôi đã sống được qua đêm. Hôm nay
người ta sẽ cứu tôi. Nghĩ như thế, xâu từng chữ ấy vào nhau trong đầu, đã là
một nguồn hy vọng. Hy vọng sinh hy vọng. Khi chân trời đã thành một đường thẳng
gọn gàng sắc nét, tôi háo hức nhìn dọc theo nó. Ngày trong vắt và tầm nhìn hoàn
hảo. Tôi tưởng tượng Ravi sẽ là người đầu tiên
gọi chào tôi với một câu trêu ngươi. “Cái gì thế này?”, anh ấy sẽ nói, “mày tìm
được một cái xuồng vĩ đại và chất đầy thú vật lên đó ư? Mày tưởng mày là thánh
Noah hay cái gì chứ?”. Cha sẽ râu ria không cạo và trông rất chán đời. Mẹ sẽ
ngước nhìn trời và kéo tôi vào lòng. Tôi điểm qua hàng chục cảnh khác nhau của
những gì có thể sẽ diễn ra khi tôi đã ở trên tàu cứu nạn, các biến tấu của chủ
đề đoàn tụ ngọt ngào. Sáng hôm đó, chân trời có thể cong theo một chiều, còn
môi tôi thì cương quyết cong theo chiều của một nụ cười.
Nghe thì lạ đấy, nhưng đúng là mãi về sau tôi mới bắt đầu để
mắt nhìn xem cái gì đang xảy ra trên xuồng. Con linh cẩu đã bắt đầu tấn công
con ngựa vằn. Mồm nó đỏ chói và bắt đầu đang nhai một mẩu da ngựa. Mắt tôi tự
động tìm kiếm vết thương, chỗ con ngựa bị tấn công. Tôi há hốc mồm vì khủng
khiếp.
Cái chân gãy của con ngựa vằn không còn nữa. Con linh cẩu đã
cắn nó rời ra và tha về cuối xuồng, ngay sau con ngựa. Một mảng da lủng lẳng
dính trên cái mõm cụt vẫn còn chảy máu ròng ròng. Nạn nhân chịu nạn một cách
kiên nhẫn, không có vật vã bộ tịch gì. Dấu hiệu đau đớn duy nhất của nó là hai
hàm răng cứ chậm chạp đều đặn nghiến vào nhau liên tục. Một cảm giác choáng,
quằn quại và căm giận trào lên trong tôi. Tôi cảm thấy căm thù con linh cẩu đến
cao độ. Tôi đã nghĩ cách giết nó bằng cách nào đó. Nhưng tôi chẳng làm gì được.
Và nỗi căm giận của tôi cũng chẳng được là mấy. Tôi phải trung thực trong
chuyện này. Tôi không đủ lòng thương xót con ngựa vằn được lâu. Khi chính cuộc
sống của ta bị đe dọa, ý thức thương cảm bị cùn đi bởi một thèm khát sống đầy
ích kỷ. Thật buồn là nó phải đau đớn đến thế - một sinh linh gặp tử nạn mà chưa
được giải thoát - nhưng tôi đâu có làm được gì. Tôi thấy thương cảm, rồi lại lo
việc mình. Tôi không thể tự hào về chuyện đó. Tôi phiền lòng vì mình đã ghẻ
lạnh như vậy. Thực ra tôi nào có quên được con ngựa vằn khốn khổ ấy và những gì
nó phải trải qua. Không có lần cầu kinh nào mà tôi không nghĩ đến nó.
Vẫn không thấy có dấu hiệu gì của con Nước Cam. Tôi lại đưa
mắt về phía chân trời.
Chiều hôm đó gió có mạnh lên đôi chút và tôi để ý thấy một
điều: cái xuồng trôi nổi trên mặt nước rất nhẹ nhàng, rõ ràng vì chở nhẹ hơn
tải trọng của nó. Còn nhiều chỗ trống trên xuồng, và khoảng cách giữa mặt nước
và mép xuồng rất lớn, biển phải dữ dội lắm mới có thể đánh chìm được xuồng,
nhưng cũng chính vì nhẹ tải như vậy mà xuồng cứ bị xoay ngang khi có gió, khiến
cho mạn xuồng luôn luôn phải hứng các con sóng đập vào. Sóng nhỏ thì như thể có
ai nắm tay liên tục đấm vào mạn xuồng, còn sóng lớn thì làm xuồng bập bềnh rất
mệt khi nó bị lắc liên tục từ mạn này sang mạn kia. Chuyển động lắc liên tục ấy
làm tôi say sóng.
Có lẽ tôi sẽ thấy đỡ hơn trong một tư thế khác. Tôi trườn
xuống và dịch chỗ trở lại mũi xuồng. Tôi ngồi quay mặt đón sóng, toàn bộ phần
còn lại của xuồng ở phía tay trái tôi. Tôi gần con linh cẩu hơn nhưng không
thấy nó động cựa gì.
Đang khi hít thở thật sâu và tập trung vào việc ngăn chặn
cơn say sóng thì tôi thấy Nước Cam. Tôi đã tưởng nó chọn một chỗ khuất dưới tấm
bạt và gần mũi xuồng, càng xa con linh cẩu càng tốt. Nhưng không phải thế. Nó ở
ngay bên một cái ghế bên sườn xuồng, sát cạnh con đường chạy vòng tròn của con
linh cẩu và ngay sau chỗ tấm bạt được cuốn lên. Nó chỉ nhấc đầu lên độ hai phân
gì đó thôi và ngay lập tức tôi nhìn thấy nó.
Không cưỡng nổi tò mò, tôi muốn nhìn nó rõ ràng hơn. Mặc dù
xuồng lắc lư, tôi vẫn cố gượng quỳ được lên. Con linh cẩu nhìn tôi, nhưng không
nhúc nhích. Nước Cam hiện ra. Nó nằm chúi và bám chặt lấy mép xuồng bằng cả hai
tay, đầu gục hẳn xuống. Mõm nó há hốc, lưỡi thè lè. Rõ ràng nó đang thở dốc. Dù
đang trong thảm trạng và đang mệt mỏi đến thế, tôi vẫn không nhịn được cười.
Tất cả mọi thứ của con Nước Cam lúc bấy giờ chỉ đánh vần lên một chữ: say sóng.
Trong đầu tôi vụt hiện lên hình ảnh một loài thú mới: loài đười ươi màu xanh lá
cây hiếm hoi và thạo đi biển. Tôi trở lại tư thế ngồi của mình. Con thú đáng
thương trông ốm yếu một cách rất người. Nhìn thấy đặc tính của người trong các
con thú là một điều đặc biệt buồn cười, nhất là ở các loài khỉ vượn, là những
tấm gương soi rõ rệt nhất của chúng ta trong thế giới động vật. Chính vì thế mà
chúng được ưa thích nhất trong các vườn thú. Tôi lại bật cười. Tôi đưa tay lên
ngực, ngạc nhiên về những cảm giác của mình. Lạ thật. Trận cười ấy như một núi
lửa hạnh phúc phụt lên trong tôi. Con Nước Cam không những làm tôi vui lên mà còn
lấy hết cả cơn say sóng của tôi về nó. Tôi thấy sảng khoái hẳn.
Tôi trở lại quan sát tỉ mỉ phía chân trời, hy vọng chứa
chan.
Ngoài việc bị say sóng thảm hại, có một cái khác rất đáng
chú ý ở con đười ươi Nước Cam: nó không bị thương tích gì. Và nó vẫn quay lưng về
phía con linh cẩu như thể cảm thấy có thể an toàn phớt lờ con này. Cái hệ sinh
thái trên chiếc xuồng này quả là lung tung. Trong các điều kiện tự nhiên thì
một con linh cẩu lông chấm và một con đười ươi không bao giờ có thể gặp nhau,
vì linh cẩu thì không có ở Borneo mà đười ươi thì không có ở Châu Phi, nên
không thể biết chúng sẽ ra sao khi chạm trán nhau. Nhưng với tôi thì dường như
không thể có chuyện những con ăn quả ở cây và lũ ăn thịt ở đồng cỏ lại có thể
chỉ biết ai ở chỗ người nấy và không thèm để ý gì đến nhau. Chắc chắn con linh
cẩu sẽ ngửi thấy một con mồi ở con đười ươi, cho dù lạ miệng, một con mồi đáng
nhớ vì các cục lông khổng lồ sẽ phải khạc ra sau đó, dù sao thì cũng ngon miệng
hơn một cái ống xả của xe ô tô và đáng để mắt đến khi vào gần rừng cây. Đồng
thời con linh cẩu chắc cũng cảm thấy có thể bị đười ươi ăn thịt và sẽ rất cảnh
giác khi thấy một miếng sầu riêng bị ném từ trên cây xuống. Nhưng thiên nhiên
lúc nào cũng đầy bất ngờ. Chưa chắc đã phải như vậy. Nếu dê có thể sống thân ái
với tê giác, tại sao đười ươi và linh cẩu lại không thể? Đó sẽ là một tuyệt
phẩm trong vườn thú. Sẽ phải có biển giới thiệu đàng hoàng. Tôi có thể thấy nó
rõ ràng: “Công chúng thân mến, đừng lo gì cho những con đười ươi kia! Chúng ở
trên cây vì chúng sống ở đó, không phải vì chúng sợ bầy linh cẩu lông chấm nọ.
Hãy trở lại vào giờ ăn của chúng, hoặc lúc mặt trời lặn khi chúng khát nước,
các vị sẽ thấy chúng trèo từ trên cây xuống và đi lại dưới đất, tuyệt đối không
bị linh cẩu quấy nhiều”. Cha tôi sẽ ngạc nhiên phải biết.
Đâu đó vào buổi chiều, tôi thấy một đại biểu đầu tiên của
loài vật sau này sẽ thành người bạn trung thành và thân thiết của tôi. Có tiếng
va chạm và cọ sát vào vỏ xuồng. Rồi vài giây sau, gần ngay xuồng đến nỗi tôi có
thể cúi xuống và bắt lấy được, thấy xuất hiện một chú rùa biển lớn, loại rùa mỏ
diều, đang lười nhác quạt nước, đầu thò hẳn lên khỏi mặt nước. Nó có một vẻ gì
đó có thể gọi là xấu tính nhưng lại thật hoành tráng. Một cái mai xù xì màu nâu
vàng dài gần một thước với những đám tảo bám lỗ chỗ: bộ mặt mầu xanh lá cây với
cái mỏ quặp sắc nhọn, mắt đen xoáy chặt vào tôi. Vẻ nhìn của nó ngạo mạn và soi
mói, giống một lão già khó tính đang có điều gì phiền muộn trong lòng. Cái lạ
nhất về con bò sát dưới nước chẳng hợp chút nào so với các con cá được thiết kế
thon thả và trơn tru. Nhưng rõ ràng nó vẫn hoàn toàn hòa hợp với môi trường và
chỉ có tôi mới cộc lệch chẳng ăn nhập được vào đâu. Nó quanh quẩn gần xuồng
trong nhiều phút đồng hồ.
Tôi bảo con rùa: “Hãy đi và nói với một con tàu rằng tao
đang ở đây. Đi đi”. Nó quay đi và lặn mất tăm, cặp chân sau thay nhau đạp nước.
Chương 46
Nơi hy vọng có những con tàu xuất hiện thì chỉ thấy những
đám mây tụ lại, và ngày càng trôi thì nụ cười càng héo dần trong lòng tôi. Đêm
đó là khủng khiếp nhất đời, hay là đêm nay? Nghĩ vậy có nghĩa gì đâu. Tôi đã có
quá nhiều đêm khủng khiếp đến nỗi chẳng buồn chọn ra đêm nào là vô địch nữa. Dù
sao, trong kí ức tôi, cái đêm thứ hai trên biển cả ấy là một đêm đau khổ ngoại
hạng. Khác với nỗi khắc khoải lo âu đến lạnh người của đêm thứ nhất, nỗi đau
khổ của đêm đó có vẻ điển hình hơn, một dạng đổ vỡ tinh thần với khóc lóc, buồn
nản và tâm khảm đớn đau. Mà nó cũng khác với những đêm đau khổ sau này ở chỗ
lúc bấy giờ tôi vẫn còn đủ sức để hiểu hết được chính những cảm xúc của mình.
Cái đêm ghê gớm ấy lại còn được mở màn bằng một buổi chiều tà cũng ghê gớm
chẳng kém.
Tôi đã để ý thấy sự có mặt của cá mập xung quanh xuồng. Mặt
trời sắp bắt đầu hạ màn cho ngày hôm đó. Một màn trình diễn rực rỡ các mầu da
cam và đỏ, một bản giao hưởng đa sắc vĩ đại, một bức tranh siêu nhiên, thực sự
là một buổi hoàng hôn Thái Bình Dương hoành tráng, mà đâu có tác dụng gì đối
với tôi. Bầy cá mập thuộc loài Isurus Oxyrinchus, thường gọi là mập makô -
những con cá ăn thịt nhanh như cắt, mũi nhọn, với những cái răng dài chết người
thò hẳn ra ngoài miệng. Chúng dài khoảng hai thước, có một con còn to hơn thế
nữa. Tôi nhìn chúng, lo ngay ngáy. Con to nhất lao nhanh về phía xuồng như thể
muốn tấn công, vây lưng nhô lên khỏi mặt nước hàng mấy chục phân, nhưng nó lại
nhào xuống dưới và lướt qua gầm xuồng với một vẻ duyên dáng đáng sợ. Nó quay
lại, lần này không đến gần như lần trước, rồi biến mất. Các con khác trong bầy
lẩn quẩn lâu hơn, đến rồi đi ở những độ sâu khác nhau, có con lộ hẳn ra đến nỗi
có thể với tay được, những con khác thì sâu hơn. Có cả loài cá khác, to có nhỏ
có, đủ các màu, đủ các hình dáng khác nhau. Tôi đã có thể quan sát chúng kỹ hơn
nếu không bị đánh động vì một chuyện khác: con Nước Cam đã nghển đầu lên.
Nó quay người và đưa hai cánh tay đặt lên trên tấm bạt với
một động tác hệt như tôi và bạn sẽ làm khi khoác tay lên lưng một chiếc ghế bên
cạnh mình để được thoải mái hơn. Nhưng rõ ràng đó không phải là mục đích của
nó. Với một vẻ mặt buồn thăm thẳm và đầy than khóc, nó bắt đầu nhìn quanh, chậm
chạp quay đầu bên này bên kia. Lập tức, sự giống nhau giữa người và vượn không
còn đáng buồn cười nữa. Nó đã đẻ con trong hai vườn thú, hai con đực nay đã lên
năm và lên tám và chúng là niềm tự hào của cả nó và chúng tôi. Rõ ràng là nó
đang nghĩ đến hai đứa con khi đưa mắt tìm kiếm trên mặt biển, vô hình chung
đang làm đúng những gì tôi đã làm trong suốt ba mươi sáu giờ qua. Nó nhìn thấy
tôi và chẳng biểu lộ gì.
Tôi chỉ là một con thú đã mất tất cả và chỉ còn lời hẹn với
tử thần. Tâm trạng tôi suy sụp hẳn.
Thế rồi, với chỉ một tiếng gừ trong cổ họng để báo hiệu, con
linh cẩu bắt đầu làm loạn. Nó đã không ra khỏi chỗ nằm chật chội của nó suốt cả
một ngày. Nó đã đặt hai chân trước lên hông con ngựa vằn, rướn lên và đưa mõm
ngoạm lấy một nếp da rách nhăn nheo. Nó giật thật mạnh. Một mảng da toạc ra
khỏi bụng con ngựa vằn như giấy gói quà bị người ta bóc ra kêu soàn soạt, chỉ
có điều kêu nhẹ hơn, vì là da và khó rách hơn. Máu lập tức phụt ra như suối.
Vừa hí, vừa khịt mũi kêu rền rĩ, con ngựa vằn tỉnh lại để tự vệ. Nó rướn người
lên trên hai chân trước và vươn cổ định cắn con linh cẩu, nhưng không với tới
được. Nó lắc cái chân sau còn lại, chỉ có tác dụng làm tôi hiểu ra cái tiếng gõ
cành cạch đêm hôm trước chính là tiếng cái móng cái chân này gõ vào mạn xuồng.
Những cố gắng tự vệ của con ngựa vằn chỉ tổ làm cho con linh cẩu gầm gào cắn xé
điên cuồng hơn. Nó đã gây một vết thương toang hoác ở sườn con này. Khi nó
không còn thỏa mãn với những miếng đớp với từ sau lưng, con linh cẩu trèo hẳn
lên lưng con ngựa vằn.
Nó bắt đầu lôi ra từng khúc ruột và các phủ tạng khác. Không
có thứ tự gì hết. Nó cắn chỗ này, nuốt chỗ kia, có vẻ ngợp vì bữa tiệc ê hề
trước mõm. Sau khi nuốt chửng hết nửa bộ gan, nó bắt đầu kéo co cái dạ dày
trăng trắng căng phồng như một trái bóng bơm hơi. Nhưng nặng quá, vả lại hông
con ngựa nhô cao hơn bụng nó, rồi máu me nhầy nhụa trơn chân, con linh cẩu
trượt hẳn vào bên trong thân thể nạn nhân của nó. Nó ngụp hẳn đầu và vai vào
đám ruột gan con ngựa vằn, hai chân trước ngập đến tận gối. Nó rút người ra,
rồi lại chúi vào. Cuối cùng thì nó đứng yên trong tư thế nửa trong nửa ngoài
như vậy. Con ngựa vằn bị ăn sống từ bên trong. Nó phản kháng một cách gắng gỏi
đang lịm dần. Máu bắt đầu ộc ra từ đằng mũi. Một đôi lần nó vươn cổ ngẩng đầu
về phía trời xanh, như thể kêu xin thượng giới – một hình ảnh diễn đạt hoàn hảo
nỗi khủng khiếp của giây phút ấy.
Nước Cam không thờ ơ trước cảnh đó. Nó đứng thẳng hết người
lên mặt ghế. Đôi chân nhỏ không tương xứng tí nào với thân hình đồ sộ, nó như
một cái tủ lạnh có những cái bánh xe bị vẹo. Nhưng với đôi cánh tay khổng lồ
giơ lên không trung, trông nó thật ấn tượng. Sải tay nó lớn hơn cả chiều dài
thân thể. Một bàn tay thõng trên mặt nước ở mép xuồng bên này, bàn kia vươn
sang tận mép xuồng bên kia.
Nó nhe răng, môi vén lên, những chiếc răng nhọn khổng lồ, và
bắt đầu gầm rú.
Một tiếng rú sâu thẳm, mãnh liệt, đầy ắp, đáng kinh ngạc ở
một con thú vốn im lìm như hươu cao cổ. Cả con linh cẩu và tôi đều giật bắn vì
tiếng rú đó. Con linh cẩu khựng người lùi một bước. Nhưng không được lâu. Nó
trân trân xoáy vào con Nước Cam một lúc, lông trên cổ và vai dựng ngược hết
lên, và cái đuôi cũng dựng thẳng đứng lên trời. Nó lại trèo vào trong con ngựa
vằn đang hấp hối. Và ở đó, mõm ròng ròng những máu, nó đáp lại con Nước Cam
bẳng một tiếng rú chói tai.
Hai con thú chỉ cách nhau chưa đầy một thước, mõm há hốc đối
mặt nhau. Chúng dồn hết sức lực vào tiếng hú của mình, thân thể run lên bần
bật. Tôi có thể nhìn thấy cả tận sâu trong cổ họng con linh cẩu. Bầu khí quyển
Thái Bình Dương, mới một phút trước còn đem lại những âm thanh rì rào thì thầm
của biển cả, một giai điệu tự nhiên mà tôi sẽ gọi là êm dịu nếu được nghe trong
những hoàn cảnh hạnh phúc hơn, lập tức tràn ngập cái âm thanh ghê gớm kia,
giống như tiếng gào rú căm hờn của một trận quyết chiến, với những tràng đạn xé
màng nhĩ của súng và đại bác và những loạt bom nổ như sấm sét. Tiếng rú của con
linh cẩu lấp đầy các thang bậc trên mà tai tôi có thể nghe thấy. Tiếng rú trầm
hùng của con Nước Cam lấp kín các thang bậc dưới,
và đâu đó ở khoảng giữa là tiếng kêu của con ngựa vằn tuyệt vọng. Tai tôi đầy
ắp. Không thể thêm gì vào đó. Không có một tiếng động nào có thể chen vào và
được ghi nhận nữa.
Tôi bắt đầu run bắn lên không thể kiềm chế được. Tôi tin
chắc con linh cẩu sắp nhào vào con Nước Cam.
Tôi không thể tưởng tượng sự việc có thể tồi tệ hơn, nhưng
nó đã như vậy. Con ngựa vằn sặc và phun cả máu xuống biển. Vài giây sau đã thấy
những tiếng va đập vào thành xuồng. Nước biển bắt đầu sủi sùng sục vì cá mập
xung quanh xuồng. Chúng đang tìm xem máu đó ở đâu ra, nguồn thức ăn rất gần với
chúng.
Đuôi chúng đập lên mặt nước, đầu chúng vọt hẳn lên. Cái
xuồng bị tấn công liên tiếp. Tôi không sợ bị lật xuồng – tôi nghĩ bầy cá mập sẽ
chọc thủng vỏ xuồng kim loại và đánh chìm chúng tôi.
Hai con thú giật nảy người và có vẻ hốt hoảng mỗi khi xuồng
bị đâm mạnh, nhưng chúng không chịu bỏ công việc chính của mình là gầm rú vào
mặt nhau.
Tôi tin chắc màn võ mồm này sẽ biến thành cắn xé nhau thực
sự. Nhưng nó lại đột ngột chấm dứt sau vài phút. Nước Cam, với những tiếng chép
miệng và hục hặc trong cổ, quay đi chỗ khác, còn con linh cẩu thì cúi đầu lui
gót về đằng sau tấm thân đã bị băm vằm của con ngựa vằn. Bọn cá mập, không tìm
thấy gì, thôi không đâm vào xuồng nữa và cuối cùng bỏ đi. Im lặng lại bao phủ
tất cả.
Một mùi hôi thối khăn khẳn, trộn lẫn mùi đất, rỉ sắt và cứt
đái, lơ lửng trong không khí. Chỗ nào cũng có máu, đọng dần thành một lớp vỏ đỏ
sậm. Một con ruồi duy nhất vo ve quanh quẩn, nghe như hồi chuông báo hiệu mất
trí. Không một con tàu nào, không có gì hết, xuất hiện ở chân trời ngày hôm đó,
và bây giờ thì ngày đã tàn chiều rồi đây. Khi vầng dương lẻn xuống khỏi chân
trời, không phải chỉ là ngày ấy và con ngựa vằn đáng thương ấy đã chết, mà cả
gia đình tôi nữa. Với hoàng hôn lần thứ hai, lòng không muốn tin vào sự thật đã
bị thay thế bằng đau đớn và thương xót. Họ chết cả rồi; tôi không thể dối lòng
hơn nữa. Công nhận một điều như vậy thật mới ghê gớm làm sao! Mất anh là mất
một người ta có thể san sẻ những kinh qua của cuộc đời, người sẽ đem cho ta chị
dâu và cháu trai và cháu gái, những sinh linh sẽ khiến cho cây phả hệ của ta
đâm nhánh sum suê.
Mất cha là mất người chỉ bảo giúp đỡ ta, người nâng đỡ ta
như thân đỡ cành. Mất mẹ, trời ơi, cũng giống như mất mặt trời trên đầu ta. Nó
giống như - nhưng thôi, xin lỗi, tôi chẳng nên nói nữa. Tôi nằm vật xuống tấm
bạt và khóc lóc đắng cay suốt đêm, vùi mặt vào hai cánh tay. Con linh cẩu thì
gần như suốt đêm đó vẫn mải mê nhai, nuốt.
Chương 47
Ngày lại rạng, ẩm ướt và âm u, với gió ấm và một bầu trời
phủ đầy những đám mây xám đặc trông như những tấm chăn vải bông bẩn thỉu nhàu
nhĩ. Biển không thay đổi. Nó đều đặn xô chiếc xuồng dập dềnh lên xuống.
Con ngựa vằn vẫn còn sống. Tôi không thể tin được. Nó có một
lỗ thủng rộng năm, sáu mươi phân trên người, huếch hoác như một núi lửa và phun
lên nhầy nhụa các bộ phận ruột gan đã bị ăn nham nhở hoặc lóng lánh hoặc mờ mờ
dưới ánh sáng ban ngày, ấy thế mà trong những bộ phận cốt yếu nhất của cơ thể,
sự sống vẫn tiếp tục phập phồng, cho dù yếu ớt. Toàn bộ cử động của nó chỉ có
thể thấy ở cái chân sau run rẩy và cặp mắt thỉnh thoảng hấp háy mà thôi. Tôi
khiếp đảm. Tôi không ngờ một sinh vật có thể bị nhiều thương tích đến thế mà
vẫn tiếp tục sống.
Con linh cẩu căng thẳng. Sáng rồi mà nó vẫn không chịu yên
để nghỉ ngơi như lẽ thường lấy ngày làm đêm của nó. Có lẽ vì nó ăn quá nhiều;
bụng nó phình ra bóng nhẫy. Nước Cam cũng trong tâm trạng nguy hiểm. Nó đang
nhấp nha nhấp nhổm và nhe răng liên hồi.
Tôi ở nguyên vị, co quắp gần mũi xuồng. Tôi yếu cả thân thể
lẫn linh hồn. Tôi sợ mình sẽ ngã xuống nước nếu loay hoay giữ thăng bằng trên
cái chèo.
Đến trưa thì con ngựa vằn chết. Mắt kéo màng như thủy tinh
và đã hoàn toàn vô cảm đối với những đợt tấn công của con linh cẩu.
Đến chiều thì nổ ra bạo hành. Căng thẳng đã lên đến hết mức
chịu đựng. Con linh cẩu yip yip. Nước Cam chép miệng và gầm gừ ầm ĩ. Rồi đùng
một cái, tâm trạng khó chịu của chúng nổ cầu chì và vọt lên cao độ. Con linh
cẩu nhẩy vọt qua xác con ngựa vằn và nhào vào Nước Cam.
Chắc tôi đã nói rõ về mối đe dọa khủng khiếp của linh cẩu.
Tôi tin điều này đến nỗi chắc mẩm rằng con Nước Cam sẽ chết trước khi kịp làm
một cái gì đó để tự vệ. Tôi đã đánh giá nó quá thấp. Tôi đã đánh giá thấp tinh
thần quật cường của nó.
Nước Cam giã một cú đấm xuống đầu con thú kia. Một cái gì đó
thật choáng, khiến tim tôi phải tan ra vì yêu, vì khâm phục và hãi hùng. Tôi đã
nhắc chuyện nó là một con vật nuôi làm cảnh và đã bị những người chủ Indonesia ruồng
bỏ chưa nhỉ? Chuyện nó giống như chuyện của tất cả các con vật cảnh miễn cưỡng.
Đại loại thế này: Con vật được người ta mua về khi nó còn nhỏ và xinh xắn. Rồi
nó lớn lên về cả thể xác và dịch vị. Nó tỏ ra không thể thuần hóa được ở trong
nhà. Sức mạnh gia tăng của nó ngày càng khó điều khiển. Một hôm, cô hầu gái kéo
màn che chỗ ở của nó để đi giặt, hoặc một cậu con trai đùa giỡn véo một miếng
thức ăn trên tay nó - một cái gì đó rất vặt vãnh như thế, và con thú nhe răng
làm cả nhà hoảng sợ. Ngay hôm sau nó thấy mình nẩy lên nẩy xuống trong khoang
sau chiếc xe jeep của gia đình, có cả các anh chị người của nó cùng đi. Người
ta vào một khu rừng. Ai trên xe cũng thấy đó là một nơi lạ lẫm và đáng sợ.
Người ta vào một quãng rừng thưa và ngó nghiêng đây đó một lúc. Bất thình lình
chiếc xe rú lên và bánh xe quay hất bụi mù mịt, và con vật thấy những người mà
nó đã biết và yêu nhìn lại nó từ cửa sau khi chiếc xe tăng tốc độ chạy đi. Nó
đã bị bỏ lại, con vật không hiểu. Cũng như các anh chị em của nó, con vật chẳng
biết gì về rừng.
Nó chờ quanh đợi quẩn chờ cho họ quay lại. Mặt trời lặn, nó
nhanh chóng mất hết tinh thần và không thiết sống nữa. Mấy ngày sau nó chết vì
đói và không nơi trú ẩn. Hoặc bị chó tấn công.
Nước Cam đã có thể trở thành một trong những con vật bị bỏ
rơi như thế. Nhưng nó đã về được vườn thú Pondicherry .
Nó luôn luôn hiền lành và dịu dàng. Tôi vẫn nhớ những kỷ niệm từ khi còn bé
được nó ôm ấp trong hai cánh tay dài tưởng như vô tận, những ngón tay nó, từng
ngón đã dài bằng cả bàn tay tôi, bới trên tóc tôi.
Lúc ấy nó còn là một con cái đang tập các kỹ xảo làm mẹ của
mình. Rồi khi nó trưởng thành với đầy đủ bản ngã hoang dại của nó, tôi vẫn
thích quan sát nó từ xa.
Tôi đã tưởng mình hiểu nó đến mức có thể đoán trước mọi hành
vi của nó. Tôi nghĩ mình đã biết mọi thói quen và hạn chế của nó. Nhưng nhìn nó
dữ dội và can đảm hoang dã như thế này, tôi biết mình đã nhầm. Tôi đã chỉ biết
một phần bản tính của nó.
Nó giã một quả đấm xuống đầu con thú kia. Một cú đấm thực ra
trò. Con linh cẩu bị đấm dập đầu xuống mặt ghế mà nó vừa nhảy đến, phát ra một
tiếng động sắc lạnh và chói tai đến nỗi, khi thấy cả hai chân nó cũng sóng xoài
sang hai bên, tôi đã tưởng nó đã phải vỡ sọ rồi, hoặc cái ghế đã gãy rồi, hoặc
cả hai đều tan tành.
Nhưng con linh cẩu lập tức vùng dậy lông nó dựng ngược hệt
như tóc tôi lúc bấy giờ, nhưng điệu bộ tàn bạo của nó không còn sống động như
trước. Nó rút lui. Tôi sướng run người. Hành động tự vệ mạnh mẽ của Nước Cam
khiến tôi cảm thấy ấm áp trong lòng.
Điều đó chẳng được mấy chốc.
Một con đười ươi cái không thể đánh được một con linh cẩu
đực cùng tuổi trưởng thành như mình. Đó là một sự thật đã được kiểm nghiệm. Các
nhà động vật học hãy biết rõ sự thực này. Giá như Nước Cam là một con đực, giá
như nó to lớn như tôi mong ước cho nó thì lại là chuyện khác. Nhưng nó chỉ nặng
chưa đầy năm mươi cân mặc dù được ăn thừa thãi trong điều kiện thoải mái của
vườn thú. Đười ươi cái chỉ to bằng nửa đười ươi đực. Mà không phải chỉ đơn giản
là vấn đề cân nặng và sức khỏe. Nước Cam không phải là không biết tự vệ. Cái
quan trọng cuối cùng là thái độ và và kiến thức của nó trong việc này. Một con
thú ăn quả thì biết gì về chuyện chết chóc? Nó biết học ở đâu kỹ năng cắn xé,
cắn chỗ nào, mạnh đến đâu, trong bao lâu? Một con đười ươi có thể cao lớn hơn,
có thể có đôi tay nhanh nhẹn rất khỏe và những cái răng nhọn dài, nhưng nếu nó
không biết sử dụng những vũ khí ấy ra sao thì cũng vô ích mà thôi. Con linh
cẩu, chỉ có hai hàm răng, sẽ áp đảo được con đười ươi vì nó biết rõ nó muốn gì
và làm cách nào để đạt được mục đích.
Con linh cẩu quay lại. Nó nhẩy lên ghế và ngoạm ngay lấy cổ
tay con Nước Cam trước khi con này kịp xoay sở. Nước Cam đánh vào đầu con linh
cẩu bằng tay kia, nhưng cú đánh chỉ khiến con thú gầm gừ một cách đểu cáng. Nó
định cắn, nhưng con linh cẩu cắn được. Than ôi, những động tác tự vệ của Nước Cam
không chính xác và thiếu phối hợp. Nỗi sợ hãi của nó không khiến nó nhanh nhẹn
hơn, mà làm nó chậm chạp đi. Con linh cẩu nhả cổ tay nó và thành thạo ngoạm lên
cổ.
Ngây dại vì đau đớn và khủng khiếp. Tôi nhìn con Nước Cam
vừa đánh vừa túm lông con linh cẩu một cách vô vọng khi con này ngoạm chặt lấy
cổ mình. Cho đến lúc chết, nó làm tôi liên tưởng đến chúng ta, mắt nó sợ hãi
một cách rất người, và cả tiếng rền rĩ của nó cũng vậy. Nó định cố trèo lên tấm
bạt. Con linh cẩu lắc nó dữ dội. Nó ngã khỏi mặt ghế xuống lòng xuồng, kéo theo
con linh cẩu. Tôi nghe thấy chúng, nhưng không còn thấy gì nữa.
Đến lượt tôi rồi. Điều đó thật rõ ràng. Tôi cố gắng đứng
lên. Nước mắt giàn giụa làm tôi chẳng nhìn thấy gì rõ ràng. Tôi không còn khóc
vì gia đình hoặc cái chết đang chờ đợi mình nữa. Tôi đã quá đờ đẫn để xem xét
những cái đó. Tôi khóc vì đã quá mệt mỏi và đã đến lúc phải được yên nghỉ. Tôi
đi lên tấm bạt. Mặc dù nó được buộc rất căng, tấm bạt vẫn hơi chùng xuống ở
quãng giữa, và phải mất ba bốn bước loạng choạng gắng sức tôi mới đến được đó.
Và tôi phải đến, trèo qua chỗ cái lưới cùng đoạn bạt đã quấn lên. Và phải làm
được việc này trên cái xuồng lắc lư bệp bềnh liên tục. Trong hoàn cảnh của tôi
lúc ấy, mấy bước đó là cả một quãng đường leo trèo hiểm trở. Khi tôi đặt được
chân kia lên ghế và tận hưởng cảm giác vững chãi ấy. Tôi thấy chóng mặt, nhưng
vì giây phút trọng đại ấy đã đến, cái chóng mặt ấy chỉ làm tăng thêm cảm giác
thăng hoa hãi hùng trong lòng tôi. Tôi đưa hai tay lên ngang ngực, vũ khí duy
nhất của tôi để chống lại con linh cẩu. Nó ngước nhìn tôi. Mõm nó đỏ loét. Nước
Cam nằm cạnh nó, sát với xác con ngựa vằn, hai tay dang rộng, hai chân ngắn
ngủn gập lại với nhau và hơi quay về một bên. Trông nó như một đấng Christ của
loài nhân hầu trên thập giá. Chỉ trừ cái đầu. Nó đã mất đầu. Cái cổ đẫm máu.
Cảnh tượng thật khủng khiếp trong mắt ta và giết chết linh hồn ta. Ngay trước
lúc lao mình vào con linh cẩu, để thu hút sức lực cho trận quyết tử, tôi đưa
mắt nhìn xuống.
Tôi nhìn thấy ngay giữa hai chân tôi, dưới gầm ghế, cái đầu
của Richard Parker. Cái đầu khổng lồ. To như sao Thổ trong cảm giác ngây dại
của tôi lúc ấy. Hai bàn chân đầy móng vuốt của nó thì to như các tập bách khoa
toàn thư Britanica.
Tôi tìm đường về chỗ mũi xuồng và gục xuống đó.
Suốt đêm tôi như trong trạng thái mất trí. Lúc nào tôi cũng
tưởng là mình vừa ngủ và tỉnh dậy chỉ vì nằm mơ thấy một con hổ.
Chương 48
Richard Parker được đặt tên như vậy là do một nhầm lẫn về
thủ tục giấy tờ. Một con báo đen lúc ấy đang hoành hành trong huyện Khulna ở Banladesh, ngay
bên ngoài địa phận Sundarbans. Nó vừa bắt đi một bé con. Người ta chỉ tìm thấy
một bàn tay nhỏ xíu của bé con vẫn còn dấu son trong lòng với vài cái hạt cườm
bằng nhựa. Bé con là người thứ bảy bị ăn thịt trong vòng hai tháng. Và con thú
ngày một liều lĩnh hơn. Nạn nhân trước đó là một người đàn ông đã bị nó tấn
công ngay giữa ban ngày ngoài cánh đồng. Con thú tha ông ta vào rừng ăn gần hết
cái đầu, gần hết thịt bên chân phải, và toàn bộ ruột gan. Xác ông ta treo trên
một chạc cây. Dân làng đã rình suốt đêm ở gần đó, hy vọng làm cho con báo bị
bất ngờ và giết nó, nhưng nó không xuất hiện. Bộ Lâm nghiệp thuê một tay súng
săn chuyên nghiệp. Anh ta dựng một cái sàn nhỏ để nấp rình trên một cái cây gần
sông, nơi đã xảy ra hai vụ tấn công của con báo, và buộc một con dê vào một cái
cọc cắm ở bờ sông. Người thợ săn rình trong nhiều đêm. Anh ta cho rằng con báo
chỉ là một con thú đực già nua với hàm răng đã mòn, không còn khả năng bắt con
mồi nào khó hơn là người. Nhưng anh ta gặp phải một con hổ khỏe, nhanh nhẹn.
Một con hổ cái với một đứa con duy nhất. Con dê kêu be be. Lạ một điều là con
hổ con, chỉ chừng ba tháng tuổi, chẳng để ý gì đến con dê. Nó chạy ù ra mép
nước và uống lấy uống để. Mẹ nó theo sau. Đói và khát thì bao giờ khát cũng cấp
bách hơn. Chỉ sau khi đã khát, con hổ mới quay sang con dê. Tay
thợ săn có hai khẩu súng trường: Một lắp đạn thật, một lắp phi tiêu có thuốc
gây liệt. Con hổ không phải là thủ phạm các vụ ăn thịt người, nhưng nó ở gần
nơi cư trú của người quá và có thể sẽ đe dọa tính mạng của dân làng, nhất là vì
nó có con nhỏ. Tay săn nhặt khẩu súng phi tiêu
của mình lên. Anh ta kéo cò khi con hổ sắp vồ con dê. Con hổ dựng người lên,
gầm gừ bỏ chạy. Phi tiêu gây liệt không có tác dụng êm ái như một tách nước
trà, chúng nốc ao nạn nhân như một kiểu dốc một hơi cạn chai rượu mạnh. Con hổ
lồng lộn cuống cuồng bỏ chạy. Tay săn dùng bộ
đàm gọi phụ tá. Họ tìm thấy con hổ cách bờ sông chừng hai trăm thước. Nó vẫn
còn tỉnh và hai chân sau đã liệt và không thể đứng vững trên hai chân trước
được nữa. Nó không thể chạy khi hai thợ săn đến gần. Nó quay lại và giương móng
lên, nhưng chỉ tổ mất thăng bằng và ngã xuống tại chỗ. Thế là vườn thú Pondicherry có thêm hai
con hổ mới. Con hổ con bị tóm ngay gần đó, đang meo meo sợ hãi. Người thợ săn
có tên là Richard Parker, hai tay bế nó lên rồi nhớ lại cảnh nó chạy ù ra mép
nước uống lấy uống để, liền đặt tên nó là Khát. Nhưng viên thư ký ở nhà ga tàu
hỏa Howrah lại
là một tay vừa cẩn thận vừa lẫn lộn. Anh ta làm tất cả giấy tờ chuyên chở hai
mẹ con con hổ, chỗ nào cũng ghi rõ tên con hổ con là Richard Parker, còn người
thợ săn bắt được nó thì có tên là Khát, và họ là Không Ghi Rõ. Cha tôi đã chặc
lưỡi vui vẻ khi thấy sự nhầm lẫn này và thế là con hổ mang tên Richard Parker
suốt đời.
Tôi không biết sau này anh chàng Khát Không Ghi Rõ có săn
được con báo đen ăn thịt người hay không.
Chương 49
Nó sâu hơn một thước, rộng hơn hai thước rưỡi và dài tám
thước, chính xác. Tôi biết vì các kích thước đó được in bằng chữ màu đen trên
một cái ghế bên sườn.
Còn in rõ là chiếc xuồng được thiết kế chở tối đa đến ba
mươi hai người. Liệu chung xuồng với từng ấy người có vui thú không đây? Chúng
tôi mới chỉ có ba mà đã chật đến thế. Cái xuồng có hình đối xứng, hai đầu đều
tròn tròn khó phân biệt đầu đuôi. Nhận ra đằng đuôi vì có một cái bánh lái lắp
cố định ở đó, chỉ như cái sống xuồng chạy nhô ra một tí. Còn đằng mũi thì,
ngoài tôi ra, có một đoạn kéo dài thêm và kết thúc bằng một cái mũi có hình
dáng buồn rầu, tẹt gí nhất trong lịch sử đóng tàu. Vỏ xuồng bằng nhôm đầy đinh
tán và sơn màu trắng.
Đó là bên ngoài. Bên trong, nó không rộng như người ta tưởng
vì có các hàng ghế hai bên các thùng phao. Ghế bên chạy dọc suốt chiều dài
xuồng, nối với nhau ở hai đầu thành các đoạn ghế mũi và đuôi có hình gần như
tam giác. Các mặt ghế này chính là mặt chính của các thùng phao gắn kín. Ghế
chạy hai bên rộng chừng bốn mươi lăm phân, còn ở hai đầu thì quãng chín mươi
phân. Vì vậy, khoảng trống lộ thiên của xuồng chỉ dài hơn sáu thước và rộng
khoảng thước rưỡi. Nó tạo lên một lãnh thổ chừng mưới thước vuông cho Richard
Parker. Bắc ngang qua cái không gian đó là ba chiếc ghế dài nữa, kể cả cái đã
bị con ngựa vằn đè gãy. Cái ghế ngang này rộng sáu mươi phân và cách đều nhau.
Mặt ghế cách sàn xuồng sáu mươi phân. Nếu Richard Parker nằm dưới gầm ghế, nó
chỉ có khoảng sáu mươi phân đó để xoay sở. Bên dưới tấm bạt thì nó có thêm
khoảng ba mươi phân nữa, là khoảng cách giữa mui xuồng phủ bạt và mặt ghế, và
như vậy có cả thẩy độ một thước không gian, may ra vừa vặn cho nó có thể đứng lên.
Sàn xuồng phẳng phiu, lát các thanh gỗ hẹp có thể xử lý chống nước, và mặt bên
các thùng phao thì vuông góc với sàn. Vì vậy, cái xuồng tròn tròn ở cả hai bên
sườn và hai đầu, nhưng bên trong thì lại là một khối vuông hình chữ nhật, trông
cũng là lạ.
Có vẻ như màu da cam – một màu hindu tốt lành – là màu của
cuộc sống vì toàn bộ bên trong xuồng, tấm bạt và các áo phao, cái phao, mái
chèo và hầu hết các thứ trên xuồng đều màu da cam cả. Cả cái còi bằng nhựa
không có bi cũng thế.
Hai bên mũi xuồng có kẻ chữ Tsimtsum và Panama , chữ hoa
kiểu La Mã đen nhánh và trần trụi.
Tấm bạt là loại vải bố cục rất chắc có phủ nhựa chống thấm,
chạm phải một lúc là ráp da. Nó được cuộn lại vừa qua khỏi cái ghế ngang giữa
xuồng. Cho nên một cái ghế ngang thì vẫn được phủ dưới tấm bạt, trong chỗ ẩn
nấp của Richard Parker; cái ghế ngang giữa thì lộ thiên nhưng ngay sát mép bạt;
còn cái thứ ba thì gẫy gục dưới con ngựa vằn đã chết.
Có sáu cái lõng đóng mái chèo, là những lỗ khoét hình chữ U
trên mép xuồng, và năm mái chèo, vì tôi đã để rơi một cái khi cố đẩy Richard
Parker ra khỏi xuồng.
Ba cái chèo nằm trên một cái ghế bên, một cái nữa trên cái
ghế đối diện, và một cái đang là cái mũi xuồng cứu nạn của tôi. Tôi không tin
là có thể dùng chúng để chèo xuồng đi được. Cái xuồng này không phải là xuồng
đua. Nó là một cấu trúc nặng và chắc nịch được thiết kế để nổi cho vững chứ
không phải để vi hành. Giả dụ có ba mươi người cùng chèo thì may ra còn đi được
chút đỉnh.
Tôi không thấy hết các chi tiết đó - và nhiều thứ nữa - ngay
lập tức như vừa kể. Tôi đã thấy chúng dần dần, cần cái gì thì lại phát hiện
thêm ra cái nấy. Cứ khi tôi rơi vào tình trạng thật khó khăn, không thấy tương
lai đâu nữa, thì một cái gì đó, nhỏ thôi, lại hiện ra trong óc tôi dưới một ánh
sáng mới mẻ. Nó không còn là thứ nhỏ bé ấy nữa, mà là một thứ quan trọng nhất
trên thế giới sẽ cứu sống tôi. Điều đó lặp lại nhiều lần. Quả thực người ta bảo
cái khó ló cái khôn, quả thực là vậy.
Chương 50
Nhưng lần đầu tiên quan sát kĩ cái xuồng thì tôi chưa nhìn
ra chi tiết mình cần cả. Mặt ghế chạy liên tục từ đuôi sang hai bên xuồng, cũng
như cái vách đứng của các thùng phao. Mặt sàn nằm phẳng phiu sát đáy xuồng;
không thể có khoang giấu đồ bên dưới, chắc hẳn không có một hộc tủ, một cái
thùng hay bất kỳ thứ gì đựng đồ ở chỗ nào trên xuồng. Chỉ thấy các bề mặt nhẵn
thín liền nhau mầu da cam.
Tôi đâm ra nghi ngờ khả năng của các thuyền trưởng và đám
nhà thầu. Hy vọng sống sót của tôi lụi dần. Chỉ có cơn khát là y nguyên.
Nhưng biết đâu đồ dự trữ họ để ở mũi xuồng, bên dưới tấm bạt
thì sao? Tôi quay người bò trở lại, cảm thấy mình là một con thằn lằn đang chết
khô. Tôi dúi mạnh tấm bạt. Nó rất căng. Nếu cuộn được nó lên, tôi sẽ với được
đồ dự trữ có thể cất ở phía dưới. Nhưng có nghĩa là sẽ tạo ra một cái cửa xuống
sào huyệt của Richchard Parker.
Thây kệ. Cơn khát thúc giục tôi. Tôi rút nhẹ cái chèo ra
khỏi bên dưới tấm bạt. Tôi quàng cái phao vào người. Tôi đặt cái chèo nằm ngang
trên mũi xuồng. Tôi tì lên mui xuồng và dùng ngón tay cái cố ấn cho cái dây
chằng bạt tuột ra khỏi một cái móc. Thật khó khăn. Nhưng sau cái móc đầu, cái
thứ hai đã dễ dàng hơn và cái thứ ba còn dễ nữa. Tôi làm như vậy ở phía bên kia
mũi xuồng. Tấm bạt chùng xuống dưới khuỷu tay tôi. Tôi nằm bẹp ở trên, hai chân
chĩa về phía đuôi xuồng.
Tôi cuốn tấm bạt lên một chút. Ngay lập tức được đền bù công
sức đã bỏ ra. Cũng như đằng đuôi, mũi xuồng cũng có ghế. Và trên mặt ghế, chỉ
cách mũi xuồng độ dăm bảy phân, là một cái chốt cửa sáng óng ánh như kim cương.
Nhìn rõ đường viền của một cái nắp đậy. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Tôi
cuốn tấm bạt thêm một chút nữa. Tôi ghé xuống nhìn. Cái nắp hình chữ nhật có
bốn cạnh lượn tròn, rộng chín mươi phân và sâu tám mươi phân. Đúng lúc đó tôi
nhận ra một khối to màu da cam. Tôi thụt ngay đầu lên trên. Nhưng cái đám da
cam ấy không động đậy, và trông nó không ra sao. Tôi lại thò đầu xuống. Không
phải đó là con hổ mà là một cái áo phao cấp cứu. Có một lô áo phao ở sau sào huyệt của Richard
Par ker.
Một cơn ớn lạnh chạy khắp người tôi. Giữa các áo phao đó,
như thế giữa một đám lá cây, tôi nhìn thấy rõ ràng lần đầu tiên hình ảnh thấp
thoáng của Richard Parker.
Tôi thấy rõ hai cái vai nhô lên và một phần lưng của nó. Vằn
vện nổi bật và kềnh càng trước mắt. Nó nằm sấp, quay mặt về phía đuôi xuồng. Nó
nắm im, chỉ thấy hai bên sườn phập phồng theo nhịp thở. Tôi hấp háy mắt, không
thể tin rằng nó gần tôi đến thế. Nó ngay kia, dưới tôi chỉ năm sáu mươi phân.
Tôi có thể với tay cấu đít nó được. Giữa chúng tôi chỉ là một tấm bạt mỏng.
“Thượng đế hãy thương lấy con!”. Không có lời nguyện nào lại thống thiết mà nhỏ nhẹ như vậy
trong hơi thở của tôi. Tôi nằm bất động tuyệt đối.
Tôi phải có nước uống. Tôi đưa tay xuống và lẳng lặng gỡ cái
chốt. Tôi kéo cái nắp lên. Thì là một cái tủ hẳn hoi.
Tôi đã nhắc đến chuyện nhận ra những chi tiết cứu mạng. Đây
là một: bản lề của cái nắp tủ chỉ cách mép ghế vài phân – có nghĩa là khi mở
lên, nó sẽ thành một cái vách ngăn kín hết khoảng trống ba chục phân giữa mặt
ghế và mui xuồng che bạt, chắn giữa tôi với đống áo phao rồi đến chỗ Richard Parker.
Tôi mở cái nắp lên cho đến khi nó dựa được vào cái chèo bắc ngang mui và mép
bạt. Tôi chuyển mình lên trên sống mũi xuồng, quay mặt vào trong, một chân đặt
lên mép cái tủ đã mở nắp, chân kia lên cái nắp đã mở. Nếu Richard Parker định tấn công tôi từ phía
dưới, nó sẽ phải đẩy cái nắp. Tôi sẽ biết ngay và đủ thời gian rút lên và nhào
ngửa người xuống biển với cái phao. Nếu nó đi đường khác, trèo lên trên tấm bạt
từ phía đuôi xuồng, tôi sẽ nhìn thấy nó ngay từ sớm và cũng kịp nhào xuống
biển. Tôi nhìn quanh xuồng. Không thấy có cá mập.
Tôi ngó xuống giữa hai chân. Tôi tưởng mình sẽ ngất đi vì
sung sướng. Cái tủ lấp lánh toàn những thứ mới tinh, bóng nhoáng. Chao ôi, niềm
khoái lạc của sản phẩm công nghiệp, những vật dụng do chính con người làm ra,
những sáng tạo phẩm! Cái giây phút phát ngộ vật chất ấy đem lại một khoái cảm
mãnh liệt - một trộn lộn chóng mặt của hy vọng, ngạc nhiên, ngỡ ngàng, ngây
ngất, và lòng biết ơn, tất cả nghiền vào một món quà - hay hơn bất kì món quà
nào khác mà cả đời tôi đã được nhận trong các dịp giáng sinh, sinh nhật, cưới
xin, và các kì lễ lạt khác. Tôi thực sự hoa mắt chóng mặt vì hạnh phúc.
Mắt tôi lập tức nhìn
thấy cái đang tìm. Cho dù đóng chai, đóng hộp kim loại hay hộp giấy, bao bì nước uống không có
thể nhầm lẫn được. Trên cái xuồng cứu nạn ấy, món rượu vang của sự sống được
cung phụng trong các hộp kim loại mầu vàng nhạt nắm vừa khít tay. Nhãn hiệu
bằng chữ đen đề rõ Nước uống. Tên công ty sản xuất: HP Foods Ltd. 500 mili lít
một hộp. Có hàng dãy hộp như thế. Nhiều quá không thể liếc một cái mà đếm hết
ngay được.
Tôi dừng lại. Mở nó thế nào đây?
Tôi có một cái hộp - chắc tôi phải mở được nó chứ? Tôi nhìn
vào tủ. Có biết bao nhiêu là thứ. Tôi lục lọi. Tôi mất bình tĩnh. Kì vọng lắm
tất thất vọng nhiều. Tôi phải uống ngay bây giờ, nếu không tôi sẽ chết. Tôi
không thể tìm thấy cái dụng cụ mình muốn. Nhưng không thể mất thời giờ buồn
bực. Cần phải hành động. Dùng móng tay được chăng? Tôi thử. Không thể được.
Dùng răng chăng? Thử cũng vô ích thôi. Tôi nhìn lên mép xuồng. Những cái móc
bao bạt. Ngắn, cùn, chắc chắn.
Tôi quì lên mặt ghế và nghiêng người ra ngoài. Giữ cái hộp
bằng cả hai tay, tôi thúc mạnh nó vào một cái móc. Một vết lõm kha khá. Tôi
thúc cái nữa. Thêm một vết lõm nữa. Cứ thế tôi làm thủng cái hộp. Một hạt châu
nước xuất hiện. Tôi liếm nó luôn. Tôi quay cái hộp và thúc đầu kia lên móc. Tôi
thúc như quỉ. Tôi đục được một cái lỗ to hơn. Tôi ngồi lại xuống mũi xuồng. Tôi
giơ cái hộp lên trên mặt. Tôi há miệng. Tôi nghiêng hộp.
Có thể tưởng tượng ra những cảm giác của tôi lúc đó, nhưng
khó có thể mô tả chúng. Theo nhịp ừng ực của cổ họng tham lam, dòng nước tinh
khiết, ngon lành, đẹp đẽ và trong vắt như pha lê chảy vào cơ thể tôi. Nước của
sự sống, đúng thế. Tôi dốc cạn cái chén vàng ấy cho đến giọt cuối cùng, mút mát
cái lỗ thủng cho thật hết cả những ẩm ướt còn lại. Tôi thốt lên “Aaaaaaaa!”,
ném cái hộp xuống biển và lấy một hộp nữa. Tôi mở nó cũng như cái hộp kia và
nốc cạn nó cũng nhanh chẳng kém. Rồi lại quẳng nó xuống biển và mở một hộp khác.
Cũng lại nhanh chóng bị ném xuống biển. Rồi lại thêm một hộp nữa. Tôi uống hết
bốn hộp, hai lít thuốc trường sinh tuyệt vời nhất, rồi mới chịu thôi. Người ta
sẽ nghĩ uống vội vàng sau khi đã chịu khát kéo dài như thế có thể sẽ làm đảo lộn cơ thể. Nhảm nhí cả! Tôi chưa bao giờ
thấy dễ chịu như vậy. Cứ sờ lông mày tôi thì thấy! Trán tôi ướt đẫm những giọt
mồ hôi tươi mới, sạch sẽ và mát lạnh. Mọi thứ trong tôi, đến tận các lỗ chân
lông, đều biểu lộ vui mừng.
Cảm giác khỏe khoắn nhanh chóng đến với tôi. Mồm miệng tôi
ẩm và mềm mại.
Quên sạch cả cái cổ họng. Da cũng mềm đi, các khớp cử động
dễ dàng. Tim tôi bắt đầu đập như một cái trống vui mừng và máu bắt đầu chảy qua
huyết mạch như đoàn xe đám cưới inh ỏi bóp còi chạy qua các thành phố. Sức lực
và phản xạ nhanh nhạy trở lại trong cơ bắp tôi. Đầu óc tôi sáng suốt hẳn ra.
Quả thực, tôi vừa từ cõi chết trở về. Vinh hiển thay! Để tôi nói bạn nghe, say
rượu là một điều xấu hổ, nhưng say nước là một niềm si cuồng đáng quí. Trong
nhiều phút đồng hồ, tôi đắm mình tận hưởng đến cùng.
Rồi tôi cảm thấy một cái gì đó trống rỗng. Tôi sờ bụng. Một
cái hõm sâu cứng nhắc. Có cái gì ăn thì tốt. Một đĩa chả chay mềm có rưới nước
sốt dừa! Một đĩa cary
rau đậu! Ôi chao! Tôi đưa cả hai tay lên miệng – hoặc giá được một đĩa bánh bột
lọc mẹ vẫn làm! Nghĩ đến đó, hai hàm răng tôi bỗng đau lên và nước bọt ứa ra
xối xả. Bàn tay phải tôi bắt đầu xoay xoay. Nó cứ thế bốc những miếng bánh tròn
bèn bẹt làm bằng bột lọc trong trí tưởng tượng. Nó để các ngón tay tha hồ bấm
sâu vào làn bột mềm nóng hổi… Nó nắn, vê một cái bánh thấm đẫm nước sốt… Nó đưa
cái bánh ấy lên miệng… Tôi nhai… Ôi chao, thật đau đớn mà cũng thật tuyệt diệu.
Tôi sục vào cái tủ. Tôi tìm thấy nhiều hộp giấy đựng các
suất đồ ăn cấp cứu tiêu chuẩn của hãng Seven Seas, làm tận Bergen, Na Uy. Mỗi
suất đề là có thể bù cho chín bữa chưa được ăn gì, từng gói nửa ký, chắc nịch,
đóng gói chân không trong giấy nhựa mầu bạc có in chi chit các hướng dẫn sử
dụng bằng mười hai thứ tiếng.
Bằng tiếng Anh, hướng dẫn nói suất ăn này có mười tám cái
bánh quy làm bằng bột mì nướng, mỡ động vật và đường glucô, không được ăn quá
sáu cái trong vòng hai mươi bốn giờ. Khổ nhất là nó có cả mỡ động vật. Nhưng
trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, cái phần chay tịnh trong con người tôi chỉ có
cách bịt mũi mà ăn đại đi thôi.
Trên gói có chỗ đề: Bóc ở chỗ này để mở, với một cái mũi tên
đen chỉ vào mép nhựa. Tôi xé toạc chỗ đó ra. Chín cái gói vuông vắn bọc giấy nến
rơi ra. Nó tự động tách làm đôi. Hai cái bánh quy gần như vuông vắn, màu nhạt,
mùi thơm. Tôi cắn một cái. Lạy Chúa tôi, ai mà biết được. Tôi không tưởng tượng
nổi. Tôi vừa khám phá một bí mật: đồ ăn Na Uy là ngon nhất thế giới! Những cái
bánh quy ấy ngon một cách kỳ lạ lùng. Chúng vừa đậm đà thơm ngon vừa tinh tế,
không ngọt quá cũng không mặn quá. Chúng vỡ ra giữa hai hàm răng với một tiếng
động giòn tan. Trộn với nước bọt, chúng thành một thứ bột bánh vẫn còn độ rất
vừa vặn. Và khi tôi nuốt, bụng tôi chỉ còn biết reo lên một chữ: Hallelujuah!
(1)
Cả hộp hết veo trong vòng vài phút, giấy gói tơi tả bay theo
gió. Tôi định mở một hộp nữa, nhưng lại thôi. Kiềm chế một chút bao giờ cũng
tốt. Hơn nữa, với nửa ký thức ăn cấp cứu trong bụng, tôi thấy no thực sự.
Tôi quyết định phải biết rõ có những thứ gì trong cái hòm
châu báu của mình. Đó là một cái tủ to, trong lòng rộng hơn phạm vi cái nắp
nhiều, vào hẳn đến vỏ xuồng và lan ra đến quá vị trí của hai cái ghế bên một
chút. Tôi thò cả hai chân xuống lòng tủ và ngồi trên mép nó, lưng dựa vào cái
sống nhô ra của mũi xuồng. Tôi đếm các hộp Seven Seas. Tôi đã ăn mất một, vẫn
còn ba mươi hộp nữa. Theo như hướng dẫn, mỗi hộp 500 gram là đủ dinh dưỡng cho
một người sống được ba ngày. Có nghĩa là tôi có đủ thức ăn dự trữ để sống trong
31 nhân 3 là chín mươi ba ngày! Hướng dẫn cũng khuyên chỉ nên uống nửa lít nước
một ngày. Tôi đếm các hộp nước. Có một trăm hai mươi tư hộp. Mỗi hộp nửa lít.
Vậy là tôi có đủ nước uống trong một trăm hai mươi tư ngày. Chưa bao giờ những
phép tính số học đơn giản lại đem đến cho tôi một niềm hỉ hả như vậy.
Còn những gì nữa nào? Tôi hăm hở khoắng tủ và mang ra hết
thứ này đến thứ khác, cái gì cũng kì diệu cả. Tôi thêm bạn đồng hành và cảm
giác được an ủi đến xót xa và mỗi khi chăm chú nâng một món đồ ấy trên tay,
chúng không còn là hàng hóa được sản xuất hàng loạt nữa mà trở thành một cái gì
đó thật đặc biệt và chỉ cho riêng tôi. Tôi lẩm bẩm luôn mồm: “Cám ơn! Cám ơn!
Cám ơn!”.
-------------
Chú thích:
(1) Hallelujuah: Câu ngợi ca Chúa của người Cơ đốc giáo ( ND
)
Chương 51
Sau khi đã điều tra kỹ lưỡng, tôi làm một danh mục đầy đủ:
* 192 viên thuốc chống say
* 124 hộp nước uống bằng thiếc, mỗi hộp 500 mili – lít, vị
tri là 62 lít tất cả.
* 32 túi nôn bằng nylon
* 31 hộp thức ăn cấp cứu, mỗi hộp 500 gram, tất cả 15 ký
rưỡi
* 16 cái chăn len
* 12 cái cất nước dùng ánh nắng mặt trời
* Một chục cái áo phao cấp cứu màu da cam buộc ở áo
* 6 ống tiêm chứa morphine
* 6 quả pháo sáng cầm tay
* 5 mái chèo không chìm
* 4 quả pháo sáng thăng thiên có dù
* 3 túi nilon trong suốt rất chắc, mỗi cái có dung tích
khoảng 50 lít
* 3 cái mở hộp
* 3 cái cốc có thang vạch dung tích và miệng rót để đong
nước uống
* 2 hộp diêm cháy được trong nước
* 2 thùng bằng nhựa cỡ trung bình màu da cam
* 2 cái gáo múc nước bằng nhựa không chìm màu da cam
* 2 thùng chứa đa năng bằng nhựa có nắp kín khí
* 2 miếng bọt biển hình chữ nhật mầu vàng
* 2 cuộn dây sợi tổng hợp không chìm, mỗi cuộn 50 mét
* 2 cuộn dây tổng hợp không nổi được trong nước, không thấy
đề dài bao nhiêu nhưng có lẽ mỗi cuộn khoảng 30 mét
* 2 bộ đồ câu cá với đủ các loại lưỡi câu, dây và hạt chì
* 2 cái lao móc cá có lưỡi kiểu dây thép gai rất sắc
* 2 cái neo biển
* 2 cái hứng nước mưa
* 2 cái bút bi mực đen
* 1 cái lưới đựng đồ bằng nylon
* 1 cái phao cứu nạn đặc, đường kính trong 40 phân và đường
kính ngoài 80 phân, có dây nối liền.
* 1 con dao săn lớn có cán liền, lưỡi nhọn, một cạnh sắc và
một cạnh răng cưa, có dây buộc vào một cái vòng sắt trong tủ
* 1 bộ đồ khâu với kim khâu thẳng và cong cùng với chỉ trắng
rất chắc
* 1 bộ đồ cấp cứu đựng trong hộp nhựa kín nước
* 1 cái gương dùng để ra tín hiệu
* 1 gói thuốc lá Trung Quốc có đầu lọc
* 1 thỏi sôcôla to
* 1 cuốn cẩm nang cho người gặp nạn đắm tàu
* 1 cái la bàn
* 1 cuốn vở ghi chép với các trang giấy có chín mươi tám
dòng kẻ
* 1 thằng bé còn một bộ quần áo mỏng trên người nhưng đã mất
một chiếc giầy
* 1 con linh cẩu lông chấm
* 1 con hổ Bengal
* 1 cái xuồng cứu nạn
* 1 Thượng đế
Tôi ăn một phần tư thỏi sôcôla to. Tôi xem xét kỹ một cái
hứng nước mưa. Đó là một thứ dụng cụ trông giống một cái ô lật ngược, gồm một
túi hứng nước rộng nối với một cái ống cao su.
Tôi khoanh tay trên cái phao choàng khít quanh người, gục
đầu xuống và ngủ say sưa.
Chương 52
Tôi ngủ suốt sáng. Rồi tôi thức dậy vì lo lắng. Đồ ăn, nước
uống và nghỉ ngơi đã như một ngọn triều dâng lên trong cơ thể đang suy yếu đi
của tôi, mang cho tôi một sức sống mới, nhưng đồng thời cũng làm cho tôi đủ
tỉnh táo để nhận ra tình trạng tuyệt vọng của mình. Tôi tỉnh dậy để nhớ ra
Richard Parker. Có một con hổ trên xuồng. Không muốn, nhưng phải tin đó là sự
thật. Và tôi phải cứu mạng mình như thế nào đây.
Có thể nhảy xuống biển và bơi đi, nhưng cơ thể tôi không
chịu nhúc nhích. Tôi đang cách đất liền hàng trăm dặm, có khi hàng nghìn dặm
cũng nên. Tôi không thể bơi xa như vậy, có phao cũng thế thôi. Rồi ăn gì, uống
gì? Làm sao ngăn cá mập? Làm sao cho khỏi rét mướt? Mà biết bơi theo hướng nào?
Không thể nghi ngờ một tí gì nữa: Rời khỏi xuồng có nghĩa là chết. Nhưng ở lại
xuồng thì sao? Nó sẽ mò sang tôi như một con mèo điển hình, không một tiếng
động. Chưa kịp biết thì nó đã ngoạm chặt lấy gáy hoặc cổ họng và tôi sẽ bị
xuyên thủng với những lỗ răng nanh. Tôi sẽ không kịp nói gì hết. Dòng sinh
huyết sẽ rời bỏ thân thể tôi không một lần trăng trối. Hoặc giả nó sẽ dùng móng
vuốt ấy để quật chết tôi, bẻ gẫy cổ tôi.
“Ta chết mất thôi”. Tôi lắp bắp, môi run bắn.
Biết mình sắp chết đã đủ khủng khiếp rồi. Nhưng khủng khiếp
hơn là biết mình sắp chết mà lại còn thời gian để thấy rõ những hạnh phúc mình
đã có và có thể đã có. Ta thấy tất cả những gì mà ta đang mất, rõ mồn một.
Những hình ảnh đó dìm ta vào một nỗi đau đớn mà không có một cỗ xe nào sắp đâm
chết ta hoặc một làn nước nào sắp dìm chết ta có thể so sành được. Cái cảm giác
ấy thật sự không thể chịu nổi. Những từ Cha, Mẹ, Ravi, Ấn Độ, Winnipeg đâm vào tôi buốt nhói đến xé lòng.
Tôi đang định đầu hàng. Và chắc chắn đã đầu hàng rồi, nếu
không có một tiếng nói bỗng vọng lên trong đầu tôi. Tiếng ấy nói: “Ta sẽ không
chết. Ta không chấp nhận cái chết. Ta sẽ qua được cơn ác mộng này. Ta sẽ chiến
thắng mọi rủi ro, cho dù chúng lớn đến mấy. Ta đã sống được cho đến bây giờ,
một cách thần kỳ. Ta sẽ biến điều thần kỳ ấy thành lệ thường. Điều không thể
tin được sẽ đến với ta hàng ngày. Ta sẽ làm tất cả những gì cần thiết. Đúng
vậy, chừng nào Thượng Đế còn ở bên ta, ta sẽ không chết. Amen.”
Tôi làm mặt nghiêm nghị và cương quyết. Tôi không dám nói
ngoa, nhưng quả thực vào lúc đó tôi mới phát hiện ra rằng mình có một ý chí
sống thật mãnh liệt.
Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy đó không phải là một
điều hiển nhiên. Có nhiều người trong số chúng ta chịu bỏ cuộc chỉ với một
tiếng thở dài. Những người khác đã chiến đấu chút đỉnh, rồi mất hy vọng. Nhưng
một số khác nữa, trong đó có tôi, thì không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi chiến
đấu, chiến đấu và chiến đấu. Chúng tôi chiến đấu bất kể giá nào, bất kể những
gì thất bại phải chịu, bất kể sự bất khả chiến thắng. Chúng tôi chiến đấu đến
tận cùng. Đó không phải là vấn đề can đảm. Nó là một cái gì đó thuộc về bản
chất, một tình trạng không có khả năng đầu hàng. Có thể cũng chỉ là sự ngu ngốc
của lòng ham sống mà thôi.
Richard Parker bắt đầu gầm gừ vào đúng thời điểm tôi nghĩ
đến cái đó, cứ như thể nó đã đợi cho đến lúc thấy tôi đã thành một đối thủ xứng
đáng. Tôi thắt ngực lại vì sợ.
“Mau lên, nào, chóng lên”, tôi thì thào trong bụng. Tôi phải
thu xếp việc sống còn của mình.
Không thể phí một giây. Tôi cần nơi ẩn náu và cần ngay lập
tức. Tôi nghĩ đến cái mái chèo mà tôi đã cắm vào mũi xuồng. Nhưng bây giờ tấm
bạt đã cuộn lên ở đó, chẳng có gì giữ được mái chèo nữa. Hơn nữa, làm sao có thể
an toàn bằng cách treo người trên một cái mái chèo như vậy được? Richard Parker
sẽ dễ dàng tóm được tôi. Phải tìm cách khác. Đầu óc tôi quay như chong chóng.
Phải làm một cái bè. Những cái chèo, nếu ta còn nhớ, không
bị chìm. Và tôi còn đống áo phao với một cái phao cứu nạn chắc nịch.
Cố thở thật nhẹ, tôi đóng cái tủ, với xuống bên dưới tấm bạt
để nhặt những cái chèo ở trên hai cái ghế bên xuồng. Richard Parker để ý. Tôi
nhìn thấy nó qua các khe hở ở tấm áo phao. Khi tôi rút từng cái chèo lên - cẩn
thận vô cùng, nó có phản ứng động đậy đôi chút, nhưng không quay người lại. Tôi
lấy lên được ba cái chèo. Cái thứ tư đã nằm ngang trên tấm bạt. Tôi nhấc cái
nắp đậy để chặn khoảng hở thông sang chỗ nằm của Richard Parker.
Tôi đã có bốn cái phao không chìm. Tôi xếp chúng trên tấm
bạt, xung quanh cái phao tròn, làm thành một hình vuông. Cái bè của tôi giống
như một ô cờ caroo với một chữ O vừa mới vẽ cho nước cờ đầu tiên.
Phần nguy hiểm bắt đầu. Tôi phải lấy được các tấm áo phao.
Tiếng gầm gừ của Richard Parker lúc ấy đã thành một âm thanh trầm và rền, rung
cả không khí. Con linh cẩu đáp lại bằng một tiếng ư ử the thé và run rẩy. Chắc
chắn sắp có chuyện.
Tôi không có lựa chọn nào khác. Phải hành động thôi. Tôi lại
hạ thấp nắp xuống.
Đống áo phao nằm trong tầm tay với của tôi. Một số chúng
chạm hẳn vào người Richard Parker. Con linh cẩu đột nhiên kêu thét lên.
Tôi với đến cái áo gần nhất. Khó khăn mới túm được nó vì tay
tôi run bắn. Tôi kéo cái áo đó ra. Có vẻ Richard Parker không chú ý gì. Tôi kéo
một cái áo nữa. Một cái nữa. Tôi gần muốn ngất vì sợ. Rất khó thở. Tôi tự nhủ,
nếu cần thì mình có thể nhảy xuống biển với đống áo phao. Tôi lại kéo ra được
một cái nữa. Thế là có bốn cái tất cả.
Tôi luồn các mái chèo qua các lỗ tay của từng cái áo phao ở
bốn góc phà, buộc chắc chúng lại với nhau, rồi giật dây bơm căng chúng lên. Tôi
lấy một cuộn dây không chìm, dùng dao cắt thành bốn đoạn, rồi buộc thật chặt
những đoạn hai mái chèo gác vào nhau. Nhờ trời, tôi đã được học và tập buộc các
loại nút rất chu đáo.
Tôi thắt mười nút trên một góc bè mà vẫn còn lo các mái chèo
có thể sẽ bị lỏng và rời nhau ra. Tôi làm như lên cơn sốt, luôn mình tự rủa
mình ngu ngốc. Một con hổ trên xuồng mà tôi lại đợi ba ngày ba đêm rồi mới tính
chuyện tự vệ bản thân.
Tôi cắt thêm bốn đoạn dây không chìm nữa và buộc chặt cái
phao cứu nạn vào bốn cạnh của cái bè vuông. Tôi luồn dây từ cái phao qua các áo
phao, quanh các mái chèo, chạy ra chạy vào quanh cái áo phao và vòng qua bè.
Cũng là một biện pháp đề phòng vỡ bè.
Con linh cẩu bắt đầu kêu thét hết cỡ.
Vẫn còn một việc cuối cùng phải làm. “Lạy Chúa, xin cho con
một lát nữa”, tôi cầu khẩn. Tôi túm lấy phần còn lại của cái dây không chìm. Có
một cái lỗ xuyên qua gần đỉnh của thanh nhọn mũi xuồng. Tôi luồn sợi dây qua
cái lỗ ấy và thắt nút. Chỉ cần buộc chặt đầu dây kia vào bè là tôi có thể
thoát.
Con linh cẩu lại lặng im. Tim tôi ngừng bặt, rồi đập trở lại
nhanh gấp ba lần. Tôi quay lại.
“Lạy Chúa Jesus, Đức mẹ Mary, Thánh Muhammad và Thần
Vishnu!”.
Những gì hiển hiện trước mắt tôi lúc ấy sẽ hằn lại trong tôi
cho đến chết. Richard Parker đã trỗi dậy và xuất đầu lộ diện. Nó cách tôi chưa
đầy năm mét. Ôi, nó mới to lớn làm sao! Con linh cẩu tận số đến nơi rồi, và cả
tôi nữa. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, tê liệt hoàn toàn, hãi hung chứng kiến những
gì đang diễn ra trước mắt. Đã từng thấy hai con thú hoang bỏ xổng trên xuồng
quan hệ với nhau ra sao, tôi đã tưởng cuộc đổ máu sẽ phải ầm ĩ và đầy vật lộn.
Nhưng nó xảy ra thực sự im lìm. Con linh cầu chết không một tiếng rên la, và
Richard Parker giết con linh cẩu một cách im phăng phắc. Con thú ăn thịt màu
lửa ấy trỗi dậy từ phía dưới tấm bạt và bước tới chỗ con linh cẩu. Con này đang
đứng dựa vào chiếc ghế đuôi xuồng, đằng sau xác con ngựa vằn, như bị đóng đanh
vào đó. Nó không chống cự. Nó khuỵu xuống sàn, giơ một chân trước lên trong một
dáng điệu tự vệ tuyệt vọng. Vẻ mặt nó là hình ảnh của sự hãi hùng. Mòng vuốt
khổng lồ của con hổ bổ xuống vai nó. Richard Parker ngoạm vào cổ nó, cặp mắt
như tráng men ướt chừng to hẳn ra. Tiếng thịt xương rau ráu khi thanh quản và
dây sống bị nghiền nát. Con linh cẩu giãy một cái. Mắt nó đờ ra. Thế là xong.
Richard Parker nhả mồi và cất tiếng gầm gừ. Một tiếng gầm gừ
gần như chán nản và không hề muốn ai nghe thấy. Nó thở dốc, lưỡi thè lè. Nó
liếm mép. Nó lắc đầu. Nó hít ngửi con linh cẩu đã chết. Nó ngẩng cao đầu và đón
ngửi không khí. Nó chống cả hai chân trước lên mặt ghế băng và rướn lên. Hai
chân nó dang rộng. Cái xuồng lắc lư, mặc dù rất nhẹ, rõ ràng đang làm nó khó
chịu. Nó nhìn quanh mạn xuồng ra phía biển khơi. Nó cất một tiếng gằn trầm đặc
và cáu kỉnh. Nó lại ngửi không khí. Nó từ từ quay đầu. Nó quay, quay, quay hẳn
lại đằng sau, cho đến lúc nhìn thẳng vào tôi.
Ước gì tôi có thể mô tả lại những gì xảy ra sau đó, không
phải những cái tôi nhìn thấy, điều đó còn có thể tả được, mà là những gì tôi đã
trải qua trong cảm giác của mình. Tôi nhìn Richard từ một góc độ thấy hết vẻ
đẹp ghê gớm của nó, nghĩa là từ sau lưng, khi nó vươn người lên và quay đầu
lại. Dáng điệu ấy có vẻ như cố tình làm mẫu, thậm chí hơi quá, để phô trương
nghệ thuật của sức mạnh. Sự hiện diện của nó thật choáng ngợp và áp đảo, mà vẻ
uyển chuyển thì thật duyên dáng. Người nó đầy cơ bắp, nhưng các khớp nhô ra lại
gầy nhỏ và bộ da bóng bẩy như đang treo lỏng lẻo trên khung xương của nó. Thân thể
nó, màu da cam sáng có sắc nâu với những vạch đứng đen tuyền, đẹp không thể so
sánh với cái gì được, và thật hài hòa với mầu trắng tinh khiết của bộ ngực và
dưới hai bên sườn cũng như những vòng đen chạy suốt bộ đuôi dài. Khổ đầu nó to
và tròn, phô trương một bộ râu quai nón đáng kính nể, một chòm râu cằm sành
điệu, và những sợi râu mép đẹp nhất trong thế giới hổ báo – dầy, dài và trắng
tinh. Trên đỉnh đầu là đôi tai nhỏ sinh động có hình dáng của những mái vòm
tuyệt hảo. Bộ mặt màu da cam - cà rốt có một sống mũi rộng, một chỏm mũi màu
hồng, và được thiết kế rất phóng khoáng táo bạo. Các chấm đen hình sóng chạy
vòng quanh gương mặt theo một kiểu vừa nổi bật vừa tinh tế, vì chúng thu hút sự
chú ý vào chúng thì ít mà vào cái phần không có chúng thì nhiều, tức là phần
sống mũi sáng sủa đến mức gần như rỡ ràng. Các mảng trắng phía trên mắt, hai
bên má và xung quanh miệng nổi bật lên như những nét trang điểm cuối cùng xứng
đáng với một vũ nữ Kathakali. Kết quả là một gương mặt trông giống như một đôi
cánh bướm và mang một vẻ gì đó hơi già nua và Trung Quốc. Nhưng khi cặp mắt màu
hoàng ngọc của Richard Parker gặp mắt tôi, cái nhìn chằm chằm của nó thật căng
thẳng, lạnh lùng và không nhượng bộ, không dễ dãi hoặc thân thiện chút nào,
biểu lộ thái độ tự chủ đến độ giận dữ sắp nổ tung ra được. Hai tai nó vẫy vẫy
rồi quay vòng. Một môi bắt đầu vén lên hạ xuống, để lộ chiếc nanh vàng khè dài
phải bằng ngón tay dài nhất của tôi.
Lông tóc trên người tôi dựng đứng hết cả, ngộp thở vì sợ
hãi.
Đúng lúc đó thì con chuột xuất hiện. Không biết từ đâu, một
con chuột nâu xơ xác hiện hình trên mặt ghế bên cạnh xuồng, hốt hoảng, hết hơi.
Richard Parker cũng có vẻ kinh ngạc như tôi. Con chuột nhảy vọt lên tấm bạt và
chạy về phía tôi. Thấy thế, vừa choáng, vừa ngạc nhiên, hai chân tôi khuỵu
xuống và tôi gần như ngã vào trong cái tủ bên dưới. Trước cặp mắt kinh hoàng
của tôi con chuột nhảy thoăn thoắt qua các phần của bè, vọt lên người tôi và
trèo luôn lên đỉnh đầu. Những cái móng bé tí xíu của nó bám chặt xuống da đầu
tôi, khư khư níu lấy sự sống.
Cặp mắt của Richard Parker đã dõi theo con chuột. Bây giờ
thì chúng nhìn chằm chằm vào đầu tôi.
Nó không quay đầu thêm nữa mà từ từ xoay người đồng thời đưa
hai chân trước dọc theo ghế cạnh xuồng. Nó uyển chuyển và nhẹ nhàng nhẩy xuống
sàn xuồng.
Tôi có thể thấy đỉnh đầu, cái lưng và cái đuôi dài uốn cong
lên của nó. Hai tai nó ép xuống sọ. Chỉ ba bước nó đã về đến giữa xuồng. Cũng
nhẹ nhàng như không, nó đứng hẳn nửa thân trước lên và vịn chân vào mép tấm bạt
đã cuộn lên.
Nó chỉ cách tôi chừng hai mét. Đầu nó, ngực nó, chân nó - to
quá! To quá! Hàm răng nó như cả một tiểu đoàn bộ binh. Nó đang sửa soạn nhảy
lên tấm bạt. Tôi sắp chết rồi.
Nhưng tấm bạt bập bùng làm nó khó chịu. Nó ấn thử chân xuống
chỗ này chỗ kia.
Nó ngẩng lên có vẻ lo lắng - hình như khó chịu vì có quá
nhiều ánh sáng và quá mênh mông ở xung quanh. Cái xuồng liên tục lắc lư cũng
tiếp tục làm nó không yên. Trong giây lát, Richard Parker lưỡng lự.
Tôi túm con chuột và ném về phía con hổ. Tôi vẫn còn thấy nó
trong kí ức khi nó bay vọt qua trong không gian - chân duỗi hết ra và cái đuôi
dựng đứng, cái bìu dái dài nhỏ xíu và cái lỗ đít như lỗ châm kim. Richard
Parker ngoác miệng ra và con chuột đang kêu chí chóe biến mất vào đó như một
quả bóng chày chui tọt vào găng tay người bắt bóng. Cái đuôi trụi thùi lụi của
nó biến đi như một sợi mì ống bị mút chụt vào mồm.
Con hổ có vẻ hài lòng vì món quà. Nó lùi lại và quay về chỗ
ở bên dưới tấm bạt.
Chân tôi lập tức sinh động trở lại. Tôi nhầy lên và mở cái
nắp tủ để bịt khoảng trống giữa mặt ghế dài mũi xuồng và cái mui bạt.
Tôi nghe tiếng hít ngửi ầm ĩ và tiếng thịt nặng bị lôi kéo
trên sàn. Thân thể nó dịch chuyển khiến xuồng chòng chành. Tôi bắt đầu nghe
tiếng ăn nhóp nhép. Tôi liếc xuống bên dưới tấm bạt. Nó đang ở giữa xuồng. Nó
đang ăn con linh cẩu với từng miếng lớn, nhai nuốt liên tục. Không thể để lỡ cơ
hội duy nhất này. Tôi với xuống và lấy lên được những chiếc áo phao còn lại -
sáu chiếc tất cả - và cả cái mái chèo cuối cùng. Chúng sẽ củng cố thêm cho cái
bè. Tôi để ý thấy mùi gì. Không phải sặc sụa như mùi nước đái hổ. Mà là mùi
nôn. Và tôi thấy cả một bãi nôn dưới sàn. Chắc hẳn là Richard Parker thật. Như
vậy là nó bị say sóng thật.
Tôi buộc cái dây dài vào bè. Bây giờ thì bè đã được nối vào
xuồng. Tiếp đó, tôi buộc thêm bốn chiếc áo phao vào bốn cạnh bè, ở phía dưới.
Một chiếc áo phao nữa thì tôi buộc trải ngang qua cái phao để làm thành một cái
ghế ngồi. Tôi biến cái chèo cuối cùng thành cái để gác chân, chằng vào một cạnh
bè, cách cái phao chừng sáu mươi phân, rồi buộc nốt chiếc áo phao còn lại vào
đó. Những ngón tay tôi run bắn, tôi hụt hơi và khó thở. Tôi kiểm tra đi, kiểm
tra lại các nút buộc.
Tôi nhìn ra xung quanh. Chỉ thấy những đợt sóng dài và nhẹ.
Không có sóng bạc đầu. Gió thổi nhẹ và đều. Tôi nhìn xuống nước. Có nhiều cá -
cá to với bộ trán dô và các vây lưng rất dài, tôi chưa từng thấy bao giờ, và
các loại cá nhỏ hơn nữa - rồi thấy cả cá mập.
Tôi nhẹ nhàng thả cái bè ra khỏi xuồng. Nếu vì lí do nào đó
mà nó không nổi thì tôi chỉ có chắc chết mà thôi. Nó xuống nước thật đẹp. Thực
tế là các áo phao nổi mạnh đến nỗi chúng nhấc cả cái phao và các mái chèo lên
hẳn mặt nước. Nhưng lòng tôi nặng trĩu. Vừa khi cái bè chạm nước, các bầy cá
tản ngay ra, chỉ trừ bọn cá mập. Chúng ở lại. Ba hoặc bốn con. Một con bơi qua
ngay dưới bè. Richard Parker hắng giọng.
Tôi thấy mình giống như một người bị tù bọn cướp biển bắt
phải nhẩy xuống biển. Tôi kéo cái bè vào gần, cho đến khi các đầu mái chèo chạm
hẳn vào xuồng. Tôi nghiêng xuống đặt tay lên cái phao. Qua các kẽ hở trên mặt
bè – gọi chúng là những khe hở toang hoác thì đúng hơn – tôi nhìn thẳng xuống
những tầng sâu thăm thẳm của biển cả. Tôi nghe lại thấy tiếng Richard Parker.
Tôi trườn úp bụng xuống bè. Tôi nằm bẹp gí, dang hết chân tay và không dám cựa
một ngón tay nào. Cái bè có thể lật bất kỳ lúc nào. Hoặc một con cá mập sẽ lao
lên cắn thủng các áo phao, mái chèo. Nhưng không có gì xảy ra. Cái bè chìm
xuống một chút, bập bềnh và tròng trành, các đầu chèo chúi xuống dưới mặt nước,
nhưng nó nổi một cách chắc chắn. Lũ cá mập đến gần, song không động chạm gì
hết.
Tôi cảm thấy một cái giật dây nhẹ. Cái bè xoay một vòng. Tôi
ngẩng đầu. Xuồng và bè đã cách xa nhau bằng hết đoạn dây, chừng mười hai mười
ba thước. Sợi dây căng thẳng, bật lên khỏi mặt nước và run rẩy trong không khí.
Thật là một cảnh tượng đáng ghét. Tôi đã rời xuồng để cứu mạng mình. Và bây giờ
thì lại muốn quay lại xuồng. Cái bè thật là một giải pháp chất chưởng. Chỉ cần
một con cá mập cắn đứt dây, hoặc một cái nút bị tuột, hoặc một con sóng lớn ào
xuống đầu tôi, thế là đi đứt. So với cái bè, chiếc xuồng bây giờ dường như là
một chốn cư ngụ thật tiện nghi và an toàn.
Tôi lập cập trở mình. Tôi ngồi dậy. Cho đến lúc ấy, cái bè
có vẻ khá ổn định. Cái để chân của tôi rất có tác dụng. Nhưng cái gì cũng quá
nhỏ. Chỉ đủ chỗ để ngồi lên thôi, không hơn. Cái bè đồ chơi, cái bè mini, cái
bè micro này có thể dùng để chu du trong một cái ao, không thể đi qua Thái Bình
Dương được. Tôi níu lấy sợi dây và kéo. Càng gần xuồng, tôi kéo càng chậm lại.
Khi vào đến cạnh xuồng, tôi lại nghe tiếng Richard Parker. Nó vẫn đang ăn.
Tôi lưỡng lự nhiều phút dài.
Tôi ngồi nguyên dưới bè. Không biết có thể làm gì khác hơn
thế. Các lựa chọn của tôi chỉ là vắt vẻo trên một con hổ hoặc lửng lơ trên bọn
cá mập mà thôi. Tôi đã biết quá rõ Richard Parker nguy hiểm như thế nào. Còn cá
mập thì tôi chưa thấy chúng nguy hiểm ra sao. Tôi kiểm tra các nút buộc của sợi
dây vào xuồng vào bè. Tôi thả dây ra cho đến khi cách xuồng chừng mười mét, cái
khoảng cách có vẻ cân bằng hai cái sợ của tôi: quá gần Richard Parker và quá xa
chiếc xuồng.
Đoạn dây còn lại, khoảng ba mét gì đó, tôi cuốn vòng xung
quanh cái chèo để chân. Nếu cần, tôi có thể dễ dàng thả đoạn dây đó ra.
Ngày đang tàn. Mưa bắt đầu rơi. Trời đã nặng mây và ấm áp
suốt ngày. Bây giờ thì nhiệt độ hạ hẳn xuống, mưa tầm tã và lạnh. Khắp xung
quanh tôi, những giọt nước ngọt nặng trĩu rơi rào rào và phí phạm xuống biển,
làm nhăn nheo mặt sóng. Tôi lại kéo sợi dây. Vào sát mũi xuồng, tôi quì lên và
ôm lấy chỗ thanh nhô. Tôi đu người lên và thận trọng nhìn qua mạn xuồng. Không
thấy nó đâu.
Tôi vội vàng mò vào tủ. Tôi vớ một cái hứng nước mưa, một
túi nhựa năm mươi lít, một cái chăn và cuốn cẩm nang. Tôi đập cái nắp tủ xuống.
Tôi không định làm thế, tuy cũng lo mưa vào ướt hết những của quí của tôi,
nhưng cái nắp tuột khỏi bàn tay ướt nhoẹt của tôi. Đó là một sai lầm tệ hại. Hạ
cái nắp xuống đã là hành động để lộ mình cho Richard Parker nhìn thấy rồi, mà
lại còn làm đến rầm một cái để gọi nó nữa! Đang phủ phục trên con linh cẩu, nó
lập tức quay đầu lại. Nhiều con thú rất ghét bị quấy rầy lúc đang ăn. Richard
Parker gầm lên. Móng vuốt nó giương ra. Chỏm đuôi nó vẫy qua vẫy lại như có động
cơ điện. Tôi nhẩy ào xuống bè. Chắc chắn là sợ hãi đã khiến tôi nhanh đến thế.
Và cùng với gió và nước dòng, chỉ nhoáng một cái là tôi đã ra xa xuồng. Tôi thả
hết dây. Nhất định Richard Parker sẽ lao ra khỏi xuồng, vọt qua không trung,
nhe nanh giương vuốt vồ lấy tôi. Tôi không rời mắt khỏi chiếc xuồng. Càng nhìn
càng hãi.
Nó không xuất hiện.
Đến khi mở được cái hứng mưa ra trên đầu và buộc chân vào
trong cái túi nylon, người tôi đã ướt hết cả. Nhưng tôi vẫn quấn nó quanh
người.
Đêm đến. Xung quanh tôi chỉ còn là bóng tối đầy đặc. Chỉ nhờ
vào những cú kéo giật đều đặn của sợi dây mà tôi biết mình vẫn còn nối với
xuồng. Biển, chỉ ở bên dưới tôi độ chục phân mà mắt tôi không thể thấy, im lặng
nâng đỡ cái bè. Những ngón tay nước vụng trộm thò lên qua các khe hở và quệt
ướt hết cả đít tôi.
Chương 53
Mưa suốt đêm. Một đêm mưa hãi hùng, không chợp mắt và đầy
tiếng động. Mưa rơi xuống cái hứng nước rào rào như trống đánh, và rít lên
trong bóng đen bủa vây khắp quanh tôi, như thể tôi đang ở giữa một ổ rắn khổng
lồ đang cơn giận dữ. Gió xoay chiều thổi bạt nước mưa hết hướng này sang hướng
khác, khiến thân thể tôi cứ vừa hơi khô được một chỗ thì lại ướt sũng trở lại.
Tôi xoay chuyển cái hứng mưa, nhưng chỉ được vài phút lại chuyển theo hướng gió
đổi chiều khác. Tôi cố giữ cho ấm một tí ở ngực, nơi tôi độn cuốn hướng dẫn
sống còn, nhưng nước lạnh cương quyết lan khắp người tôi một cách bệnh hoạn.
Tôi rét run cầm cập suốt cả đêm, lúc nào cũng lo về cái bè vỡ, dây nối với
xuồng bị tuột hoặc cá mập tấn công. Hai tay tôi sờ nắn các đoạn dây và nút buộc
không ngừng nghỉ, như thể đang đọc chúng như người mù đọc chữ nổi vậy.
Đêm càng khuya, gió càng mạnh và biển càng động dữ dằn hơn.
Sợi dây nối bè với xuồng không còn giật nhẹ nữa mà căng thẳng như một cú giật
nẩy người, và cái bè tròng trành mạnh không theo nhịp độ nào nhất định. Nó tiếp
tục nổi, cưỡi lên các con sóng, nhưng vì không có mạn che chắn nên sóng nước cứ
việc ào qua trên người tôi như một con sông chảy qua một hòn đá giữa dòng. Nước
biển ấm hơn nước mưa, song người tôi thật không còn một chỗ tí xíu nào khô ráo
trong suốt đêm hôm đó.
Ít nhất thì tôi cũng được uống. Thực ra tôi không khát, mà
tôi buộc mình phải uống nước. Cái hứng mưa giống như một cái ô để ngửa, một cái
ô bị gió thổi lộn ngược. Nước mưa chảy vào chỗ trũng ở giữa, qua cái lỗ, vào
cái ống cao su rồi xuống cái túi chứa bằng nhựa đầy đặn và trong suốt. Lúc đầu,
nước có vị cao su, nhưng chỉ một lúc sau thì mọi thứ được rửa sạch và nước uống
ngon lành.
Trong những giờ phút dài dằng dẵng, lạnh cóng và tối đen ấy,
ù tai trong mưa, vất vưởng trên những ngọn sóng khi biển cả gầm rít, tôi vẫn
đinh ninh một ý nghĩ: Richard Parker. Tôi nghĩ ra đủ các kế hoạch để thủ tiêu
nó và giành lại chiếc xuồng.
Kế hoạch số một:
Đẩy nó ra khỏi xuồng. Liệu có ích gì không? Trước hết là liệu có đủ sức đẩy một
con hổ dữ đang còn sống và nặng hơn hai tạ ra khỏi xuồng không? Và chăng nữa,
hổ lại là loài thú bơi giỏi. Tại Sundarban, người ta đã thấy hổ bơi hàng trăm
dặm ngoài biển khơi sóng dữ. Vậy thì có bị đẩy xuống biển Richard Parker chỉ
việc đạp vài cái, trèo lên xuồng trở lại và bắt tôi trả giá cho hành động phản
bội của mình.
Kế hoạch số hai:
Giết nó bằng sáu ống Morphine: Nhưng cũng không biết morphine có tác dụng gì
không. Liệu có đủ để giết nó không? Và tôi sẽ tiêm morphine vào người nó như
thế nào? Cứ cho là tôi có thể lừa được nó một lần và bất ngờ tiêm một ống.
Nhưng làm sao lừa nó sáu lần liên tiếp? Không thể được. Chỉ cần cắm kim tiêm
vào nó là tôi sẽ lãnh đủ một cú tát có thể rụng đầu rồi.
Kế hoạch số ba:
Tấn công nó bằng tất cả những gì có thể dùng làm vũ khí. Phi lí và nực cười.
Tôi đâu phải Tazan. Tôi chỉ là một hình nhân ăn chay yếu ớt và nhỏ bé. Muốn săn
giết hổ ở Ấn Độ, cần phải cưỡi voi khỏe và dùng súng lớn. Còn ở đây thì tôi làm
thế nào? Ném một quả pháo sáng vào mặt nó chăng? Xông vào nó với hai tay rìu và
mồm ngậm dao găm chăng? Giết nó bằng các kim khâu cong và thẳng ư? Làm cho nó
ngứa ngáy thôi cũng là một chiến công rồi chứ đừng nói gì đến giết! Và đổi lại,
nó sẽ xé tôi ra từng mảnh, chân tay, gan ruột. Một con thú bị thương nguy hiểm
hơn một con thú lành mạnh rất nhiều.
Kế hoạch số bốn:
Thắt cổ nó. Tôi có dây. Nếu tôi trụ ở mũi xuồng làm sao chạy được sợi dây vòng
qua đuôi xuồng, rồi thắt một thòng lọng vào cổ nó, tôi sẽ kéo dây khi nó lao về
phía tôi. Như thế, càng cố lao vào tôi, nó sẽ càng bị thít chặt cổ. Một kế
hoạch tự vẫn thông mình.
Kế hoạch số năm:
Đánh thuốc độc. Phóng hỏa. Phóng điện. Nhưng làm thế nào? Dùng cái gì.
Kế hoạch số sáu:
Đánh nhau kiểu vây hãm cho chết đói. Chỉ việc để mặc nó với các quy luật khắc nghiệt
của tự nhiên và tôi sẽ chiến thắng. Chẳng phải nhọc sức gì. Cứ đợi cho nó đói
khát cho đến chết. Tôi có dự trữ nhiều tháng. Nó có gì? Chỉ một vài con mồi đã
chết và sẽ thiu thối rất nhanh. Sau đó nó sẽ ăn gì? Và hơn nữa, nước đâu mà
uống. Nó có thể nhịn ăn nhiều tuần lễ, nhưng không có con thú nào, dù khỏe đến
đâu, có thể nhịn uống trong một thời gian dài.
Một tia hy vọng nhỏ nhoi lóe lên trong tôi, như ngọn nến
trong đêm. Tôi đã có một kế hoạch và là một kế hoạch tốt. Chỉ cần tôi sống sót
là thành công.
---------------------
P5: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2012/04/cuoc-oi-cua-pi-yann-martel-p-5.html
P5: http://bloggenguoixuthanh.blogspot.com/2012/04/cuoc-oi-cua-pi-yann-martel-p-5.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét